quangnx

Hội viên
  • Số nội dung

    110
  • Tham gia

  • Lần đăng nhập cuối

  • Days Won

    1

Everything posted by quangnx

  1. Thật là mất thời gian !... Một loại Thuyết Lý "xảo ngôn và tào lao" giả danh tùm lum học thuyết, nhưng không có thực học nào đáng kể... Tại sao vậy?
  2. Thôi được, đối với các bạn trẻ như Minh An tôi xin chia sẻ đôi điều. Như các vị trưởng bối đã luống tuổi, bản ngã đã định, tôi chỉ mong các vị có được cuộc sống an lành, vì đạo hay đời gì cũng đã gần tỏ tường. Minh An không thể giống họ được phải không dù có thể rất hâm mộ một ai đó ... Nhưng đối với các bạn trẻ, mọi chuyện còn đang ở phía trước, tôi nghĩ Minh An nên sống với cái đạo ứng với sự trẻ trung, tươi mới của mình. Ví dụ hãy tự vấn xem câu:"Đạo của Dịch là bất Dịch, là biến Dịch" sẽ được giác như thế nào ? phải được ngộ như thế nào?... cho phải Đạo đắc trong thời của mình. Không nên chỉ thấm ý rồi thôi ... rất già và rất uổng... Hiện tại có lẽ vì "chưa đủ duyên" nên rất nhiều người trong chúng ta đã không có đủ tri thức để hiểu được nhân loại hiện đại đã có cả "một kho tàng tri thức khoa học đồ sộ và chính xác" để luận về vô thường, bàn về sự biến dịch và bất dịch. Hy vọng các bạn trẻ lưu tâm đến lưu ý này. Thân mến
  3. Một cảm nhận sâu sắc về "Sự Trầm Luân" khi tôi đọc các bài viết trong chủ đề này... Tôi kính mong mọi người tin rằng Dịch học, Lý học chân chính không thể chỉ gồm các lý luận vần lân như vậy được. Không lẽ mọi người lại tiếp tục bằng lòng với cách thức diễn dịch như vậy mãi sao? Mong các bạn thông cảm cho sự bức xúc này của tôi, nhưng kỳ thực là tôi rất thất vọng!...
  4. Chúc mừng anh về buổi tọa đàm đã diễn ra tốt đẹp. Nhưng tiếc quá anh Thiên Sứ ạ, với một chủ đề rất hay " Bản Chất Khoa Học Của Kinh Dịch Và Thuyết Âm dương Ngũ hành", lại được dịp trình bày trong một buổi tọa đàm khoa học, thân thiện và nghiêm túc như vậy mà anh không báo cho em biết trước. Em đã hoàn thành được một số bài nghiên cứu khoa học thấu đáo về chủ đề này... em tin là chúng có thể hỗ trợ đác lực cho anh. Hy vọng vào lần khác. Về tất cả mọi thứ anh trình bày em tin là sẽ thuyết phục được mọi người, nhưng riêng về phần khoa học cơ bản, khoa học lý thuyết của vấn đề em hiểu anh vẫn chỉ dựa vào thiên tư nên sẽ rất uổng phí vì anh sẽ giải thích không hợp chuẩn dẫn đến giảm sức thuyết phục đối với các nhà KH, mặc dù nhiều nhận định của anh vẫn phù hợp. Hy vọng Thế Trung hay các bạn trẻ giúp được anh nhiều về việc này Thân mến
  5. @Vô Trước Tôi xin phép bày tỏ đôi điều với bạn hiền: 1. Nếu bạn đã ngộ được điều gì bạn cứ tiếp tục nghiền ngẫm, tôi tin bạn sẽ thấu triệt ở mức vô ngôn..., khi đó vài chục năm ở cõi vô thường tôi nghĩ còn chưa đủ để sống, chứ chưa nói đến cấp Sống cho ra hồn... 2. Khoa học, qui luật khoa học và con người khoa học luôn động theo cấp độ Giác Ngộ của thời đại... không việc gì bạn hiền phải băn khoăn với việc nó có "luôn" đúng hay không... Thân mến
  6. Rubi ơi! Tôi cảm thấy dường như Rubi đang vẽ một cái vòng thật đẹp xong rồi nhảy vào đó... Mong Rubi sớm hoàn thành các vòng chạy để nhảy ra chơi với anh em nhe!... Thân mến
  7. Quang Trung Nguyễn Huệ "Mà nay áo vải cờ đào Giúp dân dựng nước xiết bao công trình" Ðó là hai câu thơ trong bài "Ai Tư Vãn" của Ngọc Hân Công Chúa tán thán công đức người thanh niên áo vải đất Tây Sơn: Nguyễn Huệ. Cách đây 216 năm, vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), Nguyễn Huệ đã chỉ trong vòng 6 ngày đánh thắng đạo quân tinh nhuệ hơn 29 vạn do tổng đốc lưỡng quảng Tôn Sĩ Nghị lãnh đạo. Và trước đó, vào tháng Giêng năm 1785, chỉ trong một ngày đã quét sạch 5 vạn quân giặc Xiêm La (Thái Lan) và đoàn lính đánh thuê phương Tây do Nguyễn Ánh rước vào. Người thanh niên lừng danh đó được các giáo sĩ Tây phương nể sợ so sánh như một Alexandre Ðại Ðế, như một Tân Attila Ðại Ðế trong các chiến trận lừng danh thế giới, và quân Xiêm run sợ coi Nguyễn Huệ như một ông "tướng nhà trời". Hôm nay chúng ta giở lại trang lịch sử vẻ vang cũ để tìm hiểu người anh hùng đó. Chúng ta tự nghĩ do đâu mà nẩy sinh ra một anh hùng lừng danh trong lịch sử dân tộc? Có phải thời thế tạo anh hùng hay anh hùng tạo ra thời thế? Hay nhờ một nền văn hóa khai phóng của dân tộc hun đúc nên một trang anh liệt với tất cả những đặc tính NHÂN BẢN, NHÂN CHỦ đặc trưng của đất Lĩnh Nam... Chúng tôi sẽ lần lượt trình bày thân thế sự nghiệp, bối cảnh lịch sử trước thời Tây Sơn, những chiến công oanh liệt, những nét son về chiến thuật, chiến lược của Nguyễn Huệ và tinh thần khai phóng trong việc xây dựng một xã hội thuần Việt. I Thân thế sự nghiệp: Theo Quách Tấn, người quê ở Bình Ðịnh cho biết: Ấp Tây Sơn là nơi phát tích của ba anh em nhà anh hùng dân tộc Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, cho nên sử gọi ba anh em là Nhà Tây Sơn. Tổ tiên nhà Tây Sơn vốn họ Hồ, giòng dõi Hồ Quý Ly, ở làng Hương Cái, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Tổ quán ở dưới chân hòn Thái Sơn, một hòn núi nhỏ bên cạnh hòn Ðại Hải, một danh sơn xứ Nghệ. Họ Hồ theo chân Nguyễn Hoàng vào lập nghiệp miền Nam đến ông cố của Nguyễn Huệ là đời thứ tư, tên là Hồ Phi Long vào giúp việc nông trại cho nhà họ Ðinh ở thôn Bằng Chân, huyện Tuy Viễn (tức An Nhơn). Ông cưới vợ họ Ðinh và sinh được một trai tên là Hồ Phi Tiễn. Lớn lên Hồ Phi Tiễn thông minh lanh lợi, song sức yếu không cán đáng được việc đồng áng, nên bỏ đi buôn trầu ở ấp Tây Sơn và gặp người vừa ý mới kết nghĩa vợ chồng và cất nhà định cư nơi quê vợ. Bà vợ tên là Nguyễn thị Ðồng, con gái duy nhất của một phú thương đất Phú Lạc. Sau đó họ đổi con cái từ họ Hồ sang họ Nguyễn của mẹ. Vì vậy đứa con từ lúc sơ sinh được cải qua họ mẹ là Nguyễn Phi Phúc. Lớn lên ông Nguyễn Phi Phúc cũng chuyên nghề buôn trầu và trở nên mỗi ngày mỗi giàu có. Chợ Kiên Mỹ trở thành thị trấn Kiên Mỹ và ông Phúc trở thành một phú thương có uy tín nhất trong vùng. Ông Phúc có ba người con trai: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ (theo các giáo sĩ Tây phương thì Nguyễn Phi Phúc có 7 người con, Nguyễn Nhạc là anh hai, Nguyễn Huệ thứ bẩy, thua Nguyễn Nhạc đến 10-15 tuổi. Nguyễn Lữ sau cùng thứ tám, nhỏ hơn Nguyễn Huệ 1 tuổi, ở giữa là các chị gái của Nguyễn Huệ. Sau này khi vua Quang Trung Nguyễn Huệ băng hà, chỉ có một người chị gái của nhà vua được vào Phú Xuân lo việc tẩm liệm còn phái đoàn do Nguyễn Nhạc cầm đầu đều bị chặn không cho vào). Lớn lên ba anh em được đưa đến thụ giáo với thầy giáo Trương văn Hiến, một môn hạ của Trương văn Hạnh (Trương văn Hạnh là một quan đại thần đời Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát. Về sau Quốc phó Trương Phúc Loan chuyên quyền, Hạnh phản đối và bị Loan giết chết. Trương văn Hiến sợ vạ lây bèn trốn vào An Thái mở trường dạy học). Giáo Hiến truyền dạy cho ba anh em Tây Sơn cả văn lẫn võ. Nguyễn Huệ chuyên học đao, Nguyễn Lữ chuyên học quyền và Nguyễn Nhạc chuyên học kiếm. Khi cha chết, Nguyễn Nhạc nối nghiệp nhà, Nguyễn Lữ xuất gia theo Minh giáo tục gọi là đạo Ma Ní dùng phù phép để chữa bệnh. Chỉ có Nguyễn Huệ tiếp tục theo học với thầy giáo Hiến. Nguyễn Nhạc kết duyên cùng Trần thị Huệ nên để tránh trùng tên với chị dâu, gia đình mới gọi Nguyễn Huệ là Bình, nhân dân địa phương gọi thân mật là chú Ba Bình. Còn tên Thơm là do hoa Huệ có hương thơm nên gọi thay cho tên kiêng cữ. Một hôm Nguyễn Nhạc mua được thanh cổ kiếm dài và rất bén, nhớ ơn thầy cũ bèn xuống An Thái dâng cho thầy. Trương văn Hiến cho biết đây là một thanh bảo kiếm, có đại phước mới vào tay, hẹn giữ hộ và ngày sau sẽ giao lại. Rồi Trương Văn Hiến bảo Nhạc: "Lúc nầy là lúc kẻ anh hùng có thể dựng nên nghiệp cả, anh không nên để lỡ thời cơ." Ý quật cường vốn đã nhen nhúm trong người nhưng Nguyễn Nhạc từ tốn thưa: "Con tự xét không đủ tài sức" Trương văn Hiến ôn tồn nói: "Hán Cao Tổ, Lê Thái Tổ đâu có phải từ trên trời sa xuống. Người có chí hễ năm được thiên thời, địa lợi, nhân hòa thì đại sự thành công không mấy khó khăn. Hiện giờ Trương Phúc Loan chuyên quyền làm những việc gian ác, triều đình đảo điên, nhân tâm ly tán. Nếu có người phất cờ khởi nghĩa thì bốn phương thiên hạ đều hưởng ứng ngay. Ðất Tây Sơn núi non hiểm trở có cái thế bách nhị, tới lui sức ngoài nào có thể ngăn cản. Anh chỉ có phải lo việc tài chánh quân sự nữa là có thể hưng binh." Rồi ông gọi Nguyễn Huệ ra bảo: "Con nay đã khôn lớn, tài nghệ đã vững, con hãy về nhà giúp anh." Trương Văn Hiến lại tặng cho hai anh em hai bộ binh pháp, một của Tôn Ngô, một của Trần Hưng Ðạo. Nhận thấy Nguyễn Huệ có tư chất thông minh, tiếng nói vang như chuông ngân, đôi mắt sắc bén và sáng tựa điện quang Trương Văn Hiến xét đoán con người này mai sau chí lớn vang trùm cả thiên hạ. Hai anh em bái biệt thầy về lo việc xây dựng sự nghiệp. Nguyễn Huệ cùng anh lo gầy dựng kinh tế, huấn luyện quân sự và cùng với sự ngầm trợ giúp về mặt tâm lý của thầy giáo Hiến. Chẳng mấy chốc lực lượng của nhà Tây Sơn mỗi ngày mỗi lớn, mỗi vững vàng. Những người hợp tác đầu tiên với nhà Tây Sơn có: Nguyễn Thung, phú nông Thuận Nghĩa. Bên võ có Bùi Thị Xuân, người thôn Xuân Hòa, Võ Văn Dũng, Võ Ðình Tú thôn Phú Phong, Trần Quang Diệu, chồng Bùi Thị Xuân người thôn An Tín. Bên văn có Trương Mỹ Ngọc ở An Nhơn, Võ Xuân Hoài ở Phú Phong. Về sau, kẻ sĩ gần xa đến hưởng ứng thêm đông. Lực lượng Tây Sơn đánh đâu thắng đó, vang danh một cuộc cách mạng bình đẳng, bình quyền, không tham ô của dân, lấy của người giàu chia cho người nghèo. Ðó là thời gian khởi đầu cuộc cách mạng dân tộc của ba anh em nhà Tây Sơn. II. Bối cảnh lịch sử trước thời Tây Sơn: a) Bối cảnh đằng ngoài (đằng ngoài là từ giới tuyến sông Gianh trở ra Bắc, thuộc quyền vua Lê, chúa Trịnh). Từ khi giúp vua Lê đánh bại họ Mạc, Trịnh Kiểm chưa có thái độ lên mặt với vua Lê, nhưng đến đời Trịnh Tùng, đã dẹp yên họ Mạc, liền lên mặt lấn áp vua Lê. Năm 1599 Trịnh Tùng tự xưng là Ðô Nguyên Súy Tổng Quốc Chính Thượng phụ Bình An Vương và lập lên phủ chúa. Vua Lê là Lê Kinh Tông, con của vua Thế Tông lên ngôi 1600 không chịu nổi sự lấn áp của chúa Trịnh, âm mưu chống lại. Công việc bại lộ, Trịnh Tùng bức vua thắt cổ chết năm 32 tuổi. Hoàng tử Duy Kỳ lên thay tức Lê Thần Tông. Tất cả mọi quyền hành đều trong tay phủ chúa Trịnh. Kể từ đó con cháu Lê Thái Tổ không còn một uy quyền nào nữa. Họ Trịnh công khai giết vua lập vua khác, làm chủ sân khấu chính trị miền Bắc như không còn biết ai dưới mắt nữa. Vì họ Trịnh lấn át quyền vua Lê nên lòng người không phục, giặc giã nổi lên liên miên. Lại còn lo chiến chinh với chúa Nguyễn ở đằng trong nên cuộc sống người dân mỗi ngày càng thêm cơ cực. Theo giáo sĩ Le Breton, trong vụ đói tháng 8, 9, 10 năm 1778 có làng chết quá nửa. Tới cuối tháng 8 năm 1779 đê vỡ gây lụt lội nhiều vùng ở 3 tỉnh miền trung Bắc Việt. Trong nhật ký từ tháng 5/1785 đến tháng 6/1786 giáo sĩ cho biết vào cuối năm 1785 có lụt lạ thường, hạn hán kéo dài, sâu bọ tàn phá muà màng nhiều nơi, ngay cả gốc cây lúa mới cấy. Các nhu yếu phẩm mỗi ngày mỗi tăng giá. Cướp của đốt nhà hoành hành trên bộ cũng như ngoài biển, chính quyền không dám động tới. Tất cả những lý do trên đã gây ra nạn đói dữ kéo dài gần ba tháng. Dân chúng một khi đói khổ triền miên như vậy, tránh sao khỏi nổi loạn. Riêng về quan lại thì chia nhau bè phái khi thì vua Lê khi thì chúa Trịnh, chỉ lo vơ vét của dân. Chẳng ai còn quan tâm đến dân đến nước. Kẻ sĩ thì cố gắng vươn lên kiếm lấy mảnh bằng để vượt khỏi cảnh nghèo đói khốn cùng, sưu cao thuế nặng. Họ không ngại gì chuyện khom lưng quỳ gối, lưỡi uốn đãi đưa hèn mạt, mua quan bán chức, thi cử gian lận. Chính trong tình thế nầy những người còn chút liêm sỉ như La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đã bỏ không đi thi và dầu chúa Trịnh mời ra làm quan cũng từ chối. Chúng ta thử nghe lời bình phẩm quan lại nhà Lê dưới ngòi bút của Lê Quý Ðôn: "Trong khoảng đời Hồng Ðức (1470-1497) mở rộng đường khoa mục thành long trọng để kén nhân tài. Học trò bèn đua nhau thiên về mặt văn hay, chỉ cốt thêu chạm lời phú, còn phần khí tiết khẳng khái thì đã cảm thấy tan tác hủ suy. Nhưng vì đường sủng vinh rộng mở thì cách khoa lệ cũng nghiêm, ai điềm tĩnh thì tự nhiên được cất nhắc, kẻ chạy chọt cầu cạnh thì bị cách phạt. Bởi vậy người làm quan bấy giờ ít thói bon chen mà thiên hạ còn biết quý danh nghĩa. Ðấy lại là một thời nữa. Từ đời Ðoan Khánh (1505) trở về sau, lối thanh nghị suy kém quá, thói luồn cúi ngày càng thịnh dần. Kẻ quyền vị ít có người giữ được liêm khiết nhún nhường, nơi triều đình ít thấy lời dám can ngăn kích thiết. Gặp chuyện khó chịu bèn để khỏi bận nịu, thấy nguy thì bán nước cầu an. Cả đến bậc gọi danh nho cũng yên lòng nhận lấy cái vinh sủng bất nghĩa, mà vẫn còn thi ca đi lại, khoe cái hay cái đẹp với nhau. Phong thái sĩ phu thật hỏng nát không bao giờ bằng thời nầy. Sự tệ hại của cuộc biến chuyển này không thể nói xiết được. Tính trong khoảng trên dưới một trăm năm quốc sử nầy lấy những bậc đáng gọi là cao sĩ thì chỉ có được vài người như các ông Lý Tử Cấu, thật đáng ngán cho những bậc phong tiết này ít thấy quá vậy." (Kiến Văn Tiểu Lục) Với những lời xét đoán trên đây của Lê Quý Ðôn cho chúng ta thấy cái học của Tống Nho mỗi ngày mỗi thêm bế tắt, cực đoan và đi đến độc tôn của nhà nước. Vì vậy cái học căn bản đạo đức, chính trị của Tống Nho bắt đầu từ Lê Thái Tổ đã manh nha làm cho sĩ khí kẻ sĩ mỗi ngày mỗi tệ hại, đất nước mỗi ngày mỗi điêu linh suy nhược. Ðến Lê Chiêu Thống thì vua tôi nhà Lê cam tâm đem đất nước dâng cho ngoại bang không biết điều sỉ nhục. Ðến người như Ðặng Trần Thường, muốn cầu cạnh Ngô Thời Nhiệm tiến dẫn cho chúa Trịnh mà khom lưng quỳ gối đến nỗi Ngô Thời Nhiệm phải mắng cho "người hèn hạ như anh thì làm được nông nỗi gì?. Sau đó Ðặng Trần Thường vào hàng với Nguyễn Ánh và được tin dùng. Ngày xưa Nguyễn Trãi sau khi dẹp xong giặc Minh, chán ngấy với cái nho phong cực đoan cũng phải xót xa than rằng: "Ta dư cửu bị nho quan ngộ? (thương ta bị cái mũ nhà nho làm ta lầm lẫn từ lâu). Ðến thời Nguyễn Ánh lên ngôi vua cũng muốn củng cố giòng họ mình nên đã đang tâm sử dụng cái học Tống Nho làm cho đất nước rơi vào tay thực dân Pháp, gây nên cảnh thống khổ lầm than suốt cả trăm năm dưới gót giày của bọn Pháp. Do đấy chúng ta thấy cái học dưới đời Lý Trần không chấp vào giáo điều. Các tôn giáo đều được ưu đãi ngang nhau. Các cuộc thi tam giáo đã nói lên tính chất khai phóng của đất Lĩnh Nam. Nước nhà thịnh trị, con người ấm no, hạnh phúc. :rolleyes: Bối cảnh đàng trong: Từ khi Trịnh Kiểm sợ thế lực của họ Nguyễn cạnh tranh lấy quyền lợi của mình bèn giết Nguyễn Uông anh ruột của Nguyễn Hoàng. Nguyễn Hoàng sợ quá bèn nhờ chị ruột đang là vợ của Trịnh Kiểm xin cho vào trấn Thuận Hóa để tránh sự soi mói của anh rể. Trịnh Kiểm mới giết Nguyễn Uông nay lại giết Nguyễn Hoàng sợ lòng người không phục nên cũng muốn đuổi phắt Nguyễn Hoàng đi xa cho rảnh mắt. Năm 1558 Trịnh Kiểm xin vua Lê cho Nguyễn Hoàng vào trấn Thuận Hóa. Nguyễn Hoàng mừng thầm đem gia nhân và những người tình nguyện vào Thuận Hóa. Trước khi đi, Nguyễn Hoàng có cho người đến thăm dò ý kiến của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và được cho biết: "Hoành sơn nhất đái Vạn đại chung thân" Lúc Nguyễn Hoàng đến Thuận Hóa, miền Nam chỉ có hai tỉnh đó là Thuận Hóa và Quảng Nam. Năm 1613 Nguyễn Hoàng lúc mất dặn người kế vị là Nguyễn Phúc Nguyên tục gọi là chúa Sãi. "Ðất Quảng nầy bên Bắc có núi Hoành Sơn, có sông Linh Giang. Phía Nam có núi Hải Vân và Bí Sơn là đất dụng võ trời dành cho kẻ anh hùng. Phải biết thương dân và rèn luyện quân sĩ để gây dựng sự nghiệp muôn đời". Chúa Nguyễn lập riêng một cõi ở phía Nam, cho nên mọi việc chính trị, quân sự, kinh tế, việc gì cũng tự sửa sang và xếp đặt lấy như một nước tự chủ. Lúc đầu, chúa Nguyễn chưa có ra mặt chống lại chúa Trịnh thì quan lại ngoài Bắc được bổ vào. Nhưng về sau, chúa muốn có đủ người sung vào chính quyền mới đặt ra các khoa thi. Các khoa thi rất đơn sơ không chú trọng nhiều về từ chương, thi phú mà chú trọng thực tiễn ứng vào đời sống của dân. Cho nên các khoa thi đều có thêm phần vấn đáp được hỏi về trách nhiệm của quan, của lính, của dân, và về thuế má và lương bổng. Từ khi Nguyễn Hoàng mất, chúa Nguyễn không chịu thần phục chúa Trịnh nữa. Quân Trịnh vài ba năm lại đánh vào quân Nguyễn một lần. Lần đầu quân Trịnh đem quân vào Nam đánh quân Nguyễn vào năm 1627 cho đến lần cuối vào năm Nhâm Tý 1672. Từ đó lấy sông Gianh làm giới hạn giữa đàng trong và đàng ngoài. Mặt phía bắc phải lo đối phó với quân Trịnh, mặt phía nam phải lo giặc Chiêm Thành luôn quấy phá biên giới, cho nên chúa Nguyễn phải chú trọng về võ bị hơn. Năm Tân Mùi 1631, chúa Sãi lập ra sở đúc súng đại bác, mở trường bắn, trường tập voi, tập ngựa. Về phía nam, Chiêm Thành mặc dầu thế đã yếu hơn từ khi Lê Thánh Tông đưa quân vào Nam đánh, nhưng tính vẫn hay cướp bóc ở biên giới nên chúa Nguyễn phải ra sức phòng bị. Từ năm 1617 cho đến 1697, mỗi lần đánh nhau thua trận chúa Chiêm lại cắt đất cho chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn được đất đặt ra phủ trấn đưa di dân vào làm ăn. Cho đến năm Ðinh Sửu 1697, đất Chiêm mất hẳn trên bản đồ. Các đại thần, thân nhân của chúa Chiêm trở thành những công chức của nước Việt, hoàng gia Chiêm không còn uy tín nữa. Người Chiêm được chính quyền khuyến khích đổi y phục theo người Việt. Còn một phần đất phía nam của Thủy Chân Lạp, do sự yếu hèn và sự chia rẽ của chính quyền Chân Lạp, họ phải nhờ vào chúa Nguyễn giúp sức để chống lại loạn quân hay sự quấy phá giành đất của quân Xiêm La. Mỗi lần thắng trận họ nhớ ơn và cắt đất cho chúa Nguyễn. Theo chính sách tằm ăn dâu, chúng ta đã có được tất cả đất đai của Thủy Chân Lạp. Chỉ trong vòng gần 30 năm từ 1674 đến 1705, chúa Nguyễn đã nắm trọn phần đất từ sông Gianh cho đến Hà Tiên. Ðược đất đến đâu, nông dân chúng ta lại khai phá đến đấy. Mặc dầu khai phá cực nhọc ban đầu nhưng nhờ tính cần cù, nhẫn nại, lại biết dung hòa với cuộc sống mới với bà con xóm giềng, họ ít bị gặp sự chống đối hay ganh tức của người bản xứ. Ðó là đặc tính dung hóa sâu sắc và khai phóng tiềm tàng trong người dân từ một nền văn hóa Lĩnh Nam. Ðất đai phì nhiêu màu mỡ, dân chúng sống sung túc, ấm no. Chính nhờ vật chất không thiếu thốn mà tinh thần được thoải mái. Có nhiều người đã so sánh tính khai phóng của dân tộc ta vào những năm phát triển phía nam giống như tính khai phóng của xứ Hoa Kỳ vào những năm đầu lập quốc. Nhưng chúng tôi nhận xét thấy mặt khai phóng có thể giống, nhưng chúng ta còn có tính nhân bản tiềm tàng trong mỗi người dân vì vậy chúng ta không xua đuổi hay giết chóc dân bản xứ. Có những cái hay của dân bản xứ mình học được và những cái hay của mình dân bản xứ cũng học được, chính nhờ đặc tính nhân bản và bình đẳng mà mình không dựa uy quyền mà hiếp đáp họ, sống hòa đồng với họ, cưới vợ gả chồng cho nhau, dần dần đồng hóa họ vào đại gia đình dân tộc. Còn về phía Hoa Kỳ, chúng ta không thấy hiện rõ tính nhân bản. Tính hiếu sát, săn bắn vẫn còn tiềm tàng trong họ. Người da đỏ bị dồn vào những nơi riêng biệt cho đến ngày gần diệt chủng. Người da đen nô lệ trong thời gian khai phá và bị liệt vào hàng súc vật. Cho đến thời tổng thống Abraham Lincoln người da đen mới bắt đầu được giải phóng. Về phần chính quyền chúa Nguyễn, từ khi nới đất phía nam rộng rãi phì nhiêu, sinh ra tính kiêu căng tự mãn, ăn chơi hoang phí, từ vua chí quan học đòi tính ỡm ờ văn hoa, chữ nghĩa của Tống Nho. Kẻ sĩ mỗi ngày mỗi nhiều, tiêm nhiễm tính cực đoan của Tống Nho, sinh nhiều điều giáo điều sằng bậy. Nhân dân đói rách lầm than, giặc giã nổi lên. Theo giáo sĩ Labarette đã viết trước ngày Nguyễn Huệ chiếm Phú Xuân rằng tại các vùng Ðịnh Cát, Quảng Trị "Nạn đói càng ngày càng gia tăng ở đây, những nhu yếu phẩm cho đời sống đều quá giá ... Ngoài đường, trong nhà đâu cũng đầy rẫy những xác chết và không còn ai nghĩ đến việc chôn cất." Trong một hoàn cảnh như vậy, nhà Tây Sơn nổi lên như một luồng sóng cách mạng được nhân dân khắp nơi ủng hộ. III. Những chiến công hiển hách của Nguyễn Huệ: Chúng tôi chỉ nêu lên những trận đánh tiêu biểu mang tính chất một cuộc hành quân thần kỳ bí ẩn hiếm có trong lịch sử kim cổ. a) Chiến thắng 5 vạn quân Xiêm ở Rạch Gầm, Xoài Mút: Sau khi thua ở Gia Ðịnh, Nguyễn Ánh trốn ra Phú Quốc, một mặt giao con trai cho Bá Ða Lộc làm con tin sang cầu viện quân Pháp, một mặt qua Xiêm xin cầu viện. Lúc bấy giờ nước Xiêm dưới triều vua Chakkri đương lúc thịnh vượng và nuôi tham vọng chiếm đất Chân Lạp và Gia Ðịnh để mở rộng bờ cõi. Ðể chuẩn bị xâm lăng, vua Xiêm cho phép Nguyễn Ánh gom góp đám lưu vong và tàn quân khoảng 1 ngàn người do Châu Văn Tiếp làm Ðại Ðô Ðốc, sai cháu là Chiêu Tăng làm chủ tướng và Chiêu Sương làm tiên phong, mùa hạ năm Giáp Thìn 1784 đem 2 vạn thủy quân và 300 chiến thuyền hợp với sự dẫn đường của Nguyễn Ánh ồ ạt vượt biển sang Gia Ðịnh. Ðồng thời vua Xiêm liên lạc với vua Chân Lạp mượn đường đưa 3 vạn quân bằng đường bộ sang Gia Ðịnh. Sau khi đánh nhau vài trận, với số quân ít ỏi không quá 10 ngàn, tướng Tây Sơn Trương Văn Ða phải tận sức giữ phần đất còn lại phía đông Tiền Giang trở ra, còn phần đất phía tây từ Tiền Giang, Hậu Giang trở vô đều thuộc quyền kiểm soát của quân Xiêm. Chiếm được nửa phần đất Gia Ðịnh quân Xiêm sinh ra kiêu căng, chúng xem thường quân Tây Sơn và khinh mạn Nguyễn Ánh, chúng không lo luyện tập mà chỉ lo tìm cách cướp bóc của cải, hãm hiếp phụ nữ. Chúng dùng thuyền chở về Xiêm bao nhiêu con gái, bao nhiêu vàng bạc, của cải chiếm được. Hành động bạo ngược của quân Xiêm đào sâu lòng căm thù của toàn dân miền tây và cả miền đông Gia Ðịnh đối với quân Xiêm và hành động rước voi giày mồ của Nguyễn Ánh. Nhờ sự ủng hộ của toàn dân mà Trương Văn Ða với số quân ít ỏi đã ngăn chặn được bước tiến của quân Xiêm. Cuối năm 1784, Trương Văn Ða sai đô úy Ðặng Văn Trấn về Quy Nhơn báo cáo tình hình của Gia Ðịnh. Vua Thái Ðức Nguyễn Nhạc liền sai Nguyễn Huệ, Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, còn thêm sự tự nguyện tòng chinh của Bùi Thị Xuân đem đại binh vào tảo trừ. Thủy bịnh của Tây Sơn vào cửa Cần Giờ và đi thẳng vào Nam theo cửa sông Tiền Giang kéo đến Mỹ Tho nơi chủ lực quân của Trương Văn Ða đóng. Nguyễn Huệ thân hành đi xem xét địa hình địa thế và cho người do thám tình hình địch. Nhận thấy đất Mỹ Tho rất phì nhiêu nhưng địa thế khá hiểm trở, Nguyễn Huệ sai Trương Văn Ða ra giữ thành Gia Ðịnh, còn mình quyết một trận tiêu diệt toàn bộ quân địch. Ông chọn khúc sông Rạch Gầm Xoài Mút và Rừng Dừa làm địa thế tiêu diệt quân thù. Lực lượng quân Xiêm và quân nhà Nguyễn quá lớn mà quân số của Tây Sơn không đầy một nửa. Nguyễn Huệ cho thủy binh mai phục ở các nhánh sông nhỏ quanh co, còn bộ binh thì một đội mai phục ở hai bên bờ sông và trên cù lao Ông Thới, bãi Tôn còn một đội thì mai phục nơi rừng dừa. Thủy binh do Nguyễn Huệ và Võ Văn Dũng chỉ huy còn bộ binh thì do vợ chồng Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân điều khiển. Sắp xếp xong mọi việc, Nguyễn Huệ cho Võ Văn Dũng kéo binh đến khiêu chiến. Ðó là chiều ngày mồng 9 tháng Chạp năm Giáp Thìn tức 19-11-1785. Thấy có thủy quân Tây Sơn tới khiêu chiến, Chiêu Tăng liền sai Sạ Uyển cùng 1 vạn quân ở lại bản doanh và bố trí các nơi hiểm yếu còn mình thì thống lãnh đại thủy lục quân đánh Tây Sơn. Lục quân do Lục Côn chỉ huy theo tả ngạn sông Tiền Giang xuống. Thủy quân do Chiêu Sương tiên phong kéo thẳng xuống sông Mỹ Tho. Hai đạo thủy bộ dĩ nhiên có các tướng sĩ của Nguyễn Ánh dẫn đường. Quân giặc tiến binh rầm rộ nhưng không tiến nhanh được vì dưới sông thì nước triều đang dâng, trên bờ thì lau lách dầy đặc. Võ Văn Dũng được lệnh vừa đánh vừa lui. Ðến đầu sông Mỹ Tho thì trời bắt đầu tối. Ðèn trên thuyền của đôi bên đều được thắp sáng. Thuyền Tây Sơn núp trong Rạch Gầm kéo ra trợ lực cùng thuyền Võ Văn Dũng chặn không cho thuyền giặc tiến. Ðến khi trăng sắp lặn, thủy triều sắp rút thì Võ Văn Dũng trá bại. Thuyền giặc đuổi theo đến Rách Gầm thì một phần lớn thuyền Tây Sơn tắt hết đèn đuốc rẽ vào rạch còn phần nhỏ thì cứ xuôi dòng sông. Thuyền giặc đuổi theo ánh đèn cho đến khi toàn bộ lọt vào trận địa thì một tiếng pháo lệnh nổ vang. Các chiến thuyền của Nguyễn Huệ từ các rạch Xoài Mút và các nhánh sông nhỏ kéo ra chận đánh, đồng thời súng đại bác trên cù lao Thới Sơn và ở hai bên bờ nã liên tục vào thuyền địch. Bị đánh thình lình, Chiêu Sương hoảng hốt cho dừng thuyền lại. Thuyền trước dừng một cách đột ngột, thuyền sau đang tiến nhanh theo nước triều rút nên va chạm vào nhau lớp này đến lớp khác. Ðoàn thuyền sau muốn quay trở lại thì bị thuyền Tây Sơn ở Rạch Gầm kéo ra đánh bật lui vào trận địa. Phía trước bị chận đánh, phía sau bị khóa chặt, hai bên hông và trên đầu bị đại bác nã, phần thuyền va vào nhau làm cho hàng ngũ quân địch bị rối loạn, thuyền địch lớp bị tan vỡ, lớp bị bắn chìm. Ba trăm chiếc thuyền và hai vạn quân địch cùng với quân dẫn đường của Nguyễn Ánh bị tiêu diệt toàn bộ. Còn đạo bộ binh của giặc do Lục Côn chỉ huy đang tiến quân bỗng nghe tiếng đại bác liền dừng lại thì thình lình trong đám lau lách phục binh của Tây Sơn vừa hò hét vừa xông ra. Lục Côn chưa trở tay kịp thì đã bi. Bùi Thị Xuân chém bay đầu. Quân Xiêm hoảng hồn bỏ chạy tán loạn nhưng phía sau lưng và tả hữu đều bị quân Tây Sơn áp đánh, chúng bèn chạy vào rừng dừa nơi đó quân Nguyễn Huệ đã chờ sẵn để cho chúng vào đường chết. Thế là khi trời vừa rạng đông, chiến trận cũng vừa chấm dứt. Toàn bộ 4 vạn quân Xiêm và quân Nguyễn Ánh trong đêm mồng 9 tháng Chạp đến rạng ngày 10 tháng Chạp hoàn toàn bị tiêu diệt. Chỉ còn non mười ngàn quân lẩn trốn được. Trong đám tàn quân lẩn trốn có Chiêu Tăng, Chiêu Sương và Nguyễn Ánh. :rolleyes: Cuộc chiến với 29 vạn quân Thanh: Từ khi Vũ Văn Nhậm theo lệnh Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc diệt trừ tội làm phản của Nguyễn Hữu Chỉnh. Vũ Văn Nhậm trở nên tham quyền cố vị. Vua Lê Chiêu Thống cùng thái hậu lẩn trốn khỏi triều đình. Nghe tin Vũ Văn Nhậm tạo phản, Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc tiêu diệt Vũ Văn Nhậm rồi lập lại triều chính, cho mời Lê Chiêu Thống về giữ quốc sự xong rút quân về. Nhưng vua Lê quá sợ đã sang Tàu nhờ Tôn Sĩ Nghị tâu với vua Càn Long xin giúp. Vua Càn Long y tấu cho Tôn Sĩ Nghị tuyển quân 4 tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây, Quý Châu và Vân Nam. Quân Thanh được chia làm 3 đạo: 1 đạo do tổng binh Vân Nam và Quý Châu chỉ huy sang mạn Tuyên Quang, đạo thứ hai do tri phủ Sầm Nghi Ðống sang mạn Cao Bằng, đạo thứ ba do Tôn Sĩ Nghị và đề đốc Hứa Thế Hanh sang mạn Lạng Sơn. Tướng Tây Sơn là Ngô Văn Sở theo lời bàn của Ngô Thời Nhiệm kéo quân về núi Tam Ðiệp trấn giữ, sau những trận đánh lẻ của Phan Văn Lân làm cho quân Thanh càng thêm kiêu căng, tự mãn. Từ đó trở vào Nam quân Tây Sơn trấn giữ cắt hẳn Thanh Nghệ với các trấn đàng ngoài. Chiều ngày 21 tháng 11 Mậu Thân 1788 Tôn Sĩ Nghị đem quân vào thành Thăng Long, đặt tướng doanh tại Tây Long Cung và bảo Lê Chiêu Thống chọn ngày tốt làm lễ sách phong, phong vua Lê làm "An Nam Quốc Vương". Dẫu được nhà Thanh ban cho quốc vương, Lê Chiêu Thống vẫn còn e dè không dám lấy niên hiệu Chiêu Thống mà vẫn phải để niên hiệu Càn Long thứ 53. Hằng ngày Lê Chiêu Thống cỡi ngựa cùng vài chục lính hầu sang Tây Long Cung chầu chực việc quân quốc với Tôn Sĩ Nghị. Có bữa Nghị dâm dật chè chén say sưa ban đêm, buổi sáng cho người đứng dưới gác chuông, truyền bảo vua Lê hôm nay không có việc quốc quân, hãy cứ về cung mà nghỉ. Luôn mấy năm mất mùa đói kém, dân gian đang bị điêu linh thống khổ nay lại phải phục dịch hàng vạn quan quân nhà Thanh, ai oán nổi lên khắp nơi. Lại thêm thảm kịch cướp của, đánh người, hãm hiếp do bọn quân Thanh gây ra, nỗi oán hận ngút trời. Trở lại quân Tây Sơn, từ khi rút quân về Tam Ðiệp, Ngô Văn Sở sai Nguyễn Văn Tuyết ngày đêm về Phú Xuân khẩn báo lên Nguyễn Huệ. Ðược tin quân Thanh sang chiếm đóng Thăng Long, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lập tức hội các tướng đến bàn việc dẹp giặc. Các tướng xin vương trước nên chính vị hiệu để kết nối dân Bắc nam rồi hẵng khởi binh. Theo lời, vương cho đắp đàn Bàn Sơn (gần núi Ngự Bình) rồi vào ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân 1788 làm lễ tế cáo trời đất lên ngôi hoàng đế đặt niên hiệu Quang Trung. Ngay sau khi tế cáo trời đất xong, vua Quang Trung liền thống lĩnh thủy bộ đại binh, đốc xuất tướng sĩ ngay tại tế đàn kéo hết ra Bắc. Chỉ trong vòng 4 ngày, tức ngày 19 tháng 11 năm Mậu Thân, đại binh ra đến Nghệ An (từ Phú Xuân ra Nghệ An khoảng đường dài 300Km nhiều đèo núi hiểm trở mà đại binh với hàng trăm thớt voi chỉ di chuyển trong vòng 4 ngày thật là điều hiếm có!) Nhà vua cho đóng quân ở Nghệ An để tuyển mộ thêm quân và trữ thêm lương thực. Sau mươi hôm số lính mới và cũ tính hơn 10 vạn, trên 200 thớt voi và 5 ngàn ngựa. Tân binh được luyện tập hằng ngày. Nhà vua cỡi voi đi xem tập luyện và ban lời phủ dụ mọi người. Theo giáo sĩ Le Roy đã tả thì đạo quân Quang Trung gồm cả những người già trông giống như một toán bệnh nhân ốm yếu hơn là một đoàn chiến binh. Ấy thế mà đạo quân ấy lại đánh thắng được đạo quân Trung Hoa. Chuẩn bị đâu đấy xong, nhà vua hạ lệnh trẩy quân. Ngày 20 tháng Chạp Mậu Thân (15-1-1789) khi đại binh tới Tam Ðiệp (tục gọi là núi Ba Dội giữa Thanh Hóa và Ninh Bình) Ngô Văn Sở, Ngô Thời Nhiệm, Phan Văn Lân ra chịu tội nhưng nhà vua cười: "Ta biết đây là kế của Ngô Thị Lang, lui quân để tránh thế giặc, trong khuyến khích sĩ khí, ngoài tăng thêm lòng kiêu ngạo của địch. Kế dụ địch vào chỗ hiểm yếu của ta, như thế là phải." Nhà vua lại nói thêm "chúng nó sang chuyến nầy là mua lấy cái chết đó thôi, ta đã định mưu cả rồi. Dẹp yên giặc chỉ trong mươi ngày là xong." Hai lần ra Bắc trước nhà vua đã quan sát rõ địa hình địa thế Bắc Hà và khi dừng binh ở Nghệ An, nhà vua đã mật sai quân đi do thám để nắm rõ tình hình của địch. Nhà vua chia quân là làm bốn dinh: Tiền, Hậu, Tả và Hữu. Tân binh Nghệ An được chia làm Trung quan do nhà vua trực tiếp điều khiển. Tiền quân do Ðại tư mã Ngô Văn Sở và Nội hầu Phan Văn Lân cai quản. Hậu quân do Hô Hổ Hầu đốc chiến. Tả quân do Ðại đô đốc Nguyễn Văn Lộc và Ðại đô đốc Nguyễn Văn Tuyết chỉ huy. Nguyễn Văn Tuyết giữ nhiệm vụ kinh lược Hải Dương tiếp ứng mặt Ðông Lộc đến Lạng Sơn, Phượng Nhã giữ vùng Yên Thế chận đường rút lui của địch. Hữu quân gồm có mã quân và tượng quân do Ðại đô đốc Nguyễn Văn Bảo và Ðại đô đốc Ðặng Văn Long thống lãnh. Long đem mã quân qua huyện Chương Ðức (Hà Ðông). Bảo đem tượng quân qua vùng Sơn Minh (Ứng Hòa, Hà Ðông) để làm quân tiếp ứng. Ðể làm cho địch thêm lòng kiêu căng, nhà vua sai Trần Dinh Bình cầm đầu sứ bộ 8 người mang lễ vật và văn thư để "tha thiết" xin đại nguyên soái thiên triều tra xét rõ vì sao Tây Sơn phải thay quyền nhà Lê và trả cho Tôn Sĩ Nghị 40 người Trung Hoa do tướng cướp Ðắc Thiệu Tống cầm đầu mà quân Tây Sơn đã bắt được. Tôn Sĩ Nghị dương dương tự đắc chém sứ cùng tên tướng cướp và giam giữ đoàn sứ giả. Sắp đặt mọi chuyện xong xuôi, nhà vua cho mở tiệc khao quân vào ngày 29 tháng Chạp và tuyên bố "Bữa nay chúng ta sẽ ăn Tết Nguyên đán trước. Sang xuân ngày mồng Bẩy Tết vào thăng Long chúng ta sẽ ăn Tết khai hạ." Vua lại nói thêm "Sang năm một là ăn Tết, hai là cùng chết. Tướng sĩ hãy hết lòng cùng ta." Sáng hôm sau, 30 tháng Chạp, nhà vua truyền lệnh xuất quân. Tiếng hoan hô vang trời, khí thế mạnh như chuyển núi. Trước đây nhân dân bị thống khổ, hết loạn kiêu binh chúa Trịnh đến Lê Chiêu Thống đem ngoại bang giày xéo đất nước. Nay nghe đoàn quân giải phóng Tây Sơn đến đâu là họ hết lòng ủng hộ và nhiều nơi đem bánh chưng, giết heo, bò thết đãi. Nhà vua cấm binh lính không được cướp phá tài sản của dân. Chưa hết ngày 30, quân Tây Sơn đã chuyển quân nhanh qua sông Giản Thủy (thuộc Ninh Bình) Hoàng Phùng Nghĩa, cựu thần nhà Lê do Tôn Sĩ Nghị sai đóng giữ ở Sơn Nam (nay là Nam Ðịnh) chưa kịp giao đấu đã hoảng hốt tan vỡ chạy thục mạng qua sông Nguyệt Quyết (Thanh Liêm, Hà Nam) khiến cho bọn quân do thám của Thanh cũng chạy tán loạn. Ðể cắt đứt mọi thông tin về Thăng Long, vua Quang Trung thúc quân đuổi đến Phú Xuyên (Hà Ðông) bắt sống hết sạch bọn quân do thám. Nhờ vậy các đồn khác phía ngoài không hay biết gì đến nghĩa quân đang kéo ra. Nửa đêm mồng 3 Tết, nghĩa quân vây đồn Hà Hồi, quân Thanh đang ngủ, nghe tiếng reo hò, tiếng trống trận vang rền, quá kinh hãi, rối loạn không còn khả năng chống cự bèn kéo cờ hàng. Nghĩa binh chiếm trọn quân trang và lương thực địch. 1) Trận Ngọc Hồi: Ðến đêm mồng 5, vua sai đem quân lương vào môt. nơi rồi đốt sạch và bảo tướng sĩ "Hễ thắng giặc thì được no, thua giặc thì chết đói." Ðoạn nhà vua lấy khăn vàng quấn vào cổ và thề rằng "Nếu không thắng được giặc thì chết với khăn nầy chứ nhất định không lui." Với khi thế hùng dũng, tay xách ô long đao, nhà vua lên mình voi thúc quân tiến đánh đồn Ngọc Hồi. Voi trận đi trước, quân theo sau lướt như gió cuốn. Tướng Mãn Thanh hay tin, kéo kỵ binh ra chận đánh nhưng vừa trông thấy voi ngựa sợ cuống, hí lên kinh hoàng rồi chạy tán loạn. Quân Thanh bị rối hàng ngũ, không dám giao chiến, phải rút vào giữ đồn. Ðồn rất kiên cố, mặt ngoài lũy đều có cắm chông và đặt phục lôi, trong đồn lại bắn súng ra như mưa. Vua Quang Trung bèn truyền lấy 60 tấm ván dầy, cứ 3 tấm ghép thành một lá chắn ngoài phủ rơm trộn đất ướt. Rồi cứ 10 người lưng đeo đoản đao khiêng một lá chắn đi trước, tiếp theo 20 người cầm vũ khí, tiến theo thế trận chữ nhất. Quân Thanh thấy đang gió bấc bèn đốt thuốc súng chứa trong ống để khói tỏa mờ làm loạn mắt quân Nam. Nhưng một chập sau gió trở gió nồm, khói lại bay vào đồn. Lợi dụng cơ hội ấy, Quang Trung hô xung phong. Toán có khiên chắn lăn xả vào trước, đội quân tinh nhuệ theo sau cố sức xông vào. Chính nhà vua thúc voi đốc quân đánh lớp này đến lớp khác. Trong giây lát quân ta tràn vào tận trong đồn. Từng toán quân ta quăng ván gỗ, tay cầm đoản đao đánh xáp lá cà với quân địch. Quân Thanh không địch nổi, trận vỡ, chạy xéo lẫn nhau tán loạn ra bốn ngã đạp lên phục lôi do bọn chúng chôn từ trước. Quân Thanh chết và bị thương rất nhiều. Các tướng Thanh: Ðề đốc Hứa Thế Hanh, Tiên phong Trương Triều Long, Tả dực Thượng Duy Thăng ... đều chết tại trận. Ðồn Ngọc Hồi giữ vị trí rất quan trọng trong hệ thống phòng ngự của địch. Lực lượng có trên 3 vạn quân tinh nhuệ đều bị tiêu diệt. Ðại đô đốc Nguyễn Văn Bảo từ Sơn Minh đem tượng binh đến Ðại Áng chặn đón đánh quân từ Ngọc Hồi tháo chạy và tiêu diệt toàn bộ. 2) Trận Ðống Ða - Ðồn Khương Thượng: Ðồn Khương Thượng nằm về phía tây nam thành Thăng Long là một cửa ngõ vào Thăng Long. Ðại đô đốc Ðặng Văn Long cùng với phó tướng Ðặng Tiến Ðông từ huyện Chương Ðức đến Thanh Trì trước hết tiến chiếm hai đồn Yên Quyết và Nhân Mục nằm tây bắc đồn Khương Thượng. Hai đồn bị hạ một cách nhanh chóng và im lặng. Quân Ðại đô đốc Long kéo vây đồn Khương Thượng lúc chưa tinh sương. Nhờ nhân dân ủng hộ dùng rơm khô bện làm con cúi tẩm dầu đốt làm chung quanh đồn Khương Thượng rừng rực lửa cháy. Ðồng thời hàng ngàn tiếng reo hò vang trời. Quân Thanh bị khủng hoảng tinh thần không còn sức chống cự. Ðô đốc Long phá cửa đồn tràn vào như nước vỡ đê. Sầm Nghi Ðống luống cuống không kịp đối phó trốn ra Hoa Sơn (tức gò Ðống Ða) thắt cổ tự tử. Quân địch chết rất nhiều. Số còn sống sót, một phần chạy ra Bắc, một phần theo sông Tô Lịch vào Nam bị Ðô đốc Lộc chặn đánh bị tiêu diệt hết. Tại bản doanh Tôn Sĩ Nghị đang theo dõi mặt trận phía nam bỗng được tin đồn Ngọc Hồi và Khương Thượng đều bị tiêu diệt và quân Tây Sơn đang kéo đến kinh thành. Y còn lúng túng chưa biết tính sao thì quân của Ðại đô đốc Long từ Khương Thượng đã kéo vào Thăng Long với khí thế hừng hực. Tôn Sĩ Nghị sợ quá không kịp mặc giáp, không kịp thắng yên cương cùng toán kỵ binh hầu cận bỏ Tây Long Cung vượt cầu phao qua sông Nhị. Thấy chủ tướng chạy trốn, tướng sĩ cũng ùn ùn chạy theo, lấn nhau qua cầu phao. Cầu gãy làm hàng vạn quân Thanh chôn vùi dưới dòng sông Nhị Hà. Tôn Sĩ Nghị cùng đám tàn quân nhắm Ải Nam Quan chạy thục mạng. Nhưng chạy đến đâu cũng bị quân Ðại đô đốc Lộc đánh chặn bắt và giết rất nhiều. Tôn Sĩ Nghị phải vất cả sắc thư và ấn tín để lo chạy thoát thân. Nghị chạy xấc bấc xang bang đến bảy ngày đêm không cơm nước mới đến trấn Nam quan. Chiêu Thống cũng chạy theo Tôn Sĩ Nghị. Riêng đạo quân đóng dự phòng ở Sơn Tây, tuy không bị tấn công, cũng hoảng sợ rút chạy về nước. Ðến nỗi dân chúng Tàu ở gần biên giới không biết rõ thấy quân chạy cũng bỏ nhà cửa chạy theo vào sâu nội địa hàng dặm. Chiều mồng 5 Tết Kỷ Dậu (30-1-1789) vua Quang Trung kéo quân vào thành Thăng Long trong không khí tưng bừng. Áo bào nhà vua đỏ thắm đã bị khói thuốc súng nhuộm thành màu đen. Nhà vua đã vào thành Thăng Long trước kỳ hẹn hai ngày. Trăm họ ra nghênh tiếp chật đường và tiếng reo hò của dân chúng và binh sĩ vang cả góc trời. Theo đúng hẹn, vua Quang Trung cho tướng sĩ ăn Tết một lần nữa. Tết chiến thắng, Tết thanh bình! c) Phân tích các yếu tố đưa đến chiến thắng của vua Quang Trung: Mọi cuộc chiến xuất phát từ bộ não của quân Tây Sơn đều được tính toán kỹ lưỡng, xem xét từng chi tiết, ước lượng tình hình, cân đo quân số ... cho nên khi đã đánh phải tất thắng. - Chuẩn bị chu đáo: Trước khi hành quân nhà vua cho hội họp tướng sĩ sơ lược mục tiêu, nơi chốn địch đang hiện diện, địa hình, địa vật sẽ giao tranh với địch. Những phương tiện hành quân như thuyền bè, voi, ngựa, đại bác ... đều phải được sắp xếp cẩn thận cho nên thời gian chuẩn bị thường lâu dài và kín đáo. - Chuẩn bị tâm lý: Khi cần hành quân ở đâu, vị tướng hành quân chuẩn bị tâm lý quần chúng. Ly gián quần chúng với địch. Dùng quần chúng để dẫn đường và thám báo, đồng thời tung gián điệp để thám thính, cấy người làm nội gián trong hàng ngũ địch, triệt để trừ khử nội gián của địch trong hàng ngũ, hay gián điệp của địch như trường hợp phái bộ Bắc Hà do Trần Công Sán vào Thuận An, khi trở về đều bị tiêu diệt cả, như tất cả quân thám thính của quân Thanh đều bị trừ khử hết. Ta biết địch mà địch không biết ta là yêu tố quan trọng để chiến thắng. - Chọn địa điểm giao tranh để thuận lợi cho ta về quân số, về tiện nghi để lùa địch vào chỗ chết: Trận đánh Rạch Gầm- Xoài Mút, Nguyễn Huệ chọn khúc sông Mỹ Tho giữa Rạch Gầm và Xoài Mút nơi có nhiều cù lao và trên bộ thì có nhiều lau lách. Vũ Văn Dũng trá bại để cho địch đuổi đến nơi thích hợp và giờ giấc ấn định cho con thủy triều bắt đầu rút. Quân Nguyễn Huệ chưa bằng một nửa số quân địch mà đã diệt toàn bộ quân Xiêm. - Hành quân triệt để nhanh và bí mật: Các cuộc hành quân ra Bắc đều được trẩy như gió cuốn và bất ngờ. Người am hiểu tình hình quân sự Tây Sơn như Nguyễn Hữu Chỉnh và Vũ Văn Nhậm đều không ngờ tới và lường được. Một cung nữ của bà Lê Thái Hậu đã nhận xét "Cứ xem những lời trong bài hịch thì thấy ngài (Tôn Sĩ Nghị) buộc cho ta nhiều lắm mà ngài cứ lượn lờ trên sông, chỉ thanh thế dọa nạt, không biết Nguyễn Huệ là bậc anh hùng hảo thủ hung tợn, giỏi cầm quân. Coi y ra Bắc vào Nam thật là xuất quỷ nhập thần không ai có thể dò biết. Y bắt Nguyễn Hữu Chỉnh như bắt trẻ con, giết Vũ Văn Nhậm như giết con lợn, không một người nào dám trông thẳng vào mặt ...." - Về yếu tố di chuyển: quân Tây Sơn rất nhanh chóng. Với cuộc hành quân di chuyển cả hàng vạn người cùng đồ dùng cá nhân, đại bác, voi, ngựa, lương thực ... từ Thuận Hóa ra đến miền Bắc cả hàng trăm cây số mà đường xá lại khó khăn, gập ghềnh đèo cao, sông cả. Vậy mà quân Tây Sơn chỉ đi trong vòng vài ngày, đó là một điều kỷ lục bí ẩn. Tất cả những tài liệu sách vở, chứng tích của thời Tây Sơn đều bi. Nguyễn Ánh và vua quan nhà Nguyễn tiêu hủy hết. Cho nên người ta chỉ phỏng đoán là vua Quang Trung dùng tổ 3 người, hai người khiêng võng, 1 người ngủ, cứ vậy mà đi. Nhưng nhiều người phản bác, cho rằng thế vẫn chậm. Có người cho rằng họ di chuyển bằng đường thủy nhanh hơn đường bộ vì quân Tây sơn có trên 600 chiến hạm đủ cỡ. Trong đó có những chiến hạm có thể trang bị tới 50 - 60 đại bác. Chaigneau, một sĩ quan giúp Nguyễn Ánh đã nhận xét "Trước khi thắng được thủy quân địch, tôi đã coi thường lực lượng này nhưng nay tôi đoan chắc với các ông rằng đó là lầm lạc. Quân Tây Sơn đã có những chiến hạm trang bị 50 đến 60 đại bác." Nhờ sự di chuyển nhanh chóng mang lại yếu tố bất ngờ trong các cuộc hành quân mà quân Tây Sơn hạ bao nhiêu đồn địch trong chớp nhoáng. Ðịch không thể ngờ được quân Tây Sơn lại đến nhanh được như thế, bất ngờ như thế. Ngoài ra còn những yêu tố khác như voi trận để làm ngựa sợ chạy tán loạn, súng đại bác, súng hỏa hổ, khiên chắn đạn địch, tiếng loa hô xung phong, tiếng hò hét, tiếng trống trận... đều làm cho địch khiếp đảm mà không còn tinh thần chiến đấu. Vấn đề hậu cần cho cả đoàn quân cũng rất nhiêu khê đã được quân Tây Sơn giải quyết nhẹ nhàng, đầy đủ. Hiện nay người ta cũng chưa biết nhà vua làm thế nào có lương thực cho quân ăn dọc đường khi hành quân thần tốc như vậy. Ðây làm một bí ẩn khác mà người ta giả đoán là quân ăn bánh tráng và bánh tét, loại lương thực có thể vừa đi vừa ăn mà không mất thời gian. Tóm lại, tất cả yếu tố trên cho chúng ta thấy Nguyễn Huệ là một nhà quân sự đại tài, loại người mà binh thư Tôn Ngô và Trần Hưng Ðạo cho là không phải người thánh trí thì không thể làm được như vậy "Nắm cả đại quân như sai một người, ai cũng phải làm, không ai là không làm." IV. Quang Trung, một con người thuần Việt: Ba anh em Tây Sơn xuất thân từ nông dân, dấy binh khởi nghĩa trong lòng dân để sửa đổi một tình trạng xã hội bất công, thối nát, nghèo đói và loạn lạc. Như một giáo sĩ Tây phương đã nhận xét "Họ tự xưng là những người theo mệnh trời để thi hành công lý và giải phóng nhân dân ra khỏi ách quan liêu phong kiến đúng như các nhà cách mạng xã hội chủ trương." Nguyễn Huệ khi cùng anh khởi binh cách mạng chỉ vừa tròn 20 tuổi, tuổi căng đầy lý tưởng, xây dựng cho mình một cách nhìn, thế đứng khi đã chiêm nghiệm những sở trường và sở đoản của các thế lực đương thời và ngay cả thế lực của phong trào Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Nhạc. Chính người thanh niên này đã thao thức và quán triệt một đường lối xuyên suốt và một tâm thức không vị kỷ. Cho nên sở nguyện của Bắc Bình Vương đã cống hiến một cách trọn vẹn năng lực và tâm hồn trong sáng của mình cho một lý tưởng chung. Bao nhiêu năm về trước, chính điểm then chốt này mà Hai Bà Trưng đã xả thân cứu nước, cứu dân mà không nghĩ đến sự đền bù nào từ dân tộc. Cũng chính điểm then chốt này mà Nguyễn Trãi chịu mười năm bao nhục hình, cay đắng để kết tinh cuốn Bình Ngô Sách đem dâng cho Lê Lợi. Những người thanh niên nam nữ ấy đã ươm giống trong lòng dân tộc, tưới tẩm và nuôi dưỡng bằng giòng văn hóa tinh hoa: NHÂN BẢN, NHÂN CHỦ, nghĩa là đem một tình thương yêu bao la trải trên toàn dân với một trí tuệ trong sáng và không còn vị kỷ nữa. Chính nhờ xây dựng cho mình một tâm thức như vậy mà cá nhân Nguyễn Huệ khước từ quan điểm cá nhân chủ nghĩa của Vũ Văn Nhậm hay quan điểm cơ hội chủ nghĩa của Nguyễn Hữu Chỉnh. Hai lần đem quân ra Bắc, hai lần Nguyễn Huệ đều từ chối mọi chức vụ và quyền hành của vua Lê giao phó. Như vậy đủ to? Nguyễn Huệ đã nghiêm khắc phê phán tính cách cát cứ địa phương hay não trạng lãnh chúa như anh mình là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Ánh hay chúa Trịnh. Nhờ tâm thức vô vị kỷ cho nên người thanh niên Nguyễn Huệ đã coi nhẹ mọi thành công của cá nhân, hay những thành tựu của mình trong việc cứu nước, cứu dân. Thành tựu to lớn đó là của cả dân tộc. Sự lên ngôi vua tại Phú Xuân là một điều không có không được. Không thể không có một vị quốc trưởng để nối kết toàn dân trong một sự nghiệp vô cùng to lớn và trọng đại này mà Lê Chiêu Thống đại diện xưa nay đã cam tâm mang voi ngoại xâm giày mồ tổ. Nhờ xây dựng cho mình một tinh thần vô vị kỷ này Quang Trung ba lần cầu hiền La Sơn Phu Tử bị từ chối mà không một tự ái cá nhân hay dùng quyền uy để buộc. Những lần khác, khi biết rõ vua Lê không ra gì nữa Nguyễn Thiếp mới chịu hợp tác với tính cách chân trong chân ngoài. Quang Trung tinh ý nhận biết nhưng không một mảy may giận hờn, trách móc mà thái độ vẫn nhún nhường và coi La Sơn Phu Tử như một bậc thượng khách hay một vị thầy. Ðối với Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy Ích, Nguyễn Huệ đã đánh giá đúng mức khả năng của mọi người mà giao phó trách nhiệm như một sự gánh vác chung cho cả dân tộc chứ không riêng cho một cá nhân hay một giòng họ nào. Vì vậy sự đóng góp hết mình của Ngô Thời Nhiệm với tất cả khả năng sáng tạo là một công cuộc chung cho toàn bộ cơ cấu và cũng đáp lại tấm thịnh tình của Nguyễn Huệ. Chúng ta cũng thấy sự đóng góp của thanh niên Ðặng Văn Long trong trận chiến đánh đuổi quân xâm lăng cũng là một gương sáng. Trong khi huấn luyện binh mã tại Nghệ An, Nguyễn Huệ đã ngạc nhiên, chú ý đến người thanh niên xuất sắc Ðặng Văn Long, và đưa vào địa vị tương xứng với chức vụ Ðại Ðô Ðốc. Cho hay tri âm gặp tri kỷ, con mắt của Nguyễn Huệ thật tinh tường. V. Việc xây dựng đất nước sau chiến tranh: Khi hòa bình trở lại, vua Quang Trung khởi sự xây dựng đất nước từ những hoang tàn, đổ nát, tang thương. Với tâm thức vô vị kỷ, ngài không theo quan điểm Tống Nho như Lê Lợi hay Nguyễn Ánh sau này. Vì Tống Nho giáo điều, bạc nhược của triều chính nên sức đề kháng và lòng tự tin của dân bị suy thoái trong thời kỳ bại vong Lê Chiêu Thống hay trong thời nhà Nguyễn. Ngài chọn con đường xuyên suốt của dòng vận động lịch sử từ thời lập quốc đến hai triều đại thịnh trị Lý, Trần. - Về quốc học: Quang Trung muốn có một nhà vững mạnh và có hiệu lực nên ngài đã chú trọng đến chất lượng của việc đào tạo, và cải tổ lại hệ thống hành chính các cấp cho phù hợp với yêu cầu mới của đất nước. Việc học được tổ chức khắp mọi nơi, từ xã đến phủ, huyện. Những người trong bang giảng huấn phải là người học và hạnh kiêm toàn. Các tổ chức tư nhân có thể mời thầy về dạy cho con em mình. Ðồng thời ngài sai Nguyễn Thiếp lập Sùng Chính Viện hợp tác với nhiều nhà khoa bảng khác thông thạo chữ Nôm như Nguyễn Công, Nguyễn Thiện, Phan Tố Ðịnh... để dịch tất cả kinh sách và các tác phẩm có đạo đức và văn chương ra chữ Nôm. Mọi văn thư đều được viết bằng chữ Nôm. Nhờ sự khuyến khích đó mà văn chương chữ Nôm thời Tây Sơn rất thịnh hành. - Về tôn giáo cũng như các đời Lý, Trần, với tinh thần khai phóng, ngài cho tự do tín ngưỡng. Các tôn giáo như Phật giáo, Lão giáo, đạo Ma ní, đạo Thiên Chúa đều được tự do truyền đạo. Riêng đối với đạo Phật, ngài thấy làng cũng có chùa, mà phần đông các sư ít học, chỉ mượn tiếng tu hành để ký sinh vào xã hội, không mấy người hiểu thấu đạo lý cao sâu của đức Phật nên ngài xuống chiếu bắt bỏ các chùa nhỏ ở làng. Mỗi phủ, mỗi huyện được cấp gỗ gạch để xây một ngôi chùa lớn, khang trang rồi chọn tăng ni có học thức đến trụ trì. Còn các sư đội lốt tu hành đều bắt phải hoàn tục, lo bổn phận người dân. - Về tuyển chọn nhân tài: Quan điểm sử dụng trí thức của Quang Trung được thể hiện rõ trong bài Chiếu Lập Học "Dựng nước lấy việc học làm đầu, trị nước chọn nhân tài làm gốc... Trẫm buổi đầu dựng nghiệp tôn trọng việc học, lưu tâm yêu mến kẻ sĩ, muốn có người thực tài ra giúp đất nước." Trong muôn ngàn nho sĩ, trí thức và quan lại của chế độ cũ mà vua Quang Trung đã tiếp xúc, ngài vẫn yêu mến những người có tài năng thật sự, có tâm huyết với dân, có bản lãnh, khẳng khái dù cho họ có lập trường chính trị khác. Ngài hiểu họ chỉ là sản phẩm của một xã hội khổ đau và đầy biến động, nên ngài kiên trì thuyết phục, chăm lo để có những thực tài ra giúp nước. Tính rộng lượng, bao dung và thủy chung đối với trí thức là những đức tính cần thiết để Nguyễn Huệ thu phục nhân tài trong thiên hạ. Vì vậy, trí thức đến với Nguyễn Huệ vì một lòng nhiệt thành phục vụ cho sự nghiệp chung của đất nước. Trong nước, ngài tu chỉnh thuế khóa, chăm lo khuyến nông, lập ngân hàng chợ búa giữa biên giới ta và Tàu để dân chúng hai xứ tự do buôn bán, trao đổi hàng hóa và lập các thương cảng để tàu ngoại quốc được ra vào tự do buôn bán. Về mặt đối ngoại, từ khi đuổi quân Thanh ra khỏi bờ cõi, ngài muốn tránh nạn can qua cho dân chúng an cư lạc nghiệp, vua Quang Trung cho trao trả những tù binh quân Thanh và cấp cho lương thực và phương tiện để về nước, đồng thời sai Ngô Thời Nhiệm viết biểu giao thiệp với nước Tàu. Những thành công của vua Quang Trung là ngài đã đòi lại những đất đai đã mất dưới đời Lê - Mạc, bãi việc cống người, vàng (một quốc hận đáng kể cho dân Việt từ đời Lê Lợi) và cuối cùng dâng sớ cầu hôn công chúa Tàu và đòi lại đất Lưỡng Quảng. Nhưng việc cầu hôn và đòi đất Lưỡng Quảng chưa được thực hiện thì nhà vua băng hà năm 40 tuổi. Ðó là ngày 29-7 năm Nhâm Tý (15-9-1792). Tài danh người anh hùng dân tộc Quang Trung Nguyễn Huệ, người đã đem lại những chiến thắng vẻ vang cho dân tộc, mang lại cho đất nước những cải tổ sâu rộng như hai vầng nhật nguyệt tỏa ra rạng rỡ trên núi sông. Nhưng tiếc thay, đau đớn thay! Trời đã đoạt đi người tài danh đang độ tuổi phục vụ tích cực cho đất nước. Hôm nay chúng ta ôn lại các trang sử Quang Trung chúng ta không khỏi bồi hồi xúc động và tự hào về người anh hùng trẻ tuổi đất Tây Sơn, người đã dâng hiến cho dân tộc một nền vinh quang chói lọi. Chỉ mười bốn năm tròn, người thanh niên ấy đã dành cho mình 10 năm để chiêm nghiệm, để tài bồi cho mình tấm lòng thương yêu dân tộc vô bờ bến với một tinh thần vô vị kỷ, một trí tuệ trong sáng giữa những bối cảnh lịch sử đầy hận thù, chia rẽ, tối tăm và lạc hậu. Chỉ bốn năm còn lại để phát triển đất nước với một nghị lực phi thường và tự thắng những vọng động tham lam. Mọi việc đang hình thành tốt đẹp thì bị đứt đoạn nửa chừng! Chúng ta muốn "làm người Quang Trung" chúng ta học hỏi gương của ngài, tu luyện thân tâm, kềm chế những vọng động nhân ích kỷ, thấp hèn, những tham vọng bè phái rồi từ đó vượt qua những bế tắc, khủng hoảng hiện nay hầu xây dựng một tương lai phục sinh cho đất nước, đem lại đời sống ấm no hạnh phúc cho toàn dân.. http://venguon.org
  8. Chào các bạn, anh Trần Phương thân mến. Đầu tiên, tôi xin lên một tiếng nói cảnh báo với mọi người về thực học của cái học vị "tiến sĩ sử học" hiện tại. Theo chỗ tôi biết, nó có dấu hiệu của sự lạm phát bằng cấp và sặc mùi cơ hội chủ nghĩa. Nhiều vị thực học chỉ đạt mức "biết hơn người dốt" !?. Về các bài viết mà anh TP đã post ở trên, tôi thấy nó giống với một loại tiểu thuyết dã sử mang tính báng bổ được viết bởi một nhà văn nghiệp dư hơn. Nói thật tình, về mặt lý luận tôi cảm thấy nó không thể ngửi được, nó không phải là thể loại cần các bài phản biện mà chỉ thích hợp với các lời phê bình hơn. Lịch sử tất yếu phải sửa lại các kết luận sai trái của đám người báng bổ này. Thật đáng buồn khi họ lại là những người đang chiếm lĩnh diễn đàn lịch sử chính thống của đất nước...!!?? Thân mến
  9. Các bạn thân mến Xuất phát từ sự sự kỳ vĩ của Học thuyết Âm Dương Ngũ Hành và nhiều nghi án xung quanh nó, nhiều nhà Lý học đã đưa ra giả thuyết về sự tồn tại trên Trái Đất một nền văn minh rất cao của Người xưa, có thể còn xưa hơn cả thời kỳ đồ đá mà nền văn minh còn hơn cả thời hiện đại. Trong đó nỗi bật nhất là quan điểm của anh Thiên Sứ Nguyễn Vũ Tuấn Anh,... Điều này đúng là một nghịch lý đến mức phi lý, thật khó mà tiếp nhận và chấp nhận được đối với tuyệt đại đa số, nhưng nếu vội vàng vứt bỏ giả thuyết này thì cũng là sự chủ quan và phi lý không kém. Trước khi đi vào các khía cạnh khả dĩ về một nền văn minh toàn cầu cổ xưa, tôi mạn phép giới thiệu một đoạn trích từ Pravda (nguồn từ www.mofa.gov.vn) theo tôi có liên quan ít nhiều đến chủ đề này: Một nền văn minh toàn cầu cổ xưa đã bị tuyệt diệt ?. Ngày hôm nay chỉ là một giả thuyết, nhưng nếu các nhà khoa học và mọi người bỏ chút công sức để khẳng định hoặc phủ nhận nó, theo tôi không phải là chuyện vô ích, vì đó là ĐẠO, là cái sẽ giúp cho nhân loại sống tốt hơn và quan trọng hơn nó sẽ giúp cho loài người biết cách để không tiếp tục bị tuyệt diệt. Hoặc Ít ra, điều đó cũng phải đáng nhận được sự quan tâm không quá kém sự quan tâm mà nhân loại đã làm đối với loài khủng long. Vài dòng gời mở..., hy vọng nhận được sự quan tâm của mọi người Thân mến
  10. Các bạn thân mến, dưới đây là một số tài liệu về Kỷ băng hà lần cuối. Địa mạo, địa khí hậu và sinh quyển thân thiện,... dĩ nhiên phải có vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình "xây dựng và phát triển khả dĩ " của các nền văn minh xuyên suốt kỷ băng hà cho đến hiện tại. Sinh quyển thân thiện với loài người ở GLM thật quá hiếm hoi... Châu Á ở GLM Khí hậu thật khắc nghiệt trong suốt giai đoạn này. Sự chìm ngập bắt đầu Sự chìm ngập gần hoàn thành Đông Nam Á, Việt Nam chịu ảnh hưởng quá nặng nề từ sự biến đổi thời tiết ở cuối kỹ băng hà. Diện mạo khu vực này thay đổi quá lớn... Sinh quyển Trái đất trở nên thân thiện hơn với loài người
  11. Tôi đang ốm yếu nên đọc những bài viết kiểu này thiệt là khó thở anh TP thân mến ạ!? Theo tôi, họ toàn tư duy ngược theo kiểu quả - nhân. Thật là tào lao, tào lao vì bài viết cũng như tào lao vì cái học hàm... lâu năm lên lão làng này !? Thân mến
  12. Chiến tranh trên không và chiến tranh hạt nhân thời tiền sử? “Chúng tôi bật nút lên, nhìn những tia sáng lóe lên, nhìn trong 10 phút, rồi tắt tất cả mọi thứ. Đêm đó tôi biết cả thế giới chìm trong đau đớn”. Nhà vật lý Leo Szilard, người cha của bom nguyên tử – Physicist Leo Szilard, atomic bomb builder. Vào ngày mùng 6 tháng 8 năm 1945 đại tá Colonel Paul W. Tibbets Jr leo vào khoang điều khiển của chiếc máy bay ném bom hiện đại nhất thế giới lúc đó và thẳng tiến đến Hiroshima Nhật Bản. Một vũ khí tối mật đang ở trong khoang chứa của chiếc pháo đài bay B29. Một thứ vũ khí sẽ vĩnh viễn thay đổi tiến trình lịch sử của nhân loại. Thời kỳ nguyên tử được khai sinh và Hiroshima đã bị hủy diệt hoàn toàn trong khoảnh khắc cùng với sức mạnh của Mặt Trời. Kinh ngạc thay, đó có thể là lần thứ 2 vũ khí hạt nhân được dùng trong chiến tranh trên Trái Đất. Chiến tranh thời tiền sử dùng vimana như các máy bay chiến đấu Những đoạn phim của chính các khoa học gia Ấn Độ làm, trình bày những khám phá về nội dung các bộ Cổ văn của họ thực tế kể lại những gì. http://www.youtube.com/watch?v=jConUC-tC6g Có nhiều những bằng chứng khác đề cập đến chiến tranh hạt nhân trước thời đại chúng ta. Childress (2000) đã thảo luận về chiến tranh nguyên tử thời tiền sử, đưa ra chứng cứ đầu tiên tại Hattusas (Bogazkoy) ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà “một phần thành phố bị biến thành thủy tinh, và những bức tường đá có nhiều phần bị nóng chảy. Sau đó ông nói về Sodom và Gomorrah rồi Hiroshima and Nagasaki và so sánh chúng với nhau. Ông cho rằng Sodom, Gomorrah, Zoar, Admah và Zeboiim (Gen. 14:2) đã bị hủy diệt, hình thành nên Biển Chết, là bởi một cuộc chiến hạt nhân. L.M.Lewis, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Footprints on the Sands of Time”, “Những dấu chân trên cát của thời đại” cũng tán thành ý kiến này. Những di tích của những thời quá khứ xa xôi vẫn còn lại cho đến ngày nay, và mới được khám phá trong khoảng thời gian không lâu, rải rác khắp thế giới. Điển hình là: *Mohenjo-Daro và Harappa, Pakistan, *Parshaspur gần Srinagar, Kashmir, *Lưỡng Hà và bán đảo Sinai, *Sa mạc Sahara, Ai Cập, *Hồ Lonar gần Bombay, Ấn Độ, vv… đều có khả năng chứng tỏ những nơi này xưa kia đã từng xảy ra những vụ nổ nguyên tử. Về Parshaspur gần Srinagar, Kashmir, David Childress (2000) phát biểu “Đó là một cảnh tượng của sự phá hủy hoàn toàn; những khối đá lớn rải rác khắp một khu vực rộng lớn cho thấy dấu hiệu của một vụ nổ hủy diệt”. Về Mesopotamia và bán đảo Sinai, Zecharia Sitchin (1985) dành nguyên một chương để thảo luận trong quyển sách của ông, và khẳng định sự phá hủy của Sinai bởi những vũ khí nguyên tử. Ông đưa ra một bằng chứng: “… lỗ thủng lớn ở trung tâm của Sinai và những đường nứt gãy sinh ra (xem hình), một vùng rộng lớn bằng phẳng xung quanh bao phủ đầy những tảng đá màu đen, dấu vết của bức xạ nhiệt ở phía Nam Biển Chết, phạm vi mới và hình dạng mới của Biển Chết – vẫn còn ở đó, sau 4000 năm”. Ông cũng khẳng định rằng phóng xạ sinh ra từ vụ nổ này dọn sạch khu vực xung quanh Sumeria trong một khoảng thời gian 70 năm, cho đến 1953 TCN. Trưởng dự án Manhattan tiến sĩ khoa học J. Robert Oppenheimer đã quen thuộc với các văn thư Phạn cổ từ lâu. Trong một phỏng vấn sau khi xem một vụ thử nghiệm hạt nhân đầu tiên, ông đã trích dẫn trong cổ văn Ấn Độ, Bhagavad Gita: “Now I am become Death, the Destroyer of Worlds” - “Giờ đây ta trở thành tử thần, Kẻ hủy diệt những thế giới”. Khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn tại trường đại học Rochester 7 năm sau vụ thử hạt nhân Alamogordo rằng đó có phải là quả bom nguyên tử đầu tiên nổ không, ông đã trả lời : “Ồ, vâng, trong lịch sử hiện đại” (“Well, yes, in modern history”). Những nền văn minh vĩ đại gặp phải sự hủy diệt không thể tin được, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những bằng chứng tại Ấn Độ và Pakistan, cho thấy một vài thành phố đã bị hủy diệt trong những vụ nổ hạt nhân. Trong một địa điểm khảo cổ, các nhà khoa học Liên Xô cũ tìm thấy một bộ xương có mức phóng xạ gấp 50 lần hơn mức bình thường. Nhà khảo cổ học người Nga A. Gorbovsky, trong năm 1966 đã xuất bản một quyển sách “Riddles of Ancient History” đề cập đến tỉ lệ bức xạ cao bất thường, liên hệ với những bộ xương tương tự tìm thấy ở Mohenjo-Daro và Harappa, Pakistan và Ấn Độ. Hơn nữa, hàng ngàn tảng đá nóng chảy, được đặt tên là “đá đen” cũng được tìm thấy tại Mohenjo-Daro. Chúng có vẻ như là những mảnh vỡ của các bình gốm đã nóng chảy dính lại với nhau dưới tác dụng của nhiệt độ rất cao. Những thành phố bị chôn sâu dưới mặt đất khác được các nhà khảo cổ phát hiện ra tại Bắc Ấn Độ cho thấy những dấu hiệu của những vụ nổ khủng khiếp. Một thành phố như thế, tìm thấy nằm giữa vùng Ganges và dãy núi Rajmahal cũng có dấu hiệu của tác động nhiệt như vậy. Những khối tường lớn và nền móng của thành phố cổ xưa này bị chảy ra dính chặt với nhau, bị thủy tinh hóa một phần! Và do không có dấu hiệu nào của một sự phun trào núi lửa tại Mohenjo-Daro hay những thành phố khác, nhiệt độ cao đến mức có thể làm chảy các bình gốm chỉ có thể giải thích một cách duy nhất là bởi tác dụng nhiệt của các vụ nổ hạt nhân hoặc những vũ khí không được biết đến nào đó mà thôi. Các thành phố nêu trên đều có những đặc trưng giống nhau và đều bị quét sạch hoàn toàn một cách đột ngột. Rajasthan, Ấn Độ Tại một khu vực ở Ấn Độ là Rajasthan các nhà chức trách địa phương đã khám phá ra một khu vực có tỉ lệ ung thư và dị tật bẩm sinh cao. Một lớp tro có mức độ phóng xạ cực kỳ cao đã được khai quật và những đống đổ nát của một thành phố cổ đã được khám phá bên dưới. Các chức trách địa phương tin rằng thành phố đã bị hủy diệt bởi một vụ nổ hạt nhân hoàn toàn san phẳng thành phố và đã giết chết 500.000 người. Sau đó sự kiện bi thảm này được họ xác định đã xảy ra tại đây hơn 12000 năm trước. Khi những nhà khảo cổ đào đến mặt đường cổ xưa, các xác chết được tìm thấy đang nắm lấy tay nhau và ôm chặt lấy nhau. Toàn thể thành phố đã bị tác động một loạt. Những vụ nổ hạt nhân sản sinh ra thủy tinh và vô số những quả cầu thủy tinh đã được tìm thấy trong khắp thành phố. Những khối cầu được cho rằng vốn là những bình gốm đã bị nhiệt độ cực cao làm cho nóng chảy trong suốt vụ nổ. Trong Thánh kinh của người Do Thái trong sách Khải Huyền sự hủy diệt của “Những thành phố của Tiếng kêu than” được mô tả. Sodom and Gomorrah trong số những thành phố này đã bị xóa sổ trong chốc lát bởi hàng loạt cơn mưa đá cùng với lửa và lưu huỳnh. Một trận lửa trút rơi xuống từ trời cao và biến mọi người thành những chiếc cột muối. Miêu tả này tương tự như câu chuyện trong Mahabharata và những sự kiện sau vụ nổ tại Hiroshima. Những nhà khoa học nổi tiếng nhất có thể nói những tham chiếu cổ văn chỉ là những chi tiết mơ hồ có thể được làm cho phù hợp với ngữ cảnh hiện đại, những trùng hợp ngẫu nhiên và những chuyện đâu đâu đáng buồn cười. Có thể nào những người cổ xưa có những kiến thức và kỹ năng tinh thông để làm ra và sử dụng một thiết bị hạt nhân có thể giết hàng nửa triệu người? Câu trả lời là CÓ. Chúng ta đang dần dần trở nên tỉnh giác trước những khả năng tiềm tàng to lớn của những người cổ xưa. Khắp thế giới có nhiều những cổ vật, những ghi chép và khẩu truyền lịch sử thuộc về những thời đại rất xa xôi, đang ngày càng được khám phá nhiều hơn. Chỉ cần cố gắng tìm kiếm trong thời đại thông tin toàn cầu, điều bí ẩn đó sẽ sớm hé lộ cho tất cả những ai đang đi tìm sự thật về lịch sử vĩ đại của con người. Từ những thiết bị bay Vimana, những thành phố khổng lồ trong không gian và những chiến binh khủng khiếp với những thứ vũ khí có sức mạnh không tưởng tượng nổi đều có thể tìm thấy trong những cổ văn vĩ đại của Ấn Độ, Mahabharata và Ramayana. Harappa và Mohenjo-Daro, Pakistan David Davenport (1996), người đã dành 12 năm nghiên cứu những văn thư viết tay cổ Hindu và chứng cứ tại khu vực khảo cổ ở Mohenjo-Daro, đã công khai năm 1996 rằng thành phố đã bị hủy diệt đột ngột vào ít nhất 2000 năm TCN. Những đống đổ nát cho thấy một tâm chấn của vụ nổ đo được khoảng 50m. Tại địa điểm này mọi thứ đều bị tinh thể hóa, đốt chảy và dính chặt với nhau. Khoảng 60 m từ trung tâm các viên gạch đều chảy ra trên một mặt bên. Harappa and Mohenjo-Daro là những thành phố chính của “Văn minh Harappa của thung lũng Indus”, một nền văn minh thành thị thống nhất phát triển đáng kinh ngạc tồn tại khoảng từ 2500 đến 1500 năm TCN. Khi những cuộc khảo cổ tại những nơi này vươn đến mặt đường, họ khám phá những bộ xương rải rác khắp thành phố, nhiều trong số đó đang nắm tay nhau và nằm dài ngổn ngang trên những con đường như thể một sự tận diệt kinh hoàng đã đến rất đột ngột. Những xác người chỉ nằm ngay trên mặt đất, không được chôn cất, trên các con đường khắp thành phố. Và những bộ xương này hàng ngàn tuổi, ngay cả đối với những tiêu chuẩn giám định niên đại khảo cổ truyền thống. Điều gì có thể gây ra những điều như thế? Tại sao những xác chết không bị mục nát hoặc bị thú hoang ăn thịt? Hơn nữa, không có dấu hiệu của tổn thương vật lý gây ra cái chết. Những bộ xương nằm trong số những bộ xương có nhiều phóng xạ nhất được tìm thấy, ngang với mức của những bộ xương tại Hiroshima và Nagasaki. Tại một địa điểm, các học giả Liên Xô cũ tìm thấy một bộ xương có mức phóng xạ cao hơn đến 50 lần bình thường. Những thành phố khác được tìm thấy tại miền Bắc Ấn Độ cũng cho thấy những bằng chứng những vụ nổ tương tự. Trong một thành phố như thế, khám phá thấy tại giữa vùng Ganges và vùng núi Rajmahal, có những dấu hiệu giống hệt như thế. Những khối tường lớn và nền móng của thành phố cổ xưa này bị chảy ra dính chặt với nhau và thủy tinh hóa! Khi những bộ xương này được giám định C14 là 2500 TCN, chúng ta nên nhớ rằng phương pháp C14 dựa trên cơ sở của lượng phóng xạ còn lại trong mẫu vật. Khi những vụ nổ hạt nhân xảy ra, phóng xạ của những vụ nổ này khiến lượng phóng xạ trong mẫu vật nhiều hơn so với nguyên thủy, khiến chúng trở nên có vẻ trẻ hơn nhiều so với tuổi thực của chúng. Có nghĩa là những chứng cứ này có thể có tuổi cao hơn 4500 rất nhiều. Những gì còn lại của Harappa hơn 4500 năm sau ngày hủy diệt Lonar, hố sâu kỳ lạ gần Bombay, Ấn Độ Một chứng cớ khách quan của một vụ nổ hạt nhân khả dĩ từng xảy ra tại Ấn Độ thời tiền sử là một cái hồ lớn gần Bombay, Ấn Độ. Cái hố lớn có hình gần tròn này nằm khoảng 400 km về phía Đông Bắc Bombay và có tuổi khoảng 50000 năm, có thể liên hệ với một vụ nổ bom nguyên tử. Không có dấu hiệu của thiên thạch, vv… tại khu vực gần hiện trường hoặc vùng lân cận, và đó là cái hồ duy nhất nằm trên nền đá basalt. Các dấu hiệu của một cú sốc áp lực rất lớn (khoảng 600.000 atmotphe) và nhiệt độ rất cao đột ngột (dấu hiệu là các khối thủy tinh nhỏ sinh ra từ đá basalt) có thể được xác định tại hiện trường. Cái hố này được hình thành trong đá basalt có độ dày 600 đến 700 m (2000 đến 3000 ngàn bộ). Hố sâu khoảng 150m, đường kính trung bình khoảng hơn 1800m. Vòng bờ hố nhô cao, gồm 25m đá nền và 5m lớp phủ bên trên nó. Lớp phủ trải rộng ra khoảng 1350m ra xa bờ hố, đỉnh lớp phủ chứa các khoáng vật bị nung chảy bởi tác động mạnh đó. Quả bom nguyên tử đầu tiên, tại khu Trinity ở New Mexico năm 1945, đã tạo ra một lớp thủy tinh mỏng trên cát. Nhưng khu vực thủy tinh ở sa mạc Ai Cập thì lớn hơn rất nhiều. những gì đã từng xảy ra ở Ai Cập phải kinh khủng hơn rất nhiều so với một quả bom nguyên tử. Người đàn ông trong ảnh đang cầm một tảng thủy tinh trong sa mạc. Một vụ nổ trên không tự nhiên có độ lớn như thế chưa từng được biết đến cho tới năm 1994, các nhà khoa học quan sát sao chổi Shoemaker - Levy va chạm vào sao Mộc. Nó nổ tung trong bầu không khí của sao Mộc, và kính thiên văn Hubble đã ghi lại được những quả cầu lửa sáng chói lớn nhất từng được chứng kiến mọc lên trên vùng trời của sao Mộc. Nhưng có vẻ như những gì xảy ra tại sa mạc Ai Cập không phải là một vụ nổ của thiên thạch. “Điều tôi muốn nhấn mạnh là đó là một năng lượng mạnh hơn nhiều lần của những vụ thử bom nguyên tử”, Boslough nói, “10.000 lần mạnh hơn”.
  13. Những chiếc máy bay cổ đại? Từ “Chim sấm” là một giải thích có lý đối với những người thời cổ đại khi cố gắng giải thích máy bay bằng các kinh nghiệm sống và vốn từ vựng của họ! Không có từ ngữ nào biểu đạt khái niệm “máy bay”, thì những thuộc tính liên hệ có thể được ghép nối với nhau để biểu thị cái khái niệm của họ. Đó là cách mà những thực thể huyền thoại đáng sợ được tạo ra từ những cỗ máy đó, nhưng chúng thể hiện không có gì nhiều hơn là những cỗ máy công nghệ cao không được thấu hiểu. “Chim sấm” là một thực thể huyền thoại trong truyền thuyết cổ Ấn Độ. Nó được gọi là Wakinyan trong ngôn ngữ Lakota, có nghĩa là “cánh thiên thần”. Những chiếc cánh của nó dang rộng và cuốn những đám mây lại với nhau. Những người Canada bản xứ kể lại rất chi tiết những câu chuyện về những “Chim sấm”, mà những sinh vật có liên quan đến chúng có thể chuyển hóa thành người, khi cái vòi trên đầu trở thành một chiếc mặt nạ và họ tháo bộ cánh trên người ra. Cũng có những câu chuyện mà chi tiết những con chim lửa dưới hình dạng con người đã kết duyên với những gia đình và việc các gia đình đó có thể tiếp nối dòng dõi thần thánh được mô tả như là một sự kiện. Những thị tộc của “Chim sấm” trong hình dạng con người đã chung sống với họ ở cực Bắc vùng Vancouver. Câu chuyện của Phaeton: Phaeton, con của thần mặt trời Helios, được cha ban cho một điều ước. Phaeton ước được lái chiếc xe của cha. Helios không đồng ý vì cỗ xe thiên đường chỉ có thể được điều khiển bởi Thần mặt trời. Nó quá mạnh và quá nhanh không thể điều khiển nổi bởi bất kỳ ai khác. Helios đã lo lắng điều không hay sẽ xảy ra và đề nghị con trai, “con không bao giờ lái nổi nó đâu”, nhưng Phaeton không nghe. Nỗi lo sợ đã trở thành hiện thực, cỗ xe đã bay quá nhanh về phía thiên đường và nát tan tành. Một trong những tác gia và nhà nghiên cứu hàng đầu của Astro Archaeology đã du lịch khắp thế giới nhiều lần để tìm kiếm các mẫu vật siêu tự nhiên. Ông khám phá ra một mẫu vật trong viện bảo tàng khảo cổ Thổ Nhĩ Kỳ một di vật chạm khắc đá kỳ lạ, miêu tả tỉ mỉ một phi thuyền vũ trụ công nghệ cao hình con nhộng. Thiết bị đáng kinh ngạc này thể hiện nhiều tính năng của một tàu vũ trụ hiện đại, ống thải động cơ phản lực phía sau đuôi, và một buồng lái với phi công đang ngồi và mặc một bộ đồ du hành đang điều khiển con tàu. Mô hình tàu vũ trụ phản lực được tìm thấy tại Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ “Những quái vật khạc ra lửa trên mặt đất, có thể bay như một con chim với tiếng động điếc tai, ồn ào như một cơn bão, nhanh như một con cá trong nước và đáng sợ như một con cá sấu ?”. “Điều khiển một thiết bị bay là một đặc quyền. Các kiến thức về bay lượn là một phần trong những của cải thừa kế cổ xưa nhất của chúng ta, một món quà từ “ai đó từ bên trên”. Chúng ta nhận nó như là một công cụ để cứu sống nhiều sinh mạng…” [Trích trong Hakahta, The Babylonian Laws] Có phải những cư dân đầu tiên của Bắc Mỹ đã miêu tả những gì họ nhìn thấy với hiểu biết và vốn từ của họ ?. Có phải đó là nguyên nhân mà những từ ngữ như "thunderbird", "steel steed", "firewater", vv… đã được thêm vào trong ngôn ngữ của họ. Mô hình thiết bị bay được tìm thấy trong các ngôi mộ cổ Một vị thần với ống thở cũng được thể hiện trong một bia đá kinh điển tại Tikal, Peru Những bức tượng cổ khác tìm thấy rải rác khắp nơi trên thế giới, có nhiều điểm tương đồng với các phi công vũ trụ hiện đại ngày nay trong bộ quần áo phi hành gia 2 công trình điêu khắc này tìm thấy tại Colombia. Tượng bên phải được cho là một phi công đang lái phi thuyền vũ trụ Trung tâm lớn nhất của người Maya được tìm thấy cho đến nay, Tikal, được xây dựng như là một thành phố thần thánh. Thông điệp này đã được giải mã từ một tấm bia đá tìm thấy tại đây: “Nơi này các vị Thần có nguồn gốc từ các vì sao đã xuống Trái Đất” Phải chăng các hình ảnh khắp thế giới chứng tỏ rằng những người trở về từ nơi xa xăm nào đó trong vũ trụ cùng với các thiết bị kỹ thuật cao đã đươc người thời đó thần thánh hóa ? Hay đó là những hậu duệ của một nền văn minh thượng cổ đã bị diệt vong, họ quay trở về tái thiết lại chu kỳ văn minh mới cho nhân loại thời kỳ mới? Ngay trong cả các chuyện kể sớm nhất của người Sumeria (3000 năm TCN) cũng đã ghi nhận về một vương quốc ở thiên đường đã xuống định cư tại thành phố Eridu. “Khi vương quốc thiên đường đến Trái Đất, nó đã trải rộng ra thành Eridu”. (Danh sách các vị vua Sumeria – Sumerian List of Kings) Nếu thế thì phải có các đường băng cổ đại hay là cái gì đó tương tự? Những đường băng này nằm tại sa mạc Nazca, cách Peru 3000 km về phía Nam! Trong các chuyện kể Sumer: “Một giọng nói cất lên: Ngài đã chuẩn bị con đường trong sa mạc, Thượng Đế đã làm một con đường bằng phẳng từ thảo nguyên! Tất cả các thung lũng phải cao lên, và tất cả các ngọn núi phải thấp xuống, và cái mà không bằng phẳng, trở nên thẳng tắp, và cái mà nhiều đồi núi cao, trở nên bằng phẳng; bởi hào quang của Ngài phải được nhìn thấy! Cỏ héo, hoa tàn; bởi vì Ngài đến đó thình lình”. (Isaiah Chương 40 Phần 3/4/5/7, Cựu Ước) Trong các chuyện kể Ai Cập cổ đại có kể rằng Thần Seth đang chuẩn bị cắt các dãy núi và đang chuẩn bị bay trên các “con tàu mặt trời” cùng với những “đồng sự” của mình. Khu vực Palpa trong sa mạc Nazca cho thấy các kiến tạo núi mà bị các nhà khảo cổ học lờ đi không để mắt đến. Các chỏm núi bị san bằng trông như một sân bay vũ trụ. “Welcome” – “Chào mừng”. Trên một sườn núi, hình vẽ khổng lồ này thể hiện một người đang đứng trong tư thế giơ tay chào. Nó có một cái tên rất hợp do người bản xứ đặt cho, là “El Astronauta” Những hình vẽ nguệch ngoạc trong sa mạc phải được nhìn thấy từ không gian để có thể nhận ra chúng bởi chúng quá to lớn. Những hình vẽ Stupas hàng ngàn tuổi bí ẩn này thể hiện điều gì? Phải chăng trong quá khứ xa xôi, Trái Đất từng tồn tại một nền văn minh lớn có thể bay vào các không gian vũ trụ? Quetzalkoatl là vị Thần mang văn hóa đến cho nền văn minh Maya và người Aztecs. Còn có tên là Kukulcan và Kukumaz. Theo truyền thuyết, Quetzalkoatl đến Inca từ thiên đường và sáng lập ra đế chế Inca. Xem xét kỹ, qua các nét cách điệu sâu sắc trên bức tượng ta vẫn nhận thấy được những dấu vết của bộ quần áo phi hành gia vũ trụ Thêm nhiều mẫu vật tương tự tìm thấy tại nhiều địa điểm, nhiều nền văn hóa khắp thế giới. So sánh với một phi hành gia trong bộ áo du hành Ta hãy đọc đoạn văn: “Bhima bay trên chiếc Vimana của mình, trên một tia sáng ghê gớm có ánh sáng của mặt trời, âm thanh của nó nghe như tiếng sấm trong cơn bão… Cỗ xe chiếu sáng như một ngọn lửa trên bầu trời đêm hè… nó lướt qua một sao chổi…trông như là 2 mặt trời đang chiếu sáng. Sau đó cỗ xe bay vọt lên và toàn thiên đường được chiếu sáng” (Trích trong cổ văn Mahabharata của Ấn Độ) Làm thế nào người này có thể biết kể về việc lướt qua sao chổi rành mạch và thực đến thế, nếu như không có kinh nghiệm bay thực tế. Làm sao anh ta biết được hiện tượng bay lên rất cao ra ngoài khoảng không vũ trụ thì bóng đêm biến mất và bầu trời sáng lên vì nhìn thấy ánh mặt trời? “Anh ta bước đi trên lâu đài thần thánh yêu thích của Indra và thấy hàng ngàn các cỗ xe bay của các vị Thần, một số đang tắt, số khác đang di chuyển”. “Khi 3 thành phố gặp nhau trên bầu trời, anh ta lách qua chúng với tia sáng của ngọn lửa 3 chòm của anh ta”. “Và thành phố thiên đường của Indra, mà Arjuna đến, thật tráng lệ … Arjuna nhìn thấy các cỗ xe thiên đường khác, hàng ngàn, tất cả chúng có sức mạnh đi đến bất kỳ đâu, kéo dài đến các nơi của họ … Cái được nhìn thấy như là một ngôi sao từ Trái Đất, như những ngọn đèn bởi khoảng cách quá xa xôi, thực tế là rất lớn”. (Mahabharata, Ramayana: Các cổ văn Ấn Độ) Những đoạn trên nếu một người ở thế kỷ 19 trở về trước đọc sẽ chẳng có một chút ấn tượng hay ý tưởng nào. Nhưng ở thời đại chúng ta ngày nay với máy bay và tàu vũ trụ, đọc lại các cổ thi hàng ngàn năm này mới có thể hiểu chính xác những con người thời thượng cổ đó nói đến điều gì. Các Vimana trong Mahabharata và các cổ văn khác: Mahabharata là một trong hai cuốn cổ văn tiếng Phạn (Sanskrit) Ấn Độ cổ, cuốn thứ hai là Ramayana. Mahabharata bao gồm hơn 74.000 câu thơ và những đoạn văn xuôi dài, tổng cộng khoảng 1,8 triệu từ, và là cuốn thiên sử dài nhất trên thế giới, gấp bảy lần tổng số câu thơ của hai bộ sử thi Hy Lạp cổ đại là Iliad và Odyssey cộng lại. Tác phẩm này được coi là "Đại Bách khoa toàn thư" của Ấn Độ cổ xưa. Theo Bách khoa toàn thư Việt Nam thì Mahabharata ra đời khoảng thế kỷ 5 TCN và được sửa chữa dần, hoàn thiện khoảng thế kỷ 5 SCN. Theo nhiều nhà nghiên cứu hiện đại Mahabharata là Lịch Sử, hơn nữa là lịch sử của một thời kỳ rất cổ xưa, hơn rất nhiều so với những gì được biết. Mahabharata kể về cuộc chiến tranh của 2 dòng họ Kaurava và Pandava. Cuộc chiến dường như được xếp đặt của các vị Thần cổ xưa Ấn Độ với ý định giải quyết vấn đề dân số quá đông của thế giới (khoảng 14 tỉ người lúc đó, theo nội dung Mahabharata). “Một thiết bị mà có thể di chuyển về phía trước dựa trên sức mạnh của bản thân nó như một con chim: trên mặt đất, trên nước hoặc trên không, được gọi là “Vimana”, thứ mà có thể bay cao đến thiên đường: từ nơi này đến nơi khác, từ đất nước này đến đất nước khác, hoặc từ thế giới này đến thế giới khác, được gọi là “vimana”, từ các thầy tu của khoa học” (Trích vaimanika-sastra, Cổ văn Ấn Độ) Một số trong những chiếc vimana dùng như những chiếc máy chiến tranh và những vũ khí phá hoại. Thực tế, nhiều cổ văn Ấn Độ đã mô tả chúng được dùng trong chiến tranh. Và trong cổ văn Rig Veda, mà nhiều người cho rằng là tài liệu cổ xưa nhất được biết đến, các cỗ xe bay được biết rất rõ và những chủng loại đặc biệt sau đây được mô tả cụ thể: Jalayan – cỗ xe được thiết kế để hoạt động trong nước và trong không khí (Rig Veda 6.58.3) Kaara- cỗ xe được thiết kế hoạt động trong nước và trên đất bằng (Rig Veda 9.14.1) Tritala- a vehicle consisting of three stories. (Rig Veda 3.14.1) Trichakra Ratha - cỗ xe 3 bánh được thiết kế để hoạt động trong không khí(Rig Veda 4.36.1) Vaayu Ratha- cỗ xe chạy bằng khí hoặc sức gió (Rig Veda 5.41.6) Vidyut Ratha- cỗ xe được thiết kế để vận hành bằng năng lượng (Rig Veda 3.14.1) 7 thành phố lớn nhất của Rama được biết trong các văn bản truyền thống của Ấn Độ là “The Seven Rishi Cities” “7 thành phố của người Rishi”. Theo những văn bản Ấn Độ cổ đại, những những thiết bị bay này được miêu tả gồm có 2 tầng, hình tròn với những lỗ cửa sổ ở thành tàu và một mái vòm, rất giống với cái mà ta gọi là đĩa bay. Nó bay với “tốc độ của gió”. Có ít nhất 4 loại hình dạng vimana. Một số hình đĩa, một số hình điếu xì gà. Những văn bản cổ xưa của Ấn Độ về vimana là vô số kể, có thể sưu tập đóng thành nhiều tập sách. Những người Ấn Độ cổ, những người đã làm ra những con tàu này, đã viết toàn bộ những hướng dẫn điều khiển bay của từng loại vimana, nhiều trong số chúng đến nay vẫn còn, và một số đã được thậm chí dịch sang tiếng Anh. Tài liệu này đã được dịch sang Anh ngữ và có thể tìm đọc: VYMAANIDASHAASTRA AERONAUTICS dịch sang tiếng Anh và biên soạn bởi tác giả Maharishi Bharadwaaja, in ấn và phát hành bởi G.R. Josyer, Mysore, India, 1979. Ông Josyer là giám đốc của International Academy of Sanskrit Investigation có trụ sở tại Mysore. Có vẻ không nghi ngờ rằng Vimana được cung cấp năng lượng bởi một loại thiết bị “phản trọng lực”. Vimana cất cánh thẳng đứng, và có thể bay lượn trong không gian, như một trực thăng hoặc khí cầu. Bharadvajy đã dẫn ra không ít hơn 70 căn cứ và 10 chuyên gia khác nhau về du hành không gian thời cổ đại. Samara Sutradhara là một luận thuyết khoa học quan hệ với mỗi góc cạnh của du hành không gian trong 1 chiếc vimana. Có 230 đoạn liên quan với việc chế tạo, cất cánh, tuần tra hàng ngàn dặm, hạ cánh bình thường và khẩn cấp, và cả những va chạm với chim chóc. Vào năm 1875, Vaimanika Sastra, một văn bản có niên đại thế kỷ 4 trước công nguyên viết bởi Bharadvajy the Wise, dùng ngay cả những văn bản cổ xưa hơn cả nguồn của ông, được khám phá tại một ngôi đền ở Ấn Độ. Nó có liên hệ với cách vận hành của các vimana và gồm cả các thông tin về cách lái, khuyến cáo thận trọng trong những chuyến bay dài, bảo vệ tàu trước các cơn bão và sấm sét và làm thế nào để chuyển chế độ lái sang “năng lượng mặt trời” từ một nguồn năng lượng kiểu như thiết bị phản trọng lực. Vaimanika Sastra (Vymaanika-Shaastra) có 8 chương với các biểu đồ, mô tả 3 loại tàu, gồm cả các thiết bị không thể cháy vỡ. Nó còn đề cập đến 31 phần chủ chốt của những thiết bị này và 16 vật liệu chế tạo ra chúng, thứ mà hấp thụ ánh sáng và nhiệt; và lý do vì sao chúng được cho là thích hợp để chế tạo ra các vimana. Rõ ràng là những người Ấn Độ tiền sử đã bay trong những cỗ xe này, toàn bộ châu Á, Thái Bình Dương; và thậm chí, dường như, đến Nam Mỹ. Văn bản tìm thấy tại Mohenjodaro, Pakistan và vẫn chưa giải mã được, cũng được tìm thấy trên một nơi khác trên thế giới: đảo Easter, được gọi là bản viết tay Rongo-Rongo, cũng chưa giải mã được, và cũng kỳ lạ giống như bản tại Mohenjodaro. Có phải đảo Easter là một cơ sở không gian cho các vimana của đế chế Rama? Để hiểu rõ hơn về công nghệ, chúng ta phải đi xa hơn vào quá khứ. Cái gọi là “Đế chế Rama” của Bắc Ấn và Pakistan đã phát triển nhiều ngàn năm trước trên tiểu lục địa Ấn Độ và là một quốc gia của nhiều thành phố lớn tân kỳ, nhiều trong số đó có vẻ vẫn nằm đâu đó chờ được khám phá trong các hoang mạc và đáy biển. Rama đã tồn tại, song song với nền văn minh Atlantic. Chỉ vài năm trước, người TQ đã khám phá ra vài tài liệu tiếng Phạn cổ tại Lhasa, Tây Tạng và đã gửi chúng đến trường đại học Chandrigarh Ấn Độ để phiên dịch. Tiến sĩ Ruth Reyna của trường đại học Chandrigarh đã phát biểu gần đây rằng đó là những tài liệu hướng dẫn chế tạo các phi thuyền vũ trụ! Những phương pháp động lực học của chúng, cô nói, là “phản trọng lực” và được dựa trên những nguyên lý giống như là “laghima”. Theo các thiền sư Yogi của Ấn Độ, “laghima” là nguyên lý giúp con người có thể tự bay lên bằng phương pháp tập luyện bài bản. Tiến sĩ Reyna nói rằng trên khoang lái của những thiết bị bay này, thứ được gọi là “Astras”, những người Ấn Độ cổ xưa có thể gửi một nhóm người lên những hành tinh khác, theo như những gì nói trong tài liệu, mà có vẻ nhiều ngàn năm tuổi này. Bản viết tay này còn tiết lộ bí mật của “antima”-“phương pháp tàng hình” và “garima”- “làm thế nào để trở nên nặng như một ngọn núi chì”. Tất nhiên, những nhà khoa học Ấn Độ ban đầu không xem những văn bản này là nghiêm túc, nhưng đang dần nhận ra giá trị của chúng. Những bản viết tay này không nói thẳng về việc du hành giữa các vì sao nhưng có nhắc rõ ràng về một kế hoạch du hành Mặt trăng, mặc dù không ai biết là chuyến đi này đã thực sự được tiến hành hay không. Tuy nhiên, một trong những cổ văn vĩ đại nhất của Ấn Độ, Ramayana, có những chi tiết rõ ràng về một chuyến du hành lên mặt trăng sử dụng vimana (“Astra”), và thực tế còn thậm chí mô tả chi tiết một cuộc chiến với “Asvin”, một loại tàu của đế chế Atlan. Đây chỉ là một ít trong vô số những bằng chứng về phản trọng lực và công nghệ vũ trụ của người Ấn Độ tiền sử. Dưới đây là trích dẫn trong các bộ cổ văn Mahabharata và Ramayana, những đoạn nói về các thiết bị bay tiền sử, cũng như về các “Vũ khí tối hậu” (“Final Weapon” – dịch nguyên văn sát nghĩa từ Mahabharata bản tiếng Ấn Độ không thêm bớt) mà những người thượng cổ đã dùng để kết thúc chiến tranh. Đoạn này kể về Krisna khi anh bay lên trời đuổi theo Salva: “Chiếc Saubha của hắn đứng yên trong không gian ở một độ cao một lý (4km) … Hắn bắn về phía ta các tên lửa, các mũi lao, những cây đinh, rìu chiến, lao 3 lưỡi, những cục lửa, không ngưng nghỉ … Bầu trời … dường như có hàng trăm mặt trời, hàng trăm mặt trăng … và hàng trăm vạn ngôi sao. Không thể biết là ngày hay đêm, kim la bàn cũng không dùng được” Cảnh tượng nhiều vì sao, nhiều hành tinh lớn nhỏ xuất hiện như thế này chỉ xuất hiện khi phi thuyền tiến nhập vào không gian vũ trụ giữa các vì sao. Chúng ta ở thời đại kính viễn vọng Hubble, thám hiểm vũ trụ, các bộ phim khoa học viễn tưởng mới có thể hiểu được nó. Ngay cả hiện tượng không phân biệt ngày đêm và la bàn không hiệu lực họ cũng biết. Làm sao có thể tưởng tượng ra tất cả chừng đó thứ nếu họ chưa bao giờ thực tế bay vào vũ trụ? Sau đó khi Saubha chuyển sang chế độ tàng hình, “Ta nhanh chóng lên một mũi tên, loại tên tầm giết kẻ thù bằng cách truy tìm theo tiếng động… Tất cả bọn lính Danava đang kêu thất thanh nằm chết, bị giết bởi những mũi tên cháy sáng như ánh mặt trời” “Cuka, bay trong một vimana rất mạnh, phóng về phía nhóm 3 thành phố một vật đã nạp đầy sức mạnh của vũ trụ. Một cột khói và lửa, sáng chói như 10 ngàn mặt trời… Khi chiếc vimana trở về mặt Đất, nó trông như một khối antimon rực rỡ nằm trên mặt đất”. Đọc đoạn này mấy ai trong chúng ta không liên tưởng đến sự kiện đó? “Dưới lệnh của Rama cỗ xe lộng lẫy bay thẳng lên một ngọn núi đầy mây cùng với một tiếng động đinh tai nhức óc …” Ramayana chương ‘Rama và Sita’ Phần chuyện về “Rama và Sita” trong Ramayana : nghe tin vợ, nàng Sita, bị bắt cóc, Rama hét lớn: “Các cỗ xe lên thẳng đồng loạt xuất phát ngay" "Salva độc ác lái cỗ xe Saubha có thể đi đến bất kỳ đâu, và từ trên nó hắn giết nhiều người Vrishi trẻ tuổi can đảm và tàn phá tất cả các công viên thành phố” Trong một chương khác vũ khí đáng sợ Agneya, “một loại tên lửa không có khói” được sử dụng bởi người anh hùng Adwattan. “Những loạt tên lửa dày đặc, như một cơn mưa lớn, bắn thẳng ra phía trước, bao vây lấy kẻ thù… Một màn đêm dày đặc phủ xuống đoàn quân Pandava. Tất cả các kim la bàn mất phương hướng. Những trận gió hung dữ bắt đầu thổi. Những cuộn mây ầm ầm cuộn lên, bụi và sỏi trút xuống như mưa. Những con chim kêu rền rĩ như điên dại … Các nguyên tố căn bản (tứ đại: đất, nước, gió, lửa) dường như đảo lộn. Mặt trời dường như chập chờn rung rinh trên các thiên đường. Mặt đất rung lắc, bị thiêu cháy bởi sức nóng dữ dội của thứ vũ khí này. Những con voi bốc cháy và chạy loạn điên cuồng … trên một vùng rộng lớn, những con thú khác ngã gục xuống mặt đất và chết. Từ mọi hướng những tia lửa bắn xuống liên tục và dữ dội” “Gurkha, bay trong chiếc Vimana mạnh mẽ và tốc độ, phóng về phía 3 thành phố của người Vrishnis và Andhakas một vật đã nạp đầy sức mạnh của Vũ trụ. Một cột khói và lửa cháy nóng sáng chói như hàng ngàn mặt trời… Đó là một thứ vũ khí chưa từng được biết đến… Một tiếng sét, một sứ giả khổng lồ của cái chết, thứ mà biến toàn bộ 2 dân tộc Vrishnis và dân tộc Andhakas thành tro bụi… Những thi hài bị cháy đến mức không thể nhận dạng được. Tóc và móng tay chân bong ra; đồ gốm vỡ tan không rõ nguyên nhân, những con chim biến thành màu trắng… Sau vài giờ mọi thực phẩm đều bị nhiễm độc …Để thoát khỏi lửa, những người lính thả mình vào những dòng nước để rửa bản thân và các thiết bị của mình …” “Chúng tôi nhìn thấy một cái gì đó trên thiên đường giống như một đám mây màu đỏ tươi, như một đám lửa cháy khủng khiếp. Một vimana khổng lồ màu đen hiện ra, bắn ra những vật sáng. Âm thanh nghe như một ngàn cái trống đánh lên cùng một lúc. Chiếc vimana bay lại gần mặt đất với một tốc độ không gì sánh nổi và bắn hàng ngàn viên đạn vàng, theo sau bởi những tiếng nổ lớn và hàng trăm bánh xe ngùn ngụt cháy. Nỗi kinh hoàng bao trùm khắp nơi”. “Mặt trời dường như xoay đảo. Cháy sém bởi ngọn lửa của thứ vũ khí này, mặt đất lay động bởi sức nóng. Những con voi bị thiêu đốt và chạy loạn… Ngọn lửa điên cuồng tàn phá cây cối… Ngựa và xe ngựa bốc cháy, trông như sau một trận cháy lớn. Hàng ngàn xe ngựa bị tiêu hủy, sau đó một sự tĩnh mịch bao trùm mặt đất. Đó là một cảnh tượng kinh hoàng. Những thi thể của những kẻ ngã xuống bị cắt xẻo bởi sức nóng khiến họ trông không còn giống hình người. Chưa bao giờ chúng tôi thấy loại vũ khí khủng khiếp như thế, và chưa bao giờ chúng tôi nghe nói đến loại vũ khí như thế… Nó trông như một tia chớp cháy rực, một sứ giả khổng lồ của cái chết, biến toàn bộ 2 dân tộc Vrishnis và dân tộc Andhakas thành tro bụi. Những thi hài không thể nhận dạng được. Tóc và móng tay chân bong ra. Đồ gốm vỡ tan không rõ nguyên nhân, những con chim biến thành màu trắng… Sau thời gian ngắn mọi thực phẩm đều bị nhiễm độc. Những tia chớp đã chôn vùi và biến mọi thứ thành bụi… Thứ vũ khí này sẽ giết tất cả những đứa trẻ còn trong bụng mẹ… Tất cả những đứa trẻ được sinh ra đều đã chết”. Kết quả của sự kiện này, theo như nội dung của Mahabharata, và khẳng định của chính quyền địa phương, là 500000 người chết. Cho đến sự kiện thả bom Hiroshima và Nagasaki, loài người hiện đại không thể tưởng tượng nổi bất cứ thứ vũ khí nào khủng khiếp và có sức hủy diệt cao đến mức như mô tả trong Mahabharata Ấn Độ. Họ miêu tả rất chính xác những tác động của một vụ nổ hạt nhân. Độc phóng xạ sẽ khiến tóc và móng tay chân rơi ra... Ngâm mình trong nước là cách duy nhất để giảm bớt đau đớn, mặc dù không thể cứu chữa được. Arjuna được nhận một “vũ khí thiên đường” thứ không thể được dùng để chống lại loài người “vì nó có thể hủy diệt thế giới”, nhưng anh có thể dùng nó để chống lại “bất kỳ thứ gì không phải là con người” “Những vị Thần, những cỗ xe sinh ra mây … những cỗ xe lộng lẫy tụ hội trên bầu trời không mây” “Khi thần Rama bị đe dọa bởi một “đội quân khỉ” ông đưa một “mũi tên thần” vào hoạt động. Nó sinh ra một tia chớp sáng “mạnh hơn sức nóng của một ngàn mặt trời”, biến mọi thứ thành tro bụi. Tóc của những kẻ sống sót bị rụng, móng tay của chúng rữa ra”. “Bhima bay trên chiếc Vimana của mình trên một tia sáng khổng lồ có ánh sáng của mặt trời, âm thanh của nó nghe như tiếng sấm trong cơn bão!” Chúng ta biết những thứ vũ khí tương tự như thế từ Sodom và Gomorrah, và từ Hiroshima và Nagasaki. Thuật ngữ “Vũ khí tối hậu” được dùng trong Mahabharata nhiều ngàn năm trước là hoàn toàn chính xác, ngay cả trong thời hiện đại ngày nay. Những từ “chariot” – “Cỗ xe bay” là cách duy nhất mà những người sống ở thời cổ có thể dùng để diễn đạt một thiết bị nhân tạo có khả năng bay lên bầu trời và không gian các vì sao. Không thể tin nổi những thứ như vậy lại có thể tìm thấy trong những cổ văn hàng ngàn năm, và chỉ có thể hình dung và thấu hiểu bởi những người hiện đại chúng ta ở nửa sau thế kỷ 20, sau sự kiện Hiroshima năm 1945 ! Những đoạn văn mà chúng ta gọi là sử thi, cổ văn của những nền văn minh cổ đại lớn như Sumer (Maya, Aztech, Babylon, …), cổ Ai Cập, cổ Trung Hoa, cổ Ấn Độ thực ra có chứa rất nhiều bí mật, và chỉ có những người ở thế giới hiện đại mới đủ khả năng hiểu được nội dung của nó một cách rõ ràng. Các văn bản xuất hiện sau này trong các tôn giáo lớn như Ấn Độ giáo, Phật giáo nguyên thủy, rồi đến The Bible (kinh Cựu Ước) đều thực tế là vay mượn rất nhiều mẩu chuyện trong các cổ văn các nền văn minh lớn kể trên. Vì thế, đi sâu hơn, ta cũng có thể tìm thấy một số đoạn trong những văn bản tôn giáo lớn trên thế giới những ghi chép mang tính lịch sử của một thời kỳ rất xa xưa. Các phát biểu đáng chú ý của một số chuyên gia: “Trong nhiều loại văn bản của Châu Á và Nam Á, chúng ta tìm thấy nhiều mối liên hệ về những cỗ máy bay được và những thiết bị lên thẳng. Những chuyện kể Trung Quốc và Ấn Độ kể về những người hoặc hoặc thợ thủ công có thể chế tạo những thiết bị du hành xuyên không gian. Những câu chuyện gồm nhiều chủng loại khác nhau, với những lối diễn đạt kỳ khôi và cách điệu cao. Số khác cho thấy một bức tranh của những người phát minh chịu khổ sở khó nhọc để hiểu biết những nguyên lý của việc bay lượn, và những cỗ máy thủ công bằng gỗ để có thể đạt được mục đích này”. “Những câu chuyện của người theo đạo Lão thường kể lại những người thông thái và những kẻ bất tử bay xuyên không gian. Xian là những người bất tử có thể bay với năng lực siêu phàm của họ…Fei tian (Phi Tiên), còn có thể gọi là “những kẻ bất tử biết bay”, cũng xuất hiện trong các chuyện kể cổ xưa, làm phong phú thêm số lượng những sinh thể biết bay trong tập văn huyền thoại của người Trung Quốc”. “Những chuyện kể cổ xưa Trung Quốc về các fei che (phi - cơ, các cỗ xe bay được, từ này xuất hiện từ rất xa xưa trong cổ văn Trung Hoa) phô bày những hiểu biết đầu tiên, có lẽ, là những người có thể bay chỉ với một loại thiết bị kỹ thuật nào đó. Một bài thánh - ca (bài ca về các vị thánh) được viết trong thế kỷ 2 TCN nói về vị thần xuất hiện trong các cỗ xe được vẽ cạnh những con rồng”. Tiến sĩ Benjamin B. Olshin, tác giả quyển sách "Mechanical Mythology: Private Descriptions of Flying Machines as Found in Early Chinese, Korean, Indian, and Other Texts" “Huyền thoại cơ khí: Những mô tả cá nhân về những cỗ máy có thể bay được tìm thấy ở các văn bản cổ Trung Hoa, Triều Tiên, Ấn Độ, và những nơi khác”. “Chiếc máy bay được Salva sử dụng là rất bí ẩn. Nó quá khác thường đến nỗi đôi khi nhiều máy bay xuất hiện trên bầu trời, và đôi khi dường như chỉ có một. Thỉnh thoảng máy bay là trông thấy được và đôi khi lại tàng hình, và những chiến binh của triều đại Yadu bị đánh đố về vị trí của cái máy bay kỳ dị này. Thỉnh thoảng họ có thể thấy nó trên mặt đất, thỉnh thoảng thấy đang bay trên trời, thỉnh thoảng nằm trên đỉnh đồi và thỉnh thoảng trôi theo dòng nước. Cỗ máy kỳ diệu này bay trên trời nhanh như một cơn lốc có đuôi lửa”. Bhaktivedanta, Swami Prabhupada, Krisna (Swami là những bậc Thầy được tôn thờ ở Ấn Độ) “Theo các văn bản Ấn Độ cổ xưa, những người có những cỗ máy được gọi là các “Vimana”. Cổ văn Ấn Độ mô tả một vimana như một cỗ máy bay hình tròn, có 2 tầng với các cửa sổ ở thành tàu và một mái vòm, rất giống với thứ mà ta tưởng tượng như là một đĩa bay ... Có ít nhất 4 loại Vimana khác nhau; một số hình đĩa, số khác trông giống như những cái ống hình trụ tròn dài (“tàu hình điếu xì gà”)". “Vedas, những bài thơ cổ đại Hindu, được cho là cổ nhất trong những văn bản Ấn Độ cổ, miêu tả Vimana trong nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau: 'ahnihotra-vimana' với 2 động cơ, 'elephant-vimana' với nhiều động cơ, và nhiều loại khác được đặt tên ghép với các động vật như là chim bói cá, cò quăm, vv…” D. Hatcher Childress, "Ancient Indian Aircraft Technology" “Dường như Mahabharata đang mô tả một cuộc chiến hạt nhân! Các tham chiếu như thế này không được cách ly ra; nhưng những trận chiến, dùng một mảng chủng loại vũ khí và các cỗ xe lên thẳng kỳ lạ là phổ biến trong tất cả các sách cổ văn Ấn Độ. Một trong số chúng thậm chí còn mô tả một Vimana vs Vailix đánh nhau trên mặt trăng! Phần trên mô tả rất chính xác một vụ nổ hạt nhân trông như thế nào và những tác động phóng xạ của chúng lên dân cư. Nhảy vào nước là cách duy nhất để làm đỡ thương tích tạm thời". “Khi thành phố Rishi của Mohenjodaro được khai quật bởi các nhà khảo cổ vào cuối thế kỷ 20, họ đã phát hiện những bộ xương nằm ngay trên con đường, một số trong số họ đang nắm tay nhau, như thể một cái chết bất ngờ phủ chụp lấy họ. Những bộ xương này nằm trong số những bộ xương bị nhiễm phóng xạ cao nhất được tìm thấy, ngang với mức của những bộ xương tìm thấy tại Hiroshima và Nagasaki”. “Hơn nữa, tại Mohenjo-Daro, một thành phố được quy hoạch tốt trên những lưới ô, với một hệ thống thủy lợi cao cấp hơn cả Pakistan và Ấn Độ ngày nay, những con đường bị rải đầy những “cục thủy tinh màu đen”. Những miếng thủy tinh này được khám phá ra là những bình gốm đã bị nóng chảy dưới tác động của nhiệt độ cao đột ngột! (thời gian tương tác ngắn)”. Trong các cổ văn khác Trong những nguồn của khu vực Lưỡng Hà (Mesopotamian sources), quyển cổ văn “The Hakatha” (Luật lệ của người Babylon) đã phát biểu rất lạ như thế này: “Đặc quyền được vận hành một thiết bị bay là rất cao. Kiến thức bay lượn là nằm trong những tài sản thừa kế cổ xưa nhất của chúng ta. Một món quà từ “những ai kia từ phía trên cao”. Chúng ta nhận nó từ họ để làm phương tiện cứu sống nhiều sinh mạng”. Những tham chiếu trong kinh Cựu Ước về chiến tranh. Sự phá hủy Sodom và Gomorrah The destruction of Sodom and Gomorrah: “Abraham nhìn về Sodom và Gomorrah… và ông để ý thấy một đám khói bay lên từ mặt đất, như khói trong lò”. Gen 18:27. “Và Ngài ném sấm sét và mưa đá, và lửa lan nhanh trên mặt đất, và Ngài rải mưa đá chụp lên vùng đất của người Ai Cập”. Exodus 9:23 “Và nó chạy ra, như chúng đào tẩu từ Israel xưa, và trong lúc chạy về Bethhoron, Ngài giáng những tảng đá lớn từ thiên đường chụp lên chúng đến Azekah, và chúng chết: chúng chết vì mưa đá nhiều hơn những đứa trẻ Israel bị giết bởi gươm dao”. Joshua 10:11 “Và ngọn lửa của Ngài đổ xuống từ thiên đường, và đốt cháy hắn cùng 50 người của hắn”. 2 Kings 1:12 “Ngươi sẽ làm chúng như những ngọn lửa cháy ngùn ngụt trong lò trong thời gian của nỗi tức giận của ngươi: Ngài sẽ nuốt chửng chúng trong nỗi tức giận của ngài, và ngọn lửa sẽ ngấu nghiến chúng”. Psalms 21:9 “Một ngọn lửa cháy trước mặt anh ta, và thiêu cháy những kẻ thù của anh xung quanh”. Psalms 97:3 “Ngươi sẽ được viếng thăm bởi Ngài với rất nhiều sấm sét, và với động đất, và những tiếng động lớn, với bão táp và giông tố, và ngọn lửa phừng phừng”. Isaiah 29:6 “…Xuất hiện một cỗ xe lửa bay, và những con ngựa lửa, và chia cách 2 đứa chúng rời ra; và Elijah bay lên bởi một cơn lốc vào trong thiên đường”. 2 Kings 2:11 “Và Jehovah đang đi trước họ vào ban ngày trong một cái gối bằng mây, để dẫn đường cho họ, và vào ban đêm, để cho họ ánh sáng, để đi vào ban ngày và ban đêm…” Exo 13:21 Yahweh đặt chân lên Mt Sinai. “…Và vào ngày thứ 3, đang là buổi sáng, điều đó xảy ra. Có những tiếng sấm và những tia chớp, và một đám mây nặng nề trên ngọn núi, và âm thanh của tiếng còi tàu, rất mạnh! Và tất cả mọi người của trại run sợ… và ngọn núi của Sinai bốc khói, tất cả, bởi Jehovah giáng hạ xuống trong lửa. Và ngọn lửa của nó bốc lên như đám khói lò; và ngọn núi chấn động dữ dội…”. Exodus 19:16-18 “Và thần thánh nhấc bổng ta lên, và ta nghe phía sau âm thanh của một tiếng nói xáo động, Thiêng liêng thay hào quang của Jehovah từ nơi của ngài; và âm thanh của những đôi cánh của những sinh vật sống động đang chạm nhau; và âm thanh của những chiếc bánh xe cùng với chúng; và âm thanh của một sự náo động…”. Ezekiel 3:12 Jehovah giáng hạ trên những vùng cao với một sức nóng lớn: “Hãy chú ý, Jehovah đang ra khỏi nơi của Ngài, và những thung lũng sẽ tia tách chúng ra như sáp ong trước ngọn lửa, như dòng nước chảy lên những bậc tam cấp…”. Micah 1:3-4 Từ một trong những cuốn sách cổ xưa nhất của Ấn Độ: “Quyển sách của Dzyan” “Sự chia cắt không đem lại hòa bình đến những người này và cuối cùng sự giận dữ của họ lên đến mức mà người chủ cũ của thành phố đem theo một toán chiến binh nhỏ và tiến vào không gian trong một cái thuyền sắt chiếu sáng. Khi họ đang ở nhiều lý (lý=4km) cách xa thành phố của kẻ thù, họ tiến vào một cây gậy dài khổng lồ sáng rực bay trên một chùm ánh sáng. Nó làm nổ tung một góc thành phố kẻ thù của họ với một quả cầu lửa lớn bắn tung lên đến tận trời, hầu như đến cả các ngôi sao. Tất cả những kẻ đang ở trong thành phố kinh hoàng bị đốt cháy và ngay cả những kẻ không ở trong thành phố - nhưng ở gần đó – cũng bị thiêu đốt. Những kẻ nhìn vào cây gậy và quả cầu lửa đều bị mù mắt vĩnh viễn sau đó. Những ai tiến vào thành phố trên chân trần trở nên yếu dần và chết. Ngay cả tro bụi của thành phố cũng bị nhiễm độc, cũng như những dòng sông chảy qua nó. Người ta không dám ở gần nó, và nó dần dần sụp đổ thành cát bụi và bị người ta lãng quên. Khi người chỉ huy nhìn thấy điều mà ông đã làm với những người dân của chính mình ông ẩn dật trong cung điện của mình và từ chối gặp mặt bất kỳ ai. Rồi sau đó ông tập hợp những chiến binh còn lại xung quanh, cùng vợ con của họ, tiến nhập vào những chiếc thuyền sắt của họ và đưa từng cái một vào không gian và lái đi. Họ không bao giờ quay lại nữa”. Đoạn trích trong cổ văn Veda đề cập đến trình độ khoa học của họ (Yajur-veda 10.19) “Ồ! Những kỹ sư lành nghề của hoàng gia, chế tạo những con tàu biển, chạy trên nước bởi các chuyên gia của chúng ta, và những cỗ máy biết bay, di chuyển và bay lên trên, sau những đám mây mà trú ngụ ở giữa, mà bay như những con tàu đi trên biển, bay cao trên và thấp dưới những đám mây đầy nước. Ngươi, vì thế, thuận lợi ở trong thế giới này mà vốn được tạo ra bởi vị Thần có mặt khắp nơi, và là người phi công trong cả không khí và tia chớp”. Đoạn trích này thậm chí còn gây sốc hơn: (Atharva-veda 20.41.1-3). “Năng lượng phân đôi nguyên tử 99 nguyên tố, (bao phủ con đường của nó) sinh ra bởi sự bắn phá của các hạt trung hòa không bị thất thoát hay cản trở. Thành phần chủ yếu của năng lượng nhanh, ẩn tàng trong khối lượng nguyên tử các điều chỉnh của các nguyên tố, năng lượng nguyên tử đó đạt được trong sự phân đôi nó bởi những bắn phá đã nêu trên. Ở đây, những nhà thông thái biết những sức mạnh ẩn tàng tương tự của những tia mặt trời tác động lên quỹ đạo của mặt trăng”. Rig-Veda (Vata là vị Thần gió của người Aryan) “Giờ đây chiếc xe bay của Vata cao quý! Nó đi cắt dọc đường đi, và tiếng động của nó như sấm nổ, nó chạm đến trời, làm ra ánh sáng khủng khiếp, và cuốn bụi khắp mặt đất”. Trong một giai thoại cổ xưa của người Sumer về Nergal and Ereshkigal (Pritchard, 1975), có những đoạn nói rằng có những thời kỳ những vị Thần đã không thể du hành từ nơi này đến nơi khác. Dường như ở đây còn có hiện tượng khác biệt thời gian, tính tương đối của thời gian ! Anu nói với Kaka: Ta sẽ gửi ngươi, Kaka, đến Vùng đất không thể quay về, đến Ereshkigal… “Ngươi không thể tiến lên, trong năm của ngươi ngươi không thể bay đến nơi của chúng ta, và chúng ta không thể đi xuống, trong tháng của chúng ta chúng ta không thể đến được nơi của ngươi…”. Mahavira of Bhavabhuti, một cổ văn được tạo ra vào thế kỷ thứ 8 bằng cách chọn lọc những văn bản và chuyện kể cổ xưa hơn, tập hợp lại. “Một cỗ xe lên thẳng, Pushpaka, chở nhiều người đến thủ đô của Ayodhya. Bầu trời đầy những cỗ xe bay khổng lồ kỳ lạ, ban đêm, nhưng được thắp sáng bởi những ánh sáng vàng nhạt chói lòa”. (còn tiếp)
  14. Một thành phố cổ đại tìm thấy tại Cuba Một nhóm các nhà nghiên cứu Canada và Cuba đã khám phá ra phần còn lại của cái có thể là một thành phố cổ 6000 năm tuổi đang chìm dưới đáy biển sâu ở bờ tây của biển Cuba. Sử dụng các thiết bị dò tìm siêu âm và máy quay phức tạp, kỹ sư Paulina Zelitsky, cùng chồng cô, Paul Weinzweig, và con trai, Ernesto Tapanes đã khám phá ra những tảng đá lớn “của cùng một loại mà chúng ta phát hiện thấy tại Stonehenge hay đảo Easter”. Paul Weinzweig cho biết: “Một vài cấu trúc phức tạp có thể có chiều rộng khoảng 400 m và cao khoảng 40 m, một số đang nằm trên đỉnh của những cái khác. Chúng cho thấy những góc cạnh sắc nét và tính đối xứng các dấu hiệu của loại công trình nhân tạo. Chúng tôi đã chỉ cho các nhà khoa học Cuba, Hoa Kỳ và bất cứ ai, và không ai cho rằng đó là một công trình của thiên nhiên”. (Atlantis Site.com) Các cấu trúc nằm trong một khoảng đất nền bằng phẳng khoảng 700 m dưới mực nước biển Hơn nữa, một nhà nhân loại học Liên kết với Cơ quan khoa học Cu Ba đã nói rằng những hình ảnh trích dẫn từ những cuộn phim video đã chỉ rõ “các biểu tượng và câu khắc trên đá”, và đến giờ không ai biết nó viết bằng thứ ngôn ngữ nào. Những bức ảnh chụp bằng các thiết bị dò vẽ địa hình bằng sóng âm, cho thấy những sự giống nhau rất đáng lưu ý đến các cấu trúc dạng kim tự tháp Maya và các đền thờ của người Aztec tại Mexico. Ông Weinzweig cho rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận từ những bằng chứng thu thập được cho đến nay. Đội nghiên cứu đã lên kế hoạch khảo sát khu vực này vào tháng 1 năm 2002. Vào mùa hè 2002, họ quay trở lại với các thiết bị khai quật dưới nước tối tân, được trang bị các chức năng cần thiết cho việc thẩm định khảo cổ học, và cả khả năng thổi cát bám khỏi các tảng đá. Các nhà địa chất từng cho rằng có một dải đất nối liền Cuba và bán đảo Yucatan của Mexico. Và một số phần của đảo Cuba thì tin rằng đã từng chìm ngập trong nước biển vào 3 thời kỳ khác nhau trong quá khứ xa xôi. Ông Weinzweig chỉ nói rằng cần nhiều thông tin hơn nữa. “Chúng ta tốt nhất là hãy tránh xa chủ đề về Atlantic. Đây là một trong những mối quan tâm khoa học vĩ đại, nhưng nó phải bao hàm cả những tài liệu thực sự đáng tin cậy khác về các nền văn minh tiền sử”. ("We'd prefer to stay away from that subject. This is something of great potential scientific interest, but it must involve serious authorities on ancient civilizations") Niên đại chính xác của công trình dưới đáy biển này vẫn chưa được biết, tuy nhiên các nhà khảo cổ đã khai quật vào năm 1966 một cấu trúc đá đồ sộ trên nền đất bằng tại bờ biển phía Tây, gần khu vực khám phá mới này, và chúng được định niên là năm 4000 trước công nguyên. “Dựa trên khám phá đó và những thông tin khảo cổ khác, chúng tôi khẳng định rằng chúng khoảng 6000 năm tuổi”, ông giải thích. “Chưa thể biết chính xác, nhưng chúng thật sự rất cổ xưa”. Nếu điều này được chứng minh là chính xác, thì có nghĩa là một nền văn minh tiền sử đã thiết kế và xây dựng nên những cấu trúc đá khổng lồ này tại Châu Mỹ chỉ 500 năm sau khi sự định cư của con người lần đầu tiên được tổ chức thành các thành phố và thành bang. Chúng đã được xây dựng từ lâu trước khi bánh xe được phát minh tại Sumeria (3500 năm trước công nguyên, nền văn minh cổ xưa nhất mà loài người hiện đại biết được từng tồn tại), hay là đồng hồ mặt trời tại Ai Cập cổ đại (3000 năm trước công nguyên). 3 Kim tự tháp trên vùng nền của kim tự tháp Giza được ước định là được xây dựng khoảng giữa 2900 và 2200 năm trước công nguyên. Công ty Advanced Digital Communications của cặp vợ chồng có trụ sở tại Havana, đã khám phá ra công trình vào 7/2000, dùng thiết bị quét dò siêu âm để xem xét những gì của một thành phố dưới nước, hoàn chỉnh với các con đường, các tòa nhà và các kim tự tháp. Họ cũng từng trở lại mang theo một thiết bị không người lái điều khiển từ xa nặng khoảng 1,3 tấn, điều khiển từ tàu mẹ thông qua cáp quang. Camera của nó đã khẳng định những phát hiện đầu tiên, chỉ ra những khối đá khổng lồ giống granite, khoảng 2 đến 5 m chiều dài, được cắt gọt theo các thiết kế vuông góc hoặc tròn trịa. Một tảng đá trắng lớn với những đường sọc kẻ chi tiết có thể nhìn thấy. Hình ảnh trích từ một đoạn phim quay bởi ADC International, Inc năm 2002 Tuy nhiên vấp phải những vấn đề kỹ thuật, ông Weinzweig nói: "Chúng tôi chỉ mới quan sát được rất sơ bộ bên ngoài công trình mà thôi. Căn cứ trên những thăm dò ban đầu, chúng tôi nghĩ rằng nó thậm chí phải lớn hơn nhiều lần so với những gì các thiết bị dò dùng âm thanh cho thấy. Chúng có thể trải dài đến vài km. Tảng đá mà chúng tôi khám phá ra dưới đáy biển là một tảng granite láng bóng. Tất cả các bán đảo phía Tây Bắc Cuba, cả bán đảo này toàn là đá vôi, những tảng đá vôi rạn nứt nhiều. Vì thế, về mặt địa chất, nó hoàn toàn không thuộc Cuba. Nhưng nó cũng không hề được biết đến tại Yucatan, Mexico bởi Yucatan cũng toàn là đá vôi, không có đá granite …”. Thành phố 9500 năm tuổi được tìm thấy dưới đáy biển Ấn Độ Một nền văn minh cổ ở phương đông đã được tìm thấy, nó cũng cổ xưa như những chủ nhân của các Kim tự tháp Ai Cập. Theo các nhà khoa học hàng hải Ấn Độ, các phần còn lại của thành phố này được khám phá ra tại độ sâu 36 m dưới mực nước biển tại vịnh Cambay ở vùng biển phía Tây Ấn Độ. Và các giám định niên đại bằng C14 cho thấy nó khoảng 9500 năm tuổi. Thông tin này hoàn toàn trái ngược với quan điểm của hầu hết các nhà sử học và khảo cổ học Châu Âu vốn luôn phủ định, lờ đi, hoặc lấp liếm các bằng chứng (do nó không phù hợp với các học thuyết của họ) của một cái nhìn sâu hơn về sự tồn tại của con người trên hành tinh Trái Đất. Nền văn minh con người là cổ xưa hơn nhiều so với những gì mà nhiều người vẫn luôn suy nghĩ. Theo BBC's Tom Housden, tường trình trên sự kiện khám phá Cambay: Thành phố rộng lớn – khoảng 5 dặm chiều dài và 2 dặm chiều rộng – tin rằng sẽ đẩy lui niên đại của các tàn tích đã biết tại tiểu lục địa Ấn Độ thêm hơn 5000 ngàn năm nữa. Công trình đã được khám phá một cách tình cờ bởi các nhà hải dương học từ Học viện công nghệ đại dương quốc gia Ấn Độ, trong khi đang chỉ đạo các nghiên cứu về tình trạng ô nhiễm môi trường. Dùng máy quét sonar, họ đã xác định được các cấu trúc hình học tại độ sâu 120 bộ. Các mảnh vụn được khám phá từ công trình – gồm các vật liệu xây dựng, đồ gốm, các dãy tường, các đường gân nổi hình chuỗi hạt, các trang trí điêu khắc, và xương cùng với răng người – đã được xác định niên đại bằng phương pháp C14 và chứng tỏ chúng khoảng 9500 tuổi. Hình chụp sonar cho thấy các cấu trúc dưới đáy biển không phải là kiến tạo tự nhiên Hình chụp sonar cho thấy các cấu trúc đang bị chôn vùi dưới lớp cát biển Nhiều bản tường trình khác cũng khẳng định lại đánh giá này. Housden cũng nói: “Toàn bộ các mô hình về nguồn gốc của nền văn minh hiện đại sẽ phải được xây dựng lại từ đầu”. Tác gia đồng thời là nhà làm phim Graham Hancock, tác giả của các công trình điều tra nghiên cứu về các nền văn minh cổ xưa, đã báo cáo rằng bằng chứng này là rất thuyết phục. Ví dụ, ông nói các nhà hải dương học đã tìm thấy 2 tảng đá lớn lớn hơn bất kỳ thứ gì đã từng được khám phá. “Các thành phố theo quy mô này, là không được biết đến trong các ghi chép khảo cổ học cho đến khoảng 4500 năm trước khi các thành phố lớn đầu tiên bắt đầu xuất hiện ở vùng Lưỡng Hà”. “Vào giữa tháng giêng năm 2002, các nhà khoa học hàng hải tại Ấn Độ đã tuyên bố rằng họ đã có các bức ảnh sonar (phương pháp phản xạ âm học để định vị, đo đạc các vật thể và các cấu trúc nằm sâu dưới nước) của các vật thể hình vuông và hình chữ nhật khoảng 130 m dưới mặt nước tại vùng bờ biển Tây Bắc Ấn Độ ở vịnh Cambay… các vật thể có các góc vuông. Bộ trưởng bộ khoa học và kỹ thuật Ấn Độ đã ra lệnh khu vực sẽ được khoanh vùng bảo vệ. Những gì được khám phá đã làm ngạc nhiên các nhà khảo cổ học toàn cầu” (GrahamHancock.com/news). Linda Moulton Howe, nhà nghiên cứu các sự kiện kiểu này trên khắp thế giới, đã phỏng vấn Michael Cremo về khám phá mới này. Cremo là nhà nghiên cứu và là tác giả của cuốn sách Forbidden Archaeology, đã đến thăm Ấn Độ và dự hội thảo về công trình Cambay. “Trong vòng vài tháng trở lại đây, các kỹ sư đã bắt đầu tiến hành nạo vét tại đó và họ đã mang lên nhiều hóa thạch xương người, các hóa thạch của gỗ, các dụng cụ đá, các mảnh đồ gốm, và nhiều thứ khác khẳng định rằng đó thực sự là một khu vực định cư của con người. Họ đã có thể tiến hành nhiều hơn các công việc sonar ở đó và đã có thể xác định được nhiều cấu trúc. Chúng có vẻ đã nằm trên bờ một con sông chảy qua từ tiểu lục địa Ấn Độ ra ngoài biển”. Theo Howe: “Ngay cả nếu chúng ta không biết kiến thức văn hóa của họ là gì, nếu đó là một thành phố cổ 9500 năm tuổi, thì nó đã cổ xưa hơn nền văn minh Sumeria tới vài ngàn năm. Nó cổ hơn Ai Cập, cổ hơn Trung Hoa. Vì thế nó sẽ triệt để thay đổi bức tranh toàn thể của sự phát triển của các nền văn minh thành thị trên hành tinh này. Giờ đây, nếu các nghiên cứu mở rộng có thể xác định được văn hóa của những người từng sống trong thành phố mà giờ đây đang nằm sâu dưới nước này – nếu đúng họ là những người Veda, thì tôi nghĩ hoàn toàn có khả năng xác định vị trí của nó tại vùng duyên hải Ấn Độ - Tôi nghĩ điều đó sẽ triệt để thay đổi bức tranh toàn cảnh của lịch sử Ấn Độ mà đã được viết ra bởi các nhà khảo cổ phương Tây trước đây”. Để đọc thêm thông tin và các khám phá cổ xưa nhất trước đây, tại Harappan, và quan hệ của nó với Truyền thuyết Veda, hãy tìm đọc bài báo của Linda Moulton Howe tại website của cô EarthFiles.com Tất cả những khám phá gần đây chỉ rõ rằng thực tế có nhiều nền văn minh phát triển cao hơn những gì hiện nay chúng ta tin tưởng, ngay cả trong thời kỳ Băng Hà. Bên cạnh đó, còn có nhiều các cấu trúc đền đài được tìm thấy trại nhiều vùng biển khác nhau trên thế giới. Từ Nhật Bản đến Cuba, những khám phá gần đây chứng tỏ rằng đã từng tồn tại những nền văn minh, những xã hội cao cấp hơn 10000 năm trước đây. Tuy nhiên, những khám phá này cũng chứng minh rằng sự kết thúc bất ngờ của những nền văn minh này có thể được lặp lại. Tại sao công trình này lại nằm dưới đáy biển, điều gì đã xảy ra? Tại sao lại có nhiều công trình cùng chung số phận với nó như vậy? Ai là chủ nhân đích thực của các công trình dưới đáy biển, khi giám định cho thấy chúng đã tồn tại trước vài ngàn năm so với những nền văn minh sớm nhất mà chúng ta đã biết? Nền văn minh Lưỡng Hà, nền văn minh cổ Trung Hoa, nền văn minh cổ Ai Cập và nền văn minh cổ Ấn Độ không phải là điểm bắt đầu của lịch sử nhân loại. Với những dữ liệu và bằng chứng khảo cổ thu thập được càng ngày càng nhiều hơn, đã đến lúc cần phải xem xét lại toàn bộ lịch sử loài người một cách nghiêm túc. Kỹ thuật hàng không vũ trụ thời tiền sử Vào năm 1929, một nhóm các nhà sử học đã tìm thấy một bản đồ kì lạ được vẽ trên da linh dương gazel. Nghiên cứu cho thấy đó là một bản đồ thật được vẽ vào năm 1513 bởi Piri Re’is, một đô đốc hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ vào thế kỷ thứ 16. Niềm yêu thích của ông ta là nghệ thuật vẽ bản đồ. Địa vị cao trong hàng ngũ hải quân Thổ khiến ông được phép tiếp cận với Thư viện Hoàng gia Constantinop. Ông khẳng định rằng bản đồ mà ông biên soạn là sao chép lại dữ liệu từ nhiều bản đồ khác nhau, một vài trong số đó có giám định niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 4 trước công nguyên. Bản đồ thể hiện vùng bờ biển Tây Phi, bờ biển Nam Mỹ, và bờ Bắc của Nam Cực. Đường bờ biển Nam Cực được vẽ chi tiết đến hoàn hảo. Tuyến bờ biển dọc Nam Mỹ và Bắc Mỹ, thậm chí cả hình dáng của Cực Nam cũng đều được vẽ một cách tỷ mỷ trong bản đồ Re’is. Ở đó không chỉ thể hiện hình dáng của đại lục, vẽ tỷ mỷ sự phân bố địa hình trong đất liền mà còn chứa đựng những điểm cực kỳ chính xác, biểu thị đầy đủ núi, dãy núi, đảo, sông, suối và cao nguyên. Điều khiến người ta kinh ngạc là dãy núi ở cực Nam đến năm 1852 mới phát hiện ra, nhưng nó đã được vẽ đầy đủ trên bản đồ Re’is. Tuy nhiên câu hỏi làm sao Piri Re’is có thể vẽ một bản đồ chính xác đến thế của vùng Nam Cực đến 300 năm trước khi nó được khám phá không phải là câu hỏi lớn nhất, mà việc bản đồ thể hiện đường bờ biển Nam Cực nằm dưới lớp băng dày mới là bí ẩn khó giải thích nhất. Các bằng chứng địa chất khẳng định rằng thời điểm mà vùng đất Queen Maud Land của Nam Cực không có băng giá gần đây nhất là vào khoảng 4000 năm trước công nguyên. Vào ngày 6/7/1960 Không lực Hoa Kỳ đã trả lời giáo sư Charles H. Hapgood của trường đại học Keene College một cách chính xác các thỉnh cầu của ông về việc thẩm định giá trị của bản đồ tiền sử Piri Re’is. Nội dung bức thư như sau: "Giáo sư Hapgood thân mến, Thỉnh cầu thẩm định các đặc điểm bất thường của bản đồ Piri Re’is được vẽ năm 1513 tới chúng tôi đã được xem xét. Lời khẳng định rằng phần dưới của bản đồ biểu thị bờ biển Princess Martha của Queen Maud Land Nam Cực và Bán đảo Palmer là hợp lý. Chúng tôi thấy rằng đây là một kết luận hợp lôgic nhất và có khả năng đúng nhất. Các chi tiết địa lý thể hiện trong phần dưới của bản đồ cực kỳ giống với các kết quả của phương pháp đo đạc dùng sóng địa chấn xuyên qua đỉnh của chỏm băng bởi các nhà thám hiểm Thụy Điển – Anh vào năm 1949. Điều này cho thấy đường bờ biển đã được vẽ trước khi nó bị băng bao phủ. Chỏm băng trong khu vực hiện nay dày khoảng 1 dặm. Chúng tôi không thể hiểu nổi làm thế nào dữ liệu trên tấm bản đồ này có thể được biết đến với tình trạng kiến thức địa chất vào năm 1513". Khoa học chính thống khẳng định rằng chỏm băng bao phủ Nam Cực là hàng triệu tuổi. Bản đồ Piri Re’is cho thấy vùng phía Bắc của lục địa Nam Cực đã được vẽ trước khi nó bị băng bao phủ. Điều này không khỏi khiến ta nghĩ rằng nó đã được vẽ ra hàng triệu năm trước, nhưng điều đó là không thể bởi con người theo thuyết tiến hóa* chưa tồn tại vào thời điểm đó. Và các nghiên cứu xa hơn và chính xác hơn đã chứng minh thời kỳ Không Băng gần đây nhất kết thúc vào khoảng 6000 năm trước đây. Vẫn có những nghi ngờ về thời điểm bắt đầu của thời kỳ Không Băng này, được đưa ra bởi nhiều nhà nghiên cứu khác nhau dao động vào khoảng từ 13 đến 9 ngàn năm trước công nguyên. Câu hỏi đặt ra là: Ai đã vẽ Queen Maud Land của 6000 trước. Nền văn minh chưa được biết đến nào có công nghệ cần thiết để làm được điều này? Ngày nay người ta cho rằng nền văn minh sớm nhất của loài người, theo lịch sử truyền thống được dạy trong trường, đã phát triển tại Trung Đông vào khoảng năm 3000 trước công nguyên, không lâu sau là nền văn minh thung lũng Indus Ấn Độ, nền văn minh cổ Ai Cập và nền văn minh Hoàng Hà TQ. Vì thế, không có nền văn minh đã biết nào có thể làm công việc này. Ai đã ở đây 4000 năm TCN, để có thể làm những việc mà chúng ta đến tận bây giờ mới làm được với các công nghệ tối tân? Vào thời Trung Cổ đã tồn tại một số bản đồ hàng hải được gọi là "portolani", là thứ bản đồ chính xác của các con đường biển, các đường bờ biển đã biết, các bến cảng, các eo biển, các vịnh … thông thường nhất. Phần lớn những bản đồ này tập trung tại vùng Địa Trung Hải và các biển Aegean, và những con đường được biết khác, như là quyển sách hàng hải mà chính Piri Re’is đã viết. Nhưng một vài báo cáo của những vùng đất vẫn chưa được biết đến, và lưu thông trong một số rất ít thủy thủ có vẻ đã cố gắng giữ kín những kiến thức của họ về những tấm bản đồ đặc biệt đó càng bí mật càng tốt. Piri Re’is có thể đã được tiếp cận với một số bản đồ như thế khi đến Thư viện của Alexandria, thư viện quan trọng nhất nổi tiếng trong thời kỳ cổ đại. Chiểu theo suy luận của Hapgood, những bản copy của những tài liệu này và một số trong những bản đồ gốc đã lưu chuyển đến những trung tâm nghiên cứu khác, và mang chúng tới Côngstantinốp. Thế là vào năm 1204, năm của lần Thập tự chinh thứ tư, khi những người Venetian xâm nhập Constantinov, những bản đồ này bắt đầu quay vòng trong những thủy thủ Châu Âu. Để vẽ tấm bản đồ của mình, Piri Re’is đã dùng nhiều nguồn khác nhau, thu thập đây đó trong suốt những chuyến đi của mình. Chính ông đã ghi chú lại nhiều trên tấm bản đồ này nhờ đó chúng ta có thể hình dung được công việc ông đã làm với tấm bản đồ này. Ông bảo ông không chịu trách nhiệm về các nguồn dùng để vẽ nên bản đồ này. Vai trò của ông đơn thuần là của một người soạn thảo dùng một số lớn các nguồn bản đồ gốc khác nhau. Ông cũng nói rằng một vài trong những bản đồ gốc đã được vẽ bởi một số thủy thủ đương thời, trong khi một số khác là từ các bản đồ rất cổ, có niên đại từ khoảng thế kỷ 4 TCN trở về trước. Sự chính xác tuyệt đối của các bản đồ gốc mà Piri Re’is dựa vào có thể nhận thấy trên tấm bản đồ của ông. Những điểm không chính xác hiếm hoi của bản đồ Piri Re’is là các lỗi của chính Piri Re’is tự gây ra trong quá trình tổng hợp từ các bản đồ tiền sử, mà chủ yếu là : tổng hợp các bản đồ gốc không cùng một tỉ lệ, tổng hợp sai phương vị theo một góc quay lệch. Vào năm 1953, một sỹ quan hải quân gửi tấm bản đồ Piri Re’is đến Thủy Cục Hải Quân Hoa Kỳ. Để giám định nó M.I. Walters, Kỹ sư trưởng của Cục, đã tham vấn Arlington H. Mallery, một chuyên gia lớn về các bản đồ cổ, người đã từng làm việc với ông ta. Sau một nghiên cứu dài hơi, Mallery đã khám phá ra phép chiếu đã được sử dụng trong bản đồ. Để kiểm tra mức độ chính xác của bản đồ, ông đã tạo ra một hệ lưới ô và dịch chuyển bản đồ của Piri Re’is vào quả cầu: bản đồ hoàn toàn chính xác. Ông phát biểu rằng cách duy nhất để vẽ nên một tấm bản đồ chính xác đến thế chỉ có thể là ở góc nhìn từ trên cao, nhưng ai, 6000 năm trước, có thể có máy bay để mà vẽ bản đồ Trái Đất ? Thủy Cục Hải quân không thể tin nổi vào mắt mình: họ đã, thậm chí có thể sửa lại những lỗi sai trong cái bản đồ hiện đại mà họ đang dùng lúc đó !! Độ chính xác dựa trên sự kiểm tra tọa độ kinh độ, mặt khác, cho thấy để vẽ được bản đồ cần thiết phải dùng phương pháp Lượng giác hình Cầu, một thành tựu chưa được phát minh cho đến giữa thế kỷ 18. Hapgood đã chứng minh rằng bản đồ Piri Re’is là được vẽ trong hình học phẳng, chứa các kinh và vĩ độ vuông góc trong một “lưới ô” truyền thống; bởi thế nó đã được sao lại từ một bản đồ trước mà đã được chiếu ra sử dụng phép lượng giác hình cầu! Không chỉ rằng những người làm ra cái bản đồ gốc đó biết rằng quả đất hình cầu, mà họ còn có kiến thức về chu vi Trái Đất với sai số nhỏ hơn 50 dặm! Hapgood đã gửi bộ sưu tập những bản đồ cổ (chúng ta có thể thấy bản đồ Piri Re’is không phải là bản đồ duy nhất như thế …) đến Richard Strachan, tại Học viện Công nghệ Massachusetts. Ông muốn biết chính xác cấp độ toán học cần thiết để vẽ nên các bản đồ gốc cao đến đâu. Strachan đã trả lời năm 1965 rằng, cấp độ đó phải rất cao. Thực tế Strachan đã nói để vẽ những tấm bản đồ như thế, các phương pháp hình chiếu, kiến thức cần thiết là của một cấp độ cực cao. Cái cách mà bản đồ Piri Re’is thể hiện Queen Maud Land, các đường bờ biển của nó, các con sông, dãy núi, các sa mạc, các vịnh, có thể được xác nhận bởi một nhóm thám hiểm Anh – Thụy Điển đến Nam Cực (như đã nói bởi Olhmeyer trong thư gửi Hapgood); những nhà nghiên cứu, dùng các thiết bị sonar và sóng địa chấn, đã khẳng định những vịnh và sông, vv … là đang nằm dưới chỏm băng dày khoảng 1 dặm. Charles Hapgood, vào năm 1953, đã viết một cuốn sách tựa đề "Earth's shifting crust: a key to some basic problems of earth science" – “Sự dịch chuyển vỏ Trái Đất: chìa khóa cho những vấn đề cơ bản của khoa học về Trái Đất”, ở đây ông đã xây dựng một thuyết để giải thích làm thế nào lục địa Nam Cực có thể Không Băng cho đến 4000 năm TCN. Thuyết này có các luận điểm chính như sau: 1. Nguyên nhân Nam Cực không có băng phủ, và vì thế ấm hơn nhiều, là vào một thời kỳ quá khứ xa xôi, địa điểm của nó không phải nằm ở vị trí hiện nay trên vỏ Trái Đất. Nó ngày xưa nằm tại vị trí khoảng 2000 dặm về phía Bắc so với hiện tại. Hapgood nói rằng “có thể đặt nó ra ngoài vòng Nam Cực trong một khí hậu ôn hòa hoặc tương đối lạnh”. 2. Nguyên nhân lục địa này di chuyển xuống đến địa điểm như ngày nay có thể được tìm thấy trong một cơ chế gọi là “sự trượt vỏ Trái Đất”. Cơ chế này, không nên nhầm lẫn với thuyết về kiến tạo mảng hoặc là sự trượt lục địa, là một thứ nhờ đó mà quyển đá, toàn thể vỏ ngoài của trái đất “có thể dịch chuyển theo thời kỳ, dịch chuyển trượt qua phần dẻo hơn bên trong, giống như là da của một trái cam, nếu nó lỏng lẻo, có thể dịch chuyển trên phần bên trong của quả cam toàn thể đồng thời”. (Charles Hapgood, trích dẫn trong sách "Maps of the ancient sea-kings"). Thuyết này đã được gửi cho Albert Einstein, và ông rất hứng thú nhiệt tình trả lời một cách nhanh chóng. Mặc dù các nhà địa chất dường như không chấp nhận thuyết của Hapgood, Einstein có vẻ còn cởi mở phóng khoáng hơn cả Hapgood khi phát biểu: “Trong một vùng địa cực có một sự tan rã dần dần của băng tuyết, không được phân phối đồng đều xung quanh cực. Sự xoay chuyển của Trái Đất dựa trên những khối lượng bất đối xứng, và gây ra một xung lượng ly tâm truyền đến lớp vỏ cứng của Trái Đất. Sự tăng dần đều của xung lượng bất đối xứng được sản sinh ra khi đến một điểm giới hạn nào đó, sẽ gây ra một chuyển động của lớp vỏ cứng Trái Đất phía trên phần bên trong của nó”. Lời dẫn của Einstein cho cuốn sách “Sự dịch chuyển lớp vỏ cứng của Trái Đất”, trang 1 : "In a polar region there is a continual deposition of ice, which is not symmetrically distributed about the pole. The earth's rotation acts on these unsymmetrically deposited masses, and produces a centrifugal momentum that is transmitted to the rigid crust of the earth. The constantly increasing centrifugal momentum produced in this way will, when it has reached a certain point, produce a movement of the earth's crust over the rest of the earth's body...." (Einstein's foreword to "Earth's shifting crust" p.1) Dù sao, dẫu Hapgood đúng, bí ẩn vẫn nhiều. Bản đồ Piri Re’is là một thứ gì đó có vẻ hoang đường. Dường như không có cách nào mà một người ở trong thời đại xa xưa có thể vẽ một tấm bản đồ chính xác như thế; thực tế các tọa độ kinh độ là hoàn toàn chính xác. Và đó là thể hiện của một trình độ kỹ thuật công nghệ không tin nổi: phương tiện tính toán vĩ độ chính xác tương đối đầu tiên mới chỉ được phát minh vào năm 1761 bởi một người Anh tên là John Harrison, tức là sau Piri Re’is 248 năm. Và trước đó không có cách nào có thể tính toán vĩ kinh độ chính xác đến mức có thể chấp nhận được: phải có những lỗi đến hàng trăm km. Và tấm bản đồ Piri Re’is chỉ là một trong nhiều bản đồ thể hiện những vùng đất chưa được biết đến, những kiến thức không thể tin nổi, với độ chính xác mà ngày nay chúng ta cũng phải kinh ngạc. Thực tế Piri Re’is bản thân cũng khẳng định ông đã lấy những bản đồ cổ hơn làm nguồn; và những bản đồ này đã được dùng như là nguồn gốc cho những người đã vẽ những tấm bản đồ khác nhau mà cho đến lúc đó vẫn ở độ chính xác tuyệt vời. Ấn tượng là “Dulcert's Portolano” “Bản đồ của Dulcert” năm 1339, vĩ độ của Châu Âu và Bắc Phi là hoàn hảo, và tọa độ kinh độ của Địa Trung Hải và Biển Đen là chính xác đến từng nửa độ. Và đáng kinh ngạc hơn là “Zeno's chart”, “Bản đồ của Zeno”, vẽ năm 1380. Nó cho thấy một vùng rộng lớn ở phía Bắc, chạy dọc đến Greenland; độ chính xác của nó gây sửng sốt. Một bản đồ gây sửng sốt nữa được vẽ bởi Hadji Ahmed người Thổ Nhĩ Kỳ, vào năm 1559, trong đó ông thể hiện một dải đất liền khoảng 1600km chiều rộng, nối liền Alaska và Siberia. Giống như một cây cầu tự nhiên từng tồn tại, đã bị bao phủ bởi nước vào cuối kỷ Băng Hà vừa rồi khi mực nước biển tăng lên. Oronteus Fineus là một người khác đã vẽ một tấm bản đồ chính xác khó tin khác. Ông đã vẽ Nam Cực không có băng, vào năm 1532. Có những tấm bản đồ thể hiện Greenland làm 2 phần tách biệt, đúng như sự khẳng định của đội thám hiểm địa cực người Pháp đã khám phá ra có một tảng băng rất dày nối liền 2 hòn đảo tách biệt để tạo thành Greenland. Như ta đã thấy, nhiều bản đồ là thuộc về những thời kỳ rất cổ xưa, và ta có thể nói rằng toàn thể hành tinh đều đã được vẽ trên bản đồ vào thời đó. Chúng dường như là những mảnh nhỏ của một tấm bản đồ thế giới cổ đại, được vẽ bởi những người bí ẩn sở hữu những công nghệ rất cao ngay cả so với ngày nay. Khi toàn thể loài người có lẽ còn sống trong thời kỳ hoang sơ thì ai đó đã “vẽ ra giấy” toàn bộ bề mặt địa lý của hành tinh. Và nó là một kiến thức phổ biến, bằng một cách nào đó bị chia cắt thành nhiều mẩu nhỏ để rồi lại được tập hợp đây đó bởi một vài người, và họ chỉ sao chép những gì họ có thể tìm thấy trong các thư viện, các khu chợ Đông Phương và bất cứ nơi nào họ tìm thấy chúng. Hapgood đã vạch rõ những điều kinh ngạc hơn nữa: Ông đã tìm thấy một tài liệu bản đồ được sao chép bởi một nguồn cổ hơn được vẽ trên một cột đá, ở TQ, vào năm 1137. Nó thể hiện cũng một trình độ kỹ thuật công nghệ cao như thế, với cùng một phương pháp lưới ô, với cùng sự sử dụng phương pháp lượng giác hình cầu như vậy. Nó có quá nhiều điểm chung với những bản đồ Châu Âu khác, khiến ta phải nghĩ rằng phải có một nguồn gốc chung: có thể nó thuộc về một nền văn minh đã diệt vong nhiều ngàn năm trước? Như chúng ta có thể thấy bên dưới, một phép chiếu góc cực (nhìn Địa Cầu từ một điểm trên cao), từ một điểm bên trên Cairo, Ai Cập thuộc châu Phi cho thấy tấm bản đồ của Piri Re’is Ta dễ dàng nhận thấy những điểm tương đồng ngoạn mục giữa bản đồ vệ tinh hiện đại với tấm bản đồ của Piri Re’is (còn tiếp)
  15. Sự tồn tại của nền văn minh toàn cầu cổ xưa? 1. Điện đã được sử dụng tại nhiều nền văn minh thời tiền sử Năm 1936, các cuộc khai quật một ngôi làng cổ 2000 năm tuổi ở phía Đông Ai Cập, ngày nay thuộc Iraq, người ta đã khám phá ra những bình gốm nhỏ. Những bình này có chứa các trụ đồng được ngâm trong một loại dung dịch đã đông đặc, gắn vào bình bằng nhựa đường, được định niên vào khoảng từ năm 248 trước công nguyên đến 226 sau công nguyên. Trong số này có một bình bằng đất nung cao 15cm, màu vàng sáng có chứa một trụ đồng kích thước 12.5cm chiều dài x 3.5cm đường kính tiết diện. Ở giữa các trụ bằng đồng là một lõi thép cũng được gắn vào bằng keo nhựa đường. Pin điện thời tiền sử Nhà khảo cổ học người Đức Wilhelm Konig, đã kiểm tra mẫu vật và đưa ra một kết luận đáng ngạc nhiên : "cái bình gốm này không có gì khác hơn chính là một pin điện thời tiền sử". Pin điện tiền sử tại viện bảo tàng Baghdad, cũng giống như những bình pin gốm khác được đào lên, tất cả đều được định niên từ năm 240 TCN đến năm 226 sau công nguyên trong thời chiếm đóng của đế chế Parthi. Tuy nhiên, Konig còn phát hiện được những bình đồng mạ bạc khác trong viện bảo tàng Baghdad, được khai quật từ những vùng đất cổ của người Sumer ở miền Nam Iraq, qua giám định niên đại cho thấy ít nhất có từ 2500 năm trước công nguyên. Khi những cái bình này được dùi nhẹ vào, một lớp gỉ đồng tách ra từ bề mặt, có đặc điểm của một vật được mạ điện bạc lên một vật bằng đồng. Điều này làm ta không thể không nghĩ rằng những người Pathi đã thừa kế những Pin này từ nền văn minh Sumer, một trong những nền văn minh sớm nhất được biết đến. Vào năm 1940, Willard F.M. Gray, một kỹ sư của General Electric High Voltage Laboratory tại Pittsfield, Massachusetts, Mỹ, đã đọc những lý luận của Konig. Dùng những bản vẽ và các chi tiết được cung cấp bởi nhà khoa học hỏa tiễn người Đức Willy Ley, Gray đã làm ra một bản sao từ Pin này. Dùng dung dịch Đồng Sulfat nó cho một dòng điện khoảng 0.5V. Vào thập kỷ 70 thế kỷ trước, Nhà Ai Cập học người Đức, Arne Eggebrecht đã làm ra một bản sao của Pin Baghdad và dùng dung dịch nước nho ép nguyên chất mà ông phỏng đoán những nhà khoa học tiền sử đã dùng. Bản sao này đã sinh ra dòng điện 0,87V. Ông đã dùng dòng điện này để mạ vàng cho một bức tượng bằng bạc. Thí nghiệm này đã chứng minh rằng những Pin điện đã được sử dụng khoảng 1800 năm trước khi viên Pin đầu tiên được phát minh bởi Alessandro Volta năm 1799. Cũng dễ nhận thấy việc sử dụng những pin tương tự có thể đã được những người Ai Cập cổ đại biết đến, nơi mà vài mẫu vật với dấu vết mạ điện những kim loại quý được tìm thấy tại nhiều địa điểm khác nhau. Ngoài ra việc khám phá ra dị thường từ tại nhiều vùng khác nhau, cho phép khẳng định điện đã từng được sử dụng trong một quy mô lớn. Một chi tiết chủ chốt trong vấn đề điện tiền sử này là tồn tại một mắc xích đang còn thiếu. Đó là câu hỏi mà các sách khoa học thường thức phải đầu hàng: Bồ hóng. Hàng ngàn hầm mộ và kim tự tháp không có dấu vết nhỏ nào của bồ hóng trên tường, mặc dù nhiều ngôi mộ cổ khắc đầy các bức họa tiết sinh động nhiều màu sắc. Theo suy nghĩ thông thường, nguồn ánh sáng thô sơ của người Ai Cập cổ đã biết (nến, đèn dầu, vv…) đều sinh ra nhiều bồ hóng và tiêu thụ nhiều oxy. Như vậy, làm thế nào những người Ai Cập cổ lấy ánh sáng? Một vài nhà duy lý cho rằng họ đã dùng gương phản chiếu ánh mặt trời, nhưng chất lượng của những cái gương đồng mà người Ai Cập cổ đã dùng không thể dùng cho việc này được. Trong ngôi đền cổ Hathor tại Dendera, vài chục km về phía Bắc Luxor, Ai Cập các chuyên gia đã tìm thấy câu trả lời. Một kỹ sư điện người Na Uy đã thông cáo rằng một mẫu vật có thể làm được chức năng này. Một đồng nghiệp người Áo đã có thể làm ra một mẫu, và 2 tác gia nổi tiếng tại AAS, Peter Krassa và Rainer Habeck còn xây dựng nên một giả thuyết thực sự dựa trên nó. Họ cho rằng: "Cái mà chúng ta nhìn thấy không cần hỏi nhiều đó chính là một loại bóng đèn, với 2 cánh tay ở một đầu to của bóng, và một loại dây cáp ở đầu bên kia, từ đó một sợi dây tóc kéo dài chạm vào mấy cánh tay ở đầu kia. Toàn bộ thực tế trông thấy là một bóng đèn". Bóng đèn điện thời tiền sử Hình ảnh trụ đỡ rất giống như loại chân sứ của các thiết bị điện ngày nay Một hình chạm khác: 2/ Kiến thức Toán học và Thiên văn siêu đẳng Người Maya cổ xưa đã để lại cả một hệ thống các di chỉ xác thực về vấn đề này. Người Maya không có các phương tiện kỹ thuật khoa học hiện đại giống chúng ta, nhưng họ tinh thông đối với thiên văn lẫn toán học. Ngoài ra, nền văn minh của họ ẩn chứa rất nhiều điều bí mật. Họ có những con đường rất tốt, nhưng lại không sử dụng bánh xe trong các phương tiện đi lại, trong khi họ lại biết đến bánh xe, vì người ta đã phát hiện những đồ chơi cho trẻ em của họ có hiện diện bánh xe? Họ đem bản đồ mặt sau của mặt trăng khắc trên cửa miếu Thần mặt trăng để trang trí, khiến các nhà khoa học ban đầu không đoán được đó là hình vẽ gì, đến khi chứng thực được đó là hình vẽ mô tả phía sau mặt trăng thì thực sự sốc: Làm thế nào họ có thể thấy được như vậy? Mặt trăng luôn hướng về Trái Đất chỉ một mặt không thay đổi theo thời gian. Qua rất nhiều những dữ liệu có được về họ cho đến nay, rất có thể khoa học trong nền văn minh của họ đi theo một hướng khác, không giống như loại khoa học thực chứng dựa trên 5 giác quan của người đương đại !? Vào năm 1521, người Tây Ban Nha xâm lăng vùng đất của người Maya, nhưng thành phố đã hoang vắng không một bóng người, người Maya đã bỏ lại thành phố đi đâu không ai biết từ thế kỷ 9 và 10. Người Tây Ban Nha đã hủy hoại đại đa số văn tự ghi chép của người Mayan để lại, chỉ còn lại ba cuốn sách khiến người đời sau khó lòng hiểu rõ về văn hoá của họ. Nền văn minh Maya tuy đã biến mất, nhưng họ để lại lịch Pháp của họ, mà còn đo tính được mấy ngàn năm sau điểm chung kết của văn minh kỳ này - ngày 21 tháng 12 năm 2012. Họ đã cố tình để lại cho ai xem vậy? Chichen Itza do nền văn minh Maya xây dựng, nằm ở trung tâm phía bắc Bán đảo Yucatan, Mexico ngày nay là một đài quan sát thiên văn. Đài thiên văn ở Chichén Itzá là đài thiên văn số 1 do người Maya xây dựng nên cũng là đài thiên văn cổ nhất trong số đó. Đỉnh chóp của đài thiên văn này cao trội hẳn lên trên các ngọn cây trong rừng rậm, bên trong có một cầu thang tròn lên tận đỉnh chóp của đài quan sát. Trong đỉnh chóp có các cửa sổ để quan trắc các tinh tú. Bên ngoài vách đá của tháp có trang trí hình khắc thần mưa, còn có cả hình khắc phù điêu hình người vươn cánh tay bay vào Vũ trụ Căn cứ vào lịch Pháp của người Maya, ngày 21 tháng 12 năm 2012 là Baktun thứ mười ba của ngày cuối cùng, người Maya đã ghi 13.0.0.0.0. Trưóc hết chúng ta nên lướt qua một tí về phương pháp ghi số của người Maya: 1 / Kin (ngày) 20 / Unial (con số quan trọng của lịch Maya là 20) 360 / Tun 7200 / Katun 144000 / Baktun Thí dụ: 6.19.19.0.0 là 6 Baktun, 19 Katun, 19 Tun, 0 Unial, 0 Kin, tức là: 6 x 144000 + 19 x 7200 + 19 x 360 = 1007640 ngày. 13.0.0.0.0 = 13 x 144000 = 1872000 ngày = 5125.26 năm. Căn cứ vào sự tính toán của Eric S.Thomson, 0.0.0.0.0. của người Maya tương đương với thứ 584283 ngày của Julian, tức là ngày 11 tháng 8 năm 3114 trước Công nguyên. 13.0.0.0.0 là ngày sau 5125 năm, tức là Công nguyên ngày 21 tháng 12 năm 2012. Các nhà nghiên cứu văn hóa Maya đã nghiên cứu nghiêm túc thiên tượng sẽ xuất hiện vào ngày 21 tháng 12 năm 2012, họ đã hiểu được tại sao người Maya đã đem ngày này đặt là ngày cáo chung của nền văn minh kỳ này. Ngày này là ngày Đông chí. Đây là ngày mặt trời sẽ hoàn toàn trùng hợp với giao điểm hình thành bởi Hoàng Đạo và Xích Đạo của Hệ Ngân Hà. Căn cứ vào lịch Pháp Maya. Năm 1992 là năm thứ nhất của cái 20 năm cuối cùng (20 năm là một unial, lịch pháp Maya gọi 20 năm cuối cùng này là “Thời kỳ canh tân địa cầu”) của Baktun cuối cùng (thứ 13). Công nguyên năm 755, theo dự ngôn của một vị tăng Maya: Sau năm 1991, nhân loại phải xảy ra hai sự việc trọng đại - Sự ý thức đúng đắn về vũ trụ của nhân loại và sự trong sạch và tái sinh của Địa cầu. Trên thực tế, người Maya đã gọi hai mươi năm cuối cùng của Baktun thứ mười ba (cuối Unial, tức là năm 1992 đến năm 2012) gọi là thời kỳ Trái Đất tái sinh. Kim tự Tháp dưới đây có 13 tầng, trên ngọn cuối của tầng 13 Kim Tự Tháp có một con mắt tỏa ra ánh sáng rực rỡ, ở đây đã dự báo sự tỉnh ngộ của nhân loại sau khi đi hết 13 Baktun. Hiện tại chúng ta đang sống trong thời đại tôn sùng vật chất. Điều mà đa số con người thời nay chủ yếu quan tâm là tiền bạc, hưởng lạc, quyền lực và địa vị. Những người không có hứng thú đối với những thứ đó cũng đành phải vẫy vùng khổ cực trong môi cảnh chung. Do vậy mà dẫn đến sự băng hoại về thế giới tinh thần, làm cho con người càng ngày càng trở nên tầm thường. Đứng trước tội ác, sự tàn bạo, chiến tranh, thiên tai, ôn dịch, nghèo đói, chủ nghĩa khủng bố và sự điên cuồng của hiện tượng hỗn loạn xã hội, nhiều người dần dần bị tê liệt ý chí, không còn ý muốn kháng cự, buông xuôi theo dòng chảy và thoái hóa theo. Rất ít người có thể ý thức được xã hội loài người hiện nay đang có xu hướng đi tới con đường tự hủy diệt. Với xã hội ham muốn dục vọng và vật chất như vậy, thế lực xã hội nào có thể thay đổi được xu hướng này? Có thể khẳng định không thể nhờ vào sự cưỡng ép quản chế của luật pháp, vì luật pháp do con người đặt ra, luôn có sơ hở. Những kẻ làm trái pháp luật luôn có thể nhờ vào địa vị, quan hệ và tiền bạc mà lẩn trốn sự trừng phạt, thậm chí lợi dụng quyền lực của luật lệ để thỏa mãn nhiều hơn các ý muốn cá nhân. Hơn nữa, luật pháp chỉ có thể chế tài hành vi trông thấy được của con người, nhưng không thể nào ràng buộc được tâm thức của con người. Càng khó có thể nào nhờ vào cái gọi là đột phá của khoa học công nghệ, vì chính nền khoa học công nghệ hiện đại đang khiến nhân loại và cả nền khoa học thực chứng này càng ngày càng theo đuổi mục đích tiện nghi, hưởng thụ. Trong khi đó, lối sống có lương tri và đạo đức trong đời sống hiện đại lại ngày càng dễ bị dị ứng, trở thành đối tượng đê những con người có lối sống thực dụng tấn công đến mức lối sống mực thước này ngày càng bị cô lập và lạc lõng. Mặt khác, các thành tựu khoa học hiện đại đang có xu hướng bị lạm dụng, luôn có nguy cơ gây nhiều tổn thất lớn hơn cho nhân loại. Theo khoa học thì sao? Theo các nhà thiên văn học hiện đại, vào ngày này hệ Mặt Trời sẽ đi qua mặt phẳng xích đạo của thiên hà, một điều chỉ xảy ra theo mỗi chu kì 26.000 năm. Lịch của người Maya bắt đầu từ năm 3114 trước công nguyên, tức là có thể chính họ chưa hề có cơ hội thực chứng điều nêu trên. Người Maya gọi sự kiện này là cái cây thánh, nó sắp xếp sự thẳng hàng của Hệ Mặt Trời với trung tâm thiên hà theo mặt phẳng chính, điều đó có nghĩa là hấp dẫn xuyên thiên hà tác động lên Hệ Mặt Trời khi đó sẽ là cực đại. Nhưng làm thế nào người Maya có thể biết trước được, tính toán được chính xác tất cả những điều phức tạp đó trước đây hàng ngàn năm? Theo những thông tin về động đất tại cục địa lý Hoa Kì, các trận động đất của chúng ta ngày càng lớn hơn do hậu quả của những chuỗi chấn động trong những năm 1890 đến 1899 và từ 2000 đến 2004, độ lớn của những trận động đất này đang tiếp tục tăng lên khi chúng ta tiến đến gần mặt phẳng chính của thiên hà. NASA dự đoán rằng một trận bão Mặt Trời vào năm 2012 sẽ gây ra những chấn động lên Trái Đất lớn gấp 30 đến 50 phần trăm so với bất cứ sự tác động nào trước đây ta đã biết. Yulish tin rằng việc này sẽ làm nóng hành tinh của chúng ta và nó có liên quan trực tiếp đến sự xuất hiện của các vết đen Mặt Trời, Mặt Trời sẽ nóng hơn và sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp tới Trái Đất. Một vụ nổ bất chợt trên Mặt Trời vào thời điểm 2012 đó có thể phóng 1 khối lượng lớn đến va chạm với Trái Đất giống như việc chúng ta va chạm với một tiểu hành tinh hay sao chổi. Khi việc đó xảy ra, có thể một lần nữa trục của Trái Đất sẽ thay đổi và hiển nhiên sẽ ảnh hưởng đến sự quay của Trái Đất. Nếu như điều đó sẽ xảy ra vào ngày 21 tháng 12 năm 2012 sắp tới, sẽ là một ngày rất đáng nhớ đối với tất cả chúng ta! Người Maya sáng tạo được một nền toán học phát triển vượt bậc, để có thể ghi chép các sự kiện theo năm tháng, tính toán một cách chính xác thời tiết và những ngày mưa nhiều nhất trong năm. Kỹ thuật toán học của họ trong các dân tộc thời cổ đại khiến các nhà khảo cổ không khỏi kinh ngạc, nhất là việc họ rất thành thạo khái niệm về số "0". So với châu Âu thì ít nhất người Maya biết sớm hơn hàng ngàn năm. Người Maya tính ra mỗi tháng có 20 ngày, mỗi năm có 18 tháng cộng thêm mỗi năm có 5 ngày kiêng kỵ không đưa vào tháng nào. Số ngày thực chất trong một năm là 365 ngày. Số đó vừa vặn trùng hợp với nhận thức quay về thời gian Trái đất tự quay và quay quanh Mặt trời hết một chu trình. Người Maya ngoài sự hiểu biết về lịch Trái đất chuẩn xác, họ còn rất am hiểu về lịch năm của sao Kim. Một năm của sao Kim, tức là thời gian để sao Kim quay quanh Mặt trời hết một chu trình, người Maya tính ra một năm sao Kim dài 584 ngày. Còn ngày nay tính ra một năm sao Kim dài 583,92 ngày. Đó là một con số chuẩn xác đến kinh ngạc mà người Maya đã có phương pháp tính lịch từ mấy ngàn năm trước. Trong thực tiễn xã hội và sản xuất, phần đông các dân tộc sử dụng phép đếm cơ số 10. Còn người Maya dùng phép đếm cơ số 20. Ngoài ra họ còn sử dụng thêm phép đếm cơ số 18, các phép đếm này gợi ý về cái gì? và đã căn cứ vào điều gì, chưa ai biết? Người Maya còn là dân tộc nắm vững khái niệm số "0", nhận thức và vận dụng số "0" trong toán học đánh dấu trình độ nhận thức của một dân tộc. Maya Stargate ở Chicanna tại bán đảo Yucatan Nền văn minh Maya có một kiến thức không thể tin được về thiên văn. “Bản chép tay Dresden” là một trong số vài sách chép tay còn sót lại trước sức tàn phá của những người Tây Ban Nha. Những bản chép tay này mô tả chính xác các dữ liệu quỹ đạo của tất cả các hành tinh trong Thái Dương Hệ chúng ta trong mối quan hệ tham chiếu lẫn nhau. Một chứng minh khác về hiểu biết cổ đại về các ngôi sao của họ là tri thức của họ về sự dịch chuyển của trục trái đất lặp lại theo chu kỳ cứ mỗi 25920 năm một lần, và vì vậy kéo theo sự dịch chuyển hằng năm của các chòm sao khoảng 14/1000 độ. Điều này nghĩa là mỗi năm các ngôi sao mọc sớm hơn 3,4 giây so với cùng thời điểm đó của năm trước. Những truyền thuyết cổ xưa kể lại rằng những kiến thức này được trao cho họ từ các “taskmasters" – “người giao việc” đến từ các hành tinh khác! Dải Ngân Hà (mà người Maya gọi là “zac beh” nghĩa là “Con đường trắng”) được họ tôn thờ vì họ cho rằng nơi đó là quê hương các vị Thần của họ Kim tự tháp mà người Maya căn cứ vào lịch pháp của mình để xây dựng nên, thực chất là một đài quan trắc thiên văn. Cửa sổ đài thiên văn Chichén Itzá của họ không phải hướng về những vì sao sáng nhất mà họ hướng về nơi màn đêm trầm lặng bên ngoài dải Ngân Hà. Còn lịch pháp của họ thì có thể duy trì được đến 400 triệu năm sau, nó được dùng để làm gì? Ngoài ra họ tiếp thu kiến thức từ đâu mà tính ra được năm Mặt trời và năm sao Kim với độ chính xác như vậy? Theo như định kiến của con người hiện đại về người Maya, hiển nhiên người ta cho rằng tất cả những kiến thức đó đã vượt ra ngoài nhu cầu thực tế của người Maya hiện đại vốn đang sống trong thời kỳ xã hội nông nghiệp và điều này càng khiến cho các nhà khoa học khó hiểu hơn. 3/ Trình độ kiến trúc và xây dựng siêu đẳng Những công trình cổ xưa mà hiện nay vẫn còn nằm trên mặt đất … Trong đống đổ nát của Puma Puncu tại Nam Mỹ andesit có những khối đá nằm rải rác, được chế tạo trông giống như hệ thống khối bê tông tiền chế trong xây dựng. Các nhà khảo cổ liên hệ thành phố này với người thổ dân Indien Aymara bản địa. Tuy nhiên không có bằng chứng cụ thể nào nói đến điều này và cũng chẳng có kim loại nào ở đây để chế tác những chi tiết xây dựng chính xác đến như vậy. Kim tự tháp Mặt trời tại Teotihuacan , Mexico. Đây là Kim tự tháp lớn nhất thế giới.Những chấm trắng nhỏ xíu trên đỉnh của nó là các khách du lịch tham quan. Không ai biết những người đã xây dựng công trình vĩ đại này là ai? Ngay cả những người Aztec cổ xưa đã phát hiện ra những công trình này cũng không biết gì về nguồn gốc của chúng. Kim tự tháp Mặt trăng, nhìn từ đỉnh của Kim tự tháp Mặt trời, nằm trong tổ hợp các đền thờ và kim tự tháp tại Teotihuacan, Mexico Kim tự tháp Euseigne, Pháp. Là một kỳ quan đáng chú ý nhất trên dãy Alpes. Trông tựa như là do tự nhiên tạo ra, nhưng hình dạng của chúng thật kỳ lạ. Chưa kể trên chóp của 2 ngọn tháp là 2 tảng đá khổng lồ nằm thăng bằng bất kể thời gian. Rốt cuộc, nó là tự nhiên hay nhân tạo ? Kim tự tháp Kukulkan tại Chichen Itza, Pêru Ở đây trên đỉnh của một ngôi đền ta nhìn bao quát xung quanh Những kiến trúc lớn tại đây cao đến 70 m lên trên những ngọn cây Ngay cả đến ngày hôm nay, chỉ có một phần nhỏ trong khu vực rộng lớn ở Tikal được khám phá và nghiên cứu vì lý do kinh phí. Chúng ta vẫn đang ở điểm xuất phát trong công cuộc khám phá những nền văn minh đầu tiên của khu vực Nam Mỹ. Ngay cả những văn bản hiếm hoi của người Maya còn lưu lại vẫn chưa được giải mã hoàn toàn, rất nhiều điều trái ngược với suy nghĩ thông thường của các nhà khoa học. Tại địa điểm chính, nơi mà những kiến trúc vĩ đại tập trung lại với nhau. Tại sao người ta lại xây dựng một thành phố khổng lồ như thế? Những bể chứa nước lớn cung cấp cho dân chúng, chỉ cách hồ Peten Itza có 40 km. Tikal được xây dựng như là chốn thiên đường cho những người thời đó. Người ta tìm thấy dòng chữ sau được khắc trên một bia đá: “Tại đây những vị Thần đã từ những vì sao xuống Trái Đất !” Một góc trong tổ hợp các công trình cổ đại tại Totonaco, Mexico Đại kim tự tháp Giza Kỳ quan của thế giới mọi thời đại, Đại kim tự tháp Giza là một ví dụ đặc biệt điển hình rằng lịch sử của loài người cho đến nay được biết và được học đã sai lầm trầm trọng. Một số chuyên gia đã tránh đề cập đến thuyết“Hitat” từ một nhà sử học A Rập tên là Ahmed Al Makrizi (1364- 1442). Trong cuốn sách “Capital of the Pyramids”, Al Makrizi đã đưa ra các hiểu biết và các tài liệu về thời của ông vào trong tác phẩm. Kim tự tháp đã được xây dựng dưới thời của vua Saurid. Thần đã dạy cho Saurid “hiểu biết về các vì sao” và nói cho ông biết về thảm họa sẽ xảy ra trên toàn Trái đất. Vì thế, Saurid, còn được biết đến dưới cái tên Hermes hay là Idris, đã cố công xây dựng nên Đại kim tự tháp. Hermes (thần Thoth của người Ai Cập), là một nhà tiên tri, một vị vua, một nhà hiền triết, người đã tiên tri rằng một Thiên tai khủng khiếp sẽ đến. Ông xây dựng kim tự tháp nhằm: "cứu thoát tất cả những gì ông muốn khỏi bị đắm, những thứ lẽ ra phải bị mất đi”. Nhà sử học A Rập Abd Al-Hakam đã viết: “Tôi tin rằng những kim tự tháp đã được xây dựng trước khi được biết đến bởi người Ai Cập sau này; nếu chúng được xây dựng sau, hẳn mọi người đều đã biết về nó rồi”. Các nhà khoa học xác định niên đại của Đại kim tự tháp Giza này vào khoảng 12000 năm. Tức là sớm trước các Kim tự tháp khác nhiều ngàn năm. Kim tự tháp lớn nhất lại được xây dựng sớm hơn các Kim tự tháp nhỏ hơn những vài ngàn năm, tại sao lại như thế ? Tại LiBăng, ở độ cao 1150 m so với mực nước biển, tọa lạc những đống đổ nát những ngôi đền lớn nhất của thế giới. Baalbek là thành phố của thần Mặt trời Baal hay còn được biết đến là Heliopolis, vị thần Hy Lạp Helios. Tổ hợp này bao gồm các ngôi đền còn sót lại, ví dụ, đền Bacchus Temple, có tỉ lệ lớn hơn nhiều so với đền thờ Acropolis ở Athens, Hy Lạp 6 cột trụ còn lại của ngôi đền lân cận Jupiter Temple và nền móng của nó có các kích thước bên ngoài lớn như thể nó được xây dựng cho những “Người khổng lồ”. Nó nhắc ta nhớ lại một đoạn trích trong Genesis : "Vào những ngày đó những người khổng lồ đã ở trên mặt đất, và về sau, sau khi những con trai của các vị thần lấy những con gái của con người và sinh con đẻ cháu. Đó là những người anh hùng của các thời đại, những người nổi tiếng" (On some days these giants were on earth, and even later, after the sons of the gods! mated with the daughters of men! and these gave birth to children. These are the heroes of the eons, the famous men - Genesis Chap. 6 Old Testament) Ở đây chúng ta có thể nhận thấy các kích thước to lớn khác thường của nền móng mà Đền thờ Jupiter Temple đang tọa lạc. Cho đến bây giờ không ai có thể hiểu được làm thế nào những tảng đá nặng hàng ngàn tấn mà ngay cả các cần trục khỏe nhất của người hiện đại chúng ta cũng không nhấc nổi này, lại có thể được tách ra, đẽo gọt vuông vắn và vận chuyển từ khu mỏ cách đó nhiều km, rồi được xây dựng vào vị trí chính xác của chúng, tại công trường có độ cao 1150m như thế này. Ngay cả với công nghệ hiện đại ngày nay đây cũng là một bài toán hết sức nan giải, gần như không thể thực hiện được. Không thể hiểu người xưa đã dùng các công cụ thiết bị cũng như các phương tiện vận chuyển gì để dựng nên bí ẩn vĩ đại này? "Hòn đá phương Nam" tại Baalbek (Li Băng) nặng 1300 tấn! Không có chiếc cần trục nào có thể nhấc nổi nó. Thành phố của thần mặt trời Baal ở Li Băng, mọi thứ đều có kích thước to lớn khác thường. Tảng đá to nhất (khối vật liệu xây dựng lớn nhất hành tinh) có kích thước 21,36m chiều dài, cao 4,33m, rộng 4,6m và cân nặng khoảng từ 1200 tấn đến 2000 tấn. Nó được vận chuyển đến nền đất cao của Baalbek và có cái tên là “Hajar el Gouble”- “Tảng đá phương Nam” hay là “Hajar el Hibla” – “Tảng đá người thai phụ”. Tảng đá này cùng với các tảng khối khác đã đem lại cho các nhà khảo cổ, các nhà khoa học và các kỹ sư công trình nhiều bí ẩn to lớn. Địa hình Baalbek dốc, mấp mô và lởm chởm đá, hoàn toàn bất lợi cho việc xây dựng. Không thể chứng minh rằng vùng đất này xưa kia bằng phẳng trong thời tiền sử lúc nó được xây dựng. Hơn nữa, các tảng đá nặng hơn 1000 tấn phải được nhấc bổng lên và đặt chồng lên nhau làm nền móng. Có giả thuyết cho rằng các mặt phẳng nghiêng, ròng rọc và hệ thống giàn đã được sử dụng, cùng với hàng ngàn công nhân và sức thú. Đài kỷ niệm Ai Cập phía trước Hoàng Cung của St. Peter ở La Mã làm một ví dụ. Kiến trúc sư Domenico Fontana đã xây dựng tảng đá 327 tấn ở thời kỳ Phục Hưng với sự giúp sức của 40 ròng rọc lớn, 800 công nhân, 140 con ngựa. Tuy nhiên ông ta có một khoảng đất bằng phẳng trống trải. Những thuận lợi này không thể tìm thấy tại Baalbek. Có thể thấy rõ rằng Baalbek không phải được dựng nên vào thời kỳ của đế quốc La Mã. Cũng không có thông tin nào của La Mã đề cập đến các phương pháp xây dựng, hoặc các dữ liệu và tên gọi của những người chủ, các kỹ sư, các kiến trúc sư và các công nhân của công trình này. Tảng ghép nguyên khối của 3 khối mỗi khối hơn 1000 tấn, ghép nối với 6 tảng khác tại phía Tây của công trường không có nét kiến trúc hay họa tiết điêu khắc mỹ thuật nào tương tự với những công trình trong thời đại La Mã. Những khối đá vôi có các dấu vết rõ ràng của sự xói mòn cát cho thấy đây là một công trình đã được xây dựng sớm hơn thời đó rất nhiều. Tiahuanaco, Bolivia là một huyền thoại bởi tuổi của nó được ước tính lên tới 17000 năm, cùng với kỹ thuật chế tác đá kỳ lạ không tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác. Kiến trúc ấn tượng trên hình là của một ngôi nhà hầm khoảng 4000 đến hơn 6000 tuổi, tìm thấy trong lòng đất của một ngôi đền cổ ở Malta. Do định kiến, một số nhà khoa học đã cho rằng những người xây dựng nên công trình này là những con người thời đồ đá, sử dụng các công cụ như là những cái cuốc bằng gạc hươu và những cái vồ bằng đá để đục đẽo và tạc nên công trình tuyệt đẹp này, trong lòng đá vài ngàn năm trước (!?). Trong khi ngay cả ở thời nay muốn xây một căn nhà trong lòng đá granite dưới lòng đất như vậy đã là một chuyện rất khó. Công nghệ dùng ở công trình này có trình độ ngang ngửa với công nghệ xây dựng Đại kim tự tháp Giza của Ai Cập. Các khối đá hình thù khác biệt được ghép nối chặt chẽ, hài hòa và cực kỳ bền vững. Các tảng khối đôi khi rất lớn, nhưng các mối nối luôn rất chính xác. Cách xử lý đá như thế này được tìm thấy tại nhiều công trình cổ xưa khác nhau rải rác khắp thế giới Khu vực xung quanh Nazca được bao phủ bởi những con kênh ngầm nhân tạo dẫn nước, mà niên đại và những người xây dựng nên chúng đến nay vẫn không ai biết! Đến những công trình tiền sử hiện nay đang nằm dưới đáy biển sâu gây nên bởi một số biến cố bí ẩn làm các thềm lục địa trồi lên hoặc chìm xuống. Điển hình là cấu trúc Kim tự tháp Yogaguni đang nằm dưới đáy biển Nhật Bản. Yogaguni là một hòn đảo nhỏ nằm về phía Tây Nam của đảo Okinawa thuộc quần đảo Nhật Bản. Năm 1988, những thợ lặn dẫn đầu bởi Kihachiro Aratake đã khám phá ra một cấu trúc đá khổng lồ dưới đáy biển tại đây. Cấu trúc này nằm ở độ sâu 25m dưới mặt nước biển. Ban đầu các nhà nghiên cứu cho rằng đó là một kiến tạo tự nhiên. Nhưng 10 năm sau, các chuyên gia không còn chủ quan như thế nữa. Nhà địa chất có trách nhiệm nghiên cứu cấu trúc này là Giáo sư Masaki Kimura thuộc trường Đại học Ryuku ở Okinawa. Vào tháng 4 năm 1998 ông khám phá ra một cấu trúc bị chia thành 5 tầng riêng biệt và từ đó khẳng định cấu trúc này dứt khoát là nhân tạo. Ngày nay các bức ảnh và phim quay được đã cho thấy một cấu trúc chia bậc, gần giống cấu trúc đền thờ Ziggurat của người Sumer vùng Lưỡng Hà xưa kia, nhưng có kích thước lớn khác thường. Mỗi bậc cao khoảng 1m với các góc cạnh sắc nét. Các nghiên cứu xa hơn đã phát hiện ra nhiều Ziggurat vệ tinh nhỏ nằm gần công trình chính. Chúng có kích thước khoảng 10m rộng và 2m cao. Chúng có vẻ được xây dựng bằng các phiến đá mỏng. Các thợ lặn còn phát hiện cái trông như là một con đường chạy xung quanh công trình chính. Sau đó, họ còn phát hiện ra những con đường dài, những đại lộ lớn, những cấu trúc cầu thang lớn, những cấu trúc cổng tò vò, các khối đá khổng lồ được đẽo gọt chính xác và tỉ mỉ, tất cả hài hòa trong một chỉnh thể kiến trúc đồng nhất mà họ chưa từng thấy bao giờ. Chúng có vẻ như là phần còn lại tương đối nguyên vẹn của một thành phố tiền sử. Đoàn thám hiểm Team Atlantis đã lặn xuống quay bộ phim tài liệu về công trình này khẳng định đây là một công trình nhân tạo. Không có bằng chứng nào cho thấy những cư dân của nền văn hóa Nhật Bản cổ đại có thể xây dựng nên chúng. Nói cách khác, những người thuộc về những thời kỳ tiền sử xa xôi đã xây dựng lên nó, trước khi một biến cố toàn cầu nào đó đã làm cho cả một thềm lục địa to lớn bị chìm xuống, kéo theo cả công trình dang dở vĩ đại này. Các giám định niên đại cho thấy cấu trúc này có thể ra đời vào khoảng 8000 đến 10000 năm trước công nguyên. Đến nay, sau 20 năm khám phá ra công trình này, nguồn gốc của nó vẫn là một câu đố hóc búa. (còn tiếp) /Nguyễn Lê Duy Thắng tổng hợp và biên dịch/
  16. Bạn Vô Trước thân mến, nếu đọc cả đoạn trên Wiki thì hơi khó nhận thấy bóng dáng của một nguyên lý, tức là có cái gì đấy hơi miễn cưỡng: Nhưng nếu như ta phát biểu giản dị hơn: "Nội năng của hệ kín thì bảo toàn" hoặc "Tổng năng lượng của một hệ kín thì bảo toàn"... thì dáng vấp của một nguyên lý sẽ thể hiện rõ hơn.Cũng như nếu có vấn đề "không bảo toàn" xảy ra thì ta lại xem xét chi tiết hơn hai món "tổng năng lượng" hoặc "hệ kín".Chẳng hạn, người ta đã từng mở rộng khi dùng thuật ngữ năng - khối lượng,... Nói về kích thước và năng lượng lúc khởi nguyên chỉ cần bạn giả thiết "kích thước (yếu tố cấu trúc) khác không và năng lượng (yếu tố động lực)" là dương, tức là bạn đã nói "Có" thì cái "Có" đó lúc khởi nguyên tự nó đã có nghĩa là "Thái cực".Lưu ý điều kiện kích thước nhỏ tùy ý khác 0 vầ năng lượng dương là xác định, chúng không phải là "vô định" cũng như vô cùng bé hoặc vô cùng lớn theo nghĩa toán. Về tính liên tục, tôi xin nhắc lại đoạn trích trong bài trên: Trên thực tế sự bề thế, sự vĩ đại ta đang cảm nhận về Vũ trụ là do chúng ta đang thừa hưởng tính lượng tử của không-thời gian kể từ khởi nguyên. Lúc này ta chỉ thực sự có "tính liên tục có giới hạn" và các kích thước dài ngắn, gần xa trở nên có phân biệt. Sự choán kích thước là hệ quả của cơ chế lượng tử hóa này. Dĩ nhiên đối với năng lượng cũng vậy. Thân mến
  17. Chào bạn Vô Trước Không có chuyện định luật bảo toàn năng lượng bị sai đâu Vô Trước ạ!. Đây cũng là một loại hiểu lầm mà "nhà khoa học tập làm nhà văn" gây ra cho đọc giả khi ông ta cố gây ấn tượng về điều gì đấy. Vấn đề Ông Trịnh Xuân Thuận muốn nói là :"theo lý thuyết về hạt vi thời Instanton được chính Hawking,... đề xướng thì điều kiện về kích thước là nhỏ tùy ý nhwng không được bằng 0 và điều kiện về năng lượng chỉ cần > 0 là đủ". Trước đây tôi có viết vài dòng về vấn đề này trong topic "Vấn nạn tử vi" khi trao đổi với anh TS. Thân mến
  18. Các bạn thân mến! Tôi nghĩ trong một Diễn đàn về Lý học mà tôi trình bày một bài viết như thế này thật là khác thường, nhưng vì xét cho cùng đây là công việc chẳng đặng đừng do bản chất của Lý học theo tôi vốn không chỉ dừng lại ở mức định tính hoặc chỉ thích hợp với các cuộc lý luận tranh biện. Vì vậy, tương tự như các ngành khoa học lý thuyết khác, tôi xin mạo muội đặt tên cho loại các công trình nghiên cứu về Lý học theo hướng này là "Lý học lý thuyết". Tôi tin rằng bằng con đường này, các nhà nghiên cứu lý học, các nhà khoa học lý thuyết Đông, Tây sẽ có nhiều cơ hội hơn để đóng góp công sức giúp cho Lý học Đông phương với học thuyết Âm Dương Ngũ Hành nền tảng sẽ khoa học hơn, hoàn thiện hơn xứng tầm với một học thuyết chỉ nam cho nhân loại. Tuy công việc còn bề bộn, nhưng vì bạn Laviedt đã giới thiệu bài viết "E7 và Tử vi", vốn còn là bản nháp trên diễn đàn nên tôi đành phải post lại bài viết này. Đại số Lie ngoại lệ E7 và Tử Vi Tóm tắt Tử vi đã có lịch sử rất lâu đời nhưng hiện tại nó vẫn có ảnh hưởng rất đáng kể trong đời sống xã hội ở Phương Đông. Yếu tố thiên văn, dáng vấp thiên văn là những điều rất dễ để nhận thấy trong cách thức trình bày của Tử vi. Tuy vậy quan điểm của bài viết này xem "Bầu trời Hoàng đạo" được liên kết đến các sao trong Tử vi có ý nghĩa chủ yếu là "khung biểu đạt thời gian lý tưởng" để diễn đạt "chương trình sống" của các đối tượng đã đạt tầm "ý thức lượng tử" như con người. Đại số Clifford Cl(16), đại số Octonion, đại số Jordan, đại số Sedenion [1]... và nhất là đại số Lie ngoại lệ E7 theo các nghiên cứu nghiêm túc gần đây cho thấy chúng rất thích hợp để mô tả các ManyWorld trong MacroSpace. Trên thực tế, mỗi một con người đều đạt được bậc liên kết thông tin > 10^18 tubulin nên đều có thể xem là một "Tiểu vũ trụ" (ManyWorld) [2], vì vậy việc sử dụng "đa tạp + nhóm" 133 chiều của đại số Lie E7 trong hệ thống Tử vi của Người xưa, rất nhiều khả năng là hiện thực... 1. Mở đầu Con số 14 từ ngôi sao 14 cánh ở tâm của Trống đồng Ngọc Lủ theo tôi chắc chắn phải mang một thông điệp hoặc một ý tứ nào đó rất thông thái từ Người xưa. Ta hãy để ý nếu cộng con số "18 chim lạc ở vòng ngoài" với "14 chim và 20 hươu ở vòng kế" thì tổng số sẽ bằng 52. Tiếp tục, nếu kể đến "12 người "lớn" ở vòng trong cùng" và "14 cánh sao ở trung tâm" thì tổng số lại bằng 78 (xem hình). Vì vậy, tôi nghĩ thật ngây thơ khi cho rằng đây chỉ đơn giản là sự trùng hợp ngẫu nhiên hoặc chỉ là những họa tiết trang trí. Theo tôi chúng cũng không đơn thuần chỉ là một nghi biểu tín ngưỡng. Tử vi cũng có 14 Chính tinh, bài Tây có 52 lá, bài Tarot có 78 lá... và trên thực tế người ta thường dùng chúng như các công cụ để tiên đoán về vận mệnh của con người. Hệ Can Chi được sử dụng trong Lý học để phân hoạch thời gian, nó có chu kỳ 60 và mỗi cung có ý nghĩa rất riêng mang tính chương trình. Với bán kỳ là 30, có sự liên hệ nào không trong khi nhóm Lie ngoại lệ E8 - 248 chiều cũng có biểu diễn 240 chiều phân hoạch theo 30 cung ?... Thiên bàn, Địa bàn trong Tử vi chia thành 12 cung phải chăng chúng có sự liên hệ nào đó đến các nhóm Lie ngoại lệ G2, F4, E6 và E7 vì cấu trúc biểu diễn của các nhóm này luôn lập thành 12 cung ? (Lưu ý chi tiết 60 là bội số chung nhỏ nhất của 30 và 12) Biểu diễn 72 root system của nhóm E6 - 78 chiều Lý học Đông phương lại có môn Thái ất, với 16 cung phải chăng Thái ất có mối quan hệ nào đó đến đối tượng toán học rất đặc biệt là Sedenion hay đại số Clifford Cl(8) tương tự như cấu trúc IFA của nền văn minh cổ xưa ở Đông Phi [4]?... Trong bài viết này chúng ta sẽ quan tâm đặc biệt đến sự tương đồng về cấu trúc của Tử vi và đối tượng toán học E7 - 133 chiều. Việc đầu tiên chúng ta hãy thử đếm xem Tử vi trên thực tế ứng dụng ở Viêt Nam có tất cả bao nhiêu sao. Hãy đếm một cách tự nhiên, không có sự gò ép, hể có sao nào được biểu diễn trên Địa bàn của Tử vi là ta đếm dù sao đó có lặp lại 2 lần như trong trường hợp các cặp Tuần lộ không vong và Triệt lộ không vong. Theo cách này, Lá số của Tử vi Lạc Việt có đúng 126 sao. Các Lá số trên website xemtuong.com, tuviglobal.com … chỉ đếm được 113 vì người ta đã bỏ qua 4 sao Thiên sát, Ấm sát, Nguyệt sát, Quan sách và chưa kể đến 9 sao lưu động (113 + 4 + 9 = 126). Về chi tiết 126 sao trong các lá số "Tử vi Việt Nam" gồm: + Vòng chính tinh: Tử vi, Liêm trinh, Thiên đồng, Vũ khúc, Thái dương, Thiên cơ - Thiên phủ, Thái âm, Tham lang, Cự môn, Thiên tướng, Thiên lương, Thất sát, Phá quân (14 sao). + Vòng Thái tuế: Thái tuế, Thiếu dương, Tang môn , Thiếu âm, Quan phù, Tử phù, Tuế phá, Long đức, Bạch hổ , Phúc đức, Điếu khách, Trực phù (12 sao). + Vòng Lộc tồn: Lộc tồn, Lực sĩ, Thanh long, Tiểu hao, Tướng quân,Tấu thơ, Phi liêm, Hỷ thần, Bệnh phù, Đại hao, Phục binh, Quan phủ (12 sao). + Vòng tràng sinh: Trường sinh. Mộc dục, Quan đới, Lâm quan, Đế vượng, Suy, Bệnh, Tử, Mộ, Tuyệt, Thai, Dưỡng (12 sao). + Vòng Thiên mã: Thiên mã, Hoa cái, Kiếp sát, Thiên sát, Nguyệt sát, Đào hoa (6 sao). + Thiên quan, Thiên phúc, Thiên trù, Thiên khôi, Thiên việt, Lưu hà, Văn tinh, Bác sĩ, Kình dương, Đà la, Quốc ấn, Đường phù (12). + Hóa lộc, Hóa quyền, Hóa khoa, Hóa kỵ (4 sao). + Thiên khốc, Thiên hư, Long trì, Phượng các, Hồng loan, Thiên hỉ, Thiên đức, Nguyệt đức, Giải thần (9 sao) + Thiên hình, Tả phù, Hữu bật, Thiên giải, Địa giải, Thiên riêu, Thiên y, Âm sát (8 sao). + Địa kiếp, Địa không, Văn xương, Văn khúc, Thai phụ, Phong cáo (6 sao). + Thiên không, Cô thần, Quả tú, Phá toái, Quan sách (5 sao). + Tam thai - Bát tọa (2 sao) + Ấn quang - Thiên quý (2 sao). + Thiên tài - Thiên thọ - Đẩu quân (3 sao). + Thiên thương - Thiên sứ (2 sao). + Hỏa tinh, Linh tinh (2 sao) + Thiên la - Địa võng (2 sao). + Triệt, Tuần (tính là 4 sao, do mỗi sao được gọi tên 2 lần và được an trên 2 cung của Địa bàn). + Lưu Thái tuế, Lưu Lộc tồn, Lưu Thiên mã, Lưu Tang môn, Lưu Thiên hư, Lưu Thiên khốc, Lưu Bạch hổ, Lưu Kình dương, Lưu Đà la (9 sao). Tổng cộng ta có : 14 + 12 + 12 + 12 + 6 + 12 + 4 + 9 + 8 + 6 + 5 + 2 + 2 + 3 + 2 + 2 + 2 + 4 + 9 = 126. Ngoài ra, rất có thể người ta đã không kể đến 7 sao nữa vì 133 mới là con số đủ so với chuổi số đặc biệt 14, 52, 78, 133 và 248. Nhưng với con số 126 sao như trong Tử vi Lạc Việt đã là mô hình tốt, trong biểu diễn nhóm Lie E7 người ta cũng chỉ thể hiện 126 root đỉnh. Lưu ý các phép (+) ở đây là phép lấy tổng trực tiếp trong lý thuyết biểu diễn, chúng làm thay đổi bậc kích thước của đa tạp, không phải là tổng của các giá trị đại số. Thật hay, nếu chúng ta kể đến 7 sao còn lại của vòng Tướng tinh vốn không còn được kể đến trong các Lá số tử vi Việt Nam gồm có “Tướng tinh - Phan an – Tuế dịch -Tức Thân - Tai Sát - Chỉ Bối - Vong Thần” thì ta đã được con số 126 + 7 = 133, tức là đúng bằng kích thước của nhóm Lie ngoại lệ E7 – 133 chiều. Về nguyên tắc chúng ta sẽ dựa vào những điều đã được chứng minh chắc chắn về các nhóm Lie ngoại lệ, đại số Octonion, đại số Clifford, đại số Jordan… cũng như về các cấu trúc octonionic để khảo sát các cấu trúc khả dĩ tương đồng của Tử vi, ta không làm điều ngược lại. Ngoài ra cũng nên lưu ý rằng, việc người ta có thể đã bỏ bớt một số sao mà theo họ là ít quan trọng trong kinh nghiệm giải đoán khi xây dựng một số lá số Tử vi là việc bình thường. Mục đích chính lâu nay vẫn là để “coi bói” chứ không phải là làm toán. Ngay trong khoa học người ta cũng thường giải các bài toán trong điều kiện hạn chế… phù hợp với các ứng dụng cụ thể hơn là giải chính xác. 2. Về các nhóm Lie và Ma phương Freudenthal-Tits... Tự nhiên tồn tại và chỉ tồn tại 5 nhóm Lie ngoại lệ. Nhóm G2 - 14 chiều là nhóm bé nhất trong bộ 5 nhóm Lie ngoại lệ G2 - F4 - E6 - E7 - E8. Nhóm E7 - 133 chiều - 126 root đỉnh là đối tượng mà chúng ta đang quan tâm. Chỉ có một số ít cấu trúc “đa tạp + nhóm” là nhóm Lie. Nhóm Lie của các phép biến đổi trong không gian n-chiều chỉ gồm 4 họ, chúng liên quan đến các không gian đối xứng chẳng hạn như không gian chiếu và các mặt cầu nhiều chiều. Cụ thể ta có: An - nhóm các phép biến đổi unitarity trong không gian phức n chiều CPn = SU(n+1)/S(U(n)xU(1)), mặt cầu S(2n+1) = SU(n+1)/SU(n) Bn - nhóm các phép quay trong không gian thực có số chiều lẻ, mặt cầu trên đó có số chiều chẵn S(2n) = SO(2n+1)/SO(2n) Cn - nhóm các phép biến đổi trong không gian quaternion n chiều HPn = Sp(n+1)/Sp(n)xSp(1), mặt cầu S(4n+3) = Sp(n+1)/Sp(n) Dn - nhóm các phép quay trong không gian thực có số chiều chẵn, mặt cầu trên đó có số chiều lẻ S(2n+1) = SO(2n+2)/SO(2n+1) Bn, Dn là nhóm các phép quay thực, gọi là nhóm Spin(2n+1) và Spin(2n) An là nhóm các phép quay phức tổng quát, gọi là nhóm unitarity SU(n+1) Cn là nhóm các phép quay quarternion tổng quát, gọi là nhóm symplectic Sp(n) Ngoài ra ta chỉ có 5 nhóm Lie khác gọi là các nhóm Lie ngoại lệ : G2, F4, E6, E7, và E8. Các nhóm Lie ngoại lệ đều liên hệ đến các octonion, chúng không làm thành một họ vô hạn do tính không kết hợp của các octonion. G2 là nhóm tự đẳng cấu của các octonion. G2 có 14 chiều, biểu diễn không tầm thường nhỏ nhất là 7 chiều F4 là nhóm tự đẳng cấu của các ma trận octonion 3x3. F4 có 52 chiều - 48 root đỉnh, biểu diễn không tầm thường nhỏ nhất là 26 chiều. E6 là nhóm F4 mở rộng với binion (đại số phức). E6 có 78 chiều – 72 root đỉnh và biểu diễn không tầm thường nhỏ nhất là 27 chiều. E7 là nhóm F4 mở rộng với quarternion. E7 có 133 chiều – 126 root đỉnh và biểu diễn không tầm thường nhỏ nhất là 56 chiều. E8 là nhóm F4 mở rộng với octonion. E8 có 248 chiều – 240 root đỉnh và biểu diễn không tầm thường nhỏ nhất cũng là 248 chiều. Các nhóm F4 - E6 - E7 - E8 tương ứng với quan hệ của octonion-real, octonion-complex, octonion-quaternion và octonion-octonion. Chỉ số n của An, Bn, Cn, Dn và các con số của G2, F4, E6, E7, E8 thể hiện hạng của nhóm Lie tương ứng với đại số con Cartan Abel lớn nhất của chúng. Đó cũng là kích thước của không gian Euclide theo giản đồ root vector vốn là những đối xứng xác định nhóm Weyl của chúng. Với S3 = SU(2) = Spin(3) = Sp(1) và J3(O)o - 26 chiều là ma trận octonion traceless 3x3 của đại số Jordan ngoại lệ, ta có: E6 = F4 + J3(O)o. E6/(Spin(10)xU(1)) có 78 – 45 – 1 = 32 chiều thực hay 16 chiều phức và nó là mặt phẳng chiếu Rosenfeld (CxO)P2 E7 = F4 + SU(2) + (S3 x J3(O)o). E7/(Spin(12)xSU(2)) có 133 – 66 – 3 = 64 chiều thực hay 32 chiều phức và nó là mặt phẳng chiếu Rosenfeld (HxO)P2 E8 = F4 + G2 + (S7 x J3(O)o). E8/Spin(16) có 248 – 120 = 128 chiều thực và nó là mặt phẳng chiếu Rosenfeld (OxO)P2 Để xác định mặt cầu nào là nhóm Lie, đầu tiên ta xét các phép quay thỏa bảng nhân nhóm. Ta chỉ có các phép quay của các mặt cầu trong không gian của các đại số có phép chia định chuẩn gồm R, C, H và O. Riêng với số thực R là mặt cầu 0 - chiều nên ta không xét. Vậy thì ta sẽ có các đại số phức C, đại số quarternion H và đại số octonion O. Họ An chứa các phép quay phức trong mặt cầu đơn vị S1 - S1 là một nhóm Lie. Họ Bn và Cn đều chứa các phép quay quarternion trên mặt cầu đơn vị S3 - S3 cũng là một nhóm Lie. Họ Dn chứa nhóm Lorentz trong không gian 4 chiều, gồm 2 phiên bản của S3 (3 rotate và 3 boost). Tuy nhiên, S7 không phải là một nhóm Lie do tính không kết hợp của octonion. Tính không kết hợp của octonion sẽ làm cho S7 giãn nở do nhận dạng Jacobi của các octonion khác không. Do đó S7 chỉ là một mặt cầu đơn vị 7 chiều trong đại số có phép chia định chuẩn octonion. Cụ thể S7 giãn nở theo tích xoắn (x) của S7(x)S7(x)G2 - 28 chiều tương ứng với nhóm Lie D4 hay Spin(8). Spin(8) là nhóm các phép quay trong không gian 8 chiều – không gian của các octonion. Spin(8) vừa là nhóm Lie tiêu chuẩn D4, vừa tồn tại trong các nhóm Lie ngoại lệ của các octonion, do đó Spin(8) là một nhóm Lie rất đặc biệt với 28 chiều. Đây cũng là nhóm thể hiện siêu đối xứng triality. Siêu đối xứng triality D4 = Spin(8) Đến đây chúng ta lại có sự tương đồng về kích thước của nhóm Spin(8) – 28 chiều và con số 28 trong “Nhị thập bát tú” của Lý học. Ngoài ra, theo tôi siêu đối xứng triality thể hiện trong giản đồ Dynkin của D4 = Spin(8) có sự tương ứng rất sâu sắc với siêu đối xứng Tam Tài "Thiên - Địa - Nhân" trong Lý học. Các cấu trúc E6 - E7 - E8 có thể xây dựng dựa trên Ma phương Freudenthal-Tits, ma phương này thể hiện mối quan hệ giữa Đại số có phép chia định chuẩn (R, C, H, O) và Đại số ma trận. Trong đó: Đại số có phép chia định chuẩn định nghĩa các hàng của Ma phương. Đại số Jordan định nghĩa các cột của Ma phương. Và Đại số Lie định nghĩa các phần tử của Ma phương. Đại số Jordan là đại số của các ma trận Hermitian với tích đối xứng. Đại số Lie là đại số của các ma trận phản - Hermitian với tích phản xứng. Ma phương Freudenthal-Tits bao gồm tất cả các Đại số Lie ngoại lệ, nhưng chỉ chứa một vài đại số Lie tiêu chuẩn A, B, C, và D. Ta có bảng: + Các cột là các đại số Jordan J = R, J3®, J3©, J3(H), J3(O) (J3(K) là đại số của các ma trận Hermitian 3x3 trên K) + Các hàng là các đại số A = R, C, H, O + Các phần tử ma phương 4x5 là các đại số Lie L được tạo thành bởi qui tắc: L = Der(A) + (A0xJ0) + Der (J) Trong đó Der là phép lấy vi phân, + là tổng trực tiếp, x là tích tensor, A0 là các phần tử thuần ảo của A, R0=S0, C0=S1, H0=S3, O0=S7 và J0 là các phần tử trace - zero của đại số Jordan J. Sn là đại số của các vector tangent trên mặt cầu n-chiều. S0, S1, S3 là các đại số Lie và S7 là một đại số Malcev. Lưu ý: A1 = SU(2), A2 = SU(3), A5 = SU(6), C3 = Sp(3), D6 = SO(12) (Spin(12) và G2, F4, E6, E7, và E8 là các đại số Lie ngoại lệ. Xét kích thước của các đại số Lie : Nếu Aij có k – kích thước thì Aii thực, kích thước ma trận là 3k + 3. Nếu trace = tổng các phần tử trên đường chéo = 0, kích thước ma trận sẽ là 3k + 2 chiều. Do đó đối với: R: 3x1 + 2 = 5 C: 3x2 + 2 = 8 H: 3x4 + 2 = 14 O: 3x8 + 2 = 26 Ma phương Freudenthal-Tits có thể định dạng E8. Bắt đầu với D4 = Spin(8) ta có: 28 = 28 + 0 + 0 + 0 + 0 + 0 + 0 Thêm 2 spinor và 1 vector ta được F4: 52 = 28 + 8 + 8 + 8 + 0 + 0 + 0 Bây giờ, "phức hóa" phần 8+8+8 của F4 ta được E6: 78 = 28 + 16 + 16 + 16 + 1 + 0 + 1 Kế tiếp, "quaternion hóa" phần 8+8+8 của F4 ta được E7: 133 = 28 + 32 + 32 + 32 + 3 + 3 + 3 Cuối cùng, "octonion hóa" phần 8+8+8 của F4 ta có E8: 248 = 28 + 64 + 64 + 64 + 7 + 14 + 7 3. Về sự tương đồng hình thức biểu diễn của nhóm G2 và nhóm 14 Chính tinh Không gian biểu diễn root system của G2-14 chiều - 12 root đỉnh thể hiện như hình 1. Biểu diễn trên mặt phẳng được phân thành 2 lớp 6/8 như hình 2. Tương tự như trong hình 2, với đúng 14 chính tinh của Tử vi ta có 2 lớp 6/8 đã được đặt tên : Tử vi – Liêm trinh – Thiên đồng – Vũ khúc – Thái dương – Thiên cơ và Thiên phủ - Thái âm– Tham lang – Cự môn – Thiên tướng – Thiên lương – Thất sát – Phá quân. Các trục màu đỏ sẽ được gọi là trục Tử vi và trục màu xanh được gọi là trục Thiên phủ. 4. Về sự tương đồng hình thức biểu diễn của nhóm F4 và nhóm 48 sao có cấu trúc riêng Xin lưu ý khái niệm có cấu trúc riêng (đặc biêt) được dùng ở đây xét theo nghĩa có cấu trúc biểu diễn rất riêng đã được thể hiện trên Địa bàn. Theo nghĩa này ta có: + Vòng chính tinh: Tử vi, Liêm trinh, Thiên đồng, Vũ khúc, Thái dương, Thiên cơ - Thiên phủ, Thái âm, Tham lang, Cự môn, Thiên tướng, Thiên lương, Thất sát, Phá quân (14 sao). + Vòng Thái tuế: Thái tuế, Thiếu dương, Tang môn , Thiếu âm, Quan phù, Tử phù, Tuế phá, Long đức, Bạch hổ , Phúc đức, Điếu khách, Trực phù (12 sao). + Vòng Tràng sinh: Trường sinh. Mộc dục, Quan đới, Lâm quan, Đế vượng, Suy, Bệnh, Tử, Mộ, Tuyệt, Thai, Dưỡng (12 sao). + Vòng Thiên mã: Thiên mã, Hoa cái, Kiếp sát, Thiên sát, Nguyệt sát, Đào hoa (6 sao) . + Triệt - Tuần (4 sao) Tổng cộng ta có: 14 + 12 + 12 + 6 + 4 = 48 sao, ta tạm gọi là nhóm 48 sao có cấu trúc riêng hay 48 sao đặc biệt theo nghĩa đơn giản là để phân biệt với nhóm các sao còn lại trên Địa bàn. Không gian biểu diễn của F4 - 52 chiều , 48 root đỉnh biểu diễn trên mặt phẳng được thể hiện như ở hình 3. Biểu diễn root system của F4 trong mối liên hệ đến Tử vi được thể hiện ở hình 4. Một cách hình thức ta có: + 14 chính tinh tương ứng với các root vector trên đỉnh 2 ngôi sao 6 cánh và 2 root vector biểu thị bằng 2 hình tròn nhỏ màu vàng. + 12 sao của vòng Thái tuế tương ứng với 12 root vector trên vòng tròn màu đỏ. + 12 sao của vòng Tràng sinh tương ứng với 12 root vector trên vòng tròn màu xám. + 6 sao vòng Thiên mã tương ứng với 6 đỉnh trong của 6 tam giác màu vàng. + 2 sao Triệt và 2 sao Tuần tương ứng với các root vector biểu thị bằng 2 hình tròn nhỏ màu đỏ và 2 hình tròn nhỏ màu xanh. 5. Về sự tương đồng hình thức biểu diễn của nhóm E7 và các sao của Tử vi E6 = F4 + (S1 x J3(O)o) có 72 root đỉnh biểu diễn như hình 5. Ta có E7 = F4 + SU(2) + (S3 x J3(O)o) , trong đó có 52 chiều của F4 + 3 chiều của SU(2) + 78 chiều của (S3xJ3(O)o) = 133 chiều. Không gian biểu diễn của E7-133 chiều - 126 root đỉnh biểu diễn trên mặt phẳng được thể hiện như ở hình 6. E7 = E6 + U(1) + J3(O) x (1 + 1*) Ma trận octonionic J3(O): (8 + 8 + 8 + 1 + 1 + 1= 27 chiều, trong đó ký hiệu O biểu thị các Octonion) Biểu diễn 126 root system khác của E7 trong mối liên hệ khả dĩ đến Tử vi có thể được thể hiện ở hình 7. E7 = F4 + SU(2) + (S3 x J3(O)o) Ma trận traceless octonionic J3(O)o :(12 + 12 + 1 + 1 = 26 chiều) Xét biểu diễn E7 trên hình 7, bộ 48 sao trung tâm trong Tử vi một cách hình thức gồm: + Vòng chính tinh: Tử vi, Liêm trinh, Thiên đồng, Vũ khúc, Thái dương, Thiên cơ - Thiên phủ, Thái âm, Tham lang, Cự môn, Thiên tướng, Thiên lương, Thất sát, Phá quân (14 sao). + Vòng Thái tuế: Thái tuế, Thiếu dương, Tang môn , Thiếu âm, Quan phù, Tử phù, Tuế phá, Long đức, Bạch hổ , Phúc đức, Điếu khách, Trực phù (12 sao). + Vòng tràng sinh: Trường sinh. Mộc dục, Quan đới, Lâm quan, Đế vượng, Suy, Bệnh, Tử, Mộ, Tuyệt, Thai, Dưỡng (12 sao). + Vòng Thiên mã: Thiên mã, Hoa cái, Kiếp sát, Thiên sát, Nguyệt sát, Đào hoa (6 sao). + Triệt - Tuần (4 sao) Với 78 sao còn lại biểu diễn trên Địa bàn của Tử vi một cách hình thức ta tạm xếp làm 3 nhóm 26 sao: + Lộc tồn, Lực sĩ, Thanh long, Tiểu hao, Tướng quân,Tấu thơ, Phi liêm, Hỷ thần, Bệnh phù, Đại hao, Phục binh, Quan phủ + Thiên quan, Thiên phúc, Lưu hà, Thiên trù, Văn tinh, Thiên khôi, Thiên việt, Kình dương, Đà la, Bác sĩ, Quốc ấn, đường phù + Thiên la, Địa võng + Thiên không, Cô thần, Quả tú, Phá toái, Quan sách + Thiên khốc, Thiên hư, Long trì, Phượng các, Hồng loan, Thiên hỉ, Thiên đức, Nguyệt đức, Giải thần, Tả phù, Hữu bật, Thiên giải, Địa giải, Thiên riêu, Thiên y, Âm sát + Hóa lộc, Hóa quyền, Hóa khoa, Hóa kỵ + Tam thai, Bát tọa + Ấn quang, Thiên quý + Thiên tài, Thiên thọ, Đẩu quân + Thiên thương, Thiên sứ + Văn xương, Văn khúc, Thai phụ, Phong cáo, Hỏa tinh, Linh tinh, Địa không, Địa kiếp + Lưu Thái tuế, Lưu Lộc tồn, Lưu Thiên mã, Lưu Tang môn, Lưu Thiên hư, Lưu Thiên khốc, Lưu Bạch hổ, Lưu Kình dương, Lưu Đà la 6. Khái quát qui tắc an sao của Tử vi Nhằm xác định sự phụ thuộc chính xác của từng sao tử vi vào các tham số thời gian gồm ngày, tháng, năm (can/chi), giờ sinh và giới tính tôi đã cố gắng khái quát qui tắc an sao thành các công thức số học hoặc các bảng tra, sao cho chúng hoàn toàn tương đương với cách thức an sao truyền thống. Ký hiệu: / : phép chia lấy phần nguyên % : phép chia lấy phần dư Lấy ngày, tháng, năm và giờ sinh theo hệ can chi (âm lịch) Đặt: Chi tháng sinh N(tháng) = [tháng sinh + 9]% 12 Chi giờ sinh N(giờ) = [giờ sinh % 2 + giờ sinh/2 + 10] % 12 Chỉ số ngày sinh N(ngày) = ngày sinh (âm lịch) Nam : p = 0, Nữ: p = 1 và bit dấu s = (-1)^[N(năm) + p] Dưới đây là công thức hoặc qui tắc an 126 sao Sao định vị Địa bàn: 2 sao N(thiên la) = 2 N(địa võng) = 8 Phân cung Địa bàn N(huynh đệ) = [11 + N(tháng) – N(giờ)] % 12 N(mệnh) = [12 + N(tháng) – N(giờ)] % 12 N(phụ mẫu) = [13 + N(tháng) – N(giờ)] % 12 N(phúc đức) = [14 + N(tháng) – N(giờ)] % 12 N(điền trạch) = [15 + N(tháng) – N(giờ)] % 12 N(quan lộc) = [16 + N(tháng) – N(giờ)] % 12 N(nô bộc) = [17 + N(tháng) – N(giờ)] % 12 N(thiên di) = [18 + N(tháng) – N(giờ)] % 12 N(tật ách) = [19 + N(tháng) – N(giờ)] % 12 N(tài bạch) = [20 + N(tháng) – N(giờ)] % 12 N(tử tức) = [21 + N(tháng) – N(giờ)] % 12 N(phu thê) = [22 + N(tháng) – N(giờ)] % 12 N(thân) = [ 4 + N(tháng)+ N(giờ)] % 12 Cục phụ thuộc vào thiên can, tháng sinh và giờ sinh Vòng chính tinh: 14 sao Đặt: k = (Cục – N(ngày) % Cục) % Cục l = (Cục – k) /Cục m = N(ngày)/Cục N(tử vi) = [(l + 1) % 2] [ (12 + m + k x (– 1)^k) % 12] + l [(m - 1) % 12] N(liêm trinh) = [N(tử vi) + 4] % 12 N(thiên đồng) = [N(tử vi) + 7] % 12 N(vũ khúc) = [N(tử vi) + 8] % 12 N(thái dương) = [N(tử vi) + 9] % 12 N(thiên cơ) = [N(tử vi) +11] % 12 N(thiên phủ) = [N(tử vi) + (12 – 2 (N(tử vi) % 6))] % 12 N(thái âm) = [N(thiên phủ) + 1] % 12 N(tham lang) = [N(thiên phủ) + 2] % 12 N(cự môn) = [N(thiên phủ) + 3] % 12 N(thiên tướng) = [N(thiên phủ) + 4] % 12 N(thiên lương) = [N(thiên phủ) + 5] % 12 N(thất sát) = [N(thiên phủ) + 6] % 12 N(phá quân) = [N(thiên phủ) +10] % 12 Các sao vòng chính tinh phụ thuộc vào tháng sinh, ngày sinh, giờ sinh và can của năm sinh. Vòng tràng sinh: 12 sao Theo tử vi đẩu số: N(trường sinh) = [(Cục + 1)%2][3((6 – Cục)/2)] + [Cục%2][6 + 3[(6 – Cục)/2]] Theo tử vi Lạc Việt: N(trường sinh) = [(Cục + 1)%2][3(Cục/3)] + [Cục%2][3 + 6[(6 – Cục)/2]] N(mộc dục) = [12 + N(trường sinh) + 1s] % 12 N(quan đới) = [12 + N(trường sinh) + 2s] % 12 N(lâm quan) = [12 + N(trường sinh) + 3s] % 12 N(đế vượng) = [12 + N(trường sinh) + 4s] % 12 N(suy) = [12 + N(trường sinh) + 5s] % 12 N(bệnh) = [12 + N(trường sinh) + 6s] % 12 N(tử) = [12 + N(trường sinh) + 7s] % 12 N(mộ) = [12 + N(trường sinh) + 8s] % 12 N(tuyệt) = [12 + N(trường sinh) + 9s] % 12 N(thai) = [12 + N(trường sinh) +10s] % 12 N(dưỡng) = [12 + N(trường sinh) +11s] % 12 Các sao vòng tràng sinh phụ thuộc vào cục và bit dấu tức là phụ thuộc vào tháng sinh, giờ sinh, giới tính và can/chi của năm sinh. Vòng Thái tuế: 12 sao N(thái tuế) = N(năm) N(thiếu dương) = [ 1 + N(năm)] % 12 N(tang môn) = [ 2 + N(năm)] % 12 N(thiếu âm) = [ 3 + N(năm)] % 12 N(quan phù) = [ 4 + N(năm)] % 12 N(tử phù) = [ 5 + N(năm)] % 12 N(tuế phá) = [ 6 + N(năm)] % 12 N(long đức) = [ 7 + N(năm)] % 12 N(bạch hổ) = [ 8 + N(năm)] % 12 N(phúc đức) = [ 9 + N(năm)] % 12 N(điếu khách) = [ 10 + N(năm)] % 12 N(trực phù) = [ 11 + N(năm)] % 12 Các sao vòng thái tuế chỉ phụ thuộc vào chi của năm sinh Vòng Thiên mã: 6 sao N(thiên mã) = [3 + 3((N(năm) % 4 + 1)%2) + 6((N(năm) % 4)/2) ] % 12 N(hoa cái) = [N(thiên mã) + 2] % 12 N(kiếp sát) = [N(thiên mã) + 3] % 12 N(thiên sát) = [N(thiên mã) + 4] % 12 N(nguyệt sát) = [N(thiên mã) + 5] % 12 N(đào hoa) = [N(thiên mã) + 7] % 12 Các sao vòng thiên mã chỉ phụ thuộc vào chi của năm sinh Vòng Lộc tồn: 12 sao N(Lộc tồn) tra theo bảng: N(lực sĩ) = [12 + N(lộc tồn) + 1s] % 12 N(thanh long) = [(12 + N(lộc tồn) + 2s] % 12 N(tiểu hao) = [12 + N(lộc tồn) + 3s] % 12 N(tướng quân) = [12 + N(lộc tồn) + 4s] % 12 N(tấu thơ) = [12 + N(lộc tồn) + 5s] % 12 N(phi liêm) = [12 + N(lộc tồn) + 6s] % 12 N(hỷ thần) = [12 + N(lộc tồn) + 7s] % 12 N(bệnh phù) = [12 + N(lộc tồn) + 8s] % 12 N(đại hao) = [12 + N(lộc tồn) + 9s] % 12 N(phục binh) = [12 + N(lộc tồn) +10s] % 12 N(quan phủ) = [12 + N(lộc tồn) +11s] % 12 Các sao vòng lộc tồn phụ thuộc vào can của năm sinh và bit dấu tức là phụ thuộc vào can/chi của năm sinh và giới tính Sao triệt : 2 sao N(triệt1) = [2((9 – M(năm)) % 5) + 10] % 12 N(triệt2) = [2((9 – M(năm)) % 5) + 10] % 12 + 1 Các sao triệt chỉ phụ thuộc vào can của năm sinh Sao tuần : 2 sao N(tuần1) = 10 - [12 + M(năm) – N(năm)] % 12 N(tuần2) = 11 - [12 + M(năm) – N(năm)] % 12 Các sao tuần phụ thuộc vào can/chi của năm sinh Sao thuần chi: 11 sao N(thiên không) = [ 1 + N(năm)] % 12 N(long trì) = [ 4 + N(năm)] % 12 N(nguyệt đức) = [ 5 + N(năm)] % 12 N(thiên hư) = [ 6 + N(năm)] % 12 N(thiên đức) = [ 9 + N(năm)] % 12 N(quan sách) = [ 11 + N(năm)] % 12 N(thiên khốc) = [ 14 – N(năm)] % 12 N(thiên hỉ) = [ 17 – N(năm)] % 12 N(phượng các) = [ 18 – N(năm)] % 12 N(giải thần) = [ 18 – N(năm)] % 12 N(hồng loan) = [ 23 – N(năm)] % 12 Sao thuần tháng: 8 sao N(thiên riêu) = [ 1 + N(tháng)] % 12 N(thiên y) = [ 1 + N(tháng)] % 12 N(tả phù) = [ 4 + N(tháng)] % 12 N(địa giải) = [ 7 + N(tháng)] % 12 N(thiên giải) = [ 8 + N(tháng)] % 12 N(thiên hình) = [ 9 + N(tháng)] % 12 N(hữu bật) = [18 – N(tháng)] % 12 N(âm sát) = [32 – 2N(tháng)] % 12 Sao thuần giờ: 6 sao N(văn khúc) = [ 4 + N(giờ)] % 12 N(thai phụ) = [ 6 + N(giờ)] % 12 N(phong cáo) = [ 2 + N(giờ)] % 12 N(địa kiếp) = [11 + N(giờ)] % 12 N(văn xương) = [18 - N(giờ)] % 12 N(địa không) = [19 - N(giờ)] % 12 Sao tháng – ngày: 2 sao N(tam thai) = [3 + N(tháng) + N(ngày)] % 12 N(bát tọa) = [43 - N(tháng) - N(ngày)] % 12 Sao tháng – giờ: 2 sao N(thiên thương) = [17 + N(tháng) – N(giờ)] % 12 N(thiên sứ) = [19 + N(tháng) – N(giờ)] % 12 Sao năm – tháng – giờ: 3 sao N(thiên tài) = [14 + N(năm) + N(tháng) – N(giờ)] % 12 N(thiên thọ) = [ 6 + N(năm) + N(tháng) + N(giờ)] % 12 N(đẩu quân) = [12 + N(năm) – N(tháng) + N(giờ)] % 12 Sao giờ - ngày: 2 sao N(thiên quý) = [30 - N(ngày) + N(giờ)] % 12 N(ấn quang) = [50 - N(ngày) - N(giờ)] % 12 Sao năm – giờ: 2 sao N(hỏa tinh) = [((N(năm)%4 + 1)/2 + 11) % 12 + sN(giờ)] % 12 N(linh tinh) = [12 + (5( 4 - N(năm) %4 ) /4 ) + 8) % 12 - sN(giờ)] % 12 Sao thuần can: 12 sao Tra theo bảng Bộ tứ hóa: 4 sao Hóa quyền và Hóa lộc chỉ đồng cung với các sao của vòng chính tinh, tức là luôn phụ thuộc vào tháng sinh, ngày sinh, giờ sinh và can của năm sinh. Hóa khoa ngoài khả năng an đồng cung với các chính tinh đôi khi chỉ đồng cung với các sao Văn xương, Văn khúc, Tả phù, Hữu bật vốn là các sao chỉ phụ thuộc vào giờ sinh (Văn xương, Văn khúc ) hoặc tháng sinh (Tả phù, Hữu bật). Hóa kỵ có thể an đồng cung với các chính tinh hoặc đồng cung với các sao Văn xương, Văn khúc vốn là các sao chỉ phụ thuộc vào giờ sinh. Bảng an tứ hóa Sao lưu động: 9 sao Chi năm lưu động N(năm_lđ) = [năm_lđ + 6] % 12 Can năm lưu động M(năm_lđ) =[năm_lđ + 6] % 10 N(lưu thái tuế) = N(năm_lđ) N(lưu tang môn) = [N(năm_lđ) + 2]%12 N(lưu bạch hổ) = [N(năm_lđ) + 8]%12 N(lưu thiên hư) = [ 6 + N(năm_lđ)] % 12 N(lưu thiên khốc) = [ 14 – N(năm_lđ)] % 12 N(lưu thiên mã) = [3 + 3((N(năm_lđ) % 4 + 1)%2) + 6((N(năm_lđ) % 4)/2) ] % 12 An sao Lưu Lộc tồn tương tự sao Lộc tồn trong đó thay M(năm) -> M(năm_lđ) và thay N(lộc tồn) bằng N(lưu Lộc tồn) theo bảng: N(lưu kình dương) = [N(lưu lộc tồn) + 1]%12 N(lưu đà la) = [N(lưu lộc tồn) + 11]%12 Trong bài viết có nói đến các sao còn lai của vòng Tướng tinh, dưới đây là công thức an 7 sao này: N(tướng tinh) = 1 + 3[(N(năm) % 4 + 1)%2] + 6[(N(năm) % 4)/2] N(phan an) = (N(tướng tinh) + 1) % 12 N(tuế dịch) = (N(tướng tinh) + 2) % 12 N(tức thân) = (N(tướng tinh) + 3) % 12 N(chỉ bối) = (N(tướng tinh) + 8) % 12 N(tai sát) = (N(tướng tinh) +10) % 12 N(vong thần) = (N(tướng tinh) +11) % 12 7. Cấu trúc root system của Nhóm G2 và sự tương đồng với qui tắc an sao của 14 Chính tinh Chi tiết hơn bây giờ ta sẽ xét qui tắc an sao của vòng Tử vi trong sự tương đồng khả dĩ với cấu trúc root vector của nhóm G2. Xem hình 8. Ta biết theo Tử vi thì :”Sau khi an sao Tử Vi, theo chiều thuận cách sao Tử vi 3 cung an sao Liêm trinh, cách Liêm trinh 2 cung an sao Thiên đồng, tiếp theo Thiên đồng là sao Vũ khúc, sau Vũ khúc là Thái dương, cách Thaí dương 1 cung an sao Thiên cơ”. Tương tự, ta xét qui tắc an sao của vòng Thiên phủ. Theo Tử vi: “sau khi an sao Thiên phủ, theo chiều thuận, lần lượt mỗi cung an một sao, theo thứ tự: Thái âm, Tham lang, Cự môn, Thiên tướng, Thiên lương, Thất sát. Cách Thất sát 3 cung an sao Phá Quân”. 8. Cấu trúc root system của Nhóm F4 và sự tương đồng với qui tắc an sao của 48 sao trung tâm 48 sao trung tâm gồm: + Vòng chính tinh: Tử vi, Liêm trinh, Thiên đồng, Vũ khúc, Thái dương, Thiên cơ - Thiên phủ, Thái âm, Tham lang, Cự môn, Thiên tướng, Thiên lương, Thất sát, Phá quân (14 sao). + Vòng Thái tuế: Thái tuế, Thiếu dương, Tang môn , Thiếu âm, Quan phù, Tử phù, Tuế phá, Long đức, Bạch hổ , Phúc đức, Điếu khách, Trực phù (12 sao). + Vòng tràng sinh: Trường sinh. Mộc dục, Quan đới, Lâm quan, Đế vượng, Suy, Bệnh, Tử, Mộ, Tuyệt, Thai, Dưỡng (12 sao). + Vòng Thiên mã: Thiên mã, Hoa cái, Kiếp sát, Thiên sát, Nguyệt sát, Đào hoa (6 sao). + Triệt - Tuần (4 sao) Chi tiết hơn bây giờ ta sẽ xét qui tắc an sao của 48 sao trung tâm trong sự tương đồng khả dĩ với cấu trúc root vector của nhóm F4. Xem hình 9. Xét lá số: Nam, giờ tuất, ngày 1, tháng 3 năm kỷ mão N(năm) = mão = 1 M(năm) = kỷ = 5 N(tháng) = tháng 3 = 0 N(ngày) = ngày = 1 N(giờ) = tuất = 8 Vậy: N(mệnh) = [12 + N(tháng) – N(giờ)]%12 = 4 = ngọ N(thân) = [4 + N(tháng) + N(giờ)]%12 = 12%12 = 0 = dần i = [(N(mệnh) + 1)%2 + N(mệnh) -1]/2 = [(4+1)%2 + 4 -1]/2 = 2 j = M(năm)%5 = 5%5 = 0 Theo bảng tra cục => Cục[2,0] = 5 = Thổ ngũ cục k = (Cục – N(ngày) % Cục) % Cục = ((5 - 1)%5)%5 = 4 l = (Cục – k) /Cục = (5-1)/5 = 0 m = N(ngày) /Cục = 1/5 = 0 N(tử vi) = [(l + 1) % 2] [ (12 + m + k x (– 1)^k) % 12] + l [(m - 1) % 12] = (12+4)%12 = 4 = ngọ N(liêm trinh) = (N(tử vi) + 4) % 12 = 8 = tuất N(thiên đồng) = (N(tử vi) + 7) % 12 = 11 = sửu N(vũ khúc) = (N(tử vi) + 8) % 12 = 0 = dần N(thái dương) = (N(tử vi) + 9) % 12 = 13%12 = 1 = mão N(thiên cơ) = (N(tử vi) +11) % 12 = 15%12 = 3 = tỵ N(thiên phủ) = [N(tử vi) + (12 – 2 (N(tử vi)%6))]%12 = [4+(12-2(4%6))]%12 = 8 = tuất N(thái âm) = (N(thiên phủ) + 1) % 12 = 9 = hợi N(tham lang) = (N(thiên phủ) + 2) % 12 = 10 = tý N(cự môn) = (N(thiên phủ) + 3) % 12 = 11 = sửu N(thiên tướng) = (N(thiên phủ) + 4) % 12 = 12%12 = 0 = dần N(thiên lương) = (N(thiên phủ) + 5) % 12 = 13%12 = 1 = mão N(thất sát) = (N(thiên phủ) + 6) % 12 = 14%12 = 2 = thìn N(phá quân) = (N(thiên phủ) +10) % 12 = 18%12 = 6 = thân N(thái tuế) = N(năm) = 1 = mão Theo tử vi đẩu số: N(trường sinh) = [(Cục + 1)%2][3((6 – Cục)/2)] + [Cục%2][6 + 3[(6 – Cục)/2]]= 6 = thân Theo tử vi Lạc Việt: N(trường sinh) = [(Cục + 1)%2][3(Cục/3)] + [Cục%2][3 + 6[(6 – Cục)/2] = 3 = tỵ N(thiên mã) = [3 + 3((N(năm)%4 + 1)%2) + 6((N(năm)%4)/2)]%12 = 3 = tỵ N(hoa cái) = [N(thiên mã) + 2]%12 = 5 = mùi N(kiếp sát) = [N(thiên mã) + 3]%12 = 6 = thân N(thiên sát) = [N(thiên mã) + 4]%12 = 7 = dậu N(nguyệt sát) = [N(thiên mã) + 5]%12 = 8 = tuất N(đào hoa) = [N(thiên mã) + 7]%12 = 10 = tý N(triệt1) = [2((9 – M(năm))%5) + 10]%12 = 18%12 = 6 = thân N(triệt2) = [2((9 – M(năm))%5) + 10] % 12 + 1 = 7 = dậu N(tuần1) = 10 - [12 + M(năm) – N(năm)]%12 = 6 = thân N(tuần2) = 11 - [12 + M(năm) – N(năm)]%12 = 7 = dậu Tử vi an tại ngọ. Trục tử vi tương ứng với trục Tý – Ngọ màu đỏ, trục thiên phủ tương ứng với trục Thìn – Tuất màu xanh và Thiên phủ sẽ được an tại Tuất. Tương tự như mục 7, các sao của vòng Tử vi tương ứng với các đỉnh của ngôi sao 6 cánh ở trung tâm, các sao của vòng Thiên phủ sẽ tương ứng với các đỉnh của ngôi sao 6 cánh lớn ở ngoài và 2 root màu vàng tương ứng với các sao Thất sát và Phá quân như trên hình 9. Tiếp theo: Vòng Thái tuế có 12 sao tương ứng với 12 root nằm trên vòng tròn màu đỏ. Vòng Tràng sanh có 12 sao tương ứng với 12 root nằm trên vòng tròn màu xám. Vòng Tướng tinh thiếu hay vòng Thiên mã gồm 6 sao: Thiên mã, Hoa cái, Kiếp sát, Thiên sát, Nguyệt sát, Đào hoa nằm đúng trên các root thuộc 6 đỉnh phía trong của 6 tam giác màu vàng. 9. Cấu trúc root system của Nhóm E6 và qui tắc an sao của 72 sao trung tâm Tuy chưa thật tường minh nhưng vẫn còn một khả năng khác trong đó cấu trúc trung tâm của Tử vi tuân theo nhóm E6 (xem hình 6). Trong trường hợp này 72 sao trung tâm của Tử vi có thể gồm: + Vòng chính tinh: Tử vi, Liêm trinh, Thiên đồng, Vũ khúc, Thái dương, Thiên cơ - Thiên phủ, Thái âm, Tham lang, Cự môn, Thiên tướng, Thiên lương, Thất sát, Phá quân (14 sao). + Vòng Thái tuế: Thái tuế, Thiếu dương, Tang môn , Thiếu âm, Quan phù, Tử phù, Tuế phá, Long đức, Bạch hổ , Phúc đức, Điếu khách, Trực phù (12 sao). + Vòng tràng sinh: Trường sinh. Mộc dục, Quan đới, Lâm quan, Đế vượng, Suy, Bệnh, Tử, Mộ, Tuyệt, Thai, Dưỡng (12 sao). + Vòng Lộc tồn: Lộc tồn, Lực sĩ, Thanh long, Tiểu hao, Tướng quân,Tấu thơ, Phi liêm, Hỷ thần, Bệnh phù, Đại hao, Phục binh, Quan phủ (12 sao). + Vòng Thiên mã: Thiên mã, Hoa cái, Kiếp sát, Thiên sát, Nguyệt sát, Đào hoa (6 sao) + Triệt - Tuần (4 sao) + Vòng 12 sao sẽ được chọn thích hợp theo qui tắc an sao tử vi đã biết ? Hoặc với cấu trúc khác: + Vòng chính tinh: Tử vi, Liêm trinh, Thiên đồng, Vũ khúc, Thái dương, Thiên cơ - Thiên phủ, Thái âm, Tham lang, Cự môn, Thiên tướng, Thiên lương, Thất sát, Phá quân (14 sao). + Vòng Thái tuế: Thái tuế, Thiếu dương, Tang môn , Thiếu âm, Quan phù, Tử phù, Tuế phá, Long đức, Bạch hổ , Phúc đức, Điếu khách, Trực phù (12 sao). + Vòng tràng sinh: Trường sinh. Mộc dục, Quan đới, Lâm quan, Đế vượng, Suy, Bệnh, Tử, Mộ, Tuyệt, Thai, Dưỡng (12 sao). + Vòng Lộc tồn: Lộc tồn, Lực sĩ, Thanh long, Tiểu hao, Tướng quân,Tấu thơ, Phi liêm, Hỷ thần, Bệnh phù, Đại hao, Phục binh, Quan phủ (12 sao). + Vòng Tướng tinh: Tướng tinh, Phan an, tuế dịch, Tức thân, Hoa cái, Kiếp sát, Thiên sát, Nguyệt sát, Chỉ bối, Đào hoa, Tai sát, Vong thần (12 sao). + Triệt - Tuần (4 sao) + Vòng 6 sao sẽ được chọn thích hợp theo qui tắc an sao tử vi đã biết ? Xét lá số: Nữ, giờ ngọ, ngày 12, tháng 6 năm mậu thân N(năm) = thân = 6 M(năm) = mậu = 4 N(tháng) = tháng 6 = 3 N(ngày) = ngày = 12 N(giờ) = ngọ = 4 Vậy: N(mệnh) = [12 + N(tháng) – N(giờ)]%12 = 11 = sửu N(thân) = [4 + N(tháng) + N(giờ)]%12 = 11 = sửu i = [(N(mệnh) + 1)%2 + N(mệnh) - 1]/2 = 5 j = M(năm)%5 = 4 Theo bảng tra cục => Cục[5,4] = 4 = Kim tứ cục k = (Cục – N(ngày) % Cục) % Cục = ((4 - 0)%4)%4 = 0 l = (Cục – k) /Cục = 1 m = N(ngày) /Cục = 12/4 = 3 N(tử vi) = [(l + 1) % 2] [ (12 + m + k x (– 1)^k) % 12] + l [(m - 1) % 12] = 2 = thìn N(liêm trinh) = (N(tử vi) + 4) % 12 = 6 = thân N(thiên đồng) = (N(tử vi) + 7) % 12 = 9 = hợi N(vũ khúc) = (N(tử vi) + 8) % 12 = 10 = tý N(thái dương) = (N(tử vi) + 9) % 12 = 11 = sửu N(thiên cơ) = (N(tử vi) +11) % 12 = 1 = mão N(thiên phủ) = [N(tử vi) + (12 – 2 (N(tử vi)%6))]%12 = [2+(12-2(2%6))]%12 = 10 = tý N(thái âm) = (N(thiên phủ) + 1) % 12 = 11 = sửu N(tham lang) = (N(thiên phủ) + 2) % 12 = 0 = dần N(cự môn) = (N(thiên phủ) + 3) % 12 = 1 = mão N(thiên tướng) = (N(thiên phủ) + 4) % 12 = 2 = thìn N(thiên lương) = (N(thiên phủ) + 5) % 12 = 3 = tỵ N(thất sát) = (N(thiên phủ) + 6) % 12 = 4 = ngọ N(phá quân) = (N(thiên phủ) +10) % 12 = 8 = tuất N(thái tuế) = N(năm) = 6 = thân Theo tử vi đẩu số: N(trường sinh) = [(Cục + 1)%2][3((6 – Cục)/2)] + [Cục%2][6 + 3[(6 – Cục)/2]]= 3 = tỵ Theo tử vi Lạc Việt: N(trường sinh) = [(Cục + 1)%2][3(Cục/3)] + [Cục%2][3 + 6[(6 – Cục)/2] = 3 = tỵ N(thiên mã) = [3 + 3((N(năm)%4 + 1)%2) + 6((N(năm)%4)/2)]%12 = [3 + 3 + 6]%12= 0 = dần N(hoa cái) = [N(thiên mã) + 2]%12 = 2 = thìn N(kiếp sát) = [N(thiên mã) + 3]%12 = 3 = tỵ N(thiên sát) = [N(thiên mã) + 4]%12 = 4 = ngọ N(nguyệt sát) = [N(thiên mã) + 5]%12 = 5 = mùi N(đào hoa) = [N(thiên mã) + 7]%12 = 7 = dậu N(triệt1) = [2((9 – M(năm))%5) + 10]%12 = 10 = tý N(triệt2) = [2((9 – M(năm))%5) + 10] % 12 + 1 = 11 = sửu N(tuần1) = 10 - [12 + M(năm) – N(năm)]%12 = 10 = tý N(tuần2) = 11 - [12 + M(năm) – N(năm)]%12 = 7 = sửu Vòng Chính tinh, vòng Thái tuế, vòng Tràng sinh, vòng Thiên mã và các sao Tuần - Triệt được an tương tự như mục 8. Vòng Lộc tồn tương ứng với 12 sao trên vòng tròn màu xanh lam. Như vậy thì 12 sao được an trên vòng 12 sao trên vòng tròn màu xanh lá phải được chọn thích hợp trong các sao còn lại của Tử vi. Hoặc: Vòng Chính tinh, vòng Thái tuế, vòng Tràng sinh và các sao Tuần - Triệt được an tương tự như mục 8. Vòng Lộc tồn tương ứng với 12 sao trên vòng tròn màu xanh lá. Giả thiết vòng Tướng tinh tương ứng với 12 sao trên vòng tròn màu xanh lam, vậy thì 6 sao được an trên 6 đỉnh trong của 6 tam giác màu vàng phải được chọn thích hợp trong các sao còn lại của Tử vi. (còn tiếp) Tài liệu tham khảo [1] Octonions - J. Baez [2] Physics of E8 and Cl(16) - Frank D. Smith - 7/2008 [3] Clifford Algebra as Quantum Language - James Baugh, David Ritz Finkelstein, Andrei Galiautdinov - 01/2009 [4] Physics from Ancient African Oracle to E8 - Frank D. Smith - 2008 [5] Tử vi đẩu số toàn thư - Hi Di Trần Đoàn / Vũ Tài Lục biên dịch và bình chú. [6] Tử vi khảo luận - Hoàng Thường, Hàm Chương [7] Tử vi đẩu số tân biên - Vân Đằng Thái Thứ Lang [8] Tử vi tinh điển - Vũ Tài Lục [9] Tử vi hàm số - Nguyễn Phát Lộc [10] Số Tử vi dưới mắt Khoa Học - Hà Thúc Hồng, Vu Thiên, Nguyễn Đắc Lộc. [11] Tử vi ảo bí biện chứng học- Hà Lạc Dã Phu Việt Viêm Tử [12] Tử vi tướng pháp trọn đời - Bửu Sơn [13] Tử vi tổng hợp - Nguyễn Phát Lộc [14] Tử vi hoàn toàn khoa học - Đằng Sơn [15] Sách tử vi - Trừ Mê Tín [16] Magic Squares of LIE Algebras - C.H. Barton and A. Sudbery - 2008 [17] Triality, Exceptional LIE Algebras and Deligne Dimension Formulas - J.M. Landsberg and L. Manivel [18] An Exceptionally Simple Theory of Everything - A. Garrett Lisi Nguyễn Xuân Quang 12/05/2009
  19. Chào anh vuivui, Phải công nhận cái máu ngạo mạn, lãng tử của anh ngày càng dâng lên đến đỉnh đầu. Anh có hiểu gì về các nhóm G2, F4, E6, E7 và hơn nữa là E8 mà anh phát biểu văng mạng vậy. Khi tôi nói F4 hàm chứa qui luật tương tác là của khoa học hiện đại và trên thực tế G. Lisi đã công bố một lý thuyết hợp nhất các lực tương tác gần đây là chủ yếu dựa trên các nhóm G2 và F4 này, dĩ nhiên nó đã bao hàm SU(3)xSU(2)xU(1) là cái đã hợp nhất tương tác mạnh-yếu-điện từ trong Mô hình chuẩn của Lý thuyết hạt. Việc xác định sơ bộ có sự tương đồng cấu trúc các Root vector của bộ nhóm Lie ngoại lệ G2, F4, E6, E7 trong cấu trúc của Tử vi là một chuyện thực sự gây sự ngạc nhiên cho bất kỳ nhà khoa học lý thuyết chân chính nào. Anh có điều gì chưa rõ có thể hỏi thêm, thái độ coi thường như vậy thật không phải lối chút nào. Để mô tả một thực thể phức tạp như con người, Người xưa hoàn toàn có thể áp dụng qui luật của nhóm E7 vì đó là cấu trúc toán học mà các nhà khoa học gọi là để mô tả Macrospace của Manyworld (đa thế giới). E7 là một nhóm Lie (nhóm + đa tạp) 133 chiều (126 root đỉnh), với một đa tạp đến 126 chiều mới khả dĩ mô tả được đối tượng là con người mà anh cho là tầm thường à. Với 78 thành phần mô tả đặc trưng bản thể và 48 thành phần mô tả đặc trưng tương tác anh cho là ít à. Trong khi với F4 52 chiều (48 root đỉnh) người ta đã có thể mô tả được đầy đủ (thống nhất) 4 lực tương tác của vật lý kể cả lực hấp dẫn. Tôi mong anh vuivui đừng làm khó người khác vì cái không biết của mình. Tôi cũng biết anh rất khó tiếp thu được các tri thức này vì anh luôn có định kiến:" chắc hắn muốn chơi trội nên làm khó diễn đàn và anh là người mới là người hiểu biết phải vạch trần ý đồ v.v...". Tôi không phải là người như vậy. Tôi hiểu điều anh nói vì anh vẫn thường có thái độ như vậy trong các diễn đàn nhưng chắc chắn anh rất khó để hiểu đúng những điều tôi viết. Thật là khó để trình bày cho anh hiểu vì đã lâu rồi anh không cập nhật tri thức khoa học hiện đại và cũng vì tư tưởng anh cũng đã chai sạn rồi, rất khó để tiếp thu cái mới. Sự thực thì anh chưa đọc kỷ, suy nghiệm và thẩm tra cẩn thận nên anh lại tưởng tôi phí hơi nói đến các loại toán theo như những cái anh tưởng tưởng ra. Không phải vậy đâu anh vuivui ạ. Mong anh rút lại những lời nói quá lời. Thân mến
  20. Batin thân mến! Trước hết, tôi mong Batin khi đọc đừng để bị "biến từ" hoặc "nuốt từ". Ví dụ, khi tôi nói: thì Batin lại suy diễn: "...lại là… nền tảng cho mọi “học thuyết” khác (hay chính xác hơn là “tư tưởng” khác) hướng tới để xác lập chân đứng như anh viết? Phải chăng “phương tiện” là “nền tảng”? Phải chăng Toán học hiện thời, thậm chí trong tương lai, là “khả tín, khả dụng, khả tri” nhất khiến các học thuyết khác muốn đứng vững, muốn được công nhận là khách quan thì phải đứng bằng đôi chân của toán?...". Thêm bớt một vài từ vấn đề sẽ có thể trở thành cực đoan và có khi còn bị tối nghĩa hoặc phản tác dụng. Batin thân mến, tôi sẽ trả lời những vấn đề được đặt ra của Batin nếu đó là thực tâm của Batin. Vì đó cũng một trong những điều kiện để chủ đề không bị phân kỳ, nói nôm na là để tránh lọt vào tình trạng "nói vần lân". Tôi nghĩ, nhiều khả năng Batin chưa thực sự chuẩn bị sẳn sàng để biết, để hiểu, để NGỘ về chúng. Tôi tạm nói vắn tắt: "các cơ sở toán học thông thường không đủ tầm để động đến các vấn đề liên quan đến ý thức hoặc tâm linh, nhưng các cơ sở nghiên cứu tổng quát về "phạm trù", về "đối xứng", về "phép biến đổi", về "đa tạp", về "cấu trúc octonionic", về "phi tuyến", về "hổn độn" v.v... nhằm thâm nhập sâu vào hầu hết các dạng thức tồn tại của hiện thực. Còn vấn đề này: Tôi hoàn toàn không đánh giá Batin như vậy, tôi chỉ cảnh giác: "Một khi mình dám gói cả một cục "to như Vũ trụ" để xếp qua một bên mà bang bang đi tiếp, thì còn chi mà phải ngại nên nguy cơ đó là rất lớn" Thân mến
  21. @Batin thân mến, tôi đã viết tất rõ: lý luận một hồi rồi Batin lặp lại: Đúng vậy, Toán học là công cụ, là phương tiện "khả tín, khả dụng, khả tri" cực mạnh của "Nền văn minh đương đại". Bất cứ Lý thuyết khoa học nào đều hướng tới xác lập được chân đứng vững vàng trên nền tảng toán học. Đó cũng là cơ sở khách quan và hiệu quả để phát triển các ứng dụng của Lý thuyết khi xác minh được sự phù hợp của mô hình với thực tại. Đoạn này Batin còn rất trẻ, thời gian để tiếp cận với các tri thức "đầy đặn" và "chuẩn" của nhân loại còn rất nhiều. Đừng vội "phán" hãy tiếp tục tích lủy...! Cũng nên tránh lối tư duy "gói một cục, giục qua một bên" vì nó sẽ làm cho các bạn trẻ bỏ qua rất nhiều điều "đáng quý" và vô tình lại làm tăng trưởng "sự ngông và lý sự" dẫn đến thui chột sức sáng tạo chân chính của tuổi trẻ. Ví dụ như trong chỉ một câu:"...cho đến phức tạp như đại số Lie, E8..." tưởng chừng như vấn đề đã đủ để khép lại. Nhưng không phải như vậy, trên thực tế đã qua nhiều đời các nhà "bác học" nghiền ngẫm nối tiếp nhau, con người hiện đại chỉ mới nhận thức được rất ít ỏi về ý nghĩa của nó. Trong khi trên cơ sở này nền khoa học đương đại đang viết những chương thuyết phục nhất về "Sự Sáng Thế". Khoa học hiện đại có thể hiểu là sự "xây dựng lại" hoặc "sáng tạo lại" các tri kiến của "Người xưa" nhưng không thể hiểu là những mảnh vụn còn sót lại được vì mọi cái hay dỡ của nó đều tường minh Batin ạ. Tôi viết những điều này vì niềm tin vào sự trưởng thành và tin vào sự chín chắn của các bạn trẻ. Tôi không đấu lý hay tranh luận, nhưng có điều gì chưa rõ các bạn cứ hỏi. Thân mến
  22. Batin thân mến! Trước mắt mọi người đều nhận thấy một cách trực quan như Batin đã nhận xét:"về cơ bản ADNH và khoa học phương Tây là khác nhau cả về nhận thức lẫn phương pháp luận". Mọi người cũng nhận thấy Lý học với dạng thức hiện tại không quan tâm đến "phổ Hydro" thể hiện như thế nào, và mọi người cũng nhận thấy nền khoa học hiện tại không biết "coi bói". Nhưng nếu mọi việc sáng sủa như vậy và chỉ là như vậy thì anh TS với tư cách là một nhà Lý học đã không có cách gì để "rất tự tin" chỉ thẳng ra học thuyết ADNH là TOE. Tương tự như vậy khoa học hiện đại với nền tảng toán học và công nghệ đồ sộ như vậy sẽ chẳng có ai phải sửng sốt kêu lên:"Thuyết ADNH với dạng thức hiện tại vẫn là những mảnh vụn còn lại của một TOE". Đây chính là lương tri Batin ạ. Các nhà khoa học nhận thức được một nền văn minh toàn cầu cổ xưa, hoàn toàn có thể xây dựng một lý thuyết mới mà chẳng cần nhắc gì đến ADNH, nhưng họ đã không làm như vậy. Trong các paper dày đặt các công thức toán học họ vẫn luôn nhắc đến sự huyền vĩ của nền lý học phương đông, rộng hơn là của nền văn minh toàn cầu cổ xưa. Không đơn giản vì khủng hoảng ý tưởng mà "ngành vật lí hiện đại mới tìm về phương Đông, tìm về với Phật học, với Lí học, Đạo học… " đâu Batin thân mến. Vấn đề là ở chỗ, cho đến những năm gần đây, tri thức của con người hiện đại mới tạm đủ để có thể từng bước, từng bước chắc chắn thâm nhập vào địa hạt này. Chỉ vì chúng ta thiếu thông tin cập nhật và cũng vì sự nhạy cảm của chủ đề, cũng như do nó còn quá mới và quá khó mà các phương tiện thông tin hay các trường đại học đã không hoặc không kịp phổ biến các tri thức này. Vật lý toán là một trong những công cụ và phương tiện tri thức đỉnh cao của nền văn minh hiện đại, không nên đặt khoa học lý thuyết và Lý học đối lập với nhau hoặc phân biệt quá rạch ròi một chút nào vì trên thực tế cả hai đều cùng tri thức về thế giới. Câu "ADNH là trường hợp riêng của vật lí toán" không đúng Batin ạ, vật lý toán không phải là một lý thuyết để nhận ADNH là trường hợp riêng. Kaka cũng như tôi chỉ muốn cho mọi người trên diễn đàn biết được một sự thật:"Lý học phương đông đã được người xưa xây dựng trên một nền tảng toán học rất cao, không phải chỉ là các lý luận mà nền Lý học thực sự có nền tảng sừng sửng là các Định Lý của toán học". Tôi xin nhắc lại, đó là các Định lý chứng minh bằng toán học chứ không phải chỉ là các nguyên lý phải chấp nhận. Vì vậy, tính đúng đắn và khoa học của các ứng dụng Lý học trên thực tế là hoàn toàn có cơ sở nếu ứng dụng đó không bị thất truyền hoặc đã bị làm méo mó sai với nguyên bản. Để tính toán, con người ai cũng phải dùng đại số. Với các đối tượng phức tạp người ta phải dùng các công cụ đại số tổng quát, hình học tổng quát để tính toán, để luận giải. Đại số Clifford, đại số Lie, hình học đại số, hình học không giao hoán... là những công cụ như vậy. Thực ra Kaka đã cập nhật được thông tin chứ không phải là các ý kiến chủ quan. Khi đã thấm nhuần được tư tưởng Dịch lý, tư tưởng ADNH, tư duy Lý học, tư duy khoa học thì bất cư ai cũng sẽ chọn một cuộc sống nhân bản, giản dị, hiệu quả, bản lĩnh, trí tuệ và an lạc. Tôi nghĩ điều này đúng với mọi người dù là người VN bình thường hay một nhà KH phương tây nỗi tiếng. Thân mến
  23. Anh Thiên Sứ kính mến Em sẽ viết vài điều về những lập luận của anh, nhằm mục đích góp ý bổ sung hoàn thiện hơn cho Tiểu luận, không nhằm phản bác lại anh. Anh viết: 1. Không-thời gian vũ trụ dù lớn dù bé cũng chỉ là chính nó, không có không gian phi vật chất bao quanh. Không-thời gian vũ trụ tương tự như hiện nay cũng phải được tạo sinh, không có sẳn.2. Ở trạng thái khởi nguyên chỉ cần điều kiện tồn tại năng lượng dương là đủ, câu "vật chất cô đặc vô hạn" kể cả nhiệt độ cực cao chỉ là những suy diễn cảm tính của lối hành văn nhằm gây ấn tượng lên đọc giả. Thực tại lúc ấy vẫn là pha vacuum ngậm năng lượng dương (gọi là nguyên khí tiên thiên thì dễ cảm nhận hơn), ngoài ra không có vật chất nào theo nghĩa thông thường ở pha vacuum, tất cả đều đối xứng, đều trung hòa.Trạng thái khởi nguyên như vậy gọi là Thái Cực thì hợp lý hơn. 1. Phát biểu: "để cân đối với một không gian phi vật chất vô hạn và không mâu thuẫn với nó." không vững anh ạ vì không có không gian phi vật chất nào bao quanh. 2.Nhận định: "Tính hợp lý tất yếu của hệ quả phi lý này – chính là thuyết vũ trụ phải co lại mà hầu hết các nhà khoa học đang đặt ra khi thừa nhận thuyết Bigbang" không còn phù hợp, hiện tại quan điểm giãn nở mãi mãi đang thắng thế. 3. "Bởi vì sự hữu hạn của vật chất cô đặc hay của một cái có sự bắt đầu thì không thể phóng ra mãi trong một không gian vô hạn." Không gian vô hạn không có sẳn. Không gian vũ trụ có thể sẽ vô tận khi thời gian tiến đến vô tận nhưng hiện tại thì không. Vật chất tự hình thành bên trong vũ trụ khi có điều kiện thích hợp, không có việc phóng vật chất từ một điểm kỳ dị nào một không gian vô hạn có sẳn bao bọc bên ngoài cái điểm kỳ dị đó. 4. " Với một sự tưởng tượng phong phú nhất, người ta không thể giải thích được chuyển động cong của các vật thể từ vi mô đến vĩ mô trong vũ trụ bằng thuyết Bigbang." Nhận định này không phù hợp, không gian vũ trụ tiến hóa từ cong đến phẳng (hoặc thẳng) dần, riêng các vật thể khi chuyển động trong "trạng thái dừng" (không tồn hao năng lượng) sẽ có quỹ đạo cong khép kín ví dụ như chuyển động của Mặt trăng quanh Trái đất, Trái đất quanh mặt trời, điện tử quanh hạt nhân v.v... 5. "Nhưng người ta không thể giải thích được từ một tâm điểm duy nhất bùng nổ trong một không gian đa chiều làm thế nào vật chất lại có thể kết hợp với nhau để vũ trụ có một cấu trúc như hiện nay. Hay nói một cách khác: người ta sẽ không thể cân đối được một năng lượng khổng lồ tạo ra một nội lực làm vật chất bùng vỡ đến mức độ tan vụn thành dạng hạt và sự tương tác kết hợp các hạt đó với nhau để tạo thành các sao, hành tinh và các Thiên hà.' Nhận định này không phù hợp vì vật chất không phải bùng nổ từ một điểm duy nhất vào một không gian (đa chiều) có sẳn. Không gian (đa tạp) của chính vũ trụ lúc khởi nguyên lượng tử hóa (mang năng lượng >0) dẫn đến giãn nở, mật độ năng lượng giảm dần theo quá trình giãn nở của không gian, khi điều kiện thích hợp (kết hợp với sự phá vỡ đối xứng nhất định) các hạt sơ cấp (fermions) thoát khỏi pha vacuum để thành lập lực lượng vật chất cơ bản cùng với các lực tương tác (bosons) tương ứng, và lực lượng vật chất có đặc tính chung là chống lại xu hướng giãn nở của không gian vũ trụ.Không gian vũ trụ hiện nay là kết quả tranh chấp của sự giãn nở và hấp dẫn của hai thế lực này. 6. "Với sự bắt đầu từ một tâm duy nhất bùng nổ, khiến vật chất bắn vào không gian và tạo nên vũ trụ tiếp tục chuyển động ra xa nhau như hiện nay thì về lý thuyết sẽ không thể có sự nhận thức quá khứ, khi tất cả mọi sự vận động của vật chất từ vi mô đến vĩ mô đều chỉ vận động về phía trước. Trong khi đây là một thực tế đang hiện hữu mà chúng ta quen gọi là kỷ niệm, trí nhớ..." Tương tự như câu 5 nhận định này không phù hợp, không có việc vật chất bắn vào không gian giống như hình ảnh của sự bùng nổ siêu tân tinh (supernova), hơn nữa chỉ có không-thời gian giãn nở, vật chất vẫn tương tác với nhau kết quả là tăng dần bậc liên kết và giữ chặt lẫn nhau hình thành các cụm vật chất. Năng lượng cũng như thông tin vẫn bảo toàn để bảo đảm cho mọi quan hệ như hiện thực đang có. 7. "Khi đã có sự hiện hữu của vật chất ở giai đoạn trước Bigbang (vật chất cô đặc) thì khoảng không vũ trụ do cái gì tạo ra và có hay không có giới hạn ở khoảng không này?" Đây là sự hiểu lầm tai hại do các "nhà khoa học tập tành làm nhà văn" đã gây ra cho đọc giả. Lúc khởi nguyên (nói như anh TS là giây 0) vũ trụ ở pha vacuum, thể này tương tự như năng lượng tối hiện nay mặc dù chiếm đến 72% năng lượng vũ trụ nhưng vẫn ẩn dấu ở trạng thái chân không. Em tạm phân tích đến đây vì đã khuya rồi, em đã cố gắng viết bằng ngôn ngữ bình thường, kính mong anh TS hiểu đúng thành ý của em. Thân mến
  24. Anh Thiên Sứ kính mến, anh viết Vâng, theo em chúng không những không mâu thuẩn với "Thái Cực sinh lưỡng nghi" mà dường như còn được dẫn dắt bởi tư tưởng của "Thái Cực sinh lưỡng nghi". Ngày nay các nhà khoa học hầu hết đều ít nhiều nắm bắt được tư tưởng Dịch lý, tư tưởng Âm Dương Ngũ Hành anh ạ. Trong nhiều vấn đề thay gì họ lý luận thì họ đã dùng toán học và thành tựu nghiên cứu của nhiều người vì vậy họ có được nhiều cơ sở hơn để lượng hóa, trên thực tế một paper ngắn có khi có đến hàng vài chục tài liệu tham khảo. Thân mến
  25. Anh Thiên Sứ kính mến Em nghĩ mỗi chúng ta đều có khả năng tự suy nghiệm và đều biết mình là ai vì tư tưởng dịch lý đều đang chảy trong huyết quản mỗi người. Em cũng không cho rằng chỉ có những người có bằng cấp cao thì mới có thể nói đến các vấn đề khoa học. Vì một lẽ rất tự nhiên là:"bằng cấp và trình độ không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau". Bằng cấp luôn thuộc về quá khứ đã từng, trình độ hiện tại mới là hiện thực đáng kể. Quay lại câu chuyện khởi nguyên, bản thân em cũng không thích cái thuật ngữ bigbang và cũng cũng không đồng ý với cái từ "vụ nỗ lớn". Theo em không hề có cái gì giống như một vụ nỗ lúc khởi nguyên. Khái niệm mật độ vật chất vô hạn là một sự mô tả rất hời hợt. Ai cũng biết chỉ cần mẫu số -> 0 và kể cả khi tử số >0 nhỏ tùy ý là ta đủ để có kết quả như vậy, chẳng cần phải gom toàn bộ năng-khối lượng của vũ trụ chia cho thể tích của 1 điểm. Điểm lưu ý đầu tiên Không-thời gian là một thực thể tồn tại (tương tự như các thực thể tồn tại khác mà ta gọi là vật chất) chúng phải được tạo sinh từ khởi nguyên. Nói về sự to nhỏ, sự lớn bé liên quan đến kích thước theo không-thời gian ta hãy bắt đầu từ tính liên tục. Vì tính liên tục mà ta có "với một đoạn nhỏ tùy ý ta cũng có một tập vô hạn các phần tử" và chính vì tính liên tục tuyệt đối này mà số phần tử được gói ghém trong kích thước planck 10^(-33)cm không hề ít hơn số phần tử chứa trong kích thước Vũ trụ 13.7 tỷ năm ánh sáng. Chúng đẳng cấu. Trên thực tế sự bề thế, sự vĩ đại ta đang cảm nhận về Vũ trụ là do chúng ta đang thừa hưởng tính lượng tử của không-thời gian từ khởi nguyên.Lúc này ta chỉ thực sự có "tính liên tục có giới hạn" và các kích thước dài ngắn, gần xa trở nên có phân biệt. Sự choán kích thước là hệ quả của cơ chế lượng tử hóa này.Tức là, kết quả ta có không gian sẽ choán kích thước từ nhỏ bé đến khổng lồ (-> phẳng) và tương tự thời gian sẽ choán kích thước từ quá khứ xa xăm đến tương lai xa tít mù. Đối với khởi nguyên, thực sự ta chỉ cần "yếu tố động lực" (chẳng hạn năng lượng) >0 là đủ, không cần phải thêm vào yếu tố vô hạn hay khổng lồ vì các thực tại sau đó sẽ có các tỷ lệ tương ứng và điều này không hề làm giảm đi tính vĩ đại của Vũ trụ hiện hữu hay sự to tát của mọi vật quanh ta. Đây là vấn đề của thước đo và thứ nguyên trong các đại số có phép chia thực. Vấn đề quan trọng khác là Vũ trụ hiện hành không có Tâm tuyệt đối, tất cả đều bình đẳng. Nói chính xác thì Tâm tuyệt đối đó đã từng có và đã ở lại cùng với khởi nguyên, Vũ trụ hiện hành đã cách rất xa khởi nguyên kể cả theo không gian và theo thời gian. Trong Vũ trụ hiện hành thực sự tồn tại tính đối xứng "đồng nhất-đẳng hướng". Sự rời xa nhau của các thiên hà theo người quan sát có vận tốc tỷ lệ tuyên tính với khoảng cách giũa người quan sát và thiên hà được quan sát theo mọi hướng, tức là khi ta quan sát thấy các thiên hà ở rất xa chuyển động với vận tốc ->c thì ở nơi đó, các nhà quan sát cũng thấy hệ Ngân hà của chúng ta đang phi vù vù với vận tôc ->c tương tự. Khoảng không giữa các thiên hà giãn nở (choán không-thời gian) đẩy các thiên hà (hầu như) đều rời ra lẫn nhau, nhưng khoảng không trong các thiên hà đã bị "đóng băng" bởi tràn ngập các lực tương tác của các thiên thể trong đó nên sự ổn định tương đối quĩ đạo của các thiên thể và các hệ thiên thể là câu chuyện nội bộ của các thiên hà. Với mô hình giãn nở thì "vận tốc tỷ lệ tuyên tính với khoảng cách giũa người quan sát và thiên hà được quan sát", tương tự như khi ta thổi bong bóng to dần lên thì các điểm đánh dấu trên mặt bong bóng càng xa nhau thì có vận tốc càng lớn và nó thực sự tỷ lệ tuyến tính với khoảng cách giữa các điểm đánh dấu, cũng như tất cả chúng đều thực sự rời xa lẫn nhau. Trên đây em tạm nêu ra một số luận cứ để anh TS tham khảo, có điều gì chưa rõ, anh có thể trao đổi thêm. Thân mến