Võ Đức Cường
Thành viên diễn đàn-
Số nội dung
25 -
Tham gia
-
Lần đăng nhập cuối
Content Type
Hồ sơ
Forums
Calendar
Everything posted by Võ Đức Cường
-
Đôi lời với quý độc giả Quý vị đang cầm trên tay bộ : Anh hùng Đông a, gươm thiêng Hàm tử (GTHT) Đây là bộ lịch sử tiểu thuyết thuật cuộc bình Mông của tộc Việt lần thứ 2 và 3 vào thế kỷ thứ 13. Trong chữ Hán, chữ Đông với chữ a thành chữ Trần. Cho nên các văn gia trong lịch sử Việt Nam, gọi triều Trần là triều Đông a. Khi thuật chiến công của các anh hùng triều Trần, trong việc bình Mông, tôi đặt tên là :Anh hùng Đông a. Tôi chia Anh hùng Đông a làm hai giai đoạn : – Giai đoạn 1, mang tên : Anh hùng Đông a, dựng cờ bình Mông(DCBM) Thuật cuộc xâm lăng Đại việt của Mông cổ lần thứ nhất. – Giai đoạn 2 mang tên : Anh hùng Đông a, gươm thiêng Hàm tử (GTHT) Thuật cuộc xâm lăng Đại việt của Mông cổ lần thứ 2, và 3. Anh hùng Đông a, dựng cờ bình Mông, gồm 50 hồi, chia làm 5 tập, mỗi tập khoảng trên dưới 500 trang. Tổng cộng 2566 trang. Nội dung thuật cuộc bình Mông lần thứ nhất. Khởi đầu từ năm 1150 ; khi vua Lý Anh Tông lên ngôi vua, Cảm Thánh thái hậu nhiếp chính. Bà để cho tình nhân là Đỗ Anh Vũ nắm quyền. Trong nước rối loạn. Bao nhiêu kỷ cương bị xóa bỏ. Cuối cùng các anh hùng phải làm cái truyện xóa bỏ triều Lý lập ra triều Trần. Năm 1257, Mông cổ mang 10 vạn kị binh, 10 vạn hàng binh Đại lý sang đánh Đại việt, bị thất bại. Bộ sách này do Đại nam Hoa kỳ xuất bản năm 1999. Do nhà xuất bản Trẻ, tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2003. Năm 1999, khi xuất bản bộ Anh hùng Đông a, dựng cờ bình Mông, tôi hứa rằng sẽ cho ra đời giai đoạn 2 của cuộc bình Mông 3 năm sau. Nhưng nghề sinh nhai lối dọc đường ngang không cho tôi giữ đúng lời hứa. Nguyên do : Khi tiền nhân đặt chương trình viết lịch sử tiểu thuyết (LSTT) cho tôi đã căn dặn hai điều : Một là : Khi viết là phải khai chiến với không biết bao nhiêu ma quỷ bị giết khi chúng xâm lăng VN. Lại phải khai chiến với Ma-sống, Quỷ-sống chúng đã, đang muốn bán nước(mà không có nước để bán). Vì vậy cần chế chỉ tâm thần. Hai là :Hết sức tránh không thể để bị lạc lối. Muốn viết gì, làm gì, cũng phải chờ khi hoàn tất chương trình viết LSTT đã. Vì vậy trong thời gian viết bất cứ bộ LSTT nào, tôi cũng tự giam mình trong hào quang Liệt-tổ Đai-Việt. Cứ sau khi một bộ ra đời, thì tôi lại nghỉ 6 tháng. Theo đúng chương trình, thì cuối năm 2002, tôi cho xuất bản bộ Anh-hùng Đông-a Gươm thiêng Hàm-tử (GTHT), tiếp theo bộ Anh hùng Đông A dựng cờ bình Mông(DCBM). Trong bộ thứ hai này, tôi dùng hành trạng của Trấn bắc đại-tướng quân Hoài-văn vương Trần Quốc Toản làm chủ động. Hay nói giản dị hơn, là thỉnh ngài làm nhân vật chính. Nhưng khi mọi sự chuẩn bị, thì một du học sinh tại Trung-quốc gửi cho tôi mấy trang gia phả của một dòng họ Trần bên Trung-quốc, cùng hình ngôi mộ. Gia phả, cũng như mộ chí thuật rằng : sau khi thắng Mông-cổ lần thứ ba, Hoài Văn vương theo vương phi nguyên là công-chúa Tống về Trung-quốc kháng chiến chống Mông-cổ. Vì vậy tôi ngừng lại. Năm 2002 tôi sang Trung-quốc tìm hiểu chi tiết này. Nên nội dung bộ bộ GTHT phải sửa lại toàn bộ. Nhưng rồi những biến cố dồn dập tới khiến cho bộ GTHT bị chậm trễ. Kể từ năm 1977 là năm tôi bắt đầu dạy học, tôi cố gắng chế chỉ tâm thần, không cho in, không cho xuất bản những bài giảng của tôi về vấn đề Vu sơn học ( Sexology). Vì tôi không viết về Y thì có hằng nghìn người viết. Nhưng năm 2000, do yêu cầu của Viện Pháp á (IFA = Institut Franco Asiatique) và Hội nghiên cứu y học Á châu (ARMA= Association pour la recherche de la Médecine asiatique), tôi phải biên tập tất cả những bài giảng về Sexology, cho xuất bản (làm sách giáo khoa). Do vậy việc viết LSTT của tôi phải tạm ngừng. Bộ Giảng Huấn Tình Dục Bằng Y Học Trung-quốc (The Chinese medical Sexology), đã do tvvn.com, California, USA, xb 2002, gồm 3 quyển. Tổng số trang nếu là khổ tiểu thuyết lên tới 2500 ! Tôi bị bắt buộc phải đi lạc hướng ! Tiếp tục, tôi phải biên tập xuất bản bộ Giảng huấn tình dục nữ bằng y học Trung quốc (The Chinese medical Sexology for Womens) cũng khoảng 2500 trang năm 2004 mới xong. Đã hết đâu, cũng năm 2004, ARMA, IFA yêu cầu tôi tập hợp những bài giảng về Khí-công, Tiểu đường, Phong thấp để xb. Thế là tôi phải mất 3 năm biên tập ba bộ Dịch cân kinh,. Tiểu đường, Phong thấp. Bộ Dịch cân kinh do nhà Đại-Nam, CA, USA xb (2004) khoảng 390 trang. Nội dung gồm : – Dịch Cân Kinh, – Thập thức bảo kiện pháp, – Đào hoa trường xuân pháp, – Liên hoa pháp, – Tổng giải về Khí-công. Hai bộ Tiểu đường, Phong thấp do ARMA xb. Thế là tôi mất 5 năm 2001,2002, 2003, 2004,2005! Đây là thời gian sung sức, minh mẫn nhất trong đời. Tôi bị bắt buộc đi lạc hướng. Đã vậy, tôi lại tự đi lạc hướng, tiếp xúc với báo chí, truyền thanh, truyền hình, Internet, mất rất nhiều thời giờ. Không biết do liệt tổ Đại-Việt linh thiêng, hay ông cha trợ giúp, mà một người thân của tôi, thân lắm lắm tuy ngàn trùng cách biệt, mà đã E-Mail cho tôi đến 5 lần, yêu cầu tôi ngừng hết, để trở về với con đường đang đi: LSTT. Thế là năm 2006 tôi trở lại với bộ Anh hùng Đông a Gươm thiêng Hàm tưû (GTHT). Bộ này nối tiếp bộ AHĐA DCBM gồm 61 hồi, chia làm 6 tập, mỗi tập trên dưới 500 trang; bắt đầu từ hồi 51, đến hồi 111. Đến nay, tháng 12- 2009 mới xong, hơn 3185 trang. Nội dung bộ Gươm thiêng Hàm tử thuật lại hai cuộc xâm lăng Đại việt lần thứ nhì, thứ ba của Mông cổ, mỗi lần 50 vạn quân. Bị đánh tan. Cái hài hước là vị trừ quân Nguyên, Tổng tư lệnh lực lượng xâm lăng phải chui vào ống đồng trốn chạy để tránh bị ném đá, bị bắn tên chết. Suốt trong chiều dài lịch sử 5 nghìn năm của Trung quốc, chưa bao giờ một tướng Tư lệnh bị nhục như vậy. Tại Việt Nam, 724 năm qua, khi tuổi trẻ tộc Việt đọc sử, hoặc nghe giảng đến truyện này đều cười lăn, cười lộn. Thời gian của bộ GTHT từ năm 1257 đến năm 1289, trong khoảng 32 năm. Trong 32 năm đó, ngoài chiến công lừng lẫy, văn hóa Đại việt nở rộ ra bốn kho tàng: – Chữ Nôm, – Hát Xẩm, – Hát chèo, – Điệu múa Bài bông. Về chữ nôm, tôi có đủ tài liệu, đủ kiến thức thuật. Nhưng ba bộ môn văn nghệ kia, tôi chỉ biết nguồn gốc, cơ cấu hình thành. Còn điệu ca, các thể loại thì mù tịt. Tôi đành trở về Hà nội tìm kiếm. Tôi đến Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt nam, bấy giờ trụ sở tại 75 hàng Bồ, quận Hoàn kiếm, Hà nội. Tháng 4-2008 trung tâm dời đến đình Hào nam, địa chỉ 32/32, Hào nam, quận Đống đa. May mắn tôi gặp nghệ sĩ ưu tú Thanh Ngoan, một nghệ sĩ đa tài, sắc nước hương trời, yêu nghệ thuật hơn yêu chồng, yêu con. Nếu nói ngoa một chút thì cô yêu nghệ thuật hơn yêu chính mình. Thanh Ngoan là cuốn tự điển về âm nhạc VN. Tôi hỏi gì Thanh Ngoan giảng như mưa tuôn, như thác chảy. Khi tôi hỏi câu: – Hát Xẩm gồm có những thể loại thơ văn nào? Thanh Ngoan trả lời: – Bất cứ thể loại thơ văn nào, bất cứ điệu ca nào cũng có thể biến ra hát Xẩm được cả. Nói rồi Thanh Ngoan cất tiếng hát một bài theo thể lục bát, tiếp theo các thể song thất lục bát, hát nói (ca trù), chầu văn. Chỉ cần ba buổi làm việc với Thanh Ngoan, tôi đã có cái vốn hiểu biết rất chính xác về ba loại nghệ thuật trên để viết sách. Vậy tôi xin ghi ở đây lòng tri ơn với Thanh Ngoan và tình cảm chân thành với nghệ sĩ Thúy Ngần, Thu Yên, Thu Phương; nhạc sĩ Thao Giang. Nội dung bộ GTHT chia làm 2 giai đoạn rõ rệt : Giai đoạn đầu (1257-1280) Các nhân vật chính là : Vũ Uy vương Trần Nhật Duy và vương phi Trần Ý Ninh. Vũ Uy vương trong ĐVSKTT, VSL có chép, song rất ngắn, rất ít. Nhưng trong sử Trung quốc, sử Mông cổ, gia phả chép rất nhiều. Vương phi Trần Ý Ninh thì trong sử Việt không thấy chép, nhưng trong các gia phả, trong các cuốn phổ thì chép nhiều hơn vương. Nhiều vô cùng. Vương là con trưởng của vua Trần Thái tông và Tuyên phi Mai Đông Hoa. Nhưng vì Tuyên phi xuất thân là ca kĩ, nên dù vương là người tài trí bậc nhất trong 8 anh em, công lao với xã tắc cao ngất trời nhưng không được lập làm Thái tử. Mà ngôi Thái tử truyền cho em thứ 3 của vương là Hoảng, sau là vua Trần Thánh tông. Nguyên do : theo lẽ chính thông của nho gia. Vua Trần Thái tông được truyền ngôi vì là phò mã của vua Lý Huệ tông, thì vua Trần Thái tông phải truyền cho cháu ngoại của vua Huệ tông là hoàng tử Hoảng, con của công chúa Thuận Thiên. – Thời Nguyên phong (1257), trong lần bình Mông thứ nhất, vương là Tổng trấn Bắc cương, đã đánh Ngột Lương Hợp Thai những trận kinh thiên động địa tại Thảo lâm, Bình lệ Nguyên, Phù lỗ, Cụ bản. – Vương là người nhã lượng cao trí, khuất thân cầu hiền, nên nhân tài trong nước tụ về trong vương phủ của vương rất nhiều. Sau trận giặc năm 1257, vua Thái tông muốn nhường ngôi cho thái tử Hoảng, để làm Thái thượng hoàng. Nhưng vì sau trận giặc 1257, uy tínVũ Uy vương lên cực cao, vương nắm binh quyền trong tay, văn võ quan đều hướng về vương. Bấy giờ Mông cổ đòi triều đình Việt phải nhận 6 điều : [*]Một là đích thân quốc vương phải vào chầu, [*]Hai là đem trưởng nam làm con tin, [*]Ba là kê biên dân số, [*]Bốn là phải chịu quân dịch, [*]Năm là phải nộp thuế, lương thảo. [*]Sáu là nhận Đạt lỗ hoa xích (Đa gu ra tri) . Vua Thái tông mượn cớ đó sai vương đi sứ Mông cổ, làm con tin. Vì vương là con trưởng, để có thể truyền ngôi cho thái tử Hoảng mà không sợ vương đem quân về làm chính biến; như Đường Thái tông đã giết anh là thái tử Kiến Thành, em là Nguyên Cát.Như các con vua Lê Đại Hành, các con vua Lý Thái tổ. Trong sứ đoàn vương đem theo 5 nhân vật lừng danh lịch sử: Thiên trường ngũ ưng là : – Dã Tượng Trần Quốc Kinh, – Yết Kiêu Trần Quốc Vỹ. – Nguyễn Đại Hành, – Cao Mang, – Nguyễn Địa Lô. Thêm 7 giai nhân sắc nước hương trời, được danh sĩ Long thành tặng danh hiệu Tô lịch thất tiên, đó là 7 nhân vật trong tôn giáo, gia phả, huyền sử : Hoàng Hoa, khuê danh Lê Thị Phương Dung, sau là thứ phi của Ngột Lương Hợp Thai. Bạch Hoa, khuê danh Đặng Thị Anh. Sau là Tuyên phi của Hốt Tất Liệt. Huyền Hoa, khuê danh Vương Hoài Linh. Sau là Nguyên phi của vua Mông cổ là A Lý Bất Ca Thanh Hoa, khuê danh Tô Kim Huệ. Sau là Tuyên phi của đại hãn Mông Ca. Hồng Hoa, khuê danh Vũ Nguyệt Hương.Sau là hoàng hậu của Bắc Liêu vương Tháp Sát Nhi. Tử Hoa khuê danh Cao Đại Nhu. Sau là vương phi của Cáp Thiết Sáp Nhi. Lan Hoa, khuê danh Cao Thiếu Nhu. Sau là thái tử phi của Ngọc Mộc Hốt Nhi. Đó là 7 kĩ nữ, từ chỗ xấu xa cùng cực, đem thân cho thiên hạ mua cười; biết dùng nhan sắc, dùng tài ca hát giúp nước, làm rung động giang sơn Đại Việt, Mông cổ, Tống, Liêu, Kim, Đại lý. Đúng công trạng, các bà phải được phong là Quốc mẫu. Nhưng đời Trần, tước Quốc mẫu chỉ được phong 1 lần, cho 1 người là bà Trần Kim Dung, hoàng hậu của vua Lý Huệ tôn, sinh mẫu của vua Lý Chiêu Hoàng, cuối cùng là vợ của Thái sư Trần Thủ Độ. Vì vậy 7 bà được triều đình phong tước Thánh mẫu. Khi thác, các bà rất linh thiêng, thường nhập đồng, nên trong tôn giáo, kính trọng 7 bà thường gọi là Đông a Thất vị thánh mẫu. Ngoài ra, vương còn mang theo 5 nhân vật trong văn nghệ, trong huyền sử, trong tôn giáo, trong gia phả là Đông hoa ngũ tiên: Hồng Nga, khuê danh Phạm Thúy Hồng. Sau là vương phi của A Truật, 1 trong các khai quốc công thần của Nguyên. Thúy Hồng, khuê danh Lý Thúy Hồng. Sau là phu nhân của Dã Tượng. Về già ngộ đao đi tu, đắc quả Bồ tát. Ngài là một tổ Mật tông Đại việt. Thúy Nga, khuê danh Hà Thị Thúy. Sau là vương phi của thân vương A Lan Đáp Nhi, tể tướng Mông cổ. Thanh Nga, khuê danh Nguyễn Thị Thanh Nga. Sau là vương phi của Trung nghĩa vương Đại Việt. Thúy Trang, khuê danh Cao Thúy Trang. Sau là hoàng hậu Nãi man. Một đại quốc đối kháng với Nguyên. – Với tài trí, với nhã lượng, ôn nhu, biết xử dụng Thiên trường ngũ ưng, Tô lịch thất tiên, Đông hoa ngũ tiên ; trong khi đi sứ Vũ Uy vương đã kết thân với anh hùng Đại lý, Thổ phồn, Sơn đông Trung quốc, Cao ly, Hồi Cương thành lập thế Quần lang chiến hổ. Chống lại Mông cổ. – Vương dùng tài trí giúp Tống chống Mông cổ, ép Tống trả lại 3 châu Khâu bắc, Chiêu dương, Văn sơn bị Trung quốc chiếm từ thời Lĩnh nam (44 sau Tây lịch), mà Tống đang dung dưỡng cho bọn Thổ phỉ Thân Long cai trị như một nước riêng. Ba châu này nằm giữa Đại lý, Tống và Đại Việt. – Vương tổ chức, dùng mỹ nhân kế, gây chia rẽ giữa vua Mông cổ là Mông ca với em ruột là thân vương Hốt Tất Liệt. Bấy giờ Hốt Tất Liệt đang nắm quân nghiêng nước đánh Tống. Với tài trí của Hốt Tất Liệt thì việc diệt Tống chỉ trong một hai năm. Diệt Tống xong Hốt Tất Liệt sẽ đánh Đại Việt. Kết quả Mông Ca thu binh quyền của Hốt Tất Liệt. Các cánh quân đánh Tống, tạm ngừng. Uy tín Vũ Uy vương trấn động Hoa, Việt, Cao ly, Hồi cương, Đại ly, Thổ phồn. – Hốt Tất Liệt bị thu binh quyền, Mông ca thân chinh đánh Tống. Tống lâm nguy cầu cứu với Đại Việt. Bấy giờ vua Thái tông đã nhường ngôi cho vua Thánh tông. Vua Thánh tông chưa nắm được triều đình. Vua Thái tông lên làm Thái thượng hoàng, nhưng vẫn nắm quyền. Sợ Vũ Uy vương có thể cướp ngôi vua của em. Vua Thái tông sai vương đem quân trợ Tống. Mục đích cho vua Thánh tông nắm được binh quyền, nắm được nền cai trị. Vũ uy vương, vương phi đem theo Thiên trường ngũ ưng, Tô lịch thất tiên, Đông hoa ngũ tiên, với 5 vạn quân trợ Tống. Vương đánh các trận kinh thiên động địa là Thành đô, Điếu ngư, Ô Giang, Trường thảo, giết chết Đại hãn Mông cổ là Mông Ca. Gây ra cuộc chiến tranh tương tàn giữa anh em Hốt Tất Liệt, A Lý Bất Ca. Tuy mặt trận Tứ xuyên, Mông Ca tử trận, nhưng mặt trận Tương dương, Phàn thành, Hốt Tất Liệt đã vượt Trường giang, chiếm 11 châu, 41 thành của Tống. Hốt Tất Liệt vội ký hòa ước với Tống, chịu trả 11 châu, 41 thành, lập ra triều Nguyên để quay về chính quốc tranh ngôi vua với A Lý Bất Ca. Vũ Uy vương lợi dụng dịp này khích động các lãnh tụ chư hầu Mông cổ tách ra làm 5 nước đối kháng với Nguyên : – Nãi man, – Sơn đông, – Bắc liêu, – Kim trướng, – Mông cổ. Sau khi chiến thắng, Tống phong cho Vũ Uy vương tước Hành sơn vương. Lãnh thổ gồm các vùng phía nam Trường giang như Trường sa, Hồ nam, Quý châu, Quảng đông, Quảng tây. Nghĩa là trọn vẹn phần lãnh thổ của tộc Việt thời cổ bị Trung quốc chiếm từ thời Tần Thủy hoàng, thời Hán, Đường. Cuộc nội chiến Mông cổ cực kỳ khốc liệt. Cuối cùng Hốt Tất Liệt thắng A Lý Bất Ca, quân lực Mông cổ bị kiệt quệ. Nhờ vậy mà Tống được yên trong hơn 20 năm. Đaị Việt không sợ cái họa Mông cổ nữa.Vìø cuộc nội chiến, tinh lực Mông cổ bị tan nát. Thế hệ thanh niên từ 18 đến 40 gần như chết hết. Giai đoạn hai (1281-1289) Sau 20 năm yên ổn, với thiên tài của Hốt Tất Liệt, tinh lực vùng Thảo nguyên phục hồi. Hốt Tất Liệt huấn luyện lớp thanh niên mới từ 18 tới 30 tuổi, tạo thành những đội binh thiện chiến như thời Thành Cát Tư Hãn. Ông ta cũng huấn luyện thanh niên Trung quốc vùng Hoa bắc, vùng Tứ xuyên, lập những đội kị binh như Mông cổ. Ông ta xua binh vượt Trường giang đánh Tống. Nhờ biết dùng Hán pháp cai trị Trung quốc, tổ chức triều chính, dùng quan lại Trung quốc. Nên dân Hán không coi Hốt Tất Liệt là Hung nô, là Thát đát. Ông ta hết sức chiêu mộ, trọng đãi nho sĩ, nhân tài Hán, nên đánh đến đâu, quan, quân Tống đầu hàng đến đó. Nguyên thắng Tống như chẻ tre. Cuối cùng triều đình Tống bị phục kích ở Nhai sơn. Đế Bính cùng thái hậu, hậu cung, triều đình cùng đường nhảy xuống biển chết đến 20 vạn người. Trong khi đó vùng trấn nhậm Kinh hồ của Vũ Uy vương, Nguyên không dám đánh, mà gửi sứ chiêu hàng. Vũ Uy vương hỏi ý kiến triều đình Việt. Thượng hoàng Thánh tông trả lời : « Vương làm vua vùng Kinh hồ cho Tống, mà Tống không còn nữa. Vậy vương hãy xem ý dân vùng Kinh hồ, nếu họ còn tưởng nhớ đến Tống triều, thì vương suất lĩnh quân dân chống giặc. Còn như họ không còn nhớ đến Tống nữa thì có chống cũng vô ích. Chỉ gây ra vạ núi xương, sông máu mà thôi ». Sau khi Vũ Uy vương tham khảo ý kiến các tướng lĩnh, các quan Kinh lược sứ, quận huyện Tống, họ đều muốn hàng. Vương trao đất cho Nguyên, rồi lên đường về Đại đô làm con tin cho Đại Việt. Hốt Tất Liệt kính trọng tài năng của vương, phong cho vương chức Tổng trấn miền Tây Mông cổ gồm các nước Tây hạ, Hoa Thích Tử Mô, Afganistan, Iran, Irak ngày nay. Khi Vũ Uy vương rời Kinh hồ thì là lúc Hốt Tất Liệt sai Toa Đô đem quân sang đánh Chiêm. Triều đình Đại Việt biết âm mưu của Nguyên là đánh Chiêm, để chuẩn bị một mũi dùi đánh vào nam Đại việt. Nên quyết định gửi 5 vạn binh, 500 chiến thuyền viện Chiêm ; cử Hưng Nhượng vương làm tư lệnh mặt trận viện Chiêm. Thời gian này, Vũ Uy vương sinh một thế tử đặt tên là Trần Quốc Toản. Theo hội điển sự lệ triều Trần, khi một thế tử con tước vương sinh ra thì được phong tước hầu. Triều đình phong cho Quốc Toản tước Hoài Văn hầu, ấp phong là Hàm tử, dù Quốc Toản còn bế ngửa ở Trường sa. Thượng hoàng ban cho Quốc Toản một thanh kiếm. Vương, vương phi lên đường sang Nguyên, thì Quốc Toản đã 11 tuổi. Phi gửi Quốc Toản về nước cho bà nội là Tuyên cao thái phi Mai Đông Hoa nuôi. Những giai nhân Vũ Uy vương cống cho Nguyên, được sủng ái như Bạch Liên là sủng phi của Hốt Tất Liệt, Hồng Nga là sủng phi của A Truật đã khám phá ra có 2 thân vương Đại Việt âm thầm làm gian tế cho Nguyên, mong được Nguyên phong cho tước An Nam quốc vương. Nhưng Hốt Tất Liệt hết sức giữ kín, y đánh dấu vào hồ sơ hai tên gian vương này bằng dấu hiệu hình vuông và tròn. Vũ Uy vương đã phúc trình về Đại Việt. Nhưng trong họ Đông a có đến hơn trăm tước vương. Triều đình đành im lặng để giữ tình đoàn kết trong họ. May thay một giai nhân trộm được một bức thư của gian vương gửi cho Nguyên. Vương phi Ý Ninh lấy bức thư đó nhét vào chuôi kiếm của Quốc Toản, rồi dặn con : khi về nước, yết kiến Thượng hoàng, thì lấy bức thư dấu ở chuôi kiếm ra trình, Thượng hoàng căn cứ bào bút tự, tìm ra một gian vương. Khi Quốc Toản về tới Tiên yên thì bị gian nhân bắt cóc, đó là bọn Trần Di Aùi, Trần Tú Hoãn, Trần Văn Lộng, Trần Quang Kiện. Chúng khám trong hành lý tìm bức thư chứng cớ, nhưng không thấy. Chúng phao rằng Tế tác (gián điệp) Nguyên bắt cóc Quốc Toản, giết chết, rồi cho một thiếu niên giả Quốc Toản. Chúng giam Quốc Toản vào một cái giếng cạn, rất sâu, rất rộng, thông với một hầm đá. Không ngờ hầm đá đó là nơi cuối đời bồ tát Minh Không nhập diệt. Hầu tìm được các thẻ đồng chép bộ Lĩnh Nam vũ kinh, bảo quốc trấn bắc, bình nam của bồ tát Minh Không.Hầu luyện thành bản lĩnh vô địch. Trong khu rừng chỗ giếng khô bọn gian còn giam một con vượn. Con vượn này trước đây bồ tát Minh Không nuôi nó, dậy Thiền cho nó, nên công lực nó rất cao. Có bản lĩnh nghiêng trời lệch đất, Quốc Toản thoát khỏi giếng khô, thì gặp một thiếu niên, đó là Hoài Nhân vương Trần Quốc Kiện, con của vua Trần Thánh tông. Vương cũng là nạn nhân của bọn Trần Di Aùi, Trần Quang Kiện, Trần Văn Lộng, Trần Tù Hoãn. Vương được phụ hoàng Thánh tông trao cho bọn này dạy dỗ. Nhưng chúng không dậy gì cho vương, mà cáo với vua rằng vương không học văn, luyện võ, lười biếng. Thế là Quốc Toản dạy võ cho Hoài Nhân vương. Anh em vô tình khám phá ra Trần Di Aùi chính là gian vương Tròn. Đó là lý do y cùng các con bắt giam Quốc Toản, để có thể làm áp lực với Vũ Uy vương. Hai anh em về Thăng long, đúng lúc triều đình cử Trần Di Aùi đi sứ Nguyên, thay vua sang chầu Hốt Tất Liệt. Anh em tố cáo âm mưu của cha con Trần Di Aùi với Thượng hoàng. Nhưng bấy giờ sứ đoàn đã sang tới lãnh thổ Nguyên. Quốc Toản nhận ấp phong Hàm tử. Hầu được Trung Thành vương huấn luyện thanh niên nam nữ, tổ chức thành hiệu binh Hàm tử. Thượng hoàng sai Quốc Kiện, Quốc Toản làm Khâm sứ viện Chiêm. Trên đường đi, hai người trợ giúp một thiếu nữ bị Tuyên phủ ty Nguyên đuổi bắt. Đó là công chúa Câu-thi Lị-ha-thân Bài-ma-la (Sri Harivarman) Nang Tiên. Nang Tiên cảm động, thế là trai tài, gái sắc gặp nhau. Nang Tiên với Hoài Nhân vương kết thành tình thanh mai, trúc mã (sau này thành vợ chồng). Quốc Toản, Quốc Kiên, Nang Tiên phối hợp liên quân Việt Chiêm, đánh tan các đội quân Nguyên tại Chiêm. Hai vị trở về Thăng long, giữa lúc triều đình được tin Nguyên phong cho Trần Di Aùi làm An Nam quốc vương, sai Sài Thung hộ tống về nước. Triều đình quyết định cử Quốc Toản, Quốc Kiện đem quân đi đánh Sài Thung, bắt Trần Di Aùi. Trong buổi triều hội này xưởng chế vũ khí, đúc 2 thanh kiếm rất sắc bén. Thượng hoàng đặt cho thanh lớn là Trấn bắc, thanh nhỏ là Bình nam. Ngài treo thanh Trấn bắc tại cửa bắc thành Thăng long, treo thanh Bình nam ở của nam thành Thăng long, và ban chỉ : – Bất cứ thân vương, hầu, tướng sĩ nào đi qua cửa, mà kiếm dao động, sẽ được ban cho thanh kiếm đó. Quốc Toản qua cửa bắc thanh kiếm rung động, nên hầu được ban kiếm, phong chức Trấn bắc đại tướng quân. Phạm Ngũ Lão qua cửa nam thanh kiếm rung động, được ban kiếm phong chức Bình nam đại tướng quân. Quốc Toản, Quốc Kiện chỉ huy lực lượng Cần vương Tống bắn mù mắt Sài Thung, diệt trọn vẹn một thiên phu kị binh Mông cổ, bắt sống Trần Di Ái và bọn Lê Tuân, Lê Mục. Hốt Tất Liệt nổi giận, lập An Nam chinh thảo hành tỉnh (Bộ tư lệnh quân đội đánh An Nam)sai hoàng tử thứ chín là Thoát Hoan, thuộc loại người văn mô vũ lược, đem 50 vạn quân sang đánh Đại việt bằng ba mũi : thứ nhất tràn từ bắc sang. Thứ nhì do Vân Nam vương tiến theo đường phía tây. Toa Đô đánh từ Chiêm thành vào phía nam (1285). Quốc Toản, Quốc Kiện chiến thắng trở về, giữa lúc triều đình họp đại hội Bình than, nghị kế chống giặc. Hai người bị Chiêu Quốc vương Trần Ich Tắc không cho dự. Quốc Toản giận quá, tay cầm quả cam, bóp nát lúc nào không hay. Hầu trở về kéo hiệu binh riêng tên Hàm tử, trên cờ viết 6 chữ Phá cường địch, báo hoàng ân. Tiếp theo đại hội Bình than, theo đề nghị của Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, triều đình tổ chức đại hội mời các bô lão về điện Diên hồng dự yến để hỏi ý kiến xem nên chịu nhục, khuất phục, mở cửa cho quân Nguyên vào nước, chịu 6 điều do Nguyên đưa ra hay chống giặc. Tất cả các bô lão đều bầy tỏ ý kiến : chiến. Thế là sau đại hội, các bô lão trở về xuất lĩnh dân chúng : nam nữ, già trẻ quyết tâm giữ làng chống giặc. Triều đình cử người về từng thôn, từng ấp, huấn luyện dân chúng thành Nghĩa dũng binh chống giặc, tổ chức mỗi làng thành một đồn lũy, phòng giặc. Đó là lý do quân Nguyên tuy đông, nhưng khi đánh chiếm được vùng nào, sau khi đi qua, vùng đó lại vẫn thuộc về triều đình. Thế rồi quân Nguyên ba mặt tấn công Đại việt. Quân Việt theo sách lược của Hưng Đạo vương chỉ chống cự qua loa, rồi ẩn vào dân chúng, chờ cho giặc vào sâu trong nước, trải quân rộng rồi phản công. Không ngờ Chiêu Quốc vương Trần Ich Tắc, tổng trấn Thăng long, Quản khu mật viện hàng giặc, nảy ra vương chính là gian vương Vuông. Vương cung cấp tất cả kế hoạch phòng thủ Đại việt cho giặc, vì vậy những căn cứ phòng vệ chính đều bị Nguyên chiếm. Thoát Hoan chiếm Thăng long, tự cho rằng đã bình định được Đại việt. Y sai đúc một ống đồng, bắt chước Mã Viện trồng cột đồng trụ. Trên ống đồng khắc một bài minh ghi chiến công của mình. Giữa lúc y hân hoan sai chở ống đồng ra hồ Tây dựng lên thì quân Việt phản công. Y phải chui vào ống đồng bỏ chạy. Trong khi đó Toa Đô, Ô Mã Nhi từ Thanh hóa theo đường biển tiến dọc sông Hồng, định bắt tay với lực lượng của Thoát Hoan. Y không biết Thoát Hoan chạy trốn rồi. Khi đạo binh của y tới Hàm tử thì bị Hoài Văn hầu đánh tan, chém đầu. Thoát Hoan bị thua nhục nhã, Hốt Tất Liệt nhất định dốc quân nghiêng nước sang đánh trả thù (1287)ø. Cũng 50 vạn quân thủy, bộ, kị kéo qua. Lần này không còn đạo binh đánh vào Nam thùy nữa, mà thay vào đó với một lực lượng thủy quân hùng hậu. Nhưng Hốt Tất Liệt phạm vào một lỗi lầm quan trọng, khi không chú ý đến thủy quân Đại việt : Thủy quân Việt dùng tới 4 loại thuyền khác nhau : – Đại chu là loại lớn có thể chở được từ 300 đến 500 quân. Dùng để chuyển quân, chuyên chở lương thảo. – Trung chu, có thể chở được từ 100 đến 200 quân, dùng để tác chiến trên sông lớn, trên biển. – Tiểu chu là loại có thể chở từ 20 đến 100 quân, dùng để tác chiến trên tất cả sông lớn, sông nhỏ. – Thần tốc chu, là loại nhỏ nhất, chở được từ 4 người đến 15 người. Loại này là lực lượng chủ yếu tác chiến trên sông, di chuyển cực nhanh. Đây là loại thuyền gây thiệt hại cho Nguyên nhiều nhất. Lần trước đạo binh Vân nam chỉ là một cánh quân yếu. Lần này đạo binh Vân nam cực kỳ hùng hậu. Hốt Tất Liệt chú ý đến bọn phản quốc Trần Ich Tắc. Y gọi chúng về Đại đô, làm lễ tấn phong cho Ích Tắc lĩnh An Nam quốc vương. Con Ích Tắc được phong hầu. Lại phong chức tước cho bọn Trần Văn Lộng, Trần Tú Hoãn. Rồi sai chung theo Thoát Hoan về nước. Cũng như lần trước khi quân Nguyên vào sâu trong nước, bị muỗi đốt, bị lam chướng, quân Việt phản công. Các đường tiếp tế lương thực bị chặn đánh. Đoàn thuyền chở lương bị nhận chìm ở Vân đồn. Tuyệt vọng, Thoát Hoan đành ra lệnh lui binh. Tất cả các cánh quân, trên đường rút về, bị quân Việt phục kích, chết, bị bắt không biết bao nhiêu mà kể. Cánh rút theo đường thủy bị chặn đánh tại sông Bạch đằng. Toàn bộ chu sư bị bắt, bị đánh chìm. Ô Mã Nhi, Phàn tiếp bị bắt sống. Thoát Hoan bại binh trở về, bị Hốt Tất Liệt đuổi ra Dương châu, suốt đời không nhìn mặt, không cho về triều. Hốt Tất Liệt chuẩn bị báo thù, xâm lăng lần thứ 4. Nhưng chưa kịp ra quân thì băng hà. Thế là một hoàng đế vĩ đại nhất Trung quốc, ba lần mang quân nghiêng nước, đánh một nước Đại Việt nhỏ bé, bị thảm bại. Đại đế tức mà chết, chết rồi còn tức. Bây giờ xin Quý độc giả cùng tôi ngước mắt nhìn về 7 trăm năm trước xem các vị Anh hùng Đông a, giết giặc Nguyên như thế nào, để tự hào là con cháu các ngài. Paris ngày 31 tháng 12 năm 2009 Nhằm ngày 16 tháng 11 năm Kỳ sửu. Hồi thứ năm mươi mốt Sách lược trấn Bắc Bấy giờ là niên hiệu Nguyên Phong thứ 7 (1258) đời vua Thái Tông nhà Trần. Tháng 12, thái sư Mông cổ Ngột Lương Hợp Thai thống lĩnh 20 vạn quân, gồm 10 vạn Lôi kỵ, 10 vạn hàng binh Đại lý tiến đánh Đại việt. Hưng Đạo vương thiết kế: “ Binh tướng Mông cổ đều là Kị binh, thiện chiến, hung dữ. Vũ khí chính của họ là cung-tên. Từ tướng dến quân của họ đều sống trên vùng Thảo nguyên cực bắc, đồng cỏ mênh mông. Khí hậu vùng cực Bắc quanh năm lạnh đến xé da, cắt thịt. Người ngựa đều chịu lạnh rất giỏi. Chiến thuật của họ sở trường về dàn quân trên những vùng đất khô, trên cánh đồng rộng. Gần đây sau khi đánh sang Tây vực, họ chế ra máy bắn đá phá thành. Vì vậy họ tung hoành khắp Kim, Liêu, Tống, Tây hạ, và mấy chục nước Tây vực không nơi nào đương nổi. Trong lần thiết triều, hồi họ mới tới Bắc cương, thái sư (Trần Thủû Độ) đã giảng giải rất kỹ về lịch sử, phong tục, tồ chức chính trị, luyện quân cùng chiến² thuật của họ. Chúng ta đều thuộc nằm lòng rồi. Chính sách của Thái Tổ Hốt Tất Liệt là: mỗi khi đánh vùng, một thành, họ kêu gọi quan lại, tướng sĩ, dân chúng đầu hàng. Nơi nào tuân theo thì họ cấm quân sĩ tuyệt đối không được hãm hiếp, giết người, cướp của, đốt nhà. Quan lại, binh tướng họ vẫn cho tồn tại. Họ sẽ dùng binh tướng đầu hàng làm tiên phong đánh các vùng khác. Quan lại, tăng lữ phải đốc thúc dân chúng cung ứng lương thảo, cùng người lao dịch cho họ. Vì vậy họ không cần tiếp vận lương thảo từ Mông cổ sang. Bây giờ họ sang đánh ta, ta phải đối phó ra sao? “Vô hiệu sở trường của họ.Biến sở trường của họ thành sở đoản. Dùng sở trường của ta.Biến sở đoản của ta thành sở trường.” Ta phải áp dụng bẩy điều: Một là, về chiến thuật, tuyệt đối ta không dàn quân đánh với họ. Nếu ta cũng dàn quân đối địch với họ là đem sở đoản của mình, đấu với sở trường của họ. Địa thế của ta, đường của ta từ Bắc cương về Thăng long nhỏ hẹp, chỉ cho phép kị binh đi hàng một, đi chậm, không thể phi nhanh. Trên đường có nhiều cầu nhỏ, kị binh không thể qua. Aáy là không kể nhiều đoạn lầy lội, ngựa bị lún chân. Địa thế khiến kị binh của họ không còn tung hoành được. Hai là, khí hậu của ta thấp nhiệt, muỗi, vắt, sâu, bọ nhiều. Người ngựa của họ vốn sống ở Thảo nguyên lạnh lẽo, không thể chịu nổi khí hậu, đầy đặc lam chướng của ta. Người của họ chỉ ăn thịt, nay sang ta phải thì thịt hiếm, họ phải ăn cơm, cá, tôm, rau, đậu. Họ không có khả năng dánh cá, bắt tôm. Người, ngựa của họ ăn rau, đậu, cỏ của ta, đầy sâu bọ, kiến ruồi. Cả người, ngựa uống nước có cung quăng, đỏng đảnh độc. Chỉ cần mươi ngày, chậm lắm là một tháng thì không cần đánh, thời khí, lam chướng, bệnh tật… giết giặc giùm ta. Ba là, hiện ta không có những thành cao, hào sâu, đóng quân trấn giữ. Sở trường phá thành, công kiên của họ một lần nữa trở thành vô dụng. Trong khi đó, toàn quốc, mỗi làng-ấp của ta ngoài có hào sâu, trong có lũy tre bao bọc. Kị binh của họ không thể dàn ra tấn công, sở trường của họ trở thành sở đoản. Khi kị binh phải rời ngựa, thì sức chiến đấu thua bộ binh, lại càng thua nông dân của ta vốn lội bùn, bơi sông rất giỏi. Bốn là, với thói quen, Mông cổ đi đến đâu dùng quan lại, dân chúng cung đốn lương thảo. Lương thảo 20 vạn người ngựa do vua quan Đại lý mới đầu hàng cung đốn chỉ có giới hạn. Họ nghĩ rằng đánh sang ta, họ sẽ dùng quan lại đầu hàng ép dân chúng cung đốn, hoặc cướp lấy. Nhưng lương thảo của ta đều cất rải rác ở làng xã. Vì vậy ta cần kéo dài thời gian, lẩn tránh, đợi lương thảo của họ cạn; muỗi, ruồi, lam chướng, sốt rét đánh binh tướng của họ bệnh tật, mệt mỏi; ta thắng họ dễ dàng. Năm là, ta dẫn dụ cho họ vào sâu trong lãnh thổ, họ phải dàn quân ra đóng đồn phòng vệ. Còn, ta phân tán tướng sĩ về các trang, ấp, huấn luyện dân chúng, cùng dân chúng chiến đấu giữ làng. Ta biến cả nước là thành, toàn dân là binh. Rồi ta quan sát, thấy địch đi lẻ lẻ thì tấn công. Tấn công xong lại phân tán. Giặc không biết ta ở đâu. Như vậy kị binh trở vô dụng. Sáu là, đợi cho giặc mệt mỏi, ta xuất quân bao vây đánh các đoàn quân đóng bảo vệ đường từ biên giới về Thăng long. Chính sách bắt hàng quan cung đốn lương thảo không thành. Đem quân đi cướp lương của dân thì gặp phải sức kháng cự của làng xã. Lương tiếp viện hoặc bị cạn, hoặc đường vận chuyển bị chặn. Lương tuyệt thì quân tan. Thứ bẩy, Mông cổ không quen thủy tính, ta dùng Thủy quân lưu động chuyển quân, đánh cắt đường tiếp vận; hoặc tập trung quân tấn công. Ngựa của họ không thể lội ruộng. Ta dùng ngưu binh đánh kị binh. Đó là dùng sở trường của ta, đánh sở đoản của họ”. Sách lược định rồi, triều đình, hậu cung, quan lại, vợ con tướng sĩ … phân tán vào các làng xã. Triều đình lại truyền lệnh cho dân chúng di tản khỏi Thăng long. Nhưng vì một là dân chúng tiếc của, hai là trì nghi, ba là chậm chạp. Vì vậy khi giặc tới Thảo lâm, mà dân Thăng long vẫn còn phân nửa chưa di tản. Hưng Đạo vương lệnh cho: – Vũ Uy vương Nhật Duy trấn nhậm vùng Bắc cương, bao gồm từ biên giới tới Kinh bắc. Nhiệm vụ chính giai đoạn đầu là làm chậm bước tiến của giặc. Giai đoạn hai là phục binh đánh viện quân, cùng các đoàn tiếp vận lương thảo. – Nhân Huệ vương Khánh Dư trấn nhậm vùng tây Thăng long. – Khâm Thiên đại vương Nhật Hiệu trấn nhậm vùng đông nam Thăng long. – Hưng Ninh vương Quốc Tung tổng lĩnh lực lượng phản công. – Để khích cho giặc khinh địch, chính Nguyên Phong hoàng đế cùng tướng quân Lê Tần, dàn thủy, bộ, kị, ngưu binh tại Bình lệ nguyên ngăn giặc. Trận đánh phải làm sao đạt ba nhiệm vụ: Thứ nhất đánh cho giặc biết binh tướng Đại việt can giảm, thiện chiến, nhưng quân ít, nên phải thua. Thứ nhì, cần bảo tồn lực lượng. Thứ ba, đánh thực mau, rút thực nhanh, phân tán vào làng xã. – Lập hai phòng tuyến tại Phù lỗ, Cụ bản, mục đích làm chậm bước tiến của giặc, để triều đình đủ thời gian di tản dân chúng khỏi Thăng long. Diễn tiến các trận đánh đúng như kế hoạch, duy một biến cố xẩy ra: Khâm Thiên đại vương không tuân lệnh Hưng Đạo vương, dàn quân tại cánh đồng Văn chống giặc. Đại bại! Ba hiệu quân tinh nhuệ bị đánh tan. Khi quân Mông cổ vào Thăng long, một số dân chúng cưỡng lệnh triều đình, không di tản, bị giặc tàn sát khủng khiếp. Ngột Lương Hợp Thai ra lệnh đốt sạch cung điện, nhà cửa. Cũng như khi dánh sang các nước phương tây, y sai tập trung dân lại từng khu, lựa lấy những thợ giỏi, những nghệ nhân, những đàn bà con gái đẹp. Còn bao nhiêu chúng giết sạch. Thăng long biến thành bãi đất hoang! Nhưng dân chúng, quan lại trên toàn quốc vẫn không kinh sợ, cương quyết chống giặc. Quân dân thấy giặc tập trung đông thì phân tán; thấy giặc đi lẻ lẻ thì tập trung tấn công. Quân dân Việt cứ như những bóng ma, đặt đạo quân Lôi kị thiện chiến của Mông cổ trong thế bị động. Sau hơn tháng, thấy người, ngựa Mông cổ, phần bị tiêu hao trong các trận đánh nhỏ, phần thì bệnh do thời khí, lam chướng, phần vì mệt mỏi do muỗi, mòng, vắt. Hưng Đạo vương quyết định phản công. Mặt trận Bắc cương, Vũ Uy vương đánh chiếm tất cả các đồn từ biên giới tới Kinh bắc. Bốn căn cứ chính Thảo lâm, Bình lệ nguyên, Phù lỗ, Cụ bản là nơi đồn trú lương thảo, bị quân dân Đại Việt tràn ngập. Tại Thăng long, Hưng Ninh vương thách Ngột Lương Hợp Thai quyết chiến tại Đông bộ đầu. Mông cổ chỉ có Lôi kị, trong khi quân Việt phối hợp nhịp nhàng kị binh, bộ binh, ngưu binh, thủy binh. Trận đánh diễn ra thực kinh khủng. Một bên là đạo quân tinh nhuệ từng sải vó ngựa khắp vùng Thảo nguyên, đánh tan những đạo binh tinh nhuệ nhất của Kim, Liêu, Tống, Tây hạ, Đại lý; từng đại phá những đạo binh thần thánh của Thập tự quân, những đạo quân Thánh chiến Hồi giáo quyết tử. Một bên là dân-quân Việt hiền hậu, nhưng lâm đường cùng lấy cái chết để bảo vệ đất tổ, bảo vệ làng xã, bảo vệ bố mẹ, anh em, vợ con và chính bản thân mình. Trận đánh từ giờ thìn (7-9 giờ), tới giờ dậu (15-17 giờ), trên bờ kị binh, bộ binh hai bên bất phân thắng bại. Nhưng về chiều, Mông cổ bị thủy quân đánh vào hông trái, Ngưu binh vượt đồng lầy đánh vào hông phải. Mông cổ bị bại, lập trận cố thủ trong những ngôi nhà dân chúng. Đúng lúc đó tin báo: mặt trận phía Đông Nam, thái tử Hoảng phá giặc, chiếm lại những vùng đất bị giặc đặt quan cai trị, rồi tái chiếm Thăng long. Đạo binh hùng mạnh nhất thế giới bị tuyệt nguồn tiếp vận lương thảo, tiến lên thì không đủ sức, mà rút thì không đường. Thống lĩnh đại binh là Thái sư Ngột Lương Hợp Thai. Giám quân là phò mã Hoài Đô. Con trai Ngột Lương Hợp Thai là đại tướng A Truật (Aju). Tất cả đều khuất thân xin Trung Vũ đại vương Trần Thủ Độ nghĩ tình huynh đệ, mở vòng vây cho cha con, tướng lĩnh, cùng tàn quân rút về Trung nguyên. Ghi chú, Ngột Lương Hợp Thai, là tên Hán Việt. (phát âm theo Mông cổ là U ri ang khai đai, Uriyangqadai), con trai của đệ nhất thân vương, đệ nhất khai quốc công thần Mông cổ Tốc Bất Đài . Hoài Đô, tên Hán Việt ( phát âm theo Mông cổ là Khai Đu, Qaidu). Luật từ thời Thành Cát Tư Hãn, mỗi đạo quân có một tướng tư lệnh chịu trách nhiệm chỉ huy, quyết định tác chiến. Ngoài ra còn một người trong hoàng tộc quyết định về cai trị dân chúng, kiểm soát binh, tướng.Hoài Đô lĩnh nhiệm vụ này. Thái sư Trần Thủ Độ, nghĩ lại những tình cảm thời thơ ấu sống tại Thảo nguyên với Ngũ thiết điêu, cũng muốn mở vòng vây tha cho người xưa Ngột Lương Hợp Thai cùng đám bại binh. Tuy uy quyền ông lớn hơn Nguyên Phong hoàng đế, mà không thể tự chuyên: vì tướng thống lĩnh binh mã Bắc cương là Vũ Uy vương, tính khí hào hiệp, nhưng không dễ gì vương đồng ý việc này. Tướng trấn thủ Kinh bắc là Nhân Huệ vương, một vị vương vốn thù ghét Mông cổ tận xương tủy, thì hy vọng gì vương tha cho chúng? Chỉ tướng bao vây Đông bộ đầu là Hưng Ninh vương, người có tâm Bồ tát thì hy vọng. Cái khó khăn nhất của thái sư là phải nói sao với Hưng Đạo vương, người cầm quyền Tiết Chế, mà từ trước đến giờ thái sư luôn nghi ngờ, chèn ép vương? Tóm lại cả bốn vị vương đó khí phách đều khác phàm, mỗi người một tư cách, một hành trạng. Thái sư không thể ra lệnh cho bất cứ vị vương nào. Ông đành xin thiết triều để triều đình quyết định. Nguyên Phong hoàng đế thiết triều trên một chiến thuyền của hạm đội Thần phù ở bến Chương dương. Vì toàn quốc trong thời kỳ chiến tranh, nên mọi lễ nghi đều tiết giảm. Đầu tiên Trung vũ đại vương Trần Thủ Độ trình bầy về tình bạn giữa Thảo nguyên ngũ điêu với vương. Vương xin triều đình một đặc ân là mởû vòng vây cho nghĩa đệ Ngột Lương Hợp Thai cùng bại binh rút khỏi Đại Việt. Vương nhấn mạnh về Ngột Lương Hợp Thai: “ Y là một đại tướng đại tài của Mông cổ. Hồi Thành Cát Tư Hãn xua quân sang đánh các nước phương tây, y theo đạo binh của cha là Tốc Bất Đài. Chỉ với 35 nghìn quân, đạo binh này truy sát đại đế Mộ Hợp Mễ khắp đế quốc của ông. Thế mà nay y thống lĩnh 20 vạn quân, bị ta phá trong thời gian không đầy một tháng. Truyền thống của Mông cổ là khi bị bại ở bất cứ mặt trận nào, họ sẽ dốc quân nghiêng nước sang đánh cho kỳ thắng mới thôi. Vì vậy già này xin thiết triều khẩn cấp, để bệ hạ cùng chư vị đại thần định kế sách đối phó”. Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư cương quyết: – Mông cổ là bọn tàn ác không thể tưởng tượng nổi. Khi vào Thăng long chúng đốt phá cung thất đã đành, chúng còn giết hết dân chúng, đốt sạch nhà cửa. Đàn bà thì chúng hãm hiếp xong rồi lột quần áo ném vào lửa. Trẻ con thì chúng cho ngựa dẵm lên. Thần nghĩ, chúng hung ác, dữ hơn beo, hơn cọp, độc hơn rắn rết. Ta có bắt được cọp, beo, rắn rết, thả chúng ra, chúng cũng vẫn là beo, là cọp, là rắn, là rết. Huống hồ bọn ác quỷ Mông cổ? Như Thái sư nói, tương lai chúng sẽ còn sang báo thù. Chúng báo thù thì ta đánh. Ta há sợ chúng sao? Hình ảnh những xác chết trẻ con bị cháy đen thui, đám thiếu nữ 12-13 tuổi bị những tên lính Mông cổ khổng lồ đè ra hiếp dâm, hiếp xong chúng chặt chân, chặt tay, nhìn nạn nhân lăn lộn kêu khóc giữa tiếng cười man rợ của bọn ác quỷ hiện ra. Vương nghiến răng: – Vậy bây giờ ta bao vây tiêu diệt hết bọn tàn ác này. Đối với tù binh, ta đem đốt chết, hay xẻo thịt. Có như vậy bọn sau tới, thấy cái gương bọn đi trước, chúng sẽ kinh sợ không dám tàn ác nữa. Thái sư Thủ Độ đưa mắt nhìn người cháu gọi bằng ông chú (em của ông nội): mới ngày nào còn là cậu bé mà ông nuôi trong dinh như con, bây giờ thành một nam tử hùng vĩ, khí phách hiên ngang, dám chống lại ông. Ông lắc đầu thở dài. Hưng Ninh vương Trần Quốc Tung đưa ý kiến: – Mông cổ từng chiến thắng Kim, Liêu, Tống, Đại lý và không biết bao nhiêu nước vùng Tây vực. Bây giờ họ đánh ta với mục đích dùng hàng binh, dùng tài nguyên của ta đánh phía sau Tống. Họ ước tính rằng ta sẽ đầu hàng dễ dàng như Đại lý. Họ đâu ngờ bị ta đánh bại? Thần đề nghị mình dùng đức cảm hóa chúng. Ta mở vòng vây, chu cấp lương thảo, dùng lời ngọt dẫn dụ chúng rằng trước đây tiền nhân ta là Lý Long Phi, Trần Thủ Huy, Trần Thủ Độ từng giúp Mông cổ dựng nước. Thế mà Mông cổ lại sang cướp nước ta, như thế là làm mất cái hào khí của Thành Cát Tư Hãn. Ta nhất định không thù oán, ta vẫn duy trì tinh thần của tiền nhân Đại Việt với Mông cổ. Trước cuộc chiến, Mông cổ sai sứ đòi Bệ hạ phải tuân theo sáu điều kiện: Một là đích thân quốc vương phải vào chầu, Hai là đem trưởng nam làm con tin, Ba là kê biên dân số, Bốn là phải chịu quân dịch, Năm là phải nộp thuế, lương thảo. Sáu là nhận Đạt lỗ hoa xích (Đa gu ra tri) * Ghi chú, * Mông cổ đặt tại mỗi nước chư hầu một số chức quan hơi giống như hồi 1884 – 1945 người Pháp đặt tại Việt Nam. Trên cao nhất là một viên Toàn quyền. Phủ Toàn quyền có nhiều chức quan như một nước nhỏ kiểm soát triều đình. Mỗi tỉnh một viên Công sứ kiểm soát việc cai trị. Chức quan của Mông cổù gọi là Đa gu ra tri, dịch sang tiếng Hán là Đạt lỗ hoa xích. Chúng ta bác bỏ, không tuân theo bất cứ điều gì. Thế thì bây giờ nếu Mông cổ muốn, ta sẵn sàng gửi một hoàng tử có tài nghiêng trời lệch đất sang làm con tin, cũng để giúp họ, nối lại tình xưa. Sau đó ta lại dùng hậu lễ nhún nhường, chịu tuế cống. Như vậy tránh được chiến tranh thì là điều đại phúc cho trăm họ Hoa, Việt. Thái tử Hoảng tỏ ra đồng ý với Hưng Ninh vương: – Tâu, sách lược của Nhân Huệ vương, bao vây giết hết giặc, xử tử bọn tù binh thì làm cho dân chúng, tướng sĩ hả dạ. Mông cổ nghe tin sẽ căm thù ta ghê gớm. Nay cái thế của Ngột Lương Hợp Thai: Lôi kị tuy bị bại, bị giết, bị cầm tù trên năm vạn; họ còn gần năm vạn. Quân Đại lý cũng còn sáu vạn . Nếu bây giờ bao vây diệt hết 11 vạn quân của họ, thì ít ra ta cũng tổn thất vài ba vạn người. Binh thư nói: đạo làm tướng sao cho toàn quân là thượng sách, phá quân là điều không thể, và không nên dùng. Hưng Ninh vương dùng lòng dạ từ bi, quảng đại của một Bồ tát đưa ra đề nghị ấy thực hợp với tình thế hiện nay. Con xin phụ hoàng xét thuận lời tâu của vương, may ra tránh được chiến tranh. Hoặc giả kéo dài thời gian báo thù của Mông cổ càng lâu càng tốt, để ta có đủ thời gian chỉnh bị binh mã, lương thảo. Nguyên Phong hoàng đế hỏi Vũ Uy vương: – Còn con! Con thống lĩnh binh mã vùng Bắc cương, con nghĩ sao về vụ này? Vũ Uy vương là con đầu lòng của nhà vua, văn mô, vũ lược. Vương hòa thuận với tất cả các em đã đành, vương còn tìm đủ cách kết hợp thâm tình với hoàng tộc lẫn văn võ bách quan. Từ năm 13 tuổi, vương được phong vùng Tây Bắc cương làm lãnh thổ riêng. Miền Bắc cương Đại Việt hồi ấy được chia làm hai: Đông cương và Tây cương. Đông cương thuộc Ngũ yên, được phong cho An Sinh vương Trần Liễu, anh ruột nhà vua. Tây cương được phong cho Vũ Uy vương, lấy con sông Hồng hà làm ranh giới Đông-Tây. Đông cương, phía Bắc giáp Quảng Tây, Quảng Đông của Tống. Tây cương giáp Quảng Tây, Đại lý, Lão qua. Vương tâu: – Chúng ta có hai đường lối hành động. Một là của Nhân Huệ vương. Hai là của Hưng Ninh vương và Thái tử. Ta phải chọn đường lối nào có lợi cho Đại Việt. Thực hành đường lối của Nhân Huệ vương ta được gì? Mất gì? Của Hưng Ninh vương ta được gì? Mất gì? Vương ngừng lại để cử tọa suy nghĩ. Trong soái thuyền, thân vương, hoàng tộc bách quan triều Nguyên Phong đều là những người chính khí dọc ngang trời đất, trí tuệ chói lòa. Nay đứng trước quyết định một kế sách giữ nước trong hoàn cảnh cực kỳ quan trọng. Ai cũng trầm tư suy nghĩ. Khoang thuyền có hơn trăm người, mà không một tiếng động. Chỉ có tiếng gió heo may thổi vi vu ngoài song cửa, tiếng sóng vỗ rì rào vào mạn thuyền. Đâu đó tiếng vạc ăn đêm kêu lạc lõng trong bầu trời đông. Chiêu Minh vương Trần Quang Khải phá tan cái không khí tịch mịch ấy bằng câu hỏi Vũ Uy vương: – Theo anh, cả hai đường lối, chúng ta có một cái gì chung chung, không thể bỏ qua chăng? – Chú Quang Khải hỏi câu này, thực phải. Vũ Uy vương trả lời: Thời Lý, tiền nhân Lý Long Phi từng giúp Mông cổ. Tổ tiên ta là Phò mã Thủ Huy và Công chúa Đoan Nghi, rồi ông trẻ Thủ Độ từng là những người tạo ra nước Mông cổ. Việc đó tuy trải gần trăm năm, nhưng ân đức của bốn vị vẫn được nhắc tới. Vậy trong dịp này, ta tha cho Ngột Lương Hợp Thai, Hoài Đô, A Truật cùng đám bại binh về, rồi triều đình gửi người sang làm con tin, làm quan tại triều Mông cổ giúp họ. Như vậy nhất cử nhất động của Mông cổ ta đều biết. Hiện con cháu của Thành Cát Tư Hãn được cắt đất cai trị. Phía Tây vực là một nước, khu Tây hạ là một nước, vùng Kim-Liêu là một nước, vùng Bắc Trung nguyên là một nước. Tất cả lãnh chúa các nước không ai chịu tuân lệnh Đại hãn. Họ đang hầm hè nhau. Người của ta sẽ tìm cách gây cho họ có nội chiến. Khi có nội chiến thì tinh lực không còn. Họ cũng khó mà diệt nổi Tống. Như vậy ta sẽ không lo họ xâm lăng nữa. Vương đưa mắt nhìn Thái sư Thủ Độ: – Vấn đề phân chia lãnh thổ của Thành Cát Tư Hãn thế nào? Tình hình các bộ tộc Mông cổ ra sao, thì không ai biết rõ bằng ông trẻ. Mong ông trẻ ban cho những tin tức chính thức. Thái sư Thủ Độ mỉm cười tiếp lời Vũ Uy vương: – Khi Thành Cát Tư Hãn sắp băng hà, đã chia lãnh địa rộng mênh mông cho bốn người con. Các lĩnh địa này gọi là Hãn địa (Ulus), vua Hãn địa gọi là Vương hãn. Bạt Đô là con Truật Xích lĩnh vùng Kim trướng, tức cực Tây-Bắc (nay thuộc Đông Âu, kể cả Đức, Liên sô, Na uy, Đan mạch, Thụy điển.Trung Đông ngày nay: Iran, Irak, Syrie, Jordanie. Đông Âu, gồm cả Liên sô, Đức). Vương hãn Sát Hợp Đài lĩnh vùng Tây liêu, Thổ phồn, Tây hạ về Tây Nam (Turkestan, đế quốc Khorezm, Afganistan, Pakistan). Vương hãn Oa Khoát Đài lĩnh vùng Đông Bắc Thảo nguyên, Kim, Liêu. Vùng lãnh địa Thảo nguyên, chính quốc Mông cổ cho con út là Đà Lôi. Ông để di chúc cho Oa Khoát Đài thừa kế ngôi Đại hãn. Khi Oa Khát Đài băng, hoàng hậu Nãi Mã Chân chuyên quyền, cho nên đại hội gần đây bên bờ sông Long lý hà, các lãnh chúa tôn Mông Ca (Mongka) con trưởng của Đà Lôi lên ngôi Đại Hãn. Từ sau chiến cuộc lão tướng Trần Tử An được phong tước Tây Viễn vương. Vương tiếp lời Thái sư Thủ Độ: – Tuy Mông Ca được tôn làm Đại hãn, nhưng y không có đủ uy quyền như Thành Cát Tư Hãn. Khi cất quân đánh Tống, y trưng binh của các vương hãn. Các vương hãn chỉ gửi một vài đạo quân tượng trưng. Hiện các vương hãn đang có nhiều xung đột, bất cứ lúc nào cũng có thể xẩy ra nội chiến. Ngay trong ba con của Đà Lôi cũng có những mâu thuẫn. Mông Ca tuy được tôn làm Đại hãn, nhưng tài trí thua xa Hốt Tất Liệt. Vì vậy y nghi ngờ em. Cho nên y sai Hốt Tất Liệt viễn chinh, để giảm uy tín. Nhưng không ngờ Hốt Tất Liệt lại thành công, khiến anh em đang có mầm móng chia rẽ, căng thẳng. Còn người em thứ ba là A Lý Bất Ca lại rất được lòng bọn quý tộc, tướng lĩnh gốc Mông cổ. Y nắm một lực lượng quân sự rất lớn ở Thảo nguyên. Thôi để Thái sư tiếp. Thủ Độ đứng lên giảng giải tiếp : – Mông Ca diệt Kim, Liêu rồi đánh Tống. Nhưng khi đến Tương dương, Phàn thành thì bị cản lại. Mông Ca muốn mở mặt trận thứ nhì, từ Nam, đánh vào sau lưng Tống, y sai một thân vương, người em ruột tài nhí nhất, tên Hốt Tất Liệt (Qubilai), mở mũi dùi này. Hốt Tất Liệt đánh chiếm Hồi cương, Tây tạng, Tứ xuyên của Tống. Từ Tứ xuyên y vượt Kim sa giang đánh Đại lý. Vua Đại lý là Đoàn Hưng Trí hèn mạt, không dám chống lại, mở cửa thành đầu hàng. Hốt Tất Liệt bắt Đoàn Hưng Trí cung ứng lương thảo, rồi lại dùng hàng binh Đại lý đánh Đại Việt ta. Hốt Tất Liệt tưởng đâu Đại Việt cũng dễ uy hiếp như Đại lý, y sai Ngột Lương Hợp Thai dàn quân tại Bắc cương, rồi sai sứ sang bắt ta đầu hàng. Không ngờ ta không chịu khuất phục. Y truyền Ngột Lương Hợp Thai tràn vào đánh ta. Ngột Lương Hợp Thai thất bại. Thế là mưu kế dùng tù hàng binh Đại Việt, Đại lý đánh vào Ung châu, Liêm châu, Quảng châu bị ta phá tan. Nguyên Phong hoàng đế đưa mắt nhìn Hưng Đạo vương, như hỏi ý kiến. Vương suy nghĩ một lát rồi tâu: – Ý kiến của Vũ Uy vương thực là diệu pháp giữ nước, không thể không xử dụng. Đó là kế chính. Tuy nhiên ta không tha bọn chúng dễ dàng. Hiện giờ thì Mông cổ chỉ mới chiếm được một phần lãnh thổ phía Tây-Bắc của Tống. Họ còn đang giao chiến với Tống dằng dai ở mặt trận Trường giang. Họ định đánh ta để lấy tù, hàng binh, lương thực đánh phía sau Tống, nhưng họ bị bại. Vậy ta phải làm ba việc: – Sao cho họ bỏ ý định đánh ta mà dùng hết sức đánh phía Bắc của Tống. – Ta lại giúp Tống, để Tống tồn tại. – Trong khi ta tìm cách cho Mông cổ có nội chiến. Nội chiến giữa các vương hãn thì khó, vì các nước ấy ở quá xa, ta không biết rõ tình hình, lại ngôn ngữ phong tục bất đồng. Nhưng ta có thể gây cho ba anh em Mông Ca, Hốt Tất Liệt, A Lý Bất Ca tranh dành nhau, chém giết nhau. Tốt nhất là cho cả ba đánh lẫn nhau. Hay ít nhất là hai trong ba người này huynh đệ tương tàn. Vương nhấn mạnh: – Bây giờ ta mở vòng vây, không phải là ta tha cho bọn ác quỷ; mục dích của ta là dùng chính bọn chúng làm vũ khí tâm chiến. Bọn chúng được thả về sẽ kể cho đồng đội nghe về khí hậu của ta đầy lam chướng, địa thế của ta lầy lội, dân quân ta một lòng, binh tướng ta anh hùng. Thế là ta đánh tan cái kiêu hãnh của tướng binh Mông cổ: bọn người tuy thắng Liêu, Kim, Tống, chinh phục khắp Tây vực; thế mà khi bọn mi đánh Đại Việt ta thì bị bại. Đại Việt ta tuy dân ít, đất hẹp, nhưng dân ta anh hùng, ta đủ sức đánh đuổi bọn người. Tướng quân Lê Tần góp thêm ý: – Tuy nhiên ta cần dọa thêm cho tù hàng binh, cho tàn binh kinh sợ thêm. Khi về nước, mỗi khi nghĩ đến Đại Việt, họ lại rùng mình. Cả triều đình đều đồng ý. Hưng Đạo vương tâu: – Được! Ta mở vòng vây cho chúng rút quân. Ta lại phục quân ở Phù lỗ, Cụ bản, Bình lệ nguyên, Thảo lâm… dọa cho chúng khiếp sợ đến phiêu hồn bạt vía. Hưng Ninh vương đặt vấn đề: – Khi chúng vừa rút khỏi, là ta dùng cương. Rồi ta lại dùng nhu. Nếu như ta gửi người sang làm con tin ở Mông cổ, thì ai có thể đi được? Sứ đoàn đi theo cần bao nhiêu người? Là những loại người nào? Thái sư Thủ Độ đưa tờ chiếu thư của Mông cổ ra: – Mông cổ từng đánh chiếm Kim, Liêu, Tây hạ, Tống. Vì vậy họ hiểu rất kỹ văn hóa của các nước Đông phương: con cả sẽ là người kế vị vua cha, nên trong chiếu thư họ đòi ta phải cho con trai trưởng sang làm con tin. Mông cổ có truyền thống là khi một con tin có tài thì họ tin dùng, phong chức tước, trao quyền hành cho, còn không tài thì phải tự xây nhà ở Hoa lâm. Mọi chi phí ăn ở đều phải tự túc. Nếu như ta gửi người tài trí võ công cao sang, họ phong cho chức tước, nhất cử nhất động của họ ta đều biết, sẽ lợi cho Đại Việt vô cùng. Cử tọa đều đưa mắt nhìn Vũ Uy vương. Nguyên Phong hoàng đế ban chỉ: – Nhật Duy con! Trong tất cả thân vương, hoàng tộc lẫn võ tướng, thì chỉ mình con có thể đáp ứng vào việc cực kỳ hệ trọng này. Vì con là trưởng nam của ta, con sang làm con tin thì Mông cổ không còn gây rắc rối được nữa. Hiện võ công của con chỉ thua có Quốc thượng phụ (Trần Thủ Độ) mà thôi. Tính con lại thâm trầm, điềm đạm, nhiều mưu trí, thì khi gặp sự khó, con sẽ vượt qua dễ dàng. Con mới cưới vợ, chưa có con, không vướng vít con cái. Vợ con là đệ tử đắc ý nhất của Vô Huyền Bồ Tát. Trước hôm cưới, vợ con được Bồ Tát dốc túi truyền pho kiếm thuật trấn môn của phái Mê linh, thì vợ con trở thành đệ nhất kiếm thuật Đại Việt rồi. Về võ công hai con như vậy đủ áp chế triều đình Mông cổ. Mông cổ trọng dụng, trao chức tước cho như tiền nhân Lý Long Phi đời Lý, hoặc Tổ Trần Thủ Huy, Công chúa Đoan Nghi, nhất là được như Quốc Thượng phụ (Trần Thủ Độ) thì lợi cho biết mấy. Ta cần gửi một người hiểu rõ phong tục, tập quán, ngôn ngữ Mâông cổ theo giúp con. Nhà vua nhìn Vũ sơn hầu : – Xét trong các quan, phi Vũ sơn hầu Tạ Quốc Ninh, không ai đương nổi. Hầu là thầy dạy Mông cổ học cho con, gửi hầu theo giúp con, thì thầy trò tha hồ tương đắc. Lời phán của Nguyên Phong hoàng đế khiến Tạ Quốc Ninh tuy tuổi đã cao, mà trong lòng cảm kích không bút nào tả siết. Thời phong kiến, một đại thần được hoàng đế tin tưởng về tài năng, đức độ thì không phần thưởng nào to lớn hơn. Ông bước ra định hành đại lễ, để đền ơn tri ngộ, thì Nguyên Phong hoàng đế sẽ phất tay, kình lực khiến hầu không thế quỳ gối. Hầu cung tay: – Thần muôn vàn cả tạ đại đức của bệ hạ ban cho. Thần nguyện đem hết sở tri ra báo đáp bệ hạ. Nhà vua hỏi hầu: – Thế nào? Khanh có được tin tức gì của phu nhân không? – Tâu, thần đã hỏi cung tất cả tù nhân Mông cổ, chúng đều trả lời không nghe, không biết gì cả. Cả vương phi của Nhân Huệ vương (Trần Khánh Dư) cũng không. Trước khi Mông cổ đánh Đại Việt, toàn quốc bừng lên một phong trào mở Quán văn, là nơi cho vương tôn, đại thần, phú gia, danh sĩ, họp nhau bàn luận thế sự, ngâm thơ, bình văn, tụng phú; nhất là nghe hát. Cái thú thanh nhã tràn ngập khắp các trấn, các lộ, cho tới các xã. Tại Thăng long có đến hơn trăm Quán văn. Trong đó có năm quán nổi tiếng là Tây hồ, Văn miếu, Ngọc thụy, Nghi tàm, Tô lịch. Quán Tô lịch nằm ngay bờ sông, mà quanh năm đều có hoa nở. Quán chủ là một văn gia nổi tiếng giao thiệp rộng. Từ khi ông chiêu mộ được bẩy hoa khôi về đây ca hát, thì quán trở thành nơi thu hút hầu hết giới tao nhân mặc khách của đất nghìn năm văn vật. Bẩy nàng được danh sĩ tặng cho mỹ danh Tô lịch thất tiên. Khi các nàng mới tới, đều có nghệ danh riêng. Trong một dịp hội hoa, bẩy nàng ôm bẩy bó hoa, bẩy mầu khác nhau, văn giới Thăng long nhân đó tùy mầu đặt mỹ danh cho các nàng. Các nàng đều mang tên Hoa, chỉ khác chữ đầu thôi: Hoàng Hoa, Bạch Hoa, Huyền Hoa, Thanh Hoa, Hồng Hoa, Tử Hoa, Lan Hoa. Tuy nổi tiếng, nhưng 7 nàng đều treo cao giá ngọc. Có không biết bao nhiêu vương tôn, đại thần, công tử, phú gia cầu thân, nhưng các nàng đều không để ai vào mắt xanh. Tiếng tăm bẩy nàng sắc nước hương trời, đàn hát, thi văn vang tới Trung nguyên. Thế rồi Trung thu năm trước, 7 nàng treo bảng tuyển phu trong 10 ngày. Hoàng Hoa tình tình trầm tĩnh, nàng đòi trượng phu phải là người bác học đa năng, có huân công với Xã tắc; Vũ sơn hầu Tạ Quốc Ninh là người bác văn, cường trí, giữ trọng trách tại Khu mật viện, coi về Mông cổ. Hầu nói, viết giỏi văn tự Thổ phồn, Tây vực là những văn tự chính thức của Mông cổ. Là một người nhã lượng cao trí, hầu giao hữu với tất cả văn gia Thăng long, Tống. Hầu trúng cách nàng Hoàng Hoa. Nàng Bạch Hoa dáng người ẻo lả, nàng ước trượng phu võ công cao cường, lại phải là người hoàng tộc; Nhân Huệ vương Trần Khành Dư trúng cách. Huyền Hoa, Thanh Hoa lại ước một trượng phu văn hay, chữ tốt, một danh sĩ; Khai sơn hầu Chu Mạnh Nhu lọt vào mắt xanh Huyền Hoa; Tham tri bộ Lễ Chu Bác Lãm, được nàng Thanh Hoa. Hồng Hoa lại ước một đại tướng quân, thế là Vũ kị thượng tướng quân Lý Tùng Bách trúng cách. Hai nàng Tử Hoa, Lan Hoa thì đòi người trượng phu phải là cao nhân võ học, hơn nữa tinh thông âm nhạc, cuối cùng hai đệ nhất cao nhân phái Sài sơn là Lê Kim Sơn, Lê Ngân Sơn lọt vào mắt xanh hai nàng. Bẩy đám cưới cùng tổ chức một ngày, dân Thăng long gọi là ngày hoa đăng. Đám cưới được một tuần trăng thì quân Mông cổ chiếm Thăng long. Tạ Quốc Ninh đem Hoàng Hoa cùng 6 người bạn về Nghi tàm ẩn thân. Nhưng trong đám gian nhân người Việt theo Mông cổ có tên Trịnh Ngọc và con là Trịnh Long từng nghe tiếng Tô lịch thất tiên. Y chỉ điểm chỗ ẩn của bẩy nàng. Mông cổ cử một Bách phu Lôi kị tới Nghi tàm bắt. Truyền thống của Mông cổ là khi chiếm được vùng nào là chúng cho bắt tất cả phụ nữ đẹp, không phân biệt công chúa, quận chúa, tiểu thư hay ca kĩ; cũng không phân biệt khuê nữ hay gái có chồng. Không ai hiểu tại sao Ngột Lương Hợp Thai lại đối xử với bẩy nằng quá đặc biệt: bẩy nàng được ở trong hậu cung của vua Trần, cử tỳ nữ hầu hạ, sai những đầu bếp giỏi nhất nấu cho bẩy nằng ăn. Chính Ngột Lương Hợp Thai thu dụng Hoàng Hoa làm tỳ thiếp. Hoài Đô dành Bạch Hoa. A Truật giữ Huyền Hoa. Còn bốn nàng Thanh, Hồng, Tử, Lan thì không cho ai đụng chạm đến. Nhưng chỉ mười ngày sau, không ai thấy các nàng đâu cả. Sau khi Mông cổ đại bại, Vũ sơn hầu thẩm vấn mấy trăm tù binh, cũng không ai biết tung tích Tô lịch thất tiên ra sao? Cho rằng vợ đã bị giết chết, hầu khóc hết nước mắt, làm một tuần chay cho Hoàng Hoa. Thái sư Thủ Độ tiếp lời Nguyên Phong hoàng đế: – Hộ tống sứ đoàn, ta phải mang theo một toán kị mã võ công cao, cung thủ thực giỏi. Ta đã có sẵn 10 toán Thần tiễn Long biên. Ta cử một toán theo sứ đoàn. Toán này cần một tướng trẻ, trí dũng, được triều đình tin dùng chỉ huy. Xét trong các thiếu niên thần thấy chỉ có Thiên trường ngũ ưng là xứng đáng. Tây Viễn vương thắc mắc: – Thiên trường ngũ ưng là những ai vậy? Thái sư Thủ Độ tỏ ra cực kỳ cao hứng: – À là năm thằng cháu. Nói về tài nghệ, thì mỗi cá nhân đều có một tuyệt nghệ bậc nhất Đại Việt. Nói về xuất xứ thì mỗi người có một xuất xứ lạ lùng. Nói về tính tình thì mỗi cá nhân đều có những ưu việt hiếm có. Nhưng tất cả đều giống nhau ở một điểm nhã lượng, cao trí, anh hùng, hào sảng. Chúng kết làm huynh đệ theo thứ bậc Dã Tượng, Yết Kiêu, Cao Mang, Đại Hành, Địa Lô. Trong thời gian chống giặc vừa qua, chúng gần gũi huynh nhiều, nên huynh hiểu chúng. Chúng gọi huynh là Ông trẻ, huynh gọi chúng là Thiên trường ngũ ưng. Thái tử Hoảng tâu: – Trong năm người thì Địa Lô họ Nguyễn, nhỏ tuổi nhất, dáng người thanh nhã, mặt đẹp như ngọc, xuất thân phái Sài sơn, tài kị mã siêu việt; học văn rất uyên bác, cử bút thành văn, bẩy bước thành thơ, có tài phục dược. Lô được danh sĩ Thăng long tặng cho cái tên Nam thiên đệ nhất mỹ nam tử. Hiện Địa Lô lĩnh chức Trưởng sử trong phủ của thần nhi. Thủ Độ tiếp: – Thứ tư là Đại Hành. Trong một lần huynh làm lễ cầu siêu cho vong linh tử sĩ ở chùa Chiêu thiền (Láng), huynh bố thí lộc Phật cho kẻ khó. Trên đường về huynh gặp một thiếu niên nằm bên đường tay ôm phẩm oản, với ba quả chuối. Gia tướng đỡ thiếu niên mang về phủ của huynh. Y sĩ chẩn mạch cho biết y rất khỏe mạnh, sở dĩ bị xỉu vì đói quá. Gia tướng đem cơm, thịt gà cho ăn. Y chỉ ăn cơm, còn thịt thì gói lại. Huynh hỏi: tại sao trong tay có oản, chuối mà không ăn để đến nỗi xỉu nằm bên đường. Thiếu niên thưa rằng y có mẹ già ở nhà, hai ngày qua bị đói, không có gì bỏ bụng, nên khi được bố thí oản chuối, y mang về cho mẹ. Nhưng đi giữa đường kiệt lực, ngã xuống. Huynh lại hỏi: Tại sao không ăn thịt gà, mà lại dấu vào túi? Y trả lời rằng mẹ y thường ước ao được ăn một miếng thịt gà mà chưa bao giờ toại nguyện. Vì vậy hôm nay y dấu mang về cho mẹ. Huynh cảm thương đứa trẻ có hiếu, thu nhận làm mã phu trong phủ. Ngày nào cũng như ngày nào khi ăn cơm, có miếng gì ngon y lại dấu mang về cho mẹ. Trong một lần con chiến mã của huynh xổ chuồng chạy, mã phu cỡi ngựa chiến đuổi theo mà không bắt lại được. Y hú lên một tiếng, đuổi theo bắt được ngựa về. Huynh cải thu nhận y làm gia tướng. Hiện y mang hàm Đô thống, y gọi huynh là ông nội, huynh gọi y là Đại Hành, vì y chạy giỏi. Tây Viễn vương hỏi: – Thế còn Cao Mang, Yết Kiêu, Dã Tượng? Vũ Uy vương chỉ Hưng Đạo vương: – Dã Tượng, Yết Kiêu là nghĩa tử của Hưng Đạo vương. Cao Mang là một tiểu hòa thượng tại gia. Cao Mang, Dã Tượng là Ngưu tướng. Cả hai đều cùng mang hàm Đô Thống. Dã Tượng là thống lĩnh Ngưu binh, Cao Mang là phó thống lĩnh. Cao Mang có tài bắn tên bách phát bách trúng. Yết Kiêu là Ngạc tướng, hàm Đô thống, thống lĩnh Ngạc binh. Hưng Đạo cho gọi Thiên trường ngũ ưng vào. Cả năm định quỳ gối hành lễ. Lẽ quan hô: – Miễn lễ. Hưng Đạo vương nhìn Ngũ ưng với tất cả yêu thương: – Các con được triều đình tín nhiệm chọn một trong các con theo sứ đoàn sang Mông cổ. Vậy ai tình nguyện đi? Cả năm đều xin đi. Nhà vua hỏi Vũ Uy vương: – Trong năm Ưng, con định chọn Ưng nào đi theo? – Con xin chọn Địa Lô với Dã Tượng. Dã Tượng, Địa Lô hành lễ: – Đa ta vương gia đã chọn hai thần nhi. Hưng Đạo vương bảo Dã Tượng: – Con trao quyền thống lĩnh Ngưu binh cho phó tướng Cao Mang. Nhiệm vụ của con , với Địa Lô sẽ được Khu mật viện hướng dẫn. Khi rời khoang thuyền lên bờ, Tây Viễn vương lĩnh Phiêu kỵ Đại tướng quân Trần Thủ An cầm tay Vũ Uy vương như muốn nói điều gì, rồi ông ngập ngừng suy nghĩ. Cuối cùng ông nói: – Khi con lên đường ta sẽ có ít lời dặn con. Buổi thiết triều chấm dứt. Theo tinh thần buổi thiết triều: Hưng Ninh vương truyền lệnh mở vòng vây Đông bộ đầu, Thái tử Hoảng mở vòng vây Thăng long, Nhân Huệ vương cho mở vòng vây Kinh Bắc. Triều đình chu cấp lương thảo, chữa trị cho thương binh, chiến mã, tiễn họ lên đường. Thái sư Trần Thủ Độ thân dẫn Ngột Lương Hợp Thai cùng tướng sĩ Mông cổ vượt sông Hồng sang Gia lâm. Ông sai bầy một tiệc rượu tiễn nghĩa đệ tại phủ đường Gia lâm. Hưng Đạo vương sai sứ mật lệnh cho tướng sĩ tại Cụ bản, Phù lỗ, Bình lệ nguyên. Vũ kị thượng tướng quân Lý Tùng Bách, Phá lỗ thượng tướng quân Trần Trữ, Hoài hóa thượng tướng quân Trương Đình được lệnh, phục binh tại Phù lỗ. Khi tướng Mông cổ là A Truật, con trai Ngột Lương Hợp Thai, dẫn tiền quân rút qua đây thì bị ba tướng đổ quân ra vây như thành đồng vách sắt. Giữa lúc binh tướng Mông cổ kinh hồn lạc phách, thì Vũ Sơn hầu Tạ Quốc Ninh cầm lệnh bài tới, ban lệnh cho ba tướng mở vòng vây. Ba tướng vui vẻ tha cho A Truật, lại còn dùng lời ngọt ngào đãi rượu với gà rừng quay. Thoát vòng vây Phù lỗ, binh tướng Thiên triều chưa hoàn hồn, thì khi tới Cụ bản, nơi diễn ra hai trận đánh kinh thiên động địa. Trận thứ nhất Mông cổ tấn công chiếm chiến lũy. Sau đó Mông cổ đóng binh tại đây để bảo vệ đường tiếp viện lương thảo. Mới mấy hôm trước Cụ bản bị quân Việt tái chiếm. Nay dân chúng đã trở về, đang dọn dẹp, tái thiết chiến lũy. Thình lình ba tướng Lê Phẩm, Phạm Long, Nguyễn Bích phát pháo, làm binh tướng Mông cổ rụng rời chân tay. Nhưng không có quân bao vây mà ba tướng sai người khiêng rượu thịt ra tiễn quân Thiên triều. Nào đã hết đâu, lúc Ngột Lương Hợp Thai tới Bình lệ nguyên lại bị Thủy binh, Ngưu binh, Kị binh dàn ra như đe dọa, Thái sư Trần Thủ Độ phải đích thân can thiệp, vòng vây mới được mở. Khi chia tay tại biên giới, Ngột Lương Hợp Thai xin Thái sư Trần Thủ Độ thả hơn vạn tù hàng binh Mông cổ, Đại lý. Thái sư Trần Thủ Độ can thiệp với Vũ Uy vương. Vũ Uy vương đưa điều kiện: “ Có hơn nghìn người của võ lâm Trung nguyên theo quân Mông cổ sang đánh Đại Việt. Để họ phải trung thành, quyết tâm với Mông cổ, Mông cổ sai quản chế vợ con họ. Trong trận đánh Thăng long, đứng trước việc quân Mông cổ tàn sát Hoa kiều, họ đã phản Mông cổ, hàng Đại Việt, cứu Hoa kiều. Vậy nay xin Thái sư Ngột Lương Hợp Thai đem vợ con họ trao đổi lấy tù binh”. Ngột Lương Hợp Thai đành chấp nhận. Đại Việt vừa trải qua một cuộc chiến tranh, tuy chỉ trong vòng hơn tháng, nhưng cực kỳ khủng khiếp. Đất nước không bị tán phá nhiều, chỉ có bẩy nơi diễn ra trận đánh bị thiệt hại: Thảo lâm, Bình lệ nguyên, Cụ bản, Phù lỗ, Thăng long, Đồng văn, và Đông bộ đầu. Triều đình Nguyên Phong hô hào toàn quốc cùng giúp các nơi này kiến thiết lại. Sức sống của dân chúng phục hồi rất mau. Sứ đoàn bao gồm Vũ uy vương Nhật Duy, vương phi Ý Ninh, Vũ sơn hầu Tạ Quốc Ninh, Dã Tượng, Địa Lô và đoàn kị mã Long biên 30 người, thêm 25 người phục dịch, 10 xe song mã. Tất cả 55 kị mã cũng như người phục dịch đều là nhữõng cao thủ, võ công thuộc loại thượng thừa, thông minh, biết nói tiếng Hoa, tiếng Mông cổ. Họ lại được Khu mật viện giảng giải tất cả tổ chức triều đình, lãnh thổ, quan chế, phong tục của Mông cổ cặn kẽ; huấn luyện về phương pháp trinh sát, thu nhặt tin tức tình báo, cùng phòng bị đối phương khai thác tin tức mình. Lại cấp cho sứ đoàn mười con chó Ngao để canh phòng dưới đất, mười con chim ưng để đưa thư, canh phòng trên không. Cuộc giảng giải này phải mất hơn tháng mới xong. Vũ Uy vương bàn với Tạ Quốc Ninh: – Thưa thầy, trước hết trong sứ đoàn cần chính danh. Không lẽ lúc nào Địa Lô, Quốc Kinh cũng gọi con là vương gia, xưng thần? Trong huyết tộc thì phụ hoàng là chú ruột Hưng Đạo vương. Quốc Kinh là con của vương, thì gọi con bằng chú. Như vậy trên đường đi sứ Đia Lô, Quốc Kinh cứ gọi con bằng chú cho thêm thân mật. Kinh chỉ mới học chữõ, xin thầy nhận Kinh làm học trò; dọc đường thầy dạy văn cho Kinh. Kinh gọi thầy bằng thầy. Thầy dậy tất cả sứ đoàn nói tiếng Mông cổ, như vậy Địa Lô cũng gọi thầy bằng thầy. Tạ Quốc Ninh vui vẻ: – Đa tạ vương gia đã cho tôi hai người học trò uy vũ quán thế. Địa Lô, Quốc Kinh vái Quốc Ninh bốn vái: – Con xin bái lạy thầy. Vương hỏi Dã Tượng: – Về võ công, con đã học được những gì? Ai là sư phụ của con? – Con chưa bái sư chính thức. Vương kinh ngạc, vì vương từng thấy Dã Tượng xử dụng võ công trong suốt bẩy trận đánh. Vương hỏi: – Chính mắt chú thấy cháu xử dụng những chiêu võ kỳ ảo. Tỷ dụ: chiêu thứ nhất, khi xuất trận, bọn Lôi kị sở trường thúc chân vào bụng cho ngựa chồm lên đầu một bộ binh, rồi xung vào phá tuyến đầu trận địa. Một Lôi kị đã dùng chiêu số này với cháu. Cháu xuống đinh tấn, hai tay chụp chân ngựa vặn tréo, ngựa bị ngã lộn đi hai vòng. Tên Kị mã cũng ngã lăn theo, cháu phi thân đến đá vỡ ngực y. Chiêu thứ nhì: hai Kị mã phi song song vào trận địa Ngưu binh. Cháu nhào tới, hai tay ấn vào đầu hai chiến mã, rồi vọt lên cao, lộn một vòng, đáp ra phia sau, hai tay cháu chụp đuôi hai chiến mã kéo lùi một hai bước, rồi buông ra. Hai chiến mã ngã lộn xuống đất, vật hai Lôi kị theo. Cháu phi thân phóng hai cước vào đầu chúng. Dã Tượng kính cẩn đáp: – Thưa chú, trong thời gian huấn luyện Ngưu binh, cháu cùng các Ngưu tướng tự chế ra các chiêu thức chống với Lôi kị. Tất cả 9 lộ. Hồi theo Hưng Ninh vương đánh trận Đông bộ đầu, vương bảo cháu diễn lại từ đầu cho vương xem. Vương giúp cháu chỉnh khuyết điểm, biến hóa mỗi lộ ra 9 chiêu, cộng 81 chiêu, rồi vương đặt tên là Đảo mã cửu lộ thức. Vương khen: – Các chiêu số đều thuần nhất, chất phác, nhưng khắc chế với kị binh. Có điều cả chín lộ đều dùng sức của một mục đồng, nên không ảo diệu. Nếu người xử dụng có công lực cao, thì uy lực sẽ vô cùng dũng mãnh. Dã Tượng không có tên, hồi mới ra đời, phong tục hồi đó thường không đặt tên cho con, mà chỉ gọi bằng những tên bình dân. Như con trai thì mang tên Cu, Chó, Trâu. Con gái thì mang tên Hĩm, Cái. Khi đứa trẻ 12-13 tuổi, vượt khỏi cái tuổi bị chết về bện đậu mùa mới làm lễ gia tiên đặt tên cho. Bà nội của Dã Tượng thấy cháu bụ bẫm dễ thương, bà đặt cho cháu cái tên Cu Chó. Năm bẩy tuổi, Cu Chó mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nó phải đi ở, chăn trâu cắt cỏ cho một ngôi chùa vùng Thiên trường. Sư trưởng của chùa là người nhân từ, ông đối xử với Cu Chó bằng tất cả tấm lòng từ bi. Ngoài việc chăn trâu của chùa, Cu Chó không phải làm công việc gì khác. Khi các chú tiểu trong chùa học văn, kinh Phật, ông cho Cu Chó cùng học. Trời cho Cu Chó một thân thể hùng vỹ, thông minh, lại thâm nhiễm đạo lý nhà Phật. Ba năm trước khi giặc Mông cổ ngấp nghé ngoài Bắc cương, triều đình ban chỉ cho xã ấp tập trung trẻ chăn trâu lại, huấn luyện tổ chức thành đội ngũ Ngưu binh. Vốn thông minh, có sức khỏe siêu việt, tính tình trầm tĩnh, Cu Chó được cử làm Ngũ trưởng (chỉ huy 5 người), rồi Lượng trưởng (chỉ huy 20 người). Trong lần duyệt binh, nó lĩnh chức Vệ úy (tương đương với ngày nay là Đại úy), chỉ huy một vệ Ngưu binh. Cu Chó biểu diễn đẩyngã một con trâu mộng. Nguyên Phong hoàng đế ban cho Cu Chó cái tên Dã Tượng. Thời xưa, một người được vua ban cho mỹ danh, là điều hãnh diện vô cùng. Trong dịp này Hưng Đạo vương nhận Dã Tượng làm con nuôi, ngài đặt tên Dã Tượng là Trần Quốc Kinh. Nhưng không ai gọi cái tên này cả, mà chỉ gọi là Dã Tượng. Ngay hôm được nhận Dã Tượng làm con nuôi, Hưng Đạo vương cho chàng vào cung bái kiến Tuyên minh thái hoàng thái hậu. Dã Tượng được bà dạy cho hai bộ võ công trấn môn của phái Đông A là Đông A chưởng pháp và Thiên la thập bát thức. Sau trận Bình lệ nguyên, tài năng chỉ huy Ngưu binh của Vệ úy Dã Tượng làm cho Lôi kị Mông cổ kinh hoàng, chàng được thăng lên Tá lĩnh chỉ huy 10 Vệ Ngưu binh. Rồi sau các trận Cụ bản, Phù lỗ, Đông bộ đầu, Dã Tượng được thăng lên Đô thống, tổng chỉ huy Ngưu binh toàn quốc. Thời gian theo quân trong các trận Thảo lâm, Bình lệ nguyên, Dã Tượng được Vũ Uy vương dạy căn bản võ thuật phái Đông A. Trong trận Cụ bản, Dã Tượng gặp Tuyên minh thái hoàng thái hậu, vương phi Kiến Quốc đại vương, vương phi Hưng Nhân vương. Ba bà yêu thương Dã Tượng cực kỳ. Cả ba đem hết tâm huyết dậy đứa cháu nuôi. Hồi về Thăng long dự trận Đông bộ đầu, Dã Tượng lại được Hưng Ninh vương dạy võ công Trúc Lâm yên tử. Ghi chú, Tuyên minh thái hoàng thái hậu, nhũ danh Tô Phương Lan. Bà là vợ của Trần Lý, bà nội của Nguyên Phong hoàng đế . Vương phi Kiến Quốc đại vương nhũ danh Phan Mỹ Vân, vợ của Trần Tự Khánh chú ruột Nguyên Phong hoàng đế, khai quốc công thần Trần triều. Vương phi Hưng Nhân vương, nhũ danh Trần Kim Ngân, là vợ của Phúng Tá Chu, em gái Trần Lý. Về hành trạng của ba bà, xin xem AHĐADCBM. Vương nói với Địa Lô: – Còn cháu, cháu là học trò của chưởng môn phái Sài Sơn, thì Nho, Y, Lý, Số, Xạ, Ngự, Thư, Họa đều thông. Ta yên tâm. Quốc Ninh đề nghị: – Dọc đường, đối với đội kị mã Long biên, ta vẫn để họ trang phục kị binh. Còn sứ đoàn , để giữ quốc thể, ta cứ mặc y phục nông dân Đại Việt cho phải lẽ. Trước khi lên đường, Vũ Uy vương cùng vương phi vào Hoàng thành vấn an sinh mẫu của vương là Tuyên phi Mai Đông Hoa. Vũ Uy vương Nhật Uy với vương phi Ý Ninh mới kết hôn chưa quá một năm, đám cưới diễn ra ngay sau trận Phù lỗ, quân Mông cổ đang tiến về Thăng long, chiến cuộc diễn ra khủng khiếp. Vì vậy mọi lễ nghi đều hủy bỏ. Hai vợ chồng bái tạ phụ hoàng, hướng về Thiên trường lễ vọng tổ tiên, rồi lên đường trấn ngự Bắc cương. Vì vậy vương phi chưa được diện kiến sinh mẫu của vương. Phi hỏi vương: – Anh ơi, chúng mình cưới nhau trong khi khói lửa mịt mờ! Cho đến nay em cũng không biết phụ hoàng có bao nhiêu hoàng nam. – Để anh cho em biết. Trong các con của phụ hoàng, nếu tính theo tuổi thì Tĩnh Quốc vương Khang lớn nhất, thứ đến anh. Cả hai cùng tuổi Đinh Dậu (1237). Thái tử Hoảng nhỏ hơn anh ba tuổi, chú ấy tuổi Canh Tý (1240) . Tiếp đến là Chiêu Minh vương Quang Khải. Sau tới Vũ Minh vương Quang Húc, Chiêu Quốc vương Ích Tắc, Chiêu Văn vương Nhật Duật, cuối cùng là Chiêu Hòa vương Quốc Uất. Tổng cộng 8 người. – Phụ hoàng có nhiều hoàng nam, hầu hết đều văn mô, vũ lược, có tài đế vương. So về tuổi thì chú Hoảng là con trai thứ ba, nguyên do nào chú lại được lập làm Thái tử, rồi sẽ được truyền ngôi vua? Vương giảng giải: – Theo thể chế các triều đại Hoa-Việt xưa, khi một hoàng tử đến tuổi 13 thì được phong tước vương, được gọi là thân vương, được trao cho nhiều chức vụ. Thường thì gồm cả chức văn lẫn võ, được cho mở phủ đệ riêng. Mỗi phủ đệ có nhiều chức quan do triều đình ấn định. Các thân vương cũng có quân túc vệ riêng. Việc này dẫn đến các vị vương dùng binh tướng của mình làm loạn như triều Lê. Khi vua Lê Đại Hành băng, các hoàng tử kéo quân về tranh ngôi vua, chém giết nhau không hề nghĩ tình ruột thịt. Cuối cùng Lê Long Đĩnh giết hết các anh-em, lên ngôi vua, tức Lê Ngọa triều. Bởi vậy khi Lê Ngọa triều băng, trong triều, ngoài trấn không còn thân vương nào nữa, đưa đến triều Lê mất về họ Lý. – Em cũng đã biết như thế. Vương phi trình bầy: Này nhé, sang triều Lý, vua Lý Thái tổ đã từng thấu hiểu những cay đắng của triều Lê. Nhà vua không cho phủ đệ của thân vương tổ chức quân đội riêng. Nhưng các hoàng tử đều là những người có tài cầm quân. Vua trao cho bốn con bốn chức vụ lớn. Một người lĩnh Đô đốc thủy quân, một người thống lĩnh Kị binh, một người thống lĩnh Thiên tử binh, một người thống lĩnh Ngự lâm quân, Thị vệ. Ngài ban chỉ dụ: ngôi trừ quân bỏ trống, các hoàng tử đều được phong làm thái tử. Người nào nhiều công trạng, có tài nhất sẽ được lập làm trừ quân. Nhưng ngài băng hà thình lình, khi chưa chỉ định người kế vị, vì vậy đưa đến chư vương nổi loạn. Các đại thần quyết định theo cơ chế cổ, con trưởng sẽ được kếù vị. Con trưởng của vua Lý Thái tổ là Khai Thiên vương. Các tướng giúp Khai Thiên vương, dẹp chư vương, rồi tôn lên ngôi vua tức vua Lý Thái tông. – Huynh đệ tương tàn là điều đau đớn nhất của các triều trước. Vũ Uy vương than thở: Vì thế khi vua Lý Thái tông lên ngôi, ngài ban chỉ không cho thân vương, hoàng tộc giữ các nhiệm vụ Thái úy, Quản Khu mật viện, Đô đốc Thủy quân,Tổng lĩnh Thiên tử binh, Tổng lĩnh Kị binh. Chú giải, Thái úy, tương dương với ngày nay là Tổng tư lệnh quân đội. Khu mật viện, tương đương với ngày nay bao gồm bộ Công an, Cục tác chiến, Cục quân báo, Cục phản gián.Tổng cục 2. Đô đốc Thủy quân, tương đương với ngày nay là Tư lệnh Thủy quân. Tổng lĩnh Thiên tử binh, tương đương với ngày nay là Tư lệnh lục quân. Tổng lĩnh Kị binh, tương đương với ngày nay là Tư lệnh Thiết giáp binh. – Anh nói lạ! Thế sao sau này ngài Lý Thường Kiệt cũng từng được trao cho trao chức Thái úy? Vương cười lớn: – Em không nhớ kỹ sử mất rồi; ngài Thường Kiệt nguyên họ Ngô, được ban quốc tính, chứ ngài không phải họ Lý. – Em quên! Chính sách này giúp cho suốt triều Lý, không bị các nạn hoàng tộc chém giết nhau vì tranh ngôi vua. Sử chép Tô Hiến Thành, Đàm Thì Phụng, Đàm Dĩ Mông từng giữ chức Thái úy. Cuối cùng trong lúc rối loạn, chức Thái úy do tổ Trần Tự Khánh nhà ta nắm rồi đi đến triều Lý mất về họ Đông A nhà mình. Vương nhìn thẳng vào khuôn mặt thanh tú của vương phi, giảng giải: – Phụ hoàng đã thấy các vết xe đổ của triều Lê, triều Lý. Người ban hành luật: Khi chú Hoảng là Thái tử đã đủ lớn, thì được truyền ngôi, người sẽ lui về làm Thái Thượng hoàng. Có lẽ sang năm tới. Như vậy tránh được tình trạng tân quân bỡ ngỡ khi mới lên ngôi, tránh tình trạng các con tranh giành ngôi vua chém giết nhau. Tổ chức cai trị chia ra làm hai: chức vụ trong triều, cũng như ngoài trấn thì trao cho các quan. Còn các vương, hầu hoàng tộc thì ai về đất phong của người ấy. Đất phong như một tiểu quốc riêng, có tiểu triều với đầy đủ quan chức, quân đội. Mỗi tháng các vương hầu đều về Thăng long dự buổi thiết đại triều, bàn quốc sự. Xong việc lại trở về lãnh địa của mình. Vừa rồi, Mông cổ kéo đại binh sang, Hưng Đạo vương hội quân, các vương hầu kéo quân bản bộ về cùng nhận lệnh đánh giặc. Chính anh, anh kéo quân Bắc cương về chịu lệnh. Vương phi vẫn không chịu: – Theo lẽ chính thống thì bao giờ các vua chúa Hoa, Việt cũng truyền ngôi cho con trai trưởng, là người lớn tuổi nhất. Nếu không phải con trưởng thì cũng phải là người con thứ có nhiều công trạng hoặc tài đức vượt xa các anh em, như Đường Cao tổ truyền ngôi cho con thứ là Tần vương Lý Thế Dân. Nhưng tại sao chú Hoảng, tài không hơn anh, công lao lại càng thua xa anh. Theo tuổi tác, chú là con thứ ba lại được lập làm Thái tử? – Chú ấy được phong làm Thái tử, vì tuân theo cái lẽ chính thống của Nho gia. Với nguyên tắc chính thống thì anh không thể lên ngôi vua. Anh mà lên làm vua, sĩ dân không phục, rồi nước sẽ loạn to! – Em không hiểu. – Này nhé, phụ hoàng nhờ là phò mã của vua Lý Huệ Tông, là chồng của vua Lý Chiêu Hoàng, mà được nhường ngôi. Phụ hoàng có hoàng hậu, nhiều phi tần, cung nga, sinh nhiều hoàng nam. Nhưng người kế vị phải là cháu ngoại của vua Lý Huệ Tông mới hợp lẽ chính thống, dân chúng, sĩ dân mới phục. Hoàng hậu Chiêu Hoàng không có hoàng nam, bị phế xuống làm công chúa, thì chỉ con của phụ hoàng với công chúa Thuận Thiên, chị của vua Chiêu Hoàng mới đủ tư cách kế vị. Điều này anh bị loại, vì anh là con một cung nga. Mẫu thân mình xuất thân là con hát được đưa vào cung. Như anh vừa nói, so về tuổi thì anh Quốc Khang với anh lớn nhất. Ngược lại so về vai vế thì Thái tử Hoảng lớn nhất, thứ đến Quang Khải, vì cả hai là con của hoàng hậu Chiêu Thánh. Tiếp đến Quang Húc, Ích Tắc là con của Tây cung quý phi đứng thứ ba, thứ tư; Nhật Duật là con của Hoàng phi đứng thứ năm. Anh với Quốc Uất là con của một Tu Dung, đẳng cấp thấp nhất đứng thứ sáu, thứ bẩy. Anh Quốc Khang không phải con của phụ hoàng, nếu kể cả anh ấy thì phụ hoàng có 8 hoàng nam. – Em hiểu rồi. Trong cuộc chiến vừa qua, anh lập công lớn, phụ hoàng lấy lý tử quý, mẫu vinh (con quý thì mẹ vinh), mẫu thân anh được cải phong lên bậc Tuyên phi. Do vậy dù anh lớn tuổi nhất trong các hoàng nam của Phụ hoàng, dù anh là người văn mô vũ lược, lại từng thống lĩnh binh mã Bắc cương, chiến thắng Mông cổ, vẫn không được phong làm Thái tử. Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì sự việc này như sau: Hồi vua Trần Thái Tông còn thơ, được tuyển vào cung hầu hạ nữ hoàng đế Lý Chiêu Hoàng. Chiêu Hoàng ưng ý tuyển làm chồng, rồi truyền ngôi cho năm 1225. Thái Tông phong Chiêu Hoàng tước Chiêu Thánh hoàng-hậu. Niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 6 (1237), hoàng-hậu Chiêu Thánh đã 19 tuổi mà chưa có hoàng nam, tông thất nhà Lý rục rịch đòi lại ngôi vua. Thái-sư, Trung Vũ đại vương Trần Thủ Độ ép vua giáng Chiêu Thánh xuống làm Thiên Cực công-chúa, lập vương phi của An Sinh vương Liễu là công-chúa Thuận Thiên, cũng là con của vua Lý Huệ Tông làm hoàng-hậu, vì bà đã có thai ba tháng. Thủ Độ nghĩ: ông có thể lý luận với tông tộc nhà Lý rằng: Đứa trẻ sinh ra là con của Thuận Thiên, thì cũng là cháu của vua Huệ Tông. Cháu vua Huệ Tông cũng nghiễm nhiên được nối ngôi. Bị làm nhục, An Sinh vương Liễu cất quân làm loạn. Sau nhờ Linh Từ quốc-mẫu Trần Thị Kim Dung, bà là: – Cô của vua Trần Thái Tông, An Sinh vương Liễu, – Hoàng hậu của vua Lý Huệ Tông, – Hiện là vợ của Thái-sư Trần Thủ Độ, – Bà cũng là mẹ của công chúa Thuận Thiên và Chiêu Hoàng, Bà đứng ra dàn hòa, cuộc chiến tương tàn mới êm. Người đương thời cũng như các sử gia đều cho rằng Thái sư Trần Thủ Độ là người thất học, làm càn. Ông nặn ra việc Trần Cảnh, Lý Chiêu Hoàng có tình ý với nhau, rồi cho hai người kết hôn. Sau lại bắt vua Trần Thái tông bỏ Chiêu Thánh, đem vương phi An Sinh vương Liễu là công chúa Thuận Thiên ép làm hoàng hậu. Các sử gia đều kết tội Thái sư Trần Thủ Độ. Nguyên do, Thái sư Thủ Độ đã căn cứ vào những sự kiện lịch sử Hoa-Việt mà người xưa gọi là chính thống rồi hành động. Cái lý chính thống của Thái sư Trần Thủ Độ thế là thế nào? Sử, cũng như chính sự các đời đều ca tụng ba vua Nghiêu, Thuấn, Vũ là những vị vua thánh. Vua Nghiêu gả hai công chúa là Nga Hoàng, Nữ Anh cho phò mã là một nông dân, rồi nhường ngôi, phò mã trở thành vua Thuấn. Vua Thuấn lại nhường ngôi cho phò mã, thành vua Vũ. Đây là hình thức khuôn mẫu cho các đời sau, gọi là chính thống. Dẫn chứng sử Trung hoa, con rể nối ngôi cha vợ cho hợp với chính thống e dài quá, xin dẫn chứng sử Việt Nam: Một là, khi anh hùng Dương Diên Nghệ bị Kiều Công Tiễn ám hại, con rể là Ngô Quyền, lên thay quyền, diệt kẻ ác, rồi làm vua. Hợp với lẽ chính thống, nên tường sĩ, dân chúng qui phục ngài, vì vậy ngài mới thắng giặc Nam Hán, lên làm vua. Hai là, vua Đinh Tiên hoàng, tuy có tài dẹp các sứ quân, nhưng ngài cũng cố tìm ra cớ gì hợp với chính thống? Vì vậy ngài phải phong cháu Dương Diên Nghệ là Dương Vân Nga, làm hoàng hậu, để qui phục nhân tâm: Con rể kế ngôi nhạc phụ, như vậy mới có chính nghĩa, hợp với lẽ chính thống. Ba là, khi vua Lê Ngọa Triều băng, tuy con còn thơ dại, nhưng vẫn còn đến ba hoàng tử em vua Ngọa Triều lĩnh tước vương, đang trấn ngự bên ngoài. Nhưng tiều đình tôn Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn lên làm vua, sau là Lý Thái tổ. Tại sao? Vì ngài là phò mã của vua Lê Đại Hành. Bốn là, khi vua Lý Thái tổ lên ngôi, ngài có nhiều con, tất cả các con đều được phong là Thái tử, ngụ ý rằng ngôi trừ quân chưa định. Thái tử nào có tài, có đức sẽ được truyền ngôi. Tuy Thái tử Lý Long Bồ tước phong Khai Quốc vương là người tài trí, đức độ trùm Hoa Việt, nhưng cuối cùng vua Lý Thái tổ truyền ngôi cho Thái tử Phật Mã tước phong Khai Thiên vương; dù vua biết rằng vương là người mà tài, đức thua Khai Quốc vương xa, lại khệnh khạng, hình thức. Nguyên do chỉ vì Phật Mã là con của hoàng hậu Tá quốc, Long Bồ là con của hoàng hậu Lập nguyên. Mà hoàng hậu Tá quốc là công chúa con vua Lê Đại Hành. Như vậy, cháu ngoại vua Lê lên ngôi vua, thì chính thống mới sáng tỏ. Trần Thủ Độ muốn lấy ngôi vua từ họ Lý sang họ Trần, ông phải xếp đặt cuộc hôn nhân Trần Cảnh–Lý Chiêu Hoàng, cho hợp với chính thống. Đến khi Chiêu Hoàng chưa có con, hoàng tộc nhà Lý rục rịch muốn yêu cầu vua Trần Thái tông nhận một đứa trẻ con của một thân vương triều Lý làm thái tử, rồi truyền ngôi cho. Vì vậy ông mới đem vương phi của An Sinh vương ép vào ngôi hoàng hậu, để đứa trẻ đó sau lên nối ngôi thì là cháu ngoại của vua Lý Huệ tông, cháu ngoại lên nối ngôi ông, cho hợp với chính thống. Thuận Thiên hoàng hậu sau có với vua Thái tông hai hoàng tử, kể cả đứa con oan nghiệt vốn là bào thai của An Sinh vương Liễu là ba. Đứa trẻ đó sau là Tĩnh Quốc đại vương. Tĩnh Quốc đại vương không được nối ngôi vì là con An Sinh vương Liễu, mà ngôi vua về thái tử Hoảng, tức vua Trần Thánh Tông. Còn hoàng hậu Chiêu Thánh bị giáng xuống làm Thiên Cực công chúa. Thiên Cực trốn khỏi hoàng cung, đi tu, pháp danh là Vô Huyền. Đương thời truyền tụng bà đắc đạo thành Bồ Tát, nên gọi ngài là Vô Huyền bồ tát. Vô Huyền bồ tát là sư phụ của vương-phi Ý Ninh. Trần Thủ Độ không tìm được tông tích của Chiêu Thánh, sợ Chiêu Thánh trốn ra các trấn hô hào phục hưng triều Lý, bèn đem một cung nga có dáng giống Chiêu Thánh, tên Thục Anh giả làm ngài để trấn an dư luận. Nếu Chiêu Thánh khởi binh thì Thủ Độ có thể tuyên bố rằng đó là Chiêu Hoàng giả. Còn Thục Anh mới là Chiêu Hoàng. Sau chiến thắng Mông Cổ, vua Trần Thái tông thấy việc ép cung nga Thục Anh này sống cô quạnh, thì động lòng trắc ẩn mới đem gả cho Lê Phụ Trần. Bấy giờ Thục Anh đãù 36 tuổi. Sử chép rằng Công-chúa Thiên Cực được gả cho Lê Phụ Trần, sau sinh ra nhiều con. Lý này không vững, vì năm ấy (1258) Chiêu Thánh đã 43 tuổi, với tình độ y học ngày nay một phụ nữ tuổi 43 cũng khó có thể sinh con; huống hồ y học đời Trần. Vì vậy chúng tôi thuật theo gia phả. Vả người chép gia phả là Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc. Vương là con của vua Thái tông, thì vương chép về phụ-hoàng, mẫu-hậu không sai được. Vũ Uy vương tuy là người văn võ toàn tài, lớn tuổi nhất trong các con của vua Thái tông, lại có công trong cuộc phá Mông Cổ lần thứ nhất (1258), nhưng vì là con một cung phi bậc thấp, nên không được truyền ngôi vua. Vả tính tình vương khoáng đạt, cùng vương phi trấn ngư biên cương, không nghĩ đến tranh dành ngôi vua. Vương phi Ý Ninh vẫn không chịu: – Thế Tĩnh Quốc Vương Khang ! Anh ấy chẳng là con của Phụ hoàng với Hoàng hậu đấy ư ? Dường như anh ấy với anh bằng tuổi nhau thì phải. – Em hỏi thế thực phải. Em nên nhớ Tĩnh Quốc vương Khang, lớn tuổi hơn hoàng tử Hoảng. Vương cũng là con của mẫu hậu Thuận Thiên, tức cũng là cháu ngoại của vua Lý Huệ tông. Nhưng thực sự, vương không phải là con của phụ hoàng. Vì khi mẫu hậu Thuận Thiên có thai ba tháng với An Sinh vương Trần Liễu, thì bị Thái sư Trần Thủ Độ ép vào cung, rồi sinh ra vương, thì vương là con của An Sinh vương. Vả tư chất của anh ấy đần độn, học văn không thông, luyện võ không thành; như vậy không thể được lập làm thái tử, không thể được truyền ngôi vua. – Bây giờ em mới hiểu hết những uẩn khúc trong cung đình nhà mình. Theo chiếu thư Mông cố thì họ đòi phụ hoàng phải gửi con trưởng sang làm con tin. Sao phụ hoàng cũng như triều đình không gửi anh Quốc Khang mà lại gửi anh?
-
Cháu kính chào các vị tiền bối và mọi người, Thời gian gần đây, cháu trải qua nhiều chuyện buồn về gia đình, tình cảm và công việc. Cháu ra làm ở Hà Nội tới nay đã hơn 2 năm, thật sự cuộc sống xa nhà làm cháu mệt mỏi. Mặc dù đã có lúc cháu từng xác định sẽ lập nghiệp ngoài bắc nhưng trong 1 năm nay có quá nhiều việc xảy với bản thân cháu. Hiện tại cháu đang có 2 dự định qua Tết cháu sẽ chuyển về quê hoặc Sài Gòn. Nếu về quê thì chắc chắn cháu sẽ phải làm 1 công việc hoàn toàn mới(công việc kinh doanh buôn bán), còn đi Sài Gòn thì chắc cháu cũng làm công việc như bây giờ. Cháu đang rất phân vân không biết quyết định hướng nào. Cháu kính mong các bác xem giùm lá số tử vi và cho cháu lời khuyên. Cháu cảm tạ các bác ạ. Cháu chúc các bác và mọi người một năm mới an khang, thịnh vượng và tràn đầy sức khỏe! Thông tin thêm của cháu: - Cháu là con út, trên cháu còn 1 anh trai đã cưới vợ và có em bé - Bên mắt phải của cháu có 1 vết thẹo cong hình lưỡi liềm, dài khoảng 5cm và trên sóng mũi cũng có 1 vết dài khoảng 3cm (hồi cháu vừa tập đi thì bị do ly thủy tinh đập vào mắt, may mà không bị vào mắt chỉ bị xung quanh mắt thôi ạ). - Năm 2010 cháu bỏ ngang việc học đại học rồi đi làm từ đó tới nay. Còn đây là lá số tử vi của cháu: My link
-
Dạ, cháu cảm ơn bác rất nhiều. Gian nan vất vả như thế nào cháu cũng chịu được, chỉ cần niềm tin luôn luôn còn.Cháu cảm ơn bác! Kính chúc bác và gia đình sức khỏe luôn luôn dồi dào!
-
Kính thưa bác Thiên Sứ, Hôm nay cháu vào topic này http://diendan.lyhocdongphuong.org.vn/bai-viet/26661-viet-su-5000-nam-van-de-bien-dong/page__st__40 . Cháu rất buồn khi nghe tin bác giải tán TT LHDP này. Gần 2 năm trước, khi cháu ra Hà Nội làm việc và được xem Đại Lễ 1000 năm Thăng Long là lúc đó cháu được biết Bác qua báo đài. Rồi khi tìm hiểu thông tin về bác đã cho cháu cơ duyên được biết tới diễn đàn TT LHDP. Thật sự những điều cháu học được diễn đàn mình không được bao nhiu vì cháu biết khả năng của cháu có hạn, nhưng cháu thầm khâm phục con người bác. Một người hết lòng vì đất nước, chiến đấu dai dẳng với cái đám phủ nhận 5000 năm văn hiến Việt tộc. Cháu biết bác làm việc trong điều kiện không thuận lợi, áp lực căng thẳng thì không dễ chút nào nhưng bác ơi! Bác là đầu tàu, bác chỉ đường cho chúng cháu đi theo. Có thể hôm nay kiến thức của chúng cháu không uyên bác, không giúp gì được cho bác nhưng nếu bác tiếp tục duy trì diễn đàn, tiếp truyền dạy kiến thức của bác cho chúng cháu thì cháu tin sẽ có những học trò đủ khả năng cùng bác đi trên con đường chông gai này. Văn chương cháu viết không được tốt lắm, không truyền tải hết ý nghĩa cháu muốn nói. Chỉ có 1 câu mong bác bình tâm lại, tiếp tục duy trì diễn đàn, để thế hệ chúng còn biết lịch sử 5000 năm văn hiến của dân tộc Việt hào hùng như thế nào. Chúc kính chúc bác luôn luôn khỏe mạnh để tiếp tục công việc gian nan này, P/s: Mọi người có đọc topic của em thì mong mọi người comment kêu gọi bác Thiên Sứ duy trì diễn đàn và tiếp tục sứ mệnh chứng minh Việt sử 5000 năm văn hiến. Em cảm ơn mọi người
- 70 trả lời
-
15
-
"Nó bị bệnh thế thì cho chết luôn, không phải chữa chạy gì nữa”, nghe những lời nói cay nghiệt của chồng, chị Ngoãn (46 tuổi, Thái Bình) chỉ biết nén nước mắt vào trong vì thương con mới 9 tuổi đã bị bệnh ung thư máu. Từ tháng 4 năm ngoái đến giờ cứ đều đặn hàng tháng hai mẹ con chị Ngoãn lại khăn gói lên khoa Bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương (Hà Nội) để làm xét nghiệm, lấy thuốc. Và sau mỗi lần từ Hà Nội trở về, chị lại bị chồng đánh, thậm chí có lần còn bị đánh ngất đi vì tội “làm trái ý” chồng. Đi mua cơm cho con mà trong túi chị chỉ còn vẻn vẹn hơn 20.000 đồng. Chỉ hai mẹ con trông nhau ở viện, hết tiền thì đi xin ăn. Chị không ngăn nổi dòng nước mắt cứ chảy dài trên khuôn mặt khắc khổ khi kể về cuộc đời của mình. Chị Ngoãn chỉ có ước có phép màu để có thể cứu được con. Ảnh: P.N.Lấy chồng năm 26 tuổi, chị có ngờ đâu đó lại là khởi đầu cho một loạt những bất hạnh của cuộc đời mình. Về làm dâu được 3 ngày thì chị đã bị chồng đánh một trận nhừ tử, vừa sinh con xong chồng cũng không tha, đánh đến ngất đi. Lấy chồng bằng đấy thời gian, chị cũng bị sảy thai đến 4 lần, lần nào cũng thế hôm trước sảy, hôm sau chồng đã bắt đi gặt, đi cấy. “Chồng có đánh, mắng chửi thế nào, tôi cũng chấp nhận. Nhưng không chỉ đánh vợ, ông ấy còn đánh cả con. Có lần ông ấy nhốt 3 mẹ con vào bếp mà đánh. Nhìn con khóc mà tôi thấy mình bất lực, lúc nào 3 mẹ con cũng nơm nớp lo sợ”, chị Ngoãn nói mà nước mắt chảy ròng. Nhưng dù có bị hành hạ đến thế nào chị vẫn cố chịu đựng vì để con lớn lên có cha, có mẹ. Thế nhưng, cuộc sống dường như quá khắt khe với người phụ nữ ấy, nỗi đau bị đẩy lên đến tột cùng khi chị biết con trai mình bị ung thư máu. Từ nhỏ bé Trần Quỳnh Thuyên, con trai chị đã gày, hay ốm yếu. Tháng 3 năm ngoái chị có đưa con lên bệnh viện huyện khám thì bác sĩ chỉ báo cháu bị cảm do virus. Sau đó chị thấy con chỉ cần quất nhẹ vào người là đã tím, thấy lạ, chị mới đưa con đi khám lại thì nhận được tin con mắc bệnh hiểm nghèo-ung thư máu. Không thể tự mình cứu con, chị Ngoãn đã viết đơn xin hỗ trợ từ các nhà từ thiện có xác minh của xã nhưng lại không biết phải gửi đến đâu. Ảnh:P.N.Cũng từ đó, tiền chạy chữa cho con một mình chị chạy ngược chạy xuôi lo toan. Số tiền giờ đã lên đến hơn 100 triệu đồng, nhà làm ruộng, chị không còn biết trông cậy vào đâu. “Những ngày ở bệnh viện, một mình tôi chăm sóc cháu và lo vay tiền, thế mà nhiều lần đi viện về nhà anh ấy còn đánh, chửi. Anh ấy bảo ‘nó bị bệnh thế thì cho chết luôn, không phải chữa chạy gì nữa’”, chị Ngoãn nói trong nước mắt. "Kêu chồng đi làm kiếm tiền thì anh ấy không đi, ban ngày thì ngủ, tối đi chơi, Anh ấy bảo kệ 2 mẹ con tự chăm nhau, không thì đi khỏi nhà. Thậm chí, người nhà của anh ấy còn bảo chị không phải chữa bệnh cho cháu nữa, nó chết để anh ấy lấy vợ khác, rồi người ta sẽ đẻ con trai cho anh ấy" chị Ngoãn kể lại. Lúc đầu thì vì con gái, còn giờ khi con đã đi lấy chồng thì chị lại vì cậu con trai mới mắc bệnh trọng. Vì sợ bố đánh mà cô con gái đầu đã phải đi xuất giá khi mới 17 tuổi, nay chỉ còn 2 mẹ con nhưng chị cũng không dám dứt khoát. "Con xin mẹ, mẹ đừng bỏ bố. Mẹ mà bỏ bố, con đập đầu xuống đất mà chết. Mẹ cố gắng, con có sống được mấy nỗi đâu", cậu con từng nói với mẹ như vậy. Theo các bác sĩ, bệnh tình của Thuyên nếu được sử dụng thuốc tốt, cộng thêm bồi bổ sức khỏe thì vẫn có thể tiến triển theo chiều hướng tốt. Bệnh của con ngày nào cũng phải dùng thuốc, cơ thể mệt mỏi cần được bồi bổ để nhanh lại sức, nhất là đối với trẻ. Nhưng chị lại không có tiền, đến tiền ăn nhiều hôm cũng không có. Vì thế, không nói gì đến chuyện bồi dưỡng bằng sữa, thịt mà ngay cả bữa ăn đạm bạc, nhiều khi chị cũng không thể lo cho con được. “Có hôm hết tiền, tôi chỉ đủ mua cho cháu một suất cơm 5.000 đồng, gồm một ít cơm với rau, nước canh. Cháu cũng biết được hoàn cảnh của mình nên ăn mà không phàn nàn hay đòi hỏi gì cả. Cháu ăn cơm, rau xong thì tôi chỉ uống nước canh cho đỡ đói chứ không có gì mà ăn. Có hôm đến 2 ngày liền mà 2 mẹ con chỉ có một bánh mì tôm...”, chị Ngoãn ứa nước mắt nói. Tại khoa, nhiều y, bác sĩ thấy hoàn cảnh đáng thương của hai mẹ con nên cũng thương tình, thỉnh thoảng cho một vài trăm nghìn đồng. Có lúc, mọi người trong phòng cũng chia cho cháu miếng thịt, ít cơm... Từ khi biết bệnh đến giờ, cháu cũng phải nghỉ học vì không có tiền. "Giờ tôi chỉ ước có một phép màu để con tôi có thể khỏi bệnh. Đổi lại dù bắt tôi làm gì tôi cũng chịu", chị Ngoãn bùi ngùi nói. Phương Trang Độc giả có lòng hảo tâm xin gửi về: chị Trần Thị Ngoãn, xóm 4, thôn Mỹ Thịnh, xã Tây Đô, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, số điện thoại: 0167 435 6559. Hoặc liên hệ tại khoa Bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, số 14 Trần Thái Tông kéo dài, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.Mong các nhà hảo tâm cứu giúp trường hợp này ạ, không ngờ trên đời lại có người bố thú tính đến như thế. http://vnexpress.net/gl/doi-song/gia-dinh/2011/09/bi-chong-danh-chi-vi-co-chua-benh-cho-con/
-
Chào a Thiên Luân, Anh cho e hỏi tới khi nào thì trung tâm mở tiếp khóa Phong Thủy Lạc Việt vậy anh? Trên diễn đàn mình không có chức năng nhận tin mới qua mail nhỉ? Thanks anh
-
Cháu sinh năm 1987, cháu là con út, trên cháu còn có anh trai sinh năm 1985. Đây là lá số của cháu ạ: http://www.lyhocdongphuong.org.vn/apps/LaSoTuVi.php?name=V%C3%B5+%C4%90%E1%BB%A9c+C%C6%B0%E1%BB%9Dng&date=1987,7,26,0,0&year=2012&gender=m&view=screen&size=2 Cháu kính nhờ các bác xem giúp lá số của cháu với ạ. Cảm ơn các bác
-
Anh xem giùm e và bạn gái nên cưới năm nào, sinh con tuổi gì thì hợp ạ. Nam, sinh ngày 26-7-1987 (Dương lịch) e xem trong bảng Lạc Thư Hoa Giáp thì mạng của em là Giáng Hạ Thủy Nữ, sinh ngày 08-09-1988 (Dương lịch), mạng Đại Lâm Mộc Em cảm ơn anh nhiều
-
Chào mọi người, Em đang tìm mua tất cả các loại sách(nhất là các loại sách viết về phong thủy Lạc Việt) của bác Thiên Sứ mà không biết mua ở đâu? Em ở Hà Nội, mọi người ai biết chỉ giúp em nơi mua sách với ạ. Em xin cảm ơn nhiều.
-
Em cảm ơn anh Thiên Đồng. Em mún mua sách để đọc thích hơn anh à, đọc trên mạng hơi khó chịu đối với em. Anh cho em hỏi có phải văn phòng của trung tâm là số 1A Đặng Dung phải ko anh? Cảm ơn anh nhiều
-
Tin Đồn ‘Thánh Vật’ Chết Mấy Chục Trai Đinh Câu chuyện tôi nghe từ một người bạn người Sơn Tây, hoàn toàn chỉ là tin đồn.Theo lời anh bạn, người dân ở đây đã phải sống trong những ngày tháng kinh hoàngkhi đêm đêm nơm nớp không biết khi nào bị quỷ thần lấy mạng. Những cái chết dồndập, những lời đồn thổi về việc "thánh thần" nổi giận... bắt nguồn từ câu chuyệncách đây đã 3 năm. Nhưng mỗi lần nhắc đến, người dân trong làng lại thảng thốthoang mang... Vân Gia là làng cổ, nằm ngay sát đền Và nổi tiếng, thờ thánh Tản. Thật ra cáitên cổ Vân Gia bây giờ không còn được dùng trong các văn bản hành chính nữa bởitừ khi lên phố, làng Vân Gia đã được chia nhỏ ra thành 4 thôn (còn gọi là đội,gồm thôn 5, 6, 7, 8). Tìm hiểu chuyện đã làm mọi người hoang mang, sợ hãi trên, đến làng cổ này, ngườiđầu tiên chúng tôi tìm gặp là ông Phùng Văn Tuấn, Trưởng thôn 8. Ông Tuấn từnglà sĩ quan quân đội, khi rời quân ngũ về quê, ông tham gia công tác ở nhiều vịtrí trong chính quyền địa phương. Nghỉ hưu từ năm 2007, ông được người dân tínnhiệm bầu làm trưởng thôn. Có lẽ, trước khi nhận làm cái chức “ăn cơm nhà vác tùvà hàng tổng” này, ông Tuấn cũng chẳng thể ngờ mình lại phải đối mặt với nhiềunguy nan tới vậy. Vồn vã pha nước mời khách nhưng khi chúng tôi hỏi đến chuyện "thánh vật thầnhành" kia từng gây xôn xao dư luận kia thì bỗng dưng ông khựng lại. Ngập ngừngmột hồi thì ông buông một câu cũng đầy vẻ sầu bi ảo não: “Tôi từng làm trongngành tuyên huấn của quân đội, cùng làm tuyên truyền như anh ấy. Việc xì xào màanh nghe được là có thật đấy. Tôi là người trong cuộc nên tôi rất biết chuyệnnày. Chính họ tôi cũng là nạn nhân đây. Có 3 năm mà trong họ chết đến 6 người.Trong số ấy thì 5 người chết trẻ! Kinh hãi lắm!”. Theo lời ông Tuấn, chuyện khởi nguồn từ năm 2007, đúng khi ông nghỉ hưu, về làmtrưởng thôn 8, thôn có ngôi chùa cổ Vân Gia tọa lạc (còn gọi là Viên Quang tự).Ngôi chùa này nằm trong quần thể đền Và nổi tiếng. Chùa Vân Gia nằm trên đỉnhmột quả đồi hình bát úp, thế rồng chầu voi phục, bên trái là khu dân cư, bênphải là gò đất nhỏ có đầm nước trong (thủy tụ minh đường). Chỉ cần phác qua vài nét bề ngoài trên cũng đủ thấy, người xưa đã chọn lựa rấtkỹ về mặt phong thủy khi quyết định lấy đất trên làm nơi bái phật. Bởi truyềnthống văn hóa lâu đời, bởi sống giữa chốn linh thiêng nên người dân Vân Gia sốnghiền hòa, ấm cúng, yên ả từ bao đời nay. Thế nhưng, thời gian qua, theo ông Tuấn, không hiểu vì lý do gì, tai ương đãliên tiếp trút xuống ngôi làng thanh bình này. Theo ông Tuấn đến bây giờ, ngườidân Vân Gia vẫn cho rằng nguyên nhân của hàng loạt cái chết bí ẩn khiến mọingười kinh hãi thời gian qua chính là do một số hộ dân trong làng đã đào đất ởgần chùa Vân Gia, khiến long mạch vùng đất thiêng này bị ảnh hưởng. Và, chính bởi phạm đến “ngài” nên “ngài” trút xuống đầu dân làng cơn lôi đìnhkhủng khiếp. Buồn thảm thay sự kiện đau lòng ấy lại rơi đúng vào thời gian ônglàm trưởng thôn. Không biết có phải vì lẽ đó hay vì điều gì nữa mà gia đình,dòng họ ông phải chịu nhiều đắng cay, mất mát. Theo ông Tuấn thì vào đầu năm 2007, những hộ dân sống ở ven quả đồi nơi chùa VânGia tọa lạc đã đào đất phía ta luy dương để bán. Thực ra chuyện đào đất đồi bánđã xuất hiện từ đầu năm 2004, thế nhưng năm 2007, khi địa phương tiến hành xâydựng sân bóng ở ngay cánh đồng đối diện chùa thì việc khoét núi mới diễn ra rầmrộ. Để có đất lấp cánh đồng trũng, người ta đã đào cả vài nghìn xe đất từ đồichùa. Khi đó, biết việc đào bới trên sẽ phá vỡ cảnh quan vốn tồn tại từ lâu đờicủa mảnh đồi chùa nhưng chẳng ai có thể ngăn cấm. Những hộ dân trên chỉ “khaithác tài nguyên sẵn có” trên trong phần đất của gia đình mình. Khi sân vận độnghoàn thành thì cũng là lúc mảnh đất đồi chùa bị cắt vạt một góc sâu hoắm, chỉchừa lại một bờ ta luy mỏng như người ta đắp tường rào. Làng quê náo loạn vì tin đồn ‘thánh vật’ chết mấy chục trai đinh Ông Tuấn và bản cuốn "sổ tử" do ông ghi chép trong quãng thời gian kinh hoàng. Ngay khi việc khai thác đất trên được tiến hành, cảnh yên ấm của làng Vân Gia,đặc biệt ở hai thôn 6 và 8 (nơi chùa Vân Gia tọa lạc) đã không còn nữa. Khônghiểu vì lý do gì những chuyện tai ương, chết chóc cứ liên tiếp xảy ra. Lúc đầu,dân làng chỉ coi đó là chuyện không may, chuyện thiệt thòi của những gia đìnhđến thời mạt vận. Thế nhưng, một thời gian sau, số người chết tăng lên đột biến,người này nối tiếp người kia cứ bất thình lình “rủ nhau” về… bên kia thế giớithì mọi người thấy lạ, thấy sợ và cuống cuồng đi tìm lời giải cho những cái chếtbí hiểm đó. Ông Tuấn kể, những ngày đó, dân làng ông nháo nhác như ong vỡ tổ, như kiến vỡđàn. Trong nỗi đau đớn tột cùng bởi mất người thân còn có nỗi sợ hãi vô hình bởinhững cái chết đó mang nhiều bí ẩn với những sự trùng hợp lạ kỳ. Suốt một thờigian dài, cứ đến một ngày cố định dù có giữ gìn, có cẩn trọng tới đâu thì tronglàng vẫn phải có một người… “đi”. Những người được “thánh thần”… chỉ mặt gọi tênđó có thể bị tai nạn giao thông, bị tai nạn lao động, thậm chí do sợ hãi chẳngra khỏi nhà cũng tự dưng lăn quay ra chết. Điều trùng hợp là những người xấu sốđó đa phần là con trưởng, trai đinh. Mặt tiền chùa Vân Gia. Thôn 8 khi đó có hơn 200 hộ, thế nhưng từ nửa cuối năm 2007 đến giữa năm 2008 cótới hơn chục người chết và tính tới thời điểm hiện tại thì số người nhắm mắtxuôi tay đã là 25 người. Theo ông Tuấn thì từ trước đến nay chưa có khi nào làngcó đông người chết đến vậy. Người làng vốn gắn bó, hễ nhà ai có việc lớn nhỏ thì tất thảy mọi người đều xắntay vào giúp. Thêm nữa, là trưởng thôn, ông Tuấn có trách nhiệm đứng ra tổ chứcma chay cho người xấu số. Tuy nhiên, thời điểm đó, ông Tuấn bảo, việc ấy khiếnông vô cùng mệt mỏi. Đám này chưa xong đã phải lo tiếp đám kia. Thậm chí, cóbận, chiếc xe tang chưa người này ra ngoài đồng chưa kịp đánh về đã có gia đìnhkhác hốt hoảng, khổ đau chạy đến đăng ký. Họ nhận phần bởi sợ người khác tranhmất. Tang tóc là việc trọng, theo phong tục thì việc chôn cất phải được xem xétgiờ giấc kỹ lưỡng, cẩn trọng. Thế nên, giờ “thân xác về đất, linh hồn về trời”đã định mà không có xe tang thì nguy khốn lắm. Họ nhà ông Tuấn cũng không thoát khỏi vòng xoáy tai ương đó. Giọng thểu não, ôngTuấn bảo: “Họ tôi cũng chết liên tiếp 6 người. Trong đó có 5 người là chết trẻ.Kinh hãi lắm các anh ạ! Người ở làng chết đã đành, người đi xa cũng không thoátkhỏi bàn tay của thần chết!”. Ông Tuấn kể, khi đó, ở làng, thấy cảnh người vô cớchết mỗi lúc một đông, nhiều người đã chọn giải pháp là… lẩn trốn. Họ đi làm ănxa, càng xa càng tốt những mong cái chết bất ngờ bởi “không gian cách trở” màkhông tìm tới mình. Thế nhưng, sự trốn chạy đó là vô ích. Ông Tuấn có một người cháu sinh năm 1979 công tác tận thành phố Hồ Chí Minh, làmcho ngành trắc địa. Cái chết bất thình lình của người cháu ấy đến bây giờ ôngvẫn chẳng thể lý giải. Cháu ông là người khỏe mạnh, không có bất cứ bệnh tình gìtrầm trọng. Thế nhưng, không hiểu vì sao, hôm đó, đang ở công ty, cháu ông bỗngdưng đột tử. Tin cháu ông mất được chuyển về giữa lúc dân làng đang hoang mangbởi những cái chết bất thường diễn ra như ngả rạ ở làng khiến ai cũng thất kinh,thảng thốt. Thân xác cháu ông được chuyển về qua đường hàng không, mọi người đónbằng nước mắt đầm đìa, bằng sự khiếp đảm, hoảng loạn. Người cháu ấy vừa chôn cất, mộ chưa xanh cỏ thì một tin dữ khác lại được chuyểnvề còn rùng rợn hơn gấp bội. Một người cháu khác của ông đi xuất khẩu lao độngmãi tận Mã Lai, cũng bỗng nhiên chết bất đắc kỳ tử ngay tại nơi ở trọ. Rơm rớmnước mắt, ông Tuấn bảo, người cháu này ngoan lắm, ông rất quý, rất yêu. Vậy màông không được nhìn mặt cháu lần cuối trước khi nó nhắm mắt lìa đời. Người cháunày trước đây đi bộ đội. Hết quân ngũ, anh được tỉnh đoàn giới thiệu đi lao độngở nước ngoài. Trước khi đi, anh mang bao hoài bão về một tương lai rạng ngời,vậy mà… Đón con cháu về bằng “hòm gỗ cài hoa”, người nhà ông Tuấn chết lịm. Khi đó,không chỉ họ ông mà cả làng đều tim đập chân run bởi một ý nghĩ: “Thánh thần đãchọn, đã chỉ mặt gọi tên thì dù người làng có ở bất cứ nơi đâu trên cõi dươnggian này thì “ngài” cũng “vật chết”, lôi về cho kỳ được!”. Nửa quả đồi nơi người dân đào bán đất giờ đã sâu hun hút. Cảnh tang tóc khi đó đến giờ ông Tuấn vẫn không thể nào quên được. Đi đâu ngườita cũng chỉ bàn tán những chuyện rùng rợn, thảm thương đến thối cả ruột gan. Khiđó, chẳng ai muốn làm ăn gì, cứ quẩn quanh với nỗi sợ hãi mỗi lúc một lớn thêmlên. Khu ông Tuấn ở có đường dẫn ra nghĩa địa. Những ngày ấy, cả khu cứ đóng cửaim ỉm. Ai cũng sợ mở cửa ra thì tà khí của người xấu số “bay” vào nhà mình. Khi những cái chết cứ chồng chất, cứ liên tiếp diễn ra, các cơ quan đoàn thể ởđịa phương cũng như… ngồi trên chảo lửa. Ông Tuấn kể, đầu tiên là Hội người caotuổi của làng vào cuộc. Chọn ngày đẹp, dân làng làm lễ rồi lũ lượt kéo nhau lênĐền Và, khẩn cầu đức Thánh Tản dang tay che chở. Buổi cúng lễ ấy có tới hơn 40người tham gia, mặt ai cũng thảm thương, ủ dột. Tuy nhiên, việc ấy chẳng giảiquyết gì, tai ương vẫn không ngừng tiếp diễn, người vẫn nối người xô nhau về cõivĩnh hằng. Lúc đó, bởi nghĩ cứu mình trước khi… giời cứu, dân làng mạnh ai ngườiấy đi tìm thầy tướng, thầy cúng để cầu mong sự bình an đến với mình. Và, tấtthảy những thày tướng cao tay đó đều khẳng định, đất của làng bị động, long mạchcủa làng đang có vấn đề. Thế nhưng, giải hạn, giải tai ương đó bằng cách nào thìchẳng ai biết. Nhiều thầy được mời về làng, nhưng ngó ngược nhìn xuôi đều lắcđầu nguầy nguậy nói là không làm được, không cứu được dù có trả bao nhiêu tiềnđi nữa. Trong cơn hoảng loạn, mọi người bỗng chợt nhớ tới một cao tăng đã ra tay cứu dânở làng Nghĩa Phủ (làng nằm ngay cạnh Vân Gia) chừng gần chục năm về trước. Vịcao tăng đó là hòa thượng Thích Phúc Trí, khi đó đã trên 90 tuổi, trụ trì chùangàn tuổi Mễ Trì Thượng (còn gọi là Thiên Trúc tự) ở Hà Nội. Mọi người nhớ tới vị cao tăng này là bởi thuở trước, khi trùng tu đền Nghĩa Phủ,người ta đã đắp thêm hai pho tượng hộ pháp nửa chìm nửa nổi (kiểu phù điêu) ởngay trước cổng đền. Cũng ngay sau việc làm đó, dân Nghĩa Phủ hơn chục ngườibỗng dưng lăn ra chết. Toàn người trẻ, chết chẳng rõ can do. Hoảng kinh, bởi mốithâm tình, người làng Nghĩa Phủ đã xuống Hà Nội đón hòa thượng lên làm lễ trấn,yểm. Tới nơi, hòa thượng làm phép và bảo dân làng dỡ bỏ hai ông hộ pháp trướccửa đền đi thì ngay tức khác nạn khỏi tai qua. Đúng như lời hòa thượng phán,ngay sau khi dỡ bỏ hai pho tượng trên thì làng không còn cái chết bất ngờ nào nữa.... (Theo Bưu điện Việt Nam)
-
Gặp lương y trị bệnh thần tốc Hàng trăm người dân chứng kiến đã vỗ tay tán thưởng phương pháp trị bệnh kỳ diệu “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam của lương y Võ Hoàng Yên. Trong hai ngày 21 và 22-4, lương y (LY) Võ Hoàng Yên (SN 1975, ngụ ấp Cái Nước, thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) - người có đôi bàn tay vàng, được hàng ngàn bệnh nhân (BN) tôn vinh là “thần y” đã đến chùa Thiên Ân (P.Thuận Giao, TX.Thuận An) chữa trị bệnh câm điếc, bại liệt hoàn toàn miễn phí cho người dân. Phương pháp trị liệu của LY Yên rất hiệu quả, chỉ sau vài phút bấm huyệt, nhiều BN bị bại liệt đã đi, đứng được, nhiều BN bị câm điếc, nói ú ớ trở nên khỏi hẳn... Hàng trăm người dân chứng kiến đã vỗ tay tán thưởng phương pháp trị bệnh kỳ diệu “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam của LY này. Rủ nhau đi tìm “hạnh phúc” Trong 2 ngày 21 và 22-4, sân chùa Thiên Ân trở nên chật kín bởi hàng trăm người dân đi xe gắn máy, ô tô từ khắp nơi rủ nhau đến gặp LY Võ Hoàng Yên xin trị bệnh. Có người ở tận Phú Thọ, Hà Nội, Lào Cai cũng rủ nhau vào đây đi tìm hạnh phúc nhỏ nhoi của mình là mong con cháu, ông bà được LY trị khỏi bệnh. Bà Nguyễn Thị Năm, nhà ở tận Hà Nội, bị té ngã nên bị liệt 2 chân, không đi, đứng được đã 6 năm nay. Tuy nhiên, sau khi được LY Yên bấm huyệt đạo trong khoảng 15 phút, bà Năm đã đứng lên được, đi được trở lại. Nhìn khuôn mặt hạnh phúc của bà Năm sau khi đứng lên và đi lại được, hàng trăm người đứng xem đã vỗ tay tán thưởng. Sau khi đứng lên đi được trở lại sau nhiều năm ngồi xe lăn, gia đình bà Nguyễn Thị Lan, ngụ P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức, TP.HCM đã mừng không thể tả. Trước khi đưa vào gặp LY Yên trị bệnh, bà Lan ngồi xe lăn, khoảng 10 phút sau khi được LY Yên và nhóm học trò bấm huyệt đạo, đẩy khớp chân, bà Lan đã đứng dậy và đi được. Nhìn nụ cười hạnh phúc của bà và chồng bà, chúng tôi cũng hạnh phúc lây. “Tôi bị trượt chân té ngã và di chứng là bị liệt 2 chân đã 8 năm nay, đã từng đi chữa trị nhiều nơi và hao tốn nhiều tiền bạc nhưng không hề vơi giảm. Qua bạn bè giới thiệu, tôi đến chùa Thiên Ân thử vận may, nào ngờ...”- bà Lan nói trong niềm vui sướng, sau khi đi được từ nơi chữa bệnh ra đến gần cổng sân chùa. Theo quan sát của chúng tôi, có rất nhiều trường hợp BN bị liệt nửa người hoặc 2 tay, 2 chân do nguyên nhân bị té ngã đều được LY Yên và các học trò chữa khỏi hoặc vơi giảm hẳn bằng phương pháp bấm huyệt đạo. Trong đó, có cả nhiều quan chức, y, bác sĩ cũng đưa người thân đến chữa trị bệnh bằng phương pháp hiệu quả này và hồ hởi ra về trong vui sướng. Lúc chưa được trị bệnh, chị Huỳnh Thị Phương Nghĩa (ngụ P.Phú Hòa, TX.TDM) không đi được, tuy nhiên chỉ sau khoảng hơn 5 phút được LY Yên bấm huyệt toàn thân, đẩy chân, đập bàn chân... chị Nghĩa đã đứng lên đi được như một điều kỳ diệu hiếm thấy. Chị Nghĩa cười vui sướng nói: “Tôi bị tai nạn giao thông và bị liệt một chân đã hơn 2 năm nay. Tôi cũng đã từng đi chữa bệnh nhiều nơi nhưng không hết. Do đó, việc LY Yên chữa bệnh khỏi cho tôi hôm nay thật sự là may mắn cho cuộc đời tôi”. Nói xong, chị Nghĩa từ từ bước từng bước chậm chạp ra về trong tiếng vỗ tay tán thưởng của hàng trăm người dân đứng xem. Phương pháp trị bệnh diệu kỳ! Chứng kiến hàng trăm người bị bại liệt, câm điếc, thoái hóa cột sống do tai biến được LY Yên và nhóm học trò trị khỏi cho họ bằng phương pháp bấm huyệt theo y học cổ truyền có pha lẫn cái mới riêng của LY Yên, hàng trăm người dân đã thật sự tin tưởng phương pháp trị liệu này. Ông Đỗ Vy Tân, cán bộ Liên minh HTX An Giang, nói: “Sau khi hay tin LY Yên trị bệnh ở chùa Thiên Ân miễn phí 2 ngày 21 và 22-4, cả gia đình tôi đã thức dậy xuất phát lúc 2 giờ sáng ngày 21-4 để từ An Giang lên Bình Dương điều trị bệnh cho con tôi là Đỗ Minh Trường (SN 1994), bị bại liệt tứ chi, nói ú ớ, mắt mở không ra từ nhỏ. Tuy nhiên, sau khi được LY trị bệnh, cháu đã thuyên giảm hẳn”. Hàng chục người dân khác bị tai biến, di chứng là bại liệt hoặc câm điếc ở trong và ngoài tỉnh đã được thầy trị giảm hẳn bệnh trong vài phút vẫn không tin vào mắt mình. Bà Phan Thị Biệt (ngụ P.Lái Thiêu, TX.Thuận An), cười rạng rỡ sau khi được trị khỏi: “Năm nay tôi 79 tuổi, bị di chứng té ngã trở nên tai biến bị liệt nửa người đã 5 năm nay. Tuy nhiên, sau khi được LY Yên bấm huyệt đạo, tôi đã đi được trở lại. Phương pháp trị liệu của LY Yên quả thật là kỳ diệu, hiếm thấy, không thần bí hay mê tín dị đoan”. Còn ông Nguyễn Văn Bai (SN 1958, ngụ 204 Nguyễn Trãi, Q.1, TP.HCM), cho hay, ông đã bị tai biến nói ú ớ nhiều năm nay, sau khi được LY Yên bấm huyệt đạo ở cổ, lưng, vai, đầu, ông đã nói lại được. “Phương pháp của LY này trị bệnh một cách bình thường nhưng quả là kỳ tích, hiếm thấy”. Thượng tọa Thích Nhật Nghiêm, trụ trì chùa Thiên Ân cho biết, phương pháp trị bệnh của LY Yên và các học trò của ông là bình thường chứ không phải là “thần thánh” như đồn thổi. Phương pháp chữa bệnh của LY Yên cũng không có gì huyền bí hay mê tín dị đoan. Đây chỉ là cách bấm huyệt bình thường, giúp khai thông các huyệt đạo của BN, kích thích khả năng bị tê liệt, khiếm khuyết trước đó trở lại bình thường. “Việc mời LY Yên và nhóm học trò về trị bệnh miễn phí cho bà con ở chùa là việc làm từ thiện, giúp đời, hoàn toàn miễn phí cho BN. Do nhu cầu còn khá nhiều BN muốn được chữa trị, trong thời gian tới, chùa sẽ tiếp tục mời LY Yên và nhóm học trò của ông về đây trị bệnh cho người dân để giúp đời, giúp những người khiếm khuyết vững tin hơn trong cuộc sống” - Thượng tọa Thích Nhật Nghiêm cho hay. Lương Y Võ Hoàng Yên: Chúng tôi trị bệnh để giúp đời Ngày 21-4, sau khi trị bệnh cả ngày mệt lã cả người nhưng lương y Võ Hoàng Yên vẫn cho chúng tôi cuộc phỏng vấn ngắn vào buổi tối xoay quanh cuộc đời và cách chữa trị bệnh của ông. - Thưa ông, ông cho biết đôi nét về mình? - Tôi xuất thân từ một gia đình rất nghèo ở ấp Cái Nước, thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Hồi đó, nhà tôi nghèo quá không có tiền cho ăn học nên đã gửi tôi vào chùa Hưng Nghĩa Tự (thị trấn Cái Nước). Tại đây, tôi được các thượng tọa chỉ dạy cách chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền. Sau đó, tôi được ở các chùa khác để ăn học, trong quá trình này, tôi tiếp tục học được cách chữa trị bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền. Sau nhiều năm bôn ba với nghề lương y khám bệnh, bốc thuốc, tôi tích tụ từ các phương pháp trị bệnh theo y học cổ truyền và nghiên cứu thành đề tài riêng cho mình trên nền tảng tích tụ từ cái cũ. - Phương pháp trị bệnh của ông là gì? - Tôi trị bệnh một cách thông thường, không phải thần thánh hóa như bà con đồn thổi. Tôi xin khẳng định mình đang khám và chữa bệnh theo phương pháp thông thường của đông y, tức khai thông huyệt đạo mang tính khoa học rõ ràng. Trong đó có cái của riêng tôi trải nghiệm từ bấy lâu nay. Trong quá trình trị bệnh, tôi chỉ giúp bệnh nhân sửa lại khiếm khuyết bằng phương pháp khai thông huyệt đạo trên cơ sở khoa học. Do vậy, đối với nhiều trường hợp bị câm điếc, bại liệt, thoái hóa cột sống do tai biến, tôi sẽ cố gắng trị khỏi cho họ. Cũng có nhiều trường hợp nặng cần phải có thời gian. Riêng nhiều trường hợp quá nặng, tôi cũng đành chịu. - Tại sao ông không trị bệnh lấy tiền mà miễn phí? - Thú thật, hồi đó nhà tôi quá nghèo, tôi sống, học tập và lớn lên đều được nhiều thượng tọa giúp đỡ. Trong đó, có nhiều thượng tọa là ân nhân ở Bình Dương. Do vậy, việc tôi khám, trị bệnh hoàn toàn miễn phí cho bệnh nhân là chủ yếu giúp đời, trả ơn cuộc đời. Nhiều người đặt câu hỏi là tiền đâu tôi sống? Xin thưa với mọi người, hiện nay, ngoài việc trị bệnh và truyền đạt lại cho học trò trị bệnh giúp đời, tôi còn làm Giám đốc Công ty Cổ phần Phú Bình Yên, chuyên sản xuất và trồng cao su ở thôn 3, xã Gia An, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Do vậy, tiền bạc đối với tôi không thành vấn đề mà niềm vui lớn nhất là nhìn thấy những người ngồi xe lăn đứng dậy đi được, những đứa trẻ, người già câm điếc nói lại được những âm từ phát ra, không phải mất nhiều tiền bạc chạy đôn chạy đáo nhiều nơi khám chữa bệnh. Cái đó là niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời tôi. - Với cách trị bệnh hiệu quả của ông, sắp tới, ông có kế hoạch gì? - Thời gian qua, tôi đã chữa bệnh bằng phương pháp khai thông huyệt đạo giúp cho hàng ngàn người dân khỏi bệnh. Do vậy, nơi nào mời, tôi sẽ tới giúp họ. Xin khẳng định rằng, phương pháp trị bệnh của tôi hoàn toàn không thần thánh hóa mà trị bệnh theo y học cổ truyền một cách thông thường. Do đó, tôi mong muốn các nhà khoa học cần vào cuộc tìm hiểu và tạo điều kiện để tôi tiếp tục giúp đỡ những bệnh nhân câm điếc, bại liệt... Qua đó giúp họ có niềm vui nhỏ nhoi khi lành những khiếm khuyết. Một lần nữa, tôi khẳng định rằng, phương pháp trị bệnh của tôi có thể truyền đạt lại cho mọi người để cùng nhân rộng, trị bệnh giúp cho những cuộc đời không may mắn. - Xin cảm ơn ông! Nguồn: 24h.com.vn
-
Lương y trị bệnh thần tốc bị cấm hành nghề Thứ Ba, ngày 07/06/2011, 08:28 (Tin tuc) - Sở Y tế Bình Dương đã cấm ông Võ Hoàng Yên, 36 tuổi, khám chữa bệnh cho người dân tại các chùa chiền, nơi công cộng… Sở Y tế Bình Dương vừa mời ông Võ Hoàng Yên, 36 tuổi, ở thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, Cà Mau lên làm việc, nhắc nhở về việc hành nghề y không được cấp phép hoạt động trên địa bàn tỉnh. Sở cũng cấm ông Yên khám chữa bệnh cho người dân tại các chùa chiền, nơi công cộng… Thời gian qua, dư luận đồn thổi về việc ông Yên khám chữa bệnh bằng xoa bóp, bấm huyệt chữa trị bệnh bại liệt, câm điếc rất hay nên nhiều người tìm đến nhờ chữa trị. Tuy nhiên, đến nay việc khám chữa bệnh của ông Yên chưa hề được kiểm chứng và chưa có bất cứ giấy phép nào của các cơ quan y tế. Nguồn: http://hn.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/luong-y-tri-benh-than-toc-bi-cam-hanh-nghe-c46a383550.html
-
Bác sĩ Dư Quang Châu thông báo với tôi chuyện các học viên cảm xạ có thể đi trên than hồng nóng đến nửa ngàn độ C từ cách đây hơn tháng, nhưng ông chưa muốn công bố rộng rãi, vì chưa tìm ra tác dụng của hành động này. Việc đi trên than hồng sẽ chỉ là trò vui, biểu diễn cho thiên hạ xem như chuyện hút đồ vật, nếu nó không có được lợi ích thiết thực. Nhưng giờ đây, bác sĩ Châu đã tìm ra lợi ích của việc dẫm chân lên đống than rừng rực cháy. Để đào tạo ra cả ngàn “dị nhân” có thể đi trên than hồng cũng là kỳ công của ông. Rung động thư giãn đưa con người về trạng thái tiềm thức Từ rất lâu rồi, bác sĩ Châu đã được nghe những câu chuyện huyền bí về người Pà Thẻn và người Dao Đỏ ở Hà Giang, có thể nhảy múa, lăn lộn trên đống than hồng, thậm chí bốc than nghịch chơi. Nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu, cố gắng tìm lời giải thích, song vẫn không hiểu được vì sao người ta lại có khả năng như thế. Chỉ cần nhúng tay, chân vào nồi nước sôi 100 độ C là nhập viện khẩn cấp, đằng này, người ta có thể chạy nhảy, lăn lộn trên đống than hồng có nhiệt độ cao gấp vài lần nước sôi. Tại sao ngọn lửa nung chảy cả nhôm đó, lại không đốt cháy được da thịt? Câu hỏi ấy, cùng với những lời đồn đại huyền bí, đã khiến phong tục nhảy lửa của người Dao Đỏ và người Pà Thèn thêm phần độc đáo, hấp dẫn. Bác sĩ Dư Quang Châu là nhà khoa học. Ông giảng dạy môn cảm xạ, một môn học nằm giữa ranh giới khoa học và tâm linh, song ông lại chỉ tin vào khoa học thuần túy. Theo ông, những hiện tượng con người chưa hiểu được, là do nền khoa học đương thời của con người chưa giải mã được, chứ hoàn toàn không phải thánh thần, ma quái. Bác sĩ Dư Quang Châu trong buổi giảng dạy Sau vài lần xem người Pà Thẻn và người Dao Đỏ biểu diễn nhảy lửa, bác sĩ Châu tin rằng, ông cũng làm được. Học trò của ông có thể làm được những việc kỳ quái như hút đồ vật, nhắm mắt đọc sách, truyền năng lượng sinh học chữa bệnh, thì không có lý gì không đi được trên đống than hồng. Để đi đến quá trình thử nghiệm, bác sĩ Châu phải nghiên cứu khá kỹ lưỡng. Tất nhiên, ông phải lôi mình ra làm thí nghiệm. Sau khi thực hiện bài rung động thư giãn, đưa cơ thể về trạng thái tiềm thức, giống như một dạng thôi miên, quên đi sợ hãi, thì ông không chùn bước trước đống than hồng đỏ rực. Bước chân trên than hồng nhẹ như con thuyền lướt trên sóng, không có cảm giác nóng bỏng. Hấp thụ năng lượng đất trời Theo bác sĩ Châu, để không bị bỏng, việc quan trọng nhất là cách đi trên than. Người đi phải bình tĩnh, tự tin, vận khí, bước đều chân, coi việc đi vào đống than hồng như đi vào vườn cây xanh mát đầy hoa trái! Toàn bộ bàn chân phải tiếp xúc đều với than hồng. Nói thì đơn giản, nhưng để những cuộc thử nghiệm đi trên than hồng thành công, có tới 60% học viên phải băng bó, chữa bỏng bàn chân! Sau khi đi trên than thành công, bác sĩ Châu hướng dẫn kỹ thuật đi cho một nhóm học viên cảm xạ để theo dõi lợi ích của việc đi trên than hồng. Đi trên than hồng không còn là bí ẩn nữa Sau một thời gian nghiên cứu, tổng kết, bác sĩ Châu nhận thấy, kết quả to lớn nhất của việc đi trên than hồng, là chiến thắng được chính bản thân mình. Tiếp đó, ông đã ghi nhận được rất nhiều kết quả chữa bệnh. Gần như 100% cảm xạ viên mắc bệnh thối chân, ra mồ hôi chân, sau khi đi trên than hồng, đã khẳng định khỏi bệnh hoàn toàn. Có cảm xạ viên nói vui rằng, chân anh ta vốn thối đến nỗi, hễ đi giày một ngày, cởi ra, chó ngửi phải tất, 3 ngày không ăn được gì! Thế nhưng, đi trên than hồng một lần, căn bệnh hôi chân khỏi hẳn. Điều này thật lạ lùng, thật kỳ diệu. Chỉ vài giây đi trên than hồng, căn bệnh thối chân sẽ khỏi Theo bác sĩ Châu, việc đi chân trần trên than hồng, trị bệnh thối chân là có cơ sở khoa học hẳn hỏi. Bản chất của bệnh thối chân là do một loại vi khuẩn ký sinh dưới lòng bàn chân gây ra. Để trị bệnh này, bệnh nhân phải sử dụng nhiều loại thuốc và ngâm chân nhiều tháng, vi khuẩn gây thối chân mới chết phần nào. Nhưng chỉ được thời gian, chúng lại hoạt động, sinh sôi trở lại. Nhưng khi đi trên than hồng, loại vi khuẩn này sẽ bị tiêu diệt tận gốc trong chớp mắt, nên bệnh thối chân khỏi ngay. Việc dùng nhiệt độ cao tiêu diệt vi khuẩn cũng giống như các nhà máy chế biến, bảo quản sữa tươi. Chỉ cần phóng nhiệt độ vài trăm độ C, trong thời gian 1/100 giây, cũng tiêu diệt hết vi khuẩn có trong sữa, mà chất lượng sữa không bị biến đổi do nhiệt. Bước chân mảnh mai lướt trên than hồng Ngoài ra, qua theo dõi, việc đi trên than hồng còn chữa được vô số bệnh như nấm chân, ngứa chân, lạnh bụng, lạnh lưng, đau cột sống… Thậm chí, những bệnh tổ đỉa, á sừng cũng đang có kết quả nhất định. Theo bác sĩ Châu, lòng bàn chân phản xạ nội tạng con người, nên khi có sự tác động tích cực vào lòng bàn chân, thì có thể điều trị được nhiều bệnh. Về điều này, ông đang tiếp tục nghiên cứu sâu rộng. Sau nhiều ngày ấp ủ, nghiên cứu, cuộc biểu diễn kỳ lạ nhất Việt Nam đã diễn ra: 150 người đến từ Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, đã đi trên than hồng. Để buổi biểu diễn thành công, 150 người đã thực hiện những bài tập, mà với con mắt của những người bình thường, thì rất kỳ lạ. Thậm chí, nếu nói là kỳ quái cũng không có gì sai. Khi ý thức vượt qua sự sợ hãi, coi đống than hồng là khu vườn xanh mát đầy hoa trái, sẽ không còn cảm giác nóng ở bàn chân Trên ngọn đồi Thiên Văn ở quận Kiến An (Hải Phòng), cả trăm người múa may như lên đồng để rèn luyện sức khỏe, lưu thông khí huyết. Lạ lùng và khó lý giải nhất là bài tập hút năng lượng từ cây. Bác sĩ Châu cho biết, khi con người ở trạng thái tiềm thức, có thể “trò chuyện” được với cây. Cây cối cũng là một dạng sống, nên cây cũng có linh hồn. Khi con người yêu thương cây, hiểu cây, thì cây cũng sẽ hiểu người. Chỉ có đưa cơ thể về trạng thái tiềm thức, con người mới hiểu được giá trị vĩ đại của thiên nhiên, mới hòa đồng tuyệt đối được với thiên nhiên. Con người sẽ không nỡ bẻ một bông hoa, dẫm đạp lên ngọn cỏ nữa. Khi ở trạng thái vô thức, con người có thể "tâm sự" được với cây Sau khi rung động thư giãn, đưa cơ thể về trạng thái tiềm thức, các cảm xạ viên nhắm mắt lại và trò chuyện với cây. Không biết có tin được không, nhưng dù họ nhắm tịt mắt, lảo đảo như người say rượu, vẫn đi lại trong rừng như chỗ không người, không hề bị vấp, bị ngã, đâm đụng vào đâu. Mỗi người bị một cây hút chặt. Họ cảm nhận thấy các loại màu sắc từ cây, đi vào cơ thể và chữa bệnh cho người. Bằng giác quan thứ 6, họ cảm nhận xuyên thấu thân cây. Trong hoàn cảnh đó, cây và người hiểu nhau đến nỗi, con người có thể khóc tu tu vì thương xót thiên nhiên đang bị con người tàn phá. Chứng kiến cảnh con người hòa đồng với thiên nhiên, tôi trộm nghĩ, nếu mỗi con người chúng ta đều được học bài cảm xạ này, thì sẽ không bao giờ có chuyện phá rừng, tàn sát thiên nhiên nữa. Quả là một bài học vô cùng bổ ích. Sau gần một ngày tập luyện hòa đồng với thiên nhiên, tại Nhà văn hóa Thanh niên Hải Phòng đã diễn ra buổi biểu diễn kỳ lạ nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. 4 tạ than hoa, dùng để quạt chả được đốt cháy rừng rực. Đống than đỏ được rải thành con đường dài 5m, dày chừng 15cm. Chiếc máy cảm biến nhiệt đo được độ nóng của than trên 500 độ C. Tôi đứng cách đống than vài mét, mà vẫn bị hơi nóng phả vào rát cả mặt. Không những đi trên than, mà có thể... nghịch than Nhìn đống than hồng cháy đỏ rực như thế, nóng đến nỗi có thể nung chảy nhôm, tôi trộm nghĩ, chỉ cần đặt chân vào, bàn chân sẽ thành món… chả nướng, chứ làm sao có thể đi qua được. Thế nhưng, một cảnh tượng lạ lùng đã diễn ra trước mắt: 150 con người, đủ cả già trẻ lớn bé, đàn ông đàn bà, cứ hồn nhiên bước đi trên than hồng. Người xem vây quanh rú lên vì sợ hãi. Phải chăng họ đều là… dị nhân? Hay họ bị ma nhập? Sau khi thấy cả trăm người bước đi trên than hồng và chỉ có vài người bị bỏng, dù chẳng học cảm xạ ngày nào, song máu nghề nghiệp nổi lên, tôi cũng liều mình đi thử. Cảm giác nóng ran, tê dại nơi bàn chân thật tuyệt. Như thể máu được bơm nhanh hơn trong hệ thống mao mạch. Nhưng quan trọng hơn là thấy mình tự tin hơn hẳn. Sau cuộc đi bộ trên than hồng, mỗi người có thể ngộ ra rằng, cơ thể con người vô cùng đặc biệt và bí ẩn. Khả năng của con người là vô hạn. Ngọn lửa sẽ không đốt được bàn chân, nếu nghị lực con người mạnh hơn ngọn lửa. Vậy là, không có chuyện kỳ quái, kinh dị, ma quỷ gì trong những cuộc chân trần đi trên lửa. Việc đi được trên lửa là bình thường, nếu đi đúng cách và được tập luyện kỹ càng. Không biết, ngoài chuyện đào tạo cả ngàn người có thể hút đồ vật, đi trên lửa, hấp thu năng lượng thiên nhiên để chữa bệnh, bác sĩ Dư Quang Châu còn đào tạo được những “dị nhân” gì nữa không? Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên, nếu một ngày nào đó, bác sĩ Châu gọi điện bảo rằng: Học trò của tớ sẽ bơi trong nước sôi, chạy trên mặt nước, bay trên ngọn cây… Bác sĩ Dư Quang Châu là một nhà cảm xạ Việt Nam, chuyên gia nghiên cứu và phổ biến môn cảm xạ học. Ông là Chủ nhiệm Bộ môn Năng lượng Cảm xạ thuộc Liên hiệp Khoa học công nghệ và tin học ứng dụng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Cảm xạ Địa sinh học thuộc Đại học Hồng Bàng, TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Dưỡng sinh Năng lượng - thuộc công ty Du lịch Suối khoáng Biển Xanh, Giám đốc Trung tâm Năng lượng Cảm xạ thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội. Bác sĩ Dư Quang Châu từng du học tại Trung tâm Nghiên cứu Y năng lượng (Médecine energétique) tại Monaco và nghiên cứu về dược thảo tại Học viện Địa Trung Hải của Đại học y Montpellier (1992 – 1996). Ông khởi xướng và thúc đẩy thực hiện chương trình "Việt Nam hóa" môn cảm xạ, đổi tên cảm xạ học (radiesthésie) thành "năng lượng cảm xạ" (radiesthésie energétique), đặt nền tảng đầu tiên và đóng góp đáng kể cho môn cảm xạ học phát triển, phổ biến ứng dụng tại Việt Nam. Ông là tác giả và đồng tác giả của 17 đầu sách về cảm xạ học. Nguồn: http://hn.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/ky-nhan-tam-su-voi-cay-va-di-tren-lua-c46a380356.html Có tin được ko ta, lâu lâu 24h.com.vn cũng hay đăng tin lá cải lắm
-
Vậy hả a, chắc do tuổi đời và hiểu bit e còn kém nên ko rõ mấy chuyện này, cho nên nghe bài báo đó nói thì cũng bán tín bán nghi
-
Cố gắng đọc hết, nhưng đọc 1/3 thì ko thể nào đọc dc nữa vì chả hỉu mình đang đọc cái gì, topic nói về cái gì. Topic đang nói về vấn đề cao siêu gì thế chủ thớt
-
anh Thiên Luân cũng làm SEO àh, e cũng mới học về SEO mấy tháng. Trang lyhocdongphuong.ỏg.vn có làm seo gì không anh? Nếu giúp gì được cho trang lyhocdongphuong.org.vn em cũng xin được giúp 1 tay để quảng bá rộng rãi cho websites ạ
-
Lộ trình của lương y chữa bệnh thần tốc Lương y trị bệnh thần tốc Võ Hoàng Yên đã cung cấp lịch trình chữa bệnh tại các địa phương. Cụ thể hơn, ngày 19 đến ngày 22-5, ông sẽ trở lại Bình Dương chữa bệnh cho người dân ở một ngôi chùa ở xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên và chùa Thiên Ân ở phường Thuận Giao - TX.Thuận An. LY Võ Hoàng Yên (SN 1975, ngụ ấp Cái Nước, thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau), cha tên Võ Hồng Gấm, mẹ tên Nguyễn Ngọc Tươi. Do hoàn cảnh gia đình nghèo, từ thuở nhỏ, ông đã được cha mẹ gửi vào chùa Hưng Nghĩa Tự (thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) để học chữ. Đến năm 16 tuổi, ông vừa học chữ vừa theo học nghề khám bệnh, bốc thuốc theo phương pháp y học cổ truyền tại ngôi chùa này. Người thầy đầu tiên truyền đạt nghề đông y cho ông chính là thầy thuốc nổi tiếng Trần Văn Ba - hiện là Trưởng ban Y tế chùa Hưng Nghĩa. Lương y (LY) Võ Hoàng Yên đang điều trị bệnh bằng phương pháp bấm huyệt Sau khi học hết lớp 12, LY Yên tiếp tục thi đậu và tốt nghiệp Đại học Luật TP.HCM (khóa 1997-2001). Trong quá trình tìm hiểu về nghề đông y nhiều năm, ông đã miệt mài nghiên cứu phương pháp trị bệnh bằng phương pháp bấm huyệt đạo. Và phương pháp của ông ngày càng hoàn thiện theo thời gian. Theo ông, việc hoàn hảo phương pháp này để chữa bệnh cứu người chỉ trong vòng 3 năm nay trở lại đây. Hiện nay, ông có tổng cộng 51 học trò trong cả nước theo học nghề phương pháp bấm huyệt đạo để trị bệnh. Trong số đó có cả học trò là mục sư và nhiều học trò đã từng được ông chữa hết bệnh nan y nên đề nghị theo ông học nghề cứu người, cứu đời. Đối với nhiều BN bị bệnh nhẹ như: Thoái hóa cột sống, xương khớp tay, chân, viêm xoang, học trò của ông cũng trị hết bằng phương pháp bấm huyệt đạo do ông truyền dạy. Trả lời qua điện thoại, LY Võ Hoàng Yên cho hay, hiện nay ông đang trị bệnh cho bà con ở Hà Tây. Sau đó sẽ trị bệnh cho bà con nghèo ở tỉnh Phú Thọ và một số tỉnh miền Trung. Sau khi đi qua miền Trung và phương Bắc, ông sẽ trở lại Bình Phước trị bệnh. Sau đó, ngày 17 và 18 âm lịch tháng 4, ông sẽ chữa bệnh cho bà con ở một ngôi chùa thuộc xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên. Ngày 19 và 20 âm lịch tháng 4, ông sẽ trở lại trị bệnh cho bà con ở chùa Thiên Ân (TX.Thuận An). Bản đồ đi đến chùa Thiên Ân, Bình Dương Trả lời câu hỏi của chúng tôi "Tại sao ông không chữa bệnh ở một nơi cố định để BN dễ tìm để nhờ trị bệnh?" Ông trả lời rằng, thứ nhất, hiện nay, ông chưa có giấy phép hành nghề, thứ hai là do ông chưa có một nơi chữa bệnh ưng ý, rộng, thoáng mát để đáp ứng nhu cầu bà con. Riêng phía nhà dân, cũng có nhiều người mời ông nhưng vị trí chữa bệnh nhỏ, hơn nữa ông sợ nhiều bà con tụ tập đông sẽ ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Sở dĩ nói điều này là ông đã từng bị phạt hành chính gần 80 triệu đồng vì tội "hành nghề không giấy phép". LY Võ Hoàng Yên cho hay, ông sẵn sàng hợp tác với cơ quan chuyên môn và cơ quan quản lý ở địa phương. Ông mong rằng, các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện cho ông khám, chữa bệnh cho người dân để giúp nhiều người dân không may mắn lành bệnh. Ông thông tin thêm, hiện nay, đang có một người tên Minh, chủ một chủ doanh nghiệp ở Bình Phước mời ông về trị bệnh. Vị giám đốc này sẵn sàng hợp tác và xây dựng một nơi đạt chuẩn để ông trị bệnh giúp đời. "Thú thật, tôi không có nơi đủ lớn, thoáng mát để trị bệnh giúp đời. Do vậy, nơi nào tạo điều kiện giúp tôi, tôi sẽ đến đó trị bệnh giúp bà con" - LY Yên cho biết. Xin đừng thần thánh hóa việc làm của tôi! Biết tôi là nhà báo, LY Võ Hoàng Yên có nhắn nhủ thêm rằng: "Xin mọi người đừng thần thánh hóa cách chữa bệnh của tôi, đừng gọi tôi là thần y này nọ! Điều này tôi đã có một bài trả lời trên một tờ báo rồi. Tất cả những gì tôi làm là mong muốn đem kiến thức về y học cổ truyền của mình ra giúp đời. Việc tôi không nói trước được nơi chữa bệnh sắp tới và ngày chữa bệnh cụ thể là vì tôi không muốn làm người thất hứa. Thực tế, bệnh nhân (BN) quá đông và nhiều nơi dự kiến chữa 1 - 2 ngày nhưng phải ở lại 3 - 4 ngày vẫn chưa hết BN. Thế nên tôi không nói nơi mình sắp đến là thế. Chứ không có gì là "hành tung bí mật cả". Điều này cũng rất mong bà con thông cảm". Tôi cũng không mong muốn bà con nhìn vào cách chữa bệnh của tôi một cách mê tín. Tôi theo đạo Phật, ăn chay trường và luôn lấy chuyện giúp người bệnh làm niềm vui. Hơn một buổi chứng kiến lương y Yên chữa bệnh, tôi càng nhìn rõ hơn được một con người chất phác, trọng tình cảm nơi thầy. Một cô bạn học đi cùng người nhà gọi điện cho thầy khi thầy đang chữa bệnh. Thế là thầy hướng dẫn đường đi đến chùa Thiên Ân rất cụ thể. Chưa yên tâm, thầy Yên đưa điện thoại cho một học trò của mình nhờ đi đón bạn giúp với lời nói pha nụ cười mừng rỡ: "Bạn học hồi trung học của tui đó. Chia tay hơn 15 năm nay giờ mới được gặp lại". Không thể phụ lòng hàng trăm BN đang chờ, thầy Yên đành vừa chữa bệnh vừa chuyện trò về trường lớp, thầy cô, bạn bè với cô bạn học. Rất dí dỏm, thầy còn đùa: "Hồi đó nhà tui quá nghèo nên đi học chung mười mấy năm có bao giờ dám mở miệng ra tán tỉnh cô gái nào đâu. Nhà nghèo đến không đủ ăn, đủ mặc làm sao dám có bạn gái?". Có lẽ "cơ duyên" với cái nghèo này và được nhiều chùa giúp đỡ trên bước đường ăn học nên thầy Yên rất thương và lo cho người nghèo. Nơi thầy đến chữa bệnh, nhà chùa thường tổ chức nấu cơm từ thiện để phát cho BN. Cụ thể là chùa Thiên Ân đã nấu hơn 1.000 suất cơm chay phục vụ miễn phí BN và người nhà đi khám, chữa bệnh. Thầy thuốc Lê Hưng (P.Chánh Nghĩa, TX.TDM) "Nên có giấy phép hành nghề để bệnh nhân yên tâm" Qua 2 bài báo đăng trên báo Bình Dương về việc lương y Võ Hoàng Yên bấm huyệt chữa bệnh đạt hiệu quả bước đầu trước sự chứng kiến đông đảo của bệnh nhân (BN) (số thứ bảy và thứ hai ngày 23 và 25-4), tôi nhất trí với các đề xuất của bác sĩ Nguyễn Quốc Chính, Phó Chủ tịch Hội Y học cổ truyền tỉnh Bình Phước và ý kiến của TS.Nguyễn Thị Bay (ĐH Y dược TP.HCM) là: Khuyến khích nhóm của thầy Võ Hoàng Yên làm đề tài nghiên cứu khoa học; khi chữa bệnh cho nhiều người (dù là miễn phí) cũng cần phải được một hội đồng y học công nhận hiệu quả bước đầu của phương pháp điều trị, có giấy phép hành nghề để BN yên tâm khi đến điều trị. Về mặt tác nghiệp khi chữa bệnh, nhóm điều trị cần mặc áo blouse trắng khi thao tác trên người bệnh, kể cả việc rửa tay bằng cồn sát trùng sau mỗi khi chữa xong một ca bệnh. Rất cần thiết có sổ ghi chép sơ lược vài hàng nhân thân người bệnh (họ tên, tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ, bệnh chứng...). Về mặt nguyên tắc khi hành nghề: Phải có giấy cho phép chữa bệnh của ngành y tế (chủ yếu là Sở Y tế địa phương) bất kể việc chữa bệnh có phí hay miễn phí (theo tinh thần luật hành nghề y tế). Cho nên, việc tổ chức bấm huyệt chữa bệnh của thầy Võ Hoàng Yên cũng nên được sự cho phép của ngành y tế địa phương, để bảo đảm tính an toàn cho người bệnh. Thiện chí của thầy Võ Hoàng Yên và các cộng sự là rất đáng khâm phục, cần phải phát huy vốn y võ quý hiếm của thầy Yên bằng cách: Đề nghị thầy Yên và các cộng sự nên đăng ký với Sở Y tế và Sở Khoa học - Công nghệ làm một đề tài nghiên cứu khoa học theo chủ đề "Bấm huyệt chữa bệnh" để được Nhà nước công nhận chính thức phương pháp này. Lúc đó, thầy Võ Hoàng Yên sẽ dễ dàng xin giấy phép hành nghề. Giải pháp này vừa có lợi cho ngành y tế, vừa có lợi cho đông đảo BN vốn đã tín nhiệm tài năng chữa bệnh của thầy bấy lâu nay là không phụ lòng hảo tâm hảo ý của thầy Võ Hoàng Yên là "cứu nhân độ thế"! * Chùa Thiên Ân nằm trên đường Thủ Khoa Huân, phường Thuận Giao, TX. Thuận An, Bình Dương. Cách đi đơn giản nhất là theo đường Quốc lộ 13 hướng từ TPHCM, đến ngã tư Hòa Lân (Thuận Giao, Thuận An) và quẹo phải khoảng 1km thì sẽ đến chùa Thiên Ân. P/s: em cũng chỉ theo dõi trên 24h.com.vn nên không bit lịch cụ thể lắm Nhà nước mình thật sự chưa quan tâm lắm tới Đông Y, làm phước cho dân còn bị phạt 80 triệu
-
Nhật Tảo có thể có một quần thể mộ cổ!? Sự kiện hai ngôi mộ cổ được tình cờ phát hiện sau đó được khai quật đã khiến dư luận chú ý thời gian qua. Theo đó, đây là hai ngôi mộ có niên đại khoảng thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ 6 (thời kỳ Lục Triều – sáu triều đại phong kiến Trung Quốc tương ứng với thời kỳ đầu Bắc thuộc ở Việt Nam) và chắc chắn là hai ngôi mộ của người Hán. Hai ngôi mộ cổ thời Hán được khai quật tại Nhật tảo Trao đổi với chúng tôi – PGS.TS Nguyễn Lân Cường, người trực tiếp tham gia khai quật hai ngôi mộ cổ này khẳng định: đây là hai ngôi mộ cổ rất đặc biệt và là “của hiếm” đối với công tác nghiên cứu, khảo cổ học, bảo tồn – bảo tàng của Việt Nam. Lý do: hai ngôi mộ này gần như còn nguyên vẹn: kiến trúc vòm, xây dựng bằng gạch của người Hán (thứ gạch nhỏ và mỏng); các hiện vật cũng hầu như còn nguyên vẹn. Hai ngôi mộ nhìn theo chiều ngang. Đây không phải là ngôi mộ được mai táng kiểu song táng mà là hai ngôi mộ riêng biệt nhau Hiện tại, tất cả các hiện vật được khai thác từ hai ngôi mộ này đang được niêm giữ trong két sắt của Phòng Văn hóa – thể thao – du lịch huyện Từ Liêm, đảm bảo an toàn tuyệt đối để phục vụ công tác nghiên cứu về sau. Căn cứ trên các hiên vật thu giữ, hiện trạng hai ngôi mộ, kiến trúc, cách xây dựng…, PGS.TS Cường khẳng định: hai ngôi mộ này cách nhau một thời gian. Chủ nhân của hai ngôi mộ chắc chắn thuộc tầng lớp thượng lưu. Nếu không phải người Hán thì cũng là quan lại người Việt làm cho người Hán, hoặc tầng lớp người Việt giàu có thời kỳ bấy giờ. Tầng lớp người Việt thường dân không thể có kiểu mai táng “xa xỉ” như thế này. PGS.TS Nguyễn Lẫn Cường: "Kết cấu lớp gạch xếp mái vòm trên hai ngôi mộ rất kỳ lạ" Đối với ngôi mộ thứ hai (ở địa thế cao hơn chừng 1m so với ngôi mộ lớn): diện tích vòm mộ hẹp hơn, thấp hơn và chạy dọc. Có thể, áo quan khâm liệm người chết được làm giống như một chiếc thuyền độc mộc, hoặc làm từ một thân cây. Kiến trúc vòm bên ngoài được xây dựng dựa trên hình dáng của chiếc áo quan người chết được an táng. Cách khu vực khai quật được hai ngôi mộ cổ chừng gần 100 mét về phía Nam, sát với khu vực đường dẫn xe máy lên cầu Thăng Long là khu vực phát hiện một chiếc giếng cổ. PGS.TS Nguyễn Lân Cường nhận định: đây chắc chắn là chiếc giếng ngọt lấy nước sinh hoạt. Do đó, đây có thể là một khu vực quần cư của một đơn vị hành chính thời cổ. Nếu tiếp tục mở rộng khai quật, có thể còn có thêm nhiều mộ cổ khác. Cũng theo ông Cường: trong lịch sử, vùng Nhật Tảo là một vùng đất rộng ven sông Hồng – địa điểm quần cư quen thuộc và truyền thống của người Việt. Các bô lão ở đây cho biết: trước đây khu vực Nhật Tảo có nhiều đống, ụ… Sau đó, những đống, ụ này được san phẳng để người dân canh tác. Những đống, ụ đó có thể là phần mu, gò nổi lên của các ngôi mộ cổ nói trên. Đã có phương án bảo tồn hai ngôi mộ cổ Tính từ thời điểm ngày 1/4 khi bắt đầu phát hiện được hai ngôi mộ Hán cổ, công tác khai quật, nghiên cứu đã được tiến hành gần ba tuần. Ngày 14/4, đơn vị thi công tại Nhật tảo lại tiếp tục phát hiện một chiếc giếng cổ. Khi thi công đường ống thoát nước, đơn vị thi công tình cờ "va" phải vòm của một trong hai ngôi mộ Căn cứ trên hình dạng viên gạch sử dụng làm chất liệu dựng thành giếng, cách sắp xếp, chồng… gạch khít nhau…, đánh giá ban đầu cho thấy: chiếc giếng cổ cũng có niên đại cùng với niên đại của hai ngôi mộ cổ. Trao đổi với phóng viên sáng ngày 20/4, PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho hay: ông đã đề xuất ba phương án bảo tồn hai ngôi mộ cổ. Thứ nhất, đơn vị thi công có thể điều chỉnh đường ống thoát nước để tránh khu vực có hai ngôi mộ cổ; tiến hành phủ mái ngói để lưu giữ hai ngôi mộ cổ tại chỗ, xây dựng nơi đây là một điểm dịch văn hóa – lịch sử của khu đô thị Nhật Tảo – Ciputra sau khi KĐT này được xây dựng. Một chiếc giếng cổ được phát hiện cách đó không xa Thứ hai: Bảo tàng Hà Nội có thể di chuyển hai ngôi mộ này về để làm hiện vật để trưng bày. “Đây là hai hiện vật rất quý và rất hiếm như tôi đã phân tích về niên đại, kết cấu - kiến trúc cũng như sự nguyên vẹn của nó. Hiện tại, Bảo tàng Hà Nội không có nhiều hiện vật để trưng bày. Bảo tàng Hà Nội nên tranh thủ cơ hội hiếm có này!”. Phương án thứ ba, đó là phủ cát che lấp tại chỗ để bảo tồn, lưu giữ hai ngôi mộ cổ. “Khi nào có điều kiện, thời gian tôi sẽ tiến hành trùng tu các hiện vật của hai ngôi mộ đã thu giữ được. Đây sẽ là một địa chỉ du lịch văn hóa – lịch sử có giá trị. Nếu như Bảo tàng Hà Nội có ý định trưng bày hai ngôi mộ cổ này, ông Cường sẽ chịu trách nhiệm “vận chuyển” mẫu vật nói trên: việc vận chuyển nguyên hiện trạng hai ngôi mộ này là hoàn toàn có thể. "Tôi sẽ mở rộng khu vực và đào sâu xuống, thiết kế chân đỡ bằng bê-tông cho phần đáy mộ; xung quanh sẽ được làm khung cố định, sau đó sẽ cẩu từng ngôi mộ này bằng cách ngoặc vào phần bệ được tạo, đảm bảo không ảnh hưởng gì đến kết cấu của mộ cổ. Kiến trúc và đầu mộ của ngôi mộ nhỏ Với chiếc giếng cổ, ông Nguyễn Lân Cường cho biết: Bảo tàng Hà Nội đã có công văn xin chiếc giếng cổ này về để trưng bày, và đã được cho phép. Việc lấy chiếc giếng cổ này từ hiện trường về bảo tàng cũng sẽ được tiến hành bằng phương pháp giống như phương pháp áp dụng với hai ngôi mộ cổ: dựng khung xung quanh, bệ đỡ… Tuy nhiên, với độ dài hơn 4 mét của chiếc giếng cổ, ông Cường dự tính sẽ cắt làm ba đoạn, sau đó mới “ráp lại” ở nơi trưng bày. Lớp gạch trên vòm của hai ngôi mộ Chiếc giếng cổ có cùng niên đại với hai ngôi mộ cổ Hai ngôi mộ được xếp bằng các viên gạch nung chồng lên nhau theo kiểu cuốn vòm với những viên gạch múi bưởi ở phía trên. Điểm đáng chú ý và quan trọng nhất của hai ngôi mộ cổ này so với các ngôi mộ Hán cổ đã được khai quật là hàng gạch khóa vòm mộ chạy suốt dọc nóc mộ. Gạch ở mặt trong của vách và trần mộ được trang trí hoa văn. Mộ lớn là hoa văn "đồng tiền", "trám lồng", còn mộ nhỏ là hoa văn "xương cá". Ở ngôi mộ lớn, đoàn khai quật phát hiện được khoảng 40 viên gạch rìa cạnh có chữ Hán song chưa rõ là chữ gì. Sau hơn 10 ngày khai quật, Viện Khảo cổ thu được 28 hiện vật ở mộ lớn và 5 hiện vật ở mộ nhỏ, gồm: nhiều hiện vật là đồ gốm; 9 chiếc đinh sắt đã bị gỉ (được cho là đinh đóng quan tài - ở ngôi mộ lớn); một hạt chuỗi bằng thủy tinh; một bình gốm hình đầu gà còn nguyên vẹn cả đầu lẫn mào gà; một số hạt thóc, gạo cháy... Cả hai ngôi mộ đều không hề có dấu vết của gỗ quan tài và xương cốt người do có thể đã bị tiêu hết. Dựa vào cấu trúc mộ, các hiện vật chôn theo, hai ngôi mộ thuộc thời Lục Triều có niên đại khoảng thế kỷ thứ 4 đến thứ 6, mộ lớn có sớm hơn ngôi mộ bé một chút. Hai ngôi mộ được xây theo phong cách Hán, niên đại vào thời Bắc thuộc.
-
Em quên ghi nguồn của bài báo. Bài báo trên nguồn của 24h.com.vn
-
Kính chào các bậc tiền bối của diễn đàn, Em có vấn đề nhờ các anh chị giúp giùm em. Trước nhà đặt 1 bình phong thủy gì đó(cao khoảng 1m5) mà có nước chảy, mấy tháng nay tự nhiên hệ thống nước ở trong cái bình này không hoạt động nữa. Em muốn tìm nơi sữa chữa hoặc khắc phục vấn đề này. Em ko rành về mấy cái này lắm nên khong tả chính xác được , mong mọi người thông cảm Mọi người, ai biết thông tin và địa chỉ của các cửa hàng phong thủy nằm ở Hà Nội thì chỉ giúp em với nha. Em cảm ơn nhiều P/s: em người miền Trung mới ra Hà Nội nên không biết nhiều nơi, chuyện gấp mong mọi người cho em thông tin với nha
-
Trong những ngày gần đây, trên bầu trời Trường Xuân, Cát Lâm, Trung Quốc liên tiếp xuất hiện một hiện tượng lạ: ba, bốn mặt trời cùng xuất hiện một lúc. ảnh minh họa ngày 14/1, người dân tại Trường Xuân, Cát Lâm, Trung Quốc vô cùng bất ngờ khi chứng kiến một cảnh tượng lạ lùng trên bầu trời: ba, bốn mặt trời cùng xuất hiện một lúc. Xung quanh vầng hào quang của mặt trời lớn xuất hiện 2 vầng sáng nhỏ. Hình ảnh 3 mặt trời xuất hiện cùng một lúc trên bầu trời Trường Xuân hôm 14/1. Ảnh: Sina Theo các nhà khoa học, hiện tượng này là do tia nắng mặt trời xuyên qua vô số các tinh thể khi thời tiết lạnh. Khi nước ngưng tụ trong không trung sẽ hình thành nên các tinh thể hình lục giác gọi là “bột kim cương”. Khi những tinh thể này từ trên cao rơi xuống và gặp phải lúc mặt trời mọc hay lặn, mỗi tinh thể sẽ giống như một tấm gương nhỏ phản chiếu tia sáng mặt trời và hình thành nên mặt trời giả cùng ánh hào quang. Trước đó, ngày 8-1, trên bầu trời Trường Xuân cũng xuất hiện hiện tượng lạ này, khi có tới bốn mặt trời cùng lúc. Hình ảnh 4 mặt trời xuất hiện cùng một lúc trên bầu trời Trường Xuân hôm 8/1. Ảnh: Sina Source: http://tindachieu.com/news/2011/02/ba-bon-mat-troi-cung-xuat-hien-mot-luc.html P/s: Có ai giải thích hiện này không vậy? Và hiện này đã từng xuất hiện trong lịch sử lần nào chưa vậy mọi người?
-
Tin tuc 24h) - Sau khi dư luận lên tiếng về chuyện cô Chanh (Vĩnh Phúc) chữa được nhiều căn bệnh nan y cho những người dân nghèo chỉ bằng một cái bắt tay và nghe cô hát, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải thuộc Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người (TT NCTNCN) đã mục sở thị và “ngả mũ” khâm phục. Được cho là người có khả năng chữa được nhiều căn bệnh nan y mà y học hiện đại đang “bó tay”, chỉ bằng một cái bắt tay, hay đếm con số 1,2,3… cô Chanh (thôn Viên Du, phường Đồng Tâm, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc), có thể chẩn đoán chính xác bệnh tới 100%, và chỉ cần thêm một nắm thuốc cỏ, cây, hoa, lá là bệnh nhân có thể khỏi bệnh. “Danh y” của cô Chanh ngày càng trở nên nổi tiếng và mỗi ngày có tới hàng trăm lượt người (chủ yếu là dân nghèo) đã về đây chữa bệnh. Có dịp quay trở lại nhà cô Chanh để tiếp tục xác nhận thực hư câu chuyện chữa bệnh kiểu “kì quái” của cô Chanh, chen chân trong dòng người tấp nập chúng tôi không khó để nhận ra Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải và một số cán bộ thuộc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người cũng có mặt để ghi nhận về sự việc này. Trong buổi sáng ngày 9/1, Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải đã đặt nhiều câu hỏi để kiểm chứng tính xác thực từ việc chữa khỏi bệnh một cách “kì quái” của cô Chanh. Ngoài ra ông cùng một số cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người cũng ghi lại tỉ mỉ địa chỉ của những người đã được cô Chanh chữa khỏi bệnh để xác minh thêm thông tin. Có thể nói, sau khi sự kiện cô Chanh được dư luận cho là người có khả năng đặc biệt chữa được nhiều bệnh nan y, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải - một trong những nhà nghiên cứu khoa học về tiềm năng con người có uy tín tại Việt Nam. Ông Hải cho biết, "sau khi nghe thông tin báo chí nêu về “hiện tượng” cô Chanh chữa bệnh nan y hết sức kì quái, ngày 28/12/2010, một đoàn của Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người gồm tôi cùng với GS.Viện sĩ Đào Vọng Đức, nguyên là Giám đốc trung tâm, nay là Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người và một người bạn (xin giấu tên) đã lên gặp cô Chanh để tìm hiểu chuyện chữa bệnh kỳ lạ của cô”. Tại đây đoàn đã tìm hiểu những người đến chữa bệnh và xác minh tính xác thực của những thông tin về khả năng chữa khỏi bệnh của cô Chanh. Ông Hải cho biết thêm, để kiểm chứng thông tin về cách khám, chữa bệnh kì lạ của cô Chanh, chính bản thân ông Hải trực tiếp để cho cô Chanh đoán và chữa bệnh cho mình. Cũng giống như mọi người, ông Nguyễn Phúc Giác Hải đếm 1, 2, 3 và được cô Chanh bắt tay lắc lắc chuẩn đoán ông Hải bị bệnh thoái hóa đốt sống cổ và thoái hóa đốt sống lưng. Không ngần ngại, ông Hải “ngả mũ” thừa nhận cô Chanh đoán chính xác 100%. Sau đó ông Hải được cô Chanh cho một gói gọi là thuốc trong đó là những nắm cỏ cây, thân cây, lá về nhà uống thuốc, kèm theo một điều kiện là mỗi ngày nghĩ đến cô mấy phút…Và thật đặc biệt, chỉ sau 6 ngày thì hiện nay ông Hải cho biết các đốt sống cổ và đốt sống lưng của ông đã đỡ đi nhiều và mặc dù thời tiết ở Hà Nội lạnh thấu xương nhưng ông cảm thấy không còn đau lưng hoặc đau xương nữa, thậm chí đi lại bình thường. Tiếp đó cô Chanh cũng chẩn đoán cho một đồng nghiệp đi cùng ông Hải đúng cả 3 bệnh. Đến nay ông này khẳng định, thời điểm hiện tại thì các bệnh trong người đã nhẹ hẳn đi và có chiều hướng sức khỏe tốt lên… Xung quanh thực hư về câu chuyện cô Chanh có khả năng chữa khỏi được nhiều căn bệnh nan y mà y học hiện đại đang chưa tìm ra lời giải, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải cho rằng: “chúng ta chưa cần xem hình thức khám chữa bệnh của Chanh mà hãy quan tâm đến vấn đề hiệu quả. Đặc biệt là nhiều bệnh nhân nghèo đã được chữa khỏi bệnh như vậy là điều rất đáng quý”. Sáng 11/1, trao đổi với phóng viên về hiện tượng cô Chanh có thể chữa khỏi nhiều căn bệnh nan y, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc Đặng Quang Thanh cho biết, việc cô Chanh có khả năng chữa bệnh kì bí như vậy, thực tế không có gì kiểm chứng. Sở Y Tế cũng đã cử đoàn kiểm tra phối hợp với các cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh của cô Chanh vì cô Chanh không có chuyên môn gì về ngành y. Ông Thanh cho biết thêm, tuy nhiên nếu nhiều người khẳng định chữa khỏi bệnh, Sở Y tế sẽ thành lập một Hội đồng khoa học để kiểm chứng vấn đề này. Nguồn: http://us.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/ch...c46a349773.html
-
Theo em nghĩ thì tâm lí của người bệnh rất quan trọng trong việc điều trị bệnh, bác sĩ giỏi cỡ nào mà gặp bệnh nhân có tâm lí bi quan cũng chưa chắc đã khỏi bệnh. Trong cuộc sống ta cũng bắt gặp 1 vài trường hợp người bệnh hiểm nghèo mà vẫn chữa hết bệnh được. Quan trọng nằm ở tinh thần