-
Số nội dung
121 -
Tham gia
-
Lần đăng nhập cuối
Content Type
Hồ sơ
Forums
Calendar
Everything posted by Minh Xuân
-
Cuốn sách BƯỚC RA TỪ HUYỀN THOẠI mới được in. Dưới đây là bài dẫn của cuốn sách này. Chi tiết hơn xin xem ở http://asakicorp.com/bachviet18/?p=845. BÁCH VIỆT TRÙNG CỬU DẪN LUẬN Lịch sử của quốc gia, của dân tộc không thuộc về riêng ai. Các sử gia chép sử, các nhà văn hóa mô tả sử…, còn nhân dân mới là những người làm nên lịch sử. Trong khi các sử gia thận trọng biên chép các sự kiện lịch sử theo quan niệm chính thống mỗi thời đại thì còn một dòng sử khác tồn tại song song, với sức lan tỏa rộng hơn, sinh động hơn. Đó là dòng sử trong dân gian, được lưu truyền qua các câu chuyện kể, các di tích, các di vật, các sự tích của các danh nhân địa phương… Truyền thuyết họ Hồng Bàng của người Việt kể rằng Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra trăm người con trai, là tổ của Bách Việt. Cha Lạc Long dẫn 50 người con xuống khai phá vùng biển Đông. Mẹ Âu Cơ dẫn 50 người con lên rừng, về đất Phong Châu, lập con cả làm vua, gọi là Hùng Vương. Người Việt ngày nay là con cháu của trăm người con trai đó, tức là một phần của cả dòng họ, đồng bào Bách Việt xưa, cùng chung một nguồn cội họ Hùng. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang (nước này Đông giáp biển Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến hồ Động Đình, Nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành, nay là Quảng Nam), chia nước làm 15 bộ…”. Cương vực 15 bộ mênh mông của nước Văn Lang thời Hùng Vương, với Tây giáp Tứ Xuyên (Ba Thục), Bắc tới Hồ Nam (hồ Động Đình?), làm các sử gia nghi ngờ rằng đó là lãnh thổ của cả dòng Bách Việt chứ không chỉ của “nước Việt” ngày nay. Lãnh thổ Bách Việt đã trải khắp vùng Hoa Nam, rộng lớn không thể ngờ. Phạm vi nước Văn Lang thời Hùng Vương theo truyền thuyết Truyền thuyết từ thời cha sinh mẹ đẻ không sai. Chính sử Việt chép cũng không sai. Bởi vì đó là những thông tin, những ghi chép lịch sử của cả cộng đồng người Bách Việt còn lưu lại chứ không phải chỉ của nước Đại Việt vào thời Lê sau này. Nếu nhìn nhận các truyền thuyết lịch sử Việt tách rời khỏi không gian và thời gian mà nó hình thành sẽ dẫn đến những lệch lạc vô cùng lớn, làm cho những câu truyện truyền thuyết trở nên không thể hiểu nổi. Với “tầm nhìn thời đại” của các chuyên gia sử học ngày nay thì những chuyện “trâu ma rắn thần” của thời cổ sử bị biến thành không “chích quái” thì cũng là “u linh”, mờ ảo. Thế nhưng, quá khứ xa xôi của người Việt lại nằm chính ở những dòng huyền sử lắng đọng đó. Chối bỏ huyền sử tức là quay mặt lại với quá khứ, với tổ tiên nòi giống. Người Việt là một phần của đại tộc Bách Việt là điều thật rõ, rõ ngay từ cái tên gọi. Vì thế lịch sử Bách Việt cũng là lịch sử của người Việt. Sách Hán thư viết: “Trong vòng bảy hoặc tám nghìn dặm từ Giao Chỉ tới Cối Kê ở đâu cũng có Bách Việt, mỗi nhóm có các thị tộc của mình.” Bách Việt là một cộng đồng các dân tộc cùng nguồn gốc sinh sống ở phía Nam sông Dương Tử cho tới bán đảo Đông Dương từ thời trước Công nguyên. Về nhân chủng học thì Bách Việt là những cư dân thuộc loại hình Nam Mongoloid (Nam Á), trong đó bao gồm những nhóm dân tộc Tày Thái, Việt Mường, Môn – Khmer và cả Miêu Dao, phân bố ở Hoa Nam và Đông Nam Á ngày nay. Trung Quốc thời nay là một tập hợp các vùng lãnh thổ nơi mà trong quá khứ đã được sinh sống bởi những tộc người khác nhau. Con sông Dương Tử chia đại lục Trung Quốc thành 2 phần gần bằng nhau. Một nửa lãnh thổ Trung Quốc là đất người Bách Việt vào thời trước Công nguyên nên lịch sử Trung Hoa không thể không có những khoảng thời gian là lịch sử Bách Việt. Hơn thế nữa, một nửa phương Nam mới là nơi đã làm nên nền văn hóa Trung Hoa cổ đại rực rỡ. Những công trình xác nhận vai trò của văn hóa Bách Việt đối với nền văn minh Trung Hoa cổ xuất hiện ngày càng nhiều. Bắt đầu từ những bước lội ngược dòng của giáo sư Kim Định vào những năm 1970 chỉ ra những đóng góp to lớn của văn hóa Việt trong văn hóa Trung Hoa cổ. Hay gần đây hơn như công bố của giáo sư người Nga Dega Deopik, Viện các nước Á – Phi thuộc trường Đại học Tổng hợp quốc gia Matxcơva, cho rằng chủ nhân của nền văn minh Trung Hoa là người Môn – Khmer, tức là người Bách Việt. Cho tới nay, chính nghiên cứu của những nhà khoa học Trung Quốc tại vùng Lĩnh Nam cũng đang khẳng định điều này. Xem lại lịch sử Trung Hoa thời trung đại. Thế kỷ thứ 13 khi vó ngựa Mông Cổ tung hoành khắp đại lục Trung Hoa, nước Đại Lý, rồi Nam Tống của người Hoa lần lượt bị quân Nguyên thôn tính. Chỉ có nhà Trần trên đất Đại Việt – Giao Chỉ là kiên cường chống quân xâm lược. 3 lần đại thắng quân Nguyên của vua tôi nhà Trần không chỉ là chiến thắng của người Việt trước quân giặc phương Bắc mà còn là chiến thắng của cộng đồng Bách Việt trước sự bành trướng của ngoại tộc Thát Mông. Nhà Trần vốn xuất xứ từ vùng đất Mân Việt ở Phúc Kiến – Chiết Giang, là đất Trung Hoa, cũng là đất Bách Việt xưa. Xét vậy thì giữa nhà Trần và nhà Nguyên rõ ràng nhà Trần mới là Trung Hoa đích thực. Nhà Nguyên là triều đại của người Mông Cổ, không liên quan gì tới Trung Hoa cổ đại. Các vua Trần rồi vua Lê sau đó trong không ít thư tịch, văn bia để lại đã gọi quốc gia của mình là cõi Trung Hạ, Trung Quốc, thậm chí Hoa Hạ (xin xem các trích dẫn trong phần Quan niệm Hoa Di trong sách Ngàn năm áo mũ của Trần Quang Đức). Gần hơn nữa, có Nguyễn Huệ, tên thật là Hồ Thơm, người họ Hồ từ tổ tiên dòng Đế Thuấn nước Ngu của Trung Hoa cổ đại. Trong cuộc đụng đầu lịch sử giữa Càn Long nhà Thanh và vua Quang Trung ở thành Thăng Long thì rõ ràng triều đại của Quang Trung mới là người Trung Hoa chính gốc. Nhà Thanh là người Mãn Kim, không hề có dây mơ rễ má gì với Trung Hoa cả. Sang đến triều Nguyễn, vua Minh Mạng lên ngôi, đoàng hoàng, công khai cho đúc Cửu đỉnh, là 9 chiếc đỉnh lớn tượng trưng cho vương quyền của Trung Hoa, đặt ở kinh thành Huế. Chiếu chỉ đúc đỉnh ghi rõ: “Đỉnh là để tỏ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã tụ lại. Thực là đồ quý trọng ở nhà tôn miếu. Xưa các minh vương đời Tam đại lấy kim loại do các quan mục bá chín châu dâng cống, đúc chín cái đỉnh để làm vật báu truyền lại đời sau. Quy chế điển lễ ấy thực to lớn lắm! Trẫm kính nối nghiệp trước, vâng theo đường lối rõ ràng. Nay muốn phỏng theo đời xưa, đúc chín cái đỉnh để ở nhà Thế miếu…”. Những chiếc đỉnh được đúc theo gương “các minh vương thời Tam đại” (Hạ, Thương, Chu) này là minh chứng rõ ràng, triều Nguyễn mới là “thiên tử” chính truyền của Trung Hoa thời kỳ này. Truyền thuyết lịch sử Việt được chép trong Việt Điện u linh, Lĩnh Nam chích quái là những thu nhặt chuyện kể trong dân gian từ thời Trần. Những câu đối, hoành phi trong các đền miếu ngày nay còn giữ lại được phần lớn là từ thời Nguyễn. Có vẻ niên đại của những minh văn này không đủ xa, đủ lâu so với những thư tịch chính sử… được mang từ bên Tàu về. Nhưng giá trị của những tư liệu dân gian này là ở chỗ nó không bị chỉnh lý bởi quan niệm sử chính thống hay bị bóp nặn theo ý đồ của ai đó. Những thần phả, thần tích địa phương ở nước ta được chép với quan điểm Trung Hoa – Bách Việt rõ ràng, bởi vì vào thời kỳ đó chỉ có Việt mới là Hoa thực thụ. “Trung Hoa” trong quá khứ là từ chung chỉ “thiên hạ” của các tộc người vùng Đông và Đông Nam Á. Trung Hoa xưa và Trung Quốc nay không phải là một. Trong số các dân tộc của Trung Quốc ngày nay thậm chí còn không có dân tộc “Hoa”, chỉ có Hán tộc mà thôi. Hoa không hề là Hán như vẫn người Tàu vẫn chú thích một cách vô căn cứ vì người Hoa là người Bách Việt, còn Hán là người Bắc Mongonloid, cùng dòng giống với người Liêu, người Kim, người Thát (Mông Cổ). Nhận định lịch sử Trung Hoa cổ đại là lịch sử Bách Việt mà người Việt ở nước Nam ngày nay là một bộ phận độc lập còn tồn tại cho phép giải mã được phần lớn các truyền thuyết lịch sử Việt. Đây không phải là “lấy sử Tàu làm ta”, bởi vì “sử Tàu” hay “sử ta” ngày nay chỉ là những cách chép sử với góc nhìn mang hạn chế của vùng lãnh thổ hiện tại vào thời điểm hiện tại. Nước Nam của thời đầu Công nguyên có lãnh thổ hoàn toàn không giống với nước Đại Việt thời Lê hay với nước Việt Nam thế kỷ 21 này. Những sự kiện, những nhân vật lịch sử nước Nam thời cổ và trung đại có tầm vóc, phạm vi vượt ra ngoài khuôn khổ lãnh thổ quốc gia ngày nay bởi đó là lịch sử ghi chép theo quan điểm dân tộc Bách Việt trên địa bàn của Trung Hoa rộng lớn. Lĩnh Nam chích quái là truyền thuyết của vùng Lĩnh Nam, tức là của cả vùng đất Bách Việt. Giải mã, đối chiếu truyền thuyết và lịch sử của nước Nam không thể chỉ hạn chế ở ranh giới Việt – Trung mới được định lại vào sau thời “Trung Hoa dân Quốc” của Tôn Trung Sơn (năm 1911). Từ đầu Công nguyên cột đồng phân giới giữa Trưng Vương và Mã Viện hoàn toàn có thể nằm ở tận Bắc Quảng Tây. Bảy quận nước Nam của Giao Châu thời Sĩ Nhiếp chẳng chừa vùng Lưỡng Quảng. Lưu Cung lập nước Đại Việt năm 917 không phải là trên vùng đất Nam Việt nhà Triệu xưa? Đó đều là lịch sử Việt cả. Thiên Nam ngữ lục, trường ca thơ sử bằng chữ Nôm cuối thế kỷ 17 là một kho tàng sử liệu cực kỳ quý giá đối với nghiên cứu lịch sử Việt. Tác phẩm có niên đại cùng thời Ngô Sĩ Liên chỉnh lý Đại Việt sử ký toàn thư. Bộ ngữ lục này được sáng tác bằng thơ, bằng chữ Nôm, nhưng không có nghĩa là “tùy tác”. Đây là một tác phẩm được soạn để dâng lên chúa Trịnh, là một cuốn chính sử hoàn toàn nghiêm túc như trong câu mở đầu tác phẩm đã nói: Trải xem sự kỷ nước Nam Kính vâng tay mới chép làm nôm na. Truyền thuyết, thơ sử lưu truyền ngày nay bị cho là có tính “thảng thốt” về lịch sử, bởi vì những gì được chép lại không giống với dòng sử bác học đang lưu hành. Không giống không có nghĩa là không đáng tin, đáng nghĩ. Những chỗ mà dòng sử dân gian vênh lệch so với sử hàn lâm chính là những chỗ lịch sử nước Nam cần phải xem xét lại, phải diễn giải lại cho đúng với không gian thời gian của lịch sử. Bên cạnh phạm vi lãnh thổ và thời gian, để hiểu đúng truyền thuyết còn cần lùi cách nhìn nhận lại vào đúng không gian ngôn ngữ văn hóa của thời kỳ mà truyền thuyết được hình thành. Ví dụ từ “cửu trùng” hiểu như ngày nay là “9 tầng” thì sẽ dẫn đến những điều vô lý, chẳng đâu vào đâu. Xưa lên ngôi vua gọi là lên “ngôi cửu trùng”. Đền Thượng thờ vua Hùng ở Phú Thọ gọi là Cửu trùng thiên điện, không phải nghĩa là điện thờ ở 9 tầng trời mà là điện thờ Vua, thờ ông Trời. Thành Cổ Loa không phải có 9 vòng thành, mà là tòa thành từng được gọi là “Cửu trùng thành”, nghĩa là thành nơi có Vua. Cửu trùng hay trùng cửu – trường cửu là từ mượn âm, dùng để xưng tụng, tung hô với nghĩa như từ “vạn tuế”. Đời vua Hùng Vương 18 không phải là đời vua Hùng cuối cùng, mà ngược lại, 18 là trùng cửu (9×2), là con số chỉ sự trường tồn của thời đại Hùng Vương. Những cái bẫy của ngôn ngữ do sự khác biệt xưa – nay đã làm lạc hướng các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Việt, dẫn đến “sai một ly đi một dặm”. Do chữ Nho là thứ văn tự bản chất tượng hình nên để ký âm, nhất là âm của ngôn ngữ khác, các nho sĩ xưa phải dùng phép phiên thiết. Phiên thiết một âm là dùng 2 “ký tự” (2 chữ), một tự ký phụ âm, một tự ký vần, ghép lại để ghi âm. Một âm Nôm khi chép vào sử sách do vậy biến thành 2 chữ Nho, lâu ngày người ta quên đi rằng đây là các “ký tự” để ghi âm chứ không phải ghi nghĩa. Mê Linh là 2 ký tự ghi âm Minh – Minh đô của vua Hùng, chẳng phải loài chim M’linh, M’lang nào cả. Tên làng Vân Già thiết Và, chứ không phải đám mây có tuổi mà “già”… Truyền thuyết không phải là lịch sử, nhưng nếu truyền thuyết được quy chiếu vào đúng hệ tọa độ không gian – thời gian – ngôn ngữ – văn hóa sẽ trở thành lịch sử thật sự. Một trong những tọa độ căn bản của văn hóa phương Đông xưa là Dịch học, là Hà thư Lạc đồ, là Âm Dương Ngũ Hành. Hà là trời, Lạc là đất. Hà thư là những cặp số sắp xếp theo phương vị để chỉ 4 phương trời và một phương trung tâm. Do đó Ngũ Lĩnh là 1 ngọn núi tên là Ngũ, tức là ngọn núi ở trung tâm. Kinh Dương Vương đi tuần ở Ngũ Lĩnh, không phải là nơi có 5 ngọn núi ở bên Tàu. Bát Hải không phải là có 8 cửa biển mà là biển nằm ở phương Tám, tức là phương Đông. Vua cha Bát Hải Động Đình của Thoải phủ trong đạo Mẫu do vậy không hề xuất xứ từ đầm nước ở Hồ Nam mà là vị vua của biển Đông, là cha Lạc Long đã dẫn 50 người con xuống biển. Khi các con số chỉ phương hướng của Hà thư lại phối chồng lên với các tính chất của Ngũ hành hay các quẻ của Bát quái thì sự thể còn đi xa hơn nữa. Từ Lạc – Nác – Nước, cũng là Lục, là số 6, con số chỉ phương Bắc ngày nay. Hùng Vương thứ sáu là Lạc Vương, nghĩa là vua vùng đất phía Bắc, đồng nghĩa với Kinh Dương Vương (Canh Giêng Vương). Tên nước Xích Quỷ hay Xích Quẻ là quẻ chỉ hướng Nam, hướng Xích đạo. Hiểu nước Xích Quỷ của Lạc Long Quân thành “quỷ mặc áo đỏ” thì chẳng ra ngọn ngành gì cả… Những ví dụ về ngôn ngữ như vậy trong cổ sử Hoa Việt vô cùng nhiều. Không vận dụng Dịch lý thì không thể hiểu được những nhân danh, địa danh trong quá khứ, tức là không thể hiểu được những “mật mã” mà tiền nhân người Việt đã nhắn gửi trong những câu truyền thuyết. Ngôn ngữ, văn hóa không chỉ đọng lại trong thư tịch, trong truyền thuyết, trong hoành phi câu đối điện thờ. Những hiện vật khảo cổ của từng thời kỳ lịch sử, có minh văn hay không có minh văn, đều tự kể chuyện mình, kể những câu chuyện hoàn toàn không như cách “giải đoán” của các sử gia ngày nay. Tấm bia Xá lợi tháp minh phát hiện ở Bắc Ninh ghi rõ năm 601 Giao Châu là đất “thuộc bản đồ đế quốc Tùy”, do thứ sử Lưu Phương cai quản. Tức là Lý Phật Tử – Triệu Việt Vương không hề đóng đô ở Long Biên vào những năm này. Đồng tiền cổ với chữ Đinh ở mặt sau thời Ngũ đại thập quốc lại có tên được đúc trăm đồng như một là “Đại Hưng bình bảo”, xứng tên nước Đại Hưng rõ ràng. Chuông cổ Thanh Mai ở Hà Nội đúc năm Càn Hòa thứ 6 cho biết năm 948 Giao Châu đang là một huyện dưới thời vua Lưu Thịnh ở Quảng Đông. Trận đại thắng quân Nam Hán của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng do đó không thể xảy ra vào năm 938 được… Ngày càng có nhiều những phương pháp, những dẫn chứng thuộc những lĩnh vực khoa học khác nhau soi thấy chính sử nước Nam đã được chép… đúng mà không đúng. Lịch sử bị biến thành huyền thoại vì đã không được đặt đúng, hiểu đúng trong tọa độ vốn dĩ của các sự kiện từng xảy ra. Giải mã những huyền thoại, truyền thuyết Việt không phủ nhận, mà trái lại, giúp làm rõ thêm lịch sử. Lịch sử nước Nam là lịch sử của cả đại tộc Bách Việt trên phạm vi thiên hạ Trung Hoa rộng lớn thời cổ trung đại. Lịch sử Hoa Việt thật sự càng lộ rõ thì tộc danh Bách Việt càng rực rỡ, rực rỡ như đã từng tỏa chiếu trong quá khứ. Hình ảnh trên mặt trống đồng Ngọc Lũ Những thông điệp từ quá khứ được nhắn gửi rõ ràng ngay trên mặt trống đồng, linh khí của người Việt cổ. Ở chính giữa mặt trống đồng là hình ảnh của mặt trời, nguồn sống muôn loài. Ngọn lửa ánh sáng ở trung tâm tức là Trung Hỏa – Trung Hạ hay Trung Hoa. Trung Hoa là cõi thiên hạ của người Bách Việt. Vòng ngoài cùng của mặt trống đồng Ngọc Lũ khắc 18 cặp chim, 1 non và 1 trưởng thành đang tung bay. 18 là trùng cửu, là trường cửu. Ý nghĩa của vòng ngoài mặt trống đồng là đời sau con cháu nối tiếp ông cha đời trước mà trường tồn. Thông điệp của trống đồng gửi từ ngàn xưa về là Bách Việt trùng cửu, một sự khẳng định: Bách Việt trường tồn với thời gian.
-
Phiên bản số hóa của cuốn BƯỚC RA TỪ HUYỀN THOẠI, Lịch sử nước Nam qua truyền thuyết và tín ngưỡng dân gian đã được phát hành trên kho sách điện tử Alezaa. Sách có thể tải về và xem trên các thiết bị điện thoại thông minh và máy tính bảng. Kính mời bạn đọc: http://alezaa.com/view?id=21208
-
Góp ý với bác Lãn Miên: Một số thuật ngữ dịch sát hơn: - Tiểu cầu -> Nucleotide - Tuyến lập thể -> Ty thể - Ngữ hệ Úc Thái -> Ngữ hệ Nam Á – Thái? Về người Ngô – Việt: “Năm ngoái Lý Huy cùng tổ nghiên cứu của mình tiến hành nghiên cứu ở Thượng Hải xem người Ngô và người Việt là thuộc một dân tộc hay thuộc hai dân tộc. Trước đó giới ngôn ngữ học cho rằng họ thuộc một dân tộc, vì họ nói có thể hiểu được nhau. Nhưng nghiên cứu phát hiện ra rằng họ thuộc hai dân tộc hoàn toàn khác nhau. Người Việt 7 – 8 ngàn năm trước phát triển tại Thông Giang Thượng Hải. Người Ngô khoảng 3 ngàn năm trước mới tiến nhập Thượng Hải. Các sắc dân người Việt trên cơ thể có lượng lớn đột biến M119; người Ngô lại có rất ít, họ có nhiều là đột biến M7, do hệ ngữ Miêu Dao di truyền. Người Ngô thuộc chi tiên dân Nam Á thiên di từ cao nguyên Vân Quí đi về phía đông, sau đó vị điểm trên chuối DNA ở M134 phát sinh đột biến M7.” Người Việt là dòng dõi con cháu nhà Hạ nên có xuất xứ lâu đời (7-8 ngàn năm) thiên di từ Giao Chỉ tới vùng Phúc Kiến Chiết Giang. Còn nước Ngô là nước lập nên sau cuộc tấn công của Chu Vũ Vương từ vùng cao nguyên Vân Quý tiến lên phạt Trụ, rồi phong cho dòng dõi nhà Chu là Thái Bá làm chúa nước Ngô. Sự kiện này đúng vào khoảng 3 ngàn năm trước. Dấu vết phân tử nhân loại học xác nhận lịch sử Trung Hoa cổ đại tới từng chi tiết.
-
Chúc anh Thiên Sứ năm mới mạnh khỏe. Sau nhiều lần thử với các NXB khác nhau tôi vẫn không nhận được giấy phép của NXB nào cả. Vì thế tôi tập hợp 2 tập sách trên vào một quyển, in ra một ít phục vụ ai muốn đọc. Kính mời các bạn quan tâm liên hệ theo địa chỉ bachviet18@yahoo.com. http://asakicorp.com/bachviet18/?p=934 MỤC LỤC LỜI BẠT LỜI TỰA BÁCH VIỆT TRÙNG CỬU DẪN LUẬN ÔNG TRỜI BÀ TRỜI Viêm Giao Bàn Cổ Ngọc Hoàng thượng đế Quốc mẫu Tây Thiên Núi Côn Lôn ĐẾ QUỐC LẠC HỒNG Mở sử Hoa Việt Kinh Dương Vương Lên núi xuống biển Thần châu Xích huyện TẢN VIÊN SƠN THÁNH Gậy thần sách ước Ngũ hành cung Sơn Tinh – Thủy Tinh Ngũ Nhạc và Ba Vì RỒNG BAY BIỂN BÁT Mẫu Thoải Bát Hải Động Đình Cuộc chiến Hùng – Thục Đầm Nhất dạ Giếng Việt NON SÔNG BÁCH VIỆT Mẹ Âu Cơ Sinh Bách Việt Thần Bổng Chim bạch trĩ Cổ vật Thương Chu LÃO TỬ HÓA VIỆT KINH Lão Tử làng Thổ Hà Xây thành Cổ Loa Huyền Thiên Trấn Vũ Ông Đổng Nam thiên Tứ bất tử NHÂN DUYÊN TẦN VIỆT Mỵ Châu – Trọng Thủy Biển Đông thà chết chẳng theo Tần Họ Chu Việt Nam Tần An Dương Vương HƯƠNG BỔNG ĐỔNG ĐẰNG Đức thánh Chiêm Bến Vĩnh Khang Vua Mây họ Phạm Luận về tứ linh THIÊN NAM ĐẾ THỦY Người Tuấn kiệt Nhâm Ngao Long Hưng Nam Việt Đế NAM QUỐC SƠN HÀ Mũ đâu mâu Chân Định linh thần Thừa tướng Lữ Gia Tam Giang nhị thánh Bảy quận nước Nam LỜI THỀ SÔNG HÁT Tây Lý Vương Ả Lã Nàng Đê Mẫu vì Dương Vương Hống Hát họ Trương NHỮNG ANH HÙNG THỜI LOẠN Tiền nhân họ Phùng Nam Giao học tổ Giao Châu Đặng cư sĩ ĐẦU VOI PHẤT NGỌN CỜ VÀNG Tiếp Lạc khai Đinh Đô Dương Mã bất tiến Thì chi Đông Hán dám hung hăng Khu Linh người nước Nam ta Tây Đồ Di SÁU TRĂM NĂM LÂM ẤP Mạnh Hoạch Nam Triệu Bia cổ nói Lưu Phương và Lý Bát Lang BỐ CÁI ĐẠI VƯƠNG Tây Hưng đại vương Khun Borom Tộc người Thái Tam vị chúa Mường GIANG TÂY SỨ QUÂN Bột Hải triều Nam Dẹp Lâm Ấp Gạch Giang Tây ĐẠI VIỆT ĐẠI HƯNG Khúc tam vị chủ Hạt Lý nảy năm cây Đại Hưng bình bảo Giữa huyện Phù Hoa TRUYỀN THUYẾT ĐINH LÊ Thời 12 sứ quân Thủ lĩnh Đinh Bộ Diễn Châu thái thú Qua cửa Thần Phù ĐÔI LỜI CHIA SẺ CÙNG TÁC GIẢ PHỤ LỤC Đối chiếu truyền thuyết và lịch sử Dịch tượng và ngôn ngữ Thơ Sử thuyết họ Hùng Chỉ dẫn di tích và địa danh Tài liệu tham khảo
-
Vâng. Tôi cũng từng gặp bác Lãn Miên từ năm ngoái. Nếu anh ra Hà Nội thì chúng ta có thể gặp nhau, mời cả bạn Thích Đủ Thứ tham gia cafe. Số ĐT của tôi: 01698614440.
-
Cảm ơn anh Thiên sứ. Tôi đã về nước mấy năm rồi. Anh Nhật mới ở nước ngoài. Tôi cũng đã mua sách của anh ở NXB Tri thức rồi. Tôi từng gửi sách ở đó để in lúc sách của anh đang được biên tập (từ đầu năm nay). Nhưng có lẽ vì đã có quyển của anh rồi nên ông Chu Hảo không muốn có thêm một lời bàn nữa cùng chủ đề... Anh Thiên sứ cho địa chỉ, tôi sẽ gửi sách của mình vào cho anh.
-
Tập II. Bước ra từ huyền thoại: từ Nam Việt đến Đại Việt. http://asakicorp.com/bachviet18/?p=887 Xin liên hệ: bachviet18@yahoo.com
-
Cũng xin chúc mừng anh Thiên sứ đã ra mắt cuốn Minh triết Việt trong văn minh phương Đông. Tôi nghĩ là giữa những người nghiên cứu nghiêm túc dù khác cách làm nhưng rồi sẽ đi đến điểm chung. Ví dụ ở cuối cuốn sách của anh có bàn về bức tranh Đông Hồ Trê cóc kiện nhau. Tôi cũng đã từng có bài viết về bức tranh này và cũng dùng nó làm trang cuối cho sách của mình. NÒNG NỌC ĐỨT ĐUÔI Trong kho tàng truyện Nôm Trê cóc kiện nhau là câu chuyện ngụ ngôn đầy ý nghĩa. Cóc sống trên bờ, đến kỳ sinh nở đẻ xuống ao, nở ra nòng nọc. Cá Trê thấy thế dẫn về làm con mình. Cóc phát đơn kiện đòi con nhưng quan trên về tra xét, thấy lũ nòng nọc con bơi dưới nước giống như Trê, nên xử Cóc thua. Oan khuất tày đình. May nhờ có thầy Nhái bén “tư vấn”, đợi đến khi nòng nọc đứt đuôi, nhảy lên bờ thì cả nhà Cóc lại đoàn tụ. Cóc thắng kiện. Bức tranh dân gian Đông Hồ đã diễn tả rất sinh động câu chuyện này. Hình ảnh chú Cóc hai tay giơ trên đầu dâng đơn kiện lên quan “thái thú” cá chép. Xung quanh toàn là họ hàng nhà tôm cá, không có lấy một chú ếch nhái nào. Nòng nọc thì đang còn đuôi, bơi bên cá Trê. Xét xử như vậy những tưởng Cóc sẽ thua. Nhưng Cóc vẫn hùng hồn tuyên bố (chữ trên tranh): Giỏ ai quai nấy rành rành Giương vây thích ngạnh tranh hành chẳng xong. Sự thật cuối cùng sẽ trở về đúng chỗ của nó dù xung quanh có huyên náo như thế nào. Câu chuyện này còn có chứa thâm ý gì? Bức tranh Đông Hồ Thầy đồ cóc cho biết con cóc vốn là “thầy đồ”, là người đã sản sinh ra văn tự, chính là đàn “nòng nọc” đầu to chữ khoa đẩu xưa. Thầy đồ cóc là biểu tượng của văn hóa Việt. “Con cóc là cậu ông trời”, chỉ nghiến răng cũng đã làm Trời phải sợ. Cóc quen vui thú bờ hồ, Khi ra đài các, khi vô cung đình. Chú Cóc Việt đơn giản nhưng thật cao quí, đầy hãnh diện. Đàn chữ khoa đẩu nòng nọc của nền văn hóa Việt sinh ra ở dưới nước, bị cá Trê cướp đoạt mất. Nước (thủy) trong Dịch học là tượng trưng của phương Bắc ngày nay. Con cá Trê đen nhẻm, chuyên rúc bùn ao là hình ảnh của hắc tặc – giặc phương Bắc. Hán tộc đã cướp không đàn chữ “nòng nọc” của người Việt, gọi thành “chữ Hán”. Cuộc kiện tụng ngàn năm xem “cái chữ” thuộc về ai bắt đầu. Quan tòa xét xử như trong bức tranh đều là họ hàng tôm cá cả. Một mình chú Cóc Việt đâm đơn, đòi lại chân lý, đòi lại công bằng. “Chữ Hán” là của người Việt. Cái điều tưởng như vô lý, “thế giới” ai ai cũng cười nhạo này rồi cuối cùng cũng trở về đúng vị trí của nó. Hãy nghe lời Cóc mắng Trê trên công đường: Trê kia chớ có huyên hoa, Hùm dầu có cánh ta đà chẳng ghê. Quả tình nào có hồ nghi, Ra điều bán dạ lâm trì khó coi. Phù sinh mấy kiếp ở đời, Làm cho rắn cắn được voi còn chầy. Chỉ nghề dạy khỉ leo cây, Xui nguyên dục bị, chỉ hay bày trò. Ai ngờ xã thử thành hồ, Chỉ điều cậy thế làm cho hại người. Biết rằng hươu chết tay ai, Mỏ chim, nanh chuột tranh hơi còn nhiều. Đoạn này truyện Nôm dùng toàn thành ngữ: “hùm dầu có cánh”, “bán dạ lâm trì” “rắn cắn voi”, “dạy khỉ leo cây”, “xã thử thành hồ”, “hươu chết tay ai”… Chửi rất hay và rất đúng. “Thầy đồ cóc” có khác, rất lắm chữ. Cái lý ở đời không thể nào đổi trắng thay đen được, không thể dùng quyền thế mà lấn át sự thật. Và cái sự kiện tụng ở đây đã không chỉ còn dừng lại ở phân xử chữ Nho là của ai nữa. Điển tích “săn hươu” là chỉ “thiên hạ”. “Thiên hạ” Trung Hoa thực sự là của ai? Đầu năm Nhâm Thìn đã tìm thấy chữ Lạc Việt khắc trên đá ở Bình Quả – Quảng Tây, với niên đại vào thời kí đỉnh cao của ‘văn hóa xẻng đá lớn’ cách đây 4000 – 6000 năm. Nòng nọc khoa đẩu cuối cùng cũng đứt đuôi để lên bờ, trở về với cha ông Cóc của mình. Lời “tiên tri” trong câu chuyện Trê cóc đã thành sự thực. Đáng nói là loại chữ Lạc Việt cổ này có sớm hơn chữ giáp cốt nhà Thương tới 1000 năm và “chắc chắn có nguồn gốc sâu xa với chữ giáp cốt cổ”. Nói vậy tức là chữ Lạc Việt là chính là tiền thân của chữ giáp cốt đời Ân Thương được tìm thấy Ân Khư. Nhà Thương là một triều đại dùng chữ Việt, tức là triều đại của người Việt. Con chữ, cái nền tảng của văn minh đã được phát hiện. Chân lý này thật “nhái bén”: sự thật không cần kiện mà vẫn thắng. Đã đến lúc phải trả lại “nòng nọc” cho “cóc”. Không phải chỉ trả chữ Nho cho người Việt mà còn phải trả cả văn hóa lịch sử Trung Hoa cổ đại về đúng quê cha đất tổ Việt Nam.
-
Ấn "Vũ Đế chi tỷ" của Triệu Vũ Đế là ngọc tỷ truyền "lưỡng quốc", không chôn theo vua. Ấn này chính là cái móng rồng mà thần nhân đã trao lại cho Triệu Việt Vương trên đầm Dạ Trạch. Ấn Vũ Đế được truyền tới khi Triệu Anh Tề lên ngôi "lập tức giấu đi" (Sử ký Tư Mã Thiên). Sau đó hẳn đã bị nàng Cù Hậu - Cảo Nương "đánh tráo", mang nộp cho Hiếu Vũ Đế. Ấn "Văn Đế hành tỷ" là của Triệu Đà, tức là Triệu Đầu = Triệu Một (Triệu Mạt). Triệu Văn Vương là cháu Triệu Vũ Đế, có khả năng là một người con của Hiếu Huệ Đế đã ôm ấn Vũ Đế của Lưu Bang xuống phương Nam cùng Lữ Gia lập nước Nam Việt.
-
Người Việt sẽ không thể nào gạt bỏ được Triệu Vũ Đế khỏi sử sách vì những công lao to lớn đối với người Việt: - Đây là vị vua đầu tiên xứng Đế của nước ta. - Đây là vị vua đã đặt tên nước Nam ta. Với 2 công lao "Nam bang thủy đế" như vậy thì Triệu Vũ Đế chính là ... Lý Nam Đế, người đã Hưng đế nghiệp ở đất Long Biên (= Long Xuyên, điện Long Hưng - Xuân Quan), khởi nghĩa ở Bái Đình (=Thái Bình, đền Đồng Xâm). Triệu Vũ Đế = Lý Nam Đế (Lý Bôn) = Lưu Bang. Triệu Việt Vương là 4 đời vua Triệu của Nam Việt tiếp theo. Nam Chiếu = Nam Triệu, là hậu duệ của Triệu Vũ Đế đã lui về vùng Phong Châu chống Hán sau thất bại ở Dương Thành. Mọi việc đã thật rõ ràng.
-
Đúng là có 2 Hoa Đào trang: - Một ở Hà Tĩnh là vùng đất gốc của Hiên Viên Hoàng Đế Hữu Hùng. Là đất Đào của vua Nghiêu. Là Hồng Lĩnh của ông Cao Giao. - Một ở phía Đông giáp biển (Thái Bình) theo như thần tích Bát Hải Động Đình. Là "Phủ Hạ" trong chuyện Chiêu Quân ở Thái Thụy (Phủ Hạ bát đụn tang). Là đất "Hạ Long" của Lạc Long Quân. Cũng vì vậy, như trong bài viết đã nói, thời mở sử rất dễ chép lẫn giữa Hiên Viên ở Hồng Lĩnh với Lạc Long ở Hoa Hạ.
-
Tôi nghĩ phải gọi Chiêm Thành là Hồ Tôn mới đúng. Hồ Tôn có trước Chiêm Thành cả nửa thiên niên kỷ. Theo tôi chữ Hồ Tôn rất rõ: - Hồ là người Hồ, người Hời. Chuyện Lý Ông Trọng gọi là người ... Hung Nô (thiết Hồ). - Tôn là chỉ phía Nam (Tâng, Tân). Hồ Tôn là người Hồ ở phía Nam nước Văn Lang.
-
Dân gian không có gì sai. Chỉ có các học giả ngày nay mới mờ mắt mà thôi. Thánh Gióng đánh giặc Ân, Huyền Thiên là con vua Tĩnh Lạc đời Đường. Vậy phải nói ... Thánh Gióng đã đầu thai thành Huyền Thiên mới đúng. Thực ra mọi chuyện tới nay đã khá rõ: - Huyền Thiên chính là Lão Tử, thời Đường được phong làm Huyền Nguyên Hoàng Đế, Thái Thượng Lão Quân. Lão Tử cũng là Huyền Thiên, người đã giúp An Dương Vương diệt trừ yêu quái xây thành Cổ Loa. Theo ghi chép về Huyền Thiên thì vị này giúp nhà Chu chữa bệnh dịch hạch. Thần tích Thổ Hà (nơi thờ Lão Tử làm thành hoàng) cũng ghi Lão Tử đã giúp An Dương Vương chữa bệnh dịch trong vùng. - Lão Tử - Huyền Thiên trong dân gian gọi là ông Đổng. Cụ thể là ở đền Bộ Đầu nay còn chép ông Đổng là Huyền Thiên. Đổng = Đùng, nghĩa là ông khổng lồ. Vì chữ Đổng này mà Huyền Thiên bị gán nhầm vào Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng). - Thánh Gióng đúng phải gọi là ông Bổng hay Phổng, chỉ sự lớn lên diệu kỳ của thần. Phù Đổng thiết Phổng. Làng Phù Đổng còn có tên là Phù Ủng, thực ra cũng là tên phiên thiết của chữ Phổng / Bổng mà thôi. Gọi là Đền Quán Thánh không có gì sai. Đền là vì thờ một nhân vật lịch sử rõ ràng: Lão Tử. Quán vì là Lão Tử là ông tổ của Đạo giáo, thờ Lão Tử tức là thờ Đạo giáo.
-
Sử làng có giải thích tại sao hạt Lý lại nở 5 cành, khai mở nhà Lê không? Nếu theo ý câu này mà suy thì nhà Lê xuất phát từ họ Lý, truyền được 5 đời. Nhà Lê này là nhà Lê nào mà lại như vậy? Câu ở đình Miễu - Dương Lôi đọc lại: 徽首芳嫺仁和淨度福生木子 Huy thủ phương nhàn nhân hòa tịnh độ phúc sinh mộc tử 大德坤元才韜出種徜? 世禾刀 Đại đức khôn nguyên tài thao xuất chúng thảng? thế hòa đao. Cảm ơn bạn thangbacninh đã đọc chữ "thế". Chữ này ở vị trí với nghĩa động từ (đối lại với chữ "sinh), có thể hiểu là "nối tiếp": Lý Công Uẩn đã nối tiếp nhà Lê nhờ đức cao và tài năng xuất chúng. Làng Dương Lôi còn câu gì hay không, bạn đưa lên xem cho biết.
-
Chữ Nho đọc nhầm nét là thường, nhất là chữ trên các di tích. Chữ trên là chữ niên 秊 giống nghĩa như chữ niên 年
-
Chữ Quý 季
-
Dương Lôi thờ mẹ Lý Thái Tổ. Nhờ bác Lãn Miên đọc giúp câu đối này, cũng ở đền Miễu - Dương Lôi: 徽首芳嫺仁和淨度生木子 Huy thủ phương nhàn nhân hòa tịnh độ đức sinh mộc tử 大德坤元才韜出種徜? ? 禾刀 Đại đức khôn nguyên tài thao xuất chúng thảng? ? hòa đao.
-
Bạn có thể cho biết thêm thông tin không? Đây là câu đối ở đình làng hay trong thần phả? Đây là làng nào? Thờ ai? Tại sao lại có cả nhà Tiền Lê và nhà Lý trong câu đối?
-
Tôi nghĩ chữ Triệu trên không phải là họ Triệu 趙 mà là chữ triệu 肇nghĩa là khởi đầu, bởi vì đối lại nó là chữ "kết", không phải danh từ riêng. Chữ triệu này thường dùng chỉ việc khai quốc. "Hòa đao" 和刀 là chiết tự của họ Lê黎 "Mộc tử" 木子là chiết tự của họ Lý 李 Chữ liễm 蘝 nên đọc là "liêm" thì mới hợp thanh của câu đối. 李核 出五蘝肇嗣和刀天 應瑞 Lý hạch xuất ngũ liêm, triệu tự hòa đao thiên ứng thụy 蓮花開八葉結成木子地鐘靈 Liên hoa khai bát diệp, kết thành mộc tử địa chung linh. Tạm dịch: Mầm Lý sinh năm cây, dựng nghiệp từ họ Lê trời cho điềm lành Hoa Sen mở tám lá, kết thành họ Lý ở đất linh thiêng. Câu này chắc ở chỗ nào thờ các vị vua Lý.
-
Riêng câu này thì phải xem lại. Người bình thực ra chưa hiểu đúng văn hóa dân gian. Truyền thuyết Việt, nhất là một khi có "thời đại rõ ràng" (Hùng Vương), thì không phải chỉ là triết lý. Ít nhất 50% trong đó là lịch sử. Chỉ là người đời chưa nhận ra mà thôi. Tôi đã từng đi các đền thờ Chử Đồng Tử. Đây là một vị thần, thành hoàng địa phương, có quê cha đất mẹ rõ ràng. Câu chuyện không chỉ là huyền thoại. Tôi nghĩ "trượng lạp" (gậy nón) của Chử Đồng Tử cũng giống như "tiên trượng ước thư" của Tản Viên, chính là Dịch lý. Trượng - gậy - đường thẳng là dương, là Trời (Hà Thư?). Lạp - nón - vuông -là tròn, là đất (Lạc Đồ?). Chử Đồng Tử đắc đạo bởi vì đã nắm được Dịch lý, nắm được lẽ của trời đất. Cũng như Tản Viên, đây hẳn là một nhà khoa học vào cái thủa bình minh của dân tộc.
-
Tôi nghĩ: - Bạch = Trắng chỉ phương Tây - Tỉnh là nước, chỉ phương Bắc. Bạch Tỉnh Cung là công chúa nước ở phía Tây Bắc, chính là nước Tần, khớp với truyền thuyết về thánh Chèm. Tên khác của Tần là Chân Định, cũng với nghĩa Tây Bắc tương tự (Định = Tây, Chân chỉ đầu cuối, phương Bắc).
-
Tôi nghĩ rất có thể Thục An Dương Vương còn gọi là Việt Vương nên Loa Thành mới gọi là Việt Vương Thành. Nếu vậy thì Triệu Việt Vương có thể hiểu là Thục An Dương Vương. Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục) và Thục An Dương Vương có phần "cổ tích" về nỏ thần và mũ đâu mâu rất giống nhau.
-
Câu đối ở đền thờ Lý Nam Đế tại Giang Xá - Hoài Đức: Thiên Đức hồng cơ long tỉnh Bắc Vạn Xuân cung quyết phượng thành đông Dịch Thiên Đức mở nền móng tại quận rồng ở Bắc Vạn Xuân dựng cung điện gọi phượng thành bên Đông "Phượng Thành Đông" có thể là chỉ thành Thăng Long.
-
Thứ sử Giao Chỉ là Chu Phù bị người Man giết chết. Sĩ Nhiếp nhanh tay chiếm trọn Giao Châu, sắp xếp các anh em của mình làm thái thú các nơi, chỉ gửi biểu về báo cho nhà Hán. (Xem http://damau.org/archives/6711) Thứ sử Giao Châu tiếp theo là Trương Tân bị quân Lưu Biểu giết chết, vua Hán không cử được thứ sử khác, đành phải phong cho Sĩ Nhiếp làm Long Biên hầu, kiêm quản cả 7 quận của Giao Châu bộ. Giao Châu như vậy do người Việt (anh em Sĩ Nhiếp là người Việt rõ ràng) nắm quyền, một cách độc lập từ đây. Chỉ có một số hoạt động ngoại giao cống tiến qua loa, thực chất quyền hành Giao Châu nằm trong tay người Việt. Nếu so với thời Khúc Thừa Dụ sau này thì công lao của Sĩ Nhiếp còn hơn nhiều. Khúc Thừa Dụ được coi là mở đầu độc lập cho Việt Nam thì tại sao Giao Châu Sĩ Nhiếp lại không phải?
-
Bác Thiên Sứ ơi, Sĩ Nhiếp quê ở Quảng Tín - Thương Ngô, là một trong 7 quận của Giao Chỉ bộ. Vậy ông ta rõ ràng là người Giao Chỉ. Có thể nhiều người không ưa phong trào "bình dân học vụ" của Sĩ Nhiếp, nhưng không thể gọi ông ta là Việt gian vì ông ta đã nhiếp chính, giữ cho Giao Châu độc lập hàng chục năm trước các thế lực Ngụy, Ngô, Thục, chưa kể phía Tây là Mạnh Hoạch, phía Nam là Lâm Ấp. Sử Việt không nhìn nhận công lao của Sĩ Vương thì đúng là "có mắt mà như thầy bói".