Thiên Sứ

TƯ LIỆU, CHỨNG TÍCH, DI SẢN MINH CHỨNG 5000 NĂM VĂN HIẾN.

34 bài viết trong chủ đề này

Trong topic này, chúng tôi mong muốn sự công tác của quí vị và anh chị em quan tâm sẽ đưa vào đây những bài viết, hình ảnh thể hiện những tư liệu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các di vật khảo cổ và những hiện tượng khách quan - mà phương pháp tiếp cận được khoa học thừa nhận - liên quan đến việc minh chứng nền văn hiến Việt trải gần 5000 năm như lịch sử và truyền thống ghi nhận.

Mục đích của topic này là tập hợp tất cả những bản văn, chứng tích, di sản và những hiện tượng khách quan có tác dụng minh chứng cho lịch sử Việt trải gần 5000 năm văn hiến để làm cơ sở chứng minh cho tính chân lý và tính phi khoa học của luận điểm này.

Đề nghị ghi rõ nguồn và tác giả.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Mấy nét về cội nguồn - Văn minh văn hóa Việt Nam

Chưa rõ nguồn và tác giả

Nửa đầu thiên niên kỷ thứ I trước công nguyên, nghĩa là nhà Tần chưa nổi dậy, trước cuộc chinh phạt phương Nam của Tần Thủy Hoàng, miền Bách Việt phương nam chưa tiếp xúc với người trung nguyên Hoa Hạ, Trung Quốc, "vào thời kỳ này trong sự nhận thức của các sĩ phu phương Bắc, họ mới chỉ biết đến nước Việt của Câu Tiễn. Sau này trong quá trình tiếp xúc, bằng nhiều con đường khác nhau, họ dần dần biết thêm các nước khác nhau ở khu vực này mà trước tiên là Ðông Âu (lấy tên con sông Âu mà dân nước này cư trú ven bờ), là một nước khá hùng mạnh cho nên người Trung Nguyên bấy giờ thường dùng từ Âu để chỉ các nhóm người Việt sống ở Lĩnh Nam..." (Ðặng Kim Ngọc, "Vấn đề Việt Nam trong lịch sử cổ đại và trong sử sách Trung Quốc và Việt Nam", Nghiên cứu lịch sử số 6 (231), 1986 tr. 51).

Căn cứ từ các nguồn tài liệu giá trị trong cổ thư Trung Quốc, tác giả Ðặng Kim Ngọc trong bài khảo luận kể trên, khảo cứu từ các bộ "Thượng Thư", "Chu Lễ" và "Quốc Ngữ" về các chư hầu của nhà Chu. Vào thời kỳ này, Âu Việt hay Âu Thục vẫn còn tồn tại ở miền Trung (tỉnh Tứ Xuyên ngày nay), một vùng núi non chập chùng phía thượng lưu Mâu Giang ( thời Tam Quốc là ích châu).

Theo cách phân chia chư hầu, thì Âu Việt chưa phải là chư hầu của nhà Chu (1122 - 221 trước công nguyên). Các dân tộc chung quanh lãnh thổ Hán tộc, người Hán gọi là Bắc Ðịch, Tây Nhung, Ðông Di và Nam Man. Bộ tộc Âu Việt cùng một hạng với Tây Nhung. Các vua Hán tự xưng là thiên tử (con trời), đặc ra hệ thống ngũ phục. Phục là phục vụ thiên tử. Sách Chu Lễ mục Quan Chức thì viết rõ: "Phục: Phục sực thiên tử dã", nghĩa là Phục tức là làm việc cho thiên tử vậy.

Nhà Chu lấy kinh đô (kinh sư) làm trục trung tâm tức lấy nơi thiên tử ở làm chuẩn (lấy Hàm Dương, kinh đô Tần Thủy Hoàng hay Trường An đời Hán đều ở tỉnh Thiểm Tây ngày nay). Nước chư hầu ở cách kinh đô 500 dặm gọi là "điện phục", nước ở cách kinh đô 100 dặm gọi là "hầu phục", "yêu phục" hay "hoang phục" ở cách xa kinh đô từ 1500 đến 2000 dặm.

Theo sách Hoa Dương Quốc Chí đời Tấn (q.1 và q.13), nước Thục tức Âu Việt ở phía đông, liền với nước Ba, phía bắc thành Ðô (ích châu), phía nam là nước Việt (Tây Thi gái nước Việt và Việt Vương Câu Tiễn).

Như vậy nước Thục thuộc về hoang phục. Nước Văn Lang của tộc Lạc Việt ở phía Nam dãy Ngũ Lĩnh, không thuộc ngũ phục, nghĩa là không nằm trong khu vực chư hầu Trung Quốc dù là hoang phục. Lãnh thổ Lạc Việt - Bách Việt ở phía Nam Ngũ lĩnh. Theo ngọc phả đền Vua Hùng do Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Cố soạn năm Hồng Ðức thứ 2 (1471): "Hùng Vương bách noãn tiên cung thủy bộ linh thần" và bản "Hùng đô thập bát điệp thánh vương" soạn năm 1472, ghi rõ 15 bộ sách của nước ta thời Văn Lang trong đó có bộ Ai Lao Di (không phải nước Ai Lao ngày nay), bộ Quảng Ðông và bộ Quảng Tây. Phục cũng có nghĩa là triều cống. Văn Lang ở ngoài ngũ phục tức không triều cống thiên tử Hán tộc. Cho nên sách Thiên Nam Ngữ Lục, bộ thi sử cây 137 - 138 viết:

"Ắt còn dòng dõi thiên hương

Ðã ngoài ngũ phục khả phương trạch người"

(ý nói, Lạc Long Quân tuy ở ngoài cõi ngũ phục, vẫn là dòng dõi thiên hương, vẫn chọn được nàng Tiên Âu Cơ, con vua Ðế Lai làm vợ).

Người Quảng Ðông cho đến nay vẫn tự nhận mình là Việt nhân (chữ Việt nhân Quảng Ðông thuộc bộ mễ, Việt trong Việt Nam thuộc bộ tẩu). Trước đời Tần Thủy Hoàng (221 - 209 trước công nguyên), Lưỡng Quảng hay Lĩnh Nam thuộc cương vực Văn Lang "kể từ thời Tần Thủy Hoàng để chinh phục Bách Việt phương nam, dân Hoa ở trung bộ di cư xuống Quảng Ðông từ Tây An, dọc theo Hán tử xuống Hán tử xuống Tây Giang đến Quảng Ðông. Ðến đời Ðông Hán trào lưu di cư xuống Quảng Ðông mới mạnh. Ngay trước thời nhà Hán (206 trước công nguyên - 220 sau công nguyên), miền Quảng Tây còn ở ngoài phạm vi ảnh hưởng Trung Hoa và theo đấy thì ít có ảnh hưởng Hán học" La Hương lâm (giáo thụ), "Sự bành trướng văn hóa Trung Hoa về phương Nam và sự phát triển học thức ở Quảng Ðông", Khảo cổ Tập san số VIII, Sài Gòn 1974 tr. 115 - 142, bản dịch của Giáo sư Nguyễn Ðăng Thục).

Cương vực Bách Việt - Lạc Việt: Từ Hoa Nam đến Ninh Thuận.

Dân Lưỡng Quảng tuy Hán hóa nhưng vẫn có riêng văn học và truyền thống Lưỡng Quảng. Người Quảng Ðông cho đến nay vẫn dùng tiếng Quảng Ðông, Bạch Thoại (hay Quan Thoại) là ngôn ngữ thứ hai mặc dầu là ngôn ngữ chính thức của Trung Quốc.

Nhiều học giả Tây Phương như Aucohrt lại ngộ nhận "Người Việt Nam gốc ở Trung Hoa. Năm 334 trước công nguyên bị dồn xuống phương Nam". Ðiều này đúng một phần, như tộc Thục Âu Lạc bị dồn xuống phưong Nam từ thượng lưu sông Mân Giang. Nhưng Lạc Việt là dân bản địa, cương vực trải dài từ phía Nam hồ Ðộng Ðình cho đến Cửu Chân, Nhật Nam (Việt Thường). Phan Rang ngày nay coi là ngoài biên. (Về Bình Thuận, Ninh Thuận, Ðại Nam Nhất Thống Chí, phần "kiến trí duyên cách" chép: "Ðất đây nguyên xưa là nước Nhật Nam ở kiến ngoại (ngoài biên) sau là đất của Chiêm Thành" (Ðại Nam Nhất Thống Chí, q.XII, tỉnh Bình Thuận, tr.7).

Chẳng phải một tộc Âu Việt phiêu dạt về phương Nam, các tộc Liêu Ðiền (Quý Châu, Vân Nam) cũng phải chạy về phương Nam cũng như các tộc Thái, Tày, Mèo (Miêu), Dao đều thuộc dòng Tầy Thái Bách Việt (chữ Thái theo thuyết văn cắt nghĩa là một giống cỏ, có thể đây là loại ngũ cốc như kê và lúa trồng ở sườn đồi theo kiểu đốt rẫy nên có bộ hỏa. Thái là tiếng cổ của nước Thục (Âu Việt) ở Tứ Xuyên được phiên âm ra Hán).

Học giả Aucohrt cho rằng, năm 334 người Việt ở bên Trung Hoa bị dồn xuống phía Nam, không thấy tác giả nêu lên biến cố lịch sử nào để lấy năm 334 làm điểm mốc. Ông cho rằng giống Việt ở Trung Hoa biến mất chỉ còn lại giống Việt ở Việt Nam duy trì bản sắc riêng (P. Aucohrt, "Les Annamites avant la dynastie chinoise des Han" Les Revue Indochinoise, TXL n 9&10, 1923, tr.229-249).

Nhận định trên đây rất xác thực. Lấy dân tộc Nùng làm thí dụ, địa bàn cư trú thời viễn cổ ở miền Lưỡng Việt tức là các dân tộc Ô Hử, Lái, Lạo trong dòng Bách Việt. Người Nùng, theo học giả Pháp Aurousseau là con cháu của người Tây Âu Lạc Việt (L. Aurousseau, "La premiere conquete des chinois des pays annamites", BEFEO, tr. XXIII, 1923).

Dân Nùng có mặt ở thượng du vào thế kỷ cuối trước công nguyên, tiếp tục di cư vào Việt Nam cho đến đời nhà Tống (960-1279) và mãi sau này. Nhờ vậy còn bảo tồn được văn hóa, truyền thống và ngôn ngữ cũng như có riêng văn tự là chữ nôm Tày, Nùng... Những tộc Việt còn sống sót ở Hoa Nam đều đã bị Hán hóa. Hoặc trở thành thiểu số như dân tộc Choang ở Quảng Tây.

Dân Choang (dòng Bách Việt) phiêu bạt đến bắc Diến Ðiện, là tổ tiên của người Shan Diến Ðiện. (xem Từ Tùng Thạch, Việt Giang lưu vực nhân dân xứ, Trung Hoa thư cục xuất bản, Bắc Kinh, 1941).

Nùng tuy là một tộc riêng nhưng có nhiều quan hệ lịch sử với tộc Choang và cùng một huyết hệ Bách Việt. Quảng Tây một số nhóm Nùng như Dù Nùng được coi là dân tộc Choang (xem Y Quần, Ngã quốc dân tộc giản giới, Dân Tộc Học xuất bản, Bắc Kinh, 1958).

Chúng tôi trình bày dài dòng như trên là chủ ý để nói rõ rằng ta chỉ ảnh hưởng văn minh học thuật Trung Quốc kể từ thời Triệu Ðà với nước Nam Việt (207-111 trước công nguyên). Nhưng ảnh hưởng ấy chưa đáng kể. Giao Châu dưới thời đô hộ Hán cho đến thế kỷ đầu công nguyên vẫn là bầu trời riêng.

Năm 43 sau công nguyên, Mã Viện dẹp xong cuộc tổng khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, y dâng biểu lên vua Quang Vũ (25-57) nhà Ðông Hán, trong tờ biểu, Viện tâu rằng "Luật Việt so với luật Hán vẫn có 10 điểm khác nhau (hậu Hán thư, q.54 - Mã Viện liệt truyện, dẫn bởi Vũ Văn Mẫu. Cổ Luật Việt Nam Lược khảo, Sài Gòn 1970, q.1, tr. 61-62). Như vậy, sau 155 năm kể từ năm 111 trước công nguyên, nhà Tây Hán cướp nước Nam Việt, luật Việt vẫn còn tồn tại. Tính từ triều đại nhà Thục nước Âu Lạc (257-207 trước công nguyên).

Trở về thời vua Hùng Văn Lang, Nam Bắc còn cách ly rất rõ rệt, ta chưa từng chịu ảnh hưởng văn minh học thuật Hoa Hán. Ta có riêng lịch phép (tất nhiên là còn sơ giản), ta đã có kiến thức về thiên văn và một nền dịch ý phương Nam qua đạo vuông tròn, thuyết âm dương và cờ ngũ hành với thuyết ngũ hành. Ðạo Tiên, Ðạo Mẫu và tín ngưỡng thành hoàng, đạo thờ tổ tiên là sản phẩm tinh thần của Lạc Việt phương Nam và của Bách Việt, khởi từ văn minh Sở Việt.

Họ Tầu và họ Việt

Ta thường có thói quen, thấy ai mang họ hơi khác với người Việt đã vội cho đó là họ Tầu như họ Mâu, họ Sử, họ Phù... Lại có người cho rằng, dưới thời đô Hán, vì chưa có chữ nôm, một số họ Việt đã bị Hán hóa do nhu cầu hành chánh của đô hộ Hán. Ðiều này chỉ là phỏng đoán. Họ Trưng, họ Hoàng, họ Thi vẫn còn tồn tại cho đến thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa. Dân tộc Mường vẫn duy trì họ Việt cho đến nay như họ Quách, họ Hà, họ Cầm... Các dòng họ cổ còn tồn tại đến nay như họ Tiêu, họ Chử, họ Sử... có thể là một số họ không thể chuyển tả qua chữ Hán nên đã bị Hán hóa theo âm.

Bộ Trung Quốc Tính Thi Tập của Ðặng Hiến Kim xuất bản ở Ðài Bắc năm 1971 trong đó lược kê được 5652 họ, có họ tên đôi, ba, tên bốn, tên năm. Họ đơn chỉ có một tên như họ Lý thì rất nhiều (năm 1995, Bắc Kinh thống kê cho biết có vào khoảng 80 triệu người họ Lý ở Hoa Lục. Hàng năm họ Lý ở Hoa Kỳ tổ chức đại hội tại Boston). Có những họ lấy bộ tộc làm họ như họ Nùng, như Nùng Trí Cao triều Lý (sau họ Nùng đổi thành họ Nông). Như họ Khương (dân tộc Khương) hay lấy tên một miền như họ Tống (thuộc nước Tống).

Người họ Lý Hoa Nam thuộc Thái, Nùng, Tầy lấy tên bộ tộc làm họ (nước Lý, hậu thân của nước Nam Chiếu ở Vân Nam thuộc tộc Thái). Toàn Thư ghi họ Lý của các vua triều Lý là từ bên Tầu qua, thực ra là từ Lĩnh Nam. Từ bên Tầu qua chưa phải là dân Hoa Hán. Một số họ ở Hoa Nam như Trần, Sử, Thi, Triệu... là dấu tích thị tộc Bách Việt.Họ Lý gốc là dân tộc Lý (trong dòng bách Việt, nước Ðại Lý, nay là Vân Nam). Họ Liêu, gốc từ dân tộc Liêu (dòng Bách Việt). Hoặc lấy tên của ông thủy tổ làm cho họ như họ Tư Mã, họ Công Tôn... Trong số gần 6000 họ Trung Hoa, có 2000 họ đôi, 120 họ ba chữ, 6 họ gồm 4 chữ, 3300 họ đơn, trong số này chỉ có vào khoảng vài trăm họ thấy trong các họ Việt Nam nhưng thông dụng thì chỉ có vào khoảng vài chục họ.

Ta có họ Trần khá phổ thông thì Tầu cũng có họ Trần. Tầu có họ Bạch, họ Sử, họ Phù, họ Giang, ta cũng có những họ này nhưng rất ít.

Dân tộc Mường cũng có họ Bạch. Họ Bạch Việt Nam tuy hiếm nhưng nhiều người đậu đạt cao. Trạng nguyên Bạch Liêu, người làng Nguyễn Xá, Nghệ An, đậu Trạng nguyên kỳ thi Thái Học sinh (Tiến sĩ) đời vua Trần Thái Tôn năm 1266 (Ðại Nam Nhất Thống Chí, Cao Xuân Dục, Tổng tài biên soạn, q. 14 & 15, Bộ văn hóa giáo dục Sài Gòn. 1965, tr. 122)

Họ Cao ở Nghệ An, theo thể phả, thủy tổ là ông Cao Lỗ, gốc Ngòi Sảo, Bắc Ninh, người đã chế tạo ra nỏ liễn mà Triệu Ðà gọi là nỏ thần. Họ Cao di ra Thăng Long rồi từ Thăng Long vào Nghệ An, sau một hệ trở ra Sơn Nam (Nam Ðịnh) định cư tại đây.

Thám Hoa Cao Quýnh đậu Tiến sĩ (cập đệ, đệ tam danh) triều Lê Thánh Tôn năm 1415 là hậu duệ của Thủy tổ Cao Lỗ, không dính dáng gì đến họ Cao của Tầu Ðại Nam nhất Thống Chí, sđd, tr.126)

Một số họ Lý ở Bắc Ninh, đồng bằng sông Hồng và Thanh Nghệ Tĩnh hiện nay, không có gốc gác thân tộc bên Tầu (hoặc là do trải qua nhiều đời rồi đã Lạc Việt hóa). Họ Lý thuộc các vua triều Lý sau khi bị Trần Thủ Ðộ cướp ngôi cho nhà Trần, buộc phải đổi họ Lý thành họ Nguyễn với lý do "kỵ húy" ông tổ của họ Trần là Trần Lý. Nhưng nhiều hệ họ Lý không liên hệ với hoàng tộc nhà Lý thì vẫn duy trì họ Lý mà nhà Trần cũng không bắt tội.

Phần chú, Việt Lược Sử Lược, ghi: "Theo sách Mộng Kê Bút Ðàm của Thẩm Hoạt đời Tống thì Lý Công Uẩn gốc là người Mân (Phúc Kiến). Tiến sĩ Từ Bá Tường, người Quảng Tây, nhà Tống trong thư gửi cho Công Uẩn cũng nói: "Tiên thế đại vương vốn là người đất Mân. Tôi nghe nói công khanh ở Giao Chỉ cũng nhiều người đất Mân" (Việt Sử Lược, bản Hán văn, q.II, tập 1ab, bản dịch Trần Quốc Vượng, tr. 64 "Về nhà Lý" xem "Cương Mục chính biên" q.II tr.4 - Toàn Thư bản kỷ, Kỷ nhà Lý, q.II, tr.1a)

Mân là Mân Việt, cũng như dân Lưỡng Quảng thường gọi là Việt Ðông (như Từ Hải, một nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du "Họ Từ tên Hải vốn người Việt Ðông"). Họ Lý Mân Việt là họ Lý Việt tộc cũng như họ Lý hiện nay ở Quảng Tây, dân tộc Choang và họ Lý dân tộc Nùng đều là họ Lý Việt tộc (Âu Việt). Nếu gán ghép họ Lý Lạc Việt, họ Lý Mân Việt, họ Lý Việt Ðông và họ Lý Âu Việt (Tày Nùng - Choang) với họ Lý Tầu (Hoa Hán) là điều hết sức sai lầm.

Dân tộc Mường cũng có họ Cao, theo tài liệu của một Quan Lang tỉnh Hòa Bình "Quan Lang khởi tổ từ cuối đời Văn Lang là những con thứ, cháu thứ nhà vua chia phong cho họ Ðinh, họ Quách, họ Bạch, họ Xậ, họ Cao, sáu họ làm quan lang" (Quách Ðiền, "Quan Lang Hòa Bình về thời thượng cổ" Nam Phong tạp chí số 100, tháng 10 & 11, 1925).Ðại Nội Huế

Họ Sử tỉnh Hà Tĩnh không liên hệ gì với họ Sử bên Tầu. Sử Hy Nhan, quán làng Ngọc Sơn, huyện Can Lộc, trạng nguyên đời vua Trần Duệ Tôn (1372-1377) ông đậu khoa Tiến sĩ năm 1374 (năm đầu tiên của học vị tiến sĩ, được gọi là Thái Học sinh). Ông Trạng Hy Nhan "không sách nào là không đọc nên vua đặt họ là họ Sử (Ðại Nam Nhất Thống Chí, sđd, q.13, tỉnh Hà Tĩnh, tr.88)

Tìm trong "Trung Quốc Nhân Danh đại từ điển" ta sẽ thấy nhiều danh từ gốc Bách Việt nếu đem so với bộ "Bách Việt tiên hiền chí" mà Linh mục học giả Vũ Ðình Trác đã sưu tầm được. Trong bộ tự điển đồ sộ này, ta tìm thấy danh nhân Khương Công Phụ, tưởng đâu là người Hán. Khương Công Phụ là người Việt, sinh quận Nhật Nam (Nghệ Tĩnh bây giờ) qua Tầu du học, đậu tiến sĩ đời vua Ðường Ðức Tôn (780-804) làm quan Hàn Lâm Học sĩ, thăng đến chức Gián Nghị Ðại Phu đồng trung thư môn hạ bình chứng sự, đại thần triều đình (Trung Quốc Nhân danh đại triều, Thượng Hải, Thương vụ ấn thư quán xuất bản, tr. 644).

Khương Công Phụ nổi danh triều nhà Ðường với "Ðối Ðình Sách" tức luận án tiến sĩ của ông trong kỳ thi Ðình do vua Ðường Ðức Tôn chủ tọa nên rất được vua Ðường trọng dụng. Danh nhân Khương Công Phụ nổi danh trong văn học giới nhà Ðường với bài phú "Mây trắng rọi bể xuân", Giáo sư Bùi Cầm đã dịch qua Việt văn (xem Bùi Cầm, Khương Công Phụ, bài phú Mây Trắng Rọi Bể Xuân, bản Hán văn và bản dịch - văn Hóa tập san số 54, tháng 9, 1960, tr. 1116).

Ðọc Pháp Hoa Tâm Muội của Khương Tăng Hội, ta sẽ dễ ngộ nhận cho rằng chắc nhà sư này là người Tầu. Nhưng đấy là một nhà sư Trung Á nước Khương. Theo Pelliot, "Ðầu thế kỷ thứ ba trước công nguyên, cũng tại Bắc Kỳ, vì mục đích buôn bán mà gia đình Nguyệt Thị Khang Tăng Hội (Pelliot dịch là Khang) đã định cư. Khang Tăng Hội về sau đã là một trong dịch giả trứ danh về kinh Phật sang chữ Hán.

Vẫn ở Bắc Kỳ năm 226 Tần Luận, người La Mã đã tới. Chắc hẳn cũng ở Bắc Kỳ vào năm 255 đã hoàn thành bản dịch sang Hán văn đầu tiên bộ kinh Phật Pháp Hoa Tam Muội" (xem Paul Pelliot, tựa dẫn "Mâu tử hay lý hoặc luận", Khảo cổ tập san, số VII, 1971, tr. 31)

Thủ đô Bắc Kinh xây từ triều nhà Minh (1368-1644), Trung Quốc rất tự hào với đàn Nam Giao và Tử Cấm Thành, một kiến trúc vĩ đại của Á Ðông. Danh nhân Nguyễn An, người Việt, là kiến trúc sư vẽ kiểu dựng kinh đô Bắc Kinh. Nguyễn An, người phiên âm ra tiếng Quan Thoại hay tiếng Quảng Ðông, và viết chữ Hán, thì ông là người Tầu. Và cũng chẳng bao giờ Trung Quốc nêu danh tánh ông là người Việt (xem Nguyễn An, một người Việt Nam dựng thành Bắc Kinh, Ðông Thanh số 1, tháng 7, 1932, tr. 53-55).

Nguồn gốc Giao Châu của Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Hoa Nam

Khảo cứu và trình bày về nền nhân chủ nhân văn Phương Ðông mà Việt Nam là tụ điểm giao lưu, trước hết phải trở về cỗi nguồn văn minh văn hóa và truyền thống Việt tộc khi chưa chịu ảnh hưởng văn minh học thuật Hoa Hán. Ngay như Phật giáo Việt Nam cũng phải trở về cỗi nguồn từ thưở Luy Lâu, đầu công nguyên.

Ngày nay đã có nhiều tài liệu giá trị và khả tín cho thấy Phật giáo truyền vào Việt Nam trực tiếp từ các nhà sư Ấn Ðộ Luy Lâu, thủ phủ của đô hộ Hán cũng là trung tâm Phật giáo đầu tiên của Giao Châu và toàn vùng Hoa Nam. Giáo sư Ðại Ðức Lê Mạnh Thát trong một công trình sưu khảo công phu, có thể nói rất có giá trị, qua các tài liệu thật phong phú đã cho ta thấy rõ điều mà tôi nêu trên. Qua công trình của Giáo sư Lê Mạnh Thát, ta có thể nói Phật giáo Giao Châu là cội nguồn khởi thủy của Phật giáo Việt Nam và miền Nam Trung Quốc (xem Lê Mạnh Thát, "Phật giáo truyền vào nước ta từ lúc nào ?" (Tạp chí Tư Tưởng, Ðại học Vạn Hạnh, Sài Gòn số 5 & 6 tháng 7 & 8, 1973 và số 7 tháng 9, 1973, số 8 tháng 11 & 12, 1973)).

Tìm về Phật giáo Việt Nam thời mở đầu công nguyên, từ thế kỷ thứ nhất, ta sẽ thấy đây là nền Việt Phật với nhiều sắc thái đặc thù và độc đáo. Chùa Dâu là ngôi chùa đầu tiên của Việt Nam được xây cất từ đầu thế kỷ thứ 3, tọa lạc trên làng Dâu, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành. Chùa còn có tên là Thiền Ðịnh, Duyên Ứng, Pháp Vân. Có lẽ phải nói đây là ngôi chùa còn tồn tại từ thời Hán thuộc đến nay.

Theo truyền thuyết và dã sử trong dân gian thì một số nữ tướng của Hai Bà Trưng ở chùa. Vậy thì thời gian những năm 40-45, Giao Châu đã có chùa Phật giáo (xem Cao Thế Dung, Việt Nam Bình Sử Võ Ðạo, q. 1, nxb. Tiếng Mẹ, Phoenix 1993, tr. 2270). Chùa Bà Dâu ngoài thờ Phật còn thờ Man Nương tức bà Pháp Vân gắn liền với huyền tích Man Nương, người làng Mãn Xá, tu ở chùa Linh Quang, thụ giáo Thiền sư Khâu Ðà la người Thiên Trúc (Ấn Ðộ).

Dân làng Dâu tạc tượng thờ Bà ở chùa Thiền Ðình, lại tạc tượng Pháp Vũ tức Bà Dậu thờ ở chùa Thành Ðạo, tượng Phi Tướng. Tượng Pháp Ðiện tức Bà Ðàn thờ ở Chùa Phương Quang. Chùa có cả tượng thờ Kim Ðồng, Ngọc Nữ, khuôn dáng y phục và phong cách Việt Nam (Chùa Dâu, Chùa Ðàn, xem Võ Văn Tường, Việt Nam Danh Lam cổ tự, nxb. KHXH, Hà Nội 1972, tr. 43).

Lý Hoặc Luận, tác phẩm đầu tiên của Phật giáo Á Ðông viết bằng Hán tự lại do Mâu Bác viết tại Luy Lâu, Giao Châu. Học giả Pháp Pelliot viết về Mâu Tử và Lý Hoặc Luận như sau: "Chắc hẳn ông sinh ở Thương Ngô tức Won Tcheon trên Tây Giang (Si Kiang) hiện tại. Ông lui xuống Bắc Việt ở với mẹ chắc hẳn ngay trước khi vua Linh Ðế băng hà".

Mâu Từ với Lý Hoặc Luận tức là luận về sự nghi hoặc. Pelliot dịch ra Pháp văn là "Meou Tseu ou les doutes levées". Về tác phẩm này, Pelliot viết: "Các loại tác phẩm như thế tôi không từng thấy trong văn chương Trung Hoa trước thời Mâu Bác có tác phẩm nào giống hệt cả".

Giao Châu thời Mâu Bác là nơi tụ hội các danh sĩ Trung Quốc. "Trong thời rối loạn cuối thế kỷ thứ hai ở lục địa Trung Hoa, đất Bắc Việt (Giao Chỉ) là nơi còn hòa bình yên ổn. Nhiều học giả di cư đến đấy mà sự tò mò trí thức của họ thấy điều kiện thuận lợi cho sự hỗn tạp các dân tộc và tín ngưỡng khác nhau do hoạt động thông thường đã đến đấy tụ hội".

Văn đối đáp của Mâu Tử không giống văn đối đáp của triết gia Trung Hoa thời cổ. Sau Mâu Tử, và nhất là từ thế kỷ IV người ta thấy xuất hiện nhiều tác phẩm khác cùng loại ấy. Nhưng không có tác phẩm nào giàu biện chứng như thế và có lẽ vì thế mà không một tác phẩm nào được phổ thông bằng tác phẩm Mâu Tử (xem: Mâu Tử hay Lý Hoặc Luận, tựa dẫn của Pelliot, Khảo cổ tập san số VIII, Sài Gòn 1971, tr. 29). Mâu Bác sinh ở Thương Ngô, địa bàn cư trú của dòng Bách Việt xưa ở cõi Lĩnh Nam.

Cửu Ca Sở Từ: Văn chương Việt tộc không phải của Tầu

"Cửu Ca" là những bài hát dùng trong việc tế tự của dân nước Sở gồm 11 thiên, mỗi thiên dành cho một vị thần. Thiên sau cùng gọi là Lễ Hồn là bài hát tống (tiễn) thần. ở nước Sở và các nước bị Sở thôn tính, đạo đồng bóng rất thịnh hành.

Sách "Cổ Ðiển Học Hân Thưởng" mô tả Cửu Ca của nước Sở như sau: "Ðồng cốt có nhiệm vụ câu thông giữa người và thần, khéo múa hát, cho nên đạo đồng bóng đạt đến một trình độ nhất định có thể xúc tiến sự phát triển nghệ thuật. Cửu Ca do đó mà sản sinh. Cửu Ca đã phản ảnh lòng nhiệt ái về việc sanh sôi nẩy nở và ý muốn trưng cầu hạnh phúc của nước Sở, đồng thời cũng phản ánh niềm sùng kính của họ đối với những người đã hy sinh cho tổ quốc, lời lẽ thanh tân tú lệ, cảm tình sung mãn, chân thật. Tuy Khuất Nguyên có góp tài hoa vào đó nhưng nói về việc thành tựu thì nên qui công cho thi sĩ vô danh trong dân gian" (sđd, tác giả vô danh, do Phục Hán ấn hành, Ðài Loan 1964, tr. 172. Giáo sư Bùi Cầm dịch và chú thích).

Cửu Ca là nhạc chương tôn giáo của dân tộc Sở đã có trước thời Khuất Nguyên, ông chỉ là người sửa lại, bỏ đi những lời quê mùa. Các học giả Hoa Lục, Ðài Loan và Nhật Bản đều nhất trí về ý kiến Cửu Ca là của dân tộc Sở. Nước Sở thuộc giống Bộc, Lão tức Việt tộc. Chính vua nước Sở là Hùng Cừ đã nói: "Ta là man di, không cùng hiệu thụy với Trung Quốc" (xem Tư Mã Thiên Sử ký, q. 40, tr. 3b).Cổ thư Trung Hoa gọi chung Việt tộc là Bách Bộc hay Di Lão, Khảo Bộc, Chủ Lão, Cưu Lão, Cửu Lê, sau mới phân ra, gọi giống Việt ở Tây Nam là Bách Bộc, ở Ðông Nam là Bách Việt. Thời viễn cổ, miền Hồ Bắc và Hồ Nam Trung Quốc ngày nay là lãnh thổ của người Bộc, Lão. Theo cổ thư, Bộc, Lão và Việt cùng một giống. Ðịa bàn cư trú của Bộc, Lão bao gồm cả tứ Xuyên, Vân Nam và Quý Châu ngày nay.

Cổ thư về đời Ðường, Bộc còn gọi là Bặc. Thời Ðường (618-906) ở quận Kiều Vi (Tứ Xuyên ngày nay) vẫn còn là khu vực của người Bặc, ở đây có trống đồng, hát và diễn tấu trống đồng (Việt tộc). Các điệu hát của dân Bặc, người Tầu gọi là Di Ca (Di ca đồng cổ bất thương sầu - Trống đồng hát rợ cho lòng buồn thương).

Hiện nay ở Hoa Nam còn sót lại một số tộc Việt như người Lão ở Hoa Nam vẫn còn tồn tại tục đánh trống đồng, hát, khấn vái và cầu chúc, thường dùng chữ "tá" làm tiếng đệm, là chữ quen dùng trong Sở Từ. Sách Hậu Hán Thư - Dạ Lang truyện có nói đến giống Di Lão. Sách Hoa Dương Quốc Chí, Nam Trung Chí chép rằng ở huyện Ðàm Hòa, quận Kiến Ninh có người bộc Lão, huyện Linh Châu có người Chủ Lão, quận Vĩnh Xương có Mâu Bộc, Cưu Lão, Phiêu Việt, Khoa Bộc.

Nước Sở vào đời vua Hùng Dịch, kinh đô ở Ðơn Dương (huyện Tỷ Quy, tỉnh Hồ Bắc) sau dời đến Kinh Sơn (huyện Nam Chương, Hồ bắc). Theo sách Thũy Kinh Chú, Sở Văn Vương dời đô từ Ðơn Dương đến đất Dĩnh.

Như trên đã trình bày sơ lược Trung Quốc rất tự hào về Sở Từ với Cửu Ca và khúc Ly Tao của Khuất Nguyên, coi đó là những áng văn chương trác tuyệt của văn học cổ Trung Quốc nhưng lại là của Việt tộc. Học giả Lăng Thuần Thành nghiên cứu về trống đồng và Sở Từ Cửu Ca đã đi đến kết luận: Cửu Ca chính là nhạc chương của dân tộc Bộc Lão (Việt tộc). Dân tộc Bộc Việt (hay Lão Việt) là chủ nhân của các trống đồng chẳng những ở Việt Nam ngày nay mà trống đồng còn khởi nguyên ở miền trung du Trường giang (sông Dương Tử) quanh vùng đầm Vân Mộng (hai tỉnh Hồ bắc và Hồ Nam).

Một số tác giả cổ thư Trung Quốc cho rằng Khuất Nguyên sáng tác Cửu Ca, trong Khuất Nguyên Ngoại Truyện của Thẩm Á Chí đời Ðường cho rằng: Khuất Nguyên đã từng đi chơi vùng sông Nguyên và sông Tương, dân ở đó có tục thích cúng tế, làm nhạc ca để vui lòng thần, lời rất quê mùa, ông nhân đó ở lại núi Ngọc Tử để làm Cửu Ca.

Thực ra Khuất Nguyên chỉ sửa lại Cửu Ca của người đồng tộc. Chu Hy trong sách "Sở Từ tập Chú" viết một cách rõ rệt: Ngày xưa, ở ấp Dĩnh nước Sở, giữa khoảng sông Nguyên và sông Tương, dân ở đó có tục tín ngưỡng thờ thần (quỷ đây chỉ linh hồn mà không phải quỷ trong nghĩa ma quỷ) và thích thờ cúng. Mỗi khi cúng tế thì khiến đồng cốt hát múa để làm vui thần (...). Khuất Nguyên sau bị phong trục (bị đày) thất thế mà cảm nên mới sửa lại lời ca, bỏ những chữ quá đáng" (Ghi chú về Chu Hy (1130-1200) một triết gia danh tiếng Trung Hoa đời nhà Tống, người tỉnh An Huy, đậu Tiến sĩ năm 18 tuổi, làm quan được ít lâu thì bỏ về, mở trường dạy học ở Phúc Kiến nên người đời sau gọi học phái của ông là Mâu Phái, tác giả các bộ Dịch bàn nghĩa, Dịch học khải mông, Tứ thư thập chú, Văn tập, Ngũ lục, Gia lễ...).

Cửu Ca có 11 bài, sao gọi là Cửu Ca? Trong Sở Từ Sớ, Lục Thời Ung cho rằng "Quốc thương" và "Lễ hồn" là hai bài không thuộc Cửu Ca. Trong "Chiêu Minh Văn Tuyển" thì chỉ có Cửu Ca, không có Quốc thương và Lễ hồn. Riêng Quốc Thương là bài hát của người nước Sở dùng để cúng tế những chiến sĩ đã chết vì tổ quốc. Người xưa chết non (chưa quá 20 tuổi) gọi là Thương. Thương trong Quốc Thương chỉ trai tráng đã bỏ mình nơi chiến trường. Quốc Thương thể hiện tinh thần yêu nước và lòng sùng kính của dân Sở đối với anh hùng của dân tộc "vị quốc vong thân". Các tộc Việt sau này cũng một tinh thần và lòng sùng kính như vậy (xem Nguyễn Ðình Chiểu, Văn Tế sĩ dân lục tỉnh, Văn tế Trương Công Ðịnh, Văn tế Vong hồn mộ chi nghĩa...).

Tín ngưỡng thờ Trời và thần thánh

Dân tộc Việt Nam từ thời viễn cổ lấy việc thờ Trời làm đầu. Trong Cửu Ca, Ðông Hoàng Thái Nhất (tức là đấng chỉ có một - thái nhất - là trời, tức là hoàng (Thiên thu thủy trong sách Trang Tử có chữ Ðại Hoàng chỉ Trời) đồng nghĩa với Thượng Hoàng trong Cửu Ca. Vân Trung Quân là thần mây, có thuyết cho là Thần Mặt Trăng. Tương quân và Tương phu nhân không phải là Nga hoàng hậu và Nữ Anh, con vua Nghiêu và vợ vua Thuấn. Khi cúng lễ hai vị thần này, hai bên đối đáp với nhau và múa. Lời hát đầy tình tự luyến ái. Ðại tư mệnh là vị thần chủ quản thên mệnh của mọi người.

Ðông quân là thần mặt trời (trống đồng Ðông Sơn có liên quan đến tín ngưỡng thờ mặt trời của dân Lạc Việt, xem M. Colani, Vestiges d’un culte solaire en Indochine - BIIEH, T III, Fasc 1, 1940, tr. 37-41 - Những dấu tích của tục thờ mặt trời ở Ðông Dương).

Thiếu tư mệnh là vị thần chủ quản của thiếu niên nhi đồng. Ðông quân là thần mặt trời. Hà Bá là thủy thần. Sơn quỷ là thần núi thuộc nữ tính.

Thờ thần phổ biến nhất trong các tộc Bách Việt và cũng như Lạc Việt. Sau Thủy thần là thờ các anh hùng dân tộc đã chết cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc thì Sở Việt thế nào thì Lạc Việt cũng như thế.

San định lại Cửu Ca, Khuất Nguyên mô tả: Bộc Lão (Việt tộc) thường cúng 9 thần trời đất, sông núi (từ Ðông Hoàng Thái Nhất đến Sơn quỷ). Bản thân Khuất Nguyên cũng là dân Bộc Lão (về Khuất Nguyên và tác phẩm Ly tao, tham khảo: Du Quốc Ân, Khuất Nguyên, Hương Cảng Học Lâm thư điếm xuất bản 1959). Hai chữ "sông núi" thiết thân nên sông núi còn để chỉ đất nước, đồng nghĩa với giang sơn.

Học giả Lăng Thuần Thanh so sánh văn chương Cửu Ca và văn dạng trên trống đồng, cho thấy đều chỉ một dạng tế thần. Những hình trạm trên trống đồng phần nhiều có tính chất tôn giáo như múa hát, đua thuyền, đều là những động tác trong các buổi lễ tế trời, đất núi sông. Theo Lãng tiên sinh, "Dân tộc Lão ngày xưa ở trên bờ nước nên họ dùng thuyền để nghinh (rước) thần và tống (tiễn) thần, dù là thiên thần (Lăng Thuần Thanh, Ðồng cổ đồ văn dữ Sở Từ Cửu Ca, tlđd, tr. 403)

Các hình khắc chạm trên trống đồng Ðông Sơn, Ngọc Lũ, trống đồng Mường, cũng một dạng vẽ và ý nghĩa như thế, như trống đồng của Việt tộc ở Hoa Nam.Văn minh Việt tộc là một sợi chỉ vàng kéo dài xuyên suốt từ quê hương Bộc, Lão Việt tộc cho đến phương Nam Lạc Việt, Việt Thường. Từ khởi thủy, khai nguyên, ta đã khác với văn minh Hán tộc. Về mặt tín ngưỡng thì thờ trời, đất, là đấng tối cao. Sau là các thần linh mà thủy thần là trọng yếu hơn cả. Bởi vì Việt tộc lấy nước làm gốc. Nước Non là một từ kép, không tách rời. Nước cũng là bản tinh của Việt tộc tức dân tộc tính tức thủy tinh.

Nền dân chủ Việt hoàn thành từ thuở "dựng đất dựng trời" từ có núi sông trong ý niệm riêng của Việt tộc, không dính dáng gì đến ông Bàn Cổ là thần thoại của Hoa Hán. Thủy thần mà dân Sở Việt thờ (sông Tương, sông Nguyên) là một cặp nam nữ chứ không lẻ loi. Dân Hán sau này vì nhận Sở Từ là tinh hoa ưu việt của nền văn học cổ Trung Quốc cho nên họ cũng diễn dịch hai vị thủy thần mà dân Việt thờ và ca tụng trong Cửu Ca.

Bài "Tương phu nhân" là bài ca cúng Nga Hoàng và Nữ Anh (như đã viết ở trên, xin nhắc lại, là con gái vua Nghiêu và vợ vua Thuấn). Nhưng không phải như vậy, vua Thuấn lên ngôi được 30 năm, Hậu Dực tức Nga Hoàng mới mất. Hậu Dực không có con. Nữ Anh sinh con là Quân và sau khi vua Thuấn chết, nàng theo con đến ở đất Thương vì Quân được phong tước ở đó.

Tại đất Thương có mộ của Nữ Anh (Theo sách Trúc Thư Kỷ Niên, trích dẫn bởi Lăng Thuần Thanh, bản dịch của Bửu Cầm, tlđd, tập san Sử Ðịa số 25, 1973, tr. 59). Như vậy, hai vị thủy thần trong Cửu ca không phải là hai bài Hoàng người Hán mà là một cặp mới có hai bà ca Tương Quân và Tương phu nhân. Lạc Long Quân và Âu Cơ trong huyền thoại của Lạc Việt cũng đều là hai vị thủy thần, một nam một nữ y như Tương Quân và Tương phu nhân của Sở.

Cội nguồn văn minh Việt tộc qua một vài nét về chữ Nôm

Các di khảo cổ học đã cho thấy Việt tộc thời viễn cổ đã có văn tự, trước cả Hoa Hán, nếu không thì cùng thời với Hoa Hán đời Thương Ân. Nhà khảo cổ Pháp V. Golouchew đã tìm ra dấu tích của một loại văn tự cổ của Việt tộc khắc trên các hốc đá của vùng Chapa, thượng du Bắc Việt (xem V. Golouchew "Roches gravés dans la région de Chapa, BEFFO, T XXV, 1925, tr. 423).

Chữ Nôm là một thành tựu rất to lớn của dân tộc Việt trước khi có chữ Quốc ngữ. Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) gọi là "Quốc âm Hán tự", ông đề nghị triều đình Huế soạn thảo và ấn hành bộ tự điển Nôm cũng như sử dụng chữ Nôm trong các loại công văn của chính phủ (Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, Hà Nội 1944, tr. 358).Chữ Nôm có từ thời nào? Có thuyết cho rằng từ thời Sỹ Nhiếp làm Thái thú Giao Chỉ (187-226), một Thái thú "học vấn uyên bác" (xem Việt Sử Lược, bản Hán văn q.I, tr.5a - bản dịch Trần Quốc Vượng, Hà Nội 1960, tr. 22).

Nhưng cũng chưa có tài liệu nào căn cớ rõ rệt. Nói chung thì chữ Nôm đã có từ thời viễn cổ. Một số tộc trong dòng Bách Việt đã có hai loại chữ viết giống như chữ Nôm của ta. Người Thổ hay Tầy cũng có chữ Nôm gọi là "Nôm thổ" (trên thực tế, danh xưng "Thổ" chỉ là để chỉ người địa phương tức chủng tộc Thái ở thượng du, vân Nam và Quảng Tây).

Theo học giả Văn Hựu, trong một bài khảo cứu nhan đề "Quảng Tây - Thái Bình phủ thuộc thổ châu huyện ty dịch ngữ khảo" ông Văn Hựu nêu lên 104 tục tự của Phủ Thái Bình (Quảng Tây) trên quan điểm văn tự học, ông đem so sánh với chữ Nôm Việt Nam. Người Thổ vùng này đồng tộc với người Thổ Quảng Tây. Kết quả đem đối chiếu hình thể chữ Nôm ở vùng Cao Bằng Lạng Sơn và ở Thái Bình phủ có 38 định lệ mà hàng trên là chữ Nôm của người Thổ Cao Bằng Lạng Sơn và hàng dưới là người Thổ phủ Thái Bình (Văn Hựu, tlđd, Tạp san Sở Nghiên cứu ngôn ngữ - Viện nghiên cứu quốc lập trung ương, Ðài Bắc, số 6, kỳ IV, tr. 497, dẫn trong Trần Kinh Hòa "Hình thái và niên đại sản xuất của chữ Nôm", tạp chí Ðại Học (Huế) số 35&36 tháng 10&12, 1963, tr. 730).

Giáo sư Nguyễn Văn Huyên trong bài khảo cứu về văn minh Việt Nam, sưu tập được bài "Chúc Hôn Ca" bằng chữ Nôm của người Thổ Cao Bằng Lạng Sơn thì chữ Nôm của người Kinh và Nôm Thổ đã có liên hệ mật thiết (xem Nguyễn Văn Huyên, La Civilisation Anamite, Hà Nội, 1944, tr. 251).

Sỹ Nhiếp là người Quảng Tây, địa bàn của dân tộc Bách Việt xưa tức cõi Lĩnh Nam. Quảng Tây còn một thứ "tục tự" (giống như chữ Nôm Thổ và rất gần gũi với chữ Nôm Kinh). Các chữ "tục tự" này có thời viễn cổ và sau này thấy trong các bộ sách như Quế Hải ngu hành chí và Lĩnh ngoại đại đáp đời nhà Tống (960-1279).

Theo tác giả Lê Dư, khi Sỹ Nhiếp tới Giao Chỉ, phỏng theo những tục tự của Quảng Tây mà chế ra chữ Nôm (Sở Cuồng Lê Dư, chữ Nôm với chữ Quốc ngữ, Nam Phong tạp chí số 127, tháng 5, 1932, tr. 495).

Xa hơn nữa là chữ "khoa đẩu" đã xuất hiện từ thời Hùng Vương văn Lang cho ta thấy dân tộc Việt đã sớm có văn tự, cỗi nguồn văn minh văn hóa Việt tộc phát xuất từ đây chưa từng tiếp xúc và ảnh hưởng văn minh Hoa Hán.

Share this post


Link to post
Share on other sites

ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ

Kỷ Hồng Bàng Thị

12/09/2006

Triều Liệt Đại Phu, Quốc Tử Giám Tư Nghiệp,

Kiêm Sử Quan Tu Soạn, Thần Ngô Sĩ Liên Biên

Xét: Thời Hoàng Đế dựng muôn nước, lấy địa giới Giao Chỉ về phía Tây Nam, xa ngoài đất Bách

Việt. Vua Nghiêu sai Hy thị1 đến ở Nam Giao2 để định đất Giao Chỉ ở phương Nam. Vua Vũ chia chín

châu3 thì Bách Việt4 thuộc phần đất châu Dương, Giao Chỉ thuộc về đấy. Từ đời Thành Vương nhà Chu

[1063-1026 TCN] mới gọi là Việt Thường thị, tên Việt bắt đầu có từ đấy.

Kinh Dương Vương

[1b]Tên húy là Lộc Tục, con cháu họ Thần Nông6.

Nhâm Tuất, năm thứ nhất7. Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế

Nghi, sau Đế Minh nhân đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh8 lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua [Kinh Dương Vương]. Vua là bậc thánh trí thông minh, Đế Minh rất yêu quý, muốn cho nối ngôi. Vua cố nhường cho anh, không dám vâng mệnh. Đế Minh mới lập Đế Nghi là con nối ngôi, cai quản phương Bắc, phong cho vua làm Kinh Dương Vương, cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ.

Vua lấy con gái Động Đình Quân tên là Thần Long9 sinh ra Lạc Long Quân (Xét: Đường kỷ chép:thời Kinh Dương có người đàn bà chăn dê, tự xưng là con gái út của Động Đình Quân, lấy con thứ của Kinh Xuyên, bị bỏ, viết thư nhờ Liễu Nghị tâu với Động Đình Quân. Thế thì Kinh Xuyên và Động Đình đời đời làm thông gia với nhau đã từ lâu rồi).

------------------

Chú thích

1 Hy thị: Tương truyền vua Nghiêu sai anh em họ Hy (Hy thị) và họ Hòa (Hòa thị) đi bốn phương để trông coi công việc thiên văn lịch pháp. Hy Thúc là em Hy Trọng đến ở miền đất phương Nam (Kinh Thư, Nghiêu điển)

2 Kinh Thư chép vua Nghiêu sai Hy Thúc đến ở Nam Giao (Hy Thúc trạch Nam Giao). Khổng An Quốc thời Tây Hán chú giải Kinh Thư, chỉ cho Nam Giao là phương Nam. Mãi đến thời Đường, Tư Mã Trinh mới giải thích Nam Giao là Giao Chỉ ở phương Nam.

3 Theo thiên Vũ Cống trong Kinh Thư, chín châu là Ký, Duyện, Thanh, Từ, Dương, Kinh, Dự, Lương Ung.

4 Bách Việt: là từ mà người Hán dùng để gọi chung các tộc người khác Hán sống ở miền nam Trung Quốc thời xưa. Từ này lần đầu tiên thấy chép trong Sử Ký (Ngô Khởi Truyện của Tư Mã Thiên.

5 Việt Thường Thị: tên nước thời cổ ở phía Nam Trung Quốc có quan hệ với nhà Chu (hiến chim trĩ cho Thành Vương), lần đầu tiên được ghi trong sách Thượng Thư Đại Truyện. Có nhiều giải thích khác nhau, có thuyết nói rằng Việt Thường Thị ở miền quận Cửu Đức, tức miền Hà Tĩnh (Thủy Kinh Chú, Cựu Đường Thư); có thuyết nói Việt Thường thị ở vị trí nước Lâm Ấp đời sau (Văn Hiến thông khảo, Minh Sử, Minh nhất thống chí).

6 Thần Nông: theo truyền thuyết Trung Quốc, là một trong 5 vị đế thời thượng cổ, dạy dân biết cày bừa trồng trọt, cũng gọi là Viêm Đế.

7 Theo Mục lục kỷ niên của Đại Việt Sử Ký và câu kết của Kỷ Hồng Bàng thị (NK1, 5b) thì từ năm Nhâm Tuất đến năm Quý Mão (258 TCN) cộng 2622 năm. Vậy năm Nhâm Tuất là năm 2879 TCN. Đó chỉ là một niên đại suy đoán trên cơ sở - như trong Phàm lệ đã nói rõ - muốn đặt Kinh Dương Vương ngang với Đế Nghi.

8 Ngũ Lĩnh: có nhiều thuyết khác nhau, đại khái chỉ 5 ngọn ở biên giới phía nam của Trung Quốc. Theo Quảng Châu ký, đó là các núi: Đại Dũ, Thủy An, Lâm Hạ, Quế Dương, Yết Dương.

9 Nguyên văn: "Thú Động Đình Quân nữ, viết Thần Long". Theo câu này thì phải hiểu Thần Long là tên người con gái của Động Đình Quân. Nhưng ở đoạn dưới (tờ 2b), soạn giả lại viết: "Kinh Dương Vương lấy con gái của Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân". Như vậy tên của Động Đình Quân là Thần Long.

-------------------------------------------------

Lạc Long Quân

[2a] Tên húy là Sùng Lãm, con của Kinh Dương Vương.

Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh trăm trứng), là tổ của Bách Việt.

Một hôm, vua bảo Âu Cơ rằng:

"Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó".

Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền Nam (có bản chép là về Nam Hải), phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Khi trời đất mới mở mang, có thứ do khí hóa ra, đó là Bàn Cổ thị. Có khí hóa ra rồi sau có hình hóa, không thứ gì ngoài hai khí âm dương cả. Kinh Dịch nói: "Trời đất nung ủ, vạn vật thuần hóa, đực cái hợp tinh, vạn vật hóa sinh"10. Cho nên có vợ chồng rồi sau mới có cha con, có cha con rồi sau mới có vua tôi. [2b] Nhưng thánh hiền sinh ra, tất có khác thường, đó là do mệnh trời. Nuốt trứng chim huyền điểu mà sinh ra nhà Thương11, giẫm vết chân người khổng lồ mà dấy nhà Chu12, đều là ghi sự thực như thế. Con cháu Thần Nông thị là Đế Minh lấy con gái Vụ Tiên mà sinh Kinh Dương Vương, tức là thủy tổ của Bách Việt. Vương lấy con gái Thần Long sinh ra Lạc Long Quân, Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai mà có phúc lành sinh trăm con trai. Đó chẳng phải là cái đã gây nên cơ nghiệp của nước Việt ta hay sao? Xét sách Thông Giám Ngoại kỷ13 nói: Đế Lai là con Đế Nghi; cứ theo sự ghi chép ấy thì Kinh Dương Vương là em ruột Đế Nghi, thế mà kết hôn với nhau, có lẽ vì đời ấy còn hoang sơ, lễ nhạc chưa đặt mà như thế chăng?

------------------

Chú thích

10 Kinh Dịch: Hệ từ.

11 Truyền thuyết Trung Quốc nói là bà Giản Địch (vợ thứ Đế Cốc) nuốt trứng chim huyền điểu, có mang, sinh ra ông Tiết, tổ của nhà Ân - Thương.

12 Bà Khương Nguyên giẫm vết chân người khổng lồ, sinh ra ông Khi, tức Hậu Tắc, tổ nhà Chu.

13 Thông giám ngoại kỷ: tức phần Ngoại Kỷ của sách Tư Trị Thông Giám (294 quyển) do Tư Mã Quang đời Tống soạn.

------------------------------------------------

Hùng Vương

[3a] Con Lạc Long Quân (không rõ tên húy)14, đóng đô ở Phong Châu (nay là huyện Bạch Hạc)15. Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang (nước này đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành, nay là Quảng Nam), chia nước làm 15 bộ là: Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức; đều là đất thần thuộc của Hùng Vương; còn bộ gọi là Văn Lang là nơi vua đóng đô16. Đặt tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng (chữ Lạc Tướng, sau chép sai là Hùng Tướng17). Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mị Nương. Quan coi việc gọi là Bồ Chính, đời đời cha truyền con nối, gọi là phụ đạo. Vua các đời đều gọi là Hùng Vương.

Bấy giờ dân ở rừng núi thấy ở sông ngòi khe suối đều có tôm cá, nên rủ nhau đi bắt cá để ăn, thường bị thuồng luồng làm hại, [3b] đến thưa với vua. Vua nói: "Người man ở núi khác với các loài thủy tộc; các thủy tộc ấy ưa cùng loài mà ghét khác loài, cho nên mới bị chúng làm hại”. Rồi vua bảo mọi người lấy mực vẽ hình thủy quái ở mình. Từ đấy thuồng luồng trông thấy không cắn hại nữa. Tục vẽ mình của người Bách Việt có lẽ bắt đầu từ đấy.

------------------

Chú thích

14 Nguyên bản in nhỏ hai chữ "khuyết húy", dễ nhận lầm là khuyết húy của Lạc Long Quân. Nhưng ở trên đã nói Lạc Long Quân húy Sùng Lãm. Ở đây nói khuyết húy của Hùng Vương.

15 Huyện Bạch Hạc thời Lê là một phần đất huyện Phong Châu, tỉnh Vĩnh Phú ngày nay.

16 Việt Sử Lược chép nước Văn Lang gồm 15 bộ lạc, trong đó có 10 bộ lạc giống tên như Toàn thư ghi trên đây (Giao Chỉ, Vũ Ninh, Việt Thường, Ninh Hải, Lục Hải, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Cửu Đức, Văn Lang), và 5 bộ lạc với tên khác (Quân Ninh, Gia Ninh, Thang Tuyền, Tân Xương, Nhật Nam). Lĩnh Nam Chích Quái cũng chép đủ tên 15 bộ, nhưng trong các bản hiện còn, tên các bộ ấy có nhiều sai khác chênh lệch. Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi chép đúng tên các bộ như Toàn Thư đã ghi trên đây, nhưng không có tên bộ Văn Lang.

17 Chữ "Hùng" và chữ "Lạc" chỉ khác nhau về phía bên trái, dễ đọc và chép lầm.

------------------------------------------------

Đời Hùng Vương thứ 6, ở hương Phù Đổng, bộ Vũ Ninh có người nhà giàu, sinh một con trai, đến năm hơn ba tuổi ăn uống béo lớn nhưng không biết nói cười. Gặp lúc trong nước có tin nguy cấp, vua sai người đi tìm người có thể đánh lui được giặc. Ngày hôm ấy, đứa trẻ bỗng nói được, bảo mẹ ra mời thiên sứ vào, nói:

"Xin cho một thanh gươm, một con ngựa, vua không phải lo gì".

Vua ban cho gươm và ngựa, đứa trẻ liền phi ngựa vung gươm tiến lên trước, quan quân theo sau, đánh tan quân giặc ở chân núi Vũ Ninh18.

------------------

Chú thích

18 Lĩnh Nam Chích Quái chép Phù Đổng Thiên Vương đánh giặc Ân dưới núi Trâu Sơn, Sách Việt Sử Tổng Vịnh chú rằng núi Vũ Ninh thuộc huyện Quế Dương (nay thuộc đất Quế Võ, tỉnh Hà Bắc).

------------------------------------------------

Quân giặc tự quay giáo đánh lẫn nhau, chết rất nhiều, bọn sống sót đều rạp lạy, tôn gọi đứa trẻ ấy là thiên tướng, liền đến xin hàng cả. Đứa trẻ phi ngựa [4a] lên trời mà đi. Vua sai sửa sang chỗ vườn nhà của đứa trẻ để lập đền thờ, tuế thời cúng tế. Về sau, Lý Thái Tổ phong là Xung Thiên Thần Vương. (Đền thờ ở cạnh chùa Kiến Sơ, hương Phù Đổng).

Thời Thành Vương nhà Chu [1063-1026 TCN], nước Việt ta lần đầu sang thăm nhà Chu (không

rõ vào đời Hùng Vương thứ mấy), xưng là Việt Thường thị, hiến chim trĩ trắng. Chu Công nói: "Chính lệnh không ban đến thì người quân tử không coi người ta là bề tôi của mình", rồi sai làm xe chỉ nam đưa sứ giả về nước.

Cuối thời Hùng Vương, vua có con gái gọi là Mị Nương, nhan sắc xinh đẹp. Thục Vương nghe tiếng, đến cầu hôn. Vua muốn gả, nhưng Hùng hầu can rằng:

"Họ muốn chiếm nước ta, chỉ lấy việc hôn nhân làm cớ mà thôi".

Thục Vương vì chuyện ấy để bụng oán giận. Vua muốn tìm người xứng đáng để gả, bảo các bề tôi rằng:

"Đứa con gái này là giống tiên, người nào có đủ tài đức mới cho làm rể".

Bấy giờ có hai người từ ngoài đến, lạy dưới sân để cầu hôn. Vua lấy làm lạ, hỏi thì họ thưa rằng một người là [4b] Sơn Tinh, một người là Thủy Tinh, đều ở trong cõi cả, nghe nhà vua có thánh nữ, đánh bạo đến xin lĩnh mệnh. Vua nói:

"Ta có một người con gái, lẽ nào lại được cả hai rể hiền?".

Bèn hẹn đến ngày hôm sau, ai đem đủ sính lễ đến trước thì gả cho người ấy. Hai người vâng lời, lạy tạ ra về. Hôm sau, Sơn Tinh đem các đồ châu báu vàng bạc, chim núi thú rừng đến dâng. Vua y hẹn gả con cho. Sơn Tinh đón vợ về ở ngọn núi cao trên núi Tản Viên. Thủy Tinh cũng đem sính lễ đến sau, giận tiếc là không kịp, bèn kéo mây làm mưa, dâng nước tràn ngập, đem các loài thủy tộc đuổi theo. Vua cùng Sơn Tinh lấy lưới sắt chăng ngang thượng lưu sông Từ Liêm19 để chặn lại. Thủy Tinh theo sông khác, từ Ly Nhân vào chân núi Quảng Oai20 rồi theo dọc bờ lên cửa sông Hát, ra sông lớn21 mà rẽ vào sông Đà để đánh Tản Viên, nơi nơi đào sâu thành vực thành chằm, chứa nước để mưu đánh úp. Sơn Tinh có phép thần biến hóa, gọi [5a]22 người man đan tre làm rào chắn nước, lấy nỏ bắn xuống, các loài có vẩy và có vỏ trúng tên đều chạy trốn cả. Rốt cuộc Thủy Tinh không thể xâm phạm được núi Tản Viên. (Tục truyền Sơn Tinh và Thủy Tinh từ đấy về sau đời đời thù oán, mỗi năm mùa nước to thường vẫn đánh nhau). Núi Tản Viên là dãy núi cao của nước Việt ta, sự linh thiêng rất ứng nghiệm. Mị Nương đã lấy Sơn Tinh, Thục Vương tức giận, dặn lại con cháu phải diệt Văn Lang mà chiếm lấy nước. Đến đời cháu là Thục Phán có dũng lược, bèn đánh lấy nước.

------------------

Chú thích

19 Sông Từ Liêm: chỉ khúc sông Hồng chảy qua Chèm, Hà Nội.

20 Tức là sông Đáy.

21 Tức là sông Hồng.

22 Nguyên bản mất tờ in 5a - b, được thay thế bằng tờ chép tay.

------------------------------------------------

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Thời Hùng Vương đặt chư hầu để làm phên giậu, chia nước làm 15 bộ. Ở 15 bộ ấy đều có trưởng và tá. Vua theo thứ bậc cắt đặt các con thứ để cai trị. Nói 50 con theo mẹ về núi, làm sao biết không phải là như thế? Vì mẹ làm quân trưởng, các con đều làm chúa một phương. Cứ xem như tù trưởng người man ngày nay xưng là nam phụ đạo, [5b] nữ phụ đạo (nay bản triều đổi chữ phụ đạo ___ ___ thành chữ phụ đạo ___ ___ thì có lẽ đúng như thế). Còn như việc Sơn Tinh, Thủy Tinh thì rất là quái đản, tin sách chẳng bằng không có sách, hãy tạm thuật lại chuyện cũ để truyền lại sự nghi ngờ thôi).

Trở lên là [kỷ] Hồng Bàng thị, từ Kinh Dương Vương được phong năm Nhâm Tuất, cùng thời với Đế Nghi, truyền đến cuối thời vua Hùng Vương, ngang với đời Noãn Vương nhà Chu năm thứ 57 [258 TCN] là năm Quý Mão thì hết, tất cả 2.622 năm [2879 - 258 TCN].

Share this post


Link to post
Share on other sites

Về nguồn gốc dân tộc Việt Nam và "địa đàng phương đông"
của Oppenheimer

Nguyễn Quang Trọng
(Trich từ http://www.nhanvan.com/magazines/hopluu/64..._venguongoc.htm)

Posted Image

Trong báo Thế Kỷ 21 (số tháng 12 năm 2001, nam California, USA) ông Nguyễn văn Tuấn có đặt lại vấn đề nguồn gốc (Tàu) của dân tộc và văn minh Việt Nam sau khi ông đọc cuốn "Địa đàng ở phương Đông" của Stephen Oppenheimer. Với nhiều điểm mới dựa trên sự tổng hợp tài liệu nhiều ngành (khảo cổ học, ngữ học, di truyền học, dân tộc học) và kết quả nghiên cứu của chính Oppenheimer, "Địa đàng ở phương Đông" phát giác sự đóng góp quan trọng của vùng Đông Nam Á trong lịch sử nhân loại. Ngô thế Vinh đã giới thiệu sách này trong bài "Tìm về phương Đông- Địa đàng lại đánh mất" trong Thế Kỷ 21 số tháng tư năm 2000. Việc Nguyễn văn Tuấn (NVT) tóm tắt cuốn sách đồ sộ này (560 trang với kiểu chữ nhỏ) và thêm những dữ kiện mới thông báo rất đáng ca ngợi. Những thuyết mới về nguồn gốc dân tộc khi được thông báo cho cộng đồng người Việt Nam giúp hiểu thêm về cội nguồn tổ tiên, xóa bỏ mặc cảm tự ti (nếu có). Tuy nhiên, do tầm quan trọng của vấn đề, khi sử dụng những số liệu và dữ kiện để chứng minh quan điểm của mình, có lẽ chúng ta cần thận trọng để tránh các bẫy rập tự tôn, duy chủng tộc, duy dân tộc quá khích.

Tự tôn dân tộc - tự tôn chủng tộc
.

Người Tàu rất tự tôn, không riêng ở cái tên Trung Quốc tự xưng, mà còn vì thói quen hay tự nhận là "người đầu tiên" sáng chế ra nhiều thứ (dù có phần nào sự thật). Tính tự tôn này đôi khi cũng thể hiện trong lãnh vực khoa học. Một số khoa học gia Trung Quốc muốn chứng minh đất Trung Hoa là nơi phát sinh ra giống dân Á châu, và văn minh tộc Hán là văn minh trung tâm thế giới. Họ cố tình che dấu, giảm thiểu, hay vơ chung vào văn minh tộc Hán những nền văn minh rực rỡ cổ xưa tìm thấy trên đất Trung Hoa nhưng không thuộc vùng ảnh hưởng Hán tộc. Điển hình là trường hợp văn minh Sanxingdui phía bắc Thành Đô (Chengdu, thuộc tỉnhTứ Xuyên), phía nam thượng lưu sông Dương tử. Năm 1986, một nhóm thợ lò gạch tình cờ tìm được một hố tế lễ chứa đầy đồ đồng, vàng và ngọc thạch. Khi đoàn khảo cổ Tứ Xuyên đến đó khai quật, họ tìm ra hố thứ hai. Tổng số đồ vật trên 800 món, với nhiều thức tuyệt xảo bằng đồng, kích thước to, trong đó có tượng người cao bằng người thật (1.72 m), nhiều đầu người và mặt nạ bằng đồng. Đây là tượng đồng to nhất tìm thấy ở Trung Hoa. Tượng có mắt to và xếch, mũi lớn, lông mày rậm dày và miệng thật rộng, rõ ràng không phải chân dung tiêu biểu người Hán. Hơn nữa nền văn minh đời Thương, là văn minh cổ nhất của Tàu, không hề có đồ đồng mang dạng người. Trung Hoa xem đó là cổ vật thuộc nhóm dân Ba- Thục, và xếp chúng vào thời đại cuối thời Thương. Một nhóm khảo cổ Hoa Nhật khám phá ra thêm một thứ đền "kim tự tháp" ở Longma, phía tây- nam Thành Đô, có cùng những đường nét văn hóa. Đền này nằm tại trung tâm thành cổ, trong khi đền thờ, nơi tế lễ cổ và thuần Trung Quốc (Hán) đều nằm ngoài vòng thành. Các nhà khảo cổ Nhật ước tính tuổi cho nền văn minh này là 3000 đến 4700 năm về trước. Khám phá này được công bố ở Kyoto, Nhật vào tháng 10 năm 1996, hình ảnh được đăng trên những báo lớn và sau đó trong những sách, báo Anh và Pháp ngữ, trong khi báo Trung Hoa không hề đăng, và rất ít thường dân Tàu biết đến tin này. Trên thực tế, Trung Hoa không muốn chấp nhận sự hiện diện một nền văn minh khác, rực rỡ và xưa hơn văn minh Hán tộc vốn dĩ được xem là văn minh gốc của cả nước. Vào nửa đầu thế kỷ 20, các nhà khảo cổ Ấu châu đặc biệt chú trọng đến việc khai quật các di tích tiền sử ở những nước thuộc địa. Nhưng vì dựa vào mô hình các giai đoạn phát triển kĩ thuật ở châu Ấu để nghiên cứu các dữ kiện khảo cổ nên họ đã đưa đến những kết luận nhuộm màu ưu / duy chủng tộc trong chiều hướng tôn cao văn minh dân da trắng. Nhà khoa học Áo Heine-Geldern nổi tiếng về thuyết thiên di ở Đông Nam Á, đã cố sức chứng minh văn hoá Đông Sơn bắt nguồn từ văn hoá phương tây người Kimmer, hay người Tokhara (tức người Nhục Chi) từ vùng Hắc Hải thiên di đến (thật ra người Tokhara chỉ đến vùng nam Tây Bá Lợi Á). Mansuy, người Pháp đã phát giác ra các di vật ở Bắc Sơn (vùng Cao Bằng Lạng Sơn),- theo Hà Văn Tấn- đã "gắn sự xuất hiện của kĩ thuật mài đá trong văn hoá Bắc Sơn với yếu tố tộc người da trắng có nguồn gốc phương Tây." Nhà tiền sử học Mĩ Movius xem sự kiện trường tồn của đồ đá đặc thù Á Châu "Choppers/Chopping-tools" là biểu hiện tính chất kém phát triển của văn hoá Đông phương so với Tây phương cùng thời. Coedès, hàn lâm viện sĩ Pháp, từng là Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ danh tiếng, cũng cho rằng cư dân bản địa Đông Dương vốn thiếu óc sáng tạo, ít khả năng tiến hoá và khó tiến bộ nếu không có sự đóng góp của bên ngoài. Nói thẳng ra, tất cả các nhà khảo cứu này cho rằng cư dân Đông phương cổ mọi rợ, không văn minh bằng cư dân Tây phương cổ. Vô tình hay hữu ý, các nhà khoa học thời đó đưa ra những lí lẽ biện minh cho chính sách thuộc địa mà kết luận đưa ra là dân Tây phương (có bổn phận) đem ánh sáng văn minh đến cho những dân tộc bán khai địa phương. Đó là tính tự cao chủng tộc của người da trắng.

Nhưng Đông Nam Á thời tiền sử có thật sự kém văn minh như người ta tưởng không?

Ngày nay đa số khoa học gia công nhận rằng không thể áp dụng mô hình các giai đoạn kĩ thuật ở Ấu Châu để định tuổi cho dụng cụ đá tại Đông Nam Á, và qua đó định tuổi các nền văn hoá Đông Nam Á, là vùng có khí hậu và môi trường sống hoàn toàn khác. Dụng cụ chặt đẽo choppers sở dĩ không thay đổi trong một thời gian dài là vì người Đông Nam Á thời đó đã biết dùng tre, gỗ chế biến thành dụng cụ cần thiết cho đời sống hằng ngàỵ. Nhưng người ta không tìm ra được các thứ vật dụng này vì chúng đã bị tiêu huỷ trong môi trường Đông Nam Á nóng ẩm ; và chính công cụ đá đã được sử dụng trong việc chế tạo tre, gỗ thành đồ dùng. Đó là mô hinh gỗ / mộc , tức "lignic" model, hay bamboo-karst model. Người ta có thể khẳng định như thế nhờ những phương pháp tiếp cận khảo cổ học mới sau này (dựa vào kinh tế học, sinh thái học và xã hội học). Một trong các bằng chứng thực tiễn là cuộc sống của bộ lạc nhỏ Tasaday trên đảo Mindanao (Phi luật Tân). Dân bộ lạc này vẫn còn sống theo kinh tế săn bắt-hái lượm như người "thời đồ đá", nhưng họ hầu như không có (vì không cần) công cụ làm bằng đá. Dân tiền sử Đông Nam Á sống thiên về hái lượm cây, trái, đào củ và săn, bắt, bẫy các loài thú nhỏ hơn là thú lớn như dân xứ lạnh Ấu châu (bò rừng, tuần lộc...), nên không cần dùng khí giới lao, cung với lưỡi ngọn lao, mũi tên làm bằng đá đẽo. Họ săn heo rừng, khỉ, nai, nhím, chim... bằng cung nỏ với tên tre chuốc nhọn hay bằng ống thổi (blow-pipe) với mũi tên (là) gân lá tẩm thuốc độc, như dân các bộ lạc miền núi Việt Nam và trong rừng Indonesia ngày nay. Trong vùng nhiệt đới nóng ẩm, rừng nhiều cây lá, nếu cần che thân, sử dụng vỏ cây hay lá cây thì mát mẻ, dễ chịu và tiện lợi hơn da thú ; và vì không cần da thú nên họ không cần công cụ đá để nạo da thú như người tiền sử Ấu châu; họ bắt cá, săn thú, xẻ thịt, với các cạm bẫy, dao chế biến từ tre, lá, như thổ dân trên đảo Mentawai xứ Indonesia ngày nay. Nói chung những bộ lạc miền nhiệt đới chưa "văn minh" hiện nay vẫn chế tạo rất nhiều đồ dùng từ tre, mây, gỗ, lá. Đó là dấu vết kinh nghiệm cư dân cổ bản địa truyền lại. Các hình vẽ thú, cảnh đi săn, trên vách nhiều hang động Ấu Châu thời tiền sử (peintures rupestres), cho biết thịt là món ăn chính của người tiền sử tại đây. Trong khi đó, người cổ Hoà Bình ăn nhiều sò ốc, bằng chứng là vỏ các loài ốc núi và ốc nước ngọt tìm thấy trong những đống rác bếp trong hang động trên mười ngàn năm trước (ở vùng Hoà Bình và vịnh Hạ Long); cũng như sau đó người sống dọc bờ biển từ vịnh đến bắc Trung Phần đều vẫn ăn sò, điệp biển và để lại hàng đống vỏ lớn. Cư dân Bắc Việt cổ đã ăn ốc từ 15 000 năm trước (và bây giờ ta vẫn ăn), điều này không thấy trong di tích người tiền sử Ấu châu. Sau những phát hiện khảo cổ chấn động thế giới vào thập niên 60 tại Thái Lan, Malaysia, Indonesia, một số nhà tiền sử học đã đặt lại vấn đề tiền sử Đông Nam Á. Solheim II, giáo sư Đại học Hawaii, viết một loạt bài từ năm 1967 về sự ra đời sớm của việc trồng trọt, làm gốm, đóng thuyền, đúc đồ đồng thau... Solheim đã đi ngược lại các luận điểm của Heine-Geldern (nguồn gốc từ người Tokhara, Kimmer) về cuộc thiên di của người Nam Đảo (Austronesian) và nguồn gốc văn hoá Đông Sơn. Theo Solheim, đóng góp của văn hoá cư dân Đông Nam Á vào văn hoá Bắc Trung Quốc thật quan trọng ; ông đưa thuyết mạng lưới buôn bán đường biển liên đảo, gọi là mạng Nusantao, ở khắp vùng Thái bình Dương từ Nhật xuống đến các đảo phía nam từ trên mười ngàn năm trước. Những nhà hàng hải Nusantao này là cư dân vùng thềm Sunda phía đông Indonesia và nam Phi luật Tân, đã buộc lòng phải dùng đường biển khi mực nước dâng cao làm ngập đất họ sống. Tuy nhiên, Hà văn Tấn cho rằng luận điểm của Solheim chưa có hay không có cơ sở vững chắc, với nhiều điểm "phi lý, hỗn loạn" và dễ bị chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi lợi dụng. Sau Solheim, một số nhà khảo cổ học khác như Meacham ở Hong Kong, Higham ở Tân Tây Lan, Pookajorn ở Thái Lan đều đồng ý là vùng Đông Nam Á, từ Thái Lan xuống Indonesia qua bán đảo Đông Dương, là cái nôi của văn minh Nam Á (Austroasiatic)- Nam Đảo (Austronesian). Và mới đây, Oppenheimer còn đi xa hơn nữa, khi đưa ra thuyết rằng văn minh Đông Nam Á là cội nguồn của văn minh phương tây, rằng khi cư dân thềm Sunda di tản tránh biển dâng, họ đã đến vùng Lưỡng Hà - Trung Đông, mang theo kinh nghiện trồng trọt, làm đồ gồm và ... sự tích Đại hồng thủy.

Bác sĩ Oppenheimer, nhà thám hiểm, nhà nghiên cứu, người bạn các dân tộc Đông Nam Á.

Oppenheimer tốt nghiệp bác sĩ Đại học Oxford bên Anh năm 1971. Năm 1972 ông sang vùng Viễn Đông hành nghề tại nhiều bịnh viện trong vùng, mà độc đáo nhất là khi ông làm "bác sĩ bay" (flying-doctor) ở Borneo. Ở vùng này gần hai mươi năm, ông du hành và nghiên cứu về nhân học khắp Đông Nam Á lục địa (kể cả Việt Nam) và các đảo Thái bình Dương. Ông không ngại nguy hiểm, lặn lội nơi thâm sâu cùng cốc, tìm đến những bộ lạc còn giữ ngôn ngữ xưa hay cổ tích truyền khẩu... Trong sách nói trên có vài bức ảnh do tác giả chụp. Có một ảnh nhà sàn với hàng chữ : nhà sàn thành phố không đất Sitankai (cất trên bải san hô ngầm) giữa biển Sulu, tác giả chú thích rằng người tiếp viên trên tàu (ship's steward) ở góc phải hình đã cứu tác giả và ý trung nhân của ông thoát khỏi tay lính Phi. Ông kể giai thoại đó như sau: Lần đó ông cùng ý trung nhân người Tàu đi du lịch, và gặp hai người Tây phương tại nam Phi Luật Tân. Hai người này khuyên đôi tình nhân trẻ đi "fun trip" bằng tàu trên vùng biển Sulu đầy đảo nhỏ phía nam Mindanao (Philippins)-bắc Borneo. Họ nghe theo, đáp một tàu lớn chuyên chở hành khách địa phương lẫn hàng hoá qua các hải đảo Sulu. Đến mỗi làng, tàu thả người xuống, và cho khuân lên những bao hải sâm (sea cucumber) món hàng đắt tiền rất được các nhà hàng ăn ở Hong Kong ưa chuộng. Tàu được một nhóm lính vũ trang đi theo bảo vệ chống hải tặc trong vùng. Một lần, đám lính ấy nhậu say, toan "dòm ngó" cô vợ sắp cưới của ông. Khi tình trạng đến hồi nguy hiểm thì thuỷ thủ đoàn đến kịp lúc, đưa hai người lánh lên boong trên, cứu họ thoát nạn. Nhờ giai thoại này độc giả biết thêm một phần đời tư tác giả, một người yêu Đông Nam Á và yêu người Đông Nam Á (cô ấy sống ở Nam Trung Hoa, có lẽ thuộc chủng Nam Mongolic, như các dân Đông Nam Á khác). Đầu thập niên 80 ông chuyển qua ngành nhi khoa nhiệt đới, và làm việc ở Madang, vùng phía bắc New Guinea (Tân Guy nê, đảo phía bắc Úc Châu). Ông rất ngạc nhiên khi thấy quá nhiều trẻ mới sinh bị thiếu máu (anaemic) mà không thiếu sắt (iron deficiency). Đem mẩu máu lấy từ cuống rún trẻ về trường y khoa nhiệt đới ở Liverpool (ở Anh) phân tích, ông nhận thấy trẻ sơ sinh thiếu máu vì hồng huyết cầu hình dạng không bình thường, rất dễ vỡ trong một "bịnh" di truyền gọi là a-thalassaemia (aT), do thiếu một trong hai gene (di tố) tạo ra a (alpha) globin; alpha globin là một trong bốn protein a,b,d,g ; (bệnh b- thalassemea do thiếu gene B) hợp với phần tử heme chứa chất sắt tạo thành haemoglobin (viết tắt HbA, F) nằm trong tế bào máu đỏ (hồng cầu). Khi các genes này có "vấn đề", các Hb tạo nên (A, F) không theo tỉ lệ bình thường hoặc cấu trúc bị biến dạng (HbS, HbC, HbE.) khiến cho hồng cầu biến dạng, dễ vỡ. Thí dụ hồng cầu có hình liềm (HbS) hoặc cầu tròn thay vì hình cầu lõm hai mặt. Tuỳ theo mức độ các "vấn đề" là giảm, thiếu globins hay chuyển đổi các thành phần nucleic acids tạo di tố, và tuỳ các đôi di tố tương hợp hay dị hợp mà các hậu quả mất máu nặng nhẹ khác nhau. Tính miễn nhiễm sốt rét là một hậu quả (tốt bất) ngờ của sự biến dạng và dễ vỡ của hồng cầu. Khi nghiên cứu kĩ sự phân bố trẻ sơ sinh aT trên đảo, ông thấy trẻ có cha mẹ gốc vùng núi cao bên trong đảo ít bị sốt rét hơn trẻ trong các làng vùng thấp, ven biển hay trên đảo nhỏ xung quanh. Để biết rõ nguyên nhân, ông bỏ thì giờ đi thăm từng gia đình các em bé được phân tích máu, hỏi gốc gác và tiếng nói của họ. New Guinea là nơi có số ngôn ngữ cao nhất thế giới (750 thứ tiếng) đa số là thổ ngữ Papua, các tiếng còn lại thuộc họ Nam Đảo, tiếng nói người sống ven biển. Điểm nghịch lí là số trẻ aT không phân bố theo gốc gác tiếng nói, mà phân bố theo độ cao nơi gia đình sống. Những trẻ aT đều thuộc gia đình miền núi cao chưa hề bị sốt rét. Nhờ lấy mẩu máu này ở New Guinea đem về Anh phân tích gene mà ông thành ngườI đầu tiên khám phá ra sự liên hệ giữa a-thalassaemia và sự phân bố bịnh sốt rét trong vùng New Guinea ; kết quả này công bố trên báo The Lancet năm 1984. Ông đi đến kết luận là những người không bị sốt rét nhờ hưởng gene aT của ông cha tổ tiên, vì chỉ những người có gene đột biến aT mới sống còn qua sự "tuyển lựa tự nhiên" của bịnh sốt rét. Bịnh sốt rét là bịnh gây tử vong cao cho loài người: ngày nay sốt rét vẫn làm chết người trên thế giới nhiều hơn các bịnh khác. Trong bệnh này, các trùng Plasmodium vào người theo vết cắn muỗi Anopheles, vào gan và hồng huyết cầu kí sinh để tiếp tục sinh sôi tăng trưởng. Oppenheimer khám phá ra là trùng sốt rét Plasmodium falciparum không tấn công được hồng huyết cầu aT, và trùng này bị chận không lan tràn được trong cơ thể người bị muỗi nhiễm trùng cắn. Đây là một kết quả quan trọng, nhất là cho dân Đông Nam Á ( hay bị sốt rét và bị "thiếu máu"-anemia- do thalassaemia), được công bố trên báo khoa học hàng đầu thế giới (Nature) năm 1997.. Những đợt đột biến đưa đến sự tuyển chọn gene kháng sốt rét thay đổi tùy nơi, nên cùng là aT mà di tố đột biến ở Việt Nam và ở New Guinea chẳng hạn, không giống nhau, gây ra hiện tượng "thiếu máu" anemia nặng hay nhẹ tùy theo di tố truyền lại cho dân đó. Căn cứ theo bản đồ những vùng có di tố "chống sốt rét" và nhiều dữ kiện văn hoá phong tục khác, ông suy ra rằng dân Đông Nam Á đã di cư đến Trung Đông (dân Trung Đông cũng hay bị thalassaemia) và lập văn minh cổ Ur và Ai cập. Khi nghiên cứu về sốt rét, Oppenheimer để ý thấy vùng phân bố các nhóm dân New Guinea có liên hệ đến huyền thoại-cổ tích : những bộ lạc nói tiếng khác nhau nhưng có cùng cổ tích truyền khẩu thì có cùng di tố. Thế là ngoài nghiên cứu y khoa, ông còn tìm hiểu sâu về dân Á châu, về cổ tích, tiền sử, ngôn ngữ, tập quán của họ. Từ những kiến thức đa dạng này, ông có một số ý niệm về sự hình thành của hai nhóm dân chính Đông Nam Á, là dân nói tiếng Nam Á (Austroasian) và dân nói tiếng Nam Đảo (Austronesian). Để tiếp tục công trình, ông làm giáo sư nhi khoa tại Đại Học Hongkong từ 1990 đến 1994; ông nghiên cứu về những đường thiên di đưa người nói tiếng Nam Đảo đi chiếm lĩnh các hải đảo trên một vùng biển rộng lớn, trải từ Madagascar ở bờ tây Ần độ dương đến đảo Hawaii và đảo Phục Sinh ( Iles de Pâques) phía đông Thái Bình dương. Trở về giảng dạy ở Đại học Oxford sau khi rời Hongkong, ông không ngừng tìm hiểu về hai giống dân Nam Á- Nam Đảo mà ông đã từng chung sống trong hai mươi năm. Tình cảm đặc biệt của ông đối với dân và đất Đông Nam Á đã thể hiện qua cuốn sách "Địa đàng ở phương Đông".

"Địa đàng ở phương Đông"
Như Nguyễn văn Tuấn đã nhận xét, cuốn sách này tập trung những dữ kiện nhiều mặt, cũ mới, về vùng Đông Nam Á. Ông NVT đã lược qua đầy đủ những điểm chính của sách, nên tôi không trở lại. Nói chung, Oppenheimer tổng hợp các tài liệu trong đó có kết quả nghiên cứu của chính mình bao gồm y khoa, ngôn ngữ, nhân chủng, xã hội học để đưa ra một thuyết hoàn toàn mới mẻ về nguồn gốc một số dân tộc và văn minh Á châu cũng như thế giới. Điểm độc đáo chính là sự kết hợp nhiều bộ môn nói trên, cổ điển và hiện đại, khoa học chính xác và khoa học nhân văn. Trong kết hợp này, các huyền thoại, cổ tích truyền khẩu giữ vai trò đặc biệt. Việc sử dụng các truyền thuyết có một sức thuyết phục nào đó, thí dụ khi ta thấy quả thật Việt Nam, ngoài một số tập tục, cũng có những cổ tích và huyền thoại truyền miệng khá giống những vùng xa phía nam như New Guinea. Tích Sơn Tinh Thuỷ Tinh, Trầu Cau của ta nói về hai người cùng yêu/tranh chấp một cô gái với một số khúc mắc éo le tương tự như tích Kulabob và Manup của các bộ lạc trên những hòn đảo nam Thái bình Dương. Theo Oppenheimer, chuyện tích này rất dài, nhiều tình tiết, ở vùng đảo ấy người ta kể cả ngày; thỉnh thoảng phải ngưng kể để... ăn trầu. Kulabob trong tích vùng New Guinea được xem là thuỷ tổ dân nói tiếng Nam Đảo. Manup là anh ; còn người em Kulabob, đôn hậu, giỏi giang, đã sáng chế ra thuật xâm mình, chế tàu đi biển và Kulabob lái tàu đánh cá rất điêu luyện.... Một hôm đi săn, Kulabob bắn lạc một mũi tên khắc chạm tinh vi. Lúc đi tìm mũi tên, Kulabob bị chị dâu (vợ Manup) "dụ dỗ", quyến rủ. Cô này dấu mũi tên và nằn nì Kulabob xâm một hình đẹp trên chỗ kín của mình. Kulabob không muốn nhưng cuối cùng đã xiêu lòng chìu ý chị dâu. Trong một dạng chuyện kể, hai người đã ái ân với nhau lúc đó. Khi người anh khám phá ra chuyện ngoại tình này, đi tìm giết em mình. Hai anh em đánh nhau dữ dội bằng đủ cách, kể cả pháp thuật, nhưng bất phân thắng bại. Cuối cùng để tránh huynh đệ tương tàn, Kulabob làm một chiếc tàu to bỏ đi về hướng biển cả, chở theo người, cây, thú vật và đồ đạc, từ đó lập thành các nhóm dân hải đảo Thái bình Dương. Oppenheimer xem tích Kulabob này là cổ tích gốc của tất cả các dân liên hệ huyết thống đến giống dân Nam Đảo, vi có rất nhiều dạng kể khác nhau trong vùng đảo. Theo ông, chuyện cổ Cain/ Abel ở Cận Đông và Adonis/Attis/ Osiris ở Ai Cập được ghi lại sau đó bắt nguồn từ tích Kulabob, cũng như truyền thuyết đại hồng thủy ghi lại thành thiên trường ca Gilgamesh xứ Ur cổ xưa bắt nguồn từ một tích gốc Nam Đảo và do thảm kịch nước biển dâng ngập đại lục thềm Sunda mà ra. Từ các chuyện cổ và từ những chi tiết như dấu xâm mình, mắt xếch trên tượng Ur cổ, Oppenheimer kết luận là nền văn minh Lưỡng Hà và Ai Cập đã bắt nguồn từ văn hoá Nam Đảo nông nghiệp. Sự phân chia ngôi thứ xã hội, tổ chức chính trị, tín ngưỡng, phù phép (magic) đều do những người sống trên thềm Sunda mang đến Trung Đông bằng đường biển khi Sundaland bị nhận chìm dưới nước. Thuyết về nguồn gốc xưa của văn minh Đông Nam Á và đường thiên di người Nam Đảo nói chung rất "quyến rủ", có mạch lạc, giá trị, nhưng không thể khẳng định vì chưa có những phương pháp định "tuổi" các truyền thuyết, cho phép xếp chúng theo thứ tự trước sau, thêm vào đó những chứng minh về ảnh hưởng Nam Đảo trên hai nền văn minh cổ sáng chói này theo tôi không đủ sức thuyết phục. Bởi vì vùng Cận Đông là vùng có người hiện- đại H. sapiens sống từ rất lâu (-100 000 năm ). Những người ở đấy cũng lập nên làng xã từ gần 10 000 năm nay, từ Turkey đến Israel, và từ lâu đã sống bằng nghề canh nông (lúa mạch, lúa mì), chăn nuôi (dê, cừu, bò...). Cái nôi các giống lúa mạch, lúa mì, dê, cừu, bò. thuần dưỡng của cả nhân loại chính là ở nơi đó. Tuy nghề làm đồ gốm ở đấy có niên đại sau đồ gốm Jomon bên Nhật (khoảng -10 000 năm ), nhưng các kĩ thuật khác (đi ngựa, làm xe, làm đồ vật bằng đồng thau, bằng sắt ) được biết rất sớm. Ngày nay người sống trong vùng này giống người Ấu hơn người Á Châu. Giả thuyết của Oppenheimer sẽ thuyết phục hơn nếu có thêm những bằng chứng khác.

Những điểm có thể gây ngộ nhận trong bài N. V. Tuấn.
Tôi muốn bàn đến một số điểm trong bài của N..V. Tuấn dễ gây ngộ nhận, có thể đưa đến nhận định không chính xác về nguồn gốc dân tộc Việt Nam.

1- Thuyết "Bắc tiến" (của người cổ Việt Nam), theo kết quả mới về nghiên cứu di truyền?
Quả có "Bắc tiến" cách đây trên 50 000 năm, từ vùng Đông Nam Á lên Trung Hoa. Tuy nhiên, ở đây phải hiểu theo hiện tượng thiên di người cổ nói chung. Mới đây, nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới hợp tác nhau để so sánh genes người ở vùng Đông Á châu và đã đưa ra một kết luận quan trọng đăng trên hai bài báo (xem tác giả Chu, Su, phần sách tham khảo) : người cổ thuộc giống người hiện- đại (sapiens) đến từ Phi châu, ghé vùng Đông Dương trước, rồi từ đó thiên di lên phía bắc đến nam Trung Hoa, và sau đó hợp chủng với người Altaic (từ Trung Á đến sau qua đường thiên di bắc Á châu) thành dân "mới hơn" sống ở đông Siberia -Tây Bá Lợi Á. Dĩ nhiên trên đường thiên di đầu tiên từ Phi châu xuống phía nam, tổ tiên dân Á Đông đã ghé bán đảo Ần Độ trước khi đến Đông Nam Á, nên người Ần Độ không thể "có gốc gác Đông Nam Á" được như Nguyễn Văn Tuấn đề nghị. Ần Độ sau đó đã đón nhận rất nhiều luồng thiên di khác, trong đó có cả chủng da trắng aryen đến từ phía tây bắc. Oppenheimer có đưa ra ý kiến là một trong những chủng sống ở đông bắc Ần Độ, chủng Munda nói tiếng thuộc họ Nam Á như người Việt và dân Đông Nam Á lục địa, là di dân Nam Á đến từ phía đông (là Thái Lan, nơi có vết tích lúa xưa) vào thời tiền sử, mang theo kĩ thuật trồng lúa. Oppenheimer có thể có lí về điểm này, nhưng ông không hề nói dân Ần nói chung có gốc gác ở Đông Nam Á. Nhóm dân rất cổ tại Ần Độ là Dravidians (hiện còn người kế thừa ở nam Ần) gần với tổ tiên Phi châu, nhưng cũng đã lai với các chủng đến sau. Chỉ có thổ dân các hòn đảo đông Ần Độ (Nicobar...) còn nhiều nét của tổ tiên đến từ Phi châu là cổ hơn cả, vì họ ít gặp di dân khác để lai giống. Chúng ta biết rằng càng gần gốc Phi châu, các di tố càng đa dạng. Genes của dân Đông Nam Á đa dạng hơn genes những dân phía đông bắc Á châu, nghĩa là dân Đông Nam Á gần tổ tiên Phi châu hơn Đông Bắc Á. Cần nói thêm là kết luận của bài Chu & Su (xem sách tham khảo) được rút ra từ kết quả mới về phân tích genes các giống dân thiểu số tại nam Trung Hoa (kết hợp với kết quả phân tích genes khác như thổ dân Đài Loan v..v..); genes "Đông Nam Á" là genes (một) người Kampuchia, còn genes người Việt Nam không có trong những genes nghiên cứu !. Trung Hoa đã đóng góp nhiều vào kết quả này qua chương trình "Chinese Human Genome Diversity Project". Kết luận tương tự thật ra đã được Ballinger rút ra ở di truyền học từ 1992 (xem phần sách tham khảo). Ba mươi năm trước, Bình Nguyên Lộc cũng đề nghị là người cổ Việt Nam (ông gọi là "Mã Lai đợt I, hay Lạc bộ Trãi") đã từ phía nam tiến lên làm chủ phía bắc Trung Hoa, nhưng sau đó bị giống dân phía bắc (lai dân Nhục Chi) đẩy lùi trở xuống. Kết quả phân tích genes của các nhóm Chu/ Su cho biết nói chung dân Đông Nam Á gần "tổ" Phi châu, nhưng không đủ chi tiết để cho biết những sự lai giống trước sau nào đã đưa đến các giống dân khác nhau hiện nay. Tất cả các dân tộc trên thế giới ngày nay đều đã lai "giống" (ít) nhiều dù tất cả đều cùng gốc tổ Phi Châu, vì người hiện- đại đã không ngừng thiên di từ lúc sinh ra hơn trăm ngàn năm trước tại Phi Châu.

2- Có phải Người Hoà Bình tràn lan về phía nam (Indonesia ?) , lên hướng bắc (Trung Hoa ?) và sang hướng tây (Thái Lan ?).
Văn hoá Hòa Bình (với giai đoạn muộn từ 7000 đến 12000 năm trước đây) được bà Colani, nhà khảo cổ Pháp, khai quật, nghiên cứu và đề xuất ra vào cuối những năm 1920. Văn hoá này có những đặc trưng về dụng cụ đá cuội (pebble) ghè trên một hay hai mặt thành chopping tools và về nơi cư dân sống : hang động đá vôi. Cho đến nay người ta chưa có bằng chứng trực tiếp về sự nảy sinh nông nghiệp trong văn hoá Hoà Bình ở Việt Nam, mặc dù có những bằng chứng gián tiếp, như môi trường, sự khủng hoảng về cách tìm thức ăn, sự xuất hiện của rìu đá mài. Danh từ "Hoà Bình" ngày nay được các nhà khảo cổ thế giới dùng trong khái niệm techno-complex (phức hợp kĩ thuật) để chỉ những di tích khảo cổ loại này. Nhiều hang động có di tích người tìm thấy ở Thái Lan qua những thập niên gần đây được xếp vào techno-complex loại Hoà Bình. Khi nghiên cứu phấn hoa trong tàng đất khảo cổ ở nhiều hang, đặc biệt trong Spirit Cave tại Thái Lan, người ta nghĩ là chủ nhân chúng đã bắt đầu trồng một số cây như trầu cau, bầu bí.vào giai đoạn cuối của thời săn bắt-hái lượm. Theo thói quen trong ngành, người ta dùng tên của nơi mà đặc trưng về di tích khảo cổ được tìm thấy lần đầu -Hoà Bình- để chỉ di tích có đặc trưng đó tìm được sau này, ngay cả khi chúng được tìm ra trong vùng khác. "Người Hoà Bình" là những người thuộc văn hoá đặc trưng tiền đá mới (pre-neolithic) này. Tôi nghĩ không phải dụng cụ đá tìm được ở Úc Châu là từ Hoà Bình mà ra, vì tuổi di tích Úc già hơn, bởi niên đại sớm nhất của văn hoá Hoà Bình, theo khảo cổ học Việt Nam, là 18 ngàn năm trước (với rất ít di tích trong khoảng thời gian từ đó đến 12 ngàn năm trước). Người sống ở Hoà Bình khó lòng vượt mấy ngàn cây số để đến Úc từ 14 000 đến 20 000 năm trước. Theo tôi, chữ "người Hoà Bình" dùng cho các di tích ở nơi khác không có nghiã là người ở Hoà Bình -Bắc Việt- vào thời điểm đó (7 000 đến 12 000 năm trước) đã tràn lan đến những nơi khác như Thái Lan, Indonesia, Úc, Trung Hoa. Về văn hoá Hoà Bình, các nhà khảo cổ Việt Nam đã đóng góp rất nhiều qua các công trình nghiên cứu quan trọng được công bố, thiết tưởng không cần nói thêm. Độc giả nào muốn biết thêm về việc có một hay nhiều văn hoá Hoà Bình, văn hoá hay phức hợp kĩ thuật, có thể xem "Theo dấu các nền văn hoá cổ" của giáo sư Hà văn Tấn.

3- Kĩ thuật làm đồ đồng thau (dụng cụ, vũ khí) của cư dân Đông sơn có trình độ cao nhất nhì thế giới ?
Trình độ đúc đồng của cư dân Đông Sơn ( 700 năm trước công nguyên đến sau công nguyên) quả rất cao, nhưng không thể nói là cao hơn trình độ thợ các nơi khác, trong các nền văn minh có lâu trước Đông Sơn. Điển hình là nền văn minh Sanxingdui nói trên, xưa hơn Đông Sơn đến mấy ngàn năm. Nền văn minh bắc Trung Hoa thời Thương (thiên kỷ thứ hai trước công nguyên) đã làm ra hàng loạt đỉnh đồng to như trống Đông Sơn với nhiều khắc chạm độc đáo. Còn đồ đồng tìm thấy ở Thái Lan tuy không to bằng nhưng xưa hơn Đông Sơn khá nhiều (một ngàn năm ) và cũng có sắc thái riêng. Đó là không kể đến những đồ đồng làm tại các đô thị văn minh cổ ở Irak, vùng Cận Đông, Ai cập sớm hơn đồ đồng Đông Sơn rất nhiều. Đồ đồng Đông Sơn có mặt trễ hơn đồ đồng của rất nhiều nơi khác, tôi tự hỏi biết đâu cư dân Đông Sơn cũng đã có dịp học hỏi thêm kĩ thuật đến từ những nơi gần Việt Nam. Kết quả khảo cổ cho thấy cư dân Phùng Nguyên chỉ mới bắt đầu luyện đồng mà chưa biết đúc vật dụng. Đến thời Đồng Đậu trên dưới 3000 năm trước đây, đột nhiên cư dân sống ở đấy đúc được nhiều đồ kĩ thuật cao như lưỡi giáo, mũi tên. Phải chăng có một (hay nhiều?) thời kì cư dân bản địa được dịp tiếp xúc, gặp gỡ các kĩ thuật khác qua những sứ giả, thương khách? Hay một lí do khác? (Tôi sẽ trở lại về thay đổi này ở phần sau) Nghĩa là thợ Đông Sơn vào khoảng 2500 năm trước đã chứng minh khả năng sáng tạo kĩ thuật và mĩ thuật, khi làm được một số lượng lớn trống to giá trị cao, dùng trong lãnh vực thương mại, ngoại giao khắp cõi Đông Nam Á, nhưng khả năng nội tại này không loại trừ việc kết hợp và ứng dụng các đặc tính nhân bản là hiếu học, óc tò mò, ý muốn cách tân.

4- "Đồ gốm Việt Nam xuất khẩu khắp Đông Nam Á đến tận Melanesia, trước khi có ảnh hưởng của Ần Độ" ?.

Tôi e rằng có nhầm lẫn về điểu này: Việt Nam cổ xuất khẩu trống đồng chứ không xuất khẩu đồ gốm. Đồ gốm thời Phùng Nguyên, trước Đông Sơn, có hoa văn độc đáo, sau đó được dùng trang trí đồ đồng Đông Sơn. Gốm Đông Nam Á nổi tiếng thế giới là gốm Lapita xưa 3500 năm, tìm được ở nhiều đảo vùng nam Thái Bình Dương. Gốm Lapita nổi tiếng không phải chỉ vì đẹp, mà còn vì dính dáng đến nguồn gốc các thuyết thiên di của giống dân nói tiếng Nam Đảo. Đó là thuyết "chuyến tàu nhanh" (express train) chở dân Nam Đảo đi từ Đài Loan đến khắp vùng biển nam Thái Bình Dương của Bellwood, và thuyết "hai chuyến tàu, nhanh và chậm" của Oppenheimer. Cả hai đều không nhắc nhở đến gốm Phùng Nguyên. Theo thuyết "chuyến tàu nhanh" của Bellwood, người nói tiếng Nam Đảo từ Đài Loan dùng thuyền vượt biển đến chiếm lĩnh nhanh chóng chuỗi đảo hoang trong vùng nam Thái bình Dương, liên tiếp đảo này đến đảo kia trong vòng vài trăm năm ; họ mang theo đồ đạc, kĩ thuật (làm gốm Lapita), thú nuôi, cây trồng, vào 3500 năm trước đây. Còn Oppenheimer chủ trương rằng trước chuyến tàu nhanh này, đã có "chuyến tàu chậm" "chở người tị nạn hồng thuỷ" (ở thềm Sunda ), từ bắc Borneo đến vùng đảo Nam Thái Bình Dương nói trên vào 9000 hay 10000 năm trước. Ở mỗi nơi họ ngừng lại một thời gian, "lai giống" với người bản địa thuộc chủng Australoid, họ sinh sống và sinh sôi trước khi lên đường tiếp tục đi qua đảo khác. Đồ gốm Á Châu nổi tiếng thế giới, gốm Jomon của cổ dân sống ở bắc Nhật, là gốm sớm nhất thế giới (trên 10 000 năm trước), có nét đẹp riêng biệt, không thể đến từ Hoà Bình, vì Hoà Bình là văn hoá không có đồ gốm, hay có rất ít vào thời kì cuối ( Bắc Sơn ). Nhưng người Nhật ngày nay là con cháu của người thuộc văn hoá Yayoi, không có cùng genes với chủ nhân gốm Jomon nổi tiếng này, cũng như người Thái hiện tại có gốc ở vùng Vân Nam chứ không là hậu duệ trực tiếp của chủ nhân các văn hoá cổ trên năm ngàn năm (Ban Chiang, Ban Kao.). Chủ nhân văn hoá Yayoi đến Nhật chỉ vài trăm năm trước công nguyên, mang theo nghề trồng lúa, và có khả năng là người U Việt di tản khi nước U Việt bị ngườI Hán thôn tính (xem R. Shiba). Tôi cũng không tin rằng hai nền văn hoá Yangshao và Longshan (bắc Trung Hoa) đến từ Hoà Bình như N. V. T đã viết. Vùng Bắc Trung Hoa hầu như không có dấu vết văn hoá Hoà Bình trong nghiã "phức hợp kĩ thuật". Thật vậy, nền văn hoá Yangshao (5000 năm trước) nổi tiếng với gốm vẽ hình màu đen trên nền gốm đỏ là văn hóa gốc của tộc Hán ở Thiểm Tây (bắc Trung Hoa) vốn là những người trồng kê, sống trong nhà thấp đào sâu dưới đất, và văn hoá Longshan (tỉnh Sơn Đông) nổi tiếng về đồ gốm rất mỏng, màu đen bóng (đưa đến nền văn hoá triều Thương), là những văn hoá đặc thù, hoàn toàn khác với văn hoá sống trong nhà sàn, trồng lúa nước, ở Bắc Việt.

5- "Quê hương của kĩ thuật trồng lúa là ở quanh vùng Đông Nam Á" ?
Ngay ông Oppenheimer cũng không dám khẳng định như thế. Khi nói về vết tích hạt lúa theo ông cổ nhất thế giới ở Thái Lan, Oppenheimer hai lần nhấn mạnh "nếu phần định tuổi này được xác nhận là đúng". Thật vậy, nhà khảo cổ Thái Pookajorn, người khám phá ra dấu vết lúa cổ trong gốm thời đồ đá mới, đã định tuổi theo loại hình di vật tìm được trong các hang Sakai, Ban Kao...vào giai đoạn nối tiếp văn hoá loại Hoà Bình (tìm thấy trong lớp đất bên dưới), là khoảng 9260 - 7620 năm trước. Nhưng theo nhiều nhà khảo cổ, đa số di tích, di vật tìm thấy ở Thái Lan, khi định tuổi lại thì thấy "trẻ" hơn nhiều so với tuổi định ban đầu. Ngoài ra, so với Thái Lan, số chỗ có di tích lúa tìm thấy dọc theo nam sông Dương tử không những nhiều hơn, mà còn rất xưa hơn. Vết tích bữa cơm tiền sử nấu với gạo từ lúa mọc hoang xưa nhất thế giới, -13 000 năm, được một nhóm khảo cổ Mỹ -Trung hoa tìm thấy trong hang Diaotonghuan phía nam sông Dương tử (bắc tỉnh Giang Tây). Cư dân sống trong vùng này đã biết thử nghiệm các giống lúa và cách trồng trong thời gian dài tiếp theo đó. Điều này đã được nhóm khảo cổ chứng minh qua sự tăng độ lớn phytolith của lúa ( phần thực vật hoá thạch, tồn tại nhờ giàu chất silica) lắng trong những lớp trầm tích theo thời gian. Tin này đã được đăng trên báo khoa học hàng đầu thế giới Science, năm 1998. Các nhà khoa học nghiên cứu về phytoliths- thạch thể lúa - này đã chứng minh rằng từ 9000 năm trước dân cổ ở vùng đó đã ăn nhiều gạo của lúa trồng hơn lúa hoang. Nhóm cư dân bản địa này cũng bắt đầu làm đồ gốm thô xốp bằng đất trộn trấu. Kinh nghiệm về trồng lúa tích tụ tại đấy trong mấy ngàn năm đã đưa đến nghề trồng lúa trong toàn vùng nam Dương tử. Di tích xưa thứ hai, chín ngàn năm trước (9000), là Pengtou, gần hồ Động Đình phía nam sông Dương tử (Trường giang). Hơn bốn mươi chỗ có di tích lúa cổ hàng ngàn năm đã được tìm thấy ở vùng nam Trường giang. Gần cửa biển nam Trường giang, di tích văn hoá Hemudu cho thấy văn minh lúa nước trong vùng lên đến trình độ rất cao vào 7000 năm trước (sớm hơn cả di tích làng trồng kê Banpo xưa nhất của tộc Hán phương bắc). Hemudu là một làng vài trăm người sống trên nhà sàn trong vùng đầm lầy ở cửa sông Tiền Đường. Dân Hemudu đã trồng lúa, ăn cơm, để lại lớp rơm và trấu dày 25- 50 cm (còn dính một số hạt lúa), có nơi dày đến cả thước, trên diện tích 400 thước vuông. Có thể đó là lớp "rác" để lại trên sân đập lúa. Di chỉ thực vật (củ ấu, củ năng, táo.) và di cốt động vật hoang (hươu, trâu, tê giác, cọp, voi, cá sấu...) cho thấy khí hậu vùng nam sông Dương tử bấy giờ thuộc loại nhiệt đới, hoàn toàn thích hợp với việc canh tác lúa nước. Nền văn hoá Hemudu xưa bảy ngàn năm (7000) có nhiều điểm gần gũi với văn hoá Phùng Nguyên- Đông Sơn vốn là những văn hoá trẻ/trễ hơn nhiều (sau hơn 3000 năm). Cư dân vùng nam Trường giang lúc ấy có lẽ gần với cư dân Bắc Việt về mặt chủng tộc và văn hoá hơn cư dân bắc Trung Hoa. Khuôn mặt đắp từ sọ người Hemudu trưng bày ở Viện Bảo tàng Hemudu cho thấy họ giống người thuộc chủng nam Mongolic, tức là chủng của người Việt Nam từ thời Đông Sơn về sau. Sau văn hoá Hemudu, hàng loạt văn hoá lúa nước khác đã sinh ra dọc Trường giang khoảng 4000 năm trước (Liangzhu, Majiabin, Quinshanyang, Qujialing, Daxi, Songze, Dadunze.).

6-Tổ tiên chúng ta đã phát triển và ứng dụng kĩ thuật trồng lúa, hay tổ tiên chúng ta là thầy dạy người Hán trồng lúa nước?
Theo tôi, điều này đúng. nếu ta chấp nhận rằng cư dân trồng lúa sống ở phía nam Trường giang(thuộc nhóm Bách Việt, theo sử Tàu ) là tổ tiên của dân Việt Đông Sơn hoặc là anh em ruột với tổ tiên người Việt Đông Sơn, mà vì lí do nào đó tổ tiên này đã rời vùng nam Trường Giang về trụ tại Đông Sơn. Vì người Hán đã học được nghề trồng lúa với dân nam Trường giang (Nam Trung Hoa) trước khi tiếp xúc thẳng với người Việt cổ ở Đông Sơn vào những năm trước công nguyên. Và các kết quả về di truyền lẫn hình dáng sọ cho thấy là các bộ tộc Nam Trường giang khác với chủng gốc bắc Trung Hoa. Trong các dân đã "dạy" người Hán trồng lúa, phải kể đến dân U Việt . Mà dân U Việt vùng Cối Kê lại là con cháu của cư dân trồng lúa lâu đời tại Hemudu. Ngoài ra, tuy người Việt Đông Sơn đã biết trồng lúa, nhưng di tích lúa tìm được ở Việt Nam không xưa như di tích lúa ở Thái Lan, và không thể nào xưa hơn di tích lúa vùng nam Trường giang. Di tích xưa nhất là những hạt gạo cháy thành than tìm thấy trong văn hoá Đồng Đậu ở châu thổ sông Hồng, nằm trong trấu trộn với đất làm đồ gốm, không quá 3500 năm trước. Do đó, tôi xem vùng nam Trường Giang mới thật là quê hương đầu tiên của lúa, không như Oppenheimer, ông xem Thái Lan là quê hương của lúa nhưng Oppenheimer (xin lập lại lần nữa ) cũng lưu ý là thời điểm có lúa cổ ở Thái Lan cần được xác quyết.

7- "Trước khi tiếp xúc với người Hán, tổ tiên chúng ta có một nền văn minh rất cao, nếu không muốn nói là cao nhất Đông Nam Á "?

Thế nào là văn hoá "cao nhất" Đông Nam Á, và Đông Nam Á nào, có kể luôn vùng đất rộng lớn Sundaland bị biển dâng làm chìm ngập không ? Ta có thể nói văn hoá Việt Nam vào thiên kỷ một trước công nguyên có bản sắc riêng, không "thua kém" ai, và được lưu truyền từ cư dân cổ hơn sống trong cùng vùng, chứ không phải ngoại nhập. Điều này đã được các nhà khảo cổ Việt Nam chứng minh rõ ràng qua tính liên tục của các nền văn hoá nối tiếp nhau trên vùng Bắc Việt. Nếu tính rằng Việt Nam có "bốn ngàn năm văn hiến" với truyền thuyết các vua Hùng ở Bắc Việt thì có thể xem giai đoạn Văn Lang tương ứng với nhiều nền văn hoá liên tục từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn. Văn hoá Đông Sơn cũng là nền văn hoá độc lập cuối cùng trước khi ngườI Hán chiếm Bắc Việt Nam và đô hộ một ngàn năm. Văn hoá Đông Sơn tuy nổi tiếng về trống đồng to đẹp, từng được mua bán trao đổi đến tận Mã Lai, Indonesia, nhưng lại là một văn hoá nằm trong thời kì đồ sắt, tức là thời nằm sau thời đồng thau trong quá trình tiến triển văn minh các nơi trên thế giới theo thứ tự trước sau là : đồ đá cũ, đồ đá mới (đá mài), đồ đồng thau, đồ sắt. Nghĩa là cư dân ấy vẫn còn quá "lưu luyến" đến đồ đồng thau (vì tuy đã biết nhưng không chú ý nhiều đến đồ sắt ?! ). Đồ sắt có những điểm trội hơn đồ đồng trên phương diện kinh tế và quân sự : sắt cứng chắc, kiếm sắt chặt gãy kiếm đồng, và tên sắt xuyên qua áo giáp đồng. Thời Đông Sơn quả có sản xuất nhiều đồ đồng thau chạm trổ tinh vi : vũ khí (dao găm, qua, giáp che ngực, lưỡi lao...) và cả lưỡi rìu, lưỡi cày (tuy lưỡi cày sắt đã xuất hiện). Người Hán chính nhờ phát triển mạnh kĩ thuật đồ sắt vào thời Chiến Quốc nên đã thắng các nhóm dân giáp ranh phía nam còn mãi bám vào đồ đồng thau, như nước U Việt ba trăm năm trước công nguyên. Các di tích quân Tần ( ở Xi'an) cho thấy họ mang khí giới và giáp sắt. Người Hán tiếp tục thanh toán các nước Mân Việt, Ấu Việt, rồi... diệt luôn Ấu Lạc thời Đông Sơn ! Hay nói cách khác, nếu văn hóa ta xưa kia "cao nhất", mà lại bị Hán đô hộ, ấy bởi ta "thua" họ về sức mạnh, kĩ thuật, kinh nghiệm chinh chiến; nghĩa là ta không xem kĩ thuật, quân sự như một thành tố của một nền văn hóa !

8- "Đô thị cổ xưa nhất trong vùng là do tiền nhân chúng ta xây dựng" ?

Đô thị cổ xưa nhất trong vùng? Tuỳ theo vùng xem xét có bao gồm... cả nam Trung Hoa hay Ần Độ không. Thành Cổ Loa xưa nhất Việt Nam xây vào thời An Dương Vương, hơn hai trăm năm trước công nguyên. Về kiến trúc hiện nay không còn gì nhiều. Theo truyền thuyết, thành xây hình trôn ốc, gồm 9 vòng, có hào nước thông với sông Hoàng Giang nối với sông Cầu và sông Hồng. Hiện nay chỉ còn những đoạn lẻ của ba vòng thành đất, với vòng lớn nhất chu vi 9 km. Trong khi đó, phía bắc vùng đất Loa thành là Trung Hoa, nước lớn nhất thế giới vào thời đó. Vua Trung Hoa, Tần Thuỷ Hoàng Đế thu phục được nhiều thành trì bằng đá (còn dấu vết đến ngày nay) khi đánh bại những nước vùng bắc và trung nước Tàu. Tần Thuỷ Hoàng còn cho xây Vạn Lý Trường Thành ngăn dân phía bắc xâm lấn. Xưa hơn nữa, một ngàn năm trước đó, nhà Thương, nhà Ấn xây thành bảo vệ các thủ đô vùng bắc Trung Hoa, và ở nam sông Dương tử nền văn minh Sanxingdui cũng có thành trì rất xưa ở Tứ Xuyên, đến ngày nay vẫn còn. Đó là chưa kể đến Persepolis, thủ đô cổ 3600 năm ở Ba Tư (Iran), với thành quách bằng đá còn rất nhiều hình phù điêu cũng như tài liệu viết bằng ba thứ tiếng khắc trên đất nung. Cũng như các thành phố tối cổ có tường gạch dày với nhà hai tầng có cả phòng tắm và hệ thống cống thoát nước, ở vùng Ần hà (Mohenjo Daro và Harappa, Pakistan), tất cả đều trong Á châu. Cổ Loa là một công trình lớn đối với dân Đông Sơn, nhưng không so sánh được với Trung Hoa và Sanxingdui thời trước đó. Theo Oppenheimer có thể cũng đã có thành quách xây trên thềm Sunda hay thềm Nam Hải nhưng chưa ai nghiên cứu được vì ngày nay các thềm này nằm dưới biển. Ông có đưa ra hình chụp những tảng đá to hình bậc thang nằm dưới đáy biển phía đông Đài Loan, nhưng lại nói các nhà khoa học chưa đồng ý với nhau là đá đó do thiên nhiên bào mòn hay nhân tạo. Như vậy, "cổ nhất vùng" hay không, Cổ Loa là di tích (duy nhất) cho thấy ở Bắc Việt đã có một tập hợp dân đủ mạnh và đủ tài nguyên, năng lực để xây một thành trì lớn. Số lượng lớn các mũi tên đồng nhiều kiểu tìm thấy trong thành Cổ Loa là bằng chứng thủ lãnh cư dân tại đấy đã tổ chức quân đội bảo vệ thành. Thế nhưng Triệu Đà đã chiếm Loa thành và lên làm vua nước Nam Việt. Mà Triệu Đà chỉ là viên tướng nhỏ nhiều tham vọng của Tần Thuỷ Hoàng trong đạo quân mở bờ cõi phía nam Trung Hoa. Nhân dịp Tần Thuỷ Hoàng chết và tướng Nhâm Ngao cầm đầu đạo quân này cũng không còn nữa, Đà xưng vương ở Phiên Ngung, tức thị trấn Quảng Đông (Canton) bây giờ. Truyền thuyết nói rằng Triệu Đà dùng mưu phá nỏ thần giữ Loa thành nên chiếm được Ấu Lạc. Tiếc rằng nay không còn bằng chứng gì về nỏ thần Loa thành, dù có nhiều cơ bẩm nỏ đã được tìm thấy. Các cơ bẩm này tương tự như cơ bẩm nỏ cá nhân quân Trung Hoa sử dụng dưới thời Tần Thủy Hoàng, không phải là thứ nỏ có thể diệt hàng loạt địch quân như truyền thuyết để lại. Vũ khí Trung Hoa có khả năng tiến bộ hơn Đông Sơn vì người Trung Hoa đánh lẫn nhau liên miên trong thời Xuân Thu - Chiến Quốc (gần trọn thiên kỷ I BC) trên một bình diện rộng lớn. Trong lúc đó, sự tranh chấp quyền lực bằng vũ khí nếu có tại Bắc Việt chỉ có thể xảy ra ở qui mô nhỏ hơn (mức độ bộ lạc hơn là một quốc gia). Có lẽ vì vậy mà vũ khí thời Đông Sơn được chạm trỗ kĩ lưỡng, như đồ dùng trong nghi lễ hơn là khí giới giết người trong các trận chiến. Lại thêm một chi tiết về "sức mạnh kĩ thuật" (hơn Việt) của tộc Hán ! Những điểm nêu trên không nhằm mục đích "hạ uy tín" của tổ tiên dân Việt, chủ nhân các văn hoá từ Hoà Bình đến Đông Sơn. Một vùng nhỏ, ít dân như Bắc Việt không thể so sánh được với các nhóm dân quá đông đúc sống trên một vùng rộng lớn như Trung Hoa. So với cư dân khác tại Đông Nam Á, ngoài trừ kĩ thuật làm trống đồng, văn minh Đông Sơn có lẽ cũng không cao hơn nhiều. Dĩ nhiên về mặt chính trị, Trung Hoa với số dân và chủng tộc quá đông đảo, phải tìm mọi cách để tránh những nổi dậy, yêu sách sắc tộc và/hoặc để cổ động, biện minh cho chủ trương bành trướng, cũng như Việt Nam, để giữ đoàn kết dân tộc, tự vệ trước người láng giềng quá lớn và nhiều tham vọng. Một trong những phương tiện là ra sức chứng minh, khẳng định sự lâu đời và liên tục đồng nhất hoặc hơn trội về cội nguồn văn hoá, chủng tộc của mình. Nhưng quả là liều mạng khi xem "Đông Nam Á là một trung tâm văn hoá lớn ngay từ thời cổ đại, trong đó Việt Nam là nơi hội tụ ở mức độ đầy đủ nhất mọi đặc trưng của văn hoá khu vực", như một học giả trong nước đã viết (theo Tạ Chí Đại Trường, xem phần sách tham khảo) mà không đưa ra lí luận cũng như bằng chứng thuyết phục.

Nhìn lại nguồn gốc dân Việt

Khi xét về nguồn gốc dân Việt, chúng ta cần tổng hợp các nguồn tài liệu khác nhau, trong đó có khối lượng đồ sộ về khảo cổ tích tụ từ thời Pháp thuộc. Các nhà khảo cổ Việt Nam hiện đại đã đóng góp phần rất quan trọng trong việc khai quật, sắp xếp, phân tích các di tích văn hoá cổ trên đất Việt Nam. Tuy nhiên di truyền học (có lẽ vì quá mới mẻ ? và nhiều tốn kém ?) gần như vắng mặt trong những nghiên cứu này. Di truyền học là một ngành không thể thiếu trong việc nghiên cứu gốc gác chủng tộc. Thật vậy, văn hoá có thể vay mượn, và ngôn ngữ phần lớn tuy có liên hệ với nguồn gốc, nhưng những dây liên hệ rất phức tạp; khi có sự hợp chủng, ngôn ngữ không những chịu ảnh hưởng của sự lai giống, mà còn tuỳ vào những yếu tố như sức mạnh tương đối các giống dân, số đông và khả năng chuyên chở rõ ý tưởng. Trong tình trạng thiếu hiếm dữ kiện di truyền học về dân Việt các miền và về những sắc tộc có liên hệ gốc gác với người Việt như Tày, Mường, Ba-Na, Gia-Rai..., "Địa đàng ở phương Đông" là một nguồn tư liệu rất quý. Tính chất cổ xưa của di tố các dân tộc toàn vùng Đông Nam Á do Oppenheimer nêu ra, kết hợp với kết quả nghiên cứu sọ cổ, đưa đến kết luận là "người hiện- đại" đến từ Phi châu đã sống trong vùng Đông Nam Á từ sáu mươi ngàn năm trước cho đến thời đá mới (khoảng 8 ngàn năm trước). Họ là người thuộc chủng Australoid- Melanesian cổ. Tuy có những thay đổi đặc điểm nhân chủng theo khí hậu và môi trường (qua sự lựa chọn, đột biến tự nhiên của genes), cư dân trên đất Việt trước thời đá mới (thuộc các văn hoá Sơn Vi, Hoà Bình, Bắc Sơn) là những người thuộc chủng nói trên, cũng như các nhóm dân khác sống trong cùng vùng lúc ấy và cùng khí hậu (ở Ần độ, Miến Điện -Myanmar-, Thái Lan, Cao Miên -Kampuchia-....). Họ có đại diện cùng chủng ở New Guinea, nơi cư dân cổ sống trong những vùng hẻo lánh, ít tiếp xúc với các chủng khác. Họ có đặc điểm như mũi to, tóc quăn, mặt rộng, cung mày rộng, vùng chân răng (prognath ) vẩu, đầu to dài, da ngâm đen. Xuất phát từ cùng một nhóm người với cùng ngôn ngữ gốc Austric, nhưng sống trên một vùng quá lớn, những nhóm cư dân Australoid này tất nhiên có những ngôn ngữ khác nhau. Từ tiếng nói chung lúc đầu, hai nhóm tiếng chính thành hình: nhóm nói tiếng Nam Đảo (austronesian, như tiếng Indonesia và thổ ngữ các đảo Thái Bình Dương), và tiếng Nam Á (austroasiatic) là tiếng nói của người Việt Nam, Munda, Khmer, Môn và một số thổ dân Thái Lan, Mã Lai. Phương pháp ngôn ngữ tỉ hiệu không chỉ xét những tiếng giống nhau trong những ngôn ngữ, mà còn xét giọng nói, cấu trúc và thứ tự từ ngữ trong câu. Bởi thế mà tiếng Việt được xếp vào nhóm tiếng Nam Á. Tiếng Nam Á là tiếng đơn lập (mà đơn vị cơ bản là một âm tiết có nghĩa) không "dấu" (atonal, như tiếng Khmer), nhưng do ảnh hưởng tiếng Tàu, tiếng Việt trở thành có "dấu" (tonal). Benedict, và sau này Blust, Oppenheimer đều đồng ý rằng tiếng Austric cũng là ngôn ngữ gốc của nhóm thứ ba, là nhóm nói tiếng Thái-Kadai, trước đây sống miền cực Bắc Việt Nam và Nam Trung Hoa, về sau họ di cư một phần xuống Lào và Thái Lan. Thật ra tiếng Việt Nam, tuy được xếp vào nhánh Nam Á, lại có nhiều từ thuộc ngôn ngữ Nam Đảo, và rất nhiều từ Hán Việt. Từ Hán chỉ thâm nhập vào Việt Nam kể từ thời Hán Vũ Đế về sau. Trái lại các từ thuộc ngôn ngữ Nam Đảo có gốc trước đó. Bình Nguyên Lộc phân tích kĩ về tiếng Việt dân gian gốc "Mã Lai". Tiếng "Mã Lai" cổ của ông bao gồm tiếng nói thuộc hai nhánh chính Nam Á và Nam Đảo mà ông gọi là "Mã Lai đợt I" và "Mã Lai đợt II". Vấn đề cần giải thích là cách nào tiếng Nam Đảo đã ảnh hưởng nhiều đến tiếng nói người Việt cổ (Nam Á). Những từ ngữ "Nam Đảo" trong tiếng Việt có thể do vay mượn, hoặc do quan hệ gốc gác (di truyền). Vay mượn xảy ra khi hai nhóm dân sống chung đụng trong một thời gian. Nhưng dân Việt chỉ sống chung đụng nhiều với dân Chàm nói tiếng Nam Đảo từ khoảng ngàn năm nay, khi nước Việt bành trướng xuống phương nam. Nước Lâm Ầp nói tiếng Chàm (sau trở thành Chiêm Thành) được sử Tàu nói đến ngay từ đầu công nguyên như nước giáp ranh với nước Việt, lúc đó là quận Giao Chỉ của Tàu. Cư dân văn hóa Sa Huỳnh (và tiền Sa Huỳnh) nói tiếng Nam Đảo có mặt từ lâu trước công nguyên trên bờ biển miền Trung Việt Nam hẳn đã là một trong những văn hoá gốc của những vương quốc Chàm này. Văn hóa Sa Huỳnh là một văn hoá rực rỡ của dân nói tiếng Nam Đảo vào thiên kỷ thứ nhất trước công nguyên, với những đồ sắt tiến bộ trước cả văn minh Đông Sơn, với nhiều đồ trang sức đẹp đặc biệt bằng đá và bằng thuỷ tinh (bông tai bốn hoặc ba mấu, bông tai tạc hình đầu thú ở hai đầu, chuỗi đeo...), và tục táng người trong mộ vò. Căn cứ vào số lượng và kĩ thuật làm đồ thuỷ tinh, tôi cho là cư dân Sa Huỳnh đã làm ra thuỷ tinh đầu tiên trong vùng Đông Nam Á (không nơi nào khác có di tích thuỷ tinh vào cùng thời); và có kĩ thuật cao đến độ chế được đồ trang sức khá cầu kì : ngoài hạt chuỗi các loại, người ta tìm được một khuyên tai hai đầu thú bằng thủy tinh đang làm dở dang. Như vậy Sa Huỳnh không kém vùng Cận Đông, là nơi làm thủy tinh sớm nhất thế giới, vào thế kỷ 7 trước công nguyên. Trung Hoa mãi đến sau công nguyên mới bắt đầu sản xuất đồ thuỷ tinh, còn trước đó họ nhập từ nơi khác. Sách cổ Trung Hoa cho biết con cháu cư dân Sa Huỳnh, người nước Lâm Ầp, làm được bát thuỷ tinh, là đồ quý, đem cống vua Trung Hoa ở những thế kỷ đầu công nguyên. Việc dân Sa Huỳnh khám phá ra thủy tinh sớm xem ra hợp lý về mặt khoa học. Muốn có thủy tinh phải có cát mịn (silica) trộn vỏ sò nát (calcium carbonate), là những món có sẵn ngay trên bờ biển họ sống. Khi luyện sắt gần bờ biển, rất có thể cư dân địa phương tình cờ tạo ra trong lò những mảng thủy tinh sáng bóng, và từ đó phát minh việc chế đồ trang sức bằng vật liệu nhân tạo này. Ngành khảo cổ chứng minh cư dân Sa Huỳnh đã buôn bán trao đổi với những dân Nam Đảo khác, như thổ dân Phi Luật Tân-Philippins-, Mã Lai-Malaysia-, Nam Dương - Indonesia -. Người cổ Sa Huỳnh bán đồ sắt, đồ gốm, đồ trang sức., và có mua trống đồng.từ Đông Sơn ! Ngành khảo cổ thế giới xem văn hoá Sa huỳnh quan trọng không kém văn hoá Đông Sơn. Từ sự có mặt của di vật văn hóa này ở vùng bờ biển hay hải đảo khác nhưng không có dấu vết chế tạo tại chỗ, ngườI ta suy ra là có sự buôn bán trao đổi. Theo Solheim, gốm Sa Huỳnh có liên hệ với gốm Kalanay của dân Phi Luật Tân cổ. Solheim đưa ra thuyết "mạng buôn bán trao đổi Nusantao" của dân Nam Đảo trên khắp biển Thái Bình Dương mấy ngàn năm trước công nguyên. Dù cư dân Sa Huỳnh sau đó chịu ảnh hưởng nặng của văn hoá Ần Độ, nhưng tiếng nói Nam Đảo vẫn còn tồn tại lâu sau đó trong dân Lâm Ầp và Chàm, cho.đến khi họ bị dân Việt đồng hoá dần vào thiên kỷ II sau công nguyên. Một số cư dân cổ này đã lên trên cao nguyên miền Trung, là tổ tiên những thổ dân nói tiếng Nam Đảo còn sống đến ngày nay như người Gia-Rai, Rha- đê. Những bộ lạc khác trên cao nguyên (cùng gọi là "Thượng" như các bộ lạc Nam Đảo) lại nói tiếng Nam Á, và có tổ tiên sống từ lâu ở vùng núi đồi khắp vùng Đông Nam Á. Tuy nhiên các bộ lạc nói tiếng Nam Á này cũng biết luyện sắt từ đất quặng để chế thành dụng cụ như người tiền sử Sa Huỳnh; chắc rằng họ học kĩ thuật làm đồ sắt qua các bộ lạc Nam Đảo gốc gác văn hoá Sa Huỳnh. Ngoài tiếng nói, người Việt còn chịu nhiều ảnh hưởng khác của văn hoá Nam Đảo. Yếu tố Nam Đảo trong phong tục người Việt gồm tục xâm mình, ăn trầu, việc trồng, ăn khoai từ, khoai môn, và gồm cả những chuyện cổ tích gốc Nam Đảo như chuyện Sơn Tinh, Trầu Cau... Theo Hà văn Tấn, văn hoá Sa Huỳnh có gốc ở văn hoá Bàu Tró (từ Nghệ An đến Thừa Thiên), và chủ nhân văn hoá Bàu Tró có thể là của "người Nam Đảo". Vậy người Nam Đảo từ đâu đến, và gốc gác thế nào? Áp dụng lập luận Oppenheimer (về sự thiên di của dân sống trên thềm lục ra đi khi biển dâng) vào việc phân tích dữ kiện khảo cổ Việt Nam và Đông Nam Á, tôi xin phác họa hình thành của người cổ Bắc Việt Nam như sau. Người cổ thiên di từ Phi châu về phía Đông Nam Á. Đến khi gặp biển Đông (Nam hải, nói theo Tàu) ngăn chận, họ phải theo hai hướng. Về phía bắc, họ đến sống vùng nam Trung Hoa và dần dần tràn lên Mông Cổ, khi núi băng tan bớt, càng đi dần về phía bắc. Về phía nam, họ thiên di đến trên thềm Sunda, khi đó còn nối liền lục địa với các đảo phía nam đến tận Úc châu. Tất cả đều là người thuộc chủng Australoid (da đen, tóc quăn, mũi to...). Tại phía bắc Đông Á châu người thuộc chủng Australoid thay đổi dần nhân dạng sau thời gian dài sống trong môi trường lạnh, gió, ít nắng. Khoảng 15 ngàn năm trước, chủng Altaic thiên di từ Tây Á, dọc theo mạn phía đông nam nước Nga đến vùng Tân Cương, lai với thổ dân đông bắc Á Châu Australoid này, thành chủng Bắc Mongoloid (da trắng vàng, mắt hí, tóc thẳng). Dân Mông Cổ thuộc chủng này và nói tiếng Altaic. Chủng Bắc Mongoloid sinh sôi, ngày càng mạnh lên, bành trướng về phía bắc và qua eo biển Beringia lúc ấy còn đóng băng, trở nên di dân đầu tiên ( thổ dân Amerindians) của châu Mỹ. Khoảng 5000 năm trước, tổ tiên tộc Hán sống ở Bắc Trung Hoa là dân trồng kê thuộc chủng Bắc Mongoloid. Miền Nam Trung Hoa sau cuối kỳ băng tan có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Cư dân Australoid cổ có thể đã lai chủng bắc Mongoloid ít nhiều. Dân thuộc chủng Bắc Mongoloid bành trướng ngày càng mạnh về phía nam, gặp cư dân Australoid tại giữa đất Trung Hoa, sống đan xen với nhau và lai thành chủng Nam Mongoloid (da ngâm đen, tóc dợn sóng...), kết quả là càng về phía bắc và càng về sau, cư dân càng nhiều nét Bắc Mongoloid và càng về nam dân càng nhiều nét Nam Mongoloid. Chủng lai Nam Mongoloid là chủng tạo thành người Việt, Khmer, Thái, Miến, Mã Lai, Nam Dương, hải đảo Thái Bình Dương.. Người Nam Mongoloid có những nét của cả hai chủng Australoid và Mongoloid nhưng với những mức độ đậm nhạt khác nhau tuỳ theo lai nhiều ít. Càng về phía nam Đông Nam Á, nét Australoid càng đậm, vì ảnh hưởng giống Mongoloid hãy còn mới. Ở vùng đảo Thái Bình Dương, du khách đi từ đầu tây về phía đông trên những đảo (như ở Indonesia) có thể thấy dễ dàng tỷ lệ lai Australoid tăng dần. Hiện tượng Australoid lai Mongoloid trên đất Việt Nam có lẽ không phải do lai thẳng với người Mongoloid chính cống phương bắc, mà lai qua người nam Trung Hoa, vì người ta không tìm thấy sọ thuần chủng Bắc Mongoloid nào ở Việt Nam trước thời người tộc Hán trên phía Bắc đến đô hộ. Trong thời Bắc thuộc, lai với chủng Bắc Mongoloid đến đô hộ, cư dân bắc Việt tuy có thêm nhiều từ ngữ gốc Hán, nhưng lại mất đi dần dần một số phong tục như xâm mình và kĩ thuật như tài lặn dưới nước, đóng thuyền to, đi biển, là những kĩ thuật của thành phần Nam Đảo. Nước Lâm Ầp (và sau đó là Chiêm Thành) của con cháu người nói tiếng Nam Đảo nhờ không bị người Hán đô hộ trực tiếp nên vẫn giữ được phong tục, tiếng nói, và nghề đi biển : Chế Bồng Nga đã đem chiến thuyền vượt biển đánh phá Thăng Long ! Trên đất Việt Nam, vào thời đồ đá, cư dân thuộc chủng Australoid ban đầu nói cùng tiếng gốc Austric, dần dần phân thành hai nhóm dân nói tiếng khác nhau theo vùng họ ở, vì cách sinh sống khác nhau. Nhóm nói tiếng tiền-Nam- Á sống phía trong lục địa, trú trong hang động vùng cao (văn hoá Hoà Bình). Nhóm thứ hai nói tiếng tiền- Nam- Đảo sống vùng đồng bằng ven biển, vào lúc ấy mức biển thấp, vùng này lan ra xa ngoài đường biển hiện tại trên vịnh Bắc Việt do thềm lục địa lài /thoai thoải. Tại vùng vịnh Bắc Việt, dọc từ bờ biển Móng Cái tới Quảng Ngãi qua đến đảo Hải Nam, đáy vịnh sâu nhất ngày nay không quá 100 mét . Từ bờ ra khơi 20 km, mực sâu dưới 25 m ! (trong khi ngoài khơi Trung Việt nơi núi ra tận biển và nhiều mũi, nhiều hòn như mũi Dinh, hòn Trâu, hòn Tre.bờ biển thật dốc, sụp sâu rất nhanh, không có thềm). Mười hai ngàn năm về trước, toàn vùng vịnh Hạ Long là đất liền trải dài về phía đông đến bên kia đảo Hải Nam và Đài Loan, và về phía bắc lên đến cửa sông Dương Tử. Nhờ các di tích khảo cổ thuộc văn hoá Soi Nhụ trong những hang cao trên trên bờ vịnh Quảng Ninh-Hải Phòng hay đảo Cát Bà mà ngày nay ta biết đã có cư dân sống ít nhất từ 15 ngàn năm trước, trên thềm lục địa Hạ Long, trước khi mực biển dâng cao. Những di tích khác về cuôc sống của cư dân sống trên thềm đã bị ngập ở tại đấy (Meacham gọi là Nanhailand, theo tên Nam Hải, vùng vịnh Bắc Việt), cũng như tại thềm Sunda, không thể khai quật được. Trong chừng mực nào đó, vùng vịnh Bắc Việt, kể cả (đảo) Hải Nam có thể xem là lãnh thổ của một phần tổ tiên người Việt, thuộc thành phần nói tiếng Nam Đảo, từ 15 ngàn năm trước ! Văn hoá Hạ Long và các văn hoá tiền Nam Đảo khác sau đó đã góp phần quan trọng vào sự hình thành văn hoá và con người Việt Nam. Nhóm nói tiếng tiền-Nam- Đảo không chỉ sống giới hạn ở vùng thềm lục địa ngay trên vịnh Hạ Long mà có lẽ sống rải rác về phía bắc trên cùng thềm lục địa, vì người ta tìm thấy hàng loạt di tích con cháu họ ở vùng HongKong trên những doi cát giống như cư dân sống dọc biển Bắc và Trung Việt Nam. Đến khoảng 7 ngàn năm trước, nước đã lên cao hơn gần một trăm mét so với mức 12 ngàn năm trước. Cư dân ở đấy phải dời đi nơi khác, mang theo kĩ thuật, phong tục, tiếng nói, và . các di tố. Việc đi lại trên thềm lục địa từ nam Trường giang đến vịnh Hạ Long dễ dàng hơn trong đất liền vì không có trở ngại thiên nhiên (độ cao trung bình dưới 50 thước). Lúc nước lên cao nhất, khoảng 3 đến 5 m trên mức nước biển ngày nay, vào 4000 năm trước, các thềm lục địa đã nằm sâu dưới biển. Như vậy trong suốt mấy ngàn năm, dân sống trên thềm lục địa đã phải dần dà, lần lượt di cư hoặc tìm cách lánh biển tiến. Theo Oppenheimer, có người lùi dần vào phía đất cao trong lục địa, có người đóng tàu đi biển, người ở lại thì phải cất nhà sàn. Có thể một số nhỏ đã vượt biển, nhưng số đông chọn giải pháp đơn giản đối với họ là tiến vào chỗ đất liền gần nhất ; đối với cư dân vịnh Hạ Long, đó là vùng bờ biển Nam Bắc phần và Bắc Trung phần Việt Nam. Chủ nhân các văn hoá ven biển như Đa Bút, Quỳnh Văn, Bàu Tró, và cả Bàu Dủ, Sa Huỳnh do đó đều là những người Nam Đảo tị nạn biển tiến. Riêng dân sống trên thềm lục địa biển vùng đông nam Trung Hoa, một số lùi vào phía HongKong trong lục địa, một số lên chỗ cao bên ngoài là đảo Đài Loan. Di tích xưa ở bắc Đài Loan Dapengeng có gốm hoa văn thừng và hoa văn chải bằng "lược", cùng loại với nhiều di tích trên bờ biển Nam Trung Hoa và Bắc Việt Nam, và cư dân nơi ấy cũng ăn sò nhiều, cũng dùng chày đập vỏ cây. Ngưòi sống trên lục địa này sau đó bị Hán hoá. Xem qua di tích khảo cổ, tại Đài Loan ngoài các di tích, thổ dân trên núi còn giữ tiếng Nam Đảo và một số phong tục đến bây giờ (thí dụ ăn trầu). Những di tích nầy được Trung Hoa xem như di tích của người "Yue" (Việt) cổ. Ngày nay các nhà khảo cổ đều đồng ý là cư dân nam Trung Hoa cổ, và thổ dân chưa bị lai hoàn toàn, không thuộc chủng tộc Hán. Cư dân vùng cực nam Trung Hoa (Quảng Đông và QuảngTây, Vân Nam, Quế Lâm) và cực bắc Việt Nam nói những thứ tiếng thuộc nhiều nhánh khác nhau của ngôn ngữ gốc Austric như Môn, Thái, Kadai, Yao, Miêu., nhưng thổ dân miền núi cao Đài Loan chỉ nói những tiếng thuộc một nhánh của ngôn ngữ Austric: nhánh Nam Đảo. Vì những thổ dân trên núi cao ít tiếp xúc với người Hán (đến trễ và chỉ ở vùng đồng bằng ven biển), nên có thể xem thổ dân này còn giữ genes nguyên thuỷ, và văn hoá cổ. Mặt khác, dân Đài Loan cổ có nhiều liên hệ văn hoá thời đá mới (xưa trên 6000 năm) với các văn hoá của cư dân vùng Phúc Kiến, đảo Quemoy (Kim Môn), Hongkong, Quảng Đông, và Bắc Việt cổ (qua di vật như gốm hoa văn thừng, rìu tứ giác và rìu có vai mài nhẵn). Nếu như ta chấp nhận những cư dân cổ này có cùng gốc, thì họ là người nói tiếng (tiền-) Nam Đảo, như thổ dân Đài Loan, và quê hương của họ là thềm lục địa chung quanh đã bị biển tràn ngập. Vậy thì tại sao không thể xem vùng thềm biển này, trước khi hồng thuỷ đến, là một trung tâm văn hoá lớn của dân nói tiếng Nam Đảo ? Đây là một trung tâm văn hoá Nam Đảo lớn vì đông dân, so với những vùng được xem như trung tâm gốc của người nói tiếng Nam Đảo theo đề nghị của Solheim (vùng nam Philippins & bắc Indonesia) hay Oppenheimer (đông bắc Borneo) hoặc Bellwood (đảo Đài Loan). Thật vậy, những người rời thềm lục địa trải dài từ vịnh Bắc Việt đến Đài Loan- Hongkong đến tị nạn ở vùng đất không bị biển ngập gần đấy đã lập nên nhiều nền văn hoá nối tiếp, để lại rất nhiều di tích khảo cổ thời đá mới trên bờ biển vịnh Hạ Long và vịnh Hongkong, cũng như trên đảo Đài Loan. Một phần cư dân thềm biển nam Trung Hoa (nói tiếng tiền- Nam- Đảo trong thuyết tôi đưa ra ở đây) hẳn đã di chuyển trên thềm lục địa từ Trung Hoa đến Bắc Việt để tìm nơi khô ráo. Thật thế, vì núi cao ra đến tận bờ biền ở rìa lục địa gần Hongkong, nên cư dân trên thềm đi xa hơn về phía nam, xuống tận Bắc Việt. Di tích khảo cổ tại những vùng này, từ Hongkong đến Bắc Việt, cho thấy một dụng cụ đặc biệt của văn hóa Nam Đảo. Đó là chày đập vỏ cây cho mềm để làm khố che thân, chày mà ngày nay dân Đa Đảo (như Tonga), cũng như dân Toraja sống trên đảo Sulawesi vẫn còn dùng. Bắt đầu từ thời đá mới, nghề làm rẫy phát triển với cây có củ (khoai từ, môn..), và cây ăn trái (bầu, bí, mướp.) khiến số dân nói tiếng Nam Á ở trong đất liền, và dân nói tiếng Nam Đảo dọc biển Bắc Việt tăng nhanh. Đất sống bị thu hẹp trong khi dân số tăng lên, đến một lúc nào đó, hai nhóm dân tràn lan về vùng châu thổ các sông, trồng thêm lúa, nuôi thêm lợn, và sống định canh đan xen nhau. Sự hợp chủng của hai nhóm dân này có lẽ đã xảy ra khoảng 4000 năm trước đây. Phải chăng sự gặp gỡ này đưa đến truyền thuyết Lạc Long Quân Nam Đảo từ phía biển lên và Ấu Cơ Nam Á, tiên nữ vùng núi xuống ? Và cuộc gặp gỡ & sống chung có lẽ xảy ra một cách tương đối hoà bình. Vì đôi bên đều cùng chủng tộc và ngôn ngữ gốc, và họ có những kinh nghiệm sống bổ túc cho nhau. Dân Nam Đảo đã đem nghề miền biển : đóng tàu, đi biển, đánh bắt hải sản góp vào cuộc phối hợp. Dân Nam Á thì đóng góp nghề lục địa trồng trọt (kể cả lúa gạo), bắt ốc núi, nghề luyện quặng đồng thau. Cả hai nhóm đều biết săn bắt - hái lượm và làm đồ gốm (Bắc Sơn cho nhóm Nam Á, và Quỳnh Văn, Bàu Tró cho nhóm Nam Đảo...) Nhưng họ cũng có các kĩ thuật đặc trưng riêng. Nhóm Nam Đảo mặc đồ (khố, váy) bằng vỏ cây đập mềm : các nhà khảo cổ tìm thấy 18 cái chày trong một lần khai quật văn hoá Phùng Nguyên ở châu thổ sông Hồng. Nhóm Nam Á có lẽ dùng đồ dệt bằng sợi thảo mộc se bằng dọi ; nhiều dọi đất nung được tìm thấy ở châu thổ sông Hồng. Đấy là nơi gặp gỡ hai nhóm văn hoá biển- lục địa. Người ta tìm thấy trong địa bàn văn hóa Phùng Nguyên di tích của cả hai nhóm Nam Á & Nam Đảo : rìu tứ giác không vai và rìu có vai có nấc, chày đập vỏ cây và dọi se sợi. Như vậy Tiên Ấu Cơ Nam Á và Rồng Lạc Long Quân Nam Đảo là tổ tiên Lạc Việt lẫn Bách Việt (phía Nam Trường giang), và những Viêm Đế hay Thần Nông của huyền thoại Hán xa xưa, nếu có, có lẽ không dính dáng đến tổ tiên tộc Việt. Cuộc phối hợp văn hóa hoàn tất vào thời Đông Sơn, tạo thành môt văn hóa chung cho cư dân bản địa, như các tượng người trên những đồ vật bằng đồng toàn vùng Đông Sơn có cùng nét mặt, cùng y phục trang sức. Cũng như trên đồ đồng, vừa có hoa văn hình kĩ hà tròn- vạch, vừa có hình thuyền to (chứa nhiều người). Những hình thuyền to khắc trên trống đồng cho thấy dân Đông Sơn đã thừa hưởng kinh nghiệm đóng thuyền từ người nói tiếng Nam Đảo. Tất cả các nhà khoa học đều đồng ý là dân nói tiếng Nam Đảo có kinh nghiệm lâu đời về nghề đóng thuyền và hàng hải vì sống nhờ nguồn lợi từ biển, và vì đã biết dùng thuyền thiên di khi biển dâng. Trong khi người Phùng Nguyên sống sâu trong đất liền nên không cần thuyền to ; cho dù họ có dùng thuyền đi trên sông, hồ, nhưng có lẽ không coi là quan trọng, vì không thấy hình thuyền lên hoa văn đồ gốm. Như nói ở trên cuộc sống chung này tương đối hoà bình vì các di tích khai quật cho thấy tại Đồng Đậu, cư dân "đột nhiên" biết chế tạo vũ khí. Để tự vệ ? Để giải quyết những tranh chấp về quyền lợi và ảnh hưởng ? Từ đó đưa đến những khủng hoảng mất mát chia lìa (năm mươi con theo cha, năm mươi con theo mẹ?.) hoặc đến lúc suy vi sau thời kì sung mãn. Nhờ người nói tiếng Nam Đảo mà trống đồng Đông Sơn đã được chở đi khắp Đông Nam Á bằng đường biển (người ta biết vậynhờ đào được ở Mã Lai một trống Đông Sơn còn gắn/cột dính vào ván thuyền). Dân cổ trong nhiều vùng ở Indonesia, đặc biệt là dân Toraja, đến nay còn giữ truyền thống Đông Sơn, có lẽ là di dân (khá đông, nên gia tài mang theo được lưu truyền) đi từ Bắc Việt (khi những người con xuống biển theo bên cha ? hoặc/và) trễ lắm là họ tị nạn lúc Trung Hoa chiếm Việt Nam. Bởi vì hoa văn trên đồ (trống) đồng Việt sau khi bị Hán chiếm đã bị/có ảnh hưởng mĩ thuật của người Hán. Trong khi dân Toraja ngày nay vẫn còn làm vật lưu niệm, đồ trang sức trang trí với hoa văn kĩ hà thuần Đông Sơn, và họ vẫn ở nhà rông cất đúng theo hình trên trống đồng Đông Sơn. Họ cử hành đám táng với quan tài hình thuyền kiểu Đông Sơn. Kiều Quang Chẩn gần đây nhắc lại đề nghị của nhiều học giả Tây Phương về nguồn gốc Đông Sơn của nhóm dân Dayak sống tại bắc đảo Borneo, cách khá xa dân Toraja ở đảo Sulawesi trong quần đảo Indonesia. Trong chuyến đi Indonesia khảo cứu về trống đồng, ông ghi nhận là dân Dayak cũng có nhà rông mái cong, trồng lúa nước và tục đưa linh hồn người chết bằng thuyền. Kĩ thuật làm trống đồng còn được lưu truyền nhiều thế kỷ sau công nguyên tại Indonesia (trong đó trống nhỏ còn được làm lâu sau đó), mà Hà văn Tấn gọi là trống bản địa vì hình dáng hoặc trang trí, hoa văn trên nhiều trống đào được ở Indonesia mang nhiều ảnh hưởng địa phương (cảnh hiện thực người, ngựa, voi, công.). Kiều Quang Chẩn, cũng như nhiều học giả Indonesia cho là hầu hết các trống to (loại Heger I) nhập từ Bắc Việt thời Đông Sơn (kể cả sau khi Bắc thuộc). Chỉ tiếc là ngày nay kĩ thuật phức tạp dùng để đúc trống (cần thợ giỏi nhiều ngành) mà di dân Đông Sơn để lại tại Indonesia đã thất truyền, chỉ còn mĩ thuật hoa văn trên đồ dồng cỡ nhỏ. Nơi xa nhất có đồ đồng Đông Sơn là đảo Flores, gần Úc châu. Đồ đồng đó là một chiếc "thuyền mỹ nghệ" giống kiểu thuyền khắc trên trống đồng Đông Sơn. Thuyền được dân địa phương xem như di sản tổ tiên họ đem đến bằng đường biển với câu chuyện kể trong một bài hát chỉ được hát trong những lễ đặc biệt. Tổ tiên ấy cũng là một số người Việt Đông Sơn (không chịu nổi ách đô hộ của người Tàu hoặc kháng chiến quân Việt bị Tàu truy nã ?) lên đường theo lối cũ của bà con vượt biển chạy lụt thuở trước hay vì óc mạo hiểm, muốn tìm miền đất hứa nào đó ? Có lẽ không bao giờ ta biết được, vì người Việt Đông Sơn không để lại chữ viết. Ngoài các huyền thoại, truyền thuyết bằng miệng, không một sự việc, lịch sử, hay câu chuyện nào ghi lại bằng chữ viết hay hình vẽ trên đá, trên gỗ- giấy, hoặc khắc trên đất nung, mu rùa. Trong khi đó người ta biết nhiều sự việc xảy ra thời "tiền sử" ở Trung Hoa, Ai Cập, hay các xứ vùng Cận Đông, Ần Độ, Trung Hoa, hay của cổ dân Trung Mỹ ngày nay, qua các chữ hay kí hiệu khắc trên các vật liệu giữ được lâu nói trên là mu rùa, đất nung, đá.
Như những dân tộc khác, dân Việt đã lai nhiều trong suốt thời tiền sử và trong thời Hoa thuộc (thời Pháp thuộc quá ngắn nên phần lai rất ít). Nhưng các di tích về gốc gác trên miền bắc Việt Nam còn rõ rệt, và gốc này có liên hệ sâu xa với những tộc nói tiếng Nam Á và Nam Đảo. Nói về chủng tộc theo di truyền học, dân Việt xa xưa có chung cội rễ với người cổ vùng Hoa Nam và người cổ Đông Nam Á. Tuy nhiên văn hoá Việt Nam biệt lập và đầu tiên thành hình từ văn hoá bản địa của những tộc nói tiếng tiền- Nam Á trong lục địa và tiếng tiền-Nam Đảo ở vùng thềm lục địa đông bắc Bắc Việt. Và vẫn giữ được độc lập quốc gia và bản sắc văn hoá riêng cho đến nay. Trong khi toàn vùng Nam Trường giang đều bị Hán hoá. Ảnh hưởng của văn hoá Nam Đảo trên văn hoá Việt cổ đã được Hà Văn Tấn đề cập rải rác trong các bài viết tập hợp trong cuốn "Theo dấu các nền văn hoá cổ". Tôi chỉ căn cứ vào lập luận của Oppenheimer và kết quả mới về di truyền học Đông Nam Á, để làm rõ nét thêm nguồn gốc dân tộc Việt. Ai chẳng hãnh diện về một quá khứ đặc thù tốt đẹp? Nhất là khi quá khứ tốt đẹp ấy có thể giúp một dân tộc hiện tại nghèo nàn lạc hậu phấn đấu tiến lên cho khỏi hổ thẹn với tổ tiên. Tự ti hay tự tôn đến từ những nhận xét chủ quan, dựa vào những chứng cớ và lí luận. Lí luận có thể khác nhau nhưng chứng cớ khoa học phải được tôn trọng, cho đến khi tiến bộ khoa học về sau lại phủ nhận sự chính xác hiện tại của chúng. Điều quan trọng hơn là làm thế nào cho nước Việt, dân Việt hiện nay có thể tiến bộ để bắt kịp, hay vượt qua, những nước trong cùng vùng. Đó là một thách đố cho tất cả người Việt Nam ngày nay.
Nguyễn Quang Trọng

Rouen 01/2002
• Diamond JM (1988) Express train to Polynesia. Nature 336:307-308
• Ballinger SW, Schurr TG, Torroni A, Gan YY, Hodge JA, Hassan K, Chen K-H, et al Southeast Asian mitochondrial DNA analysis reveals genetic continuity of ancient Mongoloid migrations. Genetics 130, 139- 152 (1992) Trích bản tóm tắt: Human mitochondrial DNAs (mtDNAs) from 153 independent samples encompassing seven Asian populations were surveyed for sequence variation. The greatest mtDNA diversity and the highest frequency of mtDNAs with HpaI/HincII morph 1 were observed in the Vietnamese suggesting a Southern Mongoloid origin of Asians.
• Bellwood P (199 The Austronesian dispersal and the origin of languages. Sci Am 265:70-75
• Blust R, Subgrouping, circularity, and extinction: some issues in Austronesian comparative linguistics, Symp Ser Ins Linguist Acad Sinica, 1, 31 (1999)
• Capelli C, Wilson JF, Richards M, Stumpf M PH, Gratrix F, Oppenheimer S, Underhill P, Pascali V, Ko T, Goldstein DB, A Predominantly Indigenous Paternal Heritage for the Austronesian-Speaking Peoples of Insular Southeast Asia and Oceania Am. J. Hum. Genet., 68:432-43, 2001.
• Hà văn Tấn, Theo dấu các nền văn hóa cổ , Nhà xuất bản Khoa học Xã Hội, Hà Nội (1998)
• Hà văn Tấn, Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam , Nhà xuất bản Khoa học Xã Hội, Hà Nội (1994)
• Higham C, The bronze age of southeast Asia, Cambridge University Press (1996)
• Khảo cổ học Việt Nam, I Thời đồ đá, và II, Thời đại kim khí Việt Nam, Hà văn Tấn Ed, Nhà xuất bản Khoa học Xã Hội, Hà Nội (1998)
• Kiều Quang Chẩn, Văn hoá Đông Sơn ở Indonesia- một thoáng nhìn, Thế kỷ 21, tháng 6 năm 2001
• Meacham W, On the improbability of austronesian origins in south China, Asian perspectives, 25 (, 100 (1985)
• Nguyễn văn Tuấn, Đặt lại vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt, Thế kỷ 21, tháng 12 năm 2001
• Oppenheimer S, Eden in the East The Drowned Continent of Southeast Asia, Phoenix, 1999
• Solheim WGH, Southeast Asia and Korea : from the beginning of food production to the first states, in History of humanity: scientific and cultural development, vol. 1 (Prehistory and the beginning of civilization) Ch. 45, UNESCO/Rouletge, 468-80 (1994)
• The slow birth of Agriculture, trong Special section : Archeology : Transition in prehistory, Science, 282, 1446,(1998)
•Tạ Chí Đại Trường, Tham gia đối thoại sử học, Văn Học, Westminster (USA), tháng 9, 9-33
• Shiba R., Việt và Nhật, nguyên tác đăng trên Bungei Shunju tháng 2-1990, Vĩnh Sính dịch, Diễn Đàn Forum (Pháp), tháng 1-1993, 24-25
• Bình Nguyên Lộc, Nguồn Gốc Mã lai Của Dân Tộc Việt Nam (The Malay origin ofVietnamesepeople),Bách Bộc,Saigon,197
• Hemudu, Zhonghua Yuangu Wenhua Zhiguang (Hemudu, light of ancient culture in China), ISBN 7-81035-572-4/K.066 (1998)
• Su B, Xiao J, Underhill P, Deka R, Zhang W, Akey J, Huang W, Shen D, Lu D, Luo J, Chu J, Tan J, Shen P, Davis R, Cavalli-Sforza L, Chakraborty R, Xiong M, Du R, Oefner P, Chen Z, Jin L, Y-chromosome evidence for a northward migration of modern humans into eastern Asia during the last Ice Age, Am J Hum Genet, 65, 1718-1724 (1999) • Chu J Y, Huang W, Huang SQ, Xu JJ, Chu Z T, Yang Z Q, Lin K Q, Li P, Wu M, Geng Z C, Tan C C, Du R F, Jin L, Genetic relatioship of populations in China, Proc Nat Acad Sci USA, 95, 11763 (1998)
(Dưới đây là bản đồ và chú thích J) Bản đồ vùng Đông Nam Á lục địa, từ Nam Trung Hoa đến Trung Việt Nam. Bờ biển phía đông (đường liên tục __) được thềm lục địa (độ sâu dưới 100 m, đường vẽ-) bọc bên ngoài đến tận đảo Đài Loan và Hải Nam. Những mũi tên chỉ hướng đi của dân nói tiếng Nam Đảo từ ngoài thềm lục địa di tản vào đất liền dọc bờ biển Bắc Việt khi vùng vịnh Hạ Long bị biển ngập. Địa điểm di tích các văn hóa: 1- Soi Nhụ; 2- Hạ Long; 3- Đa Bút; 4- Quỳnh Văn; 5- Bàu Tró; 6- Sa Huỳnh; 7- Hong Kong (cửa sông Châu giang); 8- Dapengeng; HB: Hoà Bình. 2- Các di tích dọc sông Dương tử, kể từ thượng nguồn (bên trái): a- Sanxingdui, b- Pengtou; c- Diantonghuan; d- Hemudu



Posted Image

Share this post


Link to post
Share on other sites

ÁNH SÁNG MỚI TRÊN MỘT QUÁ KHỨ LÃNG QUÊN

Nguyên tác “New Light on a Forgotten Past

của Tíến Sĩ WILHELM G SOLHEIM II

Giáo Sư Nhân Chủng Học Đại Học Hawaii

National Geographic, Vol. 139, No. 3

Tháng 3 năm 1971

Người dịch: HOÀNG-HOA-NHÂN-KIỆT

www.giaodiem.com
Lời người dịch:
Khi chúng tôi còn lớp nhì, lớp nhất bậc tiểu học, thầy chúng tôi là một người cách mạng, người đã từng lưu lạc qua Trung-Hoa, đã kể cho chúng tôi một câu chuyện rất lý thú. Từ ngày đó cho đến nay đã gần 50 năm, không lúc nào chúng tôi quên được. Câu chuyện như sau: Khi cách mạng dân quốc của Trung-Hoa chưa thành công, lãnh tụ Tôn-Dật-Tiên qua cầu viện nước Nhật, tại đây Tôn-Dật-Tiên có gặp ngài Khuyển-Dưỡng-Nghị (một chính khách Nhật cũng là một nhà mạnh thường quân của cách mạng Việt-Nam), trong câu chuyện hàn huyên, khi đề cập tới Việt-Nam, Tôn-Dật-Tiên đã bĩu môi chê dân tộc Việt-Nam, họ Tôn nói với ngài Khuyển-Dưỡng-Nghị như sau:
“Dân An-Nam là một dân tộc nô lệ, trước họ nô lệ chúng tôi, nay họ nô lệ người Pháp, họ là một dân tộc có đầu óc nô lệ làm sao giúp họ độc lập được” Ngài Khuyển-Dưỡng-Nghị đã cắt lời Tôn-Dật-Tiên như sau: “Tôi xin được phép ngắt lời ngài ở đây, ngài đã có những nhận xét không đúng về dân tộc đó(dân tộc Việt-Nam: lời người dịch), bây giờ họ thua người Pháp vì họ không có khí giới tối tân chống lại người Pháp, mai sau khi họ có khí giới tối tân họ sẽ đánh bại người Pháp (lời tiên đoán này đúng với chiến thắng Điện-Biên-Phủ sau này). Ngài nên nhớ rằng dân tộc Lạc Việt này là một chi duy nhất còn lại của Bách Việt đã chống lại sự đồng hóa của người Trung-Hoa giữ nền độc lập của tổ tiên họ trong khi các chi Việt khác như Mân Việt đã bị đồng hóa cả ngàn năm”


Khi nghe tới đây, Tôn-Dật-Tiên đỏ bừng mặt xin lỗi ngài Khuyển-Dưỡng-Nghị và xin cáo lui. Tôn-Dật-Tiên xấu hổ vì Tôn-Dật-Tiên là người Quảng Đông (Mân Việt).


Trong thập niên qua ( thập niên 1960 : lời người dịch), thế giới quay sự chú ý về miền Đông Nam Á nhưng sự chú ý này chỉ dồn về cuộc chiến Việt-Nam. Những ảnh hưởng nặng nề của những biến cố quân sự đã làm lu mờ những khám phá đáng ngạc nhiên về thời cổ sử của vùng này cũng như các dân tộc sống ở đó.

Nhưng trong trường kỳ, những khám phá này, chính yếu là những khám phá mới về khảo cổ, sẽ ảnh hưởng hơn cả cuộc chiến hay kết cuộc của cuộc chiến về đường lối chúng ta (người Tây phương: ghi chú của người dịch) suy nghĩ về vùng Đông-Nam-Á, về các dân tộc sống trong vùng này, cảm nghĩ của các dân tộc bản địa về chinh họ.

Ngay cả địa vị người Tây phương và vị trí của trong cuộc tiến hóa của nền văn minh thế giới sẽ bị ảnh hưởng một cách trầm trọng. Những dấu hiệu mạnh mẽ và rõ ràng đang kết tụ cho thấy những giai đoạn đầu tiên để hướng về văn minh bắt đầu từ vùng Đông Nam Á.


Posted Image


Người hoàn tất tiền sử mang các đầu mối như bình gốm cổ 5000 năm từ NON NOK THA trong miền đông bắc Thái-Lan và các nhà truy tầm khảo cổ đi tìm câu trả lời cho câu hỏi, “Nơi nào nền văn minh bắt đầu?”. Tiến sĩ SOLHEIM II (hình trên) được những nhà tiền sử học đặt danh hiệu là ÔNG ĐÔNG NAM Á đặt giả thuyết cách mạng trên những trang giấy này cho rằng những người ĐÔNG NAM Á có thể là những người đầu tiên làm ra đồ gốm, mài và đánh bóng những dụng cụ bằng đá, trồng lúa, và đúc đồng.


NƠI NÀO LÀ NƠI ĐẦU TIÊN LOÀI NGƯỜI TRỒNG TRỌT CÂY TRÁI VÀ ĐÚC ĐỒNG?


Các sử gia Âu Mỹ thường lập luận rằng nền văn minh nhân loại đã bắt rễ từ vùng bán nguyệt Cận Đông hay trên những vùng đồi phụ cận của miền này. Ở đó, từ lâu chúng ta tin rằng con người nguyên thủy đã phát triển canh nông và học cách làm đồ gốm, đồ đồng. Khoa khảo cổ đã hổ trợ niềm tin này một phần vì các nhà khảo cổ đã đào xới, khai quật nhiều nhất vùng bán nguyệt Cận Đông mầu mỡ này. Tuy nhiên, những khám phá bây giờ ở trong miền Đông Nam Á đang buộc chúng ta phải khảo nghiệm lại các truyền thống này. Các vật liệu được khai quật và phân tích trong năm năm qua đã cho thấy rằng con người sống ở vùng Đông Nam Á đã trồng cây, làm đồ gốm, đúc đồng trước tiên trên thế giới, trước tất cả cá vùng khác trên trái đất này.

Những chứng cớ đến từ những địa điểm khảo cổ trong vùng đông bắc và tây bắc Thái-Lan, với những tiếp trợ từ những khai quật ở Đài-Loan, Bắc và Nam Việt-Nam, các khu vực khác ở Thái-Lan, Mã-Lai, Philippine, và ngay cả từ miền Bắc Australia cho thấy các vật liệu được khám phá và khảo nghiệm bằng carbon 14 cho thấy rằng những di tích của những dân tộc mà tổ tiên họ đã trồng cây, chế tạo đồ đá, đồ gốm hàng ngàn năm trước các dân tộc sống ở vùng Cận Đông, Ấn-Độ, và Trung-Hoa.

Trong một địa điểm khai quật ở bắc Thái-Lan, các nhà khảo cổ đã tìm thấy đồng được đúc trong những khuôn đôi vào khoảng từ 2300 năm đến hơn 3000 năm trước tây lịch. Đây là bằng chứng cụ thể cho thấy công việc đúc đồng này đã có trước cả Trung-Hoa hay Ấn-Độ, cũng như trước cả các đồ đồng đúc ở miền Cận Đông mãi tới bây các chuyên gia vẫn còn tin là nơi luyện kim đồng đầu tiên trên thế giới.

Có người nêu ra lý do hỏi rằng nếu sự việc này quá quan trọng như vậy tại sao vai trò của vùng Đông Nam Á cùng các dân tộc trong vùng trong thời tiền sử không được biết đến cho tới bây giờ. Có vài lời giải thích về việc này nhưng lý do chính rất đơn giàn là rất ít cuộc khảo cứu về khảo cổ được hoàn tất trước năm 1950. Ngay cả bây giờ công việc khảo cổ mới tiến hành một cách sơ lược. Các viên chức thuộc địa đã không đặt ưu tịên cao về các khảo cứu của thời tiền sử ở vùng này chỉ có một số ít người nghiên cứu về công việc khảo cổ được huấn luyện về nghề nghiệp cẩn thận. Không một phúc trình toàn bộ nào về các địa điểm khai quật được chấp nhận theo tiêu chuẩn hiện đại được xuất bản trước năm 1950. Thứ nữa là những điều các nhà khảo cổ tìm ra đã được diễn dịch trên một giả thuyết là sự phát triển văn hóa được đông tiến và nam tiến.

Các nhà chuyên môn này đã nêu ra lý thuyết cho rằng nền văn minh nhân loại bắt đầu trong vùng Cận Đông lan ra vùng Nhĩ Hà, Ai-Cập và sau đó là Hy-Lạp và La-Mã. Nền văn minh cũng di chuyển đông tiến tới Ấn-Độ và Trung-Hoa. Đông Nam Á thì quá xa điểm khởi thủy do đó chỉ tiếp nhận nền văn minh sau các vùng trên.

Các người Âu châu tìm ra các nền văn hóa cao ở Ấn-Độ và Trung-Hoa, do đó khi họ tìm ra các kiến trúc và lối sống của các quốc gia trên và miền Đông Nam Á giống nhau, người Âu châu cho rằng Ấn-Độ và Trung-Hoa ảnh hưởng vùng này. Ngay cả tên họ đặt cho vùng là Ấn –Trung cũng phản ảnh lại thái độ của họ.


NHỮNG DI DÂN VÀ “NHỮNG ĐỢT SÓNG VĂN HÓA”

Trong mụcđích tìm về thời tiền sử ở Đông Nam Á, chúng tôi (tiến sĩ SOLHEIM II) cho rằng văn minh Đông Nam Á phải được trải rộng ra tới những khu vực có các nền văn hóa liên hệ. Từ ngữ tiền sử Đông Nam Á mà tôi (tiến sĩ SOLHEIM II) sử dụng chứa đựng hai phần. Phần thứ nhất hay là phần đất chính Đông Nam Á được trải dài từ rặng núi Tần-Lĩnh phía bắc sông Hoàng-Hà của Trung-Hoa cho tới Singapore và từ miền Đông hải tây tiến tới Miến-Điện vào tận Asssam của Ấn-Độ. Phần khác được gọi là quần đảo Đông Nam Á đánh một vòng cung từ quần đảo Andaman ở miền nam Miến-Điện trải dài tới Đài-Loan bao gồm Indonesia và Philippine.

Nhà nhân chủng học người Áo ROBERT HEINE-GELDERN xuất bản đại cương truyền thống về thời tiền sử ở Đông Nam Á vào năm 1932. Ông ta đã đề xướng một loạt những đợt sóng văn hóa có nghĩa là những làn sóng người di cư đã đem tới Đông Nam Á những chủng tộc chính đã được tìm thấy ngày nay ở khu vực này.

Ông ROBERT HEINE-GELDERN cũng cho rằng đợt di dân quan trọng nhất là đợt di dân của những người đã chế ra một dụng cụ hình chữ nhật được gọi là cái rìu. Những người di dân trong đợt sóng này đã đến từ miền bắc Trung-Hoa di cư xuống Đông Nam Á và lan xuống miền Sumatra, Java, Borneo, Philppines, Đài-Loan và Nhật-Bản.

Sau đó ông ROBERT HEINE-GELDERN đã giải quyết về sự du nhập đồ đồng vào Đông Nam Á như sau: ông ta giả thuyết cho rằng đồ đồng nguyên thủy ở Đông Nam Á được du nhập từ Đông Âu khoảng 1000 năm trước tây lịch do những di dân. Ông ROBERT HEINE-GELDERN tin rằng những di dân trong đợt di dân này di chuyển vào phía đông và phía nam vào Trung-Hoa vào thời Tây Châu (khoảng từ năm 1122 – năm 771 trước tây lịch). Những di dân này đã đem đi với họ không những chỉ có các kiến thức về chế tạo đồng, họ còn đem tới nghệ thuật kỷ hà mới với các đường thẳng, đường xoắn ốc, tam giác cùng hình người và thú vật.

Nghệ thuật này đã được ứng dụng trong toàn vùng Đông Nam Á được cả hai ông ROBERT HEINE-GELDERN và BERNHARD KARLGREN (môt học giả Thuỵ-Điển) gọi là nền văn hóa ĐÔNG SƠN theo tên Đông Sơn, một địa điểm ở miền bắc Việt-Nam, phía nam Hà-Nội, nơi mà các trống đồng lớn cùng các cổ vật khác được tìm thấy. Hai ông HEINE-GELDERN và KARKGREN đều cho rằng người dân Đông Sơn đã đem đồng và nghệ thuật trạm trổ kỷ hà vào Đông Nam Á.

Posted Image

Hình trống đồng ĐÔNG-SƠN được chế tạo từ thế kỷ thứ ba hay sớm hơn tại ĐÔNG-SƠN, phía nam HÀ-NỘI, bắc VIỆT-NAM.

Phần lớn thời tiền sử được tái tạo theo truyền thống đó nhưng có một đôi điều đã không phù hợp với truyền thống này. Thí dụ như một số nhà thực vật học nghiên cứu về nguồn gốc thuần hóa của cây cỏ đã đề xướng là Đông Nam Á là một trung tâm thuần hóa cây cỏ rất sớm.

Năm 1952, nhà địa chất học CARL SAWER đã đi một bước xa hơn. Ông CARL SAWER đã đưa ra giả thuyết là cây cỏ đầu tiên trên thế giới được thuần hóa ở Đông Nam Á. Ông SAWER đã phỏng đoán rằng cây cỏ được thuần hóa được mang tới do những người sống trong nền văn hóa trước thời kỳ văn hóa Đông Sơn xa. Những người dân sống trong trong một nền văn hóa nguyên thủy được biết đến như là nền văn hóa HÒA-BÌNH nhưng các nhà khảo cổ thời đó đã không chấp nhận lý thuyết này của ông CARL SAWER.


NHỮNG ĐẬP NƯỚC ĐÃ THÊM VÀO MỘT YẾU TỐ KHẨN CẤP

Khoảng những năm 1920, bà MADELEINE COLANI, một nhà thực học Pháp sau trở thành nhà nghiên cứu Cổ Sinh Vật Học và cuối cùng trở thành nhà Khảo Cổ là người đầu tiên đặt ra sự hiện hữu của nền văn hóa HÒA BÌNH. Bà COLANI căn cứ trên những khai quật của những hầm và động đá ở những địa điểm trong miền Bắc Việt-Nam, những hầm và hang đá này được tìm thấy trước tiên ở ngôi làng trong tỉnh Hòa-Bình.

Những cổ vật tiêu biểu trong những địa điểm này bao gồm những dụng cụ bằng đá hình bầu dục, hình tròn, hay hình tam giác được mài dũa một bên, một bên để nguyên. Những đá mài xinh sắn được tìm thấy ở phần lớn các địa điểm khai quật cùng với nhiều vụn đá. Những tầng trên của của các hầm và động đá thường để giữ các đồ gốm và một ít dụng cụ bằng đá khác với đầu để sử dụng thì sắc bén. Xương thú vât và một số lượng lớn vỏ sò cũng hiện diện.

Các nhà khảo cổ nghĩ rằng đồ gốm cùng với các dụng cụ của nền văn hóa HÒA-BÌNH xuất hiện ngẫu nhiên và do những người có một nền văn hóa cao hơn sống gần đó chế tạo có thể là những nông dân đã di cư từ miền bắc xuống. Các nhà khảo cổ cũng nghĩ rằng những dụng cụ đá mài được học từ người bên ngoài. Nhưng không có địa điểm nào của những nông dân phía bắc được tìm thấy.

Năm 1963, tôi (tiến sĩ SOLHEIM II) đã tổ chức một đoàn liên hợp khảo cổ cấp thời phối hợp giữa BỘ NGHỆ THUẬT THÁI-LAN và ĐẠI HỌC HAWAII để làm công việc cứu vớt khảo cổ ở những khu vực sẽ bị lụt do công việc xây dựng những đập nước mới trên sông CỬU LONG và những chi nhánh của sông này. Chúng tôi (tiến sĩ SOLHEIM II) phải bắt đầu làm việc trong miền bắc THÁI-LAN, nơi những đập nước đầu tiên được xây dựng.

Không có một hệ thống khảo cứu về thời tiền sử ở vùng này được HÒAn tất. Tôi (tiến sĩ SOLHEIM II) cảm thấy cần khẩn cấp bắt đầu hàng loạt khai quật trước khi vùng này chìm ngập dưới nước.


NHỮNG NGẠC NHIÊN ĐẾN TỪ MỘT GÒ ĐẤT KHÔNG ĐÁNG QUAN TÂM

Trong mùa khảo cứu dã ngoại đầu tiên chúng tôi (tiến sĩ SOLHEIM II) đã xác định vị trí của hơn hai mươi địa điểm, trong mùa thứ hai đoàn đã khai quật một vài nơi của các địa điểm này trong khi thử nghiệm các nơi khác; trong năm 1965-1966, chúng tôi (tiến sĩ SOLHEIM II) đã làm một cuộc khai quật chính ở NON NOK THA. Trong lúc thử nghiệm với đồng vị phóng xạ carbon-14 để xác định thời gian của các cổ vật hiện ra vài vấn đề, chúng đã đề xướng một cách mạnh mẽ là có dấu hiệu của sự liên tục về đời sống của con người (với vài sự ngắt quãng) đi ngược về thời gian trước năm 3500 trước tây lịch.

NON NOK THA là một gò đất rộng khoảng sáu mẫu Anh (acre) nhô lên các ruộng lúa bao quanh khoảng sáu bộ Anh (foot). Trong khi làm việc tại đó, chúng tôi (tiến sĩ SOLHEIM II) sống ở làng BAN NA DI, cách gò đất khoảng một hai trăm mét.

Chúng tôi (tiến sĩ SOLHEIM II) làm việc bốn tháng tại nơi khai quật đầu tiên. Ông HAMILTON PARKER thuộc đại học OTAGO, nước TÂN-TÂY-LAN chịu trách nhiệm trong năm đầu tiên. DONN BAYARD, một sinh viên học trò của tiến sĩ SOLHEIM II, trở lại NON NOK THA trong năm 1968 để làm cuộc khai quật thứ hai cho luận án tiến sĩ của ông ta. Từ đó hai đại học OTAGO và HAWAII đã liên tục yểm trợ cho công việc của đoàn liên hợp khảo cổ như một chương tình liên kết phối hợp với bộ NGHỆ THUẬT THÁI-LAN.

Những kết quả của các cuộc khai quật cho tới bây giờ (năm 1971: lời người dịch) đi vào năm thứ 7 đã làm kinh ngạc nhưng mới chỉ mở ra một cách chậm chạp khi những phân tích của chúng tôi tìm ra từ phòng thí nghiệm ở HONOLULU. Ngay khi chúng tôi (tiến sĩ SOLHEIM II) bắt đầu nhận kết quả đồng vị phóng xạ CARBON-14 định vị thời gian, chúng tôi bắt đầu nhận thức rằng địa điểm này là một địa điểm thực sự mở ra một cuộc cách mạng của ngành khảo cổ.

Trong một mảnh gốm vỡ vụn nhỏ hơn 1 inch vuông, chúng tôi đã tìm ra dấu vết của vỏ trấu. Từ thử nghiệm phóng xạ đồng vị CARBON ở một mức trên mảnh gốm này, chúng tôi (tiến sĩ SOLHEIMM II) được biết rằng hạt gạo này có niên đại ít nhất là 3500 năm trước tây lịch. Điều này chứng tỏ rằng lúa gạo đã được trồng tại đây trước cả Trung-Hoa hay Ấn-Độ, nơi một vài nhà khảo cổ cho rằng là nơi thuần hóa lúa gạo đầu tiên, cả ngàn năm.

Từ CARBON phóng xạ đồng vị của than liên hệ, chúng tôi (Tiến sĩ SOLHEIMM II) biết rằng những rìu đồng đúc trong những khuôn đôi bằng sa thạch được làm ra ở NON NOK THA sớm hơn 2300 năm trước tây lịch có thể là 3000 năm trước tây lịch. Đây là hơn 500 năm trước kỹ thuật đúc đồng ở Ấn-Độ, và 1000 năm trước khi đồng được biết đến ở Trung-Hoa. Địa điểm này cũng chứng tỏ là lâu đời hơn những địa điểm ở Cận Đông vẫn được coi là nơi chế tác đồng đầu tiên.

Khuôn chữ nhật mà chúng tôi (tiến sĩ SOLHEIM II) tìm thấy ở NON NOK THA đều theo cặp đôi, chỉ rõ ràng chúng được đặt chung với nhau ở nơi chúng tôi (tiến sĩ SOLHEIM II) tìm ra chứ không phải bị thất lạc hay vứt bỏ. Quan tâm toàn thể khu vực và những lò nấu kim loại bị hư hỏng và những cục đồng nhỏ vương vãi chúng tôi (đoàn tiến sĩ SOLHEIM II) không còn nghi ngờ gì nữa chúng tôi đã khai quật một khu vực đúc đồng, hay chính xác hơn một nhà máy làm rìu cổ.

Những phần của gia súc được chôn chung với những mộ cổ xưa ở NON NOK THA. Những phần này đã được nhận ra như gia súc tương tự như loái bò có u. Điều này chứng tỏ những gia súc đã được thuần hóa sớm ở Đông Á Châu.

CHESTER GORMAN, một sinh viên của tôi ở trường đại học HAWAII, là người xác định vị trí của NON NOK THA bằng cách tìm ra những mảnh gốm đã bị soi mòn trên gò đất. Năm 1965, anh ta trở lại Thái-Lan cho luận án tiến sĩ của anh ta. CHESTER GORMAN muốn thử nghiệm lại giả thuyết do CARL SAWER và các nhà khảo cổ khác cho rằng người dân thuộc nền văn hóa HÒA-BÌNH đã thuần hóa cây cỏ. Anh ta đã khám phá ra HẦM TINH THẦN (SPIRIT CAVE) ở xa về phía bắc biên giới Thái-Lan và Miến-Điện, tại đây CHESTER GORMAN đã tìm ra được những gì anh ta muốn tìm.


HẦM CỦA THẦN CHẾT LÀM VỮNG CHÃI CÁC NIÊN HIỆU

HẦM TINH THẦN (SPIRIT CAVE) trồi lên cao bên cạnh lớp đá vôi nhìn xuống dòng suối chẩy vào sông SALWEEN ở Miến-Điện. Hầm này được dùng như một hầm mộ do đó được mang tên là hầm mộ.

Khi khai quật sàn của hầm mộ, CHESTER GORMAN đã tìm thấy những phần còn lại của cây cỏ hóa than bao gồm hai hạt đậu Hòa-Lan, củ năng (water chestnut), hột ớt, nhũng đoạn dây bầu bí và dưa chuột tất cả những vật này kết hợp với những dụng cụ bằng đá đặc trưng của người dân có nền văn hóa HÒA –BÌNH.

Các mảnh xương của thú vật được cắt ra từng miếng nhỏ không thấy dấu vết cháy chứng tỏ rằng thịt đã được nấu chín tại đây chứ không phải nướng trên ngọn lửa, thịt được sào trong những đồ vật bằng tre xanh vẫn thấy dùng ở Đông Nam Á ngày nay.

Một loạt khảo nghiệm bằng đồng vị phóng xạ Carbon 14 cho thấy các vật liệu tìm ra ở đây có niên hiệu từ khoảng 6000 năm cho tới 9700 năm trước tây lịch. Vẫn còn những cổ vật xưa hơn nằm trong những lớp đất đào sâu hơn chưa xác định được thời gian. Vào khoảng 6600 năm trước tây lịch, các cổ vật này đã được đưa vào địa điểm này. Những cổ vật này bao gồm đồ gốm hoàn chỉnh, sắc xảo và được đánh dấu bằng những sợi dệt trong tiến trình chế tạo, cùng những dụng cụ bằng đá hình chữ nhật được đánh bóng và những lưỡi dao nhỏ. Các dụng cụ và cây cỏ được thuần hóa thuộc nền văn hóa Hòa-Bình được tiếp tục khám phá ra gần đây.

Chúng tôi (Tiến Sĩ SOLHEIM II) quan tâm đến những khám phá tại hầm TINH THẦN (SPIRIT CAVE) ít nhất như là bước khởi đầu để bổ sung cho giả thuyết của CARL SAWER, những cuộc thám hiểm khác đang thêm những chứng cớ của một sự trải rộng và phức tạp của nền văn hóa HÒA-BÌNH. Ông U AUNG THAW, giám đốc cơ quan khảo cổ Miến-Điện đã khai quật trong năm 1969 một địa điểm đáng lưu ý thuộc nền văn hóa HÒA-BÌNH tại những hầm mộ PADAH-LIN ở phía đông Miến-Điện. Địa điểm này chứa đựng nhiều vật khác trong đó có nhiều họa phẩm. Đây là địa điểm xa nhất về hướng tây thuộc nền văn hóa HÒA-BÌNH được báo cáo.

Những cuộc khai quật ở Đài-Loan do một đoàn thám hiểm hỗn hợp của ĐẠI HỌC QUỐC GIA ĐÀI LOAN và ĐẠI HỌC YALE dưới sự hướng dẫn của giáo sư KWANG-CHIH-CHANG thuộc ĐẠI HỌC YALE đã tìm ra một nền văn hóa với những hình dây và những đồ gốm sắc bén, dụng cụ bằng đá đánh bóng, và những phiến đá mỏng được đánh bóng đã xuất hiện từ lâu khoảng 2500 năm trước tây lịch.

Posted Image

Hình nắp bình đựng tro người chết bằng đồng trong thế kỷ thứ hai trước tây lịch từ Vân-Nam, Trung-Hoa diễn tả dân làng trong một buổi lễ giết người tế thần.


VẤN ĐỀ KHÓ GIẢI QUYẾT ĐƯỢC SẮP XẾP PHÙ HỢP VỚI NHAU


Tôi (Tiến Sĩ SOLHEIM II) đã tóm tắt ý kiến về những cuộc khai quật mới cùng những niên hiệu tại đây và các nơi khác, tôi đã không chú ý tới việc nghiên cứu sự tái thiết thời tiền sử ở Đông Nam Á, trong một ngày nào đó có lẽ hai việc này cũng quan trọng ngang nhau. Trong một số bài viết được xuất bản, tôi (Tiến Sĩ SOLHEIM II) đã bắt đầu về việc này. Hầu hết những ý kiến đó, tôi (Tiến Sĩ SOLHEIM II) đề xướng ra như là giả thuyết hay phỏng đoán. Những giả thuyết hoặc phỏng đoán này cần được khảo cứu nhiều thêm để chấp nhận hay bác bỏ.

Trong số những giả thuyết này:

  • Tôi (Tiến Sĩ SOLHEIM II) đồng ý với SAWER là những người dân thuộc nền văn hóa HÒA-BÌNH là những người đầu tiên trên thế giới đã thuần hóa cây cỏ ở một nơi nào đó trong vùng Đông Nam Á. Việc này cũng chẳng làm tôi (Tiến Sĩ SOLHEIM II) ngạc nhiên nếu sự thuần hóa này bắt đầu sớm nhất khoảng 15000 năm trước tây lịch.

    Tôi (Tiến Sĩ SOLHEIM II) đề nghị những dụng cụ bằng đá được tìm thấy ở miền bắc Australia được đo bằng phóng xạ đồng vị Carbon 14 có niên hiệu khoảng 20000 năm trước tây lịch thuộc về nền văn hóa HÒA-BÌNH nguyên thủy.
  • Trong khi những niên hiệu sớm nhất của những đồ gốm này được biết tới ở Nhật vào khoảng 10000 năm trước tây lịch, tôi (Tiến Sĩ SOLHEIM II) kỳ vọng rằng khi nhiều địa điểm với những đồ gốm chạm trổ hình dây được xác định niên hiệu, chúng ta sẽ tìm ra những người này đã làm ra những loại đồ gốm chắc chắn trước 10000 năm trước tây lịch, và có thể họ đã phát minh ra cách làm đồ gốm.
  • Truyền thống tái tạo thời tiền sử cua Đông Nam Á cho rằng các di dân từ miền Bắc đem những phát triển quan trọng về kỹ thuật đến vùng Đông Nam Á. Thay vào đó tôi (Tiến Sĩ SOLHEIM II) đề nghị nền văn hóa của kỷ nguyên thứ nhất tân thạch khí (sau thời đồ đá) ở bắc Trung-Hoa được biết đến như là nền văn hóa Yangshao thoát thai từ một nền văn hóa phụ thuộc văn hóa HÒA-BÌNH di chuyển lên phía bắc từ phía bắc của Đông Nam Á vào khoảng thiên niên kỷ thứ 6 hoặc thứ 7 trước tây lịch.
  • Tôi (Tiến Sĩ SOLHEIM II) đề nghị nền văn hóa sau đó được gọi là văn hóa Lungshan. Đã được phát triển từ nam Trung-Hoa và di chuyển về hướng bắc thay vì đã được giả thuyết là nền văn hóa này lớn mạnh từ văn hóa Yangshao và bùng nổ về hướng đông và đông nam. Cả hai nền văn hóa này đều thóat thai từ văn hóa HÒA-BÌNH.
  • Thuyền làm bằng thân cây có thể được sử dụng trên sông ngòi Đông Nam Á trước Thiên niên kỷ thứ năm. Có thể không lâu trước 4000 trước tây lịch cây cân bằng được phát minh ở Đông Nam Á thêm vào sự cân bằng cần thiết để đi biển. Tôi (Tiến Sĩ SOLHEIM II) tin rằng phong trào đi khỏi khu vực bằng thuyền bắt đầu khoảng 4000 năm trước tây lịch dẫn đến các cuộc du hành ngẫu nhiên từ Đông Nam Á tới Đài-Loan và Nhật-Bản, đem tới Nhật kỹ thuật trồng khoai môn và các hoa mầu khác.
  • Vào một khoảng thời gian nào đó trong thiên niên kỷ thứ ba trước tây lịch, những cư dân Đông Nam Á, bấy giờ là những chuyên viên sử dụng thuyền bè, đã đi tới những đảo ở Indonesia và Philippines. Họ đã đem cả một nghệ thuật kỷ hà gồm những đường soắn ốc, hình tam giác, hình chữ nhật trong những kiểu mẫu được dùng trạm trổ trong đồ gốm, đồ gỗ, hình xâm, quần áo bằng vỏ cây, và sau đó là vải dệt. Những mỹ thuật kỷ hà này được tìm thấy ở trên các đồ đồng ĐÔNG-SƠN và đã được giả thuyết là tới từ Đông Âu.
  • Người dân Đông Nam Á cũng di chuyển về phía tây tới Madagascar khoảng 2000 năm về trước. Điều này xuất hiện như là một cống hiến quan trọng của họ trong sự thuần hóa cây cỏ cho nền kinh tế Đông Phi Châu.
  • Cũng khoảng thời gian này, sự liên lạc giữa Việt-Nam và Địa Trung Hải bắt đầu có thể bằng đường biển như là kết quả của phát triên giao thương. Một vài đồ đồng khác thường được tìm thấy ở ĐÔNG SƠN đã được giả thuyết có nguồn gốc Địa Trung Hải.
QUÁ KHỨ CÓ THỂ GIÚP THẮP SÁNG HIỆN TẠI

Cách tái kiến trúc thời tiền sử Đông Nam Á được tôi (Tiến Sĩ SOLHEIM II) trình bày ở đây căn cứ trên dữ kiện từ một ít địa điểm khai quật và một sự giải thích lại dữ kiện cũ. Nhiều sự diễn giải khác có thể có được. Nhiều khai quật phong phú, nhiều niên hiệu phong phú ở các địa điểm khai quật đều cần thiết cho thấy nếu đây là cái sườn của công việc tổng quát căn bản này cho được gần hơn với sự tái kiến trúc của HEINE-GELDERN thời tiền sử ở Đông Nam Á. Burma và Assam tuyệt nhiên không được biết đến trong tiền sử, tôi (Tiến Sĩ SOLHEIM II) nghi ngờ chúng là một phần quan trọng của thời tiền sử Đông Nam Á.

Hầu hết những điều cần thiết là nhiều chi tiết hơn về những khu vực nhỏ có những đặc tính riêng biệt. Tăng cường sự khảo sát trong những khu vực nhỏ bằng cách hợp tác việc phát triển văn hóa địa phương và sự chấp nhận tiến hóa môi sinh tìm xem cách sống của người dân phù hợp với sườn của thời tiền sử. Sau cùng, đây là người dân chúng ta (Tiến Sĩ SOLHEIM II và đoàn thám hiểm cua ông) muốn tìm hiểu, và điều thăm dò này có thể giúp chúng ta vài sự thông suốt trong sự phản ứng giữa những người dân Đông Nam Á với nhau và với những đổi thay của họ trong vùng Đông Nam Á.

HOÀNG-HOA-NHÂN-KIỆT

Dịch xong lần đầu năm 1995, sửa chữa và hoàn tất ngày 24 tháng 4 năm 2002

Share this post


Link to post
Share on other sites

Nghiên Cứu Văn-Hóa Tiền Sử :

VIỆT-NAM -

TRUNG TÂM NÔNG NGHIỆP LÚA NƯỚC VÀ CÔNG NGHIỆP ÐÁ,XƯA NHẤT THẾ-GIỚI

BS tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh

VietCatholic (Sunday 30/9/2001)

Lời xác-minh của tác giả: Những ý kiến trong bài nghiên cứu sau đây hoàn toàn khách quan dựa trên những tài liệu lịch sử và khảo cổ Việt Nam, Trung-hoa, Pháp, Hoa-kv và Liên-xôø. Chúng tôi không hề đưa ra một sự kiện lịch sử chủ quan có thể làm hại đến văn hóa của một quốc gia nào khác. Chúng tôi chỉ vì sự thât của lịch sử dân tộc và nhân loại, Nếu có điều gì bất như ý đối vi cá nhân hay quốc-gia nào, kính mong quý vị học giả các nước liên quan đến tài liệu trong bài nầy thông cảm cho, chúng tôi xin đa tạ.

T

rong Việt Nam Sử-lược, sử gia Trần Trọng Kim đã viết: "Tích Quang và Nhâm Diên sang làm thái thú tại Giao-Chỉ và Cửu-chân (2 quận lớn trong 9 quận của Việt Nam cổ), dạy dân điều lễ nghĩa, cưới vợ hỏi chồng, dùng cày bừa mà cày cấy ruộng, vì trước đó dân Giao Chỉ chỉ biết săn bắn và chài lưới...." Sử gia Ðào Duy Anh cũng viết "Nó (Trung Hoa) làm thầy khai hóa cho ta và các dân tộc Á-Ðông khác." Sách vở của các vị sử gia trên đã dạy dân học suốt bao thế kỷ. Người Việt Nam cứ cong lưng theo thế mà học về lịch sử nước nhà. Có lẻ hai ông sử gia trên đã dựa một cách tiêu cực vào sử Trung Hoa mà không cố tình suy luận và phán đoán về sử liệu nước nhà (một gương sáng mà chúng cần lưu ý: Triều-Tiên và Trung-Hoa phản kháng 35 điểm viết sai trong lịch sử giáo khoa Nhật-Bản hiện nay). Mặc dầu rằng 2 ông sử gia nói trên đã có công viết nên lịch sử nước nhà để dạy dân. Nhưng không hiểu vì sao 2 ông không hề quan tâm nghiên cứu tệ lắm là những gì quí báu ghi chép trong những bộ sử nước ta vào thế kỷ 13 là bộ Ðại-Việt Sử-Ký do 2 sử gia Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên biên soạn dưới thời nhà Trần; và bộ Sử-Ký Toàn-Thư do Ngô Sĩ Liên biên soạn dưới thời nhà Lê, cùng nghiên cứu các sách vở khác của Trung-Hoa. Từ đầu thiên niên kỷ thứ I, nhất là dưới thời Nhà Trưng Vương, chắc hẳn chúng ta đã có nhiều tài liệu lịch sử cũng như luật pháp và văn chương. Bằng chứng là Mã Viện đã tâu với vua Quang Võ nhà Ðông Hán là luật của Trưng Vương có 10 điều khác với luật Tàu cần hủy bỏ để trói buộc họ (xem hình chụp lời của Mã Viện sau). Sở dỉ ngày nay chúng ta không còn một dấu tích gì về các bộ luật cổ, sử điïa cổ, văn chương cổ mà điển hình là luật đời Trưng Vương vì Tàu đã tiêu hủy hay cướp đem về Tàu tất cả. [/color]Xin mở ngoặc ở đây: một trường hợp điển hình GS Lê Hữu Mục vừa cho biết là Trung hoa đã cho xuất bản một quyễn sách mà tác giả là Lê Quý Ðôn: đây là một trường hợp hi hữu đáng khen vì tuy sách bị cướp nhưng tên tác giả còn đượcg giữ. Như vậy biết bao là tài liệu về lịch sử văn chương v.v... của tổ tiên chúng ta đã bị cướp phá và tiêu hủy. Xin đóng ngoặc. Tưởng cũng hữu ích khi trở lại thời tiền sử Trung-Hoa và Việt Nam. Sử Trung-Hoa chép, khoảng 3000 năm trước TC, dân du mục Mông-Cổ vượt sông Hoàng-Hà đánh chiếm nước Bách Việt từ sông Hoàng Hà đến sông Dương-Tử của Ðế-Lai. Ðế-Lai nối nghiệp cha là Ðế-Nghi, cháu nội Ðế-Minh. Ðế-Minh là cháu 3 đời của vua Ðế-Viêm tức Thần-Nông, xưng là thiên tử, làm vua các thị tộc Bách-Việt phương Bắc nằm giữ 2 con sông lớn Hoàng-Hà đến Dương-Tử. Trước đó Ðế-Minh đi ngao du đến núi Ngũ Lĩnh (tỉnh Vân Nam ngày nay) gặp một tiên nữ (ngưởi tài giỏi và rất đẹp nên được người đời tặng biệt hiệu là tiên nữ), đẻ ra Lộc-Tục. Như vậy Lộc-Tục là em khác mẹ của Ðế-Minh, chú Ðế Lai. Ðế-Minh cho Lộc-Tục làm vua phương Nam từ Dương-Tử-Giang đến tận Việt-Thường. Lộc-Tục làm vua các thị tộc Bách-Việt phương nam đặt tên nước là Xích-Quỉ, xưng hiệu là Kinh-Dương-Vương lấy nàng Long-Nữ con Ðộng-Ðình-Quân đẻ ra Sùng-Lãm tức Lạc-Long-Quân (như vậy là Lạc-Long-Quân là con Nữ-Rồng và cháu nội của Nữ-Tiên: do đó mà chúng ta được gọi là con Rồng cháu Tiên chăng). Lạc-Long-Quân nối nghiệp Kinh-Dương-Vương làm vua phía Nam sông Dương-Tử. Ðế-Lai đem con gái Âu-Cơ gả cho Lạc-Long-Quân. Sau đó Ðế-Lai cùng Lạc-Long-Quân lập liên minh Xích-Quỉ đánh nhau với du mục Mông-Cổ tại Trác-Lộc trên sông Hoàng-Hà (3.000 tr. T-C). Mông cổ thắng trở thành Hán tộc. Người Hán rất ghét thủ lãnh Liên Minh Xích Quỉ là Ðế Lai nên gọi ngài là Xi-bưu (xấu xí láo lếu). Ðế-Lai tử trận. Theo truyền thuyết thì sau khi Ðế-Lai chết Lạc-Long-Quân đem tàn quân chạy ra biển tản mác khắp nơi trên Thái-Bình-Dương. Mông Cổ chiếm bình nguyên Hoàng-Hà xưng là Hoàng-Ðế lập nên Trung-Quốc và cũng bắt chước Ðế-Lai xưng là Thiên tử. Một số thị tộc Bách-Việt mà Hán Mông cổ gọi là man di, ở lại sống chung rãi rác khắp nơi với Mông-Cổ lập nên nước Trung-Hoa. Vợ Lạc-Long-Quân là nàng Âu-Cơ, con gái Ðế-Lai kéo quân qua sông Dương-Tử trở lại chốn rừng núi phía nam tức là nước Xích-Quỉ, chia các con cai trị, dần dà sinh ra 18 dòng họ Hùng-Vương. Cho tới Bắc thuộc lần thứ I, biên giới nước ta kéo dài từ Dương-Tử-Giang xuống đến Việt-Thường (vì thế trong Việt Nam Sử Lược, SG. Trần Trọng Kim đã nói về biên giới nước Xích-Quỉ tây giáp Tứ-Xuyên, và nhà Thục từ Tứ Xuyên đánh họ Hồng-Bàng lập nên Nhà Thục là rất hợp lý). Nếu so sánh giữa hai sắc dân, Mông Cổ du mụcBách Việt nông nghiệp sống định cư thì chúng ta dễ hiểu rằng nguồn gốc nông nghiệp của Tàu là do dân Miêu tộc hay man di (tên người Hán gọi Bách-Việt ở lại với Tàu). Dân Bách-Việt vốn đã có nghề nông từ lâu đời, và các vị Thần-Nông, Phục-Hi, Nữ-Oa, v.v... Tổ sử nghề nông là tổ tiên của Bách-Việt đã chết lâu đời trước trận Trác-Lộc tức trước khi Mông-Cổ đến lập nước Trung-Hoa. Vậy nên Hán tộc gốc Mông-Cổ hoàn toàn không liên can gì đến sự nghiệp nhà nông của các Vị Thần-Nông Nữ-Oa nói trên. Và dân Bách-Việt cũng đã thạo thành về nông nghiệp lâu đời từ trước khi Mông-Cổ chiếm đất đai. Chúng ta thử chứng minh nhận xét hoàn toàn hợp lý trên đây. Lịch sử Việt-Nam đã chứng minh rõ nét rằng Việt-Nam có nguồn gốc Bách-Việt và luôn tự xưng là Bách-Việt, mà là Bách-Việt thuộc thành phần chính thống, trung kiên, bất khuất, lãnh đạo. Lúc bị dân du mục Mông-Cổ đánh bại tại Trác-Lộc, Lạc-Long-Quân vua nước Xích-Quỉ bị tử trận hay chạy ra biển nhưng nước Xích-Quỉ được bà Âu-Cơ giữ gìn nguyên vẹn. Một số người Bách-Việt phương Bắc ra đi đến nước Xích Quỉ phải là tầng lớp lãnh đạo Bách-Việt. Kẻ ở lại bị coi là dân man di nô lệ, chung sống với dân Mông-Cổ mà thành dân Trung-Hoa ngày nay. Nói như thế chỉ để chứng minh rằng nền văn minh nông nghiệp của dân Bách Việt không phải do du mục Mông Cổ khai sáng. Ðó là tàng tích Bách Việt hoàn toàn. Nếu phải nói một cách công bằng thì văn minh nông nghiệp Bách Việt là tài sản chung của toàn thể Bách Việt mà Việt Nam là chủ yếu. Trung-Hoa có nông nghiệp từ thời tiền sử là nhờ vào dân Miêu tộc man di (tức Bách Việt ở lại chung sống). Vậy cả hai dân tộc Trung-hoa gốc man di Bách-Việt và Việt Nam gốc Bách Việt chính thống đều là dân đã làm nên nền nông nghiệp từ rất nhiều thiên niên kỷ trước khi Mông Cổ đến xâm lăng đất đai. Người Hán gốc Mông Cổ cai trị Trung-hoa lâu đời, và đô hộ Việt Nam non 1000 năm, nên lòng người man di Trung-hoa gốc Bách Việt cũng như lòng người Việt Nam dần lãng quên gốc gác của mình mà tưởng rằng văn minh nông nghiệp là do Tàu Mông cổ (Hán) khai hóa?! Ðối với dân tộc Trung-quốc thời bấy giờ, người Hán có nguồn gốc Mông-Cổ là lớp quí tộc chủ nhân, lớp lãnh đạo quyền uy giàu có. Miêu tộc tuy đông, làm nghề nông bị liệt vào hàng bần cùng, nô lệ, bị coi là man di. Trở lại Việt sử, trong 2 bộ sử xưa của Việt Nam là bộ Ðại Việt Sử Ký do 2 sử gia Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên biên soạn dưới thời nhà Trần, và bộ Sử Ký Toàn Thư do Ngô Sĩ Liên biên soạn dưới thời nhà Lê đã ghi: "Trước họ Hồng Bàng (Kinh Dương vương) còn nhiều đời vua nhưng không kể đến... (đó là các vua Phục-Hy, Ðế-Viêm, Ðế-Minh, Ðế-Nghi, v.v...)," và rằng... "từ họ Hồng-Bàng (2879 tr. TC) dân ta cầy cấy mà ăn, đào giếng mà uống..." rằng "Vua Kinh-Dương-Vương nối nghiệp con cháu Thần-Nông, lấy con gái vua Ðộng-Ðình-Quân, tỏ rỏ đạo vợ chồng, nắm ngay gốc văn hóa, lấy đức mà cảm hóa dân... đó chẳng phải là phong tục thái cổ từ Viêm-Ðế ư?" Có lẽ Trần Trọng Kim và Ðào Duy Anh cho là tưởng tượng huyễn hoặc, nên không tin vào đoạn sử nầy. Trong lúc đó sử gia Trần Trọng Kim viết, họ Hồng-Bàng có vua Kinh-Dương-Vương (2879-258) là dòng dõi Vua Thần-Nông có quốc hiệu là Xích Quỉ, có con là Lạc-Long-Quân nối ngôi (2.804 năm tr. TC). Ðã gọi là con cháu vua Thần-Nông thì tại sao không rành về nghề nông mà phải đi nhờ dân gốc Mông-Cổ dạy?! Như thế, rõ ràng 2 sử gia Trần Trọng Kim và Ðào Duy Anh chỉ biết dựa trên sử của một quốc gia đã xâm lăng nước ta lâu đời và luôn có khuynh hướng chiếm, phá hoại hay xuyên tạc văn hóa tiền sử và lịch sử của dân tộc Bách-Việt. Tuy nhiên nhờ vào di vật của tổ tiên còn để lại trong lòng đất, các học giả khảo cổ học ngoại quốc và Việt Nam đã chứng minh cho chúng ta và thế giới ngày càng thấy rõ sự thật, rằng chính dân Bách Việt nông nghiệp Bách Việt đã ảnh hưởng giáo dục lễ nghĩa, nông nghiệp và công nghiệp cho khắp lục địa Nam-Á trước khi Mông Cổ tới nhiều nghìn năm (sẽ chứng minh rõ sự kiện nầy). Với Việt Nam cổ Bách-Việt, thì rằng khi dân du mục Mông Cổ đánh liên minh Xích-Quỉ của Ðế-Lai và Lạc-Long-Quân mà chiếm bình nguyên sông Hoàng-Hà có thể coi đó là Bắc xâm lược lần thứ I (3000 năm tr. TC). Lúc Tần Thủy Hoàng chiếm nước Việt Âu-Lạc của Thục An-Dương-Vương là Bắc thuộc lần thứ II (246-206 tr. TC). Lúc nhà Hán dứt nước Nam-Việt của Nhà Triệu là Bắc thuộc lần thứ III. Nhà Ðông Hán đánh chiếm nước Lĩnh-Nam của Trưng-Vương là Bắc thuộc lần thứ IV, v.v.... "Tích Quang và Nhâm Diên sang làm thái thú tại Giao-Chỉ và Cửu-Chân (2 quận lớn nhất được coi là kinh đô của Việt Nam cổ), dạy dân điều lễ nghĩa, cưới vợ hỏi chồng, dùng cày bừa mà cày cấy ruộng...." Qua những tài liệu trên làm sao tin được sự kiện lịch sử nầy chứ? Chúng ta hãy nghe những câu nói của Ðức Khổng-Tử sau đây. Khi một môn đồ xuôi Nam đến đất Việt, xin Ðức Khổng-Tử chỉ dạy, ngài nói "... người Bách-Việt miền nam (phía nam Dương-Tử-Giang) có lối sống, tiếng nói, luật lệ, phong tục, tập quán, thức ăn uống riêng..." ,... "... dân Bách-Việt chuyên làm ruộng lúa mà ăn, không như chúng ta trồng kê và lúa mì. Họ uống nước bằng thứ lá cây hái trong rừng gọi là trà." Một lần khác Ðức Khổng Tử xác nhận: "Những đạo lý (ngài) viết ra điều là những điều đã có sẵn trong dân gian (dân chúng gốc Bách-Việt)". Chính những đạo lý đó Mông-Cổ hoàn toàn không có vì với Mông-Cổ chỉ có đạo lý của sức mạnh. Vì thế Ðức Khổng-Tử mới lấy đạo lý từ dân gian, viết ra để dạy cho vua quan là giòng giỏi Hán tộc Mông-Cổ. Ðức Khổng-Tử còn nói rằng: "Dân Bách-Việt rất thích ca múa, vừa làm việc vừa ca vè, hát đối, nói vận (vè, thơ, ca dao), lấy lá cây mang vào người, trá hình múa hát...." Và Ðức Khổng-Tử cho rằng: "xướng ca vô loại, chẳng nên ca múa như dân nam Man". Nên trong thời gian đô hộ quan Tàu cấm dân ta múa hát trong những ngày lễ lạc. Nhưng hát-bội hay hát-bộ (vừa hát vừa làm bộ điệu) gốc Bách-Việt mà Tàu rất thích nên họ phát triển hát bộ (sau nầy lại truyền qua cho Việt-Nam phương thức hát bộ mới, được chế biến thêm. Miền Nam Việt-Nam lại cải biến thêm thành Cải Lương, Tàu lại chế biến thành cải lương Hồ-Quãng). Sách Hậu Hán Thư quyển 14 viết lại "Dân Giao-Chỉ (thủ đô của Bách-Việt phương nam) biết nhiều thủ công nghiệp, luyện đúc đồng và sắt, v.v...." Sách Cổ Kim Ðồ Thư, Thảo Mộc Ðiếm của Trung-Hoa chép: "Mã viện tâu vua Tàu, Giao-Chỉ ép mía làm đường phèn: Giao-Chỉ có thứ cây mía ngọt, đem ép lấy nước rồi làm đường phèn."... "Giao-Chỉ làm giấy mật hương: giấy mật hương làm bằng lá và vỏ cây mật hương trồng ở Giao-Chỉ, giấy mềm, giai và thơm, ngâm nước không bở không nát."

Posted Image

Vậy mà trong quyển ART DE LA CHINE của ông Jean Buhot Les Eu'ditions du Chène, Paris xuất bản tháng Tư năm 1951, tác giả đã viết "Le papier ayant inventé par la Chine dès la dynastie de Hán probablement, on peut croire quil connaissent depuis la même époque deux procédés: lestampage et limpression..." . "Giấy đã được Tàu phát minh ra từ thời nhà Hán, chắc như vậy, và người ta có thể tin rằng cũng vào thời ấy người Tàu đã biết 2 kỹ thuật: rập khuôn bằng tay và in ấn..." Xem như vậy thì thấy những sự hiểu biết của người Âu-Châu về Trung-Hoa và Việt-Nam vô cùng lệch lạc sai lầm. Các sách cổ khác của Trung-quốc như Giao-Châu Ký, Tam Ðô Phủ, Ngô Lục Ðịa Lý Chí, Nam Phương Thảo Mộc Trạng, v.v... đều chép đại lược rằng: "Dân Lạc-Việt trồng lúa mà ăn, dùng lá trà mà uống..." ;... "... họ biết uống nước bằng lổ mũi..." ;... "... nuôi tằm mà dệt vải..." ;... "... dùng đất sét đào sâu trong đất, thái mỏng phơi khô làm thức ăn quí, dùng làm quà quí để đi hỏi vợ..." ;... "... dùng đá màu làm men gốm..." ; "... dùng mu rùa mà bói việc tương lai..." ;... "... họ dùng một khúc tre dài chừng 1 thước hơn, một dầu có trụ cao làm tay cầm, có giây buộc vào trụ nối lại đằng kia mà làm đàn gọi là độc huyền cầm...". "... họ đem tính tình các con vật mà so sánh với người, rồi họ truyền tụng rằng ngày thứ nhất trời sinh con chuột, ngày thứ hai sinh con trâu, ngày thứ ba trời sinh con cọp ... (chuyện thần thoại của người Dao: gốc tích của 12 con giáp của tử vi ngày nay). Họ biết tìm hiểu các thức ăn nóng mát (tức thuyết âm dương) để trị bệnh, dùng kim đâm vào da thịt lấy máu để trị bệnh (lễ giác bầu), lấy đá hơ nóng áp vào da thịt để trị bệnh..."; "... Họ rất quí các loài chim, biết tập chim biết nói... họ có nuôi nhiều chim trỉ sống trên núi rất đẹp (mà sau nầy Tàu gọi là phụng hoàng)." Sử Tàu kể rằng vào thời nhà Châu bên Tàu dân Bách-Việt quận Việt-Thường đem tặng vua nhà Châu cặp chim trĩ, sau đó nhờ Tàu dùng xe chỉ nam của Mông-Cổ chỉ đường về. Những ghi chép thường có tính cách kỳ thị là man di. Nhưng những chuyện huyền thoại cổ của man di như chuyện ông Bàn-Cổ gốc người Dao (xem Bàn-Cổ của Nguyễn Văn Diễn), chuyện bà Nữ-Oa biết đội đá vá trời tức có kinh nghiệm về thời tiết mưa gió, dạy dân theo thời tiết mà trồng trọt, Thần-Nông dạy dân làm ruộng, Viêm-Ðế (vua xứ nóng Bách-Việt) thì dân Mông-Cổ chiếm lấy làm của riêng. Thật ra lúc đầu người Hán không quan tâm đến những câu chuyện hoang đường của dân Bách-Việt. Nhưng khi họ hiểu ý nghĩa triết lý sâu xa của những câu chuyện hoang đường về các Vị, thì họ chép ngay câu chuyện và nhận ngay các Vị có gốc Bách-Việt ấy làm tổ tiên của họ. Họ cũng có lý một phần, vì dân Miêu tộc Trung-hoa có gốc Bách-Việt. Nhưng họ phải hiểu rằng dân Việt-Nam mới là con cháu đính thị của các Vị. Tuy người Tàu vẫn biết tổ tiên của người Hán có nguồn gốc Mông-Cổ, có con vật tổ là cọp trắng, với nhà truyền thống cổ là nhà gốc du mục hình tròn. (Xem Les premières civilisations LA CHINE ANCIENNE, trang 28-29, của ông William Watson xuất bản năm 1969 tại Grande Bretagne). (Xem hình 3 của Bs Thanh vẽ lại dựa theo hình nhà khảo cổ của ông William Watson). Trong lúc đó nhà cổ của Bách-Việt là nhà sàn hình chữ nhật làm bằng tranh và tre cong cho chắc chắn, dần dà sinh ra mái cong. (Xem hình 4 của Bs Nguyễn Thị Thanh vẽ, phỏng theo loại nhà minh khí {nhà chôn theo người chết} bằng đất nung thời Hùng-Vương tìm thấy trong văn hóa Ðông-Sơn 2.000 ans tr T-C). Ngày nay thế giới và cả người Việt-Nam cũng đều lầm tưởng rằng rồng (chỉ là hiện thân của con cá sấu) và chim phụng hoàng (chim trĩ) vật tổ của Trung-Hoa, và mái nhà cong là văn hóa cổ truyền của họ luôn. Ngày nay nhờ khảo cổ học mới có thế chứng minh được sự thật.

Posted Image

Posted Image

Dầu sao thì cũng nhờ vào ảnh hưởng Bách-Việt mà Trung quốc phát triển về mọi mặt văn hóa sau này và cả Nhật-bản và Ðại-Hàn cũng nhờ vào ảnh hưởng Bách-Việt qua Trung-Hoa. Trong lúc đó thế giới đặt biệt là người Pháp cứ cho là Việt-Nam bắt chước Tàu. Chẵng hạn việc bà Daisy Lion-Goldschmidt tác giả quyễn LES POTERIES ET PORCELAINES CHINOISES, đã cho rằng dân Annam bắt chước gốm Hoa-lam của Tàu (trang 4). Trong khi chính Việt Nam có gốm hoa lam trước Tàu và thợ gốm giỏi Việt bi Tàu bắt qua Tàu để làm gốm từ đầu thiên niên kỷ thứ I. Gốm hoa lam Việt từ rất sớm chỉ dùng màu xanh nội địa, có trước Tàu và hoàn toàn có những đặc tính độc đáo khác Tàu. Ngay cả dân Việt-Nam cũng lầm lẫn và lẩm cẩm cho rằng văn hóa Việt-Nam nhờ ảnh hưởng văn hóa Trung-Hoa. Tệ lậu hơn nữa, hiện nay có nhiều nhà khoa bản Việt-Nam còn không biết văn hóa là gì, còn cho là dân mình không có văn hóa nữa kia, hoặc có chăng chỉ là cái búi tó trên đầu (bài Bảo tồn Văn-hóa?! của nhà khoa bảng bác-sĩ giáo-sử Ðại-học kiêm nhà văn Vũ Ðình Minh biệt hiệu là Mai-Kim-Ngọc đăng trên nhiều báo đặc biệt là báo Y-giới: bài viết có tính cách mĩa mai Việt Nam không có văn hóa gì để mà bảo tồn hết trơn hết trọi, hoặc giả có chăng chỉ có cái búi tó của ông nội nhà khoa bảng MKN). Trở lại nông nghiệp của dân Bách-Việt. Làm ruộng cần công cụ. Nông nghiệp sinh công nghiệp. Công nghiệp đá sản xuất công cụ cho thợ đá (để làm cày cuốc), kỹ nghệ đá; cho thợ đồng, kỹ nghệ đồng và các thứ tiểu công nghiệp khác như nghề nuôi tằm dệt vải, làm đồ gốm của nước ta từ trước rất xa thời các vua Hùng cho đến thời Bắc thuộc năm 111 tr TC, đã phát triển xa hơn Tàu và không hề nhờ phương bắc giáo huấn. Trái lại các thợ giỏi và kỷ thuật cao của nước ta bị sức mạnh cướp lấy để phát triển, dành lấy làm văn hóa của mình. Trong những thời gian bị đô hộ, dân Việt cổ bị cấm tuyệt mọi sinh hoạt kỹ nghệ bản địa công khai. Vì vậy những nền văn hóa thời tiền và sơ sử Việt-Nam bị ngưng hẵn từ thời Bắc thuộc lần đầu. Thế giới cũng hiểu rằng Trung-quốc đã ngăn chặn những nền văn minh tiền sử Việt-Nam và đã xung phong vào để tiếp nối những nền văn minh tiền sử đó (có bằng chứng rõ về sau). Từ trước đến nay chúng ta chưa khẳng định được những điều nói trên mà phải chờ di vật cổ tổ tiên để lại trong lòng đất mới có đủ luận cứ thuyết phục cho chính chúng ta và thế giới. Khảo Cổ học đã nói lên cho chúng ta biết rất nhiều điều bí ẩn mà ngoại quốc đã hiểu lầm hoặc che dấu và xuyên tạc. Nhờ vậy ngày nay rất nhiều học giả Trung-Hoa đã công nhận sự thật về nguồn gốc Bách-Việt trong văn hóa Tàu. Từ khi người Pháp qua cai trị nước ta, họ chiếm độc quyền về khoa khảo-cổ. Từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khảo cổ học đã tìm ra ở trên đất nước chúng ta từ miền Bắc đến miền Trung là đất cổ Việt-Thường. Cho đến nay người ta đã tìm thấy rất nhiều nền văn minh tiền sử Việt Nam cổ liên tục nối đuôi nhau trên đất Bắc và Trung-Việt. Thường khi tìm được di chỉ văn hóa ở đâu đầu tiên người ta lấy tên địa phương mà đặt cho nền văn hóa đó. Văn hóa Việt cổ xưa nhất còn gặp nhiều di vật cách đây từ 30.000 năm trở lại được tìm thấy ở núi Ðọ, thôn Sơn-vi tỉnh Vĩnh Phú được đặt tên là văn hóa Sơn-vi hay Tiền Hòa-Bình. Nền văn hóa nầy được tìm thấy rải rác khắp miền Bắc và Trung-Việt. Tuy việc tìm kiếm là ngẩu nhiên, nhưng nhờ vào sự giàu thịnh nên người ta đã tìm thấy rất nhiều nền văn hóa có tính cách liên tục nối tiếp nhau từ văn hóa Sơn-Vi (30.000 năm tr, TC) qua Hòa-Bình (16.000 - 7.000 tr. TC) đến Bắc Sơn rực rỡ, Quỳnh Văn, Phùng Nguyên, Ðồng Ðậu, Gò Mun, Hoa lạc, v.v... dần dần đến văn hóa Ðông Sơn huy hoàng có niên đại từ 800 năm đến 111 năm tr TC là thời gian bị Bắc thuộc lần đầu theo sử hiện đại. Rồi từ 111 tr TC dưới ách đô hộ của Tàu, văn hóa nước ta ngưng chìm lỉm hẳn, không tiến và hầu như biến hẳn, vì sao? Hỏi tức nhiên là đã trả lời. Dư âm của các nền văn hóa trên còn âm thầm kéo dài thêm vài thế kỷ sau Bắc thuộc rồi bị Tàu thôn tính và ẳm đi luôn. Trong những nền văn hóa tiền sử nước ta khi nói đến văn hóa Hòa-Bình (di chỉ tìm thấy ở tỉnh Hòa-Bình Bắc-Việt) thì từ lâu giới khảo cổ học và trí thức thế giới đều biết rằng đó là một trung tâm nông nghiệp và công nghiệp đá xưa nhất thế giới. Nhưng vì sao dân tộc ta như các sử gia Trần Trọng Kim, Ðào Duy Anh cứ luôn cho mình là dân man di, được Hán khai sáng, dạy cho cưới vợ hỏi chồng, dạy cho nông nghiệp.... Suốt 1000 năm cai trị, Hán lấy tài nguyên sản vật quí, và bắt thợ giỏi, gái đẹp cùng ngăn cấm dân truyền tụng văn hóa cổ, ngăn cấm dân ta phát triển kinh tế, và đập phá tất cả mọi công trình công nghiệp điển hình là gốm, lò luyện kim, lò đúc đồng trống đồng, đúc sắt. Dân Việt sợ, ai có đồ gốm và đồ đồng, trống đồng thì đem chôn dấu. May thay khảo cổ học đã lấy lên từ lòng đất những sự thật về văn hóa tiền sử và lịch sử nước nhà. Nghiên cứu tài liệu khảo cổ, đối chiếu với tài liệu sử học là việc làm có bằng chứng khoa-học vững vàng giúp chúng ta tìm hiểu nguồn gốc văn hóa dân tộc. Lịch sử văn hóa mỹ thuật dân tộc Việt-Nam cần được soi tỏ dưới ánh sáng khoa học một cách công-minh. Khác với lịch sử, sử gia có thẩm quyền ghi chép nhiều ít theo ý mình những sự việc xẩy ra, văn-hóa mỹ thuật lịch-sử cần những sự thật cụ thể được chứng-minh bằng khoa-học. Lịch-sử phụ thuộc sử gia, trong lúc văn-hóa mỹ thuật lịch-sử là công trình của tiền nhân để lại một cách đích thực, hiển nhiên, không thể chối cãi hay làm méo mó sự thật được. Văn hóa mỹ thuật lịch sử giúp tìm hiểu tâm lý, hoàn cảnh sống, nghệ thuật, trình độ tiến hóa, sinh hoạt gia đình làng xã, quan niệm hôn nhân. Thế cho nên văn hóa mỹ thuật là một khoa học lịch sử tuy khó khăn nhưng vô cùng sống động, quí báu và lý thú. Những cổ vật là vô tri, nhưng qua đó chúng ta có thể tìm hiểu được cách sống, tư tưỡng, cá tính, tinh thần tập thể, tình cảm, hoài bảo và tư tưởng triết thuyết trong cuộc sống vật chất và tinh thần của tiền nhân. Vì vậy có thể nào chấp nhận lịch sử văn-hóa nước nhà qua hành động và lời lẻ khinh bạc, dìm dập, xuyên-tạc của thực-dân ngoại lai Tây và tay sai trong nước của họ. Trở lại các thị tộc du mục Mông-Cổ, thủy tổ nhà Hán vượt sông Hoàng hà đến chiếm dần dà trung nguyên bao la rộng lớn mà lập nên nước Tàu vĩ đại. Nghề nông là do dân Bách-Việt làm từ lâu đời trước khi Mông-Cổ đến chiếm, họ tiếp tục làm. Vị tù trưởng Mông-Cổ lên ngôi đầu tiên xưng là Hoàng đế và biến dân Bách-Việt thành nô lệ chỉ được quyền làm nghề nông hay làm lính. Như vậy khi đến chiếm lục địa trung nguyên dân Mông-Cổ được thừa hưởng tài sản nông nghiệp của bao nhiêu đời Bách-Việt truyền lại. Tuy vậy xưa kia Hán tộc Mông-Cổ rất kỳ thị, khinh miệt và đối xử tàn ác với Miêu tộc Trung-Hoa, do đó mới sinh ra chế độ nô lệ man di. Dân nô lệ Bách-Việt thường chỉ được sống với nghề bản xứ, trồng trọt, đánh cá hay đánh giặc. Dân Hán là dân nắm chính quyền vẩn còn nhớ, yêu thích nghề du mục xưa, nên rất ưu thích săn bắn, làm thành một thú tiêu khiển cho hàng vương giả. Sau trận Trác-Lộc, lớp Bách-Việt thuộc hàng lãnh đạo bỏ chạy qua sông Dương-Tử giữ nước Xích-Quỉ. Rồi cũng lại bị nhà Hán đến đô hộ, và sự đô hộ kéo dài ngót 1.000 năm. Nhà Hán vừa chiếm Việt cổ họ thi hành ngay chính sách thực dân, thâu nạp không những của cải vật chất, mà họ còn rất chú trọng đến tài nguyên trí tuệ. Nhà Hán đã chiếm văn hóa tiền và sơ sử của Bách Việt trên lục địa Trung-Hoa từ trước. Nay lại chiếm luôn cả văn hóa sơ sử Việt-Nam của nước Lĩnh-Nam của Trưng Trắc từ Ðộng-Ðình-Hồ trở xuống miền Bắc và miền Trung Việt-Nam cổ. Họ có thâm ý làm cho người Trung-hoa gốc Bách-Việt và người Việt cổ quên hẳn quá khứ của giống nòi hầu dễ dàng buộc họ đồng hóa và chấp nhận rằng chính nhà Hán Mông-Cổ khai hóa ra Bách-Việt. Sự thật người Trung-quốc gốc Mông-Cổ bị đồng hóa với Bách-Việt. Và nhà Nguyên Mông-cổ và nhà Thanh Mãn-Châu sau nầy cũng lại bị Trung-Hoa đồng hóa luôn. Như vậy Mông-Cổ và Mãn Thanh đã bị man di Miêu tộc Bách-Việt đồng hóa thành Trung-Hoa. Như đã nói trên, người Tàu Mông-Cổ vốn có vật tổ là cọp trắng, và nhà cổ là nhà hình tròn gốc du mục nhưng khi họ thấy vật tổ Bách-Việt rồng phụng, và nhà cổ Bách-Việt mái cong, có vẻ đẹp tao nhã mỹ thuật, họ chiếm ngay văn hóa nhà cổ và rộng phụng Bách-Việt làm của họ và người mình không hề dám hé môi hay trăn trối với con cháu. Gần đây đào được trống đồng ở Vân-Nam, khảo cổ gia Tàu cũng tuyên bố ầm ỷ là trống đồng do Mã-Viện và Gia Cát Lượng sản xuất! Sao họ có thể quên Hậu Hán Thư quyển 14 ghi rõ: "Dân Giao-Chỉ có linh vật là trống đồng, nghe đánh lên họ rất hăng lúc lâm trận...." Chính vua Quang Võ nhà Ðông-Hán đã ra lệnh cho Mã Viện phải phá hủy trống đồng Bách-Việt của Trưng Vương. Vì thế trên đất Hoa Nam hiện tại là đất Việt cổ tìm thấy trống đồng là việc đương nhiên. Hậu Hán Thư quyển 14 chép: "Mã Viện là người thích cưỡi ngựa giỏi, biết phân biệt ngựa tốt. Lúc ở Giao-chỉ Viện lấy được trống đồng đem đúc ngựa...."

Posted Image

(hình chụp Hậu Hán Thư)

Mã Viện cũng đã phá trống đồng để đúc cột đồng trụ để chiếm cho chắc ăn phần đất từ Ðộng Ðình Hồ trở xuống Ải Nam Quan của nước Lĩnh-Nam. Và vì sợ dân Giao-Chỉ lấy cột đồng đúc trống và phá hủy biên giới do Mã Viện đề ra, nên Mã Viện ghi "Ðồng trụ chiết, Giao-Chỉ diệt" để dọa dân việt cổ. Nhưng rồi chắc là dân ta cũng đã lén lấy đồng trụ để đúc trống vì thiếu đồng, nên đồng trụ biến mất. Ngoài ra, vì cần đồng để đúc trống nên dân Việt thường đem vàng bạc ngọc ngà hạt trai, sản phẩm quí đồi lấy tiền đồng của người Hán. Trước đó chính bà Lữ Hậu vợ vua Thái Tổ nhà Hán là Lưu Bang đã ra lệnh cấm bán, đổi chác tiền đồng cho dân Giao-Chỉ. Riêng Mã Viện, từ khi thắng Trưng Vương, biết dân Giao-Chỉ coi trống đồng như là một linh vật giữ nước. Mã-Viện, có kinh nghiệm về việc Trưng Vương ra trận dùng trống đồng thúc quân, thấy uy lực trống đồng của Bách Việt rất lớn, giúp họ đánh giặc rất hăng. Việc đúc ngựa, đúc đồng trụ chỉ là cái cớ để tiêu hủy linh vật của Bách Việt mà thôi. Vậy ai dám bảo trống đồng do Mã Viện và Gia Cát Lượng đúc thì thật là xuyên tạc lịch sử mỹ thuật Việt Nam một cách trắng trợn. Nhân đây xin kể một trường hợp xuyên tạc, bình gốm Hoa Lam cổ, trưng bày ở viện bảo tàng Istambul, cách đây trên 50 năm Tàu và Nhựt tìm xem có thể là của họ không. Nhưng đến khi thấy niên hiệu ghi trên bình là niên hiệu vua Việt "Thái-hòa bát niên..., Bùi Thị Hi bút" (xem hình 6), người Hoa bèn bảo đó là ... của một ông thầy Tàu qua Việt Nam chơi, làm để lại.... Và họ cho Bùi Thị là một người nam, đọc là "Thái hòa bát niên Bùi Thị hí bút". Vào Thời kỳ đó người ta hoàn toàn chưa biết Việt Nam đã có lò gốm hoa lam rất sớm từ thế kỷ 12, 13 với màu xanh bản địa chứ không nhập cảng màu xanh tươi của Ba-Tư như Trung-Hoa.

Posted Image

Bình hoa lam chưng bày ở Istambul

Phải mất 30 năm sau, khi khảo cổ học Việt-Nam tìm thấy dấu tích nhiều lò nung gốm cổ hoa lam trên đất Bắc từ thế kỷ 12, 13 cùng những sản phẩm phế thải của lò và những gốm Việt-Nam cổ có hoa văn giống hoa văn trên độc bình ở Istambul, mới chứng minh đích thực bình cổ danh tiếng ở bảo tàng viện Istambul là của Việt-Nam do một phụ nữ là Bùi Thị Hi trang trí. Trở với dân du mục Mông-Cổ, họ sống bằng săn-bắn và du mục. Do đó họ không thể nào là những người đã phát sinh ra nền văn-hóa nông nghiệp. Và như thế họ cũng chẳng bao giờ có họ hàng và cần thiết có họ hàng với các ông Thần-Nông (người tài giỏi về làm ruộng), bà Nữ-Oa đội đá vá trời (tức là người tìm hiểu và kinh nghiệm nhiều về thời tiết giúp nhà nông làm ruộng). Dân du mục phải thường xuyên chống chọi với thú rừng, cũng như chống chọi với các đoàn du-mục khác, họ phải đấu tranh không ngừng. Vì thế họ là một chủng tộc mạnh, tài nghệ bắn cung, cưởi ngựa, đô vật, đâm chém của họ rất cao. Chính nhờ vào tài nghệ nầy mà họ đã thành công trong việc chiếm lục địa Trung-Hoa và chiếm Việt-Nam sau nầy. Giòng máu du mục buộc họ luôn sẵn sàng chiến đấu, từ đó nảy sinh giòng máu xâm lăng. Vả lại khí trời miền bắc lạnh, nên bản chất họ rất khỏe, họ rất sợ khí nóng ở miền nhiệt đới nông nghiệp mà họ coi là nơi âm phong chướng khí. Cũng vì lý do trên, người Trung-Hoa gốc Mông-Cổ không thể có các vị vua Thần-Nông "vua trồng-trọt xứ nóng" tức là vua Viêm-Ðế, cần thiết của nhà nông. Dân Bách-Việt hiền lành ở miền Nam lo nghề nông, không quen đánh giặc bị họ chiếm hết đất đai và văn hóa. Suốt trên hai nghìn năm chúng ta hầu như chỉ học cho biết rằng Việt Cổ là một đất nước vô văn hóa, man di, được nhờ Tàu Mông-Cổ khai hóa. Dầu rằng Tàu gốc Mông-Cổ không chứng minh được nguồn gốc văn hóa của họ. Như thế đủ thấy ảnh hưởng của việc bị đô hộ Tàu, kể cả Tây sau nầy, là nguy hiểm như thế nào!. Chính vì vậy mà LM Triết-Gia Kim-Ðịnh đã gia-công nghiên-cứu một triết-lý An-Việt và nói đến "... một nền văn hóa Việt-Nam cổ mồ côi..." . Nhưng văn-hóa tiền-sử Việt-Nam đã bị che dấu và cướp đoạt vì sức mạnh, chứ nhất thiết không hẳn là một văn hóa mồ côi. Văn-hóa Việt cổ có mẹ đẻ từ các nền văn hóa tiền sử Việt Nam, và đã sinh đứa con khổng lồ là nền văn-hóa siêu-việt Trung-Quốc. Chính văn-hóa Trung-Quốc lúc không nhận là con đẻ của văn-hóa Bách-Việt, là một văn-hóa mồ côi. Lúc Tưởng-Giới-Thạch ra lệnh nghiên cứu về văn hóa Trung-Hoa từ ngày nay trở về trước. Nhưng khi lên đến nhà Hán và thời Khổng-Tử, các nghiên cứu gia Trung-Hoa Dân-Quốc đành bỏ dở vì vấp phải nguồn gốc văn hóa Bách-Việt!. Với thực dân Pháp, trong vòng 80 năm đô hộ Việt-Nam, chúng đã lấy biết bao tài sản của đất nước ta đem về cất giữ và xây dựng đất nước họ, làm giàu Viện Bảo Tàng của họ (ví dụ đàn đá báu vật hiếm quí, nào 4 quyển sách trước tác của cụ Nguyễn Du, v.v. và v.v... Pháp cướp về nước tất). Tương lai gần chúng ta nhất định phải đòi lại tài sản bị cướp, đòi bồi thường và đòi Pháp phải xin lỗi dân tộc Việt Nam. Như đã nói trên trong thời gian bị thực dân Pháp đô-hộ, việc khảo-cổ trên đất nước ta chỉ dành độc quyền cho người Pháp. Chuyên gia và khảo cổ gia Việt-Nam có đóng góp công lao ý kiến cũng không được ghi lại. Người Pháp mà tiêu biểu là ông H. Mansuy đã có những phán đoán sai lạc, lập luận lầm lẫn về văn hóa mỹ thuật tiền sử và lịch sử Việt Nam. Trước những khám phá về văn hóa tiền sử và lịch sử Việt Nam, ông ta luôn có thành kiến rằng, bao nhiêu nền văn hóa xa xưa của Việt-Nam cổ từ thời tiền sử vốn chỉ là "... hàng nhập cảng...", "... hàng vay mượn... hàng thiên di, v.v... của phương Bắc hay phương Tây...." ! Từ trước, với phong cách thực dân khi Ông H. Mansuy khi nhìn thấy những viên gạch lót nền nhà cổ có hoa văn đẹp (xem hình gạch lót nhà có hoa văn), đào lên từ lòng đất, đã nói rằng: Ðây là gạch nhập cảng để làm bàn thờ chứ không thể lót nền nhà.

Posted Image

Posted Image

Posted Image

Hình 7, 8, 9

Ngày nay chúng ta đã tìm thấy nhiều lò gạch cổ sản xuất gạch có khắc hoa văn ở Bắc Hà, và đã đào được nền nhà lót gạch có hoa văn thời nhà Trần, ví dụ nền nhà có lót gạch hoa văn của Hưng Ðạo Vương tại Vạn Kiếp. Các nhà học giả về khảo cổ học khắp thế giới và Việt Nam đã chứng minh về tính chất bản địa của những nền văn hóa tiền sử xưa nhất và phát triển nhất trên đất nước Việt Nam mà đặc biệt là văn hóa Hòa Bình với sự ra đời sớm nhất thế giới của nông nghiệp lúa nước cũng như các nền văn hóa lịch sử sau nầy. Có những người Việt Nam mà đại diện là ông Nguyễn Văn Tốt đã đọc sách tây thực dân, sao chép lại nguyên văn làm sách "Introduction à lart ancien du Viêt Nam, 1er trimestre 1969", mặc dầu vào lúc thế giới đã cải chính trước rất lâu. Ông Trần Văn Tốt đã theo đúng luận điệu thực dân của H. Mansuy mà viết sai lạc về văn hóa Hòa Bình và văn hóa Bắc Sơn rằng: "Người Hòa-Bình có mặt trên đất nước Việt-Nam vào khoảng từ 5000 đến 3000 trước TC... coi như chưa biết gì về nông nghiệp và chăn nuôi, không biết gì gốm ..." ... "Ðá mài đã có vào thời Bắc-Sơn, nhưng ít được xử dụng." ; "... nghệ thuật đá mài có vai rất tiêu biểu cho văn-hóa tộc họ Auxtro asiatique, được dùng nhiều ở miền Trung Ðông Dương. Người ta đã cho là những rìu mài nầy đươc nhập cảng từ Tây-Tạng, Giang Nam bên Tàu, vì chúng nó cũng có ở Hoa-Nam, Ấn-Ðộ, Nhật-Bổn, Ðại-Hàn..." ; ... "và những dụng cụ đá mài hình dĩa là của văn-hóa Úc từ Tàu truyền xuống, v.v...." Than ôi! Thật vô cùng đáng trách! Ông Tốt đã sao chép lại y-nguyên những lập luận lầm lạc và vội vàng và đầy dẩy thành kiến đầu tiên của ông Mansuy mà bỏ qua mọi chứng minh khoa học xác đáng và mới mẻ hơn của các ông C.O. Sauer và W.G. Solheim, không biết với mục đích gì? Như thế phải chăng ông Tốt đã vô tình hay cố ý làm tay sai cho thực dân lỗi thời mà thế giới đã lên án!? Ông Tốt đã theo đuôi thực dân đưa ra một thứ suy luận hàm hồ, vì hể cứ thấy nơi nào có, thì tất là "...nhập cảng của nơi đó...", bất chấp cả thời gian nơi nào có trước, nơi nào có sau, và bất chấp cả nơi nào có tính cách sản xuất nghiệp vụ và nơi nào có tính cách tiêu thụ. Vậy thì ông Tốt viết sách về văn-hóa tiền sử Việt-Nam, phải chăng để tìm cách dìm dập thóa mạ tổ tiên mình hay là để nối giáo cho giặc?. Nhà học giả Sauer Hoa-Kỳ đã viết trong quyển Ðồng-Quê: "Ðúng là nông nghiệp đã tiến triển qua 2 giai đoạn, mà giai đoạn đầu là giai đoạn của văn-hóa Hòa-Bình (Bắc Việt), lúa nước đã được trồng cùng một lúc với củ môn nước (khoai sọ)." Ðến nay tất cả các nhà khảo cổ học, sử học Hoa-kỳ như các ông C. Sauwer, R. Somhein, Trương Quang Trực (Ông Trực là người Mỹ gốc Trung-hoa), ông Jorhman và học-giả Liên-Xô ông N. Vavilow đều công nhận: "Ðông-Nam-Á mà chủ đạo là Việt-Nam đã có một nền văn hóa tiền sử phát triển rất sớm sủa, tiên tiến và nhanh chóng, sáng tạo và sống động chưa từng thấy một nơi nào khác trên thế-giới." Chúng ta hãy nghe mấy dòng sôi nổi của ông C.O. Sauer viết trong quyển Agricultural Origins and Dispersals - Xuất bản ở New York: "Tôi đã chứng minh Ðông-Nam-Á là cái nôi của nền nông nghiệp xưa nhất. Và tôi cũng chứng minh rằng văn-hóa nông nghiệp có nguồn gốc gắn liền với đánh cá bằng lưới ở xứ này. Tôi cũng chứng minh rằng những động vật gia súc xưa nhất bắt nguồn từ Ðông-Nam-Á,và đây là trung tâm quan trọng của thế-giới về kỷ thuật trồng trọt và cải biến cây cối bằng cách tái sinh sản thực vật." Trước đây người ta vẫn ca tụng địa điểm văn-minh tân thạch khí ở vùng Tây-Á Tiểu-Á và cho rằng đây là một xứ nông-nghiệp xưa nhất thế-giới. Vì đã có những niên đại C14 lên đến thiên niên kỷ thứ VI, thứ VII. Việc phát hiện ra nền nông-nghiệp tại Hòa-Bình cách đây trên 10.000 năm đã làm cho thế giới rung chuyển, chao động. Như vậy trung tâm nông-nghiệp xưa nhất không còn là vùng Lưỡng Hà mà là Ðông-Nam-Á mà chủ đạo là Việt-nam. Việt-Nam đóng vai trò quan trọng nhất vì nơi đây là điểm phát xuất chính. Chúng ta hãy nghe lời bình luận xác đáng của ông W. G. SOLHEIM II đã viết từ năm 1967: "Tôi cho rằng khi chúng ta nghiên-cứu lại nhiều cứ liệu ở lục-địa Ðông-Nam-Á, chúng ta hoàn toàn có thể phát giác ra rằng việc thuần-thục-hóa cây trồng đầu tiên trên thế-giới đã được dân-cư Hòa-Bình (Việt Nam) hoàn thành vào khoảng 10.000 năm trước TC..." "... Rằng văn-hóa Hòa-Bình là văn-hóa bản-địa không hề chịu ảnh-hưởng của bên ngoài, đưa tới văn-hóa Bắc-Sơn (Việt Nam)..." "... Rằng miền Bắc và miền Trung lục địa Ðông-Nam-Á có những văn-hóa tiến bộ mà trong đó đã có sự phát triển của dụng cụ đá mài láng đầu tiên của Châu-Á, nếu không nói là đầu tiên trên thế giới và đồ gốm đã được phát minh..." "... Rằng không phải là sự thuần hóa thực vật đầu tiên như ông Sauer đã gợi ý và chứng minh mà thôi. Mà còn đi xa hơn, nơi đây đã cung cấp tư-tuởng về nông nghiệp cho phương Tây. Và sau nầy một số cây đã được truyền đến Ấn-Ðộ và Phi-Châu. Và Ðông-Nam-Á còn tiếp tục là một khu-vực tiền-tiến ở Viển-Ðông cho đến khi Trung-Quốc thay thế xung lực này vào nửa đầu thiên niên kỷ thứ 2 tr TC tức khoảng 1500 tr TC." (Nữa đầu thiên niên kỷ thứ 2 tr. TC tức khoảng 1500 sau khi Mông-Cổ chiếm lục địa Trung-Hoa non 1500 năm.) Như đã nói trên, Trung-quốc thừa hưởng văn hóa nông nghiệp phát triển nhờ dân Bách Việt còn lại trên hoa lục. Chính nhờ sự phát triển của những sắc dân Bách Việt nầy mà Trung quốc rộng lớn có đủ tư cách thay thế xung lực phát triển nông nghiệp Ðông Nam Á vào khoảng năm 1500 tr TC. Như vậy chứng tỏ chính dân Bách Việt tức Việt cổ dạy Tàu nông nghiệp chứ không phải ngược lại như Trần Trọng Kim đã viết trong Việt Nam Sử Lược. Chúng ta phải xúc động trước những lập luận rất vô tư, công bằng và rất khoa-học của Solheim II, cũng như rất xúc động trước nắm gạo bị cháy dở hóa thạch đã tìm thấy ở Ðồng-Ðậu Vỉnh-Phú có niên đại 5.500 năm trước TC tức cách đây 7.500 năm, nắm gạo nầy đã đươc thử nghiệm bằng carbone14 (xem hình nắm gạo cháy). Nắm gạo cháy dở của thời phát trịển trồng lúa nước nầy cũng chứng minh cho chúng ta rằng lúa nước đã được trồng từ rất lâu không ai biết được trước lúc nắm gạo bị cháy như ông Sauer đã cho rằng lúa nước đi đôi với nghề đánh cá.

Hình 10 (nắm gạo bị cháy dở)(thiếu hình)

Những sự kiện trên đây đã được công bố lên thế-giới từ lâu. Với C.O. Sauer chẳng hạn, trong quyển Agricultural Orgins and Dispersals, New-York- 1952, với Wilhelm G. Solheim trong quyển Southeast Asia and the West. Science vol. 157, 1967, p.899. Ít nhất là 3 năm trước thời gian mà ông Trần Văn Tốt xuất bản quyển «Introduction à lart ancien du Việt-Nam» bằng tiếng Pháp năm 1969. Chúng tôi nói ngay mặt ông Trần Văn Tốt rằng một trong các văn-hóa tiền sử Việt Nam, văn hóa Hòa-Bình của Việt Nam không phải là đứa con nuôi, con vay mượn, con hoang, hay con mồ côi, nó chính là con đẻ của văn-hóa Sơn-vi kéo dài từ rất xa xưa có thể lên đến 500.000 năm đến 25.000 năm tr TC. Thường người ta lấy một niên đại tượng trưng gần nhầt là 30.000 năm làm mốc trung gian. Và để tiếp tục cuộc đời, văn hóa Hòa Bình đã dẩn đưa nhanh chóng đến một nền văn-hóa nổi danh thế giới của Việt Nam là văn-hóa Bắc-Sơn. Và từ văn-hóa Bắc-Sơn đến các nền văn hóa Quỳnh Văn, Bầu Tró, Hoa Lạc, Phùng Nguyên, Gò Mun, Ðồng Ðậu và cuối cùng là Ðông-Sơn. Sự liên tục của các nền văn hóa luôn được duy trì bằng những chứng minh cụ thể. Thật vậy các nền văn-hóa Việt-Nam cổ ngày càng được tìm thấy là có những bước tiến mạnh mẽ, những nét phát triển huy-hoàng. Mãi cho đến thời Bắc-thuộc lần thứ I thì, văn hóa Ðông Sơn nước ta, bắt nguồn từ thời tiền sử, bị ngưng hẳn. Chính giặc Mông-Cổ là những người đã xâm lăng các nền văn hóa tiền sử và sơ sử Việt cổ từ trên đất Trung Nguyên cho đến Việt Nam. Họ lấy hết cả, vừa đất đai, vừa công trình, vừa công cụ, vừa con người, vừa những người thợ tài giỏi Việt cổ đem về Tàu để phát triển nên nền văn hóa siêu-việt của Trung-Hoa sau này. Ðồng thời cướp lấy, họ phá hoại, họ cấm cản mọi sự phát triển văn hóa địa phương của kẻ bị trị: trong suốt non 1000 năm đô hộ, họ đã cố tâm cướp đoạt, hủy hoại, cấm đoán, dìm dập và dấu diếm tất cả mọi vết tích, mọi hình thức phát triển của văn-hóa lịch-sử Việt-Nam. Lòng đất đã được phơi bày mọi sự thât. Chính sách vở và các học giả Trung Hoa hiện-đại cũng đã nhìn nhận những sự thật trên. Văn-hóa Việt-Nam bị tê liệt, bị biến mất do xâm lăng và cướp giựt của Trung-quốc. 1000 năm quá dài, con cháu không được truyền đạt, nên dần dà người Việt-nam tự cho là mình đã được người Tàu khai hóa như các sử gia Trần Trọng Kim và Ðào duy Anh nói trên, thật là hổ thẹn với tiền nhân thay!!. Từ rất sớm, năm 1932, tại Ðại Hội Nghị Quốc tế của các nhà khảo cổ tiền sử học Viễn đông, vấn đề văn-hóa Hòa-Bình nước ta đã được xác nhận một cách chính đáng. Vấn đề thực tiễn là nền văn hóa Hòa-Bình có mặt trên toàn thế giới. Nhưng điều quan trọng ở đây là nền văn-hóa nầy đã được tìm thấy ở Việt-Nam sớm hơn đâu cả, nghĩa là có trước những nơi khác trên thế giới và tìm thấy ở Hòa-Bình một làng nhỏ Việt Nam, ở vào một thời gian xa xưa nhất (cách đây trên 16.000) đối với các nơi khác trên thế-giới. Ðiều nầy có nghĩa là người Việt cổ tại Hòa-Bình Việt Nam đã làm nên nền văn-hóa Hòa-Bình trước nhất trong nhân loại. Nói một cách khác, người Hòa-Bình trên đất Việt-Nam đã có một thời văn minh xưa nhất thế-giới, đó là sự thật mà khoa khảo cổ học thế giới minh chứng và xác quyết. Thế nên khảo cổ học thế-giới đã lấy tên của một làng quê Hòa-Bình Bắc-Việt đặt tên cho nền văn-hóa nầy gọi là văn-hóa Hòa-Bình cho toàn thế giới (xem Encyclopédie d'Archéologie). Thế là Hòa Bình tại Việt-nam đã được coi là trung tâm văn minh tiền sử đầu tiên của nhân loại về nông nghiệp lúa nước và về công nghiệp đá. Chẳng những nền văn minh tiền sử nầy ngang hàng với Trung Mỹ và miền Lưỡng Hà về phương diện kỷ thuật. Một điểm rất đáng hảnh diện là: "Hòa Bình đã được thế giới xác nhận là trung tâm phát minh nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp cùng chăn nuôi gia súc đầu tiên trên thế giới." Trung tâm nông nghiêp cùng chăn nuôi đầu tiên trên thế giới tại Hòa-Bình Việt-Nam đã có trước vùng Lưỡng Hà đến 3000 năm. Như vậy thì còn điểm nào nghi ngờ rằng nơi nào nhập cảng nơi nào!. Hòa-Bình, trung tâm văn-minh nông nghiệp đầu tiên của nhân loại trên thế-giới, để rồi từ đó nền văn-minh trên được lan tràn khắp vùng Ðông-Nam-Á: Trung-Quốc, Nhựt-Bản, Mã-Lai, Thái-Lan, Ấn-Ðộ, v.v.... Mà ở Hòa-Bình là nơi sầm uất, giàu thinh hơn đâu hết và đã có vị vua Viêm Ðế (vua nóng tượng trưng cho mùa trồng trọt) tức là Thần-nông, người đã nghiên cứu dạy nghề nông và được tôn sùng như một vị vua, và bà Nữ-Oa là người đã nghiên cứu thời tiết nắng mưa, cùng các ngày lễ, ngày Tết phù hợp với mùa màng và sự nghỉ ngơi của người nông dân sau khi mùa đã thâu hoạch. Bà Nữ-Oa đã nghiên cứu thời tiết lúc gieo, lúc cấy, lúc gặt, mà dạy dân làm ruộng không thất mùa. Vì thế dân gian coi bà Nữ-Oa như một vị thần-linh có khả năng "lấy đá vá trời". Văn hóa tiền sử nước ta đã thu hút thế giới vào văn-hóa Hòa-Bình. Một trung tâm kinh tế sản xuất đầu tiên trên thế giới. Một trung tâm kỹ nghệ đá đầu tiên của nhân loại, trước rất xa văn hóa Lưỡng-Hà và Trung-Mỹ (Mexico hiện tại) đến cả 3 thiên niên kỷ. Bước tiến này nhảy vọt mạnh với văn-hóa Hòa-Bình, có lẻ một phần cũng nhờ ở biến cố thiên-nhiên là trận Ðại-hồng-thủy thế giới đã xẩy ra thời văn-hóa Hòa-Bình (sẽ nói rõ sau). Nói chung đó chỉ là một suy luận, nhưng thật chất là đã có sự phát triển liên tục và rõ ràng từ văn hóa Sơn-vi đến Hòa-Bình. Tiềm lực của văn-hóa Hòa-Bình là càng ngày càng đưa con người thích nghi nhu cầu sự sống với một cố gắng như là một cuộc cách mạng. Ðó là cuộc cách-mạng sinh-sống bằng kỷ-nghệ sản xuất công-cụ để bán đi khắp nơi cho thợ đá. Và dụng-cụ nông nghiệp đá cho người dùng. Với nhu cầu sản xuất nông nghiệp mới nầy, tất nhiên kỷ-nghệ đồ đá phải phát triển. Văn-hóa Hòa-Bình là văn hóa đá giữa, nên nó có một ảnh hưởng sâu rộng về nghệ thuật đá mới. Vì chính nơi đây, Hòa-Bình, trên đất nước Việt cổ, là điểm phát xuất ra nhũng nền văn hóa thuộc nền cách mạng đá mới của các nước Trung-quốc, Nhật-Bản, Philippine, Indonêsia, Mã-đảo và cả miền Ðịa-Trung-Hải, v.v.... Chính vì vậy, Việt-Nam chính là trung tâm cách mạng sản-xuất đá mới đã được thế giới khẳng định. Có rất nhiều tầng văn hóa của các nước trên thế giới thuộc văn-hóa Hòa-Bình nhưng trẻ trung hơn, tức ra đời sau hơn nhiều, so với Hòa-Bình, đã được nghiên cứu đến và đều được qui về văn-hóa Hòa-Bình. Thế giới đã khẵng định rằng trong những nền văn hóa ấy không hề có thuật chế tạo đá sỏi như ở Việt-Nam. Ðá sỏi hay đá cuội là lỏi đá rất cứng. Với đá nầy chế tác ghè đẻo rất khó. Nhưng không có công cụ bằng đá sỏi, thợ đá không làm nghề đục dẻo gọt dủa mài đá được. Vậy nên chỉ có thợ làm công cụ bằng đá sỏi mới làm nên dồ nghề bán cho thợ đá làm việc chế tác nên dụng cụ đá cho mọi người xử dụng. Thời gian, mưa gió và ánh nắng mặt trời đã làm tan vở rồi bào mòn và tẩy sạch những tảng đá lớn. Hạt nhân đá còn lại có độ cứng rất cao gọi là đá sỏi hay đá cuội. Chế tạo những hòn đá cứng nầy rất khó khăn. Nhưng người ta cần những rìu đá, búa đá, dao đá bằng đá sỏi mới có thể sản xuất ra những rìu, búa, dao, cày đá bằng đá tảng mềm hơn cho người nông dân. Ghè đẻo trên đá sỏi cứng rất khó, nhưng rất cần thiết. Vì những công cụ bằng đá sỏi cứng dùng để chế ra các công cụ đá tảng dễ dành hơn. Chỉ ở Hòa-Bình mới có nghệ thuật chế tác đá sỏi cứng, với số lượng rất cao, dùng để bán đi khắp nơi cho thợ đá chế tạo những dụng cụ bằng đá. Thợ đá dùng công cụ đá sỏi cứng của Hòa Bình mà chế tác các dụng cụ nông nghiệp đá tảng mềm hơn đá sỏi. Khắp nơi trên địa cầu có rất nhiều học trò về chế tạo đá của các bậc thầy đá Hòa-Bình Việt-Nam. Ðiều nầy chứng minh rõ ràng là chỉ trong nền văn-hóa Hòa-bình tại Việt-Nam mới có việc sản xuất công cụ đá cứng cho người thợ đá xử dụng như là dụng cụ chế tạo đá. Vậy còn ai hoài nghi Hòa-Bình không phải là trung-tâm đẻ ra nghiệp vụ đá cho nhiều quốc-gia trên thế-giới. Văn-hóa Hòa-Bình là một nền Văn-hóa cách mạng ra đời trước văn-hóa Bắc-Sơn, và như trên đã nói, lẽ dĩ nhiên trước Ðông-Sơn rất lâu, ít nhất đến cả từ 6.000 đến 8.000 năm. Và chính Hòa-Bình là mẹ đẻ ra nền văn hóa nổi danh Bắc Sơn và sau nầy là văn hóa Ðông-Sơn rực rỡ huy hoàng. Văn-hóa Ðông-Sơn kéo dài cho tới khi Tàu qua chiếm nước ta lần đầu tiên thì ngừng hẳn. Ðiều nầy chứng minh rõ ràng Tàu đã đến cướp mất, phá hoại, cấm chỉ sự phát triển văn hóa của nước Việt cổ. Rõ ràng cũng nhờ cướp bóc lỏi cốt văn hóa Bách-Việt cộng với sự giàu mạnh của cải và quân lực mà văn hóa Trung-Hoa tiến nhanh sau nầy. Thật vậy, nhờ vào khảo cổ học mà mọi bí ẩn của tiền sử đã được làm sáng tỏ. Và thế giới đã công nhận Việt-Nam, tiêu biểu là văn hóa Hòa-Bình mà tên tuổi đã được thế-giới-hóa (Encyclopédie d'Archéologie), đã được thế giới xác nhận là nơi có một nền nông nghiệp lúa nước và công nghiệp đá xưa nhất thế giới. Có thể vì văn hóa Hòa-Bình nằm vào thời điểm của trận Ðại-hồng-thủy cách đây từ 17.000 năm đến 6.000. Cuộc Ðại-hồng-thủy nầy bao gồm cả thế giới, theo đó chắc nó ăn khớp và trùng hợp với cuộc Ðại-hồng-thủy đã được diễn tả trong Cựu Kinh Ước của đạo Do Thái và Ðạo Công Giáo. Vì vậy theo khoa học, rõ ràng trước và sau Ðại-hồng-thủy loài người đã có mặt thậm lâu trên miền Ðông-Nam-Á, mà quan trọng là tại Việt Nam. Sau vụ đại hồng thủy nầy, nơi trên thế giới nguy hại nhiều nhất, chính là Lục Ðịa Ðông-Nam-Á. Vì một phần đất lớn của miền nầy đã sụp xuống biển, mở rộng thêm Thái-bình-dương. Xét theo thềm lục địa Ðông-Nam-Á, các nhà khảo cổ nhận thấy Ðại-hồng-thủy lên và lui rất chậm chạp, vì thế không xẩy ra tai nạn chết người tập thể. Và như vậy số người đã sống trên bình nguyên Ðông-Nam-Á cũ mà nay là biển đã di tản nguyên vẹn ra khắp các lục địa Ðông-Nam-Á, và Úc-Châu còn lại. Có lẽ đó là lý do chính của sự hỗn hợp nhiều chủng tộc trên miền Ðông-Nam-Á. Phần đất còn sót lại sau Ðại-hồng-thủy trở nên quá ít đối với số dân sống bằng hái lượm trước kia. Do đó vấn đề cần thiết cho sự sinh sống của người Ðông-Nam-Á mà trong đó người Bách-Việt cổ là căn bản là đi tìm thức ăn. Người Bách-Việt cổ đã di tản lên chốn cao nguyên tức là lục địa Bách-Việt cổ mà nay là miền Nam Trung-Hoa và đồng bằng Bắc-Việt và thẳng đến miền duyên hải Trung-Việt (vùng Quảng-Trị Quảng-Hóa tức là Thừa-Thiên). Người Việt cổ bắt buộc phải nghỉ đến cách làm tăng số lượng thực phẩm cần thiết để sinh sống mà trước đây họ chỉ cần tìm thấy dễ dàng trong thiên-nhiên. Ðây có lẽ là nguyên nhân phát triển nghề nông của các chủng người đã di tản đến Ðông-Nam-Á mà chủ yếu là Việt-Nam cổ. Trên đây tôi đã dẫn những cứ liệu lịch sử về văn hóa Hòa-Bình với mục đích xóa tan những luận điệu và nhận xét sai lạc của thực dân Tây và Tàu; đồng thời cũng để trình bày một cách tương đối sơ lượt, một khía cạnh nào đó sự nghiệp lớn lao của tổ tiên chúng ta: hiện tại thế giới đã công nhận rằng nước Việt Nam chúng ta đã có một nền nông nghiệp lúa nước và một nền công nghiệp đá đã từng phát triển rực rỡ và xưa nhất thế giới. Vậy mà bao nhiêu trăm năm nay đất nước chúng ta phải trải qua biết bao gian truân, đói khó, xâm lăng, huynh đệ tương tàn. Ðến nổi con cháu mờ mịt cả mắt mũi không còn thấy gì về tiền nhân, không còn biết gì đến công lao sự nghiệp của tổ tiên. Ðồng thời con cháu cũng đã để ngoại bang hiểu lầm về sự nghiệp của các Vị. Vậy mà hiện tại người dân Việt phải đói khổ, phải nghèo nàn, phải đau thương, phải chậm tiến một cách man rợ. Thật là một điều vô cùng tủi nhục cho thân phận con người Việt-Nam. Thôi thì, tục ngữ ta vốn có câu "Mấy ai giàu ba họ, mấy ai khó ba đời". Ngày xưa Việt-Nam vượt hẳn các nước Ðông-Nam-Á và nhiều nước khác trên thế giới, vinh thật là vinh. Ngày nay chúng ta trở lại thua kém tất cả thì nổi nhục ấy quả nhiên là lớn lao. Chung quy cũng vì tham ô nhũng nhiễu từ thời Việt-Nam Cộng-Hòa cho đến ngày nay càng ngày càng quá quắt. Vậy, chúng ta chỉ còn cầu mong hết nhục ắt sẽ có ngày vinh quang. Chúng ta hãy đầy lòng tin tưởng cho ngày mai. Sau cơn sáng trời lại mưa, thì ắc sau cơn mưa trời lại sáng. Chúng ta phải tin tưởng như vậy. Chúng ta sẽ không tự mãn hả hê trước những thành tựu về học hành thi cử hay nghề nghiệp của con em trên đất khách. Vì đó chỉ là chuyện đương nhiên, mà trái lại chúng ta phải tự kiểm điểm những thiếu sót, những mất mát lớn lao cho thế hệ trẻ về phương diện văn hóa dân tộc. Chúng ta phải có bổn phận vun trồng mầm móng văn hóa Bách-Việt nước nhà lên lòng non dân tộc hải ngoại. Ðó tất nhiên phải là điều khó khăn, chúng ta có thể bỏ công lao mồ hôi nước mắt, nghị lực thời gian làm việc hữu ích cho hậu duệ chúng ta; hơn là ngày đêm ganh tương tị hiềm, kình địch, châm biến, chia rẽ, đua nhau bịa đặt bôi nhọ kẻ nào có gì hơn mình chút đỉnh. Những hành động đó chẳng những đã biến dần dân lưu vong thành một sắc dân mất gốc vô văn hóa, vô cội nguồn. Hơn nữa nó còn biến một số người Việt đông đúc lưu vong kém cỏi về kiến thức văn hóa và nhân phẩm con người (tiền bạc, khoa bảng, bằng cấp không có nghĩa là có văn hóa) thành man di đúng như tên mà người Trung-Hoa đặt cho dân tộc ta trước đây vậy. Các dân tộc khác như Trung-hoa, Nhật-bản, Do-Thái... Họ âm thần đoàn kết với nhau để bảo tồn và xây dựng lại nền văn hóa dân tộc, đi tiền phong khó khăn vất vả cho đến đạt mục đích thiết thực và họ đã thành công. Các dân tộc ấy là những tấm gương sáng giúp chúng ta trong nổ lực làm phát triển văn minh tinh thần tức văn hóa truyền thống của tổ tiên Việt. Niềm tin sẽ trở nên hiện thực hay không trong một ngày mai hậu gần gũi cũng do ở những hành động sâu ẩn trong mối ưu tư văn hóa dân tộc của mổi một người trong chúng ta. Ðể cầu chúc cho bước tiến văn hóa ở tương lai gần của dân Việt, chúng tôi xin kính hiếu chút tình cảm lên trước bao công trình của tổ tiên chúng ta suốt từ thời tiền sử đến nay. Chúng tôi xin mượn câu nói của nhà văn hào Jean Valery: "Hỡi tâm hồn cao cả, đã đến lúc mà Người cần được mặc chiếc áo xinh đẹp xứng đáng với cơ thể của người."

Bác-sĩ Tiến-sĩ Nguyễn Thị Thanh

Share this post


Link to post
Share on other sites

Rất tiếc - Giáo sư Trần Quang Vũ mất sớm. Nếu không Thiên Sứ tôi và ông sẽ hợp tác và chứng minh về một nền văn minh huyền vĩ của nhân loại qua chính Âm lịch phương Đông - và tất nhiên nó không phải của Tàu mà thuộc về nền văn hiến huyền vĩ Việt một thời lững lẫy ở Nam Dương Tử.

Nếu có ai hiểu biết về Vật lý thiên văn thì Thiên Sứ tôi xin gợi ý rằng:

Sự tồn tại của những chu kỳ thiên văn được tính bằng hàng chục Thiên Niên kỷ chứng tỏ điều này.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tư liệu dưới đây là bài viết trên tuvilyso.com do NhapMon đưa lên . Tác giả bài viết là ông Trần Đại Sỹ - nhà khoa học Việt trên đất Pháp. Nội dung bài viết nói về một công trình nghiên cứu của ông về cổ sử Việt qua phương pháp xét nghiệm ADN là một phương pháp khoa học hiện đại nhất . Xin chép lên đây để quí vị tham khảo.

Thử tìm lại biên giới cổ của Việt-Nam:

bằng cổ sử, bằng triết học, bằng di tích và hệ thống ADN.

Bác-sĩ Trần Ðại-Sỹ.

Giám đốc Trung-quốc sự vụ, viện Pháp-á

Chúng tôi xin giới thiệu với độc giả Việt-Nam bài diễn văn của Giáo-sư Trần Đại-Sỹ đọc trong dịp khai giảng niên khóa 1991-1992 tại Viện Pháp-Á (Institut Franco-Asiatique viết tắt là IFA). Nguyên văn bằng tiếng Pháp, đây là bản dịch tiếng Việt của Tăng Hồng Minh. Trong dịp khai giảng niên học này, IFA đã mời một số đông các học giả, trí thức và ký giả tham dự. Sau bài diễn văn, có cuộc trao đổi rất thú vị.

Xin nhắc lại, trong khoảng thời gian 1977-1992, tác giả làm việc cho Liên-hiệp các viện bào chế châu Âu (Coopérative Européenne Pharmaçeutique, viết tắt là CEP) và Ủy-ban trao đổi y học Pháp-Hoa (Commité Médical Franco-Chinois viết tắt là CMFC), nên đã được các đồng nghiệp giúp đỡ, dùng hệ thống ADN để tìm lại nguồn gốc dân tộc Việt-Nam.

Chính với công trình nghiên cứu của tác giả trong thời gian 1977-1991, dùng hệ thống ADN phân biệt dân-tộc Trung-hoa, dân tộc Việt-Nam...đã kết thúc cuộc tranh cãi 90 năm qua biên giới cổ của Việt–Nam. Kết luận về nguồn gốc dân tộc Việt-Nam bằng khoa ADN đi ngược lại với tất cả các thuyết từ trước đến giờ. Các thuyết này khẳng định người Việt do người Hoa di cư xuống để trốn lạnh, để tỵ nạn v.v. Nhưng ADN cho biết chính người ở vùng Đông Nam Á đã đi lên phương Bắc thành người Hoạ

Sau khi bài diễn văn này phổ biến (1991), có một số "học giả" vì không theo kịp đà tiến hóa của khoa học, đã lên tiếng chỉ trích chúng tôị Biết rằng họ dốt nát quá, muốn giải thích cho họ, họ phải có một trình độ nào đó... vì vậy chúng tôi không trả lờị Phần nghiên cứu của chúng tôi quá dài, quá chuyên môn. Độc giả muốn tìm hiểu thêm có thể đọc công trình nghiên cứu dưới đây:

J.Y.CHU, cùng 13 nhà bác học Trung-quốc cũng nghiên cứu Di-truyền học ADN (DNA), công bố năm 1998: The Nation Academy of Sciences, USA, Vol.95 issue 20, ngày 29 tháng 7 năm 1998. Tài liệu khẳng định rằng nguồn gốc người Trung-hoa, Đông Á, do người Đông-Nam-á đi lên, chứ không phải do người Trung-hoa di cư xuống.

Về bài diễn văn này, từ năm 1991, có rất nhiều bản dịch sang nhiều thứ tiếng, đăng trên nhiều báo khác nhaụ Mỗi dịch giả lại tự ý lược đi, đôi khi cắt mất nhiều đoạn. Nay chúng tôi xin dịch nguyên bản, đầy đủ. Vì vậy độc giả thấy có nhiều đoạn quá chuyên môn, xin lướt quạ

Trong khi diễn giả trình bầy, ông có ngắt ra nhiều đoạn, để thính giả thảo luận. Các bài trích đăng trước không ghi phần nàỵ Để độc giả dễ theo dõi, cô Tăng Hồng Minh (THM) ghi chép, chú giải đặt ngay dưới đoạn liên hệ, thay vì ghi ở cuối bàị

Khi xuất bản lần thứ nhất², bộ Anh-hùng Bắc-cương của giáo-sư Trần, chúng tôi có cho trích một phần bài này in vào cuối quyển 4. Nay chúng tôi công bố toàn bộ tài liệu, lấy làm tài liệu chính thức và phủ nhận tất cả những bản do nhiều nơi phổ biến trước đâỵ

Paris ngày 10-10-2001

Sở tu thư, viện Pháp-Á

SƠ TẦM VỀ TỘC VIỆT

Năm lên năm, tôi học chữ Nho, một loại chữ của Trung-quốc, nhưng dùng chung cho hầu hết các nước vùng Á-châu Thái-bình dương (ACTBD). Thầy khai tâm của tôi là ông ngoại tôị Ông tôi là một đại thần của triều đình Ðại-Nam (tức Việt-Nam).

Chế độ phong kiến của nước tôi đã chấm dứt từ năm 1945, hiện (1991) vị Hoàng-đế cuối cùng của Ðại-Nam là Bảo Ðạị Ngài vẫn còn sống ở quận 16 Paris.

Năm lên sáu tuổi, tôi được học tại trường tiểu học do chính phủ Pháp mở tại Việt-Nam. Thời gian 1943-1944 rất ít gia đình Việt-Nam còn cho con học chữ Nhọ Bởi đạo Nho cũng như nền cổ học không còn chỗ đứng trong đời sống kinh tế, chính trị nữạ Thú thực tôi cũng không thích học chữ Nho bằng chơi bi, đánh đáọ Nhưng vì muốn làm vui lòng ông tôi mà tôi học. Hơn nữa học chữ Nho, tôi có một kho tàng văn hóa vĩ đại để đọc, để thỏa mãn trí thức của tuổi thơ. Thành ra tôi học rất chuyên cần. Các bạn hiện diện nơi đây không ít thì nhiều cũng đã học chữ Nho đều biết rằng chữ này học khó như thế nàọ Nhưng tôi chỉ mất có ba tháng đã thuộc làu bộ Tam tự kinh, sáu tháng để thuộc bộ Ấu-học ngũ ngôn thị Năm bẩy tuổi tôi được học sử, và năm chín tuổi bị nhét vào đầu bộ Ðại-học.

Chương trình giáo dục cổ bắt học sinh học hai loại sử. Bắc-sử tức sử Trung-quốc. Nam sử tức sử của Việt-Nam. Tôi được học Nam sử bằng chữ Nho, đồng thời với những bài sử khai tâm bằng chữ Quốc ngữ vào năm bảy tuổị Thời điểm bấy giờ bắt đầu có những bộ sử viết bằng chữ Quốc ngữ, rất giản lược, để dạy học sinh; không bằng một phần trăm những gì tôi học ở nhà. Thầy giáo ở trường Pháp biết tôi là cái kho vô tận về sử Hoa-Việt, nên thường bảo tôi kể cho các bạn đồng lớp về anh hùng nước tôị Chính vì vậy tôi phải lần mò đọc những bộ sử lớn viết bằng chữ Hán như:

Ðại-Việt sử ký toàn thư (ÐVSKTT),

An-Nam chí lược (ANCL),

Ðại-Việt thông-sử (ÐVTS),

Khâm-định Việt sử thông giám cương mục (KÐVSTGCM),

Ðại-Nam nhất thống chí (ÐNNTC).

Ðại cương mỗi bộ sử đều chép rất giản lược về nguồn gốc dân tộc Việt-Nam sau:

Vua Minh cháu bốn đời vua Thần-Nông, nhân đi tuần thú phương nam, đến núi Ngũ-lĩnh, kết hôn với một nàng tiên hạ sinh một con trai tên Lộc-Tục. Vua lập đài, tế cáo trời đất, phong cho con trưởng làm vua phương Bắc, tức vua Nghi, phong con thứ là Lộc-Tục làm vua phương Nam. Ngài dạy hai thái tử rằng:

« Nghi làm vua phương Bắc, Tục làm vua phương Nam, lấy núi Ngũ-lĩnh làm cương giớị Hai người làm vua hai nước nhưng vốn cùng gốc ở ta, phải lấy điều hiếu hoà mà ở với nhaụ Tuyệt đối Nam không xâm Bắc, Bắc chẳng chiếm Nam. Kẻ nào trái lời, sẽ bị tuyệt tử, tuyệt tôn ».

Xét triều đại Thần-Nông, khởi từ năm 3118 trước Tây lịch, đến đây thì chia làm hai:

1. Thần-Nông Bắc.

Vua Nghi (2889-2884 trước Tây lịch)

Vua Lai (2843-2794 trước Tây lịch)

Vua Ly (2795-2751 trưước Tây-lịch)

Vua Du-Võng (2752-2696 trước Tây-lịch).

Ðến đây triều đại Thần-Nông Bắc chấm dứt, đổi sang triều đại Hoàng-đế từ năm giáp Tý (2697 trước Tây-lịch). Các nhà chép sử Trung-quốc lấy thời đại Hoàng-đế làm kỷ nguyên. Trong bộ Sử-ký, Tư-mã Thiên khởi chép quyển một là Ngũ-đế bản kỷ, coi Hoàng-đế là Quốc-tổ Trung-quốc, không chép về thời đại Thần-Nông.

2. Triều đại Thần-Nông Nam.

Thái-tử Lộc-Tục lên làm vua năm Nhâm-Tuất (2879 trước Tây-lịch) hiệu là Kinh Dương, lúc mười tuổị Sau người Việt lấy năm này làm kỷ nguyên lập quốc. Nếu cộng chung cho đến nay (1991) là 4870 năm, vì vậy người Việt tự hào rằng đã có năm nghìn năm văn hiến. (1)

[Nội dung bài diễn văn hôm nay, tôi chỉ bàn đến diễn biến chính trị, lịch sử, văn hóa, địa lý của dân tộc -Trung-hoa, và dân tộc Việt-Nam trong khoảng thời gian 4870 năm từ năm 2879 trước Tây-lịch cho đến năm nay 1991. Còn như đi xa hơn về những thời tiền cổ, thời đồ đá, đồ đồng, đồ sắt, quá phức tạp, quá dài, tôi không luận đến ở đâỵ]

Xét về cương giới cổ sử chép:

« Thái-tử Lộc-Tục lên ngôi lấy hiệu là Kinh Dương (2), đặt tên nước là Xích-quỷ, đóng đô ở Phong-châu nay thuộc Sơn-Tâỵ Vua Kinh Dương lấy con gái vua Động-đình là Long-nữõ đẻ ra Thái-tử Sùng-Lãm. Thái-tử Sùng-Lãm lại kết hôn với công chúa Âu-Cơ con vua Đế-Lai (3). Khi vua KinhĐương băng hà thái-tử Sùng-Lãm lên nối ngôi vua, tức vua Lạc-Long, đổi tên nước là Văn-Lang. Nước Văn-Lang Bắc tới hồ Động-đình, Nam giáp nước Hồ-tôn, tây giáp Ba-thục, đông giáp biển Đông-hảị)

Cổ sử đến đây, không có gì nghi ngờ, nhưng tiếp theo lại chép:

« Vua Lạc-Long lấy công chúa Âu-Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nở ra trăm con. Ngài truyền cho các hoàng tử đi bốn phương lập ấp, tổ chức cai trị giáo hóa dân chúng. Mỗi vị lập một ấp theo lối cha truyền con nốị

Hoàng-tử thứ nhất tới thứ mười lập ra vùng hồ Ðộng-đình. (Nay là Hồ-Nam, Quý-châu, Trung-quốc.)

Hoàng-tử thứ mười một tới thứ hai mươi lập ra vùng Tượng-quận. (Nay là Vân-Nam và một phần Quảng-Tây, Tứ-xuyên thuộc Trung-quốc.)

Hoàng-tử thứ ba mươi mốt tới bốn mươi lập ra vùng Chiêm-thành. (Nay thuộc Việt-Nam, từ Thanh-hóa đến Ðồng-naị)

Hoàng-tử thứ bốn mươi mốt tới năm mươi lập ra vùng Lão-quạ (Nay là nước Lào và một phần Bắc Thái-lan.)

Hoàng-tử thứ năm mươi mốt tới sáu mươi lập ra vùng Nam-hảị (Nay là Quảng-đông, và một phần Phúc-kiến, Trung-quốc.)

Hoàng-tử thứ sáu mươi mốt tới bảy mươi lập ra vùng Quế-lâm. (Nay thuộc Quảng-tây, Trung-quốc.)

Hoàng-tử thứ bảy mươi mốt tới tám mươi lập ra vùng Nhật-nam. (Nay thuộc Việt-Nam từ Nghệ-an tới Quảng-bình.)

Hoàng-tử thứ tám mươi mốt tới chín mươi lập ra vùng Cửu-chân. (Nay thuộc Việt-Nam từ Ninh-bình tới Thanh-hóa, Nghệ-an, Hà-tĩnh.)

Hoàng tử thứ chín mươi mốt tới một trăm lập ra vùng Giao-chỉ. (Nay là Bắc Việt-Nam và một phần tỉnh Quảng-tây, Vân-Nam thuộc Trung-quốc.)

Ngài hẹn rằng: Mỗi năm các hoàng-tử phải về cánh đồng Tương vào ngày Tết, để chầu hầu phụ mẫu ».

Một huyền sử khác lại thuật:

Vua Lạc-Long nói với Âu-Cơ rằng: « Ta là Rồng, nàng là loài Tiên ở với nhau lâu không được. Nay ta đem năm mươi con xuống nước, nàng đem năm mươi con lên rừng. Mỗi năm gặp nhau tại cánh đồng Tương một lần »

Các sử gia người Việt lấy năm vua KinhĐương lên làm vua là năm Nhâm-tuất (2879 trước Tây-lịch), nhưng không tôn vua KinhĐương với Công-chúa con vua Ðộng-đình làm Quốc-tổ, Quốc-mẫu, mà lại tôn vua Lạc-Long làm Quốc-tổ và Công-chúa Âu-Cơ làm Quốc-mẫụ Cho đến nay Quý-vị hỏi trăm người Việt ở hải ngoại rằng tổ là ai, họ đều tự hào:

« Chúng tôi là con Rồng, cháu Tiên.

Quốc-tổ tên Lạc-Long, Quốc-mẫu tên Âu-Cơ ».

Chủ đạo của tộc Việt bắt nguồn từ niềm tin nàỵ

3. Triều đình, dân tộc.

Tôi đã trình bầy với Quý-vị về hai triều đại đầu tiên cai trị vùng Á-châu Thái-bình dương: Phía Bắc sông Trường-giang sau thành Trung-quốc. Phía Nam sông Trường-giang tới vịnh Thái-lan, sau thành Ðại-Việt.

Hai triều đại Thần-Nông Nam-Bắc cai trị dân chúng:

Không có nghĩa là dân chúng cùng một chủng tộc;

Không có nghĩa là tộc Hoa, tộc Việt là một;

Cũng không có nghĩa tất cả dân chúng tộc Hoa, tộc Việt đều là huyết tộc của vua Thần-Nông.

Trung-quốc, Ðại-Việt là anh em về phương diện chính trị. Giòng Thần-Nông cai trị vùng đất Trung-quốc, Ðại-Việt là anh em, nhưng dân chúng không hoàn toàn là anh em. Dân chúng hai nước bao gồm nhiều tộc khác nhau như Mongoloid, Malanésien, Indonésien, Australoid, và cả Négro-Australoid...v.v.

Người Hoa, người Việt nhân triều đại Nam-Bắc Thần-Nông tổ chức cai trị, lập thành nước, mà tôn làm tổ mà thôị Chứ hai vùng hồi đó có hàng nghìn, hàng vạn bộ tộc khác nhau, ngôn ngữ khác nhau, văn hóa khác nhaụ

Sau này các văn nhân người Hoa ở vùng lưu vực Hoàng-hà, lưu vực sông Hán, nhân có chữ viết, lại không đi ra ngoài, rồi tưởng tượng mà viết thành sách, tự cho mình là con trời, tự trời mà xuống; sau đó đem văn minh, truyền bá ra khắp thế giới (Thiên-hạ), người sau lấy làm chủ đạo của họ. Tôi sẽ bàn đến ở dướị

Tôi xin cử một tỷ dụ, để Quý-vị nhìn rõ hơn. Ông Washington là vị Tổng-thống đầu tiên lập ra nước Hoa-kỳ, chứ ông không phải là tổ của các sắc dân đến từ châu Phi, châu Âu, cũng như dân bản xứ. Hai vị vua Nghi, vua Kinh Dương không phải là tổ huyết tộc của người Hoa, người Việt. Hai ngài chỉ là tổ về chính trị mà thôị

IỊ CHỦ ÐẠO TRUNG QUỐC, VIỆT-NAM.

Như Quý-vị đã thấy, mỗi dân tộc đều có một chủ đạo, cùng một biểu hiệụ Người Pháp cho rằng tổ tiên là người Gaulois, con vật tượng trưng là con gà trống. Người Anh lấy biểu hiệu là con sư-tử. Người Hoa-kỳ lấy biểu hiệu là con chim ưng. Người Trung-hoa lấy biểu hiệu là con Rồng. Người Việt lấy biểu hiệu là con Rồng và con chim Âụ Gốc biểu hiệu này lấy từ huyền sử vua Lạc-Long là loài rồng, công-chúa Âu-Cơ là loài chim.

Người Do-thái họ tự tin rằng họ là giống dân linh, được Chúa chọn. Vì vậy, sau hai nghìn năm mất nước, họ vẫn không bị đồng hóạ Khi tái lập quốc, với dân số bằng một phần trăm khối Ả-rập, nhưng họ vẫn đủ khả năng chống với bao cuộc tấn công để tồn tạị Ðó là nhờ niềm tin họ thuộc sắc dân được Chúa chọn.

Tôi xin nói rõ về chủ đạo của Trung-quốc và Việt-Nam. Như Quý-vị đều biết, hiện Trung-quốc, Việt-Nam đều là những nước theo chủ nghĩa Cộng-sản, đặt căn bản trên thuyết của Karl Marx, Friedrich Engels. (Lược một đoạn/ Thiên Sứ)

Con rồng Trung-quốc mà Hoàng-đế Napoléon bảo rằng hãy để nguyên cho nó ngủ. Bằng như nó thức dậy, nó sẽ làm rung chuyển thế giớị Thưa Quý-vị, con rồng Trung-quốc đã thức dậy rồi, nhưng nó chưa làm rung động thế giới!

1.- Chủ đạo của Trung-quốc.

Người Hoa thì tin rằng mình là con trờị Cho nên trong các sách cổ của họ,ï vua được gọi là Thiên-tử, còn các quan thì luôn là người nhà trời xuống thế phò tá cho vuạ Chính niềm tin đó cùng với văn minh Hoa-hạ, văn minh Nho-giáo đã kết thành chủ-đạo của họ.

Cho nên người Hoa dù ở đâu, họ cũng có một tổ chức xã hội riêng, sống với nhau trong niềm kiêu hãnh con trờị Cho dù họ lưu vong đến nghìn năm họ cũng không bị đồng hóa, không quên nguồn gốc.

Cũng chính vì vậy, mà từ một tộc Hoa nhỏ bé ở lưu vực sông Hoàng-hà, họ đánh chiếm, đồng hóa hàng nghìn nước xung quanh, và nước của họ rộng lớn như ngày naỵ Hầu hết những nước khác đến cai trị họ, đều bị họ đồng hóạ Mông-cổ, Mãn-thanh bị đồng hóa, bị mất hầu hết lãnh thổ. Nhưng chủ-đạo và sức mạnh của người Trung-quốc phải ngừng lại ở biên giới Hoa-Việt.

Chủ đạo của Trung-quốc bắt nguồn từ thời nàỏ Từ sách nàỏ Do ai khởi xướng?

Ðầu tiên là Kinh-thư, không rõ tác giả là ai, xuất hiện trước Khổng-tử, thiên Vũ-cống gọi thế giới chúng ta ở là Thiên-hạ (Dưới trời). Thời cổ, các văn nhân Trung-quốc không đi xa hơn vùng sông Hán, sông Hoàng-hà, họ tưởng đâu thế giới chỉ có Trung-quốc, nên gọi Trung-quốc là Thiên-hạ. Thiên-hạ là Trung-quốc, tức là nước ở giữạ Bốn phía Trung-quốc là biển, nên gọi Trung-quốc là hải-nội, các nước khác là hải-ngoạị

Kinh-thư thiên Vũ-cống chia Thiên-hạ thành 9 châu: Ký, Duyện, Thanh, Từ, Dương, Kinh, Dự, Lương, Ung. Lại dùng khoảng cách, chia làm năm cõi, gọi là Ngũ-phục, mỗi cõi cách nhau năm trăm dặm (250 km). Ngũ-phục là Ðiện-phục, Hầu-phục, Tuy-phục, Yêu-phục, Hoang-phục.

Trung-ương là kinh đô của nhà vuạ

Ðiện-phục ở ngoài kinh đô năm trăm dặm.

Hầu-phục ở ngoài cõi Ðiện-phục năm trăm dặm: trong năm trăm dặm cõi Hầu thì khoảng cách một trăm dặm để phong thái ấp cho các quan khanh, đại phụ Hai trăm dặm nữa phong cho các tước Nam. Hai trăm dặm nữa phong cho các chư Hầụ

Kế tiếp Hầu-phục là Tuy-phục. Trong năm trăm dặm cõi Tuy thì ba trăm dặm là nơi truyền bá văn chương, giáo hóa quần chúng; còn hai trăm dặm để hưng thịnh võ bị, bảo vệ quốc giạ

Sau cõi Tuy là cõi Yêụ Trong ba trăm dặm cõi Yêu là nơi cho rợ phương Ðông ở. Hai trăm dặm còn lại là nơi để đầy tội nhân.

Cõi cuối cùng là cõi Hoang, năm trăm dặm. Trong ba trăm dặm gần dành cho mọi phương Nam ở, hai trăm dặm cuối cùng để đầy người có tội nặng.

Ra khỏi cõi Hoang là... biển.

Với lối phân chia lẫm cẩm, hài hước ấy, năm nghìn năm qua, dân Trung-quốc coi là Kinh, tức những gì không thể thay đổi, rồi trở thành chủ đạo của tộc Hoạ

Tiếp theo Kinh Thư, sách Tả-truyện, Tả Khâu Minh cũng viết:

Trời làm chủ Thiên-hạ,

Vua nối trời mà cai trị.

Kẻ chịu mệnh trời mà cai trị là Thiên-tử.

Ðến Mạnh-tử, thiên Ly-lâu viết:

Thiên hạ là quốc gia,

Gốc của thiên hạ là quốc,

Gốc ở quốc là giạ

Vì ảnh hưởng của sách cổ nên người Hoa mới nảy sinh ra tư tưởng « Nội Hoa hạ, ngoại Di, Ðịch ». Nghĩa là trong Ngũ-phục thì là chốn văn minh, còn ngoài ra thì là mọi rợ.

Kinh-lễ, thiên Vương-chế nói:

Ðông phương viết Di,

Tây phương viết Nhung,

Nam phương viết Man,

Bắc phương viết Ðịch.

Nghĩa là:

Người ở Ðông phương gọi là Di,

Tây-phương là Nhung,

Nam phương là Man,

Bắc phương là Ðịch.

Di, Nhung, Man, Ðịch là những từ để chỉ mọi rợ. Bốn chữ đó khi viết thì có bộ trùng, bộ thú, bộ khuyển ở cạnh. Có nghĩa các sắc dân đó là cầm thú, côn trùng, chó mèo!

Ngay đối với người Âu, Mỹ hồi thế kỷ thứ 20 về trước, người Hoa gọi là Bạch-quỷ! (Thính giả cười ồ lên!). Họ còn phân ra người Âu là Tâyđương Quỷ. Người Mỹ là Mỹ-lan-tây Quỷ. Người Anh là Hồng-mao Quỷ. Người Nga là La-sát Quỷ.

Từ nguồn gốc kinh điển cổ, người Hoa tự cho mình là con trời (Thiên-tử), cho nên hầu hết các tiểu thuyết của họ thì vua luôn có tướng tinh là con rồng vàng, là Thanh-y đồng tử trên thượng giơí giáng sinh. Các quan võ thì luôn là Vũ-khúc tinh quân, các quan văn là Văn-khúc tinh quân. Quần thần thì là Nhị-thập bát tú giáng hạ. Với chủ đạo này, họ đã đánh chiếm mấy trăm nước tạo thành một Trung-quốc vĩ đạị

2.- Chủ đạo của Việt-Nam.

Như trên đã trình bầy, với nguồn gốc lập quốc, người Việt có niềm tin mình là con của Rồng, cháu của Tiên, cho nên người Việt có một sức bảo vệ quốc gia cực mạnh. Truyền thống sang thế kỷ thứ 2 trước Tây-lịch lại thêm vào tinh thần của vua AnĐương. Sang đầu thế kỷ thứ nhất, nổ ra cuộc khởi nghĩa của một phụ nữ, và 162 anh hùng, trong đó có hơn trăm là nữ.

Cuộc khởi nghĩa đuổi ngoại xâm Trung-hoa, lập lên triều đại Lĩnh-Nam. Phụ nữ đó làø vua Trưng. Nối tiếp mỗi thời đại đều có tinh thần riêng, tạo thành niềm tin vững chắc.

Tộc Việt đã chiến đấu không ngừng để chống lại cuộc Nam tiến liên miên trong hai nghìn năm của người Hoạ Bất cứ thời nào, người Việt dù bị phân hóa đến đâu, nhưng khi bị ngoại xâm, họ lập tức ngồi lại với nhau để bảo vệ quốc giạ Trong những lớp phế hưng của lịch sử Việt, hễ ai dựa theo chủ đạo tộc Việt, đều thành công trong việc giữ được quyền cai trị dân.

Gần đây nhất, người Việt bị các thế lực Quốc-tế, gây ra cuộc chiến tranh tương tàn khủng khiếp (1945-1975). Nhưng nay, Việt-Nam đang trên đà phục hưng chủ đạọ Ý tôi muốn nói sự cố gắng phi thường của hơn hai triệu người Việt ở ngoài lãnh thổ Việt-Nam, đã là bó đước sáng chuyển chủ đạo trở về nước mình.

Trong thời gian 1954-1975, miền Bắc theo chế độ Cộng-sản, theo chủ thuyết Quốc-tế. Nhưng họ biết khai thác cái chủ đạo của Việt-Nam, họ huy động được tinh thần yêu nước của dân tộc, nên cuối cùng họ chiến thắng.

Cũng tiếc thay, những người cầm quyền miền Nam từ 1963-1975, không biết khai thác lòng yêu nước của dân tộc, lại chấp nhận cho quân đội Hoa-kỳ và đồng minh nhảy vào vòng chiến, việc này có khác gì quỳ gối, trao ngọn cờ chính nghĩa cho miền Bắc? Tôi nghĩ những người lãnh đạo miền Nam như ông Nguyễn Khánh, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Trần Thiện Khiêm, cho đến giờ này (1992) chưa từng biết gì về kho tàng lòng yêu nước của người Việt, lại cũng chưa từng nghe, từng nói đến chữ chủ đạo tộc Việt bao giờ.

Trước họ, cố Tổng-thống Ngô Đình Diệm (1954-1963), vì biết rõ chủ đạo tộc Việt. Ngài từ chối không cho Hoa-kỳ đổ quân vào Việt Nam, mà đang là một đồng minh của Hoa-kỳ, Ngài đã trở thành kẻ thù của Hoa-kỳ, bị Hoa-kỳ giết hết sức thảm khốc.

IIỊ ÐI TÌM LẠI NGUỒN GỐC DÂN TỘC VIỆT.

Năm trước đồng nghiệp của tôi đã giảng cho các bạn sinh viên hiện diện các giả thuyết về nguồn gốc dân tộc Việt-Nam, bao gồm:

Thuyết của giáo sư Léonard Aurousseau về cuộc di cư của người U-Việt hay Ngô-Việt sang Âu-Lạc.

Thuyết của Claude Madroll về cuộc di cư của người Mân-Việt sang Âu-Lạc.

Thuyết của học giả Ðào Duy-Anh, Hồ Hữu-Tường về cuộc di cư do thời tiết của người Việt từ Bắc xuống Nam.

Tất cả các thuyết này đều căn cứ vào những thư tịch cổ Trung-quốc, Việt-Nam. Mà những thư tịch này không có một biện chứng khoa học nào cả.

Cuối cùng các giáo sư đồng nghiệp đã nhận định rằng: Nhờ vào khoa khảo cổ, nhờ vào hệ thống khoa học DNA, từ nay không còn những giả thuyết về nguồn gốc tộc Việt nữa, mà chỉ còn lại công cuộc nghiên cứu của tôi, rồi kết luận:

"Thoạt kỳ thủy, trên vùng đất thuộc lãnh thổ Trung-quốc, Việt-Nam hiện tại: Giống người đã từ châu Phi đến bằng hai đường. Một là đường Nam-á, đến Đông Nam-á, ngược lên vùng Hoa Nam. Hai là từ châu Phi, tới châu Âu, rồi sang Bắc Trung-quốc. Cuối cùng cả hai giống người hòa lẫn với nhau trên lãnh thổ Trung-quốc.

Còn trong vòng 5000 năm trước Tây lịch cho đến nay, thì tộc Việt bao gồm trăm giống Việt sống rải rác từ phía nam sông Trường-giang, Đông tới biển, Tây tới Tứ-xuyên, Nam tới vịnh Thái-lan. Người Việt từ Ngô-Việt di cư xuống phương Nam. Người Mân-Việt đi xuống Giao-chỉ.

Người Việt di cư từ nam sông Trường-giang tránh lạnh xuống Bắc-Việt đều đúng. Đó là những cuộc di cư của tộc Việt trong lãnh thổ của họ, như cuộc di cư từ Bắc vào Nam năm 1954 ; chứ không phải họ là người Trung-quốc di cư xuống Nam, lập ra nước Việt"

Chính vì lý do dùng hệ thống ADN biện biệt tộc Hoa, tộc Việt, nên tôi được mời đến đây đọc bài diễn văn khai mạc niên khóa nàỵ Sau đây tôi trình bầy sơ lược về công trình nghiên cứu đó. Tôi xin nhắc lại, tôi chỉ là một bác sĩ y-khoa, cho nên những nghiên cứu của tôi đặt trên lý luận thực nghiệm, cùng lý luận y-khoa, nó hơi khác với những gì mà các bạn đã học.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Thử tìm lại biên giới cổ của Việt-Nam:

bằng cổ sử, bằng triết học, bằng di tích và hệ thống ADN.

Bác-sĩ Trần Ðại-Sỹ.

Giám đốc Trung-quốc sự vụ, viện Pháp-Á

"Nghi làm vua phương Bắc, Tục làm vua phương Nam, lấy núi Ngũ-lĩnh làm cương giớị Hai người làm vua hai nước nhưng vốn cùng gốc ở ta, phải lấy điều hiếu hoà mà ở với nhaụ Tuyệt đối Nam không xâm Bắc, Bắc chẳng chiếm Nam. Kẻ nào trái lời, sẽ bị tuyệt tử, tuyệt tôn."

IV. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Trong việc đi tìm nguồn gốc tộc Việt, tôi đã dùng phương pháp y-khoa nhiều nhất, và phương pháp khoa học mới đâỵ Tôi đã được giáo sư Tarentino về khoa Anatomie của Ý và giáo sư sinh vật Vareilla Pascale của Pháp tích cực giúp đỡ. Tôi chỉ muốn chứng minh rằng trong khoảng 5000 trước Tây-lịch, lãnh thổ tộc Việt nằm từ phía Nam sông Trường-giang tới vịnh Thái-lan. Phía Tây tới tỉnh Tứ-xuyên Trung-quốc, phía Ðông tới biển Nam-hảị Nghĩa là bao gồm toàn bộ Hoa-Nam, và Ðôngđương.

1. Dùng biện chứng y-khoa vào khảo cổ.

Biện chứng căn bản của người nghiên cứu y-khoa là:

"Khi có chứng trạng, ắt có nguyên do"

Biện chứng này đã giúp tôi rất nhiều trong khi nghiên cứu về nguồn gốc tộc Việt. Khi nghiên cứu, những tài liệu cổ, dù là huyền thoại, dù là huyền sử, dù là triết học, tôi cũng coi là chất liệu quan trọng. Như tôi đã trình bày, nước tôi có một tôn giáo, mà toàn dân đều theo đó là thờ các anh hùng dân tộc. Tại những đền thờ chư vị anh hùng, thường có một cuốn phổ kể sự tích các ngàị Vì theo thời gian, tiểu sử các ngài bị dân chúng huyền thoại hóa đi, riết rồi thành hoang đường. Cho nên những học giả đi tiên phong, nghiên cứu về sử học Việt thường bỏ quạ Tôi lại suy nghĩ khác:

"Không có nguyên do, sao có chứng trạng?"

Vì vậy tôi đã tìm ra rất nhiều điều lý thú. Tỷ dụ: Bất cứ một nhà nghiên cứu nào, khi khảo về thời vua An Dương cũng cho rằng chuyện thần Kim-quy do vua móng làm nỏ bắn một lúc hàng nghìn mũi tên khiến Triệu-Đà bị bại là hoang đường, là ma trâu đầu rắn. Nhưng tôi lại tin và cuối cùng tôi tìm ra sự thật. Hồi ấy Cao Cảnh hầu Cao Nỗ đã chế ra nỏ liên châu, như súng liên thanh ngày naỵ Tôi cũng tìm ra kích thước của ba mũi tên đồng của nỏ nàỵ(4)

Trước tôi đã có các nhà khảo cổ căn cứ vào xương sọ tìm được tại Trung và Bắc-phần (70 cái). Trong đó có 38 cái do người Pháp sưu tầm thuộc thời đại Đồ-đá, thì 29/38 cái được kết luận là thuộc chủng loại Malanésien, Indonésien, Australoide hay Nam-á. Với 29 cái thì không thể kết luận rằng đó là toàn thể. Gần đây các học giả Việt-Nam lại tìm ra 32 xương sọ, thuộc thời đại Đồ-sắt (1000 năm trước Tây-lịch đến 300 sau Tây-lịch), thì 22/27 thuộc chủng loại Mongoidẹ Với 32 cái thì không thể kết luận rằng đó là toàn thể tộc Việt thuộc chủng loại Mongoidẹ

Những tác giả trên đã căn cứ vào chỉ số xương sọ để kết luận. Nhưng y học đã tiến bộ, căn cứ vào chỉ số xương sọ để định nguồn gốc đã bị đánh đổ. Nguyên do: Khi con người di cư đến vùng khác, bị khí hậu, bị nước uống, bị thực phẩm làm thay đổi xương sọ. Chúng tôi dùng hệ thống ADN, hệ thống sinh học mới nhất thử nghiệm ngay những người đang sống của 35 dòng họ tại Hoa Nam với Việt-Nam, rồi với những dòng họ khác tại Hoa Bắc. Lại cũng thử nghiệm những bộ xương của ba vùng trên, không phân biệt thời gian. Cuối cùng chúng tôi tìm ra sự khác biệt của những tộc Hoa Nam, Việt Nam với những tộc Hoa Bắc, và đi đến kết luận: lãnh thổ Văn-lang, tới hồ Ðộng-đình. (5)

2. Những vấn đề

Ranh giới phía Nam của nước Văn-lang tới nước Hồ-tôn đã quá rõ ràng. Ranh giới phía Tây với Ba-thục, phía Đông với biển lại tùy thuộc vào ranh giới phía Bắc. Nếu như ranh giới phía Bắc qủa tới hồ Động-đình, thì ranh giới phía Tây chắc phải giáp Ba-thục và phía Đông phải giáp Đông-hảị Có thực như thế không?

Vì vậy tôi đi tìm ranh giới phía Bắc.

Dưới đây là huyền thoại, huyền sử mà tôi đã bấu víu vào để đi nghiên cứụ Tôi cần tra cứu cho ra:

Vấn đề thứ nhất,

Cổ sử Việt đều nói rằng ranh giới phía Bắc tới hồ Ðộng-đình. Có thực như vậy không?

Truyền thuyết nói Ðế-Minh lập đàn tế cáo trời đất, rồi chia thiên hạ làm haị Từ Ngũ-lĩnh về Bắc cho Ðế-Nghi, sau thành Trung-quốc. Từ Ngũ-lĩnh về Nam truyền cho vua KinhĐương sau thành Văn-lang.

Núi Ngũ-lĩnh, hồ Ðộng-đình nay vẫn còn. Nhưng liệu có di tích gì chứng minh chăng? Tôi phải đi tìm Ngũ-lĩnh, hồ Ðộng-đình.

Vấn đề thứ nhì,

Truyền thuyết nói: Sau khi vua KinhĐương, vua Lạc-Long kết hôn, đều lên núi Tam-sơn trên hồ Ðộng-đình hưởng thanh phúc ba năm. Lúc ngài lên núi có chín vạn hoa tầm xuân nở. Tôi phải đi tìm núi Tam-sơn ở hồ Ðộng-đình. Liệu trên núi này có di tích gì về cuộc tình năm nghìn năm trước chăng?

Vấn đề thứ ba,

Truyền sử nói: Sau khi Quốc-tổ Lạc-Long, Quốc-mẫu Âu-Cơ cho các hoàng tử đi bốn phương qui dân lập ấp, dặn rằng: Mỗi năm về Tương-đài chầu Quốc-tổ, Quốc-mẫu một lần.

Cổ sử nói: Quốc-tổ dẫn năm mươi con xuống biển, Quốc-mẫu dẫn năm mươi con lên núi, hẹn mỗi năm một lần gặp nhau ở cánh đồng Tương.

Cánh đồng Tương ở đâủ Nếu có cánh đồng Tương thì cũng có thể kết luận rằng biên giới nước Văn-lang tới hồ Ðộng-đình. Tôi phải đi tìm.

Vấn đề thứ tư,

Chứng tích thứ nhất xác định:

Bộ Sử-ký của Tư-mã, Nam-Việt liệt truyện có thuật việc: vua nước Nam-Việt là Triệu-Ðà thường đem quân quấy nhiễu biên giới Việt-Hán là Nam-quận, Trường-sa (Mậu-Ngọ 183 trước Tây-lịch).

Như vậy biên giới Nam-Việt (Tức Việt-Nam) với Hán (Tức Trung-quốc) ở vùng nàỵ Ngày nay Trường-sa là thủ phủ của tỉnh Hồ-nam, nằm ngay Nam ngạn sông Trường-giang.

Vấn đề thứ năm,

Huyền sử nói rằng: trong cuộc khởi nghĩa của vua Trưng: Khi Trưng Nhị, Trần Năng, Phật Nguyệt, Lại Thế-Cường, Trần Thiếu-Lan đem quân đánh Trường-sa (39 sauTây-lịch), thì nữ tướng Trần Thiếu-Lan tử trận, mộ chôn ở ghềnh Thẩm-giang (sự thật đó là Tương-giang thông với hồ Ðộng-đình).

Sau đó ít năm có trận đánh giữa Lĩnh-Nam và Hán (42 sau Tây-lịch). Tướng Lĩnh-Nam tổng trấn hồ Ðộng-đình là Phật Nguyệt, tướng Hán là Mã Viện, Lưu Long (40 sau Tây-lịch).

Có thực thế không? Có hai trận Trường-sa, hồ Ðộng-đình không? Nếu có thì ranh giới thời Lĩnh-Nam (40-43 sau Tây-lịch) quả tới hồ Ðộng-đình.

Vấn đề thứ sáu,

Năm 42, sau Tây-lịch, ba tướng thống lĩnh Kỵ-binh thời vua Trưng là Đào Chiêu-Hiển, Đào Đô-Thống, Đào Tam-Lang, đánh nhau với quân Hán tại Bồ-lăng thuộc Tượng-quận, vì quân ít, thế cô, ba ông tự tử. Vậy Bồ-lăng ở đâủ Có trận này không? Nếu có trận này thì ranh giới Lĩnh-Nam phía Tây quả tới Ba-thục (Tứ-xuyên.)

Thưa Quý-vị,

Nhưng các sử gia gần đây (1900-1975) đều đặt nghi vấn rằng: Làm gì biên giới thời Văn-Lang rộng như vậỷ Nếu có chỉ ở vào phía Bắc biên giới Hoa-Việt hiện nay trăm cây số là cùng. Lại cũng có những người dốt nát (1975-1991), không đủ sách đọc, không theo kịp sự tiến triển của y học, họ chỉ đọc những tài liệu sai lầm, rồi họ như con ngựa kéo xe, chỉ biết có vậy, chúng tôi thấy họ ngu dốt quá, nên không trả lời, cũng như giải thích.

Tôi căn cứ vào những chứng trạng trên mà đi tìm nguồn gốc.

V. ÐI TÌM BIÊN GIỚI NƯỚC VĂN- LANG

1. Núi Ngũ-lĩnh

Cuối năm Canh-Thân (1980) tôi lấy máy bay đi Bắc-kinh, rồi đổi máy bay ở Bắc-kinh đi Trường-sạ Trường-sa là thủ phủ của tỉnh Hồ-nam. Tất cả di tích của tộc Việt như hồ Động-đình, núi Tam-sơn, núi Ngũ-lĩnh, sông Tương, Thiên-đài, Tương-đài, cánh đồng Tương đều nằm ở tỉnh nàỵ

Tôi đi nghiên cứu với một thư giới thiệu của giới chức cao cấp y học Pháp-Hoa (CMFC). Có một sự hiểu lầm lớn, vì trong thư giới thiệu các giới chức y-khoa chỉ xin được giúp đỡ cho tôi, nên khi tôi muốn tiếp xúc với sở du-lịch, ty văn hóa địa phương, họ đều tưởng tôi tới Trường-sa để nghiên cứu sự cấu tạo hình thể cùng bệnh tật dân chúng tại đâỵ Thành ra tôi bị mất khá nhiều thì giờ nghe thuyết trình của các đồng nghiệp về vấn đề nàỵ Tôi cư ngụ trong khách sạn Trường-sa tân điếm nằm trên đại lộ Nhânđân.

Tôi mua cuốn địa phương chí mới nhất của tỉnh, rồi mò vào thư viện ty văn hóa, sở bảo vệ cổ-tích, đại-học văn-khoa, lục lọi những tài liệu cổ, mà ngay những sinh viên văn khoa cũng ít ai ghé mắt tớị

Đầu tiên tôi đêi tìm núi Ngũ-lĩnh. Không khó nhọc, tôi thấy ngay đó là năm dãy núi gần như ngăn đôi Nam, Bắc Trung-quốc

Một là Ðạiđữu lĩnh.

Hai là Quếđương, Kỳ-điền lĩnh.

Ba là Cửu-chân, Ðô-lung lĩnh.

Bốn là Lâm gia, Minh-chữ lĩnh.

Năm là Thủy-an, Việt-thành lĩnh.

Về vị trí:

Ngọn Thủy-an, Việt-thành chạy từ tỉnh Phúc-kiến, đến huyện Tuần-mai tỉnh Quảng-đông.

Ngọn Ðạiđữu chạy từ huyện Ðạiđữu (Nam-an), tỉnh Giang-Tây đến huyện Nam-hùng tỉnh Quảng-đông.

Ngọn Cửu-chân, Ðô-lung chạy từ Ðạo-huyện tỉnh Hồ-nam tới Gia- huyện tỉnh Quảng-tâỵ

Ngọn Lâm-gia, Minh-chữ chạy từ Lâm-huyện tỉnh Hồ-Nam đến Liên-huyện tỉnh Quảng-Ðông.

Ngọn Quếđương từ Toàn-huyện tỉnh Hồ-nam tới huyện Quế-lâm tỉnh Quảng-tâỵ

Lập tức tôi thuê xe đi một vòng thăm các núi nàỵ Tôi đi mất mười ngày, trải gần 15.000 cây số.

Như vậy là Ngũ-lĩnh có thật, nay có núi đã đổi tên, có núi vẫn giữ tên cũ. Một câu hỏi đặt ra: Tại sao khi vua Minh phân chia từ Ngũ-lĩnh về Nam thuộc Lộc-Tục mà lĩnh địa Việt tới hồ Động-đình, mà hồ ở phía Bắc núi đến mấy trăm cây số. Tôi giải đoán như thế này:

Một là vua Minh tế trời ở trên núi Ngũ-lĩnh là nơi người gặp tiên rồi chia địa giớị Nhưng bấy giờ dân chưa đông, mà sông Trường-giang rộng mênh mông, sóng lớn quanh năm nên vua Nghi chỉ giữ từ Bắc ngạn mà thôị Còn vua KinhĐương thì sinh trưởng ở vùng này, lại nữa lấy con vua Ðộng-đình (một tiểu quốc), nên thừa kế luôn vùng đất của nhạc giạ

Hai là dân chúng Nam-ngạn Trường-giang với vùng Nam Ngũ-lĩnh vốn cùng một khí hậu, phong tục, nên họ theo về Nam không theo về Bắc, thành thử hồ Ðộng-đình mới thuộc lãnh địa Việt.

Kết luận:

"Quả có núi Ngũ-lĩnh phân chia Nam, Bắc Trung-quốc hiện thời, vậy có thể núi này đúng là nơi phân chia lãnh thổ Văn-Lang và Trung-Quốc khi xưạ"

Ánh sáng đã soi vào nghi vấn huyền thoạị

2. Thiên-đài nơi tế cáo của vua Minh

Tương truyền vua Minh lập đàn tế cáo trời đất trên núi Quếđương, phân chia lãnh thổ Lĩnh-Bắc tức Trung-Quốc, Lĩnh-Nam tức Đại-Việt. Đàn tế đó gọi là Thiên-đàị Nhưng dãy núi Quếđương có mấy chục ngọn núi nhỏ không biết ngọn Thiên-đài là ngọn nàỏ Trên bản đồ không ghị Sau tôi hỏi thăm dân chúng thì họ chỉ cho tôi thấy núi Thiên-đài nằm gần bên bờ Tương-giang. Điều này dễ hiểu, tỷ như ngày nay, du khách nhìn bản đồ sẽ không thấy địa điểm Sài-gòn. Nhưng trong dân chúng, họ vẫn nhớ tên cũ.

Tôi đi thăm Thiên-đàị

Thiên-đài là ngọn đồi nhỏ, cao 179m, đỉnh tròn có đường thoai thoải đi lên. Trên đỉnh có ngôi chùa nhỏ, nay để hoang. Tuy chùa được cấp huyện bảo tồn nhưng không có người trụ trì. Chùa xây bằng gạch nung, mái lợp ngóị Lâu ngày chùa không được tu bổ, nhiều chỗ ngói bị lở, bị khuyết. Tường mất hết vữa, gạch bị mòn nhiều chỗ gần như lún sâụ Duy nền với cổng bằng đá là còn nguyên, tuy nhiều chỗ đá bị bong rạ Bên trong cột kèo bằng gỗ đã nứt nẻ khá nhiềụ Những câu đối, chữ còn, chữ mất.

Tại thư viện Hồ-nam tôi tìm được một tài liệu rất cũ, giấy hoen ố, nhưng chữ viết như phượng múa rồng bay, gồm 60 trang. Ðầu đề ghi:

Thiên-đài di sự lục

Trinh-quán tiến sĩ Chu Minh-Văn soạn.

Trinh-quán là niên hiệu của vua Đường Thái-Tông, từ năm Đinh-Hợi (627) đến Đinh-Mùi (647) nhưng không biết Chu đỗ tiến-sĩ năm nàỏ

Tuy sách do Chu Minh-Văn soạn, nhưng dường như bản nguyên thủy không còn. Bản này do người sau sao chép lại vào đời Thanh Khang-Hỵ Nội dung sách có ba phần. Phần của Chu Minh-Văn sọan, phần chép tiếp theo Chu Minh-Văn, của một sư ni tên Đàm-Chi, không rõ chép vào bao giờ.

Phần thứ ba chép pháp danh các vị trụ trì từ khi lập chùa tới thời Khang-Hy (1662-1772). Chu Minh-Văn là tiến sĩ đời Đường, nên văn của ông thuộc loaị văn cổ rất súc tích, đầy những điển cố cùng thành ngữ lấy trong Tứ-thư, Ngũ-kinh cùng kinh Phật. Nhân viên quản thủ thư viện thấy tôi đọc dễ dàng, chỉ lướt qua là hiểu ngay, ông ta ngạc nhiên khâm phục vô cùng. Nhưng nếu ông ấy biết rằng, tôi chỉ được học loại văn đó vào hồi sáu, bảy tuổi thì ông sẽ hết phục. Tài liệu Chu Minh-Văn cũng nhắc lại việc vua Minh đi tuần thú phương Nam, kết hôn với nàng tiên sinh ra Lộc-Tục. Vua lập đàn tại núi này để tế cáo trời đất, vì vậy đài cũng mang tên Thiên-đài núi cũng mang tên Thiên-đài sơn, Minh-Văn còn kể thêm:

"Cổ thời trên đỉnh núi chỉ có Thiên-đài thờ vua Đế Minh, vua Kinh-Đương. Đến thời Đông-Hán, một tướng của vua Bà tên Đào Hiển-Hiệu được lệnh rút khỏi Trường-sạ Khi rút tới Quếđương ông cùng nghìn quân lên Thiên-đài lễ, nghe người giữõ đền kể sự tích xưạ Ông cùng quân sĩ nhất định tử chiến, khiến Lưu Long thiệt mấy vạn người mới chiếm đươc núị Về đời Đường để xóa vết tích Việt-Hoa cùng Nam Bắc, các quan được sai sang đô hộ Lĩnh-Nam mới cho xây chùa tại đâỵ"

Tôi biết vua Bà là vua Trưng, còn tướng Ðào Hiển-Hiệu là em con chú của Bắc-bình vương Ðào Kỳ. Ngài Ðào Kỳ lĩnh chức Ðại Tư-mã thời vua Trưng. Còn tướng Ðào Hiển-Hiệu tước phong quốc công, giữ chức Hổ-nha đại tướng quân. Nữ tướng Hoàng Thiều-Hoa chỉ huy trận rút lui khỏi Trường-sa, hồ Ðộng-đình, đã sai Hiển-Hiệu đi cản hậu, đóng nút chặn ở Thiên-đài, đợi quân Lĩnh-Nam rút hết, sẽ rút saụ Nhưng Hiển-Hiệu cùng chư quân lên núi thấy di tích thời Quốc-tổ, Quốc-mẫu, đã không chịu lui quân, tử chiến, khiến quân Hán chết không biết bao nhiêu mà kể tại đâỵ

Ngoài cổng chùa có hai đôi câu đối:

Thoát thân Nam thành xưng sư tổ,

Thọ pháp Tây-thiên diễn Phật- kinh.

Hai câu này ngụ ý ca tụng Thái-tử Tất-Ðạt-Ða đang đêm ra khỏi thành đi tìm lẽ giải thoát sau đó đắc pháp ở Tây-thiên, đi giảng kinh.

Tam bảo linh ứng, phong điều vũ thuận,

Phật công hiển hách quốc thái an dân.

Hai câu này là ngụ ý nói: Tam bảo linh thiêng, khiến cho mưa thuận, gió hòa đó là công lao của nhà Phật khiến quốc thái dân an.

Nơi có dấu vết Thiên-đài, còn đôi câu đối khắc vào đá:

Thiên-đài đại đại phân Nam, Bắc.

Lĩnh địa niên niên dữ Việt-thường.

Nghĩa là: Từ sau vụ vua Minh tế cáo ở đây, đài thành Thiên-đài, biết bao đời phân ra Nam, Bắc. Núi Ngũ-lĩnh năm này qua năm khác với giòng giống Việt-thường.

Chỗ miếu thờ của Ðào Hiển-Hiệu có đôi câu đối:

Nhất kiếm Nam-hồ kinh Vũ-đế,

Thiên đao Bắc-lĩnh trấn Lưu Long.

Nghĩa là: Một kiếm đánh trận ở phía Nam hồ Ðộng-đình làm kinh tâm vua Quang-Vũ nhà Hán. Ý chỉ nữ tướng Phật-Nguyệt đánh bại Mã Viện ở phía Nam hồ Ðộng-đình. Một nghìn tay đao do Hiển-Hiệu thủ ở Bắc núi Ngũ-lĩnh trấn Lưu Long.

Kết luận:

"Như vậy việc vua Minh tế cáo trời đất là có thật. Vì có Thiên-đài nên thời Lĩnh-Nam mới có trận hồ Động-đình. Hai sự kiện đó chứng tỏ lãnh địa thời vua Trưng cũng như Văn-Lang xưa qủa tới Ngũ-lĩnh, hồ Động-đình."

3. Cánh đồng Tương

Nhắc lại: Có hai huyền sử nói về cánh đồng Tương:

Một là Quốc-tổ dẫn năm mươi con xuống biển, Quốc-mẫu dẫn năm mươi con lên núi, mỗi năm tái hội nhau trên cánh đồng Tương một lần.

Hai là Quốc-tổ, Quốc-mẫu truyền các hoàng tử đi khắp bốn phương quy dân lập ấp, mỗi năm hội tại cánh đồng Tương một lần.

Tôi đoán:

Cả hai vị Quốc-tổ KinhĐương, Lạc-Long sau khi kết hôn đều đem Quốc-mẫu lên núi Tam-sơn trên hồ Ðộng-đình hưởng thanh phúc ba năm. Vậy thì cánh đồng Tương sẽ gần đâu đó trên hồ Ðộng-đình.

Phía Nam hồ Ðộng-đình là sông Tương-giang, chảy theo hướng Nam-Bắc dài 811 km, lưu vực tới 92500km2, chẻ đôi tỉnh Hồ-nam với Quảng-tâỵ Vậy cánh đồng Tương sẽ nằm trong lưu vực Tương giang.

Tôi thuê thuyền đi từ cảng Dương-lâm nơi xuất phát ra Tương-giang là hồ Động-đình, xuống Nam, qua Tương-âm, tôi dừng lại, nghiên cứu địa thế cùng thăm chùa Bạch-mã. Đây là địa phận quận Íchđương.Vô tình tôi tìm ra một nhánh sông Âu-giang và một cái hồ rất lớn, vào mùa nước lớn rộng tới 4-5 mẫu, vào mùa nước cạn chỉ còn 2-3 mẫu mà thôị Suốt lộ trình từ hồ Động-đình trở xuống, trên cửa sông Tương cũng như hai bên bờ chim Âu bay lượn khắp nơị Đặc biệt trên Âu-giang, Âu-hồ, giống chim này càng nhiều vô kể. Từ Âu-giang, tôi trở lại sông Tương, xuôi tới Trường-sa thủ phủ của Hồ-nam rồi tới các quận lỵ Tương-đàm, Chu-châu, Hànhđương, Quếđương.

Không khó nhọc tôi tìm ra:

"Cánh đồng Tương, tức là vùng trũng phía Tây-ngạn, giới hạn phía Bắc là hồ Động-đình, Nguyên-giang. Phía Nam là Linh-lăng, Hành-giang. Phía Tây là vùng Chiêuđương, Lãnh-thủỵ Nhưng nay cánh đồng Tương chỉ còn khu vực tứ giác: Tương-giang, Nguyên-giang, Liên-thủy, Thạch-khê-thủy"

Sau khi tìm ra cánh đồng Tương, Thiên-đài, cùng những đàn chim âu, tôi giải đoán như thế này:

« Quốc-tổ Lạc Long kết hôn với công chúa con Đế-Lai, hẳn công chúa cũng có tên. Nhưng vì lâu ngày người ta không nhớ được tên ngài, nên đã lấy con chim Âu, rất hiền hòa, xinh đẹp ở vùng hồ Động-đình, Tương-giang mà gọi là Âu-Cơ (Cơ là vợ vua). Vì người ta gọi Quốc-mẫu là Âu-Cơ, thì họ nghĩ ngay đến Quốc-mẫu sinh đẻ. Khi chim Âu đẻ thì phải đẻ ra trứng. Còn con số một trăm, là con số triết học Việt-Hoa dùng để chỉ tất cả. Như trăm bệnh là tất cả các bệnh, trăm họ là toàn dân. Trăm con có nghĩa là tất cả dân ttrong nước đều là con Quốc-mẫu »

Kết luận:

« Đã có cánh đồng Tương, thì chuyện Quốc-tổ, Quốc-mẫu hẹn mỗi năm hội tại đây một lần là có. Khi sự kiện có núi Ngũ-lĩnh, có Thiên-đàị Nay chứng cớ được kiểm điểm, thì lãnh địa của tộc Việt xưa quả tới hồ Động-đình ».

4. Hồ Ðộng-đình và Tam-sơn

Hồ Động-đình nằm ở phía Nam sông Trường-giang. Hồ được coi như nơi phát tích ra tộc Việt. Địa khu Bắc sông Trường-giang được gọi là tỉnh Hồ-bắc, tức đất Kinh-châu thuở xưạ Địa khu phía Nam sông Trường-giang được gọi là tỉnh Hồ-nam. Hồ Động-đình nằm trong tỉnh Hồ-nam. Hồ thông với sông Trường-giang bằng hai con sông. Cho nên người ta coi hồ như nơi chứa nước sông Trường-giang, rồi đổ vào Tương-giang. Trên Bắc-ngạn hồ có núi Tam-sơn. Tôi đã lên đây ba lần.

Tương truyền các các nữ tướng thời vua Trưng như Trưng-Nhị, Trần Năng, Hồ Đề, Phật Nguyệt, Trần Thiếu-Lan đánh chiếm Trường-sa vào ngày đầu năm, vì vậy tôi cũng tới đây vào dịp này để thấy rõ phong cảnh, rồi tả trận đánh trong bộ Cẩm-khêđi-hận (6). Hồ rộng 3915 cây số vuông, độ sâu về mùa cạn là 38,5 mét, về mùa nước lớn là 39,20 mét. Tra trong chính sử thì quả hồ Động-đình thuộc lãnh địa Văn-Lang. Như trên đã nói, triều đại Thần-Nông Bắc đến đời vua Du-Võng thì mất vào năm 2696 trước Tây-lịch, chuyển sang thời đại Hoàng-Đế. Sử gia Trung-Quốc cho rằng Hoàng-Đế là tổ lập quốc.

Nói theo triết học Tây phương thì vua Du-Võng gốc từ Thần-Nông thuộc nông nghiệp cư trú trong vùng đồng bằng ở phương Nam lấy hỏa làm biểu hiệu nên còn gọi là Viêm-đế. Còn vua Hoàng-đế gốc ở dân du mục, săn bắn, từ phương Bắc xuống. Dân du mục nghèo, nhưng giỏi chinh chiến. Dân nông nhiệp giàu nhưng không giỏi võ bị nên bị thuạ Bộ Sử-ký của Tư-mã-Thiên, quyển 1, Ngũ-đế bản kỷ chép rằng:

«...Thời vua Hoàng-đế, họ Thần-Nông (Bắc) đã suy, chư hầu chém giết lẫn nhau, khiến trăm họ khốn khổ vô cùng. Triều Thần-Nông không đủ khả năng chinh phục. Vua Hiên-Viên Hoàng-Đế thao luyện can qua, chinh phục những chư hầu hung ác. Vì vậy các nơi theo về rất đông. Trong các chư hầu thì Suy-Vưu mạnh nhất.

Vua Du-Võng triều Thần-Nông định đem quân xâm lăng chư hầu, nhưng chư hầu chỉ tuân lệnh Hoàng-Đế. Vua Hoàng-Đế tu sửa đức độ, luyện tập binh mã, vỗ về trăm họ, giúp đỡ bốn phương, luyện tập thú dữ rồi đại chiến với vua Du-Võng ở Bản-tuyền, thành công.

Suy-Vưu làm lọan, không tuân đế hiệụ Hoàng-Đế triệu tập chư hầu cùng Suy-Vưu đại chiến ở Trác-lộc, bắt sống Suy Vưụ Chư hầu tôn ngài làm Thiên-tử thay họ Thần-Nông. Trong thiên hạ nơi nào không thuận vua Hoàng-Đế đem quân chinh phục.

Lãnh thổ của Hoàng-Đế, Đông tới biển, vùng núi Hoàn-sơn, Đại-tông. Phía Tây tới núi Không-động, Kê-đầụ Nam tới Giang, Hùng, Tương... »(7)

Sông Giang đây tức là sông Trường-giang, Hùng đây tức là Hùng-nhĩ-sơn, Tương là Tương-sơn. Bùi Nhân đời Tống lập giải Sử-ký nói rằng Tương-sơn thuộc Trường-sạ

Kết luận:

"Từ chính sử, huyền-sử đều cho biết lĩnh địa Văn-lang tới hồ Động-đình. Khi vua Hoàng-Đế dứt triều Thần-Nông Bắc, thì triều Thần-Nông Nam tức họ Hồng-bàng còn kéo dài đến 2439 năm nữạ Lãnh thổ Trung-quốc thời Hoàng-Đế cũng chỉ tới sông Trường-giang. Phía Nam bao gồm Trường-sa, hồ Động-đình vẫn thuộc Văn-lang."

Khi chính sử ghi chép như vậy thì việc Quốc-tổ, Quốc-mẫu với hồ Ðộng-đình, núi Tam-sơn không còn là huyền thoại nữạ Vậy chuyện các ngài lên núi hưởng thanh phúc nên ghi vào chính sử.

5. Biên giới lĩnh địa tộc Việt thế kỷ 2 trước Tây lịch

Sử Hán là bộ Sử-ký của Tư-mã Thiên. Sử Việt như bộ Ðại-Việt sử ký toàn thư, Khâm-định Việt-sử thông giám cương mục, đều ghi rằng vào thế kỷ thứ nhì trước Tây-lịch, thời Triệu Ðà cai trị lĩnh địa tộc Việt, biên giới vẫn còn ở vùng Trường-sa, hồ Ðộng-đình.

Sử Hán, sử Việt đều chép chi tiết giống nhau về vụ Triệu Ðà lập quốc ở lãnh thổ Lĩnh-Nam. Tần Thủy- Hoàng sai Ðồ Thư mang quân sang đánh Âu-lạc, chiếm được vùng đất phía Bắc, lập làm ba quận:

Nam-hải (Quảng-đông và một phần Phúc-kiến),

Quế-lâm (Quảng-tây, Hồ-nam và một phần Quí châu),

Tượng-quận (Vân-nam và một phần Quý-châu).

Vua AnĐương sai Trung-tín hầu Vũ Bảo-Trung và Cao-cảnh hầu Cao Nỗ đem quân chống, giết được Ðồ Thư và tiêu diệt nữa triệu quân Tần. Tuy vậy vua AnĐương cũng không chiếm lại vùng đất đã mất.

Sau nhân thời thế loạn lạc, một viên quan Tần là Triệu Đà trấn vùng Nam-hải, đem quân chiếm vùng Tượng-quận, Quế-lâm, rồi dùng gián điệp trong vụ án Mỵ-Châu, Trọng-Thủy mà chiếm được Âu-lạc lập ra nước Nam-Việt. Lãnh thổ nước Nam-Việt bao gồm những vùng nào ? Không một sử gia nào chép rõ ràng. Nhưng cứ những sự kiện lẻ tẻ, ta cũng có thể biết rằng lãnh địa Nam-Việt là lãnh địa thời Văn-lang.

Trong khi Triệu Đà lập nghiệp ở phương Nam, thì cuộc nội chiến ở phương Bắc chấm dứt. Hạng Vũ, Lưu Bang diệt Tần, rồi Lưu Bang thắng Hạng Vũ lập ra nhà Hán. Lưu Bang lên ngôi vua sai Lục Giả sang phong chức tước cho Triệu Đà. Đúng ra Triệu Đà cũng không chịu thần phục nhà Hán, nhưng họ hàng thân thuộc, mồ mả của Triệu Đà đều ở vùng Chân-định. Đà sợ nhà Hán tru diệt họ hàng, cùng đào mồ cuốc mả tổ tiên lên mà phải lùi bước.

Năm 183 trước Tây-lịch, Cao-tổ nhà hán là Lưu Bang chết, Lã-hậu chuyên quuyền cấm bán hạt giống, thú vật cái, kim khí sang Nam-Việt. Triệu Đà không thần phục nhà Hán, rồi đem quân đánh Trường-sa, Nam-quận.

Kết luận:

"Trường-sa là quận biên cương của Hán. Vậy ít nhất lãnh thổ Nam-Việt, Bắc tới Trường-sạ Nam quận là quận ở phía Bắc sông Trường-giang. Mà Nam-quận là quận biên cương Hán, thì biên giới Nam-Việt ít nhất tới Nam-ngạn sông Trường-giang"

6. Lĩnh địa thời vua Trưng

6.1. Vua Bà theo cách gọi của Trung-quốc là vua Trưng

Trong những năm 1978-1979 khi dẫn phái đoàn Ủy-ban y học Pháp-Hoa (CMFC) đi trao đổi tại các tỉnh cực Nam Trung-Quốc như Quảng-đông, Quảng-tây, Vân-nam, Quý-châu và Tứ-xuyên... tôi thấy khắp các tỉnh này, không ít thì nhiều đều có đạo thờ vua Bà. Nhưng tôi không tìm được tiểu sử vua Bà ra saọ Ngay những cán bộ Trung-quốc ở địa phương, họ luôn đề cao vua Bà, mà họ cũng chỉ biết lờ mờ vua Bà là người nổi lên chống tham quan. Khắp năm tỉnh, tôi ghi chú được hơn trăm đền, miếu thờ những tướng lĩnh thời vua Bà.

Bấy giờ tôi lại tìm thấy ở Hồ-nam, nhiều di tích về đạo thờ vua Bà hơn. Tại thư viện bảo tồn di tích cổ , tôi tìm thấy một cuốn phổ rất cổ, soạn vào thế kỷ thứ tám chép sự tích nữ vương Phật Nguyệt như sau:

« Ngày xưa, Ngọc-hoàng Thượng-đế ngự trên điện Linh-tiêu, có hai công chúa đứng hầụVì sơ ý hai công chúa đánh vỡ chén ngọc. Ngọc-hoàng Thượng-đế nổi giận đầy hai công chúa xuống hạ giớị Hai công chúa đi đầu thai được mấy ngày thì Tiên-lại giữ sổ tiên-giới tâu rằng có 162 tiên đầu thai xuống theo hai công chúạ Ngọc-hoàng Thượng-đế sợ công chúa làm loạn ở hạ giới, ngài mới truyền Thanh-y đồng tử đầu thai để theo dẹp loạn. Thanh-y đồng tử sợ địch không lại hai công chúa, có ý ngần ngừ không dám đị Ngọc-hoàng Thượng-đế truyền Nhị thập bát tú đầu thai theọ

Thanh-y đồng tử sau là vua Quang Vũ nhà Hán. Nhị thập bát tú đầu thai thành hai mươi tám vị văn thần võ tướng đời Ðông-Hán.

Còn hai công chúa đầu thai xuống quận Giao-chỉ, vào nhà họ Trưng. Chị là Trắc, em là Nhị. Lúc Trưng Trắc sinh ra có hương thơm đầy nhà, thông minh quán chúng, có sức mạnh bạt sơn cử đỉnh, được gả cho Ðặng Thi-Sách.

Thi-Sách làm phản, bị Thái-thú Tô Ðịnh giết chết. Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa, được 162 anh hùng các nơi nổi lên giúp sức, nên chỉ trong một tháng chiếm hết sáu quận của Trung-quốc ở phía Nam sông Trường-giang: Cửu-chân, Nhật-nam, Giao-chỉ, Quế-lâm, Tượng-quận, Nam-hảị Chư tướng tôn Trưng Trắc lên làm vua, thường gọi là vua Bà.

Quang-Vũ nhà Hán sai Phục-ba tướng quân Tân-tức hầu Mã Viện. Long-nhương tướng quân Thận-hầu Lưu Long đem quân dẹp giặc. Vua Bà sai nữ tướng Phật Nguyệt tổng trấn hồ Ðộng-đình. Mã Viện, Lưu Long bị bạịVua Quang Vũ truyền Nhị thập bát tú nghênh chiến, cũng bị bạị Nữ vương Phật Nguyệt phép tắc vô cùng, một tay nhổ núi Nga-mi, một tay nhổ núi Thái-sơn, đánh quân Hán chết, xác lấp sông Trường-giang, hồ Ðộng-đình, oán khí bốc lên tới trờị

Ngọc-hoàng Thượng-đế sai thiên-binh, thiên-tướng trợ chiến cũng bị bạị Ngài phải sai thần Du Liệt sang Tây phương cầu cứu Phật Như Laị Ðức Phật sai mười tám vị Kim-cương, ba ngàn La-hán trợ chiến cũng bị bạị Cuối cùng ngài truyền Quán Thế Âm bồ tát tham chiến. Nữ vương Phật-Nguyệt với Quan-Âm đấu phép ba ngày ba đêm, bất phân thắng bạị Sau Quán Thế Âm thuyết pháp nữ vương Phật Nguyệt giác ngộ, bỏ đi tụ

Ta nhân ngày lành, viết lại chuyện xưa, xin dâng đôi câu đối:

Tích trù Ðộng-đình uy trấn Hán,

Phương lưu thanh sử lực phù Trưng

(Một trận Ðộng-đình uy trấn Hán

Tên còn trong sử sức phù Trưng).

Bỏ ra ngoài những huyền hoặc về Nữ-vương Phật-Nguyệt, tài liệu chứng minh: Đạo thờ vua Bà tại năm tỉnh Nam Trung-quốc là di tích của lòng tôn kính thờ anh hùng dân tộc của tộc Việt trên lãnh thổ cũ của người Việt còn sót lạị Vua Bà mà người Trung-hoa thờ như một thứ tôn giáo, chính là vua Trưng.

Kết luận:

"Khi đã có nữ tướng Phật Nguyệt đánh trận Trường-sa, hồ Động-đình. Mà có trận hồ Động-đình thì lãnh thổ thời Lĩnh-Nam, phía Bắc quả tới phía Nam sông Trường-giang."

6.2. Quả có trận Trường-sa, hồ Ðộng-đình năm 39 sau Tây-lịch

Huyền sử (những cuốn phổ) nói rằng: Khi bà Trưng Nhị cùng các tướng Trần Năng, Phật Nguyệt, Trần Thiếu-Lan, Lại Thế-Cường đánh Trường-sa vào đầu năm Kỷ-Hợi (39 sau Tây-lịch). Trong trận đánh này, nữ tướng Trần Thiếu-Lan tử trận, được mai táng ở ghềnh sông Thẩm-giang (8). Thẩm-giang chính là đọan sông ngắn ở Bắc, tiếp nối với hồ Động-đình. Một cuốn phổ khác, chép vào thời Nguyễn nói rằng: Các sứ thần triều Lý, Trần, Lê khi qua đây đều có sắm lễ vật đến cúng miếu thờ bà Trần Thiếu-Lan. Năm 1980 tôi đến đây tìm hiểụ Không khó nhọc tôi tìm ra trong cuốn địa phương chí, do sở du lịch Trường-sa cấp, một đoạn chép:

« Miếu thờ liệt nữ Trần Thiếu-Lan ở đầu sông Tương. Hồi cách mạng văn hóa bị phá hủỵ Tượng đồng bị nấu rạ Vệ binh đỏ phá luôn cả bia đá ».

Tôi tìm tới nơi, thì miếu chỉ còn lại cái nền bằng đá ong, mộ vẫn còn.(9)

Kết luận:

"Thời Lĩnh-Nam quả có việc Trưng Nhị, Trần Năng, Hồ Đề, Trần Thiếu-Lan, Lại Thế-Cường đánh trận Trường-sạ Trong trận, nữ tướng Trần Thiếu-Lan tuẫn quốc. Khi có trận đánh này, thì lãnh địa thời Lĩnh-Nam quả gồm có hồ Trường-sa, hồ Động-đình."

6.3. Quả có trận Bồ-lăng, năm 42 sau Tây-lịch

Huyền sử kể rằng: ba tướng họ Đào là Chiêu-Hiển, Đô Thống và Tam-Lang được vua Trưng trao cho trấn tại Tượng-quận (Vân-nam) . Nhưng vì quân ít, thế cô, ba ông không chống lại với quân Hán, do Vương Bá chỉ huỵ Ba ông đã tự tận. Hiện tại đền thờ của ba ông có đôi câu đối:

Tượng-quận dương uy nhiêu tướng lược,

Bồ-lăng tuẫn tiết tận thần trung.

Nghĩa là:

Trận Tượng-quận dương oai, rõ tài tướng giỏị

Bến Bồ-lăng tuẫn tiết, tỏ ra thần trung.

Hầu hết các sử gia đều cho rằng: Bồ-lăng tức là bến Bồ-đề, ngoại ô Thăng-long. Vả lãnh thổ Việt-Nam hồi đó đâu có rộng vậỷ

Tôi không tin lý luận nàỵ Tôi quyết có trận Tượng-quận. Vì saỏ Vì ba ngài chiến đấu tại Tượng-quận, khi Tượng-quận thất thủ, tuẫn tiết thì tuẫn tiết tại chỗ, có đâu rút từ Tượng-quận về tới Long-biên (Hà-nội) trải mấy nghìn cây số, rồi mới tự tử? Vả cái tên bến Bồ-đề mới xuất hiện vào năm 1427-1428 khi vua Lê Thái-tổ vây Đông-đô (Thăng-long).

Vì vậy, trong dịp hè năm 1982, tôi cầm đầu phái đoàn CMFC sang Vân-Nam, Trung-quốc, để nghiên cứu về một giống trà có khả năng trị tuyệt chứng Cholestérol, Triglycéride... Lợi dụng dịp nhầy, tôi quyết tìm cho ra sự thực.

Thế là phái đoàn dùng tầu đi từ Độ-khẩu theo Kim-sa-giang (Trường-giang) qua Nam-khê, Giang-tân, Trùng-khánh, tới ngã ba sông Ô-giang, Trường-giang thì gặp bến Bồ-lăng.

Tại đây tôi được sở du-lịch chỉ cho xem miếu thờ ba vị thần, tướng của vua Bà. Nhưng họ không biết tên vua Bà cùng ba vị tướng. Cả vùng này có đạo thờ vua Bà (lên đồng). Hồi trước 1949 rất thịnh. Sau cách mạng Văn-hóa (1965-1967) miếu được cấp cho dân chúng ở. Hỏi hướng dẫn viên du lịch về vua Bà, họ chỉ cho biết vua Bà là người nổi lên chống tham quan thời Hán. Tôi đến thăm miếụ Miếu khá lớn, chủ hộ ở trong miếu trước đây là cán bộ Văn-hóa Bồ-lăng.

Trước miếu có nhiều câu đối, nay chỉ còn lại có bạ Ông chủ hộ khoe rằng để bảo tồn di tích văn hóa, hằng năm ông phải mua sơn tô chữ cho khỏi mất:

Khẳng khái, phù Trưng, thời bất lợi,

Ðoạn trường, trục Ðịnh, tiết... can vân.

Nghĩa là:

Khẳng khái phù vua Trưng, ngặt thời của Ngài không lâụ

Ðuổi được Tô Ðịnh, nhưng đau lòng thay, phải tự tận, khí tiết ngút từng mâỵ

Tôi xin vào trong miếu xem, thì bệ thờ nay là nơi vợ chồng ông nằm ngủ. Hai bên bệ cũng có đôi câu đốị

Giang-thượng tam anh phù nữ chúa,

Bồ-lăng bách tộc khốc thần trung.

Nghĩa là:

Trên sông Trường-giang, ba vị anh hùng phò tá nữ chúạ

Tại bến Bồ-lăng, trăm họ khóc cho các vị thần trung thành.

Ông chủ hộ thì cho rằng bách tộc là toàn dân Trung-quốc. Tôi giảng cho ông nghe về sự tích trăm con của Quốc-tổ, Quốc-mẫụ Vì vậy chữ bách tộc đây để chỉ người Việt. Ông thích lắm. Ông chỉ vào khoảng trống của hai cái cột thuật rằng trước kia cũng có đôi câu đối, nhưng bị vạc mất. Ông đề nghị tôi làm một đôi khác thay thế. Tôi nhờ hướng dẫn viên du lịch mua giùm hai hộp sơn. Một hộp sơn đỏ loại láng và một hộp loại thiếp vàng. Ông với tôi sơn cột mầu đỏ. Chiều hôm đó sơn đỏ khô, tôi trở lại viết bằng sơn thiếp vàng đôi câu đối có sẵn tại đền thờ ba ngài ở thôn Ngọc-động, huyện Gia-lâm, Hà-nội:

Tái Bắc tức chinh trần, công cao trục Định,

Bồ-lăng dương nộ lãng, nghĩa trọng phù Trưng.

Nghĩa là:

Ải Bắc yêu gió bụi can qua, công cao đuổi Tô Định.

Bồ-lăng nổi bao đào, nghĩa nặng phù vua Trưng.

Kết luận:

Như vậy thì quả có trận Tượng-quận. Mà có trận Tượng-quận thì biên giới Lĩnh-Nam hồi ấy giáp Ba-Thục, tức Tứ-xuyên ngày naỵ

7. Nghiên cứu những khai quật

Vào những năm 1964-1965, giáo sư luật khoa Vũ Văn Mẫu đang sọan thảo tài liệu về cổ luật Việt-Nam. Người giúp giáo sư Mẫu đọc sách cổ là Hoàng-triều tiến-sĩ Nguyễn Sỹ-Giác. Cụ Giác tuy thông kinh điển, thư tịch cổ, nhưng lại không biết ngoại ngữ, cùng phương pháp phân tích, tổng hợp Tây-phương. Cụ giới thiệu tôi với giáo sư Mẫụ Tôi đã giúp giáo sư Mẫu đọc, soạn các thư tịch liên quan đến cổ luật.

Chính vì vậy tập tài liệu « Cổ-luật Việt Nam và tư pháp sử » có chương mở đầu «Liên hệ giữa nguồn gốc dân tộc và Cổ luật Việt-Nam » (10). Bấy giờ tôi còn trẻ, không đủ tài liệu khai quật của Trung-Quốc, của Bắc Việt-Nam, và bấy giờ những lý thuyết về ADN chưa có hệ thống, nên có nhiều chi tiết sai lầm. Hôm nay đây, tôi xin lỗi anh linh Hoàng-triều tiến-sĩ Nguyễn Sỹ-Giác, anh linh giáo sư Vũ Văn-Mẫụ Tôi xin lỗi các vị đồng nghiệp hiện diện, xin lỗi các sinh-viên về những sai lầm đó.

Triều đại Hồng-Bàng thành lập từ năm 2879 năm trước Tây-lịch, tương đương với thời đại đồ đá mài (le néolithique), tức cuối thời đại văn-hóa Bắc-sơn (11). Trong những khai quật về thời đại này tại Bắc-Việt, Đông Vân-Nam, Quảng-Đông, Hồ-Nam, người ta đều tìm được những chiếc rìu thiết diện hình trái soan, trong khi tại Nhật, Bắc Trường-giang chỉ tìm được lọai rìu thiết diện hình chữ nhật, chứng tỏ vào thời đó có một thứ văn hóa tộc Việt giống nhaụ

Sang thời đại văn-hóa Đông-sơn (12) hay đồ đồng (âge de bronze). Trong thời gian này đã tìm được trống đồng Đông-sơn trên bờ sông Mã (Thanh hóa). Sự thật trống đồng đã tìm thấy ở toàn bộ các tỉnh Nam Trường-giang như Hồ-nam, Quý-châu,Vân-nam, Quảng-đông, Quảng-tây, Namđương, Lào (13), Bắc và Trung-Việt. Nhưng ở Namđương, Lào rất ít. Nhiều nhất ở Bắc-Việt, rồi tới Vân-nam, Lưỡng-quảng. Phân tích thành phần gần như giống nhaụ

Ðồng 53%,

Thíếc 15-16%,

Chì 17-19%,

Sắt 4%.

Một ít vàng bạc.

Khảo về y-phục, mồ mả, răng xương trong các ngôi mộ, qua các thời đại cho đến hết thế kỷ thứ nhất sau Tây-lịch, tôi thấy trong các vùng Nam Trường giang cho đến Trung Bắc-Việt, cùng Lào, Thái đều giống nhaụ Bây giờ dùng hệ thống ADN kiểm những bộ xương, kiểm máu người sống, chúng tôi đã biện biệt được sự khác biệt vào thời Việt, Hoa lập quốc.

Kết luận,

"Tộc Việt quả có lĩnh địa Bắc tới hồ Ðộng-đình, Tây tới Tứ-xuyên như cổ sử nói"

8. Tổng kết

Sáu vấn đề tôi nêu ra ở trên, rồi đi tìm, tất cả đều còn đầy đủ di tích.

Như vậy:

Biên giới cổ của nước Việt-Nam, với các triều đại Hồng-bàng, Âu-lạc, Lĩnh-Nam phía Bắc quả tới hồ Ðộng-đình, phía Tây giáp Tứ-xuyên.

V. KẾT LUẬN

Thưa Quý-vị

Quý-vị đã cùng tôi đi vào những chi tiết từ huyền thoại, huyền sử, cổ sử, cùng triết học, cho tới tin học, y học để tìm về nguồn gốc dân tộc Việt-Nam, về biên giới cổ của tộc Việt.

Trong chính sử Trung-quốc, Việt-Nam đều ghi rõ ràng nguồn gốc tộc Việt, nhưng cái nguồn gốc đó căn cứ vào cổ thư của người Trung-hoa, nên hoàn toàn sai lạc. Bởi cổ thư cho rằng người Trung-hoa tự sinh ra, rằng người Việt chẳng qua do những người Trung-hoa di chuyển xuống lưu ngụ. Sự thực nhờ hệ thống ADN, chúng ta biết rằng chính những người ở châu Phi đến Đông Nam-á trước, rồi di chuyển lên Hoa-Nam. Tại Hoa-Nam giống người này lại hợp với giống người từ châu Phi sang châu Âu, rồi từ châu Âu vào Trung-á, hợp với người ở Hoa-Nam mà thành tộc Hán.

Nhưng ngược lại, do cổ thư Trung, Việt, hay do ADN, chúng ta cũng biết rất rõ biên cương nước Việt thời mới lập quốc.

Hồi thơ ấu, tôi sống bên cạnh những nhà Nho, chỉ đọc sách chữ Hán của người Hoa, người Việt viết. Mà những sách này đều chép rằng tộc Việt gồm có trăm họ khác nhau, mang tên Bách-Việt. Những tên Âu-Việt, Lạc-Việt, Đông-Việt, Nam-Việt, Việt-Thường đều thuộc Bách-Việt cả. Cái tên trăm họ hay trăm Việt (Bách-Việt) phát xuất từ huyền thọai vua Lạc-Long sinh ra trăm con. Trăm có nghĩa là toàn thể, tất cả, chứ không hoàn toàn là con số như ta tưởng ngày nay (14).

Các vị cổ học, học cổ sử, rồi coi lĩnh địa tộc Việt bao gồm phía Nam sông Trường-giang lấy mốc là hồ Động-đình với sông Tương, núi Ngũ-lĩnh là đương nhiên. Chính hồi nhỏ, khi học tại trường Pháp, vào thời kỳ 13-14 tuổi, tôi chỉ được học vài trang ngắn ngủi về nguồn gốc tộc Việt, trong khi đó gia đình cho tôi đọc mấy bộ sử dài hàng mấy chục nghìn trang của Hoa, của Việt (Nếu dịch sang chữ Việt số trang gấp bốn, sang Pháp, Anh văn số trang gấp năm sáu). Chính tôi cũng nhìn nguồn gốc tộc Việt, lĩnh thổ tộc Việt tương tự như các nhà cổ học.

Nay tôi mới chứng minh được.

Phải chờ cho đến khi tôi ra trường (1964). Bấy giờ giáo sư Vũ Văn-Mẫu thạc-sĩ luật khoa nhờ Hoàng triều tiến-sỹ Nguyễn Sỹ-Giác sưu tầm tài liệu cổ luật. Cụ Giác học theo lối cổ, không biết những phương pháp quy nạp, tổng hợp nên giới thiệu giáo sư Mẫu với tôị Ngay từ lần đầu gặp nhau, mà một già, một trẻ đã có hai cái nhìn khác biệt.

Giáo sư Mẫu trên 50 tuổi mà lại có một cái nhìn rất trẻ, tôi mới có 25 tuổi lại có cái nhìn rất già về nguồn gốc tộc Việt. Qua cuộc trao đổi sơ khởi, bấy giờ tôi mới biết có rất nhiều truyền thuyết nói về nguồn gốc dân tộc Việt, mà các tác giả thiếu cái học sâu xa về cổ học Hoa-Việt đưa rạ Vì vậy tôi đã sưu tầm tất cả những gì trong thư tịch cổ, giúp giáo sư Mẫu đem viết thành tài liệu giảng dạỵ Nhưng sự sưu tầm đó không đầy đủ, vì chỉ căn cứ trên thư tịch cổ.

Nay tôi mới biết có quá nhiều sai lầm, tôi xin lỗi các đồng nghiệp hiện diện, xin lỗi Quý-vị.

Hồi bấy giờ tôi sống ở Sài-gòn, thuộc Việt-Nam cộng-hòa đang là nước chống Cộng, nên tôi không thể sang Trung-Quốc, cũng như về Bắc tìm kiếm thêm tài liệụ Phải chờ đến năm 1976 làm việc cho CMFC, hàng năm dẫn các đồng nghiệp sang Trung-Quốc nghiên cứu, trao đổi y học, tôi mới có dịp tìm kiếm lại di tích xưa trong thư viện, trong bảo tàng viện, trên bia đá cùng miếu mạo, đền chùa và nhất là đến tại chỗ nghiên cứụ Gần đây nhờ các đồng nghiệp dùng hệ thống ADN, tôi mới biện biệt được nguồn gốc tộc Việt, biên cương thời lập quốc của tộc Việt.

Hôm nay tôi xin kết luận với các bạn rằng:

Người Trung-hoa không phải là con trời như những văn gia cổ của họ viết, dù ngày nay họ còn nghĩ như vậỵ

Họ cũng không tự sinh ra, rồi tản đi tứ phương.

Không hề có việc người Trung-hoa trốn lạnh hay vì lý do chính trị di cư xuống vùng đất hoang, tạo thành nước Việt.

Trong lịch sử quả có một số người Trung-hoa di cư sang Việt-Nam sau những biến cố chính trị. Như ngày nay người Việt di cư đi sống khắp thế giớị

Lại càng không có việc người Việt gốc từ dòng giống Mã-lai như một vài người ngố ngếch đưa ra

Theo sự nghiên cứu bắng hệ thống ADN, từ cổ, giống người Trung-hoa, do giống người từ Ðông Nam-á di lên. Những người Ðông Nam-á lại đến từ châu Phi qua ngả Nam-á vào thời gian hơn 20.000 năm trước.

Người châu Phi đến Bắc Trung-hoa do ngả Âu-châu rồi vào Trung-á, khoảng 15.000 năm. Rồi hai giống người này tạo thành tộc Hoạ

Tộc Việt sống rải rác từ phía Nam sông Trường-giang, xuống mãi vịnh Thái-lan.

Biên giới nước Việt thủa lập quốc gồm từ Nam sông Trường giang đến vịnh Thái-lan, Ðông tới biển. Tây tới Tứ-xuyên của Trung-quốc ngày nay

Ðến đây tôi xin phép các vị giáo sư, quý khách, các sinh viên cho tôi ngừng lờị Xin hẹn lại quý vị đến tháng 11-92 tôi sẽ trình bày trước quý vị về nguồn gốc triết Việt.

Trân trọng kính chào quý vị.

Giáo-sư Trần Ðại-Sỹ,

Giám đốc Trung-quốc sự vụ

Tài liệu nghiên cứu chính:

SÁCH CHỮ HÁN

Tư Mã-Thiên, Sử ký, Trung-hoa thư cục Thượng-hải xuất bản 1959

Ban-Cố, Tiền Hán thư, Trung-hoa thư cục xuất bản 1959

Phạm Việp, Hậu Hán thư, Trung hoa thư cục xuất bản 1959.

Hoài Nam Tử, quyển 18, Trùng Hoa thư cục Ðài Bắc xuất bản, 1959.

Cố Dã-Vương, Ðịađư chí, Cẩm-chương thư cục xuất bản 1920.

Trần Luân-Quýnh, Hải quốc kiến văn lục, cổ bản, thư viện Paris.

Lê Quý-Ðôn, Phu-biên tạp lục, cổ bản của thư viện Paris.

Lê Quý-Ðôn, Ðại-Việt thông sử, cổ bản của thư viện Paris.

Phan huy-Ích, Lịch triều biến chương loại chí, cổ bản của thư viện Paris.

Quốc-sử quán, Hoàng-Việt địa dư chí, bản của thư viện Paris.

Quốc-sử quán, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, bản của thư viện Paris.

Ðịa đồ xuất bản xã, Trung-hoa nhân dân cộng hòa quốc phân tỉnh địa đồ tập, Bắc-kinh 1974.

Ðại học văn khoa Hồ-nam, Hồ-nam lịch đại khảo chứng 1980.

Cùng rất nhiều tài liệu không tác giả, lưu trữ tại thư viện, bảo tàng viện Hồ-nam, Quý-châu, Quảng-đông, Quảng-tây, Vân-Nam.

SÁCH CHỮ PHÁP

Léonard Aurouseaụ La première conquête chinoise des pays anamites, BEFEO XXIII

Claude Madrolle, Le Tonkin Ancien, BEFEO, XXXVIỊ

SÁCH CHỮ VIỆT

Ðào Duy-Anh, Nguồn gốc dân tộc Việt-nam, Hà-nội 1946.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Một vài ghi chép thêm về văn minh cổ và nguồn gốc dân tộc Việt Nam

I.

Có lẽ, phát biểu rằng thế kỷ 21 là thế kỷ của văn hóa chắc không quá đáng, bởi vì một khuynh hướng chung hiện nay là các quốc gia trên thế giới đang (hay sắp) qui tụ với nhau thành nhiều nhóm dựa trên văn hóa, mà không dựa trên ý thức hệ (như Chủ nghĩa Cộng sản và Chủ nghĩa Tư bản trong thời gian qua). Trong thế kỷ 21, người ta sẽ hỏi "Anh là ai", thay vì "Anh thuộc phe nào" trong thế kỷ vừa qua. Tức là một sự chuyển biến về nhận dạng từ ý thức hệ sang văn hóa.

Nhưng câu hỏi "Chúng ta là ai" tuy đơn giản, câu trả lời thì không đơn giản chút nào. Tổ tiên chúng ta xuất phát từ đâu, họ đến Việt Nam bằng cách nào, vẫn còn là những vấn đề khoa học, đòi hỏi nhiều nghiên cứu về di truyền học, khảo cổ học, và ngôn ngữ học. Từ thập niên 60 thế kỷ trước, nhiều người, nhất là giới trẻ, đã khao khát muốn tìm về nguồn gốc dân tộc. Nhiều đoàn thể đã tự chọn cho mình cái mục tiêu "về nguồn". Đến khi chiến tranh trên quê hương chấm dứt năm 1975, rồi cả triệu người phải bỏ nước ra đi, sự khao khát tìm về cội nguồn trong những người xa quê hương này lại có phần gia tăng, dù người ta đã phải vất vả nhiều hơn cho cuộc sống mới.

Nhưng khi tìm trong cổ sử Việt, về đời sống tinh thần của người xưa, để thực hiện việc về nguồn này, người ta chỉ gặp một cảnh hoang sơ: ngoài một số truyền thuyết, và những lời răn thực tế trong tục ngữ ca dao, những tác phẩm để lại, phần lớn do người ngoại quốc viết, thường đã bị khoa học ngày nay vượt qua từ lâu, không kể một số không ít đã được sáng tác với dụng ý xuyên tạc sự thực, bôi bác nguồn gốc dân tộc, hạ thấp giá trị văn hóa cổ truyền. Trong cảnh tiêu sơ đến thảm hại đó, cũng đã xuất hiện vài quyển sách có thiện ý muốn viết lại cho trung thực nguồn gốc dân tộc mình (1). Nhưng được thực hiện trong hoàn cảnh tư liệu thiếu thốn, các sách này chưa đạt được mục đích, vả cũng đã nhanh chóng bị khoa học ngày nay vượt qua. Ở trong nước, nhờ có đội ngũ những nhà biên khảo khoa học xã hội đông đảo, có những cơ quan chuyên nghiên cứu về triết học, văn hóa và khoa học xã hội có tổ chức, nên có được nhiều biên khảo chuyên ngành và công phu hơn. Nhất là về phương diện khảo cổ, từ thập niên 60 (thế kỷ trước), ngành này đã đạt được những kết quả vô cùng ngoạn mục. Nhưng những tác phẩm nghiên cứu có hệ thống và khoa học vẫn còn cực kỳ ít, ngoại trừ tập một vài tác phẩm mới xuất bản gần đây (2). Đặc biệt về phương diện triết học tư tưởng, nhiều hội nghị đã được triệu tập, nhưng vẫn đi đến kết luận hết sức lạ lùng là: trong hoàn cảnh tài liệu hiện tại, còn quá sớm để có thể hình thành một tác phẩm loại này(3).

Trong bối cảnh như vậy, chúng tôi, một nhóm tư nhân rất thiếu phương tiện, nhưng đã quyết tâm làm việc trong hoàn cảnh thiếu thốn, không có tài trợ từ bất cứ nguồn nào, đã tự cho mình trách nhiệm góp phần trong việc soạn thảo những tài liệu cung ứng cho khát vọng tìm về cội nguồn, mà chúng tôi biết trước là rất khó khăn, này. Một tập san mang tên Tư Tưởng, với mục đích phi thương mại, chỉ lưu hành trong nhóm thân hữu và các nhà biên khảo có lòng với văn hóa dân tộc, sống rải rác khắp mọi nơi trên thế giới, đã được phát hành từ đầu năm 1999 để làm cây cầu nối những ai muốn thực hiện con đường tìm về cội nguồn. Đến nay Tập san đã ra được 19 số.

Cách đây không lâu, Giáo sư Stephen Oppenheimer, một nhà nghiên cứu y học nhưng từng nghiên cứu về thời tiền sử, có xuất bản quyển sách "Eden in the East" bàn về văn minh Đông Nam Á. Cuốn sách làm chấn động giới nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á. Nhận thấy quyển sách có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc tìm hiểu nguồn gốc dân tộc, nên một người trong nhóm chúng tôi (Gs. Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn) có viết một bài điểm sách, và nhân đó, đưa đề nghị "Đặt lại vấn đề nguồn gốc dân tộc và văn minh Việt Nam" đăng trên Tập San Tư Tưởng số 15 tháng 8 năm 2001. Bài điểm sách đã được nhiều tạp chí trong và ngoài nước in lại, và chúng tôi đã nhận được khá nhiều góp ý cũng như phê bình. Vấn đề đặt ra được sự hưởng ứng nồng nhiệt của nhiều người ở trong cũng như ngoài nước. Trong số những tác giả đã khai triển thêm đề tài này bằng những bài phê bình hết sức xây dựng, Tác giả Nguyễn Quang Trọng, trong bài "Về nguồn gốc dân tộc Việt Nam và ?Địa đàng ở phương Đông? của ppenheimer" (Hợp Lưu, số 64) là đáng bàn thảo thêm, và đó cũng là đề tài chính của bài viết này của chúng tôi.

Chúng tôi cám ơn tác giả Nguyễn Quang Trọng và các tác giả khác đã bỏ công viết những bài thảo luận có giá trị về vài điều mà chúng tôi đã nêu ra một cách vắn tắt trong bài điểm sách. Bởi bài viết trước của chúng tôi nằm trong dạng "điểm sách", nên chúng tôi không có cơ hội khai triển thêm những điều đã phát biểu. Trong bài này, chúng tôi muốn trình bày thêm một vài quan điểm chung quanh những ý kiến của tác giả Nguyễn Quang Trọng, và chắc cũng là ý kiến của một số bạn đọc quan tâm khác. Cố nhiên, có một số điểm chúng tôi sẽ không đề cập đến, không phải vì chúng tôi đồng ý (hay không đồng ý) với tác giả, mà chỉ vì muốn hạn chế trong phạm vi những điều có liên quan đến bài điểm sách của chúng tôi.

II.

Trước hết, chúng tôi muốn bàn và phát triển thêm những điểm trong bài viết của Nguyễn Văn Tuấn mà tác giả Nguyễn Quang Trọng cho rằng có thể gây ngộ nhận :

Thứ nhất, về giả thuyết người Hòa Bình tràn lan về phía Nam (Indonesia), lên hướng Bắc (Trung Hoa) và sang hướng Tây (Thái Lan), tác giả Nguyễn Quang Trọng, tuy không bác hẳn, nhưng tỏ vẻ không đồng ý với quan điểm này vì có hàm ý văn hóa Hòa Bình (Bắc Việt) còn trẻ hơn các văn hóa kể trên. Dụng cụ đá ở Hòa Bình có niên đại trẻ hơn dụng cụ đá ở Úc Châu, và "Theo tôi (NQT), chữ ?người Hòa Bình? dùng cho các di tích ở nơi khác không có nghĩa là người Hòa Bình - Bắc Việt - vào thời điểm đó (7.000 đến 12.000 năm trước) đã tràn lan đến những nơi khác như Thái Lan, Indonesia, Úc, Trung Hoa".

Thực ra, niên đại văn hóa Hòa Bình là một vấn đề đương đại, vì cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa nhất trí. Cụm từ "Văn hóa Hòa Bình" được giới khảo cổ học chính thức công nhận từ ngày 30-01-1932, do đề xuất của Madeleine Colani, sau khi đã được Đại hội các nhà Tiền sử Viễn Đông họp tại Hà Nội thông qua. Khởi thủy, cụm từ này được dùng để nói đến nền văn hóa cuội được ghè đẽo trên khắp chu vi hòn cuội để tạo ra những dụng cụ từ thời đá cũ đến thời đá mới (Choppers, hay chopping tools). Qua thời gian, tất nhiên cụm từ này đã được đề nghị mang những tên khác nhau và có những ý nghĩa cũng khác nhau. Lúc đầu, nó chỉ nói về nền văn hóa có khoảng không gian là Bắc phần Việt Nam, và khoảng thời gian không quá 5.000 năm trước đây (4). Nhưng khoảng không gian lẫn thời gian trên được nới rộng dần. T. M. Matthews có lẽ là người đầu tiên đã đem Văn hóa Hòa Bình vượt khỏi lãnh thổ Việt Nam đến các vùng Đông Nam Á, và rồi người ta nói đến Văn hóa Hòa Bình ở Miến Điện, Kampuchia, Lào, Mã Lai Á, Sumatra, Thái Lan, Ần Độ, Tứ Xuyên ... Nhưng có lẽ không ai mở rộng ảnh hưởng của Văn hóa Hòa Bình bằng Gs. W. G. Solheim II. Về không gian, ông đã đưa Văn hóa Hòa Bình, phía Đông Bắc đến Phi Luật Tân, Nhật Bản, phía Tây đến Thái Lan, phía Nam đến tận Úc Đại Lợi và phía Bắc bao trùm cả hai nền văn hóa cổ của Trung Hoa là Ngưỡng Thiều (Yan Shao) và Long Sơn (5). Về thời gian, ông không định rõ, nhưng tuyên bố không ngạc nhiên nếu thấy việc thuần hóa cây lúa nước đã có tại Hòa Bình từ 15.000 năm trước Công Nguyên, và những dụng cụ đá mài có lưỡi bén tìm thấy ở Bắc Úc Châu có tuổi khoảng 20.000 năm trước Công Nguyên đo bằng C14 có nguồn gốc từ nền Văn hóa Hòa Bình. Đấy là chưa kể đến dự phóng của ông về niên đại Hòa Bình lên đến 50.000 năm trước khi ông viết "Đông Nam Á và tiền sử học thế giới" đăng trong Viễn Cảnh Châu Á, tập XIII năm 1970 (6). Riêng trong phạm vi nước Việt Nam ngày nay, Văn hóa Hòa Bình được khoa học khảo cổ phân chia thành ba thời kỳ:

Hòa Bình sớm hay Tiền Hòa Bình, có niên đại tiêu biểu là di chỉ Thẩm Khuyên (32.100 ± 150 trước Công Nguyên (TrCN)), Mái Đá Điều, Mái Đá Ngầm (23.100 ± 300 TrCN).

Hòa Bình giữa hay Hòa Bình chính thống, tiêu biểu bởi di chỉ Xóm Trại (18.000 ± 150 BC), Làng Vành (16.470 ± 80 TrCN).

Hòa Bình muộn, tiêu biểu bằng di chỉ ở Thẩm Hoi (10.875 ± 175), Sũng Sàm (11.365 ± 80 BP, BLn - 1541/I).

Tính cách rộng lớn và phức tạp của Văn hóa Hòa Bình đã đến độ có đề nghị đổi tên Văn hóa Hòa Bình thành Phức hợp Kỹ thuật Hòa Bình (7). Chúng tôi đồng ý cụm từ "Văn hóa Hòa Bình" nay được dùng để chỉ nền văn hóa đá mới có đặc tính chung rộng khắp tại Đông Nam Á, Bắc lên đến Nhật Bản, Nam xuống tận Úc Châu, và không nhất thiết nó phải phát xuất từ Hòa Bình, Việt Nam. Nhưng văn hóa thiên di theo con người, và gần đây đã có dữ kiện di truyền học cho thấy có lẽ người Đông Nam Á, gần gốc Phi Châu hơn Đông Bắc Á và người Việt Nam có lẽ là sắc dân cổ nhất của Đông Nam Á (chúng tôi sẽ bàn thêm về điểm này trong phần sau).

Thứ hai, có phải kỹ thuật làm đồ đồng thau (dụng cụ, vũ khí) của cư dân Đông Sơn có trình độ cao nhất, nhì thế giới? Tác giả Nguyễn Quang Trọng không đồng ý với phát biểu này của chúng tôi, ông cho rằng trình độ đúc đồng của cư dân Đông Sơn (từ 700 năm trước CN về sau) quả rất cao, nhưng không thể nói là cao hơn các nơi khác, nhất là những nơi này đã có kỹ thuật đúc đồng xưa hơn Đông Sơn rất nhiều. Tác giả nêu một thí dụ về kỹ thuật đúc đồng ở Sanxingdai (Bắc Trung Hoa) cổ hơn Đông Sơn mấy ngàn năm, Thái Lan, xưa hơn Đông Sơn 1.000 năm, và ở các nơi khác như Irak, Ai Cập, vùng Cận Đông cũng sớm hơn Đông Sơn rất nhiều.

Rất tiếc là tác giả không dẫn chứng được những niên đại chính xác ("mấy ngàn năm" là mấy ngàn? Sớm hơn là sớm như thế nào?), và nguồn gốc của những dữ kiện được nêu ra. Nhưng chúng ta cứ giả thiết kỹ thuật đồng của những nơi này đã có trước mấy ngàn năm, cái niên đại 700 năm trước CN (mà ông gắn cho là niên đại của văn minh Đông Sơn) đi nữa, thì cũng không chắc đã có trước kỹ thuật của văn minh Đông Sơn, bởi một lẽ giản dị, niên đại 700 trước CN chỉ là niên đại của Đông Sơn trễ, Đông Sơn trẻ nhất.

Như sẽ được dẫn chứng dưới đây, Văn hóa Đông Sơn kể từ thời Phùng Nguyên cho đến nay, vẫn có thể coi là nền văn hóa đồng thau có niên đại xưa nhất so với niên đại văn hóa đồng thau ở các nơi khác trong vùng Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Bốn nhà nghiên cứu có uy tín khác viết về Văn hóa Đông Sơn đầu tiên ở Việt Nam là V. Gouloubew, R.H. Geldern, B. Karlgrenvà O. Jansé, đều lầm khi cho nền văn minh độc đáo này có nguồn gốc ngoại lai, từ nơi khác truyền đến. Người thì cho nó bắt nguồn từ Trung Hoa; người đi xa hơn, cho nó bắt nguồn từ văn minh Hallstatt ở Ấu Châu, truyền qua vùng thảo nguyên Ấu Á, đến Trung Hoa trước khi truyền vào Đông Sơn (8). Có người lại dựng lên một nguồn gốc xa xôi từ văn minh Mycèle Hi Lạp và theo một hành trình rất nhiêu khê qua trung gian các nền văn minh Trung Ấu, rồi Trung Á, đến đây mới chia hai ngả, một theo đường Tế Xuyên, Vân Nam truyền vào Việt Nam, và một theo lưu vực sông Hà, sinh ra văn hóa đồng thau đời nhà Thương ở Trung Hoa (9). Những nhận xét này tuy có tính ngạo mạn, nhưng có thể hiểu được, bởi lúc đó chưa phát hiện được những nền văn hóa đồng thau nội địa xưa hơn và là tiền thân của văn hóa đồng thau ở Đông Sơn, kể từ Phùng Nguyên, nên các nhà nghiên cứu trên cứ nghĩ, văn hóa đồng thau tìm thấy ở Đông Sơn, là văn hóa đồng thau duy nhất tại Việt Nam. Thực ra, đồng thau tìm thấy ở Đông Sơn chỉ là giai đoạn chót của một nền văn hóa đồ đồng đã có lâu đời ở Việt Nam kể từ Phùng Nguyên. Hơn nữa, thời đó khoa học chính xác chưa tiến bộ, văn minh Tây phương đang hồi cực thịnh, văn minh đồng thau Đông Sơn lại quá rực rỡ, chứng tỏ nó phát xuất từ một nền văn minh tối cổ cực kỳ cao. Những nhà nghiên cứu gốc Tây phương này, có thể do niềm tự tôn làm lu mờ sự khách quan của mình, nên không thể ngờ một nền văn minh lớn, đã để lại những di vật hoành tráng như vậy lại do tổ tiên những người mà dưới mắt họ, thấy đang bị ngoại bang đô hộ, sống lam lũ, nghèo khổ, thiếu văn minh - đã sáng chế ra!

Nhưng sự hiểu lầm đó đến nay đã thuộc về dĩ vãng, ít nhất là sau Hội nghị Quốc tế họp ở Berkeley bàn về Nguồn gốc văn minh Trung Hoa năm 1978, mà các bản tham luận, sau khi các dữ kiện được kiểm nghiệm, so sánh với ý kiến của các học giả khác, đã được xuất bản năm 1980 (10). Cho đến lúc này (tức 1980), người ta thấy đồ đồng Đông Sơn có niên đại xưa nhất (đồ đồng tìm thấy được ở Tràng Kênh thuộc Văn hóa Phùng Nguyên có niên đại C14 = 1425 ± 100BC [bLn - 891] so với đồ đồng cổ nhất của Trung Hoa ở Anyang có niên đại C14 = 1300 BC theo Anderson hay 1384 BC theo Lichi) (11); đồ đồng Đông Sơn cũng có kỹ thuật cao nhất vì đã biết pha với chì khiến hợp kim có độ dai bền đặc biệt (hợp kim đồng ở Thái Lan hay nhiều nơi khác có thể pha chế đồng với sắt, thiếc, antimoin như Đông Sơn nhưng không có chì) (12).

Có lẽ Nguyễn Quang Trọng đã hiểu đồ đồng Đông Sơn theo nghĩa hẹp là đồ đồng tìm thấy ở làng Đông Sơn, Thanh Hóa. Tuy đồ đồng tìm thấy ở đây đầu tiên, nhưng tuổi của nó không phải sớm nhất mà trẻ nhất trong nền văn hóa mang tên Đông Sơn. Người ta đã chứng minh được nó là hậu duệ của những sản phẩm đồng từ Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun trước khi đến vùng Đông Sơn, Thanh Hóa. Bốn nền văn hóa này, mỗi nền văn hóa có những nét độc đáo riêng, nhưng cùng thuộc một chủng tộc làm chủ. Chúng kế thừa nhau một cách chặt chẽ, liên hệ với nhau một cách khắng khít. Bởi vậy khoa học ngày nay gọi chúng một tên chung là Văn hóa Đông Sơn. Như trên đã nói, Đông Sơn là nơi tìm ra đồ đồng ở Việt Nam đầu tiên nhưng lại là giai đoạn sau cùng của văn minh đồng thau này, kéo dài hơn 2.000 năm, khởi đầu từ Phùng Nguyên khoảng 4.000 năm cách ngày nay (C14 Gò Bông = 1850 ? 60 BC [bLn - 3001]).

Đây là một hiểu lầm đến nay thì không còn nhiều người mắc phải và cũng không tai hại như sự hiểu lầm ở điểm 3 dưới đây mà nhiều nhà nghiên cứu về cổ học Việt Nam còn đang lúng túng chưa có câu giải đáp minh bạch.

Thứ ba, về đồ gốm Việt Nam xuất khẩu khắp Đông Nam Á, đến tận Malanesia, trước khi có ảnh hưởng của Ần Độ, tác giả Nguyễn Quang Trọng viết "tôi e rằng có sự nhầm lẫn về điểm này", vì theo tác giả, "Hòa Bình là văn hóa không có đồ gốm, hay có rất ít vào thời kỳ cuối (Bắc Sơn)". Có lẽ tác giả viết như thế vì ông đã căn cứ vào mẫu đồ gốm tìm được ở Hang Đắng thuộc rừng Cúc Phương, có niên đại C14 = 7.665 năm trước đây, mà các nhà khảo cổ Việt Nam cho thuộc thời kỳ Văn hóa Bắc Sơn hay Văn hóa Hòa Bình muộn. Viết như thế là rất thận trọng, cũng giống như sự thận trọng của những nhà khảo cổ học Việt Nam, những người đã đích thân đào những di tích khảo cổ trên đất nước mình và khai quật được những di vật - ở đây là đồ gốm - và khi định niên đại thì những gốm này, ngay cả những gốm cổ nhất, cũng có niên đại trẻ hơn niên đại của gốm ở các nơi khác (Nhật Bản, Trung Hoa, Thái Lan, cả một số những đảo Thái Bình Dương), nghĩa là những nơi mà những ngành khác đã chứng minh được do người thuộc văn hóa Hòa Bình di cư đến đem theo cả văn hóa của mình.

Sự bất lực không giải thích được điều mâu thuẫn này dẫn đến những hiểu lầm đáng tiếc. Gốm là một di vật rất quan trọng nếu không muốn nói là quan trọng nhất trong ngành khảo cổ, vì nó phản ảnh rõ nhất, đầy đủ nhất nếp sống, tư duy, nói chung, văn hóa của người xưa. Vậy thì, dù các ngành khoa học khác cho thấy người thuộc văn hóa Hòa Bình có thể là nguồn gốc của nhân loại Đông Á, mà gốm Hòa Bình lại có niên đại trẻ hơn gốm các nơi khác cũng sẽ làm cho nguồn gốc nhân loại Đông Á từ người thuộc văn hóa Hòa Bình trở thành có tì vết!

Chính vì hiểu rõ sự quan trọng của gốm trong vấn đề giải thích đời sống tiền sử và sự mâu thuẫn có tính sinh tử này mà chúng tôi đã cố công tìm hiểu. Và chúng tôi nghĩ là chúng tôi đã tìm ra được câu trả lời cho vấn đề khó khăn này bằng bài "Gốm cổ tại Việt Nam và vai trò của nó trong văn hóa tiền sử", đăng trong Tập San TƯ TƯỞNG số 12 tháng 2 năm 2001. Những ý kiến đã giúp chúng tôi tìm được câu giải đáp, ngoài những di vật khảo cổ rất phong phú mới tìm thấy ở Việt Nam và Nam Trung Hoa trong những năm gần đây, trước hết, phải kể đến kiến giải của GS. W. G. Solheim II, khi ông giả thiết gốm Văn Thừng, đặc trưng của gốm Hòa Bình phải có niên đại 15.000 năm cách ngày nay dù ông chưa có trong tay tài liệu để chứng minh. Tiếp đến, ý kiến của GS. S. Oppenheimer trong sách "Địa đàng tại phương Đông" giả thiết về một sự hiện hữu của vùng Sundaland coi như nguồn gốc của nhân loại Đông phương, có thể của cả thế giới. Rồi thuyết về ngôn ngữ học của nhà ngữ học Johana Nichols và các nhà ngôn ngữ mới khác chứng minh ngôn ngữ Đông Nam Á Austronesian và Austro - Asiatic từ miền biển, miền thấp, ngược các con sông tiến lên miền cao, miền núi, chứ không phải từ miền núi xuôi xuống miền biển theo dọc dòng sông (13). Quan trọng nhất là các bằng chứng về di truyền học khẳng định rằng nguồn gốc người Hiện Đại (Homo Sapiens - Sapi-ens) từ Đông Phi Châu đến Đông Nam Á, rồi từ đó mới thiên di đi các nơi khác (14).

Việc tìm hiểu về đời sống tiền sử, đời sống thời chưa có chữ viết, chúng ta không thể chỉ trông cậy vào một ngành khảo cổ học mà phải phối hợp các ngành đó để tiếp cận sự thực. Và một khi những lý thuyết này có điều gì chồng chéo, mâu thuẫn nhau thì bổn phận của nhà viết cổ sử, các nhà phân tích nói chung phải so sánh, cân nhắc và thực hiện một sự tổng hợp các khoa ngành một cách thận trọng. Nếu sự tổng hợp này vẫn còn khó khăn để rút ra một kết luận, phải biết trong trường hợp này khoa học nào nói tiếng nói quyết định. Ngày nay, di truyền học DNA, tuy sinh sau đẻ muộn, nhưng có độ chính xác cao nhất, và thường nói tiếng nói quyết định khi những mâu thuẫn trong những ngành cổ học khác không giải quyết được vấn đề. Có lẽ cũng nên nói thêm về một điểm nhỏ, Nguyễn Quang Trọng đã nói đến là gốm Lapita nổi tiếng nhất Đông Nam Á tìm được ở các đảo Thái Bình Dương, cụ thể đó là vùng bờ biển phía Tây đảo New Caledonia. Không thấy Stephen Oppenheimer hay Peter Bellwood đề cập đến trong các thuyết "Chuyến tầu nhanh, chậm" hay "chuyến tầu nhanh" của ông là do từ gốm Phùng Nguyên mà ra. Chúng tôi xin nói ngay rằng gốm Phùng Nguyên không phải là gốm cổ nhất ở Việt Nam (Phùng Nguyên nay thuộc vùng Vĩnh Phú, sâu trong đất liền). Những gốm cổ nhất, sau Hang Đắng, là gốm tìm thấy ở bờ biển từ Hạ Long, Cái Bèo, Đa Bút, Quỳnh Văn vào đến Bầu Tró, Sa Huỳnh. Đây là một điều trái với qui luật bình thường của khảo cổ, như đã trình bày trong bài viết trên nên xin miễn nói lại ở đây. Chỉ xin nhấn mạnh rằng khảo cổ học đã chứng minh được gốm Lapita mà Nguyễn Quang Trọng nói ở trên có nguồn gốc từ gốm trong hang động ở Thường Xuân (Thanh Hóa), Quỳ Châu (Nghệ An), Xóm Thân (Quảng Bình), là con đẻ của các gốm Đa Bút, Quỳnh Văn, Bầu Tró nói ở trên (15).

Thứ tư, về quê hương của kỹ thuật trồng lúa mà chúng tôi phát biểu là ở quanh vùng Đông Nam Á đã được giới khoa học trên thế giới bàn luận đến từ lâu, đã tạm thời đi đến kết luận trong đại hội bàn về nguồn gốc dân tộc Trung Hoa ở Berkeley như nói ở trên. Riêng Tập San TƯ TƯỞNG cũng đã nhiều lần bàn đến, cụ thể là trả lời mục Bạn Đọc Góp Ý trong TƯ TƯỞNG số 12 (trang 27 - 28). Chúng tôi xin không bàn vào chi tiết nữa. Trong phần trên, Nguyễn Quang Trọng có nhắc đến bữa cơm tiền sử nấu với gạo của lúa mọc hoang tìm thấy ở hang Diaotonghuan 13.000 năm trước, và một số địa danh đã biết thuần hóa lúa nước từ 9.000 năm trước trở lại đây. Chúng tôi mong sẽ có dịp bàn lại về vấn đề này. Ở đây, chỉ xin nói ngay vào chủ đề điều 4, rằng đề tài này hầu như đã được giới khoa học quốc tế, kể cả khoa học gia hàng đầu Trung Hoa đồng thuận : quê hương lúa nước ở vùng Đông Nam Á.

Quê hương lúa nước ở vùng Đông Nam Á là một sự thực, dù còn nhiều chi tiết cần tìm hiểu, bàn luận thêm. Nay nếu cứ đem những tiểu tiết che lấp đại thể thì vấn đề chỉ thêm rối rắm. Ngay sự thực trước mắt ngày nay cũng cho thấy người Hoa Hán ăn mì, người Hoa Nam, cả Nhật Bản, Đại Hàn và các dân Đông Nam Á khác ăn gạo.

Chính thuyết trình viên người Trung Hoa, GS. Te-Tzu-Chang, phát biểu trước hội nghị quốc tế cũng trình bầy rõ, xét theo lịch sử Trung Hoa, lúa mạch là thực phẩm chính từ thời tiền sử đến nhà Chu, lúa tắc, mạch và đậu nành là thực phẩm thời Xuân Thu - Chiến Quốc, lúa nước chỉ là thực phẩm phổ biến tại Trung Hoa từ đời Hán về sau. Như vậy, phải chăng ông đã khẳng định lúa nước thuộc văn hóa phương Nam, chỉ trở thành thực phẩm chính ở Trung Hoa khi đất đai phương Nam thuộc tộc Bách Việt đã sát nhập vào Trung Hoa (16).

Ngay cả tác giả Nguyễn Quang Trọng sau khi đã nêu ra một số những địa danh từ Trường Giang trở về Nam có niên đại lúa nước xưa hơn vùng châu thổ sông Hồng, cũng xác nhận người Cổ Việt, nhưng đây là U Việt ở vùng Cối Kê (Hemedu ngày nay) đã dậy Hoa Hán trồng lúa nước (chứ không phải dân Lạc Việt ở châu thổ sông Hồng, mà di vật liên quan đến lúa nước tìm được ở Sũng Sàm mới chỉ không quá 3.500 năm cách ngày nay). Mặt khác, ông lại quay sang phía Tây để phát biểu di tích hạt lúa ở Thái Lan tuy xưa hơn ở Việt Nam, nhưng không xưa bằng ở Nam Trường Giang (ông không tin vào niên đại C14 = 9260 - 7620 BP đã dẫn trong sách của S. Oppenheimer), nên quê hương lúa nước không phải ở Thái Lan. Những con số tác giả nêu ra đều có cơ sở. Có điều ông không để ý đến yếu tố quan trọng nhất là toàn bộ đồng bằng Bắc Việt ngày nay đã bị nhận chìm dưới làn nước biển suốt từ 8.000 năm đến 5.000 năm trước đây (5.500 năm trước nước biển mới bắt đầu rút). Đấy là nói đồng bằng ngày nay. So với đồng bằng sông Hồng từ 18.000 năm đến khoảng 30.000 năm trước đây, nó nhỏ hơn nhiều. Lúc ấy, nước biển thấp hơn ngày nay 130m, châu thổ sông Hồng xưa (cứ gọi như vậy) kéo dài đến tận đảo Hải Nam. Vậy nếu lúa nước có được thuần hóa thì di tích phần lớn đã bị hủy hoại (ở phần nước biển đã rút trả lại đất đai như ta thấy ngày nay) hay hãy còn ở sâu dưới lòng biển (ở phần vẫn bị nước biển tràn ngập). Việc không tìm ra di vật lúa nước có niên đại tối cổ (cổ hơn ở phần đất nay là Trung Hoa hay Thái Lan) cũng như việc không tìm ra di vật gốm tối cổ, ngoài lý do nó bị nước biển tàn phá, còn có thể vì nền khảo cổ của ta còn non trẻ lại thiếu phương tiện, nước ta trước đây có chiến tranh lại không quan tâm đến việc kêu gọi các nhà khảo cổ quốc tế tới thực hiện việc thám quật khảo cổ như các nước lân cận, chứ không hẳn vì không có.

Vả lại, dù quê hương cây lúa ở Thái Lan, ở Nam Trường Giang, hay ở châu thổ sông Hồng, vấn đề quê hương của kỹ thuật trồng lúa nước ở quanh vùng Đông Nam Á cũng vẫn đúng, chẳng có gì phải đặt dấu hỏi, đặt nghi vấn cho một sự thực đã được khoa học và dư luận quốc tế chấp nhận như vậy. Theo thiển ý, lý giải như vậy mới không trái với kết quả nghiên cứu di truyền học, hải dương học, ngôn ngữ học như đã trình bày. Và như vậy tưởng mới là tiếp cận sự thực (17).

Thứ năm, về câu phát biểu của chúng tôi rằng trước khi tiếp xúc với người Hán, tổ tiên chúng ta có một nền văn minh rất cao, nếu không muốn nói là cao nhất Đông Nam Á. Thực ra, tổ tiên chúng ta với tổ tiên những người vùng Đông Nam Á, nếu xét tự nguồn gốc thì cũng chỉ là một. Tổ tiên chúng ta và tổ tiên những người thuộc các nước vùng Đông Nam Á chỉ coi như khác nhau trong thời gian sau này mà thôi. Nguyễn Quang Trọng đặt câu hỏi đúng "Thế nào là văn hóa (văn minh) cao nhất Đông Nam Á?" Bởi riêng từ văn minh cũng đã có nhiều nghĩa mà cho đến nay vẫn chưa có nghĩa nào được mọi người cùng chấp nhận, vậy làm sao có thể chấp nhận thế nào là văn minh cao nhất? Nương theo lý luận của tác giả, đại khái ta có thể nói văn minh Tây phương (Western civilization) là cao nhất. Chẳng thế mà suốt hơn bốn thế kỷ qua, nền văn minh này đã thực hiện được những tiến bộ khoa học rất ngoạn mục, chinh phục các phần đất khác trên thế giới, bắt dân các nơi đó làm nô lệ cho họ. Nhưng cũng chính nền văn minh này là nguyên nhân của những cuộc chiến triền miên (thế chiến I, thế chiến II) có thể đưa nhân loại đến chỗ diệt vong. Trong trường hợp này thì văn minh nhất lại đồng nghĩa với man rợ nhất. Nay, nếu lấy tiêu chuẩn của những nhà viết văn minh cổ sử mà xét, thì một xã hội được coi là văn minh khi có được những sáng chế đưa nhân loại thoát khỏi thời kỳ mông muội. Ba sáng chế quan trọng nhất trong tiêu chuẩn này là sự phát minh ra kỹ thuật thuần hóa lúa nước, kỹ thuật hàng hải và kỹ thuật xây dựng đô thị (18). Và theo cái chuẩn này thì những ngưới chủ nhân của Văn hóa Hòa Bình, như các mục trên đã đề cập, được hiểu là những người phát xuất từ Đông Nam Á, tổ tiên của người Bách Việt, đáng gọi là có nền văn minh cao nhất thời ấy, nghĩa là thời mà nhân loại mới bước từ đời sống mông muội sang đời sống văn minh.

Đó mới chỉ nói đến nền văn minh vật chất, chưa nói đến văn minh tinh thần. Khảo về văn minh tinh thần, về triết học tư tưởng của người cổ Việt, thì hiện tại, gần như chưa có ai nói tới một cách có hệ thống. Những tư tưởng Đông phương rất cao thâm như Nho, Lão, Phật . đều nói là hoặc của người Trung Hoa, hoặc của người Ần Độ, không có gì là của tổ tiên người Việt. Nhưng nếu đã khẳng định bằng di truyền học DNA, ngôn ngữ học, hải dương học, khảo cổ học, dân tộc học, tập tục truyền thống học... rằng người Hòa Bình, tức người Bách Việt ở Đông Nam Á đã có sớm nhất và là nguồn gốc của văn minh Đông phương thì cũng phải khẳng định tư tưởng đầu tiên, nền văn minh tinh thần đầu tiên của nhân loại Đông phương cũng do người Hòa Bình này khởi động. Điều này đến nay không có văn bản nào nói như vậy vì từ khi con người sáng chế được ra chữ viết đủ để ghi chép lại thành sách, người thuộc Đại tộc Bách Việt đã mất độc lập về tay người Hoa Hán, vì vậy những văn minh văn hóa của người Bách Việt, nếu có, (và chắc phải có), đều đã trở thành văn minh Trung Hoa. Nằm trong khung "văn minh" đó, tư tưởng của người Cổ Việt cũng đã được mang nhãn hiệu Trung Hoa cả. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều thứ như di vật khảo cổ, văn minh truyền khẩu, tập tục truyền thống . nếu biết "đọc" chúng, biết khai thác thì chúng sẽ cho ta biết nền văn hóa, văn minh tinh thần đó gốc gác nó từ đâu, nội dung chân chính của nó như thế nào. Nay chỉ nói về hoa văn trên trống đồng Đông Sơn, nếu biết giải mã, ta sẽ thấy chúng thuộc một nền văn minh tinh thần rất cao, gần với văn minh hậu nguyên tử, văn minh lượng tử như điều Giáo sư F. Capra đã nói đến (19). Nhưng đó không phải là đối tượng của đề tài này. Nói như vậy chỉ để làm cơ sở để phát biểu rằng, trước khi tiếp xúc với người Hoa Hán, quả người Hòa Bình, tổ tiên chúng ta đã có một nền văn minh rất cao. Còn việc nghi ngờ văn minh này không chắc là "cao nhất", bằng cớ là đã bị người Hoa Hán đánh thua vì họ có kỹ thuật quân sự dựa trên văn minh đồ sắt cao hơn văn minh đồng thau của tổ tiên ta thì lại là một vấn đề khác. Nó không hề phủ định đã có thời tổ tiên ta có nền văn minh cao nhất.

III.

Bây giờ, chúng tôi muốn phát biểu vài điều về vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt. Phải nói ngay rằng đây là một vấn đề phức tạp, vì chúng ta vẫn còn thiếu thốn dữ kiện khoa học liên quan đến người Việt để phát biểu một cách khẳng định. Vì thế, người ta vẫn còn suy đoán, và có khi suy đoán thiếu cơ sở. Có thể nói hai giả thiết phổ thông liên quan đến vấn đề này: một là giả thiết [có lẽ chiếm đa số quần chúng] cho rằng người Việt có nguồn gốc từ người Trung Hoa; và giả thiết hai [có lẽ phần thiểu số] cho rằng người Việt có nguồn gốc từ Mã Lai (tức là kết luận của Bình Nguyên Lộc). Chúng tôi cho rằng cả hai giả thiết này đều cần phải xét lại, bởi một lý do đơn giản: hai giả thiết đó thiếu dữ kiện khoa học làm cơ sở, và chưa được phản nghiệm.

Giả thiết về nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt phần lớn dựa vào các dữ kiện khảo cổ và ngôn ngữ. Những dữ kiện về đặc tính cơ thể và các chỉ số nhân trắc (như màu da, xương, sọ, khuôn mặt, v.v..) từng được dùng làm các đơn vị thông tin để nghiên cứu nguồn gốc dân tộc và sự tiến hóa của loài người. Nhưng các đặc tính này thay đổi theo thời gian, và chịu ảnh hưởng vào môi trường sinh sống. Chẳng hạn như chiều cao của con người trong vòng 200 năm qua đã tăng một cách đáng kể do những cải thiện về dinh dưỡng và môi trường sinh sống. Ngay cả cấu trúc xương cũng thay đổi theo thời gian và môi trường. Do đó các đặc tính nêu trên không phải là những thông tin lý tưởng cho việc nghiên cứu lịch sử di truyền của con người.

Những dữ kiện về ngôn ngữ cũng có nhiều khiếm khuyết, vì mức độ tương đương về từ ngữ không thể nói lên một cách đầy đủ khuynh hướng di cư của các sắc dân. Ngay cả việc xác định mức độ tương đồng từ ngữ giữa các ngôn ngữ cũng là một vấn đề mang tính kỹ thuật mà các nhà nghiên cứu vẫn chưa đồng ý về phương pháp làm. Vả lại, sự tương đồng giữa các ngôn ngữ có thể là một hằng số mang tính văn hóa, chứ không hẳn do các cơ chế sinh học và di truyền. Nói tóm lại, những bằng chứng khảo cổ và ngôn ngữ không phải là những loại thông số đáng tin cậy để xác định nguồn gốc dân tộc.

Trong quá khứ, giới khảo cổ học và nhân chủng học dựa vào các bằng chứng về khảo cổ, xương, hóa thạch, v.v. để phát triển lý thuyết, nhưng những đối tượng này hàm chứa nhiều hạn chế thông tin về tiến hóa, vì mối quan hệ phức tạp giữa môi trường và tiến hóa. Hậu quả của sự tập trung vào các đối tượng như thế trong một thời gian dài đã làm cho chúng ta xao lãng các dữ kiện cho chúng ta nhiều thông tinhơn: đó là gien (20). Không giống như xương sọ, những thay đổi trong gien thường xảy ra theo những qui luật mà chúng ta hiểu khá rõ, và vì thế gien và các đặc điểm của gien, như tầng số gien, cấu trúc DNA, phân phối gien, v.v... cho chúng ta những thông tin cực kỳ quí giá về sự tiến hóa của con người. Ngày nay, những tiến bộ phi thường trong ngành di truyền học và sinh học phân tử (molecular biology) trong mấy năm gần đây đã cung cấp cho ngành nhân chủng học một phương tiện cực kỳ quan trọng trong việc xác định lịch sử tiến hóa của con người và mối liên hệ giữa các dân tộc. Giá trị của di truyền học trong việc truy tầm nguồn gốc dân tộc đã được đánh giá cao về mức độ tin cậy. Di truyền học là một cửa sổ để chúng ta nhìn lại quá khứ của chúng ta.

Tuy nhiên, những nghiên cứu về di truyền học trong người Việt còn cực kỳ khiêm tốn, nếu không muốn nói là không đáng kể. Trong thời gian khoảng 10 năm trở lại đây, đã có một số bằng chứng, tuy gián tiếp, nhưng cũng đủ để chúng ta có lý do để xem xét lại lịch sử tiến hóa của dân tộc Việt. Những bằng chứng này là:

Trong một nghiên cứu trên 103 người ở Hà Nội, các nhà nghiên cứu Việt - Pháp phân tích DNA trong hai gien (HLA-DR và DQB1), và so sánh kết quả này với các sắc dân thuộc châu Đại Dương (Oceania) và Đông Á. Sau khi ước tính khoảng cách di truyền (genetic distance) giữa các sắc dân, các nhà nghiên cứu kết luận rằng cấu trúc di truyền của hai gien này trong người Việt gần với người Thái và người Hoa. Các nhà nghiên cứu này kết luận rằng dữ kiện của họ phù hợp với giả thuyết người Việt có nguồn gốc từ người Trung Hoa và Thái-Nam Dương (21). Tuy nhiên, sau khi xem xét kỹ phần phương pháp nghiên cứu, chúng tôi cho rằng kết luận này rất có thể không đúng, vì : (a) nghiên cứu này chỉ dựa vào hai gien mà thôi (con người có khoảng 35 đến 39 ngàn gien), và với những yếu điểm của mtDNA, các ước đoán về khoảng cách di truyền không ổn định; (:) ngay cả trong bài báo các nhà nghiên cứu không xây dựng được một cây di truyền nào, và cũng chẳng phân tích phát sinh chủng loại thì không thể phán đoán về chiều hướng di cư hay nguồn gốc dân tộc được.

Khoảng hai năm sau, các nhà nghiên cứu này lại tiến hành một nghiên cứu khác trên 50 người cũng ở Hà Nội, và cũng qua dùng kỹ thuật PCR (polymerase chain reaction) họ phân tích 6 "restriction enzymes", và ghi nhận khoảng cách di truyền (22) giữa người Việt và người Hoa rất thấp (chỉ 0.0022), nhưng giữa người Việt và Ần Độ thì tương đối cao hơn (0.0468), có nghĩa là quan hệ giữa giống người Việt và Hoa gần nhau hơn so với quan hệ Việt và Ần (23). Nghiên cứu nàycũng có những yếu điểm như nghiên cứu trình bày phần, tức là số lượng gien quá ít (trong trường hợp này chỉ có một gien), và tác giả cũng không tính toán mức độ biến thiên của chỉ số khoảng cách di truyền, nên không thể nào phát biểu khoảng cách giữa Việt - Hoa gần hơn khoảng cách giữa Việt - Ần. Thực ra, sau khi tính toán lại, chúng tôi thấy hai khoảng cách di truyền (Việt - Hoa và Việt - Ần) không có sự khác biệt đáng kể (non-significant)! Tuy nhiên, một nghiên cứu khác trên 5 gien trong nhiễm sắc thể Y trong hai nhóm dân: Bắc Á (Bắc Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, và Mông Cổ), và Nam Á (Nam Dương, Phi Luật Tân, Thái, và Việt Nam) cho thấy người Việt gần với các nhóm dân Bắc Á (nhất là Hàn Quốc) hơn là các nhóm dân Nam Á (24)! Chúng ta biết rằng, qua nghiên cứu của Giáo sư Chu (14), người Hoa phía Bắc Trung Quốc có cấu trúc di truyền khác với người Hoa phía Nam Trung Quốc. Do đó, phát hiện này quả rất khó giải thích. Càng khó giải thích hơn nữa khi phần lớn những người Việt trong nghiên cứu này là cư dân ở Hà Nội, tức gần miền Nam Trung Quốc.

Trong một nghiên cứu dùng mtDNA, Ballinger và đồng nghiệp (24) ghi nhận rằng chỉ số biến thiên (trong di truyền học gọi là Fvalue) trong người Việt cao nhất trong các sắc dân vùng Đông Nam Á. Tuy nhiên, các tác giả kết luận một cách mơ hồ rằng các dữ kiện này cho thấy "người Á châu có nguồn gốc từ nhóm dân Nam Mông" (nguyên văn : "The greatest mtDNA diversity and the highest frequency of mtDNA with HpaI/HincII morph 1 were observed in the Vietnamese suggesting a Southern Mongoloid origin of Asians") (25). Thực ra, các dữ kiện mà tác giả trình bày không cho phép họ kết luận như thế, bởi vì họ chỉ 7 nhóm dân Á châu mà thôi, và cũng chỉ nghiên cứu trên vài mẫu gien rất nhỏ. Nhưng qua số liệu của các nhà nghiên cứu này, chúng tôi có thể phát biểu rằng trong hai gien mà họ nghiên cứu, người Việt có lẽ là một sắc dân cổ nhất trong vùng Đông Nam Á.

Năm 1998, Giáo sư Chu và đồng nghiệp (thuộc Trường Đại học Texas (14)) phân tích 15 đến 30 mẫu "vi vệ tinh" DNA (microsatellites) để thử nghiệm sự khác biệt di truyền trong 24 nhóm dân từ nhiều tỉnh khác nhau ở Trung Quốc, 4 nhóm dân vùng Đông Nam Á (hai thuộc thổ dân Mỹ, một thuộc thổ dân Úc châu, và một thuộc Tân Guinea), 4 nhóm dân da trắng (Caucasian), và 3 nhóm dân Phi châu. Bằng một phương pháp phân tích thống kê có tên là "phân tích phát sinh chủ?g loại" (Phylogenetic analysis)", một số kết quả đáng ghi nhận như sau:

(i) hai nhóm dân có sự khác biệt rõ ràng nhất là Phi châu và các dân không thuộc Phi châu;

(ii) tất cả các nhóm dân Đông Nam Á "tập hợp" thành một nhóm, và nhóm dân có đặc tính di truyền gần họ nhất là người thổ dân Mỹ châu, kế đến là thổ dân Úc châu, và Tân Guinea (Những kết quả này cũng phù hợp với thời gian định cư ở Úc châu (khoảng 60,000 đến 50,000 năm trước đây, và thời gian định cư ở Mỹ châu (từ 30,000 đến 15,000 năm trước đây);

(iii) các nhóm dân miền nam Trung Quốc phân phối thành ba nhóm, gọi là S1, S2, và S3 (ngoại trừ nhóm S2 là người Hán từ tỉnh Henan, phần còn lại (S1 và S3) gồm các sắc dân trong vùng Yunnan); và

(iv) các sắc dân miền bắc Trung Quốc phân phối thành hai nhóm, gọi là N1 và N2. Nhóm N1 gồm 6 sắc dân nói tiếng Altaic, một nhóm Hán tộc miền bắc từ tỉnh Yunnan. Nhóm N2 gồm 4 sắc tộc thiểu số có lịch sử sinh sống lâu đời ở miền bắc, trong đó có một sắc tộc từ tỉnh Ninxia [6].

Từ những phát hiện trên, chúng ta có thể đặt ra một số mô hình để giải thích, nhưng mô hình thích hợp với dữ kiện của Giáo sư Chu và đồng nghiệp là các dân tộc miền Bắc Á được tiến hóa từ các dân tộc Đông Nam Á châu. Các dữ kiện liên quan đến răng, sọ [26-27] cũng nhất quán với mô hình này. Do đó, Giáo sư Chu và đồng nghiệp kết luận rằng: "Tổ tiên của các nhóm dân Đông Á ngày nay có nguồn gốc từ Đông Nam Á."

Nhưng nghiên cứu của Giáo sư Chu và đồng nghiệp có một điểm yếu, đó là họ dựa vào vi vệ tinh DNA, một chất liệu di truyền rất "nhạy" (sensitive) và dễ bị đột biến (mutation [28]). Để khắc phục nhược điểm này, một nhóm nghiên cứu khác đã tiến hành một nghiên cứu độc lập và qui mô hơn để xác định nguồn gốc Đông Nam Á của dân tộc Trung Hoa. Nhóm nghiên cứu Mỹ - Trung Quốc phân tích DNA trong nhiễm sắc thể Y [29] trong các nhóm dân Hán (thuộc 22 tỉnh của Trung Quốc), 3 nhóm dân Đông Bắc Á (Buryat, Đại Hàn, và Nhật Bản), 5 nhóm dân Đông Nam Á (Cambốt, Thái Lan, Mã Lai, Batak, và Java), và 12 nhóm dân ngoài Á châu (3 nhóm từ Phi châu, 3 từ Mỹ châu, 2 từ Ấu châu, và 4 từ châu Đại dương). Các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng mức độ biến thiên đa hình thái (polymorphic variation) trong các nhóm dân Đông Nam Á cao hơn trong các nhóm dân thuộc vùng Bắc Á. Điều này có nghĩa là các sắc dân ở Đông Nam Á có một quá trình định cư lâu dài hơn là các nhóm dân Bắc Á. Dùng các phương pháp phân tích di truyền quần thể (population genetics), các nhà nghiên cứu kết luận rằng con người thời đó đã di cư từ Phi châu sang đến Đông Nam Á [30] vào khoảng 60 ngàn năm về trước, và sau đó đã di chuyển lên phía Bắc Á (kể cả Trung Quốc ngày nay) và Siberia [29]. Ngoài ra, còn có bằng chứng di truyền cho thấy các nhóm dân Polynesians cũng có nguồn gốc từ Đông Nam Á [31].

Những dữ kiện di truyền học mà chúng tôi tóm lược trên đây tuy chưa hoàn toàn đầy đủ để chúng ta khẳng định nguồn gốc dân tộc Việt, nhưng đủ để chúng ta phát biểu rằng: xác suất mà người Việt có nguồn gốc [hay di dân] từ Trung Quốc là cực kỳ thấp, nếu không muốn nói là con số gần zêrô.

Bây giờ chúng tôi muốn nhân cơ hội này để bàn thêm vài điều chung quanh vấn đề nguồn gốc dân tộc và văn minh Việt Nam. Theo Nguyễn Quang Trọng, dân Đài Loan ở trên núi, ít bị Hán hóa, có thể coi như nhóm dân tiêu biểu cho người nói tiếng Nam Đảo vì họ còn giữ được gien nguyên thủy và còn sống theo văn hóa cổ. Mặt khác, những cư dân sống ở vùng Phúc Kiến, Kim Môn, Quảng Đông, Bắc Việt có thể cũng cùng một gốc với dân cổ Đài Loan này, và quê hương của họ có thể là thềm lục địa chung quanh đã bị biển tràn ngập. Vì vậy, [tác giả viết] "tại sao không thể xem vùng thềm biển này, trước khi hồng thủy đến, là một trung tâm văn hóa lớn của dân nói tiếng Nam Đảo". Dữ kiện ông đưa ra để minh chứng cho thuyết này là chày đập vỏ cây cho mềm để làm khố che thân đã tìm được ở bờ biển Nam Trung Hoa từ Hồng Kong đến Bắc Việt. Về điểm này chúng tôi cũng đã từng đề nghị, ngoài vùng đất Sundaland, đồng bằng Nanhailand, châu thổ sông Hồng xưa, là trung tâm văn minh Đông Nam Á thời đó, cũng có thể là nguồn gốc của văn minh toàn cầu (32). Có điều chúng tôi không khẳng định đây là trung tâm văn hóa của dân nói tiếng Nam Đảo (Austronesian) vì chúng tôi nghĩ, cũng như W. Solheim II, dân thời đó còn nói chung tiếng Austric chưa chia hai Nam Đảo và Nam Á.

Về quá trình tiến triển dân tộc Việt, Tác giả Nguyễn Quang Trọng đưa ra vài đề nghị rất đáng bàn thêm, mà theo cách hiểu của chúng tôi, như sau :

Bước 1: Người cổ thiên di từ Phi Châu đến Đông Nam Á, khi gặp biển Đông ngăn chặn, họ chia theo hai hướng : một lên phía Bắc đến sống ở miền Nam Trung Hoa, và càng ngày càng tiến về Bắc đến tận Mông Cổ; một đi về phía Nam đến thềm Sunda, khi đó còn nối liền lục địa với các đảo phía Nam, đến tận Úc Châu. Tất cả đều là người chủng tộc Australoid (da đen, tóc quăn, mũi to...)

Bước 2: Lớp di dân lên phía Bắc Đông Á, đổi dần nhân dạng vì môi trường lạnh, gió, ít nắng. Khoảng 15.000 năm trước giống này lai với chủng Altaic thiên di từ Tây Á đến đổi thành chủng Bắc Mongoloid (da trắng vàng, mắt hí, tóc thẳng ...)

Bước 3: Chủng Bắc Mongoloid này bành trướng về phía Nam lai với chủng Australoid vào khoảng giữa đất Trung Hoa (nay) để tạo thành chủng Nam Mongoloid (da ngăm đen, tóc gợn sóng ...) Theo tác giả, chủng lai Nam Mongoloid này chính là tổ tiên của người Cổ Việt, Khmer, Thái, Miến, Mã Lai, Nam Dương, cả những người ở hải đảo Thái Bình Dương.

Bước 4: Xin trích nguyên văn của tác giả: "Trên đất Việt Nam, vào thời đồ đá, cư dân thuộc chủng Australoid ban đầu nói cùng tiếng gốc Austric, dần dần phân thành hai nhóm dân nói tiếng khác nhau theo vùng họ ở, vì cách sinh sống khác nhau. Nhóm nói tiếng tiền Nam Á sống phía trong lục địa, trú trong hang động vùng cao (văn hóa Hòa Bình). Nhóm thứ hai nói tiếng tiền Nam Đảo, sống vùng đồng bằng ven biển, vào lúc ấy mức biển thấp, vùng này lan ra xa ngoài đường biển hiện tại trên vịnh Bắc Việt do thềm lục lài thoai thoải. Tại vùng vịnh Bắc Việt, dọc từ bờ biển Móng Cái tới Quảng Ngãi qua đến đảo Hải Nam", và ông kết luận : "Trong chừng mực nào đó, vùng vịnh Bắc Việt, kể cả (đảo) Hải Nam có thể xem là lãnh thổ của một phần tổ tiên người Việt, thuộc thành phần nói tiếng Nam Đảo, từ 15 ngàn năm trước ! Văn hóa Hạ Long và các văn hóa tiền Nam Đảo khác sau đó đã góp phần quan trọng vào sự hình thành văn hóa và con người Việt Nam".

Bước 5: Bắt đầu từ thời đá mới, dân nói tiếng Nam Á trong đất liền và dân nói tiếng Nam Đảo dọc bờ biển đều tăng nhanh nên cùng tràn về châu thổ các sông. Sự hợp chủng của hai sắc dân này có lẽ xẩy ra khoảng 4.000 năm cách ngày nay. Và tác giả đặt câu hỏi phải chăng sự gặp gỡ này đưa đến truyền thuyết Lạc Long Quân Nam Đảo từ phía biển lên và Ấu Cơ Nam Á từ vùng núi xuống, và đi đến kết luận : "Như vậy Tiên Ấu Cơ Nam Á và Rồng Lạc Long Quân Nam Đảo là tổ tiên Lạc Việt lẫn Bách Việt (phía Nam Trường Giang), và những Viêm Đế, Thần Nông của huyền thoại Hán xa xưa, nếu có, có lẽ không dính dáng đến tổ tiên tộc Việt". Cũng theo tác giả: "Cuộc phối hợp văn hóa hoàn tất vào thời Đông Sơn tạo thành một văn hóa chung cho cư dân bản địa".

Bước 6: Cũng xin trích nguyên văn : "Như đã nói ở trên, cuộc sống chung này tương đối hòa bình vì các di tích khai quật cho thấy tại Đồng Đậu, cư dân ?đột nhiên? biết chế tạo vũ khí. Để tự vệ ? Để giải quyết những tranh chấp về quyền lợi và ảnh hưởng ? Từ đó đưa đến những khủng hoảng mất mát chia lìa (năm mươi con theo cha, năm mươi con theo mẹ ?) hoặc đến lúc suy vi sau thời kỳ sung mãn". Và để kết luận, ông cho rằng người dân Việt đã lai nhiều suốt thời tiền sử và trong thời Hoa thuộc, nhưng văn hóa Việt thành hình từ văn hóa bản địa của những tộc nói tiếng tiền Nam Á trong lục địa và tiền Nam Đảo vùng thềm lục địa nên giữ được độc lập quốc gia trong khi toàn vùng Trường Giang đều bị Hán hóa.

Trong những giai đoạn này, ba giai đoạn sau có nhiều điều khó hiểu cần bàn lại, nhiều chỗ hình như chưa được thống nhất, và về thời gian hình như có nhiều chỗ chồng chéo. Có điểm chúng tôi đồng ý (ba giai đoạn đầu), và cũng đã từng chủ trương như vậy, nhưng cũng có điểm chúng tôi không đồng ý.

Nguyễn Quang Trọng giả thiết người Đông Nam Á đi ra hải đảo Thái Bình Dương hay lên phía Bắc đều thuộc chủng Australoid (da đen, tóc quăn, mũi to), rồi vì sống trong môi trường lạnh, gió, ít nắng ở miền Bắc, họ biến đổi nhân dạng với chủng Altaic mà dần dần thành chủng Bắc Mongoloid (tóc thẳng, mắt hí, da vàng trắng). Chủng Bắc Mongoloid này khi bành trướng về phương Nam một lần nữa lại lai với chủng Australoid đã sống trước ở đó mà tác giả gọi là giữa đất Trung Hoa, để thành người Nam Mongoloid (da ngăm đen, tóc dợn sóng ...). Theo tác giả, đây là tổ tiên của người Việt, Khmer, Thái, Miến, Mã Lai, Nam Dương, cả những người ở hải đảo Thái Bình Dương. Điều này cũng tương đồng với một giả thiết mà các nhà nghiên cứu về nguồn gốc người Trung Hoa đã tranh cãi nhau về ba mô hình (33):

Mô hình 1: Giả thiết người Hoa Nam là từ Hoa Bắc di xuống pha trộn với dân bản địa mà hình thành.

Mô hình 2: Ngược lại, giả thiết người Bắc Trung Hoa là hậu duệ của người phương Nam.

Mô hình 3: Dân cư ở cả hai miền tiến hóa và phát triển độc lập.

Như đã thấy, Nguyễn Quang Trọng theo mô hình 1. Mô hình này có ưu điểm là nó có vẻ phù hợp với bản đồ ngôn ngữ ở Trung Quốc, đã một thời được nhiều nhà ngôn ngữ học công nhận. Chúng tôi sẽkhông đi vào chi tiết bởi nó rất phức tạp mà cũng không cần thiết. Nhưng qua phân tích DNA của nhóm Giáo sư Chu (mà chúng tôi đề cập trên đây), mô hình này không còn thích hợp nữa. Nói một cách khác, các dữ kiện di truyền học cho thấy tổ tiên của những người nói tiếng Altaic từ Đông Á đã di cư vào Á châu từ ngã Đông Nam chứ không phải từ ngả Trung Á (14). Nghiên cứu của các nhà nhân chủng học uy tín khác Lugi Luca Cavallli-Sforza (Đại học Stanford), Li Yin (Đại học Stanford và nhiều học giả khác cũng nhất quán với mô hình này (34).

Liên quan đến sự khác biệt về đặc tính cơ thể (người hải đảo da sậm, tóc quăn, trong khi người sống trong lục địa có da vàng, tóc đen, không quăn), chúng tôi thấy có vài điều cần thảo luận như sau:

Thứ nhất, không có gì chứng minh được người Australoid da đen, tóc quăn, mũi to đã lên phía Bắc đến tận Mông Cổ ngày nay. Nếu tại đất nay thuộc lãnh thổ Bắc phần Việt Nam, trong 70 xương sọ mà ta sưu tầm được cho đến ngày nay, 38 xương sọ thuộc thời Đồ Đá (cũng không xác định được niên đại rõ ràng), phần lớn do học giả Pháp tìm ra trước 1945 (29 sọ trên 38 cái) cho là thuộc chủng Australoid, Indonesian, Malanesian Ẫ và 32 sọ, đa số do học giả Việt tìm thuộc thời Đồng Sắt ngược lại, phần lớn là chủng Mongoloid vào những năm chưa có sự chứng minh ngược lại của di truyền học, đã một thời là nguyên nhân cho thuyết nguồn gốc người Việt tại đất liền là do cư dân hải đảo Thái Bình Dương di cư vào (35).

Chúng ta không thấy bảng xương sọ tương tự như ở Trung Quốc. Những xương cốt thường được nói đến nhiều nhất và được coi là tổ tiên của người Trung Hoa là 3 bộ xương do J. Anderson tìm được ở Chu Khẩu Điếm (Chou-Kon-Tien). Thời đó, vì thiếu những phương tiện khoa học đo đạc chính xác nên có người đã cho xương này là tổ tiên của người Hoa có từ rất xa xưa! Sau này nhờ có phương tiện định tuổi bằng C14, Noel Bernard đã chứng minh được niên đại của xương đó chỉ là 16.922 năm trước CN (2k - 136-0; Bernard 1980) (36). Cũng có người chứng minh được đó chẳng phải là xương của một gia đình vì ở ba tầng lớp khác nhau trong hang (Weiderich, 1939), lại thuộc ba chủng khác nhau và chẳng liên hệ gì đến người Trung Hoa hiện nay cả (Wu, 1961) (27). Sở dĩ có hiện tượng đó vì phương pháp cổ điển để tìm chủng tộc và niên đại của các sọ thời trước chỉ là phương pháp so sánh (so cái chưa biết với mẫu đã biết gốc tích). Trong trường hợp đó, giá trị của các kết luận rất tương đối. Xương cốt cổ đào được nhiều nhất ở Yang-Shao là xương thuộc chủng Nam Mongoloid, giống với người Hoa hiện đại mà cũng giống cả với người Việt và các chủng Đông Nam Á khác. Vậy lấy gì để khẳng định người Australoid da đen, tóc quăn, mũi to đã di cư đến tận cực Bắc Trung Hoa ngày nay ?

Thứ hai, giả thiết người Australoid đến Bắc Đông Á, rồi vì sống trong môi trường lạnh, gió, ít nắng nên dần dần thay đổi nhân dạng là cho con người thay đổi hình dạng chỉ do yếu tố môi sinh ngoại tại. Thực sự, muốn có sự thay đổi hình dạng phải có sự đột biến di truyền (28). Đó là một sự kiện sinh học xẩy ra trong tế bào, do sự tương tác giữa môi trường và sinh học. Giả thiết rằng người Australoid lai với người Altaic (các dân tiêu biểu là Buryat, Yakut, Uyghur, Mãn Châu, Hán, Đại Hàn, Nhật) thì lại càng khó hiểu vì người Altaic, theo di truyền học đã chứng minh cũng do người Đông Nam Á di lên chứ không phải từ Trung Á đi lại như trên vừa trình bầy. Có thể họ lai với một sắc dân đến muộn hơn từ Trung Á và Ấu Châu, như sẽ nói rõ hơn ở sau, nhưng đó là chuyện xẩy ra về sau khi băng hà lần cuối cùng đã tan.

Thứ ba, chủng Bắc Mongoloid vì nhu cầu bành trướng, tràn xuống phương Nam, gặp chủng Australoid đã cư ngụ sẵn nơi đây, lai giống mà thành người Nam Mongoloid. Đây là tổ tiên của chủng Bách Việt. Ý kiến này rất mới, chỉ tiếc tác giả đã không đưa dữ kiện chứng minh để có thể kiểm nghiệm lại một cách khoa học. Mặt khác, những dữ kiện khoa học có được đến ngày hôm nay hình như không hỗ trợ cho giả thiết của tác giả. Về phương diện di truyền học, phân tích di truyền của Giáo sư J. Y. Chu và đồng nghiệp, cộng với nhiều phân tích DNA gần đây như trên vừa trình bầy, đã cho thấy ngược lại phát biểu của Nguyễn Quang Trọng rằng người Nam Mongoloid đã từ Đông Nam Á, phía Nam Trung Hoa, bành trướng lên phía Bắc. Nói rõ hơn, người Hoa Bắc là hậu duệ của người Hoa Nam. Cây hệ di truyền từ cuộc nghiên cứu của Giáo sư Chu cũng cho thấy đã không có sự hợp chủng giữa dân Hoa Nam (Nam Mongoloid) với dân Altaic. Chỉ có sự hợp chủng giữa dân Altaic với các dân cư đến muộn hơn từ Trung Á và Ấu Châu, sau thời băng hà cuối cùng (15.000 trở lại đây). Về phương diện khảo cổ học, hầu hết xương cốt tìm thấy được ở văn hóa Ngưỡng Thiều đều thuộc chủng Nam Mongoloid, giống người Trung Hoa hiện đại, cũng giống với những người hiện đại tại các quốc gia Đông Nam Á khác, đặc biệt ở Việt Nam. Không thấy dấu hiệu hợp chủng có tính toàn diện giữa Bắc Mongoloid và Australoid như Nguyễn Quang Trọng phát biểu.

Nói tóm lại, qua các dữ kiện di truyền học gần đây, tuy còn hạn chế (vì những nghiên cứu về di truyền học trong vùng Đông Nam Á, nhất là với người Việt, còn ít), nhưng chúng tôi thấy có thể phát biểu rằng người hắc chủng từ Phi Châu di cư đến Đông Nam Á lục địa, khi tiếp cận biển Đông, thì một phần đi thẳng ra các hải đảo Thái Bình Dương và Úc Châu, lúc đó vẫn còn là hắc chủng; phần khác trụ lại tại Đông Nam Á, ở địa điểm đâu đó, có thể là lưu vực con sông nay mang tên sông Hồng, vì may đã hội đủ cơ duyên nên có đột biến di truyền, và do đó, từ giống hắc chủng (da ngăm, tóc xoăn) đã biến đổi thành giống hoàng chủng (da vàng, tóc đen, sợi thẳng). Từ đó, họ mới bắt đầu di chuyển lên hướng Bắc, nay là đất Trung Hoa. Giả thiết của chúng tôi dựa trên ba cơ sở như sau :

Một, mực nước biển lên xuống. Trước thập niên 60 thế kỷ trước, người ta chỉ biết có độ 5 thời kỳ bằng hà (nước biển xuống), gián băng (nước biển tăng), nhưng ngày người ta đã biết được có đến 20 kỳ trong khoảng 2 triệu năm qua. Riêng trong hậu kỳ Pleistocène khoảng từ 125.000 năm đến 10.000 năm trước ngày nay, nghĩa là khi loài người Hiện Đại (Homo Sapiens Sapiens) đã xuất hiện thì mực nước biển ở Đông Nam Á cũng đã 5 lần lên xuống. Những lần xuống đó là vào khoảng 115.000 năm, 90.000 năm, 55.000 năm, 35.000 năm và lần cuối cùng 18.000 năm cách ngày nay (37). Ở 90.000 năm trước khi nước biển xuống thì người Hiện Đại chưa đến vùng Đông Nam Á. Họ đến khoảng 60.000 năm trước đây, vậy khi nước biển xuống khoảng 55.000 năm trước, chính là lúc người Hiện Đại Đông Nam Á đất liền bắt đầu thiên di ra các hải đảo Nam Thái Bình Dương, vì lúc đó nước biển cạn dần, đã nổi lên những triền đất nối liền với đại lục. Vậy gần như người Hiện Đại từ Đông Phi Châu thiên di đến Đông Nam Á đã có dịp tiến thẳng ra hải đảo vì khí hậu thích hợp và vì thuận đường lui tới. Lúc đó họ vẫn còn thuộc dân hắc chủng. Khảo cổ học đã có dấu tích của người Hiện Đại ở Úc Châu, khoảng 50.000 năm trước đây, ở New Guinéa 40.000 năm .

Hai, điều kiện môi trường và khí hậu. Người Hiện Đại Đông Phi tiến được ra hải đảo Thái Bình Dương nhưng lại chưa thể tiến ngay lên phía Bắc vì lúc đó miền Bắc đang trong thời băng hà. Không khí chỉ ấm dần từ 40.000 năm trước cho đến 21.000 năm trước lại bắt đầu thời kỳ băng hà cuối cùng thường gọi là băng hà Wurm. Sau lần băng hà cuối cùng này, không khí ấm lại dần cho đến nay khoảng từ 15.000 năm trước (34). Chính trong thời kỳ ấm lại giữa hai khoảng băng hà (- 400.000 đến - 21.000 năm) người Hiện Đại đã tiến lên phía Bắc là đất Trung Hoa ngày nay. Khảo cổ học cho thấy dấu tích của họ ở đại lục khoảng 35.000 năm trước, ở Đài Loan khoảng - 30.000, họ vượt eo biển Beringa khoảng - 30.000 (lúc đó nước biển xuống như trước lần biển xuống cuối cùng nên eo biển đã thành một giải đất liền). Ta thấy dấu tích người Hiện Đại ở bờ biển Tây Mỹ Châu khoảng - 30.000. Họ là tổ tiên của văn hóa Maya, còn dấu vết ở Nam Mỹ ngày nay (38). Tất cả những điều trên đã được khoa di truyền hiện đại ngày nay xác định là đúng : người da đỏ ở Mỹ Châu, người thổ dân ở Úc Châu có yếu tố di truyền giống với người Đông Nam Á, và Đông Á (đều thuộc chủng Nam Mongoloid) và khác với người Bắc Á (thuộc Bắc Mongoloid).

Ba, hội đủ tính đột biến di truyền. Về điểm này, còn cần thêm nhiều phân tích, nhiều chứng cớ, mới có thể trở thành một giả thuyết có tính khoa học. Tuy nhiên, khảo cổ học đã chứng minh được những người thiên di lên phía Bắc, cả những người sang Mỹ Châu, không còn hay còn rất ít yếu tố hắc chủng. Không thể kết luận họ lên phía Bắc vì lạnh, vì ánh sáng mặt trời hay nhiều gió mà biến đổi đi như vậy (như từ da đen, tóc xoăn thành da vàng hay trắng, tóc thẳng, mũi nhọn), dù không ai phủ nhận môi trường bên ngoài có làm thay đổi hình dạng con người. Nhưng để thay đổi cả hình dáng, màu da, râu tóc một cách triệt để như da đang đen trở thành trắng hay vàng, tóc đang quăn trở thành thẳng, mắt đang nâu trở thành xanh . thì phải có sự thay đổi nhiễm sắc thể DNA trong gien mà giới di truyền học gọi là có sự đột biến di truyền. Sinh học phân tử cho chúng ta biết rằng đột biến di truyền là một quá trình chậm, do nhiều yếu tố (trong đó có yếu tố môi trường, như tia sáng mặt trời, và tiến hóa) gây nên. Đột biến DNA dẫn đến nhiều thay đổi (và bệnh tật), trong đó có cả những thay đổi về hình dáng cơ thể như tóc, tai, da, mắt.

Tác giả Nguyễn Quang Trọng cho rằng vào thời kỳ Đồ Đá (không minh định đá cũ, đá giữa hay đá mới) dân Cổ Việt lúc ấy thuộc chủng Australoid nói tiếng Austric vì cách sinh sống khác nhau, dần dần phân chia thành hai nhóm: nhóm nói tiếng Nam Á (Austro-Asiatic) sống trên đất liền và nhóm nói tiếng Nam Đảo (Austranesia) sống ở vùng đồng bằng ven biển. Bắt đầu thời đá mới, trước là vì nhu cầu dân số gia tăng, sau vì biển tiến, hai tộc đã phân chia, lại cùng tìm về đồng bằng các sông nay thuộc Bắc Việt, sống đan xen với nhau và kết hợp lại với nhau. Tác giả đã ví sự kết hợp này, mà ông gọi là kết hợp yếu tố văn hóa Biển - Lục Địa, với chuyện Ấu Cơ kết hợp với Lạc Long Quân, một cuộc kết hợp êm thắm vì là kết hợp giữa hai tộc người vốn cùng một chủng tộc và một ngôn ngữ. Chuyện đó xẩy ra vào khoảng 4.000 năm cách ngày nay và ông kết luận "Cuộc phối hợp văn hóa hoàn tất vào thời Đông Sơn (850 trước CN đến 280 sau CN), tạo thành một văn hóa chung cho cư dân bản địa". Về điểm này, chúng tôi xin được nhắc lại quan điểm của chúng tôi đã phát biểu trước đây.

Thứ nhất, vào thời điểm trước khi có nạn Đại hồng thủy cuối cùng (từ 18.000 năm trước, nước biển bắt đầu dâng mỗi năm 1cm, đến 8.000 năm trước nước biển đột ngột dâng cao nhận chìm toàn bộ đồng bằng Nanhailand đến tận Việt Trì ngày nay), dân cư đồng bằng Nanhailand còn thống nhất, nói tiếng Austric chứ chưa chia làm hai Austronesian và Austro-Asiatic.

Thứ hai, vào lúc này (từ 18.000 năm đến khoảng 50.000 năm trước) chắc đã có sự đột biến di truyền, và người nói tiếng Austric ấy chắc đã là da vàng, tóc thẳng mà khảo cổ học gọi là Nam Mongoloid, chứ không còn da đen, tóc quăn, mũi rộng thuộc Hắc chủng, mà khảo cổ học gọi là Australoid. Sự đột biến di truyền xẩy ra vào thời điểm nào thì còn cần có thêm những cuộc sưu khảo, nhất là những thí nghiệm về di truyền học DNA mới có thể khẳng định được.

Thứ ba, khi nước biển dâng, chia Đông Nam Á ra thành Đông Nam Á hải đảo và Đông Nam Á đất liền thì lúc đó người nói tiếng Austric cũng bắt đầu chia hai : phần ở hải đảo và ven biển nói tiếng Austronesian và phần ở sâu trong lục địa nói tiếng Austro-Asiatic.

Thứ tư, chỉ khi nước biển bắt đầu rút (khoảng 5.500 năm cách ngày nay), trả dần lại đồng bằng sông Hồng mới thì người đã di tản đi nơi khác vì nạn Đại hồng thủy nay mới đổ về tái htiết đồng bằng này, và đó cũng là thời kỳ dựng nước Văn Lang. Lạc Long Quân Nam Đảo và Ấu Cơ Nam Á kết hợp với nhau vào lúc này. Và đây là điểm khác biệt giữa chúng tôi với tác giả. Lạc Long Quân gặp Ấu Cơ khoảng từ 5.500 năm trước, từ lúc nước biển bắt đầu lui chứ không phải vào 4.000 năm trước đây khi biển tiến. Nhưng tại sao Lạc Long Quân và Ấu Cơ lại chia lìa, người đem 50 con lên núi, người đem 50 con xuống biển? Sự chia lìa đó xẩy ra vào lúc nào? Truyền thuyết chỉ nhắc lại lời Lạc Long Quân: "Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, ở lâu với nhau không được, nay phải chia ly". Dù có nói thêm một câu: "Hữu sự bảo cho nhau biết, đừng quên". Cái thông điệp mà truyền thuyết đómuốn gửi đi, qua câu nói của Lạc Long Quân, vẫn còn là một bí ẩn.

Nói tóm lại, về vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt Nam, đã đến lúc chúng ta đặt vấn đề với giả thiết Bắc xuống Nam, và nghiêm túc thử nghiệm giả thiết Nam lên Bắc. Thực ra, chúng ta cũng chẳng còn quyền lựa chọn nào khác vì khoa học, nhất là khoa di truyền học, đã lựa chọn dùm chúng ta: Khởi thủy, người Hiện Đại (Homo Sapiens - Sapiens) từ Đông Phi đến Đông Nam Á; rồi từ đó họ tiến lên phía Bắc. Sau vì có sự phối hợp với chủng từ Tây Bắc xuống, họ hợp thành cái cốt lõi của dân sống ở Trung Quốc ngày nay. Đó là giai đoạn Nam lên Bắc. Giai đoạn này khoảng từ sau 40.000 năm cách ngày nay cho đến 3.000 năm cách ngày nay thì Trung Hoa bắt đầu có loạn Xuân Thu Chiến Quốc. Đến khi nhà Tần thống nhất lục quốc, nhất là từ khi nhà Hán cai trị Trung nguyên, những dân thuộc Đại tộc Bách Việt ở các nước lưu vực sông Dương Tử xuôi về Nam, không chịu sự đồng hóa của người Hoa Hán đã di dần về phương Nam. Một số những người thuộc nhóm này đã sát nhập với dân Lạc Việt. Giai đoạn này kéo dài cũng cả ngàn năm, nhưng những thiên di từ đời Tần đến đời Đông Hán (khoảng 300 năm trước CN đến 100 năm sau CN) có lẽ là quan trọng hơn cả. Chúng tôi tin rằng đó là một phần của kết luận về nguồn gốc dân tộc Việt Nam.

Tác giả" Cung Ðình Thanh, Nguyễn văn Tuấn, Nguyễn Ðức Hiệp

Nguồn vietsciences

Tài liệu tham khảo và chú thích của tác giả:

1. Nguyễn Khắc Ngữ, "Nguồn gốc Dân tộc Việt Nam", Nhóm Nghiên cứu Sử Địa Việt Nam xuất bản, Montréal: 1985; Bình Nguyên Lộc, "Nguồn gốc Mã Lai của Dân tộc Việt Nam", Nhà xuất bản Lá Bối, Sài Gòn: 1971.

2. Gần đây mới thấy có "Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam" của Trần Ngọc Thêm - Nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh, tháng 3/2001.

3. Đọc "Một số vấn đề lý luận về Lịch sử Tư tưởng Việt Nam", sách lưu hành nội bộ, Hà Nội: 1984 - Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Triết học xuất bản.

4. Phạm Huy Thông, "Năm mươi năm tìm hiểu văn hóa Hòa Bình", Khảo cổ học, số 1 & 2/1984.

5. W. G. Solheim II, "Thắp sáng lại quá khứ bị lãng quên", Tạp chí National Geographic số tháng 3/1971, bản dịch của Hoài Văn Tử & Vĩnh Như, trong Tập San TƯ TƯỞNG số 2, tháng 4/1999.

6. W. G. Solheim II - Bài đã dẫn [5].

7. Ngô Thế Phong ,"Dấu vết văn hóa Hòa Bình ở Đông Nam Á", Khảo cổ học, số 1 & 2/1984. Chữ Phức hợp Kỹ thuật Hòa Bình (Techno-complex) là đề nghị của C. F. Gorman, học trò của W. G. Solheim II. Xem thêm "The Hoabinhnian and after : subsistence pattern in S.A. during the Latest Pleistocene and Early Recent periods" - Word Archaeology 2: 300-320, 171; "Hoabinhnian: A pebble-teal complex with Early Plant association in S.A.", Science, CL XIII No.3868, 14 Feb 1969.

8. Higham C, "The Bronze Age of Southeast Asia", Cambridge University Press, 1966.

9. R. H. Geldern, "Research on Southeast Asia : Problems and Suggestions", American Anthropologist, No.4, New York, 1996.

10. David N. Keightly (biên tập), "The Origins of Chinese Civilization", University of California Press, Berkeley, Los Angeles: 1983.

11. Li Chi, "The Beginnings of Chinese Civilization", Seattle: 1957.

12. I. R. Solin Khanov, 1979 : 37. Theo Trịnh Sinh, "Những hiện vật đồng đỏ trong văn hóa Đông Sơn", Khảo cổ học số 1/1992; "Nhận dạng trống giả cổ", Khảo cổ học, số 4/1997. Đọc thêm "The Cradle of the East" của Ping-Ting- Ho, phần Appendix I", "Excavation at Non Nok Tha, Northeastern Thailand, 1968", Interim Report, Asia Perapective XIII (1970), p.139; "Early Bronze in Northern Thailand", 1968 của W.G. Solheim II.; "Further Evidence to Support the Hypothesis of Indigenous Origins of Metallurgy in Ancient China" do Noel Barnard đọc trong Hội nghị Berkeley 1978 và in trong The Origins of Chinese Civilization - University of California Press, 1980.

13. "It will use the big rivers as language conduct, but the direction of dipersal is the exact reverse of the Himalaya centrifugal radiation hypothesis" - "Linguistic Diversity in Space and Time" - Johana Nicols, trích theo Eden in the East, trang 138-139.

14. J. Y. Chu và đồng nghiệp, "Genetic relationship of populations in China", Proc. Natl. Acad. Sci, USA 95, 11763-11768, 1998.

15. Cung Đình Thanh, "Gốm cổ tại Việt Nam và vai trò của nó trong văn hóa tiền sử", Tập San TƯ TƯỞNG số 12 tháng 2/2001.

16. Đọc "The Origins and Early Cultures of The Cereal Grains and Food Legumes" của Te-Tzu Chang, Chương 3 trong "The Origins of Chinese Civilization" - sđd [10].

17. Cung Đình Thanh, "Khái niệm về biển tiến ở Việt Nam" và bài "Sự thuần hóa cây lúa nước và ảnh hưởng của nó đối với tư duy người Việt Cổ", Tập San TƯ TƯỞNG số 3, tháng 7/1999.

18. Trích Eden in the East (trang 70-71) của Stephen Oppenheimer: "The prime "home" the most likely of rice - where climatically, the least manipulation is required to grow it - are in tropical Indo-China down to the Malay border Burma Bangladesh and the extreme South coast of China" - Peter Bellwood - "The Prehistory of Southeast Asia and Oceania" - Collins, Auckland, 1978; "Rice, though, was clearly pivotal t the Neolithic stay-athome mainland Indo-China from a very early stage, that is, if the Sakai cave findings are confirmed we now have a strange new image : Instead of the sinocentric model with the Chinese inventing rice cultivation, we have Austro- Asiatic speaking "Southern Barbarians" from Indo-China teaching the knowhow about rice to the Chinese".

19. Fritjof Capra, "The Tao of Physics", Fontana Paperbacks, London, 1983.

20. Con người được cấu tạo bằng nhiều tỷ tế bào. Tất cả các tế bào đều có cấu trúc giống nhau: trong mỗi tế bào đều có một cái nhân (nucleus) nằm chính giữa. Cái nhân này có chứa những chất liệu di truyền mà ta thường gọi là DNA (viết tắc từ chữ deoxyribonucleic acid). Mỗi nhân thường có hàng triệu DNA. DNA gồm có bốn mẫu tự (yếu tố hóa học): A (adeline), C (cytosine), G (guanine), và T (thymine). Một mảng DNA tạo thành một gien. Và nhiều gien tạo thành một bộ di truyền hay nhiễm sắc thể, còn gọi là chromosome. Con người có 23 nhiễm sắc thể.

21. A. Vu-Trieu và đồng nghiệp, "HLA-DR and DQB1 DNA polymorphisms in a Vietnamese Kinh population in Ha Noi", Tập san European Journal of Immunogenetics, năm 1997, bộ 24, trang 345-356.

22. Khoảng cách di truyền (hay còn gọi là genetic distance) là một thông số di truyền học đo lường mức độ khác nhau giữa các nhóm dân. Chỉ số này có giá trị tối thiểu là 0 (tức hai nhóm dân giống nhau về mặt di truyền), và giá trị tối đa là 1 (tức hai nhóm dân hoàn toàn khác nhau).

23. R. Ivanova và đồng nghiệp, "Mitochondrial DNA polymorphism in the Vietnamese population", Tập san European Journal of Immunogenetics, năm 1999, bộ 26, trang 417-422.

24. W. Kim và đồng nghiệp, "Y chromosomal DNA variation in East Asian populations and its potential for inferring the peopling of Korea", Tập san Journal of Human Genetics, năm 2000; bộ 45, trang 76-83.

25. S. W. Ballinger và đồng nghiệp, "Southeast Asian mitochondrialDNA analysis reveals genetic continuity of ancient Mongoloid migration," Tập san Genetics, năm 1992, bộ 130, trang 139-45.

26. C. G. Turner, "Major features of Sundadonty and Sinodonty, including suggestions about East Asian microevolution, population history, and late Pleistocene relationships with Australian aboriginals", Tập san American Journal of Physical Anthropology, năm 1990; bộ 82, trang 295-317.

27. T. Hanihara, "Population prehistory of east Asia and the Pacific as viewed from craniofacial morphology: the basic populations in east Asia, VII", American Journal of Physical Anthropology, năm 1993, bộ 91, trang 173-87.

28. Đột biến (mutation) là một sự kiện sinh học xảy ra ở trong tế bào. Gien được cấu trúc bằng một chuỗi DNA gồm 4 mẫu tự A, G, C, T. Khi một chuỗi DNA bị thay đổi, tức đột biến (chẳng hạn như từ GCAATGGCCC thành GCAACGGCCC) thì các đặc tính sinh học liên quan đến gien, chẳng hạn như mật độ xương, có thể bị thay đổi.

29. Bing Su và đồng nghiệp, "Y-chromosome evidence for a northward mi-gration of modern humans into eastern Asia during the last Ice Age," American Journal of Human Genetics, năm 1999, bộ 65, trang 1718-1724.

30. Yuehai Ke và đồng nghiệp, "African origin of modern humans in East Asia: a tale of 12000 Y chromosomes," Science, năm 2001, bộ 292, trang 1151-1153.

31. Bing Su và đồng nghiệp, "Polynesian origins: insights from the Y chromosome," Tập san Proceedings of the National Academy of Science (USA), năm 2000, bộ 97, trang 8225-8228.

32. Xin đọc bài "Các Vua Hùng dựng nước Văn Lang", Tập San TƯ TƯỞNG số 13, tháng 4/2001, trg 7.

33. Alberto Piazza, "Human evolution: towards a genetic history of China", Nature, Vol. 395, No. 6703, 1998.

34. Li Yin và đồng nghiệp, "Distribution of halstypes from a chromosome 21 region distinguishes multiple prehistoric human migrations", Proc. Natl. Acad. Sci. USA, Vol. 96, pp. 3796-3800, 1999.

35. Kwang-Chih-Chang, "The Archaeology of Ancient China", New Haven, Conn: 1968.

36. Barnard Noel, "Radiocarbon Dates and Their Significance in the Chinese Archaeological Scene: A list of 420 Entries from Chinese", Sources Published up to Close of 1979, Canberra.

37. Hà Văn Tấn dẫn theo Chapell (1987 - 83), "Năm lần nước biển lên xuống ở Đông Nam Á thời hậu kỳ Pleistocène", Khảo cổ học, số 1/1992; và "Sự biến chuyển từ Pleistocène đến Holocène ở Đông Nam Á" cũng cùng số. Cũng có thể xem thêm Tập San TƯ TƯỞNG các số 2, 3, 4, 7, 12, 13, 18.

38. Dẫn theo "The Cambridge Encyclopedia of Human Revolution", Cambridge University Press.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Vụ Án Lịch Sử Việt Nam-Yiệc Nam-Byiệt Nam

Vietsciences- Trần Thị Vĩnh Tường 03/09/2008

Những bài cùng tác giả

Bài viết này đựoc gợi ý từ khoảng 3 năm trước, khi nghe thắc mắc của một nam thính giả người Nam gửi đài phát thanh địa phương, “tại sao các xướng ngôn viên phát âm giọng Nam chữ Việt Nam thành Yiệt Nam, giống như Việt Nam bị tiêu diệt, nghe hổng khá”.

“Khôn Ngăn Châu Lụy Sụt Sùi” Thầy cô giáo tình nguyện dậy tiếng Việt khi học trò hỏi cũng bí lù chuyện đúng/sai đến nỗi sém có đề nghị bỏ môn… chánh tả. Có lẽ rất ít cộng đồng nào giới có học vẫn “viết sai” chính tả như người miền Nam. Thật ra giọng Hà Nội ở giới có học hay bình dân cũng “nói sai” linh đình một số âm đầu như s/x, ch/tr, n/l, r/d/gi… dù giọng Hà Nội được vài học giả mặc nhiên cho là giọng tiêu chuẩn đến nỗi không đính kèm chứng minh.

Điều ngộ nghĩnh, tất cả những điều sai trên chiếm đa số tuyệt tuyệt đối, vậy mà vẫn chịu tiếng “sai”. Điểm lạ nhất là hết học giả này đến hội nghị kia - ở vùng tôi - tranh cãi “khôn ngăn châu lụy sụt sùi (1) như ông Phan Khôi vì nỗi “tôi đúng/anh sai” nhưng vẫn… e lệ nép vào dưới hoa không hề cho biết nguyên nhân cũng như cách sửa sao cho đúng. Âm [v] truớc thời quốc ngữ abc Không biết nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, người Hưng Yên, Đàng Ngoài, thỏ thẻ gửi đến chinh phu những chữ “vàn, vui, vốn” thế nào trong bốn câu Chinh Phụ Ngâm (2):

Câu 267 Khi mơ, những tiếc khi tàn,

Tình trong giấc mộng muôn vàn cũng không!

Vui có một tấm lòng chẳng dứt.

Vốn theo chàng giờ khắc nào nguôi!

Một tài liệu vô danh viết tay năm 1648 có câu “Nhơn danh cha, ùa con, ùa Spirito Santo” ,“và = ùa”, Spirito Santo chưa được viết là “Thánh Thần” (5). Linh mục Ý Christofori B. Bori, trong một bức thư viết tay năm 1631, viết “Con gnoo muon bau tloam laom Hoa laom chiam” (con nhỏ muốn vào trong lòng Hoa Lang chăng), có nghĩa: cô/em có muốn theo đạo của người Hoa Lan không (3). Chỉ trong câu ngắn này, có vài điều hết sức lưu ý:

bau = vào,

tloam = trong,

chữ Việt không dấu.

Ông Phan Khôi viết “Theo lời truyền thuở nay thì chữ quốc ngữ do một ông cố đạo đặt ra”. Thiệt ra không chỉ “một ông cố đạo “, mà các cuốn từ điển quốc ngữ đầu tiên do nhiều bậc thầy hợp soạn, gồm các thầy giảng đạo và các cộng sự người Việt cả về phần phương pháp và tài liệu.

Hãy xem thử vần V trong hai cuốn từ điển Alexandre de Rhodes và từ điển Taberd (4). Hai cuốn này, do hai nhóm soạn giả khác hẳn nhau. Thời điểm, không gian cũng khác nhau xa lắc.

Âm [v] trong từ điển Alexandre de Rhodes 1651

Vần V từ điển A. D. Rhodes có khoảng 150 chữ. Tuy vậy chỉ có 25 chữ được viết bằng V và đọc với âm [v]. Ví dụ: vắng, vắng vẻ váng dện, mạng dện vàng, chim vàng anh

125 chữ khác tuy xếp vào vần V, nhưng đựơc viết là “ua, ue, ui, ou…” đọc như [w] hay [b-ỳơ] uòi uoi = byòi byoi con uịt = con yịt oũ bà oũ uãi = ông bà ông byải úen áo = byén áo

Lật qua vần B, có khoảng 550 chữ, trong đó có 350 chữ viết với B, đọc như : bạn bè, bàn thờ, bền bỉ. Có khoảng 100 chữ viết với B, nhưng được ký âm bằng ký hiệu beta [b] của Hy-Lạp đọc như “beào” (5) hay b-ỳơ trong giọng Nam bộ, ví dụ: bua = byua

bú bõ = byú bõ

bui bẻ = byui byẻ

Âm [v] trong từ điển Taberd 1838

Có 238 chữ vần V. Các soạn giả… thoải mái quất chữ V hết ráo, như âm [v] trong giọng Bắc hiện nay. Vần B chỉ còn lại một chữ “bua= vua”. Vài ví dụ chứng tỏ sự khác nhau giữa hai nhóm soạn giả:

Chữ thường: tđ A.D. Rhodes, chữ lớn: tđ Taberd: blọn uẹn - TRỌN VẸN muôn uật - MUÔN VẬT uiệc Chúa blời - VIỆC CHÚA TRỜI

Điều này chứng tỏ trong vòng 187 năm, một là các thầy và cộng sự đã đơn giản bằng cách loại bỏ những âm [w, b, b-ỳơ], và khóac cho âm [v] giống tiếng La tinh, hai là dân Việt đã thay đổi giọng nói theo sự hướng dẫn của quí thầy. Hoặc điều này là kết quả của điều kia.

Thành công của abc

Các thầy ký âm abc cho tiếng Byiệt là các thầy giảng đạo ngoại quốc. Đàng Ngoài/Đàng Trong (Đàng Ngoày/Đàng Tlão = ký âm của Gaspar De Amaral năm 1632) không có email/phone/fax/máy ghi âm… như bây giờ. Hai Đàng lúc nào cũng chuẩn bị choảng nhau. Các thầy ở Đàng nào ở yên Đàng đó, vừa học tiếng Việt, vừa giảng đaọ, vừa trốn tránh. Thư từ qua lại rất bí mật và tốn kém, vì rất dễ bị cả chúa Nguyễn/chúa Trịnh nghi ngờ làm gián điệp cho phe bên kia, hậu quả có thể bị trục xuất. Riêng Alexandre de Rhodes bị trục xuất cả thảy sáu lần.

Trong hoàn cảnh đó làm gì có thì giờ thẩm âm/nghiên cứu/giải quyết từng chữ. Dẫu sao, các thầy còn dè dặt không dám ban chữ V từ tiếng La Tinh cho tất cả âm w, b-ỳơ, b.

Trong phần mở đầu từ điển, linh mục A. D. Rhodes * cho biết âm vị áp dụng là của Bồ-Đào-Nha/La-Tinh, * giải thích rõ ràng về phụ âm, nguyên âm, * lại ghi cả cách phát âm sai biệt ở các địa phương, cho thấy các soạn giả rất khách quan và khoa học, không xác nhận phát âm nào nguyên thuỷ hay chính thức hơn âm kia. Ví dụ: buông = vide (xem) buâng cuội = vide (xem) quội.

Tuy vậy, tác giả Hoàng Xuân Việt cũng cho là một sự ngạc nhiên vì A. D. Rhodes lại không nói năng gì về chữ V. Tác giả HXViệt cũng đặt câu hỏi phải chăng âm V là âm Tây phương, không phải âm Việt cổ. Thật ra tiếng Pháp cách đây 357 năm cũng đâu có âm [v]. Họ đọc/viết “ouelle” cho chữ vowels. Tiếng Spanish dù vẫn viết V, nhưng chỉ là âm lưng chừng giữa âm [v] và âm , ví dụ “ la vida” đọc là “la biđa”.

Cho đến từ điển Taberd, chế độ thuộc địa Pháp đã vững vàng. Các thầy không còn phải trốn lánh, nên thoải mái “ép” tiếng Việt cho giống với âm La Tinh. Không rõ tại quý thầy chỉ thích âm [v] hay tại tiếng Việt có nhiều cách phát âm cho cùng MỘT chữ làm quí thầy bối rối.

Trên hết mọi sự, quốc ngữ abc tiếng Việt là một thành công bất ngờ. Chỉ với 24 chữ cái, tiếng Việt được a-b-c hoá. Từ đó, muôn vàn trang giấy mô tả được hết thảy: lịch sử, cuộc sống dân gian và bản tính của tâm hồn Việt. Điều này đã ra ngoài cả sự tiên liệu của chính quyền Pháp mà mục đích ban đầu của truyền bá quốc ngữ abc là chỉ muốn loại trừ chữ Nho, chữ Nôm và ảnh hưởng của Nho sĩ. Độc giả có thể tìm mua hai từ điển này, tuy hơi hiếm, nơi chữ nghĩa/ý nghĩa có thể dựng nên được cả một bức tranh ngôn ngữ/phong tục/lối sống/cách suy nghĩ của dân Việt thế kỷ 17 và cả trước đó. Thành công nhất của việc quốc ngữ hóa abc, là tạo được tính thống nhất trong đánh vần, mà vẫn giữ đuợc cách đọc, giọng nói của mỗi vùng mỗi miền, nhờ hai ông Trương Vĩnh Ký và ông Huình Tịnh Của (16), như ông Phan Khôi viết (1) “Hồi đó có hai ông đại sư về quốc ngữ, là ông Trương Vĩnh Ký và ông Paulus Của, tức là Huình Tịnh Trai. Vì mỗi ông có làm ra một bộ tự vị tiếng An Nam.

Các ổng cũng là học trường bên Đạo mà ra, cho nên các ổng viết chữ quốc ngữ y như người bên Đạo, nghĩa là viết đúng. Hồi bấy giờ chắc người Nam kỳ phát âm cũng vẫn là không đủ, cũng vẫn là lẫn t với c, lẫn có g với không g, lẫn dấu ngã với dấu hỏi, song le các ổng viết ra thì phân biệt đâu ra đó, vì vậy các ổng mới dám làm tự điển. Mà tự điển của các ổng sau rồi trở nên mẫu mực cho người An Nam, ai cũng phải dùng, dùng đến cả phía bắc Trung kỳ và Bắc kỳ là miền chữ quốc ngữ đã do đó sanh ra.”

Âm [v] trong từ điển Mường-Việt 2002 (6)

HHỏi quí thầy xong, cũng phải chạy về hỏi ngài Mường, vừa là chị em ruột thịt trong nhà; vừa là nhân chứng khách quan ở chỗ không học sử Tàu sử Việt nên không cần tránh né hay ve vuốt ai ráo trọi.

Truyền thuyết Âu Cơ (7) của ngài (người) Mường, tương đương với truyền thuyết Hồng Bàng của ngài Việt. Ngài Mường - hậu duệ cuả tiên nữ nai-đốm-sao Âu Cơ, mẹ của vua Hùng Vương, phân nửa kia của tộc Việt. Âu Cơ mặc áo đen, kết duyên vớí Long Wang mặc áo vàng, con vua Yịt Yàng (Việt Vàng). Một hôm Long Wang quyết định chia tay “ta với nàng khác giống”. Âu Cơ dẫn 50 con đi về miền núi; Long Wang dẫn 50 con đi về miền sông nước. Không thấy cả hai truyền thuyết nhắc đến nhau sau ngày chia tay ấy.

Hậu duệ của nàng Âu Cơ cả hàng ngàn năm không sống gần ngưòi Việt đồng bằng, nên tiếng nói cuả ngài Mường không bị Hán hoá và abc hoá. Jeanne Cuisinier (8) ở vùng Mường suốt 15 năm cũng công nhận Mường không có âm [v].

Xem thử nhóm vần V, khoảng 68 chữ (6) - Cảo nì phái vo xát kỹ khỏi hôi = Gạo này phải vo xát kỹ khỏi hôi. - Cải à, là hết wiêc văt chũa? = Con à, làm hết việc vặt chưa? - Ông Bi ưa vỡ mõn hơn vỡ cá = Ông Bi ưa vợ mọn hơn vợ cả - Hõ nhà tôi chăng cỏ ay là vua quan chi = Họ nhà tôi chẳng có ai là vua quan chi.

Chỉ quí soạn giả mới biết những chữ đuợc viết với V thế này có phải do kề cận với người Byiệt đồng bằng không và kể từ bao giờ. Tuy vậy vẫn có những chữ được viết với cả V lẫn B, ví dụ: vua-bua, vai-bai, vòi-bòi, vỡ-bỡ (vợ), vậy-bẫy, vây-bây, vóc-bóc, vô-bô, vú-bú, vừa-bừa…

Mở qua vần W, có một số chữ giọng Bắc (và một số) giọng Trung sẽ đọc là V, giọng Nam đọc là [w] hoặc [b-yờ]

- Con wac mà ti ăn têm = Con vạc mà đi ăn đêm - Da wái chiềng thờ cho ho pỡi = Anh vái bàn thờ cho tôi với - Cầm mẩy cải wán nì wềl cho ủn = Cầm mấy cái oản này về cho em. - Da chở cỏ wẽ chiễn tha nưa = Mày đừng có vẽ chuyện ra nữa (Chợt để ý: chiễn = rất giống với giọng Nam = mày đừng nhiều chiệng). - Cải wày way nì nẵng khoáng môch tã = Cái vòi voi này nặng khoảng một tạ.

Rất ngộ nghĩnh, từ cái vòi của chú voi, tiếng Mường/Tày/Nùng cũng có “tà pòi”. Pòi = cái vòi của bé trai, chính là thứ mà pà mụ chỉ nặn riêng cho pé trai. Pé gái có khi cằn nhằn phân bì sao con không có. Pòi = bòi đều là âm tương đương nơi các thị tộc cùng gốc tổ vào thời xa xưa, hoàn toàn không phải âm này biến qua âm kia. “Tà”, mạo từ như cái/con ở tiếng Munda, Mon-Khmer, Hmong, Mường. Mở qua vần B cũng thấy nhiều chữ người Mường đọc là , giọng Bắc (và một số) giọng Trung đọc là V, giọng Nam đọc là [b-yờ]

bỉm thay = ví tay bải chào = vái chào bài tồng tiền = vài đồng tiền chở cải bô lỉ = chớ cãi vô lí ti no mà bỗi mà bàng = đi đâu mà vội mà vàng mộch bỡ pà, pa bỡ thiêp = một vợ cả, ba vợ thiếp (vợ lẽ)

Chữ Việt theo Bình Nguyên Lộc 1971 (10)

Ông Bình Nguyên Lộc luôn luôn đòi “làm cho ra lẽ” các vụ án lịch sử chữ nghĩa. Điều ra lẽ ngoạn mục nhất cuả BNLộc, là truy lùng chữ Việt từ hồi ban sơ và từ đó theo dấu được những tộc người đã cấu thành dân tộc Việt Nam ở mảnh đất hình chữ S.

Theo BNLộc, có cả thảy bốn chữ Yit, là tên tự xưng của người Yit. Khi có chữ, người Tàu Hoa Hạ ghi lại theo kiểu tượng hình:

- Chữ Yit đầu tiênPosted Imagexuất hiện từ thời nhà Thương, khoảng từ 1000 đến 2000 năm TTL, chỉ cái rìu có tay cầm - dụng cụ của chủng Yit - khi người Hoa Hạ lần đầu tiếp xúc với chủng Yit ở Hoa Bắc, mạn bắc Hoàng Hà.

- Chữ Yit thứ hai đuợc viết thêm hạt thóc trên cái rìu, ý nói giống dân có cái rìu và biết trồng lúa nước. Chữ này có từ đời Xuân Thu (722- 481 TTL). Ngày nay chữ Yit này vẫn chỉ tỉnh Quảng Đông (cũng là Việt, chi Thái-cổ tức Âu).

- Chữ Yit thứ ba: Tẩu + Tuất: 走戌, mang nghĩa 'Vượt'. Dùng để chỉ chủng Yit thuộc đám Bách Bộc, Lạc bộ Trãi, phía Bắc Hoàng Hà, đã vượt sông Hoàng Hà chay xuống nhập với đám Việt đã ở sẵn tại nước Sở và xung quanh nước Sở, lúc đó là khu Động Đình Hồ.

- Chữ Yit thứ tư: Tẩu + Qua (dáo mác): , cũng vẫn mang nghĩa Vượt, để chỉ đám U Việt, Lạc bộ Trãi ở miệt Sơn Đông, phía Nam Hoàng Hà.

Chữ V theo Nguyên Nguyên 2007

Theo tác giả Nguyên Nguyên, khoảng 5000 năm trước chủng Yịt ở rải rác từ phía bắc sông Hoàng Hà đến cực nam sông Dương Tử - lúc đó chưa có nước Trung Hoa (11a) - Những biến động lịch sử dẫn đến chiến tranh suốt hàng trăm năm không dứt khiến họ hết thời điểm này đến thời điểm khác có mặt tại cổ Yiệt, tức đồng bằng sông Hồng. Bản đồ dưới đây cho thấy địa bàn liên tục của hai chi Âu và Lạc cũng như lộ trình di tản xuống cổ Việt, lúc đó chưa gọi là Việt Nam:

Posted Image

Trong bài viết gần đây nhất góp tiếng với Trần Hữu Thuần (12) Nguyên Nguyên (11b) có vẻ cho biết tiếng Việt là một hỗn hợp lâu dài của các thứ tiếng thuộc nhiều tộc người khác nhau, với hạ tầng cơ bản là Môn-Khmer phối hợp với Thái-cổ (tức Âu, thành phần chủ lực của tiếng Mường) cộng với khối Đa-Đảo. Chồng chất và đan xen với lớp hạ tầng cơ bản đó là các thứ tiếng xuất phát từ khối Bách Việt xưa ở miền Hoa Nam, từ Vân Nam (Điền Việt) trải qua Quảng Tây, Quảng Đông (Tây và Đông Việt) cho đến tận Chiết Giang (Ngô-Việt), Phúc Kiến - Triều Châu (Mân Việt), và Hải Nam, v.v. Và hỗ trợ bằng hai nhóm từ miền cực Bắc nước Tàu, thời Xuân Thu thường gọi khối Đông Di tập trung ở khu vực tỉnh Sơn Đông ngày nay. Đó là hai nhóm khi xưa ưa sống gần gũi nhau: Hẹ (Hakka, tức Hạc Việt) và Miêu-Dao Miao-Yao hay Hmong-Mien).

Hai chữ “Việt Nam”, tiếng Mường xưa đọc Yịt Nam Nam Bộ xưa đọc Byiệc Nam, nay đọc Yiệc Nam Quảng Đông đọc Yueh Lam, hoặc Yueh Nam Thuợng Hải: Yue Ne

Quan Thoại: Yue Nan, Hẹ (Hakka): Yue Nam Sơn Đông: Yue Nam Nhật Bản: Beto-nam

Những tiếng này đều là âm tương đương vì cùng gốc tổ vào thời xa xưa, hòan toàn không phải âm này biến qua âm kia. Giống như tiếng nói của hai hoặc nhiều dân tộc láng giềng, theo sắp xếp địa lý, có một số từ vựng và cấu trúc giống nhau, và một phần lớn hơn lại khác nhau. Nhưng rất có thể không có vấn đề vay mượn, nhất là trong một quá khứ xa xưa. Chỉ có đóng góp khác nhau của mỗi thành phần sắc tộc tại mỗi quốc gia láng giềng với nhau. Mô hình này được gọi mô hình theo kiểu ‘Cây-và-Đất’, để phân biệt với thứ mô-hình tạm gọi ‘Cây-và-Cành’ thường xuyên được sử dụng từ trước đến nay, nhất là trong nghiên cứu ngữ học. (11b)

Khi hay mình có gốc gác khác nhau, người Việt cảm thấy gì? Có thể sẽ thấy… giống nhau và gần nhau hơn là khi không biết là có khác nhau? Nhưng dù khác nhau thế nào vào buổi ban đầu, tất cả bây giờ vẫn là Người Việt, dân của quốc gia duy nhất giữ được “Việt” trong quốc hiệu.

Hành trình ngàn năm của chữ Yit-Yue--Việt: Yit, chữ Trung Hoa viết 越. Nếu giả thiết của hai tác giả Bình Nguyên Lộc và Nguyên Nguyên đúng, thì hành trình của chữ Yit-Yue--Việt dài khoảng 5000 cây số theo đường thẳng, từ Sơn Đông đến mũi Cà Mau, trong gần 5000 năm (13).

được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong sách sử của người Trung Hoa, cho thấy họ biết rất rõ Yue là một ý niệm bền bỉ nơi những nuớc hay dân tộc thuộc chủng Yue.

- Yit trong Âu Việt 甌越,tức Tây Âu - Yit trong Việt Vương Câu Tiễn 越王句踐 có nàng Tây Thi, thời Chiến Quốc, 496-465 TTL - Yit trong Nam Việt 南越 của Triệu Đà, năm 257 TTL - Yit trong Mân Việt 閩越 - Yit trong U Việt 於越, - Yit trong Dương Việt 揚越 - Yit trong Đông Việt 東越 - Yit trong Sơn Việt 山越 - Yit trong Lạc Việt 雒越 - Quốc hiệu Đại Cồ Việt 大句越 của Việt Nam thời nhà Đinh năm 968 - Quốc hiệu Đại Việt 大越 của Việt Nam thời nhà Lý năm 1054, - Quốc hiệu Việt Nam越南 thời nhà Nguyễn Gia Long năm 1802. - Tiếng Quảng Đông vẫn được gọi là Việt ngữ 粵語. Nhưng Việt viết cho thấy người Tàu có hiểu biết rất sâu sắc và phân biệt các tộc Yịt ngày từ thời xưa.

Người Mường vẫn nhớ âm ban đầu là Yit, và byua cuả đám Yit này là byua Yit Yàng, mà họ cũng gọi là byua Hùng Wang. Ký ức người Nam bộ từ khi theo công chúa Ngọc Vạn năm 1623 đi mở nước ở miền Nam vẫn lưu giữ chữ Yiệc, Byiệc. Phát âm Yit của Mường và Yiệc của người Nam Bộ chính là một khoen trung gian vô cùng quan trọng nối với mắt xích ban đầu. Khi Yit được các ông nghè ông cống Đàng Ngoài tô son cài hoa thiên lý thành Việt thì họ hoặc ở chốn wê mùa hoặc đã tẩu vô Nam trước đó nên hổng có hay. Sông Pơ Đuông -có nghĩa lúa gạo- biến thành sông Đuống cho thấyYịt biến thành Việt cũng là điều dễ hiểu.

Trường hợp đám phiêu lưu giữ lại âm cổ xảy ra dài dài. Vùng Pensylvania bên Mỹ vẫn còn tiếng Anh cổ. Người Bạch Nga qua Úc đầu thế kỷ 20 vẫn dùng tiếng Nga thời Nga Hoàng.

Âm [v] nơi láng giềng

Cho tới bây giờ tiếng Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật, Triều Tiên, Indonesia,Thái, cũng không có âm [v]. Tiếng Thái, tiếng Ấn chỉ có âm hơi giống âm [w] trong chữ wind của tiếng Anh. Giống tiếng Việt xưa, tiếng Triều Tiên cũng có rất nhiều âm : bulgogil = bò (thịt), bae = cái bè.

Tiếng Mường, Triều Tiên, Miến Điện, Lào Thái, Khmer, Chàm, Tày-Nùng đều có âm “bờ-yờ” - dưới dạng [p-ỳơ] - với b hay p đọc nhẹ và nhanh. Người miền Trung từ Qui Nhơn-Tuy Hoà trở vô vẫn có âm “bờ-yờ.” Tuy từ điển Chàm và từ điển Taberd không còn ghi âm “bờ-yờ”, nhưng ghi hay không là chuyện của giới khoa bảng, âm “bờ-yờ” vẫn được dân chúng bảo lưu, vì bà con ít khi dòm hành đến từ điển. Nhiều khi các học giả cãi nhau loạn xạ, dân lành vô tội tỉnh bơ, như yụ om sòm về con chim Lạc, về Lạc Vương/Hùng Vương trước 75 ở Saigon. Ít lưu ý đến các đề tài văn hoá/lịch sử không phải dấu hiệu hay, nhất là nơi một dân tộc lúc nào cũng tự hào có bốn ngàn năm văn hiến.

Âm [v] ở trong Nam

Người Byiệt Đàng Trong, nhất là người Nam bộ dù là xứ thuộc địa của Pháp, lại cầm cự lưu giữ được âm w, b-ỳơ.

Thời ông Phan Khôi, có phong trào học abc, “Chữ quốc ngữ chữ nước ta con cái nhà đều phải học”. Ông Phan Khôi xúi phe tóc dài kéo phe húi cua học quốc ngữ theo kiểu Lưu Bình Dương Lễ, nếu chưa thi đỗ thì chưa động phòng “Rồi các cô hẹn nhau, rày về sau, hễ các cậu, cậu nào viết quốc ngữ đúng thì các cô hãy cho bưng trầu rượu đến nhà; còn không, thì đuổi họ đi cho rảnh”.

Mấy cổ đuổi vô hay đuổi ra, ai mà piếc. Nhưng ở miền Nam yụ học chữ abc ngon lành hết piếc như ông Phan Khôi viết “Trong khi ấy thì ngoài Trung, Bắc kỳ, người An Nam ta đương còn nằm sấp xuống, cấn bụng trên ván, duỗi cẳng dài đuột đuột mà viết chữ Hán, từ bậc ông Cống ông Nghè cho đến chú Trùm trong xóm cũng vậy.

Kể cái công tập tành chữ quốc ngữ cho quen và rải rắc nó cho một ngày một rộng ra, ấy là phải kể cho xứ Nam kỳ.

Tôi muốn nói xứ Nam kỳ là thầy dạy quốc ngữ cho cả và dân An Nam, cũng không phải là quá đáng. Độc giả hãy nhớ, xứ Nam kỳ là thầy dạy quốc ngữ cho dân An Nam!

Ổng nói dạy đây là dạy VIẾT. Nguời miền Nam, thời ông Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, hay ở chỗ viết vẫn trúng chánh tả. Nhưng vẫn nói giọng Nam bộ, tức giọng Byiệt cổ, trong đó có âm [b-yờ], dù cô Sáu mang thuỷ xoàn mặc quần sa teeng hay chú Ba pán pánh pò pông. Hồi gia đình tôi mới di cư vào Nam 1954, vẫn nghe bà ngoại chòm xóm la om “Úc, mày làm giống gì ngoải, hổng yìa cho em bú, nó nhè ngoại nó đòi byú nè…” Khoảng năm 1980-90, trên một chuyến phà Châu-đốc – Nam-Vang, lẫn trong tiếng võng đưa giữa đám bạn hàng, vẳng tiếng ru em đẫm màu Nam Bộ, rất “đậm đà bản sắc dân tộc” dù có thể bị các học giả biến sắc mặt bắt lỗi “nói”sai… chánh tả:

Đi đâu cho thíp theo cùng Đói no thíp chiệu lặn lùng thíp cam Yí yầu tìn có yở yang Thì cho thíp gọi đò ngang thíp b-yề. Yí yầu tìn béeng yiêng thề Thì cho thíp được đền nghì trúc mai

Định mệnh ngoại hạng của Âm [v]

1. Ở từ điển Alexandre de Rhodes, không tìm thấy chữ Việt, Yiệc, hay Byiệc trong các vần V, W, B. Lý do: vào năm 1651, người và nước Việt Nam còn được gọi là An Nam.

2. Đến từ điển Taberd, trào vua Gia Long, mới có chữ Việt Nam=Regnum Anamiticum

3. Tự điển Mường Việt ghi chữ Yịt ở vần D = Dịt. Sử thi truyền khẩu Đẻ Đất Đẻ Nước (9) của người Mường “nói” byua Yịt Yàng. Nhưng khi ký âm abc lại “viết” vua Dịt Dàng. Nếu phát âm chữ Dịt đó theo giọng Bắc như tôi sẽ làm mất khoen nối giữa Yịt - Yiệc - Việt. Thì đừng nói thế hệ sau, ngay thế hệ này đã không hiểu chữ Yịt - Yiệc - Việt có ràng buộc quan trọng tới mức nào.

4. Chữ quốc ngữ phát xuất từ các xứ đạo Đàng Ngoài, nơi vâng lời là một đức, nên đám tân tòng tuyệt đối nghe theo lời chỉ dẫn của các thầy. Dần dần, quốc ngữ abc vượt ra khỏi khuôn viên nhà thờ. Nguời Việt Đàng Ngoài có lẽ quá hâm mộ chữ quốc ngữ abc nên đã - thẳng tay loại trừ một số âm như: bl, tl, ml, kl, b-ỳơ, w - tuyệt đối chấp nhận âm [v] coi như tiêu chuẩn

5. Phát âm Nam Bộ trước sau trung thành với tiếng Byiệc. Khi các thầy soạn tự điển Alexandre de Rhodes, không có giọng Nam Bộ dự phần vì chưa có miền Nam. Tuy vậy, chính người Nam Bộ đi tiên phong trong việc dạy chữ abc. Nhưng giọng Nam lại bị các học giả cho là…sai. Và người Nam lâu dần cũng tin tưỏng như thế vì từ ông Phan Khôi và ngay cả ông Bình Nguyên Lộc đều cho là “tiếng Bắc trúng hơn” dù giọng Bắc cũng “nói” sai tùm lum tà la với chữ viết. Ví dụ “nái xe nam neo nên nề nạng qua nạng nại nật nuôn/lái xe lam leo lên lề lạng qua lạng lại lật luôn” .

6. Dư luận vẫn cho rằng giọng Nam Bộ “lẫn t với c, lẫn có g với không g, lẫn dấu ngã với dấu hỏi” hoặc giọng Bắc “sai” khi không phân biệt s/x, ch/tr, n/l, r/d/gi…Đốt cái dư luận ấy đi!

Vì giới ngôn ngữ học hồi đó (và cả bây giờ) không tính tới thành phần hết sức pha trộn của dân Việt, mà sự khác biệt về dấu/giọng phản ảnh sự khác biệt nguồn gốc ban đầu.

Có thể tóm tắt: cho mãi đến khoảng đời nhà Trần, tại xứ Việt cổ không có một chi chủng thuần tuý nào gọi là chi chủng Việt Nam. Tức không có chi nào gọi là chi Việt Nam trong khối Bách Việt. Mà chỉ có hàng trăm chi trong Bách Việt cung cấp các nòi giống khác nhau cho giòng giống Việt, làm thành dân tộc Việt Nam ngày nay. Sách vở chính thức sau 1975 cho rằng có 54 dân tộc trên mảnh đất VN. Điều này cho thấy nguời Việt không phải là một dân tộc thuần chủng như hồi nào tới giờ lầm tưởng. Những dân tộc này cùng có chung một số từ, chứng tỏ thời gian cộng cư.

Ví dụ, chữ “va” (đọc là [Ya]) = thằng chả/gã nọ/anh ta, thời ông Hồ Biểu Chánh vẫn còn rất phổ biến trong Nam. Theo tác giả Nguyên Nguyên :

  • phát âm [Ya] hay [bờ ya] hay [ba], giống với Hakka [za], Mã Lai [Dia] hay [ia], Tagalog [niya], Sinhalese [Eya], và Polynesian [ia] (11a),
  • giọng Nam nói YA vì có gốc Mon-Khmer và Đa Đảo. Giọng Bắc nói VA vì tiếp cận/hợp chủng/hoặc cả hai, với người Hẹ Hakka.
  • Người Hakka là nhóm chủ lực ở miền Bắc. Hakka cho cả hai âm [za] và [v]. Âm [v] là âm đặc thù của người Hakka thay cho âm W của người Hoa ở các khu vực phía trong kể cả Bắc Dương Tử (tiếng Bắc Kinh). Vì người Hakka có gốc ở miệt Sơn Đông nên cho đến ngày nay tiếng Tàu ở Sơn Đông vẫn có âm [v] thay cho âm W ở tiếng quan thoại/Bắc Kinh (11b).

Đền nghì trúc mai

Bài viết Tiếng Quảng Trị của Trần Hữu Thuần (12) cho thấy chỉ có vài làng ở gần nhau mà tiếng nói cũng khác. Tiếng Việt vẫn có những khác biệt, và sẽ mãi mãi khác nhau như thế. Tuy vậy, sự khác biệt ấy không quá lớn lao như ở Phi Luật Tân, tuy là một hải đảo độc lập, nhưng có tới 27 tiếng nói khác hẳn nhau. Họ phải dùng tiếng Tagalog ở trường học và tiếng Anh ở thương trường hay diễn đàn chánh trị. Không cần thở ngắn than dài vì sai biệt đó không làm giảm tính thống nhất trong tiếng Việt, dẫn tới những thống nhất khác như phong tục, lối sống, cách suy nghĩ.

Thế giới đang tìm cách phục hồi những tiếng nói trên đà diệt vong. Ở Quảng Bình, đám người Rục, người Nguồn (14) mà tiếng nói và nguồn gốc được xem là Việt tối cổ vẫn là đề tài nghiên cứu. Giữ được tiếng nào hay tiếng ấy cũng là cách đền nghì ơn tổ tiên.

Năm 223 TTL khi Tần Thuỷ Hoàng gồm thâu sáu nước, nước Sở tiêu tán đường. Quí tộc bị giết chết. Dân chạy tan tác. Số ở lại, bị tàn sát hoặc đồng hoá tận gốc rễ. Sau bao cố gắng, đại học Massachusetts Amherst chỉ sưu tầm được… 5 chữ (15).

Riêng Yit, Byiệc, Việt đã chịu sự thử thách của thời gian gần 5000 năm, trôi nổi từ thảo nguyên mênh mông đến sông dài núi rộng, vượt sóng cả trùng dương, vượt lên trên tất cả những oái oăm của lịch sử, cho thấy quá khứ của cả một dân tộc không chỉ lưu lại trong chữ viết.

Vườn nào hoa nấy

Có thể nói, không có chuyện đúng sai trong âm V. Vấn đề chỉ là giọng Bắc đã quốc tế hóa được âm v, cũng như giọng Nam đã quốc tế hoá được âm tr.

Bài viết này không phải là một sáng tác. Chỉ làm công việc lượm lặt lý giải của những người đi trước để trả lời cho thắc mắc chữ V: tiếng nói có trước, chữ viết có sau, các xướng ngôn viên người Nam đã trung thành với phát âm cổ của tiếng Yiệc từ 5000 năm trước abc: Byiệt, Byiệc, Yiệt, Yiệc. Viết theo abc là Việt. Viết cũng như nói, Việt không bao giờ là Diệt hay Dziệt cả.

Trần Thị Vĩnh Tường

Ghi chú

(1)Phan Khôi (1887-1959)/Chữ quốc ngữ ở Nam kỳ với thế lực của phụ nữ http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php...=5465&rb=06 Ông Phan Khôi thấy báo chí viết sai chánh tả, ông sót sa “khôn ngăn châu lụy sụt sùi” và đề quyết “chữ quốc ngữ ở Nam kỳ mà viết sai bậy bạ hết là bắt đầu từ các ông làm báo bậc tiền bối”.

(2) Chinh Phụ Ngâm, tác giả Đặng Trần Côn (1715-1745) người làng Mọc, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông. Bản dịch Nôm được cho là của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705-1748), người làng Giai Phạm, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, khoảng giáp Bắc Ninh.

(3) Phụng Nghi/100 Năm Phát Triển Tiếng Việt, NXB Văn Nghệ 1999, California

(4) Từ điển Việt-Bồ-La, Alexandre. De Rhodes, Dictionarivm Annnamiticvm – Lusitanvm – Latinvm, soạn cho Đàng Ngoài, in lần đầu tiên ở La Mã năm 1651, Viện Khoa Học Xã Hội/HCM tái bản năm 1991. Từ điển Việt-La Tinh Taberd, Dictionarium Anamitico-Latinum, được soạn sau khi nước nhà đã thống nhất không còn Đàng Trong/Đàng Ngoài, in lần đầu tiên tại Bengale (Ấn Độ) năm 1838, tái bản 2004, NXB Văn Học/Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học, Hà Nội và TPHCM.

(5) Hoàng Xuân Việt/Tìm Hiểu Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính, NXB Văn Hoá Thông Tin 2007

(6) Nguyễn Văn Khang (chủ biên), Bùi Chỉ và HoàngVăn Hành , NXB Văn hoá Dân Tộc (2002).

(7) Tên Âu Cơ cũng là tên đã Việt hoá. Tên Mường là Ngu Cơ. Ngu Cơ cũng là tên người đẹp của tráng sĩ Hạng Võ trong tuồng “Hạng Võ biệt Ngu Cơ”

(8) Jeanne Cuisinier, tác giả La Danse Sacrée en Indochine et en Indonésia [Múa thiêng ở Đông Dương và Indonesia] và Les Mương, Geographie Humaine et Sociologie (Người Mường, Địa Lý Nhân Văn và Xã Hội Học), Université de Paris, 1946,

(9) Đẻ Đất Đẻ Nước, NXB Văn Học – Hà Nội 1976

(10) Bình Nguyên Lộc (1914-1987) tác giả hai cuốn Nguồn Gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam và Lột Trần Việt Ngữ xuất bản năm 1971 và 1972 ở Saigon, được tái bản dài dài ở hải ngoại, tuy vậy cũng rất hiếm. Hiện có trên http://www.talawas.org

(11) Nguyên Nguyên

a. Thử Đọc Lại Truyền Thuyết Hùng Vương/trên nhiều trang net.

b. http://www.khoahoc.net/baivo/nguyennguyen/...07-quangtri.htm

c. Loan Words and Metaphorical Field (tư liệu)

(12) Trần Hữu Thuần/Tiếng Quảng Trị/Talawas 6/2007: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10168&rb=06

(13) 5000 năm nếu tính từ lúc lãnh tụ Xuy Vưu lãnh đạo đám Cửu Lê đánh nhau với Hiên Viên của Hoa Hạ ở trận Trác Lộc năm 2879. Trong Lĩnh Nam Chích Quái, Xuy Vưu là nhân vật huyền sử. Nhưng dân tộc Đại Hàn, dân HMong thờ ông như thánh tổ. Họ còn ghi dấu chiến trường nơi ông bị chặt đầu. Dân Trung Hoa bây giờ cũng phải nhận ông là một trong ba ông tổ (Xuy Vưu, Hiên viên, Thần Nông).

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, kỷ nhà Lý, năm 1160, mùa xuân tháng giêng, vua Lý Anh Tông cho xây đền thờ Hai Bà và đền thờ Xuy Vưu ở phường Bố Cái. Không biết đền này có còn lưu vết tích gì chăng.

(14) Nguyễn Đức Cung/Quảng Bình Chín Trăm Năm Nhìn Lại (1075-1975) NXB Nhật Lệ 2006

(15) http://www.umass.edu/wsp/results/languages/chu/lexicon.html

(16) Theo tác giả Nguyễn Thiện Giáp, http://ngonngu.net/index.php?p=309:

Share this post


Link to post
Share on other sites

Triệu Mạt và Văn hóa Đông Sơn

Nguồn: Blog Trương Thái Du.

http://au.blog.360.yahoo.com/blog-V8i4lZgl...x=139&lmt=5

Posted Image Posted Image

Entry trước tôi viết theo trí nhớ về nhận xét của ông Tạ Chí Đại Trường nói đến dấu ấn Đông Sơn trong lăng mộ Triệu Mạt. Và quả thực sau khi tra kỹ sách vở, tôi hoàn toàn đúng.

Ông Trường viết : Việc phát hiện mộ Triệu Mạt / Triệu Văn Vương, cháu Triệu Đà cho thấy dấu vết Đông Sơn đậm đà trên vùng Quảng Châu ngày xưa vì hình tượng người lông chim trang trí trên tường mộ đã không khác trên trống đồng tí nào mà còn mang tính hoành tráng hơn.

Xin khẳng định các bức tường đá trong lăng Triệu Mạt không hề có bức trang trí nào. Bức trang trí trên tường mới (đầu entry) là phục chế lại bức tranh trên một chiếc thạp Đông Sơn theo trình tự sau:

Ảnh 1. Kho đồ tùy táng lúc mới mở huyệt mộ. Nhìn rõ chiếc thạp Đông Sơn. Chiếc thạp này có lẽ từng có nắp nhưng đã bị mục nát.

Posted Image

Ảnh 2: Chiếc thạp sau khi được vệ sinh sạch sẽ. Những hình vẽ như trên trống đồng hiện ra.

Posted Image

Ảnh chụp từ sách Nam Việt Quốc Sử, tác giả Trương Vinh Phương GS ĐH Trung Sơn, Quảng Đông nhân dân xuất bản xã, 1995.

Triệu Muội hay Triệu Mạt

Tên của Triệu Văn Vương (cháu Triệu Đà) ghi bằng chữ triện trong 2 cục phong nê tìm thấy trong mộ là . Đọc đúng là Triệu Mạt vì chữ Mạt này gồm hai phần Mục (目) và Mạt 末. Rất dễ nhầm lẫn giữa Muội 眛 và Mạt vì Muội = Mục (目) và Mùi (未). Mạt và Mùi chỉ khác nhau ở chỗ hai nét ngang dài ngắn đổi chỗ cho nhau.

Thực ra Mạt và Muội trong các sách cổ TQ ngàn năm trở lại đây thì đồng nghĩa và hay dùng lẫn lộn. Chỉ xin lưu ý không nên dùng nghĩa Mạt/Muội = mắt mờ (của hôm nay), vì biết đâu thời Triệu Đà cách nay hơn 2000 năm, chữ Mạt mang nghĩa khác. Chữ Mạt này cũng không có trong quyển từ điển đầu tiên của TQ là Thuyết Văn. Điều này có thể dẫn đến việc chữ Mạt là phương ngữ của Nam Việt. Hay nói cách khác, có khi đây là CHỮ NÔM ĐẦU TIÊN CÒN CHỨNG TÍCH CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM.

Nếu là người TQ thì không nên phân vân gì cả. Nhưng người Việt Nam lại khác. Chữ Mạt tiếng Nôm đọc là MẮT. Đặc biệt trong Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quí Đôn có dẫn rằng thời Trần người VN gọi MẶT TRỜI là BỘT MẠT.

Chúng ta đã ở rất gần, rất gần với một tia hy vọng: Mạt là chữ Nôm đầu tiên của dân tộc VN còn chứng tích lưu lại và Mạt nghĩa là thiên tử, là trời.

Tuy vậy tôi xin dừng ở đây vì sở học của mình rất hèn kém. Không dám đi sâu hơn nữa.

Một số nhận xét trên chủ đề:

1. Mộ Triệu Mạt (hay Triệu Hồ theo Sử Ký) có thạp đồng, thạp tùy táng nhưng không đập vỡ như truyền thống Đông Sơn. Thạp này người TQ luận là để đựng rượu, trong khi văn minh Đông Sơn có thể đựng nước, ngũ cốc. Không loại trừ chiếc thạp này là sản phẩm giao lưu văn hóa giữa Đông Sơn và Phiên Ngung.

2. Các di vật trong mộ cho thấy tầm vóc phát triển rất cao của kinh đô Nam Việt. Hơn tầm vóc Đông Sơn rất nhiều và mang đậm dấu ấn văn minh Hoa Hạ. Đơn giản vì họ Triệu là người Hoa bắc. Việc xuất hiện các miếu thờ Triệu Đà, Lữ Gia ở Việt Nam có khả năng cho thấy một cuộc di tản chính trị lớn bằng đường biển của người Nam Việt sau khi Phiên Ngung thất thủ.

3. Vậy phải chăng người Kinh ở VN hiện nay là con cháu hợp huyết của cư dân Đông Sơn bản địa và người Nam Việt di cư?

Monday 19 January 2009 - 05:14PM (ICT) Permanent Link | 20 Comments Dịch bài qua tiếng Trung Hôm nay tình cờ thấy bài này, vốn đăng ở BBC đã được trang boxun.com dịch từ tiếng Việt qua tiếng Trung. Boxun.com là một trang báo mạng từ Mỹ, bị chặn ở TQ.

Mấy năm nay tôi luôn hy vọng bài này được dịch qua tiếng Trung cơ. Nhưng chưa có ai giúp cả, dù cũng đã đôi lần nhờ vả (và sẵn sàng thỏa thuận nhuận bút). Thực tình "sự nghiệp" khảo sử của tôi chỉ gói gọn bấy nhiêu. Nếu người TQ tham kiến bài này, sẽ bật mở rất nhiều những khoảng trống thời sơ sử khu vực phía nam của họ.

Saturday 17 January 2009 - 11:25AM (ICT) Permanent Link | 1 Comment Tạ Chí Đại Trường Posted Image Posted Image

Hôm nay đọc bài này của bác Trường:

Việc phát hiện mộ Triệu Mạt / Triệu Văn Vương, cháu Triệu Đà cho thấy dấu vết Đông Sơn đậm đà trên vùng Quảng Châu ngày xưa vì hình tượng người lông chim trang trí trên tường mộ đã không khác trên trống đồng tí nào mà còn mang tính hoành tráng hơn.

Cứ sợ trí nhớ phỉnh nên đành phải nhờ thằng google cho xem ảnh, cho chắc.

Vẫn không thể tìm được bất cứ hình tượng người lông chim nào trang trí trên các vách đá của mộ.

Ảnh trên là trang trí ở một bức tường của Viện bảo tàng, lấy nguyên mẫu từ thân của một chiếc thạp đồng trong mộ.

Ảnh 1: Thạp đồng

Posted Image

Ảnh 2: Họa tiết trên thạp

Posted Image

Chỉ một chi tiết rất nhỏ thôi, có thể làm đứt gãy hẳn một bài khảo cứu công phu. Thậm chí biết đâu nó sẽ chạy tuột vào những trang sách giáo khoa, qua việc copy của các luận văn tiến sĩ giấy, gây nên ngộ nhận đời đời...

-----------------------

Lời bàn của Thiên Sứ:

Với những chứng cứ khảo cổ rõ cứ như ban ngày này rồi làm sao nhỉ? Việt sử 5000 văn hiến hay tổ tiên ta chỉ là 15 bộ lạc với những người dân ở trần đóng khố đây?

Thảo nào, họ cố gắng chứng minh rằng nhà Triệu không thuộc sử Việt.

Thiên Sứ tôi luôn không bao giờ coi di sản khảo cổ là bằng chứng duy nhất minh chứng cho sử Việt, Và luôn luôn nhất quán với điều này.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Những bài viết của ông Trương Thái Du trên blog của ông có nhiều tư liệu rất hữu ích. Bởi vậy nó được chép đưa vào đây. Nhưng điều này không có nghĩa là tôi coi những luận điểm của ông ta là đúng. Cùng một hiện tượng, người ta có nhiều các giải thích khác nhau. Một cách giải thích đúng nhất phải được thẩm chứng bằng tiêu chí khoa học.

---------------------

Thần cung bảo kiếm

Truyện An Dương Vương của người Choang

Trước khi các bạn đọc truyện thần thoại Thần Cung Bảo Kiếm của người Choang tại Quảng Tây, xin tham khảo blog Quách nữ sĩ:

An Dương Vương là ai? Đó vẫn là một câu chuyện dài…

Khoảng năm 1999-2000, giới sử học đã xảy ra một cuộc bút chiến “đẫm…mực”, giữa một bên là phe nghiên cứu sử học của trường Đại học KHXH&NV với một bên là phe các ông Bùi Thiết. Một trong những vấn đề tranh cãi giữa họ là về nhà nước Văn Lang, Thục Phán An Dương Vương và các vấn đề khác thời Tây Sơn. Xin tóm lược cuộc tranh cãi về An Dương Vương như sau:

Quan điểm của phe Bùi Thiết: Yên Bái chính là nơi phát tích của An Dương Vương. Quan điểm này được củng cố bởi những chứng cứ sau: dựa trên truyền thuyết dân gian của người Tày gọi là “Cẩu chúa cheng vua” (chín chúa tranh vua). Cùng với truyền thuyết này là một hệ thống truyền thuyết về những cuộc đụng độ giữa Sơn Tinh với Thục Phán, hay chính là cuộc chiến tranh Hùng Vương- Thục Phán xảy ra trên địa bàn từ sông Đà đến sông Lô thuộc đất Phú Thọ , Yên Bái, Hòa Bình, Tuyên Quang chứng tỏ rằng Thục Phán phải ở đâu đó gần kề với bộ lạc Văn Lang….Chứng cớ khảo cổ: sự phát hiện của thạp đồng Đào Thịnh và sự phát triển về nghệ thuật đúc đồng thau ở Yên Bái có liên quan đến nghệ thuật đúc đồng thau ở Cổ Loa….

Quan điểm của phe Sử Đại Học: Anh hùng né, gần như không phản bác lại gì ngoài một vài quan điểm phản bác về thời điểm xuất hiện của nhà nươc Âu Lạc….

Một điều cần phải lưu ý trong cuộc tranh luận này là hai phe tranh luận với nhau về thời điểm, về gốc gác phát tích của An Dương Vương mà không hề đặt ra vấn đề “An Dương Vương liệu có thật trong lịch sử”?

1. Quan điểm của cụ Lê Mạnh Thát là triều đại Hùng Vương có thật, sử liệu còn lưu giữ trong Ngọc phả. Cụ rất coi trọng Ngọc phả nên cháu cung kính thưa rằng An Dương Vương cũng có ngọc phả. (Theo bản Thục An Dương vương sự tích, phần Ngọc phả, do Nguyễn Bính (không phải bác Nguyễn Bính Chân quê đâu đấy) soạn vào đời Lê, Thư viện khoa học xã hội, A.384)

2. Nếu câu chuyện về Hùng Vương và An Dương Vương chỉ là mô phỏng lại cuộc chiến đấu giữa hai chi Kôrava và Pandava trong sử thi Mahabharata thì sẽ giải thích thế nào về một loạt những truyền thuyết về An Dương Vương mà nhà nghiên cứu Đinh Nhật Thận đã khảo cứu được trong truyền thuyết của người Tày, và truyền thuyết về Vua Chủ (theo nghiên cứu của GS Nguyễn Từ Chi, cung kính nghiêng mình trước cụ), những lễ hội liên quan đến truyền thuyết An Dương Vương như Hội Nhội…..vân vân

Trước khi kết thúc xin trích một đoạn trong cuốn Góp phần nghiên cứu tộc người của GS Nguyễn Từ Chi (tr.638):

“ Thục An Dương Vương là ai? Câu chuyện này cần phải nghiên cứu lâu dài, nhưng tạm thời có thể kết luận : trước Bắc thuộc có một cộng đồng người ở xa sông Hồng (có thể Hán-Thái hay Tạng Miến) đã đến đầu tam giác châu xây dựng tổ chức xã hội như một nhà nước, tự xưng là An Dương Vương và An Dương Vương đã xây nên thành Cổ Loa, thành phòng ngự đầu sông Hồng. Thành Cổ Loa đắp ba vòng tương tự ba vòng thành Xán Mứn của người Thái (mường Thanh). Kiểu kỹ thuật Xán Mứn trùng hợp với kỹ thuật xây thành Cổ Loa và kỹ thuật đắp đê.”…….

---------------------------------------------------------------

Thầncung Bảokiếm

Thầnthoại Chuang

(Tríchdịch từ quyển Trang Tộc Dângian Cốsự Tuyển, do Thượnghải Vănnghệ Xuấtbảnxã ấnhành, Thượnghải, 1984. Trang 131 - 138)

Ngườidịch: dchph

Thờixưa, Vua Namviệt Triệu Đà được Hoàngđế Trunghoa gởitặng cho một thanh bảokiếm, bèn dùng châubáu ngọcngà chạm lên trên và còn khắc bốn chữ "Hoà Tập Bách Việt", đêm đến thanhkiếm phátquang chóiloà, đúnglà một bảovật. Nhàvua lại mang thanh bảokiếm nầy gởitặng lại Nước Tây Ấu, vua nước Tây Ấu lại sai hoàngtử mang đến tặng cho Nước Lạc Việt. Mụcđích của họ là mongmuốn có sự giaohảo thânthiện vớinhau để giữvững dâulài nền hoàbình đangcó.

Hoàngtử nước Tây Ấu mang thanh bảokiếm đến nước Lạc Việt. Tới ngày khi chàng đã đến bênbờ tường kinhthành nước Lạc Việt thì chàng nghethấy tiếng cuờinói huyênnáo vọngra từ nộithành. Vị hoàngtử bèn leo ngồi lêntrên bờtường quansát thì thấy vị côngchúa của Vua Lạc Việt đang luyện bắncung, bắnđâutrúngđó nên đã gâynên tiếng reohò vangdậy.

Trong những năm gầnđây nước Lạc Việt gặpnạn bị một thuỷquái quấyphá, làm nước biển nhiềukhi vôcớ tràndâng ngậplụt, cuốntrôi vôsố nhàcửa hoamàu và giasúc, dânchúng mấtcửamấtnhà, lytán khổsở. Vua Lạc Việt chẳng biết làmsao nên mời thầypháp lại làmbùalàmphép. Con thuỷquái bỗng từ dưới nước phónglên nói rằng trừphi Vua Lạc Việt gã côngchúa cho nó nếukhông thì nó sẽ dấybinh tiêudiệt nước Lạc Việt. Vua Lạc Việt không biết phải làm cáchnào đành phải hứa gã côngchúa cho nó, nhưng ngài lại yêucầu con thuỷquái phải đíchthân đến cungđình cầuhôn. Nhưng đến ngày con thuỷquái tới cungđình cầuhôn mọingười ainấy đều thấy con yêutinh hiện nguyênhình: đầurắn, thấplùn, lưng mang vỏ rùa. Nàng côngchúa trôngthấy, lòng ngậptràn oánhận, không một chút dodự rút kiếm ra chém "phựt" một cái bay đứt cổ con yêutinh và nó ngã lănra chết.

Ngườita đồnđại là con yêuquái nầy có nanhvuốt rất linh, nếu nanhvuốt nầy vẫncòn, chẳngbaolâu thì con yêuquái nầy sẽ hồisinh trởlại nguyênhình. Dođó, côngchúa bèn chặtđứt bốn chân con yêu ra, thẻo nanhvuốt nầy ra, dùnglàm bánsúng cho cái nỏ. Từđóvềsau, tàinghệ thiệnxạ của nàng côngchúa ngàycàng khởisắc, bắn đâu trúng đấy. Nhờthế tiếngvang lankhắp mọinơi, aiai cũng đều biết nàng côngchúa có một cây nỏthần, và rất nhiều bộlạc lớnnhỏ khắpnơi về quyphục nước Lạc Việt. Chính cũng vìthế, côngchúa lạ càng trởnên kiêuhãnh, mỗilần nàng tậpluyện bắn cung, chỉ cho ngườixem hoanhô khen chứ không cho phêphán ồnào.

Hômđó, khi nàng đang luyện bắn cungtên trong vườn thànhnội, cái đích một cành liễu cột lũnglẵng một xâu lá trầu, và nàng nhấtquyết sẽ bắn trúng cành liễu và sẽ làm cái xâu lá trầu rơi xuống đất.

Hoàngtử nước Tây Ấu đang ngồi trên bờtường đang ngắmnhìn nàng côngchúa bắnnỏ. Chàng chỉ thoáng thấy nàng côngchúa giơ câynỏ lên, kéo dâycung rồi bungra, mũitên phóngvụt đến cành liễu, đường tên bay khônghề bị xêdịch đâm phụp đúng vào cành liễu có treo xâu lá trầu. Hoàngtử bấtgiác vỗtay hoanhô ầmĩ.

Chính vìthế làm nàng côngchúa nổigiận lên tựhỏi không biết ai chophép người nầy nhìntrộm nàng bắnnỏ? Togan thật! Nàng một tay vừa cài tên giương nỏ, mắt vừa quayqua liếcnhìn về phía bờtường thì trôngthấy một chàngtrai ngồi đó đang giương đôimắt nhìnngắm nàng. Côngchúa giận quá, nàng buông dâycung, mũitên liền bậtra hướngvề tầm ngực của chàngtrai phóngvụt đến. Chỉ trong chớpnhoáng, chỉ thấy chàngtrai ungdung rút thanhkiếm ra chờ mũitên baytới rồi gạtngang một cái, mũitên chợt trông giống như một chú chim xìu cánh rơirụng ngay xuống đất.

Nàng côngchúa liền giương nỏ bắn liền ba phát, chàng hoàngtử đều vung kiếm gạt phắt hết ba mũitên. Nàng côngchúa cảmthấy kỳlạ, nhậnra thanhkiếm của hoàngtử có thầnlực, bèn kêu chàngtrai mang đến nàng xem nhưng chàng trùtrừ không lại. Côngchúa hỏi chàngtrai từđâuđến? Tới kinthành để làmgì? Chàngtrai trảlời chobiết mình là hoàngtử nước Tây Ấu, đến kinhđô nước Lạc Việt là để giaohảo đôibên. Chàng yêucầu côngchúa dẫn chàng đi gặp Vua Lạc Việt.

Côngchúa nghĩthầm nếu để hoàngtử mang bảokiếm vào gặp phụvương rũi chàngta rút kiếm ra chém vuacha thì chắc nước chết, nàng liền đưara hai điềukiện: mộtlà chàng hoàngtử khôngđược mang thanhkiếm trênngười đến diệnkiến nhàvua, chàng phải trao thanhkiếm cho nàng giữ; hailà nếu chàng nhấtđịnh phải đeo kiếm thì chàng phải chịu bị tróicột lại mới được gặp vuacha. Chàng Hoàngtử đồngý chịu để cho nàng tróilại, khôngchịu để kiếm rời thân.

Thếlà hoàngtử chịu tróilại để điđến gặp Vua Lạc Việt. Khi gặp nhàvua, hoàngtử bèn dângtặng vị vua nầy thanhkiếm có khắc bốn chữ "Hoà Tập Bách Việt", nói là chàng thaymặt cho phụvương đến giaohảo hoàbình với Vua Lạc Việt.

Vua Lạc Việt thấy hoàngtử khôingôtuấntú, phẩmđức đều tốt, cóý muốn nhận chàng làm phòmã, nhưng lại engại côngchúa lại khôngchịu nên nhavua bèn hỏi ýkiến cô côngchúa. Thựcra trong thâmtâm nàng côngchúa đã sinhra lòng áimộ, nhậnthấy việc hoàngtử chịu trói đểđược diệnkiến vuacha chứ khôngchịu traogửi thanhkiếm cho nàng giữ là hànhvi bấtkhuất anhhào. Nghethấy vuacha hỏi ýkiến mình, nàng bấtchợt khôngkhỏi thẹn ửng máđào, nàng nói:

-- Tuỳý phụvương địnhđoạt!

Saukhi hoàngtử cùng côngchúa kếthôn, haingười thươngyêu nhau thắmthiết, như trâu với cau.

Chẳngbaolâu sau, hoàngtử nhậnđược tin Vua Tây Ấu lâm trọngbịnh, chàng bèn từbiệt Vua Lạc Việt và côngchúa để vềnước thăm vuacha. Nàng côngchúa sợ đườngxá xaxôi trắctrở, nàng bèn lấy thanhkiếm "Bảo Tập Bách Việt" traocho hoàngtử đeo vào người. Hai người quyếnluyến không nở rời nhau. Saukhi hoàngtử vềnước rồi, côngchúa cảmthấy cungthất lạnhlẽo làmsao, tronglòng trởnên sầumuộn, nàng đâmra biếnglười luyệnvõ, cungnỏ cũng khôngbuồn rớtới. Cólúc nàng chợt tưởng có bóngdáng hoàngtử thấpthoáng ngoàisân, nhưngsao nàng đợi mãi mà chẳng thấy chàng đẩy cửa bướcvào. Nàng ra mở tung song cửasổ, nhưng nàng chỉ thấy một chú quạ kêu "yaya" rồi baymất.

Vào một buổisáng nọ, khi côngchúa mớivừa mở cửa phòng độtnhiên trôngthấy một người xông vào phòng. Nhìn kỷ lại thìra là hoàngtử. Côngchúa rấtlà vuimừng, chẳng kịp hỏi chàng từđâu về là đã đưa chàng vào phòng. Cái anhchàng hoàngtử nầy mới bướcvào phòng là lậptức đưamắt ngó ngay về hướng nơi có treo chiếcnỏthần, mắt ngó láoliên. Côngchúa cảmthấy kỳquặc liền nói:

-- Mớicó đixa mấy ngày, bộ chàng không nhậnra chỗ ở nữa à?

Chàng hoàngử nói:

-- Sao trên kia lắm bụibặm vậy?

Côngchúa nói:

-- Từ ngày chàng vềnước đếngiờ, thiếp côđơn mộtmình, nào còn tâmtrí gì đâu để tậpluyện bắn cung?

Hoàngtử lấyngay cungnỏ xuống. Côngchúa nhậnthấy cửchỉ này cóđiều dịthường liền chạytới ngăncản. Hoàngtử nói:

-- Uydanh của côngchúa dựa hết vào chiếcnỏthần nầy. Giảnhư không có chiếnỏ nầy, mình nghĩ là uydanh của nàng không lừnglẫy như bâygiờ. Dođó mình yêu chiếcnỏ nầy chính là vì yêu côngchúa đấy!

Vừa nói chàng vừa giươngcung bắntên ra ngoài khungcửasổ, nhưng chỉ thấy khi mũitên vừa lìa rakhỏi nỏ là bay trệchhướng đi, bay chẳngbaoxa là rơirớt ngay xuống đất.

Côngchúa nói:

-- Chiếcnỏ nầy nhờcó chiếcmóng của con yêuquái dùng làm cò, không có nó là bắn không trúngđích đâu. Vợchồng ănở vớinhau bấylâunay, bộ chàng không còn nhớ việc nầy nữa chăng?

Hoàngtử nói:

-- Đâuphải quên, tại côngchúa quên đưacho mình cáimáong của yêutinh. Xin côngchúa lấyra cho mình xem nào, sẵntiện luyệntập bắptay mộtchút xemnào!

Côngchúa tưởngthật bèn thò trongngười lấy chiếcmóng yêutinh ra traocho hoàngtử, cùnglúc nàng chợt nhậnra hoàngtử không đao thanhbảokiểm trên người, nàng liền hỏi:

-- Hoàngtử, sao chàng không mang thanhbảokiếm vềlại?

Chàng hoàngtử nầy chợtnhiên cuốngquýt lên, nói:

-- Tại mình nhớ côngchúa quá, mộtmình lén phụvương trởvề đây. Bâygiờ để mình quayvề lại lấy thanhkiếm.

Vừa nói xong, tay cầm chiếcnỏthần và chiếcmóng yêutinh ngãnhào xuống đất, độtnhiên hoàngtử biếnthành conquạ kêu "yaya" rồi baymất.

Tin nầy truyền tới tai vua Lạcviệt, ngài liền cho triệutập quầnthần lại thươngnghị. Quầnthần đều chorằng đây là vận xấu của vua nước Tâyâu, làmmất chiếcnỏthần, chắcchắn thếnào cũng mang quân chinhphạt nước Lạcviệt, thếthủ chibằng thếcông, hãy cho dấybinh tấncông nước Tâyâu trước.

Lúc bấygiờ, vua Tâyâu mới vừa mất, cảnước mới cửhành đámtáng, hoàngtử nước nầy còn đểtang, nghenói vua nước Lạcviệt dấyquân sang đánh, cảmthấy mình khólòng ứngchiến, bèn tínhchuyện đơnthânđộcmã đi hộikiến vua nước Lạcviệt để hỏira cho rõ ngọnngành. Dođó hoàngtử không thay áogiáp, đeo trên mình thanhbảokiếm "Hoà Tập Bách Việt", phóngmình lênngựa phimã chạyra biênải.

Khi hoàngtử đến nơi biênải thì chaoơi! Binhmã của vua Lạcviệt đã bốtrí trànđầy khắpnơi đennghịt dàyđặc. Mặt sôngnước nơi binhlính họ lội qua, sủibọt đenngòm, tômcá chết nổi lềnhbềnh khắpnơi. Binhlính trànqua rừngnúi đá là mọithứ như đều đỗngã hết xuống, cỏcây điêutàn.

Mộtmình hoàngtử thì làmsao chốngcự lại đước muônvạn binhmã nước Lạcviệt, đànhphải nhắm ngay doanhtrại vàng tolớn, chàng đoán đó là nơi vua Lạcviệt haylà côngchúa trú nghỉ.

Chàng hoàngtử nầy xemra cũng rất lợihại, thân mộtmìnhmộtngựa, xông tới hàngrào doanhtrại, làm đỗgãy sụpnát hết dãy hàngrào. Vua Lạcviệt đang ngồi trên mình ngựa trôngthấy binhmã của mình hỗnloạn, bèn hạlệnh cho hằngngàn cungthủ giương cungtên nhắm về phía hoàngtử mà bắn. Hoàngtử mình đeo thanhbảokiếm, chỉ thoángthấy chàng rútra hoa kiếm là hằngngàn mũitên rơirụng như mưa, thânmình chàng thì chẳng chút hềhấn gì.

Vua Lạcviệt trôngthấy đâmra hoảngkinh, mắng côngchúa:

-- Xem thằngchồng phụbạc của mầy kia, nếu mầy không giếtchết nó, đừng có về đây nữa gặp tao.

Nàng côngchúa vừa xấuhổ vừa tứcgiận, vộivã cầm thương lênngựa, nhắm ngực hoàngtử đâmtới. Hoàngtử vộivả néđôngtránhtây, mấy lần lấy kiếm hất mũigiáo của côngchúa ra, chàng nói:

-- Côngchúa saolại phẩnnộ thếnầy? Bỗngnhiên mangquân xâmlấn bờcõi, nay còn chínhtay mình muốn giếtchết chồng?

Côngchúa nói:

-- Nhàngươi còn dám nói! Phụvương có làm điềugì saitrái đốivới ngươi? Ta đây có làm gì quấy đốivới nhà ngươi đâu mà nhàngươi đánhcắp chiếcnỏthần quốcbảo, lạicòn chuẩnbị dấybinh xâmlấn nước ta. Cái conngười vôtâmbộibạc như nhàngươi không giếtchết chorồi thì lấy gì để tạlỗi nướcnhà của ta đây, hả?

Hoàngtử nghe côngchúa nói vậy bèn cảmthấy chưnghửng ra không biết biệnbạch đốiđáp thếnào. Nàng côngchúa tưởng hoàngtử nhìnnhận chuyện nầy, liền thừacơ phóng giáo đâm tới, ngờđâu trên thânmình hoàngtử nhờcó đeo thanhbảokiếm "Hoà Tập Bách Việt", thanhkiếm nầy tựđộng hoágiải mọithứ cứu hoàngtử khỏi trúng thương. Kẻnkẻn hai tiếng, ngọn giáo của côngchúa bị cảnlại và còn làm ngọngiáo gãy rụng đứtlìa.

Hoàngtử phóng người nhảy xuống ngựa, quỳ ngay trướcmặt côngchúa, hai tay nâng thanhbảokiếm "Hoà Tập Bách Việt", khóclóc mà nói:

-- Nghĩ đến tìnhnghĩaphuthê bấylâunay, không làm điềugì saitrái cả. Chẳngqua thụthân lâm trọngbịnh đànhphải quayvề nước, định thânphụ hếtbệnh là trởvề đoàntụ với côngchúa, nàongờđâu thânphụ bănghà. Giờđây cảnước đểtang, rôi lại thấy nước của nàng dấybinh sang đánh, mình đây vì sinhlinh bátánh, liềumình một thân một ngựa ra lâmtrận. Nàng nếu quả muốn giết mình thì rất dễ thôi, chỉ tiếc là nàng bị trúngmưu kẻ gian. Làmgì có chuyện đánhcắp nỏthần? Giờđây để chứngtỏ tấmlòng của mình, xin dâng thanhbảokiếm nầy, nàng muốn giết mình thì cứ xuốngtay!"

Nói xong, hoàngtử hai tay nâng thanh kiếm lên.

Côngchúa tiếpnhận thanhkiếm, nhớlại cảnhtượng hoàngtử mưumô đánhcắp chiếc nỏthần, quảthục nàng cảmthấy cửchỉ của kẻ đó với vị hoàngtử nầy không giốngnhau, nhưng côngchúa lại esợ để tìnhcảm lấnáp lại bị mắcmưu thêm lần nữa. Đangtronglúc côngchúa còn trùtrừdodự bấtquyết, vị vua Lạcviệt đúng lúc ấy đang ở đằngsau nổitrậilôiđình, ngài ralệnh:

-- Tấtcả nghe đây, ta hôlên đến tiếng thứ ba nếu mà côngchúa vẫn chưa chịu xuốngtay giếtchết thằngchóchết đó, cónghĩalà côngchúa vẫncòn bị nó mêhoặc, quânbay cứ xảtên bắnchết cảhai đứanó cho ta. Nếumà ta hô đến tiếng thứ hai mà côngchúa giếtchết thằng giặc đó rồi thì chúngbay hãy thuhồi cungtên lại, quânbay có nghe chưa?

Lệnh vua đã banxuống, quânsĩ cảđoàn baovây vịhoàngtử và nàng côngchúa lại, giươngcung nhắm haingười, chuẩnbị buôngcung.

Hoàngtử nói:

-- Côngchúa, xin hãy giết mình đi! Nàng khỏi bị vạ lây.

Côngchúa suyngẫm lại, chơt tỉnhngộ biết rằng người đoạt chiếc nỏthần trướcđây là do yêutinh giảdạng, nhưng khi phụphân nàng không cho cơhội giảithích tựsự, biếtlàmsaođây? Côngchúa chẳng biết tínhsao, nàng bậtkhóc tứctưởi.

Ngườita chỉ nghe vua Lạcviệt hôlên "một, hai", khi chưa đếm đến ba thì vị hoàngtử longại mình và nàng côngchúa sẽ cùng chịuchungsốphận bị nátthây dưới làn tên, bèn đua lưỡiliếm kề lên cổ cứa ngang, ngãlănra cheat.

Côngchúa trôngthấy vộivả nhảy xuống ngựa, ômlấy thithể hoàngtử vào lòng, nằngphục trên người chàng khóc nứcnở. Tườngsĩ nhìnthấy cảnhtượng, taychânbủnrủn, buôngrời cungtên, chodù vua Lạcviệt đã hô đến tiếng thứ ba nhưng chẳng có ai bắn ra mũitên nào cả.

Vua Lạcviệt cảgiận, đang định nổitrậnlôiđình với đám tướngsĩ cảilệnh của ngài, độtnhiên hétlên một tiếng "Áichà", rồi đưatay ômlấy ngực. Các tướngsĩ vộivàng chạy đến đỡ, chỉ thấy một mũitên đâm thẳng từ sau lưng ngài xuyênthấu ra trước ngực. Đám tướngsĩ quayđầulại nhìn thì nhìnthấy nguyên con yêutinh tay mang nỏthần dươngdươngtựđắc đứng từ phía bênkia đầunúi cười vang:

-- Nỏthần đang ở trong tay ta đây!

Nói xong chỉ thấy con yêuquái nhảylên, biếnthành một con quạđen, nhắmhướng côngchúa baytới, xàxuống đất xà một vòng đứng hiệnnguyênhình đầu rắn, đuôi thỏ, ngườingợm thấplùn, đeo khiênggiáp đen. Nó nói:

-- Côngchúa, ta và ngàng có duyênnợ vớinhau, hãy thànhhôn với ta đithôi!

Nóixong nó bướclại níu người côngchúa.

Nàngcp6ngchúa cựckỳ phẫnnộ, quayđầulại tátcho nó một bạttai làm mặtmũi thầntrí con yêutinh chángváng lạngquạng đứng không vững. Nó bèn xoayngười một vòng phóng đứng lêntrên một ngọnđồi, nói:

-- Côngchúa hãy ngheđây, hồitrướcđây ta biếnthành hoàngtử đến cungviện của nàng, sởdĩ ta không dám đến gần nàng bờilẽ ta chưa lấylạiđược cái móngvuốt của ta, naythì cái móngvuốt nầy đã trỡvề tay ta, giờđây thânthể ta là mìnhđồngdathép, lạithêm có chiếc nỏthần trênngười, ta cóthể cướpmạngngười nàng bấtcứlúcnào. Nay ta ra hạnđịnh bắt nàng làm vợ ta, nếukhông ta sẽ dùng nỏthần bắnchết nàng là xongđời nàng ngay đây!

Nàng côngchúa phẫnnộ nhìn gã yêutinh nhưng không nói gì.

Con yêutinh kia bỗngnhiên cuộntròn mình dướiđất, rồi biếnthành vócdáng chàng hoàngtử rồi tiếnlại phía nàng, vênhmặt cười rồi nói:

-- Côngchúa, nếu nàng thích vócdáng chàng hoàngtử, thìđây ta sẽ biếnthành conngười đó vĩnhviễn cho nàng, mình hãy lấynhau cho rồi.

Nàng côngchúa độtnhiên nhớlại là chàng hòngtử đã trao cho nàng thanhbảokiềm "Hoàtập Báchviệt", nàng cóthể dùng để ngăncản cungtên, bèn nâng thanhkiếm chém vụt con yêuquái. Con yêutinh rất lanhlợi, vừa thoáng thấy thầnsắc của côngchúa và vừa cảmthấy một luồng khí lạnh vụt tới, liền rụtđầu lại, nhàolăn xuốngđất biếnthành con quạđen bayvù đến ngọnđồi đằngkia. Nó đứng trên ngọnđồi kia lớntiếng nói:

-- Nếu nàng không nghelời, ta bắn nỏthần đây!

Côngchúa huơ thanhbảokiếm, phithân nhảylên ngựa, phóng vềphía gã yêutinh. Con yêuquái trôngthấy, liền giương nỏ bắn tên, nàongờ khi mũitên khi bay gầnđến người côngchúa liền bị nàng dùng kiếm gạtphăng đi rơi xuống đất. Ba lần nhưvậy thì nàng côngchúa đã tiếntới trước gã yêutinh. Con yêuquái mình đốiđịch khônglại bèn phóngchạy xuống biển.

Khi nó chạy tới bên bờbiển, quayđầu lại nhìn nàng côngchúa đang đuổitheo, nói:

-- Haythay côngchúa, cảmơn nàng đã tiển ta đến tận bờbiển, ta vẫn cứ nói với nàng là: nếu nàng không chịu làm vợ ta, thì ta sẽ làm dâng nước biển ngậplụt nước của nàng, tớikhiấy, nàng mới biết được sự lợihại của ta!

Con yêutinh nói xong liền phóngngười xuống biển. Nàng côngchúa esợ không đuổitheosát kịp, lậptức phóngvụt thanhkiếm về phía nó. Chỉ nghe phập một tiếng, đầu con yêuquái liền bị thanhkiếm chémđứt. Nàng côngchúa sợ con yêuquái lại hoànhình quấyphá, nên đã làm thì cho đếnnơiđếnchốn, nàng bèn phânthây con yêutinh thành đốngthịt vụn, mang vunvãi khắp đồinúi không để cho nó còn cơmay hiện nguyênhình.

Côngchúa giếtchết con yêuquái xong, cầm thanhkiếm lặngnhìn rồi bậtkhóc nứcnở. Nàng cứ khóc mãi khôngngừng, những hạtlệ biếnthành xâuchuỗi trânchân rơixuống biểncả được những contrai nhặt và ngậm vào hàm. Máuhuyết của chàng hoàngtử đỗrơi trên mãnhđất Lạcviệt, bỡilẽ nó còn tinhkhiết chonên hoáthành dòngsuối thanhtuyền. Chođếngnàynay, khi ngưdân bắtđược contrai cạyra là tìmthấy châungọc gọilà ngọctrai, và họ nhấtđịnh phải mang những viênngọc này đến dòngsuối thanhtuyền rữasạch. Ngườita truyềntụng rằng ngọctrai nếu được rữasạch với dòngsuối nầy thì viênngọc sẽ sánglónglánh không một thứ nước nào cóthể sánhbằng.

dchph dịch

Địaphận lưutruyền truyềnthuyết nầy: vùng Kimlong, Huyện Longchâu, Tỉnh Quảngtây, Trunghoa

Người kểtruyện: Nôngdân bôlão

Người ghichép và hiệuđính lại: Lam Hồng-Ấn

Share this post


Link to post
Share on other sites

Những bài viết của ông Trương Thái Du trên blog của ông có nhiều tư liệu rất hữu ích. Bởi vậy nó được chép đưa vào đây. Nhưng điều này không có nghĩa là tôi coi những luận điểm của ông ta là đúng. Cùng một hiện tượng, người ta có nhiều các giải thích khác nhau. Một cách giải thích đúng nhất phải được thẩm chứng bằng tiêu chí khoa học.

---------------------

Bài cũ trao đổi với học giả An Chi

Bài cũ lục từ talawas

Tư tưởngLịch sử

8.3.2005

Trương Thái Du

Xin được trao đổi với học giả An Chi – Huệ Thiên Võ Thiện Hoa Kính dâng anh linh mẹ Âu Cơ nhân ngày quốc tế phụ nữ 8.3

Trong mục Chuyện Đông chuyện Tây, Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số Tân Niên 523 ngày 20.02.2005, học giả An Chi có luận bàn xung quanh cách giải cấu hai từ Âu và Lạc tại bài khảo cứu “Thử viết lại cổ sử Việt Nam” của tôi. Bài này là kết quả tổng hợp và chỉnh lý từ 4 bài viết về lịch sử đã từng đến với bạn đọc qua talawas và hiện được nhiều trang web sử dụng, sau khi kho sách vnthuquan.net lưu trữ phiên bản đầu tiên tại: http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n2n3n2nqn31n343tq83a3q3m3237nvn

Tôi rất vui vì được một chuyên gia Hán – Nôm quảng học để tâm tới tiền đề ngữ nghĩa thứ hai trong bài khảo cứu ấy. Tuy vậy, xin được trình bày thêm về phương pháp tiếp cận của tôi, hầu mong thảo luận lại một vài nhận định có vẻ đầy truyền thống của ông An Chi.

Mục Chuyện Đông chuyện Tây, tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, số tân niên (523) ra ngày 20.2.2005

Câu hỏi: Trong thiên nghiên cứu "Thử viết lại cổ sử Việt Nam" (http://vnthuquan.net), tác giả Trương Thái Du có khẳng định rằng quốc hiệu Âu Lạc có nghĩa là "đất nước" (âu = đất; lạc = nước). Do đó Lạc Việt chính là nước Việt". Tác giả biện luận: “Đất nước và tổ quốc: Sử Ký Tư Mã Thiên trong chương “Khổng Tử thế gia” thuật lời Khổng Tử: “Khâu này nghe nói… Quái vật do nước sinh ra là con rồng”. Vậy ta có thể hiểu cha Lạc Long Quân là biểu tượng của “nước”. Ngôi nhà của “nước” tất phải ngoài biển, nghĩa gốc của chữ Lạc chính là “nước”. Mẹ Âu Cơ tượng trưng cho “đất”. Chữ Âu từng được Trần Thánh Tông dùng: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã – Sơn hà thiên cổ điện kim âu”. Hồ Quý Ly cũng từng cải tên núi Đại Lại (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) thành Kim Âu. Thành ngữ “Tấc đất tấc vàng” khá gần gũi với “kim âu”. Ngựa đá đứng trên đất vàng, thử hỏi làm sao mà non nước Việt Nam chẳng vững chãi Vạn Xuân.”

Tác giả còn diễn giải thêm ở chú thích số 15: “Xin các bậc thông Nho đọc đến đây đừng bảo tác giả nói bậy về chữ Âu. Tôi tin âm Âu mang nghĩa Việt nhưng phải mượn chữ Hán để viết. Tôi muốn bỏ qua chữ Hán mà giải cấu phần ngữ âm.”

Trên đây là cách "giải cấu" của tác giả Trương Thái Du về hai tiếng "Âu", "Lạc" trong bài đại luận "Thử viết lại cổ sử Việt Nam". Xin hỏi: Ông An Chi có nhận xét gì về sự giải cấu đó?

(Ông Phùng Hữu Đảm, Q.3, TP.HCM)

Trả lời: Trước nhất, xin nói về tiếng "Lạc".

Thực ra thì trước tác giả Trương Thái Du đến gần 34 năm, tại Hội nghị nghiên cứu thời kỳ Hùng Vương lần thứ 4, tháng 4 năm 1971, trong bài tham luận "Thử tìm nguồn gốc ngữ nghĩa của từ tố Lạc", hai đồng tác giả Nguyễn Kim Thản và Vương Lộc cũng đã giải thích rằng Lạc có nghĩa là "nước". (Xin xem toàn bài trong tập kỷ yếu Hùng Vương dựng nước, t.IV, Nxb KHXH, Hà Nội, 1974, tr.134-41). Trong bài tham luận, hai đồng tác giả cũng đã nhắc đến vấn đề "Lạc Long Quân là giống rồng", "Long Quân hay Long Vương đều có nghĩa là vị vua thống trị miền nước." Khác nhau chỉ là ở chỗ hai đồng tác giả này biện luận kỹ càng hơn còn Trương Thái Du thì lại quá dễ dãi. Ta hãy cùng nhau đọc lại lập luận ngắn ngủi của ông Trương: “Đất nước và tổ quốc: Sử Ký Tư Mã Thiên trong chương “Khổng Tử thế gia” thuật lời Khổng Tử: “Khâu này nghe nói… Quái vật do nước sinh ra là con rồng”. Vậy ta có thể hiểu cha Lạc Long Quân là biểu tượng của “nước”. Ngôi nhà của “nước” tất phải ngoài biển, nghĩa gốc của chữ Lạc chính là “nước”.

Thực ra, từ lập luận dễ dãi và lỏng lẻo trên đây, ta chỉ có thể thiết lập tam đoạn luận dưới đây mà thôi:

Quái vật do nước sinh ra là con rồng.

Lạc Long Quân là "vua rồng".

Vậy Lạc Long Quân là ông vua do nước sinh ra.

Thế thôi! Chứ ta tuyệt đối không có bất kỳ căn cứ nào để suy ra rằng Lạc có nghĩa là "nước" cả. Nếu ta theo cách lập luận của Trương Thái Du và nếu chẳng may tên đấng phu quân của mẹ Âu Cơ không phải là Lạc Long Quân mà là "Bạch Long Quân" hay "Hắc Long Quân" chẳng hạn, thì Bạch hay Hắc tất nhiên phải có nghĩa là "nước". Rõ ràng là phi lý!

Huống chi, nếu cách chứng minh của Trương Thái Du có hoàn toàn đúng đi nữa thì Lạc cũng chỉ có thể có nghĩa là "nước" trong nước tương, nước mắm v.v.. (tạm gọi là nước1), chứ đâu phải là "nước" trong nước Nga, nước Nhật, v.v.. (tạm gọi là nước2). Vì hai thứ "nước" này khác hẳn nhau. Một số tác giả có gợi ý rằng nước2 phải sinh từ nước1 nhưng họ chưa chứng minh được vấn đề một cách đủ sức thuyết phục. Còn Trương Thái Du thì hoàn toàn không chứng minh nên dĩ nhiên là lập luận của ông không có giá trị. Riêng cá nhân chúng tôi lại thấy rằng nước2 tuyệt đối chẳng có liên quan gì đến nước1 cả.

Nước2, theo chúng tôi, là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 略, mà âm Hán Việt hiện đại là lược, có nghĩa gốc là "ranh giới" (Từ nguyên, nghĩa 9; Từ hải, nghĩa 2; Hán ngữ đại tự điển, nghĩa 3; v.v..), rồi nghĩa phát sinh bằng hoán dụ là "vùng đất nằm trong ranh giới đó", và cuối cùng mới có nghĩa hiện hành là "xứ sở". Về nghĩa thì như thế còn về âm thì ta cũng có nhiều thí dụ để minh họa cho mối quan hệ "n ~ 1":

___ nện ~ liện 敕 (cùng nghĩa); ___ nòi ~ lọai 类 , âm xưa là loài (= loài, giống); ___ non (trong núi non) ~ loan 峦(núi nhọn; sống núi, đỉnh núi, v.v..); ___ nỗng (trong gò nỗng) ~ lũng 垄 (gò đất cao); v.v..

Đặc biệt hơn hết là chính chữ lược 略 với nghĩa "mưu chước", lại là nguyên từ của chữ nước trong nước cờ, đường di nước bước, v.v.. Và ta có:

___ lược (= ranh giới) ~ nước (trong nhà nước);

___ lược (= mưu lược) ~ nước (trong nước cờ);

Hai trường hợp đồng dạng từ nguyên học trên đây cho phép ta có thể tin vào lời khẳng định mà chúng tôi đã đưa ra.

Bây giờ xin nói về chữ Âu. Vẫn biết Trương Thái Du "muốn bỏ qua chữ Hán mà giải cấu phần ngữ âm" nhưng có "giải cấu" thế nào đi nữa thì cũng phải phân biệt rành mạch Hán ra Hán, Việt ra Việt. Đằng này, tác giả lại đem râu ông nọ cắm cằm bà kia. Làm sao mà chữ Âu trong thơ của Trần Thánh Tông lại có thể có nghĩa là "đất" khi mà nó là tiếng Hán rặt ròng, tiếng Hán 100%. Chữ "Âu" của Trương Thái Du có nghĩa là "đất" hay không là một chuyện chứ chữ Âu 瓯 của Thánh Tông nhà Trần thì dứt khoát phải là "tiểu bồn dã" (chậu nhỏ vậy), "vu dã" (chậu vậy) như đã cho trong Từ hải (nghĩa 1 & 2) và tất cả các quyển từ điển tiếng Hán khác. Và hai chữ Kim Âu của nhà vua là một danh ngữ tiếng Hán chánh tông dùng để ví với sự vững chắc, sự thịnh trị, như trong câu thơ của Tống Khuýnh:

Quốc gia toàn thịnh tự kim âu.

(Nước nhà toàn thịnh tựa âu vàng)

chứ có liên quan gì đến đất cát?

Dùng để chỉ một loại thức uống có độ cồn nhẹ, bia là một danh từ mà tiếng Việt phiên âm từ tiếng Pháp bière. Nhưng cũng chính vì thế mà nó chỉ có nghĩa trong những cấu trúc như: bia bọt __ bia Tiger __ bia hơi __ v.v. Chứ nếu, với hai câu

Trăm năm bia đá thì mòn

Nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ,

mà ai đó lại bắt từ bia của tiếng Việt phải gánh cái nghĩa của từ bière trong tiếng Pháp thì thật là buồn cười. Trường hợp chữ "âu" ở trên cũng thế mà thôi!

Xem ra, việc viết lại cổ sử Việt Nam chẳng đơn giản chút nào!

An Chi

Đầu tiên xin được định nghĩa "giải cấu là gì?" qua hai trích đoạn:

  • http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=3011&rb=07&von=20: "Deconstruction" được hình thành từ khái niệm "social construct" (Kiến tạo xã hội), một khái niệm thực ra đã thấy có ở Marx trong câu nói nổi tiếng "Con người là tổng hòa các quan hệ xã hội". Các nhà triết học thế kỷ XX như Lacan, Foucault và chính Derrida đã phát triển một cách sâu sắc khái niệm này và cho rằng toàn bộ đời sống xã hội, bao gồm không chỉ triết học, luật pháp, khoa học... mà cả chủng tộc, giới tính và thậm chí ham muốn của con người, cũng chỉ là sản phẩm do xã hội kiến tạo ra (social construct). Nói ngắn gọn, toàn bộ xã hội loài người chỉ là tập hợp các kiến tạo xã hội (social constructs) hoặc đôi khi cũng được gọi là kiến tạo văn hoá (cultural constructs). Vì thế, theo Derrida, để nghiên cứu thực tại (như văn bản chẳng hạn) cần phải thoát khỏi, hay phá bỏ các kiến tạo xã hội (de-construct - giải kiến tạo). Derrida đề xuất cách đọc giải kiến tạo (deconstructive readings), theo đó văn bản không thể được là sản phẩm của một tác giả duy nhất với thông điệp duy nhất, mà chỉ là nơi gặp gỡ, tranh chấp của vô số các mối quan hệ xã hội. (Ngô Tự Lập).
  • http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=3037&rb=07&von=20: “Vậy đọc/tư duy/viết triết lý là tuần tự thực hành, can thiệp vào đối tượng nghiên cứu theo bốn bước: Bước đầu: nhận ra sự xây dựng đối tượng khu vực nghiên cứu (văn học, triết học, tôn giáo, xã hội, chính trị,) đã sử dụng, đặt cơ sở trên những cặp đối nghịch nào. Bước thứ hai: nêu rõ cái trật tự, hệ thống lớp lang trên dưới các cặp đối nghịch được gắn vào nhau. Một cách tổng quát, khi ta deconstruct, nghĩa là ta can thiệp vào cái công trình xây dựng nào đó, ta sẽ nhận thấy sự xếp đặt theo một lớp lang, trật tự nào đó không dưa trên những bản chất đích thực của từng cặp nhưng ngược lại nó phản ánh một sự chọn lựa chiến thuật, dựa trên một ý thức hệ chủ trì nào đó. Bước thứ ba: Ðảo nghịch/lộn cái trật tự đã được thiết định của hệ thống bằng cách chỉ/trình bày cho thấy rằng khái niệm ở vế dưới (thể xác, vật chất, cá biệt, ác, nữ...) có thể có lý do chính đáng để được xếp lên trên, vào chỗ những khái niệm từ lâu vẫn nằm trên, đè nén áp đảo. Và bước cuối cùng: lập ra một vế/khái niệm thứ ba cho mỗi cặp đối nghịch, vế mới này biến đổi hẳn cấu trúc nguyên ủy của cặp trước, và đồng thời cũng tái tạo chúng, khiến cho cặp đối nghịch nguyên thủy không còn thể nhận diện được nữa. (Đào Trung Đạo).
Như vậy "giải cấu" nôm na là tạm gỡ cấu trúc truyền thống để tìm cái gốc của vấn đề. Truyền thống bao giờ cũng thấp thoáng bóng dáng bảo thủ. Do đó luận điểm kinh viện của ông An Chi không khó hiểu, thậm chí với nhiều bạn đọc, nó rất có lý.

Tôi xin ví dụ trong đời sống: theo nghiên cứu lâu nay ai cũng biết, đa số người đời thường có xu hướng chọn người yêu giông giống cha hoặc mẹ mình. Dễ hiểu thôi, đứa bé ra đời trong vòng tay ôm ấp thương yêu của cha mẹ. Cử chỉ, nét mặt của cha mẹ nó là biểu trưng đầu tiên của tình thương và sự an toàn. Khi trẻ trưởng thành, gặp ai đó “giông giống”, lập tức "kinh nghiệm" thơ bé được sử dụng để sinh ra mến mộ, thương yêu, tương tư...

Theo tôi chữ Âu mà Trần Thánh Tông dùng cũng vậy. Nó là cái tâm thức Việt sâu thẳm mà ít có khả năng tác giả ý thức được. Cho nên cứ tưởng Kim Âu là Hán văn, nhưng tôi tin sự việc phức tạp hơn nhiều. Để cho bài viết bớt lê thê, tôi đã cắt bớt đoạn trích trong Lĩnh Nam Chích Quái: “Long Quân nói: "Ta là nòi rồng, đứng đầu thủy tộc, nàng là giống tiên, sống ở trên đất, tuy khí âm dương hợp lại mà sinh ra con, nhưng thủy hỏa tương khắc, giòng giống bất đồng, khó ở lâu với nhau được". Có rất nhiều điều có thể “giải cấu” trong đoạn này, chẳng hạn “Âm là Lạc Long Quân hay Âu Cơ?”. Nó có chứa đựng nội dung mẫu hệ hay không? Thủy - hỏa tương khắc, nhưng hỏa - thổ lại là tương sinh! Mẹ đất, cha nước? Người Việt Nam hay nói “Đất mẹ” và “Quê cha” vậy thì “Quê cha” ở đâu? Ngoài biển ư? Có ai nói “Đất cha” – “Quê mẹ” không?

Quyển Văn minh Lạc Việt (có ghi trong phần thư tịch bài viết của tôi), trang 81, Nguyễn Duy Hinh nhận định: “Trong thuyết văn có chữ Âu. “Âu tiểu bồn dã tòng Ngõa Khu thanh Ân Lâu phản”. Nghĩa là: Âu là chiếc chậu nhỏ, bộ Ngõa, âm như chữ Khu, đọc Ân Lâu phản (tức Âu). Chú ý chữ mà ngày nay đọc Khu lại đồng âm với Âu, điều đó chứng tỏ ngữ âm đã thay đổi. Chữ Âu viết bộ Ngõa chỉ đồ gốm, không hề chỉ ý người”. Thiết nghĩ gốm cũng không xa đất là mấy, hay nói cách khác đất nung thì thành gốm. Ông Trương Củng, một thành viên Hán học của kho sách vnthuquan.net đã bổ luận hộ tôi: “Chữ Âu 甌 ghép bởi chữ Khu 區 (Khang Hi: vực dã) là vùng đất và chữ Ngõa 瓦 là ngói. Ý Đất trong chữ Âu có thể xuất phát từ âm Khu”. Vậy việc tôi đoán định Âu là Hán tự ký âm Việt ngữ với nghĩa Đất không tùy tiện chút nào.

Riêng chữ Âu của Hồ Quý Ly thì ông An Chi sẽ không có căn cứ nào mà bảo đó là từ Kim Âu trong Hán văn. Thật vậy, một bạn đọc thân thiết của tôi (yêu cầu được giấu tên) đã hướng tôi đến liên tưởng mơ hồ sau:

U = nhô lên = đồi, núi ~ Vú (nguồn sống nhô lên từ ngực phụ nữ) → Vú em = Dưỡng mẫu

U = mẹ ~ bu (mẹ già).

Khu (đất) ~ U = mẹ.

Cho nên có thể Âu = Khu = U = Mẹ = Đất = Núi.

Vậy mẹ Âu Cơ là tiên ở trên đất, trên núi là đúng rồi. Kim Âu của Hồ Quý Ly phải là Núi Vàng, chứ không thể là cái chậu bằng vàng được! Phải chăng lời ru “Ầu ơ” của bên nôi của tất cả chúng ta cũng liên quan đến chữ Âu, đến mẹ đất, đến Âu Cơ người mẹ đầu tiên của cả dân tộc Việt Nam.

Với chữ Lạc thì lại khác. Ông An Chi so sánh cách lý giải chữ Lạc là nước của nhiều người đi trước với cách của tôi rồi đưa ra một tam đoạn luận khá ngộ nghĩnh. Nếu ông mở lòng, du di cho rằng tôi đã công nhận Lạc là Nước (qua tham khảo sách vở trong quá trình mày mò viết đoạn ấy) thì ông có thể đồng ý với tôi mọi con đường khác đều đi đến kết quả Lạc là Nước. Ngay cả ông Tây viết sử Việt là Keith Taylor cũng tin Lạc là Nước trong quyển Sự ra đời của Việt Nam khoảng 25 năm trước. Do đó tôi đánh bạo dùng một câu nói của Khổng Tử để luận mà không cần trích dẫn dài dòng, rắc rối. Điều này sẽ dẫn đến nghi vấn: tôi đã đóng góp thêm vào việc chứng minh Lạc là Nước, hay đơn giản như ông nói đó là sự dễ dãi?.

Phương pháp tìm nghĩa của tôi là tìm nghĩa trong ngữ cảnh vì tôi không phải là một nhà ngôn ngữ học. Vì thế tôi không tài nào hiểu nổi chữ Nước trong Đất Nước làm sao lại có thể bắt nguồn từ chữ Lược như ông An Chi tin tưởng. Công đoạn cuối với chữ Âu và Lạc tôi đã dùng một thuật toán tiểu học: Nếu Âu đúng là Đất, Lạc là Nước thì nó sẽ đúng trong mọi trường hợp. Sau đó tôi thay Âu bằng Đất và Lạc bằng Nước vào tất cả khái niệm, tên gọi của nền văn minh Thần Nông (tức vùng đất phía nam Dương Tử) có từ tố Âu và Lạc, và thấy không hề có một từ nào trở thành vô nghĩa. Nếu An Chi nói công thức này sai (như tôi đã lường trước trong chú thích của bài khảo cứu), thì ông nên dẫn chứng sẽ thuyết phục được nhiều người.

Sau hết, học giả An Chi hình như hơi thiếu kiên trì khi không thử xét kết quả to lớn mà luận đề Lạc là Nước và Âu là Đất đem đến. Phần lớn kết quả này đều có trong bài viết của tôi, ông An Chi vô tình không nhận ra thì tôi thấy rất lạ. Khi áp luận đề kia vào Sử Ký (Nam Việt Úy Đà Liệt Truyện, Kiến Nguyên dĩ lai hầu giả niên biểu) và Hán thư (Tây nam di lưỡng Việt Triều Tiên truyện) thì mọi tồn nghi, khó hiểu xưa nay trong ấy cũng sáng tỏ. Thậm chí, nó còn xóa sạch các nghi vấn về dị biệt rắc rối giữa Sử kýHán thư. Đơn cử 3 chi tiết sau:

  • Người ta từng thắc mặc tại sao Thái Sử Công nói về chiến tranh giữa Nam Việt và Mân Việt thì lại dùng “Âu Lạc tương công (Âu Lạc đánh nhau với Mân Việt)”. Đơn giản là vì người Lạc Việt ủng hộ Triệu Đà làm vua Nam Việt cũng gọi nơi họ sống là Âu Lạc, và Âu Lạc hoàn toàn có thể là tên Việt ký âm bởi Hán tự của nước Nam Việt.
  • Sử ký: “Cố Âu Lạc tả tướng Hoàng Đồng trảm Tây Vu Vương” – Có thể đây là ông tả tướng của triều đình Nam Việt đã đầu hàng quân Hán.
  • Sử ký: Kỳ Tây Âu Lạc lõa quốc diệc xưng vương (phía tây Âu Lạc là nước trần truồng cũng xưng vương). Hán Thư trong cùng sự kiện lại viết: Tây hữu Tây Âu kỳ chúng bán nuy nam diện xưng vương (phía tây có vùng đất dân chúng mặc khố mà cũng quay mặt về phương nam xưng vương). Hàng trăm học giả người thì bảo Tư Mã Thiên thừa chữ Lạc, người bảo Ban Cố thiếu chữ Lạc, không thể thống nhất. Với luận đề của tôi thì chẳng ai thiếu ai thừa cả, họ đều đúng và còn bổ xung cho nhau nữa. Âu và Lạc đều có thể đứng riêng thành tên gọi vùng đất người Lạc Việt sinh sống. Lạc Việt = Nước Việt, nên Tây Âu = Đất Tây = Tây Âu Lạc (Âu Lạc ở đây là Phiên Ngung).
Các phương cách mới tìm hiểu ngữ nghĩa những tên gọi đã đi xuyên qua hơn 2000 năm lịch sử không thể được mọi người quan tâm ngay và sớm đi đến đồng thuận. Cứ như chữ Bia (vừa qua mấy chục năm) ông dùng ví von, vài người Tây học tôi tham khảo đã mâu thuẫn kịch liệt với nhau. Đa số không nghĩ như ông, họ bảo Bia là âm Anh - Mỹ, âm Pháp bị biến thành La Ve kia!

Tóm lại, tôi rất cảm ơn ông An Chi đã thông qua một bạn đọc mà đến với nghiên cứu của tôi. Hy vọng sau ông “xông đất”, còn nhiều người nữa sẽ tham khảo cách tôi đã tìm ra ngữ nghĩa các từ “Giao Chỉ, Tượng quận, Cửu Chân và Nhật Nam bằng thiên văn; Lạc Việt, Việt Thường, Âu Lạc bằng giải cấu, so sánh và một phép toán ấu học.

Thung Lũng Đa Thiện, Đà Lạt, 04.3.2005

© 2005 talawas

Xin chú ý:

Bài này có chũ Hán. Nếu không đọc được, thì bạn cần cài một bộ font Hán vào máy. Bọ font Hán free có trên Internet, thí dụ ở địa chỉ www.twinbridge.com (bấm vào 'download')

Share this post


Link to post
Share on other sites

Trong quá trình đi tìm tư liệu về Diêm Vương, Phoenix tìm thấy thuyết này:

"Thập Điện Diêm Vương là hệ thống Diêm Vương đặc biệt của Trung Quốc, trong kinh Phật thời kỳ sớm nhất không có cách nói này về Thập Điện Diêm Vương. Theo Cấm Độ Tam Muội Kinh nói : dưới sự cai trị của Diêm Vương chỉ đặt Ngũ Quan gồm có Tiên Quan cấm sát, Thuỷ Quan cấm đạo, Thiết Quan cấm dâm, Thổ Quan cấm lưỡng thiệt, Thiên Quan cấm tửu (Tiên Quan cấm giết chóc, Thuỷ Quan cấm trộm cướp, Thiết Quan cấm dâm dục, Thổ Quan cấm hai lời dối trá, Thiên Quan cấm uống rượu). Quyển thứ ba mươi ba trong trước tác Phật Tổ Thống Ký thuộc Sử Truyền Phật Giáo Trung Quốc ghi lại : “Thế truyền Đường Đạo Mi"

(nguồn: http://www.thegioivohinh.com/showthread.php?p=64882)

Đây là chi tiết rất phù hợp với khái niệm "Ngũ hành Thiên - Ngũ hành Địa"; tương ứng với Thiên Hoàng (cha trời/Càn/Dương) và Địa Mẫu (mẹ đất/Khôn/âm). Tuy nhiên, Phoenix chưa tìm được thêm tài liệu nói rõ về chi tiết này. Nếu ai có tư liệu, vui lòng chia sẻ. Phoenix xin trân trọng cảm ơn!

Share this post


Link to post
Share on other sites

Gửi chú Thiên Sứ một số thông tin về có nhắc đến tục nhuộm răng có nguồn gốc của người Việt đã post trong topic riêng:

Tục nhuộm răng

Share this post


Link to post
Share on other sites

Trong quá trình đi tìm tư liệu về Diêm Vương, Phoenix tìm thấy thuyết này:

"Thập Điện Diêm Vương là hệ thống Diêm Vương đặc biệt của Trung Quốc, trong kinh Phật thời kỳ sớm nhất không có cách nói này về Thập Điện Diêm Vương. Theo Cấm Độ Tam Muội Kinh nói : dưới sự cai trị của Diêm Vương chỉ đặt Ngũ Quan gồm có Tiên Quan cấm sát, Thuỷ Quan cấm đạo, Thiết Quan cấm dâm, Thổ Quan cấm lưỡng thiệt, Thiên Quan cấm tửu (Tiên Quan cấm giết chóc, Thuỷ Quan cấm trộm cướp, Thiết Quan cấm dâm dục, Thổ Quan cấm hai lời dối trá, Thiên Quan cấm uống rượu). Quyển thứ ba mươi ba trong trước tác Phật Tổ Thống Ký thuộc Sử Truyền Phật Giáo Trung Quốc ghi lại : “Thế truyền Đường Đạo Mi"

(nguồn: http://www.thegioivohinh.com/showthread.php?p=64882)

Đây là chi tiết rất phù hợp với khái niệm "Ngũ hành Thiên - Ngũ hành Địa"; tương ứng với Thiên Hoàng (cha trời/Càn/Dương) và Địa Mẫu (mẹ đất/Khôn/âm). Tuy nhiên, Phoenix chưa tìm được thêm tài liệu nói rõ về chi tiết này. Nếu ai có tư liệu, vui lòng chia sẻ. Phoenix xin trân trọng cảm ơn!

Phoenix thân mến.

Hiện đường link không vào được.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Quan niệm về cái đẹp ở Nhật qua các thời kỳ 04/11/2008 - 23:48 Phụ nữ Nhật hồi xưa rất thích nhuộm răng đen, hơn thế nữa, họ còn thích cả...xăm mình? Tag: Quan niệm về cái đẹp ở thời Nara (710 - 793) là làn da trắng trẻo. Cũng trong thời Nara, phụ nữ Nhật bắt đầu biết dùng phấn trắng để trang điểm mặt và thích xăm mình. Giới quý tộc thời ấy còn khởi xướng phong trào nhổ lông mày, nữ cũng như nam. Nam giới thích cột tóc đuôi gà hay búi thành lọn, trong khi các cô gái lại thích xõa tóc ngang vai. Nhuộm răng đen là dấu hiệu cho thấy quý bà đó thuộc tầng lớp thượng lưu và người ta cho rằng tục nhuộm răng ở xứ Phù Tang có nguồn gốc từ Đông Nam Á chứ không phải Trung Hoa.

Posted Image

Phái nam thuộc giới quý tộc không những nhuộm răng mà còn "đánh má hồng" song song với việc cạo trọc nửa đầu (phần trán)

Posted Image

Phong trào nhuộm răng đen lan mạnh đến thế kỷ 11, thời Nhật hoàng Shirakawa (1072-1086). Phái nam thuộc giới quý tộc không những nhuộm răng mà còn ''đánh má hồng'' song song với việc cạo trọc nửa đầu (phần trán). Ở thời này, phụ nữ tiếp tục thích để tóc dài và buông rủ lững lờ như những con suối ở Kyoto. Da trắng cộng với tóc đen là công thức làm đẹp của phụ nữ Nhật trong giai đoạn này.

Posted Image

Vào thời Muromachi (1338-1573), tóc ngắn bắt đầu lên ngôi. Tục nhổ lông mày vẫn thịnh hành ở cả tầng lớp quý tộc lẫn thường dân. Người đàn bà lý tưởng vào thời này có khuôn mặt tròn, thân thể đầy đặn, trán rộng, đôi mắt chĩa ngược xuống và hơi... lồi! Da trắng và tóc đen vẫn là hai điểm cơ bản. Thời Genroku (1688-1703), một cuộc cách mạng mạnh mẽ diễn ra trong quan niệm về cái đẹp. Phụ nữ đẹp là người có đôi gò má tròn, lông mày tương đối rậm (như những phụ nữ trong tranh vẽ của Nishikawa Hironobu). Qua thời Kyoho (1716-1735), cô gái quyến rũ không phải là người có khuôn mặt tròn ''vành vạnh'' nữa mà là người có khuôn mặt hơi dài, hình thể thanh mảnh.

Posted Image

Nói chính xác hơn, quan niệm về cái đẹp của mỗi vùng ở xứ hoa anh đào cũng có biến đổi chút ít. Trong khi phụ nữ Kyoto và Osaka thích bôi trắng xóa mặt thì phụ nữ Edo (nay là Tokyo) ưa thích vẻ tự nhiên (họ chỉ xoa da mặt hay dùng phấn thật mỏng bằng cách bôi phấn rồi xóa đi). Tuy nhiên, ở thời Bunka và Bunsei, phụ nữ Edo (cũng như chị em Kansai) sử dụng rất nhiều phấn. Họ không chỉ đánh lên mặt mà còn dùng ở cổ lẫn ngực. Vào giai đoạn này, một công đoạn mới đã góp thêm vào quy trình làm đẹp: tô môi (môi dưới tô sậm hơn môi trên). Đôi khi, vài người còn bôi phơn phớt đỏ vòng quanh mí mắt.

Posted Image

Cũng xin nói thêm rằng samurai và cac quan triều đình nhuộm răng lúc 10 hoặc 15 tuổi. Các cô nhuộm răng sau khi lập gia đình. Tuy nhiên, từ thời Bunsei đến Tenpo, phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu không nhuộm răng sau khi lập gia đình và bôi mặt thật trắng (bắt chước geisha). Trong bất kỳ giai đoạn nào, người ta vẫn nhận thấy một tiêu chuẩn cơ bản: da trắng. Phụ nữ Nhật cho rằng da trắng đánh bại các đối thủ như mắt bồ câu, môi trái tim hay mái tóc dài và da trắng có thể che giấu vài khuyến tật nhỏ khác. Bởi thế, họ làm mọi cách để dưỡng da với nhiều phuơng pháp khác nhau như dùng bọc lúa ngâm vào nước ấm rồi chà lên da. Ngoài ra, họ còn dùng loại hợp chất bào chế từ lá cây, rễ, hoa... để xoa lên da.

Posted Image

Quan niệm về cái đẹp lại chứng kiến sự thay đổi dữ dội vào đầu thế kỷ 20, khi làn sóng văn hóa phương Tây tràn vào Nhật. Người ta nhai ngấu nghiến văn hóa phương Tây và cố bắt chước các ngôi sao màn bạc Clara Bow, Gloria Swanson... Moga (từ dùng để chỉ con gái Nhật Bản thời hiện đại) mặc đầm, đội nón rộng vành và mái tóc đen nhánh từng đề cao một thời bắt đầu chìm nghỉm, thay vào đó là mái tóc quăn bồng bềnh như những ngọn sóng tsunami.

Posted Image

Posted Image

Tuy nhiên, từ những năm 30, phong trào Âu hóa bị tẩy chay vì nước Nhật đang trở thành quân phiệt hóa và ái quốc hóa. Thậm chí việc sử dụng hóa mỹ phẩm nhập cũng bị lên án. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, Nhật đại bại và văn hóa xứ Phù Tang, một lần nữa, bị tấn công bởi đĩa hát, phim ảnh và chewing-gum Mỹ. Thời này, những tiêu chuẩn đánh giá về cái đẹp ở Tây Âu được áp dụng ở Nhật. Đàn ông Nhật thích nhìn ngắm phụ nữ có bộ ngực to, mông nở, tướng cao và mái tóc quăn khiêu khích. Kimono bị xếp vào tủ, thay vào đó là những cái váy ngắn ''lộ cặp đùi trắng như bắp cải luộc'' - như miêu tả của văn sĩ Tanizaki.

Posted Image

Đến nay, sau nhiều năm mở cửa và đón mọi luồng gió văn hóa từ bên ngoài, người Nhật đã bình thản và tự chủ trước những đợt bùng nổ văn hóa phương Tây. Một bộ phận không ít thuộc thế hệ trẻ Nhật hiện nay chịu quậy không thua gì dân Harlem ở Mỹ. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng Nhật biết cách khơi dậy ngọn lửa dân tộc. Và cuối cùng, như nhiều quốc gia châu Á, sau những lần chiến đấu với văn hóa nhập cảng, giá trị văn hóa dân tộc Nhật vẫn đứng vững và luôn được tôn vinh, ít nhất là trong đáy sâu tiềm thức.

Hoàng Oanh

Theo Dongdu. org

http://ichinews.acc.vn/bai-viet/3145/quan-...oi-ky-/xem.htmx

Share this post


Link to post
Share on other sites

Phoenix thân mến.

Hiện đường link không vào được.

Phoenix xin post lại nguyên văn. Phần chữ đậm, màu xanh là do Phoenix thêm vào

Đáng chú ý là bài viết này của tác giả Trung Quốc.

Thập Điện Diêm Vương

Thập Điện Diêm Vương là hệ thống Diêm Vương đặc biệt của Trung Quốc, trong kinh Phật thời kỳ sớm nhất không có cách nói này về Thập Điện Diêm Vương. Theo Cấm Độ Tam Muội Kinh nói : dưới sự cai trị của Diêm Vương chỉ đặt Ngũ Quan gồm có Tiên Quan cấm sát, Thuỷ Quan cấm đạo, Thiết Quan cấm dâm, Thổ Quan cấm lưỡng thiệt, Thiên Quan cấm tửu (Tiên Quan cấm giết chóc, Thuỷ Quan cấm trộm cướp, Thiết Quan cấm dâm dục, Thổ Quan cấm hai lời dối trá, Thiên Quan cấm uống rượu). Quyển thứ ba mươi ba trong trước tác Phật Tổ Thống Ký thuộc Sử Truyền Phật Giáo Trung Quốc ghi lại : “Thế truyền Đường Đạo Minh hoà thượng thần du địa phủ, gặp mười lăm người phân trị, vì truyền tên lên thế gian nên thuộc hạ của Diêm Vương biến thành mười lăm”. Nói đến đây thì Phật giáo Trung Quốc bắt đầu xuất hiện Thập Điện Diêm Vương. Danh xưng của Thập Điện Diêm Vương sớm nhất xuất hiện trong Dự Tu Thập Ngũ Sinh Thất Kinh.

Từng vị trong Thập Điện Diêm Vương đều có phân công, chức quyền, phương thức xử lý tội quỷ rõ ràng minh xác. Trong Ngọc Lịch Sao Truyền và Diêm Vương Kinh có ghi lại tỉ mỉ như sau :

- Điện thứ nhất : Tần Quảng Vương Tưởng, đản thần ngày mồng một tháng hai, ty chưởng Nhân Gian Thiên Thọ Sinh Tử, cai quản cát hung u minh. Người tốt hết tuổi thọ thì tiếp dẫn siêu sinh. Người có công tội hai phần cân bằng thì đưa đến điện thứ mười, đầu thai vào nhân thế, nam chuyển thành nữ, nữ chuyển thành nam. Người làm ác nhiều thiện ít thì giải đến đài cao bên phải điện, gọi là Nghiệt Kính Đài để xem lòng dạ tốt xấu khi tại thế rồi phê giải đến điện thứ hai phát ngục chịu khổ.

- Điện thứ hai : Sở Giang Vương Lịch, đản thần ngày mồng một tháng ba, ty chưởng Thoại Đại Địa Ngục, còn gọi là Bác Y Đình Hàn Băng Địa Ngục, chia thành mười sáu ngục nhỏ (Hắc Vân Sa, Phấn Niệu Nê, Ngũ Thoa, Cơ Ngạ, Khát, Nùng, Đồng Phủ, Đa Đồng Phủ, Thiết Khải, U Lượng, Kê, Hôi Hà, Chước Tiệt, Kiếm Diệp, Cô Lang, Hàn Băng). Phàm người tại dương gian làm hại đến thân thể người khác, trộm cướp sát sinh thì đưa vào ngục này rồi giải đến ngục nhỏ có tội tương ứng để chịu khổ, hết hạn thì chuyển sang điện thứ ba, xem xét để gia hình phát ngục.

- Điện thứ ba : Tống Đế Vương Dư, đản thần ngày mồng tám tháng hai, ty chưởng Hắc Thừng Đại Địa Ngục, còn gọi là Bác Lục Huyết Trì Địa Ngục, chia thành mười sáu ngục nhỏ (Hàm Lỗ, Ma Hoàn Gia Nữu, Xuyên Trợ, Đồng Thiết Quát Liễm, Quát Chỉ, Kiềm Tễ Tâm, Oạt Nhãn, Sản Bì, Ngoạt Túc, Bạt Thủ Cước Giáp, Khấp Huyết, Đảo Điếu, Phân Cốt, Thư Chú, Kích Tất, Bào Tâm). Phàm người tại dương bất kính tôn trưởng, xúi biểu người khác kiện tụng thì đưa vào ngục này rồi giải đến ngục nhỏ có tội tương ứng để chịu khổ, hết hạn thì chuyển sang điện thứ tư, xem xét để gia hình phát ngục.

- Điện thứ tư : Ngũ Quan Vương Lữ, đản thần ngày mười tám tháng hai, ty chưởng Hợp Đại Địa Ngục, còn gọi là Bác Lục Huyết Trì Địa Ngục, chia thành mười sáu ngục nhỏ. Phàm người tại dương thế cho vay nặng lãi, ăn bớt ăn xén, mua bán dối trá thì đưa vào ngục này rồi giải đến ngục nhỏ có tội tương ứng để chịu khổ, hết hạn thì chuyển sang điện thứ năm, xem xét để gia hình phát ngục.

- Điện thứ năm : Diêm La Vương Thiên Tử Bao, đản thần ngày mồng tám tháng một, trước kia vốn ở tại điện thứ nhất, nhân vì chết oan nên được hoàn dương thân oan rồi được giáng điều đến điện này, ty chưởng Khiếu Hoán Đại Địa Ngục, chia thành mười sáu ngục moi tim nhỏ. Phàm người giải đến điện này sẽ được đưa đến Vọng Hương Đài, cho nghe lại những chuyện vì tội nghiệt mà gặp tai ương trên nhân thế thì đưa vào điện này, điều tra kỹ tội ác từng phạm rồi đưa vào các ngục moi tim nhỏ, móc tim ra đổ cho rắn ăn. Chịu khổ đủ ngày sẽ giải đến điện khác.

- Điện thứ sáu : Biện Thành Vương Tất, đản thần ngày mồng tám tháng ba, ty chưởng Khiếu Hoán Đại Địa Ngục và Uổng Tử Thành, chia thành mười sáu ngục nhỏ. Phàm người trên dương thế oán trời trách đất, than khóc không ngừng thì đưa vào ngục này để tra xét những việc phạm phải rồi giải đến ngục nhỏ có tội tương ứng để chịu khổ, hết hạn thì chuyển sang điện thứ bảy, tra xét xem còn tội ác gì khác.

- Điện Thứ Bảy : Thái Sơn Vương Đổng, đản thần ngày hai mươi bảy tháng ba, ty chưởng Nhiệt Não Địa Ngục, còn gọi là Đối Ma Nhục Tương Địa Ngục, chia thành mười sáu ngục nhỏ. Phàm người tại dương thế lấy xương làm thuốc, chia rẽ người khác thì đưa vào ngục này rồi giải đến ngục nhỏ có tội tương ứng để chịu khổ, hết hạn thì chuyển sang điện thứ tám, xem xét để gia hình phát ngục.

- Điện thứ tám : Đô Chủ Vương Hoàng, đản thần ngày mồng một tháng tư, ty chưởng Đại Nhiệt Não Đại Địa Ngục, còn gọi Nhiệt Não Muộn Oa Địa Ngục, chia thành mười sáu ngục nhỏ. Phàm người tại dương thế bất hiếu, khiến cha mẹ thân thích buồn phiền thì đưa vào ngục này rồi giải đến ngục nhỏ có tội tương ứng để gia hình chịu khổ, hết hạn thì chuyển giao cho điện thứ mười, thay đầu đổi mặt vĩnh viễn chịu kiếp súc sinh.

- Điện thứ chín : Bình Đẳng Vương Lục, đản thần ngày mồng tám tháng tư, ty chưởng Phong Đô Thành Thiết Võng A Tỳ Địa Ngục, chia thành mười sáu ngục nhỏ. Phàm người tại dương thế giết người phóng hoả, bị chính pháp xử chém đầu thắt cổ thì giải đến điện này, bắt cột tay chân ôm vào cột rỗng ruột (bào lạc), quạt lửa thiêu đốt cho cháy tận tim gan rồi đưa vào A Tỳ Địa Ngục chịu khổ, cho đến khi những người bị hại đều được đầu thai thì mới được thả ra, giải giao đến điện thứ mười để phát sinh vào lục đạo luân hồi.

- Điện thứ mười : Chuyển Luân Vương Tiết, đản thần ngày mười bảy tháng tư, chuyên quản các quỷ hồn từ các điện giải đến, phân loại thiện ác, hạch định đẳng cấp, phân phối đến tứ đại bộ châu để đầu thai. Phán xét chi tiết tên tuổi, nam nữ thọ thiên, phú quý bần tiện, mỗi tháng đều báo cáo thông qua điện thứ nhất. Hồn nào tác nghiệt cực ác thì cho hoá thành quái thai, ước định thọ mệnh ngắn dài. Sau khi hết tội thì cho phục sinh làm người, đầu thai vào đất man di. Được đưa đi đầu thai vào nhân thế, trước tiên đưa đến giao cho thần Mạnh Bà dưới Vong Đài để uống canh khiến cho quên mọi việc trong tiền kiếp.

Thập Điện này thông thường lấy Diêm La Vương ở điện thứ năm làm đại biểu, gọi chung là Thập Điện Diêm La, Thập Điện Diêm Quân hoặc Thập Điện Diêm Vương. Trên thực tế, Thập Điện Diêm Vương là phiên bản hệ thống thống trị của nhân thế tại âm gian, là quan chức của nhân gian tiếp tục công việc tại âm gian.

Thập Điện Diêm Vương có ảnh hưởng rất lớn trong dân gian, bắt đầu lưu hành ước chừng vào thời kỳ Ngũ Đại sau Đường mạt, ngay cả đạo giáo cũng sử dụng hệ thống Minh Phủ Thần Tiên này. Trong Phật giáo từ trước đến nay cũng đắp tượng Thập Điện Diêm Vương đặt ở trái phải Minh Giới Tổng Quản Địa Tạng Bồ Tát, thời xưa thì thường có mười lăm điện trong miếu Thành Hoàng.

Quảng Châu, ngày 10 tháng 9 năm 2006

Hồng Sư Vương

Nguồn: Xem tại đây

Tham khảo thêm tư liệu: Thông tin về Diêm Vương theo tài liệu nước ngoài

Share this post


Link to post
Share on other sites