yeuphunu

Đi Tìm Khổng Minh Thật Trong "tam Quốc Diễn Nghĩa"

88 bài viết trong chủ đề này

Khổng Minh bắt Mạnh Hoạch ở đâu?

Bách Việt Trùng Cửu

Câu chuyện Khổng Minh bảy lần bắt Mạnh Hoạch có lẽ ai cũng biết từ tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Nhưng cuộc chiến với Man Vương Mạnh Hoạch này đã xảy ra ở đâu? Hiện nay người ta chỉ dựa vào truyện Tam quốc diễn nghĩa mà … suy đoán, Mạnh Hoạch cầm đầu người Man, quấy rối nhà Thục Hán ở phía Nam, thì là vùng Vân Nam, Trung Quốc.

Tuy nhiên, ở Việt Nam lại có ghi chép hoàn toàn khác về một cuộc đụng độ khá dài giữa Mạnh Hoạch và các vị quan đô hộ từ thời Đông Hán. Thần tích xã Hương Ngải, Thạch Thất, Hà Nội ghi rất tỷ mỉ chuyện này, tóm tắt như sau:

Thời Hán Hiến Đế có ba anh em họ Chu là Chu Tuấn, Chu Hùng và Chu Kiệt, người ở Ba Trung (Ba Thục?). Khi họ ra làm quan cho nhà Đông Hán thì đổi tên thành Chu Cẩm, Chu Khiêm và Chu Đàm. Ba vị này được Hán Hiến Đế cử sang nước Việt để … chống Mạnh Hoạch vì khi đó “Tôn Quyền giận việc Lưu Bị cướp mất Kinh Châu liền bàn mưu với Mạnh Hoạch của nước Việt ta làm phản lại nhà Hán”. Khi 3 vị đến vùng Sơn Tây thì được tin “quan Chánh đô hộ cũ đã bị Mạnh Hoạch giết chết”. Ba vị liền đóng quân, chia nhau ở 3 trang ấp. Chu Cẩm đóng ở trang Cẩm Bào, nhận cháu của Sĩ Nhiếp, con Sĩ Cung, là Sĩ Năng làm Đệ nhất mưu sĩ, “đánh nhau với Mạnh Hoạch ở các xứ Tuyên Quang, Hưng Hóa”. Ba vị còn lập nhiều tuyến phòng thủ dọc từ Cẩm Bào tới Ái Châu.

Khi Tào Tháo soán ngôi nhà Hán, Lưu Bị lên ngôi Hán Trung Vương, có cử “sứ giả nhà Hán đeo đai vàng” đến gặp, “phong cho ngài Cẩm làm Chánh đô hộ, ngài Khiêm và ngài Đàm cùng làm Phó đô hộ, để cùng giữ đất Nam Việt”.

Được một thời gian Chu Cẩm ốm mất. “Mạnh Hoạch sai người theo đường tắt từ Ái Châu men theo hai bờ sông tiến ra”. Chu Khiêm, Chu Đàm chống trả Mạnh Hoạch, bị thua và chết trận. Phải đợi đến khi Gia Cát Khổng Minh dẫn quân Nam chinh mới thu phục được Mạnh Hoạch…

Thần tích này hiện còn lưu tại đình làng Hương Ngải (Đình Giang). Hương Ngải là một xã có tiếng là hiếu học, nhiều người đỗ đạt và còn lưu nhiều nét văn hóa cổ như những chợ phiên chỉ bán một thứ đồ (lá dong, cá, gà, …) mỗi năm. Trong xã có đền thờ Tam Vị họ Chu, nay gọi là Quán Hương Ngải. Cổng đền có câu đối:

Vạn lý công quang y Hán nhật

Ức thu hạo khí phổ Nam thiên.

Dịch:

Vạn dặm ngời công theo triều Hán

Nghìn thu hào khí phủ trời Nam.

Posted Image

Cổng Đền Tam vị hay Quán Hương Ngải

Posted Image

Các cụ cao tuổi ở Hương Ngải buổi chiều vẫn ra sân đền ngồi đánh cờ.

Theo tư liệu này thì Mạnh Hoạch đã tấn công Giao Châu, giết quan đô hộ từ thời Đông Hán, khi cả Tôn Quyền lẫn Lưu Bị còn chưa làm chủ được Giao Châu. Vùng đất của Mạnh Hoạch có thể xác định khá rõ theo thần tích, là vùng giáp với “Tuyên Quang, Hưng Hóa” tới tận “Ái Châu”, hay là vùng Tây Bắc Việt Nam ngày nay. Mạnh Hoạch là người Mán ở Tây Bắc Việt Nam. Chuyện này nghe qua thấy quá kỳ lạ nhưng không phải không có căn cứ.

Theo Tam quốc diễn nghĩa Gia Cát Lượng sau thu phục Mạnh Hoạch, lúc rút quân có dừng lại sông Lư Thủy, làm lễ tế cho các tử sĩ trong cuộc Nam chinh. Trong bài văn tế có câu:

"Từ khi giặc xâm lăng cõi Thục

Binh khởi đất Mường"

Đất Mường” ở đây cho thấy Man=Mường, Man Vương Mạnh Hoạch là người cầm đầu các tộc người Mường Mán ở Tây Bắc Việt Nam. Sông Lư Thủy có thể là sông Lô, chảy vào Việt Nam ở Hà Giang ngày nay. Lư và Lô là 2 cách phát âm khác nhau của cùng một chữ, chỉ dòng sông Lửa hay con sông chảy qua đất Đào thời Hồng Bang. Gia Cát Khổng Minh đã từ Vân Nam vượt sông Lô, tiến vào bình Mạnh Hoạch ở vùng rừng núi Tây Bắc nước ta.

Trong thần tích Hương Ngải cũng nói rõ khi Lưu Bị lên ngôi Hán Trung Vương đã phong cho 3 vị họ Chu làm Chánh, phó đô hộ. Tức là khi đó “nước Việt ta” thuộc về triều Thục Hán của Lưu Bị. Vùng Tây Bắc nước ta sau khi Mạnh Hoạch đầu hàng Khổng Minh cũng thuộc về triều Thục.

Như vậy hoàn toàn có thể Lưu Bị từng là một vị vua của nước Việt. Lưu Bị được sử Việt chép dưới tên Lý Bí hoặc Lý Phật Tử. Gia Cát Lượng nếu vậy thì không là ai khác mà là … Lý Phục Man, người đã bình định Man Vương Mạnh Hoạch ở vùng phía Nam của nước Thục. Chữ “Lý” trong Lý Phục Man chưa chắc đã có nghĩa là họ Lý, mà với nghĩa “ông lớn”, như trong tên Lý Ông Trọng hay Lý Khổng Lồ vậy.

So sánh Hoa sử và Việt sử ta thấy có sự tương đồng. Lưu Bị (sử Việt gọi là Lý Phật Tử) cùng anh họ là Lưu Biểu (Lý Thiên Bảo) rút chạy từ Kinh Châu về Quí Châu (Cửu Chân). Sau đó chiếm Ích Châu của Lưu Chương. Lưu Bị tiến quân lên phía Bắc, được Khổng Minh bày mưu thắng Tào Tháo ở Tứ Xuyên (đất của Trương Lỗ trước đó). Tứ Xuyên là đất trung tâm cũ của Hưng đế Lưu Bang, nên Lưu Bị sau khi chiếm Tứ Xuyên đã xưng là Hán Trung Vương.

Ích Châu là tên vùng đất của người Điền khi Hiếu Vũ Đế thu phục và sát nhập thành một quận của nhà Hiếu (khi Lộ Bác Đức diệt nhà Triệu Nam Việt?). Như vậy Ích Châu là vùng đất Điền Vân Nam. Sử Việt ghi là Lý Thiên Bảo cùng Lý Phật Tử xưng vương ở Ai Lao, tức là đất người Di Lão ở Vân Nam. Xem thế thì Vân Nam – Ích Châu đã nằm trong đất của nhà Thục Hán từ khi Lưu Bị khởi nghiệp. Mạnh Hoạch không thể hoành hành ở Vân Nam được mà chỉ có thể "binh khởi đất Mường" ở Tây Bắc nước ta.

Tây Bắc, vùng đất của Mạnh Hoạch, cũng là vùng đất lập quốc của Nam Chiếu dưới thời nhà Đường. Chính vì thế mà Tam vị họ Chu ở Hương Ngải mới hiển linh, trợ giúp Cao Biền đánh Nam Chiếu. Thần tích Hương Ngải chép:

Đến năm Hàm Thông thứ 6 đời Ý Tông nhà Đường, sau khi họ Triệu ở nước Việt ta khởi binh, tự xưng là Nam Chiếu, vua Ý Tông cho Cao Biền làm đô hộ”. Cao Biền được ba vị họ Chu hiển linh phù trợ khi đánh quân Nam Chiếu. Cao Biền có bài thơ:

Chu gia tam vị lẫm tinh thần

Thích Hán kim Đường trước đại huân

Thất thập nhi từ đô hiển thánh

Ức niên thu hựu ức thiên xuân

Dịch

Họ Chu ba vị vững tinh thần

Xưa Hán nay Đường lập đại huân

Hơn bảy chục đến đều hiển thánh

Trăm ngàn thu lại trăm ngàn xuân.

Sau Bố Cái Phùng Hưng lịch sử các dân tộc Tây Bắc cần ghi nhận thêm một vị thủ lĩnh thời trung đại là Man Vương Mạnh Hoạch. Còn lịch sử Việt Nam cần phải nhìn nhận lại triều Thục của Lưu Bị như một triều đại chính thống của người Việt.

2 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Trong truyền thuyết Gia cát gọi gió đốt thuyền có gì kinh đâu khi tại Việt Nam nơi cửa Thần Phù gió nổi lên không phải để đủ đốt thuyền mà để dìm luôn đoàn chiến thuyền với vài vạn quân không hề nhọc chút sức nhân của tướng sỹ.

Vậy Huyền thoại Nào Oách hơn mà lại cứ nghĩ chỉ có văn hóa trung hoa mới có hô gió gọi mưa?

Những việc này chẳng liên quan gì đến Mạn đàm Gia Cát Lượng cả. Hay nói cách khác Việc mạn đàm GCL chẳng liên quan gì đến lòng tư hào dân tộc.

Tư tưởng kiểu này cũng là 1 dạng của " Bế quan tỏa cảng thôi".

Share this post


Link to post
Share on other sites

hmmm, một chủ đề rất hay, mọi người bàn luận sôi nổi, tictictac rất thích và cố đọc hết tất cả các ý kiến (tuy rằng tictictac không nhớ rõ về các nhân vật trong truyện).

Tuy nhiên mọi sự cũng chỉ là bàn luận, vô thưởng vô phạt. Điều tictictac thấy buồn khi đọc bài của chú Thiên Sứ. Hmm, nghĩ rằng lẽ ở đời, quân tử hơn nhau ở cái tài và cái tâm, còn mọi sự ném đá sau lưng chỉ là chiêu bẩn.

Tictictac cũng đã từng ở hoàn cảnh của chú Thiên Sứ, ba tictictac cũng từng là Công An, một ngày vài chú CA khác gọi ba tictictac lên để nói chuyện vì tictictac có vài người bạn nước ngoài. Ba ticitctac chỉ nói" con tôi nó học tiếng Anh, nếu ko khuyến khích cháu nó thì thôi, sao lại làm khó dễ nó"

À thì ra hồi xưa mới lớp 6-7, học English, muốn nói được nên thấy chị/anh Tây nào là lê la nói chuyện để thực hành thôi. Nhờ quá khứ gian khổ thế nên giờ tictictac có thể bắn English như gió Posted Image. Các chú CA chỉ làm đúng nhiệm vụ của họ, đáng hoan nghênh. Nhưng những người nào nói này nọ để các Chú CA đó phải nói chuyện với ba tictictac thì là ....cái gì nhỉ? tiểu nhân, dốt nát? ghen tị? đồng bóng?...?? ...

Đúng sai nên nói thẳng mặt như anh quân tử. Người tài phải có cái tâm quân tử. Nếu thấy người ta tài hơn mình thì mình nên nể phục và học hỏi, còn không thì nên nghỉ" ah, anh này tài thật, đáng khen". Còn mọi sự ghen ghét và chơi bẩn cuối cùng chỉ là ngụy quân tử.

Và tóm lại,

1,Quân tử luôn thắng ngụy quân tử.

2, Một đất nước trải qua bao lần chiến tranh nên nghèo, nhưng chưa bao giờ hèn. Vậy bất cứ ai có tham vọng và hoài bão đánh dấu diện mạo Việt Nam trên bản đồ thế giới ở mọi mặt nên đáng được ngợi ca và ghi nhận. Còn làm được hay không là do thiên mệnh của người đó.

(ps: ticitctac luôn dạy mấy em nhân viên mới của tictictac là công việc thì có thể dạy được nhưng cái tâm và trách nhiệm thì ko thể nào dạy được, bởi đó là bản chất của tự thân mỗi người)

3, cả gia đình cháu luôn thần tượng chú Thiên Sứ. Chú kêu đâu gia đình cháu chạy đóPosted ImagePosted ImagePosted Image.Vì cái tâm của Chú.

Share this post


Link to post
Share on other sites

1,Quân tử luôn thắng ngụy quân tử.

Cảm ơn tictictac.

Nhưng câu trên thì rất đúng trong thần thoại cổ tích và văn học cổ.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Cảm ơn tictictac.

Nhưng câu trên thì rất đúng trong thần thoại cổ tích và văn học cổ.

haha, Chú ơi, cháu nghĩ là nó luôn đúng ở mọi thời điểm Chú ạ. Có ai đó chơi bẩn người khác, họ nghĩ họ thắng mình. Tuy nhiên cuộc sống luôn có luật nhân quả, và có nhiều con mắt lắm. Nên ai chơi bẩn người khác thì sớm muộn cũng bị quả báo thôi.

Cháu luôn tin rằng sống giữa đời này nên làm việc gì cũng rõ ràng thẳng thắn, không hại ai thì không sợ gì cả. Cháu xác định như vậy nên cháu chọn lối sống của quân tử Posted Image

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Đa phần mọi người không đưa được những kiến thức từ những tài liệu lịch sử có tính chính xác cao!

Mọi người toàn lấy các dữ kiện trong truyện để luận việc thì làm sao mà chính xác được.

Bây giờ nhiều truyện chỉ trong vài chục năm mọi người đã đánh giá khác rồi chả là các truyện đến hàng ngàn năm.

Ý kiến cá nhân:

Căn cứ vào các thông tin lịch sử (mặc dù cũng không đưa lên diễn đàn được) thì Khổng Minh là một tài năng nhưng không thần thánh như thế:

Thời đại thông tin bây giờ như mọi người thấy cùng một sự việc rõ ràng chỉ bằng ngôn ngữ khéo léo người ta có thể lái sự kiện sang một hướng khác nên có nhiều cách đánh giá khác nhau cho từng nhân vật cũng là bình thường.

Mọi người cần phân biệt giữa nhân vật Khổng Minh trong Tác phẩm tam quốc diễn nghĩa với Ông Khổng Minh thời Tam quốc.

Chả biết tác giả nói về Khổng Minh có chuẩn không nhưng trong truyện thì ca ngợi Long - Phượng mà mọi người thấy rồi trong truyện Phượng trình còn còi lắm sao mà tin được.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Đa phần mọi người không đưa được những kiến thức từ những tài liệu lịch sử có tính chính xác cao!

Mọi người toàn lấy các dữ kiện trong truyện để luận việc thì làm sao mà chính xác được.

Bây giờ nhiều truyện chỉ trong vài chục năm mọi người đã đánh giá khác rồi chả là các truyện đến hàng ngàn năm.

Ý kiến cá nhân:

Căn cứ vào các thông tin lịch sử (mặc dù cũng không đưa lên diễn đàn được) thì Khổng Minh là một tài năng nhưng không thần thánh như thế:

Thời đại thông tin bây giờ như mọi người thấy cùng một sự việc rõ ràng chỉ bằng ngôn ngữ khéo léo người ta có thể lái sự kiện sang một hướng khác nên có nhiều cách đánh giá khác nhau cho từng nhân vật cũng là bình thường.

Mọi người cần phân biệt giữa nhân vật Khổng Minh trong Tác phẩm tam quốc diễn nghĩa với Ông Khổng Minh thời Tam quốc.

Chả biết tác giả nói về Khổng Minh có chuẩn không nhưng trong truyện thì ca ngợi Long - Phượng mà mọi người thấy rồi trong truyện Phượng trình còn còi lắm sao mà tin được.

Đây là 1 câu chuyện vì vậy chẳng cần bàn đến tính xác thực của nó. Nếu viết chuyện mà viết lại y như thật thì chả ai đọc chuyện làm gì. Vấn đề là với giả thuyết như vậy thì luận theo tính logic của cái giả thuyết đó thì sẽ như thế nào thôi. Chuyện 2 ngày trước qua lời kể của 1 người hôm nay đã khác vậy thì tin làm sao được chuyện 2000 năm trước. Quan trọng là xác định được mục đích của việc đang bàn.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Theo tư liệu này thì Mạnh Hoạch đã tấn công Giao Châu, giết quan đô hộ từ thời Đông Hán, khi cả Tôn Quyền lẫn Lưu Bị còn chưa làm chủ được Giao Châu. Vùng đất của Mạnh Hoạch có thể xác định khá rõ theo thần tích, là vùng giáp với “Tuyên Quang, Hưng Hóa” tới tận “Ái Châu”, hay là vùng Tây Bắc Việt Nam ngày nay. Mạnh Hoạch là người Mán ở Tây Bắc Việt Nam. Chuyện này nghe qua thấy quá kỳ lạ nhưng không phải không có căn cứ.

Theo Tam quốc diễn nghĩa Gia Cát Lượng sau thu phục Mạnh Hoạch, lúc rút quân có dừng lại sông Lư Thủy, làm lễ tế cho các tử sĩ trong cuộc Nam chinh. Trong bài văn tế có câu:

"Từ khi giặc xâm lăng cõi Thục

Binh khởi đất Mường"

Đất Mường” ở đây cho thấy Man=Mường, Man Vương Mạnh Hoạch là người cầm đầu các tộc người Mường Mán ở Tây Bắc Việt Nam. Sông Lư Thủy có thể là sông Lô, chảy vào Việt Nam ở Hà Giang ngày nay. Lư và Lô là 2 cách phát âm khác nhau của cùng một chữ, chỉ dòng sông Lửa hay con sông chảy qua đất Đào thời Hồng Bang. Gia Cát Khổng Minh đã từ Vân Nam vượt sông Lô, tiến vào bình Mạnh Hoạch ở vùng rừng núi Tây Bắc nước ta.

Trong thần tích Hương Ngải cũng nói rõ khi Lưu Bị lên ngôi Hán Trung Vương đã phong cho 3 vị họ Chu làm Chánh, phó đô hộ. Tức là khi đó “nước Việt ta” thuộc về triều Thục Hán của Lưu Bị. Vùng Tây Bắc nước ta sau khi Mạnh Hoạch đầu hàng Khổng Minh cũng thuộc về triều Thục.

Thống nhất sự phân tích của tác với bản thần tích này, hoàn toàn logic, tuy nhiên cần làm rõ thêm tích nữ tướng Triệu Thị Trinh và thiền sư Khương Tăng Hội truyền bá Phật giáo qua Đông Ngô trong tương quan về mặt thời gian.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Gia Cát Khổng Minh – từ chính sử đến tiểu thuyết

Lê Thời Tân Trong giảng sử và tạp kịch Tống-Nguyên, Gia Cát Lượng trở thành nhân vật túc trí đa mưu có pháp thuật, nhuốm màu đạo sĩ thần kì. Giảng sử, bình thoại, hý khúc, kinh kịch - những thể loại nhắm tới đại chúng cũng thường thiên về tô đậm hình ảnh một vị quân sư thần mưu diệu toán, tiên phong đạo cốt, trong bất kỳ hoàn cảnh nguy nan nào cũng ung dung bình thản với cây quạt lông trên tay. Tác giả tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa đương nhiên cũng chú trọng khắc họa phong cách đó, thậm chí đã đẩy việc miêu tả phương diện thông minh tài trí lên đến một đỉnh cao điển phạm làm hình thành ấn tượng mà Mao Tôn Cương đã khái quát - ấn tượng về một đấng “tuyệt trí” bên cạnh một “tuyệt gian” Tào Tháo và “tuyệt nghĩa” Quan Công (Tam Quốc tam tuyệt).[1] Tuy thế ai từng đọc kỹ Tam Quốc Diễn Nghĩa đều phát hiện thấy việc đó dường như cũng chưa phải là trọng tâm của tác gia tiểu thuyết và rằng ấn tượng về một vị quân sư tài trí cơ mưu cũng chỉ là kết quả của một lối đọc thông tục thích thú quan tâm theo dõi cốt truyện li kỳ mà thôi. Việc đó cũng tương tự như cách hiểu thông tục về một Lưu Bị - nhân vật được xem là hình ảnh kết tinh lý tưởng một ông vua nhân nghĩa hay hình dung phổ biến về một Tào Tháo gian hùng đáng lên án từ đầu đến chân. Huống nữa, không thể không công nhận tác giả Tam Quốc Diễn Nghĩa dường như cũng đã phải trả giá ít nhiều cho việc biểu hiện cái “tuyệt trí” của nhân vật Gia Cát Lượng. Từ Hồ Thích buổi đầu thế kỉ XX cho đến Hạ Chí Thanh những năm giữa thế kỷ XX, nhiều học giả đều nhận thấy La Quán Trung trên thực tế vì để biểu hiện tài trí tuyệt vời của Khổng Minh nên vô hình trung biến các nhân vật đối thủ từ Chu Du, Lỗ Túc cho đến Tư Mã Ý về sau thành ra những kẻ ít nhiều ngây thơ và ngờ nghệch. Và cho dù là chính sử (từ chú giải Tam Quốc Chí của Bùi Tùng Linh cho đến Tư Trị Thông Giám của Tư Mã Quang) đã xác nhận việc hỏa công nhờ gió đông trong trận Xích Bích thì việc cắt nghĩa trời trở gió bằng tình tiết cầu phong của Gia Cát Lượng dẫu sao vẫn gây ra ít nhiều khó chịu cho những độc giả đòi hỏi cao về nghệ thuật xử lý cốt truyện tiểu thuyết.[2]

Gia Cát Lượng như sử sách kí tải hẳn là một nhà chính trị, nhà quân sự lỗi lạc trong thời đại Tam Quốc. Tam Quốc Chí nhận định chung Gia Cát Lượng giỏi nhất việc việc trị quốc yên dân, kế đó mới là tài cầm quân, mà việc ứng phó với biến hoá trên chiến trường thì không phải là mặt mạnh của ông (“Ứng biến tướng lược phi kì sở trường”- xem Tam Quốc Chí, phần Gia Cát Lượng truyện thuộc Thục thư).[3] B.L.Riftin tỏ thái độ không đồng ý với tác giả bộ sử Tam Quốc Chí trong việc đánh giá tài năng quân sự của Gia Cát Lượng. Học giả người Nga viết trong Sử thi lịch sử và truyền thống văn học dân gian Trung Quốc: “Những người nghiên cứu công trình của Trần Thọ tìm thấy trong thế giới quan của ông nhiều chỗ mâu thuẫn thường thường gắn liền với những lí do có tính chất cá nhân lộ liễu. Chẳng hạn người ta biết rằng Gia Cát Đản con trai Gia Cát Lượng khinh bỉ nói về Trần Thọ, và xem ra nhà sử gia trả thù anh ta khi viết: “Đản chỉ đọc sách, tiếng tăm của ông ta vượt xa những cống hiến thực tế của ông ta”. Ở trên đã nói đến sự quan tâm của Trần Thọ tới di sản của chính Gia Cát Lượng. Thọ thậm chí đã viết liệt truyện chi tiết của ông ta. Song những lời sau đây là của Trần Thọ: “Lượng không giỏi với tư cách một vị tướng và không đủ tài năng để chiến thắng kẻ thù”. Tính chất bất công của những lời đánh giá như vậy là hiển nhiên đối với các tác giả Tấn sử, là những người dẫn những lời trích dẫn này trong Trần Thọ liệt truyện, nhưng nhận xét rằng những đoạn như vậy ở nhà sử gia Tam quốc không phải là nhiều”.[4]

Nhìn chung sử Tam Quốc Chí thiên về nhấn mạnh hoạt động quản lý quốc gia của một bậc tướng quốc hơn là quan tâm đến cuộc đời trận mạc của một vị quân sư. Tam Quốc Chí chép công kiến thiết, xây dựng nền hành chính của Khổng Minh ở Ba Thục khá tường tận. Sự nghiệp kinh bang tế thế của Gia Cát Lượng ở Thục Quốc (chủ yếu tại vùng Tây Xuyên lấy từ tay Lưu Chương, vùng mà Lưu Bị định đô và trở thành hậu phương của công cuộc bắc phạt sau ngày Quan Công để mất trọng địa Kinh Châu) mà chính sử chép để lại ấn tượng về một Khổng Minh nhà hoạt động chính trị kết hợp một cách nhuần nhuyễn Nho gia với Pháp gia. Trong đó yếu tố pháp trị dường như có phần nổi trội hơn. Điều đó cũng dễ hiểu trong tình hình đất mới thay chủ và quốc gia cần ổn định để chuẩn bị cho cuộc viễn chinh lên phía bắc thu phục Trung nguyên, khôi phục Hán triều.

Tất cả những điều đó - tài trí siêu phàm và trị quốc hiệu quả của Gia Cát Lượng vẫn được tiếp tục biểu hiện trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa. Thế nhưng tác giả Tam Quốc Diễn Nghĩa đồng thời với việc tô đậm tài trí siêu phàm còn ra sức khắc sâu nội hàm nhân cách đạo đức cho nhân vật. Kết quả là người đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa không chỉ phục tài mà còn mến đức Gia Cát Lượng. Đức trung thứ, tâm hồn kiên trinh, cuộc đời liêm chính, cung cúc tận tụy, tri thiên mệnh mà vẫn gắng gỏi chuyện đời, độ tinh tế trong ứng xử các mối quan hệ nhân sinh…tất cả những nét nhân cách đó của Khổng Minh được tác giả bộ tiểu thuyết khắc hoạ rất nhuần nhã tạo nên một bề sâu hiếm thấy cho hình tượng thừa tướng nước Thục. Khác với lối trần thuật ngôn hành khô khan đơn điệu của chính sử, tự sự của tác giả Tam Quốc Diễn Nghĩa đã cho ta thấy một con người Khổng Minh sinh động khả cảm, khả ái. Nhiều tình tiết, câu chuyện mà bản thân chúng không hợp hoặc khó cho lối kể chuyện kiểu bình thoại, thuyết thư mà cũng không quan trọng lắm đối việc chép sử lại trở nên rất khả thủ trong tự sự tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa. Những tình tiết, mẩu chuyện đó rất giàu sức biểu hiện. Chúng khiến cho hình tượng vị quân sư được khắc họa một cách đầy đặn và chân thực hơn. Có thể tìm thấy những tình tiết như vậy từ trong những trần thuật của tác giả về mối quan hệ giữa Khổng Minh với Quan Công và Trương Phi - hai hiền đệ của chúa công nhưng đồng thời lại là đại tướng thuộc quyền chỉ huy của mình. Độc giả không khó phát hiện thấy thái độ bất phục tùng lúc công khai lúc ngầm ngầm, cố tình làm khó dễ của hai tướng Quan Trương đối với vị quân sư ngay từ những ngày đầu. Riêng đối Trương Phi thì từ thuở theo đại ca tam cố thảo lư đã từng đòi ném lửa đốt nhà xem tên thôn phu quèn có chịu dậy tiếp huynh trưởng hay không. Như tuồng vị quân sư trẻ tuổi dài lưng tốn vải vì chen ngang vào cái quan hệ tình cảm vườn đào kia mà suốt đời đã hứng lấy mối kỳ thị ghen tuông vô hình đến từ cả Quan Công lẫn Trương Phi. Còn chúa công Lưu Bị trong khi đã để toàn quyền cho Khổng Minh nhưng vẫn vì mối tình thân với riêng hai người em “không sinh cùng năm nhưng thề chết cùng ngày” mà thường đem lại những khó xử cho quân sư. Như ta đọc thấy, chẳng hạn khi Quan Công để mất Kinh Châu rồi chết về tay Đông Ngô, Lưu Bị bất chấp lời khuyên của Khổng Minh đã cất quân cả nước trả thù cho em. Kết quả là toàn bộ chiến lược của thừa tướng đã bị phá sản. Lưu Bị ăn năn đà đã muộn, nhuốm bệnh lâm chung. Thử đọc màn trần thuật cảnh Lưu Bị trối trăng cùng Khổng Minh:

“(Lưu Bị đánh Đông Ngô báo thù cho Quan Công bại trận chạy về Bạch Đế thành, ốm nằm thấy Quan Trương đến báo mộng, tỉnh dậy biết mình không còn sống được bao lâu-LTT) Liền sai sứ về Thành Đô, mời thừa tướng và bọn thượng thư lệnh Lý Nghiêm đi gấp ngày đêm đến thành Bạch Đế nghe di mệnh. Khổng Minh cùng các quan đem con thứ Tiên Chủ là Lỗ Vương Lưu Vĩnh và Lương Vương Lưu Lý đến chầu ở cung Vĩnh An thăm bệnh, để Thái Tử Lưu Thiện ở lại coi Thành Đô.

Khổng Minh đến cung Vĩnh An, thấy Tiên Chủ bệnh đã nguy kịch, vội vàng phủ phục cạnh long sàng. Tiên Chủ truyền mời ngồi lên cạnh mình, đưa tay vỗ vỗ vào lưng Khổng Minh mà bảo rằng: “Trẫm từ khi có được thừa tướng, may thành được đế nghiệp. Vì nỗi trí thức thiển lậu, không nghe lời thừa tướng, tự rước lấy thảm bại. Ân hận thành bệnh, chưa biết sống chết lúc nào. Con nối nghiệp thì ngu hèn, trẫm không thể không đem đại nghiệp mà ủy thác cùng thừa tướng.” Nói đoạn, nước mắt dàn giụa. Khổng Minh cũng khóc nói: “Mong bệ hạ bảo trọng long thể, để thỏa lòng trông đợi của thiên hạ.” Tiên Chủ đưa mắt ngó quanh một lượt thấy có Mã Tốc em của Mã Lương đang đứng gần cạnh, bèn truyền cho tạm lui. Mã Tốc lui ra. Tiên Chủ bảo cùng Khổng Minh rằng: “Thừa Tướng coi tài Mã Tốc ra sao?” Khổng Minh đáp: “Người này cũng là anh tài thời nay.” Tiên Chủ bảo: “Không phải, trẫm xem người này nói nhiều mà làm thì không được như lời, không nên dùng vào việc lớn. Thừa tướng phải xét cho kỹ.” Dặn dò xong, truyền gọi các quan lên điện, lấy giấy bút thảo xong di chiếu đưa cho Khổng Minh mà than rằng: “Trẫm không học hành sách vở được gì, chỉ biết đại khái mà thôi. Thánh nhân có câu “Con chim sắp chết, tiếng kêu ai oán; người ta sắp chết, lời nói khôn ngoan.” Trẫm vốn những mong cùng các khanh diệt giặc Tào chung phò nhà Hán. Không may nửa đường chia biệt. Vậy phiền Thừa Tướng cầm chiếu này trao cho Thái Tử Thiện, bảo nó chớ xem đó là lời nói thường. Phàm mọi việc còn mong thừa tướng dạy bảo thêm cho nó!” Khổng Minh cùng các quan khóc lạy dưới đất: “Xin bệ hạ tĩnh dưỡng long thể, chúng thần nguyện đem hết sức trâu ngựa để báo đền ơn tri ngộ!” Tiên Chủ sai nội thị dìu Khổng Minh dậy, một tay gạt lệ, một tay cầm lấy tay Không Minh mà rằng: “Trẫm chết đến nơi rồi, còn lời tâm phúc ngỏ cùng Thừa Tướng đây.” Khổng Minh nói: “Bệ hạ thánh dụ điều gì?” Tiên Chủ khóc nói: “Tài Thừa Tướng gấp mười Tào Phi, tất có thể an bang định quốc, hoàn thành nghiệp lớn. Con trẫm nếu phò trợ được thì làm, nhược bằng nó bất tài thì tiên sinh tự làm chủ nhân của Thành Đô vậy.”[5] Khổng Minh vừa nghe, tay chân rụng rời, mồ hồi đổ khắp mình, khóc lạy dưới đất: “Thần đâu dám không hết sức cạn lực, dốc niềm trung trinh cho đến chết mới thôi!” Dứt lời, rập đầu xuống đất đến chảy máu. Tiên Chủ bảo Khổng Minh ngồi lại lên gường, gọi Lỗ Vương Lưu Vĩnh, Lương Vương Lưu Lý đến trước mặt, dặn rằng: “Chúng mày phải nhớ lời trẫm: sau khi trẫm mất rồi, ba anh em mày phải coi Thừa Tướng như cha, không được khinh nhờn.” Nói đoạn, sai hai con cùng lạy Khổng Minh. Hai Vương bái lạy xong, Khổng Minh nói: “Thần dù gan óc lầy đất cũng không báo đáp được ơn tri ngộ này.” Tiên Chủ bảo các quan: “Trẫm đã giao con côi cho Thừa Tướng, bảo chúng coi Thừa Tướng như cha. Các khanh cũng chớ coi thường mà phụ lòng trông đợi của trẫm.” Lại dặn Triệu Vân: “Trẫm với khanh cùng nhau từ thuở gian nan, hoạn nạn vui buồn có nhau cho đến giờ, không ngờ chia biệt ở đây. Khanh nghĩ đến tình cố cựu mà sớm hôm trông nom con trẫm, chớ phụ lời trẫm!” Triệu Vân khóc lạy nói: “Thần há dám không hết sức khuyển mã.” Tiên Chủ lại bảo với các quan: “Bá quan các khanh, trẫm không thể dặn dò từng người một, chỉ mong mỗi người ai cũng bảo trọng!” Dứt lời vua băng, thọ 63 tuổi. Bấy giờ là ngày 24 tháng Tư, mùa hạ, năm Chương Võ thứ ba (công lịch 222 - LTT).”[6]

Ngay cả với những độc giả quen nết đọc cho biết cốt truyện cũng không thế không thầm phục tài tự sự quán xuyến diễn biến toàn sách của tác giả Tam Quốc Diễn Nghĩa. Chi tiết Mã Tốc trong đoạn trên xem ra có vẻ hơi lạc lõng thế nhưng chỉ khi ta đọc đến hồi 95 kể chuyện Khổng Minh mắc sai lầm dùng Mã Tốc ở trận Nhai Đình thì mới bộc lộ tính đích đáng của nó. Tác giả Tam Quốc Diễn Nghĩa đã tô đậm đoạn “Tiên Chủ lâm chung phó thác con côi” thành một màn tự sự giàu sức biểu cảm. Trần thuật của tác giả cho thấy so với đoạn kí tải thuật kể sơ lược trong Tam Quốc Chí kịch tính của màn chuyện này được nâng cao lên rất nhiều. Khổng Minh dường như đã trở thành nhân vật chính của màn chuyện. Lưu Bị lâm chung ngoái đi ngoảnh lại cũng chỉ trực tiếp trối trăng dặn dò có mấy người. Không kể hai người con (đáng lẽ phải có con trưởng Lưu Thiện) thì chỉ có nói chuyện cùng Khổng Minh rồi Triệu Vân. Thái tử kế vị ngày nay chính là ấu chúa A Đẩu mà Triệu Vân bọc trước ngực tả xung hữu đột phá trùng vây quân Tào cứu ra năm xưa. Khi đó Lưu Bị “quẳng con xuống đất, nói Vì mày, suýt nữa ta mất một viên đại tướng” (hồi 42) thì giờ đây giao con cho Thừa Tướng, Lưu Bị còn dặn dò thêm Triệu Vân nữa. Lưu Bị năm xưa quăng con mà khiến cho Triệu Vân “dù gan óc lầy đất cũng không đủ báo đáp” thì giờ đây trao con lại “khiến cho Thừa Tướng nguyện “dốc lòng trung trinh đến chết mới thôi”. Đằng sau câu chuyện tình vua tôi, nghĩa quân thần cảm động lòng người, đằng sau sự thú vị của tình tiết được trình bày hết sức chọn lọc, một độc giả tinh tường sẽ còn đọc thấy biết bao ý vị nhân sinh và dư ba trong tâm tư. Chính điều đó làm nên chiều sâu nội tâm, đường nét nhân cách cho các hình tượng nhân vật, gợi lên sự sâu thẳm của cuộc đời nhân thế. Lưu Bị vì sao mà trối cùng Khổng Minh “Con trẫm nếu phò trợ được thì làm, nhược bằng nó bất tài thì khanh tự làm chủ nhân của Thành Đô vậy (Chúng tôi nhấn mạnh bằng in nghiêng- LTT)”? Còn Khổng Minh vì sao mà vừa nghe mấy lời đó đã “tay chân rụng rời, mồ hồi đổ khắp mình, khóc lạy” “rập đầu đến chảy máu”? Mĩ nhân đẹp cho người yêu mình, kẻ sĩ chết cho người tri kỉ. Thuật hoài, ngôn chí suy cho cùng cũng chỉ là bút mực lời chữ. Muốn tỏ được lòng trung trinh, lập trường kiên định nhiều lúc phải máu nhuộm cờ đào, gan óc lầy đất, gói thân da ngựa mới thỏa nguyện cam lòng.

Thế giới nhân vật Tam Quốc là thế giới của gồm cả những minh quân hiền tướng năng thần lẫn hôn quân bạo chúa nịnh thần tặc tử cho chí vô số những anh tài trên các phương diện chính trị ngoại giao quân sự. Trong đó hạng mưu sĩ thuyết khách sớm Sở tối Tần - một đặc sắc của thời đại được mô tả khá sinh động. Có sử gia liên hệ đến tình trạng tự do lưu thông nguồn nhân lực trong một số khu vực trên thế giới ngày nay. Người ta cũng chú ý đến ngoài thường lệ chúa chọn bề tôi còn có hiện tượng anh tài chọn minh chủ trong Tam Quốc. Ai cũng thấy Trần Cung chọn thờ Lã Bố là sai, nhưng cũng có người tiếc Khổng Minh không theo phò Tào Tháo. Có thể vào thủa tam cố thảo lư, Lượng chưa thấu được cái tài diễn điều nhân của Bị nhưng cái sáng suốt của kẻ “nắm được xu thế của lịch sử” chắc đã khiến cho kẻ sĩ này ngần ngại khi rời Ngọa Long Cương. Thế nhưng nếu Khổng Minh không ra khỏi lều tranh thì Tam Quốc ai biết rồng ngọa Nam Dương? Vậy mà ở đời nhiều khi chỉ vì nặng một lời nguyền, một lời thác gửi đinh ninh của đồng chí mà cam lòng dấn thân làm đấng bậc giữa đời. Dù có khi biết sức không trì níu nổi cuộc cờ canh bạc hoặc biết rõ oan khốc lăng loàn sẽ đổ xuống giữa đầu. Nhưng bù lại họ đã có thể nhắm được mắt xuôi được tay, tâm hồn chính nhân an nhiên cùng cây cỏ. Khổng Minh chắc chắn là một người như thế.

Tác giả Tam Quốc chí diễn nghĩa tìm cách nhấn mạnh màu sắc nho gia và ý vị bi kịch trong hình tượng Khổng Minh. Quả đúng như nhận xét tinh tường của Hạ Chí Thanh: “Việc Khổng Minh nhận gánh vác cái trách nhiệm giúp rập Lưu Bị - người được xem là thừa kế hợp pháp chính thống dòng dõi nhà Hán phục hưng Hán triều tỏ rõ lập trường nho gia của ông” (Trung Quốc cổ điển tiểu thuyết sử luận, Giang Tây nhân dân xuất bản xã, tr.56). Vốn định tiêu dao ngày tháng giữa sơn lâm, Khổng Minh từng phất tay áo bỏ đi khi Từ Thứ muốn giới thiệu ông ra giúp đời (hồi 36). Vậy mà cảm cái đức ân cần, ơn tri ngộ và tấm lòng thành khẩn của Hoàng thúc, Khổng Minh cuối cùng đã giã từ lều tranh Nam Dương. Cố tránh đường nhập thế phần lớn vì bản thân ông biết trước khó lòng xoay chuyển mệnh trời, mà rốt cuộc đành dấn thân cho sự nghiệp - ấy là phong độ của một kẻ sỹ biết rõ không thể làm mà gắng gỏi làm, cúc cung tận tụy tử nhi hậu dĩ - một lòng tận tụy cho sự nghiệp đến chết mới thôi. Không biết cho đến tận lúc quẩy lại gánh nặng non sông Thục Hán mà tiên chúa phó lại rồi trút hơi thở cuối cùng giữa đường hành quân thu phục Trung Nguyên, Khổng Minh có biết câu mà người bạn thời ẩn dật Nam Dương Tư Mã Huy nói khi Lưu Bị tìm đến Ngọa Long Cương năm xưa - “Khổng Minh tuy gặp chủ, nhưng không gặp thời, tiếc thay!”[7] hay không? Thành thử, đọc hết bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa độc giả phục tài thần mưu diệu toán của quân sư quân Thục quốc một phần mà càng cảm bội phần đức trung thứ, chí công vô tư, tinh thần hy sinh, xử thế nghĩa dũng, cuộc đời thanh bạch liêm khiết của vị thừa tướng Thục Hán. Đỗ Phủ dường như cũng chung phần cảm nghĩ khi viết câu bất hủ “Xuất sư vị tiệp thân tiên tử, Trường sử anh hùng lệ mãn khâm” (Sự nghiệp chửa thành quân sư đã sớm mất, Mãi khiến bậc anh hùng tiếc thương lệ đầm vạt áo).[8]

Cùng với võ tướng Triệu Tử Long, quân sư Gia Cát Lượng là một nhân vật có lẽ giành được cảm tình trọn vẹn nhất của cả tác giả lẫn độc giả. Chúng ta thậm chí có quyền nghĩ tới việc cho đây là cặp nhân vật lý tưởng trong bộ tiểu thuyết trường thiên này.[9]

Tài liệu tham khảo:

1. Trần Thọ, Tam Quốc chí (Bùi Tùng Linh chú), Trung Hoa thư cục, 1959.

2. La Quán Trung, Tam Quốc diễn nghĩa (thượng, hạ quyển), Nhân dân xuất bản xã, 2004.

3. La Quán Trung, Tam Quốc diễn nghĩa (ba tập), Phan Kế Bính dịch, Bùi Kỉ-Lê Huy Tiêu hiệu đính, Nxb. Văn Học, 2004.

4. La Quán Trung, Tam Quốc chí diễn nghĩa (2 tập), lời bình Mao Tôn Cương, dịch thuật Tử Vi Lang, Nxb. Văn hoá Thông tin, 2006.

5. La Quán Trung, Tam Quốc chí diễn nghĩa (hai tập), lời bình Mao Tôn Cương, dịch thuật Mộng Bình Sơn, Nxb. Văn hoá Thông tin, 2006.

6. Sử Ký của Tư Mã Thiên, Giản Chi & Nguyễn Hiến Lê giới thiệu, trích dịch và chú thích, Lá Bối in lần thứ nhất 1970, Saigon-Vietnam.

7. Claudine Salmon biên soạn, Tiểu thuyết truyền thống Trung Quốc tại Á châu, Trần Hải Yến dịch, Nxb. KHXH, 2004.

8. B.L.Riftin, Sử thi lịch sử và truyền thống văn học dân gian Trung Quốc, Phan Ngọc dịch từ nguyên bản tiếng Nga, Nxb. Thuận Hoá – Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây.

9. Lỗ Tấn, Trung Quốc tiểu thuyết sử lược, Bách Hoa văn nghệ xuất bản xã, bản in năm 2002.

10. Trung Quốc văn học thất luận - Seven Topics on Chinese Literature, Quảng Tây Sư phạm Đại học Xuất bản xã (Guangxi Normal Univ. Press).

11. Lưu Sóc, Tiểu thuyết khảo tín biên, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 1997.

12. Chu Nhất Huyền, Tam Quốc diễn nghĩa tư liệu hội biên, Bách hoa văn nghệ xuất bản xã, bản in 1983.

13. Trịnh Chấn Đạc, Văn học đại cương -Literature compendium, Trung Hoa thư cục xuất bản lần đầu 1926, Quảng Tây sư phạm đại học xuất bản xã tái bản, 2003.

14. Hayden White, Hậu hiện đại lịch sử tự sự học, Trần Vĩnh Quốc–Trương Vạn Quyên dịch, Trung Quốc xã hội khoa học xuất bản xã xuất bản, bản in năm 2003.

15. Chu Nhất Huyền, Minh Thanh tiểu thuyết tư liệu tuyển biên, Tề Lỗ thư xã, bản in 1990.

16. Hoàng Sương-Hứa Kiến Bình, Nhị thập thế kỷ Trung Quốc cổ đại văn học nghiên cứu sử - Tiểu thuyết quyển, Đông Phương xuất bản trung tâm, 2006.

17. Andrew H. Plaks, Trung Quốc tự sự học, Bắc Kinh đại học xuất bản xã, bản in 1996.

18. Tôn Khải Đệ, Tam Quốc chí bình thoại dữ Tam Quốc chí thông tục diễn nghĩa, Văn Sử, quyển 1, 2 kì, 6/1934.

19. Hồ Thích cổ điển văn học nghiên cứu luận tập, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, bản in 1998.

20. Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân, Tướng soái cổ đại Trung Hoa, tập 1, Nxb. Lao động, 2006.

21. Minh Thanh tiểu thuyết nghiên cứu, Kỳ 1, năm 2000.

22. Hạ Chí Thanh, Trung Quốc tiểu thuyết sử luận (Hồ Ích Dân, Thạch Hiểu Lâm, Đơn Khôn Cầm dịch từ bản tiếng Anh The Classic Chinese Novel), Giang Tây nhân dân xuất bản xã, bản in 2001.

23. Chúc Tú Hiệp, Tam Quốc nhân vật tân luận, Thượng Hải, Quốc tế văn hóa phục vụ xã, 1948

24. Lỗ Tư Miễn, Tam Quốc diễn nghĩa nghiên cứu luận văn luận tập, Bắc Kinh, Tác gia xuất bản xã, 1957.

Chú thích:

[1]Lời Mao Tôn Cương: “Ngô dĩ vi Tam Quốc hữu tam kì, khả xưng tam tuyệt: Gia Cát Khổng Minh nhất tuyệt dã, Quan Vân Trường nhất tuyệt dã, Tào Tháo diệc nhất tuyệt dã” - Độc Tam Quốc Chí Pháp.

[2] Cách nói Tam Quốc diễn nghĩa là một tập binh thư suy cho cùng cũng chỉ là một lối so sánh mà thôi. Những mưu mẹo trong bộ tiểu thuyết không phải là những khuôn mẫu luôn luôn đúng. Việc trình bày nó cũng không phải là kín kẽ hoàn toàn. Một độc giả đã từng đọc nhiều tiểu thuyết trinh thám hay truyện tình báo phương Tây chắc chắn sẽ bất mãn ít nhiều khi đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa.

[3] Nguyên văn cả đoạn: “Khả vị thức trị chi lương tài. Quản, Tiêu chi á bỉ hĩ. Nhiên liên niên động chúng, vị năng thành công, cái ứng biến tướng lược, phi kì sở trường!”

[4] B.L.Riftin, Sử thi lịch sử và truyền thống văn học dân gian Trung Quốc (Bản dịch Phan Ngọc, Nxb. Thuận Hoá – Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây).

[5] Tam Quốc Diễn Nghĩa lấy nguyên đoạn lời Lưu Bị từ Gia Cát Lượng truyện - Thục Thư - Tam Quốc Chí, chỉ thay đổi mấy chữ cuối cùng “Nhược kì bất tài, quân khả tự thủ” (Nếu con ta bất tài, khanh có thể tự mình tự làm chủ lấy) thành “Nhược kì bất tài, quân khả tự vi Thành Đô chi chủ”. Hàm ý đi từ chỗ mơ hồ (tự thủ - thay thế mà làm hoặc nói làm thay) chuyển sang rõ ràng xác định (tự là chủ nhân của kinh đô). Chả trách Khổng Minh nghe xong “tay chân rụng rời, mồ hồi đổ khắp mình, khóc lạy dưới đất”, đáp lời xong còn “rập đầu xuống đất đến chảy máu” (chúng tôi nhấn mạnh bằng in đậm-LTT). Xin nhớ là trong Gia Cát Lượng truyện (Tam Quốc Chí) không có các chi tiết đó! Mới biết hàm súc trong văn đâu phải là số chữ , số lời. Và cái sự thực, ý vị nhân sinh mà tiểu thuyết diễn tả đâu phải là thứ mà kí tải lịch sử (chí/thư/lục) phản ánh được!

[6] Tam Quốc Diễn Nghĩa, Nhân dân văn học xuất bản xã, bản in lần thứ 13, 2004, hồi 85, quyển hạ, tr.697.

[7] Nguyên văn: “Ngọa Long tuy đắc kì chủ, bất đắc kì thời, tích tai!”. Xem Tam Quốc Diễn Nghĩa, Nhân dân văn học xuất bản xã, bản in lần thứ 13, 2004, hồi 63, quyển thượng, tr.310.

[8] Đỗ Phủ viết Thục tướng (Thừa tướng nhà Thục) vịnh Khổng Minh:

Tam cố tần phiền thiên hạ kế,

Lưỡng triều khai tế lão thần tâm.

Xuất sư vị tiệp thân tiên tử,

Trường sử anh hùng lệ mãn khâm

Tạm diễn nghĩa:

Ba lần đến thảo lư vời hỏi kế sách bình thiên hạ,

Hai triều sáng nghiệp tấm lòng của lão thần.

Sự nghiệp chửa thành quân sư đã sớm mất,

Mãi khiến cho bậc anh hùng tiếc thương lệ đầm vạt áo.

[9] Triệu Vân trên thực tế đã trở thành tùy tướng của Khổng Minh. Khổng Minh trước sau giữ một mối cảm tình nồng hậu đối viên tướng này. Trần thuật của tiểu thuyết cũng cho ta thấy Tử Long đáng gọi văn võ song toàn kiêm gồm trí dũng. Triệu cũng là một danh tướng đã để cho “nhân gian được thấy đầu bạc”, khác với phần đa những chiến tướng đã kết liễu đời mình ngoài cửa trận. Trần thuật về Triệu Vân và Gia Cát Lượng có thể nói dường như không có yếu tố gọi là “phúng dụ ngầm”.

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Phàm ở đời, chỉ có bậc thầy mới chê học trò. Những cũng không thiếu kẻ chê người khác để tỏ ra mình là cao. Hiếm có những trí giả thực sự khen chê đúng chỗ. Ngay cả những người có tâm thật sự tốt, nhưng do thiếu hiểu biết vẫn cứ chê một cách phiến diện. Người viết bài này thuộc loại chê một cách phiến diện, còn cái tâm có mang tính quảng cáo không thì chưa biết. Sự thật Khổng Minh có thật là người tốt hay không? Lưu Bị có thật là người tốt hay không? Hay đó chỉ là do tác giả La Quán Trung tán tụng vậy thì chúng ta cũng có thể suy luận được, nhưng chưa bàn. Tuy nhiên, tài của Khổng Minh mà đem ra chê thì đúng là tác giả bài này cứ chê để tỏ ta đây là cao trí, âu cũng chỉ là một thứ quảng cáo mà thôi.

Khổng Minh mới 28 tuổi mà danh tiếng đã nổi khắp thiên hạ vì tài năng. Khi ra phò giúp Lưu Bị vốn cũng nổi tiếng vì đánh Đông dẹp Bắc, nhưng thực chất lúc bấy giờ Lưu Bị cững mới chỉ quản lý cỡ một huyện, hoặc một tỉnh thành. Vậy mà sau này nổi cơ đồ chia ba thiên hạ làm nên một cục diện lịch sử thời Tam Quốc. Khi dựng nên cơ đồ, mọi việc đang thuận lợi, khiến Tào Tháo phải dời độ thì sự phản bội của Đông Ngô tấn công Kinh Châu giết Quan Vũ. Điều này đã tạo ra một bước ngoặt lịch sử cho cục diện Tam Quốc sau này, như là một định mệnh đã an bài. Mặc dù Thục thua lớn ở Đông Ngô, Lưu Bị chết ở Bạch Đế thành. Và sau đó thì Quân Tào hùng mạnh chia năm ngả tấn công Thục. Vậy mà một tay ông xoay chuyển tình thế, hóa giải các mũi tấn công của Tào Tháo và phản công lại Tào Tháo với 6 lần xuất quân ở Kỳ Sơn. Nếu ông ta không chết đột ngột thì chưa biết lịch sử sẽ đi về đâu? Mưu lược và tài năng như vậy quả là xuất chúng.

Sự thất bại của Khổng Minh là do định mệnh - hiểu theo nghĩa quy luật của tự nhiên và vũ trụ tương tác chi phối con người - đã an bài, chứ không phải tài năng của ông kém cỏi. Ngay lời mở đầu cuốn Tam Quốc, La Quán Trung đã viết một mệnh đề có tính triết lý làm tư tưởng chủ đạo của câu chuyện: "Thế lớn trong thiên hạ tan lâu thì lại hợp, hợp lâu tất phải tan". Tất cả những chi tiết trong Tam Quốc chỉ là những diễn biến cụ thể để minh chứng cho mệnh đề có tính triết lý này. Ngay cả trước khi Khổng Minh bước ra khỏi lều tranh thì Tư Mã Đức Tháo đã than : "Khổng Minh tuy gặp chủ, nhưng không gặp thời! Thật tiếc lắm thay!". Cuối cùng Không Minh chết ở gò Ngũ Trượng, để lại một sự nghiệp còn dang dở. Nếu ông ta còn sống thì chưa biết lịch sử sẽ đi về đâu?

Bởi vậy, đem những tiểu tiết như "gọi gió Đông Nam, rút đất hành quân....vv.....mà chê bai một bậc trưởng thượng xuất chúng như Khổng Minh thì đúng chỉ có thế là cái nhìn thiển cận của gã hủ nho mới có thể làm được.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Thần y Hoa Đà là người nước nào?

Posted ImageThần y Hoa Đà, theo trí tưởng tượng của người Trung Quốc

(NLDO)- Hoa Đà qua đời cách nay gần 1.800 năm, mọi người đều ngưỡng mộ danh tiếng ông, cũng như không ai nghi ngờ ông không phải là người Trung Quốc. Nhưng các nhà khoa học trong và ngoài Trung Quốc hiện nay vẫn chưa thống nhất quan điểm: Thần y Hoa Đà có phải là người Trung Quốc?

Danh tiếng thần y Hoa Đà (?-208) có thể nói là không ai không biết, đặc biệt giới y học cổ truyền phương Đông tôn xưng ông là Y tổ. Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung đã tái hiện một Hoa Đà y thuật siêu quần, tinh thông dưỡng sinh, cứu nhân độ thế không phân biệt ranh giới, đẳng cấp, như cứu thương cho Chu Thái (Đông Ngô), rạch xương lấy tên cho Quan Công (Tây Thục), chữa bệnh đau đầu cho Tào Tháo (Bắc Ngụy) nhưng sau đó bị Tháo nghi ngờ đem giam trong ngục mà chết, y thư Thanh nang cũng bị vợ đốt mất. Ngoài ra, trong những bộ chính sử như Hậu Hán thư, Tam Quốc chí cũng đều có ghi chép những câu chuyện về vị thần y này

Hoa Đà và thần thoại Ấn Độ

Thuyết của Trần Diễn Cách, giáo sư sử học ở Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, cho rằng Hoa Đà là người Ấn Độ. Trong bài nghiên cứu “Truyện Hoa Đà, Tào Xung trong Tam Quốc chí với truyện cổ Phật giáo”, giáo sư Trần cho rằng những câu chuyện như Tào Xung cân voi, Hoa Đà trị bệnh, thậm chí cả “Trúc Lâm thất hiền” cũng đều mang bóng dáng của thần thoại Ấn Độ. Tam Quốc chí là do sử gia Trần Thọ vâng mệnh Tấn Vương viết, bút pháp nghiêm cẩn, cứ liệu chính xác, nhưng chắc chắn ông đã tiếp thu, chịu ảnh hưởng lớn của những câu chuyện Phật giáo Ấn Độ lưu truyền rộng rãi trong dân gian lúc bấy giờ. Sự tiếp thu này được ẩn rất kín đáo, không dễ phát hiện làm cho việc giám định thật giả trong cổ sử càng khó khăn.

Giáo sư Trần Diễn Cách cho rằng chữ “Hoa Đà” trong tiếng Thiên Trúc (tức tiếng Phạn, Pali của Ấn Độ cổ) bắt nguồn từ chữ “Agada” có nghĩa là “dược”, Hán văn cổ thường dịch là “A Ca Đà” hoặc “A Kiệt Đà”. “A Ca Đà” lược bớt chữ “A”, đọc thành như “Hoa Đà”, cũng như “A La Hán” lược đi chữ “A” đọc thành “La Hán” vậy.

Theo Tam Quốc chí của Trần Thọ thì Hoa Đà tự là Nguyên Hóa, vốn tên thật là “Phu” chứ không phải “Đà”. Giáo sư Trần cho rằng do dân gian đương thời đem Hoa Phu so sánh với danh y trong thần thoại Phật giáo, do đó mới gọi là “Hoa Đà” tức xem như “dược thần”. Ý của giáo sư Trần rất rõ ràng: “Hoa Đà” là do đọc trại từ “Agada”, lấy từ thần thoại Ấn Độ - vốn được lưu truyền rất mạnh vào thời Ngụy Tấn và đã được Trần Thọ đưa vào trong lịch sử Trung Quốc. Vả chăng, “Đà” làm tên riêng ở Trung Quốc rất ít thấy.

Thuyết của giáo sư Trần được nhiều người ủng hộ. Giáo sư Lâm Mai Thôn trong bài viết “Ma phất tán” và nhân tố ngoại lai trong “phương thuật đời Hán” đã mở rộng thuyết của giáo sư Trần. Ông nói: “Agada” trong tiếng Phạn hàm nghĩa chỉ thuốc giải độc, thường chỉ thuốc viên. Theo sử liệu, Hoa Đà là người chế được “Ma phất tán” có công dụng như morphin, làm cho bệnh nhân mê đi để thực hiện phẫu thuật. “Ma phất tán” thực ra được các cao tăng Thiên Trúc bào chế, thành phần gồm hoa mạn đà la, xuyên khung, bạch chỉ, ô đầu... Giáo sư Lâm nói: “Cái tên “Hoa Đà” là lấy từ tiếng Phạn, y thuật mang đậm nhân tố Ấn Độ, tình lý rất rõ ràng. Chỉ cần cẩn thận suy xét về hoàn cảnh xã hội mà Hoa Đà hành y thì có thể thấy thuyết của giáo sư Trần không phải là phỏng đoán suông

Trần Thọ trong Tam Quốc chí đã chép rất nhiều chuyện lạ về thần y Hoa Đà. Giáo sư Trần Diễn Cách cho rằng chuyện Hoa Đà trị bệnh cho Tào Tháo hoàn toàn là sao chép lại, chuyện mổ bụng cắt khối u trong bụng hay làm cho người bệnh mửa ra những con trùng màu đỏ... đều là chuyện sao chép vì đó thực ra là chuyện chữa bệnh của thần y Kỳ Vực bên Ấn Độ. Truyện Tam Quốc chí ghi rằng khi Hoa Đà trị bệnh mà phải dùng đến mổ xẻ thì dùng “Ma phất tán” cho uống để mê đi, sau đó mới mổ ra chữa, xong rồi may lại như cũ, 4-5 ngày thì bệnh khỏi, khoảng một tháng sau thì vết thương lành hẳn.

Giáo sư Trần cho rằng câu chuyện trên hoàn toàn giống chuyện thần y Kỳ Vực chữa bệnh cho con trai trưởng lão Trị Cao Thiểm Di trong thần thoại Phật giáo. Trong chuyện Hoa Đà chữa bệnh cho thái thú Quảng Lăng là Trần Đăng, Hoa Đà cho Trần uống 2 thang thuốc, Trần nôn ra 3 thang trùng màu đỏ lúc nhúc... Chuyện này cũng lấy nguyên trong truyện cổ Phật giáo. Chuyện Hoa Đà chữa bệnh cho Tào Tháo cũng mô phỏng hệt như thần y Kỳ Bá chữa bệnh cho bạo quân.

Hoa Đà Trung Quốc không phải thần y ?

Theo giáo sư Trần, không chỉ trong Hoa Đà truyện của Tam Quốc chí là chuyện cổ Phật giáo mà những chuyện khác như Tào Xung cân voi cũng vậy. Ông cho rằng: “Voi lúc bây giờ không phải là loài thú phổ biến ở Trung Nguyên, tiếng gọi “Hoa Đà” cũng là từ âm Thiên Trúc

Theo khảo cứu của nhiều nhà nghiên cứu, Hoa Đà sinh vào năm Vĩnh Gia nguyên niên đời Đông Hán (145), chết năm Kiến An thứ 13 (208), thọ 64 tuổi. Thuyết này không đáng tin vì trong Hậu Hán thư-Hoa Đà truyện ghi rằng: “Đã gần trăm tuổi mà dung mạo như tráng niên, người đương thời gọi là tiên”, có thể thấy Hoa Đà không chỉ sống 64 tuổi. Theo Tam Quốc chí, Hoa Đà “du học bốn phương, thông hiểu kinh sách, lại giỏi thuật dưỡng sinh, tuy đã trăm tuổi mà như tráng niên. Lại giỏi về phươ

Theo khảo cứu của nhiều nhà nghiên cứu, Hoa Đà sinh vào năm Vĩnh Gia nguyên niên đời Đông Hán (145), chết năm Kiến An thứ 13 (208), thọ 64 tuổi. Thuyết này không đáng tin vì trong Hậu Hán thư-Hoa Đà truyện ghi rằng: “Đã gần trăm tuổi mà dung mạo như tráng niên, người đương thời gọi là tiên”, có thể thấy Hoa Đà không chỉ sống 64 tuổi. Theo Tam Quốc chí, Hoa Đà “du học bốn phương, thông hiểu kinh sách, lại giỏi thuật dưỡng sinh, tuy đã trăm tuổi mà như tráng niên. Lại giỏi về phương dược, thuốc hợp thành thang chỉ vài vị, châm cứu chỉ vài lần là bệnh khỏi”.

Giáo sư Trần khẳng định, người gọi là Hoa Đà có thể là người từng tồn tại vào đời Đông Hán, cũng có thể là người huyện Tiều, nước Bái, đồng hương với Tào Tháo (nay là thành phố Hào Châu, tỉnh An Huy). Thậm chí người này cũng có am hiểu y thuật và dưỡng sinh ít nhiều nhưng không phải là thần y. Về sau người này biến thành “Hoa Đà” là do dân gian đã đem chữ “Đà” (Dược vương thần) của Ấn Độ gán lên. Người Trung Quốc này đã gặp may mắn cực lớn, trở thành nhân vật thần bí được mọi người kính ngưỡng.

Hoa đà là người Ba Tư?

Năm 1980, bác sĩ Tùng Mộc Minh Tri, chuyên khoa nghiên cứu thuốc mê, Đại học Y quốc gia Nhật Bản, đã đăng nghiên cứu của ông trên tạp chí chuyên ngành Thuốc mê với nhan đề “Hiểu biết mới nhất về lịch sử khoa học thuốc mê: Danh y Hoa Đà đời Hán thực ra là người Ba Tư (nay gọi là Iran)”.

Theo vị bác sĩ người Nhật này, từ “Hoa Đà” là phiên âm của từ “x. Wadag” trong tiếng Ba Tư cổ xưa (còn gọi là An Tức, nay là Iran). “Wadag” có nghĩa là chúa hoặc thần, vì vậy nó không thể là tên người mà có ý nghĩa nhân xưng, tôn xưng như chúa công, các hạ hay ngài, tiên sinh. Nếu người được gọi mà làm nghề thuốc thì “x.Wadag” có nghĩa là “tiên sinh tinh thông y thuật”.

Đồng thời người Ba Tư vào thời Hán đã theo “con đường tơ lụa” mà qua phía Đông, vào Trung Quốc. Hoa Đà hẳn là người Ba Tư theo con đường này mà vào du học ở Từ Châu như nhiều sách đã nói. Người Ba Tư theo “con đường tơ lụa” vào trung nguyên là thuyết đáng tin cậy. Thơ Lý Bạch có câu: “Hồ cơ mặt như hoa, bên lò cười gió đông”, “Hồ cơ” là “người con gái Hồ xinh đẹp”, chính là cô gái người Ba Tư. Căn cứ vào đó, bác sĩ Tùng Mộc khẳng định: “Hoa Đà mà xưa nay cứ cho là người Trung Quốc, thực ra là người Ba Tư”.

Không có thần y Hoa Đà mà có 2 vị thần y Hoa và Đà.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay