Posted 13 Tháng 6, 2011 Một bài viết khá hay về Hoàng Sa Trường Sa, Văn Lang xin phép gửi riêng một chủ đề mới. Từ Đặng Minh Thu[1] Nhắc đến Biển Đông, không ai không nghĩ đến hai cái tên rất đẹp Hoàng Sa và Trường Sa. Tiếc thay hai cái tên đó lại gắn liền với những gì đi ngược với thiện, mỹ, hoà, vì hai quần đảo xa xôi này đã và đang là đối tượng của một cuộc tranh chấp sôi nổi giữa các quốc gia và lãnh thổ trong vùng. Cuộc tranh chấp đã kéo dài gần một thế kỷ nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được, và ngày càng trầm trọng hơn, đang là mối đe doạ cho hoà bình ở vùng Đông Nam Á.Khi thì bùng nổ, khi thì lắng dịu, cuộc tranh chấp này mang mọi hình thức đấu tranh, từ đấu tranh chính trị, ngoại giao đến đấu tranh vũ lực. Các quốc gia tranh chấp cũng thay đổi tuỳ theo thời cuộc. Lúc đầu chỉ có Pháp và Trung Hoa, tiếp sau đó, Nhật Bản và Philippin cũng nhảy vào đòi quyền lợi. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản bại trận rút lui khỏi cuộc tranh chấp, Pháp rời Đông Dương, Trung Hoa thay đổi chính quyền, thì các quốc gia và vùng lãnh thổ tranh chấp gồm Việt Nam Cộng hoà, Trung Quốc, Đài Loan và Philippin. Sau khi Việt Nam thống nhất thì cuộc tranh chấp tiếp diễn giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và ba quốc gia và vùng lãnh thổ kia. Ngày nay, từ khi “Luật Biển mới” ra đời, tầm quan trọng của 2 quần đảo tăng thêm, thì số quốc gia tranh chấp cũng tăng theo. Malaixia và Brunây cũng đòi quyền lợi trên quần đảo Trường Sa. Với Công ước Luật Biển mới, quốc gia nào nắm những quần đảo này không những được hưởng lãnh hải quanh đảo mà cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa quanh quần đảo. Tuy nhiên, vấn đề phân chia lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa các quốc gia chưa thực hiện được khi chưa biết hai quần đảo này thuộc về ai. Vì vậy, vấn đề xác định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa càng quan trọng. Bài viết này sẽ phân tích một số lý lẽ chính mà Việt Nam và Trung Quốc đưa ra để khẳng định chủ quyền của mình, vì đây là hai quốc gia chính trong cuộc tranh chấp.I. DIỄN BIẾN CUỘC TRANH CHẤP Diễn biến cuộc tranh chấp sẽ được trình bày vắn tắt theo thứ tự thời gian, qua ba giai đoạn: trước thời Pháp thuộc, trong thời Pháp thuộc, và sau thời Pháp thuộc.1. Trước thời Pháp thuộcNhững người đánh cá Trung Hoa và Việt Nam sống trên các đảo tuỳ theo mùa nhưng từ bao giờ thì không thể xác định được.Đầu thế kỷ XVII: Chúa Nguyễn tổ chức khai thác trên các đảo. Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải có nhiệm vụ ra đóng ở hai quần đảo, mỗi năm 8 tháng để khai thác các nguồn lợi: đánh cá, thâu lượm những tài nguyên của đảo, và những hoá vật do lấy được từ những tàu đắm.Năm 1753: Có 10 người lính của Đội Bắc Hải đến quần đảo Trường Sa: 8 người xuống đảo, còn 2 người thì ở lại canh thuyền. Thình lình cơn bão tới và thuyền bị trôi dạt đến cảng Thanh Lan của Trung Quốc. Chính quyền Trung Hoa cho điều tra, và khi biết các sự kiện, đã cho đưa 2 người lính Việt Nam về.[2]- Năm 1816: Vua Gia Long chính thức chiếm hữu đảo, ra lệnh cắm cờ trên đảo và đo thuỷ trình.· Năm 1835: Vua Minh Mạng cho xây đền, đặt bia đá, đóng cọc, và trồng cây. Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải được trao nhiều nhiệm vụ hơn: khai thác, tuần tiễu, thu thuế dân trên đảo, và nhiệm vụ biên phòng bảo vệ hai quần đảo. Hai đội này tiếp tục hoạt động cho đến khi Pháp nhảy vào Đông Dương.2. Thời Pháp thuộc- Năm 1884: Hiệp ước Huế áp đặt chế độ thuộc địa.- 9-6-1885: Hiệp ước Pháp – Thanh Thiên Tân là một hiệp ước hữu nghị, chấm dứt xung đột giữa Pháp và Trung Hoa. - 26-6-1887: Hiệp ước Pháp – Thanh ấn định biên giới giữa Bắc Việt Nam và Trung Hoa.- 1895 – 1896: Vụ La Bellona và Imeji Maru.Có hai chiếc tàu La Bellona và Imeji Maru bị đắm gần Hoàng Sa, một chiếc bị đắm năm 1895, và chiếc kia bị đắm năm 1896. Những người đánh cá ở Hải Nam bèn thu lượm đồng từ hai chiếc tàu bị đắm. Các công ty bảo hiểm của hai chiếc tàu này phản đối chính quyền Trung Hoa. Chính quyền Trung Hoa trả lời là Trung Hoa không chịu trách nhiệm, vì Hoàng Sa không phải là lãnh thổ của Trung Hoa, và cũng không phải của An Nam.[3]· Năm 1899: Toàn quyền Paul Doumer đề nghị chính phủ Pháp xây ngọn hải đăng nhưng không thành vì tài chính bị thiếu.· Năm 1909: Tổng đốc Lưỡng Quảng ra lệnh thám thính quần đảo Hoàng Sa.· Năm 1920: Mitsui Busan Kaisha xin phép Pháp khai thác quần đảo Hoàng Sa. Pháp từ chối.· Bắt đầu năm 1920: Pháp kiểm soát quan thuế và tuần tiễu trên đảo.· 30-3-1921: Tổng đốc Lưỡng Quảng sáp nhập Hoàng Sa với Hải Nam. Pháp không phản đối.· Bắt đầu từ năm 1925: Tiến hành những thí nghiệm khoa học trên đảo do Dr. Krempt, Giám đốc Viện Hải dương học Nha Trang tổ chức.· 8-3-1921: Toàn quyền Đông Dương tuyên bố hai quần đảo: Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Pháp.· Năm 1927: Tàu De Lanessan viếng thăm quần đảo Trường Sa.· Năm 1930: Ba tàu Pháp: La Malicieuse, L’Alerte và L’Astrobale chiếm quần đảo Trường Sa và cắm cờ Pháp trên quần đảo này.· Năm 1931: Trung Hoa ra lệnh khai thác phân chim tại quần đảo Hoàng Sa, ban quyền khai thác cho Công ty Anglo-Chinese Development. Pháp phản đối.· Năm 1932: Pháp chính thức tuyên bố An Nam có chủ quyền lịch sử trên quần đảo Hoàng Sa. Pháp sáp nhập quần đảo Hoàng Sa với tỉnh Thừa Thiên.· Năm 1933: Quần đảo Trường Sa được sáp nhập với tỉnh Bà Rịa. Pháp cũng đề nghị với Trung Hoa đưa vấn đề ra Toà án Quốc tế nhưng Trung Hoa từ chối.· Năm 1938: Pháp cho đặt bia đá, xây hải đăng, đài khí tượng và đưa đội biên phòng người Việt ra để bảo vệ đảo Pattle (đảo Hoàng Sa) của quần đảo Hoàng Sa.· Năm 1946: Nhật bại trận phải rút lui. Pháp trở lại Pattle (An Vĩnh) nhưng vì chiến cuộc ở Việt Nam nên phải rút.· Năm 1947: Quân của Tưởng Giới Thạch đổ bộ lên đảo Woody (đảo Phú Lâm) của quần đảo Hoàng Sa. Pháp phản đối và gửi quân Pháp - Việt trở lại đảo. Hai bên đàm phán tại Paris. Pháp đề nghị đưa ra Trọng tài quốc tế nhưng Trung Hoa từ chối.· Năm 1950: Quân của Tưởng Giới Thạch rút khỏi đảo Woody.· Năm 1951: Tại Hội nghị San Francisco, Nhật tuyên bố từ bỏ tất cả các đảo, Đại diện chính phủ Bảo Đại là Thủ tướng Trần Văn Hữu khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo mà không có nước nào lên tiếng phản đối. 3. Sau thời Pháp thuộc· Năm 1956: Quân đội Pháp rút khỏi Đông Dương. Đội canh của Pháp trên đảo Pattle được thay thế bởi đội canh của Việt Nam.Trung Quốc cho quân chiếm phía Đông của quần đảo Hoàng Sa, tức nhóm Amphitrite (Nhóm Đông). Trong khi phía Tây, nhóm Crescent (Lưỡi Liềm), vẫn do quân Việt Nam đóng trên đảo Pattle nắm giữ.· 1-6-1956: Ngoại trưởng Việt Nam Cộng hoà Vũ Văn Mẫu xác nhận lại chủ quyền của Việt Nam trên cả hai quần đảo.· 22-8-1956: Một đơn vị hải quân của Việt Nam Cộng hoà cắm cờ trên quần đảo Trường Sa và dựng bia đá.· Năm 1961: Việt Nam Cộng hoà sáp nhập quần đảo Hoàng Sa với tỉnh Quảng Nam.· Năm 1973: Quần đảo Trường Sa được sáp nhập vào tỉnh Phước Tuy.· Năm 1974: Trung Quốc oanh tạc quần đảo Hoàng Sa và chiếm các đảo do quân Việt Nam Cộng hoà đóng.· Năm 1975: Quân đội Nhân dân Việt Nam thay thế quân đội của Việt Nam Cộng hoà tại quần đảo Trường Sa.· Năm 1977: Việt Nam tuyên bố lãnh hải, kể cả lãnh hải của các đảo.· Trong thời gian này, nhiều quốc gia khác cũng đã chiếm một số đảo của quần đảo Trường Sa.· Năm 1988: Lần đầu tiên Trung Quốc gửi quân tới quần đảo Trường Sa. Quân của Trung Quốc đụng độ với Hải quân Việt Nam. Trên 70 người lính Việt Nam bị mất tích. Trung Quốc đã chặn không cho tàu mang cờ Chữ Thập Đỏ ra cứu quân Việt Nam.· Năm 1989: Trung Quốc chiếm thêm một đảo.· Năm 1990: Trung Quốc đề nghị khai thác chung quần đảo Trường Sa.· Năm 1992: Trung Quốc chiếm thêm một số đảo nữa.· Năm 1994: Đụng độ giữa Việt Nam và một chiếc tàu Trung Quốc nghiên cứu cho Công ty Crestone. Hiện nay Trung Quốc kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Còn quần đảo Trường Sa thì do sáu quốc gia và lãnh thổ chiếm giữ là: Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippin, Malaixia và Brunây.(Tapchithoidai)II. PHÂN TÍCH LẬP LUẬN CỦA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐCLý lẽ mà cả Việt Nam và Trung Quốc đưa ra là chủ quyền lịch sử, cả hai quốc gia đều khẳng định mình có chủ quyền từ lâu đời được củng cố và chứng minh bằng lịch sử. Ngoài ra, Trung Hoa ngày xưa, cũng như Đài Loan ngày nay, và nhiều tác giả thường viện dẫn Hiệp uớc Pháp – Thanh 1887 để khẳng định hai quần đảo thuộc về Trung Quốc. Vì Trung Quốc và Đài Loan đã đồng ý nói chung một tiếng nói trong vụ tranh chấp này, do đó, đây cũng có thể là một lý lẽ của Trung Quốc. Thời kỳ gần đây, từ khi tranh chấp với Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trung Quốc đã viện dẫn thêm một lý lẽ, là những lời tuyên bố trước đây của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Phần này sẽ phân tích ba lý lẽ nói trên.1. Chủ quyền lịch sửCả Việt Nam và Trung Quốc đều nại rằng mình đã khám phá, chiếm hữu và hành xử chủ quyền lâu đời. Chúng ta thử phân tích lý lẽ chủ quyền lịch sử của mỗi bên có đạt đủ tiêu chuẩn của luật quốc tế hay không. Trước tiên, chúng ta hãy tìm hiểu luật quốc tế chi phối sự chiếm hữu lãnh thổ vô chủ như thế nào.1.1. Sự chiếm hữu lãnh thổ vô chủ theo luật quốc tế. Một sự chiếm hữu lãnh thổ, muốn hợp pháp, phải hội đủ ba điều kiện:Một là, điều kiện liên quan đến đối tượng của sự chiếm hữu: lãnh thổ được chiếm hữu phải là đất vô chủ (res nullius), hoặc là đã bị chủ từ bỏ (res derelicta). Hai là, tác giả của sự chiếm hữu phải là một quốc gia. Chiếm hữu phải được thực hiện bởi chính quyền của quốc gia muốn chiếm hữu hoặc bởi đại diện của chính quyền chiếm hữu nhân danh quốc gia mình. Tư nhân không có quyền chiếm hữu.Ba là, phương pháp chiếm hữu: Phương pháp chiếm hữu đã trải qua nhiều thay đổi theo thời gian. Trước năm 1884, quyền chiếm hữu do Đức Giáo Hoàng ban cho. Từ thế kỷ VIII đến XV, Đức Giáo Hoàng chia đất giữa hai quốc gia là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Đến thế kỷ XVI, khi nhiều quốc gia khác cũng bắt đầu tham gia vào công cuộc đi tìm đất mới, thì phương cách chia đất bởi Đức Giáo Hoàng bị chỉ trích, và người ta đặt ra một phương thức mới cho sự chiếm hữu lãnh thổ, đó là quyền khám phá. Quốc gia nào khám phá ra mảnh đất đó trước thì được chủ quyền trên đất đó. Khám phá đây có nghĩa là chỉ nhìn thấy đất thôi, không cần đặt chân lên đất đó, cũng đủ để tạo chủ quyền. Sau này, điều kiện đó được xem như không đủ, nên người ta đưa thêm một điều kiện nữa, là sự chiếm hữu tượng trưng. Quốc gia chiếm hữu phải lưu lại trên lãnh thổ một vật gì tượng trưng cho ý chí muốn chiếm hữu của mình: cờ, bia đá, đóng cọc, hoặc bất cứ một vật gì tượng trưng cho chủ quyền của quốc gia chiếm hữu. Đến thế kỷ XVIII, người ta thấy chiếm hữu tượng trưng cũng không đủ để chứng tỏ chủ quyền của một quốc gia. Vì vậy, đến năm 1885, Định ước Berlin nhằm giải quyết vấn đề chia đất ở châu Phi, ấn định một tiêu chuẩn mới sát thực hơn cho sự chiếm hữu lãnh thổ. Đó là sự chiếm hữu thực sự và hành xử chủ quyền trên lãnh thổ được chiếm hữu. Ngoài ra, Định ước Berlin cũng ấn định rằng quốc gia chiếm hữu phải thông báo sự chiếm hữu của mình cho các quốc gia khác biết. Nguyên tắc chiếm hữu thực sự và hành xử chủ quyền sau này đã trở thành tập quán quốc tế và được làm cơ sở cho sự chiếm hữu lãnh thổ vô chủ trong luật quốc tế hiện đại. Tuy nhiên, yếu tố thông báo không phải là một tập quán quốc tế, nó chỉ áp dụng riêng cho trường hợp chiếm hữu đặt trong phạm vi của Định ước Berlin mà thôi. Ngày nay theo luật quốc tế, sự chiếm hữu lãnh thổ phải bao gồm cả hai yếu tố vật chất và tinh thần. Yếu tố vật chất được thể hiện qua việc chiếm hữu thực sự và hành xử chủ quyền trên lãnh thổ đó. Điều này có nghĩa là quốc gia chiếm hữu phải có sự hiện diện thường trực trên lãnh thổ được chiếm hữu, và phải có những hoạt động hoặc những hành vi có tính quốc gia đối với lãnh thổ đó. Sự hành xử chủ quyền phải có tính liên tục. Còn yếu tố tinh thần có nghĩa là quốc gia phải có ý định thực sự chiếm hữu mảnh đất đó. Phải hội đủ hai yếu tố vật chất và tinh thần trên thì sự chiếm hữu mới có hiệu lực. Và sự từ bỏ lãnh thổ cũng phải hội đủ cả hai yếu tố: vật chất, tức là không hành xử chủ quyền trong một thời gian dài, và tinh thần, tức là có ý muốn từ bỏ mảnh đất đó. Phải hội đủ cả hai yếu tố: từ bỏ vật chất và từ bỏ tinh thần thì lãnh thổ đó mới được xem như bị từ bỏ, và trở lại quy chế vô chủ.[4] Ngoài phương pháp chiếm hữu thực sự và hành xử chủ quyền (occupation và effectivité), một quốc gia cũng có thể thụ đắc chủ quyền qua những phương pháp khác như chuyển nhượng (cession), thời hiệu (prescription), củng cố chủ quyền bằng danh nghĩa lịch sử (consolidation par titre historique),… Phương pháp “củng cố chủ quyền bằng danh nghĩa lịch sử” được áp dụng nếu quốc gia đã sử dụng lâu đời một lãnh thổ khác mà không có phản đối của một quốc gia nào khác.[5] Những tiêu chuẩn trên đã được áp dụng thường xuyên bởi án lệ quốc tế, trong những bản án về tranh chấp đảo Palmas, đảo Groenland, đảo Minquier và Ecrehous…1.2. Chủ quyền lịch sử của Việt Nam Phải nói rằng, vì hoàn cảnh chiến tranh, nên tài liệu lịch sử của Việt Nam đã bị tàn phá hoặc thất lạc rất nhiều. Việt Nam đã đưa ra những tài liệu lịch sử và địa lý đủ để chứng minh rằng mình đã khám phá ra hai quần đảo này từ lâu, đã chiếm hữu tượng trưng cũng như thực sự và hành xử chủ quyền trên hai quần đảo qua nhiều đời vua và trải qua ít nhất là ba thế kỷ.1.2.1. Khám phá ít nhất là từ thế kỷ XV, và hành xử chủ quyền trong thế kỷ XVII Dân đánh cá Việt Nam đã sống trên những đảo này và khai thác đảo từ lâu đời. Tài liệu sớm nhất mà Việt Nam còn có được là quyển “Tuyển tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ đồ thư” của Đỗ Bá, viết vào thế kỷ XVII. Danh từ “Tuyển tập” cho ta thấy tài liệu này được thu nhập từ nhiều tài liệu trước nữa. Trong quyển này, Đỗ Bá đã tả những quần đảo này rất chính xác, và xác nhận rằng Chúa Nguyễn đã lập Đội Hoàng Sa để khai thác quần đảo từ thế kỷ XVII. Đoạn trích do sử gia kiêm nhà Hán học Võ Long Tê dịch như sau: “Tại làng Kim Hộ, ở hai bên bờ sông có hai ngọn núi, mỗi ngọn có mỏ vàng do nhà nước cai quản. Ngoài khơi, một quần đảo với những cồn cát dài, gọi là “Bãi Cát Vàng”, dài khoảng 400 lý, và rộng 20 lý nhô lên từ dưới đáy biển, đối diện với bờ biển từ cửa Đại Chiêm đến cửa Sa Vinh. Vào mùa gió nồm Tây Nam, những thương thuyền từ nhiều quốc gia đi gần bờ biển thường bị đắm dạt vào những đảo này; đến mùa gió Đông Bắc, những thuyền đi ngoài khơi cũng bị đắm như thế. Tất cả những người bị đắm trôi dạt vào đảo, đều bị chết đói. Nhiều hàng hoá tích luỹ trên đảo. Mỗi năm, vào tháng cuối của mùa đông, Chúa Nguyễn đều cho một hạm đội gồm 18 thuyền đi ra đảo để thu thập những hoá vật, đem về được một số lớn vàng, bạc, tiền tệ, súng đạn. Từ cửa Đại Chiêm, ra tới đảo mất một ngày rưỡi, nếu đi từ Sa Kỳ thì chỉ mất nửa ngày.”[6] Theo sử gia Võ Long Tê, mặc dù quyển sách của Đỗ Bá được viết vào thế kỷ XVII (vào năm 1686), đoạn thứ nhất của hai đoạn trên được trích từ phần thứ ba của quyển Hồng Đức Bản Đồ - Hồng Đức là tên hiệu của vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497).[7] Như vậy, Việt Nam đã khám phá hoặc biết tới những đảo này ít ra cũng từ thế kỷ XV. Danh từ Bãi Cát Vàng chứng tỏ rằng những đảo này đã được những người Việt Nam ít học nhưng hiểu biết nhiều về biển khám phá và khai thác, từ lâu trước khi chính quyền Chúa Nguyễn tổ chức khai thác đảo. Dân Việt Nam đã sinh sống ở đó từ nhiều thế kỷ, và chính quyền nhà Nguyễn từ thế kỷ XVII đã biết tổ chức khai thác đảo có hệ thống. Những yếu tố này, nhất là sự khai thác của nhà nước từ thế kỷ XVII qua rất nhiều năm, đã tạo nên từ thời đó một chủ quyền lịch sử cho Việt Nam trên những đảo này.1.2.2. Hành xử chủ quyền trong thế kỷ XVIII: Quyển Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn Lê Quý Đôn là quan dưới thời nhà Lê, phụ trách vùng Thuận Hoá, Quảng Nam. Ông đã viết Phủ biên tạp lục vào năm 1776, tại Quảng Nam, nên đã sử dụng được rất nhiều tài liệu của chính quyền các Chúa Nguyễn để lại.[8] Đoạn sau đây nói về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: “… Phủ Quảng Ngãi, ở ngoài cửa biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn có núi gọi là cù lao Ré, rộng hơn 30 dặm, trước có phường Tứ Chính, dân cư trồng đậu ra biển bốn canh thì đến; phía ngoài nữa, lại có đảo Đại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật và những hoá vật của tàu, lập đội Hoàng Sa để lấy, đi ba ngày đêm thì mới đến, là chỗ gần Bắc Hải”.[9] Một đoạn rất dài khác cũng trong Phủ biên tạp lục nhưng cần phải trích dẫn vì nó cung cấp nhiều chi tiết quan trọng liên quan đến cách Chúa Nguyễn tổ chức khai thác hai quần đảo một cách hệ thống: … Phủ Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh, ở gần biển, ngoài biển về phía Đông Bắc có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia hoặc đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chỗ có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng, dài ước hơn 30 dặm, bằng phẳng rộng lớn, nước trong suốt đáy. Trên đảo có vô số yến sào; các thứ chim có hàng ngàn, hàng vạn, thấy người thì đậu vòng quanh không tránh. Trên bãi vật lạ rất nhiều. Ốc vân thì có ốc tai voi to như chiếc chiếu, bụng có hạt to bằng đầu ngón tay, sắc đục, không như ngọc trai, cái vỏ có thể đẽo làm tấm bài được, lại có thể nung vôi xây nhà; có ốc xà cừ, để khảm đồ dùng; lại có ốc hương. Các thứ ốc đều có thể muối và nấu ăn được. Đồi mồi thì rất lớn. Có con hải ba, tục gọi là Trắng bông, giống đồi mồi nhưng nhỏ hơn, vỏ mỏng có thể khảm đồ dùng, trứng bằng đầu ngón tay cái, muối ăn được. Có hải sâm tục gọi là con đột đột, bơi lội ở bến bãi, lấy về dùng vôi sát quan, bỏ ruột phơi khô, lúc ăn thì ngâm nước cua đồng, cạo sạch đi, nấu với tôm và thịt lợn càng tốt. Các thuyền ngoại phiên bị bão thường đậu ở đảo này. Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng ba nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hoá vật của tầu, như là gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, vòng sứ, đồ chiên, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng tám thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về. Lượm được nhiều ít không nhất định, cũng có khi về người không. Tôi đã xem sổ của cai đội cũ là Thuyên Đức Hầu biên rằng: Năm Nhâm Ngọ lượm được 30 hốt bạc; năm Giáp Thân được 5.100 cân thiếc; năm Ất Dậu được 126 hốt bạc; từ năm Kỷ Sửu đến năm Quý Tỵ năm năm ấy mỗi năm chỉ được mấy tấm đồi mồi, hải ba. Cũng có năm được thiếc khôi, bát sứ và hai khẩu súng đồng mà thôi. Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Thứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượm vật của tầu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản. Chẳng qua là lấy các thứ hải vật, còn vàng bạc của quý ít khi lấy được”.[10] Đoạn này cho thấy việc khai thác hai quần đảo của Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải kéo dài từ thế kỷ XVII sang đến cuối thế kỷ XVIII. Hoạt động của hai đội này được tổ chức có hệ thống, đều đều mỗi năm ra đảo công tác 8 tháng. Các thuỷ thủ do nhà nước tuyển dụng, hưởng bổng lộc của nhà nước, giấy phép và lệnh ra công tác do nhà nước cấp. Các bộ sử như Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam nhất thống chí, Hoàng Việt địa dư chí, đều có đoạn ghi các Chúa Nguyễn tổ chức khai thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và cả các đảo khác nữa: Đội Thanh Châu phụ trách các đảo ngoài khơi Quy Nhơn lấy tổ chim yến, Đội Hải Môn hoạt động ở các đảo Phú Quý, Đội Hoàng Sa chuyên ra quần đảo Hoàng Sa, sau đó lại tổ chức Đội Bắc Hải thuộc đội Hoàng Sa nhưng phụ trách các đảo xa ở phía Nam trong đó có quần đảo Trường Sa, đảo Côn Lôn và các đảo nằm trong vùng vịnh Thái Lan thuộc chủ quyền của Việt Nam.[11] Đặc biệt là bộ Lịch triều hiến chương loại chí: Dư địa chí của Phan Huy Chú (1782 – 1840). Phan Huy Chú và các tác phẩm của ông được Gaspardone nghiên cứu. Bộ sử này viết vào đầu thế kỷ XIX và gồm 49 quyển nằm ở École Fransaise d’Extrême Orient.[12]1.2.3. Chính thức chiếm hữu và hành xử chủ quyền trong thế kỷ XIX Chủ quyền được tiếp tục hành xử qua thế kỷ XIX, dưới thời nhà Nguyễn (là thời đại kế vị chính quyền các Chúa Nguyễn). Vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn, Vua Gia Long, đã củng cố thêm quyền lịch sử của Việt Nam bằng cách chính thức chiếm hữu hai quần đảo. Năm 1816, Vua đã ra lệnh cho Đội Hoàng Sa và hải quân của triều đình ra thăm dò, đo thuỷ lộ, và cắm cờ trên quần đảo Hoàng Sa để biểu tượng cho chủ quyền của Việt Nam. Đoạn sau đây của bộ Việt Nam thực lục chính biên chứng minh điều này: “Năm Bính Tý, năm thứ 15 đời Vua Gia Long (1816) Ra lệnh cho lực lượng hải quân và đội Hoàng Sa đổ bộ lên quần đảo Hoàng Sa để thanh tra và khám xét thuỷ trình.” Sự chiếm hữu hai quần đảo theo lệnh của Vua Gia Long cũng được chứng nhận bởi các tài liệu của phương Tây. Bài của M.A. Dubois de Jancigny viết như sau: “… Từ hơn 34 năm, Quần đảo Paracel, mang tên là Cát Vàng hay Hoàng Sa, là một giải đảo quanh co của nhiều đảo chìm và nổi, quả là rất đáng sợ cho các nhà hàng hải, đã do những người Nam Kỳ chiếm giữ. Chúng tôi không biết rằng họ có xây dựng cơ sở của mình hay không, nhưng chắc chắn rằng vua Gia Long đã quyết định giữ nơi này cho triều đại mình, vì rằng chính ông đã thấy được rằng tự mình phải đến đấy chiếm lấy và năm 1816 nhà vua đã trịnh trọng cắm ở đây lá cờ của Nam Kỳ”.[13] Một bài khác của Jean Baptiste Chaigneau cũng ghi nhận điều trên: “Nam Kỳ, mà nhà vua hiện nay là hoàng đế bao gồm bản thân xứ Nam Kỳ, xứ Bắc Kỳ, một phần của Vương quốc Campuchia, một số đảo có người ở không xa bờ biển và quần đảo Paracel gồm những bá đá ngầm, đá nổi không có người ở. Chỉ đến năm 1816 hoàng đế hiện nay mới chiếm lĩnh những đảo ấy.”[14] Năm 1833, vua Minh Mệnh cho đặt bia đá trên quần đảo Hoàng Sa và xây chùa. Vua cũng ra lệnh trồng cây và cột trên đảo. Bộ Đại Nam thực lục chính biên, quyển thứ 104, viết như sau: “Tháng tám mùa thu năm Quý Tỵ, Minh Mệnh thứ 14 (1833)… Vua bảo Bộ Công rằng: Trong hải phận Quảng Ngãi, có một dải Hoàng Sa, xa trông trời nước một mầu, không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây, thuyền buôn thường (mắc cạn) bị hại. Nay nên dự bị thuyền mành, đến sang năm sẽ phái người tới đó dựng miếu, lập bia và trồng nhiều cây cối. Ngày sau cây cối to lớn xanh tốt, người dễ nhận biết ngõ hầu tránh khỏi được nạn mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời”.[15] Năm sau, Vua Minh Mệnh ra lệnh cho Đội Hoàng Sa ra đảo lấy kích thước để vẽ bản đồ. Quyển Đại Nam thực lục chính biên (1834), quyển thứ 122 ghi nhận điều này: “Năm Giáp Ngọ, thứ 15, đời Minh Mệnh: … Vua truyền lệnh cho Đội trưởng Trương Phúc Sĩ và khoảng trên 20 thuỷ thủ ra quần đảo Hoàng Sa để vẽ bản đồ…”.[16] Đến năm 1835 thì lệnh xây miếu, dựng bia đá được hoàn tất và được ghi nhận trong quyển Đại Nam thực lục chính biên, quyển thứ 154: “Tháng sáu mùa hạ năm Ất Mùi, Minh Mệnh thứ 16 (1835)… Dựng đền thờ thần (ở đảo) Hoàng Sa thuộc Quảng Ngãi. Hoàng Sa ở hải phận Quảng Ngãi, có một chỗ nổi cồn cát trắng, cây cối xanh um, giữa cồn cát có giếng, phía Tây Nam có miếu cổ, có tấm bài khắc 4 chữ: “Vạn Lý Ba Bình” (1). Còn Bạch Sa chu vi 1.070 trượng, tên cũ là Phật Tự Sơn, bờ đông, tây, nam đều đá san hô thoai thoải uốn quanh mặt nước. Phía bắc, giáp với một cồn toàn đá san hô, sừng sững nổi lên, chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 3 thước, ngang với cồn cát, gọi là Bàn Than Thạch. Năm ngoái vua toan dựng miếu lập bia ở chỗ ấy, nhưng vì sóng gió không làm được. Đến đây mới sai cai đội thuỷ quân Phạm Văn Nguyên đem lính và Giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, chuyên chở vật liệu đến dựng miếu (cách toà miếu cổ 7 trượng). Bên tả miếu dựng bia đá; phía trước miếu xây bình phong. Mười ngày làm xong, rồi về”.[17] Đoạn sau đây của cùng bộ sách, cho thấy vua nhà Nguyễn không những quan tâm đến việc khai thác đảo mà còn nhận thức được vị trí chiến lược của hai quần đảo, xem chúng như là lãnh thổ biên phòng của Việt Nam và tổ chức cả một chương trình dài hạn để củng cố biên cương đó – theo Đại Nam thực lục chính biên, quyển thứ 165: “Năm Bính Thân, niên hiệu Minh Mệnh thứ 17 (1836), mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1… Bộ Công tâu: Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu. Trước kia, đã phái vẽ bản đồ mà hình thể nó xa rộng, mới chỉ được một nơi, cũng chưa rõ ràng. Hàng năm, nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển. Từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, xin phái thuỷ quân và vệ Giám thành đáp một chiếc thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Ngãi, bắt hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân, hướng dẫn ra đúng xứ Hoàng Sa, không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào; khi thuyền đi đến, cũng xét xem xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi, và nước biển xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào, phải tường tất đo đạc, vẽ thành bản đồ. Lại xét ngày khởi hành, từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến xứ ấy, căn cứ vào đường đi, tính ước được bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông vào bờ biển, đối thẳng vào là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm. Nhất nhất nói rõ, đem về dâng trình”. “Vua y lời tâu, phái suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi, chuẩn cho mang theo 10 cái bài gỗ, đến nơi đó dựng làm dấu ghi (mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt bài khắc những chữ “Minh Mệnh thứ 17, năm Bính Thân, thuỷ quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ”.[18] Sau đó, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được vẽ trên bản đồ của triều đình Vua Minh Mệnh. Những đoạn trên đây cho thấy chủ quyền lịch sử của Việt Nam đã tiếp tục được hành xử bởi các vua nhà Nguyễn. Đội Hoàng Sa và Bắc Hải được trao thêm nhiều nhiệm vụ: tuần tiễu, đi lấy kích thước đảo để vẽ bản đồ, thăm dò địa hải, vẽ thuỷ trình,… Những Đội này cũng có nhiệm vụ thu thuế những người tạm sống trên đảo[19]. Hai đội Hoàng Sa và Bắc Hải hoạt động cho đến khi Pháp xâm lược Việt Nam. Ít nhất từ thế kỷ XVII (và có thể từ thế kỷ XV hoặc trước nữa), từ thời Chúa Nguyễn, trải qua các triều đại vua nhà Nguyễn, trong 3 thế kỷ, hai đội này đã có nhiều hoạt động khai thác, quản trị và biên phòng đối với hai quần đảo. Đây là những hoạt động của nhà nước, do nhà nước tổ chức. Những hoạt động này kéo dài suốt 300 năm không có một lời phản đối của Trung Hoa thời đó. Nhà Nguyễn cũng ý thức được trách nhiệm quốc tế của mình từ thời đó và cho trồng cây trên đảo để các thuyền bè khỏi bị đắm và mắc cạn. Rõ ràng đây là những sự hành xử chủ quyền của một quốc gia trên lãnh thổ của mình. Như vậy, chủ quyền của Việt Nam được thụ đắc qua hai phương pháp phối hợp nhau: (1) quyền lịch sử bắt nguồn từ sự sử dụng và chiếm hữu lâu đời một lãnh thổ vô chủ dưới thời các Chúa Nguyễn, thế kỷ XVII và XVIII (consolidation par titre historique), và (2) chủ quyền bắt nguồn từ sự chính thức chiếm hữu và hành xử chủ quyền một cách liên tục dưới thời các vua nhà Nguyễn, thế kỷ XIX (prise de possession, occupation et effectivité). Thực ra việc thụ đắc bằng phương pháp (1) cũng đã đủ để tạo chủ quyền cho Việt Nam, và như vậy, Việt Nam đã có chủ quyền lịch sử từ thế kỷ XVII. Quyền này lại được củng cố thêm khi các vua nhà Nguyễn chính thức chiếm hữu đảo. Đội Hoàng Sa và Bắc Hải không hiện diện thường xuyên trên đảo vì điều kiện sinh sống ở các đảo không cho phép. Tuy nhiên, lệ án quốc tế đã mềm dẻo đối với những nơi này luật không bắt buộc phải có một sự hiện diện thường xuyên của quốc gia chiếm hữu. Trong vụ án Clipperton, Pháp chỉ cho tàu chiến thanh tra đảo, mà không đặt một cơ quan công quyền nào hiện diện thường xuyên tại đảo. Trọng tài Quốc tế đã cho rằng như vậy cũng đủ để hành xử chủ quyền, vì điều kiện ở đảo không cho phép sống thường xuyên trên đó.[20] Trong trường hợp Việt Nam, mặc dù không ở lại đảo thường xuyên, hai Đội Hoàng Sa và Bắc Hải cũng sống ở đó 8 tháng mỗi năm đến khi gió nồm bắt đầu thổi, tức là mùa bão biển tới, họ mới trở về đất liền 4 tháng, và đến tháng giêng lại trở ra các đảo đóng ỏ đó 8 tháng và hàng năm đều như vậy. Với hoàn cảnh thời đó, thuyền của các quốc gia khác, kể cả thuyển của Trung Hoa đều sợ không dám đến đảo, trong khi Việt Nam cho quân đến đóng ở các đảo 8 tháng mỗi năm. Như vậy, đã vượt tiêu chuẩn ấn định bởi vụ án Clipperton, và quá đủ để xem như Việt Nam đã chiếm hữu hai quần đảo từ thời các Chúa Nguyễn (thế kỷ XVII). 3 people like this Share this post Link to post Share on other sites
Posted 13 Tháng 6, 2011 1.2.4. Trung Quốc nói rằng những đảo trong bản đồ của Việt Nam (Đại Nam nhất thống toàn đồ), không phải là Xisha (đảo Cồn cát Tây) và Nansha (đảo Cồn cát Nam) của Trung Quốc vì bản đồ cho thấy những đảo gần bờ biển quá.[21] Phải nói rằng kỹ thuật đo lường, kỹ thuật vẽ bản đồ, ý niệm về khoảng cách và thời gian ngày xưa không phải như ngày nay. Chính những tác giả Trung Quốc đã khẳng định điều đó.[22] Vấn đề xác định những đảo tranh chấp không phải là mới mẻ, vì nó đã được đặt ra trong nhiều bản án.[23] Vấn đề này cũng được đặt ra đối với lập luận của Trung Quốc ở mục 1.3. của bài này. Dù sao, trong trường hợp Việt Nam, chỉ cần nhìn bản đồ cũng thấy rằng không có sự nhầm lẫn giữa Hoàng Sa, Trường Sa và các đảo ở ven biển, khi bản đồ được vẽ, vì những đảo ven bở biển như đảo Ré cũng đều được vẽ trên bản đồ, những đảo này đã được vẽ sát dọc theo bờ biển. Mà trên thực tế, giữa những đảo ven bờ biển và Hoàng Sa, Trường Sa, không có đảo hoặc quần đảo nào khác. Từ đó, chúng ta có thể kết luận rằng những quần đảo mà bản đồ Việt Nam ghi là Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa chính là Hoàng Sa và Trường Sa. Phương pháp suy diễn này đã được áp dụng trong bản án Palmas. Người vẽ bản đồ chỉ không có ý niệm xác thực về khoảng cách không gian và tỷ lệ phải áp dụng khi chuyển nó lên mặt giấy để vẽ bản đồ, nên vẽ khoảng cách ngắn hơn thực tế. Ngay cả khoảng cách giữa hai quần đảo Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa cũng bị rút ngắn lại, khiến cho thoạt nhìn, người ta có thể tưởng rằng đây chỉ là một quần đảo. Tuy nhiên, nhiều điều rút từ những ghi chép trong sách sử Việt Nam, và từ những bản đồ thời đó, đã chứng minh đó không phải chỉ là một quần đảo Hoàng Sa: (1) Trên bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ có ghi tên hai đảo rõ rệt vẽ bằng chữ nho: Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa. (2) Các sách sử địa của Việt Nam có nói đến 130 đảo. Con số này không phù hợp với số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, hoặc quần đảo Trường Sa tính riêng. Nhưng nếu cộng số đảo của hai quần đảo lại thì con số vừa đúng là 130.[24] (3) Nếu so sánh bản Đại Nam nhất thống toàn đồ (Bản đồ 1), bản đồ phóng đại của quần đảo này trích từ Đại Nam nhất thống toàn đồ (Bản đồ 2), bản đồ The Times Atlas of the World (ghi tắt là Atlas, Bản đồ 3 và 6), bản đồ phóng to hiện thời của dãy Hoàng Sa (Bản đồ 4), và bản đồ của dãy Trường Sa (Bản đồ 7), thì sẽ thấy như sau: · Hình dạng của dãy quần đảo trên Bản đồ 1 không phù hợp với hình dạng của quần đảo Hoàng Sa nói riêng. Hình dạng của quần đảo của Hoàng Sa là theo hình vòng tròn, nó gồm hai cụm đảo chính là cụm Crescent hình dạng đúng như cái tên của nó, tức là các đảo nằm cụm vào nhau theo hình lưỡi liềm. Phía sau cụm Crescent (Lưỡi Liềm) là cụm Amphitrite (An Vĩnh), xếp theo hình vòng cung. Ngoài ra có vài đảo rải rác quanh đó, nằm theo hình vòng tròn vây quanh hai cụm đảo chính, chứ không phải hình dài (xem Bản đồ 3 và 4). Trong khi đó, nếu nhìn vào Bản đồ 2, ta sẽ thấy một quần đảo theo hình chuỗi trải dài xuống và bị thóp lại ở giữa, hoàn toàn không phải là hình cụm như quần đảo Hoàng Sa. Phần trên của chuỗi này, được xếp theo cụm giống như Hoàng Sa (xem đoạn từ A tới B trên bản đồ, do tác giả kẻ cho dễ thấy). Nhưng nửa dưới của chuỗi đảo mang một hình dạng xuôi dài xuống (đoạn kẻ từ B tới C), không giống một phần nào của quần đảo Hoàng Sa như ta thấy trên Bản đồ 3 hoặc Bản đồ 4. Phần này chắc chắn không phải là Hoàng Sa. Theo Bản đồ 6 thì giữa quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa không có một quần đảo nào khác cả, mà quần đảo hình chuỗi dài xuống thì lại càng không có. Như vậy phần dưới của chuỗi đảo được vẽ trên Bản đồ 2 không thể là quần đảo nào khác hơn là Trường Sa. Mỗi phần lại có một tên riêng viết bằng chữ nho: “Hoàng Sa” và “Vạn Lý Trường Sa”. Điều này chứng minh Đại Nam nhất thống toàn đồ phân biệt rõ ràng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. · Bản Đại Nam nhất thống toàn đồ (Bản đồ 1) cho thấy chuỗi đảo kéo dài suốt từ Quảng Nam đến tận Cam Ranh, đảo thấp nhất trên bản đồ nằm ngoài khơi Cam Ranh và Khánh Hoà. Trong khi đó quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ Atlas nằm ngoài khơi tỉnh Quảng Nam, đảo thấp nhất của nó theo hướng tây nam là đảo Triton (đảo Tri Tôn) nằm song song với tỉnh Quảng Nam. Trên Bản đồ 2, đảo thấp nhất phía tây của cụm đảo A-B nằm ngang với cửa Đại Cát (trong sách của Đỗ Bá gọi là Đại Chiêm), mà Đại Cát vị trí ngang với Quảng Nam. Như vậy, đảo nói trên là đảo Triton (gạch chữ X trên Bản đồ 2, do tác giả ghi). Và như thế thì làm sao cắt nghĩa được đoạn dưới của chuỗi đảo trên Đại Nam nhất thống toàn đồ, là đoạn bắt đầu từ Quảng Nghĩa (Quảng Ngãi trên bản đồ Atlas) đến vịnh Cam Ranh? Đảo Hoàng Sa không kéo dài xuống tới Khánh Hoà hoặc vịnh Cam Ranh. Nếu nhìn vảo bản đồ Atlas, ta sẽ thấy song song với tỉnh Phan Rang, gần vịnh Cam Ranh (xem Bản đồ 6), là đảo Thitu (đảo Thị Tứ) của dãy Trường Sa: Northeast Cay (đảo Song Tử Đông), Southeast Cay (đảo Song Tử Tây), South Reef (đá Nam), và West York Island (đảo Dừa), đều nằm ngoài khơi, ngang với khoảng cách từ Khánh Hoà tới Cam Ranh (xem Bản đồ 7). · Nhìn vào bản đồ của Đại Nam nhất thống toàn đồ (Bản đồ 1), có thể có 4 giả thuyết: a) Đội Hoàng Sa và Bắc Hải không biết đến Trường Sa và các tác giả chỉ vẽ Hoàng Sa mà thôi. b ) Đội Hoàng Sa và Bắc Hải đã hoạt động ở cả quần đảo Hoàng Sa và toàn thể quần đảo Trường Sa, và tác giả của bản đồ muốn vẽ cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng vì kỹ thuật kém, nên toàn khối Trường Sa gần với Hoàng Sa hơn ngoài thực tế. c) Đội Hoàng Sa và Bắc Hải chỉ hoạt động và thám thính các đảo phía bắc của dãy Trường Sa, tức Northeast Cay, Southeast Cay, South Reef và Thitu; và người vẽ bản đồ, vì kỹ thuật kém nên vẽ các đảo đó gần với quần đảo Hoàng Sa. d) Đội Hoàng Sa và Bắc Hải đã hoạt động ở những đảo nói trên của quần đảo Trường Sa và cả dãy đảo phía dưới các đảo này tức Xubi Reef (đá Subi), Loaita Island (đảo Loai Ta), Itu Aba Island (đảo Ba Bình), Great Discovery Reef (đá Lớn), Spratly Island (đảo Trường Sa), … nhưng vì kỹ thuật kém, nên vẽ dãy đảo này gần với quần đảo Hoàng Sa. Dựa vào những dữ kiện vừa nêu, thì giả thuyết thứ nhất (a) đáng loại bỏ trước tiên, vì số đảo, hình dạng của quần đảo Hoàng Sa, địa điểm của nó so với những tỉnh trong đất liền, tất cả những chi tiết này như được vẽ trên Bản đồ 1 và 2 không ăn khớp với thực tế trên Bản đồ 3 và 4. Chúng ta cũng không nghĩ rằng tác giả bản Đại Nam nhất thống toàn đồ có thể vì kỹ thuật kém nên kéo dài Hoàng Sa xuống tận Cam Ranh. Vì Đại Nam thư lục chính biên, quyển 165, có nói rõ một trong những mục đích của những chuyến công tác của Đội Hoàng Sa và Bắc Hải là gạch lộ trình để ra mỗi đảo, và ấn định rõ vị trí của mỗi đảo so với mỗi tỉnh ngang với nó trong đất liền. “Phải ấn định rõ cửa khẩu nào đưa ra mỗi đảo. Mỗi lộ trình phải được ước lượng bằng “dặm”.[25] Như vậy, tác giả của bản đồ này không thể nào nhầm lẫn mà ấn định đảo cuối của dãy Hoàng Sa nằm ngang với Cam Ranh. Giả thuyết thứ ba © không giải thích được hình dạng của chuỗi đảo trên bản đồ 1. Giả thuyết thứ hai ( c) và thứ tư (d) có lẽ sát sự thực vì nó giải thích được hình dạng của chuỗi đảo trên Bản đồ 1, vị trí của đảo ngang với vùng Khánh Hoà, Cam Ranh. Hình chuỗi nằm xuôi dài xuống của các đảo ở đoạn CD, khiến chúng ta nghiêng về giả thuyết thứ tư (d) hơn. Tuy nhiên, giả thuyết thứ ba © cũng có thể áp dụng được nếu cho rằng Đội Hoàng Sa và Bắc Hải đã biết toàn thể hoặc đa số các đảo trên dãy Trường Sa, nhưng khi đưa lên bản đồ chỉ vẽ được một số đảo ở phía Tây mà thôi. Như vậy, sẽ ăn khớp với số đảo là 130 đã được ghi trong những sách sử nói trên. Vả lại, Đại Nam thực lục chính biên cũng có nói trong tờ trình của Bộ Công, là quần đảo rất rộng nên chỉ vẽ được một số đảo giới hạn. Tờ trình cũng công nhận là bản đồ vẽ không được chính xác. “Quần đảo Hoàng Sa, biên giới biển của nước ta, là một địa điểm chiến lược rất quan trọng… Những đoàn công tác đã được phái đi để lấy kích thước vẽ bản đồ, nhưng vì quần đảo quá rộng, nên chỉ mới vẽ được một đảo trên bản đồ, mà cũng không được chính xác và chi tiết như mong muốn…”. Vì vậy, tờ trình của Bộ Công đã đề nghị Vua cho công tác ra các đảo mỗi năm: “Ta nên gửi đoàn công tác ra mỗi năm để thám sát toàn diện quần đảo…”.[26] Bản đồ vẽ quần đảo Trường Sa gần với quần đảo Hoàng Sa hơn trong thực tế chỉ vì kỹ thuật thời đó còn kém, không biết tỷ lệ đưa lên giấy. Bản đồ của Trung Hoa và của phương Tây thời đó cũng mang khuyết điểm này. Hơn nữa, vị trí của hai quần đảo nằm trên cùng một kinh tuyến 111°;[27] quần đảo Trường Sa nằm hơi nhích sang phía đông nam, nên trên thực tế cũng không xa nhau lắm, và vì thời đó người ta không có được ý niệm chính xác về kích thước và tỷ lệ phải tuân theo khi vẽ bản đồ, thì có khuynh hướng vẽ hai quần đảo gần nhau hơn thực tế, cũng dễ hiểu. Dù sao, giả thuyết thứ hai ( B) thứ ba © hoặc thứ tư (d) cũng đều chứng minh được Việt Nam ít ra cũng có hành xử chủ quyền trên quần đảo Trường Sa. 3 people like this Share this post Link to post Share on other sites
Posted 13 Tháng 6, 2011 Những bản đồ của phương Tây thời xưa cũng không phân biệt được quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nên đã vẽ cả hai thành một khối gọi là Hoàng Sa. Thí dụ, bản đồ của anh em Van Langren, 1595, bản đồ Les établissement et point de penetration européen en Extrême Orient au 18è siècle (Bản đồ 8 và 9). Bản đồ 8 Bản đồ 9 Bản đồ 10 Đại Việt đời Hồng Đức (Bản vẽ lại cho dễ đọc các địa danh) Bản đồ 11 Đại Việt Quốc Tổng Lãm Đồ (Lê Trung Hưng) Trước thời Minh Mạng, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được xem như một quần đảo, nên gọi hai quần đảo là Hoàng Sa, có khi gọi là Vạn Lý Trường Sa. Nhưng sau khi các đoàn công tác được Vua Minh Mạng ra lệnh lấy kích thước và thám sát cả hai quần đảo, thì bản đồ được vẽ sau đó (tức bản Đại Nam nhất thống toàn đồ), mới ghi rõ ràng hai tên khác nhau cho hai quần đảo. Nếu trên Bản đồ 2, chúng ta lấy bút khoanh cụm đảo ở đoạn A-B lại, và cũng khoanh chuỗi đảo ở đoạn B-C lại, thì ta sẽ thấy hai quần đảo riêng rẽ, với hai cái tên riêng rẽ (xem Bản đồ 5). Do đó, ta có thể kết luận rằng Việt Nam đã hành xử chủ quyền trên cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy mới có sự hiện diện của Đội Bắc Hải được cử đi khai thác và quản lý những đảo Trường Sa, Côn Lôn, vùng Hà Tiên,… (thể theo quyển Phủ Biên tạp lục, quyển 2). Người ta có thể thắc mắc tại sao Đội Bắc Hải đảm trách Trường Sa, Côn Lôn, Hà Tiên, là những vùng phía Nam, mà lại gọi là Bắc Hải. Sử gia Võ Long Tê có giải thích rằng Bắc Hải theo nghĩa chữ nho cũng có thể là “xa xôi”. Như vậy “Bắc Hải” có thể hiểu là vùng biển xa xăm.[28] Nghĩa thứ hai mà ta có thể giải thích là Đội Bắc Hải kiêm trách cả vùng biển miền Bắc lẫn những đảo ở phía Nam. Vì quyển Phủ Biên tạp lục có ghi rằng Đội Bắc Hải hoạt động ở “… vùng Biển Bắc, những đảo Côn Lôn, Cù Lao, vùng Hà Tiên và Cồn Tự…”.[29] Nếu theo giả thuyết trên thì ta phải hiểu là hai Đội Hoàng Sa và Bắc Hải bổ túc cho nhau chứ không có sự phân chia vùng hoạt động giữa hai Đội. Theo như ghi chép trong Phủ Biên tạp lục thì sự phân chia giữa hai Đội là ở sản vật được khai thác: Đội Bắc Hải gần như chỉ thu thập các hải sản, còn Đội Hoàng Sa thu thập cả các hoá vật, vàng, bạc,… do tàu đắm để lại. Thêm một nhận xét nữa là: Trường Sa nằm ở gần đảo Côn Lôn nên không lẽ thời đó, Đội Bắc Hải hoặc dân đánh cá Việt Nam từ trước nữa đã khám phá và khai thác đảo Côn Lôn mà lại không hề biết đến đảo Trường Sa. Nhất là tàu thuyền của Việt Nam thời đó là một lực lượng hùng mạnh khiến nhiều nhà thám hiểm phương Tây phải xác nhận điều đó. Thí dụ, ông Gentil de la Barbinais đã viết trong quyển Nouveau voyage autour du monde (xuất bản vào năm 1738) như sau: “Quoique jusqu’ici les Cochinchinois, aient attaqué ou se soient défendus par terre, les emplois de I’armée navale sont plus recherchés, comme étant les plus honorifiques. Le Roi de Cochinchine entretient 150 galères. À la dernière revue des galères, qui se fit en 1678, il y avait 131 galères…”[30] (Có thể dịch là: “Mặc dù dân Việt Nam đến bây giờ vẫn tấn công hoặc phòng thủ trên đất liền, việc sử dụng lực lượng hải quân của họ tinh vi hơn, và có thể nói là xuất sắc nhất. Vua Việt Nam có 150 chiến thuyền. Nhân cuộc biểu trương chiến thuyền gần nhất, được tổ chức vào năm 1678, có tới 131 chiến thuyền…”). 1.3. Chủ quyền lịch sử viện dẫn bởi Trung Quốc Trung Quốc cũng viện dẫn quyền khám phá và sự hành xử chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 1.3.1. Quyền khám phá Trung Quốc đã khẳng định rằng mình đã khám phá ra hai quần đảo tranh chấp từ đời nhà Hán, năm 206 trước Công nguyên. Tuy nhiên, có tác giả Trung Hoa lại xác định là những tài liệu sớm nhất ghi chép sinh hoạt của người Trung Hoa trên những đảo này, thuộc đời nhà Tống (thế kỷ XIII).[31] Trung Quốc đã viện dẫn nhiều đoạn trích từ sách sử địa của mình. Nhưng thực tế cho thấy các đoạn do Trung Quốc đưa ra, chỉ tả hai quần đảo như những gì nằm trong lộ trình đi ngang Biển Đông mà thôi. Ngoài ra, các đoạn được viện dẫn trước thế kỷ XIII cũng không nói đến đảo nào, mà chỉ nói đến biển Nam Hải. Những đoạn sách viết từ thế kỷ XIII mới bắt đầu nêu tên đảo, nhưng không có đoạn nào nói tới Xisha và Nansha. Nhiều điểm từ những đoạn được nêu ra, còn cho thấy rõ ràng Wanlishitang (Vạn Lý Thạch Sành) mà Trung Quốc nói là Nansha thực tế không phải là Nansha mà là đảo khác. a) Sách sử trước thế kỷ XIII· Quyển Dị vật chí thời Hán (Yi Wu Zhi), viết như sau:[32] “Có những đảo nhỏ, cồn cát, đá ngầm, và băng cát tại Nam Hải, nơi đó nước cạn và đầy đá nam châm…”. Những câu tả này rất mơ hồ, chỉ viết “có những đảo nhỏ”, mà không nói rõ đảo nào. · Quyển Zuo Zhuan viết từ thời Xuân Thu, ghi như sau:[33] “Triều đại vẻ vang của nhà Chu trấn an dân man di để viễn chinh vùng Nam Hải (đảo) để làm sở hữu của Trung Hoa…” Chữ “đảo” là do tác giả Jian-Ming Shen thêm vào trong dấu ngoặc để ám chỉ rằng “Nam Hải” có nghĩa là “những đảo ở vùng Nam Hải”. Bản văn bằng tiếng Trung Hoa chỉ ghi “Nam Hải” chứ không phải “NamHaidao”. b ) Sách sử từ thế kỷ XIII · Quyển Chư Phiên Chí (thế kỷ XIII) có ghi rằng: “Phía Đông Hải Nam là Thiên Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường, và ngoài nữa là đại dương vô tận…”[34] · Quyển Hải Lục (On the Sea), tác giả Hoàng Chung, xuất bản đời Minh, ghi rằng: “Vạn Lý Trường Sa nằm ở Đông Nam của Vạn Lý Thạch Đường…”.[35] · Ngay cả những tài liệu sử thế kỷ XIX của Trung Hoa, đồng thời với sự chiếm hữu và hành xử chủ quyền của các vua nhà Nguyễn tại Việt Nam, cũng chỉ tả những đảo này như những gì tình cờ thấy, nằm trên lộ trình xuyên Biển Đông của các thuyền Trung Hoa. Hơn thế nữa, có tài liệu còn mặc nhiên công nhận sự liên hệ của các quần đảo đối với Việt Nam, nếu không muốn nói rằng nó công nhận những quần đảo này là biên phòng của An Nam. Thí dụ quyển Hải Lục của Vương Bỉnh Nam (1820-1842) viết: “Lộ trình phía ngoài được nối liền với lộ trình phía trong bởi Vạn Lý Trường Sa nằm giữa biển. Chiều dài của quần đảo khoảng vài chục ngàn dặm. Nó là bức màn phòng thủ phía ngoài của An Nam”.[36] Từ đó, ta có những nhận xét sau đây về những chứng cớ lịch sử về quyền khám phá của Trung Quốc: Không có một quyển sách sử nào nói đến hai cái tên Xisha (Tây Sa) và Nansha (Nam Sa), và không có một quyển sách nào nói đến chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo này.[37] Những sách sử địa của Trung Quốc nhắc đến rất nhiều tên, nào là Qianli Chang sha, Wanlishitang, Quianlishitang, Jiuruluozhou, Qizhouyang, Zizhousan. Và bây giờ Trung Quốc nói rằng tất cả những tên đó đều ám chỉ Xisha và Nansha. Vì vậy, muốn xét đến những chứng cớ lịch sử này, thiết tưởng cần phải có những chuyên viên để nghiên cứu tại chỗ và khẳng định các tên này có đúng là Xisha và Nansha mà Trung Quốc nói tới hay không. 1.3.2 Hành xử chủ quyền Những dữ kiện mà Trung Quốc và các tác giả Trung Hoa đưa ra để chứng minh mình hành xử chủ quyền trên hai quần đảo gồm có: những cuộc thanh tra, những cuộc viễn chinh, và những di vật đào bới được từ các đảo. Thanh tra và viễn chinh Phần lớn những bài viết về thanh tra và viễn chinh là sự khẳng định nhưng không có đoạn sử nào được viện dẫn để chứng minh điều này. *Trước nhà Nguyên Đoạn sau đây được trích, không phải từ sách sử nào cả, mà từ kết luận của một viên chức chính quyền Trung Quốc, giáo sư Wang Hengjie thuộc Trung tâm chuyên về các sắc tộc thiểu số, vào năm 1991, dựa trên những di tích được đào bới trên đảo Xisha để kết luận rằng nhà Chu đã có những cuộc viễn chinh trên quần đảo này: “Chính quyền nhà Chu thuộc thời Xuân Thu không những chinh phục những “dân man rợ” ở phía Nam, mà cũng tổ chức những cuộc viễn chinh trên những đảo của biển Nam Hải để chiếm làm đất Trung Hoa…”.[38] Đây chỉ là một kết luận của một viên chức nhà nước vào năm 1991, chứ không phải từ sách sử khách quan. Nếu đã có những cuộc viễn chinh, và những hoạt động khác thì tại sao lại không được ghi trong sách sử của Trung Hoa – tương đương với những ghi chú trong sách sử của Việt Nam? Trung Hoa vẫn tự hào là xứ văn minh và các dân tộc khác là “man di” mà tại sao không biết ghi những hoạt động của nhà nước vào sách sử của mình, nếu những hoạt động đó có thực? Tác giả Shen viết rằng trong quyển Hậu Hán thư có ghi: Chen Mao được bổ nhiệm làm quan Thái thú ở tỉnh Giao Chỉ (Jiaozchi) đã có những cuộc tuần tiễu và “thám thính trên (các đảo của) biển Nam Hải”. Và ông ta đã ghi trong dấu ngoặc chữ viết bằng tiếng Trung là “xing bu Zhanghai”.[39] Đoạn này cho thấy không có chỗ nào nói đến Xisha và Nansha cả. Hơn nữa, chữ “đảo” là do tác giả thêm vào trong dấu ngoặc, chứ bản viết tiếng Trung mà ông ta chêm trong ngoặc kép (xing bu Zhanghai) không có chữ “đảo”, mà chỉ là thám thính Zhanghai, tức là Nam Hải, mà thôi. Tác giả Shen cũng viết rằng quyển Nam châu dị vật chí (Nanzhou Yiwu Zhi) kể những thuỷ thủ nhà Hán đi viễn chinh từ bán đảo Malaixia trở về Trung Hoa. Rồi ông trích câu trong Nam châu dị vật chí: “đi thuyền về phía Đông Bắc, người ta gặp rất nhiều đảo nhỏ, đá ngầm, bãi cát ngầm, trở nên rõ rệt tại biển Nam Hải, nơi đây nước cạn và có nhiều đá nam châm”.[40] Như vậy, trong Nam Châu dị vật chí không có chỗ nào nói đến viễn chinh trên đảo Xisha và Nansha, hoặc tuần hành quanh đảo này, mà chỉ nói chung chung là họ đi thuyền qua Biển Đông mà thôi, hoặc viễn chinh tại các vùng như Malaxia, Bornéo. Chỗ khác, tác giả Shen viết là chính quyền địa phương dưới triều đại nhà Tấn đã hành xử chủ quyền trên đảo Xisha và Nansha bằng cách gửi tàu đi tuần tiễu trên vùng biển quanh đó. Để chứng minh điều này, tác giả viện dẫn quyển Quảng Đông tổng chí (General Record of Quangdong) do Hao Yu-lin viết, có ghi là quan phụ trách những vấn đề biển Nam Hải thời đó, có đi tuần tiễu và thám thính tại biển Nam Hải (xing bu ru hai).[41] Ở đây cũng như trên, tác giả Shen không trích thẳng đoạn nào trong quyển Quảng Đông tổng chí ghi lại sự kiện trên, nên chúng ta không biết chính thức đoạn đó viết như thế nào. Chỉ 4 chữ tiếng Trung được ghi trong dấu ngoặc là “xing bu ru hai”. Nếu đây là nguyên văn trong sách sử, thì nó chỉ nói đến thám thính trên biển Nam Hải (nếu thật tình là biển Nam Hải, vì chúng ta không biết đây có phải là biển Nam Hải không hay là biển khác). Dù sự kiện đi tuần tiễu thám thính có thật đi chăng nữa thì nó chỉ tổng quát tại biển mà Trung Quốc nói là biển Nam Hải, chứ không nói là tuần tiễu quanh hai đảo Xisha và Nansha. Mà nếu sự thật là biển Nam Hải, thì nó rộng mênh mông làm sao mà biết được họ có tuần tiễu quanh hai quần đảo Xisha và Nansha hay không. Và nếu có, có phải là tuần tiễu để thanh tra đảo với tư cách là chủ của đảo hay chỉ là tuần tiễu vùng biển nói chung? Nguyên văn quyển sách mà tác giả Shen nói có thực sự viết đó là những cuộc tuần tiễu hay chỉ là đi thuyền ngang qua đó mà thôi? Chỗ khác, tác giả Shen khẳng định là hai đảo được đặt dưới quyền quản trị của huyện Qiongzhou (là Hải Nam bây giờ), nhưng không viện dẫn chứng cớ lịch sử nào cả, mà footnote chỉ ghi là tài liệu của một cơ quan chính quyền của Trung Quốc năm 1992.[42] Vả lại, nếu Trung Hoa thời đó có sáp nhập hai quần đảo và đảo Hải Nam đi nữa, thì sự sáp nhập không cũng không đủ để tạo nên chủ quyền theo tiêu chuẩn của luật quốc tế. Trung Quốc cũng cho rằng những di vật tìm thấy trên các đảo chứng minh rằng dân Trung Hoa đã sống ở đó. Những di tích lịch sử đào được trên đảo Xisha như bình, đồ gốm, và các di vật khác từ những năm 420 cho đến thời nhà Thanh, cho thấy từ thế kỷ thứ V, dân Trung Hoa đã sinh sống làm ăn trên các đảo vùng biển Nam Hải.[43] Từ đó Trung Quốc lập luận rằng vì dân Trung Quốc sinh sống ở đó, nên Trung Quốc có chủ quyền. Tuy nhiên, luật quốc tế không chấp nhận chủ quyền trên một lãnh thổ được thụ đắc vì có dân sống trên đảo. Trên đảo có rất nhiều loại dân sinh sống tuỳ theo mùa, kể cả dân Việt Nam chứ không phải chỉ có dân Trung Hoa và tư nhân không có quyền chiếm hữu lãnh thổ. * Từ thời nhà Nguyên đến nay Trung Quốc viện dẫn rằng Trung Quốc gửi một nhà chiêm tinh học đến đảo để tham quan và lấy kích thước đảo.[44] - Những cuộc viễn chinh được viện dẫn cho thời kỳ này thực ra là viễn chinh đến những vùng khác như vùng Java chứ không phải tại Xisha hoặc Nansha. - Đoạn được viện dẫn để chứng minh cho những cuộc tuần tiễu và viễn chinh trên đảo Xisha và Nansha, trích từ quyển Nguyên Sử (Yuan Shi) như sau: “… thuyền đi qua Qizhou Yang và Wanlishitang, ngang Jiaozhi (Giao Chỉ) và Zhangcheng (Quy Nhơn),… họ đổ bộ lên những đảo như Hundun Dayang, đảo Ganlan, Jialimada, và Julan, họ đóng ở đó và chặt cây để làm những thuyền nhỏ…” Tác giả giải thích Qizhou Yang và Wanlishitang là Xisha và Nansha, còn Jialimada là Bornéo hiện nay[45]. Tuy nhiên, điểm này mâu thuẫn với đoạn trích trong quyển Hải Lục: “Vạn Lý Trường Sa nằm ở Đông Nam của Vạn Lý Thạch Đường”.[46] Dựa vào câu trích dẫn trên trong quyển Hải Lục, nếu chấp nhận hai cái tên này ám chỉ Nansha và Xisha, thì Vạn Lý Trường Sa phải là Nansha, còn Vạn Lý Thạch Đường phải là Xisha. Thế nhưng, quyển Nguyên Sử nói trên thì lại được diễn giải Vạn Lý Thạch Đường (Wanlishitang) tức là Nansha, và Qizhou Yang tức là Xisha. Rút cuộc người đọc không biết đâu là Nansha, đâu là Xisha nữa. Nếu ráp hai câu trích dẫn trên với câu trong quyển Chu Phan Chí đã được nêu ở đoạn trên: “Phía Đông Hải Nam là Thiên Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường”, thì Vạn Lý Thạch Đường có thể là Macclesfield Bank. Tác giả Marwyn Samuels cũng khẳng định như vậy (xem sách của Marwyn Samuels, tr. 18 và 19, Reference Note 31). Một điểm khác có thể chứng minh Wanlishitang thực ra là Macclesfield Bank là câu trích trên của quyển Nguyên Sử: “… thuyền đi qua Qizhou Yang và Wanlishitang, ngang Jiaozhi (Giao Chỉ) và Zhangcheng (Quy Nhơn),…”. Nếu theo thứ tự trước sau trong lộ trình thì Wanlishitang không thể là Nansha, mà là Macclesfield Bank vì thuyền không thể đi ngang Nansha trước khi đi ngang qua Giao Chỉ được. Hơn nữa, đoạn này cho thấy thuyền chỉ đi qua Quizhou Yang và Wanlishitang, chứ không có chỗ nào nói là tuần tiễu trên hai đảo Xisha và Nansha (nếu chấp nhận Qizhou Yang và Wanlishitang là Xisha và Nansha).[47] Một đoạn khác được viện dẫn từ quyển Đảo Di Chí Lược (Abridged Records of Islands and Barbarians) của Wang DaYuan mà tác giả giới thiệu là một nhà hàng hải nổi tiếng thời Nguyên: “Gốc của Shitang bắt nguồn từ Chaozhou. Nó ngoằn ngoèo như một con rắn dài nằm trên biển, vắt ngang biển tới gần nhiều nước; nó được gọi theo lối bình dân là: Wanlishitang. Theo sự ước đoán của tôi, nó dưới 10.000 lý… Ta có thể nhận định được những nhánh của nó. Một nhánh vươn tới vùng Java, một nhánh Boni và Gulidimen, và một nhánh vươn tới phía tây của biển về phía Kunlun… Muốn an toàn thì nên tránh nó, vì đến gần rất nguy hiểm.”[48] Cả đoạn này cũng thế, không thấy nói là quân của Trung Hoa đi tuần tiễu quanh đảo hoặc đi viễn chinh đổ bộ lên đảo. Ngược lại, quần đảo được tả như là một con quái vật, có phần ghê gớm và đáng sợ, đáng tránh xa là đằng khác. Nếu tả một lãnh thổ mà mình xem như sở hữu của mình thì không bao giờ văn lại xa lạ như vậy cả. Trung Quốc cũng lập luận rằng dưới thời Minh, thế kỷ XV, nhà thám hiểm Cheng Ho (Trịnh Hoà) đã đi xuyên Biển Đông 7 lần, và khi trở về đã đưa Hoàng Sa và Trường Sa vào bản đồ.[49] Tuy nhiên, những chuyến đi này hoàn toàn không hề có sự chiếm hữu hai quần đảo nói trên.[50] Những chuyến đi này không phải là viễn chinh để chiếm hữu đất mà nhằm thám hiểm biển để biết địa hải, tìm mối giao thương, và phô trương lực lượng với các quốc gia trong vùng, chư hầu của Trung Hoa.[51] Tác giả Samuels kết luận rằng ngay trong thời ấy các đảo vẫn không được Trung Hoa chú ý tới.[52] Để kết luận cho đoạn “chủ quyền lịch sử của Trung Quốc”, chúng ta có thể nói rằng những đoạn viết trước thế kỷ XIII chỉ chứng minh được việc các thuyền của Trung Hoa có đi lại trên biển Nam Hải. Những tại liệu này không nói đến một tên đảo nào trong hai quần đảo cả. Những tài liệu đầu tiên nêu tên đảo là những tài liệu cuối đời nhà Nguyên và dưới đời nhà Tống (thế kỷ XIII). Tuy nhiên những tài liệu này nêu tên Thiên Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường – không biết có phải là Xisha và Nansha hay không, nhất là Vạn Lý Thạch Đường – được tả nằm ở phía đông đảo Hải Nam, thì chắc chắn không phải là Nansha, mà có thể là Macclesfield Bank. Dù sao, những tài liệu này cũng chỉ chứng minh các thuyền của Trung Hoa có đi ngang và tình cờ thấy các đảo này trên lộ trình xuyên Biển Đông. Không có chữ nào cho thấy rằng Trung Hoa đã cho tàu đi tuần tiễu quanh các đảo đó với tư cách là chủ của đảo, để bảo vệ đảo, như là biên giới của mình. Cũng không có câu nào chứng minh rằng Trung Hoa đã tổ chức những cuộc viễn chinh trên hai quần đảo Xisha và Nansha, mà chỉ nói đến đi trấn an Giao Chỉ, viễn chinh ở Malaixia, Bornéo, Java. Theo luật quốc tế cổ điển thì chỉ nhìn thấy đảo không cần đổ bộ lên là được chủ quyền trên quyền khám phá. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này áp dụng cho các quốc gia phương Tây ngày xưa ra đi để khám phá, để tìm đất mới. Còn Trung Quốc chỉ đi ngang, tình cờ thấy, sau đó không hề chiếm hữu, không hề xem đảo như là của mình, để rồi mấy thế kỷ sau, khi quốc gia khác chiếm, mới cho rằng mình đã khám phá. Trường hợp như vậy cũng phải đặt câu hỏi là chỉ tình cờ trông thấy, không hề có ý định chiếm đất thì có thực sự là quyền khám phá theo nghĩa pháp lý hay không? Có thể nại quyền khám phá hay không khi thiếu yếu tố tinh thần là ý chí muốn tìm thấy đất mới và xem nó thuộc quyền sở hữu của mỉnh? Trường hợp Trung Hoa là “biết” chứ không phải khám phá.[53] Đặt giả thuyết là Trung Hoa có quyền khám phá, thì quyền khám phá này mới là quyền ban đầu, quyền phôi thai (inchoate title), bởi vì sau đó Trung Hoa không hề chiếm hữu đảo, dù là chiếm hữu tượng trưng, không hề đổ bộ lên đảo, và không hề hành xử chủ quyền. Nói chung là không hề xem đảo như là của mình. Toà án quốc tế đã phán quyết nhiều lần rằng quyền khám phá phải được hoàn tất bởi sự chiếm hữu, trong một thời gian tương đối, thì mới có hiệu lực.[54] Giáo sư Marwyn Samuels đã phân tích thái độ của Trung Hoa thời đó. Ông cho rằng chính sách của Trung Hoa cuối thời nhà Minh và thời nhà Thanh, không quan tâm đến vùng biển ngoài khơi mà chỉ chú tâm đến việc trấn giữ biên cương nội địa, vùng SinKiang (Tân Cương), Mông Cổ và biên giới phía bắc, nên lực lượng hải quân rất kém.[55] Dưới thời nhà Nguyên, là thời lực lượng hải quân hùng mạnh (thế kỷ XIV), Trung Hoa cũng vẫn không quan tâm đến những đảo ngoài khơi biển Đông, và không có ý định chiếm hữu chúng.[56] Ngược lại, các thuyền bè còn sợ chúng và tránh không dám đến gần vì sợ đá ngầm và nước cạn đã từng làm đắm bao nhiêu tàu của các nước khác. Các thuỷ thủ Trung Hoa thời đó đã có câu tục ngữ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác: “Trên đường đi ra thì sợ Thất Châu (tức là Thất Châu Dương mà Trung Quốc bây giờ cho là Xisha), trên đường đi về thì hãi Côn Lôn.”[57] Với tâm lý thời đó như vậy làm sao Trung Hoa có thể xem đảo như sở hữu chủ nhằm viễn chinh và tuần tiễu quanh đảo nhằm bảo vệ đảo được? Điều này được kiểm chứng bởi những thái độ im lặng không phản đối sự hành xử chủ quyền của Việt Nam, mặc dù Trung Hoa biết đến những hoạt động của Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải. Nó cũng được kiểm chứng bởi vụ đắm tàu La Bellona và Imeji Maru (xem mục I của bài này). Tất cả những dữ kiện trên cho thấy Trung Hoa không những không hành xử chủ quyền, không xem những quần đảo như của Trung Hoa, mà lại còn minh thị và mặc thị công nhận chủ quyền của Việt Nam. 2.Hiệp ước 1887 Trung Hoa ngày xưa đã viện dẫn Hiệp ước Pháp – Thanh ký năm 1887 để khẳng định rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về mình. Sau này, phát ngôn viên của Trung Quốc và các tác giả Trung Quốc đều nhiều lần dùng Hiệp ước này để khẳng định Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc. Thực sự, Hiệp ước này không phải là hiệp ước phân chia những đảo ở ngoài xa khơi (high sea) giữa toàn bộ nước Việt Nam và Trung Hoa mà chỉ ấn định biên giới giữa miền Bắc Việt Nam và Trung Hoa. Ngày nay, trong những cuộc đàm phán, Trung Quốc không nhắc đến Hiệp ước này nữa. Nhưng cho đến hiện tại, không ít các tác giả mà phần lớn là những tác giả Trung Hoa sống ở nước ngoài viết về vấn đề này, vẫn viện dẫn Hiệp ước 1887 như một trong những lý lẽ chính để chứng minh là hai quần đảo thuộc về Trung Quốc. Và một số các tác giả phương Tây, có lẽ vì ảnh hưởng dây chuyền, dùng những bài viết trên, nên cũng kết luận là Hiệp ước này trao cho Trung Hoa chủ quyền trên các đảo tranh chấp.[58] Vì vậy, thiết tưởng cũng nên làm sáng tỏ sự lầm lẫn này, vì ảnh hưởng dây chuyền của nó trong dư luận thế giới. Một số tác giả trên đã trích đoạn sau đây của Hiệp ước để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc. “Từ Quảng Đông, những điểm tranh chấp nằm từ phía đông đến phía tây bắc của Móng Cái, ngoài biên giới đã được hai phái bộ xác định, có thể coi là thuộc về Trung Quốc. Những hòn đảo nằm ở phía đông dọc đường kinh tuyến đông 105°43’ của Paris, có nghĩa là trục bắc-nam đi qua điểm phía đông của đảo Tch’a Kou hay Ouan-Chan (Trà Cổ) và làm thành đường biên giới, cũng thuộc về Trung Quốc. Các đảo Go-tho và các đảo khác nằm phía tây của đường kinh tuyến thuộc về An Nam.” Các tác giả trên lý luận rằng vì Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở phía đông kinh tuyến Paris 105°43’ nên thuộc về Trung Quốc.[59] Có tác giả cho rằng phải giải thích Hiệp ước theo sát nghĩa lời văn trong Hiệp ước.[60] Thực ra, nếu giải thích sát nghĩa, thì phải hiểu Hiệp ước 1887 là một hiệp ước phân chia biên giới giữa miền Bắc Việt Nam và Trung Hoa mà thôi, chứ không phải chia các đảo ở ngoài xa khơi (high sea, haute mer), không thuộc vùng biển của miền Bắc Việt Nam. Chỉ cần nhìn tên của Hiệp ước cũng đủ để thấy điều đó. Tên Hiệp ước là “Convention relative à la delimitation de la frontière entre la Chine et le Tonkin.”[61] Hơn nữa, Công ước Vienne về điều ước quốc tế có ấn định rằng một hiệp ước phải được giải thích sát nghĩa những từ được dùng trong hiệp ước, nhưng nếu phương pháp này đưa đến một sự “vô lý hay ngu xuẩn”, thì có thể dùng những tài liệu hoặc hiệp ước khác, có liên quan đến hiệp ước này, hoặc tìm hiểu mục đích của hiệp ước để giải thích những điểm không rõ rệt.[62] Dựa vào những điều khoản trên của Công ước Vienne, chúng ta có thể xét Hiệp ước 1887 theo ba phương pháp: 1) xét sát nghĩa lời văn của Hiệp ước, 2) xét toàn thể bản Hiệp ước, và 3) tìm hiểu mục đích của Hiệp ước. 2.1. Xét sát nghĩa lời văn bản Hiệp ước Việc này thật ra rất đơn giản trong trường hợp Hiệp ước 1887, như đã nói trên, chỉ cần nhìn tên của Hiệp ước trên bản chính bằng tiếng Pháp, cũng đủ thấy Hiệp ước này chỉ liên quan đến biên giới giữa miền Bắc Việt Nam và Trung Hoa. Tiếng Pháp “Tonkin” là miền Bắc Việt Nam. Trong thời thuộc địa, Pháp đã chia Việt Nam ra làm ba kỳ: miền Bắc gọi là Tonkin, miền Trung gọi là An Nam hoặc vẫn giữ tên của cả nước Việt Nam, và miền Nam gọi là Cochinchine. Các tác giả nêu trên tưởng rằng Tonkin là toàn thể nước Việt Nam. Chữ “frontière” dùng trong Điều 2 của Hiệp ước cho thấy rõ ràng là kinh tuyến Paris 105°43’ là biên giới biển, nhưng chỉ là biên giới biển thuộc miền Bắc Việt Nam (Tonkin), chứ không phải là đường phân chia các đảo ngoài khơi xa, ngang với miền Trung Việt Nam và miền Nam Việt Nam. Hiệp ước đã ấn định rõ chiều hướng của biên giới đó là hướng bắc nam, và nó kéo ngang góc đông của đảo Trà Cổ. Và vì đây là biên giới giữa Tonkin và Trung Hoa nên phải hiểu biên giới này chấm dứt ở điểm nào ngang với ranh giới mà trước kia Pháp đã ấn định giữa Tonkin và Annam (tức là ranh giới giữa miền Bắc Việt Nam và miền Trung Việt Nam). Việc ấn định biên giới giữa miền Bắc Việt Nam và Trung Hoa cũng dễ hiểu nếu nhìn vào cách Pháp chia và quản trị nước Việt Nam thời đó. Nhằm thực hiện chính sách “chia để trị”, Pháp đã chia Việt Nam thành ba kỳ với ba chế độ cai trị khác nhau. Miền Bắc theo chế độ bảo hộ, miền Trung – vì hệ thống vua và triều đình Huế vẫn còn (dù chỉ là tượng trưng) – nên theo chế độ tự trị, và miền Nam thì theo chế độ thuộc địa. Ba miền được xem gần như ba xứ riêng biệt. Vì vậy, vấn đề ấn định biên giới chỉ là giữa Tonkin (miền Bắc) và Trung Hoa mà thôi, chứ không phải miền Trung hoặc miền Nam, là chuyện dễ hiểu đối với chính sách thuộc địa của Pháp thời đó. Nói tóm lại, dùng phương pháp giải thích sát nghĩa cho thấy hai chữ “Tonkin” và “frontière” chỉ rõ đây là biên giới giữa miền Bắc Việt Nam và Trung Hoa. Nó bao gồm biên giới đất và biên giới biển tức là vùng Vịnh Bắc Bộ.[63] 2.2. Xét toàn bộ bản Hiệp ước Toàn bộ bản Hiệp ước không có chỗ nào nói đến Hoàng Sa và Trường Sa. Toàn văn bản Hiệp ước nói đến việc kẻ biên giới giữa miền Bắc Việt Nam và Trung Hoa, và ấn định những điểm mà Uỷ ban kẻ biên giới của hai bên Pháp-Thanh không đồng ý với nhau được, đó là hai đoạn biên giới Vân Nam và Quảng Đông. Các tác giả nói trên chỉ viện dẫn đoạn liên quan tới đoạn biên giới Quảng Đông. Tuy nhiên, trước đó, Hiệp ước có nói: “Những điểm mà Uỷ ban hai bên không đồng ý với nhau được, và những điều chỉnh được dự trù ở Điều 3 của Hiệp ước 9-6-1885 được ấn định như sau: ở Quảng Đông, những điểm tranh chấp…”. Sau đoạn nói đến biên giới Quảng Đông, tới đoạn ấn định biên giới Vân Nam: “Trên vùng biên giới Vân Nam, đường biên giới được ấn định như sau:…”[64] Nếu theo sự giải thích của Trung Hoa, là tất cả những đảo nào nằm ở phía đông của kinh tuyến Paris 105°43’ thuộc về Trung Hoa, thì không những Hoàng Sa, Trường Sa, mà tất cả các đảo ven bờ biển Việt Nam nằm ở phía đông của kinh tuyến Paris 105°43’ đều thuộc về Trung Quốc. Sự giải thích đưa đến một kết luận “vô lý hoặc ngu xuẩn” (absurd or unreasonable) theo đúng như danh từ mà Công ước Vienne dùng. Do đó, chúng ta có thể tìm hiểu mục đích của Hiệp ước 1887 bằng cách xét các tài liệu và các hiệp ước liên quan đến Hiệp ước 1887. 2.3. Mục đích của Hiệp ước 1887 Nếu đọc bản báo cáo của ông Dureau de Vaulcomte gửi cho Bộ Ngoại giao Pháp giải thích Hiệp ước 1887, chúng ta càng thấy rõ hơn mục đích của Hiệp ước là kẻ hai đoạn tranh chấp của biên giới miền Bắc Việt Nam và Trung Hoa.[65] Hiệp ước 1887 được ký thể theo Điều 3 của Hiệp ước 1885 là một hiệp ước hữu nghị nhằm chấm dứt sự xung đột giữa hai bên Pháp – Thanh. Sau khi Pháp đưa quân đến Việt Nam thì ba Tổng đốc: Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam cho quân vượt biên giới giữa Bắc Việt Nam và Trung Hoa. Vì vậy, để chấm dứt tình trạng này và vãn hồi lại biên giới cũ, Pháp đã thoả thuận với Trung Hoa ở Điều 3 của Hiệp ước 1885, là hai bên sẽ lập một Uỷ ban kẻ biên giới gồm chuyên viên của cả hai bên để kẻ lại biên giới. Hiệp ước 1885 cũng ấn định là nếu có điểm bất đồng giữa chuyên viên của hai bên về bất cứ điểm nào liên quan đến việc kẻ biên giới thì Uỷ ban này sẽ chuyển vấn đề sang cho chính quyền hai bên xét xử.[66] Biên giới được kẻ chia ra làm ba đoạn: đoạn biên giới Quảng Tây, đoạn biên giới Quảng Đông, và đoạn biên giới Vân Nam. Việc ấn định đoạn Quảng Tây không gặp rắc rối gì, nhưng hai bên không thoả thuận được trong việc kẻ hai đoạn biên giới Quảng Đông và Vân Nam. Từ đó mới có Hiệp ước 1887 do hai chính quyền ký để giải quyết hai đoạn biên giới trên. Tại Quảng Đông, sự bất đồng liên quan đến vùng Paklung (Bạch Long) và những đảo quanh đó. Vì có quân thổ phỉ từ Trung Hoa sang tập trung ở vùng này, nên Pháp đã đưa quân đến chiếm đóng. Trung Hoa phản đối, đòi vùng này là vùng của Trung Hoa. Do đó, mới xảy ra sự tranh chấp.[67] Như vậy, sự tranh chấp không liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa. Lúc đó, Trung Hoa chưa để ý đến hai quần đảo này, và Pháp cũng chưa biết rằng Việt Nam đã có chủ quyền trên hai quần đảo đó. Vì thế lúc đó chưa hề có tranh chấp trên hai quần đảo này. Cho nên, Pháp và Trung Hoa khi ký kết Hiệp ước 1887 không hề nghĩ đến hai quần đảo này. Tóm lại, mục đích của Hiệp ước 1887 là kẻ hai đoạn biên giới Quảng Đông và Vân Nam; và đường biên giới kẻ theo Điều 2 của Hiệp ước 1887 chỉ giới hạn ở biên giới miền Bắc Việt Nam và Vịnh Bắc Bộ mà thôi. Trung Quốc một mặt nói rằng Hiệp ước 1887 áp dụng cho Hoàng Sa và Trường Sa, là những đảo nằm ngoài khơi xa, nhưng mặt khác, khi bàn về biên giới vùng Bắc Bộ thì Trung Quốc lại khẳng định rằng Hiệp ước này chỉ phân chia “những đảo ở vùng Bắc Bộ”, chứ không phải là biên giới biển. Ngày 12 tháng 5 năm 1973, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hàn Niệm Long (Han Nian Long) đã tuyên bố điều nói trên. Như vậy, Trung Quốc tự mâu thuẫn.[68] 3. Những lời tuyên bố của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Trung Quốc nói rằng Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa vì những dữ kiện sau đây: · Ngày 15 tháng 6 năm 1956, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nói rằng “theo những tài liệu của Việt Nam, trên phương diện lịch sử, Xisha và Nansha thuộc lãnh thổ của Trung Quốc.” · Ngày 14 thágn 9 năm 1958, trong bối cảnh của thời kỳ chiến tranh lạnh, khi Mỹ bắt đầu can thiệp vào Việt Nam, tuyên chiến với Trung Quốc, và hạm đội Mỹ đi lại tuần tiễu trên eo biển Đài Loan, Trung Quốc bèn tuyên bố lãnh hải của mình là 12 dặm. Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi bức công hàm cho Thủ tướng Chu Ân Lai nguyên văn như sau: “Thưa đồng chí Tổng lý Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chính phủ nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trên mặt bể. Chúng tôi xin gửi đồng chí Tổng lý lời chào trân trọng”.[69] · Ngày 9 tháng 5 năm 1965, nhân lúc Mỹ leo thang chiến tranh tại Việt Nam và ấn định những vùng chiến thuật, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tuyên bố Xisha thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Những lời tuyên bố trên không có hiệu lực vì trước năm 1975, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không quản lý những đảo này. Lúc đó, những đảo này nằm dưới sự quản lý của Việt Nam Cộng hoà; mà các chính phủ Việt Nam Cộng hoà luôn luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo. Còn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam cũng không tuyên bố điều gì có thể làm hại đến chủ quyền này cả. Tác giả Monique Chemillier-Gendreau đã viết như sau: “Dans ce contexte, les declarations ou prise de position éventuelles des autorités du Nord Vietnam sont sans consequences sur le titre de souveraineté. Il ne s’agit pas du gouvernement territorialement competent à l’égard des archipels. On ne peut renoncer à ce sur quoi on n’a pas d’autorité…”[70] (Có thể dịch là: “Trong những điều kiện này, những lời tuyên bố hoặc lập trường nào đó của chính quyền miền Bắc Việt Nam không có hiệu lực gì đối với chủ quyền. Đây không phải là chính quyền có thẩm quyền trên quần đảo này. Người ta không thể chuyển nhượng những gì người ta không kiểm soát được…”). Một lý lẽ thứ hai nữa là đứng trên phương diện thuần pháp lý, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc đó không phải là một quốc gia trong cuộc tranh chấp. Trước năm 1975, các quốc gia và lãnh thổ tranh chấp gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam Cộng hoà và Philippin. Như vậy, những lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xem như lời tuyên bố của một quốc gia thứ ba không có ảnh hưởng đến vụ tranh chấp. Nếu đặt giả thuyết Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một thì dựa trên luật quốc tế, những lời tuyên bố đó cũng không có hiệu lực. Tuy nhiên, có tác giả đã nêu thuyết “estoppel” để khẳng định những lời tuyên bố đó có hiệu lực bó buộc đối với Việt Nam, và Việt Nam bây giờ không có quyền nói ngược lại.[71] Theo luật quốc tế, không có một văn bản pháp lý nào có thể gắn cho những lời tuyên bố đơn phương một tính chất bó buộc, ngoại trừ thuyết “estoppel”. Điều 38 Quy chế Toà án Quốc tế không liệt kê những lời tuyên bố đơn phương trong danh sách những nguồn gốc của luật pháp quốc tế. Estoppel là một nguyên tắc theo đó một quốc gia không có quyền nói hoặc hoạt động ngược lại với những gì mình đã nói hoặc hoạt động trước kia. Câu tục ngữ thường dùng để định nghĩa nó là “one cannot at the same time blow hot and cold.”[72] Nhưng thuyết estoppel không có nghĩa là cứ tuyên bố một điều gì đó thì quốc gia tuyên bố phải bị ràng buộc bởi lời tuyên bố đó. Thuyết estoppel bắt nguồn từ hệ thống luật quốc nội của Anh, được thâu nhập vào luật quốc tế. Mục đích chính của nó ngăn chặn trường hợp một quốc gia có thể hưởng lợi vì những thái độ bất nhất của mình, và do đó, gây thiệt hại cho quốc gia khác.[73] Vì vậy, estoppel phải hội đủ các điều kiện chính: 1. Lời tuyên bố hoặc hành động phải do một người hoặc cơ quan đại diện cho quốc gia phát biểu, và phải được phát biểu một cách minh bạch (clair et non equivoque).[74] 2. Quốc gia nại “estoppel” phải chứng minh rằng mình đã dựa trên những lời tuyên bố hoặc hoạt động của quốc gia kia, mà có những hoạt động nào đó, hoặc không hoạt động. Yếu tố này trong luật quốc nội Anh-Mỹ gọi là “reliance”. 3. Quốc gia nại “estoppel” cũng phải chứng minh rằng, vì dựa vào lời tuyên bố của quốc gia kia, mình đã bị thiệt hại, hoặc quốc gia kia đã hưởng lợi khi phát biểu lời tuyên bố đó.[75] 4. Nhiều bản án còn đòi hỏi lời tuyên bố hoặc hoạt động phải được phát biểu một cách liên tục và trường kỳ. Thí dụ: bản án “Phân định biển trong vùng Vịnh Maine”, bản án “Những hoạt động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua”, bản án “Ngôi đền Preah Vihear”,…[76] Ngoài ra, nếu lời tuyên bố đơn phương có tính chất một lời hứa, nghĩa là quốc gia tuyên bố mình sẽ làm hoặc không làm một việc gì, thì quốc gia phải thực sự có ý định muốn bị ràng buộc bởi lời hứa đó, thực sự muốn thi hành lời hứa đó.[77] Thuyết estoppel với những điều kiện trên đã được án lệ quốc tế áp dụng rất nhiều. Trong bản án “Thềm lục địa vùng Biển Bắc” giữa Cộng hòa Liên bang Đức và Đan Mạch/Hà Lan, Toà án quốc tế đã phán quyết rằng estoppel không áp dụng cho Cộng hòa Liên bang Đức, mặc dù quốc gia này đã có những lời tuyên bố trong quá khứ nhằm công nhận nội dung của Công ước Genève 1958 về thềm lục địa, vì Đan Mạch và Hà Lan đã không bị thiệt hại khi dựa vào những lời tuyên bố đó. Trong bản án “Những hoạt động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua” giữa Nicaragua và Mỹ, Toà đã phán quyết như sau: “… ‘Estoppel’ có thể được suy diễn từ một thái độ, những lời tuyên bố của một quốc gia, nhằm chấp nhận một tình trạng nào đó; thái độ hoặc lời tuyên bố không những phải được phát biểu một cách rõ rệt và liên tục, mà còn phải khiến cho một hoặc nhiều quốc gia khác dựa vào đó mà thay đổi hoạt động, và do đó phải chịu thiệt hại”.[78] Áp dụng những nguyên tắc trên của estoppel vào những lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chúng ta thấy thiếu điều kiện 2/ và 3/ đã nêu ở trên. Năm 1956, năm 1958 và năm 1965, Trung Quốc đã không có thái độ nào, hoặc thay đổi thái độ vì dựa vào lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và Trung Quốc cũng không thể chứng minh được rằng mình bị thiệt hại gì do dựa vào những lời tuyên bố đó. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng không được hưởng lợi gì khi có những lời tuyên bố đó. Lúc đó hai dân tộc Việt Nam và Trung Hoa rất thân thiện, “vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Những lời tuyên bố của Thủ tướng Phạm Văn Đồng hoàn toàn do tình hữu nghị Hoa-Việt.[79] Hơn nữa, lời văn của bản tuyên bố không hề nói rõ ràng minh bạch là công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên Hoàng Sa. Bức công hàm chỉ nói: “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy (quyết định ấn định lãnh hải 12 dặm của Trung Quốc), và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc…”. Lời tuyên bố của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng có thể hiểu là một lời hứa đơn phương, một lời tuyên bố ý định sẽ làm một việc gì (declaration d’intention). Thật vậy, đây là một lời hứa sẽ tôn trọng quyết định của Trung Quốc trong việc ấn định lãnh hải của Trung Quốc, và một lời hứa sẽ ra lệnh cho cơ quan công quyền của mình tôn trọng lãnh hải đó của Trung Quốc. Một lời hứa thì lại càng khó ràng buộc quốc gia đã hứa. Toà án Quốc tế đã ra thêm một điều kiện nữa để ràng buộc một lời hứa: đó là ý chí thực sự của một quốc gia đã hứa. Nghĩa là quốc gia đó có thực sự muốn bị ràng buộc bởi lời hứa của mình hay không. Để xác định yếu tố “ý chí” (intention de se lier), Toà xét tất cả những dữ kiện xung quanh lời tuyên bố đó, xem nó đã được phát biểu trong bối cảnh, trong những điều kiện nào (circonstances). Hơn nữa, nếu thấy quốc gia đó có thể tự ràng buộc mình bằng cách ký thoả ước với quốc gia kia, thì lời tuyên bố đó là thừa, và Toà sẽ kết luận là quốc gia phát biểu không thực tình có ý muốn bị ràng buộc khi phát biểu lời tuyên bố đó. Vì vậy, lời tuyên bố đó không có tính chất ràng buộc. Trong bản án “Những cuộc thí nghiệm nguyên tử” giữa Úc/Tân Tây Lan và Pháp, Pháp đã tuyên bố là sẽ ngừng thí nghiệm nguyên tử. Toà án đã phán quyết rằng Pháp bị ràng buộc bởi lời hứa vì Pháp thực sự có ý muốn bị ràng buộc bởi lời hứa đó.[80] Trong trường hợp Việt Nam, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, khi tuyên bố sẽ tôn trọng lãnh hải của Trung Quốc, không hề có ý định nói đến vấn đề chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa. Ông đã phát biểu những lời tuyên bố trên trong tình trạng khẩn trương, chiến tranh với Mỹ bắt đầu leo thang, Hạm đội 7 của Mỹ hoạt động trên eo biển Đài Loan và đe doạ Trung Quốc. Ông đã phải lập tức lên tiếng để ủng hộ Trung Quốc nhằm gây một lực lượng chống đối lại với mối đe doạ của Mỹ.[81] Lời tuyên bố năm 1965 của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như vậy. Động lực của lời tuyên bố đó là tình trạng khẩn trương, nguy ngập ở Việt Nam. Đây là những lời tuyên bố có tính chính trị, chứ không phải pháp lý. Nếu xét yếu tố liên tục và trường kỳ thì ba lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng không hội đủ tiêu chuẩn này. Estoppel chỉ đặt ra nếu chấp nhận giả thuyết Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một; và cả Pháp trong thời kỳ thuộc địa, và Việt Nam Cộng hoà trước năm 1975 cũng là một đối với Việt Nam hiện thời. Nếu xem như Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia riêng biệt với Việt Nam hiện thời, thì estoppel không áp dụng, vì như đã nói ở trên, lời tuyên bố sẽ được xem như lời tuyên bố của một quốc gia không có quyền kiểm soát trên lãnh thổ tranh chấp. Như vậy, nếu xem Việt Nam nói chung như một chủ thể duy nhất từ xưa đến nay, thì ba lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ là một sự phát biểu có ý nghĩa chính trị trong đoản kỳ thời chiến, so với lập trường và thái độ của Việt Nam nói chung từ thế kỷ XVII đến nay. Tóm lại, những lời tuyên bố mà chúng ta đang phân tích thiếu nhiều yếu tố để có thể áp dụng thuyết estoppel. Yếu tố “reliance” (tức là quốc gia kia có dựa vào lời tuyên bố của quốc gia này mà bị thiệt hại), và yếu tố “ý chí” (tức là quốc gia phát biểu lời hứa có ý muốn bị ràng buộc bởi lời hứa đó) rất quan trọng. Không có “reliance” để giới hạn sự áp dụng của estoppel thì các quốc gia sẽ bị cản trở trong việc hoạch định chính sách ngoại giao. Các quốc gia sẽ phải tự ép buộc cố thủ trong những chính sách ngoại giao lỗi thời.[82] Khi điều kiện chung quanh thay đổi, chính sách ngoại giao của quốc gia kia thay đổi, thì chính sách ngoại giao của quốc gia này cũng phải thay đổi. Các quốc gia đổi bạn thành thù và đổi thù thành bạn là chuyện thường. Còn những lời hứa đơn phương trong đó quốc gia không thật tình có ý muốn bị ràng buộc, thì nó chẳng khác gì những lời hứa vô tội vạ, những lời hứa suông của các chính khách, các ứng cử viên trong cuộc tranh cử.[83] Trong môi trường quốc tế, nguyên tắc “chủ quyền quốc gia” (état souverain) rất quan trọng. Ngoại trừ tục lệ quốc tế và những điều luật của Jus Congens, không có luật nào ràng buộc quốc gia ngoài ý muốn của mình, khi mà quốc gia này không gây thiệt hại cho quốc gia nào khác. Vì vậy ý chí của quốc gia đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định tính chất ràng buộc của một lời hứa đơn phương. III. KẾT LUẬN Những phân tích trên cho thấy lý lẽ của Việt Nam mạnh hơn của Trung Quốc, vì Việt Nam đã sử dụng hai quần đảo liên tục trong ba thế kỷ, sử dụng một cách hoà bình không có sự phản đối của bất cứ một quốc gia nào, kể cả Trung Quốc. Không những thế, sách sử của Trung Quốc lại còn công nhận rằng những quần đảo đó là vòng đai phòng thủ của Việt Nam, và qua thái độ của họ trong thời gian đó thì Trung Quốc cũng đã mặc thị công nhận chủ quyền của Việt Nam trên những quần đảo này. Nếu cho rằng Chúa Nguyễn đã khai thác các đảo từ đầu thế kỷ XVII, sau gần 100 năm, chủ quyền lịch sử của Việt Nam đã hoàn tất. Chủ quyền lịch sử đó lại được củng cố thêm qua sự chiếm hữu của vua Gia Long và Minh Mạng. Đồng thời, chủ quyền vẫn được hành xử liên tục qua sự khai thác và quản trị của hai Đội Hoàng Sa và Bắc Hải, là những bộ phận của nhà nước. Phía Trung Quốc cũng đã đưa ra những tài liệu để chứng minh rằng mình đã khám phá và hành xử chủ quyền trước tiên. Tuy nhiên, những tài liệu này chỉ cho thấy những thuyền bè của Trung Quốc thời đó đã lui tới Biển Đông, và trong lộ trình, họ tình cờ thấy những đảo mang nhiều tên khác nhau, nhưng không có đảo nào tên là Xisha hay Nansha. Nếu đặt giả thuyết là Trung Quốc đã khám phá ra những đảo này, thì Trung Quốc đã không hành xử chủ quyền trên đó. Sự hiện diện của những người đánh cá không đủ để gọi rằng đó là hành xử chủ quyền của nhà nước. Do đó, chủ quyền lịch sử mà Trung Quốc khẳng định mình có, rất yếu. Phần lớn các tác giả luật gia chuyên về luật quốc tế, trừ những tác giả Trung Hoa, đều công nhận điều này.[84] So sánh chủ quyền lịch sử viện dẫn bởi hai bên, chúng ta có thể kết luận rằng giữa Việt Nam và Trung Quốc thì Việt Nam mới là quốc gia có chủ quyền lịch sử trên hai quần đảo. Phân tích còn cho thấy chủ quyền lịch sử của Việt Nam đã được hoàn tất từ thế kỷ XVII, dưới thời Chúa Nguyễn. Hiệp ước Pháp-Thanh 1887 không trao chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc vì Hiệp ước này chỉ là hiệp ước ấn định biên giới giữa miền Bắc Việt Nam và Trung Hoa. Do đó, nó chỉ ấn định phần biên giới ở Vân Nam, Quảng Đông và Vịnh Bắc Bộ. Những lời tuyên bố trước đây của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về hai quần đảo này không có hiệu lực vì trước năm 1975 hai quần đảo này không thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam Cộng hoà. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc đó không phải là quốc gia tranh chấp, nên những lời tuyên bố này chỉ là những lời tuyên bố của một quốc gia thứ ba không liên can. Hơn nữa, lúc đó nếu không chấp nhận rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia thứ ba, thì “estoppel” cũng không áp dụng trong những trường hợp này, vì Trung Quốc đã không bị thiệt hại gì, và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng không hưởng lợi gì qua những lời tuyên bố đó. Lời tuyên bố của Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ là một lời hứa bị tác động bởi hoàn cảnh chiến tranh. Cuối cùng, nếu xem ba lời tuyên bố này như là của Việt Nam nói chung, thì nó thiếu tính liên tục và trường kỳ để có thể làm mất đi chủ quyền của Việt Nam, với tư cách là một chủ thể duy nhất, đã hành xử và khẳng định quyết liệt từ hơn ba thế kỷ nay. Trên thực tế thì hiện nay, Trung Quốc đã kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đã cho xây cất nhiều công trình nhằm củng cố sự chiếm hữu bất hợp pháp. Một sự chiếm hữu bất hợp pháp, với thời gian, nếu không có sự phản đối từ quốc gia kia, và nếu có sự thừa nhận của các quốc gia thứ ba, sẽ tạo nên chủ quyền cho quốc gia chiếm hữu. Vì thời gian với sự công nhận sẽ “tẩy xoá tội lỗi”.[85] Trong hoàn cảnh hiện tại, muốn bảo đảm cho sự chiếm hữu của Trung Quốc không thể tạo ra chủ quyền được, thì Việt Nam phải thường xuyên lên tiếng phản đối và khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa (và cả Trường Sa nữa). Việt Nam cũng nên công khai đề nghị Trung Quốc đưa vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa ra trước Toà án Quốc tế. Nếu Trung Quốc thật tình tin tưởng rằng mình có căn bản pháp lý vững chắc để khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo này, thì Trung Quốc không có lý do gì để từ chối một giải pháp pháp lý. Còn Trường Sa thì hiện nay đang bị 6 quốc gia và vùng lãnh thổ chiếm giữ là: Philippin, Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc, Malaxia và Brunây. Quốc gia nào cũng đòi chủ quyền của mình trên hết cả quần đảo hoặc một số đảo. Đến nay, vấn đề vẫn chưa giải quyết được mà còn trầm trọng thêm. Năm 1988, Trung Quốc lần đầu tiên ra đánh chiếm một số đảo ở Trường Sa, tàu của Việt Nam bị đánh đắm, nhưng Trung Quốc chặn không cho tàu của Hội Chữ thập đỏ đến cứu. Đây là một sự vi phạm những điều luật cơ bản nhất của chiến tranh. Như vậy, có thể suy đoán Trung Quốc sẽ không ngần ngại gì mà không tiếp tục sử dụng vũ lực. Từ đó đến nay, lâu lâu, Trung Quốc lại chiếm thêm vài đảo ở quần đảo Trường Sa. Trung Quốc một mặt vẫn hô hào tôn trọng luật quốc tế, và đề nghị thương thuyết song phương, nhưng lời nói của Trung Quốc không đi đôi với việc làm.[86] Vì vậy, không thể dựa vào những lời nói của Trung Quốc để kết luận rằng Trung Quốc sẽ ngừng không dùng vũ lực. Viễn tưởng Trung Quốc dùng biện pháp vũ lực để thôn tính hết các đảo tại quần đảo Trường Sa càng dễ xảy ra hơn, khi mà Mỹ và Nga đã rút khỏi Biển Đông, để lại một khoảng trống chính trị và quân sự tại vùng này, khiến cho Trung Quốc hiện nay là một quốc gia bá chủ ở Biển Đông.[87] Điều này rất đáng lo ngại. Trung Quốc nắm hết cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là nắm hết Biển Đông, mà Biển Đông là con đường giao thông quan trọng của các thuyền bè Nga, Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia khác trên thế giới.[88] Một giải pháp thương thuyết song phương giữa Trung Quốc và các quốc gia và lãnh thổ tranh chấp khó thực hiện được một cách công bằng, vì sức mạnh để thương thuyết giữa hai bên không bằng nhau, nó chênh lệch và mạnh dĩ nhiên là Trung Quốc. Cũng vì vậy mà Trung Quốc cho đến nay chỉ chấp nhận thương thuyết song phương. Trung Quốc muốn thương thuyết song phương để buộc quốc gia đối phương phải thương thuyết theo chiều mà Trung Quốc muốn. Nếu không Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực.[89] Đây chỉ là một chiến thuật để Trung Quốc tranh thủ thời gian để củng cố thêm thế của mình đối với hai quần đảo. Thời gian càng kéo dài thì càng có lợi cho Trung Quốc. Giải pháp khai thác chung mà Trung Quốc đề nghị không thể thực hiện được khi mà vấn đề chủ quyền chưa được giải quyết. Như vậy, thời gian càng kéo dài thì lại càng củng cố được những sự chiếm hữu bất hợp pháp, và quốc gia nào có chủ quyền pháp lý vững vàng sẽ bị thiệt thòi. Giải pháp đưa ra Toà án Quốc tế hoặc Trọng tài Quốc tế có lẽ công bằng nhất, nhưng Trung Hoa ngày xưa đã hơn một lần phủ nhận giải pháp này, khi Pháp đề nghị vào năm 1932 và năm 1947. Đối với Trung Quốc bây giờ thì lại càng khó hơn nữa. Giải pháp hiện thời, thực tiễn nhất là đem ra khối ASEAN hoặc Liên hợp quốc để giải quyết. Liên hợp quốc là giải pháp có thể hữu hiệu hơn, vì đem ra cơ quan này có tính cách khoáng đại, cho phép Mỹ, Nga, Nhật Bản và các quốc gia khác tham dự vào. Hơn nữa, trường hợp Liên hợp quốc không giải quyết được, hoặc nếu có vấn đề trong việc giải quyết, Liên hợp quốc vẫn có quyền đem vấn đề ra Toà án quốc tế và yêu cầu Toà cho ý kiến (avis consultatif) mà không cần sự đồng ý của bất cứ quốc gia nào. “Thủ tục cho ý kiến” của Toà án Quốc tế không có hiệu lực quyết định như một bản án thực sự, nhưng nó vẫn có một tác động mạnh mẽ trong dư luận thế giới. Vụ tranh chấp vùng Tây Sahara đã được Toà cho ý kiến trong những hoàn cảnh như trên (nghĩa là thể theo yêu cầu của Liên hợp quốc). [90] Cuộc tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cần phải giải quyết càng sớm càng tốt. Để càng lâu, nó càng đe dọa hòa bình ở Đông Nam Á và có thể là hoà bình thế giới. * Tham luận đọc tại Hội Thảo Hè “Vấn Đề Tranh Chấp Biển Đông” tại New York City, ngày 15-16 tháng 8, 1998. [1] Tiến sĩ Luật, Đại học Sorbonne. [2] Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục. Trích từ Võ Long Tê, Les archipels de Hoang Sa et de Truong Sa selon les anciens ouvrages viêtnamiens d’histoire et de geographie, Sài Gòn, 1974, tr. 62. [3] Eveil economique de l’Indochine, no. 741. [4] Nguyễn Quốc Định: Droit International Public, LIbrarie Générale de Droit et de Jurisprudence, Paris, 1975. tr. 401-402. [5] Robert Jennings: The acquisition of territory in international law (New York, 1963), viện dẫn Charles de Visscher. Luật gia Charles de Visscher viết như sau về phương pháp consolidation: “… Le long usage établi, qui en est le fondement, ne fait que traduire un ensemble d’interêts et de relations qui tendent par eux meme à rattacher un territoire ou un espace maritime à un état determine… elle peut être repute acquise… par une absence d’opposition suffisemment prolongée…”, xem Jennings, tr. 25, lưu ý 2. [6] Võ Long Tê, Kes archipels de Hoàng Sa et de Trường Sa selon les anciens ouvrages viêtnamiens d’histoire et de geographie, Sài Gòn, 1974, tr. 39 và 40. [7] Sđd., tr. 34-35. [8] Sđd. tr. 48. [9] Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, 1776. Vụ Thông tin và Báo chí Bộ Ngoại giao Việt Nam viện dẫn: Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Hà Nội, 1979, tr. 13. [10] Sđd, tr. 14-15. [11] Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, bộ phận lãnh thổ của Việt Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1982, tr. 13 và 14. [12] Võ Long Tê, Sđd, tr. 69. [13] M.A. Dubois de Jancigny: Thế giới, lịch sử và sự mô tả các dân tộc, các tôn giáo của họ, Ceylan, (1830). Võ Long Tê viện dẫn, Sđd, tr. 168. [14] J. B. Chaigneau (1769-1825): Notice sur la Cochinchine, 1820. Võ Long Tê viện dẫn, Sđd, tr. 168. [15] Vụ Thông tin và Báo chí Bộ Ngoại giao, Sđd, tr. 21. [16] Võ Long Tê, Sđd, tr. 100. [17] Vụ Thông tin và Báo chí Bộ Ngoại giao, Sđd, tr. 21. [18] Sđd, tr. 25. [19] Gutzlaff: Geography of the Cochinchinese Empire in Journal of the Geographical Society of London, 1849, tập XIX. Viện dẫn bởi Nhà xuất bản Sự thật, Sđd, tr. 16, Gutzlaff viết như sau: “Chính phủ An Nam thấy đặt một hạn ngạch thuế thì có thể thu được nhiều lợi bèn lập những trưng thuyền và một trại quân nhỏ ở chỗ này (tức quần đảo Paracel, mà tác giả gọi là KatVang) để thu thuế mà mọi người tới đây đều phải nộp…” [20] Vụ án Clipperton: Recueil des Sentences Arbitrales, tập II. [21] Teh-Kuang Chang: China’s claim of sovereignty over Spratley and Paracel Islands: a historical and legal perspective, Case Western Reserve Journal of International Law, vol. 23 (1991), p. 418. [22] Jian-Ming Shen: International law rules and historical evidence supporting China’s title to the South China Sea islands, Hastings International and Comparative Law Review, vol. 21 (1997), p. 22 & 23. [23] Vụ án đảo Palmas: Receuil des Sentences Arbitrales, tập II, tr. 859-860. [24] Monique Chemillier-Gendreau: La souveraineté sur les Paracels et Spratleys. L’Harmatan, Paris, 1996, p. 71. [25] Võ Long Tê, Sđd, tr. 111. [26] Sđd, tr. 110. [27] Gendreau, Sđd, tr. 21, 23. [28] Võ Long Tê, Sđd, tr. 134. [29] Võ Long Tê, Sđd, tr. 61. [30] Sđd, tr. 157. [31] Tao Cheng: The dispute over the South China Sea Islands, Texas International Law Journal, vol. 10 (1975), p. 272. [32] Jian-Ming Shen, Sđd, tr. 18. [33] Sđd, tr. 17. [34] Elizabeth van Wie Davis: China and the Law of the Sea Convention, Follow the Sea, New York, 1995, p. 154. Cũng xem Marwyn Samuels: Contest for the South China Sea, New York/London, 1982, tr. 16. Và Shen, Sđd, tr. 21. [35] Van Wie Davis, Sđd. Cũng xem Shen, Sđd, tr. 31. Cũng xem Hungdah Chiu & Choon-ho Park: Legal status of the Paracels and Spratly Islands, Ocean Development and International Law Journal, tập 3 (1975), tr. 43. [36] Samuels, Sđd, note 31, tr. 38. [37] Lưu Văn Lợi: Cuộc tranh chấp Việt-Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1995, tr. 10. [38] Shen, Sđd, tr. 15. [39] Sđd, tr. 18. [40] Sđd, tr. 19. [41] Sđd, tr. 20. [42] Sđd, tr. 21. [43] Sđd, tr. 20 và 21. Cũng xem Teh Kuang Chang, Sđd, tr. 400, và Hungdah Chiu, Sđd, lưu ý 32, tr. 463 và 465. [44] Shen, Sđd, tr. 27. [45] Sđd. [46] Xem chú thích 2 ở trang 361, Chiu, Sđd, lưu ý 32. [47] “… guo Qizhou Yang, Wanlishitang…”. Chữ “guo” của tiếng Trung, nghĩa là “qua” của tiếng Việt. [48] Shen, Sđd, tr. 28. [49] Hungdah, Sđd, tr. 463. [50] Lưu Văn Lợi, Sđd, tr. 17. [51] Samuels, Sđd, tr. 21 và 22. [52] Sđd, tr. 23. [53] Gendreau, Sđd, tr. 57 và 58. Cũng xem Lưu Văn Lợi, Sđd, tr. 14. [54] Vụ án đảo Palmas, Sđd, tr. 846. “Inchoate title must be completed within a reasonable time by effective occupation of the region…”. [55] Samuels, Sđd, tr. 30-31, 42. [56] Sđd, tr. 20. [57] Sđd, tr. 17 và 21. [58] Ít ra các tác giả sau đây đã viện dẫn Hiệp ước 1887: - Hungdah, Sđd, tr. 464 và 467. - Shen, Sđd, tr. 119. - Tao Cheng, Sđd, tr. 274. - John Chao: South China Sea: boundary problems relating to the Nansha and Xisha Islands, Chinese Yearbook of International Law, tập 9 (1989-1990): tr. 119 và tiếp theo. - Steve Kuan Tsy Yu, Who owns the Paracel and Spratlys? An evaluation of the nature and legal basis of the conflicting territorial claims, Chinese Yearbook of International Law, vol. 9 (1989-1990): p. 5, 7 and 8. - Choon-ho Park, The South China Sea dispute: Who owns the islands and the natural resources? Ocean Development and International Law Journal, vol. 5 (1978): p. 34. - Marwyn Samuels, Sđd, tr. 52-53. - Brian Murphy, Dangerous ground: the Spratly Islands and international law, Ocean and Coastal Law Journal, vol. 1 (1994), p. 201. - Elizabeth van De Wie, Sđd, tr. 52-53. - Michael Bennet, The PRC and the use of international law in the Spratly Islands dispute, Stanford Journal of International Law, vol. 28 (1992), p. 446. [59] Hungdah, Sđd, tr. 464. [60] Shen, supra, tr. 120. [61] Receuil des Traités de la France, Tome 17 (1886- 1887). Duran & Pedone (Paris), 1891, p. 387. [62] Convention de Vienne sur le Droit des Traités, 1969, Art. 32. [63] Có tác giả đã cho rằng Hiệp ước 1887 không ấn định biên giới biển, xem Elizabeth van De Wie, Sđd, tr. 156. Tuy nhiên, nếu theo sát nghĩa lời văn của Điều 2 của bản Hiệp ước (tức là hiểu những từ theo nghĩa thông thường của chúng) thì rõ ràng là kinh tuyến Paris 105°43’ là biên giới biển giữa miền Bắc Việt Nam và Trung Hoa. “Les Iles qui sont à l’est du meridien de Paris 105°43’, … c’est à dire de la ligne Nord-Sud passant par le point oriental de l’èle de Tra Co, et formant la frontière…” [64] Receuil des Traités, Sđd, tr. 387 và 388. [65] Sđd, Rapport Vaulcomte, tr. 187. [66] Traité de Paix, d’Amitié et de Commerce conclu à Tien-Tsin le 9/6/1885 entre la France et la Chine, trong Receuil des Traités de la France, Tome 16, tr. 496. [67] Rapport Vaulcomte, Sđd, tr. 189-191. [68] Shen, Sđd, tr. 123. [69] Lưu Văn Lợi, Sđd, tr. 105. [70] Gendreau, Sđd, tr. 123. [71] Shen, Sđd, tr. 57. [72] Charles Vallée: Quelqques observations sur l’estoppel en Droit des gens, Revue Générale de Droit International Publie (1973), p. 951, note 7. [73] D. W. Bowett: Estoppel before International Tribunals and its relation to acquiescence, Bristish Yearbook of International Law, vol. 33 (1957), p. 177. [74] Antoine Martin: L’Estoppel en droit international public Précédé d’un apercu de la théorie de l’estoppel en droit anglais, Revue Générale de Droit International Publie, vol. 32 (1979), p. 274. [75] Sđd, tr. 286-300. [76] Délimitation de la frontière maritime dans la region du Golfe de Maine, Cour Internationale de Justice Receuil, 1984, p. 309-310. - Activités militaires et para-militaires au Ncarague et contre celui-ci, Cour Internationale de Justice Receuil, 1984. p. 414-415. - Affaire du Temple Préah Vihear, Cour Internationale de Justice Receuil, 1962, p. 22-23, 32. [77] Brigitte Bollecker-Stern: L’Affaire des essays nucléaires francais devant la Cour Internationale de Justice, Annuaire Francais de Droit International (1974), p. 329. Cũng xem Megan Wagner: Jurisdiction by Estoppel in the International Court of Justice, California Law Review, vol. 74, p. 1792. [78] Cour Internationale de Justice Receuil 1984, Sđd, p. 414. [79] Lưu Văn Lợi, Sđd, tr. 75. [80] Cour Internationale de Justice Receuil, 1974, tr. 267 và 269. [81] Lưu Văn Lợi, Sđd, tr. 104-110. [82] Megan Wagner, Sđd, lưu ý 64, tr. 1780. [83] Bollecker – Stern, Sđd, tr. 331. [84] Trong các tác giả phương Tây khẳng định lý lẽ chủ quyền lịch sử của Trung Quốc rất yếu, có ít nhất các tác giả sau: - Bennett, Sđd, tr. 446; - Murphy, Sđd, tr. 201; - Roque Jr., Sđd, tr. 203; - Chemillier – Gendreau, Sđd, tr. 66; - Jean Pierre Ferrieer, xem tiếp, tr. 182; - Samuels, Sđd, tr. 40. Giáo sư Samuels không bàn đến vấn đề chủ quyền, nhưng phân tích lịch sử sự liên hệ của Trung Hoa đối với biển Đông và các đảo; ông viết rằng cho đến thế kỷ XIX không có bằng chứng nào rằng nhà Thanh đã chiếm hữu những đảo này làm sở hữu của mình: “By the mid-19th Century, the literari cognitive map of the South China Sea had become more elaborate, but still barely touched upon the islands of the sea… There is no evidence here that the Ching State had in any sense absorbed the islands into the imperial domain.” [85] Jean Pierre Ferrier: Le conflit des iles Paracels et le problème de la souveraineté sur les iles inhabités, Annuảie Francais de Droit International (1975), p. 178: “… quoi qu’il en soit la conquête militaire des iles par la Chine ne peut résoudre le problème juridique: pour qu’une telle occupation, ellegale dans son principe, puisse avoir des effets juridiques, il faut que la reconnaissance par les autres états intervienne et ‘purge juridiquement de ses vices’ l’annexion ainsi réalisée.” [86] Mark Valencia: China and the South China Sea disputes, Oxford University Press, London, 1995, p. 7. [87] Bennett, Sđd, tr. 427. [88] Jeannette Greenfield: China’s practice in the Law of the Sea, Clarendon Press, Oxford, 1992, p. 13. [89] Mark Valencia, Sđd, tr. 6 và 7. Cũng xem Murphy, Sđd, tr. 209 và 210. [90] Vụ Sahara Occidental, xem Avis Consultatif, Cour Internationale de Justice Receuil, 1975, tr. 21 tới 28. Trong những trang này, Toà nói về thẩm quyền cho ý kiến của mình thể theo Điều 65, Đoạn 1 trong Quy chế của Toà. © Tạp chí Thời đại 6 people like this Share this post Link to post Share on other sites
Posted 13 Tháng 6, 2011 Với Việt sử 5000 năm văn hiến một thời huy hoàng ở miền Nam sông Dương Tử thì Trung Quốc chẳng có lý do gì để chiếm hữu Hoàng Sa, chưa nói đến Trường Sa. Bởi vì trong quá khứ xa xôi đó, người Hán thậm chí chưa có mặt ở Nam Dương Tử. Bởi vậy, khi Việt tộc hưng quốc vào thế kỷ thứ X thì sau đó những phần đất giành lại được thuộc về Việt tộc. Tất nhiên trong đó có Trường sa và Hoàng Sa. Những hành vi từ đới Thanh thực chất cũng đã là xâm chiếm. Share this post Link to post Share on other sites
Posted 13 Tháng 6, 2011 Tại sao những bài viết hay như thế này mà không được công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng nhỉ? Share this post Link to post Share on other sites
Posted 13 Tháng 6, 2011 Nhờ anh em kỹ thuật đưa bài này ra trang chủ . Xin cảm ơn. Share this post Link to post Share on other sites
Posted 14 Tháng 6, 2011 Văn Lang sưu tầm được những tài liệu rất hay. Hiện nay trên tất cả lãnh vực quân sự khí tài, kinh tế, ngoại giao, lịch sử, luật pháp quốc tế... đang có sự đấu tranh quyết liệt giữa TQ - VN ở nhiều cấp độ từ chính thống ngoại giao đến phi chính thống, từ chung 1 lý tưởng đến khác ý thức hệ. Việt nam ta rõ ràng yếu thế về quân sự và kinh tế, để giành được phần thắng có thể xác định rõ lãnh vực luật pháp quốc tế, lịch sử, dư luận, tính chính nghĩa là những yếu tố quyết định. Trong đó tính chính nghĩa là mũi nhọn chính, quan trọng bậc nhất cần phải giành bằng được. TQ dù quân lực mạnh cũng quyết tranh thắng phần chính nghĩa. Thực tế cho thấy dân chúng TQ thực sự đang nghĩ lẽ phải thuộc về họ. Thế giới thì mập mờ lúc hiểu thế này, lúc hiểu thế khác. Đây là yếu tố nguy hiểm nhất, nguy hiểm hơn nhiều so với số lượng khổng lồ vũ khí hay tiền bạc của họ. Khả năng tập hợp tài liệu, phổ biến tài lệu, phân tích tranh luận bằng nhiều thứ ngôn ngữ sao cho dân chúng Việt và dân chúng TQ cũng như dân chúng thế giới hiểu được sự thực ở Biển Đông rõ ràng là nằm trong tầm tay của những nhà nghiên cứu ở đây. 2 people like this Share this post Link to post Share on other sites
Posted 14 Tháng 6, 2011 Đây là Lược sử thời gian TQ đã " vẽ ra " và công bố thiên hạ bằng tiếng Anh và website http://www.spratlys.org/history/spratly-islands-history-timeline.htm ( nhiều người đọc hiểu ). Đổi lại chúng ta có gì để công bố thế giới. Vui lòng công bố bây giờ hoặc trễ rồi. This is historical timeline from Chinese. It is written in English, by Chinese ourselves with no confirmed or accepted by 3rd party i.e unbelievable. Vietnamese people all over the world, please show off or write out or demonstrate that this historical timeline is wrong. 200BC around China firstly discovered the Spratly Islands and other Suthern Sea Islands 111BC China started to occupy and govern the Southern Sea Islands 206BC-24AD Most of the Paracel, the Spratlys and Pratas Island were known by Chinese geographers of the Han Dynasty 23-220AD Yang Fu of the East Han Dynasty made the reference to Nansha Islands in his book entitled Yi Wuzi (Records of Rarities) 220 Nansha (Spratly) Island was settled by Chinese monks, building up a monastery on that island. 220-280AD General Kang Tai one of the famous ancient Chinese navigator of East Wu State of the Three Kingdoms Period mentioned Nansha Islands in his book Funan Zhuan (or Journeys to and from Phnom) (the name of an ancient state in today's Cambodia). 265-420AD Fei Yuan of the Jin Dynasty(265-420 A.D.) wrote about the fishing and collecting of coral samples by the fishermen of China on the South China Sea in his article Chronicles of Guangzhou. 789 The Tang Dynasty, China included the Nansha Islands into its administrative map 990 Spratley Islands became a part of the Northern Song area in Hainan 1121 Kublai Khan controlled most of the islands during China's Yuan Dynasty 1211 The island group shown on a Chinese Map 1250 Chinese frishermen became the right by the Pan-Han Dynasty to settle on some of the northern islets and reefs. 1405 Cheng Ho, the official minister of the Ming Kings, visited several northern islands of the Spartly Islands Group, Cheng Ho made several vojages to the Spratly Group and mapped most of the northern reefs and island, today a reason for China, to occupay the complete group. In 1436 an excellent map of the reefs is shown by the Ming-Dynasty. 1406 - 1444 most of the reefs and islet were successsively maped by Chinese geographers 1478 A China brigg run on Amboya Cay's reef and Archeologists found about 300 ancident vessels, made by ceramics. 1530 Alvarez de Diegoz, one of Albuquerque's navigators found several scattered tiny islets and reefs on his way to the future Macao area 1606 The Spain adventure and sailor Andreas de Pessora reached some of the western Spratly islands and named 'a larger islet' with the name Isla Santa Esmeralda Pequena. Today it is unknown which island Pessora reached, but it could be Spratly Island, or also one of the south-eastern islets. 1710 The Chinese Ching Dynasty claimed two northern islands and errected a small temple on North East Cay. 1730 Pirates settled on several islands and hold up British, Portugese and Dutch ships, crossing the area. In 1735 the British troups runn over and destroyed several priate camps located on some islands. 1791 Captain Spratle arived in the group and named the islands by his name. He was one of Captain Collets navigators. 1798 The British built up an iron observation tower on Itu Aba Islet. The remainds are visible till today. 1804 The British vessel HMS Macclesfield run on a drying reef in the southwest corner of the shoals, known today as the Macclesfield Shoals (Bank) 1883 The Germans wanted to claim several islands in the Spartly Group, but the Chinese Government threatened with war. After several government notes between Berlin and Peking, Germany gave up Spratly Islands and Paracel Islands but became controller of the area of Tsingtau. 1885 China officially claimed all islands of the Spratly Group 1887 The France built up the first lighttower on Amboyna Cay 1902 Chinese war-ships surveyed and erected sovereignty stone on Paracel Islands. 1908 China gave the right to mine guano from the islands to the British Australian Guano LTD. 1909-03-21 China (Qing Dynasty) set up Paracel Islands administrative committee. 1909-04 China (Qing Dynasty) war-ships surveyed Paracel Islands and affirmed Chinese sovereignty over these islands, fired cannon and hoisted flag. 1911 China - Guangdong Government reaffirmed Paracel Islands is under Qiongya (Hainan Island) Adminstration. 1930 French - Japan War over the rights on the Paracel Islands, and some of the north-western Spratley Reefs. 1932-1935 The Chinese Government set up a committee for the review of Maps of Lands and Waters of China. This committee examined and approved the 132 names of the islands in the South China Sea, all of which belong to Xisha, Zhongsha and Nansha Islands. 1933 France raised first official claim to the Paracel and Spratly Islands after invaded and occupied 9 of Nansha Islands, including Taiping and Zhongye. The Chinese fishermen who lived and worked on the Nansha Islands immediatedly made a firm resistance against the invasion and the Chinese Government lodged a strong protest with the French Government. 1939-44 The Spratly Islands were invaded and occupied by Japan and used as a submarine base during the Second World War. The two major bases were on Itu Aba and on Namyit Island in the Tizard Bank.In line with the Cairo Declaration and the Potsdam Proclamation, the Ministry of Internal Affairs of China, in consultation with the Navy and the government of Guangdong Province, appointed Xiao Ciyi and Mai Yunyu Special Commissioner to the Xisha and Nansha Islands respectively in 1946 to take over the two archipelagoes and erect marks of sovereignty on the Islands. 1946 China declared the Spratlys as a part of the Guangdong Province, and seized the biggest island of Tai Ping Dao (Itu Aba). 1947 The Ministry of Internal Affairs of China renamed 159 islands, reefs, islets and shoals on the South China Sea, including the Nansha Islands. It subsequently publicized all the names for administrative purposes 1947 The Philippines claimbed some of the eastern islands in the Spratly Group and claimbed too the Scarborough Reef. 1948 The Philippines claimbed the offshore Scarborough Reef, one of the most outlier reefs in the northeastern Spratly Islands. A light was errected and an oberservationtower on the South Rock, a 5 ft high rocky and steep sided islet. 1951 At the San Francisco conference, Japan renounces all rights to the Spratly Islands. No resolution is made on who owns them. 1956 The Philippines built up a mailitary base on North Danger Reef. 1961 Taiwan annexed several reefs in the northeastern part of the Spratly Group. 1969 On Spratly Island the American Navy errected a Radar Station, closed in 1971. 1974 China occupies Paracel Islands to the north of the Spratly Islands, taking them from South Vietnam. 1978 China occupies six atolls in the Spratly Islands, taking them from Vietnam. 1979, 21.Dec. Malaysia claimbed Swallow Reef (Layang Layang Reef) and built up a base. In January 1980 Malaysia continued in claimbing and annexed several reefs in the southern and south-western group. A second Malayan station was built on Amboyna Cay, heave disputed with Vietnam 1982 Internatinal conflict between Vietnam and Malysia, when Malaysia claimbed Amboyna Cay. 1984 Brunei claimbed the Louise Reef in the eastern group 1988 Chinese and Vietnamese navies clash at Johnson Reef. Two Vietnamese gunboats are sunk and seventy people die. Chinese troops has been garrisoned on the reef. 1991 Indonesia organises the first of its annual informal meetings (The South China Sea Workshop) of the six claimants to the Spratly Islands to find a peaceful solution to the dispute. Malaysia begins to develop a reef for tourism. 1992 ASEAN nations and China call for restraint in pursuit of territorial claims in the Spratly Islands. 1994,November The US oil giant Exxon signs a US$35 billion deal to develop the gas fields north of Natuna Island. This area is partly claimed by China. 1995,8 February The Philippines's armed forces discover Chinese-constructed concrete markers on Mischief Reef, within 200 kilometres of Palawan Island, in the Philippines. 1995,20-28 March The Philippines seize Chinese fishing boats and crew, and destroy Chinese markers on Mischief Reef. 1995,31 March Taiwanese naval mission of armed patrol boats to the Spratly Islands is called off midway to its destination. 1995, 7 April Indonesia expresses concern over Chinese maps claiming sovereignty over part of the huge Natuna gas fields to the south of the Spratly Islands. 1 person likes this Share this post Link to post Share on other sites
Posted 14 Tháng 6, 2011 Văn Lang sưu tầm được những tài liệu rất hay. Hiện nay trên tất cả lãnh vực quân sự khí tài, kinh tế, ngoại giao, lịch sử, luật pháp quốc tế... đang có sự đấu tranh quyết liệt giữa TQ - VN ở nhiều cấp độ từ chính thống ngoại giao đến phi chính thống, từ chung 1 lý tưởng đến khác ý thức hệ. Việt nam ta rõ ràng yếu thế về quân sự và kinh tế, để giành được phần thắng có thể xác định rõ lãnh vực luật pháp quốc tế, lịch sử, dư luận, tính chính nghĩa là những yếu tố quyết định. Trong đó tính chính nghĩa là mũi nhọn chính, quan trọng bậc nhất cần phải giành bằng được. TQ dù quân lực mạnh cũng quyết tranh thắng phần chính nghĩa. Thực tế cho thấy dân chúng TQ thực sự đang nghĩ lẽ phải thuộc về họ. Thế giới thì mập mờ lúc hiểu thế này, lúc hiểu thế khác. Đây là yếu tố nguy hiểm nhất, nguy hiểm hơn nhiều so với số lượng khổng lồ vũ khí hay tiền bạc của họ. Khả năng tập hợp tài liệu, phổ biến tài lệu, phân tích tranh luận bằng nhiều thứ ngôn ngữ sao cho dân chúng Việt và dân chúng TQ cũng như dân chúng thế giới hiểu được sự thực ở Biển Đông rõ ràng là nằm trong tầm tay của những nhà nghiên cứu ở đây. Vâng. Mỗi người là một chiến sĩ. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, ai có bàn phím dùng bàn phím... Một việc mà mỗi người có thể làm ngay là không dùng hàng Tàu. Ngoài ra những ai sử dụng được Tiếng Anh (và cả Tiếng Trung) nên tham gia vào các diễn đàn Trung quốc và thế giới để chỉ rõ cái sai trái của Trung quốc đồng thời tuyên truyền về Việt nam. Bữa rồi em có vào cả báo của Malaysia phản hồi về vụ biểu tình lần 2 mà theo họ là được Nhà nước cho phép.\ Đây là Lược sử thời gian TQ đã " vẽ ra " và công bố thiên hạ bằng tiếng Anh và website http://www.spratlys....ry-timeline.htm ( nhiều người đọc hiểu ). Đổi lại chúng ta có gì để công bố thế giới. Vui lòng công bố bây giờ hoặc trễ rồi. This is historical timeline from Chinese. It is written in English, by Chinese ourselves with no confirmed or accepted by 3rd party i.e unbelievable. Vietnamese people all over the world, please show off or write out or demonstrate that this historical timeline is wrong. 200BC around China firstly discovered the Spratly Islands and other Suthern Sea Islands 111BC China started to occupy and govern the Southern Sea Islands 206BC-24AD Most of the Paracel, the Spratlys and Pratas Island were known by Chinese geographers of the Han Dynasty 23-220AD Yang Fu of the East Han Dynasty made the reference to Nansha Islands in his book entitled Yi Wuzi (Records of Rarities) 220 Nansha (Spratly) Island was settled by Chinese monks, building up a monastery on that island. 220-280AD General Kang Tai one of the famous ancient Chinese navigator of East Wu State of the Three Kingdoms Period mentioned Nansha Islands in his book Funan Zhuan (or Journeys to and from Phnom) (the name of an ancient state in today's Cambodia). 265-420AD Fei Yuan of the Jin Dynasty(265-420 A.D.) wrote about the fishing and collecting of coral samples by the fishermen of China on the South China Sea in his article Chronicles of Guangzhou. 789 The Tang Dynasty, China included the Nansha Islands into its administrative map 990 Spratley Islands became a part of the Northern Song area in Hainan 1121 Kublai Khan controlled most of the islands during China's Yuan Dynasty 1211 The island group shown on a Chinese Map 1250 Chinese frishermen became the right by the Pan-Han Dynasty to settle on some of the northern islets and reefs. 1405 Cheng Ho, the official minister of the Ming Kings, visited several northern islands of the Spartly Islands Group, Cheng Ho made several vojages to the Spratly Group and mapped most of the northern reefs and island, today a reason for China, to occupay the complete group. In 1436 an excellent map of the reefs is shown by the Ming-Dynasty. 1406 - 1444 most of the reefs and islet were successsively maped by Chinese geographers 1478 A China brigg run on Amboya Cay's reef and Archeologists found about 300 ancident vessels, made by ceramics. 1530 Alvarez de Diegoz, one of Albuquerque's navigators found several scattered tiny islets and reefs on his way to the future Macao area 1606 The Spain adventure and sailor Andreas de Pessora reached some of the western Spratly islands and named 'a larger islet' with the name Isla Santa Esmeralda Pequena. Today it is unknown which island Pessora reached, but it could be Spratly Island, or also one of the south-eastern islets. 1710 The Chinese Ching Dynasty claimed two northern islands and errected a small temple on North East Cay. 1730 Pirates settled on several islands and hold up British, Portugese and Dutch ships, crossing the area. In 1735 the British troups runn over and destroyed several priate camps located on some islands. 1791 Captain Spratle arived in the group and named the islands by his name. He was one of Captain Collets navigators. 1798 The British built up an iron observation tower on Itu Aba Islet. The remainds are visible till today. 1804 The British vessel HMS Macclesfield run on a drying reef in the southwest corner of the shoals, known today as the Macclesfield Shoals (Bank) 1883 The Germans wanted to claim several islands in the Spartly Group, but the Chinese Government threatened with war. After several government notes between Berlin and Peking, Germany gave up Spratly Islands and Paracel Islands but became controller of the area of Tsingtau. 1885 China officially claimed all islands of the Spratly Group 1887 The France built up the first lighttower on Amboyna Cay 1902 Chinese war-ships surveyed and erected sovereignty stone on Paracel Islands. 1908 China gave the right to mine guano from the islands to the British Australian Guano LTD. 1909-03-21 China (Qing Dynasty) set up Paracel Islands administrative committee. 1909-04 China (Qing Dynasty) war-ships surveyed Paracel Islands and affirmed Chinese sovereignty over these islands, fired cannon and hoisted flag. 1911 China - Guangdong Government reaffirmed Paracel Islands is under Qiongya (Hainan Island) Adminstration. 1930 French - Japan War over the rights on the Paracel Islands, and some of the north-western Spratley Reefs. 1932-1935 The Chinese Government set up a committee for the review of Maps of Lands and Waters of China. This committee examined and approved the 132 names of the islands in the South China Sea, all of which belong to Xisha, Zhongsha and Nansha Islands. 1933 France raised first official claim to the Paracel and Spratly Islands after invaded and occupied 9 of Nansha Islands, including Taiping and Zhongye. The Chinese fishermen who lived and worked on the Nansha Islands immediatedly made a firm resistance against the invasion and the Chinese Government lodged a strong protest with the French Government. 1939-44 The Spratly Islands were invaded and occupied by Japan and used as a submarine base during the Second World War. The two major bases were on Itu Aba and on Namyit Island in the Tizard Bank.In line with the Cairo Declaration and the Potsdam Proclamation, the Ministry of Internal Affairs of China, in consultation with the Navy and the government of Guangdong Province, appointed Xiao Ciyi and Mai Yunyu Special Commissioner to the Xisha and Nansha Islands respectively in 1946 to take over the two archipelagoes and erect marks of sovereignty on the Islands. 1946 China declared the Spratlys as a part of the Guangdong Province, and seized the biggest island of Tai Ping Dao (Itu Aba). 1947 The Ministry of Internal Affairs of China renamed 159 islands, reefs, islets and shoals on the South China Sea, including the Nansha Islands. It subsequently publicized all the names for administrative purposes 1947 The Philippines claimbed some of the eastern islands in the Spratly Group and claimbed too the Scarborough Reef. 1948 The Philippines claimbed the offshore Scarborough Reef, one of the most outlier reefs in the northeastern Spratly Islands. A light was errected and an oberservationtower on the South Rock, a 5 ft high rocky and steep sided islet. 1951 At the San Francisco conference, Japan renounces all rights to the Spratly Islands. No resolution is made on who owns them. 1956 The Philippines built up a mailitary base on North Danger Reef. 1961 Taiwan annexed several reefs in the northeastern part of the Spratly Group. 1969 On Spratly Island the American Navy errected a Radar Station, closed in 1971. 1974 China occupies Paracel Islands to the north of the Spratly Islands, taking them from South Vietnam. 1978 China occupies six atolls in the Spratly Islands, taking them from Vietnam. 1979, 21.Dec. Malaysia claimbed Swallow Reef (Layang Layang Reef) and built up a base. In January 1980 Malaysia continued in claimbing and annexed several reefs in the southern and south-western group. A second Malayan station was built on Amboyna Cay, heave disputed with Vietnam 1982 Internatinal conflict between Vietnam and Malysia, when Malaysia claimbed Amboyna Cay. 1984 Brunei claimbed the Louise Reef in the eastern group 1988 Chinese and Vietnamese navies clash at Johnson Reef. Two Vietnamese gunboats are sunk and seventy people die. Chinese troops has been garrisoned on the reef. 1991 Indonesia organises the first of its annual informal meetings (The South China Sea Workshop) of the six claimants to the Spratly Islands to find a peaceful solution to the dispute. Malaysia begins to develop a reef for tourism. 1992 ASEAN nations and China call for restraint in pursuit of territorial claims in the Spratly Islands. 1994,November The US oil giant Exxon signs a US$35 billion deal to develop the gas fields north of Natuna Island. This area is partly claimed by China. 1995,8 February The Philippines's armed forces discover Chinese-constructed concrete markers on Mischief Reef, within 200 kilometres of Palawan Island, in the Philippines. 1995,20-28 March The Philippines seize Chinese fishing boats and crew, and destroy Chinese markers on Mischief Reef. 1995,31 March Taiwanese naval mission of armed patrol boats to the Spratly Islands is called off midway to its destination. 1995, 7 April Indonesia expresses concern over Chinese maps claiming sovereignty over part of the huge Natuna gas fields to the south of the Spratly Islands. Vậy yêu cầu họ đưa ra những quyển sách đó đi. Việc tự tạo ra những đầu sách và những cái gạch chân như thế không khó. Tốt nhất bảo họ đưa ra những bản scan. Sau đó là yêu cầu họ đưa ra tòa án pháp lý quốc tế vì tài liệu quá phong phú để cho thế giới nó thấy đựoc tài liệu thật hay giả. Hoặc cũng có thể hỏi rằng nếu nhiều như vậy (ngụy tạo) sao đến thời Thanh, Trung quốc vẫn không công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của mình và thừa nhận đó là của Việt nam. Tại sao lính Việt nam từ 5 thế kỷ nay thực thi chủ quyền trên đó mà không có bóng một ai bên Trung quốc? Phải nói rằng ngoài là cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái lớn nhất thế giới thì việc ngụy tạo bằng chứng Trung quốc cũng đang tỏ ra dẫn đầu. Từ đây đặt ra câu hỏi rằng với Hoàng Sa Trường Sa Biển Đông gần đây và rõ ràng như thế mà còn ngụy tạo được ra vô số "bằng chứng". Vậy thì về lịch sử xa xưa hơn Trung quốc hoàn toàn xóa bỏ, tẩy xóa, thay đổi lịch sử trên sách. Điều đó đặc biệt có tác dụng với những người làm sử mà căn cứ vào sách Tàu. Các cụ nói đâu có thừa "Không nghe đài địch, không dịch sách Tàu". 1 person likes this Share this post Link to post Share on other sites
Posted 14 Tháng 6, 2011 Cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam Cách đây hơn 3 thế kỷ, ông cha ta đã xác lập và thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa, những việc đó được ghi trong cả sách của ta, của quốc tế và ngay cả của Trung Quốc. Ông cha chúng ta cũng đã biết cắm mốc, đo đạc, vẽ bản đồ và hàng năm cử người ra để kiểm tra và thu hồi sản vật trên vùng đất mà nước mình quản lý. Nước Việt Nam thân yêu của chúng ta có bờ biển dài 3.260km. Biển có vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với diện tích khoảng trên 1 triệu km2, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ gần và xa bờ. Biển Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng, nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, giao lưu quốc tế rất thuận lợi, lại có nhiều tài nguyên quý hiếm. Bản đồ đường qua xứ Quảng Nam đời Lê, theo Thiên Nam lộ đồ vẽ lại năm 1741(bản sao chép của Dumoutier, có chữ quốc ngữ). Bãi cát vàng trên bản đồ tức là Hoàng Sa. Quần đảo Hoàng Sa nằm ở vĩ độ 15o45' đến 17o15' Bắc, kinh độ 111o đến 113o Đông, cách đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi khoảng 120 hải lý; là một quần đảo đá san hô, cồn, bãi cát gồm hơn 30 hòn đảo, nằm trên vùng biển rộng từ Tây sang Đông khoảng 100 hải lý, từ Bắc xuống Nam khoảng 85 hải lý, diện tích chừng 15.000km2. Quần đảo Trường Sa nằm ở vĩ độ 6o50' đến 12o vĩ Bắc, kinh độ 111o3' đến 117o2' Đông, gồm trên 100 đảo đá, cồn san hô, bãi cạn, bãi ngầm nằm rải rác trên vùng biển rộng từ Tây sang Đông khoảng 350 hải lý, từ Bắc xuống Nam 360 hải lý, có diện tích khoảng 180.000km2, diện tích phần nổi thường xuyên khoảng 10km2, cách tỉnh Khánh Hoà 248 hải lý. Những chứng cứ lịch sử pháp lý xác định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa Văn bản lịch sử của Việt Nam - Thời Lê Thánh Tông (1460-1497), trong “Toàn tập Thiên Nam tứ chi lộ đồ thư” ta đã vẽ bản đồ Hoàng Sa và Trường Sa, lúc đó ta gọi là “bãi cát vàng” và “Vạn lý Trường Sa”. (Nguyên bản này hiện đang lưu giữ tại Tokyo Nhật Bản). - Thế kỷ thứ XVIII, trong “Đại Nam nhất thống toàn đồ” đã ghi rõ Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa là một trong những đảo của Việt Nam. Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được thể hiện trong Đại Nam nhất thống toàn đồ năm 1838. - Lê Quý Đôn (1726-1786) trong cuốn “Phủ biên tạp lục”, ông đã tả kỹ về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.- Phan Huy Chú (1782-1840) trong sách “Lịch triều hiến dương loại chí” và “Hoàng Việt địa dư chí”, ông còn mô tả việc quản lý Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ngoài ra còn có thể kể tên 5 cuốn sách của Việt Nam từng đề cập đến hai quần đảo này. - Thời thuộc Pháp: Từ ngày 6/6/1884, sau khi triều Nguyễn ký với Pháp Hiệp ước Giáp Thân, công nhận sự thống trị của thực dân Pháp đối với Việt Nam. Từ đó, Pháp thực hiện chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. - Năm 1887, Pháp và triều đình Mãn Thanh ký công ước hoạch định biên giới trên bộ và trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Ngày 15/6/1938, toàn quyền Đông Dương I.Brévie ký Nghị định số 156-SC, quyết định tổ chức hành chính, quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên. Ngày 21/12/1933, Thống đốc Krautheimer ký Nghị định số 4702-CP, sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Ngày 14/10/1950, Chính phủ Pháp chính thức bàn giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho chính quyền của Bảo Đại quản lý. Hôm đó, Tướng Phan Văn Giáo lúc đó là Thủ hiến Trung Phần đã đích thân đến đảo Hoàng Sa để chủ tọa buổi lễ. Tháng 9/1951, tại Hội nghị San Franxitco, ông Trần Văn Hữu - Thủ tướng Chính phủ của Bảo Đại, trưởng phái đoàn của Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sau khi Nhật đã trả lại tất cả lãnh thổ họ đã chiếm cứ trong chiến tranh thế giới thứ hai, 51 quốc gia tham dự, không hề có ý kiến phản đối. Tài liệu nước ngoài Một tài liệu giữ ở kho lưu trữ của Pháp đề ngày 10/4/1768 mang tên là “Note sur l'Asedemandés pas M. de la bonde à M. d' Etaing” cho biết là hồi đó hải quân Việt Nam đã tuần tiễu đều đặn giữa bờ biển Việt Nam và quần đảo Hoàng Sa. Đô đốc d'Estaing đã tả hệ thống phòng thủ của Việt Nam có nhiều đại bác, phần lớn là mang huy hiệu của Bồ Đào Nha, có ghi năm 1661, và những khẩu nhỏ hơn mang hiệu xứ Campuchia và dấu khắc tên “Anh Quốc Ấn Độ công ty” (Brifish company of India). Những khẩu pháo nhỏ này đã được thu lượm ở Hoàng Sa. Ngoài ra còn có các tác giả Le Poivre (1740), J Chaigneau (1816-1819), Taberd (1833), Gutzlagip (1840)… cũng từng khẳng định Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngay cả các tác giả người Trung Quốc trước đây cũng từng viết sách nói rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Nhà sư Thích Đại Sán trong cuốn Hải ngoại ký sự viết năm 1696 đã xác nhận các chúa Nguyễn hàng năm cho thuyền khai thác các sản vật từ các tàu bị đắm ở vùng Vạn lý Trường Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam). Tập tài liệu của Trung Quốc “Ngã quốc Nam Hải chư đảo sử liệu hội biên” do Hàn Chấn Hoa chủ biên, trang 115 thiên thứ nhất, cũng ghi chép dấu vết trên đảo Vinh Hưng (Phú Lâm) ở Hoàng Sa có miếu gọi là Hoàng Sa tự. (Hoàng Sa tự được vua Minh Mạng triều Nguyễn cho xây dựng). Trong cuốn Hoàng Thanh nhất thống dư địa toàn đồ, bản đồ Trung Quốc đời Thanh, xuất bản năm 1894 ghi chú rõ: “Điểm cực Nam lãnh thổ Trung Quốc là Nhai Châu, Quảng Đông, độ Bắc cực 18o13”. Còn quyển Quảng Đông dư địa toàn đồ, bản đồ tỉnh Quảng Đông, xuất bản năm 1897 cũng ghi: “Điểm cực Nam tỉnh này là mỏm núi bên ngoài cảng Du Lâm 18o09'10"”. Trong Đại Thanh đế quốc, bản đồ toàn Trung Quốc trong tập bản đồ mang tên “Đại Thanh đế quốc toàn đồ”, xuất bản năm 1905, tái bản lần thứ tư năm 1910, cũng chỉ rõ phần cực Nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam. Những bản đồ trên đây đều khẳng định cho đến thế kỷ XX, lãnh thổ Trung Quốc không bao giờ gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa Để quản lý về hành chính, ngày 29/2 năm Bảo Đại thứ 12 (30/3/1938), nhà vua đã ra Chỉ dụ số 10, sáp nhập Hoàng Sa, Trường Sa vào tỉnh Thừa Thiên. Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền quản lý của chính quyền Sài Gòn. Ngày 22/10/1956, họ đã ra Sắc lệnh số 143/NV quy định quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngày 3/7/1961, Ngô Đình Diệm - Tổng thống Việt Nam Cộng hoà ký quyết định quần đảo Hoàng Sa thuộc Thừa Thiên - Huế, nay thuộc tỉnh Quảng Nam và gọi là xã Định Hải thuộc quận Hoà Vang. Ngày 6/9/1973, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Sài Gòn ký Nghị định số 420/BNV-HCDB-26 sáp nhập Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy. Bức tượng Vệ sĩ dân chài đảo Hoàng Sa đứng ở phía Tây Nam đảo Hoàng Sa, có thể xưa kia được đặt trong ngôi miếu cổ khi nhà Nguyễn dựng miếu năm 1835 đã thấy. Sau khi thống nhất đất nước, ngày 9/2/1982, Hội đồng Bộ trưởng nước ta đã ra Nghị định tổ chức quần đảo Hoàng Sa thành huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, và quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày 28/12/1982, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa VII đã ra Nghị quyết đưa huyện Trường Sa sáp nhập vào tỉnh Phú Khánh (nay là Khánh Hoà). Từ khi chiếm lĩnh được hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ông cha ta đã cho người ra cắm mốc chủ quyền. Khi chính quyền Pháp bảo hộ họ cũng đã cắm bia chủ quyền ghi: “Cộng hòa Pháp - Đế quốc An Nam quần đảo Hoàng Sa”. Năm 1938, Phòng (Service) Khí tượng Đông Dương xây dựng một trạm khí tượng tại đảo Itu Aba hoạt động dưới quyền Pháp. Đây là trạm thời tiết rất quan trọng nên đã được mang ký hiệu quốc tế là 48919. Đến thời chính quyền Sài Gòn quản lý, trạm khí tượng này vẫn hoạt động. Hiện nay 4 người còn sống, đó là các cụ: Nguyễn Văn Như, Trần Huynh, Phạm Miễn, Võ Như Dân. Những chứng tích lịch sử về việc thực thi chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa còn được lưu truyền trong dân gian khá sâu đậm. Khi nhà vua cử các đội đi Hoàng Sa, đã biết rằng cuộc ra đi vô cùng khó khăn, nên đã cho mỗi người lính mang theo một đôi chiếu, 7 đòn tre, 7 sợi dây lạt và một tấm thẻ Bài có khắc tên họ, bản quán để phòng xa, nếu chẳng may hy sinh thì đồng đội sẽ bỏ xác vào chiếu thả trôi trên biển. Trước khi lên đường, thường là vào tháng Hai Âm lịch, thì làm lễ gọi là “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa”. Đồng thời làm những “ngôi mộ gió”, nơi chôn những hình nhân tượng trưng cho những người lính hy sinh ở Hoàng Sa. Một trong những người lính đó là Anh hùng Phạm Hữu Nhật cách đây hơn 170 năm đã có bia mộ trên triền núi ở Lý Sơn “Phục vị vong Cao Bình Quận Phạm Hữu Nhật thần hồn chi linh vị. Sanh Giáp Tý (1804), Giáp Dần (1854) tôn diệt phong tự”. Như vậy là cách đây hơn 3 thế kỷ, ông cha ta đã xác lập và thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa, những việc đó được ghi trong cả sách của ta, của quốc tế và ngay cả của Trung Quốc. Ông cha chúng ta cũng đã biết cắm mốc, đo đạc, vẽ bản đồ xây miếu, đào giếng, trồng cây, xây trạm dự báo thời tiết, và hàng năm cử người ra để kiểm tra và thu hồi sản vật trên vùng đất mà nước mình quản lý. Cho đến nay, hầu như cả thế giới đều biết rằng, vào năm 1956, khi người Pháp rút, bàn giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa, lợi dụng lúc đó, Trung Quốc đã đưa quân đánh chiếm đảo Phú Lâm phía Đông Hoàng Sa, quân đội Sài Gòn phải chạy về đóng tại phía Tây Hoàng Sa. Ngày 20/1/1974, lợi dụng quân đội Sài Gòn đang thua trận (do Mỹ đã rút khỏi Việt Nam), Trung Quốc đưa quân đánh chiếm nốt phía Tây để chiếm toàn bộ Hoàng Sa của Việt Nam. Trong trận chiến đó Trung Quốc bị cháy và hỏng 2 chiến hạm, 2 tàu chiến. Quân đội Sài Gòn bị cháy 2 tàu, hỏng 2 tàu, 18 người chết, 43 người bị thương, 175 người mất tích. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam hàng vài thế kỷ. Trung Quốc dùng bạo lực quân sự để đánh chiếm và xâm phạm. Thế hệ trẻ hiện nay cần phải nắm chắc những cơ sở pháp lý, khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ, để củng cố quyết tâm cho các thế hệ người Việt Nam kiên quyết đấu tranh để bảo vệ Trường Sa và đòi lại chủ quyền của chúng ta ở Hoàng Sa. Cũng cần làm cho nhân loại tiến bộ hiểu rõ sự thật, đưa vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam thành nội dung đấu tranh ở Liên hiệp quốc, trong dư luận bảo đảm sự công bằng của công pháp quốc tế. Các sách và tài liệu tham khảo: - Sự thật về quan hệ Việt Nam, Trung Quốc trong 30 năm qua; NXB Sự thật, 1979. - Sự thật về những lần xuất quân của Trung Quốc và quan hệ Việt - Trung; NXB Đà Nẵng, 1996. - Bạch thư về Hoàng Sa và Trường Sa của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa, công bố ngày 14/2/1975. - Những điều cần biết về Biển và Đảo Việt Nam; Ban Tư tưởng văn hoá Trung ương. - Bài nghiên cứu của các tác giả: Dương Trung Quốc, Lam Điền, Hãn Nguyên Nguyên Nhã, Hoàng Mai Anh, Đặng Trung Hội, Mai Hạnh, Nguyễn Nhã, Nguyễn Việt Hùng, Nguyễn Hồng Thao, Hoàng Trọng Lập, Đức Huy. Đại tá Nguyễn Huy Toàn(Dantri) 1 person likes this Share this post Link to post Share on other sites
Posted 14 Tháng 6, 2011 TÔI ĐƯA TOPIC NÀY VÀO MỤC CHÚ Ý Share this post Link to post Share on other sites
Posted 17 Tháng 6, 2011 Bằng chứng lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa Tác giả: Nguyễn Quang Ngọc Bài đã được xuất bản.: 1 giờ trước Cuốn sách xưa nhất và ghi chép khá đầy đủ và cụ thể về các đội Hoàng Sa, Bắc Hải là Phủ biên tạp lục của nhà bác học Lê Quý Đôn viết vào năm 1776. Việt Nam có bờ biển dài, với vùng biển rộng. Biển và đảo suốt tiến trình lịch sử luôn luôn giữ vị trí trọng yếu trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Từ thời kỳ tiền sử cho đến ngày nay, con người ở các vùng nội địa Việt Nam liên tục tiến ra chiếm lĩnh, khai phá, sinh cơ lập nghiệp trên các đảo, quần đảo. Bắt đầu từ các thời Lý - Trần - Lê, Biển Đông đã trở thành chiến lược phát triển của quốc gia Đại Việt. Con đường mở mang bờ cõi xuống phía nam của dân tộc Việt Nam cũng đồng thời là con đường tiến ra chiếm lĩnh biển, đảo. Đây chính là cơ sở hết sức quan trọng, một bước chuẩn bị thiết yếu để trong bối cảnh lịch sử mới, các chính quyền Đàng Trong đã thực hiện được kỳ tích tuyệt vời là xác lập và thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa. 1. TỔ CHỨC CÁC ĐỘI HOÀNG SA VÀ BẮC HẢI, HÌNH THỨC ĐỘC ĐÁO DUY NHẤT CỦA QUÁ TRÌNH XÁC LẬP VÀ THỰC THI CHỦ QUYỀN TRÊN CÁC VÙNG QUẦN ĐẢO NGOÀI BIỂN ĐÔNG TRONG CÁC THẾ KỶ XVII-XVIII Cuốn sách xưa nhất và ghi chép khá đầy đủ và cụ thể về các đội Hoàng Sa, Bắc Hải là Phủ biên tạp lụccủa nhà bác học Lê Quý Đôn viết vào năm 1776. Sách chép: "Phủ Quảng Ngãi ở ngoài cửa biển xã An Vĩnh huyện Bình Sơn có núi gọi là Cù Lao Ré...; phía ngoài nữa lại có đảo Đại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật và những hoá vật của tàu, lập đội Hoàng Sa để lấy, đi 3 ngày 3 đêm thì mới đến, là chỗ gần xứ Bắc Hải.... Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đây tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hoá vật của tàu, như là gươm, ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong, mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về... Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản... Tôi đã từng thấy một đạo công văn của quan chính đường huyện Văn Xương Quỳnh Châu gửi cho Thuận Hoá nói rằng: năm Kiền Long thứ 18 (1753) có 10 tên quân nhân xã An Vĩnh đội Cát Liềm (Cát Vàng?) huyện Chương Nghĩa phủ Quảng Ngãi nước An Nam ngày tháng 7 đến Vạn Lý Trường Sa tìm kiếm các thứ, có 8 tên lên bờ tìm kiếm, chỉ để 2 tên giữ thuyền, bị gió đứt dây thuyền, giạt vào Thanh Lan cảng, quan ở đấy xét thực, đưa trả về nguyên quán. Nguyễn Phúc Chu (Nguyễn Phúc Khoát?) sai cai bạ Thuận Hoá là Thức Lượng hầu làm thư trả lời" [1]. Như vậy, thông qua một hệ thống các tư liệu gốc, khách quan, xác thực và có giá trị sử liệu cao, Lê Quý Đôn đã giớí thiệu tương đối đầy đủ vị trí, đặc điểm tự nhiên của Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như cơ cấu tổ chức, chức năng và hoạt động của hai đội Hoàng Sa, Bắc Hải. Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789) là bộ chính sử do Quốc sử viện thời Lê Trịnh biên soạn, trong đó đoạn ghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa trên căn bản không khác ghi chép của Lê Quý Đôn. Ý nghĩa củaĐại Việt sử ký tục biên chính là nó đã biến ghi chép khoa học, khách quan của Lê Quý Đôn thành một nội dung của bộ Quốc sử, chuyển tinh thần cơ bản của bản chép tay của Lê Quý Đôn thành bản khắc in chính thức trên danh nghĩa quốc gia. Đại Nam thực lục Tiền biên là phần đầu bộ chính sử của triều Nguyễn được khởi soạn năm 1821, hoàn thành và khắc in năm 1844, có đoạn mô tả Vạn Lý Trường Sa và các đội Hoàng Sa, Bắc Hải không khácPhủ Biên tạp lục và Đại Việt sử ký tục biên. Toản tập An Nam lộ của Đỗ Bá Công Đạo soạn năm 1686, phần bản đồ phủ Thăng Hoa và phủ Quảng Ngãi phía ngoài biển có vẽ Bãi Cát Vàng và ghi chú rõ mỗi năm đến tháng cuối đông Chúa Nguyễn đưa 18 chiếc thuyền đến đó nhặt vàng bạc. Khoảng một thập kỷ sau, vị Hoà thượng Trung Quốc Thích Đại Sán sau khi sang Đàng Trong, trên đường trở về nước đã mô tả khá chi tiết về bãi cát Vạn Lý Trường Sa và cho biết: "các Quốc vương [Chúa Nguyễn] thời trước hàng năm sai thuyền đánh cá đi dọc theo các bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền hư hỏng dạt vào"[2]. Thật ra từ thế kỷ XVI trở về trước, các nhà hằng hải phương Tây đã có nhiều ghi chép và bản đồ xác định vùng quần đảo giữa Biển Đông là Baixos de Chapar (Bãi đá ngầm Chămpa) hay Pulo Capaa (Đảo của Chămpa)[3] và đoạn bờ biển tương đương với khu vực từ cửa biển Đại Chiêm (Quảng Nam) đến cửa biển Sa Kỳ (Quảng Ngãi) được gọi là Costa da Pracel (Bờ biển Hoàng Sa)[4]. Như thế từ rất lâu đời các nhà hằng hải phương Tây đã coi các quần đảo giữa Biển Đông có quan hệ hữu cơ với vùng bờ biển Đàng Trong. Bước sang thế kỷ XVII, số lượng tầu thuyền của người phương Tây đi đến vùng biển này thường xuyên hơn và nhận thức của họ về các quần đảo giữa Biển Đông cũng phong phú và chính xác hơn. Nhiều tư liệu chép đến các vụ đắm tầu ở Paracel được người Đàng Trong ra tận nơi cứu hộ rồi đưa các nạn nhân về Quảng Nam. Chính quyền Đàng Trong đã dành cho mình quyền giải quyết hậu quả và xử lý các hàng hoá tiền bạc trên các tầu bị đắm ở Hoàng Sa. Chính vì thế mà vào năm 1701, các giáo sĩ người Pháp trên tầu Amphitrite khẳng định: "Paracel là một quần đảo thuộc về vương quốc An Nam"[5]. Như thế các tư liệu đương đại của cả Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây thế kỷ XVII đều chép rất cụ thể, rõ ràng và thống nhất về sự hiện diện của đội Hoàng Sa. Tuy nhiên cũng cần phải xác định rõ trong thế kỷ XVII, đội Hoàng Sa được đề cập đến sớm nhất vào thời điểm nào và trong nguồn sử liệu nào? Sử sách nhà Nguyễn đều chép thống nhất đội Hoàng Sa được tổ chức ngay từ thuở quốc sơ,tức là từ thời các Chúa Nguyễn đầu tiên. Tuy nhiên sách cũng không xác định rõ là Nguyễn Hoàng hay Nguyễn Phúc Nguyên hoặc Nguyễn Phúc Lan...? Tại nhà thờ họ Võ, phường An Vĩnh (thôn Tây xã Lý Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) còn giữ được tờ đơn đề ngày 15/Giêng/1775, do Hà Liễu là Cai hợp phường Cù Lao Ré xã An Vĩnh đứng tên xin chấn chỉnh lại đội Hoàng Sa. Đơn cho biết: "Nguyên xã chúng tôi xưa có hai đội Hoàng Sa và Quế Hương. Vào năm Tân Mùi (1631), Đốc chiến là Võ Hệ đã đệ đơn xin tâu được lập hai đội nữa là đội Đại Mạo Hải Ba và đội Quế Hương Hàm với số đinh 30 người...". Tư liệu cho phép suy đoán lúc đầu chúa Nguyễn chỉ cho tổ chức một đội Hoàng Sa 70 suất, sau lập thêm đội Quế Hương và đến năm 1631 lại có thêm hai đội Đại Mạo Hải Ba và Quế Hương Hàm 30 suất nữa.Năm 1636, nguời Hà Lan đã đuợc phép mở một thuơng điếm ở Hội An, dưới quyền điều hành của Abraham Duijcker. Ngày 6-3, tại Hội An chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan đã tiếp Duijcker và nhân đó, Duijcker khiếu nại việc "chiếc tàu mang tên Grootenbroeck bị đắm ở ngoài khơi bãi cát Paracels, đoàn thuỷ thủ đã được các người Việt xứ Đàng Trong cứu giúp, nhưng đồng thời cũng lấy đi tổng số tiền là 25.580 réaux". Ông có nhiệm vụ xin được bồi hoàn số tiền đó. Chúa Nguyễn Phúc Lan cho rằng "những việc đó đã được xảy ra từ thời chúa trước (tức chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên), không nên đề cập đến nữa, ngược lại, người Hà Lan từ nay sẽ được hoàn toàn tự do mang hàng hoá đến buôn bán, được miễn thuế, vả lại, sau này nếu có tàu Hà Lan bị đắm ở ngoài khơi thì sẽ không có chuyện tịch thu hàng hoá được cứu hộ nữa". Phải chăng những người Việt cứu giúp tầu Grootenbroeck bị đắm ở Hoàng Sa nói trên chính là người của đội Hoàng Sa, và như vậy càng có cơ sở để khẳng định đội Hoàng Sa chí ít đã xuất hiện từ đầu những năm 30 của thế kỷ XVII, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635). Bước sang thế kỷ XVIII, hoạt động chủ quyền của chúa Nguyễn ở các vùng quần đảo giữa biển Đông càng trở nên nhộn nhịp thu hút sự chú ý nhiều người trong nước và nước ngoài. Tư liệu về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, bên cạnh các tài liệu chính thức của nhà nước, của các địa phương còn có những ghi chép của các thương nhân, giáo sĩ, các nhà quân sự, các phái bộ ngoại giao nước ngoài và các học giả trong ngoài và nước. Cũng đúng vào năm 1776 khi Lê Quý Đôn viết sách Phủ biên tạp lục khảo tả rất cụ thể về vị trí, đặc điểm tự nhiên của Hoàng Sa, cũng như cơ cấu tổ chức, chức năng và hoạt động của đội Hoàng Sa, thì ở quê hương của đội Hoàng Sa, dân phường Cù Lao Ré làm đơn nói rõ đội Hoàng Sa đã có lịch sử lâu đời và bên cạnh chức năng thu lượm hoá vật, hải vật còn có nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ an toàn vùng biển đảo: "Nguyên xã chúng tôi từ xưa đã có hai đội Hoàng Sa và Quế Hương... Bây giờ chúng tôi lập hai đội Hoàng Sa và Quế Hương như cũ gồm dân ngoại tịch, được bao nhiêu xin làm sổ sách dâng nạp, vượt thuyền ra các đảo, cù lao ngoài biển tìm nhặt các vật hạng đồng thiếc, hải ba, đồi mồi được bao nhiêu dâng nạp. Nếu như có tờ truyền báo xảy ra chinh chiến, chúng tôi xin vững lòng ứng chiến với kẻ xâm phạm. Xong việc rồi chúng tôi lại xin tờ sai ra tìm báu vật cùng thuế quan đem phụng nạp..."[6]. Không chỉ thống nhất với các nguồn tư liệu chính thức của Nhà nước mà nguồn tư liệu này còn gắn liền với các di tích và truyền thuyết ở địa phương như miếu Hoàng Sa, những bến bãi đội Hoàng Sa xuất phát, thậm chí cả những ngôi mộ giả, những nghĩa địa giả với những nghi lễ hết sức đặc biệt của làng quê đưa tiễn những người con quả cảm của mình đi làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, Trường Sa, nguyện dấn thân vào cõi chết vì một vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc: "Hoàng Sa đi có về không; Lệnh vua sai phái quyết lòng ra đi". Nguồn: Báo Giác Ngộ 2. TRIỂN KHAI HÀNG LOẠT CÁC HÌNH THỨC THỰC THI CHỦ QUYỀN Ở CẢ HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA TRONG GẦN TRỌN THẾ KỶ XIX Dưới thời Nguyễn, những ghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa phong phú, đa dạng với nhiều thông tin cụ thể trên cả hai khu vực tài liệu chính thức của vương triều và tài liệu của các học giả.Bộ sách đồ sộ và có nhiều thông tin hơn cả về Hoàng Sa, Trường Sa là bộ Đại Nam thực lục Chính biên. Trong hai thập kỷ đầu thế kỷ XIX, vua Gia Long đã nhiều lần quan tâm đến việc kiểm tra, kiểm soát Hoàng Sa được sách ghi lại như: "sai mộ dân ngoại tịch lập làm đôi Hoàng Sa" năm 1803; "sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển" năm 1815 và năm 1816; nhận địa đồ đảo Hoàng Sa từ thuyền Mã Cao năm 1817... Nhưng hoạt động thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đã phát triển lên trình độ cao hơn dưới thời trị vì của vua Minh Mệnh. Năm 1833, ông lập kế hoạch phái người ra Hoàng Sa dựng miếu, lập bia và trồng cây. Các năm 1834, 1835, ông cho người ra dựng miếu, đền thờ thần, lập bia đá và xây bình phong ở khu vực toà miếu cổ. Năm 1836, ông quyết định hàng năm phái người ra Hoàng Sa xem xét, đo vẽ tỉ mỉ và lập thành bản đồ các đảo, hòn, bãi cát. Khi ra đo đạc ngoài Hoàng Sa đội thuỷ quân Phạm Hữu Nhật đã mang theo 10 bài gỗ, trên mặt khắc dòng chữ "Minh Mệnh thứ 17, năm Bính Thân, thuỷ quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ". Liên tục từ năm 1834 đến năm 1839 vua Minh Mệnh thưởng công cho những người đi vẽ bản đồ ở ngoài đảo Hoàng Sa về. Đối với những người không may gặp gió bão ngoài biển mà bảo toàn tính mạng trở về cũng có thưởng; còn những người không hoàn thành nhiệm vụ tuần phòng ngoài biển thì bị phạt nặng...Bên cạnh Đại Nam thực lục Chính biên, dưới thời Minh Mệnh, Quốc sử quán còn được giao nhiệm vụ biên soan bộ Minh Mệnh chính yếu, trong đó quyển 25 có chép nhiều vụ tầu đắm ở ngoài Biển Đông, trôi dạt vào bờ đã được cứu giúp chu đáo. Chẳng hạn vào năm 1836 thuyền buôn nước Anh gặp gió bão ở Hoàng Sa, tạm ghé vào hải phận tỉnh Bình Định, đã được nhà vua "sai quan tỉnh tuyên cáo chỉ dụ của triều đình cho họ nghe, đồng thời mở cuộc phát chẩn...". Điều này không chỉ nói lên lòng nhân đạo cao cả của người Việt, mà quan trọng hơn chính là nghĩa vụ, trách nhiệm cứu hộ trên biển của Nhà nước và cư dân Việt Nam với tư cách là chủ nhân của vùng biển đảo này.Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ là bộ sách do triều thần nhà Nguyễn vâng mệnh vua ghi chép những việc làm của triều đình thuộc lục bộ về điển chương, pháp luật.... được hoàn thành trong khoảng thời gian từ năm 1843 đến năm 1851. Trong sách có đoạn chép về việc lập miếu, dựng bia, trồng cây ở Hoàng Sa và khảo sát, đo vẽ bản đồ toàn bộ khu vực, về cơ bản không khác so với Đại Nam thực lục Chính biên. Quốc triều chính biên toát yếu là bộ sử trích các phần quan yếu của Đại Nam thực lục Chính biên, trong đó quyển III có các đoạn chép về việc xây miếu và dựng bia, đo vẽ bản đồ và việc cứu hộ tầu Anh bị mắc cạn ghé vào bãi biển Bình Định. Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú là bộ bách khoa thư lớn nhất của thế kỷ XIX, được hoàn thành vào năm 1821 có phần Dư địa chí chép về bãi Hoàng Sa và đội Hoàng Sa cũng giống như Phủ biên tạp lục. Việt sử cương giám khảo lược là bộ sách địa lý lịch sử của Nguyễn Thông chép về Vạn Lý Trường Sa ngoài những đặc điểm địa lý, tự nhiên và dấu tích của người Việt Nam trên đảo Hoàng Sa, ông còn nói khá cụ thể về đội Hoàng Sa như việc tuyển đinh tráng các xã An Vĩnh, An Hải, thời gian tồn tại của đội Hoàng Sa... Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán thời Tự Đức biên soạn từ năm 1865 đến năm 1882. Hoàng Sa, Trường Sa được giới thiệu trong quyển 8 (tỉnh Quảng Ngãi) phỏng theo Phủ biên tạp lục và những tư liệu tập hợp được trong Đại Nam thực lục. Riêng đoạn cuối sách cung cấp thêm: "Năm Minh Mệnh thứ 16, sai thuyền công chở gạch đá đến đây xây đền, dựng bia đá ở phía tả đền để ghi dấu và tra hột các thứ cây ở ba mặt tả hữu và sau. Binh phu đắp nền miếu đào được lá đồng và gang sắt có đến hơn 2000 cân".Nhiều công trình chuyên khảo hay những ghi chép khách quan của các quan chức, học giả đương thời khác cũng cung cấp thêm những thông tin có giá trị. Sử học bị khảo của Đặng Xuân Bảng cũng chép "đảo Hoàng Sa (ở giữa bể, thuộc huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), dài rộng vài nghìn dặm). "Bài thơ Vọng kiến Vạn Lý Trường Sa của Lý Văn Phức có một đoạn chú dài viết khá cụ thể về khu vực biển đảo mà chính tác giả suýt mắc nạn. Theo nguồn tài liệu này thì ngay từ đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn đã từng thuê các thuỷ thủ dày dạn kinh nghiệm và các phương tiện kỹ thuật hiện đại của phương Tây trực tiếp dẫn dắt một số con thuyền vượt Biển Đông. Điều này cũng góp phần giải thích bản đồ khu vực biển đảo của Việt Nam tuy vẫn giữ phong cách vẽ truyền thống, nhưng đã sớm cập nhật những thông tin mới và độ chính xác cao của bản đồ hằng hải các nước phương Tây đương đại. Cũng thuộc nguồn tài liệu thư tịch và có giá trị cao để khẳng định quá trình các Nhà nước Việt Nam dưới thời Nguyễn thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa là các Châu bản triều Nguyễn. Qua nghiên cứu khảo sát 144 tập của hai triều Minh Mệnh và Thiệu Trị, chúng tôi tìm ra được một số tư liệu là bằng chứng rõ ràng về quá trình thực thi chủ quyền của các nhà nước phong kiến Việt Nam ở hai quần đảo này như bản dụ của vua Minh Mệnh (13/7/1835 và 13/7/1837) về các đoàn đi công vụ ở Hoàng Sa; các bản tấu của Thủ ngự Đà Nẵng về việc thuyền của Pháp mắc cạn ở Hoàng Sa (21/6/1830); các bản tấu của Bộ Công về việc phạt những người đi Hoàng Sa không lập xong bản đồ (13/7/1837), về việc phái đoàn công vụ lên đường ra Hoàng Sa nhưng do gặp gió lớn mà không xuất phát được... Đặc biệt có tờ tấu của Bộ Công (21/6 /1838) cho biết đoàn khảo sát Hoàng sa trở về báo cáo đã đến được 25 đảo (trong 3 sở), còn 1 sở hơi xa lại gặp gió lớn nên chưa tới được... Dưới thời Nguyễn bên cạnh việc triển khai đo vẽ thực tế ở Hoàng Sa, Trường Sa là việc nhà nước cho hoàn thành nhiều bộ bản đồ quan trọng, trong đó tiêu biểu nhất là Đại Nam nhất thống toàn đồ hoàn thành trong khoảng từ năm 1838 đến năm 1840 dưới thời vua Minh Mệnh. Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong bản đồ được vẽ chung thành một cụm hình lưỡi dao kéo dài gồm khoảng ba chục đảo lớn, trong đó Hoàng Sa ở phía cực bắc được nối liền với Vạn Lý Trường Sa (tức Trường Sa) ở phía nam trong một chuỗi các đảo chưa có dấu hiệu phân tách. Thật ra vào năm 1830 cũng đã xuất hiện tấm Bản đồ vẽ theo phong cách này, nhưng đang còn ở dạng bản thảo và sau này thời Thiệu Trị có Đại Nam toàn đồ, dưới thời Tự Đức có Đại Nam nhất thống toàn đồ (Nam Bắc kỳ hội đồ) là sự tiếp nối của phong cách vẽ bản đồ hiện đại.Xuất hiện trước và sau Đại Nam nhất thống toàn đồ có khá nhiều bản đồ khác vẽ Hoàng Sa, Trường Sa vẫn theo phương pháp tryền thống như Nam Việt bản đồ, Thiên tải nhàn đàm, An Nam dư địa chí, Khải đồng thuyết ước, Nam Việt địa dư trích lục, Nam Việt địa đồ cựu lục... Các bản đồ này tuy không cung cấp thông tin mới, nhưng lại xác nhận một thực tế là suốt trong thế kỷ XIX, Hoàng Sa, Trường Sa đã được đưa vào sách giáo khoa dạy cho học sinh hay dùng làm sách phổ biến kiến thức để mọi người dân Việt Nam ghi nhớ phần lãnh thổ không thể tách rời của nước Việt Nam thống nhất. Ngay từ khi mới bắt đầu thiết lập Vương triều, Nguyễn Ánh tiếp tục công cuộc thám sát và phòng thủ biển nhằm củng cố chính quyền. Một người Pháp trở thành một đại thần trong triều là Jean Baptiste Chaigneau (1769-1825) trong khi làm quan ở Huế xác nhận: "Xứ Đàng Trong mà Quốc vương ngày nay mang danh hiệu Hoàng đế bao gồm xứ Nam Hà theo đúng nghĩa của nó, xứ Bắc Hà, một phần vương quốc của Cao Miên, một vài đảo có người ở không xa bờ biển và quần đảo Hoàng Sa, gồm có những đảo nhỏ, bãi đá ngầm và mỏm đá không người ở. Chỉ đến năm 1816 thì nhà vua hiện nay mới chiếm hữu được quần đảo này". Các tác giả phương Tây lúc đó, trong các tác phẩm của mình, cũng đều công nhận chủ quyền pháp lý của các vua nhà Nguyễn đối với quần đảo Hoàng Sa. Giám mục Jean Louis Taberd người Pháp, người nhiều năm truyền giáo ở Đàng Trong cho rằng: "Quần đảo Pracel... Vào năm 1816, nhà vua đã tới long trọng cắm lá cờ của mình và đã chính thức giữ chủ quyền ở các bãi đá này, mà chắc là sẽ không có một ai sẽ tìm cách tranh giành với ông ta". Ông còn cho xuất bản cuốn Từ điển La Tinh An Nam và kèm theo tấm bản đồ An Nam đại quốc hoạ đồ, trong đó ở khoảng vĩ tuyến 170 bắc và kinh tuyến 1100 đông, bản đồ có vẽ một cụm các đảo nhỏ với dòng chữ ghi chú: Paracel Seu Cát Vàng.Tiến sĩ Gutzlaff, hội viên của Hội địa lý Hoàng gia Luân Đôn, biên soạn cuốn sách Geography of the Cochinchinese Empire cho biết: "Chính phủ An Nam nhận thấy lợi ích có thể đem lại được nếu như dựng lên một ngạch quan thuế và đã duy trì những thuyền đánh thuế và một đội quân nhỏ đồn trú ở tại chỗ để thu thuế đối với tất cả những ai đến đó, và để bảo vệ những dân chài của nước họ". Năm 1850, M. A Dubois de Jancigny, cựu đại uý, phái viên của Chính phủ Pháp ở Trung Quốc và Đông Dương đã viết sách nói rõ: "Chúng tôi chỉ muốn nhận xét rằng đã từ 34 năm nay, (tức là từ 1816 đến 1850), quần đảo Paracels (mà những người An Nam gọi là Cát Vàng), thật là một chốn mê cung chằng chịt những hòn đảo nhỏ, đá ngầm và bãi cát thật sự đã làm những người đi biển kinh hãi và chỉ có thể kể đến trong số những địa điểm hoang vu cằn cỗi nhất của địa cầu, quần đảo do đã bị các người xứ Đàng Trong chiếm giữ. Chúng tôi không rõ họ đã có đặt một cơ sở nào không (có thể với mục đích là bảo vệ công việc đánh cá), nhưng chắc chắn rằng nhà vua Gia Long đã chủ tâm đính thêm đoá hoa độc nhất vô nhị đó vào chiếc vương miện của ông, bởi vì ông đã xét thấy cần thiết phải đi tới việc đích thân chiếm giữ lấy quần đảo đó, và chính vì thế mà năm 1816 ông đã long trọng kéo lá cờ xứ Đàng Trong lên mảnh đất đó". Trong những thập kỷ cuối thế kỷ XIX, khi Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, triều đình Tự Đức không còn đủ sức chống lại đã lần lượt để mất chủ quyền về tay Thực dân Pháp, trong đó có cả chủ quyền các vùng biển đảo. Tuy nhiên vùng đất máu thịt của tổ tông vẫn là niềm thôi thúc các thế hệ con dân đất Việt đấu tranh đến cùng để giành lại chủ quyền bằng mọi giá. Tư liệu về nguồn gốc, chức năng và hoạt động của các đội Hoàng Sa và Bắc Hải (trong đó đặc biệt là đội Hoàng Sa) càng ngày càng được tập hợp phong phú hơn, đa dạng hơn. Chúng ta không chỉ biết về các đội Hoàng Sa Bắc Hải trong chủ trương thành lập và chỉ đạo hoạt động của các chúa Nguyễn, của vương triều Tây Sơn và các vua nhà Nguyễn, mà còn biết khá cụ thể các chủ trương ấy đã được chính quyền và nhân dân các địa phương tự giác chấp hành và thực hiện một cách đầy đủ và hết sức nghiêm chỉnh. Đây không chỉ dừng lại ở những văn bản chính thức của Nhà nước và những hoạt động phong phú đa dạng ở các địa phương, mà còn được tập hợp trong những ghi chép của các học giả, các nhà chức trách Việt Nam, các thương nhân và giáo sĩ phương Tây, thậm chí đến cả nhà sư Trung Quốc đương đại, những người đã thông qua quan sát trực tiếp hay khảo cứu công phu từ những văn bản gốc về hoạt động của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải mà ghi chép lại một cách khách quan, trung thực. Tất nhiên các đội Hoàng Sa và Bắc Hải với chức năng chủ yếu là bảo vệ và khai thác các vùng quần đảo xa giữa Biển Đông, cũng có lúc thiên về công việc khai thác, cũng có lúc thiên về công việc bảo vệ, nhưng dù là thiên về chức năng nào thì cũng không thể thay thế được các đội Thuỷ quân. Vì thế trong lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, có những lúc hoạt động của đội Hoàng Sa rất nổi bật, nhưng cũng có những lúc bị lu mờ, thậm chí có khi bị ghép chung vào công việc của đôi Thuỷ quân. Chúng ta từng biết có triều đình đã từng quyết định bãi bỏ đội Hoàng Sa và chuyển công việc của đội Hoàng Sa cho đội Thuỷ quân, nhưng ngay sau đó họ lại phải tính chuyện tái lập trở lại... Các đội Hoàng Sa, Bắc Hải dù hoạt động độc lập hay phụ thuộc vào đội Thuỷ quân, thậm chí có là hoạt động dưới danh nghĩa của đội Thuỷ quân đi nữa, thì cứ vẫn là một tổ chức độc đáo của các Nhà nước Việt Nam thế kỷ XVII, XVIII, XIX trong chủ trương khẳng định chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa mà không có bất cứ một quốc gia nào trong khu vực có được. Đến giữa thế kỷ XIX trước cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, mặc dù dân các đảo Lý Sơn, Phú Quý, các xã An Vĩnh, An Hải, Bình An... vẫn tiếp tục đi ra Hoàng Sa, Trường Sa thu lượm hoá vật, hải sản dâng nộp cho triều đình Huế - nghĩa là vẫn thực hiện một chức năng của đội Hoàng Sa, Bắc Hải xưa, nhưng chức năng bảo vệ biển đảo đã chuyển hẳn cho các đội Thủy quân. Đến khi triều đình Huế thất thủ, không còn khả năng tổ chức lại quân đội, củng cố các đội Thuỷ quân để bảo vệ trực tiếp kinh thành Huế, thì đương nhiên họ cũng không còn khả năng khôi phục hoạt động của đội Hoàng Sa, Bắc Hải nữa. Sự chấm dứt hoạt động của đội Hoàng Sa, Bắc Hải tuyệt nhiên không phải là do Nhà nước phong kiến Việt Nam từ bỏ chủ quyền của mình trên các vùng quần đảo giữa Biển Đông. Tư liệu cho biết các Nhà nước Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa dưới các hình thức và biện pháp khác nhau như vãng thám kiểm tra kiểm soát, khai thác các hoá vật và hải sản, tổ chức thu thuế và cứu hộ tàu bị nạn, khảo sát, đo vẽ bản đồ, dựng miếu thờ, lập bia chủ quyền, dựng bài gỗ lưu dấu để ghi nhớ, trồng cây để cho người qua lại dễ nhận biết... Lực lượng ra làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, Trường Sa không chỉ có các đội Hoàng Sa, Bắc Hải, các đội Thuỷ quân, biền binh, vệ giám thành mà cả binh đinh, dân phu. Mỗi chuyến đi ra Hoàng Sa Trường Sa đều phải có quyết định của Nhà nước dưới hình thức "tờ sai để thi hành công vụ" và nhiều khi chính nhà vua trực tiếp chỉ đạo việc quyết định cho thuyền ra khơi hay tạm dừng lại. Sau khi kết thúc công việc họ phải chạy thuyền thẳng về Kinh đô để báo cáo tình hình, khai nộp hoá vật, hải vật. Nhà vua thông qua Bộ Công để kiểm tra, đánh giá và tuỳ mức độ đóng góp hay vi phạm mà luận công hay định tội, thưởng phạt công minh. Những người hoàn thành nhiệm vụ đều được Nhà nước cấp bằng xác nhận. Công việc ở Hoàng Sa và Trường Sa là vô cùng gian nan nguy hiểm, nhiều trường hợp có đi mà không có về. Thậm chí có khi người ta phải làm lễ truy điệu sống, làm đám tang trước để an ủi người đi. Ý thức được đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm với quê hương đất nước, nhiều người thản nhiên đi vào cái chết, tự giác coi đó là lẽ sống của chính mình. Trang lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa được viết bằng máu, được đánh đổi bằng cả cuộc đời của lớp lớp những con người như thế. Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa là một trong những trang đẹp nhất, bi hùng nhất của lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ta, mà bất cứ người Việt Nam chân chính nào cũng cần phải biết trân trọng và gìn giữ, không chỉ cho hôm nay, mà còn cho muôn đời sau. ----------- [1] Lê Quý Đôn: Toàn tập (Phủ Biên tạp lục), T.1, Bản dịch Nxb KHXH, Hà Nội, 1977, tr 116. [2] Thích Đại Sán: Hải ngoại kỷ sự, Viện Đại học Huế tr.125. [3] Bản đồ Thế giới của Mercator xuất bản tại Amsterdam (Hà Lan) 1606, in lại trong cuốn Asia in Maps from Ancient time to the Mid-19th Century, Lepzig, 1989. [4] Bản đồ Bartholomeu Lasso vẽ năm 1590 và 1592-1594, in trong cuốn sách Les Portugains sur les côtes du Vietnam et du Cămpa của P.Y.Manguin, Paris, 1972; Bản đồ Van Langren 1598, in trong cuốnIconographie Historique de l'Indochine của P.Boudet và A.Masson, Paris, 1931. [5] Jean.Yves Clayes: Journal de Voyage aux Paracels (Indochine No 45, 1941, tr.7). [6] Đơn của phường Cù Lao Ré xã An Vĩnh ngày 15 tháng Giêng năm 1776 (lưu tại nhà thờ họ Võ thôn Tây xã Lý Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Theo Tạp chí Xưa và nay 3 people like this Share this post Link to post Share on other sites
Posted 22 Tháng 6, 2011 Phát hiện sách triều Nguyễn dạy về Hoàng Sa Cập nhật lúc 22/06/2011 02:13:13 PM (GMT+7) Trong quyển Khải đồng thuyết ước (sách giáo khoa dưới triều Nguyễn) có miêu tả chi tiết về quần đảo Hoàng Sa. Quyển sách này vừa được ông Trần Văn Quyến (giảng viên khoa Xã hội và Nhân văn ĐH Phú Xuân Huế, người chuyên nghiên cứu về Hoàng Sa - Trường Sa) công bố như một minh chứng cho chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Quyển sách bằng chữ Hán có vẽ bản đồ về quần đảo Hoàng Sa (vùng được khoanh đỏ). (Ảnh do ông Trần Văn Quyến cung cấp) Theo ông Quyến, sách được in từ thời Tự Đức (1853) dạy nhiều môn, từ thiên văn, địa lý, rồi đến nhân sự cho trẻ em học vỡ lòng. Sách được in trên ván gỗ, gồm 44 tờ, mỗi tờ hai trang, mỗi trang có sáu dòng, mỗi dòng có 16 chữ. Đặc biệt, trang 15-16 có vẽ bản đồ Việt Nam với tên gọi là “Bản quốc địa đồ”, trong đó miêu tả chi tiết về quần đảo Hoàng Sa. Phần Hoàng Sa Chữ (có nghĩa là bãi, quần đảo Hoàng Sa) nằm ngoài phần đất liền, đối diện với Thừa Thiên và Quảng Nam. (Theo PL TP HCM) 3 people like this Share this post Link to post Share on other sites
Posted 26 Tháng 6, 2011 Quần đảo Hoàng Sa trong sách Đại Nam nhất thống chí 26/06/2011 16:49:04 - “Đại Nam nhất thống chí” là sách địa lý chính thức của triều đình nhà Nguyễn do Quốc sử quán biên soạn từ năm 1865 đến 1910. Đây là bộ sách thể hiện được tất cả ranh giới chủ quyền của vương triều Nguyễn cả phần đất liền và hải đảo. Trong bộ sách này đã phản ánh rất rõ ràng về quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi. TIN LIÊN QUAN Nhà Nguyễn cho người vẽ bản đồ Hoàng Sa Triều Nguyễn và việc cho lập Hải đội Hoàng Sa Chuyện nhà Nguyễn thưởng phạt những người đi công cán Hoàng Sa Nhà Nguyễn cứu 90 người Anh bị chìm tàu ngoài Hoàng Sa Đọc mộc bản triều Nguyễn khẳng định chủ quyền Hoàng Sa Sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 6 nói về tỉnh Quảng Ngãi chép: “Phía Đông tỉnh Quảng Ngãi. Trong đảo có bãi cát vàng, liên tiếp kéo dài không biết hàng mấy ngàn dặm, bằng phẳng, rộng rãi tục gọi là “Vạn lý trường sa”, nước rất trong, trên bãi có giếng nước ngọt, chim biển tụ tập không biết cơ man nào. Sản vật nhiều ốc hoa, hải sâm, đồi mồi, vích... Phía tây nam miền sơn man, có lũy dài vững vàng, phía nam liền với tỉnh Bình Định, có đèo Bến Đá chắn ngang, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, có ghềnh Sa Thổ làm giới hạn…”. Quần đảo Hoàng Sa được phản ánh trong sách Đại Nam nhất thống chí. “… Đầu đời vua Gia Long phỏng theo lệ cũ đặt đội Hoàng Sa, sau lại bỏ; đầu đời Minh Mệnh thường sai người đi thuyền công đến đấy thăm dò đường biển, thấy một nơi có cồn cát trắng chu vi 1.070 trượng, cây cối xanh tốt, giữa cồn cát có giếng, phía Tây Nam cồn có nhiều miếu cổ, không rõ dựng từ thời nào, có bia khắc 4 chữ “Vạn Lý Ba Bình” (muôn dặm sóng yên). Cồn cát này xưa gọi là Phật Tự Sơn, phía Đông và phía Tây đảo đều có đá san hô nổi lên một cồn chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 2 thước ngang với cồn cát, gọi là Bàn Than Thạch. Năm Minh Mệnh thứ 16 sai thuyền công chở gạch đá đến đấy xây đền, dựng bia đá ở phần tả đền để ghi dấu và tra hột các thứ cây ở ba mặt tả hữu và sau. Binh phu đắp đền miếu đào được đồng lá và gang sắt có đến hơn 2.000 cân”. Từ việc vương triều Nguyễn đưa Hoàng Sa vào hải phận của một địa phương cụ thể (Quảng Ngãi) cho thấy rằng, Hoàng Sa là phần lãnh thổ thuộc sự cai trị của triều Nguyễn. Không những vậy, hải đội Hoàng Sa còn phải chịu sự quản lý và tuân theo những quy định của vương triều Nguyễn về mặt tổ chức và hoạt động. Khắc Niên – Khắc Lịch 2 people like this Share this post Link to post Share on other sites
Posted 26 Tháng 6, 2011 Chủ quyền biển đảo Việt Nam qua các bản đồ cổ Tác giả: Nguyễn Đình Đầu Bài đã được xuất bản.: 26/06/2011 06:00 GMT+7 Để tìm hiểu bờ biển, Biển Đông, và hải đảo Việt Nam, chúng tôi đã thu thập được một số bản đồ và tư liệu văn bản sau đây. I. Theo tài liệu của các chúa Nguyễn Trong sách Hồng Đức bản đồ có 3 bản đồ liên quan đến bờ biển, Biển Đông và hải đảo: 1. An Nam quốc vẽ toàn thể lãnh thổ Đại Việt về thời Hồng Đức - 1490. 2. Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư gồm nhiều bản đồ, trong có những bản đồ vẽ đường lối đi từ Thăng Long đến nước Chiêm Thành. 3. Bình Nam đồ do Đoan quận công Bùi Thế Đạt vẽ đường lối đi từ Chiêm Thành đến biên giới Cao Miên (1). Những bản đồ trên chưa mô tả đầy đủ bờ biển, biển Đông và các cửa bể toàn quốc vì đây là những bản đồ thực hiện trong giai đoạn lãnh thổ nước ta đang thời kỳ Nam tiến. Tuy nhiên, đã có những chi tiết xác định chính quyền và nhân dân ta đã khai thác và làm chủ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong Phủ biên tạp lục (1777), Lê Quý Đôn viết: "Xã An Vĩnh thuộc huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi ở gần bãi biển. Về hướng Đông Bắc ngoài biển có nhiều đảo và nhiều núi linh tinh hơn 130 đỉnh... ở trong các hòn đảo có bến Cát Vàng... Ngày trước, họ Nguyễn có thiết lập đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở xã An Vĩnh... Họ Nguyễn còn thiết lập thêm đội Bắc Hải ..." (2). An Nam đại quốc họa đồ Hai bản đồ An Nam quốc (Hồng Đức 1490) và Vương quốc An Nam (Regnũ Annam, Alexandre de Rhodes 1650) biểu hiện khá rõ bờ biển, biển Đông và hải đảo Việt Nam đương thời. II. Theo tài liệu của triều Nguyễn Ngày 1 tháng 7 năm Quí Hợi (1803), sử Đại Nam thực lục chính biên ghi: Gia Long "lấy cai cơ Võ Văn Phú làm thủ ngữ của biển Sa Kỳ (Quảng Ngãi), sai mộ dân ngoại tịch làm đội Hoàng Sa" (3). Đầu năm 1815, sử Đại Nam thực lục chính biên ghi: Gia Long "sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển" (4). Cuối tháng 6 năm Đinh Sửu (1817), Gia Long "sai bọn Hữu tham tri bộ Công Nguyễn Đức Huyên và Tả tham tri Đoàn Viết Nguyên làm sách Duyên hải lục, phía nam đến Hà Tiên phía bắc đến Yên Quảng. Phàm các cửa biển, mực nước khi triều lên triều xuống sâu nông thế nào, dặm đường xa gần bao nhiêu, đều phải chép cả. (Bộ sách ấy gồm 2 quyển, chép cả thảy 4 dinh, 15 trấn, 143 cửa biển, dài 5.902 dặm, mỗi dặm là 540 trượng)" (5). Chúng tôi tìm được sách Thông quốc duyên cách hải chử, có nội dung hoàn toàn giống sách Duyên hải lục. Tháng 8 năm Quý Tỵ (1833) sử Đại Nam thực lục chính biên ghi: Vua Minh Mạng "bảo bộ Công rằng: trong hải phận Quảng Ngãi, có 1 dải Hoàng Sa, xa trông trời nước một màu, không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây, thuyền buôn thường bị hại! (mắc cạn) Nay nên dự bị thuyền mành, đến sang năm sẽ phái người tới đó dựng miếu, lập bia và trồng nhiều cây cối" (6). Tháng 3 năm Giáp Ngọ (1834), sử Đại Nam thực lục chính biên ghi: Minh Mạng "sai Giám thành đội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng thuỷ quân hơn 20 người đi thuyền đến đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi vẽ bản đồ...(7). Tháng 6 năm Ất Mùi (1835), sử Đại Nam thực lục chính biên ghi "dựng đền ở đảo Hoàng Sa thuộc Quảng Ngãi. Hoàng Sa ở hải phận Quảng Ngãi, có một chỗ nổi cồn cát trắng, cây cối xanh um, giữa cồn cát có giếng... Năm ngoái, vua (Minh Mạng) toan dựng miếu lập bia ở chỗ ấy, bỗng vì sóng gió không làm được. Đến đây, mới sai cai đội thủy quân là Phạm Văn Nguyên đem lính thợ giám thành cùng phu thuyền 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyển chở vật liệu đến dựng miếu. Bên tả miếu dựng bia đá, phía trước miếu xây bình phong, 10 ngày làm xong rồi về" (8). Hai bản đồ An Nam đại quốc họa đồ (Taberd 1838) và Đại Nam nhất thống toàn đồ (1840) thể hiện khá đầy đủ tình hình bờ biển - biển Đông - hải đảo Việt Nam đương thời. III. Theo tài liệu của Pháp Pháp bắt đầu vẽ bản đồ Việt Nam theo kỹ thuật khoa học hơn cho đúng kinh tuyến và vĩ tuyến. Về phần bờ biển - biển Đông - hải đảo, Pháp trao nhiệm vụ cho hải quân Pháp (Service hydrographique de la Marine) đo đạc và thực hiện các đồ bản. Những bản đồ này ghi cả độ sâu gần khắp biển Đông rộng khoảng 1 triệu km2. Phải kể đó là một kỳ công. Chúng tôi sưu tầm được khoảng 100 bản đồ cỡ 54 x 75cm và 74 x 104cm vẽ rõ bờ biển, biển Đông và hải đảo, kể cả Hoàng Sa và Trường Sa, thực hiện từ 1884 đến 1930. IV. Những bản đồ thế giới có vẽ Việt Nam, Biển Đông với Hoàng Sa - Trường Sa và ghi bờ biển là ở Việt Nam Từ khi Việt Nam giành được quyền tự chủ (939), chính quyền và tác giả Trung Hoa vẽ bản đồ nước ta cũng khá nhiều, song chủ yếu là ở phần đất liền. Về biển Đông và hải đảo Việt Nam, chúng tôi tạm thấy có 3 bản đồ mô tả khá rõ. Đó là: a. Bản đồ Giao Chỉ quốc - Giao chỉ dương trích từ sưu tập bản đồ Võ bị chí (thế kỷ XV). b. Bản đồ diên cách Việt Nam đông đô - Việt Nam tây đô với Đông Dương đại hải của Ngụy Nguyên (1842). c. Bản đồ An Nam quốc với Đông Nam hải cũng của Ngụy Nguyên (1842). Năm 1497, Vasco de Gama nhân danh Bồ Đào Nha phát kiến đường sang Ấn Độ đi vòng qua mũi Hảo Vọng ở nam Phi châu. Gama trở thành Phó vương Ấn Độ. Nhà hàng hải Affonso de Albuquerque chiếm đóng Goa năm 1510, Malacca năm 1511. Tomé Pires viết sách Suma Oriental cho biết năm 1523 mới khám phá ra bờ bể nước Giao Chỉ Chi Na (en 1523, les découvertes des côtes de la Cochinchine). Năm 1525, Diogo Ribeiro vẽ bản đồ nước ta với biển Đông và các quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa mang tên gọi là Pracel rồi sau đổi thành Paracel. Từ đấy đến suốt thế kỷ XIX, các nước Tây Âu thực hiện được nhiều bản đồ thế giới gồm cả năm châu. Trong đó ghi tên nước ta là Giao Chỉ với cách phiên âm rất khác nhau tùy theo ngôn ngữ các dân tộc. Địa danh Giao Chỉ được các bản đồ Tây phương ghi thành Cochi, Cauchi, Cauci, Quachym, Cochin... Khi thấy bên Ấn Độ có xứ Cochin, các bản đồ Tây phương ghi cho rõ hơn là Giao Chỉ gần Trung Quốc tức Cochinchina với các dạng khác nhau. Như vậy, nói chung trước thế kỷ XVII, địa danh Cochinchine và các dạng tương tự là tên gọi toàn quốc Đại Việt. Cuối thế kỷ XVI, nước ta chia ra Đàng Ngoài và Đàng Trong, các bản đồ Tây phương ghi tên Đàng Trong là Cochinchina và Đàng Ngoài là Tunquin (Đông Kinh). Chúng tôi đã thu thập và nghiên cứu hàng trăm bản đồ thế giới của các nước Tây phương thực hiện, hầu hết trong đó đều có ghi đất nước ta với các hải đảo Hoàng Sa - Trường Sa mà họ gọi tên chung là Paracel hay Pracel. Bờ biển Pracel (Costa da Pracel) là ở Trung bộ Việt Nam. Không một bản đồ nào ghi bờ biển Pracel ở Nam Trung Hoa hay ở Phi Luật Tân (Philippines), Indonesia hoặc Mã Lai (Malaysia). Thật hiển nhiên, khắp thế giới đều thừa nhận Hoàng Sa -Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Các bản đồ nêu trên mô tả đất nước Việt Nam với bờ biển và biển Đông, do Tây phương ấn hành suốt từ 1525 đến 1886, chúng ta thấy dần dần sự hiểu biết của thế giới về đất nước ta ngày một chính xác, cả về hình thể lẫn địa danh. Nếu lấy Đại Nam nhất thống toàn đồ (1840) làm căn bản, ta sẽ thấy hầu hết các bản đồ thế giới đều vẽ quần đảo Pracel hay Paracel (gồm cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa) đúng với hình dáng và vị trí của Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa do Quốc sử quán triều Minh Mạng công bố. Hơn nữa, Giám mục Taberd đã ghi rõ trong An Nam đại quốc họa đồ (1838) ở địa điểm thích đáng: Paracel seu Cát Vàng (Paracel hay Cát Vàng). Taberd đã ghi địa danh Nôm Cát Vàng thay cho chữ Hán Hoàng Sa. Như vậy, chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa đã được thế giới khẳng định qua các đồ bản suốt từ 500 năm qua. Theo Thời nay _____________________________________ 1) Bửu Cầm, Đỗ Văn Anh, Phạm Huy Thuý, Tạ Quang Phát, Trương Bửu Lâm, Hồng Đức bản đồ. Tủ sách Viện Khảo cổ. BQGGD. Sài Gòn, 1962. Trang IX. 2) Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục. Tập 1. Lê Xuân Giáo dịch. NXB PQVK-VH. Sài Gòn, 1972. Trang 210 - 212. 3) Quốc sử quán, Đại Nam thực lục. Tập III, NXB Sử học, Hà Nội, 1963, tr.136. 4) Như trên, tr. 245. 5) Như trên, tr. 324. 6) Như trên, tập XIII, tr. 52 - 53. 7) Như trên, Tập XIV, tr 180 - 181. 8) Như trên, Tập XVI, tr. 309. 2 people like this Share this post Link to post Share on other sites
Posted 27 Tháng 6, 2011 Không có cái gọi là 'đường lưỡi bò' trong sử TQ Cập nhật lúc :9:31 AM, 27/06/2011 Bao năm qua, một luồng quan điểm lớn ở Trung Quốc đã cố tình gây ra sự hiểu nhầm khi lợi dụng tên gọi biển Nam Trung Hoa (do người phương Tây gọi) để phán rằng biển của Trung Quốc bao chiếm gần như toàn bộ biển Đông. Thế nhưng sự thật khoa học cho thấy danh xưng biển Nam Trung Hoa (chỉ biển Đông) mà Trung Quốc lợi dụng để gây ra sự hiểu nhầm ấy chưa thấy xuất hiện ở những bản đồ do chính người Trung Quốc vẽ từ hàng trăm năm trước. Xin giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu về vấn đề trên. Từ điển Bách khoa Việt Nam giải thích: Giao Chỉ là tên gọi do các triều đại phong kiến Trung Quốc dùng chỉ người và nước Việt Nam xưa. Thời Hùng Vương, Giao Chỉ là một trong 15 bộ của nước Văn Lang… Các triều đại phong kiến Trung Quốc sau này nhiều khi vẫn dùng tên Giao chỉ cũng như tên An Nam để chỉ quốc gia và nhân dân Đại Việt. Trong nhiều văn bản và bi ký, tên Giao Chỉ vẫn còn chỉ nước ta tới hết thế kỷ XIX. Người Trung Quốc không gọi biển Đông là biển Nam Trung Hoa Trên hai trang 11b và 12a trích từ sưu tập bản đồ Võ bị chí (ghi lại cuộc hành trình của Trịnh Hòa trong thời gian 1405-1433 đi từ Trung Quốc qua Ấn Độ dương tới Phi Châu) có vẽ nước ta tuy đơn giản nhưng cũng rõ ràng: Nước Giao Chỉ bắc giáp Khâm Châu Trung Quốc, nam giáp nước Chiêm Thành, đông giáp biển cả mang tên Giao Chỉ dương, tức biển của nước Giao Chỉ. Đây là tư liệu của Trung Hoa khắc vẽ về nước ta và biển cả thuộc về nước ta từ thế kỷ XV. Năm 1842, tác giả người Trung Hoa - Ngụy Nguyên xuất bản sách Hải quốc đồ chí mô tả và khắc vẽ bản đồ tất cả các nước trên thế giới và toàn thể năm châu bốn bể, theo phương pháp khoa học với kinh tuyến và vĩ tuyến. Trong sách này, Ngụy Nguyên đã vẽ hai bản đồ về Việt Nam. Trong đó, bản đồ thứ nhất vẽ sơ sài, chia nước ta ra hai phần (Việt Nam Đông đô và Việt Nam Tây đô). Ở ngoài khơi phía đông hai phần Việt Nam, Ngụy Nguyên ghi rõ là Đông Dương đại hải, tức biển Đông rất lớn. Bản đồ 1, nước Giao Chỉ với Giao Chỉ dương, trích từ bộ Võ bị chí. (Ảnh chụp lại từ tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu) Cũng trong tác phẩm Hải quốc đồ chí, Ngụy Nguyên còn khắc vẽ bản đồ An Nam quốc với đường nét đúng kinh tuyến và vĩ tuyến rất rộng lớn. Ngoài khơi nước An Nam có ghi rõ Đông Nam hải, tức là biển Đông Nam. Rõ ràng, hầu hết bản đồ Trung Hoa vẽ về Việt Nam từ thế kỷ XV hoặc trước nữa cho tới đầu thế kỷ XX đều ghi biển cả phía đông Việt Nam là Giao Chỉ dương hay Đông Dương đại hải hoặc Đông Nam hải, đều có nghĩa là biển của Giao chỉ (tức Việt Nam) hay đơn giản là biển Đông (của Việt Nam). Việt Nam thực thi liên tục chủ quyền của mình Như chúng ta biết, ít nhất từ đầu thế kỷ XVII Việt Nam đã thi hành chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở giữa biển Đông một cách chính thức, liên tục và không hề thấy một quốc gia hay dân tộc nào đến khiếu nại hay tranh giành. Từ khi chiếm nước ta làm thuộc địa, Pháp đã nhân danh Việt Nam thi hành chủ quyền ấy đúng công pháp quốc tế. Pháp đã xây dựng hai trạm khí tượng theo hệ thống quốc tế trên đảo Hoàng Sa và đảo Ba Bình trong quần đảo Trường Sa. Năm 1947, chính phủ Trung Hoa dân quốc đưa ra yêu sách về chủ quyền biển Đông theo “đường lưỡi bò gồm 11 khúc đứt đoạn”. Năm 1949, chính quyền Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cũng yêu cầu tương tự nhưng không quyết liệt, quốc tế coi như làm ngơ. Ngày 14/10/1950, tại Hội nghị ký hòa ước San Francisco (Liên Hiệp Quốc), Thủ tướng Trần Văn Hữu của chính quyền Bảo Đại do Pháp bảo trợ đã tuyên bố: “Chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”… Bản đồ 3, An Nam quốc với biển Đông Nam hải, trích Hải quốc đồ chí. (Ảnh chụp lại từ tư liệu của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu) Những bước leo thang trên biển Đông Ngày 15/1/1974, Trung Quốc đem quân đến đánh chiếm các đảo Hoàng Sa. Dưới thời của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Trung Quốc đem thủy quân hùng hậu đánh chiếm một số đảo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam (năm 1988). Ngày 21/2/1992, Trung Quốc ra quy định biển Đông thuộc lãnh hải tỉnh Hải Nam, theo bản đồ với những “đường cắt khúc chín đoạn” chiếm hầu hết biển Đông, thâu tóm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc đã chính thức trình lên Liên Hiệp Quốc bản đồ “đường lưỡi bò” vào năm 2009. Việt Nam và các nước liên quan đã phản đối sự phi lý, không phù hợp với luật pháp quốc tế của “đường lưỡi bò” này. Mấy tháng gần đầy, Trung Quốc ngang nhiên cấm đánh cá trên biển Đông, xâm phạm vào cả vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Gần đây nhất, Trung Quốc có hành động ngang ngược là gây hấn với các tàu thăm dò dầu khí hay các chương trình nghiên cứu khác về biển. Những hành vi gây hấn này được Trung Quốc tiến hành trong phạm vi “đường lưỡi bò”, mặc dù đường ranh giới này vi phạm Công ước quốc tế về Luật Biển 1982 của Liên Hiệp Quốc. Phải khẳng định rằng những hành vi của Trung Quốc là sai trái, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, xâm phạm trắng trợn vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việc gọi tên biển Nam Trung Hoa không có nghĩa đó là biển của Trung Quốc và Trung Quốc có quyền thực thi chủ quyền xâm phạm cả vào vùng biển của các nước khác được xác lập theo đúng Công ước quốc tế về luật biển 1982. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu/ Pháp luật TP HCM 5 people like this Share this post Link to post Share on other sites
Posted 3 Tháng 7, 2011 Vì sao biển Đông bị thành biển Trung Hoa? Cập nhật lúc :9:23 AM, 03/07/2011 Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cho biết, các bản đồ cổ của chính những người Trung Quốc vẽ từ thời xưa đều ghi rõ biển Đông là Giao Chỉ dương, Đông Dương đại hải hoặc Đông Nam hải. Từ đây, một vấn đề khác đặt ra là: biển Đông từ tên gọi Giao Chỉ dương (thế kỷ XV), vì sao lại bị người phương Tây ghi nhầm là biển Nam Trung Hoa (hay biển Trung Hoa) như hiện nay? Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu bài viết tiếp theo của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu để lý giải cho câu hỏi trên. Từ thời thượng cổ đến thế kỷ XV, người ta tưởng rằng địa cầu chỉ có ba châu lục: châu Âu, châu Á và châu Phi. Có lẽ khởi đầu là nhà địa lý Ptoléméo (người Hy Lạp) đã vẽ ra bản đồ thế giới gồm ba châu lục kéo dài từ Nam cực đến Bắc cực và từ Đông phương sang Tây phương, chiếm phần lớn diện tích địa cầu, diện tích đại dương không còn bao nhiêu. Các nhà địa lý và bản đồ học Tây phương cứ theo mẫu đó mà hoàn thiện dần. Nhiều sai nhầm thuở sơ khai Năm 1492, Christophe Colomb (còn gọi là Kha Luân Bố, người Tây Ban Nha) tin theo bản đồ đương thời, tưởng rằng cho thuyền vượt Đại Tây Dương một hành trình không xa thì sẽ tới Ấn Độ. Nên khi tới châu lục tân thế giới (châu Mỹ), ông tin liền đây là Ấn Độ và gọi thổ dân nơi đây là người Ấn Độ (indien, Indian). Danh xưng sai nhầm này còn tồn tại mãi đến nay. Năm 1497, Vasco de Gama (1469-1524), người Bồ Đào Nha, đã chỉ huy một đội thương thuyền hùng hậu lần đầu tiên phát kiến đường hàng hải sang Ấn Độ bằng cách đi vòng qua Phi châu qua mũi Hảo Vọng rồi ngược lên và rẽ sang phải theo duyên hải Ấn Độ Dương. Ngày 20-5-1498, đoàn thuyền Vasco de Gama mới tới ngoài thành Calicút, sau hơn 10 tháng gian nan, lênh đênh trên biển cả. (1) Dù sao địa danh Ấn Độ cũng rất tiêu biểu và hấp dẫn dưới thời cổ đại và trung cổ: Kha Luân Bố theo hướng tây đi tìm, hóa ra phát kiến châu Mỹ và Vasco de Gama theo hướng đông đi tìm, phát kiến cả phần Đông Á văn minh từ ngàn xưa và cư dân đông đúc nhất thiên hạ. Bản đồ thế giới (cụm lục địa) do Henricus Matellus Germanus vẽ năm 1489. (Ảnh chụp lại từ tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu) Ảnh: Minh Cường/Pháp luật TP HCM. Vào thế kỷ XVI, các nhà hàng hải Bồ Đào Nha theo đường biển đi lên phía bắc qua duyên hải Việt Nam thăm dò Trung Hoa rồi Nhật. Họ chiếm lãnh Macau của Trung Hoa và đặt thương điếm lớn nhất tại đó năm 1557. Đến đâu họ cũng điều tra kinh tế và vẽ bản đồ theo khoa học cho đúng kinh độ và vĩ độ (2). Bản đồ bán đảo Đông Dương được vẽ đúng với thực tế để đính chính lại phần Đông Nam Á đã vẽ theo tưởng tượng sai nhầm ở các bản đồ phổ biến trước đó suốt nhiều năm. (Xin so sánh phần địa lý ấy của hai bản đồ đính kèm). Bán đảo này được gọi là bán đảo Ấn Độ ở bên ngoài sông Hằng (Presqu’ile de l’Inde delà le Gange). Vì thế hầu hết bản đồ Tây phương suốt ba thế kỷ XVI, XVII, XVIII đều ghi địa danh phần này là Đông Ấn Độ (India Orientalis). Tất nhiên không có chỗ nào ghi là biển Trung Hoa (Mer de Chine). Bản đồ bán đảo Ấn Độ bên ngoài sông Hằng (do Vô Danh vẽ) thế kỷ XVII, in tại Amsterdam, ghi chú bằng Pháp ngữ. (Ảnh chụp lại từ tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu) Ảnh:Minh Cường/Pháp luật TP HCM. Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam Cũng vào thời ấy, giữa bờ biển nước ta và quần đảo Paracel (gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa), các bản đồ thường ghi là vịnh Giao Chỉ gần Trung Hoa (Golfe de la Cochinchine). Địa danh Cochinchine nguyên là tên hai nước Giao Chỉ (Cochin) và nước Tần (Chine), viết theo Hán tự. Người Tây phương đọc âm hơi khác rồi ghi bằng chữ latin: Giao Chỉ (tức Việt Nam) thành Cauchy, Cochi, Cochin; còn Tần thành ghi là T’sin, Cin, Chine hay China. Nước Cochin (Giao Chỉ) trùng tên một thị trấn Cochin ở Ấn Độ nên người Bồ Đào Nha ghi CochinChina (Giao Chỉ gần nước Tần-China) cho dễ phân biệt. Cochin là chủ từ, China là túc từ. China thành tên nước Trung Hoa. Từ năm 1525, nhà hàng hải Bồ Đào Nha Diogo Ribeiro đã phát hiện quần đảo Pracel rất lớn (gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa) nằm ở giữa biển Đông. Ông xác định quần đảo này thuộc chủ quyền Cochin (Giao Chỉ) nên ghi bờ biển Pracel (Costa da Pracel) ở duyên hải Quảng Ngãi ngày nay (3). Đến thế kỷ XIX, người ta mới thấy rõ khối quần đảo Paracel (là những hòn đảo nhỏ nằm rải rác từ Bắc xuống Nam. Ở Bắc gọi là quần đảo Paracel (Hoàng Sa), ở Nam gọi là quần đảo Spratly (Trường Sa). Biển Đông bao quanh quần đảo ấy không còn là biển Cochinchina mà ghi sai nhầm là biển China (China Sea, tức lấy túc từ mà bỏ chủ từ). Đến thế kỷ XX, địa danh biển Trung Hoa trở thành phổ biến. Có lẽ phần nào từ sự sai nhầm ấy mà Trung Quốc khẳng định biển Giao Chỉ hay biển Đông là biển của mình kể cả các quần đảo trong biển ấy nữa. Giữa thế kỷ XX, Trung Hoa Dân Quốc (chính quyền Tưởng Giới Thạch) đã đưa ra “đường lưỡi bò” để đòi quyền làm chủ 80% biển Đông. Rồi sau đó là đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kéo dài sự hiểu nhầm này, gần nhất là vào năm 2009, họ đã tiếp tục trình lên Liên Hiệp Quốc phần lãnh hải của mình với đường chữ U vô lý, không phù hợp với luật pháp quốc tế. Sự ghi nhầm địa danh gây ra thật nhiều tai hại và sẽ còn phức tạp hơn nếu sự hiểu nhầm ấy còn kéo dài nữa. *(1), (2), (3), P.Y Manguin, Les Potugais sur les côtes du VietNam et du Campa, BEFEO, Paris, 1972 (lần lượt, trang 28, 39, 47) Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu/ Pháp luật TP HCM 1 person likes this Share this post Link to post Share on other sites
Posted 4 Tháng 7, 2011 Thư tịch cổ Trung Hoa thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam. Đại Thanh Nhất Thống Toàn Đồ, đảo nhỏ ở phía dưới là Hải Nam, gần đó bên trái là Giao Chỉ, đảo lớn hơn bên phải là Đài Loan Theo chính sử Trung Hoa, trong suốt 22 thế kỷ, từ các đời Tần, Hán đến sau Thế chiến thứ II, không thấy tài liệu nào, hay nói rõ hơn, không có câu chữ nào ghi rằng Biển Đông (Trung Quốc gọi là Biển Nam Trung Hoa) với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) thuộc chủ quyền của Trung Quốc.Trong khi đó, không ít thư tịch cổ Trung Hoa, do chính người Trung Hoa ghi lại trong lịch sử đã thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Một tài liệu đáng tin cậy về chính sử Trung Hoa là cuốn "Lịch sử Trung Quốc thời trung cổ” do Hàn Lâm Viện Trung Quốc xuất bản tại Đài Bắc năm 1978, học giả Hsieh Chiao-Min trong bài "Nghiên cứu về lịch sử và địa lý” nhận định về cuộc thám hiểm của Trung Hoa tại đại dương như sau: "Suốt chiều dài lịch sử, về sự phát triển văn hóa và khoa học, dân tộc Trung Hoa không tha thiết với đại dương”. Và theo các tài liệu lịch sử chính thống "thảng hoặc triều đình Trung Hoa cũng gửi những đoàn thám hiểm đến Nhật Bản trong các thế kỷ thứ III và thứ II (TCN) và tại Đông Nam Á, Ấn Độ, Ba Tư và Phi Châu trong thế kỷ XV. Điểm rõ nét nhất là tại Thái Bình Dương có rất ít, nếu không nói là không có, những vụ xâm nhập quy mô của Trung Hoa” suốt chiều dài lịch sử (từ đời nhà Tần thế kỷ thứ III TCN đến nhà Thanh từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX). Dưới đời nhà Minh, Minh Thành Tổ cử Đô đốc Thái Giám Trịnh Hòa chỉ huy những đoàn thám hiểm đến Ấn Độ Dương và Biển Ả Rập nhằm thiết lập bang giao với trên 30 quốc gia duyên hải, triển khai Con đường Tơ Lụa tại Ấn Độ, Phi Châu và Trung Đông. Những chuyến hải hành của phái bộ Trịnh Hòa không phải để chinh phục Biển Đông nơi có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trên thực tế đoàn thuyền chỉ đi ngang qua Biển Đông nhằm khai phá Ấn Độ Dương. Trạm trú chân duy nhất của đoàn trong khu vực này là Đồ Bàn (Chaban) thủ phủ Chiêm Thành bấy giờ. Sau khi Minh Thành Tổ mất, triều đình nhà Minh đã phê phán những cuộc hải trình nặng phần trình diễn của Trịnh Hòa đã góp phần làm suy yếu nền kinh tế quốc gia. Sử gia Triệu Nhữ Quát đời nhà Tống trong cuốn Chư Phiên Chí đã xác nhận nhiều sự kiện lịch sử quan trọng từ thời nhà Hán. Theo đó, năm 111 TCN, sau khi thôn tính Nam Việt "Hán Vũ Đế sai quân vượt biển sang chiếm đất của địch quân (Nam Việt) và đặt ra 2 quận Châu Nhai và Đạm Nhĩ (đảo Hải Nam). Trong thế kỷ thứ I TCN, Hán Nguyên Đế đã rút quân khỏi đảo Hải Nam. Mãi tới đời nhà Lương và nhà Tùy (cuối thế kỷ thứ VI đầu thế kỷ thứ VII) mới đặt lại quyền cai trị”. Triệu Nhữ Quát cũng cho biết vùng quần đảo Hoàng Sa (Vạn Lý Trường Sa) là nơi nguy hiểm, tàu thuyền Trung Hoa không nên đến gần vì chỉ đi sai một tí là có thể chìm đắm. Nhan đề sách là Chư Phiên Chí, có nghĩa là chép chuyện các phiên quốc, nước ngoài. Vạn Lý Trường Sa nằm ở phiên quốc, có nghĩa là không thuộc về Trung Hoa mà thuộc về phiên quốc Nam Việt. Như vậy, biên giới trên Biển Đông của Trung Hoa vào đời nhà Hán chỉ tới đảo Hải Nam. Một trang trong cuốn Hải Ngoại Kỷ Sự (1695) của Thích Đại Sán, một nhà sư Trung Quốc đời Khang Hy, thuật lại chuyến du hành tới xứ Đàng Trong, thừa nhận chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Đại Việt. Đời nhà Đường có sách Đường Thư Nghệ Văn Chí đề cập tới cuốn Giao Châu Dị Vật Chí của Dương Phu chép những chuyện kỳ dị và những nơi kỳ dị tại Giao Châu (Việt Nam). Sách này chép, tại Thất Châu Dương (nhóm An Vĩnh, quần đảo Hoàng Sa) là nơi có nhiều đá nam châm khiến các thuyền ngoại dương có đóng chốt sắt đi qua không được. Điều này đã khẳng định quần đảo Hoàng Sa thuộc về Giao Châu xưa (nay là Việt Nam). Trong đời Nam Tống, cuốn Lĩnh Ngoại Đại Đáp của Châu Khứ Phi cũng xác nhận: "Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) tọa lạc tại Giao Chỉ Dương”. Chư Phiên Đồ đời Tống cũng xác định giới hạn lãnh thổ của Trung Quốc với các nước khác ở Giao Dương (tức Giao Chỉ Dương). Giao Chỉ Dương hay Biển Giao Chỉ là Vịnh Bắc Bộ ngày nay, trong khi Hoàng Sa và Trường Sa lại cách xa Vịnh Bắc Bộ hàng trăm dặm về phía nam. Như vậy, các thư tịch cổ Trung Hoa từ đời nhà Tống đã cho thấy Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc về Trung Quốc mà thuộc về nước khác mà Trung Quốc gọi là phiên quốc hay Giao Châu, Giao Chỉ. Vào đời nhà Nguyên, quân và dân Đại Việt đã 3 lần đánh tan quân Nguyên – Mông xâm lược và góp phần phá tan kế hoạch Đông Tiến (đánh Nhật Bản) của đoàn quân Mông Cổ nổi danh là bách chiến bách thắng từ đời Thành Cát Tư Hãn. Sau 3 phen thất bại, nhà Nguyên không còn dòm ngó Đại Việt cả trên lục địa đến các hải đảo. Trong suốt các thế kỷ XIII và XIV, theo chính sử Trung Hoa, quân Mông Cổ không hề có ý định xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong Dư Địa Đồ đời Nguyên của Chu Tư Bản được vẽ thu nhỏ lại trong sách Quảng Dư Đồ của La Hồng Tiên thực hiện năm 1561 phần cực nam lãnh thổ Trung Hoa là đảo Hải Nam. Đời nhà Minh, Thiên Hạ Thống Nhất Chi Đồ trong Đại Minh Nhất Thống Chí (1461), Hoàng Minh Đại Thống Nhất Tổng Đồ trong Hoàng Minh Chức Phương Địa Đồ (1635) đã vẽ phần cực nam Trung Hoa là đảo Hải Nam. Trong khi cuốn Vũ Bị Chí của Mao Nguyên Nghi gọi Biển Đông là Giao Chỉ Dương. Trên các bản đồ Trịnh Hoà Hạ Tây Dương, Trịnh Hòa Hàng Hải Đồ cũng không thấy ghi chép các danh xưng Hoàng Sa, Trường Sa (hay theo cách gọi của Trung Hoa là Tây Sa, Nam Sa, Tuyên Đức, Vĩnh Lạc) trong các lộ trình và hải đạo của Trịnh Hòa sau 7 lần đi qua Biển Đông để khai phá Ấn Độ Dương (Tây Dương). Nhiều tài liệu chính sử nhà Minh cho biết, từ thế kỷ XV, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nguyên là địa bàn ngư nghiệp của Chiêm Thành đã trở thành lãnh thổ của Đại Việt. Lưu ý rằng từ năm 1427 Lê Lợi đã đánh thắng quân Minh để giành lại chủ quyền cho Đại Việt bị Minh Thành Tổ chiếm đoạt từ 20 năm trước (1407). Đại Thanh Nhất Thống Toàn Đồ, đảo nhỏ ở phía dưới là Hải Nam, gần đó bên trái là Giao Chỉ, đảo lớn hơn bên phải là Đài Loan Đời nhà Thanh, từ thế kỷ thứ XVII đến XX, theo bản đồ Hoàng Thanh Nhất Thống Dư Địa Bản Đồ do triều đình nhà Thanh ấn hành năm 1894 thì đến cuối thế kỷ XIX "lãnh thổ của Trung Quốc chỉ chạy đến đảo Hải Nam là hết”. Qua thế kỷ XX, sự kiện này còn được xác nhận trong cuốn Trung Quốc Địa Lý Học Giáo Khoa Thư xuất bản năm 1906 với đoạn như sau: "Điểm cực nam của Trung Quốc là bờ biển Châu Nhai thuộc quận Quỳnh Châu (Hải Nam) tại vĩ tuyến 18”. Các quận Châu Nhai và Đạm Nhĩ thuộc đảo Hải Nam kéo dài từ vĩ tuyến 20 (ngang Thanh Hoá) đến vĩ tuyến 18 (ngang Nghệ An – Hà Tĩnh). Trong khi quần đảo Hoàng Sa tọa lạc về phía nam, từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 15 (Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi) và quần đảo Trường Sa tọa lạc tại các vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 8 (Cam Ranh – Cà Mau). Bản đồ Đại Thanh Đế Quốc do triều đình nhà Thanh ấn hành cũng không thấy vẽ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (cũng không thấy ghi theo cách gọi của Trung Quốc là Tây Sa, Nam Sa, Vịnh Lạc, Tuyên Đức...). Hơn nữa, trong bộ Hải Quốc Đồ Ký, cuốn Hải Lục của Vương Bỉnh Nam (1820-1842) chép: "Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) là dải cát dài ngoài biển được dùng làm phên dậu che chắn mặt ngoài bờ cõi nước An Nam”. Như vậy, tư liệu này của Trung Quốc đã thừa nhận quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ trên biển của Việt Nam. Trong bộ sách địa lý Đại Thanh Nhất Thống Chí do Quốc Sử Quán nhà Thanh biên soạn năm 1842 với lời tựa của hoàng đế Thanh Tuyên Tông, không có chỗ nào ghi Thiên Lý Trường Sa hay Vạn Lý Trường Sa (quần đảo Hoàng Sa). Trong cuốn Hải Quốc Văn Kiến Lục của Trần Luân Quýnh (1744), vùng biển của Việt Nam tại Biển Đông được ghi bằng các danh xưng Việt Hải và Việt Dương. Trong vụ ngư dân đảo Hải Nam cướp tàu chở đồng bị đắm tại quần đảo Hoàng Sa những năm 1895-1896, để trả lời văn thư phản kháng của Chính phủ Anh, Tổng đốc Lưỡng Quảng Trung Hoa đã phủ nhận trách nhiệm với lý do: "Hoàng Sa không liên hệ gì tới Trung Quốc”. Ngoài ra cuốn Hải Ngoại Kỷ Sự (1695) của Thích Đại Sán một nhà sư thời Khang Hy đã đến đất Thuận Hóa của chúa Nguyễn ngày 29 tháng giêng năm Ất Hợi (13-3-1695) thuật lại chuyến hải hành này và ghi nhận chủ quyền của Đại Việt trong việc chiếm hữu, kiểm soát và khai thác vùng Biển Đông nơi tọa lạc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ít nhất là từ thế kỷ thứ XVII. Vitinfo.vn Share this post Link to post Share on other sites
Posted 10 Tháng 7, 2011 Tư liệu cổ Trung Quốc không hề có biển Nam Trung Hoa Chủ nhật, 10/07/2011, 08:11(GMT+7) Trong các bản đồ mà chính người Trung Quốc vẽ hàng trăm năm trước chưa hề thấy xuất hiện tên gọi biển Nam Trung Hoa. Trung Quốc đã lợi dụng cách gọi tên của phương Tây để nhập nhằng "đường lưỡi bò" trên biển Đông. Trân trọng giới thiệu bài nghiên cứu của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu. Từ điển Bách khoa Việt Nam giải thích: Giao Chỉ là tên gọi do các triều đại phong kiến Trung Quốc dùng chỉ người và nước Việt Nam xưa. Thời Hùng Vương, Giao Chỉ là một trong 15 bộ của nước Văn Lang… Các triều đại phong kiến Trung Quốc sau này nhiều khi vẫn dùng tên Giao chỉ cũng như tên An Nam để chỉ quốc gia và nhân dân Đại Việt. Trong nhiều văn bản và bi ký, tên Giao Chỉ vẫn còn chỉ nước ta tới hết thế kỷ XIX. Biển Giao Chỉ Trên hai trang 11b và 12a trích từ sưu tập bản đồ Võ bị chí (ghi lại cuộc hành trình của Trịnh Hòa trong thời gian 1405-1433 đi từ Trung Quốc qua Ấn Độ dương tới Phi Châu) có vẽ nước ta tuy đơn giản nhưng cũng rõ ràng: Nước Giao Chỉ bắc giáp Khâm Châu Trung Quốc, nam giáp nước Chiêm Thành, đông giáp biển cả mang tên Giao Chỉ dương, tức biển của nước Giao Chỉ. Đây là tư liệu của Trung Hoa khắc vẽ về nước ta và biển cả thuộc về nước ta từ thế kỷ XV. Năm 1842, tác giả người Trung Hoa - Ngụy Nguyên xuất bản sách Hải quốc đồ chí mô tả và khắc vẽ bản đồ tất cả các nước trên thế giới và toàn thể năm châu bốn bể, theo phương pháp khoa học với kinh tuyến và vĩ tuyến. Trong sách này, Ngụy Nguyên đã vẽ hai bản đồ về Việt Nam. Trong đó, bản đồ thứ nhất vẽ sơ sài, chia nước ta ra hai phần (Việt Nam Đông đô và Việt Nam Tây đô). Ở ngoài khơi phía đông hai phần Việt Nam, Ngụy Nguyên ghi rõ là Đông Dương đại hải, tức biển Đông rất lớn. Bản đồ 1, nước Giao Chỉ với Giao Chỉ dương, trích từ bộ Võ bị chí. (Ảnh chụp lại từ tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu) Cũng trong tác phẩm Hải quốc đồ chí, Ngụy Nguyên còn khắc vẽ bản đồ An Nam quốc với đường nét đúng kinh tuyến và vĩ tuyến rất rộng lớn. Ngoài khơi nước An Nam có ghi rõ Đông Nam hải, tức là biển Đông Nam.Rõ ràng, hầu hết bản đồ Trung Hoa vẽ về Việt Nam từ thế kỷ XV hoặc trước nữa cho tới đầu thế kỷ XX đều ghi biển cả phía đông Việt Nam là Giao Chỉ dương hay Đông Dương đại hải hoặc Đông Nam hải, đều có nghĩa là biển của Giao chỉ (tức Việt Nam) hay đơn giản là biển Đông (của Việt Nam). Việt Nam thực thi liên tục chủ quyền của mình Như chúng ta biết, ít nhất từ đầu thế kỷ XVII Việt Nam đã thi hành chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở giữa biển Đông một cách chính thức, liên tục và không hề thấy một quốc gia hay dân tộc nào đến khiếu nại hay tranh giành. Từ khi chiếm nước ta làm thuộc địa, Pháp đã nhân danh Việt Nam thi hành chủ quyền ấy đúng công pháp quốc tế. Pháp đã xây dựng hai trạm khí tượng theo hệ thống quốc tế trên đảo Hoàng Sa và đảo Ba Bình trong quần đảo Trường Sa. Năm 1947, chính phủ Trung Hoa dân quốc đưa ra yêu sách về chủ quyền biển Đông theo “đường lưỡi bò gồm 11 khúc đứt đoạn”. Năm 1949, chính quyền Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cũng yêu cầu tương tự nhưng không quyết liệt, quốc tế coi như làm ngơ. Ngày 14/10/1950, tại Hội nghị ký hòa ước San Francisco (Liên Hiệp Quốc), Thủ tướng Trần Văn Hữu của chính quyền Bảo Đại do Pháp bảo trợ đã tuyên bố: “Chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”… Bản đồ 3, An Nam quốc với biển Đông Nam hải, trích Hải quốc đồ chí. (Ảnh chụp lại từ tư liệu của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu) Những bước leo thang trên biển ĐôngNgày 15/1/1974, Trung Quốc đem quân đến đánh chiếm các đảo Hoàng Sa. Dưới thời của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Trung Quốc đem thủy quân hùng hậu đánh chiếm một số đảo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam (năm 1988). Ngày 21/2/1992, Trung Quốc ra quy định biển Đông thuộc lãnh hải tỉnh Hải Nam, theo bản đồ với những “đường cắt khúc chín đoạn” chiếm hầu hết biển Đông, thâu tóm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc đã chính thức trình lên Liên Hiệp Quốc bản đồ “đường lưỡi bò” vào năm 2009. Việt Nam và các nước liên quan đã phản đối sự phi lý, không phù hợp với luật pháp quốc tế của “đường lưỡi bò” này. Mấy tháng gần đầy, Trung Quốc ngang nhiên cấm đánh cá trên biển Đông, xâm phạm vào cả vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Gần đây nhất, Trung Quốc có hành động ngang ngược là gây hấn với các tàu thăm dò dầu khí hay các chương trình nghiên cứu khác về biển. Những hành vi gây hấn này được Trung Quốc tiến hành trong phạm vi “đường lưỡi bò”, mặc dù đường ranh giới này vi phạm Công ước quốc tế về Luật Biển 1982 của Liên Hiệp Quốc. Phải khẳng định rằng những hành vi của Trung Quốc là sai trái, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, xâm phạm trắng trợn vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việc gọi tên biển Nam Trung Hoa không có nghĩa đó là biển của Trung Quốc và Trung Quốc có quyền thực thi chủ quyền xâm phạm cả vào vùng biển của các nước khác được xác lập theo đúng Công ước quốc tế về luật biển 1982. Theo Báo Đất Việt Tin đăng lại Share this post Link to post Share on other sites
Posted 10 Tháng 7, 2011 Tư liệu phương Tây xác nhận Hoàng Sa, Trường Sa của VN Cập nhật lúc :6:02 AM, 04/07/2011 (ĐVO) Tư liệu phương Tây còn lưu lại đến nay cho thấy, chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đã được xác định từ thế kỷ XV đến XIX. Nhà Nguyễn 'chăm sóc' Hoàng Sa 'Hành xử nhân đạo' của cha ông khi quân giặc đại bại 'Địch mạnh hơn ta': Lùi một... tiến ba bước! 'Đòn ngoại giao' của cha ông khiến ngoại bang nể sợ 1. Từ rất lâu đời (muộn nhất vào thế kỷ XV), các nhà hàng hải phương Tây đã xác định vùng quần đảo Hoàng Sa trên biển Đông thuộc quyền quản lý của các chúa Nguyễn xứ Đàng Trong. Các nhà hàng hải Bồ Đào Nha là những người đầu tiên của châu Âu có những mô tả về quần đảo Hoàng Sa từ thế kỷ thứ XIV. Nhiều nhật ký hải trình của các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha thời đó đã nói về một dải đá ngầm Pulo Pracela (các bãi ngầm san hô) rất nguy hiểm, bao quát cả vùng Hoàng Sa và Trường Sa ngày nay, tương tự với những hiểu biết của các nhà địa lý Việt Nam cùng thời. Các cuộc khảo sát biển Đông của các nhà hàng hải phương Tây sau đó, nhất là của người Hà Lan và Pháp, ngày càng xác định rõ Pracela hay Paracels (Hoàng Sa) là một quần đảo thuộc về nước An Nam (tên gọi Việt Nam thời Pháp thuộc). Bản đồ bán đảo Đông Dương của anh em nhà hàng hải Hà Lan Van-Langren (1595) ghi nhận ngoài khơi Việt Nam có một vùng quần đảo với nhiều bãi cát nông chạy dài xuống hướng tây nam, gọi tên là Paracels cùng với rất nhiều chi tiết địa hình của miền Trung Việt Nam ngày nay. Chẳng hạn, đối diện với quần đảo Paracels trên đất liền có bờ biển ghi là Costa da Pracels (bờ Pracels), ở ngoài biển còn có Pulo Canton (Cù Lao Ré) thuộc địa phận Quảng Ngãi. Tương đồng, thư tịch cổ Việt Nam cũng ghi nhận người Bồ Đào Nha và Hà Lan đã từng nhiều lần tiếp xúc với các chúa Nguyễn xứ Đàng Trong để buôn bán. Nhiều thuyền buôn của phương Tây gặp nạn ở Hoàng Sa đều cập vào bờ biển Việt Nam để xin giúp đỡ và cũng nhiều lần họ được các chúa Nguyễn cử người ra cứu hộ, cấp cho tiền bạc, lương thực và thuyền để trở về nguyên quán, như: vụ đắm tàu Grootenbroeck của Hà Lan năm 1634 trong vùng đảo Hoàng Sa. Viên thuyền trưởng đã tìm đến Hội An và Thuận Hoá để cầu cứu các chúa Nguyễn… 2. Từ thế kỷ thứ XVI, nước Đại Việt cùng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được Phương Tây trích dẫn trên hầu hết các bản đồ thế giới hoặc khu vực Đông Á. Riêng Alexandre de Rhodes 1650, Công ty Đông Ấn La Haye năm 1658 và Taberd năm 1838 đã vẽ riêng bản đồ Việt Nam. Trong số hàng trăm bản đồ do Phương Tây thực hiện, hầu hết đều ghi rõ đất nước Việt Nam với các hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa, được gọi tên chung là Paracel hay Pracel. Bờ biển Prasel là ở Trung Bộ Việt Nam, chứ không hề ghi ở Nam Trung Hoa hay Phi Luật Tân, Indonesia hoặc Mã Lai. Như vậy, thật hiển nhiên, khắp thế giới đều công nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. 3. Nhật ký trên tàu Amphitrite (năm 1701) xác nhận Paracels là một quần đảo thuộc về nước An Nam: "Paracels là một quần đảo thuộc về Vương quốc An Nam. Đó là một bãi đá ngầm thật khủng khiếp có đến hàng trăm dặm, rất nhiều lần đã xảy ra các nạn đắm tàu ở đó”. 4. Cuốn Le mémoire sur la Cochinchine của Jean Baptiste Chaigneau (1769-1825) viết vào những năm cuối đời Gia Long (hoàn tất năm 1820) khẳng định năm 1816, vua Gia Long đã xác lập chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Paracels: “Xứ Cochinchine, mà Quốc-Vương ngày nay đã xưng đế-hiệu, gồm có xứ Đàng Trong, Bắc Hà (Tonquin)… vài đảo gần bờ biển, có dân cư, và quần đảo Paracels, gồm có nhiều đảo và mỏm đá thiếu dân. Vào năm 1816 vị Hoàng-đế đương kim đã tiếp nhận quần đảo này”. 5. Cuốn Univers, histoire et description de tous les peuples, de leurs religions, moeurs et coutumes của giám mục Taberd, xuất bản năm 1833, khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa dưới triều vua Gia Long: “Chúng tôi không đi vào việc kê khai những hòn đảo chính yếu của xứ Cochinchine. Chúng tôi chỉ xin lưu ý rằng từ hơn 34 năm nay, quần đảo Paracels mà người Việt gọi là Cát Vàng (Hoàng Sa), gồm rất nhiều hòn đảo chằng chịt với nhau, lởm chởm những đá nhô lên giữa những bãi cát, làm cho những kẻ đi biển rất e ngại – đã được chiếm cứ bởi người Việt xứ Đàng Trong. Chúng tôi không rõ họ có thiết lập một cơ sở nào tại đó không, nhưng có điều chúng tôi biết chắc là Hoàng đế Gia Long đã chủ tâm thêm cái đóa hoa kỳ lạ đó vào vương miện của Ngài, vì vậy mà Ngài xét thấy đúng lúc phải thân chinh vượt biển để tiếp thâu quần đảo Hoàng Sa và chính là vào năm 1816, Ngài đã long trọng treo tại đó lá cờ của xứ Đàng Trong”. Ngoài ra, An Nam Đại Quốc Họa Đồ của giám mục Taberd xuất bản năm 1838, cũng khẳng định Cát Vàng (Hoàng Sa) là Paracels và nằm trong vùng biển của Việt Nam. Tiếp đến, The Journal of the Asiatic Society of Bengal, Vol. VI đã đăng bài của giám mục Taberd xác nhận vua Gia Long chính thức giữ chủ quyền quần đảo Paracels. 6. The Journal of the Geographycal Society of London (năm 1849) do tiến sĩ GutzLaff (1801-1851), Hội viên Hội Địa lý Hoàng gia Anh quốc, ghi nhận chính quyền An Nam đã lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ để thu thuế ở Paracels (tức Cát Vàng)... Cuốn Bách Khoa Địa Lý Hiện Đại (Geografia moderna universale) của G.R. Pagnozzi xuất bản năm 1823 dành nhiều trang nói về vương quốc An Nam có đề cập đến Paracels (Hoàng Sa). Sách Địa Lý Tóm Tắt (Compendio di Geografia) của nhà địa lý lừng danh người Ý là Adriano Balbi, xuất bản năm 1850, nêu rõ vương quốc An Nam có quần đảo Paracels, nhóm đảo Pirati và nhóm đảo Poulo Condor (tức Hoàng Sa, Hải Tặc và Côn Đảo)... 7. Hoàng Sa và Trường Sa tại Hội nghị San Francisco Ngày 7/9/1951, tại Hội nghị San Francisco (Mỹ), Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu của Chính phủ Quốc gia Việt Nam long trọng tuyên bố trước sự chứng kiến của 51 nước tham dự rằng, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ lâu đời của Việt Nam. "Việt Nam rất hứng khởi ký nhận trước nhất cho công cuộc tạo dựng hòa bình này. Và cũng vì vậy cần phải thành thật tranh thủ tất cả mọi cơ hội để dập tắt tất cả những mầm móng tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, ông Trần Văn Hữu nói. Lời xác nhận chủ quyền đó của phái đoàn Việt Nam được ghi vào văn kiện của Hội nghị San Francisco (1951) với đa số tán thành và không hề có bất kỳ một phản ứng chống đối hay một yêu sách nào của tất cả các quốc gia tham dự. Sự kiện này minh chứng cho sự xác lập chủ quyền từ rất sớm về pháp lý cũng như về sự chiếm hữu thực tế một cách hòa bình, lâu dài và liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của người Việt Nam. 8. Hoàng Sa và Trường Sa tại Hội nghị Geneve Hội nghị Geneve năm 1954 bàn về việc chấm dứt chiến tranh Đông Dương với sự tham gia của những quốc gia không có mặt tại Hội nghị San Francisco đã tiếp tục tuyên bố cam kết tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vĩnh Khang 1 person likes this Share this post Link to post Share on other sites
Posted 13 Tháng 7, 2011 Thư tịch Trung Hoa thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Việt Nam Cập nhật lúc :10:30 AM, 29/06/2011 Theo chính sử Trung Hoa, trong suốt 22 thế kỷ, từ các đời Tần, Hán đến sau Thế chiến thứ II, không thấy tài liệu nào, hay nói rõ hơn, không có câu chữ nào ghi rằng Biển Đông (Trung Quốc gọi là Biển Nam Trung Hoa) với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Trong khi đó, không ít thư tịch cổ Trung Hoa, do chính người Trung Hoa ghi lại trong lịch sử đã thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Một tài liệu đáng tin cậy về chính sử Trung Hoa là cuốn "Lịch sử Trung Quốc thời trung cổ” do Hàn Lâm Viện Trung Quốc xuất bản tại Đài Bắc năm 1978, học giả Hsieh Chiao-Min trong bài "Nghiên cứu về lịch sử và địa lý” nhận định về cuộc thám hiểm của Trung Hoa tại đại dương như sau: "Suốt chiều dài lịch sử, về sự phát triển văn hóa và khoa học, dân tộc Trung Hoa không tha thiết với đại dương”. Theo các tài liệu lịch sử chính thống "thảng hoặc triều đình Trung Hoa cũng gửi những đoàn thám hiểm đến Nhật Bản trong các thế kỷ thứ III và thứ II (TCN) và tại Đông Nam Á, Ấn Độ, Ba Tư và Phi Châu trong thế kỷ XV. Điểm rõ nét nhất là tại Thái Bình Dương có rất ít, nếu không nói là không có, những vụ xâm nhập quy mô của Trung Hoa” suốt chiều dài lịch sử (từ đời nhà Tần thế kỷ thứ III TCN đến nhà Thanh từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX). Dưới đời nhà Minh, Minh Thành Tổ cử Đô đốc Thái Giám Trịnh Hòa chỉ huy những đoàn thám hiểm đến Ấn Độ Dương và Biển Ả Rập nhằm thiết lập bang giao với trên 30 quốc gia duyên hải, triển khai Con đường Tơ Lụa tại Ấn Độ, Phi Châu và Trung Đông. Những chuyến hải hành của phái bộ Trịnh Hòa không phải để chinh phục Biển Đông nơi có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trên thực tế đoàn thuyền chỉ đi ngang qua Biển Đông nhằm khai phá Ấn Độ Dương. Trạm trú chân duy nhất của đoàn trong khu vực này là Đồ Bàn (Chaban) thủ phủ Chiêm Thành bấy giờ. Sau khi Minh Thành Tổ mất, triều đình nhà Minh đã phê phán những cuộc hải trình nặng phần trình diễn của Trịnh Hòa đã góp phần làm suy yếu nền kinh tế quốc gia. Sử gia Triệu Nhữ Quát đời nhà Tống trong cuốn Chư Phiên Chí đã xác nhận nhiều sự kiện lịch sử quan trọng từ thời nhà Hán. Theo đó, năm 111 TCN, sau khi thôn tính Nam Việt "Hán Vũ Đế sai quân vượt biển sang chiếm đất của địch quân (Nam Việt) và đặt ra 2 quận Châu Nhai và Đạm Nhĩ (đảo Hải Nam). Trong thế kỷ thứ I TCN, Hán Nguyên Đế đã rút quân khỏi đảo Hải Nam. Mãi tới đời nhà Lương và nhà Tùy (cuối thế kỷ thứ VI đầu thế kỷ thứ VII) mới đặt lại quyền cai trị”. Triệu Nhữ Quát cũng cho biết vùng quần đảo Hoàng Sa (Vạn Lý Trường Sa) là nơi nguy hiểm, tàu thuyền Trung Hoa không nên đến gần vì chỉ đi sai một tí là có thể chìm đắm. Nhan đề sách là Chư Phiên Chí, có nghĩa là chép chuyện các phiên quốc, nước ngoài. Vạn Lý Trường Sa nằm ở phiên quốc, có nghĩa là không thuộc về Trung Hoa mà thuộc về phiên quốc Nam Việt. Như vậy, biên giới trên Biển Đông của Trung Hoa vào đời nhà Hán chỉ tới đảo Hải Nam. Một trang trong cuốn Hải Ngoại Kỷ Sự (1695) của Thích Đại Sán, một nhà sư Trung Quốc đời Khang Hy, thuật lại chuyến du hành tới xứ Đàng Trong, thừa nhận chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Đại Việt.Đời nhà Đường có sách Đường Thư Nghệ Văn Chí đề cập tới cuốn Giao Châu Dị Vật Chí của Dương Phu chép những chuyện kỳ dị và những nơi kỳ dị tại Giao Châu (Việt Nam). Sách này chép, tại Thất Châu Dương (nhóm An Vĩnh, quần đảo Hoàng Sa) là nơi có nhiều đá nam châm khiến các thuyền ngoại dương có đóng chốt sắt đi qua không được. Điều này đã khẳng định quần đảo Hoàng Sa thuộc về Giao Châu xưa (nay là Việt Nam). Trong đời Nam Tống, cuốn Lĩnh Ngoại Đại Đáp của Châu Khứ Phi cũng xác nhận: "Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) tọa lạc tại Giao Chỉ Dương”. Chư Phiên Đồ đời Tống cũng xác định giới hạn lãnh thổ của Trung Quốc với các nước khác ở Giao Dương (tức Giao Chỉ Dương). Giao Chỉ Dương hay Biển Giao Chỉ là Vịnh Bắc Bộ ngày nay, trong khi Hoàng Sa và Trường Sa lại cách xa Vịnh Bắc Bộ hàng trăm dặm về phía nam. Như vậy, các thư tịch cổ Trung Hoa từ đời nhà Tống đã cho thấy Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc về Trung Quốc mà thuộc về nước khác mà Trung Quốc gọi là phiên quốc hay Giao Châu, Giao Chỉ. Vào đời nhà Nguyên, quân và dân Đại Việt đã 3 lần đánh tan quân Nguyên – Mông xâm lược và góp phần phá tan kế hoạch Đông Tiến (đánh Nhật Bản) của đoàn quân Mông Cổ nổi danh là bách chiến bách thắng từ đời Thành Cát Tư Hãn. Sau 3 phen thất bại, nhà Nguyên không còn dòm ngó Đại Việt cả trên lục địa đến các hải đảo. Trong suốt các thế kỷ XIII và XIV, theo chính sử Trung Hoa, quân Mông Cổ không hề có ý định xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong Dư Địa Đồ đời Nguyên của Chu Tư Bản được vẽ thu nhỏ lại trong sách Quảng Dư Đồ của La Hồng Tiên thực hiện năm 1561 phần cực nam lãnh thổ Trung Hoa là đảo Hải Nam. Đời nhà Minh, Thiên Hạ Thống Nhất Chi Đồ trong Đại Minh Nhất Thống Chí (1461), Hoàng Minh Đại Thống Nhất Tổng Đồ trong Hoàng Minh Chức Phương Địa Đồ (1635) đã vẽ phần cực nam Trung Hoa là đảo Hải Nam. Trong khi cuốn Vũ Bị Chí của Mao Nguyên Nghi gọi Biển Đông là Giao Chỉ Dương. Trên các bản đồ Trịnh Hoà Hạ Tây Dương, Trịnh Hòa Hàng Hải Đồ cũng không thấy ghi chép các danh xưng Hoàng Sa, Trường Sa (hay theo cách gọi của Trung Hoa là Tây Sa, Nam Sa, Tuyên Đức, Vĩnh Lạc) trong các lộ trình và hải đạo của Trịnh Hòa sau 7 lần đi qua Biển Đông để khai phá Ấn Độ Dương (Tây Dương). Nhiều tài liệu chính sử nhà Minh cho biết, từ thế kỷ XV, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nguyên là địa bàn ngư nghiệp của Chiêm Thành đã trở thành lãnh thổ của Đại Việt. Lưu ý rằng từ năm 1427 Lê Lợi đã đánh thắng quân Minh để giành lại chủ quyền cho Đại Việt bị Minh Thành Tổ chiếm đoạt từ 20 năm trước (1407). Đại Thanh Nhất Thống Toàn Đồ, đảo nhỏ ở phía dưới là Hải Nam, gần đó bên trái là Giao Chỉ, đảo lớn hơn bên phải là Đài Loan.Đời nhà Thanh, từ thế kỷ thứ XVII đến XX, theo bản đồ Hoàng Thanh Nhất Thống Dư Địa Bản Đồ do triều đình nhà Thanh ấn hành năm 1894 thì đến cuối thế kỷ XIX "lãnh thổ của Trung Quốc chỉ chạy đến đảo Hải Nam là hết”. Qua thế kỷ XX, sự kiện này còn được xác nhận trong cuốn Trung Quốc Địa Lý Học Giáo Khoa Thư xuất bản năm 1906 với đoạn như sau: "Điểm cực nam của Trung Quốc là bờ biển Châu Nhai thuộc quận Quỳnh Châu (Hải Nam) tại vĩ tuyến 18”. Các quận Châu Nhai và Đạm Nhĩ thuộc đảo Hải Nam kéo dài từ vĩ tuyến 20 (ngang Thanh Hoá) đến vĩ tuyến 18 (ngang Nghệ An – Hà Tĩnh). Trong khi quần đảo Hoàng Sa tọa lạc về phía nam, từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 15 (Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi) và quần đảo Trường Sa tọa lạc tại các vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 8 (Cam Ranh – Cà Mau). Bản đồ Đại Thanh Đế Quốc do triều đình nhà Thanh ấn hành cũng không thấy vẽ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (cũng không thấy ghi theo cách gọi của Trung Quốc là Tây Sa, Nam Sa, Vịnh Lạc, Tuyên Đức...). Hơn nữa, trong bộ Hải Quốc Đồ Ký, cuốn Hải Lục của Vương Bỉnh Nam (1820-1842) chép: "Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) là dải cát dài ngoài biển được dùng làm phên dậu che chắn mặt ngoài bờ cõi nước An Nam”. Như vậy, tư liệu này của Trung Quốc đã thừa nhận quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ trên biển của Việt Nam. Trong bộ sách địa lý Đại Thanh Nhất Thống Chí do Quốc Sử Quán nhà Thanh biên soạn năm 1842 với lời tựa của hoàng đế Thanh Tuyên Tông, không có chỗ nào ghi Thiên Lý Trường Sa hay Vạn Lý Trường Sa (quần đảo Hoàng Sa). Trong cuốn Hải Quốc Văn Kiến Lục của Trần Luân Quýnh (1744), vùng biển của Việt Nam tại Biển Đông được ghi bằng các danh xưng Việt Hải và Việt Dương. Trong vụ ngư dân đảo Hải Nam cướp tàu chở đồng bị đắm tại quần đảo Hoàng Sa những năm 1895-1896, để trả lời văn thư phản kháng của Chính phủ Anh, Tổng đốc Lưỡng Quảng Trung Hoa đã phủ nhận trách nhiệm với lý do: "Hoàng Sa không liên hệ gì tới Trung Quốc”. Ngoài ra cuốn Hải Ngoại Kỷ Sự (1695) của Thích Đại Sán một nhà sư thời Khang Hy đã đến đất Thuận Hóa của chúa Nguyễn ngày 29 tháng giêng năm Ất Hợi (13-3-1695) thuật lại chuyến hải hành này và ghi nhận chủ quyền của Đại Việt trong việc chiếm hữu, kiểm soát và khai thác vùng Biển Đông nơi tọa lạc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ít nhất là từ thế kỷ thứ XVII. Các tài liệu cổ của Trung Hoa rõ ràng cho thấy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) đã được người Việt Nam phát hiện, sử dụng trong nhiều thế kỷ một cách hoà bình và liên tục không có sự phản đối của bất cứ quốc gia nào kể cả của Trung Quốc. Điều đó được minh chứng từ tư liệu chính sử của nhiều triều đại Trung Quốc trong đó đã mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong suốt hơn 22 thế kỷ từ thời Tần, Hán cho đến đầu thế kỷ XX. Theo Đại đoàn kết Share this post Link to post Share on other sites
Posted 21 Tháng 7, 2011 Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam trong thư tịch cổ Trung Quốc Thứ năm, 21 Tháng bảy 2011, 06:22 GMT+7 Trong suốt 22 thế kỷ, từ các đời Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế, Tống Thần Công, Minh Thành Tổ đến giữa thế kỷ XX (1951), tài liệu chính sử Trung Quốc đã chưa bao giờ cho thấy chủ quyền của họ đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa) trên Biển Đông của Việt Nam (mà họ gọi là Biển Hoa Nam). Trong khi đó, không ít thư tịch cổ Trung Hoa, do chính người Trung Hoa ghi lại trong lịch sử đã thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bản đồ Trung Quốc thời nhà Thanh 1910 không hề có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa Theo luật pháp quốc tế, muốn xác lập chủ quyền lãnh thổ trên biển và hải đảo phải hội đủ 3 điều kiện: phải có sự hành xử chủ quyền của nhà nước; một cách liên tục và lâu dài; được sự thừa nhận của các quốc gia duyên hải, đặc biệt là các quốc gia tiếp cận và đối diện. Những tài liệu chính sử của Trung Quốc cho thấy cho đến thế kỷ XIX người Trung Quốc cũng chỉ đi ngang qua các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không hề có việc tuyên bố, hành xử chủ quyền lâu dài và liên tục tại các đảo này. Một tài liệu đáng tin cậy về chính sử Trung Hoa là cuốn “Lịch sử Trung Quốc thời trung cổ” do Hàn Lâm Viện Trung Quốc xuất bản tại Đài Bắc năm 1978, học giả Hsieh Chiao-Mintrong bài “Nghiên cứu về lịch sử và địa lý” nhận định về cuộc thám hiểm của Trung Hoa tại đại dương như sau: “Suốt chiều dài lịch sử, về sự phát triển văn hóa và khoa học, dân tộc Trung Hoa không tha thiết với đại dương”. Theo các tài liệu lịch sử chính thống “thảng hoặc triều đình Trung Hoa cũng gởi những đoàn thám hiểm đến Nhật Bản trong các thế kỷ thứ III và thứ II (TCN) và tại Đông Nam Á, Ấn Độ, Ba Tư và Phi Châu trong thế kỷ XV. Điểm rõ nét nhất là tại Thái Bình Dương có rất ít, nếu không nói là không có những vụ xâm nhập quy mô của Trung Hoa” suốt chiều dài lịch sử (từ đời nhà Tần thế kỷ thứ III TCN đến nhà Thanh từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX). Hoàng triều dư địa toàn đồ (1728, 1729) cho thấy cương giới phía Nam Trung Quốc chỉ đến phủ Quỳnh Châu (Hải Nam) Tiền Hán Thư (206 TCN) do Ban Cố (32-92) đời Đông Hán (25-220) soạn vào những năm Kiến Sơ (76-83) đời Chương Đế (76-88). Vào thời kỳ này, có thể nói rằng theo chính sử, người Trung Quốc chưa biết gì về các quần đảo ở Biển Đông (mà họ gọi là Biển Hoa Nam hay Nam Hải). Những ghi chép trong bộ Tiền Hán Thư chỉ nhắc đến đảo Hải Nam . Đoạn này được ghi chép như sau: “Từ huyện Từ Văn, Hợp Phố đi vào biển ở phía Nam, được đại châu (đảo lớn), Đông, Tây, Nam, Bắc vuông ngàn dặm. Năm đầu niên hiệu Nguyên Phong (110 TCN) đời Vũ Đế (140-87 TCN) lấy làm quận Đảm Nhĩ, Châu Nhai. Dân đều mặc vải như vỏ chăn khoét giữa chùm qua đầu khi mặc. Đàn ông cày ruộng, trồng lúa, đay, gai, đàn bà trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa. Không có ngựa và hổ, dân có 5 gia súc, trên núi có nai, hoãng. Binh thì dùng giáo, mộc, đao, cung, nỏ, tên tre hoặc mũi bằng xương. Ban đầu là quận huyện, quan lại là người Trung Quốc phần nhiều nhũng nhiễu, nên dân mấy năm một lần chống lại. Đời Nguyên Đế (48-33 TCN) bèn bãi bỏ”. Như vậy, Tiền Hán Thư chỉ nhắc đến đảo Hải Nam và sự kiện chinh phục đảo Hải Nam năm 110 TCN của nhà Hán. Sự kiện chinh phục đảo Hải Nam chứng tỏ đảo này không thuộc nhà Hán. Người dân bản xứ được nhắc đến ở đây là các tộc người đã đứng dậy chống lại ách đô hộ của nhà Hán, buộc quân Hán xâm lược phải rời bỏ đảo vào thời gian đó. Đường Thư (608-907) do Âu Dương Tu (1007-1072) biên soạn trong những năm 1054-1060. Trong bộ Đường Thư này, có hai đoạn liên quan đến địa lý hành chính của đảo Hải Nam. Đoạn thứ nhất về sự kiện xảy ra năm thứ 5 niên hiệu Trinh Nguyên. Đoạn này viết như sau: “Tháng 10, Lĩnh Nam tiết độ sứ (thống đốc) Lý Phục lấy lại Quỳnh Châu”. Về sự kiện thống đốc đạo Lĩnh Nam (nay là Quảng Đông, Quảng Tây) đem quân lấy lại đảo Hải Nam năm Trinh Nguyên thứ 5 (789), sau 100 năm dân bản địa nổi dậy làm chủ đảo này (từ năm 666 – theo Thái Bình Hoàn Vũ Ký của Nhạc Sử đời Tống), một số học giả Trung Quốc đã xuyên tạc là “các đảo Nam Hải từ năm thứ 5 niên hiệu Trinh Nguyên nhà Đường đã thuộc phạm vi quản hạt của Trung Quốc (Hàn Chấn Hoa, Ngã Quốc Nam Hải Chư Đảo Sử Liệu Hội Biên, 1988) hoặc quần đảo Trường Sa (Nam Sa) đã được “sáp nhập vào phủ Quỳnh Châu năm thứ 5 niên hiệu Trinh Nguyên đời Đường” (Phan Thạch Anh, bài đăng trên Tạp chí Window, Hồng Kông, ngày 3 tháng 9 năm 1993). Hoàng Triều nhất thống dư địa tổng đồ, bản đồ tổng quát đất đai thống nhất của nhà Thanh trong tập Hoàng Triều nhất thống dư địa toàn đồ được thực hiện năm 1894. Phần cực Nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam Đoạn thứ hai viết về quy chế hành chính đảo Hải Nam, cụ thể như sau: “Nhai Châu, Quỳnh Sơn quận: Phủ đô đốc đặt năm thứ 5 niên hiệu Trinh Quán (631) tại huyện Quỳnh Sơn, tách từ Nhai Châu. Từ niên hiệu Càn Phong (666-668) về sau bị mất vào người Man trong sơn động. Năm thứ 5 niên hiệu Trinh Nguyên (789) Lĩnh Nam tiết độ sứ Lý Phục đánh dẹp, lấy lại được. Đồ cống có vàng. Gồm 649 hộ, 5 huyện là Quỳnh Sơn, Lâm Cao, Tăng Khẩu, Lạc Hội, Nhan La. Qua Đường Thư, người ta biết được rằng đảo Hải Nam được chia làm 5 đơn vị hành chính và tên từng đơn vị hành chính này. Đường Thư không chép bất kỳ nơi nào, ngoài các vùng đất trên đảo Hải Nam, thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Tống Sử (960-1297) do Tôgtoha, đại thần thừa tướng nhà Nguyên soạn năm Chí Chính thứ 3 (1343). Chương Dư địa chí, phần về địa lý hành chính đảo Hải Nam được chép như sau: “Quỳnh Sơn hạ, Quỳnh Sơn quận, Tĩnh Hải quân tiết độ sứ: Năm Đại quan thứ 1 (1107), đặt Trấn Châu ở Di động Lê Mẫu Sơn, cho quân ngạch là Tĩnh Hải. Năm Chính Hoà thứ 1 (111), bỏ Trấn Châu và ngạch quân, trở lại như cũ. Gồm 8963 hộ. Cống vàng, cau, có 4 huyện là Quỳnh Sơn, Văn Xương, Lâm Cao, Lạc Hội. Như vậy, qua sử của nhà Tống liên quan đến cương vực phía Nam của Trung Quốc, chúng ta biết được đảo Hải Nam thời kỳ đó có 4 đơn vị hành chính cấp châu và quân. Quân trong thời kỳ này là đơn vị hành chính cấp châu (trên cấp huyện). Chúng ta cũng biết rằng không có đơn vị hành chính nào trên đảo Hải Nam có tên là“Thiên lý Trường Sa” hay “Vạn lý Thạch Đường”. Trong đời Nhà Tống, trong hai thế kỷ thứ 10 và 11, quân Đại Việt đã 3 lần đánh thắng quân Trung Quốc: Lần thứ nhất, năm981, Lê Đại Hành phá đội hải quân của Lưu Trừng tại Bạch Đằng Giang; trong hai năm 1075 và 1076, Lý Thường Kiệt lại đánh thắng quân Nhà Tống tại Quảng Đông, Quảng Tây và trên sông Như Nguyệt và sông Phú Lương. Sau 3 phen thất trận, theo trình tấu của hoàng thân Triệu Nhữ Quát, vua Tống Thần Tông đã theo chính sách Trọng Võ Ái Nhân (thận trọng việc võ bị, thương xót mạng người, không phơi binh nơi lam chướng) để thừa nhận nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của Đại Việt. Đại Thanh Nhất Thống Toàn Đồ, đảo nhỏ ở phía dưới là Hải Nam, gần đó bên trái là Giao Chỉ, đảo lớn hơn bên phải là Đài Loan Nguyên Sử (1206-1368) do Tống Liêm (1310-1381), là Hàn lâm học sĩ Á trung đại phu, kiêm tu quốc sử nhà Minh soạn theo chỉ dụ của vua Minh năm Hồng Vũ thứ 2 (1369). Trong Nguyên Sử, phần “Dư địa chí” cho thấy rõ lãnh thổ Trung Quốc đời Nguyên, cực Nam chỉ đến đảo Hải Nam, không bao gồm bất kỳ quần đảo nào ở Biển Đông. Trong Nguyên Sử, có hai sự kiện được người Trung Quốc trích dẫn làm bằng chứng là Trung Quốc đã quản lý và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa), đó là: việc quan trắc thiên văn của Quách Thủ Kính năm 1279; và cuộc xâm lược Java (thuộc Indonesia ngày nay). Qua ghi chép về việc Quách Thủ Kính quan trắc thiên văn trong Nguyên sử, chúng ta có thể rút ra một số nhận xét: Một là, hoạt động quan trắc thiên văn là hoạt động khoa học về thiên văn để có tài liệu làm “lịch mới”, không liên quan gì đến việc hoạt động xác lập chủ quyền hay thực thi chủ quyền; Hai là, các điểm mà Quách Thủ Kính và đồng sự quan trắc nằm ở cả trong và ngoài giới hạn lãnh thổ của Trung Quốc đời Nguyên, trong đó “Nam Hải” là biển Đông, “Bắc Hải” là Bắc Băng Dương, “Thiết Lặc” nay thuộc vùng Xibiri Liên bang Nga, “Cao Ly” nay là Triều Tiên; Ba là, việc học giả Trung Quốc Hàn Chấn Hoa lấy hoạt động đo đạc quan trắc thiên văn ở Nam Hải đểcoi đó là chứng cứ khẳng định chủ quyền là không xác đáng. Ở đây có một số điểm làm cho lập luận của ông Hàn Chấn Hoa không thể đứng vững. Thứ nhất, trong thời kỳ này, Nguyên Sử đã chép rõ cực Nam giới hạn lãnh thổ của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Đại Nguyên Nhất Thống Chí chép: “Cương vực Trung Quốc đời Nguyên phía Nam không vượt quá đảo Hải Nam, phía Bắc không vượt quá sa mạc Gobi”. Thứ hai, không thể suy luận người Trung Quốc đo đạc khoa học ở đâu thì lãnh thổ đó thuộc về Trung Quốc. Rõ ràng là Triều Tiên, Biển Đông, Bắc Băng Dương, Xi-bi-ri không nằm trong cương vực lãnh thổ Trung Quốc. Dù người Trung Quốc có đo đạc quan trắc thiên văn ở đây thì cũng không thể biến Triều Tiên, Biển Đông, Bắc Băng Dương, Xi-bi-ri thành lãnh thổ Trung Quốc. Đại Thanh Nhất Thống Toàn Đồ, phần 12, đi vào chi tiết Đảo Hải Nam Về cuộc xâm lược Java thất bại của Sử Bật năm Chí Nguyên thứ 29 (1293), sau khi mô tả diễn biến cuộc chiến giữa quân Nguyên và quân Java, Nguyên sử chép rằng, trên đường về Bật bị hàng tướng Java làm phản, đánh lại quân Nguyên. Sử Bật phải “chặn phía sau, vừa đánh vừa đi, 300 dặm mới lên được thuyền, đi 68 ngày mới về đến Tuyền Châu, quân sĩ chết hơn 3000 người”. Vua Nguyên thấy tổn thất quá nặng nên phạt Sử Bật bằng “đánh 17 trượng, tịch thu một phần ba gia sản”. Qua ghi chép trong Nguyên sử về sự kiện này, chúng ta có thể rút ra một số nhận xét rất đáng chú ý: Một là, cuộc hành quân của Sử Bật là nhằm mục đích thôn tính Java, không thể coi đó là cuộc “tuần phòng” quần đảo Nam Sa (Trường Sa) như học giả Trung Quốc khẳng định trong bài viết “Quần đảo Nam Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc”, đăng trên Tạp chí Window, xuất bản tại Hồng Kông, ngày 3 tháng 9 năm 1993; Hai là, tuyến đường mà Sử Bật đi được mô tả trong Nguyên Sử bám sát đất liền, không hề qua quần đảo mà Trung Quốc gọi là Nam Sa. Từ Tuyền Châu (bờ biển Phúc Kiến, đoàn quân đi qua “Thất Châu Dương” tức là vùng biển Đông Nam đảo Hải Nam mà phía Đông là quần đảo Hoàng Sa ngày nay mà người Trung Quốc xưa gọi là “Vạn lý Thạch đường”, sau đó qua vùng Cù lao Thu – Hòn Hải ngày nay mà thời đó người Trung Quốc gọi là “Đông Đổng”, “Tây Đổng” rồi đi thẳng xuống vùng biển Java, tạm dừng trên cụm đảo “Kalimata” để chuẩn bị tiến vào Java. Rõ ràng, tuyến đường đó còn cách xa quần đảo Trường Sa vài trăm dặm. Không có bất kỳ chi tiết nào nào đoàn quân của Sử Bật đã qua quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa)càng không thể nói là Sử Bật đã “tuần phòng quần đảo Nam Sa”. Bản đồ Trung Quốc thế kỷ 17 của Peter de Goyer và Jacob de Keyzer biên giới phía Nam chỉ tới đảo Hải Nam Đời Nhà Nguyên, trong thế kỷ 13, vào những năm 1257, 1284 và 1287, như dưới đời Nhà Tống, quân Đại Việt đã ba lần phá vỡ kế hoạch Nam Tiến của quân Nguyên-Mông.Sau ba phen thất bại, Nhà Nguyên không còn dòm ngó Việt Nam từ lục địa đến hải đảo. Và trong các thế kỷ 13 và 14, theo chính sử, quân Nguyên-Mông không hề xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa. Sự kiện này được xác nhận trong cuốn “Tranh Chấp tại Biển Nam Hoa” của Marwyn Samuels theo đó:“Trong suốtthế kỷ 14 các đội hải thuyền hùng mạnh của Nhà Nguyên có đi tuần tiễu, nhưng tại Biển Hoa Nam. Hoàng Sa và Trường Sakhông bị chiếm đóng và không thuộc chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc”. Đời nhà Minh, Thiên Hạ Thống Nhất Chi Đồ trong Đại Minh Nhất Thống Chí (1461), Hoàng Minh Đại Thống Nhất Tổng Đồ trong Hoàng Minh Chức Phương Địa Đồ (1635) đã vẽ phần cực Nam Trung Hoa là đảo Hải Nam. Trong khi cuốn Vũ Bị Chí của Mao Nguyên Nghi gọi Biển Đông là Giao Chỉ Dương. Trên các bản đồ Trịnh Hoà Hạ Tây Dương, Trịnh Hòa Hàng Hải Đồ cũng không thấy ghi chép các danh xưng Hoàng Sa, Trường Sa (hay theo cách gọi trung Hoa là Tây Sa, Nam Sa, Tuyên Đức, Vĩnh Lạc) trong các lộ trình và hải đạo của Trịnh Hòa sau 7 lần đi qua Biển Đông để khai phá Ấn Độ Dương (Tây Dương). Nhiều tài liệu chính sử nhà Minh cho biết từ thế kỷ XV, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nguyên là địa bàn ngư nghiệp của Chiêm Thành đã trở thành lãnh thổ của Đại Việt. Lưu ý rằng từ năm 1427 Lê Lợi đã đánh thắng quân Minh để giành lại chủ quyền cho Đại Việt bị Minh Thành Tổ cướp đoạt từ 20 năm trước (1407). Theo cuốn Lịch Sử Trung Quốc Thời Trung Cổ “từ 1405 đến 1433, phái bộ Trịnh Hòa đã viếng thăm 37 quốc gia duyên hải tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Các địa điểm xa nhất là Vịnh Ba Tư, Biển Hồng Hải về phía Tây Bắc, và Đông Phi Châu về phía cực Tây Ấn Độ Dương”. Vả lại,theo chính sử Trung Quốc, chuyến Đi Thứ Sáu của Trịnh Hòa chỉ kéo dài7 tháng(từ tháng 2-1421 đến tháng 9-1421). Trong chuyền đi ngắn ngủi này Trịnh Hòa chỉ đi từ Phúc Kiến đến Sumatra (Nam Dương). Kể từ đó hai sĩ quan tùy viên Yang Ching và Hung Pao đã đứng ra điều khiển cuộc hải trình. Nghĩa là, trong thế kỷ 15, không có việc Trịnh Hòa khám phá chây Mỹ như Trung Quốc khẳng định. Việc Columbus là người đầu tiên khám phá châu Mỹ là mộtsự kiện lịch sử đã được nhân loại ghi nhận từ 6 thế kỷ qua. Vậy mà ngày nay Trung Quốc dám sửachữa lịch sử và bóp méo sự thật. Huống chi là những hải đảo ít người biết tới ở một vùng hải phận xa xôi như hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bản đồ Trung Quốc năm 1910 thời Nhà Thanh Đời nhà Thanh, từ thế kỷ thứ XVII đến XX, theo bản đồ Hoàng Thanh Nhất Thống Dư Địa Bản Đồ do triều đình nhà Thanh ấn hành năm 1894 thì đến cuối thế kỷ XIX “lãnh thổ của Trung Quốc chỉ chạy đến đảo Hải Nam là hết”. Qua thế kỷ XX, sự kiện này còn được xác nhận trong cuốn Trung Quốc Địa Lý Học Giáo Khoa Thư xuất bản năm 1906 với đoạn như sau: “Điểm cực Nam của Trung Quốc là bờ biển Châu Nhai thuộc quận Quỳnh Châu (Hải Nam) tại vĩ tuyến 18”. Các quận Châu Nhai và Đạm Nhĩ thuộc đảo Hải Nam kéo dài từ vĩ tuyến 20 (ngang Thanh Hoá) đến vĩ tuyến 18 (ngang Nghệ An – Hà Tĩnh). Trong khi quần đảo Hoàng Sa tọa lạc về phía Nam, từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 15 (Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi) và quần đảo Trường Sa tọa lạc tại các vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 8 (Cam Ranh – Cà Mau). Bản đồ Đại Thanh Đế Quốc do triều đình nhà Thanh ấn hành cũng không thấy vẽ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (cũng không thấy ghi theo cách gọi của Trung Quốc là Tây Sa, Nam Sa, Vịnh Lạc, Tuyên Đức…). Hơn nữa, trong bộ Hải Quốc Đồ Ký, cuốn Hải Lục của Vương Bỉnh Nam (1820-1842) chép: “Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) là dải cát dài ngoài biển được dùng làm phên dậu che chắn mặt ngoài bờ cõi nước An Nam”. Như vậy, tư liệu này của Trung Quốc đã thừa nhận quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ trên biển của Việt Nam. Trong bộ sách địa lý Đại Thanh Nhất Thống Chí do Quốc Sử Quán nhà Thanh biên soạn năm 1842 với lời tựa của hoàng đế Thanh Tuyên Tông, không có chỗ nào ghi Thiên Lý Trường Sa hay Vạn Lý Trường Sa (quần đảo Hoàng Sa). Trong khi, Hải Quốc Văn Kiến Lục của Trần Luân Quýnh (1744), vùng biển của Việt Nam tại Biển Đông được ghi bằng các danh xưng Việt Hải và Việt Dương. Trong vụ ngư dân đảo Hải Nam cướp tàu chở đồng bị đắm tại quần đảo Hoàng Sa những năm 1895-1896, để trả lời văn thư phản kháng của chính phủ Anh, Tổng Đốc Lưỡng Quảng Trung Hoa đã phủ nhận trách nhiệm với lý do: “Hoàng Sa không liên hệ gì tới Trung Quốc”.Ngoài ra cuốn Hải Ngoại Kỷ Sự (1695) của Thích Đại Sán một nhà sư thời Khang Hy đã đến đất Thuận Hóa của chúa Nguyễn ngày 29 tháng giêng năm Ất Hợi (13-3-1695) thuật lại chuyến hải hành này và ghi nhận chủ quyền của Đại Việt trong việc chiếm hữu, kiểm soát và khai thác vùng Biển Đông nơi tọa lạc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ít nhất là từ thế kỷ thứ XVII. Các tài liệu cổ của Trung Hoa rõ ràng cho thấy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) đã được người Việt Nam phát hiện, sử dụng trong nhiều thế kỷ một cách hoà bình và liên tục không có sự phản đối của bất cứ quốc gia nào kể cả của Trung Quốc. Điều đó được minh chứng từ tư liệu chính sử củanhiều triều đại Trung Quốc đã mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong suốt hơn 22 thế kỷ từ thời Tần, Hán cho đến đầu thế kỷ XX. Kỳ 6: Thời Pháp thuộc với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt NamNhóm PV VnMediaViệt Báo (Theo_VnMedia) Share this post Link to post Share on other sites
Posted 24 Tháng 7, 2011 Dày đặc tư liệu nước ngoài khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa của VN Cập nhật lúc :8:41 AM, 22/07/2011 (ĐV) Không chỉ những bằng chứng lịch sử và hành động cụ thể xác định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và trường Sa, các tài liệu lịch sử của nhiều nước cũng chứng tỏ điều này một cách rõ rệt. Tham vọng phi lý của Trung Quốc mâu thuẫn với chính sử Chứng cứ khoa học khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa của VN Những tài liệu của người Pháp, Hà Lan... từ trước thế kỷ 18 đều ghi nhận chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này. Những sử liệu chính xác Từ nhiều thế kỷ trước, người phương Tây đã biết đến và ghi nhận quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng trong quá trình nghiên cứu Ký sự Batavia (Journal de Batavia) của Công ty Đông Ấn - Hà Lan xuất bản, cho thấy vào các năm 1631-1636 có ghi về những sự kiện các tàu biển thuộc Công ty Đông Ấn bị tai nạn tại quần đảo Hàng Sa thuộc xứ Đàng Trong như sau: Ngày 20/7/1634, vào thời Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), 3 chiếc tàu biển đăng ký tại Hà Lan từ Batavia (Indonesia) đến Tuoranne (Đà Nẵng) cùng nhổ neo đi Đài Loan. Ngày 21, trên đường biển tại tọa độ khoảng 15 vĩ độ và 115 kinh tuyến, các tàu đã gặp bão nên lạc hướng, trong đó, 1 chiếc bị đắm gần tọa độ nêu trên, nơi có quần đảo Hoàng Sa. Thủy thủ để lại 50 người ở lại đảo, mang theo 2 người vào duyên hải xứ Đàng Trong xin giúp đỡ, và được đi nhờ tàu Nhật Bản về xứ Batavia. Chắc tay súng bảo vệ vùng biển đảo thương yêu của Tổ quốc. (Ảnh minh họa) Sau này, trong cuốn sách Hoàng Sa, Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam nhìn từ công pháp quốc tế, nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng cũng nêu: Kể từ năm 1634, người Hà Lan đã tường thuật khá rõ về quần đảo Hoàng Sa trên lãnh hải Việt Nam do các Chúa Nguyễn hành xử để kiểm soát các tàu biển qua lại khu vực này. Nhưng địa danh Hoàng Sa (Paracel), Trường Sa (Spartley) không phải tới năm 1636 mới được người Hà Lan chính thức nói đến. Ngay từ đầu thế kỷ XVI, một bản đồ hàng hải phương Tây được anh em nhà Van Langren, người Hà Lan vẽ, ấn hành năm 1595 đã nhắc đến địa danh Pareacel, Spartley. Ngoài các tài liệu của người Hà Lan về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các giáo sĩ châu Âu thuộc Hội truyền giáo Paris thường xuyên tháp tùng các thuyền buôn đến Việt Nam truyền giáo tại các xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài cũng ghi chép cẩn thận về hải trình họ theo các thuyền buôn đến Việt Nam và được lưu trữ tại Văn khố Hội truyền giáo Paris. Các tài liệu này đều cho thấy việc các tàu thuyền buôn của họ gặp nạn, được các chúa Nguyễn giúp đỡ, trở về nước. Các tư liệu này được viết bằng tiếng Pháp và sau này được giáo sĩ Đặng Phương Nghi công bố trên Tập san Sử địa ấn hành năm 1975 tại Sài Gòn. Sự thật hiển nhiên không thể bác bỏ Tương tự như các tài liệu của phương Tây nửa đầu thế kỷ 19, trong sách Bức tranh Thế giới - Lịch sử và sự mô tả các dân tộc, tôn giáo, phong tục, tập quán của họ: Nhật Bản, Đông Dương, Tích Lan, nhà xuất bản Firmin-Didot Frères et Cie, xuất bản năm 1850 tại Paris, cũng nhắc đến chủ quyền của xứ Đàng Trong đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: “...Chúng tôi chỉ xin lưu ý rằng từ hơn 34 năm nay, quần đảo Paracels mà người Việt gọi là Cát Vàng hoặc Hoàng Sa, gồm rất nhiều hòn đảo chằng chịt - đã được chiếm cứ bởi người xứ Đàng Trong”. Đặc biệt, nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng cũng cho biết trong số các tài liệu phương Tây viết về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, có khá nhiều sách và bài viết của Giám mục Jean Louis Taberd. Ông là giám mục Thiên Chúa giáo, am tường về địa lý, lịch sử, phong tục, ngôn ngữ xứ Đàng Trong. Bài viết của Giám mục J.L. Taberd trong quyển sách xuất bản định kỳ hằng năm là Bức tranh Thế giới - Lịch sử và mô tả các dân tộc, tôn giáo, phong tục, tập quán của họ, xuất bản năm 1833 tại Paris, có nêu: “... chúng tôi biết chắc là Hoàng đế Gia Long đã thân chinh vượt biển để thâu quần đảo Hoàng Sa, và chính là vào năm 1816, Ngài đã long trọng treo tại đó lá cờ của xứ Đàng Trong”. Vài năm sau, cũng Giám mục Taberd, trong bài viết Ghi chú về địa lý xứ Đàng Trong đăng trên Tập san Hội châu Á của xứ Bengal, xuất bản tháng 9/1837 tại Calcutta (Ấn Độ), và bài Ghi chú thêm về địa lý xứ Đàng Trong, tháng 4/1838, tiếp tục xác định: “Năm 1816, nhà vua đã tới cắm cờ một cách long trọng và chính thức giữ chủ quyền các hòn đảo này, nơi hình như không một ai tranh giành với nhà vua”. Đặc biệt, trong cuốn Tự điển La tinh - Việt cũng của Giám mục J. L Taberd, xuất bản năm 1838, còn đính thêm một bản đồ với tên gọi là An Nam Đại quốc Họa đồ, trong đó ghi rõ tọa độ và khẳng định Paracels hay Cát Vàng nằm trong lãnh hải của Việt Nam. Điều này chứng tỏ quần đảo Hoàng Sa (Paracel) và Trường Sa (Spartey) là những hải đảo quen thuộc với các nhà hàng hải, giáo sĩ phương Tây từ thế kỷ 16. Mỗi khi bị nạn, họ đều tìm cách đến duyên hải Đàng Trong của Việt Nam mong được cứu giúp vì Hoàng Sa, Trường Sa từ thế kỷ 16 đã thuộc quyền sở hữu của các Chúa Nguyễn (1558-1778). Những sử liệu và sự kiện này chứng minh một cách chính xác và hùng hồn cho chủ quyền Việt Nam trên vùng biển này. Các sử liệu này cũng khẳng định rằng chậm nhất là đến cuối thế kỷ 16, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một phần lãnh thổ của Việt Nam và được người Việt chính thức hành xử chủ quyền trên các đảo ấy. Đây là sự thật hiển nhiên mà không một sử gia chân chính nào có thể bác bỏ. Hà Vỹ Share this post Link to post Share on other sites
Posted 31 Tháng 7, 2011 Chủ quyền qua tài liệu tôn giáo Trong nhiều tài liệu của các tu sĩ đến truyền giáo hoặc có đi qua lãnh thổ Việt Nam còn lưu lại đều khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. 1. Giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã xuất bản tại Roma nhiều sách bằng chữ quốc ngữ như Từ điển Việt - Bồ - La (1651), Giáo lý Giảng tám ngày (1651). Đặc biệt trong sách Regnũ Annam (1650, Vương quốc An Nam) đi kèm theo tấm bản đồ nước ta đầu tiên chú thích rõ ràng bằng chữ quốc ngữ. Chúng tôi phỏng đoán Alexandre de Rhodes vẽ bản đồ này theo mẫu An Nam quốc đồ (1490) thời Hồng Đức, vì để phía tây lên trên và đại cương nét biển, sông, núi cũng tương tự. Ở ngoài khơi Quảng Ngãi bản đồ Hồng Đức ghi rõ chữ Đại Hải (bằng Hán tự) còn bản đồ Đắc Lộ ghi thêm cù lao Ré (tức đảo Lý Sơn) và xa ngoài khơi là đảo Pulo Sisi ở đúng địa điểm Hoàng Sa. Như vậy Việt Nam đã làm chủ quần đảo Hoàng Sa ít nhất là từ cuối thế kỷ XVI rồi. 2. Hòa thượng Thích Đại Sán (1633-1704) là nhà sư Trung Hoa được chúa Minh - Nguyễn Phước Chu (1691-1725) mời sang Đàng Trong thuyết pháp về đạo Phật trong hai năm 1694-1695. Khi về nước, hòa thượng đã viết sách Hải ngoại ký sự, trong đó nói đến biển Đông và Hoàng Sa, Trường Sa: “Bãi cát rộng cả trăm dặm, chiều dài thăm thẳm chẳng biết bao nhiêu mà kể gọi là Vạn Lý Trường Sa… Quảng ấy cách Đại Việt bảy ngày đường… thời quốc vương trước, hằng năm thuyền đánh cá đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc, khí cụ của các thuyền hư tấp vào”. 3. Năm 1701, đoàn giáo sĩ thừa sai sang Trung Hoa đã kể lại trong Các bức thư nêu gương sáng và giải tỏa tò mò (Lettres edifiantes et curieuses) như sau: “Với luồng gió tốt, chúng tôi xuống tàu và chẳng bảo lâu đã tới phía trên đảo Paracel. Paracel là một quần đảo thuộc đế quốc An Nam). Đó là những tảng đá rất đáng sợ rộng hơn 100 hải lý, một cơn gió lớn làm đắm tàu bất kỳ lúc nào”. Quần đảo Paracel nằm dài gần bờ biển nước Cochinchine (Giao Chỉ gần Trung Hoa), xưa gọi là nước An Nam. Tàu Amphitrite lần đầu đi Trung Hoa tưởng là sẽ bị tử nạn nơi đây. Thủy thủ đoàn tưởng rằng chưa đến nỗi khi họ thấy con tàu chúi mũi vào một bãi biển chỉ có bốn hay năm sải nước mà thôi. Trong cơn nguy kịch đó họ nguyện cầu nếu qua khỏi họ sẽ xây dựng một giáo đường trên mộ thánh Phanxicô Xavie tại đảo Sancian (Tam Sơn). Họ được chấp nhận lời nguyền và thoát khỏi cơn nguy kịch như một phép lạ. Để kỷ niệm sự cố này, các nhà địa lý và hàng hải lấy tên tàu Amphitrite làm địa danh cho các đảo ở phía đông bắc Hoàng Sa mà ta gọi là nhóm đảo Tuyên Đức. Ảnh lớn: An Nam đại quốc họa đồ của Giám mục Taberd ghi rõ bằng chữ quốc ngữ và âm tiếng ta: Paracel seu Cát Vàng (đảo Paracel hay Cát Vàng). Ảnh nhỏ: Bản đồ Vương quốc An Nam của Alexandre de Rhodes lần đầu tiên chú thích rõ ràng biển, đảo của Việt Nam bằng chữ quốc ngữ. 4. Năm 1833, Giám mục Taberd cho ra sách với nhan đề: Vũ trụ, lịch sử và mô tả hết mọi dân tộc, cùng tôn giáo, phong tục tập quán. Trong đó có đoạn mô tả rõ địa lý quần đảo Hoàng Sa: “Chúng tôi không đi sâu kể hết các hải đảo chính thuộc chủ quyền nước Giao Chỉ gần Trung Hoa (Cochinchine, quốc hiệu chính thức khi ấy đã là Việt Nam). Chúng tôi chỉ xin lưu ý rằng từ 34 năm trước đây, quần đảo Paracels gọi là Cát Vàng hay Hoàng Sa. Một khu vực rắc rối như mê hồn trận gồm nhiều đảo nhỏ và các bãi cát làm cho các nhà hàng hải sợ hãi đã do người Việt Nam chiếm giữ. Chúng tôi đã không biết họ thiết lập một cơ sở nào chưa, song chắc chắn rằng hoàng đế Gia Long đã quan tâm kết hợp thêm một cánh hoa nhỏ ấy vào vương miện của mình, vì ông xét là thích hợp nên đích thân ra đảo thực hiện chủ quyền năm 1816 và trân trọng trưng quốc kỳ Việt Nam”. Năm 1838, Giám mục Taberd xuất bản tại Serampore (Ấn Độ) bộ từ điển đồ sộ Nam Việt Dương hiệp Tự vị (Dictionarium Anamitico Latinum). Trong đó có tấm bản đồ Việt Nam cỡ lớn (40 x 80 cm) ghi tên ba thứ tiếng Việt - Hán - Latin: An Nam Đại quốc họa đồ. Bên tay phải bản đồ, phía trên vĩ tuyến 16, Taberd ghi rõ: Paracel seu Cát Vàng (đảo Paracel hay Cát Vàng). Taberd viết chữ quốc ngữ và âm tiếng ta chứ không gọi Paracel là Hoàng Sa. Điều này càng khẳng định quần đảo Hoàng Sa và cả quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, vì xưa kia địa danh Paracel chỉ cả khối các đảo nhỏ và bãi cát suốt từ Bắc xuống Nam, mà Đại Nam Thống Nhất Toàn Đồ (thời Minh Mạng) gọi phần Bắc là Hoàng Sa và phần Nam là Vạn Lý Trường Sa. * * * Như vậy các nhà tu hành Tây phương cũng như Trung Quốc rất khách quan, thấy sao nói vậy: Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam! Bản đồ cổ, chứng cứ quý giá để bảo vệ chủ quyền Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Cliton phát biểu: Các nước tranh chấp về chủ quyền trên biển Đông cần giải thích tuyên bố chủ quyền theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, đồng thời chứng minh các tuyên bố chủ quyền bằng chứng cứ pháp lý. Và gần như đó cũng là quan điểm chung của các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã nói rõ: “Cơ sở lịch sử, pháp lý và quyền chiếm hữu khai thác, sử dụng về mặt thực tế là ba mặt của vấn đề để xác lập chủ quyền biển, đảo”. Rõ ràng, chứng cứ lịch sử, pháp lý là những cột trụ quan trọng để chứng minh cho các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam trước quốc tế và là cơ sở chứng lý hết sức quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp có liên quan đến biển Đông (trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa). Đối chiếu vấn đề này với những cống hiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, ta mới thấy hết được giá trị to lớn rút ra từ những bản đồ cổ. Trong năm năm qua, ông đã tập trung những ngày tháng còn lại của đời mình để nghiên cứu rất sâu về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam qua hệ thống bản đồ cổ. Những tư liệu quý báu mà ông thu thập được trong suốt cả cuộc đời mình đã không phụ lòng người săn sóc chúng. Đối chiếu cả trăm bản đồ cổ của Việt Nam, Trung Quốc và nhất là hàng trăm bản đồ cổ do những nhà hàng hải phương Tây đương thời vẽ xuyên suốt từ thế kỷ XVI đến sau này, ông rút ra kết luận: “Chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông và Hoàng Sa, Trường Sa đã được thế giới khẳng định qua các đồ bản suốt từ 500 năm qua”. Có thể nói kết luận rút ra từ chứng cứ bản đồ mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu thực hiện là những chứng cứ giá trị để Việt Nam đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ông nói: “Muốn bảo vệ chủ quyền quốc gia của mình, đầu tiên phải biết ta có chứng cứ gì đã, thứ hai chứng cứ đó có chắc không. Từ đó mà truyền bá kiến thức ấy thật sâu rộng đến tất cả đồng bào của mình, dư luận thế giới để tạo thành một sự nhận thức rõ ràng, thống nhất về chủ quyền quốc gia của ta. Nghĩa là biến kiến thức ấy thành sự đoàn kết, thành quyết tâm của toàn dân tộc, thành thứ vũ khí sắc bén nhất để bảo vệ chủ quyền!”. MINH CƯỜNG Nhà nghiên cứu NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU Share this post Link to post Share on other sites
Posted 2 Tháng 8, 2011 'Bảo tàng biển đảo' của nhà nghiên cứu Huế Từng hiến tặng hai tờ châu bản liên quan đến Hoàng Sa cho Bộ Ngoại giao, mới đây ông lại công bố một chứng cứ về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, là hình ảnh biển Đông và các đảo được chạm nổi trên Cửu Đỉnh từ thời vua Minh Mạng. Trong ngôi nhà vườn tọa lạc trên đường Nguyễn Chí Thanh (thành phố Huế), ngoài bộ sách Đại Nam thực lục có ghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa từ những năm 1630, nhà nghiên cứu Phan Thuận An còn lưu giữ bản scan của hai châu bản liên quan đến Hoàng Sa mà ông đã hiến tặng cho Bộ Ngoại giao năm 2009 cùng nhiều hình ảnh về Cửu Đỉnh chụp từ thời phong kiến đến nay. Châu bản được vua Bảo Đại chuẩn y ngày 15/12/1939 về việc truy tặng huy chương Long tinh của Nam triều cho ông Louis Fontan. Ảnh: Văn Nguyễn. Cẩn thận lấy trong tủ sách ra hai tờ châu bản có chữ ký đỏ từ triều Nguyễn để lại, ông An cho biết đây là một trong số 70 văn bản có bút phê, chữ ký của vua Bảo Đại còn được cất giữ cẩn thận ở phủ thờ Ngọc Sơn công chúa (nơi gia đình ông đang sống) và có tầm quan trọng đặc biệt trong việc khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam. Trên cả hai châu bản cỡ 21,5x31 cm được đánh máy bằng tiếng Việt và tiếng Pháp đều có chữ ký của vua Bảo Đại năm 1939. Bên lề trái của văn bản, ngoài dấu của Ngự tiền Văn phòng (văn phòng làm việc bên cạnh nhà vua) bằng chữ Hán, nhà vua có phê chữ “Chuẩn y” và ký tắt hai chữ BĐ (tức là Bảo Đại). Hình thức văn bản tương đối ngắn gọn. Một châu bản bằng tiếng Việt có nội dung khen thưởng cho đội lính Khố xanh có công dẹp loạn “man di” ở miền núi và có công trong việc “lập đồn phòng thủ ở đảo Hoàng Sa”; một châu bản gồm 2 văn bản (một bằng tiếng Việt, một bằng tiếng Pháp) tâu xin Hoàng đế Bảo Đại truy tặng huy chương Long tinh của Nam triều cho ông Louis Fontan, giữ chức Chánh Cai đội hạng nhất của đội lính Khố xanh trú đóng tại đảo Hoàng Sa khi ông này vừa qua đời ở Huế. Dưới thời Pháp thuộc, ở Việt Nam, lính được tuyển dụng để lo bảo vệ an ninh ở từng tỉnh sở tại được xếp vào ngạch lính khố xanh, mỗi đơn vị lính này đều do người Pháp quản lý và chỉ huy. “Tờ châu bản quý ở chỗ đó là bản gốc, chưa qua sao chép. Đặc biệt nội dung của tờ châu bản đã khẳng định rằng, cho đến trước khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai xảy ra trên Thái Bình Dương, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, mặc dù Việt Nam bấy giờ đang dưới sự bảo hộ của Pháp”, ông An nói. Cận cảnh Đông Hải trên Cửu Đỉnh. Ảnh: Văn Nguyễn. Ngày 10/7 vừa qua, ông An là người đầu tiên phát hiện và công bố thêm một tài liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với biển Đông. Đó là hình ảnh biển Đông trên Cửu Đỉnh (bộ tác phẩm nghệ thuật bằng đồng gồm chín cái đỉnh được đặt thành một hàng ngang trước sân Thế Miếu, nơi thờ các vua triều Nguyễn), hiện còn được bảo lưu tại Hoàng cung triều Nguyễn. Ông An nói: “Mới đây khi nghe và đọc nhiều thông tin dồn dập về chủ quyền của biển Đông trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tôi chợt nhớ rằng hình ảnh và tên gọi của biển Đông đã được khắc ghi trên Cửu Đỉnh từ những thập niên đầu thế kỷ 19”. Trên Cửu Đỉnh là 153 hình ảnh được chạm khắc tinh vi xung quanh hông các đỉnh thể hiện khái quát nhưng súc tích sự phong phú và đa dạng của các cảnh vật tạo nên sự giàu đẹp của tổ quốc, bao gồm: núi sông, lãnh hải, cửa biển, cửa ải, động vật, thực vật, binh khí, xe thuyền... Ông An giới thiệu về hình ảnh biển Đông trên Cửu Đỉnh. Ảnh: Văn Nguyễn. Đáng chú ý nhất là hình ảnh biển Đông được thể hiện trên Cao Đỉnh (Gia Long), biển Nam trên Nhân Đỉnh (Minh Mạng) và biển Tây trên Chương Đỉnh (Thiệu Trị) là ba cái đỉnh to cao nhất và quan trọng nhất, tượng trưng cho ba ông vua đầu tiên của triều đại. Trong đó, biển Tây là vùng biển nằm ở phía tây của Nam Bộ, tiếp giáp với hải phận của Thái Lan. Biển Nam là phần lãnh hải nằm ở phía Nam của Nam Bộ, tiếp giáp với hải phận của các nước Malaysia, Indonesia… Riêng hải phận của biển Đông rộng lớn hơn nhiều so với hai biển kia. "Điều này cho thấy các hải phận của Việt Nam đã được triều đình nhà Nguyễn bấy giờ quan tâm một cách đặc biệt", ông An nhận xét. Dù đã bước sang tuổi thất thập, nhưng khi nói về chủ quyền biển đảo, nhà nghiên cứu Phan Thuận An rất say sưa. "Tôi muốn góp sức mình bằng nghiệp vụ chuyên môn, đó là tìm tòi, nghiên cứu tài liệu bổ sung vào chứng cứ lịch sử để tranh đấu tranh ngoại giao về vấn đề biển đảo", ông chia sẻ. Nhà nghiên cứu văn hóa Huế Phan Thuận An sinh năm 1940 tại Thừa Thiên - Huế. Năm 1966, ông tốt nghiệp ĐH Văn khoa Huế khoa Sử. Sau đó ông học tiếp và tốt nghiệp Cao học Sử năm 1972 tại ĐH Sài Gòn và về giảng dạy tại Quốc học Huế rồi chuyển sang làm việc ở Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho đến khi về hưu năm 2004. Văn Nguyễn Share this post Link to post Share on other sites