Thiên Sứ

SƯU TẦM LUẬN ĐIỂM PHỦ NHẬN VĂN HÓA SỬ TRUYỀN THỐNG

30 bài viết trong chủ đề này

Trong topic này, chúng tôi mong muốn sự công tác của quí vị và anh chị em quan tâm sẽ đưa vào đây những bài viết sưu tầm được có quan điểm phủ nhận văn hóa sử truyền thống Việt nhân danh khoa học. Mục đích của topic này là tập hợp tất cả các luận cứ minh chứng cho quan điểm phủ nhận văn hóa sử truyền thống Việt của các nhà nghiên cứu, học giả trong và ngoài nước - dù họ ở bất cứ học vị nào - để làm cơ sở chứng minh cho sai lầm và tính phi khoa học của họ.

Đề nghị ghi rõ nguồn và tác giả.

2 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Quá trình hợp nhất và sự ra đời của người Việt cổ

PGS. Đặng Việt Bích

www.phongthuyankhang.com

Một điều mà cho đến nay người ta còn chưa biết rõ là người Nam Đảo tiến công vào Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xuất phát từ đâu? Phải chăng họ từ quần đảo Philippin, Hải Nam đảo, Đài Loan hoặc duyên hải Quảng Đông…? Hay phải chăng họ xuất quân từ lãnh địa của văn hóa Sa Huỳnh, từ miền ven biển Trung Bộ từ nam sông Gianh tới Phan Rang mà họ Bắc tiến sau khi đã đóng vai kẻ chiến thắng tại đây?

http://www.phongthuyankhang.com/create_image.php?thumb_size=130&dir=news&file_name=tpxua1.jpg

Tổ Tiên ta đã gộp hai hiện tượng - một là hiện tượng tự nhiên, một là hiện tượng xã hội – vào trong một câu chuyện thần thoại nên thơ. Lực lượng người Nam Đảo từ biển tới, tổ tiên ta đồng nhất nó với làn sóng nước biển. Và chuyện Thủy Tinh đánh ghen Sơn Tinh, dâng nước làm ngập lụt, thực ra lụt lội đâu phải được gây ra từ biển tới mà ngược lại, từ hướng tây, hướng tây bắc – đông nam, theo chiều của các con sông ở miền Bắc nước ta.

Đa phần, trong các thần thoại, những sự kiện như một đám cưới giữa anh chàng này với cô gái kia, công chúa này theo hoàng tử kia về núi…đều ám chỉ hiện thực một tộc người hỗn huyết và pha trộn văn hóa với một tộc người khác.

Việc có hai chàng trai đều thuộc loại quyền quý, gõ cửa xin làm rể vua Hùng chẳng qua chỉ là hình tượng hóa, mỹ hóa một sự thật phũ phàng là tộc người của Thủy Tinh tràn đến xâm lăng lãnh thổ của Hùng Vương. Cái gọi là Thủy Tinh xin được làm rể Hùng Vương thực chất là cách nói che đậy theo tư duy thần thoại lời yêu cầu sắt đá và thẳng thừng của Thủy Tinh: “Này ông Hùng Vương! Ông có cho ta đến ở trên đất của ông không?”.

Còn lời xin làm rể của Sơn Tinh lại có ý nghĩa: “Này ông Hùng Vương! Thằng Thủy Tinh hung bạo nó muốn cướp đất của ông đấy. Ta hãy hợp nhất lại, đoàn kết lại để xem nó giở được trò gì?!”.

Rõ ràng, đứng trước nguy cơ bị tấn công bởi một tộc người hung hãn và thiện chiến từ xa đến, mang yếu tố ngoại lai và có nhiều điểm dị biệt, hai ông hàng xóm sống gần nhau, có nhiều điểm chung hơn, đều muốn bắt tay nhau, liên kết lại để tống khứ cái kẻ xâm lăng kia. Hùng Vương không muốn mất đất đai, còn Nhóm Sơn Tinh cũng hiểu rằng: nếu để người Nam Đảo thôn tính Hùng Vương, thì nạn nhân tiếp theo sẽ là họ.

Và sự liên kết ấy đã diễn ra, được phản ánh trong truyền thuyết qua đám cưới của Mỵ Nương với Sơn Tinh. Có thể trong thực tế cũng đã có một đám cưới thật, một đám cưới mang tính chính trị, để hai tộc người khác biệt trở thành người một nhà. Có thể đám cưới chỉ là một ký hiệu trong truyền thuyết, nhưng không thể phủ nhận một hiện thực rằng: đã có sự hợp nhất giữa hai liên minh bộ lạc lớn nhất thời bấy giờ tại đồng bằng Bắc Bộ.

Giai đoạn hợp nhất được cho là vào thời kỳ văn hóa Gò Mun (1100 TCN), trùng với thời điểm xuất hiện các cuộc tấn công của người Nam Đảo.

Hai tộc người lớn hòa nhập với nhau, không chỉ về mặt quân sự, mà dần dần cả về mặt văn hóa, huyết thống…Trong khoảng thời gian của văn hóa Gò Mun, Quỳ Chử (400 năm – từ năm 1100 đến năm 700 TCN), là quãng thời gian để hai bên hòa nhập và dần trở thành một tộc người mới. Trong 400 năm ấy, khi nắm trong tay đất đai rộng lớn do sự sáp nhập lãnh thổ của hai bên, có sự nhảy vọt về chất trong thể chất, trong đời sống văn hóa tâm linh, tinh thần, tiếp thu được cả những ưu điểm, tính trội của hai tộc người cũ, nên tộc người mới này năng động hơn, phát triển hơn.

Tộc người mới này được gọi là người Việt cổ, PGS. Đặng Việt Bích gọi họ là người Mường cổ, vì những điểm tương đồng của người Mường sau này với văn hóa đồng Đông Sơn (chúng ta sẽ khảo cứu ở những bài sau: Sự phát triển của người Việt cổ và người Kinh xuất hiện như thế nào?).

Và sau 400 năm chiến đấu chống giặc ngoại xâm và phát triển kinh tế, xã hội, người Việt cổ đã đạt được sự nhảy vọt thần kỳ: sáng tạo ra văn hóa đồng thau Đông Sơn.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Khảo cổ Việt Nam soi sáng văn minh Đông Sơn

Nguyễn Ðức Hiệp

Nguồn: http://vannghesongcuulong.org

Bài này viết để giới thiệu về nền văn minh Đông Sơn và sự liên hệ của văn minh Đông Sơn với các văn minh khác trong vùng (như Sa Huỳnh). Sự hiểu biết về văn hóa Đông Sơn còn được nhiều đóng góp về sau này nên sẽ không ngạc nhiên khi có những thuyết và tranh luận giừa các nhà khoa học nghiên cứu về nguồn gốc, biểu tượng, văn hóa Đông Sơn.

Từ các thập niên 50 đến 80, các nhà học giả Việt nam đã khai quật khám phá và đóng góp nhiều hiểu biết quan trọng về văn hóa Đông Sơn và công bố trong các tạp chí Khảo cổ học, Lịch Sử, Xã hội, các hội nghị khoa học trong và ngoài nước. Nhiều nghiên cứu có giá trị của Hà Văn Tấn, Chử Văn Tần, Phạm Văn Kỉnh, Diệp Đình Hoa, Phạm Minh Huyền.. bằng quốc ngữ chưa được biết nhiều ở các học giả nước ngoài .

Đáng chú ý, là từ các di chỉ tiền Đông Sơn khám phá ở các vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ đến các nghiên cứu về dân tộc và xã hội học, ta có thể thấy sự phát triển liên tục của văn hoá, văn minh Đông Sơn và cho thấy tính chất nội sinh và bản địa của nó. Các yếu tố ảnh hưởng từ ngoài, mà nguồn chính là từ vùng thảo nguyên Trung Á, thể hiện ở một số nhỏ hoa văn động vật và phong cách, cho thấy sự trao đổi văn hoá, kinh tế qua con đường từ trung du Bắc bộ đến Vân Nam và Tứ Xuyên qua sự trung gian của văn hoá Điền ở vùng Hoa nam.

Các điều kiện nghiên cứu tuy không đầy đủ như ở các nước khác, nhưng phẩm chất và nội dung rất phong phú. Ông Tạ Chí Đại Trường, một sử gia miền Nam trước 1975, trong một bài báo gần đây ở Mỹ, đã chỉ trích các nghiên cứu khảo cổ học ở Việt Nam là quá thiên về sự tự hào dân tộc và hoài nghi về các kết quả nghiên cứu. Ông ngay cả chỉ trích nhà sử học Mỹ Keith Taylor đã đến Việt Nam học hỏi và nghiên cứu các kết quả cùng với các nhà khảo cổ và sử học trong nước để kết thúc luận án tiến sĩ của ông mà sau này ông xuất bản cuốn sách với tựa đề “The birth of Vietnam”. Dĩ nhiên ngoài các công bố ít nội dung và có tính chất “diễn văn” mà ta có thể thấy dễ dàng và gạn lọc được ở các tạp chí khoa học trong nước, các nhà nghiên cứu vẫn biết được và trân trọng đa số các kết quả nghiên cứu có giá trị trong nước. Ông Tạ Chí Đại Trường đã có chút khách quan khi nhận định về khảo cổ học ở Việt Nam, nhưng khác với ông, tôi cho rằng các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam cũng có giá trị và đáng trân trọng.

Vừa đây Viện Khảo cổ học với đã xuất bản quyển sách "Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam" (Nxb Khoa Học Xã hội, Hà Nội, 1994, với sự tài trợ của Toyota Foundation tổng hợp một phần sự hiểu biết về văn hóa Đông Sơn từ các học giả Việt Nam. Đây là một bước nhỏ trong công việc tổng quan về vấn đề tìm hiểu văn hoá Đông Sơn ở Việt Nam.

(1) Sơ lược về khám phá và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn

Năm 1924, một nông dân làng Đông Sơn (Thanh Hóa), sau cơn nước lũ, đi câu cá ở bờ sông Mã, ngẫu nhiên phát hiện một số đồ đồng nằm trong lòng đất nơi bờ sông bị lỡ. Khi viên thương chính người Pháp, L. Pajot, thích chơi đồ cổ, mua được số đồ đồng trên và phát hiện sự tình, đã vội vàng báo cho trường Viễn Đông Bác cổ. L. Pajot được uỷ nhiệm tiến hành những cuộc đào bới ở địa điểm trên. Thế là tên làng Đông Sơn trở thành nổi tiếng dành cho "thời đại đồng thau ở Bắc kỳ và Bắc Trung kỳ" khi Victor Goloubew ở trường Viễn đông Bác cổ công bố về các di vật đào được ở Đông Sơn trên tạp chí khoa học.

Trường Viễn đông bác cổ (Ecole Francais d'Extreme-Orient), thành lập năm 1900, trước đó đã sưu tập được một số đồ đồng như trống đồng Ngọc Lũ lấy từ chùa Long Đọi Sơn, Hà Nam (1903) và mua lại từ bộ sưu tập của Demange và D'Argence (1913 và 1927) mà trước đó họ đã thâu lượm và mua lại từ dân ở các vùng từ Bắc Ninh, Hà Đông, Sơn Tây tới Ninh Bình và Thanh Hóa.

Năm 1918, H. Parmentier đã công bố sự giống nhau kỳ lạ giữa hoa văn trên trống Ngọc Lũ với hoa văn trên các đồ đồng khác trong bộ sưu tập D'Argence. Trước đó, năm 1902, F. Heger, nhà nghiên cứu người Đức về các trống đồng ở Đông Nam Á đã xếp trống loại Ngọc Lũ (Đông Sơn) là trống đẹp và cao thuộc loại I (Heger I) trong 4 loại trống.

Sự khám phá ở Đông Sơn đã khởi động cho các cuộc tìm hiểu và nghiên cứu có hệ thống về thời đồng và văn hóa Đông Sơn của các học giả nhiều nơi trên thế giới. Năm 1934, nhà học giả người Áo, R. Heine-Geldern đã đề nghị gọi nền văn hóa đồ đồng ở Việt nam là "văn hóa Đông Sơn". Từ đó về sau các nhà nghiên cứu về văn hoá đồ đồng ở Đông Nam Á và Nam Trung quốc đã gọi chung nền văn hoá này là văn hóa Đông Sơn.

Sau năm 1954, các nhà khảo cổ Việt Nam đã khám phá ra nhiều di tích thuộc văn hóa Đông Sơn. Cho đến nay, 125 di tích đã được phát hiện ở khu vực Sông Hồng, Sông Cả và Sông Mã ở Việt Nam không kể các di tích Tiền Đông Sơn (Hà Văn Tấn, "Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam", 1994). Riêng số trống đồng loại I Heger (tức trống Đông Sơn) đã lên tới 143 chiếc. Trong đó có những trống đẹp, trang trí gần giống trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ như trống Cổ Loa phát hiện năm 1982 và trống Hy Cương phát hiện ở Đền Hùng mới đây. Trong năm 1997, các trống trên và nhiều trống khác đã được trưng dụng ở khắp nơi trong cuộc triển lãm đặc biệt về Thăng Long truyền thống tại Viện Bảo tàng Lịch sử, Hà Nội

Trong thư tịch lịch sử Việt Nam cũng có nói đến trống đồng trong sinh hoạt đời sống như lễ đông cô thời Lý, sứ Nguyên nghe trống đồng nhiều nơi khi sang Đại Việt dưới đời Trần. Đáng chú ý là ở chùa Đồng Cổ, Thanh Hoá có một tấm bảng gỗ khắc năm Bảo Hưng thứ 2 Tây Sơn (1802) của Tuyên Công Nguyễn Quang Bàn, con trai Nguyễn Huệ, ghi chép khá tỉ mỉ về trường hợp phát hiện và đo đạc khảo tả chiếc trống đồng cổ đặt trong chùa (1). Về sau chiếc trống này được người Pháp đưa vào trường Viễn đông Bác cổ. Trong luật Hồng Đức thờ Lê cũng có nói đến điều lệ trừng phạt lấy cắp hay phá hỏng tượng Phật và chuông dồng cổ. Có thể nói việc sử dụng trống đồng dần dần biến đi sau đời Trần cùng với các trống đồng.

(2) Niên đại và nguồn gốc Đông Sơn

Thuyết cho rằng kỹ thuật làm trống đồng được truyền từ các các bộ tộc ấn-Âu (Indo-european) sang Nam Trung quốc rồi từ đó xuống Bắc Việt Nam lúc đầu đã được nhiều học giả như Parmentier, Finot, Maspero .. chấp nhận. Giả thuyết này được nghiên cứu từ sự giống nhau giữa các hoa văn, kỹ thuật của trống Đông Sơn và trống đồng của các bộ tộc indo-european. Cách đây vài năm và gần đây (đầu năm 1998), các nhà khảo cổ Trung quốc và phương Tây đã khám phá và công bố một vài mộ chôn của các người bộ tộc indo-european, Tochara, ở miền Tây TQ và cho thấy họ đã đi đến vùng này và gần hơn ở Nam và Bắc Trung Quốc. Những người này sau đó bị tuyệt chủng. Sự khám phá này cho thấy giả thuyết trên có thể đúng nhưng cần có sự nghiên cưú kỷ lưỡng hơn.

Mặc dầu không thống nhất trong sự xác định về niên đại của trống đống và văn hoá Đồng ở Đông Nam Á và Nam Trung Quốc, hiện nay các nhà khảo cổ cho rằng thời gian này kéo dài từ khoảng thế kỷ 9BC đến thế kỷ 1 sau công nguyên. Thời gian này tương đương với thời Hùng Vương đến giai đoạn đầu của Bắc thuộc trong lịch sử Việt Nam.

Theo Đào Duy Anh, căn cứ vào thư tịch cổ Trung Quốc và Việt Nam, thi văn hoá Đông Sơn khởi từ thế kỷ 8BC đến thế kỷ 1 sau công nguyên. Ông chia ra làm 3 giai đoạn phát triển: giai đoạn 1 là giai đoạn hưng thịnh điển hình với các trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ tương đương với thời kỳ hưng thịnh Hùng Vương. Giai đoạn 2 là giai đoạn tiến triển với trống Việt Khê, thạp Đào Thịnh, tương đương với cuối thời Hùng Vương và An Dương Vương. Giai đoạn 3 là giai đoạn suy vi, tương đương với thời kỳ đầu Bắc thuộc, Tây Hán và Đông Hán. Trần Mạnh Phú dựa vào diển biến hoa văn trên trống đồng cũng chia văn hoá Đông Sơn ra 3 giai đoạn như trên của Đào Duy Anh với giai đoạn 3 thuộc thời đại dồ sắt từ thế kỷ 2 trước công nguyên đến đầu thế kỷ 1 sau công nguyên.

Nhà khảo cổ Phạm Văn Kỉnh và Lê Văn Lan chia văn hoá Đông Sơn theo thời đại khảo cổ: giai đoạn đầu (sơ kỳ) của thời đồng thau với di tích của văn hoá Gò Mun, giai đoạn trung kỳ thuộc vào thời kỳ hưng thịnh đồng Đông Sơn và giai đoạn cuối là thời đại sắt cũng là mạt vận của văn hoá đồng Đông Sơn với đồ Tần-Hán có mặt bên cạnh đồ bản địa Đông Sơn, từ thế kỷ 3 trước công nguyên đến thế kỷ 1 sau công nguyên.

Hà Văn Tấn thì cho văn hoá Đông Sơn ở 2 giai đoạn: giai đoạn đồng thau và giai đoạn sắt. Nguyễn Linh thì không chia văn hoá theo giai đoạn mà nhìn tổng quan văn hoá Đông Sơn nằm trong thời hưng thinh và suy vong của thời đại đồng thau, từ thế kỷ 7 trước công nguyên đến khi nhà Hán sang cai trị cũng là lúc mạt vận của văn hoá Đông Sơn .Chử Văn Tần cũng như Nguyễn Linh coi văn hoá Đông Sơn tổng quan trong giai đọan cuối của một nền văn minh Đông Sơn khởi từ văn hoá Phùng Nguyên.

Phạm Minh Huyền chứng minh trong nền văn hoá Đông Sơn có sự phát triển khác nhau ở các địa phương, sớm nhất ở vùng sông Hồng rồi đến sông Mã. Sự kết thúc cũng khác nhau đánh giấu sự xuất hiện của đồ minh khí và tăng trưởng của đồ ngoại lai. Ông chia văn hoá Đông Sơn thành ba loại hình cơ bản: loại hình sông Hồng, loại hình sông Mã và loại hình sông Cả. Các loại hình có một số nét phong cách địa phương.

Cũng nên nhắc lại là từ miền Nam Trung Quốc xưa kia ở vào khoảng niên đại của trống đồng (thế kỷ 9 BC đến thế kỷ 2 AD) là vùng cư ngụ của các bộ tộc Bách Việt trước khi bị Hán hoá. Ở đây, văn hoá Đông Sơn cũng phát triển ở các bộ tộc vùng Hoa Hạ. Các lễ nghi, sinh hoạt của các dân trong thời này đã cho thấy rõ ràng tính chất của văn hoá Đông Sơn.

Bửu Cầm (2), trong bài triển khai từ nghiên cứu của Lăng Thuần Thanh “Đồng cổ đồ văn dữ Sở từ Cửu ca” (đăng trong Quốc lập trung ương nghiên cứu viện viện san đệ nhất tập, Đài bắc 1954, tr. 403-417) cho thấy họ Lăng dùng bài Đông quân trong Cửu ca của người dân Sở và những tài liệu dân tộc học về người A-Mi ở Đài Loan, người Nagas ở Assam cùng người Dayak ở Borneo để giải thích hình chạm trên trống đồng. Theo Bửu Cầm, Cửu ca của dân tộc Sở chẳng khác gì những bài “văn chầu” của đạo “thờ chư vị” ở nước ta. Nước Sở ngày xưa tuy rộng lớn nhưng dân tộc Sở không quá phức tạp, phần nhiều là giống Bộc, Lão tức Việt tộc, hoặc nói theo ngôn ngữ đời nay là giống Indonesian. Chính Sở vương Hùng Cừ đã nói: “Ta là man di, không cùng hiệu thụy với Trung quốc”.

Đồ đồng và trống đồng khám phá ở khu vực đông Nam Trung quốc được chia ra ba nhóm (3b) nằm trên 3 khu vực Tả Giang, Hữu Giang (giáp ranh với biên giới Việt Nam hiện nay) và Quế Giang-Tương Giang (giữa tỉnh Hồ Nam và Quý Châu). Đây cũng là vùng của các nhóm bộ tộc Việt: Lạc Việt, Câu Đinh, và Tây Âu. Các hoa văn trên một số trống đồng và rìu đồng giống hoa văn của nhóm Lạc Việt ở Bắc Việt Nam nhất là các rìu đồng hình hia tìm được ở vùng bộ tộc Tây Âu. Vùng Quế Giang của nước Tây Âu giáp với Hồ Nam bên kia Ngũ Lĩnh là địa phận xưa của văn hoá Sở..

Từ thập niên 60 đến nay, các học giả Việt Nam đã khai quật nhiều di tích Tiền Đông Sơn và Đông Sơn và đã công bố nhiều công trình nghiên cứu gần đây cho thấy có sự liên tục của các nền văn hoá. Từ đó đã khẳng định là nguồn gốc kỹ thuật và trống đồng Đông Sơn là nội sinh từ bản địa chứ không phải di từ bên ngoài vào (1). Tuy không phủ định là có sự giao lưu văn hoá giữa Đông Sơn ở Việt Nam, Nam Trung Quốc và vùng đồng cỏ phía Tây cho đến văn hoá Hallstatt Châu Âu, nhất là sự tương quan của một số hoa văn như các hoa văn ngôi sao trung tâm, xoắn ốc, thừng tết.. nhưng có rất nhiều hoa văn đặc biệt bản địa mà chỉ có ở Đông Sơn Việt Nam như nhà sàn, thuyền, người mặc áo lông chim, chim, cá, voi, hổ, hươu, cóc ... . Đặc biệt “thần thái Đông Sơn” trên trống đồng có tính chất bản địa Lạc Việt và khác xa với thần thái của trống đồng và đồ đồng của các văn hoá khác.

Với nhiều địa điểm dã được khai quật và nghiên cứu, như Gò Bông, Gò Mun, Gò Chiền, Đồng Dậu, Đường Cổ (Vĩnh Phú), Thiệu Dương, Quỳ Chử, Núi Nấp, Hoa Lộc (Thanh Hoá), Rú Trăn (Nghệ Tỉnh).., các nhà khảo cổ học Việt Nam đã đem lại sự hiểu biết sâu rộng hơn về các giai đoạn phát triển của văn minh Đông Sơn từ đồng thau đến sắt từ vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ tới lưu vực sông Mã . Giai đoạn Đông Sơn mà chúng ta thường biết từ khi Đông Sơn được khám phá chỉ là tiêu biểu cho một nền văn hoá phát triển từ khoảng thế kỷ 2BC đến các thế kỷ sau công nguyên. Những nghiên cứu trên phương diện địa tầng cũng như di vật tại các di tích cho biết sự liên hệ của các tầng văn hoá, như di tích Đồng Đậu chứa 3 tầng văn hoá từ Phùng Nguyên đến Gò Mun. Các hoa văn của Phùng Nguyên cũng đã được tìm thấy ở văn hoá Đông Sơn, cũng như sự chuyển tiêp của các loại hình đồ gốm, hoa văn trên đồ gốm cho thấy sự kế tiếp của các truyền thống văn hoá (1)(Chương VI, Hà Văn Phùng).

Văn minh và văn hoá Đông Sơn có thể được hiểu rộng hơn bao gồm bắt đầu từ giai đọan văn hoá Đồng Đậu, Gò Mun, Gò Chiền cho đến giai đoạn Đường Cổ ở vùng Trung du Bắc Việt tương đương với giai đoạn Đồng Ngầm, Quì Chử tới Đông Sơn ở vùng sông Mã, Thanh Hoá (3a). Có thể tóm tắt văn hoá Đông Sơn là sự liên tục của nền văn minh Đông Sơn bắt đầu từ giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên ở sông Hồng, văn hoá Quỳ Chữ ở sông Mã và Rú Trăn ở sông Cả.

Văn hoá

Sông Hồng

sông Mã

Sông Cả

Niên đại

Thời đại khảo cổ

Văn hoá Tiền Đông Sơn

Văn hoá Phùng Nguyên

Văn hoá Hoa Lộc

Nhóm di tích Đền Đồi-Rú Ta

800-700

Sơ Đồng

Văn hoá Đông Đậu

Nhóm di tích Đồng Ngầm

?

600-500

Trung Đồng

Văn hoá Gò Mun

Văn hoá Quỳ Chử

Nhóm di tích Rú Trăn

400-300

Hậu Đồng

Văn hoá Đông Sơn

Loại hình Đường Cồ

Loại hình Núi Nấp

Loại hình làng Vạc

200-100, CN100-200

Đồng - sơ Sắt

Khi nói tới văn minh Đông Sơn ở Việt Nam, ta có thể hiểu nó bao trùm thời gian và không gian nói trên ở Bắc Việt Nam. Đặc trưng nhất của văn minh Đông Sơn là đồ đồng mà nổi bật là trống đồng. Các nhà khảo cổ Việt nam đã tìm được rất nhiều trống đồng kể cả trống đồng loại Heger I đẹp nhất như trống Hoàng Hạ, Cổ Loa, Hy Cương.. tương đương với trống Ngọc Lũ tìm được trước đó . Riêng trống đồng loại Heger I đã lên đến 143 chiếc, chưa kể hơn 100 trống minh khí (1).

(3) Các di tích và di vật văn hóa Đông Sơn

Di tích

Di tích Đông Sơn được phát hiện ở khắp Đông Nam Á (Việt Nam, Lào, Thái Lan, Indonesia) và Nam Trung Quốc. Việt Nam là nơi có mật độ và số lượng di chỉ nhiều nhất, tập trung ở lưu vực sông Hồng và lưu vực sông Cả, sông Mã. Di tích cư trú, di tích mộ thuyền được phát hiện dọc sông Hồng đến Vĩnh Phú, các tỉnh đồng bằng sông Hồng, sông Đuống, Thanh Hoá, Nghệ An. Đa số các di tích được khảo sát chi tiết và bảo tồn (một số như Đông Sơn, Thiệu Dương được khai quật và khảo sát nhiều lần), ngoài ra còn một số được khai quật “chữa cháy” khi được khám phá tình cờ ở các công trường, nhà máy, thuỷ lợi.. các hiện vật được lưu giữ nhưng không còn di tích bảo tồn .

Ngoài ra ở Hoa Sơn, Quảng Tây, gần biên giới Trung -Việt hiện nay, giáp Lạng Sơn là di tích nghệ thuật trên đá lớn nhất của văn minh con người, với khổ 200m x 40 m các hình vẽ chạm trên triền núi dọc sông Zuo. Trong các hình người (phù thuỷ hay chiến sĩ cầm gươm có vòng ở cán), có các hình trống với mặt trời ở giữa.

Đồ đồng Đông Sơn

Đồ đồng Đông Sơn gồm giáo, riều, mủi tên, chậu đồng, thố đồng.. nhưng nổi bật nhất là trống đồng . Nghề luyện kim đồ đồng và làm trống đống của người xưa đạt đến cao độ mà ngay cả gần đây vào các thập niên 60, 70 các chuyên gia ở Viện Khảo cổ Việt Nam đã bao lần tìm cách đúc lại các trống đồng mà không thành công.

Công cụ sản xuất gồm lưỡi cày, lưỡi cuốc, thuổng, xẻng.. dùng trong nông nghiệp . Đã có hơn 200 lưỡi cày đông Đông Sơn đã được tìm thấy. Các loại vũ khí gồm có giáo, lao, tên, nỏ, rìu, dao, kiếm ngắn, tấm che ngực. Mũi tên có nơi tìm được tới vạn chiếc như ở kho Cầu Vực. Trong vùng Cổ Loa, mủi tên đã được phát hiện ở nhiều nơi.

Các đồ dùng sinh hoạt thì có thạp đồng, thố đồng, bình, lọ, chậu, nồi, ấm, bát đĩa, thìa ... Một số thạp đồng Đông Sơn có hoa văn và hình tượng trang trí tỉ mỉ và đẹp như trống đồng. Thạp đồng nổi tiếng như thạp Đào Thịnh tượng trưng và thể hiện cao điểm của nghệ thuật văn hoá Đông Sơn.

Trống đồng Đông Sơn (Heger 1) cũng đã được phát hiện ở Gia Lai-Kontum (1921), Thủ Dầu Một, Sông Bé (1934) (3) và gần đây ở Bình Định (1998) cho thấy ảnh hưởng và sự liên lạc giữa khu văn mình Đông Sơn và Sa Huỳnh ở Trung Nam Bộ cho tới khu vực văn hoá Đồng Nai (di chỉ Dốc Chùa, Sông Bé khai quật năm 1977 đã cho thấy thời kỳ đồng thau phát triển bản địa tại khu văn hoá Đồng Nai)..

Đồ gốm và thủy tinh

Trong đợt khai quật ở Đông Sơn năm 1967, các nhà khảo cổ Việt Nam đã tìm đưọc bình gốm cổ cao, vai khép thân thấp, đặc trưng của loại hình gốm Sa Huỳnh. Trước đây, các loại hình gốm loại đèn và vịt nước cũng được biết ở các di chỉ Đông Sơn (7). Đặc biệt có sự tương quan của các hoa văn trên gốm và hoa văn trên đồ đồng Đông Sơn.

Rất nhiều đồ trang sức thủy tinh được khám phá ở các di tích mộ táng Đông Sơn. Tuy vậy số lượg và chất lượng không bằng các vật thủy tinh ở các di tích Sa Huỳnh từ Bình Trị Thiên tới Đồng Nai (trong các mộ chum, điển hình của văn hoá Sa Huỳnh) nhất là khuyên tai có mấu và khuyên tai hai đầu thú. Di vật đồ thủy tinh là chứng cớ khảo cổ cho thấy sự liên lạc và ảnh hưởng giữa hai văn hoá Sa Huỳnh và Đông Sơn. Mật độ các đồ thuỷ tinh tìm thấy ở các di chỉ Đông Sơn càng ngày càng nhiều đi từ đồng bằng sông Hồng xuống phía Nam và nhiều nhất là ở Làng Vạc vùng sông Cả, Nghệ An.

Trong sự liên hệ giữa Đông Sơn và Sa Huỳnh, ta nhận thấy đồ đồng Đông Sơn được khám phá rãi rác ở khu văn hoá Sa Huỳnh (đồ đồng tìm được rất ít ở di chỉ mộ chum Sa Huỳnh) ngược lại các đồ gốm và dồ trang sức thủy tinh mang đặc sắc của Sa Huỳnh được tìm thấy ở các mộ táng và di chỉ Đông Sơn. Các di chỉ mộ chum Sa Huỳnh ở Hàng Gòn, Dầu Giây, Đập Suối (Xuân Lộc, Đồng Nai) được xác định bằng C14 vào khoảng cách đây 2300 năm, tức là vào khoảng của niên đại đồng Đông Sơn ở Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc.

Về màu sắc và thành phần hoá học, thuỷ tinh Sa Huỳnh và Đông Sơn tương tự như nhaụ Vòng tai và tay đa số là maù xanh lá cây già, xanh lơ, xanh lá mạ. Ngoài thành phần hoá học cơ bản của thuỷ tinh là oxid silic (SiO2), thuỷ tinh Sa Huỳnh và Đông Sơn không có oxid chì (PbO). Trong thời đại muộn hơn (vaì thế kỷ sau Công nguyên), thuỷ tinh tìm được ở Trà Kiệu, Lâm Đồng có chì. Đây là điều chứng tỏ có sự thay đổ kỹ thuật nấu thuỷ tinh so với giai đoạn sớm hơn thuộc văn hoá Sa Huỳnh và Đông Sơn (1).

Ngoài những di vật đồng và gốm, thủy tinh nói lên sự trao đổi giữa 2 văn hóa, Hà Văn Tấn (5) đã nghiên cứu những đồ gốm khai quật ở các di chỉ văn hóa Phùng Nguyên (mà cư dân thuộc nhóm ngôn ngữ Tiền Việt Mường có niên đại trước Đông Sơn) và cho thấy có sự liên hệ với các đồ gốm Lapita khám phá ở các di chỉ các đảo Nam Thái Bình Dương (New Caledonia, Solomons, Tonga, New Britain, New Hebrides..). Theo Chử Văn Tần (6), có sự tương quan rất nhiều giữa loại hình gốm và hoa văn ở gốm Sa Huỳnh với các gốm ở di chỉ văn hoá Gò Bông-Hoa Lộc (Thanh Hoá) ở đầu thời đại đồng thau, trước Đông Sơn.

(4) Đời sống vật chất, văn hóa và tâm linh người Đông Sơn

Để tìm hiểu đời sống và văn hoá Đông Sơn, ngoài các thông tin và tư liệu từ các di chỉ khảo cổ khai quật được, các nhà học giả Việt Nam còn dựa vào các thư tịch cổ của Trung Quốc như Thủy Kinh Chú, Quảng Chí, Hậu Hán thư, Giao Châu ngoại vực ký.. và Việt Nam như Lĩnh Nam Chích quái, Việt Điện U Linh, Vân Đài Loại Ngữ (Lê Quý Đôn). Các nguồn tư liệu qui giá khác là dân tộc học và văn hoá dân gian Việt Nam.

Con người Đông Sơn

Các cảnh tượng sinh hoạt trên mặt trống đồng cho ta thấy người Đông Sơn có đời sống gắn liền với sông, nước. Các di chỉ mộ thuyền được tìm thấy rất nhiều ở các tỉnh ven biển như Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình mà cách nay hơn 2 ngàn năm nằm giáp với biển Bắc Bộ, cho thấy họ có nguồn gốc và liên hệ mật thiết với biển. Mộ thuyền cũng đã được tìm thấy ở nhiều nơi ở Đông Nam Á (Kalimantan, Thái Lan, Phi Luật Tân). Đối với cư dân gần nước, khi sống họ dùng thuyền khi mất chiếc thuyền cũng đưa họ đi qua thế giới bên kia. Theo Goboulew, trong buổi lễ chiêu hồn Tiwah của người Dayak ở Borneo, khi có người mất, họ có “thuyền vàng” đưa linh hồn người mất đến thiên đường giữa hồ mây.

Theo ông Trịnh Cao Tưởng (8) nghiên cứu về đình làng Việt Nam, vị trí và địa thế lành hướng về sông nước của đình làng và kiến trúc đình Việt Nam mang hình tượng của một con thuyền hay cái lầu thuyền cho thấy âm hưởng của tâm thức người xưa vẫn còn để lại ảnh hưởng trong cuộc sống của người Việt Nam.

Về phương diện chủng tộc, có thể biết được giống người Đông Sơn qua các xương để lại trong các di tích. Rất nhiều đã bị mũn nát nhưng từ các năm 70, đã tìm được một số xương sọ ở các di tích như Núi Nấp, Quỳ Chử. Lê Văn Cường đã so sánh sọ các cư dân hiện đại trong vùng Đông Nam Á đến Papua, Úc và Eskimo để đưa đến dạng chủng tộc của con người Đông Sơn. Có hai loại hình đã được phân tích: loại hình Indonesien và loại hình Đông Nam Á. Loại hình Indonesien thuộc ngành Mongoloid với nhiều đặc điểm Australoid, trong khi loại hình Đông Nam Á mang đậm yếu tố Mongoloid nằm trong chủng tộc Nam Á của ngành Mongoloid. Các sọ tìm ở Việt Nam trong thời đại đá giữa và đá mới không hề thấy có sọ thuần Mogoloid, cho thấy nhóm loại hình Indonesien cổ được hình thành ngay từ thời đá mới bên cạnh các loại hình khác như Australoid và các loại hình hổn chủng khác. Cư dân Đông Sơn là hậu duệ của loại hình Indonesien do hổn chủng tăng mạnh vào thời đại kim khí.

Trong các mộ thuyền khai quật, các nhà khảo cổ Việt Nam đã thấy các người Đông Sơn đều nhuộm răng đen. Tục nhuộm răng đen và ăn trầu là tục xưa ở các dân tục vùng Đông Nam Á, và các đảo Thái Bình Dương. Tục này vẫn còn phổ biến ở Việt Nam đầu thế kỷ 20.

Người Đông Sơn là các bộ tộc vùng trung du giao thoa với các bộ tộc vùng bờ biển và đồng bằng gốc Malaỵ Hai nguồn này là gốc Âu Việt và Lạc Việt mà sử sách và truyền thuyết đã để lại. Mối giây liên lạc giữa vùng núi và vùng biển đã được thể hiện ở truyền thuyết Âu Cơ, Lạc Long Quân và Sơn Tinh, Thuỷ Tinh. Các mộ thuyền Đông Sơn được tìm thấy ở dọc các vùng trũng ven sông: từ Việt Khê, Hải Phòng, qua Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội (cầu Giấy, sông Tô) đến Hà Sơn Bình. Đặc biệt các mộ thuyền khám phá ở vùng sông Châu, Hà Nam đều quay đầu về hướng núi Đọi. Mộ thuyền bắt nguồn từ vùng Đông Nam Á hải đảo với truyền thống không ít hơn 2,500 năm lịch sử. Từ vùng ven biển nó hội nhập vào văn hoá Đông Sơn, ngược theo các sông vào các vùng trũng hai bên tả ngạn sông Hồng. Cùng với nó là sự hội nhập hàng ngàn từ gốc ngữ hệ Malayo-Polynesian vào tiếng Việt. (9)

Không những thế trong thời gian này, vùng Bắc Việt Nam cũng là nơi các thuyền nhân từ phương xa đến. Theo Trần Quốc Vượng (9), thì truyền thuyết An Tiêm và quả dưa đỏ từ Tây qua thì An Tiêm là người đến nước Văn Lang của vua Hùng là người từ xứ Ấn.

Tây Vu - biến âm của Tây Âu - bao gồm miền Đông Anh và Tiên Du là một bộ lạc lớn Âu Việt, là mủi nhọn đi xuống vùng đồng bằng Lạc Việt . Người Tây Âu cũng là hậu duệ của chủ nhân văn hoá Phùng Nguyên, Đồng Đậu là kết hợp của người trung du và vùng Quảng Ninh gốc hải đảo. Những cư dân Tày, Thái cổ, vừa gần gủi Nam Á vừa gần gủi Nam Đảo mà học giả Karl P. Benedict gọi là Kadai hay Nam Thái (austro-Thai) có lẻ là chủ nhân chính của văn hoá Phùng Nguyên (9).

Nói tóm lại con người Đông Sơn, mà hậu duệ là người Việt hiện nay ở bán đảo Đông Dương, là giao chủng của các giống dân từ bờ biển, đồng bằng và miền trung du Bắc phần. Tiếng Việt hiện nay đã mang di sản của sự giao thoa trên với gốc từ Mon-Khmer, Tày-Thái, Malay và Tạng Miến.

Môi trường sống

Ta có thể biết chút ít về thế giới động vật, thực vật và môi trường sống ở thời đại Đông Sơn qua các di tích đông, thực vật ở các di chỉ, mặc dầu chúng có ít và không được bảo quản tốt. Ngoài ra còn có các hình tượng, hình vẽ.. ở các di vật, các tư liệu, thư tịch cổ của Trung quốc ở giai đọan muộn của văn hoá Đông Sơn hoặc thời Hán sau này.

Đã có những di tích động vật nuôi phổ biến: voi thuần, chó nhà, lợn nhà và trâu bò. Các di tích này được tìm thấy trong các di trỉ và được thể hiện trên các hình khắc và tượng (thí dụ các hình vẽ trên đá vách núi Hoa Sơn, Quảng Tây giáp Lạng Sơn biên giới hiện nay, cho thấy có chó nhà).

Trong di tích Đông Sơn ở Làng Vạc, cũng tìm thấy những hạt thóc luá, trấu. Lúa thuộc loại hạt tròn, gần giống lúa chim hoặc lúa nếp. Nông nghiệp là hoạt động chính yếu của cư dân Đông Sơn. Theo Thuỷ Kinh Chú và Nam Phương thảo mộc trạng, thì vùng Giao Chỉ, Cửu Chân trồng nhiều nếp và dùng nếp nấu rượu. Cũng trong “Nam phương thảo mộc trạng” của Kê Hàm (xuất bản năm 304) về thực vật ở khu vực nhiệt đới Quảng Tây, Quảng Đông và Bắc Việt Nam, ta có thể thấy được môi trường thực vật như sau: cây bầu, cây chuối, cây tre, lúa, tùng bách, dương sĩ, xoan, dâm bụt, hoa nhài, hoa súng, mía, hạt tiêu, trầm hương, nhãn, vãi, dừa, chà là, nho, khế, chanh, rau muống, rau cải..

Qua một ít các di tích xương răng ở các di chỉ Đông Sơn và trên các hình tượng, ta chỉ thấy hình ảnh hạn hẹp của thế giới động vật. Loài thú thì có hổ, voi, tê giác, huơu sao, bò bưóu, cá sấu. Ngoài ra còn có loại chim thuộc bộ cò (cò, vạc, bồ nông..) thường đến miền Bắc Việt nam khi di cư về phương Bắc .

Theo Lĩnh Nam Chích Quái, thì người Việt xưa thường ăn canh cá, biết dùng cá tôm làm mắm. Theo truyền thống người Việt ít ăn thịt trừ những dịp lễ tết, hội hè. Như vậy ta có thể cho rằng thức ăn của người Đông Sơn xưa chủ yếu là gạo, bột và hải sản.

Các di chỉ trong mộ thuyền cho thấy dân cư Đông Sơn biết làm chiếu cói, vải. Vải mặc dầu mũn nát, đã cho thấy có nghề se sợi, dệt vải. Ngoài ra đồ gổ đều có lớp sơn, chứng tỏ nghề sơn đã xuất hiện từ vài ba thế kỷ trước Công nguyên.

Văn hoá và đời sống Đông Sơn

Heger cho rằng các hình ảnh trên trống Sông Đà là ngày hội khánh thành trống với các thuyền chở người đi dự, họ là những khách cầm thoa để đánh trống. Ngày khánh thành trống là một ngày hội lớn cho cả cộng đồng. Theo Loofs-Wissoma, trống đồng là vật tượng trưng cho quyền lực của người cầm quyền. Một thứ quyền uy kiểu tôn giáo ở Bắc Việt Nam mà các tù trưởng ở khắp mọi nơi, kể cả vùng Đông Nam Á, tìm đến để xin ban cho trống đồng, để làm vua một cách hợp pháp (1). Tuy nhiên thuyết này không đựợc tán thành vì không những chỉ ở Việt Nam mới có đúc trống mà ở miền Nam Trung Quốc, và các vùng lân cận ở Đông Nam Á cũng có đúc trống. Sự có mặt khắp nơi của trống đồng là do sự giao thoa văn hoá trong vùng (Trịnh Sinh trong “Văn hoá Đông Sơn ở Việt Nam”).

Theo nhiều nhà khảo cổ thì nhiều hình ảnh trên trống đồng phản ảnh ngày hội mùa để gặt lúa nước và thu thập mùa màng. Đoàn người vừa đi vừa múa tay cầm giáo, lao, rìu hay nhạc cụ. Họ mặc trang phục lông chim, mũ chim. Một số người mặc áo choàng lông chim mà chỉ ngày lễ hội lớn mới mang ra mặc. Người Dayak ở Borneo vẫn còn phong tục mặc áo và mũ lông chim trong các buổi lễ. Như ta biết, trong truyền thuyết Trọng Thủy, Mỵ Châu, cũng có đề cập đến áo choàng lông ngỗng dành cho công chúa.

Ngày hội mùa cũng mang tính chất tín ngưỡng phồn thực mong cho mùa màng tốt tươị Hình ảnh trên tang trống của đôi trai gái trên mặt trống cầm chày giã vào cối phản ảnh tính chất trên. Trên thạp đồng Đào Thịnh còn có các cặp trai gái đang giao phối. Ngày nay, tục lệ trai gái giao duyên ngày hội mùa mong cho mùa mang tốt tươi là vết tích của tín ngưỡng phồn thực còn lại ngày nay trong dân gian Việt Nam. Trên trống đồng Ngọc Lũ, ta cũng thấy trong một ngôi nhà sàn, một đôi nam nữ ngồi với tay và chân giao vào nhau, đang hát đối đáp trong lúc ở góc có người đang ngồi đánh trống đồng.

Nghi lễ đâm trâu, đâm bò cùng có phản ảnh trên trống đồng như trên trống đồng Làng Vạc, với hình bò và các chiến binh cầm rìu, giáo nhảy múa. Tục này vẫn còn phổ biến ở các dân tộc Đông Nam Á và các dân tộc sống ở Tây Nguyên Việt Nam.

Ngày hội cầu mưa, cầu nước lên hay rút là những ngày hội mà nhiều xã hội nông hay ngư nghiệp coi trọng để thời tiết mưa thuận gió hoà. Nhiều trống Đông Sơn có tượng cóc trên mặt trống gần mép trống, ngoài các vòng tròn đồng tâm. Có khi có cóc mẹ cõng cóc con như trên trống Hữu Chung . Hình tượng cóc thường gắn với sự cầu mưa vì “con cóc là cậu ông Trời” như dân gian Việt thường nói. Tiếng trống đồng cũng biểu hiện cho tiếng sấm. Người xưa trong hội cầu mưa đánh trống để thức tỉnh thiên nhiên mang lại mưa cho vạn vật. Trống vì vậy có mục đích quan trọng trong đời sống dân Đông Sơn.

Trên các tang trống Đông Sơn như Sông Đà, Làng Vạc, Miếu Môn.. ta có thể thấy nhiều hình thuyền diển tả cảnh bơi chải. Tục bơi chải (bơi thuyền dưới nước và bơi thuyền tượng trưng trên cạn) thường thấy trong hội đua thuyền ở các làng thờ thần nước ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ.

Ngay cả trong thơ văn đời Đường, cũng có bài nhắc đến tục dùng trống trong lễ nghi về thần sông. Mặc dù vào thời Đường đã là 5 thế kỷ sau khi văn minh Đông Sơn tàn lụi, như dư âm các dân tộc Việt vùng Hoa nam vẫn còn vọng lại ở kinh đô Trường An. Kinh đô Trường An có vị trí đặc biệt là nằm giữa vùng ranh giới của hai vùng văn hóa Hoa Nam và Hoa Bắc.

Tống khách nam quy hữu hoài

Lục thủy noãn thanh tần

Tương đàm vạn lý xuân

Ngõa tôn nghinh hải khách

Đồng cổ trại giang thần

Tỵ vũ tùng phong ngạn

Khán vân dương liễu tân

Trường An nhất bôi tửu

Toà thượng hữu quy nhân

(Hứa Hồn)

(Tiễn khách trở về Nam - Nuớc biếc làm ấm cỏ lau xanh, Hồ Tương vẻ xuân vạn lý, Bình rượu gạch nằm đón khách đi biển, Trống Đồng cúng thần sông, Núp mưa bên bờ có tùng và phong, Ngắm mây bến sông có dương liễu, Một ly rượu ở Trường An, Trên tiệc có người về quê)

Bát phách Man

Khổng tước đuôi kim tuyến trường

Phạ nhân phi khởi nhập Đinh Hương

Việt nữ sa đầu tranh thập thúy

Tương hô quy khứ bội tà dương

(Tôn Quang Hiến)

(Tám điệu gõ người Man - Chim tước đuôi kim tuyến dài lê thê, Sợ người bay lên đậu ở Đinh Hương, Cô gái Việt đầu bãi cát tranh nhau nhặt sỏi, Kêu nhau trở về nhà lưng quay lại ánh tà dương)

Bồ Tát Man từ

Mộc thiên hoa ánh tùng từ tiểu

Việt cầm thanh lý xuân quang hiểu

Đồng cổ dữ Man ca

Nam nhân kỳ trại đa

(Tôn Quang Hiển)

(Đền bồ tát người Man - Ngôi đền nhỏ trong bụi cây toả ánh hoa mộc miên, Trong tiếng hót chim Việt thấy ánh sáng ban mai mùa xuân, Trống Đồng và bài hát Man, Người Nam cầu cúng nhiều)

Ngoài ra còn các bài thơ của Ôn Đình Quân hay Đổ Mục (9)

Độc thần từ

Đồng cổ trại thần lai

Mãn đình phan cái bồi hồi

Thuỷ đối giang phố quá phong lôi

Sở sơn như haọ yên khai

(Ôn Đình Quân)

(Đền thần bến sông - Trống đồng cầu cúng thần, Đầy sân cờ lọng bồi hồi, Gió sấm lướt trên mặt nước bến sông, Khói mây mờ núi Sở như tranh vẽ)

Trên trống đồng Ngọc Lũ và Hoàng Hạ, ta còn thấy hình người ở trần, bị trói quặt tay sau lưng ngồi trên sàn thuyền, trước mặt là những người cầm vũ khí. Có thể đây là lễ hiến tế cho thần nước, nạn nhận bị giết rồi quẳng xác xuống sông cho thuỷ thần. Theo tài liệu dân tộc học thì trong lễ cầu nước có lễ hiến tế để cống và chiều lòng thuỷ thần. Ngay cả gần đây ở vùng ven sông Hồng, sông Đáy và sông Mã vẫn còn tục bắt con gái hoặc con trai ném xuống sông cống Hà Bá trong khi nước lụt lội (1)

Trên trống cũng có hình các loại nhà sàn: nhà sàn mái cong hình thuyền với hai đầu vểnh trang trí hình chim và nhà sàn mái tròn. Trong nhà sàn hình tròn có chia làm hai gian chứa lương thực. Các vết tích của nhà sàn như cọc, gỗ.. đã được khai quật và khám phá trong những đợt khai quật đầu tiên của người Pháp ở Đông Sơn. Cư dân Đông Sơn sống gần sông nước xây nhà sàn để tránh nước lên và thú dữ.

Ngoài ra mặc dầu chưa có chứng cớ trực tiếp từ khảo cổ học, người Đông Sơn còn có thể có tục xâm mình, tục ăn đất, tục uống nước bằng mũi qua tư liệu sử học (như trong Hán thư, Lĩnh Nam chích quái), dân tộc học hay dân gian.

Các hình tượng và cấu trúc trên mặt trống biểu hiện thêm gì? . Ngoài các thuyết cho rằng là biểu tượng ngày hội trống, tục bái vật (totem), nghi lễ cầu mưa... Cấu trúc trên trống có thể cho ta biết về triết lý và quan niệm sống của chủ nhân trống đồng.

Theo Trần Quốc Vượng thì quan niệm sống của chủ nhân trống đồng đã được ghi và kết tinh trong các hình tượng và mô hình trên tang trống. Ông đã dùng kết quả nghiên cứu liên ngành từ dân tộc học và xã hội học để cho thấy quan niệm lưỡng hợp và lưỡng phân trong đời sống tâm linh của người Đông Sơn.

N.I Nicolin trong bài “Trống đồng Đông Sơn và quan niệm cây thế giới” (4) (dịch từ nguyên tác Nga đăng trên tạp chí Khoa học Xã hội) đã so sánh rất hay và lý thú về truyền thuyết người Mường và biểu tượng trên trống đồng Đông Sơn.

Dựa vào các khám phá và nhiều ý kiến về biểu tương trên trống đồng của các nhà khảo cổ Việt Nam gần đây (như Lê Văn Lan) cho rằng trống đồng Đông Sơn biểu hiện mô hình thế giới: mặt trống phía trên là thiên giới và trần giới, phần tang trống là thuỷ quốc và mặt dưới là âm phủ, Nicolin cho rằng có sự liên hệ mật thiết giữa trống đồng, biểu tượng trên mặt trống và huyền thuyết của người Mường, một dân tộc rất gần với người Việt.

Trong tâm linh và thần thoại người Mường về sáng tạo vũ trụ, con người, “cây cuộc sống” biểu hiện nguyên lý về trật tự thế giới đối nghịch với trạng thái hỗn mang khi thế giới tạo lập. Trong truyền thuyết sử thi “Đẻ đất đẻ nước”, một văn bản chính yếu của văn hoá Mường

Ngày xưa sinh đời trước

Dưới đất chưa có đất

Trên trời chưa có trời,

Trên trời chưa có ngôi sao đỏ đỏ

Dưới đất chưa có ngọn cỏ xanh xanh

Con nhà, con người muốn dậy

Chưa có mặt mủi

“Cây cuộc sống” xuất hiện chấm dứt tình trạng hổn mang

Mọc lên một cây xanh xanh

Cây xanh có chín mươi cành

Cành mọc lên trời lá xanh biết cựa

Thân trên mặt đất thân cây biết rung

Cành bung xung có tiếng đàn bà con gái

Cành chọc trời biến nên cật đứa cái

Là ông Thu Tha

Cành bung xung biến nên cật đứa con maí

Là bà Thu Thiên

Ra truyền: làm nên đất nên trời

Tâm linh về “cây cuộc sống” cũng có ở các dân tộc Việt, Lào (4). Cây là hiện thân số phận của con người trong dân tộc người Ê Đê. Tục thờ cây cối là một tín ngưỡng xưa của người Việt. Truyền thuyết trầu cau thể hiện tục thờ cây (10). Theo Trần Quốc Vượng (9), thì tục thờ mẫu Liểu Hạnh, một trong Tứ Bất Tử, thì Liễu Hạnh, cùng hai đàn em trong Phủ là chầu Quỳnh, chầu Quế cũng như tên chồng của Mẫu là Đào lang, đều là tên cây, hoa. Ông cho rằng tục thờ mẫu Liễu Hạnh có liên hệ cội nguồn với tục thờ cây cối.

Cây cũng đdại diện cho bộ tộc người Chàm trong truyền thuyết lịch sử: bộ tộc dừa, bộ tộc cau. Cùng với cái chết của cây crêc (cây sắt) thì đất nước cũng diệt vong. Cũng vậy trống đồng biểu hiện “cây thế giới” cũng có thể biến thành cây chết, với sự khám phá trong một ngôi mộ cổ: trống bị lật ngược với mặt trên bị thủng.

Ở thế kỷ 1 sau công nguyên, Mã Viện nhà Hán sau khi chinh phục dân tộc Lạc Việt đã thu thập và nấu hết các trống đồng “cây sống” tượng trưng cho sức mạnh dân Việt. Mã Viện cũng dựng lên một “cây chết” trụ đồng với dòng chữ: “Đồng trụ triết, Giao chỉ triệt”. Theo Minh sử thì “Trống mất thì vận người Man cũng mất” cho thấy vị trí của trống đồng trong sự sống còn của bộ tục chủ nhân làm trống.

Giữa mặt trống ở trung tâm là hình “ngôi sao” mặt trời với 14 tia sáng, tượng trưng cho tục thờ Mặt trời. Sau các vòng tròn đồng tâm trang trí, là vòng thứ 6 mô tả xã hội loài người, các hội hè nghi lễ, các hình vẽ nhà sàn, các hình người đánh trống, đánh cồng. Cồng sử dụng trong ngày hội tượng trưng cho sự sinh sản thịnh vượng. Người Mường theo tập tục mẫu hệ, chiếc cồng biểu hiệu cho bộ ngực người phụ nữ và chiếc cồng với những quả bí ngô liên kết với nhau biểu tượng cho sự phồn thực.

Trên trống đồng, ta thấy có nhiều mo-típ về chim, và người ăn mặc dưới dạng chim. Sự phồn thực cũng có thể liên quan đến nhóm hình trên trống Ngọc Lũ: hình một người đàn bà và một người đàn ông dùng chày giã gạo trong cối đá. Phía trên nhóm hình này là bầy chim bay liệng - đó là linh hồn trẻ nhỏ chuẩn bị đầu thai vào lòng phụ nữ. Cũng như chim Lạc của bộ tộc người Lạc Việt, theo người Mường thì thuỷ tổ của họ được coi là loài chim.

Thế giới trên vòng tròn đồng tâm thứ 8 thể hiện thế giới loài vật. Thế giới này được thể hiện bởi hai đàn chim và hai bầy hươu (hoẵng). Trong “Đẻ đất đẻ nước”, bên cạnh cây thế giới ta cũng thấy hoẵng và chim

Đàn hoẵng chầu ở giữa

Lũ phượng hoàng chầu ở trên

Lũ chim nên chầu ở cành si, cành đa.

Trên vòng đồng tâm thứ 10, vẽ 18 con chim bay và 18 con chim đậu. Các con chim bay giống như những tia mặt trời liên kết thiên giới với trần giới. Những con chim đậu ở nước (thuỷ điểu) liên kết trần giới, thiên giới với thuỷ quốc. Đằng sau các thuỷ điểu là những con ếc đúc nổi bằng đồng. Các loài ếch này coi là trung gian giữa thiên giới và trần giới với tiếng kêu báo hiệu mưa từ trời. Trong dân gian Việt nam, con cóc ếch vẫn còn được gọi là “cậu ông Trời”.

Như vậy trên “cây thế giới” trống đồng, ta thấy cả những biểu tượng thể hiện tâm linh và văn hoá của chủ nhân trống đồng. Nó liên kết thiên giới, trần giới, xã hội loài người và thuỷ quốc.

Tham khảo

(1) Hà Văn Tấn chủ biên - Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam, Viện khảo cổ học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994

(2) Bửu Cầm - Tương quan giữa những hình chạm trên trống đồng Việt tộc và bài “Đồng Quân” trong Sở từ, Tập san Sử Địa, Số 25, 1973, Saigon, trang 49-80.

(3) Phạm Minh Huyền, Diệp Đình Hoa - Vị trí địa điểm khảo cổ học Thiệu Dương (Thanh Hóa) trong văn minh Đông Sơn, Khảo cổ học, 2/1981, trang 19-34.

(3b) Nguyễn Duy Hinh - Đồ đồng vùng Đông Nam Trung Quốc, Khảo cổ học, 2/1982, trang 29-33.

(3) Phan Đức Mạnh - Lịch sử nghiên cứu khảo cổ học thời tiền sử Đông Nam Bộ, Tạp chí Khoa học Xã hội, Tp. HCM, 13 (III/92), 1992, trang 47-52

(4) N.Ị Nicolin - Trống đồng Đông Sơn và quan niệm cây thế giới, Tạp chí Khoa học xã hội, Tp Hồ Chí Minh, 12, II/92, trang 60-68.

(5) Ha Văn Tấn - Văn hoá Phùng Nguyên, nhận thức mới và vấn đề, Khảo cổ học, 1/1978, trang 5-22

(6) Chử Văn Tần - Về văn hoá Sa Huỳnh, Khảo cổ học, 1/1978, trang 52-60.

(7) Diệp Đình Hoa - Người Việt cổ phương Nam vào buổi bình minh dựng nước, Khảo cổ học, 1/1978, trang 61-69.

(8) Trịnh Cao Tưởng - Kiến trúc đình làng, Khảo cổ học, 2/1981, trang 56-64.

(9) Trần Quốc Vượng - Theo dòng lịch sử, những vùng đất, thần và tâm thức người Việt, Nxb Văn Hoá, Hà Nội, 1996.

(10) Nguyễn Đăng Thục - Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Tập 1, Nxb Tp HCM, 1992.

Nguồn: http://vannghesongcuulong.org

NGUYỄN ĐỨC HIỆP

Share this post


Link to post
Share on other sites

Thiên nhiên nước ta ở buổi đầu của dân tộc

Lê Văn Hảo

Trích Hành trình về thời đại Hùng Vương dựng nước

Tổ tiên ta đã khéo chọn cho mình một miền đất độc đáo ở vào vị trí tiếp xúc của nhiều hệ thống địa lý: nước Văn Lang nằm trong vòng đai nhiệt đới mà lại không đơn thuần là một nước nhiệt đới. Từ ngàn xưa, gió mùa đã ảnh hưởng sâu sắc đến thiên nhiên nước ta, một thiên nhiên muôn màu muôn vẻ với nhiều rừng rậm núi cao, sông dài biển rộng, với vùng cao, vùng trung du và miền đồng bằng.

Ngày nay rừng rậm đã lùi dần lên vùng cao về phía tây, sau một quá trình đấu tranh dài hàng nghìn năm giữa con người với thiên nhiên, nhưng ở thời đại dựng nước, rừng còn lan khắp vùng trung du và cả một phần lớn đồng bằng. Nhiều vùng gò đồi trọc hiện nay xưa kia đã phủ rừng dày đặc. Ngay tại đồng bằng còn giữ được nhiều di tích của rừng: mỏ than bùn thấy ở nhiều nơi như Thạch Thất (Hà Tây), Lỗ Khê (ngoại thành Hà Nội); rừng gỗ tứ thiết ở Sặt (Tráng Liệt, Bắc Giang), rừng Báng (Đình Bảng, Bắc Ninh), đồi Lim, làng Lim, phà Rừng... Trong các di tích khảo cổ ở đồng bằng, đã tìm thấy xương cốt nhiều loại thú rừng.

Cư dân nước Văn Lang sống tập trung trên những đồng bằng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; quá trình kiến tạo đồng bằng chưa hoàn thành thì bàn tay con người đã sớm dựng lên những công trình thủy lợi để khai thác trồng trọt trong những điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp với nghề trồng lúa nước. Chiến thắng của Sơn Tinh chính là chiến thắng lũ lụt của những người Việt cổ trị thủy tài giỏi, đã gây dựng nên những cánh đồng màu mỡ ven những dòng sông lớn.

Nhìn chung, mọi người đều nhất trí là tổ tiên ta đã dựng nước trong một khung cảnh thiên nhiên thích hợp, thuận lợi, trên một dải đất nhiều núi rừng, nhiều sông ngòi, hồ ao, đường giao thông thuận tiện, giàu khoáng sản, lâm sản, hải sản, trên những đồng bằng màu mỡ thích hợp với nghề nông. Những yếu tố thiên nhiên tích cực này đã góp phần đẩy mạnh quá trình tiến bộ kinh tế và văn hoá, đưa đến việc dựng nước Văn Lang, một nước có đủ sức chống ngoại xâm, có nền văn minh nông nghiệp phát triển rực rỡ ở vùng Đông Nam Á cổ đại.

Thế giới thực vật thời đại dựng nước

Nghề trồng trọt đã giữ một địa vị quan trọng trong đời sống kinh tế của cư dân Việt cổ từ buổi đầu dựng nước. Di tích thực vật thu thập được từ các địa điểm khảo cổ tuy chưa được nhiều lắm như cũng đủ cho thấy sự phát triển của nghề trồng trọt.

Con người thời đó đã quen với những loại cây dương xỉ, tùng bách... Trên nương rẫy, vườn ruộng của họ đã có mặt những loại cây thiết thân với các cư dân nông nghiệp cổ đại. Đó là những cây na, cây trám, cây đậu, cây dâu tằm, cây bầu, cây bí, cây cải cúc, cây tre, và nhất là cây lúa.

Ở di chỉ Đồng ĐẬu, đã tìm thấy những hạt thóc đã cháy thành than cách đây trên dưới 3300 năm. Ở di chỉ Gò Mun đã phát hiện được cả một hầm chứa ngũ cốc. Ở di chỉ Gò Chiền, dấu vết của những vỏ trấu, than trấu còn thấy khá rõ. Đặc biệt ở di chỉ Hoàng Ngô còn tìm thấy một hạt đậu nguyên vẹn. Người Việt cổ còn biết trồng khoai, trồng bông, trồng dưa, trồng trầu và cau. Các sách cổ của Trung Quốc như Nam Phương thảo mộc trạng, Giao châu ký, Tam đô phủ, Thủy kinh chú, Tề dân yếu thuật, Ngô lục địa lý chí... đều có ghi chép về việc người Lạc Việt biết trồng khoai, đậu, dưa, bông, trồng dâu nuôi tằm, mặc dù sách ghi chép những sự việc trong thời Bắc thuộc nhưng chắc chắn những loại cây trồng này đã có từ trước.

Truyền thuyết của nhân dân ta về thời đại Hùng Vương có nói đến một vài loại cây trồng như cây lúa trong truyện Bánh chưng bánh giầy, cây cau trong truyện Trầu cau, cây dưa dấu trong truyện An Tiêm. Hình ảnh sống động của cây lúa còn thấy ở nhiều truyền thuyết, cổ tích của các dân tộc anh em như truyện Nàng tiên trứng của đồng bào Tày, truyện Khả Sắc Sia của đồng bào Thái, truyện Nam A-lách của đồng bào Gia-rai, truyện Đum Đú với nàng tiên của đồng bào Ê-đê, truyện Cô gái thứ mười của đồng bào Hơ-rê, truyện Phu-man của đồng bào Ba-na...

Nông nghiệp thời đại Hùng Vương là nông nghiệp trồng lúa trong đó việc trồng lúa nước chiếm vị trí chủ đạo. Nghề trồng lúa xuất hiện ở nước ta khá sớm và có thể coi đó là một truyền thống của dân tộc ta. Cho đến nay nguồn gốc cây lúa còn là một vấn đề đang được tranh luận sôi nổi trên thế giới. Ý kiến của các nhà nghiên cứu rất khác nhau, trong đó có một số người cho cây lúa có nguồn gốc từ Việt Nam, ví dụ như Cô-xven (Liên Xô) trong tác phẩm Sơ yếu lịch sử văn hoá nguyên thủy hay như Tùng Vinh Hiếu Linh (Trung Quốc) trong công trình Nghiên cứu tổng hợp về cây lúa.

Các sách cổ của Trung Quốc và của ta đã nói đến nhiều giống lúa có ở Việt Nam. Đặc biệt là nhà bác học Lê Quý Đôn ở thế kỷ 18, trong bộ bách khoa toàn thư Vân đài loại ngữ đã kê ra hơn 100 giống lúa tẻ và lúa nếp, đồng thời ông đã mô tả một cách tương đối chi tiết đặc tính của các giống lúa, những kinh nghiệm gieo trồng và năng suất. Không phải ngẫu nhiên mà có thể kể ra một số lượng phong phú các giống lúa và đặc tính của giống lúa như thế. Bởi vậy, rất có khả năng là từ thời Hùng Vương đã có một số giống lúa khác nhau. Điều này đã được phản ánh trong phong tục tập quán cổ ở vùng đất Tổ: Tại Đền Hùng, hàng năm vào ngày hội đều có giữ tục cúng các vua Hùng bằng xôi nhiều màu: xôi trắng, xôi nhuộm đỏ, xôi nhuộm tím có ý nghĩa tượng trưng cho nhiều giống lúa khác nhau đã trồng được ở thời đấy, đánh dấu những tiến bộ vượt bực của nền nông nghiệp Việt cổ.

Sách cổ của ta đều thống nhất ghi lại sự kiện trồng lúa hai vụ từ xưa ở nước ta: "Lúa ở Giao Chỉ chín hai mùa". Dựa vào địa bàn phân bố của những nơi cư trú thời Hùng Vương, có thể nói cư dân thời này trồng lúa chủ yếu trên 3 loại ruộng: ruộng phù sa ven sông, ruộng trũng quanh các đầm hồ, ruộng rộc trên các gò đồi miền trung du. Kinh tế nông nghiệp đã trở thành một truyền thống của dân tộc ta. Chính truyền thống ấy đã ảnh hưởng và chi phối mọi hình thái ý thức, và ngay cả tâm tư tình cảm của dân tộc ta và đã là cơ sở cho sự phát triển của nông nghiệp sau này. Để trở thành những người nông dân trồng lúa giỏi, tổ tiên ta đã phải khai sơn phá thạch, đấu tranh gian khổ với cái thiên nhiên vừa thuận lợi vừa khắc nghiệt đã được hình tượng hoá trong câu chuyện Sơn Tinh-Thuỷ Tinh. Trong cuộc đấu tranh đó, phần thắng đã về phía tổ tiên ta.

Thế giới động vật thời đại dựng nước

Trong các di chỉ khảo cổ thuộc thời đại dựng nước, chúng ta đã tìm thấy di tích của vài loại động vật không xương sống như cua đồng, ốc vặn, và của hàng chục loài động vật có xương sống từ những con cá chép, cá quả, rùa vàng, ba ba, những con gia súc bạn thân của người như gà, lợn, chó, trâu, bò, đến những thú rừng như: hươu, hươu sao, nai, hoẵng, khỉ, tê giác, voi, hổ, lợn rừng, nhím, cầy hương, rái cá... và nhiều loại chim (1)

Trên trống đồng và đồ đồng Đông Sơn chúng ta còn thấy hình ảnh của cóc, ếch, nhái, thằn lằn, cá sấu, cá nhám, cáo, sóc, hươu, bò u, voi, chó săn...

Trong giới động vật phong phú của thời đại dựng nước nổi bật lên các loài chim mà hình ảnh đã trở nên rất phổ biến trên các trống đồng, thạp đồng, những văn vật tiêu biểu cho văn minh thời đại. Ví dụ như:

Posted Image

Trên mặt và thân trống Ngọc Lũ có đến 50 hình chim.

"Trống Hoàng Hạ (Phú Xuyên, Hà Tây) 34"

"Trống Sông Đà (Khai Hóa, Hòa Bình) 24"

"Trống Miếu Môn (Mĩ Đức, Hà Tây) 32"

"Trống Vũ Bị (Bình Lục, Hà Nam) 22"

"Trống Pha Long (Mười Khương, Lào Cai) 19"

"Trống Duy Tiên (Hà Nam) 18" v.v...

Những con số trên đây nói lên sự quen thuộc của các loài chim đối với thế giới quan của người Việt cổ. Hình ảnh của chim trong thiên nhiên đã được nhào nặn qua tư duy mỹ thuật và trí tưởng tượng của ngưởi xưa và được thể hiện với những nét cách điệu cao. Từ những hình nét cách điệu đó chúng ta vẫn có thể tìm lại được bóng dáng hiện thực của các loài chim.

Dạng phổ biến nhất là những con chim bay có mỏ dài, nhọn, chân dài, cổ thanh và nhỏ, đầu có mào, lông xuôi về phía sau. Đây là những con chim thuộc loài cò, vạc, diệc...

Trên trống đồng, chúng ta còn gặp một dạng chim giống như loài cò thìa, đang đứng tư lự, chân cao, đôi cánh khép lại, chiếc mỏ dài mềm mại hơi cong xuống phía dưới và bè ra ở phần cuối mỏ thành một hình thoi. Loài cò thìa này ngày nay vẫn thấy ở một số vùng đồng bằng và trung du miền Bắc nước ta.

Một dạng chim khác cũng thường được trang trí trên trống đồng là loài bồ nông mỏ rất to, chân ngắn, đang trong tư thế bắt một con cá từ dưới nước lên. Những con chim bơi theo thuyền trên thạp Đào Thịnh là loài xít, mỏ tù, thân tròn, trên thân có điểm các chấm nhỏ, khi bơi chỉ thấy phần đầu và thân nổi lên mặt nước, loài này hiện nay vẫn thường sống ở những vùng đồng lầy và cửa sông.

Trên mái nhà sàn ở trống Ngọc Lũ và Hoàng Hạ thấy khắc những con gà lôi mỏ ngắn, mào nhỏ, chân ngắn, trên thân có những vạch nhỏ, ngắn; những con gà lôi lớn thì có bộ lông đuôi to và dài, đó là những con trống, còn con nhỏ trong mỗi đôi là con mái. Riêng trên mái nhà kho (nhà cầu mùa) ở trống Hoàng Hạ lại có một đôi gà: một trống một mái đang quay đầu vào nhau.

Trên trống Ngọc Lũ có một dạng chim khá đặc biệt đó là loài công, mỏ tù, dạng mỏ của loài ăn hạt, trên đầu có hai mào, lông khá lớn dựng đứng, đuôi dài, chân cao. Công là một loài chim quý có khắp nơi ở nước ta trước đây. Đền vua Thục An Dương Vương ở Diễn Châu (Nghệ An) được xây dựng cạnh một khu rừng có nhiều công gọi là rừng Cuông (tiếng địa phương đọc trại công thành cuông) và đền vua Thục quen được gọi là đền Cuông. Trên trống Ngọc Lũ còn có hình đôi chim công lớn nhỏ đang cõng nhau.

Trên một cán dao găm đồng tìm thấy ở di chỉ Đông Sơn có hình một con chim gõ kiến có mỏ to, chân đang bám chắc vào thân cây ở tư thế đặc biệt của những loài chim thuộc họ gõ kiến.

Trong những hình thú vật thể hiện trên trống đồng và đồ đồng, phổ biến hơn cả là hình hươu. Những đặc điểm của loài hươu được thể hiện khá đầy đủ ở những con đi đầu đàn trên mặt trống đồng với cặp sừng mỗi bên 4 nhánh và những đốm nhỏ rải rác trên thân. Đó là những con hươu sao đực. Trong đàn hươu đang thong thả nhịp bước, người nghệ sĩ Việt cổ đã cố ý sắp thanh từng cặp: một đực một cái, và hươu cái cũng có cặp sừng như hươu đực. Như chúng ta đã biết, trong họ hươu chỉ có những con đực mới có sừng, những con cái không có, phải chăng nghệ sĩ xưa đã cho mỗi con hươu cái thêm một cặp sừng để làm tăng thêm vẻ đẹp trang trí của tác phẩm?

Thêm các trống đồng Đồi Ro, Làng Vạc có hình những con bò nhà thuộc loại bò u (hay bò Ấn Độ) với thân hình cân đối, cặp sừng cong vút khỏe, cổ có yếm mỏng, trên lưng có một bướu nhô lên ở phần vai khá rõ. Loài bò u này có mặt ở Việt Nam từ 2000 đến 3000 năm trước đây.

Trên trống đồng và đồ đồng Đông Sơn có khắc nhiều dạng chó ở những tư thế và trạng thái khác nhau: đó là loài chó nhà, con thì đang đuổi theo con mồi (chó săn hươu, nai...), con thì đang cùng người vượt qua muôn trùng sóng gió trên những con thuyền lớn (như trên trống Ngọc Lũ). Trên nắp thạp Vạn Thắng (Chí Linh, Hải Dương), trên lưỡi đồng Sơn Tây, ta thấy hình hổ và báo trong tư thế đang vồ mồi. Ở một lưỡi qua đồng khác, dễ dàng nhận ra hình dáng một con voi với thân hình to khỏe, đặc biệt là chiếc vòi dài thả xuống phía dưới, đầu vòi cuộn tròn lại. Ở một lưỡi giáo đồng Đông Sơn có khắc hình hai con cáo đối xứng nhau, mõm dài, tai to, đuôi dài và cuộn tròn lại, toàn thân và 4 chân đều có vẻ hình rất linh hoạt. Trên thạp đồng Đào Thịnh có hai con cá sấu đang giao nhau.

Những kiến thức đầu tiên về thế giới tự nhiên của người Việt cổ

Posted Image

Nhìn ngắm những hình thú, hình chim khác nhau khắc trên đồ đồng Đông Sơn, chúng ta hẳn phải ngạc nhiên trước tài mô tả hiện thực của người xưa. Ví dụ, chim luôn luôn được thể hiện với nhiều hình dạng và tư thế khác nhau. Những con chim đang nối nhau lượn vòng trên mặt trống, trên thân thạp gợi cho ta cảm giác về đàn cò trắng đang thẳng cánh bay về những phương trời xa thẳm. Trên hình thuyền trang trí ở thạp Đào Thịnh có cả một bầy chim đang bay lượn: con đang lao vút từ mặt nước lên, con đang vùn vụt bay về phía trước, con đang đập cánh chơi vơi trên không, con đang từ từ đỗ nhẹ nhàng xuống khoang thuyền... chỉ trong một khoảng không gian nhỏ bé giới hạn trong một khoang thuyền mà chúng ta đã chứng kiến một cách đầy đủ những dáng bay cơ bản của loài chim. Những dạng chim đậu cũng được thể hiện công phu: con đang co ro chăm chú rình mồi dưới nước, con đậu trên nóc nhà, có chỗ thành từng đôi chụm đầu vào nhau như đôi bạn tri kỷ, con đậu trước mũi thuyền đang bập bềnh trên sóng nước. Chim còn được thể hiện linh hoạt trong lúc đang bắt mồi hay đang ghép đôi (2).

Chim được thể hiện ở nhiều nơi, nhiều chỗ trên bầu trời, trên mặt nước, chim sà vào đậu trên nóc nhà, đậu xuống khoang thuyền hay bay lượn bên người đang giã gạo, đánh chiêng... Chim và người, người và chim, cùng với nhiều sinh vật quen thuộc khác: chó, hươu, bò, voi, cóc, ếch nhái... nói lên cuộc sống gần gũi, hài hoà, gắn bó với thiên nhiên của tổ tiên ta. Hiểu biết được tự nhiên chính là nguồn sức mạnh to lớn khiến con người có thể chinh phục và tiến tới làm chủ tự nhiên. Người Việt cổ đã ghi lại sự hiểu biết về tự nhiên của mình một cách cụ thể sinh động và sự khái quát hoá nhận thức của mình bằng những hình tượng nghệ thuật tài tình. Tác phẩm nghệ thuật của người xưa giúp chúng ta sống lại với thiên nhiên từ buổi đầu dựng nước, một thiên nhiên giàu có và tươi đẹp trong đó thiên nhiên với con người, con người với thiên nhiên chan hoà làm một. Những kiến thức phong phú của tổ tiên ta về thiên nhiên, về giới thực vật và động vật là một phần trong toàn bộ kho tàng nhận thức về tự nhiên mà tổ tiên đã có được và đã tạo nên sức mạnh vĩ đại khiến người xưa viết nên những trang sử văn minh rực rỡ đầu tiên mà ngày nay chúng ta còn thắm thiết tự hào.

-----------------------------

(1) Vũ Thế Long và Trịnh Cao Tưởng, Tìm hiểu những di tích động vật và thực vật thuộc thời kỳ Hùng Vương, trong Hùng Vương dựng nước tập IV. tr. 169-71.

(2) Vũ Thế Long , Hình và tượng động vật trên trống và các đồ đồng Đông Sơn, tạp chí Khảo cổ học, số 14 (1974) tr. 9-17.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Lược Sử Cổ Đại Việt Nam

Tác giả: Tranghuyendo_Techno

http://www.lyhocdongphuong.org.vn/diendan/...da_i/t1280.html

Ghi chú: Một phần của bài này đã được Techno trình bày tại CLB VHNT Quận 4, TP HCM, tháng 9 năm 2001.

Dựa vào truyền thuyết, truyện huyền ảo hay thần thoại mà dựng sử, gọi là huyền sử. Dựa vào những thêu dệt, thậm chí phóng đại để dựng sử, gọi là dã sử. Dựa vào quan điểm của chế độ cai trị, chính trị đương thời thì goi là chính sử. v.v… Các loại sử liệu như thế thường có độ tin cậy rất hạn chế, thậm chí còn đi ngược lại thực chứng khoa học … Thế mà nó vẫn được dùng rất phổ biến ở nước ta và một số nước chưa phát triển khác. Tầm ứng dụng của các loại sử này rất lớn, thậm chí được dùng làm tài liệu giảng dạy và học tập chính thức, gây ra bức tranh sai lệch về lịch sử và đánh giá sai từ bạn bè năm Châu.

Một học giả nước ngoài đã hỏi Techno : "Người Việt hiện đại và thông minh của các anh vẫn còn tin chuyện đẻ ra một bọc trăm trứng, nở ra trăm con hay sao ?" Techno : "Đó là truyền thuyết, nó được sáng tác để giải thích chứ không có mục tiêu phổ hiện sự thật, giống như tín đồ Công giáo tin vào Đức Mẹ Đồng trinh đó thôi". Anh ta : "Nhưng đây không phải là đức tin, mà lại là tài liệu giảng dạy chính thức cho cả nước các anh kia mà".

Đến đây thì Techno đành … đánh trống lảng …

Xin lật lại vấn đề một chút : chúng ta dùng từ "lịch sử" đã nhiều, nhưng bản than từ lịch sử thì ít ai muốn động tới. Nói khác đi, bản chất ngữ nghĩa của từ lịch sử chúng ta thường né tránh, đơn giản là do chúng ta … không biết nó là gì, hoặc là chỉ biết một cách mơ hồ, không đủ để phát biểu. Ngay cả trong wikipedia tiếng Việt, trích dẫn cả Bách Khoa toàn thư cũng chỉ mơ hồ:

Nội dung trích dẫnLịch sử là môn học về nghiên cứu và phân tích những sự kiện đã xảy ra. Trong thực tế, chỉ có một số sự kiện lịch sử được xem là "thật". Đa số các nhà nghiên cứu các tường thuật lịch sử này, hay sử gia, tin rằng quan điểm hiện tại của chúng ta có thể đổi cách hiểu những sự kiện xưa. Vì thế cách giải thích những sự kiện xưa thay đổi thường xuyên qua các thời kỳ. Những giải thích dựa theo các nguồn gốc "căn bản" – những văn kiện được viết ra vào lúc đó hay gần sau lúc đó – thường được xem là có giá trị nhất.

http://vi.wikipedia.org/wiki/L%E1%BB%8Bch_s%E1%BB%AD

Vậy, ngữ nguyên của từ "lịch sử" là gì ?

Lịch, là diễn biến đã thật sự xảy ra trong không gian và thời gian, không chịu sự tác động của tri giác và nhận thức của con người. Sử là dấu vết của quá khứ còn lưu lại cho hiện tại và tương lai thông qua nhận thức có tính thời đại của con người.

Chúng ta có thể tóm tắt ý nghĩa ngữ nguyên của từ lịch sử như sau :

1- Lịch sử là diễn tiến khách quan với mốc không gian và thời gian cụ thể của nó.

2- Diễn tiến lịch sử là nằm ngoài tác động của ý thức của con người.

3- Lịch sử được con người ghi nhận (thành văn hoặc không thành văn).

4- Lịch sử mang trong nó tri thức của thời đại.

Vì vậy, mà quan điểm và phương thức luận lịch sử hiện đại cần phải có những tiêu chí nào ?

1- Cần phải khách quan ở mức độ cao nhất có thể có để tránh sai lầm hay bóp méo sự thật một cách chủ quan trong nhận thực, ghi nhận và giảng dạy lịch sử.

2- Lịch sử mang hơi thở của thời đại, nên nó cần được liên tục nghiên cứu theo dữ liệu và phương pháp khoa học mà thời đại chúng ta đang có.

3- Trung thành với nhận thức và tư duy khoa học, tiếp cận sự thật lịch sử đã xảy ra trong quá khứ từ mọi hướng, bằng mọi biện pháp khoa học mà toàn cảnh khoa học – kỹ thuật đương đại cho phép, bổ sung thậm chí phủ định các ghi nhận trước đó về lịch sử khi cần thiết.

Chúng ta quay lại với lịch sử cổ đại Việt Nam …

Posted Image

Trống đồng : Biểu tượng văn hoá và quyền lực của người Việt cổ đại.

Thời kỳ Hồng Bàng theo truyền thuyết và dã sử cho rằng bắt đầu từ năm 2879 TCN, là niên đại vua Kinh Dương Vương, với quốc hiệu Xích Quỷ. Địa bàn của quốc gia dưới thời vua Kinh Dương rất rộng lớn : phía bắc tới sông Dương Tử (cả vùng hồ Động Đình), phía nam tới nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía đông là Đông Hải (một phần của Thái Bình Dương), phía tây là Ba Thục (Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày nay).

Chúng ta sẽ bắt đầu nghiên cứu … trong bài sau.

Lược Sử Cổ Đại Việt Nam

Tác giả:Tranghuyendo_Techno

(tiếp theo)

Nội dung trích dẫnThời kỳ Hồng Bàng theo truyền thuyết và dã sử cho rằng bắt đầu từ năm 2879 TCN, là niên đại vua Kinh Dương Vương, với quốc hiệu Xích Quỷ. . .

Sử theo truyền thuyết của người Kinh - Việt Nam:

Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương nam đến núi Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ) gặp một nàng tiên, lấy nhau sinh ra Lộc Tục. Đế Minh truyền ngôi lại cho con là Đế Nghi làm vua phương bắc, và phong cho Lộc Tục làm vua phương nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ. Con của Kinh Dương Vương với Long nữ là Sùng Lãm lấy hiệu là Lạc Long Quân nối ngôi, lấy tiên nữ Âu Cơ là con gái của vua Đế Lai, đẻ ra một bọc 100 trứng và nở ra 100 người con. Những người con sinh ra cùng một bọc gọi là "cùng bọc" (hay còn gọi là Đồng bào) để nói rằng tất cả người Việt Nam đều cùng có chung một nguồn gốc... Con cả của thần Rồng Lạc Long Quân và tiên nữ Âu Cơ trị vì dưới tên Hùng Vương, và là vị vua đầu tiên của người Việt. Vì thế, người Việt thường tự xưng là con rồng cháu tiên. Từ đó người Việt đã di cư từ miền nam Trung Quốc hiện giờ đến đồng bằng sông Hồng và hòa nhập với người dân bản xứ. Vào năm 258 TCN An Dương Vương thành lập vương quốc Âu Lạc, tại miền Bắc Việt Nam bây giờ.

Sự thật lịch sử

Cách đây hơn 4.800 năm, toàn bộ vùng nam bắc đại giang Dương Tử chưa hề có chế độ phong kiến, do đó cũng chẳng có nước, có vua nào hết. Thể chế xã hội lúc bấy giờ là cát cứ theo nhóm cộng đồng cư dân có cùng một phong tục, ngôn ngữ, cách sinh sống và làm lụng v.v…

Khu vực đại giang Dương Tử lúc bấy giờ có nhiều nhóm cát cứ như vậy, và họ có các chỉ tiêu nhân trắc gần giống nhau. Người Trung Hoa xưa gọi cư dân phía nam nói chung là Bách Việt, với nghĩa là một trăm bộ tộc Việt. Các sách xưa ghi chép nhiều nhóm người Việt, trong đó có Câu Ngô (句吳), Ư Việt (於越), Dương Việt (揚越), Mân Việt (閩越), Nam Việt (南越), Đông Việt (東越), Sơn Việt (山越), Lạc Việt (雒越, người Kinh ở Việt Nam ngày nay) Âu Việt (甌越, hay còn gọi là Tây Âu - 西甌) v.v... Sách Hán thư (漢書) viết: "Trong vòng bảy hoặc tám nghìn dặm từ Giao Chỉ tới Cối Kê (thuộc vùng Bắc Chiết Giang), ở đâu cũng có Bách Việt, mỗi nhóm có các thị tộc của mình…".

Như vậy chúng ta có thể đính chính sai lầm nhận thức lịch sử quan trọng : đó là không có dân tộc Bách Việt mà chỉ có nhiều thị tộc (tộc người với các thể chế và quan hệ riêng có) Việt được gom chung thành một danh xưng xã hội là Bách Việt.

Theo tập quán kết giao để tránh chiến tranh, người Trung Quốc xưa thường nhận các địch thủ có thế mạnh tiềm tàng làm con, hoặc gả con để kết thân. Ta có thể thấy rằng việc "vua lấy tiên nữ sinh con" là để giải thích việc nhận con nuôi một cách thánh hoá. Người Lạc Việt (*) sinh sống chủ yếu bằng nghề chài lưới trên các lưu vực đại giang, mạnh mẽ và nhiều tham vọng, dưới sự dẫn dắt của Sùng Lãm trẻ trung và hiếu chiến, buộc Lộc Tục phải nhận Sùng Lãm làm con nuôi, ban cho quyền hạn, hiệu là Lạc Long Quân, để tránh phải đối đầu.

Cách đây gần 3.000 năm, trận nhiệt hà dai dẳng và khắc nghiệt đã làm đại giang Dương Tử và các chi – phụ lưu của nó dần dần khô cạn. Các tộc người trong Bách Việt sinh sống bằng chài lưới và cả canh tác lúa nước đều khốn đốn, bắt buộc phải ra đi tìm đất sống. Lạc Long Quân với tư cách là đại thống lĩnh các tộc Việt phải dẫn trên dưới 100 bộ tướng chọn lọc trong Bách Việt (cùng quân lính và vợ con họ) tiến xuống phía nam trù phú.

Vượt qua rặng Hoàng Liên Sơn, tiến đến khu vực Piaya (Phi mã Yên Sơn) và Piaouac (Phi mã Ác Sơn) thì đoàn tinh binh của Lạc Long Quân chạm trán với lực lượng của Cửu Thiên Huyền Nữ và ác chiến nổ ra. Một bên là tinh binh hăm hở với áp lực tìm đất sống nếu không muốn diệt vong, một bên là bảo vệ chủ quyền và nguồn sống của cộng đồng các dân tộc thượng du Bắc Bộ, được đông đảo cư dân bản địa phục tòng và ủng hộ hết lòng . . .

Cửu Thiên Huyền Nữ là ai, cuộc ác chiến lịch sử diễn ra như thế nào, xin các bạn đón xem trong bài tiếp theo.

===============================

(*) Theo truyền thuyết của Việt Nam, tổ của người Lạc Việt bắt nguồn từ vùng Động Đình Hồ, nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, và địa bàn sinh sống lan rộng xuống tận vùng Bắc Trung Bộ của Việt Nam ngày nay. Sử sách của Việt Nam cũng chỉ trích dẫn từ các truyền thuyết này. Nguồn cổ sử duy nhất có nói đến Lạc Việt là một số rất ít các sách cổ của Trung Quốc, và các sách này cũng chỉ ghi lai rất ít thông tin.

Tài liệu cổ nhất viết về Lạc Việt là Giao Châu Ngoại Vực Ký (thế kỷ 4) viết như sau:

"Thời xưa khi Giao Chỉ chưa có quận huyện, thì đất đai có Lạc Điền, ruộng ấy là ruộng (cầy cấy) theo con nước thủy triều. Dân khai khẩn ruộng ấy mà ăn nên gọi là Lạc Dân. Có Lạc Vương, Lạc Hầu làm chủ các quận huyện. Ở huyện phần đông có Lạc Tướng. Lạc Tướng có ấn bằng đồng, (đeo) giải (vải mầu) xanh.

Lược Sử Cổ Đại Việt Nam

Tác giả: Tranghuyendo_Techno

(tiếp theo)

Nội dung trích dẫnVượt qua rặng Hoàng Liên Sơn, tiến đến khu vực Piaya (Phi mã Yên Sơn) và Piaouac (Phi mã Ác Sơn) thì đoàn tinh binh của Lạc Long Quân chạm trán với lực lượng của Cửu Thiên Huyền Nữ và ác chiến nổ ra….

Cửu Thiên Huyền Nữ là đại thống lĩnh các tộc người Thượng Du Bắc bộ, còn có danh xưng là bà Chúa Thượng Ngàn. Người Việt hiện nay trong lễ cúng đất đai thần thánh và nhất là tục lên đồng vẫn tôn thờ vái van bà, cả hai danh hiệu Cửu Thiên Huyền Nữ và bà Chúa Thượng Ngàn được tuyên xướng và xem là hai nhân vật thần thánh.

Bà sinh hạ cô con gái Uhr Ka (U – ca) chưa đầy tháng đã phải lãnh đạo chuộc chiến đấu bảo vệ lãnh thổ. Được sự hỗ trợ của hơn 30 bộ tộc, bà tiến hành chiến tranh dai dẳng nhằm làm suy giảm nhuệ khí và uy thế tấn công của đoàn quân Việt. Cuộc chiến tranh kéo dài 16 năm trời, hai bên đều hao tổn cả về lực lượng quân sự lẫn khả năng kinh tế mà không có dấu hiệu dừng lại.

Công nương U ca ngày nào còn ẵm ngửa, nay đã trở thành mỹ nhân xinh đẹp, được xem như là nữ tiên đại biểu cho cái đẹp thượng du Bắc Bộ. Một ngày nọ, nàng bỗng xin phép mẹ là Cửu Thiên Huyền Nữ cầm binh ra trận. Người mẹ không thể nào đồng ý, vì địch quân thì mạnh bạo, còn cô con gái mình thì xinh non như ngọc như ngà, có thể nào đương cự được. Mỹ nhân biểu diễn thần võ của mình trước mặt mẹ, và người mẹ kiêu dũng bị thuyết phục vì thấy nàng không những xinh đẹp tuyệt trần mà còn có binh tài xuất chúng.

U ca diện bạch – kim bào ra trận, đoàn quân với đa số là nữ binh áo trắng xinh đẹp làm ngơ ngẩn cả núi rừng….

Hai đoàn quân kiêu dũng gặp nhau, hai chiến tướng ghìm ngựa nhìn nhau hồi lâu mà không có ý định xua quân tiến đánh. Tiếng sét ái tình đã nổ ra trước đầu chiến mã, đổi thay tất cả quan niệm và cuộc diện chiến tranh.

Dũng lược và tài năng lãnh đạo của Cửu Thiên Huyền Nữ cho phép Bà nhận ra ngay tính chất quyết định của cuộc hôn nhân kỳ lạ này : nó cho phép giải quyết cuộc chiến dai dẳng và hao tốn binh lực của cải, thêm bạn bớt thù mà còn làm tăng năng lực và nhuệ khí của núi rừng Bắc Bộ.

Cuộc hôn nhân của hai người được thần thánh hoá thành cuộc giao phối giữa thần Rồng Lạc Long Quân Và Tiên nữ Âu Cơ (U à Âu như chu sa à châu sa; Ca à Cơ như rà và rờ). Trên dưới 100 bộ tướng thành con nuôi của họ và trở thành 100 người con thánh hoá từ cuộc sinh nở phi thường ra chiếc bọc 100 trứng.(*)

Đất trời như cũng vang tiếng ngợi ca một dân tộc Việt vĩ đại ra đời, là hợp thể của nhiều tộc người từ thượng du cho đến trung du, đến tận đồng bằng và duyên hải Bắc bộ, mà sức mạnh của họ chinh phục mãi đến tận chót mũi Cà Mau như ngày hôm nay …

(còn tiếp)

========================

Chú thích :

(*) Danh sách 100 người con trai từ bọc trăm trứng

Lân Lang làm vua

49 người con theo cha Lạc Long Quân là:

Xích Lang, Quynh Lang, Mật Lang, Thái Lang, Vĩ Lang, Huân Lang, Yên Lang, Tiên Lang, Diên Lang, Tích Lang, Tập Lang, Ngọ Lang, Cấp Lang, Tiếu Lang, Hộ Lang, Thục Lang, Khuyến Lang, Chiêm Lang, Vân Lang, Khương Lang, La Lang, Tuần Lang, Tân Lang, Quyền Lang, Đường Lang, Kiều Lang, Dũng Lang, Aác Lang, Tảo Lang, Liệt Lang, Ưu Lang, Nhiễu Lang, Lý Lang, Châm Lang, Tường Lang, Chóc Lang, Sáp Lang, Cốc Lang, Nhật Lang, Sái Lang, Chiêu Lang, Hoạt Lang, Điển Lang, Thành Lang, Thuận Lang, Tâm Lang, Thái Lang, Triệu Lang, Iích Lang.

50 người con trai theo mẹ Âu Cơ là:

Hương Lang, Kiểm Lang, Thần Lang, Văn Lang, Vũ Lang, Linh Lang, Hắc Lang, Thịnh Lang, Quân Lang, Kiêm Lang, Tế Lang, Mã Lang, Chiến Lang, Khang Lang, Chinh Lang, Đào Lang, Nguyên Lang, Phiên Lang, Xuyến Lang, Yến Lang, Thiếp Lang, Bảo Lang, Chừng Lang, Tài Lang, Triệu Lang, Cố Lang, Lưu Lang, Lô Lang, Quế Lang, Diêm Lang, Huyền Lang, Nhị Lang, Tào Lang, Ngyuệt Lang, Sâm Lang, Lâm Lang, Triều Lang, Quán Lang, Cánh Lang, Ôốc Lang, Lôi Lang, Châu Lang, Việt Lang, Vệ Lang, Mãn Lang, Long Lang, Trình Lang, Tòng Lang, Tuấn Lang, Thanh Lang.

Trích theo http://www.binhthuan.gov.vn/khtt/vanhoa/0005/0001/DTDH1.htm

Nội dung trích dẫnĐất trời như cũng vang tiếng ngợi ca một dân tộc Việt vĩ đại ra đời, là hợp thể của nhiều tộc người từ thượng du cho đến trung du, đến tận đồng bằng và duyên hải Bắc bộ, mà sức mạnh của họ chinh phục mãi đến tận chót mũi Cà Mau như ngày hôm nay …

Như 3 bài trên đã phân tích, chúng ta thấy rõ ràng là người Việt chúng ta không hề có huyết thống gì với Lộc Tục (Kinh Dương Vương) và cả Lạc Long Quân, mà chỉ có giống nòi Lạc Việt mới là căn cứ đáng tin cậy nhất.

Những dữ liệu lịch sử từ Sử Ký Tư Mã Thiên (1) hay Đại Việt Sử Ký (1272) của Lê Văn Hưu không chép gì về đời Hồng Bàng. An Nam Chí Lược của Lê Tắc, viết tại Trung Hoa khoảng 1333, cũng không viết gì về đời Hồng Bàng. Phải đến khoảng 1377, trong Việt Sử Lược, một cuốn sách không rõ tác giả, mới có nhắc sơ qua đến đời Hồng Bàng. Một số thần phả còn bịa ra thụy hiệu của các vua Hùng (như Hùng Hy vương, Hùng Duệ vương...) nhưng tất cả đều không có dữ liệu đáng tin. Có thuyết còn tính một cách võ đoán rằng Kinh Dương Vương là Hùng Vương đầu tiên và Lạc Long Quân là Hùng vương thứ hai, sau đó chỉ có 16 Hùng Vương là hết thời Hồng Bàng.

Trong Việt Sử Tiêu Án (1775), Ngô Thì Sĩ (2) đã đặt nghi vấn về Kinh Dương Vương, Xích Quỷ, và nhiều truyền thuyết liên quan.

Niên đại của đời Hồng Bàng có bắt đầu từ 2879 trước công nguyên? Sử gia đặt nghi vấn này (như Trần Trọng Kim) tính từ con số truyền thuyết về vua Kinh Dương Vương (2879 trước CN), qua Lạc Long Quân và 18 vua Hùng (kết thúc 257 trước CN), tính ra 2322 năm cho 20 ông vua, trung bình mỗi người 121 năm. Một con số có tính ly kỳ và không có giá trị tham chiếu khoa học lịch sử.Nhiều người chấp nhận niên đại khoảng 600 trước CN là năm bắt đầu đời Hồng Bàng vì Việt Sử Lược ghi rằng nước Văn Lang bắt đầu từ đời vua Chu Trang Vương (696-682 trước CN). Nhưng lại cũng chẳng có bằng chứng xác đáng nào cả.

Về xác định niên đại của Lạc Long Quân, chúng ta thấy rõ ràng là Người chỉ phải tiến xuống phía nam khi nạn khô hạn kéo dài trên lưu vực đại giang Dương Tử tiến đến cao trào. Theo dữ liệu Địa Vật lý và thiên văn học cho thấy tại đây, vào năm 922 TCN đã có một trận hạn hán rất lớn kéo dài gần 5 năm trời, đến tận 917 TCN mới chấm dứt. Nghĩa là Lạc Long Quân dẫn đoàn quân nam tiến vào khoảng năm 921 đến 920 TCN (lấy mốc 920). Cộng với 16 năm chinh chiến và 10 năm chung sống không con cái với Âu Cơ rồi phân chia quân ngũ, thì Vua Hùng đầu tiên xuất hiện không sớm hơn năm 920 - 26 = 894 TCN. Xét thời điểm vua Hùng thứ 18 nhảy xuống sông tự tử khi thua trận và An Dương Vương (3) lập nước Âu Lạc năm 227 TCN thì thời gian trị vì trung bình của mỗi đời vua Hùng là (894 – 227) / 18 = 37 năm.

Đây là con số rất phù hợp với tuổi trị vì trung bình của vua chúa một thời hoà bình thịnh vượng.

Như vậy, có thể nói rằng không có thời đại Hồng Bàng, mà nó chỉ là sản phẩm tưởng tượng của một tác giả không rõ danh tánh thế kỷ XIV chăng ? Đó chỉ còn là vấn đề quan điểm của chúng ta đối với lịch sử mà thôi, vì mọi vấn đề chứng lý khoa học đã được phơi bày.

Lược sử cổ đại Việt Nam – những điều cần nói thêm :

1/. Người Lạc Việt sau cuộc hôn nhân vĩ đại Lạc Long Quân – Âu Cơ, đã hùng cứ phương Nam, trở thành người Kinh (4) và duy trì được sự tồn tại bản sắc văn hoá riêng trong khi những người đồng chủng của họ ở lại lưu vực đại giang Dương Tử đều bị đồng hoá trở thành một bộ phận của 56 dân tộc Trung Hoa ngày nay.

2/. Cho đến nay nhiều người vẫn nghĩ rằng người Kinh thuộc giống dòng Giao Chỉ (5). Nhưng chỉ cần xét đến anh em đồng hệ tộc thuộc Bách Việt (còn ở lại trên đất Trung Quốc) không hề có tài liệu nào ghi nhận tính trạng giao chỉ, cho thấy đó là một nhận thức lịch sử tai sai lầm. Sự thật là tính trạng giao chỉ rất phổ biến trong một số tộc người thượng du Bắc và Bắc Trung bộ Việt Nam. Như vậy có thể xác định rằng người Giao chỉ là cư dân bản địa – bà con huyết thống với chúng ta ngày nay trước khi người Lạc Việt đến phương Nam.

3/. Chữ Lạc (trong Lạc Việt) có nghĩa là nước, còn là tên một loài chim huyền thoại giống trĩ, hót hay và bay cao, lông trắng hay hoàng hồng. Việt: Nước - Bana: Đák - Sơ Đăng: Đák - Cua: Đaák - Xi Tiêng: Đaác - Mường: Rác - Tiếng địa phương bắc Trung Bộ: Nác đều là biến thể ngữ âm của từ Lạc còn lại đến ngày nay.

Lạc Việt là dân tộc đầu tiên trên thế giới biết trồng lúa nước, cuộc khai quật của Wilheim G. Solheim, thuộc đại học Hawaii lại cho thấy sau khi thử phóng xa C-14, mẫu lúa của người Hòa Bình, cho niên đại là khoảng 3500 trước Tây Lịch, sớm hơn ở Ấn Độ và Trung Quốc khoảng 1000 năm, nơi mà người ta vẫn cho là quê hương của loại lúa trồng này.

Chữ Lạc, về sau viết nhầm thành chữ Hùng (Ngô Sĩ Liên: trước là Lạc Tướng sau lầm ra Hùng Tướng - Lạc Tướng hậu ngọa vi Hùng Tướng), nhưng do ý nghĩa của chữ Hùng quá đẹp nên được dùng đến ngày nay. Lạc Vương --> Hùng Vượng

Chữ Việt ngoài nghĩa thông dụng Hán ngữ là vượt qua, còn có nghĩa là cái rìu lớn (phủ việt = búa rìu), một biểu hiện sức mạnh và uy quyền của các Lạc tướng, Lạc vương. Rìu đá trong các di chỉ thuộc đồ đá mới tại VN đã cho thấy rìu lớn là phát minh đặc sắc của cư dân Lạc Việt mà các anh em hệ tộc bách việt phía bắc không hề có.

=========================

Chú thích

1- Sử Ký (史記/史记; Shǐjì) của Tư Mã Thiên được viết từ năm 109 TCN đến 91 TCN, là kiệt tác của Tư Mã Thiên, trong đó ông ghi lại lịch sử Trung Quốc từ thời Hoàng Đế thần thoại cho tới thời ông. Vì là văn bản lịch sử Trung Quốc có hệ thống đầu tiên, nó ảnh hưởng cực lớn tới việc chép sử và văn chương Trung Quốc sau này.

2- Ngô Thì Sĩ (吳時士), hiệu là Ngọ Phong (午風) 1726-1780 - là một nhà sử học, nhà thơ thuộc tầng lớp nho sĩ trí trức . Quê ông là làng Tả Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Hà Tây). Ông đóng vai trò là người sáng lập Ngô Gia Văn Phái. Tác phẩm : Tác phẩm tiêu biểu nhất có sự tham gia của ông là Hoàng Lê Nhất Thống Chí (của Ngô Gia Văn Phái) sáng tác đầu thế kỷ thứ 19. Các tác phẩm sử học: Việt sử tiêu án, Đại Việt sử ký tiền biên, một phần Đại Việt sử ký tục biên.

3- Cho tới đầu công nguyên thời Hai Bà Trưng, người Việt vẫn chưa có họ. Do đó họ Thục của An Dương Vương là một nghi vấn. Nước Thục (ở Tứ Xuyên ngày nay) mất năm 316 TCN. Chống Tần thất bại, con cháu họ chạy xuống phía bắc nước Văn Lang, sống với người Âu Việt. Sau một thời gian đứng vững, thủ lĩnh Âu Việt thôn tính Lạc Việt. Không hẳn thủ lĩnh Âu Việt đã là dòng dõi nước Thục cũ mà có thể chỉ là con cháu của tướng lĩnh, quan lại cũ của Thục, xưng làm họ Thục để thu phục nhân tâm vùng Âu Việt.

Bộ sử lâu đời nhất và gần thời An Dương Vương nhất là Sử ký Tư Mã Thiên chỉ nhắc tới nước Âu Lạc mà không nhắc tới An Dương Vương họ Thục.

4- Người Kinh, hay dân tộc Kinh (京族; jīngzú, Kinh tộc) là tên gọi của người Việt sống tại Trung Quốc. Vào khoảng thế kỷ 16, có một số lượng người Việt di cư lên phía bắc vào lãnh thổ Trung Quốc. Tuy đã bị ảnh hưởng Trung Hoa nhiều hơn, con cháu những người này vẫn còn nói tiếng Việt và được công nhận là một dân tộc thiểu số tại Trung Quốc. Họ tạo thành một trong số 56 dân tộc được chính thức công nhận tại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Họ nói tiếng Việt và sinh sống chủ yếu trên 3 đảo ngoài khơi khu tự trị người Choang Quảng Tây, nhưng tiếng Việt của họ đã pha trộn nhiều với tiếng Trung và có nhiều từ cổ của tiếng Việt. Về chữ viết, ngày nay họ sử dụng Hán tự. Năm 2000 ước tính có khoảng 22.000 người Kinh tại Trung Quốc.

5- Tính trạng Giao Chỉ : đó là tính trạng di truyền thể hiện bằng hai ngón chân cái của bàn chân chìa ra, chạm nhau khi người đứng thẳng. Sử liệu Trung Hoa chưa từng ghi nhận tính trạng giao chỉ trong cộng đồng bách việt từ ngàn xưa đến nay.

Quốc Gia đầu tiên của người Việt và Hiến Pháp đầu tiên của Nhân Loại.

Quốc Gia đầu tiên của người Việt

Năm 1221 TCN, đoàn người Âu (甌), còn gọi là Tây Âu (西甌) thuộc chủng Arriane trên đại bình nguyên lưỡng hà Ấn - Hằng từ phía Tây Trung Hoa tràn vào đất Lĩnh Nam của cư dân Bách Việt. Họ nhập vào các nhóm Bách Việt và dần dần trở thành một bộ phận của Bách Việt và càng ngày càng xa rời phong tục tập quán của lưu vực Ấn - Hằng, nên được gọi là Âu Việt (甌越). Họ cao lớn, có năng lực thể chất và thể trạng hơn hẳn các nhóm dân Bách Việt khác, ưu thế trong chiến đấu và xây dựng của họ nhanh chóng được khẳng định và trở thành một đầu tàu, một ngòi nổ mạnh trong cuộc chiến không ngừng giành quyền sống của cộng đồng bách Việt trong thời mông muội của lịch sử.

Khi đoàn người Bách Việt tràn xuống phương Nam tìm đất sống thì đại bộ phận Âu Việt lang thang qua các vùng đất lửa Trung Hoa. Họ dần dà quay lại đất Lĩnh Nam, theo chân đoàn di dân cơ học Bách Việt về đất Giao Châu và quần cư với người Lạc Việt trên dải đất lưu vực sông Hồng phì nhiêu màu mỡ. Năm 227 TCN, thủ lĩnh Âu Lạc mượn tiếng họ Thục để giành lấy quyền làm chủ phương Nam và lập ra Vương Quốc Âu Lạc đầu tiên trong lịch sử Giao Châu.

Nội dung trích dẫnCho tới đầu công nguyên thời Hai Bà Trưng, người Việt vẫn chưa có họ. Do đó họ Thục của An Dương Vương là một nghi vấn. Nước Thục (ở Tứ Xuyên ngày nay) mất năm 316 TCN. Chống Tần thất bại, con cháu họ chạy xuống phía bắc nước Văn Lang, sống với người Âu Việt. Sau một thời gian đứng vững, thủ lĩnh Âu Việt thôn tính Lạc Việt. Không hẳn thủ lĩnh Âu Việt đã là dòng dõi nước Thục cũ mà có thể chỉ là con cháu của tướng lĩnh, quan lại cũ của Thục, xưng làm họ Thục để thu phục nhân tâm vùng Âu Việt.

Bộ sử lâu đời nhất và gần thời An Dương Vương nhất là Sử ký Tư Mã Thiên chỉ nhắc tới nước Âu Lạc mà không nhắc tới An Dương Vương họ Thục.

Không còn nghi ngờ gì nữa, chính An Dương Vương mới là người xây dựng nên cường quốc Âu Lạc , 227 TCN. Một cuộc giao hoà rất đẹp giữa hai nguồn GEN : Lạc Việt có ưu thế khéo léo và khả năng ngôn ngữ cộng với Âu Việt có tính trạng tuyệt vời, hiếu chiến và giàu tính phấn đầu (*)

Hiến pháp đầu tiên của Nhân loại.

Thế giới công nhiên thừa nhận Hiến Chương Octavius - Hoàng Đế La Mã - công bố khoảng năm 240 là hiến pháp đầu tiên của nhân loại.

Nhưng chú ý rằng Chiếu "Lịch Dân Lập Quốc" của An Dương Vương nhằm khẳng định vương quyền Âu Lạc công bố trước Hiến Chương Octavius gần 500 năm (chính xác là 467 năm) mới là Hiến Pháp đầu tiên của Nhân Loại. Niềm tự hào của người Việt là từ niềm kiêu hãnh Âu Lạc chứ không phải là Con Rồng Cháu Tiên hay gì gì đó đầy ảo ảnh. Tiếc là vào thời đó (227 TCN), người Việt chưa có chữ viết, chưa có cả chữ Nôm nên Hiến Pháp đầu tiên của người Việt và Nhân loại phải viết bằng chữ Hán cổ, trúc trắc và đầy dị bản.

TrangHuyenDo-Techno

=============================================

(*) Từ nguyên nhân này mà trong cộng đồng người Việt, thậm chí trong một gia đình, thường có 2 nhóm tính trạng khá tương phản thể hiện 2 nhóm GEN : chị (anh) cao lớn kiểu Âu và em (trai, gái) đậm người kiểu Lạc.

Ví dụ : Hai chị em Thuý Kiều - Thuý Vân được Nguyễn Du diễn tả rất tinh tế các xu thế tính trạng :

Vân xem trang trọng khác vời

Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang

.......

Kiều càng sắc sảo mặn mà

So bề tài sắc lại là phần hơn

Làn thu thuỷ nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh

Phân tích ngữ nghĩa cho thấy Vân đẹp kiểu đầy đặn, sung mãn kiểu Lạc, còn Kiều thì lại cao gầy, ẻo lả kiểu Âu, như dáng vẻ cái đẹp hiện đại...

*** Xin khẳng định lại một lần nữa là ở đây chỉ có vấn đề GEN trội, GEN lặn trong một dân tộc Việt Nam thống nhất và duy nhất chứ không có bất cứ vấn đề chủng tộc hay sắc tộc nào khác. Mọi luận điệu khác đi là hoàn toàn sai lạc với lịch sử thật sự đáng tự hào của Dân Tộc Việt Nam.

Tranghuyendo_Techno

Share this post


Link to post
Share on other sites

Bánh Chưng Bánh Dầy...GS Trần Quốc Vượng

http://www.lyhocdongphuong.org.vn/diendan/...vuong/t656.html

một vài đô thị Việt Nam hiện đại, như thủ đô Hà Nội, người ta đã làm và bán bánh chưng, bánh dầy hằng ngày, như một thứ hàng quà, để phục vụ cho thị hiếu thích ăn quà của người dân đô thị. Quà là để ăn chơi, tất nhiên cũng có thể "ăn no quà", nhưng về bản thể luận, quà là món ăn chơi, ăn qua loa thôi, chứ không phải là thứ lương thực thực phẩm chủ yếu, hằng ngày...

Trong phong tục học và tâm (lý) học, người ta thường phân biệt hai cặp phạm trù:

Posted Image Cái thiêng liêng/cái thông thường (hay cái thiêng và cái tục).

Posted Image Cái nghi lễ/cái hằng ngày.

Giữa hai phạm trù này, có một phép biện chứng chuyển hóa lẫn nhau.

Ví như xôi, vốn là lương thực hằng ngày của người Việt cổ thời đại Đông Sơn - Âu Lạc trở về trước (trong nhiều di chỉ Phùng Nguyên - Bàu Tró đã tìm thấy chõ đồ xôi bằng đất nung) cũng như của các cư dân Thái-Mường miền thung lũng trước Cách mạng Tháng Tám

Với xu hướng "tẻ hóa" của nhà nông trồng lúa nước (do áp lực dân số và nhu cầu tăng năng suất lúa), dần dà người Việt thời Lý, Trần và người Thái người Mường hôm nay hằng ngày đều dùng cơm tẻ. Người ta dành chỗ xôi cho những ngày giỗ chạp, tết nhất, cưới xin, ma chay... nghĩa là chuyển hóa xôi thành món ăn nghi lễ.

Bánh chưng bánh dầy ở đô thị thời hiện đại đã thuộc phạm trù cái hằng ngày, hay nói cách khác, đã được giải thiêng.

Nhưng ở thời đại Việt cổ truyền, và chừng nào đó, ở nông thôn Việt Nam cho đến Tết xuân này, bánh chưng bánh dầy vẫn thuộc phạm trù nghi lễ. Người ta chỉ làm và dùng nó (dùng để cúng, để ăn, để làm quà biếu tặng nhưng thường không để bán) trong ngày Tết hay trong những ngày lễ hội (nhiều làng đồng bằng Bắc Bộ có tập tục Tết, rằm tháng Giêng cúng và dùng bánh chưng, lễ hội tháng Ba lịch trăng (Mồng 3, mồng 6, mồng 10...) cúng và dùng bánh dầy, chè kho).

Ngày trước, bánh dầy, bánh chưng là những lễ vật và món ăn dân tộc. Bây giờ nó vẫn còn là món ăn dân tộc đáng cho ta gìn giữ và trân trọng. Nhưng xin nhận thức lại cho đúng mức hơn: Nó không phải là lễ vật và món ăn độc đáo Việt Nam theo nghĩa chỉ Việt Nam mới có, mới dùng.

Bà Á Linh, giảng viên trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội là người Việt gốc Hoa, quê gốc ở Tứ Xuyên, theo chồng Việt Nam sang sinh sống và công tác ở Hà Nội từ mấy chục năm nay, nhân ngày tết cổ truyền năm con Khỉ (1980) đã cho tôi biết là ở Tứ Xuyên quê bà có loại bánh lễ gần giống như "bánh Tét" (bánh chưng gói tròn như cái giò) và được gọi âm Hán Việt đọc là "tông bính" nhưng âm Hán Tứ Xuyên đọc gần như Téung pính.

Ông Ohayashi Taryo, giáo sư nhân học văn hóa trường Đại học Tokyo trong bài báo cô đúc "Vị thần lấy trộm giống lúa" (Xem thông báo UNESCO tháng 12-1984, số chuyên đề về "Những nền văn minh lúa gạo") lại cho ta biết món bánh mochi rất phổ biến và quan trọng của bếp ăn Nhật Bản "được làm bằng gạo nếp hạt ngắn đem đồ lên đến khi chín mềm rồi đem giã nóng bằng chầy cho đến khi thành bột dính trong đó không còn phân biệt được hạt nữa... Mochi đóng vai trò quan trọng trong lễ tết, đầu năm mới ?

Đó chính là bánh dầy với các loại hình to nhỏ khác nhau, được bày thành hàng trên bàn thờ cúng tổ tiên và sau đó được ăn với thứ cháo đặc biệt gọi là ojoni trong bữa ăn nghi thức sáng mồng một Tết của người Nhật.

Cho nên, xin nói lại cho chính xác hơn là bánh chưng - bánh dầy là sản phẩm độc đáo của một vùng văn minh lúa gạo rộng lớn ở Đông á và Đông - Nam Á. Tất nhiên Giáo sư viện sĩ Đào Thế Tuấn cho ta biết là lúa nếp có loại hình đa dạng nhất và điển hình nhất là ở lưu vực sông Hồng. Bởi vậy, nơi đây phong phú các lễ vật và món ăn được chế tạo từ gạo nếp. Dù sao, bánh chưng vẫn là lễ vật và món ăn cổ truyền điển hình nhất của ngày Tết Việt Nam.

Tôi xin đưa ra một minh giải văn chương: Bà con cô bác miền nam gọi bánh chưng là bánh tét, chữ bánh tét này là tiếng đọc chạnh kiểu miền nam của bánh tết. Và nhân đây xin thanh toán một "ngộ nhận văn hóa". Thoạt kỳ thủy, bánh chưng không được gói vuông như bây giờ mà gói tròn như bánh Nam Bộ, gọi là đòn bánh tét là hoàn toàn chính xác. Ngay giờ đây, xin các bạn chỉ quá bộ sang Cổ Loa, Đông Anh ngoại thành Hà Nội thôi, vẫn thấy bà con cố đô Cổ Loa gói bánh chưng như đòn bánh tét và vẫn gọi nó là bánh chưng, thảng hoặc mới gói thêm bánh chưng vuông. Thế cho nên, cái triết lý gán bánh chưng vuông tượng Đất, bánh dầy tròn tượng Trời là một "ngộ sự văn hóa". Trời tròn đất vuông là một triết lý Trung Hoa muộn màng được hội nhập vào triết lý Việt Nam. Đó không phải là triết lý dân gian Việt Nam. Nó không phải là Folklore (nguyên nghĩa: trí tuệ dân gian) mà là Fakelore (trí tuệ giả dân gian).

Bánh chưng tròn dài tượng Dương vật, như cái chày, cái nõ. Bánh dầy tròn dẹt tựa Âm vật, như cái cối, cái nường.

Đó là tín ngưỡng và triết lý nõ-nường-chày-cối-chưng-dầy của dân gian, của tín ngưỡng phồn thực dân gian. Ngay như khi đã gói bánh chưng vuông, dân gian ngày trước vẫn có tục lệ buộc hay ấp hai chiếc bánh một sấp một ngửa đặt trên bàn thờ và khi biếu họ hàng khách khứa ngày trước dân gian cũng giữ tục biếu một cặp bánh chưng (cũng như trước đấy bao giờ dân ta cũng mua một đôi chiếu) chứ không bao giờ tặng một chiếc bánh chưng (cũng như không bao giờ mua một chiếc chiếu). Nhân tiện nói thêm: việc mua hay chặt cây mía cả gốc cả ngọn đặt bên bàn thờ với giải thích hữu thức ngày sau đó là "gậy chống của ông vải" về nguyên ủy cũng thuộc về tín ngưỡng phồn thực.

Bánh chưng gói ghém trong nó cả một nền văn minh nông nghiệp lúa gạo. Trong bầu khí văn minh đó, người Việt Nam sống vừa hòa hợp (thích nghi tối đa và tối ưu) vừa đấu tranh (biến đổi) với tự nhiên. Lá dong gói bánh là lá dong riềng lấy sẵn của thiên nhiên. Cái bánh chưng, là sản phẩm của trồng trọt và chăn nuôi Việt Nam: gạo nếp, đỗ xanh, hành, thịt lợn... Cái đặc sắc, độc đáo của bánh chưng không phải chỉ là, thậm chí không phải chủ yếu là ở từng yếu tố họp thành cái bánh mà là ở cơ cấu của bánh, nó tạo nên nét khác biệt trong hình khối, mầu sắc, hương vị của bánh chưng so với các loại xôi đỗ và bánh nếp khác. Với gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn... có thể tạo nên mấy chục loại bánh xôi Việt Nam dùng hằng ngày như quà và trong các dịp cưới xin, giỗ, tết như lễ phẩm.

Huyền thoại quy công sáng tạo bánh chưng bánh dầy cho Lang Liêu, một người con thứ của vua Hùng, tổ dựng nước Việt Nam. Cũng như "vua Hùng", "Lang Liêu" là một "anh hùng văn hóa", nó không hề hiện hữu như một cá thể (cá nhân) nhưng chỉ tồn tại trong công thể (cộng đồng) của nhân dân, dân tộc Việt Nam. Lang Liêu có tài sáng tạo, làm ra bánh chưng bánh dầy cho nên được nhường ngôi, trở thành "vua Hùng" mới. Tuy cũng là cha truyền con nối như xu hướng phổ quát của lịch sử loài người, nhưng không truyền cho con trai trưởng (trước thế kỷ 19, dường như Việt Nam không có tập tục này và sau đó cho mãi đến thế kỷ 14, 15 (Hồ Quý Ly cũng không nhường ngôi cho con trai trưởng là Hồ Nguyên Trừng mà cho con thứ là Hồ Hán Thương) nó vẫn là một truyền thống yếu, có xu hướng ngoại sinh) theo lý, cũng không truyền ngôi cho con trai của một bà ái phi nào theo tình, mà truyền ngôi cho con nào hiền tài, đó là sự kết hợp giữa truyền tử và truyền hiền, đó là sự hòa hợp lý tính thời cổ đại...

Trong các cuộc thi tài thuở trước, mà ở đây là thi nấu cỗ, có biết bao người con của "vua Hùng" đã làm ra biết bao nhiêu món lạ, lạ mắt, lạ miệng... những sơn hào hải vị kiếm tận đâu đâu... Cái giỏi của "Lang Liêu", cái con mắt tinh đời của "vua Hùng" cũng là cái sáng giá trong bảng giá trị văn hóa của dân tộc dân gian là tìm cái phi thường trong cái thường thường. Trong tâm lý thường nghiệm, có thói quen chuộng lạ, ưa của lạ. Cái hằng ngày thân quen, nếu không biết cách nhìn, cách thưởng thức, cách biến đổi thành cơ cấu mới từ những nhân tố quen thuộc thì dễ trở thành nhàm chán.

Tìm cái đặc biệt trong những của lạ thì nào có khó khăn gì! Có khả năng diễn tả cái phi thường bằng những cái bình thường mới là một tài năng đặc biệt không dễ nhận ngay được giá trị vì cứ tưởng là không khó mà thật ra rất khó, vì nó đòi hỏi sự thấu hiểu, sự đi sâu tìm hiểu, sự nhập thể rất sâu trong lòng văn hóa và nhân dân...

Trần Quốc Vượng

Share this post


Link to post
Share on other sites

MỘT BÀI VIẾT PHẢN BIỆN THÀY TRẦN QUỐC VƯỢNG

Người giới thiệu: 50qhx103

Nguồn: svnv.org

Trong một lần lang thang trên những diễn đàn về lịch sử, em tình cờ đọc được một bài viết của ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh, dưới tên Thiên Sứ viết với nhan đề "Phản Biện Trần Quốc Vượng", hôm nay em xin post lên diễn đàn bài viết đó, đồng thời cũng post cả bài của GS Trần. Chắc có bác đã đọc qua, nhưng chắc cũng nhiều người chưa biết. Tự nhận thấy mình còn non trình quá nên không dám đưa ra ý kiến thảo luận, kính mong các bậc "đức cao vọng trọng" đưa ra những ý kiến chỉ rõ hay dở để chúng em được mở mang thêm kiến thức. Vô cùng cảm ơn! Chúc các bác an lành.

TỪ HOA LƯ ĐẾN THĂNG LONG

Gs. Trần Quốc Vượng

Những thủ lĩnh địa phương và lãnh địa.

Thời đại văn hoá Đông Sơn, thời đại các Vua Hùng không nên xem là một thời đại của vương triều thống nhất. Văn Lang là cái tên xuất hiện trong sử một cách muộn mằn (thời nhà Đường, thế kỷ thứ VII đến thứ IX). Tôi đã chứng minh rằng Vua hùng là một Po Khun – thũ lĩnh mạnh nhất cũa một phức thể Khun (Vua = Bua = Pò; Hùng = Khun) tức hệ các thủ lĩnh địa phương chiếm cứ các vùng từ đỉnh châu Thổ sông Hồng (Việt Trì) đến các vùng bãi biển. Theo truyền thuyết và theo sử cũ thì lúc bấy giờ có 15 bộ. Ông Giáo sư Tiến sĩ Mỹ Keith Taylor đã dịch một cách tài hoa và lạnh lùng các Lạc tướng là “Lord” và vua Hùng là “Overlord”.

Cuối đời Hùng nổi lên nhân vật Thục Phán (An Dương Vương) và nước Âu Lạc, thành Cổ Loa.

Cổ Loa (nay thuộc Đông Anh, ngoại thành Hà Nội)nằm gần ngã ba Dâu Canh, được giới địa lý học coi là đỉnh thứ hai của tam giác châu Bắc Bộ, sau cái đỉnh thứ nhât là ngã ba Hạc - Việt Trì.

Sự dịch chuyển đỉnh châu thổ sông Cái (Nhị - Hồng) từ trung du tới vùng châu thổ cao (địa) khéo theo sự chuyển di trung tâm phức thể Việt với một tổ chức nhà nước Âu Việt sơ khai (Chính tri). Điều đó là đúng với quy luật địa chính trị, địa chiến lược, địa văn hoá.

Tôi và Cầm Trọng đã chứng giải “Thục Phán” không phải là một tên riêng (nhân danh) mà là một từ - chức năng : “Túc Phắn” chỉ thủ lĩnh đi “mở đất mở mường”.

Đất nước trải ngàn năm Bắc thuộc. Nhưng Nam Việt Triệu Đà (180-137tr.CN) rồi Tây Hán Vũ Đế (111tr.CN-8 năm sau CN) cũng chỉ phái “sứ giả” (Triệu) hay thứ sử , thái thú (Hán) cùng một số đạo quan binh sang đóng giữ các miền ở Mê Linh, ở Luy Lâu rồi Long Biên……(tại xứ Đoài, xứ Bắc ngày sau) và thu cống nạp chứ bên dưới vẫn “để Lạc tướng trị dân như cũ”, “dĩ kỳ cố tục trị” (Tiền Hán thư). Và Hai bà Trưng vẫn được ghi là “con gái Lạc tướng Mê Linh” và Thi (hay Thi Sách) là “con trai Lạc tướng Chu Diên”. Thái thú Tô Định tàn ngược định dùng pháp chế Hán thắt buộc hạn chế thế lực thủ lĩnh địa phương cũ (“dĩ pháp thằng chi”- Hậu Hán thư) thì lập tức con cái Lạc tướng và các thủ lĩnh cổ truyền đã vì oán giận, nổi dậy chống Hán. Không nên xem Khởi Nghĩa Bà trưng là biểu hiện cũa sự trỗi dậy của tinh thần dân tộc, cùng lắm nên xem đó là một ý thức đòi cách sống riêng của người Việt cổ, không chấp nhận lấy lối sống Hán- Hoa, làm một khuôn mẫu phổ biến. Tôi đề nghị giới khảo cổ sử học Việt Nam nên coi khởi nghỉa Hai Bà Trưng là một phản ứng văn hoá - chính trị.

Dù sau năm 43-44, Mã Viện và chính quyền Đông Hán có can thiệp sâu hơn xuống cấp huyện (vùng), nhưng cuối thời Đông Hán đầu thời Tam quốc, đất Việt - với Sĩ Nhiếp và các em ông, tuy tổ tiên 6 dời là ở nước Lỗ (Sơn Đông) nhu8ng7 sang Nam Việt – Giao Chỉ đã lâu và đã nhiều phần bản địa hoá - về thực chất vẫn là một dất tự trị, tự quản.

Thời Lục triều (Nguỵ Tấn Nam Bắc triều) cũng như vậy. Triều đình trung ương Trung Hoa thì suy yếu, các thế lực địa phương vẫn mạnh mẽ. Nhiều quan lại Tống, Tề, Lư

ơng, Trần (Nam triều Trung Hoa, mà phần Hoa bắc đã bị Ngũ Hồ loạn Hoa chiếm giữ) cử sang Giao Châu chỉ là “hữu danh vô thực”, rất chông chiêng. Chúng ta, giới sử học Việt Nam nên đặt cuộc khởi nghĩa Lý Bí giữa thế kỷ VI và việc thành lập nước Vạn Xuân với danh hiệu Lý Nam Đế (Tiền, Hậu) trong bối cảnh đó.

Nên chăng cần ghi nhận, với Lý Nam Đế và nước Vạn Xuân, người Việt sau 600 năm Hán hoá đã bắt đầu có ý thức quốc gia và tinh thần “vô tốn (không thua kém, không lùi bước) Trung Hoa”. (Kháiniệm “vô tốn” và “ bất dị” (không khác) Trung Hoa là do Lê Quý Đôn khái quát lại về sau, ở thế kỷ XVIII). Đằng sau Lý Nam Đế là thế lực tinh thần Phật Giáo , thế cho nên lột Lý Xuân nào đó của tịch thư Trung Hoa thì lại tự xưng là Lý Phật Tử (Con Phật).

Cuối đời Tuỳ (605-617), đế quyền Trung Hoa suy yếu thì các thế lực địa phương lại trỗi lên, diển hình là cha con Lê Cốc (Lê Ngọc) ở Ái Châu (Thanh), và Hoan Châu (Nghệ An) - tức là vùng ngoại biên của không gian xã hội Việt – mà nàh Đường tuy lên ngôi ở Trường An năm 618 nhưng phải đến 622 mới tạm dẹp yên được để có được một An Nam đô hộ phủ với trung âm là Tống Bình – Hà Nội ngày nay.

Từ Cổ Loa xuống Luy Lâu – Long Biên nửa đầu thời thuộc Bắc 600 năm là sự dịch chuyển từ vùng cao xuống vùng thấp châu thổ sông Hồng và (sông Thái Bình) đã khẩn trương hơn do áp lực dân số ngày càng tăng và cũng do kỹ thuật đồ sắt hậu Đông Sơn, kỹ thuật thuỷ lợi tưới tiêu nước ruộng đồng Lạc điền ngày càng tiến bộ và phát huy rộng rãi (Phong Khê; vùng Cổ Loa – Đông Ngàn cũ đã có đê) (Hậu Hán thư) , một phần do hội nhạp kỹ thuật thuỷ lợi và trị thuỷ Trung Hoa vùng ven biển từ Phúc Kiến đến Quảng Đông ngày nay ( Mã Viện do sử chép ( Hậu Hán thư) đã đào sông khơi ngòi …sinh lợi cho dân”). Đấy vẫn là những hệ thuỷ lợi và trị thuỷ cổ truyền của người Bách Việt cũ được người Hán tiếp thu và truyền dạy lại. Và Luy Lâu là trung tâm buôn bán, trung tâm truyền bá Phật giáo, Nho Giáo, Đạo giáo. Ở thời đó Phật giáo còn nhiều chất pha trộn Bà-la-môn giáo .

Sử sách nhà Đường và nhà Tống chép hồi cố về nhà Đường như Cựu Đường thư, Tân Đường thư và Man thư, Nguyên Hoà quận huyện chí, Thái Bình hoàn vũ ký , Đường hội yếu ..v…v .. kể cả Tuỳ thư cho ta biết nhà Đường và nhà Tuỳ đã từng bước đổi mới cơ cấu chính trị - hành chính ở đất Việt khá ổn định. Với các cấp An Nam đô hộ phủ, Châu (12 châu như Giao, Trường, Ái, Hoan, Lục (Hoàng) và kể cả các châu “ki mi” (ràng buộc lỏng lẻo ở miền núi Việt Bắc và một phần Tây Bắc hiện nay) rồi xuống Huyện, Hương và Xã nữa (đơn vị xã có ở đất Việt từ thời thuộc Đường (VII - đầu X), rất nhiều quan cấp sử An Nam đô hộ, Tiết độ sứ…) là người phi Hoa hay chỉ nửa Hoa như Khang Thái. Y như thời Tam Quốc Nam Bắc triều, có rất nhiều thái thú Cửu Chân ( Thanh Nghệ) có họ Mạnh của Mạnh Hoạch hay họ Thoán người gốc Di (Tạng Miến) Vân Nam như Thoán Cốc, Mạnh Thống v..v.. Đây là vấn đề rất lý thú để hiểu thêm về ảnh hưởng Tạng Miến, ảnh hưởng thảo nguyên trung Á đến nền văn hoá việt nam như MậtGiáo , Sa Man giáo… Đồ làng Vạc Đông Sơn muộn cũng như trống đồng Hưng Yên , Quảng Trị có nhiều mô típ trong trang trí kiểu Điền (Vân Nam) . Song, Tuỳ Đường thư vẫn không chối cãi được một sự thật là chính quyền Trung ương Trung Hoa chỉ cử quan được đến cấp châu “còn ở bên dưới, cấp huyện, thì tuỳ tiện tuyển bổ “bọn cừ suý Lý Lão Man” làm huyện quan và ràng buộc chúng lỏng lẻo mà thôi”

Cho nên ta đừng nhìn thấy cơ cấu chính trị - tư tưởng Trung Hoa quá mạnh xuống tới cơ sở. Nó chỉ là một lớp sơn mỏng – dày tuỳ nơi, tuỳ lúc phết lên cái lõi văn hoá Việt. Và thật chính xác, khi nói cái làng Việt luôn là cứ điểm chống Hoa hoá cả về chính trị và văn hoá. Làng Việt là nơi lưu giữ bản sắc dân tộc và dân gian lâu dài nhất.

Từ Lục triều Tuỳ Đường trở đi, sư sãi đã trở thành lớp trí thức Việt đầu tiên (chứ không phải là nho sĩ, còn lẻ tẽ lắm và thiếu tổ chức lại, ưa vọng ngoại “Nam nhân Bắc hướng”). Và trớ trêu thay, hay nghịch lý thay, thực ra là thuận lý khi lớp sư sãi Việt bản địa và cả gốc Hoa lâu đời, nhiều người đã đi hành hương sang Thiên Trúc, nhiều bậc cao tăng đã sang tận kinh đô Trường An giảng kinh cho vua Đường, có người sang cả kinh đô Nara (Nại Lương) của Nhật Bản nữa, họ đủ chất kinh lịch, từng trải vượt lên trên lớp tiểu nông Phật tử “sống ở làng”, họ hội tụ và kết tinh tinh hoa đất thần linh - người Việt và họ trở thành đại diện của tinh thần quốc gia dân tôc Việt, họ trở thành kẻ tiên tri của nền tự chủ Việt và bằng thế lực tinh thần - vật chất của tự viện, họ trở thành người lãnh đạo tinh thần cho phong trào tự chủ Khúc – Ngô – Đinh – Lê ở thế kỷ thứ X,cái “I An Mil” làm bước ngoặt lịch sử cho cả nước ta, nước Tàu và thế giới Phương Tây.

12 sứ quân:

Sự hoài cổ tiền Bắc thuộc:

Thế kỷ X là một sự đảo lộn chính trị, một sự lộn xộn nữa, nhưng khuynh hướng chính là tiến bộ, tiến tới nền tự chủ của nước nhà.

Tôi rất thích thú về lời ca thán của nhiều sử sách Trung Hoa: “Dân Việt rất khó cai trị, rất thích làm loạn”. Tiếp cận văn hoá học thì “thông điệp” đó có nghĩa là người Việt thích lối sống riêng, không thích sự áp đặt chuyên quyền độc đoán của khuôn mẫu Trung Hoa. Đấy là quan điểm đầy nhân tính, cận nhân tình và do vậy cũng là một số hằng số văn hoá rất hiện đại và luôn có tính thời sự. Quan điểm đó được kết tinh ở tầng lớp Thiền sư và hào trưởng địa phương.

Chính quyền trung ương quân chủ nhà Đường suy yếu và chết hẳn vào năm 907 để Trung Hoa mở ra cục diện “Ngũ đại thập quốc” kéo dài hơn nửa thế kỷ X. Đấy là thời cơ thuận tiện để dân ta nổi dậy dành chính quyền tự chủ.

Sự nghiệp xây dựng tự chủ đầu tiên là họ Khúc ở Hồng Châu (Bình Giang, Hải Dương) vốn là một hào trưởng địa phương. Lợi dụng sự trống chỗ của Tiết độ sứ cai quản an toàn An nam, Khúc Thừa Dụ đã nổi dậy kéo quân về đô hộ phủ (An Nam, Tống Bình, Hà Nội) và tự xưng Tiết độ sứ năm 905. Đấy là một mưu mẹo chính trị hay và mềm dẻo. Ông đã vạch ngay được một phương hướng chiến lược chính trị mà mấy trăm năm sau vua chúa Đại Việt còn áp dụng:

“Chính sự cốt chuộng Khoan Dung - Giản Dị để cho dân chúng được An Cư - Lạc nghiệp” (Cương Mục). Khúc Thừa Dụ mất năm 907, con ông là Khúc Hạo chỉ để tang cha có 7 ngày (một ứng sử phi Nho) đã bắt tay cầm quyền trị nước , cải cách hành chính, đổi hương làm xã và đặt chức xã quan (củng cố chính quuyền cơ sở ), giảm tô thuế (so với định mức tô – dung - điệu của nhà Đường trước) để sinh lợi cho dân. Nhưng con ông, Khúc Thừa Mỹ hèn yếu, bất lực và thần phục nhà Hậu Lương là một trong ngũ đại ở Trung Hoa (do bị áp lực của Nam Hán, bấy giờ là Nam Hán chứ không còn là Nam Việt thời Triệu Đà nữa, có sự bàn bạc của triều đình Quảng Châu ngàn năm sau Triệu Đà, trải Hán - Đường thống trị và di dân đồng bào hoá đã hoàn toàn Hán hoá rồi, còn Giao Chỉ - Cửu Châu, mức độ Hán hoá thấp, vẫn là đất Việt, dân Việt tuy sống lối sống đã khác với người Việt cổ Đông Sơn)

Khúc Thừa Mỹ đã đi bước lùi của lịch sử hẳn vì dù đã có Đại La (Hà Nội) vẫn không khống chế nổi các hào trưởng địa phương, phải cầu viện ngoại viện (nhà Lương). Quân Nam Hán tiến sang, bắt Khúc Thừa Mỹ và đem về Quảng Châu. Ông này chết mất tích ở Quảng Châu. ?

Nhưng lại có hào trưởng ở Ái Châu là Dương Đình Nghệ (nha tướng cũ của Khúc Hạo) diệt tướng nam Hán , xung Tiết độ sứ. Xứ Thanh bước vào vũ đài lịch sử là bắt đầu từ đây, cho dù, hay chính vì, xứ Thanh là miền “ngoại biên” của đất Việt.

Hào trưởng Châu Phong (mạn Phúc Thọ) là một thế lực lớn ngoại biên gần châu thổ sông cái đã kéo quân giết Dương Đình Nghệ. Ngô Quyền – con Ngô Mân tướng quân “Thứ sử châu Phong đời đời là nhà quý tộc quê Đường Lâm”, và là con rể Dương Đình Nghệ - đã kết liễu Kiều Công Tiễn rồi dẹp giặc bên Nam Hán ở Bạch Đằng, dựng lại quyền từ chủ (châu Thao gồm 2 nửa ở hai bên sông Thao,hữu ngạn (Sơn Tây sau) là phạm vi thế lực của Ngô, tả ngạn (Vĩnh Phúc, Phú Thọ sau) là phạm vi thế lực của họ Kiều.

Sử cũ ghi chép chuyện đánh lẫn nhau rồi bên yếu cầu ngoại viện.Thực chất của cuộc nội chiến này, theo tôi, là sự đấu tranh giành quyền lực tối cao trên đất Việt của các thủ lĩnh địa phương (mà GS O.W. Woleters gọi là các “man of proess” = người dũng mãnh)

Chính quyền quân chủ Trung ương Đường suy tàn rồi biến mất tạo ra một khoảng trống quyền lực ở đất Việt (An Nam đô hộ phủ), một cái “hẫng hụt trung ương” mà nhiều hào trưởng địa phương có tham vọng điền vào chỗ trống ấy.

Do vậy theo tôi không nên nhìn thời kỳ “Thập nhị sứ tướng quân” chỉ như một cuộc loạn sau thời Ngô Vương Quyền mất.

“Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật”

(Hoạ phúc có mầm đâu chốc lát)

Ức Trai

Cái “loạn” ấy có mầm mống ngay sau năm 905, hay còn từ trước đó nữa như tôi đã dẫn giải ở trên và không nên lấy làm lạ là trong số 12 sứ quân mà sử cũ chép theo nhau ta thấy đến 2 ông sứ quân họ Kiều là cháu nội của Kiều Công Tiễn ở Phong Châu, 2 ông sứ quân họ Ngô thuộc dòng dõi Ngô Quyền, và ông sứ quân họ Đỗ - Đỗ Cảnh Thạc – thì từ đời Đỗ Viện - Đỗ Tuệ Độ thế kỷ thứ IV đã là một thế lực lớn ở Đỗ Động Giang (Thanh Oai – Hà Tây) ..v…v..

Họ Đinh ở Hoa Lư mà một thế lực thủ lĩnh địa phương ở ngoại biên châu thổ sông Cái, nơi ấy sự phân hoá Mường - Việt chưa diễn ra mạnh mẽ. Dễ hiểu là cho đến nay vùng sát dải núi 99 ngọn dọc sông Đáy thì sườn phía Đông dải núi này là Việt còn sườn phía Tây dải núi này (mạn Hoà Bình nay) vẫn là Mường và dòng họ Đinh quý tộc Mường vẫn tự nhận mình là gốc gác Đinh Tiên Hoàng “nhất thế vi vương, vạn đại phi nhất vương tù trưởng” (nhà Đang mường Động). Hoa Lư – sau đổi thành Trường Yên là đất Trường Châu cũ của An Nam đô hộ phủ đời Đường kéo dài hai bên bờ sông Đáy từ Hà Nam tới Ninh Bình nay (Hà Nam là quê Lê Hoàn, Ninh Bình là quê Đinh Bộ Lĩnh). Trong viên gạch có in chữ “Giang tây quân” là một phiên hiệu của quân sĩ phong thu, phong đông ở thời Đường. Ở đôi bờ sông Cái mạn Nam Định- Thái Bình nay (bố hải Khẩu nay là vùng Cầu Bo, Vũ Thư, Thái Bình) là thế lực của sứ quân Trần Lâm - Gốc Mông Phúc Kiến đã sang khai thác miền ven biển rồi Việt hoá. Hai thế lực Đinh - Trần liên kết với nhau, chiếm cứ cả dải phù sa mới ven biển từ cửa sông Đáy (Độc bộ) đến cửa sông Cái Đại Hoàng Giang - tiểu Hoàng Giang là sông Châu - sông Đáy. Vùng ấy có đất đai phì nhiêu, lại có buôn bán bằng đường biển, có đánh cá, tài lực dồi dào, Phật Giáo pha trộn với Thần Giáo cũng phát triển ở vùng Giao Thuỷ (Giao Thuỷ là vùng nước ngọt - nước mặn giao nhau mà theo luật địa - kinh tế, địa - văn hoá là nơi thuyền bè tụ họp chờ nước triều lên xuống để ngược sông ra biển) nên thường hình thành các thị tứ như vùng non nước Đáy – Vân Sàng (Ninh Bình), vùng giao nước Châu Giang – sông Cái Tức Mặc (Nam Định), vùng giao nước sông Cái – sông Trà Lý (Trà Lý là một địa danh gốc Melayu – Trà = Ea = nước, sông nước) (Thái Bình nay). Hai thế lực liên kết Đinh – Lê đó đã ngược sông dần dà chinh phục hay khống chế được các sứ quân khác từ Hưng Yên (Đằng Châu - Phạm Phòng Át, Tế Giang (Văn Giang) Lã Đường), Bắc Ninh (Siêu Loại Lý Khuê, Tiên Du Nguyễn Thủ Tiệp, Phù Liệt - Nguyễn Siêu (Phù Liệt – vùng Sét – Thanh trì nay) rồi Đỗ Động Giang - Đỗ Cảnh Thạc (Thanh Oai), Đường Lâm (Sơn Tây) Ngô Nhật Khánh, rồi anh em họ Kiều (Cẩm Khê - Bạch Hạc Phú Thọ) Nguyễn Khoan - Nguyễn Gia Loan – Yên lạc – Vĩnh Phúc). Nghĩa là kiểm soát được toàn vùng tam giác châu sông Cái - Nhị - Hồng). Cái lãnh thổ cốt lõi của nước Đại Việt ta thời Đinh – Lê là đó. Song Đinh Lê chưa thể ra đóng đô ở thành Đại La cũ “giữa cõi bờ đất nước” được, mà vẫn thủ thế ở vùng Hoa Lư - Trường Yên “quê nhà”. Nhà Đinh nên được xem là một nhà vua quân chủ tập quyền.

Sao chăng nữa, cũng đã có một hình mẫu quôc gia ở Hoa Lư, giới khảo cổ Việt Nam đã phát hiện được ngày càng nhiều viên gạch xây thành, xây cung điện có in dòng chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên” (gạch xây thành của vua nước Đại Việt – Do vậy cần xem lại cái quốc hiệu “Đại Cồ Việt”của sử cũ. Nhiều nhà nghiên cứu ngờ Cồ Việt là tên nôm : Kẻ chỉ Việt, Không gian xã hội văn hoá của người Việt)

Theo tôi nhìn, cái nhìn địa - văn hoá thì Hoa lư – Trường Yên nghĩa hẹp là một bồn địa giữa núi được lấp đầy dần bởi phù sa sông biển (qua các bài thơ của Nguyễn Trãi thì cho đến thế kỷ XV Thần Phù (Yên Mô – Ninh Bình nay) vẫn là vùng “hải khẩu” và vùng non nước (thị xã Ninh Bình ) vẫn rất gần cửa biển.

Còn Hoa lư nghĩa rộng là một vùng tứ giác nước bao bọc bởi các sông Hoàng Long, Đáy, Vân Sàng.

Từ Hoa Lư thế lực Đinh Lê vươn tới được Cửu Châu = Kẻ (xứ) Thanh nhưng vẫn phải nhân nhượng các thế lực địa phương như Lê Lương ở Đông Sơn chẳng hạn. Và nên chú ý tới thế lực họ Dương ở vùng ngã ba Dàng (Dương Xã). Dương Đình Nghệ không còn như Dương Tam Kha còn “quậy” dưới thời Ngô. Và trong năm bà hoàng hậu của Đinh Tiên Hoàng (và cả họ Lê - Lý sau này) vẫn có bà hoàng hậu (sau là thái hậu) họ Dương. Sau lưng mỗi bà hậu là một thế lực địa phương. Hôn nhân cung đình thực chất là một cuộc liên minh chính trị, nhà Nho sau không hiểu cho là Đinh – Lê – Lý làm trái lễ Nho, chỉ một “hậu” thôi chứ! Thế lực sĩ phu Nho gia thời đó đâu đã mạnh bằng thế lực Phật giáo.

Lê Hoàn sau khi phá tan Tống Bình Chiêm, uy danh có lớn hơn song biên niên sử chép đầy dẫy việc ông phải đi đánh “giặc”, “kẻ làm loạn” ở các xứ Ái, Hoan, Diễn (có vai trò kích động của họ Dương – Dương Tiến Lộc 989), Đỗ Động Giang, Phong Châu… và phải chia đất cho các con cai quản ở các vùng trọng yếu: Đằng Châu (Hưng Yên), Phong Châu (Sơn Tây – Phú Thọ - Vĩnh Phúc), Ngũ huyện giang (xứ Thanh), Đỗ Động (Hà Đông), Cổ Lãm (Bắc Ninh), Phù Đái Hải Dương)… Lại đến lượt các con ông trở thành các thế lực địa phương, sau khi ông mất (1005), lại đánh lẫn nhau trong 8-9 tháng trời để tranh lập các thế lực địa phương khác.

Nhà Lý lên ngôi và dời đô ra thành Đại La cũ (Thăng Long)

Ông Nguyễn Thiệu Lâu đã nêu một ý tưởng địa lý rất hay: Hà Nội là thủ đô thiên nhiên của Đại Việt: trăm núi, trăm sông đều hội tụ về đây, rồi từ đây lan toả.

Sau này theo thuyết phong thuỷ người ta nói đến thế long bàn (rồng cuộn - bên tả, tả thanh long là dải Tam Đảo), hổ cứ (hổ ngồi – bên hữu - hữu bạch hổ - là dải 99 ngọn) với cái chẩm (Gối – Ba Vì) ở sau cái đai (dải nước Nhị Hà) ở trước và trung tâm là Long đồ, (rốn rồng) nơi có trục trung tâm nối trời với đất, rồi sông Tô Lịch với thần Long Đỗ, thần Tô Lịch v..v.. Đặc biệt Hà Nội là xứ sở của rất nhiều huyền thoại - huyền tích, huyền tích bản địa và huyền tích vay mượn và biến đổi từ Trung Hoa, từ Ấn Độ:

- Nào là huyền tích “Cửu vĩ hồ tinh” với Long Vương dâng nước phá hang cáo, tạo ra đầm xác cáo (làng Cáo đỉnh bên bờ Hồ Tây – Xuân Đỉnh nay).

- Nào là huyền tích hồ Trâu Vàng và sông Kim Ngưu - mượn từ huyền tích Hồ Tây bên Hàng Châu, Trung Quốc.

- Nào là huyền tích hồ trả Gươm với nghi thức thần thoại nhúng thanh gươm (dương - lửa sấm sét) xuống nứơc (âm – lũ lụt) được lịch sử hoá thành thanh thần kiếm “Thuận Thiên” thần ban cho Lê Lợi chống giặc Minh, thắng lợi rồi Trời sai thiên sứ Rùa Vàng - một hoài cố thần Kim Quy với thành cổ Loa hay Quy thành ở xứ Tứ Xuyên Trung Quốc - xuống xin lại thanh gươm (Hồ Hoàn Kiếm).

- Nào là huyền tích đức thánh Chèm – ông Khổng Lồ xoạc chân đôi bờ sông Cái giết giải - thuồng luồng trả thù cho mẹ bị thuỷ quái nuốt ở thời sơ cổ (Lý Ông Trọng).

- Rồi đến huyền tích Khổng Lồ - Không Lộ - Minh Không, đi thuyền như bay về Kinh sư chữa bệnh hoá hổ của vua Lý Thần Tông bằng việc nhúng tay vào vạc dầu sôi sùng sục rồi tắm vuốt cho thân thể nhà vua (đây là ma thuật chữa trị của các nhà Yoga).

- Và trước đó Từ Đạo Hạnh vứt gậy ở Yên Quyết (Cót). Gậy trôi ngược dòng đến cầu Tây Dương (Cầu Giấy) mới dứng lại và thiền sư (kiêm một pháp sư) dùng gậy đó đập chết pháp sư Đại Điên, trả thù cho bố… Sau đó là chuyện Từ Đạo Hạnh đập dầu vào đá hang núi chùa Thầy đầu thai làm Lý Thần Tông.

Trước đó là huyền tích Pháp sư Đại Điên xui Nguyễn Bông nấp trong buồng tắm Ỷ Lan nguyên phi để đầu thai làm Lý Nhân Tông v..v. và v..v..

Kho di sản văn hoá vô thể đó của Hà Nội cần được nghiên cứu, giải mã, giữ gìn và phát huy.

Để kết thúc bài viết này, tôi xin quay trở lại với bài văn thường được gọi là Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn. Chiếu là một thể văn của Trung Hoa chỉ một người (Vua) được dùng và nhằm hạ lệnh. Bài Chiếu của Lý Công Uẩn (do ai đó soạn thảo, có thể là theo ý tưởng của thiền sư Vạn Hạnh). Theo tôi là một tuyên ngôn địa – chính trị, địa chiến lựơc về vùng đất Đại La “ở giữa Đông Tây Nam Bắc, tiện hình thế núi sau, sông trước, xứng đáng là thượng đô của muôn đời” và Lý Công Uẩn bày tỏ khát vọng “Đóng nơi trung tâm, mưu toan việc lớn cho muôn đời con cháu mai sau”. Bài chiếu lại kết thúc bằng một câu phá cách văn chiếu Trung Hoa mang đậm đà bản sắc văn hoá Việt “Trẫm nghĩ như vậy, nhưng ý các khanh thế nào?”. Tôi đã nói nhiều lần đây là bài chiếu hỏi ý kiến quần thần về việc dời đô đầy ý vị Việt Nam. Được viết ở Hoa Lư vào tháng 2 và tới tháng 7 mới bắt đầu cuộc dời đô bằng thuyền, từ Hoa Lư theo dòng Hoàng Giang ra sông Đáy, sông Nhị để tiến lên Đại La.

Huyền tích Rồng Bay và cái tên mới của kinh thành Thăng Long xưa nay vẫn được cắt nghĩa như là biểu hiện sức vươn lên mới của dân tộc thì cũng không sai. Song nếu tôn trọng tâm thức lịch sử đương thời thì theo tôi cần giải thích theo Quẻ Càn (Trời – Vua) của Dịch học:

Tiềm long vu thuỷ

Hiện long tại điền

Phi long tại thiên

TRẦN QUỐC VƯỢNG

Theo báo Nguồn Sáng: Tháng 8 năm 99.

Còn đây là bài viết của ông Thiên Sứ - Nguyễn Vũ Tuấn Anh

PHẢN BIỆN TRẦN QUỐC VƯỢNG

(Nguồn Tuvilyso.com)

Bài viết ngày 18/ 5- 2005

Thiên Sứ
Trên báo Nguồn Sáng số tháng 8 năm 1999, có bài “Từ Hoa Lư đến Thăng Long” của ông Trần Quốc Vượng. Đọc qua cái tựa, người đọc hy vọng tìm thấy những dấu ấn lịch sử huy hoàng của dân tộc Việt trong giai đoạn đầu giành lại độc lập sau hơn 1000 năm chịu ách đô hộ của các triều đại phong kiến Bắc phương. Nhưng toàn bộ bài viết là một sự phủ định giá trị lịch sử dân tộc qua cái nhìn của một người được coi là Giáo sư sử học.

Mặc dù với tựa đề là “Từ Hoa Lư đến Thăng Long” ,nhưng để dễ dàng chứng minh những luận điểm của mình, tác giả bài báo đã bắt đầu từ thời Hùng Vương là một thời kỳ khuyết sử của dân tộc Việt Nam. Thời Hùng Vương chính là khởi điểm quan trọng để dẫn đến sự khẳng định hoặc phủ định giá trị lịch sử Việt. Cho nên ngay những dòng đầu tiên của bài báo, ông Trần Quốc Vượng đã viết:

“Thời đại văn hoá Đông Sơn, thời đại các vua Hùng không nên xem là một thời đại của vương triều thống nhất. Văn Lang là cái tên xuất hiện trong sử một cách muộn mằn (Thời nhà Đường, thế kỷ thứ VII - IX). Tôi đã chứng minh rằng vua Hùng là một Pò Khun - thủ lĩnh mạnh nhất của một phức thể Khun (Vua = Bua = Pò, Hùng = Khun) tức hệ thủ lĩnh địa phương chiếm cứ các vùng từ đỉnh châu thổ sông Hồng (Việt Trì) đến các vùng bãi biển. Theo truyền thuyết và sử cũ thì lúc bấy giờ có khoảng 15 bộ. Ông Giáo sư Tiến sĩ Mỹ Keith - Taylor đã dịch một cách tài hoa và lạnh lùng các Lạc tướng là “Lord” và vua Hùng là “Overlord””.

Đối với An Dương Vương và Âu Lạc, ông Trần Quốc Vượng chỉ cho rằng đó là:

“Một tổ chức nhà nước Âu Lạc sơ khai”.

Để chứng minh cho luận điểm của mình, ông Trần Quốc Vượng viết:

“Tôi và Cẩm Trọng đã chứng giải “Thục Phán” không phải là một tên riêng (nhân danh) mà là một từ chức năng - “Túc Phắn” chỉ thủ lĩnh đi “mở đất mở mường”.

Những luận điểm trên đây của ông Trần Quốc Vượng chính là cơ sở để từ đó dẫn đến sự phủ định hàng loạt những giá trị lịch sử dân tộc. Bởi vì, một khi đã coi thời Hùng Vương không phải là một vương triều thống nhất, Âu Lạc chỉ là một nhà nước sơ khai (tức là chưa đủ tư cách là một quốc gia) thì toàn bộ diễn biến lịch sử đầy máu và nước mắt của người Lạc Việt khởi nghĩa giành lại độc lập dân tộc trong con mắt của ông Trần Quốc Vượng chỉ còn là những cuộc nổi dậy và phản ứng của dân chúng với vương triều Hán. Do đó, về cuộc khởi nghĩa Hai bà Trưng, ông Trần Quốc Vượng viết:

“Không nên coi cuộc khởi nghĩa Hai bà Trưng là biểu hiện của sự trổi dậy của tinh thần dân tộc, cùng lắm nên coi đó là một ý thức đòi cách sống riêng của người Việt cổ, không chấp nhận lấy lối sống Hán Hoa là một khuôn mẫu phổ biến. Tôi (Trần Quốc Vượng) đề nghị giới cổ sử học Việt Nam nên coi cuộc khởi nghĩa Hai bà Trưng là một phản ứng văn hoá - chính trị”.

Đây là một đoạn văn gây xúc phạm mạnh mẽ trong tâm linh dòng dõi Lạc Việt. Cuộc khởi nghĩa của Hai bà Trưng trong lịch sử dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa vẫn được coi là biểu tượng của ý chí quật cường, sự trỗi dậy đầy khí phách của người Lạc Việt. Chưa hết, ông Trần Quốc Vượng còn đặt cuộc khởi nghĩa của Khúc Thừa Dụ với cục diện “Ngũ Đại Thập Quốc” của Trung Hoa vào cuối đời Đường. Phải chăng ông Trần Quốc Vượng muốn nói rằng cuộc khởi nghĩa của Khúc Thừa Dụ tạo nên nền tảng đầu tiên của nền độc lập Việt Nam chỉ là một cuộc ly khai may mắn hơn các thủ lĩnh của Trung Hoa cùng thời kỳ?

Những ý tưởng lạc lõng của ông Trần Quốc Vượng không chỉ dừng lại ở đấy mà có thể khẳng định rằng: toàn bộ nội dung của bài báo là một sự bôi nhọ trắng trợn giá trị lịch sử của dân tộc Việt Nam trong suốt hơn 1000 năm Bắc thuộc. Về văn hoá, Trần Quốc Vượng cho rằng hầu hết huyền thoại cổ tích liên quan đến thành Thăng Long - miền đất đế đô đầu tiên khi phục hồi nền độc lập quốc gia của người Lạc Việt - chỉ là sự vay mượn ý tưởng của nước ngoài. Ông đã lấy huyền thoại Rồng bay - Thăng Long - niềm tự hào về kinh đô chính thức và lâu đời của dân tộc, ông Trần Quốc Vượng cũng cho rằng huyền tích này mượn ý của văn hoá Trung Hoa cổ bằng cách viện dẫn Dịch học nói về quẻ Càn. Ông Trần Quốc Vượng viết:

“Huyền tích Rồng bay và cái tên mới của kinh thành Thăng Long xưa nay vẫn được cắt nghĩa như là biểu hiện sức vươn lên của một dân tộc thì cũng không sai. Song nếu tôn trọng tâm thức lịch sử đương thời thì theo tôi cần giải mã quẻ Càn (Trời vua) của Dịch học.

Tiềm Long vu Thuỷ

Hiện Long tại Điền

Phi Long tại Thiên

Đến đây ông Trần Quốc Vượng bỏ lửng coi như là đoạn kết của bài báo. Phải chăng ông Trần Quốc Vượng muốn chứng tỏ rằng - mặc dù với sự kiện thành lập kinh đô, sự khẳng định một quốc gia độc lập vững chắc của người Lạc Việt; đối với Trần Quốc Vượng thì nước Đại Việt vẫn nô lệ về văn hoá?

Để có cớ dẫn đến sự phản bác giá trị lịch sử văn hoá truyền thống của dân tộc, tất nhiên vị giáo sư khả kinh - vốn được một số người xếp vào hàng tứ trụ trong giới sử học Việt và dài phát thanh có tên tuổi BBC phỏng vấn – ông Trần Quốc Vượng phải nhân danh khoa học. Chúng ta xét xem những chứng cứ gọi là “khoa học” của ông Trần Quốc Vượng trong bài báo được thực hiện như thế nào? Căn cứ cụ thể trên bài báo mà ông Trần Quốc Vượng dựa vào bắt đầu từ danh xưng của vua Hùng và Thục Phán theo cách gọi của đồng bào các dân tộc. Đương nhiên, để phủ nhận những giá trị lịch sử dân tộc Việt Nam, Trần Quốc Vượng không thể chỉ căn cứ vào cách gọi và nội dung danh từ chỉ vua Hùng và Thục Phán; mà có thể còn phải căn cứ vào rất nhiều hiện tượng lịch sử khác. Nhưng việc đưa lên báo cách gọi vua Hùng và Thục Phán của đồng bào các dân tộc – để dẫn đến sự khẳng định thời Hùng Vương không phải là vương triều thống nhất, Âu Lạc chỉ là nhà nước sơ khai theo quan niệm của ông Trần Quốc Vượng – thì tất yếu đó phải là luận cứ quan trọng nhất. Đã có nhiều bài báo, công trình nghiên cứu liên quan đến danh xưng của vua Hùng và Thục Phán. Trước đây, ông Đào Duy Anh có quan điểm ngược lại với Trần Quốc Vượng về Thục Phán. Ông Đào Duy Anh cho rằng: Thục Phán là một từ nhân danh (Trần Quốc Vượng cho là một từ chức năng), là Thục Vương Tử và cố chứng minh rằng Thục Phán là con vua nước Ba Thục. Cho rằng Trần Quốc Vượng đã đúng so với Đào Duy Anh, tức là vua Hùng được gọi là Pò Khun và đúng luôn cả cái nghĩa là thủ lĩnh mạnh nhất; Thục Phán là Túc Phắn, là thủ lĩnh mở đất mở mường thì điều đó cũng không thể coi là luận cứ có sức thuyết phục để phủ nhận thời Hùng Vương là một vương triều và cho rằng Âu Lạc chỉ là nhà nước sơ khai. Ngược lại; hiện tượng mà chính ông Trần Quốc Vượng đưa ra lại có thể giải thích ngược lại rằng: Chính sự tồn tại của từ Pò Khun trong đồng bào các dân tộc để chỉ vua Hùng; đã chứng tỏ quyền lực của các vua Hùng không phải chỉ ảnh hưởng đến chủng tộc Lạc Việt, mà còn bao trùm trên các chủng tộc khác trên đất nước Văn Lang. Sự ảnh hưởng này chắc chắn phải rất mạnh; nên 2000 năm sau hình ảnh vua Hùng vẫn tồn tại trong lịch sử phát triển của đồng bào các dân tộc để ông Trần Quốc Vượng biết được Pò Khun là vua Hùng, là thủ lĩnh mạnh nhất. Ông Trần Quốc Vượng còn căn cứ vào sử sách của người Hoa hạ để chứng minh rằng quốc hiệu Văn Lang của Việt Nam xuất hiện vào đời Đường. Như vậy ông Trần Quốc Vượng gián tiếp phủ nhận luôn nội dung truyền thuyết cổ nhất của dân tộc Việt Nam - truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên, niềm tự hào của người Lạc Việt; khi truyền thuyết này khẳng định thời Hùng Vương quốc hiệu là Văn Lang. Nếu vậy - theo ông Trần Quốc Vượng – thì sẽ phải đặt lại vấn đề: Truyền thuyết này có từ bao giờ? Và tiếp theo đó sẽ là việc đặt lại thời điểm xuất hiện của hàng loạt những truyền thuyết lịch sử thời Hùng mà tuần tự thời gian được xác nhận ngay trong các truyền thuyết đó đều có sau truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên; như: Bánh Chưng , bánh Dầy; Trầu cau.... Đây là một việc mà khả năng của ông Trần Quốc Vượng và tất cả những học giả chung quan điểm với Trần Quốc Vượng - kể cả trong và ngoài nước (không loại trừ Giáo sư Tiến sĩ Mỹ Taylor) không bao giờ có thể làm được; để phủ nhận giá trị lịch sử của những truyền thuyết đó. Tổ tiên người Lạc Việt đã để lại một tổ hợp truyền thuyết lịch sử về thời Hùng Vương có một kết cấu chặt chẽ với những di ấn không thể phủ định. Đó là sức mạnh của nền văn hiến Việt Nam được chứng tỏ qua bao thăng trầm của lịch sử. Chỉ cần một hiện tượng đó cũng đủ chứng tỏ thời Hùng Vương là một quốc gia có tổ chức với một nền văn minh rực rỡ. Thời Hùng Vương không thể phủ định thì giá trị lịch sử đầy máu và nước mắt của dân tộc Việt Nam thể hiện trong các cuộc khởi nghĩa đầy khí phách dành độc lập của dân tộc trong hơn 1000 năm Bắc thuộc không thể phủ định. Tiêu biểu cho khí phách và tinh thần anh dũng đó chính là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.

Để chứng minh điều này; tôi trở lại với vấn đề quốc hiệu Văn Lang của các vua Hùng – nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt và các dân tộc anh em. Hiện nay có không ít những nhà nghiên cứu cho rằng các truyền thuyết về thời Hùng Vương là nguỵ tạo từ thế kỷ XV. Họ căn cứ vào cuốn ”Lĩnh Nam trích quái “ được viết vào thế kỷ XV. Đúng là cuốn sách này được viết vào thế kỷ XV thật. Nhưng điều đó không có nghĩa những truyền thuyết này chỉ xuất hiện vào thời kỳ đó. Chính tác giả của cuốn sách cũng thừa nhận chỉ sư tầm chép lại từ dân gian. Ông Vũ Quỳnh - viết trong lời tựa:

Ôi! Lĩnh Nam liệt truyện có phải chỉ riêng khắc vào đá; viết vào tre mới là quí hơn bia miệng đâu? Từ đứa trẻ hoi sữa đến các cụ già tóc bạc đều truyền tụng để tỏ lòng yêu dấu..”

Nhưng chuyện tiêu biểu về thời Hùng Vương trong Lĩnh Nam trích quái chúng ta cũng thấy rằng: Truyện lập quốc Văn Lang là sớm nhất. Sau đó mới đến Trầu Cau và Bánh Chưng – Bánh Dầy . Ông Trần Quốc Vương và một số không ít các nhà nghiên cứu ủng hộ ông có thể chứng minh được tục làm bánh chưng bánh dầy trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc vào thế kỷ XV chăng? Hay họ có thể chứng minh tục ăn trầu có từ thời Lý - Trần chăng? Ăn trầu là phong tục của người Trung Quốc chăng? Như vậy; chính những giá trị văn hoá phi vật thể là chiếc bánh chưng – bánh dầy trong ngày lễ Tết của dân tộc Việt và tục ăn trầu phổ biến khắp miền năm sông Dương Tử – và ngay bây giờ ở Đài Loan (vốn có vị trí vĩ tuyến ngang Đông Đình Hồ là biên giới Văn Lang xưa) – đã chứng tỏ tính thống nhất về văn hoá trong một cộng đồng sinh sống ở một vùng lãnh thổ rộng lớn Nam Đông Đình Hồ. Sự thống nhất về văn hoá này chứng tỏ đã có một quyền lực bảo trợ cho những giá trị văn hoá ấy . Đó là triều đại các vua Hùng mà chính các nhà nghiên cứu Trung Hoa hiện đại đã thừa nhận; họ gọi là nước Ba. Các truyền thuyết sau – “Trầu Cau” và “Bánh Chưng – Bánh Dầy” lại là sự bảo chứng cho truyền thuyết trước về một nước Văn Lang ở Nam Động Đình Hồ với những dấu ấn văn hoá phi vật thể tồn tại từ hàng ngàn năm trước.

Cho dù có một văn bản nào đấy nhắc tới một địa danh Văn Lang vào thời nhà Đường thì điều đó cũng không có nghĩa danh từ Văn Lang chỉ xuất hiện vào thời kỳ này.

Ông Trần Quốc Vượng muốn chứng minh rằng nước Đại Việt dù độc lập về chính trị nhưng vẫn lệ thuộc về văn hoá, bằng cách đưa lời Hào Từ của quẻ Thuần Càn trong Kinh Dịch về con Rồng trong văn hoá Han để liên hệ với Thăng Long trong chiếu dời đô của Hoàng đế Lý Thái Tổ. Nhưng Kinh Dịch vốn được người Hoa Hạ coi là sản phẩm của mình lại có nguồn gốc hết sức mơ hồ, cứ như từ trên trời rơi xuống. Đó là một cuốn sách không đầu không đuôi, ai muốn hiểu thế nào thì hiểu. Người coi Kinh Dịch là sách bói, người coi là sách triết và lịch sử Kinh Dịch thì đầy mâu thuẫn. Cho đến ngày nay, cả thế giới hiện đại xúm vào nghiên cứu Kinh Dịch vẫn còn ngơ ngác; thậm chí Kinh Dịch bí ẩn ngay cả với các học giả Trung Hoa hiện đại vốn tự nhận là hậu duệ của nền văn minh sản sinh ra Kinh Dịch.

Đã có những học giả Việt Nam khả kính đặt vấn đề cho rằng thuyết Âm Dương Ngũ hành và Kinh Dịch liên quan đến nền văn minh Bách Việt; đó là Giáo sư Bùi Văn Nguyên với tác phẩm “Kinh Dịch Phục Hy” và Lê Văn Sửu với tác phẩm “Học thuyết Âm Dương Ngũ Hành”. Đây là một giả thuyết rất có cơ sở khoa học.

Như vậy, nếu đứng về góc độ của khoa học và thực tiễn thì lý luận của ông Trần Quốc Vượng chưa đủ sức thuyết phục. Nhưng ông Trần Quốc Vượng đã vội vàng khẳng định quan điểm của mình có tính áp đặt; khi đề nghị:

“Không nên coi cuộc khởi nghĩa Hai bà Trưng là biểu hiện của sự trổi dậy của tinh thần dân tộc, cùng lắm nên coi đó là một ý thức đòi cách sống riêng của người Việt cổ, không chấp nhận lấy lối sống Hán Hoa là một khuôn mẫu phổ biến. Tôi (Trần Quốc Vượng) đề nghị giới cổ sử học Việt Nam nên coi cuộc khởi nghĩa Hai bà Trưng là một phản ứng văn hoá - chính trị”.

Chính lời đề nghị này đã chứng tỏ một tư duy phi khoa học, khi khoa học cần có sự đối thoại để tìm chân lý. Sự đề nghị có tính áp đặt của ông Trần Quốc Vương sẽ không cho phép những tư duy phản biện xuất hiện. Đấy không phải là tinh thần khoa học.

Không xuất phát từ một tư duy khoa học thì ông Trần Quốc Vượng nhân danh cái gì để phủ định những giá trị lịch sử của dân tộc Việt Nam? Nếu có sự nói thẳng ra điều này dưới bất cứ hình thức nào thì Thiên Sứ tôi sẽ im lặng. Vì Thiên Sứ tôi chỉ nhân danh khoa học.

Sắp tới ngày tưởng niệm hai vị liệt nữ anh hùng của dân tộc Việt. Hai vị đã giải phóng 64 thành trì và giành độc lập; gìn giữ lại những bản sắc văn hiến của dân tộc Việt. Xin có lời nhắc nhở đến những ai có quan niệm phủ định công lao của Hai Bà trong lịch sử dân tộc bằng cách cho rằng:

Lãnh thổ của nước Văn Lang chỉ vỏn vẹn ở đồng bằng Bắc bộ; nên làm gì có 64 thành để Hai Bà Trưng giành lại.

Nhưng chính Tô Đông Pha đã viết:

” ...Nước Nam Việt từ Tam Đại trở xuống, không đời nào dẹp yên cả. Đời Tần (246 - 207 tr.CN), tuy có đặt quan chức cai trị, xong rồi trở lại tình trạng man di. Bì Ly mới diệt được nước ấy và chia làm chín quận. Nhưng đến đời Đông Hán, lại có người con gái là Trưng Trắc, khởi binh rung động hơn 60 thành. Đương thời vua Thế Tổ mới dẹp yên thiên hạ, thấy dân đã mỏi mệt và chán việc dụng binh, bèn đóng cửa Ngọc Quan từ tạ Tây Vực. Phương chi Nam Việt là chỗ hoang viếng, không đáng phiền lụy đến quân đội nhà vua nếu không phải Tuân Tức Hầu (Mã Viện) chịu khó đánh dẹp thì dân chín quận vẫn khoác áo bên trái đến bây giờ.

-----------------------

* Chú thích: An Nam chí lược: Lê Tắc; Quyển đệ nhất; mục “Cổ Tích”. Viện ĐạI hoc Huế 1961. Giáo sư Linh mục Cao Văn Luận.

Qua đoạn trích dẫn trên thì dân Chín quân sẽ không thể chỉ là Nhật Nam và Cửu Chân; mà là bao trùm nam sông Dương Tử. Chính với vùng lãnh thổ rộng lớn này sẽ giải thích hơn 60 thành mà ông Tô Đông Pha nói tới.

Cảm ơn sự quan tâm của quý vị.

NGUYỄN VŨ TUẤN ANH

Share this post


Link to post
Share on other sites

Xin quí vị và anh chị em quan tâm vào đây để xem một phần của cái "Hầu hết các nhà khoa học trong nước" được "Cộng động khoa học thế giới" ủng hộ quan điểm phủ nhận giá trị lịch sử văn hóa truyền thống Việt trải gần 5000 năm.

http://svnhanvan.org/forum/index.php?topic=4224.0

Share this post


Link to post
Share on other sites

Hùng Vương dựng nước - Tập IV - 7

Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam - Viện khảo cổ học

Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội, 1974

Về khái niệm thời Hùng Vương

Lê Văn Lan

Posted Image

T

hế nào và lúc nào là thời Hùng Vương? Thời gian vừa qua, các nhà nghiên cứu, mặc dù đã có nhiều suy nghĩ, nhưng chưa có dịp trực tiếp bàn bạc nhiều về vấn đề này, mà thường chỉ qua cách gọi tên cho quãng thời gian mà mình nghiên cứu, vắn tắt gọi quan điểm của mình, gián tiếp nói quan điểm của mình. Tẩn mẩn sa vào chuyện chữ nghĩa, chúng tôi đã thử thu nhặt những từ mà các nhà nghiên cứu đã chọn dùng để mệnh danh cho quãng thời gian lịch sử mà mình nghiên cứu.

Và kết quả là thấy xuất hiện khá nhiều cách mệnh danh khác nhau: thời đại Hùng Vương, thời kỳ Hùng Vương, giai đoạn Hùng Vương, thời kỳ Hùng Vương – An Dương Vương, thời kỳ Hùng Vương và An Dương Vương… Dĩ nhiên, như vừa trình bày, vì chưa có sự bàn bạc, càng chưa có sự quy định cụ thể, nên không thể có sự thống nhất chặt chẽ.

Cho nên, có thể dễ dàng thông cảm với một số nhà nghiên cứu đã chọn lấy một cách mệnh danh khá chung chung là “thời Hùng Vương”, với chữ “thời” thật là “cơ động” trong các công trình của mình.

*

* *

Một số không ít tác giả đã cho rằng cách dùng tên Hùng Vương để mệnh danh cho một thời gian lịch sử, với nội dung là toàn bộ “thời đại dựng nước và giữ nước đầu tiên” (1) là một cách gọi tên truyền thống, bây giờ chỉ việc dùng lại. Và cũng không ít người cho rằng cái quan niệm 4000 năm về niên đại của “thời Hùng Vương” như thế cũng là một quan niệm cổ truyền của nhân dân.

(1) Thuật ngữ của đồng chí Nguyễn Khánh Toàn. Chúng tôi tán thành cách dùng. Ngẫm kỹ lại thì dường như không hẳn như thế. Chúng ta biết rằng cách tính tháng năm của thời gian lịch sử, phổ biến trong nhân dân thành một truyền thống, là cách tính theo đời, thậm chí cũng không thật cụ thể và chính xác đến con số của đời nữa (2), và ký ức dân gian về cổ sử, thường cũng chỉ tính theo các khái niệm: cổ, rất cổ, thượng cổ…, chứ không mấy khi tính cụ thể đến con số mấy trăm, mấy nghìn năm. Lối ghi nhớ thời gian có tính chất truyền thống dân gian như thế này, một ghi được văn bản phản ánh và ghi giữ, như trường hợp Lĩnh Nam chích quái chẳng hạn, cũng chỉ thấy áng thành một niên đại là “thời quốc sơ” mà thôi, chứ cũng không có con số tháng năm cụ thể. Thấy nói đến số năm tháng cụ thể, chỉ có sử sách. Như ở Đại Việt sử ký toàn thư chẳng hạn, dù Ngô Sĩ Liên đã theo công thức cổ của sử bút phong kiến, mà tính kỹ rằng quốc sử phần bản kỷ, đến đầu nhà Lê là 1634 năm, và ngoại kỷ, cộng 2672 năm, thì cũng chỏ mới gián tiếp gợi lên con số tháng năm chỉ “thời Hùng Vương, chứ chưa tạo nên một lối tính niên đại có giá trị cụ thể và phổ biến. Cho nên, những thơ văn vào loại cổ - thế kỷ thứ 15, thứ 17 chẳng hạn – đề vịnh Hùng Vương, cũng không thấy có việc tính toán đến con số cụ thể của sự lâu đời. Chỉ đến đầu thế kỷ này, với các tác giả như Hoàng Đức Trung, Nguyễn Đình Chuẩn, Lê Hữu Viện… và đặc biệt là Nguyễn Thuận Kế (3), mới thấy phổ biến sự tính toán cụ thể đến con số như “mấy nghìn năm trước” hoặc là “hai nghìn năm lẻ”, “hai nghìn năm sáu trăm năm có lẻ”, và rồi là “nước bốn nghìn năm” (4). (Những con số này hẳn là dựa vào việc phát hiện lại niêm điểm Nhâm Tuất 2879 trước Công Nguyên và sự gợi ý về cách tính niên đại từ thời Ngô Sĩ Liên. Chúng tôi ngờ rằng, theo những tài liệu đang nắm được như bây giờ, thì lối tính niên đại bốn nghìn năm cho “thời Hùng Vương” (5) có lẽ chỉ mới phổ biến vào thời gian đầu thế kỷ này, và cùng chung cái đà với các tác giả này. Đó là những điều kiện mới của trào lưu và sự chuyển hóa tư tưởng, văn hóa đầu thế kỷ 20 đặc biệt là sự phát triển của “tân thư”, “tân học”, “toán pháp” cùng với chủ nghĩa yêu nước đầu thế kỷ 20. Phổ biến mới từ đây, nhưng trong hoàn cảnh đấu tranh lấy lại nước bị mất, vì phù hợp và có lợi trước hết là cho những người yêu nước và cách mạng, rồi đến quảng đại quần chúng nhân dân, nên cách tính niên đại mở nước này mới nhanh chóng truyền bá đi, cho tới chúng ta ngày nay.

(2) “Việc ấy dễ đã đến mấy đời”, “Việc ấy đã có từ trước ông cụ mấy đời nhà tôi” – Chúng ta vẫn thường nghe nói thế trong dân gian.

(3) Với vế câu đối “Gây dựng trời Nam, nước bốn nghìn năm, nhà có nóc”.

(4) Xem thêm Lê Tư Lành: Văn thơ đề Vịnh đền Hùng – Khảo cổ học, Hà Nội, số 3-4, tháng 12-1969.

(5) Xin chú ý phân biệt lối tính cụ thể này với quan niệm hoàn toàn đúng đắn của nhân dân ta về sự lâu đời nói chung của thời Hùng Vương.

Cái tên Hùng Vương đang quen dùng với ý nghĩa hiện nay, cũng có vấn đề tương tự như thế. Hùng Vương có thể là một ông vua, những ông vua thực, nếu chúng ta biết tách rời cái khái niệm về ông vua thời phong kiến ra khỏi cái tên gọi “vua” đã được phóng từ đấy ngược lên thời Hùng Vương. Vương, Vua – Bua, Bô, Bố, những cái tên gọi đánh dấu từng chặng đường phát triển của khái niệm ấy, mặc dù cũng có lúc thấy được kết ngang lại với nhau, như ở thế kỷ 8 (6), nhưng, theo kết cấu về thực chất là chiều dọc của các chặng đường ngôn ngữ này mà lần lượt lên đến “thời Hùng Vương”, sẽ thấy rõ khái niệm “vua” trùng với “bố”: người đứng đầu một cộng đồng. Sách Lĩnh Nam chích quái cho chúng ta biết rằng người thời Hùng Vương, mỗi khi gặp khó khăn thì dùng tiếng “bố” để gọi người đứng đầu của mình cứu giúp.

(6) Trong trường hợp “Bố Cái đại vương”. Từ Vương (Vua) trong Hùng Vương (Vua Hùng) có nghĩa ấy, mà từ Hùng cũng có nghĩa ấy. Suốt mấy chục năm trước đây, và ở diễn đàn sử học Sài Gòn thì tới cả những năm gần đây, người ta đã dẫn toàn bộ công cuộc nghiên cứu thời đại dựng nước và giữ nước dầu tiên của dân tộc vào một ngõ cụt, ngay sau khi mở các cửa của các cuộc tranh luận về chữ Hùng, chữ Lạc. Không theo cái rớp ấy, mấy năm nay, các nhà nghiên cứu chúng ta đã mở những khoảng vấn đề rộng lớn, đồng thời, vẫn tạt qua, xem lại cái cửa cũ về chữ và nghĩa của cái tên Hùng. Dường như là Hùng, gọn lại cũng như Khun, Cun…, đều là tên gọi người đứng đầu một cộng đồng. Hùng Vương, danh hiệu đó, như vậy vừa là phiên âm, vừa là phiên dịch sang chữ Hán, cách gọi tên của những người Việt Nam thời cổ về người đứng đầu, những người đứng đầu của mình (1). Người đó, những người đó, chúng ta đã tìm được những dấu vết gián tiếp và đang hy vọng tìm được những dấu vết trựa tiếp ở những di chỉ và mộ táng trên vùng đất Tổ Phong Châu (Văn Lang) cũ. Cần chú ý là trước khi đi được đến chỗ nhận thức về thực chất những người đó, như vừa trình bày, thì, một lớp mây mù và vàng son của truyền thuyết và thư tịch cổ đã trùm phủ lên những nhân vật ấy.

(1) Xem Trần Quốc Vượng: Về danh hiệu Hùng Vương – Khảo cổ học, Hà Nội, số 7-8, tháng 12-1970. Nhưng bây giờ, hãy trở về cách dùng tên Hùng Vương để mệnh danh cho một thời gian lịch sử. Chúng tôi ngờ rằng, với khái niệm thời gian đang được hiểu là nội dung của các tên gọi “thời kỳ” – “thời đại” – “giai đoạn” Hùng Vương hoặc “Hùng Vương – An Dương Vương” như hiện nay, chúng ta đã thống nhất mở rộng cái khái niệm thời gian mà các nhà nghiên cứu trước đây đã hiểu về “thời Hùng Vương”. Mọi người đều biết, chính sử của ta, từ Đại Việt sử ký toàn thư trở đi, dù là đặt ở ngoại kỷ hay tiền biên, thì cũng đều mở đầu bằng một kỷ, gọi là kỷ Hồng Bàng thị. Chính trong cái kỷ đầu tiên dài đến hơn hai nghìn năm đó của quốc sử, nắm gọn một khúc thời gian là “thời Hùng Vương”. Người xưa, có đôi lúc lẫn cái “thời Hùng Vương” với cái kỷ Hồng Bàng kia (2), nhưng về cơ bản, “thời Hùng Vương” vẫn chỉ được coi là một phần sau của thời Hồng Bàng, thậm chí, có trường hợp còn được xác định rạch ròi tên gọi là “thời Á Hồng Bàng” như ở một câu đối cổ giữa Chùa Tổng, làng Tứ Xã (Vĩnh Phú) (3). Như thế, rõ ràng cái tên gọi “thời Hồng Bàng”, trước đây vẫn được hiểu là một thời lớn hơn, trùm lên “thời Hùng Vương”. Và cái “thời Hồng Bàng” đó mới là cái tên gọi của toàn bộ thời đại dựng nước vá giữ nước đầu tiên của chúng ta. Có thể thấy cái “truyền thống” gọi tên như thế vẫn tồn tại mãi cho đến năm 1967 (4). Còn việc dùng tên Hùng Vương để mệnh danh cho toàn bộ thợi đại dựng nước và giữ nước đầu tiên của lịch sử ta, dường như chỉ mới trở nên phổ biến trong vòng vài ba năm nay, do sự chuyển khái niệm, mở rộng nội dung, gần như là không tự giác của các nhà nghiên cứu bây giờ.

(2) Ví như các tác giả những bản thần phả thời Lê sơ, mà trong đó đã xác định được “vai trò quan trọng” của các nhà hàn lâm Nguyễn Bính, Nguyễn Cố, v.v… cố gắng tạo cho các vua Hùng những tuổi thọ hàng mấy trăm năm để khớp với cả cái thời Hồng Bàng mà chuyện gốc – cái niên điểm mở đầu: Nhâm Tuất 2879 – lại cũng do chính người cùng thời với họ tạo ra.

(3) “Thời Á Hồng Bàng, thiên dân hóa dân thành thịnh ấp”.

(4) Chẳng hạn như thấy ở lời kêu gọi: Nên nghiên cứu vấn đề hời đại Hồng Bàng của tạp chí Nghiên cứu lịch sử, cũng như ở Vài suy nghĩ về việc tìm hiểu thời đại Hồng Bàng của Nguyễn Linh.

*

* *

Cùng với việc mở rộng thời gian thực tế của “thời Hùng Vương”, hay đúng hơn là việc chuyển khái niệm “thời Hùng Vương” như vừa trình bày, các nhà nghiên cứu hiện nay còn làm một việc quan trọng hơn, là chuyển trọng tâm nghiên cứu, từ chỗ chỉ về những ông “vua”, thậm chí chỉ mới về những tên gọi của những ông vua đó, ra thành cả xã hội, con người và văn hóa (văn minh) của một thời đại mang tên những ông “vua” đó. Và như thế, vấn đề đầu tiên phải giải quyết là xác định thời gian tồn tại cụ thể của thời đại đó.

Như đã có dịp trình bày (1), trước hết là từ những tài liệu truyền thuyết và thư tịch mà chúng ra đã có một khung thời gian về “thời Hùng Vương” mà từ lâu, đã có không ít người – từ những sử quan trong Quốc sử quán triều Nguyễn đến Trần Trọng Kim và Nguyễn Phương – đều tỏ ý nghi ngại.

(1) Xem Lê Văn Lan: Tài liệu khảo cổ học và viện nghiên cứu thời đại các vua Hùng, - Nghiên cứu Lịch sử, Hà Nội, số 124, tháng 7-1969. – Trở lại vấn đề văn hóa Đông Sơn, - Khảo cổ học, Hà Nội, số 3-4, tháng 12-1969. – Về một khung niên đại hợp lý cho thời đại các vua Hùng, - Hùng Vương dựng nước, tập III, Hà Nội, 1973. Thật ra thì không phải chỉ có một, mà là hai khung thời gian theo tài liệu thư tịch, nhưng sự quá tập trung chú ý vào cái khung thứ nhất của Đại Việt sử ký tòan thư đã khiến cho, một thời gian dài, người ta tưởng như không có cái khung thứ hai của Đại Việt sử lược.

Về cái khung niên đại bắt đầu từ năm 2879 trước Công nguyên cho “thời Hùng Vương” (tên gọi đúng, trong trường hợp này, là “thời Hồng Bàng”) của Đại Việt sử ký tòan thư, chúng ta đã thấy rằng chính là trong không khí tự cường thắng lợi giành lại độc lập ở thế kỷ thứ 15, muốn chứng minh về nguồn gốc lâu đời và ngang bằng với Trung Hoa phong kiến, tiền nhân ta ở thời Lê sơ đã tham bác sử sách đời Đường đời Tống với truyền thuyết dân gian của ta, dựa vào mối quan hệ thực tế đã có từ rất lâu đời giữa Việt Nam và miền Hoa Nam, nhào nặn theo ý muốn chủ quan của mình để tạo ra những sự kiện và niên đại của buổi đầu thời Hồng Bàng, mà rồi nối ngay sau đấy là thời Hùng Vương (1). Chúng ta lại cũng đã thấy rằng có một vạch cương giới thực tế đã ngăn đôi hai vấn đề và thời gian mà người thời Lê sơ đã gắng gượng nhập làm một. Sau và trước cái ranh giới đó: một bên là thời gian và những nhân vật nửa thần thoại nữa lịch sử là Hùng Vương mà bây giờ chúng ta đã làm cho tính lịch sử đè át tính thần thoại, và một bên là thời và nguồn gốc hoàn toàn thần thoại của những nhân vật nửa thần thoại nửa lịch sử đó (2). Ý nghĩa có thể khai thác của sự việc này là: nếu chúng ta chưa thể ghi nhận được phần đầu khung niên đại của Đại Việt sử ký tòan thư (tức là đầu thời Hồng Bàng) do chỗ thiếu cơ sở vững vàng ngay trên những tư liệu sử học, thì lại có thể tin được ở phần sau khung thời gian đó (cuối thời Hồng Bàng, tức chính là thời Hùng Vương).

(1) Xem thêm Nguyễn Linh: Phải chăng Hùng Vương thuộc giòng dõi Thần Nông? – Nghiên cứu Lịch sử, Hà Nội, số III, tháng 6-1968.

(2) Về quãng thời gian và vấn đề này, nếu trong dân gian còn lưu hành những mẫu đề văn học dân gian có tính chất truyền thống của dân tộc là “một bọc trăm trứng” và “mẹ chim (đất, núi, Âu Cơ) – bố rồng (nước, biển, Lạc Long)” thì các nhà trí thức phong kiến đã chuyển sang nói bằng ngôn ngữ của văn hóa phương Bắc (gồm chữ và hình tượng): Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân… Xem thêm Cao Huy Đĩnh: Hình tượng khổng lồ và tập thể anh hùng dựng nước giữ nước trong truyện cổ dân gian Việt Nam, trong Truyền thống anh hùng dân tộc trong loại hình tự sự dân gian Việt Nam, Hà Nội, 1971.

Có thể từ chỗ này mà nhận xét thêm về giá trị của khung niên đại bấy lâu vẫn chưa được nhiêu người chú ý, là khung niên đại của Đại Việt sử lược. Cuốn sách cổ hơn Đại Việt sử ký tòan thư ít nhất là 100 năm này đã không nói gì về thời Hồng Bàng, mà mở đầu ngay bằng việc xuất hiện của vua Hùng đầu tiên, với thời điểm gọn gàng là đời Chu Trang Vương: đầu thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên (3). Vì cho đến nay, vẫn chưa có ai chỉ ra được cơ sở của trường hợp ghi chép như thế của tác giả, mà cũng cho đến nay vẫn còn là khuyết danh, của bộ sách có giá trị về nhiều mặt này, cho nên, nếu tin vào khung niên đại cho thời Hùng Vương của sách này, thì cũng không khác gì đã tin vào nhiều điều ghi chép quan trọng khác của cuốn sách đó.

(3) Năm 696 – 682 trước Công nguyên. Tuy vậy, hiển nhiên là dù sao, những điều ghi chép của tài liệu thư tịch cũng chưa thể làm thỏa mãn người ta về thời gian tồn tại của “thời Hùng Vương” được. Nhưng bù lại chính là tử những tài liệu thư tịch này, những ấn tượng đầu tiên, bao quát và cơ bản, những hiểu biết đại thể về một không khí chung của “thời Hùng Vương” đã được ghi nhận. Và chính là cái diện mạo, cái thần sắc của một thời đại như thế đã là cơ sở, tạo điều kiện để động viên một nguồn tư liệu khác, có khả năng rất quyết định trong việc xác định những niện đại tuyệt đối, cụ thể, là tài liệu khảo cổ học. Sở dĩ có thể coi những niên đại tuyệt đối, chẳng hạn như 3405 ± 100 năm của di chỉ Tràng Kênh, 3328 ± 100 của di chỉ Vườn Chuối, 3046 ± 120 của di chỉ Vinh Quang hay 2350 ± 100 năm của di chỉ Chiền Vậy (1) là nằm trong niên đại chung của “thời Hùng Vương”, chính là vì ở các địa điểm khảo cổ đó, cũng thấy xuất hiện cái diện mạo, cái thần sắc, của một thời đại giống như cái diện mạo, cái thần sắc mà tài liệu thư tịch đã nói về “thời Hùng Vương”. Hơn thế nữa, chẳng phải là chỉ có cái không khí chung như vậy, mà còn có cả sự tương đồng đến những chi tiết cụ thể. Chẳng hạn như khi thư tịch về “thời Hùng Vương” nói có nhà sàn, thì khảo cổ học cũng tìm thấy di tích nhà sàn; khi thư tịch nói: có tục giã cối, thì hình ảnh khảo cổ học về cối chày xuất hiện; khi thư tịch nói: cắt tóc ngắn và ăn cơm nếp thì khảo cổ học cũng lại tìm thấy tượng người có mớ tóc ngắn và cái chõ đồ xôi!

(1) Tất cả đều trước năm 1950. Dĩ nhiên, không phải lúc nào cũng vuông tròn, ràng rẽ như vậy. Từ ba năm nay, hàng chục cuộc tranh luận đã diễn ra, chính là để cho quan niệm của các nhà khảo cổ học và niên đại những di tích thuộc “thời Hùng Vương” có thể được làm sáng tỏ và tốt nhất là nhích lại gần nhau. 2 văn hóa hay 4 văn hóa hay chỉ 1 văn hóa là điều đã tranh luận và sẽ còn phải tranh luận. Cũng như, trong khi chưa hoàn toàn giải quyết được vấn đề này, thì một phương hướng “hòa hoãn” khác là tránh “văn hóa” mà tìm “giai đoạn”, lại cũng dẫn ngay đến sự tranh luận 4 giai đoạn hay 6 giai đọan. Những công việc thuần túy khảo cổ học này chính là nhằm đảm bảo tính chính xác và độ phong phú của những tài liệu khảo cổ học cho các nhà nghiên cứu có thể sử dụng rộng rãi trong việc nghiên cứu “thời Hùng Vương”. Và điều quan trọng rất đáng ghi nhận là đến lúc này, hầu hết các nhà khảo cổ học, tuy còn những “tiểu dị” nhưng đã “đại đồng” xác nhận hai cái mốc lớn cho thời gian đầu và cuối “thời Hùng Vương” về mặt khảo cổ học, là Phùng Nguyên và Đông Sơn. Chính vì vậy mà chúng tôi rất phấn khởi khi được đọc những dòng chữ cô đọng mà đầy đủ của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nói trực tiếp về vấn đề này: “Phát hiện một nền văn hóa lâu đời hơn văn hóa Đông Sơn, sản sinh trên đất nước ta, cùng với văn hóa Đông Sơn hình thành một sự diễn biến văn hóa và lịch sử liên tục từ khoảng cuối thời đại đồ đá mới, qua thời đại đồ đồng đến thời đại đồ sắt sớm” (2).

(2) Phạm Văn Đồng: Nhân ngày Giỗ tổ Vua Hùng, - Khảo cổ học, Hà Nội, số 1, tháng 6-1969, tra. 17. Đối với những nền văn hóa với ý nghĩa như thế, những người làm công tác khảo cổ đã cố gắng tiến hành nhiệm vụ đầu tiên của mình là xác định niên đại.

Có nhiều người, từ năm 1960 cho tới bây giờ (3), đã đoán định niên đại tuyệt đối cho văn hóa Phùng Nguyên là khoảng thiên niên kỷ thứ 2 trước Công nguyên, cách ngày nay khoảng từ 3 đến 4 nghìn năm. Những kết quả phân tích các bon phóng xạ đồng vị (C14) mới đây đã góp phần xác nhận rằng điều đoán định này căn bản là chính xác.

(3) Đào Tử Khải (ý kiến đầu tiên), Nguyễn Linh, Hoàng Xuân Chinh, Trần Quốc Vượng, Lê Văn Lan… Cũng có nhiều người làm công tác khảo cổ, ngay từ năm 1961 cho đến bây giờ (1) đã xác định niên đại tuyệt đối của văn hóa Đông Sơn là khoảng thiên niên kỷ thứ 1 trước Công nguyên, cách ngày nay khoảng từ 2 đến 3 nghìn năm.

(1) Lê Văn Lan (ý kiến đầu tiên), Nguyễn Linh, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Đào Duy Anh… Với tính chất và ý nghĩa quan trọng của “một sự diễn biến văn hóa và lịch sử liên tục”, chúng ta có một khoảng thời gian liền hai thiên niên kỷ, từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn, cách đây từ 4 đến 2 nghìn năm. Như đã trình bày ở trên, giới khảo cổ học nói chung thống nhất nhận thấy rằng từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn là cơ sở khảo cổ học của “thời Hùng Vương”.

Vậy là, khảo cổ học, bằng những phương pháp của “một khoa học, gần như khoa học chính xác” đã đầu tiên xác định được một khung niên đại chắc chắn cho “thời Hùng Vương”. Khung niên đại này phù hợp, đúng hơn là trùng hợp, rõ hơn là ngẫu nhiên trùng hợp với khung niên đại phổ biến của thư tịch – khung niên đại còn mang nhiều nghi vấn, mà vì những lí do vừa trình bày ở trên, đã truyền lan rộng rãi từ trước tới nay về “thời Hùng Vương”. Một ý nghĩa rất đáng ghi nhận ở chỗ này là: nếu có thể nói đến một đóng góp, thì chính là khảo cổ học, bằng những thành tựu mới của mình, đã đem lại cái bộ xương, cái nền tảng khoa học cho những cách nhận thức và những tình cảm của chúng ta về niên đại lâu đời của “thời Hùng Vương”.

*

* *

Nhìn vào Phùng Nguyên với hiện trạng tư liệu như bây giờ về diện phân bố các di tích và các mặt phát triển kỹ thuật, kinh tế, văn hóa…, có thể nghĩ đến một cái mầm. Để cho cái mầm quý này nảy nở và mọc lên xanh tốt, những cư dân cổ ở đây đã phải mất khoảng 1000 năm lao động và đấu tranh. Và kết quả là những tiền đề cơ bản và trực tiếp đã được tạo ra cho một cái gốc vững vàng. Cảm nghĩ về cái gốc kỳ diệu này dễ dàng nảy ra khi nhìn vào Đông Sơn.

Từ lâu và nhiều người đã nói vê Đông Sơn. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đánh giá chính xác sự “nổi tiếng thế giới” của văn hóa này, kèm với lời biểu dương công tác khảo cổ thời gian gần đây đã “làm thêm rực rỡ” nền văn hóa đó. Và không phải ngẫu nhiên mà các nhà nghiên cứu chúng ta đã tập trung khai thác tư liệu về mọi mặt của văn hóa này để nghiên cứu về “thời Hùng Vương”. Việc đã hình thành một hệ thống các luận điểm về các mặt tự nhiên, con người, kinh tế, chính trị và nhất là văn hóa, xã hội của “thời Hùng Vương” dựa trên những tư liệu của Đông Sơn như hiện nay, cho thấy dường như rất đông đảo các nhà nghiên cứu đã mặc nhiên coi Đông Sơn là cơ sở khảo cổ học của bước phát triển đáng chú ý nhất của tòan bộ “thời Hùng Vương”, nếu không phải là chính ngay thời Hùng Vương – hiểu với nghĩa cụ thể, không mở rộng, của từ này.

Niên đại của văn hóa Đông Sơn đã được xác định là khỏang thiên niên kỷ thứ 1 trước Công nguyên, và bước phát triển cao nhất của bước văn hóa này là những thế kỷ giữa thiên niên kỷ đó. Chính ở đây đã có sự không thể gọi là “trùng hợp ngẫu nhiên” nữa mà phải gọi đúng là sự ăn khớp kỳ lạ giữa tài liệu khảo cổ học và tài liệu thư tịch. Như đã nói trên, Đại Việt sử lược đã chép về sự xuất hiện của các Vua Hùng, sự thành lập nước Văn Lang với những khẳng định về niên đại tuyệt đối là từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên.

Một cái gốc vững vàng đã hình thành để rồi chồi cây có thể mọc tiếp lên (1). Thời kỳ nước Âu Lạc và An Dương Vương cùng với những cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống sự xâm lược và thống trị của nhà Triệu, nhà Hán, cho đến thời Hai Bà Trưng, đã được ghi chính thức trên sử sách giấy tờ từ lâu rồi. Ở bước phát triển này của lịch sử, chỉ có những Vua Hùng cụ thể là không thấy nữa, nhưng “thời Hùng Vương” với toàn bộ cấu trúc của nó vẫn còn. Khảo cổ học cũng cho thấy từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên đến đầu Công nguyên, văn hóa Đông Sơn đang tồn tại ở bước phát triển cuối cùng.

(1) Đỗ Văn Ninh: Chồi Âu Lạc mọc từ gốc Văn Lang – Khảo cổ học, Hà Nội, số 3-4, tháng 12-1969, tr. 89. Thế kỷ thứ 1 sau Công nguyên là niên đại báo hết của văn hóa Đông Sơn, đồng thời cũng là lúc mà cuộc khởi nghĩa và kháng chiến oanh liệt do Hai Bà Trưng lãnh đạo bị dìm trong máu. Cái chồi cây đến đây bị chém gãy, nhưng cũng chính từ đây, những hạt quả, rễ mầm, và ngay cái chồi của nó, cắm trở lại vào đất tổ, đã đối chọi với những thử thách khốc liệt để rồi lại vượt lên ngay trên gốc cũ, cả một rừng cây xanh tốt như đang thấy ngày nay.

Hình tượng về cái – cây – quý – Hùng Vương như vừa trình bày không có gì khác hơn là nhằm hình dung ra các bước phát triển của “thời Hùng Vương” từ mầm đến ngọn, từ đầu đến cuối của khoảng thời gian hai thiên niên kỷ trước Công nguyên, với bước phát triển quan trọng nhất là những thế kỷ giữa thiên niên kỷ thư 1 trước Công nguyên. Chúng tôi đã có lần dùng từ thời kỳ Hùng Vương (2) để mệnh danh cho bước phát triển quan trọng nhất này, so với các tên gọi thời kỳ tiền Hùng Vương và thời kỳ hậu Hùng Vương, mệnh danh một cách ước lệ cho các bước phát triển trước và sau của nó, gắn bó hữu cơ trong một chỉnh thể.

(2) Hiểu với nghĩa chặt chẽ và cụ thể từ: có thể có những Vua Hùng thật sự ở thời này, bởi nếu tính kỹ vào con số 18 đời vua của truyền thuyết thì cũng thấy họ vừa đủ sống trong khoảng thời gian mấy thế kỷ này. Chỉnh thể đó chính là một thời đại, gồm nhiều thời kỳ, hết sức quan trọng của lịch sử nước ta, có nội dung là sự tan rã xã hội nguyên thủy và sự xuất hiện xã hội có giai cấp đầu tiên, là sự hình thành và tập hợp những mầm mống của dân tộc, là sự phát hiện và khẳng định con đường vượt qua những thử thách quyết liệt, là sự xây dựng vẻ cao đẹp của nền văn minh đầu tiên mang tính dân tộc của chúng ta ở miềng Đông Nam Á.

Chính Hồ Chủ tịch kính yêu là người đầu tiên đã, bằng ngôn ngữ đặc sắc của Người, gợi lên bản chất và cả tên gọi nữa của thời đại này, qua câu nói đã trở thành tiêu đề cho nhiều trường hợp và sự kiện: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Có lẽ đồng chí Nguyễn Khánh Tòan đã từ chỗ này mà đề nghị tạm gọi bằng một tên chung là “thời đại bắt đầu dựng nước và giữ nước” (1) cho “thời Hùng Vương” mà có lúc chúng tôi đã mệnh danh cho phổ cập là “thời đại các Vua Hùng”, và các nhà nghiên cứu khác thì gọi tên như các cách mà chúng tôi đã giới thiệu ở trên.

(1) Nguyễn Khánh Toàn: Vài gợi ý về việc biên sọan cuốn sử Việt Nam – Khảo cổ học, Hà Nội Trở lại với chuyện chữ và nghĩa, chúng tôi muốn một lần nữa nhắc đến những ý kiến của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở Hội nghị lần thứ nhất nghiên cứu thời Hùng Vương năm 1968. Thủ tướng đã thận trọng “suy nghĩ không biết nên dùng tiếng “thời đại” hay “thời kỳ”, tuy vẫn cho rằng “những vấn đề này không quan trọng”. Lý do cân nhắc của Thủ tướng tức là “dùng “thời đại” thì nó có ý nghĩa và nội dung, về thực chất của cái thời gian đó” mà “về cái khoảng thời gian đó, ta chưa biết rõ nó ra sao mà gọi nó là “thời đại”.

Sau ba năm tập trung tìm tòi, suy nghĩ, những người làm công tác khoa học, như đã thấy, đã không chỉ khẳng định được rằng “thời Hùng Vương” là có thực, mà còn có thể bước đầu hiểu được một số điều về thời đó. Vì vậy mà có lẽ bây giờ, nếu chúng ta dùng thuật ngữ khoa học là “thời đại dựng nước và giữ nước đầu tiên” song song với cái tên “thời Hùng Vương”, và để cho cái tên này chủ yếu dùng trong các trường hợp phổ cập, thì chúng tôi nghĩ rằng đây cũng là một cách để những nhà nghiên cứu báo cáo với đồng chí Thủ tướng kính mến, với các đồng chí và bạn bè về những thành tựu bước đầu, sau ba năm nỗ lực làm việc của chúng ta, về một thời đại có ý nghĩa hết sức trọng đại của lịch sử dân tộc Việt Nam ta.

Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam - Viện khảo cổ học

Share this post


Link to post
Share on other sites

Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Sẽ tranh luận công khai 3 vấn đề chính với Thiền sư Lê Mạnh ThátChủ nhật, 16/03/2008, 01:51 (GMT+7)Trao đổi với phóng viên Báo SGGP trong ngày 15-3, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, Thường vụ hội đã họp bàn các vấn đề liên quan và cho rằng, tất cả những phát hiện mới về lịch sử dân tộc đều đáng trân trọng, tuy nhiên để khẳng định một vấn đề cần có những tranh luận công khai, minh bạch về mặt khoa học, cần có những cứ liệu khoa học xác đáng, đủ sức thuyết phục.

Với trách nhiệm của mình, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam quyết định sẽ tiến hành thảo luận công khai về những vấn đề mà Thiền sư Lê Mạnh Thát đưa ra. Hiện nay Thường vụ hội đã giao cho nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam liên hệ với Thiền sư Lê Mạnh Thát để tiến hành thảo luận theo 1 trong 2 phương thức: Tổ chức một hội thảo bàn tròn mang tính chuyên gia với sự có mặt của thiền sư cùng những bạn đồng nghiệp của thiền sư và một số nhà khoa học đầu ngành về lịch sử và những ngành liên quan như khảo cổ học, thư tịch Hán Nôm, ngôn ngữ học...; tổ chức thảo luận công khai trên Tạp chí Xưa và Nay (cơ quan ngôn luận của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam).

Tại đây các học giả có thể tham dự bằng các bài viết tham gia thảo luận, sau đó hội sẽ tiến hành tổng kết một cách khách quan, trung thực. Nếu thấy cần thiết, Tạp chí Xưa và Nay sẽ dành toàn bộ nội dung để đăng các bài thảo luận, tranh biện trong một thời gian, đảm bảo chuyển tải hết nội dung cuộc tranh luận khoa học này và những vấn đề liên quan.

Theo GS Phan Huy Lê, do các công trình nghiên cứu của Thiền sư Lê Mạnh Thát liên quan đến rất nhiều vấn đề, nên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đề nghị tập trung vào 3 vấn đề lớn mà Báo Thanh Niên đã nêu lên và dư luận xã hội đang chờ đợi ý kiến của giới sử học: 1. Thời An Dương Vương và nước Âu Lạc có tồn tại trong lịch sử hay không? 2. Cuộc xâm lược của Triệu Đà và thời kỳ đô hộ của nhà Triệu, nhà Hán cho đến khởi nghĩa Hai Bà Trưng có thực hay không? 3. Sự ra đời và phát triển đến trình độ cao của chữ viết thời Hùng Vương đã có cơ sở khẳng định chưa?

Cơ sở tư liệu cần mở rộng cho tất cả các nguồn sử liệu liên quan, từ tư liệu thành văn trong thư tịch của ta, của Trung Quốc, trong hệ thống kinh và văn học Phật giáo, cho đến tư liệu khảo cổ học và các tư liệu văn học truyền khẩu trong kho tàng văn hóa dân gian. “Đây là những vấn đề về lịch sử dân tộc nên cần thảo luận trên cơ sở phương pháp luận của khoa học lịch sử. Vì vậy, cuộc thảo luận cần đảm bảo tính dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, trung thực trên tinh thần thân ái, tôn trọng lẫn nhau, cùng chung sức tìm tòi, khám phá sự thật lịch sử, với ý thức trách nhiệm cao của giới sử học trước nhân dân và lịch sử dân tộc!” - GS Phan Huy Lê nhấn mạnh.

Trần Lưu

Share this post


Link to post
Share on other sites

Ngày mai yêu cầu tháo bài này khỏi trang chủ Lý học Đông phương.

Những Làng Cổ Có Tên Là "Kẻ"

Posted Image

Phan Duy Kha tổng hợp

Dongtac.net

Nghiên cứu địa danh các làng xã cổ xưa của người Việt, chúng ta thấy có một hiện tượng đặc biệt. Đó là tên nhiều làng có từ "kẻ". Thí dụ, ngay tại Hà Nội có Kẻ Noi (Cổ Nhuế), Kẻ Mọc (Nhân Mục), Kẻ Cót (Yên Quyết), Kẻ Mẩy (Mễ Trì) rồi Kẻ Bưởi, Kẻ Mơ, Kẻ Giàn, Kẻ Cáo... Kẻ là người, kẻ cũng là làng

Ngôn ngữ Việt cổ có từ kẻ mà ngày nay vẫn còn gây tranh cãi trong những người cầm bút. Thậm chí, có người từng lên án gay gắt việc dùng câu tục ngữ "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Theo quan điểm của những người này thì kẻ là một từ chỉ người với nội dung xấu, như kẻ cắp, kẻ cướp, kẻ gian, kẻ thù... Vậy thì không thể dùng cụm từ "kẻ trồng cây" mà phải dùng cụm từ "người trồng cây" mới đúng chăng!

Thực ra, trong kho tàng ngôn ngữ Việt cổ, ông cha ta dùng hai từ kẻ và người không hề phân biệt. Có thể dẫn chứng hàng loạt thành ngữ, tục ngữ để minh chứng cho điều này. Thí dụ: kẻ trên người dưới; kẻ trước người sau; kẻ cười người khóc; kẻ tám lạng người nửa cân; kẻ vào người ra; kẻ ở người đi; kẻ giàu người nghèo... Trong tất cả những thành ngữ, tục ngữ đó, kẻ và người được đặt ngang nhau và nếu ta đem hoán vị giữa hai từ kẻ và người, ý nghĩa của thành ngữ, tục ngữ đó cũng không thay đổi. Vì vậy, chúng ta có thể yên tâm đặt một dấu "bằng" giữa kẻ và người (kẻ=người) mà không hề phải phân vân gì.

Nghiên cứu địa danh các làng xã cổ xưa của người Việt, chúng ta thấy có một hiện tượng đặc biệt. Đó là tên nhiều làng có từ "kẻ". Thí dụ, ngay tại Hà Nội có Kẻ Noi (Cổ Nhuế), Kẻ Mọc (Nhân Mục), Kẻ Cót (Yên Quyết), Kẻ Mẩy (Mễ Trì) rồi Kẻ Bưởi, Kẻ Mơ, Kẻ Giàn, Kẻ Cáo... Có một điều chung nhất trong tất cả các làng mang tên kẻ này, đó đều là những làng cổ. Theo ý nghĩa của ngôn từ Việt cổ, có thể hiểu từ kẻ ở đây chỉ một cụm dân cư sống trên một địa bàn cụ thể. Thí dụ, Kẻ Noi = Người (ở làng) Noi; Kẻ Mọc = Người (ở làng) Mọc; Kẻ Bưởi = Người (ở làng) Bưởi... Để đơn giản, người ta hiểu: Kẻ Noi = làng Noi; Kẻ Mọc = làng Mọc; Kẻ Bưởi = làng Bưởi... Như vậy, ở đây kẻ được đồng nhất với làng.

Khi các triều đình phong kiến Trung Hoa sang xâm lược nước ta, để tiện lợi cho việc ghi chép vào giấy tờ, sách vở (theo chữ Hán), mỗi làng lại phải đặt một tên chữ (âm Hán - Việt). Khác với tên Nôm chỉ có một từ (không kể từ Kẻ đứng trước), tên chữ thường có ít nhất là hai từ. Như vậy, những làng cổ ra đời trước thời Bắc thuộc, nhất thiết phải có hai tên, một tên Nôm (kèm Kẻ) và một tên chữ. Những làng ra đời trong thời kỳ phong kiến thường chỉ có tên chữ, không có tên nôm và không có Kẻ. Đó là tiêu chí để ta phân biệt những làng cổ ra đời trước thời Bắc thuộc và những làng mới được thành lập sau này.

Trong việc đặt tên làng xã của Việt Nam, ta lại thấy có hiện tượng đặt tên làng theo tên dòng họ, như Nguyễn Xá, Hoàng Xá, Phan Xá, Bùi Xá... Xá là một từ Hán - Việt chỉ nơi cư trú: Nguyễn Xá là nơi cư trú của những người họ Nguyễn, Hoàng Xá là nơi cư trú của những người họ Hoàng... Trong những làng mang tên Xá như vậy cũng có những dòng họ khác sinh sống. Tuy nhiên, dòng họ mà làng mang tên dòng họ lớn nhất, có vị thế chủ đạo, có ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt vật chất và văn hóa tinh thần của cả làng. Từ nguồn gốc hình thành và tên gọi của nó, các làng mang tên Xá không thể ra đời trước thời điểm các triều đình phong kiến Trung Hoa sang đô hộ nước ta. Như vậy, trong hệ thống địa danh các làng cổ Việt Nam, những làng có Kẻ là những làng xuất hiện sớm nhất. Có thể coi đó là những địa bàn định cư, những đơn vị cơ sở đầu tiên của thời Hùng Vương dựng nước. Trong một cuốn địa chí văn hóa của xứ Thanh, làng có Kẻ chiếm 24%; làng không Kẻ chiếm 76% (trong đó bao gồm làng có Xá, làng do di dân lập ấp trong thời phong kiến, làng do đất phong và các trại khai hoang xưa, nay đã thành làng). Như vậy, với một vùng đất cổ như Thanh Hóa, có đến 24% số làng xuất hiện từ thời Hùng Vương dựng nước.

Sự phân bố các làng Kẻ trên bản đồ Việt Nam

Những vùng làng có tên Kẻ được tập trung vào ba trung tâm chính:

1. Trung tâm núi Hồng - sông Lam: Đây là một vùng có nhiều làng cổ có tên là Kẻ. Phạm vi những làng này nằm trong vùng đồng bằng và vùng ven chân núi phía nam Nghệ An, phía bắc Hà Tĩnh mà dày đặc nhất là vùng ven núi Hồng - sông Lam. ở đây có những huyện mà số làng tên Kẻ chiếm đến 2/3 (tức hơn 60%) tổng số các làng, như huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Thạch Hà, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, Nam Đàn, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu (Nghệ An) có nhiều làng Kẻ. Các di tích khảo cổ chủ yếu như Thạch Lạc, Làng Vạc, Quỳnh Văn nằm trong phạm vi vùng Kẻ này. Đi về phía nam, các làng Kẻ ít dần. Vùng Bình - Trị - Thiên cũng có Kẻ nhưng thưa thớt hơn. Phía nam đèo Hải Vân, các Kẻ còn thấy xuất hiện đến tận Quảng Nam, Quảng Ngãi

2. Trung tâm Đông Sơn (Thanh Hóa): Đây cũng là một vùng dày đặc các làng tên Kẻ. Phạm vi bao gồm các huyện nằm ven chân núi và vùng đồng bằng sông Mã, sông Chu như: Đông Sơn, Thiệu Yên, Triệu Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Hà Trung, Nông Cống. Các làng Kẻ làm thành một vệt liên tục từ Kẻ Don (Vĩnh Lộc) xuống Kẻ Đàng (Thiệu Yên). Các di tích khảo cổ chủ yếu của thời đại đồng thau như Đông Sơn, Thiệu Dương, Hoằng Hóa... nằm trong phạm vi khu vực này. Có một điều đặc biệt lý thú là toàn bộ huyện Nga Sơn không hề có một làng tên Kẻ nào (trong lúc đó, các huyện bên cạnh đều có làng Kẻ!). Điều này hoàn toàn phù hợp với truyền thuyết Mai An Tiêm: vào thời vua Hùng, toàn bộ vùng này đang nằm sâu dưới biển, chỉ nhô lên một vài hòn đảo (Mai An Tiêm bị đày ra đảo hoang ở Nga Sơn theo truyền thuyết).

3. Trung tâm Việt Trì - Phong Châu: Đây là trung tâm của thời kỳ các vua Hùng. Những làng mang tên Kẻ ở đây phân bố ven theo chân núi Ba Vì, Tam Đảo và dọc theo châu thổ sông Hồng từ Phong Châu, Việt Trì xuống đến phạm vi thủ đô Hà Nội. Các huyện Phong Châu, Thanh Sơn, Sông Thao, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Lập Thạch, Tam Đảo, Vĩnh Lạc, Mê Linh (Vĩnh Phúc), Sóc Sơn, Đông Anh, Từ Liêm, Gia Lâm (Hà Nội) đều có nhiều làng Kẻ. Những làng có đền thờ các nhân vật thời Hùng Vương, những làng lưu truyền các truyền thuyết về các tướng tá thời Hùng, thường là những làng mang tên Kẻ. Những di chỉ khảo cổ chủ yếu như Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun... nằm trong khu vực này. Đền Hùng ở cạnh một làng mang tên Kẻ: Kẻ Khống (Chu Hóa, Phong Châu); Cổ Loa là Kẻ Chủ; quê hương của người anh hùng Thánh Gióng là Kẻ Đổng (Phù Đổng, Gia Lâm). Toàn bộ vùng Kẻ ở khu vực này tạo thành một hình tam giác, lệch về góc đông nam. ở rìa của góc đông nam đó là vùng Trâu Sơn - Phả Lại, là nơi kẻ thù thường xâm phạm. Đó chính là bối cảnh của chiến trường Thánh Gióng đánh giặc Ân trong truyền thuyết. Vùng đất thủ đô Hà Nội cũng là một vùng đất cổ, trên đó dày đặc các làng có tên Kẻ như chúng tôi đã trích dẫn ở phần đầu. Có nhiều Kẻ ở ngoại thành, có những Kẻ bây giờ thuộc nội thành như Kẻ Bưởi, Kẻ Mơ...

Ở phía nam Hà Nội vắng hẳn các làng tên Kẻ. Theo một số tài liệu nghiên cứu thì cách đây 3.000 năm, đường bờ biển ở vào khoảng Chương Mỹ, Thường Tín, nối đến thành phố Hải Dương ngày nay (lúc ấy, vùng núi đá vôi Nho Quan - Ninh Bình có phong cảnh như vịnh Hạ Long bây giờ). Cách đây 2.000 năm, đường bờ biển lùi xuống Ninh Bình, Nam Định. Như vậy thì vào thời Hùng Vương, vùng đất phía nam Hà Nội đang là bãi cát bồi ven biển, chưa được khai phá. Điều đó cắt nghĩa vì sao ở đây không có các làng tên Kẻ. Điều này cũng phù hợp với truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung: đây là lãnh thổ đang "tranh chấp" giữa con người và thiên nhiên, chưa có những khu vực dân cư ổn định (các tên Chử Xá, Dạ Trạch là các tên Hán - Việt do đời sau đặt).

Kinh đô Văn Lang

Trong thư Hoài Nam Vương gửi Hán Vũ Đế (thế kỷ 2 trước Công nguyên) có ghi: "Nam Việt không phải là nơi ấp lý có thành quách. Họ ở trong khoảng khe suối, ở giữa rừng tre" (Hoài Nam Tử). Có thể thấy: ngay từ xưa, người Việt đã ở trong các làng có lũy tre dày đặc bao bọc (người Trung Hoa nhìn từ ngoài vào, không hiểu, cho là rừng tre). Tre là lũy để bảo vệ an toàn cho các Kẻ, chứ không cần phải thành quách. Với trình độ kỹ thuật quân sự xưa, chỉ có tên tre và mũi lao, mũi giáo bằng đồng thì lũy tre dày đặc bao quanh các Kẻ quả là kiên cố. Bên trong các Kẻ đó lại có các lũy tre phân chia từng gia đình thành từng ô nhỏ. Vì vậy, nếu kẻ thù đột nhập vào đây sẽ như lọt vào trận đồ bát quái, khó có thể tìm được lối ra và sẽ bị tiêu diệt. Vì vậy, chúng ta có thể khẳng định: vào thời kỳ Hùng Vương, người Việt chưa có thành quách và cũng không có nhu cầu xây đắp thành. Ngay kinh đô Văn Lang của các vua Hùng có thể cũng chỉ là một Làng Lớn (Làng Cả - Kẻ Cả) mà thôi (các nhà khảo cổ cho rằng khu di tích Làng Cả - Việt Trì chính là kinh đô Văn Lang xưa).

Tất nhiên, vào thời vua Hùng không phải chỉ có Kẻ. Kẻ chỉ ở đồng bằng và vùng đồi núi thấp. ở những vùng cao có các bản, mường. Ngay gần kinh đô Văn Lang cũng có rất nhiều bản, mường của người Mường, người Dao. Có thể nói: những kẻ, bản, mường đó là những tập hợp cư dân, những đơn vị cơ sở đầu tiên của thời kỳ Hùng Vương dựng nước.

Phan Duy Kha tổng hợp

Share this post


Link to post
Share on other sites

Ngày mai yêu cầu tháo bài này khỏi trang chủ Lý học Đông phương.

Những Làng Cổ Có Tên Là "Kẻ"

.... Kinh đô Văn Lang

Trong thư Hoài Nam Vương gửi Hán Vũ Đế (thế kỷ 2 trước Công nguyên) có ghi: "Nam Việt không phải là nơi ấp lý có thành quách. Họ ở trong khoảng khe suối, ở giữa rừng tre" (Hoài Nam Tử). Có thể thấy: ngay từ xưa, người Việt đã ở trong các làng có lũy tre dày đặc bao bọc (người Trung Hoa nhìn từ ngoài vào, không hiểu, cho là rừng tre). Tre là lũy để bảo vệ an toàn cho các Kẻ, chứ không cần phải thành quách. Với trình độ kỹ thuật quân sự xưa, chỉ có tên tre và mũi lao, mũi giáo bằng đồng thì lũy tre dày đặc bao quanh các Kẻ quả là kiên cố. Bên trong các Kẻ đó lại có các lũy tre phân chia từng gia đình thành từng ô nhỏ. Vì vậy, nếu kẻ thù đột nhập vào đây sẽ như lọt vào trận đồ bát quái, khó có thể tìm được lối ra và sẽ bị tiêu diệt. Vì vậy, chúng ta có thể khẳng định: vào thời kỳ Hùng Vương, người Việt chưa có thành quách và cũng không có nhu cầu xây đắp thành. Ngay kinh đô Văn Lang của các vua Hùng có thể cũng chỉ là một Làng Lớn (Làng Cả - Kẻ Cả) mà thôi (các nhà khảo cổ cho rằng khu di tích Làng Cả - Việt Trì chính là kinh đô Văn Lang xưa).

Tất nhiên, vào thời vua Hùng không phải chỉ có Kẻ. Kẻ chỉ ở đồng bằng và vùng đồi núi thấp. ở những vùng cao có các bản, mường. Ngay gần kinh đô Văn Lang cũng có rất nhiều bản, mường của người Mường, người Dao. Có thể nói: những kẻ, bản, mường đó là những tập hợp cư dân, những đơn vị cơ sở đầu tiên của thời kỳ Hùng Vương dựng nước.

Phan Duy Kha tổng hợp

Đáng giận thật!

Nếu một xã hội với tập hợp nhóm nhỏ "cởi trần đống khố" như thế - chưa có biểu hiện sự phân hóa lấy đâu ra sự lý luận triết lý. Tri thức chỉ hình thành trong xã hội đã phát triển và có sự phân hóa giai cấp lao động, phân chia của cải.

ADNH là học thuyết uyên thâm được người Lạc Việt tạo nên => dân tộc đã hình thành xã hội phát triển rực rỡ.

Gỡ bài này xuống là rất đúng!

Share this post


Link to post
Share on other sites

Đáng giận thật!

Nếu một xã hội với tập hợp nhóm nhỏ "cởi trần đống khố" như thế - chưa có biểu hiện sự phân hóa lấy đâu ra sự lý luận triết lý. Tri thức chỉ hình thành trong xã hội đã phát triển và có sự phân hóa giai cấp lao động, phân chia của cải.

ADNH là học thuyết uyên thâm được người Lạc Việt tạo nên => dân tộc đã hình thành xã hội phát triển rực rỡ.

Gỡ bài này xuống là rất đúng!

Phan Duy Kha với hàng loạt bài đăng trong mục "Nhìn lại lịch sử " trên Tập san Thế Giới Mới và là người hùng trong việc thể hiện quan điểm phủ nhận cội nguồn thời Hùng Vương với hàng ngàn năm văn hiến. Ông ta được báo Thế Giới Mới tôn vinh. Tôi rất tiếc đã bán ve chai trong lúc ...đói, những cuốn Thế Giới Mới có bài viết của ông ta. Nếu không nó sẽ được đánh máy và đưa vào topic này.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Híc! Hôm nay con bình tâm nên nghĩ thế này:

Cái gì cũng có 2 mặt.

Việc "ông Phan Duy Kha với hàng loạt bài đăng trong mục "Nhìn lại lịch sử " trên Tập san Thế Giới Mới và là người hùng trong việc thể hiện quan điểm phủ nhận cội nguồn thời Hùng Vương với hàng ngàn năm văn hiến. Ông ta được báo Thế Giới Mới tôn vinh." cũng là định mệnh của ông ta - Ông ta sẽ là "viên đá mài của thợ rèn". :lol:

Khi dòng dõi Lạc Việt phục hồi được lịch sử của mình, viên đá này sẽ làm sáng và sắc bén thêm thanh "bảo kiếm" chân lý. B)

Bảo kiếm không thể thành gươm quí nếu không có viên đá kia. :D

Nếu không có khía cạnh phủ định, khẳng định đâu thể tồn tại. => chú Thiên Sứ sẽ làm công việc khác và con đâu có cơ duyên tìm đến chú. :(

( Con hơi khác người khác ở nguyên nhân đến với lý học Đông Phương. Đa số đến với môn này vì ứng dụng sắc bén của nó trong tiên đoán, còn con đến với nó vì nó là hệ thống lý thuyết mà với con : ADNH Lạc Việt là hệ thống triết lý khá viên mãn. Trên đời đâu có cái chi viên mãn như Thái Cực :().

Share this post


Link to post
Share on other sites

Híc! Hôm nay con bình tâm nên nghĩ thế này:

Cái gì cũng có 2 mặt.

Việc "ông Phan Duy Kha với hàng loạt bài đăng trong mục "Nhìn lại lịch sử " trên Tập san Thế Giới Mới và là người hùng trong việc thể hiện quan điểm phủ nhận cội nguồn thời Hùng Vương với hàng ngàn năm văn hiến. Ông ta được báo Thế Giới Mới tôn vinh." cũng là định mệnh của ông ta - Ông ta sẽ là "viên đá mài của thợ rèn". :(

Khi dòng dõi Lạc Việt phục hồi được lịch sử của mình, viên đá này sẽ làm sáng và sắc bén thêm thanh "bảo kiếm" chân lý. :(

Bảo kiếm không thể thành gươm quí nếu không có viên đá kia. B)

Nếu không có khía cạnh phủ định, khẳng định đâu thể tồn tại. => chú Thiên Sứ sẽ làm công việc khác và con đâu có cơ duyên tìm đến chú. :(

( Con hơi khác người khác ở nguyên nhân đến với lý học Đông Phương. Đa số đến với môn này vì ứng dụng sắc bén của nó trong tiên đoán, còn con đến với nó vì nó là hệ thống lý thuyết mà với con : ADNH Lạc Việt là hệ thống triết lý khá viên mãn. Trên đời đâu có cái chi viên mãn như Thái Cực :) ).

Thực ra cũng có lúc chú cũng nghĩ như Thiên Huy: Nếu không có những người phủ nhận cội nguồn thì lấy đâu ra những người minh chứng. Nhưng đấy chỉ là nguyên nhân khách quan. Cũng như không thể vì người hàng xóm bị ăn trộm mà bảo là đấy là nguyên nhân nhắc nhở luôn phải đóng cửa. Còn kẻ trộm thì là người khuyên sự thận trọng bằng hành động cụ thể. :D .

Dù sao thì chú cũng không thể không buồn.

Nhưng thôi, việc của chú là tiếp tục minh chứng nền văn hiến Việt trải gần 5000 năm văn hiến và chú tin rằng chú sẽ thành công. Nếu không xong thì thế nào cũng có người minh chứng tiếp tục điều này. Ngày xưa chú chỉ có một mình với những gói mỳ tôm cầm hơi vẫn luôn nhiệt tình. Huống chi bây giờ thì ít nhất chú cũng đã có nhiều người ủng hộ. Trong đó có Thiên Huy và không phải bằng mỳ tôm mà là bia tươi Tiệp với đùi cừu nướng kiểu Ytaly, vài tháng một lần :lol: .

Share this post


Link to post
Share on other sites

... việc của chú là tiếp tục minh chứng nền văn hiến Việt trải gần 5000 năm văn hiến và chú tin rằng chú sẽ thành công. Nếu không xong thì thế nào cũng có người minh chứng tiếp tục điều này. Ngày xưa chú chỉ có một mình với những gói mỳ tôm cầm hơi vẫn luôn nhiệt tình. Huống chi bây giờ thì ít nhất chú cũng đã có nhiều người ủng hộ. Trong đó có Thiên Huy và không phải bằng mỳ tôm mà là bia tươi Tiệp với đùi cừu nướng kiểu Ytaly, vài tháng một lần :D .

Hiện con chưa tới mỳ tôm (có cơm ăn với thịt nhưng phải chi tiêu cẩn thận) B) . Con có căn duyên với chú vì ngoài những phát hiện và minh chứng quan trọng của chú, ngay từ khi nhìn hình chú chụp và post trên blog con biết con có rất nhiều nét giống chú (thích nghệ thuật: vẽ, làm thơ, triết lý,... và cuộc sống luôn bị thử thách, chỉ cần sơ hở tí là bị tiểu nhân thọt). Con người bản lĩnh trong hoàn cảnh nào vẫn cứ bộc lộ phong thái hiên ngang mà. :(

Con luôn tin rằng chú làm được những gì chú mong muốn. :(

Nếu không xong, trong số những người kế tục chắc có thằng Thiên Huy. :( :) :) :lol:

Share this post


Link to post
Share on other sites

Thì ra vào ngay năm 1974 , nhưng tư duy giẻ rách đã bày đặt phân tích, phân teo lịch sử thời Hùng. Họ căn cứ trên những chỗ họ đào được những di tích khảo cổ học . Híc. Nhưng điều đáng lưu ý ở đây là:

Họ được đào ở đâu thì họ bảo đó là lãnh thổ thời Hùng Vương. Những chỗ không được đào - hoặc không đào được thì họ không coi là lãnh thổ của Hùng Vương. Sự dốt nát nó nằm ở chỗ này. Trong bài này họ chỉ đào ở đồng bằng Bắc Bộ nên họ tự gán cho lãnh thổ Văn Lang chỉ có ở đồng bằng Bắc bộ. Trong khi đó, truyền thuyết xác nhận ở Nam Dương Tử.

Ngày mai để nghị tháo bài này ra khỏi trang chủ.

Hùng Vương dựng nước - Tập IV - 12

Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam - Viện khảo cổ học

Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội, 1974

Tìm hiểu quá trình hình thành lãnh thổ Văn Lang của các vua Hùng

Hoàng Xuân Chinh

Posted Image

N

ghiên cứu thời kỳ Hùng Vương có nghĩa là tìm hiểu thời kỳ dựng nước, tìm hiểu quá trình hình thành nhà nước đầu tiên của dân tộc ta. Trong quá trình hàng nghìn năm, cùng với sự phát triển của kỹ thuật, của sức sản xuất, sự thống nhất kinh tế, văn hóa cũng được thực hiện dần dần cùng với sự thống nhất lãnh thổ, đặt cơ sở cho sự hình thành quốc gia. Do đó tìm hiểu lãnh thổ Văn Lang của các vua Hùng không chỉ tìm hiểu bờ cõi buổi cực thịnh, lúc quốc gia đã hình thành, mà còn cần tìm hiểu cả quá trình trước đó.

Đất nước trước buổi bình minh của lịch sử, chưa thể có được những đường biên giới có mốc rạch ròi. Sự chung đụng giữa con người cũng như văn hóa qua hàng nghìn năm lịch sử đã xóa nhòa những đường biên giới thời dựng nước. Hơn nữa tính không ổn định của những tập đoàn người trước lúc bước vào xây dựng một quốc gia thống nhất cũng chỉ cho chúng ta những khái niệm về phạm vi sinh sống hoạt động chung chung của họ mà thôi. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta không thể tìm hiểu từng bước hình thành lãnh thổ từ buổi xa xưa đó.

Từ những khác biệt trong dấu vết cuộc sống con người để lại – tài liệu khảo cổ học – chúng ta có thể lần tìm phạm vi sinh sống của những tập đoàn người cổ xưa. Thời kỳ này, ở một trình độ nhất định, văn hóa khảo cổ có tính chất đóng kín, cho nên nghiên cứu cẩn thận các văn hóa khảo cổ, có thể tìm hiểu được quá trình hình thành các tập đoàn người từ bộ lạc, liên minh bộ lạc tiến lên cộng đồng quốc gia. Đồng thời có thể tìm hiểu những mối quan hệ phức tạp giữa các tập đoàn người từ mối quan hệ đồng hóa, hòa hợp, quan hệ tộc ngoại hơn cho đến sự thiên di của một phần hay cả bộ lạc nào đó.

Do đó, nghiên cứu sự phân bố các văn hóa khảo cổ, các nhóm di tích khảo cổ ở miền Bắc Việt Nam có ý nghĩa lớn trong việc tìm hiểu phạm vi hoạt động cùng quá trình hình thành các tộc người thời Hùng Vương.

Cùng với tư liệu khảo cổ học, những đoạn thư tịch cổ, những truyền thuyết nói về vị trí các bộ thời Hùng Vương, các quận huyện thời Hán, sự thống nhất về khác biệt về phương ngôn, về phong tục tập quán giữa các tộc người cũng cho ta những gọi ý đáng quý về quá trình hình thành lãnh thổ Văn Lang của các vua Hùng.

Song tình hình tư liệu hiện nay chưa cho phép chúng ta nói được gì nhiều lắm. Bản đồ khảo cổ học Việt Nam còn nhiều vùng trắng chưa được điều tra nghiên cứu. Tài liệu ngôn ngữ học, dân tộc học – người Kinh – con cháu trực tiếp người Việt cổ chưa cung cấp được bao nhiêu. Do đó, lấy tài liệu khảo cổ học làm cơ sở, cho có tập hợp tất cả các nguồn tư liệu lại cũng chỉ nêu lên được những gợi ý bước đầu về các giai đoạn lớn trong quá trình hình thành lãnh thổn Văn Lang của các vua Hùng.

Thời kỳ Hùng Vương là một quá trình lịch sử kéo dài trên dưới 2.000 năm, cho đến giữa thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Tài liệu khảo cổ học vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ có niên đại được xác định bằng phương pháp C14 đã khẳng định điều đó (1). Còn nhiều điều cần bàn bạc thêm, song mọi người đều thống nhất những mốc lớn đánh dấu các giai đoạn phát triển của văn hóa khảo cổ vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ - vùng được xem là đất tổ, địa bàn gốc của các vua Hùng. Đó là văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa Đồng Đậu, văn hóa Gò Mun, văn hóa Đông Sơn (2). Quá trình phát triển từ văn hóa Phùng Nguyên qua văn hóa Đồng Đậu, văn hóa Gò Mun đến văn hóa Đông Sơn là phản ánh quá trình lịch sử của con người thời Hùng Vương vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Đất nước thời các vua Hùng đã được mở rộng ra ngoài vùng đất tổ. Do đó theo các mốc đã được xác định ở vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ, đối chiếu với các vùng chung quanh có thể tìm hiểu những bước lớn trong quá trình mở rộng và hình thành lãnh thổ Văn Lang của các vua Hùng

(1) Cho đến nay Viện khảo cổ học đã tiến hành xác định niên đại bằng phương pháp C14 ở các địa điểm sau:

- Tràng Kênh độc sâu 1m90-2m10: 3.405 ± 100 trước năm 1950

- Đồng Đậu độ sâu 4m00: 3.328 ± 100 trước năm 1950

- Vườn Chuối độ sâu 0m80: 3.070 ± 100 trước năm 1950

- Vinh Quang độ sâu 1m80: 3.046 ± 100 trước năm 1950

- Chiền Vậy độ sâu 0m65: 2.350 ± 100 trước năm 1950

(2) Có ý kiến cho đó là các giai đoạn phát triển chứ không phải văn hóa. Cũng có ý kiến thêm giai đoạn Gò Bông sau giai đoạn Phùng Nguyên, và giai đoạn Gò Chiền, giai đoạn Đường Cồ sau giai đoạn Gò Mun.

Cũng có ý kiến cho rằng ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ không có văn hóa Đông Sơn, mà chỉ có Đường Cồ.

*

* *

Vào buổi đầu thiên niên kỷ thứ 2 trước Công nguyên, hoặc sớm hơn nữa hầu khắp miền Bắc Việt Nam ngày nay đã có nhiều tập đoàn người sinh sống. Dấu vết cuộc sống của họ là các văn hóa khảo cổ phân bố rộng khắp các miền. Đó là các văn hóa Phùng Nguyên, Hạ Long, Tràng Kênh, Đông Khối, Thạch Lạc, văn hóa rìu có vai (1). Mỗi văn hóa khảo cổ có đặc trưng riêng và phân bố trong một phạm vi nhất định.

(1) Văn hóa Phùng Nguyên phân bố ở trung du và một phần đồng bằng Bắc Bộ, giữa hai dãy núi Tam đảo và Ba Vì, mà trung tâm là chỗ hợp lưu của các con sông Hồng, sông Lô, sông Thao, sông Đà, sông Đáy, sông Cầu, sông Tích, bao gồm tỉnh Vĩnh Phú, Hà Tây, Hà Nội và một phần Hà Bắc hiện nay. Con người ở đây đã đạt đến đỉnh cao của kỹ thuật đồ đá, và ở giai đoạn cuối đã biệt kỹ thuật luyện đồng. Sự phong phú những chiếc rìu bôn hình tứ giác kích thước nhỏ, vòng trang sức mặt cắt ngang hình chữ nhật dẹt, cùng đồ gốm thành mỏng, hình dáng cân đối hài hòa, trang trí hoa văn thừng mịn và khắc vạch những đồ án đối xứng sinh động v.v… là đặc điểm nổi bậc của văn hóa Phùng Nguyên.

Cùng một trình độ với văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa Hạ Long phân bố ở các cồn cát ven biển và hải đảo ở Quảng Ninh có phong cách riêng. Đó là sự phong phú những chiếc rìu bòn có vai, có nấc nhỏ nhắn, những chiếc bàn mài có rãnh mài cắt nhau mà có người gọi là “dấu Hạ Long”, những mảnh gốm xốp nhẹ, hoa văn giản đơn, tiêu biểu là văn đắp nổi và văn trổ lỗ.

Địa điểm Tràng Kênh (Hải Phòng) nằm giữa văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Hạ Long, có thể tiêu biểu cho một văn hóa khảo cổ phân bố từ Hải Phòng, một phần Hải Hưng cho đến một phần Hà Bắc mà một vài đặc điểm đã tìm thấy trong lớp dưới di chỉ Từ Sơn. Hy vọng trong tương lai sẽ phát hiện được nhiều di chỉ kiểu Tràng Kênh trong vùng rộng lớn. Ở đây đồ đá cũng như đồ gốm có phảng phất phong cách văn hóa Phùng Nguyên, song những đặc trưng riêng cũng nổi lên khá rõ. Đó là sự vắng mặt những chiếc rìu bôn tứ giác nhỏ nhắn hình gần vuông, mà phong cách các loại đục đá và dao khắc đá, là loại gốm xốp mỏng, trang trí văn khắc vạch tiêu biểu là loại miệng có mái.

Địa điểm Đông Khối có thể tiêu biểu cho văn hóa khảo cổ thuộc giai đoạn này ở vùng đồng bằng Thanh Hóa, mà chắc hẳn nhiều di chỉ ven sông Mã, sông Chu sẽ được phát hiện trong tương lai. Ở đây vắng mặt loại rìu có vai, mà tiêu biểu là loại rìu tứ giác kích thước tương đối lớn (địa điểm Đông Khối là một công xưởng làm rìu đá, hiện vật phát hiện được chỉ có rìu đá, phác vật rìu và mảnh tước, không thể cung cấp một cách đầy đủ và đặc trưng của một văn hóa khảo cổ).

Quá vào nam, văn hóa Thạch Lạc phân bố trên các cồn sò điệp ven biển Hà Tĩnh. Địa điểm Bàu Tró (Quảng Bình) cũng gần gũi với văn hóa này. Đặc điểm nổi bậc ở đây là phong phú những chiếc rìu đá tứ giác, rìu có vai mặt cắt ngang gần hình bầu dục, là loại gốm thô mỏng trang trí văn khuông nhạc giản đơn.

Trong một số hang động đá vôi rải rác từ Cao Bằng, Lạng Sơn cho đến Quảng Bình phát hiện được những di tích khảo cổ mà tiêu biểu là những chiếc rìu có vai, rìu dài, mài nhẵn: mặt cắt ngang hình chữ nhật cùng với loại gốm thô trang trí văn thừng, văn khắc vạch giản đơn.

Ngoài những văn hóa khảo cổ hay những nhóm di tích khảo cổ phân bố thành từng vùng có đặc trưng riêng ở trên, còn phát hiện được một số di chỉ lẻ tẻ có phong cách riêng ở bên cạnh, phản ảnh mối quan hệ giữa các tập đoàn người đương thời. Di chỉ Tế Lễ, gò Con Lợn (Vĩnh Phú) phong phú loại rìu có vai nhỏ nhắn nằm gọn trong khu vực phân bố văn hóa Phùng Nguyên. Địa điểm Quất động nam, Vạn Ninh, Cộng Hòa (Quảng Ninh) với những chiếc rìu tứ giác dài mặt cắt ngang hình gần bầu dục ở sát ngay khu vực phân bố văn hóa Hạ Long.

Posted Image

Sơ đồ phân bố các nền văn hóa khảo cổ vào

nửa đầu thiên niên kỷ thứ 2 trước Công nguyên

Sự khác biệt trong phong cách đồ đá, đồ gốm giữa các vùng chắc hẳn không phải do hoàn cảnh tự nhiên khác nhau giữa các vùng tạo thành. Lúc bấy giờ môi trường sinh sống của con người giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Thanh Hóa cũng như giữa vùng ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng và ven biển Hà Tĩnh không khác nhau bao nhiêu, song bộ mặt văn hóa mỗi vùng có phong cách riêng. Phải chăng những khác biệt trong văn hóa là phản ánh những cộng đồng người khác nhau lúc bấy giờ. Đây là mối quan hệ giữa văn hóa khảo cổ và cộng đồng tộc người. Về vấn đề này đã được nhiều nhà khảo cổ học các nước bàn đến khá nhiều (1). Thông thường văn hóa khảo cổ ở thời đại đá mới và đầu thời đại đồng thau là di tồn vật chất của bộ lạc hay nhóm bộ lạc thân thuộc trong thời kỳ nhất định. Do đó các văn hóa khảo cổ hay các nhóm di tích khảo cổ trên không những nói lên mật độ cư dân đông đúc phân bố khắp mội miền đất nước, mà còn phản ánh sự phân bố cùng mối quan hệ giữa các nhóm người đương thời, có thể là các bộ lạc hoặc nhóm bộ lạc thân thuộc.

(1) Xem: văn hóa khảo cổ - Đại bách khoa toàn thư Liên xô, xuất bản lần thứ II, quyển 24, tr.31.

- Hạ Nãi: đối với vấn đề định tên văn bản khảo cổ - khảo cổ số 4 – 1959 (chữ Trung Quốc).

- Bờ-ru-xốp: văn hóa khảo cổ và cộng đồng tộc người.

- Tạp chí khảo cổ học xô viết, số 18 – 1956 (chữ Nga).

Văn hóa khảo cổ chỉ rõ lúc bấy giờ ít nhất cũng đã có những bộ lạc sinh sống ở trung du và phần trên đồng bằng Bắc Bộ (người Phùng Nguyên, ở vùng đồng bằng ven biển và tả ngạn sông Hồng (người Tràng Kênh), ở vùng biển và hải đảo Quảng Ninh (người Hạ Long, người Quất đông nam), ở vùng đồng bằng Thanh Hóa (người Đông Khối), ở ven biển Hà Tĩnh (người Thạch Lạc) và những nhóm người sống rải rác trên vùng núi đá vôi (chủ nhân rìu có vai).

Mỗi văn hóa có phong cách riêng, song giữa chúng cũng có nhiều nét gần gũi nhau, nhất là giữa các văn hóa Phùng Nguyên, Tràng Kênh và Đông Khối ở trung su đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Thanh Hóa. Về đồ đá, những con người ở đây chỉ biết đến loại rìu tứ giác nhỏ nhắn xinh xắn, hầu như vắng mặt loại rìu có vai, họ ưa dùng các loại vòng trang sức, mà phong phú nhất là loại vòng mặt cắt ngang hình chữ nhật dẹt. Về đồ gốm, họ đều truyền thống làm gốm thô, xoa thêm lớp áo mịn, thành mỏng, trang trí các loại hoa văn thừng mịn, trải mịn và văn khắc vạch. Tiêu biểu cho sự thân thuộc gần gũi là những chiếc “vật hình cốc” (chữ chưa rõ công dụng phổ biến rộng rãi ở các văn hóa). Những nét chung này phản ánh mối quan hệ thân thuộc giữa những nhóm người cư trú ở vùng trung du và đồng bằng miền Bắc Việt Nam lúc bấy giờ. Đây là khu vực tụ cư đông đúc nhất của người Việt hiện đại. Phải chăng, những tập đoàn người này là những bộ lạc thân thuộc hình thành nên người Việt cổ.

Văn hóa Hạ Long với những chiếc rìu bôn nhỏ nhắn độc đáo có nhiều nét tương đồng với miền duyên hải và hải đảo miền Nam Trung Quốc từ xa xưa đã gắn bó mật thiết với vùng ven biển và hải đảo đông bắc Việt Nam.

Ở văn hóa Thạch Lạc và văn hóa rìu có vai phân bố trong vùng núi đá vôi miền Bắc Việt Nam (cả ở ngoài biên giới phía bắc Việt Nam) với những phong cách riêng của mình, cũng tồn tại nhiều văn thừng và văn khắc vạch trên đồ gốm có nét gần gũi với các văn hóa trên, chứng tỏ ngay từ buổi đầu dựng nước, có nhiều tộc người sống quanh người Việt cổ và có mối quan hệ nhất định với người Việt Cổ.

Bên cạnh mối quan hệ thân thuộc xa gần, giữa những nhóm người cùng sinh sống cạnh nhau trên, còn có sự giao lưu trao đổi nhất định. Bằng chứng là có những nét gần gũi về phong cách đồ đá và đồ gốm giữa các văn hóa khảo cổ hoặc một ít hoa văn đồ gốm, đồ đá điển hình của văn hóa này tìm thấy trong văn hóa kia. Như ở di chỉ Tràng Kênh phát hiện được 1,25% mảnh gốm mà hoa văn và chất liệu hoàn toàn giống đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên và gần 5% đồ gốm có phong cách hoa văn gần gũi văn hóa Phùng Nguyên. Hoặc ở văn hóa Phùng Nguyên cũng phát hiện được vài chiếc rìu bôn có vai có nấc là vật điển hình của văn hóa Hạ Long. Những nhóm trên sẽ góp phần sinh thành lãnh thổ Văn Lang thời các Vua Hùng, song ở giai đoạn này, giữa các nhóm người tuy có mối quan hệ thân thuộc giao lưu nhất định vẫn còn độc lập lẫn nhau hình thành những văn hóa riêng biệt, phải chăng đó là những bộ lạc, những nhóm bộ lạc thân thuộc tụ cư trong những khu vực riêng. Giữ các nhóm chưa hòa hợp thành một tập thể thống nhất thể hiện trong một văn hóa chung.

Những tập đoàn người trên không những để lại dấu vết trong các văn hóa khảo cổ, mà hình bóng của họ còn lắng đọng lại trong ngôn ngữ học. Sự gần gũi giữa tiếng Việt và tiếng Mường là phản ảnh mối quan hệ thân tộc giữa người Việt và người Mường trước đây. Tiếng Việt tuy đã trải qua hàng nghìn năm biến đổi, đã được nhiều lớp ngôn ngữ thuộc các thời đại sau này bao phủ, vẫn có thể cho ta nhiều gợi ý đáng quý. Tiếng Việt ngày nay, bênh cạnh sự thống nhất về ngữ âm, ngữ điệu, ngữ pháp, chúng vẫn tìm thấy những khác biệt về thổ âm thổ ngữ cũng như phương ngôn giữa các vùng. Tương đối phổ biến và dễ nhận thấy, đó là sự khác nhau về thổ âm giữa các làng gần kề nhau. Ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ cũng như ở khu 4 cũ phổ biến hiện tượng 2 làng kề nhau, không bị một biên giới tự nhiên nào ngăn cách, song lại có sự khác biệt về thổ âm và thổ ngữ. Đây có thể là kết quả của sự định cư tương đối ổn định của những thị tộc trước đây cùng mối quan hệ tương đối đóng kín của những công xã nông thôn tạo thành. Song bao trùm lên những khác biệt về thổ âm thổ ngữ đó, tiếng Việt cũng có sự thống nhất trong từng vùng nhất định. Phải chăng đó là các khu vực phương ngôn của tiếng Việt. Tiếng nói vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ với âm điệu nhẹ nhàng, phát âm đúng các dấu (huyền, nặng, hỏi, ngã) song lại lẫn lộn giữa các âm tr và ch, s và x, r và d dễ dàng phân biệt được với vùng khu 4 cũng với âm điệu nằng nặng, phát âm sai các dấu song lại đọc đúng các âm tr, ch, s, x, r, d v.v… Riêng ở Bắc Bộ, tiếng nói vùng đồng bằng ven biển và đặc điểm nói ngọng vần 1 và n cũng có khác biệt với vùng đồng bằng và trung du với đặc điểm thường lên cao giọng ở cuối câu. Và giọng nói vùng Nghệ An, Hà Tĩnh cũng cứng nặng hơn vùng Thanh Hóa. Sự khác biệt về phương ngôn này chắc hẳn không phải do hoàn cảnh thiên nhiên giữa các vùng tạo thành. Có điều đáng chú ý, là những khu vực phương ngôn này, trong chừng mực nhất định, gần trùng hợp với phạm vi phân bố những văn hóa khảo cổ cuối thời đại đá mới đầu thời đại đồng thau đã kể ở trên. Phải chăng những bộ lạc hay những nhóm bộ lạc thân thuộc của người Việt Cổ còn để lại dấu vết mờ nhạt trong ngôn ngữ Việt.

Dầu vết các bộ lạc xưa cũng được ghi lại vài câu ngắn ngũi trong thư tịch cổ. Theo truyền thuyết và sử cũ, Hùng Vương chia nước làm 15 bộ (hoặc 15 bộ lạc như trong sách Việt sử lược), nhà Hán chiếm nước ta chia thành quận Giao Chỉ và Cửu Chân gồm 17 huyện. Có thể từ những quận huyện thời Hán được ghi chép trong thư tịch xưa lần tìm những bộ lạc hoặc những liên minh bộ lạc trước đó, vì nhà Hán đặc quận huyện trên cơ sở những đơn vị hành chính có sẵn.

Trước đây Nguyễn Thiên Túng chú Dư địa chí của Nguyễn Trãi và gần đây Đào Duy Anh và một số người cũng đã cố gắng chỉ định vị trí 15 bộ thời Hùng Vương (1), song vì chỉ bằng vào một số ghi chép ít ỏi trong thư tịch xưa nên việc chỉ định khó phân biệt đúng sai. Đất nước của các vua Hùng có thể gồm 15 bộ, song cũng có thể nhiều hơn hoặc ít hơn. Cho đến nay chúng ta chưa tìm được 15 văn hóa khảo cổ hoặc nhóm di tích khảo cổ tương ứng với 15 bộ ghi chép trong thư tịch xưa, song việc liên hệ những văn hóa khảo cổ với các bộ thời Hùng Vương là điều có thể được. Và rất có thể nhiều bộ ở gần kề nhau cùng chung một nền văn hóa khảo cổ.

(1) – Quốc sử quán triều Nguyễn: Việt sử thông giám cương mục, Bản dịch của Viện Sử học, Hà Nội 1957, tập I, tr.54.

- Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qua các đời, Hà Nội, 1964.

Phải chăng chủ nhân văn hóa Phùng Nguyên là người bộ Văn Lang, bộ lạc gốc của các vua Hùng; người Tràng Kênh thuộc bộ Dương tuyền, chủ nhân văn hóa Hạ Long và vùng ven biển Hoa Nam, đảo Hải Nam là thuộc bộ Lục Hải, Ninh Hải; người Đông Khối thuộc các bộ ở Cửu Chân; người Thạch Lạc thuộc bộ Cửu Đức, chủ nhân văn hóa rìu có vai chắc hẳn thuộc nhiều bộ lạc thân tộc sống rải rác trong vùng núi đá vôi. Và tất cả những nhóm người đó có thể là những bộ lạc, nhóm bộ lạc có quan hệ xa gần với nhau góp phần hình thành lãnh thổ Văn Lang của các vua Hùng sau này. Đất nước thời Hùng Vương lúc này chỉ là địa bàn của các bộ lạc, hoặc nhóm bộ lạc thân thuộc phân bố gần khắp miền Bắc Việt Nam ngày nay.

Mối quan hệ giữa các bộ lạc, giữa các nhóm bộ lạc thân thuộc ngày càng khăng khít, sự giao lưu văn hóa càng được đẩy mạnh nhất là ở vùng trung du, đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, làm cho bộ mặt văn hóa khảo cổ ở giai đoạn này có phong cách khác trước. Sự thống nhất văn hóa được thực hiện trong từng khu vực rộng lớn hơn.

Kết quả của quá trình giao lưu hòa hợp dẫn đến tình hình là vào khoảng những thế kỷ cuối thiên niên kỷ thứ 2 và đầu thiên niên kỷ thứ 1 trước Công nguyên, trên miền Bắc Việt Nam hình thành các văn hóa khảo cổ mà phong cách có tính chất tổng hợp hơn, phạm vi phân bố và phạm vi ảnh hưởng rộng lớn hơn. Không kể vùng núi, ít nhất cũng đã hình thành 2 khu vực khá rõ, lưu vực sông Hồng và lưu vực sông Mã.

Bắc Bộ, từ giai đoạn trước đã là nơi tụ cư của nhiều nhóm người, cũng là nơi dễ dàng tiếp xúc với các văn hóa vùng đông nam và tây nam Trung Quốc. Kết quả của quá trình giao lưu giữa các miền trong vùng và với các vùng chung quanh cũng như sự thay đổi trong đời sống kinh tế và xã hội làm cho phong cách văn hóa ở Bắc Bộ có nhiều thay đổi lớn. Từ phong cách cân đối, nhịp nhàng, hài hòa, đối xứng trên các đồ án hoa văn gốm Phùng Nguyên, qua hoa văn làn sóng các kiểu trên gốm văn hóa Đồng Đậu, đến hoa văn hình học trên gốm văn hóa Gò Mun. Song chính sự giao lưu mạnh mẽ này đã dẫn đến sự thống nhất văn hóa sớm ở vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ.

Do hoàn cảnh tự nhiên và hình thái sinh hoạt kinh tế giữa các vùng khác nhau nên trình độ phát triển giữa các nhóm người không đồng đều. Chủ nhân văn hóa Phùng Nguyên, trên cơ sở nền kinh tế nông nghiệp ruộng nước, với trình độ kỹ thuật cao hơn đã thu hút tinh hoa văn hóa ở các vùng chung quanh mà hình thành văn hóa khảo cổ có phong cách riêng: văn hóa Đồng Đậu, văn hóa Gò Mun. Hai văn hóa này chủ yếu vẫn phân bố ở vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ, song rộng lớn hơn văn hóa Phùng Nguyên ít nhiều. Về phía Bắc, nó đã vượt quá sông Cầu, về phía nam nó cũng đã có mặt ở phía Tây Nam tỉnh Hà Tây. Phạm vi ảnh hưởng của văn hóa Gò Mun cũng đi xa hơn. Bằng chứng là sự có mặt của rìu đồng tứ giác ở lớp trên di chỉ Ngọc Vừng (tỉnh Quảng Ninh), những mảnh miệng gốm kiểu Gò Mun ở lớp dưới di chỉ Đông Sơn (Thanh Hóa).

Cũng phải nhận rằng, tuy sự thống nhất văn hóa đã được thực hiện trong vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ, song những nét đặc trưng văn hóa có tính chất truyền thống giữa các miền vẫn tiếp tục tồn tại, nhất là đối với những vùng xa trung tâm.

Trong giai đoạn này, ở miền bắc Trung Bộ, dấu vết sinh hoạt của con người được giữ lại trong tầng văn hóa và lớp mộ sớm ở Đông Sơn và Thiệu Dương (Thanh Hóa). Ở Đông Sơn, tuy có tìm được khoảng 10 mảnh gốm, 1 mũi giáo, 2 lưỡi dao xéo đồng giống ở văn hóa Gò Mun, song toàn bộ chất liệu, hình dáng hoa văn đồ gốm ở đây không giống với đồ gốm trong văn hóa Gò Mun ở Bắc Bộ (1).

(1) Gốm ở đây là loại thô, thành mỏng, độ nung thấp, gốm mềm, màu gạch non, hoa văn trang trí giản đơn, chủ yếu là văn thừng và văn đắp nổi, dễ dàng phân biệt với loại gốm thành dày, độ nung cao, màu xám, gốm cứng, miệng gãy trang trí hoa văn hình học phía trong thành miệng điển hình của văn hóa Gò Mun.

Việc tìm thấy những mảnh gốm kiểu văn hóa Gò Mun ở đây không những nói lên niên đại tương đương mà còn nói lên phong cách khác nhau cùng mối giao lưu giữa 2 vùng.

Sống trên vùng đồng bằng sông Mã phì nhiêu, nhóm người ở Đông Khối có trình độ kỹ thuật cao cùng với nền kinh tế nông nghiệp làm ruộng nước, đã đẩy mạnh quá trình đồng hóa, hòa hợp với các vùng chung quanh mà hình thành một văn hóa chung mà tiêu biểu là lớp dưới Đông Sơn và Thiệu Dương. Quá trình thống nhất văn hóa được thực hiện dần từng bước. Lúc này ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh phát triển chậm chạp hơn và vẫn có sắc thái riêng.

Quá trình giao lưu hòa hợp văn hóa, dẫn đến hình thành văn hóa ở 2 khu vực Bắc Bộ và bắc Trung Bộ phải chăng phản ánh quá trình hình thành các liên minh bộ lạc hoặc bộ tộc lúc bấy giờ. Chủ nhân văn hóa Gò Mun là hạt nhân của liên minh bộ lạc hay bộ tộc ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Chủ nhân của văn hóa lớp dưới Đông Sơn là trung tâm của liên minh bộ lạc hay bộ tộc miền bắc Trung Bộ. Trong mỗi khu vực, bộ mặt văn hóa giữa các miền gần gũi những nét riêng trong phong cách chung, phải chăng phản ánh tính chất bảo lưu lâu dài của văn hóa vật chất, mặt khác nói lên tính chất độc lập tương đối của các bộ lạc, các nhóm bộ lạc thân thuộc trong liên minh bộ lạc hay bộ lạc lúc bấy giờ.

Tài liệu dân tộc học cho biết, các dân tộc phía nam nước ta như Chăm-pa. Khơ-me, Ê-đê… gọi người Việt là người Doan, Yoan, Im, De; các dân tộc phía bắc như Tày, Thái, Dao, người ở Quảng Tây gọi người Việt là Keo (1). Nguồn gốc chữ Keo và Doan, Dẹ,… hiện nay chưa rõ. Phải chăng, nếu đây không phải là địa danh cổ, có thể là tên bộ lạc, liên minh bộ lạc, hay bộ tộc lớn mạnh ở phía bắc và nam nước ta trước kia. Và người Keo, người Doan phải chăng là 2 liên minh bộ lạc hay bộ tộc chủ yếu hình thành nên lãnh thổ Văn Lang của các vua Hùng.

(1) Nguyễn Đổng Chi: Vài nét về thể chế gia đình, công xã và cộng đồng người thời Hùng Vương – Bài phát biểu trong cuộc tọa đàm khoa học về các vấn đề mấu chốt về thời kỳ Hùng Vương, Hà Nội, tháng 7-1970 – Tài liệu đánh máy, lưu tại Phòng tư liệu Viện Khảo cổ học.

Sử cũ như Giao Châu ngoại vực ký, Hậu Hán thư cũng có nhiều đoạn ghi chép về sự khác nhau về phong tục tập quán cùng trình độ giữa 2 vùng Giao Chỉ và Cửu Chân, song lại có quan hệ gần gũi, trao đổi với nhau ở thời nhà Hán thống trị cũng phần nào phản ánh sự khác nhau và gần nhau giừa vùng trước lúc bị nhà Hán thống trị.

Từ các nguồn tư liệu nói trên, chúng ta có thể hình dùng là vào khoảng vài thế kỷ cuối thiên niên kỷ thứ 2 và đầu thiên niên kỷ thứ 1 trước Công nguyên, lưu vực sông Hồng và lưu vực sông Mã đã là hạt nhân hình thành 2 liên minh bộ lạc hay bộ tộc lớn phân bố ở trung du và đồng bắng Bắc Bộ ở phía bắc và vùng đồng bằng sông Mã, sông Lam ở phía nam. Đó là 2 nhân tố chủ yếu hợp thành đất nước thời Hùng Vương. Ngoài ra cũng cần kể đến những nhóm người sinh sống ở vùng núi quanh 2 trung tâm trên cũng đã tham gia vào trong khối hợp thành ấy.

Đồng thời với mối giao lưu đồng hóa trong nội bộ các liên minh, sự trao đổi với các liên minh cũng không ngừng mở rộng. Từ 2 lưu vực sông Hồng và sông Mã quá trình hòa hợp đồng hóa diễn ra ngày càng mạnh. Kết quả là vào khoảng nửa đầu thiên niên kỷ thứ 1 trước Công nguyên, quá trình hòa hợp văn hóa giữa 2 khu vực được thực hiện, hình thành văn hóa Đông Sơn.

Văn hóa Đông Sơn hình thành không chỉ là sự mở rộng phát triển của văn hóa Gò Mun hay của văn hóa lớp dưới Đông Sơn, Thiệu Dương, mà là kết quả của sự hòa hợp nhiều yếu tố văn hóa trước đó mà hạt nhân là văn hóa Gò Mun ở phía bắc và văn hóa lớp dưới Đông Sơn, Thiệu Dương ở phía nam. Do đó văn hóa Đông Sơn không chỉ đóng khung ở Thanh Hóa và một phần trung du và đồng bằng Bắc Bộ mà còn mở rộng ra cho đến vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và ảnh hưởng của nó còn sâu rộng ở vùng Tây Bắc và Việt Bắc và xa hơn nữa ngoài biên giới nước ta ngày nay (1). Song có di chỉ và khu mộ thuộc văn hóa Đông Sơn chủ yếu vẫn tập trung ở vùng trung du và đồng bằng thuộc lưu vực các sông Hồng, sông Mã là khu vực tụ cư chủ yếu của người Việt ngày nay, phải chăng cũng là khu vực sinh sống chủ yếu của người Việt cổ, và là vùng đất chủ yếu, là trung tâm của nước Văn Lang của các vua Hùng. Những di vật điển hình của văn hóa Đông Sơn tìm thấy ở khu Tây Bắc, Việt Bắc không những phản ánh sức sống của văn hóa Đông Sơn mà cùng với những phong tục, những chỉ số nhân chủng gần giống nhau giữa cư dân vùng núi ở đây với người Việt thể hiện mối quan hệ gần gũi giữa những nhóm người vùng núi với người Việt cổ lúc bấy giờ.

(1) Vùng đất Phong Châu và Thanh Hóa vẫn là nơi phát hiện được nhiều di chỉ và khu mộ văn hóa Đông Sơn cùng những chiếc trống đồng loại 1 Hê-gơ nổi tiếng như Vạn Thắng, Việt Trì (Vĩnh Phú), Hoàng Hạ, Miếu Môn, Vinh Quang, Nam Chính, Đường Cồ, Chiềng Vậy, Đại Án (Hà Tây), Đường Mây, Đình Chàng, Trung Mầu, Chùa Thông (Hà Nội), Quả Cam (Hà Bắc), Đông Sơn, Thiệu Dương, Núi Nấp, Núi Soi, Hoằng Lý, Hoằng Quỳ, Phà Công (Thanh Hóa).

Vượt ra ngoài vùng Phong Châu và Thanh Hóa, văn hóa Đông Sơn phân bố rộng khắp các miền. Ngược dòng sông Hồng văn hóa Đông Sơn phân bố dày đặc ven sông từ Yên Bái đến Lào Cai như Yên Hợp, Yên Hưng, Đào Thịnh, Đại Thắng, Kim Sơn (Yên Bái), Phố Lu, Bản Lầu, thị xã Lào Cai (Lào Cai). Theo dòng sông Hồng, sông Thái Bình, sông Kinh Thầy, sông Đáy về xuôi, văn hóa Đông Sơn cũng phát hiện được ở Cửu Cao, Liên Nghĩa, La Đôi (Hải Hưng), Việt Khê, Núi Đèo, Núi Voi, Tràng Kênh (Hải Phòng), Ngọc Lũ, Đại Vũ (Nam Hà), Quỳnh Xá, Diêm Điền (Thái Bình). Tuy chưa phát hiện được di chỉ, song vùng núi đá vôi Hòa Bình cũng phát hiện được nhiều di vật văn hóa Đông Sơn như rìu xéo, mũi qua, mũi giáo, lao và cả những chiếc trống đồng loại 1 nổi tiếng như trống Mu-liê, trống Đồi Ro. Từ Thanh Hóa vào Nam văn hóa Đông Sơn cũng phát hiện được ở nhiều nơi như Nghệ An tìm được trống đồng, trìu xéo, mũi giáo ở Nghĩa Đàn, Con Cuông, Yên Thành; Hà Tĩnh có rìu xéo, dao găm ở Xuân An, Thạch Đài; Quảng Bình tìm thấy rìu đồng, kiếm ở Cương Hà.

Số hiện vật bằng đồng ở địa điểm Cương Hà hiện nay không biết ở đâu. Nghiên cứu các bản vẽ trong Tạp chí Ban Huế cổ tháng 1 – 1936 (tiếng Pháp) có 6 lưỡi rìu đồng và 1 thanh kiếm lưỡi sắt cán đồng. Trong số đồ đồng này, theo chúng tôi có 2 chiếc rìu đồng gần gũi phong cách văn hóa Đông Sơn. Những chiếc còn lại, nhất là những chiếc rìu có trang trí văn đan chúng tôi chưa gặp trong các sưu tập văn hóa Đông Sơn ở Bắc Bộ và Thanh Hóa. Đây là những hiện vật thuộc văn hóa Đông Sơn hay chỉ chịu ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn cần được nghiên cứu cẩn thận hơn.

Trong khu vực rộng lớn của người Thái, người Mèo, người Xá ở Tây Bắc, người Tày, người Nùng, người Dao ở Việt Bắc hiện nay, không những chưa phát hiện được các khu di chỉ. Khu mộ táng của văn hóa Đông Sơn, mà các di vật lẻ tẻ của văn hóa Đông Sơn phát hiện được cũng không nhiều. Cho đến nay chỉ phát hiện được trống đồng loại 1 ở Thuận Châu (Sơn La), rìu xéo ở Phù Yên (Nghĩa Lộ), khuôn đúc dao găm ở Lạng Sơn, dao găm ở Thái Nguyên, Hà Giang, rìu xéo ở Cao Bằng, Tuyên Quang. Vượt qua về phía bắc hay phía nam, chỉ thỉnh thoảng mới gặp vài chiếc trống đồng loại 1 văn hóa Đông Sơn, có thể do trao đổi mà có như trống Đác-Giao (Tây Nguyên), trống Bình Phú (Thủ Dầu Một), trống Khai Hóa, trống Thạch Trại (Vân Nam), trống U-Bông (Lào) và trống Mã-Lai, v.v…

Posted Image

Sơ đồ phân bố nền văn hóa Đông Sơn và các di vật văn hóa Đông Sơn.

Phạm vi phân bố của văn hóa Đông Sơn từ lưu vực sông Hồng cho đến miền Hà Tĩnh, Quảng Bình ngày nay khắp các vùng đều phát hiện được những khu di chỉ, mộ táng chức hiện vật tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn.

Ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn vượt ra ngoài vùng trung du và đồng bằng và còn vượt quá biên giới miền Bắc Việt Nam ngày nay nói lên trình độ cao của văn hóa Đông Sơn cùng ảnh hưởng vai trò của người Việt Cổ đang trong quá trình hình thành lãnh thổ Văn Lang.

Sự thống nhất văn hóa ở giai đoạn Đông Sơn cũng như phạm vi phân bố của văn hóa Đông Sơn có ý nghĩa lớn trong việc tìm hiểu người Việt cổ cùng đất nước Hùng Vương thời cực thịnh.

Quá trình hình thành văn hóa Đông Sơn phản ánh quá trình hình thành người Việt Cổ. Phải chăng từ 2 vùng đất màu mỡ, mối quan hệ giữa các liên minh bộ lạc ngày càng chặt chẽ, dẫn đến hình thành một khu vực thống nhất của người Việt cổ làm cơ sở cho sự hình thành lãnh thổ Văn Lang vào cuối thời Hùng Vương. Dựa trên sức mạnh của khối thống nhất bền vững này, Hùng Vương đã tập họp lại quanh mình những tộc người sinh sống ở các vùng núi mà xây dựng nên nước Văn Lang.

Đến lúc này, một cương giới hẳn hoi của đất nước mới hình thành. Văn hóa Đông Sơn là dấu tích của người Việt Cổ trong buổi bình minh của đất nước. Vùng trung du và đồng Bắc Bộ và đồng bằng sông Mã, sông Lam – địa bàn sinh tụ của người Việt cổ, là trung tâm của nước Văn Lang. Từ đây, các vua Hùng khống chế cả vùng núi rộng lớn phía bắc và tây bắc, và nước Văn Lang lúc cực thịnh có thể kéo dài từ Hoành Sơn cho đến biên giới Việt – Trung ngày nay (hoặc co giãn chút ít).

Cho đến giai đoạn Đông Sơn, sự thống nhất văn hóa trong khu vực cư trú của người Việt cổ đã được hiện, song những khác biệt trong phong cách văn hóa giữa các vùng vẫn tồn tại. Những khác biệt này dẫn đến hình thành các loại hình của văn hóa Đông Sơn: Chí ít cũng đã hình thành 2 loại hình: loại hình vinh quang tiêu biểu cho văn hóa Đông Sơn ở Bắc Bộ, loại hình Thiệu Dương tiêu biểu cho văn hóa Đông Sơn ở bắc Trung Bộ.

Sự hình thành những loại hình văn hóa Đông Sơn không làm lưu mờ sự thống nhất của văn hóa Đông Sơn, mà trái lại làm nổi rõ những tính chất địa phương của văn hóa Đông Sơn, phản ánh quá trình hình thành văn hóa Đông Sơn cùng mối giao lưu giữa các miền lúc bấy giờ (1).

(1) Hoàng Xuân Chinh và Chữ Văn Tần: Nội dung loại hình và niên đại văn hóa Đông Sơn – khảo cổ học, Hà Nội, số 3 – 4, tháng 12 – 1969.

Hai loại hình của văn hóa Đông Sơn phải chăng là dấu vết của 2 liên minh bộ lạc chủ thể hợp thành đất nước Văn Lang vẫn còn giữ những dáng dấp, những phong tục tập quán riêng khi quốc gia đã hình thành.

Không những thế, giữa các miền trong vùng Bắc Bộ,các di vật văn hóa Đông Sơn cũng có những sắc thái riêng. Những lưỡi giáo, lưỡi rìu, dao găm ở ven biển (Việt Kê, Núi Đèo, Núi Voi, Quỳnh Xá), ở trung châu Bắc Bộ (Vinh Quang, Nam Chính, Việt Trì,…) và thượng du sông Hồng (Yên Hợp, Yên Hưng, đào Thịnh, Phố Lưu,…) không hoàn thành giống nhau trong nhiều chi tiết hình dáng. Những khác biệt trong chi tiết này phải chăng là dấu vết những tập đoàn người khác nhau hợp thành quốc gia còn được giữ lại mờ nhạt trong khối cộng đồng quốc gia thống nhất.

Thế là, từ rất sớm, với sự hình thành văn hóa Đông Sơn, khối thống nhất dân tộc lấy người Việt cổ làm trung tâm được hình thành, tạo điều kiện thành lập nhà nước đầu tiên của dân tộc ta, đặt cơ sở cho sự tồn tại lâu dài của dân tộc ta, đủ sức chống chọi với sự xâm lược của phương Bắc.

*

* *

Lịch sử hình thành lãnh thổ của các dân tộc vô cùng phong phú, muôn hình muôn vẻ. Theo những quy luật chung của xã hội, con đường bước vào lịch sử văn minh của mỗi dân tộc cũng có những nét riêng của nó. Quá trình hình thành lãnh thổ của dân tộc ta cũng có cái chung và cái riêng của nó.

Các nguồn tư liệu đều cho thấy phải từ rất sớm dân tộc ta đã bước vào ngưỡng cửa văn minh. Vào khoảng đầu thiên niên kỷ thứ 2 trước Công nguyên, không phải chỉ ở vùng núi, mà hầu khắp lãnh thổ miền Bắc Việt Nam ngày nay đã có nhiều nhóm người có quan hệ gần xa với nhau sinh sống. Những nhóm người này đã sáng tạo nên những nền văn hóa rực rỡ ở khắp các miền, từ vùng núi đá vôi với văn hóa rìu có vai đến vùng trung du và đồng bằng với văn hóa Phùng Nguyên, Đông Khối, Tràng Kênh, cho đến vùng ven biển và hải đảo với văn hóa Hạ Long, Thạch Lạc, v.v… Giữa những nhóm người này, mối quan hệ giao lưu trao đổi, hòa hợp, đồng hóa không ngừng được tăng cường, hình thành những tập đoàn người đông đúc hơn, rộng lớn hơn với sự thống nhất văn hóa trong từng khu cực lớn hơn: Lưu vực sông Hồng và lưu vực sông Mã.

Từ 2 lưu vực này, xu thế thống nhất ngày càng được đẩy mạnh. Cho đến nửa đầu thiên niên kỷ thứ 1 trước Công nguyên, với sự thống nhất và mở rộng của văn hóa Đông Sơn, khối thống nhất người Việt cổ được thực hiện, đặt cơ sở cho sự hình thành nước Văn Lang của các vua Hùng. Vào lúc thịnh, lãnh thổ của các vua Hùng có thể từ trung tâm sông Hồng, sông Mã đã vươn tới Hoành Sơn ở phía nam và biên giới Việt-Trung ở phía bắc (có thể co giãn chút ít).

Đó là những chặng đường lớn trong quá trình hình thành lãnh thổ thời Hùng Vương. Chắc hẳn, con đường đi trong buổi bình minh lịch sử của dân tộc ta còn phong phú phức tạp hơn nhiều.

Trong quá trình, từ những nhóm người có quan hệ gần xa với nhau sống trong từng khu vực riêng tiếng lên hình thành một quốc gia thống nhất ở thời các vua Hùng, mối quan hệ trao đổi, đồng hóa, hòa hợp bao trùm lên tất cả; song trong một giai đoạn nào đó, ở một vùng nào đó, những cuộc chiến tranh bộ lạc có thể không tránh khỏi. Đồng hóa hòa hợp hay chiến tranh bộ lạc cũng là biểu hiện của xu thế tập trung thống nhất quanh trung tâm người Việt cổ sinh sống ở vùng trung du đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Thanh Hóa.

Từ trung tâm này, người Việt cổ đã cùng các tộc anh em chung xây dựng nên nước Văn Lang của các vua Hùng.

Còn tiếp

Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam - Viện khảo cổ học

Nguồn: Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội, 1974

Share this post


Link to post
Share on other sites

Hùng Vương dựng nước - Tập IV - 13

Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam - Viện khảo cổ học

Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội, 1974

Cương vực nước Văn Lang

Nguyễn Mạnh Lợi

Posted Image

T

ìm hiểu cương vực một nước, vấn đề trước tiên là tìm xem nước đó to, nhỏ, rộng, hẹp, ra sao, tiếp giáp với những nơi nào. Đối với nước Văn Lang, việc tìm hiểu cương vực có khó khăn riêng của nó vì cho đến nay trong thư tịch, khái niện Văn Lang khi thì được dùng để chỉ vùng đất Phong Châu quanh Bạch Hạc, khi thì chỉ miền đất Giao Chỉ và Cửu Chân xưa, có khi lại được dùng để chỉ khu vực rộng lớn từ hồ Động Đình, Ba Thục đến giáp Chiêm Thành. Vậy nước Văn Lang của các vua Hùng rộng hẹp ra sao là vấn đề chúng tôi muốn đề cập đến trong bản báo cáo này.

Đất nước ta từ buổi đầu dựng nước được sử sách Trung Quốc trước thời Đường như Giao Châu ngoại vực ký, Quảng Châu ký, Nam Việt chí, v.v… gọi là “đất Giao Chỉ khi chưa có quận huyện”. Từ thời Đường về sau mới nhắc đến tên Văn Lang khi chỉ định quận huyện ở Giao Châu, như sách Thông điển của Đỗ Hựu viết: “Phong Châu là nước Văn Lang xưa”. Chưa có một tài liệu Trung Quốc nào chỉ định rõ ràng cương giới nước Văn Lang.

Với lòng tự hào dân tộc được phát huy mạnh mẽ với những chiến thắng lừng lẫy đánh tan quân Nguyên, nhiều nho gia, sử gia thời Trần đã thu thập chuyện dân gian viết nên sử sách nêu lên cương giới lâu đời của đất nước chứng tỏ “quốc thống bắt đầu từ đấy”. Xưa nhất có quyển Lĩnh Nam chích quái, “Chuyện Hồng Bàng” chép về cương vực nước Văn Lang như sau:

“Âu Cơ và 50 con lên đất Phong Châu, suy phục lẫn nhau: cùng tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang, đông giáp Nam Hải, tây tới Ba Thục, bắc tới hồ Động Đình, nam tới nước Hồ Tôn. Chia nước làm 15 bộ” (1).

(1) Vũ Quỳnh, Kiều Phú: Lĩnh Nam chích quái – Bản dịch của Đinh Gia Khánh, Nguyễn Ngọc San, Hà Nội, 1969, tr.23.

Sau đấy các sách Dư địa chí củ Nguyễn Trãi, Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên đều chép gần giống như thế, song lên 15 bộ thì giữa các sách có xuất nhập ít nhiều: Có thể nói, đấy là những ghi chép cơ bản nhất để nghiên cứu cương vực nước Văn Lang trước đây.

Từ trước tới nay, đất Phong Châu (tỉnh Vĩnh Phú và Hà Tây hiện nay) vẫn được xem là đất Tổ, là trung tâm của nước Văn Lang. Song về biên giới nước Văn Lang trước đây, Ngô Thời Sĩ trong Việt sử tiêu án, Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí, các sử gia thời Nguyễn trong lời cẩn án Việt sử thông giám cương mục, và H. Ma-xpê-rô trong bài Vương quốc Văn Lang cũng đã tỏ ra nghi ngờ về biên giới quá rộng được ghi chép trong các sách sử trước đó, mà cho rằng: “Đất nước các đời dựng ra trước thời An Dương Vương tức là biên giới nước Nam ngày nay” (1), “phía đông đến biển, phía tây giáp Vân Nam, phía nam giáp Chiêm Thành, phía bắc giáp tỉnh Quảng Tây, phía đông bắc giáp tỉnh Quảng Đông, phía tây giáp nước Lão Qua” (2).

(1) Ngô Thời Sĩ: Việt sử tiêu án, dẫn trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú.

(2) Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Bản dịch của Viện Sử học.

Phải chăng các sử gia thời Trần, Lê muốn con dân nước Văn Lang là dòng dõi Bắc Triều, con cháu gần gũi của Thần Nông, xem Văn Lang vốn là Bách Việt, hay là do sự nhầm lẫn Dạ Lang ra Văn Lang mà kéo biên giới nước Văn Lang lên đến hồ Động Đình, Ba Thục. Vì rằng, theo thư tịch, nước Văn Lang sau trở thành nước Âu Lạc, rồi bị Triều Đà thôn tính vào nước Nam Việt, sau nhà Hán chia làm Giao Chỉ và Cửu Chân. Như vậy đất Gia Chỉ và Cửu Chân thời Hán chính là nước Văn Lang xưa. Hơn nữa trong lúc Hùng Vương dựng nước Văn Lang, thì miền Hoa Nam, từ hồ Động Đình trở xuống có nhiều nhóm người sinh sống, sử sách gọi họ là Bách Việt, trong đó có những nhóm người đã thành lập được quốc gia riêng như Đông Việt, Mân Việt, Điền Việt, Nam Việt…, như vậy dải đất Giang Nam rộng lớn đó làm sao có thể nằm trong nước Văn Lang được. Mặt khác, xét vị trí 15 bộ của nước Văn Lang, tuy tên gọi giữa các sách khác nhau chút ít, song hầu hết là tên các huyện thời Hán, thời Đường. Nhiều người tà từ những quận huyện thời Đường lần tìm vị trí 15 bộ, tuy sự chỉ định chưa hoàn toàn khớp nhau, song tất cả đều nhất trí hầu hết các bộ là nằm trong đất Giao Chỉ và Cửu Chân thời Hàn, thảng hoặc có bộ nằm trong đất Lưỡng Quảng chút ít. Hơn nữa cũng phải tính toán đến khả năng của nhà nước trong buổi mới được hình thành, có đủ sức quản lý một đất nước rộng lớn, núi rừng hiểm trở, cách trung tâm hàng nghìn kilômét hay không.

Như vậy, qua những ghia chép trong thư tịch xưa, có thể thấy lãnh thổ chủ yếu của nước Văn Lang là đất Giao Chỉ và Cửu Chân thời Hán.

Nếu thư tịch do sử gia các thời trước để lại về thời Hùng Vương không được bao nhiêu và cũng không được chính các sử gia đó tin lắm, thì mấy năm gần đây, lòng đất Phong Châu cũng như khắp vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã cung cấp cho chúng ta hàng vạn di vật khảo cổ học là những tư liệu trực tiếp từ thời đó để lại có một giá trị đặc biệt trong việc tìm hiểu đất nước Văn Lang.

Tài liệu khảo cổ cho biết, vào khoảng đầu Công nguyên cho đến trước thời Bắc thuộc, miền Bắc Việt Nam ngày nay đã có nhiều nhóm người sinh sống mà dấu tích là các nhóm di tích khảo cổ Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn. Mỗi nhóm di tích khảo cổ này có những đặc điểm riêng, phản ảnh các giai đoạn phát triển từ thấp lên cao của những cộng đồng người ở đây. Song giữa chúng có nhiều điểm gần gũi thống nhất với nhau, tạo thành một phong cách riêng dễ dàng phân biệt với các vùng chung quanh.

Phạm vi phân bố cùng niên đại của các nhóm văn hóa khảo cổ này phù hợp với những ghi chép về đất nước của Hùng Vương trong thư tịch xưa và truyền thuyết. Phải chăng cùng với sự hình thành một nền văn hóa chung, lãnh thổ Văn Lang của các Vua Hùng cũng dần được hình thành và quá trình phát triển từ giai đoạn Phùng Nguyên lên Đông Sơn là phản ánh quá trình hình thành nước Văn Lang.

Vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ, nơi họp lưu của nhiều con sông lớn: sông Hồng, sông Lô, sông Thao, sông Đà,… nằm giữa dãy núi Tam Đảo và Ba Vì là vùng phân bố dày đặc văn hóa Phùng Nguyên, có phong cách đặc biệt khác với văn hóa vùng núi, vùng ven biển và đồng bằng Thanh Hóa cùng thời kỳ. Đây là vùng còn giữ nhiều di tích lịch sử có liên quan đến thời đại các vua Hùng, mà tiêu biểu nhất là ngôi đền và mộ Hùng Vương. Ở đây, hầu như mỗi xã hội đều có đền miếu thờ các nhân vật thời Hùng Vương, và người dân còn truyền tụng nhiều câu chuyện có liên quan đến Hùng Vương. Nhân dân khắp nơi đều gọi vùng này là đất Tổ. Vậy phải chăng văn hóa Phùng Nguyên là di tồn của bộ Văn Lang, bộ lạc gốc của các vua Hùng, là phạm vi phân bố của van hóa Phùng Nguyên lại là địa bàn của bộ Văn Lang bao gồm Vĩnh Phú, Hà Tây, Hà Nôi, và một phần Hà Bắc ngày nay.

Từ đây, Hùng Vương đã dần dần xây dựng nên nước Văn Lang. Cho đến giai đoạn văn hóa Đông Sơn, đỉnh cao thời Hùng Vương, nước Văn Lang đã hình thành, và mở rộng ra ngoài vùng đất Tổ. Văn hóa Đông Sơn không những giúp chúng ta tìm hiểu người Việt cổ mà cùng với các nguồn tư liệu khác có thể cho chúng ta biết cương vực nước Văn Lang .

Văn hóa Đông Sơn vẫn tập trung dày đặc ở trung du và một phần đồng bằng Bắc Bộ, ở đây đã phát hiện được những địa điểm vô cùng phong phú như Vinh Quang, Chiền Vậy, Nam Chính (Hà Tây), Việt Trì (Vĩnh Phú), Đình Chàng, Trung Mầu (Hà Nội) và nhiều di vật Đông Sơn nổi tiếng như trống đồng Hoàng Hạ, Miếu Môn (Hà Tây), thạp đồng Vạn Thắng (Vĩnh Phú). Song, theo các triền sông, văn hóa Đông Sơn đã mở rộng diện tích phân bố khắp các miền. Ngược sông Hồng về phía bắc, các di tích văn hóa Đông Sơnđã phát hiện được ở Yên Hưng, Yên Hợp, Đào Thịnh (Yên Bái), Phố Lu, Bản Lầu (Lào Cai). Về phía đông, cũng đã phát hiện được những địa điểm phong phú như Việt Khê, Núi Đèo, (Hải Phòng), Quỳnh Xá (Thái Bình) cùng những di vật nổi tiếng như trống đồng Ngọc Lũ, Đại Vũ (Nam Hà), Cửu Cao (Hải Hưng), qua đồng Núi Voi (Hải Phòng). Về phía nam văn hóa Đông Sơn phân bố dày đăc ở Thanh Hóa như Đông sơn, Thiệu Dương, Núi Nấp, Núi Sỏi, Hoằng Lý, Hoằng Quỳ, Phà Công, còn ít dần ở Nghệ An (Yên Thành, Nghĩa Đàn), Hà Tĩnh (Xuân An, Thạch Đài), Quảng Bình (Cương Hà). Miền núi Hòa Bình cũng phát hiện được nhiều địa điểm và di vật Đông Sơn nổi tiếng như trống Sông Đà, Đồi Ro, v.v…

Vùng núi Tây Bắc và Việt Bắc cho đến nay chưa phát hiện được những di chỉ cư trú hay mộ táng, mà chỉ tìm thấy một vài di vật Đông Sơn lẻ tẻ như trống đồng loại 1 ở Thuận Châu (Sơn La), rìu xé ở Phù Yên (Nghĩa Lộ), dao găm ở Thái Nguyên, Hà Giang, rìu xéo ở Tuyên Quang, Cao Bằng, khuôn đúc dao găm ở Lạng Sơn.

Với những chiếc trống đồng loại 1 (theo cách phân loại của Hê-gơ), thạp đồng, thố đồng, rìu xéo các loại, rìu gót vuông, lưỡi cày cánh bướm, lưỡi cày gần bầu dục, các loại dao, lao, tấm che ngực,… cùng các loại hoa văn vòng tròn tiếp tuyến, văn răng cưa, văn hình chữ S xoắn đơn kép, văn hóa trang hình chim, các cảnh sinh hoạt bơi thuyền, giã gạo, nhà sàn, múa hát,… tạo cho toàn bộ văn hóa Đông Sơn một phong cách độc đáo phân biệt rõ ràng với văn hóa nước Điền, văn hóa Ngô – Việt, Nam Việt ở vùng Giang Nam, Chân Lạp, lão.

Ở những vùng này hay xa hơn nữa tuy có phát hiện được lẻ tả một vài chiếc trống đồng loại như ở Vân Nam (trống đồng Khai Hóa, Tấn Ninh), ở Quảng Tây (trống đồng huyện Quý), ở Lào (trống U-bông), ở Tây Nguyên (trống Đắc-Giao), ở Thủ Dầu Một (trống Bình Phú), ở Mã-lai (trống Xun-gai-lang),… bên cạnh những di vật có phong cách hoàn toàn khác, cũng chỉ nói lên sức sống mãnh liệt và ảnh hưởng rộng lớn của văn hóa Đông Sơn mà thôi. Chắc hẳn đấy là những hiện vật do trao đổi mà có. Trên cơ sở những mối giao lưu qua lại đó đã ảnh hưởng đến bộ mặt văn hóa giữa các vùng ở mức độ nhất định.

Qua đấy ta thấy các di chỉ và di tích văn hóa Đông Sơn chủ yếu phân bố ở vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ và bắc Trung Bộ cùng dãy đất hẹp ven thượng lưu sông Hồng. Đây cũng là vùng có nhiều dấu tích lịch sử cũng như chuyện kể về thời Hùng Vương. Các đền miếu thờ các nhân vật thời Hùng Vương cùng những câu chuyện có liên quan đến việc dựng nước và giữ nước của các vua Hùng phong phú ở trung du, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, ít dần ở Nghệ An, Hà Tĩnh, hiếm hoi ở vùng núi Tây Bắc, Việt Bắc và hoàn toàn xa lạ ở vùng phía nam Quảng Bình và Hoa Nam. Những tên đất, tên núi, tên sông được nêu lên trong các chuyện kể về thời Hùng Vương như Hy Cương, Núi Tản, Sóc Sơn, Trâu Sơn, làng Phù Đổng, Chữ Xá, đầm Nhất Dạ, đất Nga Sơn mà ngày nay còn đó đều nằm trong khu vực phân bố chủ yếu của văn hóa Đông Sơn. Đây cũng là khu vực đất đai phì nhiêu, thuận lợi cho cư dân định cư nông nghiệp, cũng là địa bàn cư trú chủ yếu của người Việt hiện nay. Phải chăng đây là địa bàn cư trú chủ yếu của người Việt cổ và là miền đất trung tâm, chủ yếu của nước Văn Lang.

Đối với các vùng núi quanh khu trung tâm trên, từng nơi từng lúc mức độ khống chế của các vua Hùng cũng khác nhau tùy theo sức mạnh của trung tâm Văn Lang cũng như của các trung tâm khác ngoài đất Văn Lang.

Vùng núi Hòa Bình – địa bàn cư trú của người Mường hiện nay – đã phát hiện được nhiếu đồ đồng Đông Sơn. Sự gần gũi giữa người Kinh và người Mường về mặt nhân chủng học, dân tộc học, và ngôn ngữ học hiện nay gợi cho chúng ta sự đồng nhất giữa người Mường và người Việt cổ trước đây và sự thống nhất về cương vực cư trú ở thời Hùng Vương là có thể tin được. Vùng núi Hòa Bình cùng một phần đất Sơn La, Nghĩa Lộ, vùng núi Thanh Hóa – vùng đất của người Mường chắc hẳn nằm trong lãnh thổ Văn Lang. Quá về phía tây và phía bắc là địa bàn sinh sống của người Thái, Mèo, Xá, Tày, Nùng, Dao, hiện nay chúng ta cũng đã phát hiện được một số di vật điển hình của văn hóa Đông Sơn. Hơn nữa về nhiều mặt như nhân chủng, phong tục của các dân tộc bản địa ở đấy cũng có nét gần gũi với người Việt cổ như tục nhuộm ăn trầu, ăn đất, uống bằng mũi, dùng trống đồng. Những điều đó chứng tỏ rằng ngay từ thời các Vua Hùng vùng núi rộng lớn này cũng đã có quan hệ chặt chẽ với vùng trung tâm Văn Lang. Tài liệu dân tộc học cho biết vùng núi Tây Bắc cũng như Việt Bắc là vùng tranh chấp của nhiều trung tâm chính trị thời cổ đại, nhiều cuộc chiến tranh từng diễn ra ở đấy. Song ảnh hưởng to lớn của trung tâm Văn Lang đối với vùng này là điều khẳng định, và có thể xem vùng núi Tây Bắc và Việt Bắc với vùng này là điều khẳng định, và có thể xem vùng núi Tây Bắc và Việt Bắc nằm trong phạm vi khống chế của trung tâm Văn Lang và nước Văn Lang mở rộng về phía tây có thể đi lên đến biên giới Việt – Lào, Việt – Trung ngày nay.

Miền nam Quảng Đông, Quảng Tây tuy núi non hiểm trở, song cách trung tâm Văn Lang không xa lại là vùng tụ cư của người Lạc Việt nên chắc hẳn có mối quan hệ với trung tâm Văn Lang. Không phải ngẫu nhiên mà cư dân Hợp Phố (Quảng Đông) đã nổi dậy theo Hai Bà Trưng chống bọn thống trị nhà Hán. Và cho mãi đến thời Bắc thuộc, vùng Hợp Phố có lúc vẫn được sáp nhập vào đất Giao Châu. Trước đây khi chỉ định vị trí 15 bộ của nước Văn Lang, có ý kiến đã đặt bộ Trang Tuyển, bộ Ninh Hải trên đất Quảng Tây, Quảng Đông (1). Do cùng một tộc người sống cạnh nhau phải chăng một phần đất Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay xưa kia đã nằm trong phạm vi khống chế của nước Văn Lang.

(1) Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qua các đời, Hà Nội, 1996.

Về phía dử cũ của ta đều cho là nước Văn Lang giáp nước Hồ Tôn (Lịch triều hiến chương loại chí cho lá giáp Chiêm Thành). Chiêm Thành là nước Hoàng Vương thời Đường, nước Lâm Ấp thời Tấn. Nói nước Văn Lang giáp nước Chiêm Thành nghĩa là giáp vùng đất mà sau đó lập nên nước Chiêm Thành, phải chăng là nước Hồ Tôn như nhiều sử sách đã ghi.

Trong quá trình lịch sử, biên giới của Chiêm Thành ngày càng lùi dần vào nam, cho dến thời Lý, Hoành Sơn còn là biên giới phía bắc của nước Chiêm Thành. Hoành Sơn có thể xem như là đường biên giới của văn hóa khảo cổ của sự phân bố di tích lịch sử cùng truyền thuyết thời Hùng Vương. Từ Quảng Bình trở vào hầu như vắng mặt các di tích văn hóa Đông Sơn và các di tích thời Hùng Vương. Điều này cũng phù hợp với những ghi chép trong sử cũ, và Hà Tĩnh, Quảng Bình ngày nay vùng giáp ranh hai nước, mà dãy Hoàng Sơn chắn ngang giữa Trường Sơn và biển đông là biên giới phía nam của nước Văn Lang.

Như vậy, hội tất cả các nguồn tư liệu lại, chúng ta thấy vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa là trung tâm của nước Văn Lang. Nước Văn Lang đã khống chế một vùng rộng lớn từ Hoành Sơn cho đến miền nam Quảng Đông, Quảng Tây từ biển Đông cho đến biên giới Việt – Lào ngày nay.

Như thế, vấn đề đặt ra là tại sao sử cũ lại ghi chép cương giới nước Văn Lang lên đến hồ Động Đình và Ba Thục. Chúng tôi nghĩ rằng các nhà biên khảo xưa muốn tìm nguồn gốc của tổ tiên ta ở phương Bắc, là con cháu vua Thần Nông nên cho rằng Hùng Vương là con cháu của Kinh Dương Vương, nhân vật được xem là thủy tổ của Bách Việt, mà suy đoán đất nước của Hùng Vương bao gồm cả châu Kinh, châu Dương ở lưu vực sông Dương Tử. Hơn nữa, miền Hoa Nam là nơi sinh tụ của nhiều nhóm người, gọi chung là Bách Việt, dễ khiến cho các nhà nho xưa xem truyền thuyết về 100 con trai của Lạc Long Quân là phản ánh tình hình Bách Việt đó, mà quan niệm Văn Lang vốn là Bách Việt, và biên giới Văn Lang đến tận hồ Động Đình. Mặt khác, có thể vì cho rằng An Dương Vương họ Thục, là con cháu của Thục Dương Vương mà Thục Vương là vua nước láng giềng với Văn Lang dễ cầu thân với Hùng Vương mà các nhà chép sử thời xưa đã xô bồ miền đất của Thục Vương với đất Ba Thục mà cho nước Văn Lang giáp đất Ba Thục.

Qua các tài liệu trên ta thấy đường biên giới từ Ba Thục đến hồ Động Đình được ghi trong sử cũ không phải là cương vực phía bắc của nước Văn Lang, phải chăng đó là giới hạn giữa người Hán ở phía bắc và các tộc người ở phía nam mà sử Trung Quốc thường gọi là Man Di hay Bách Việt.

*

* *

Từ những điều đã trình bày trên, đối chiếu với những điều ghi chép trong thư tịch xưa về cương vực nước Văn Lang chúng ta thấy:

- Từ khoảng đầu thiên niên kỷ thứ 2 trước Công nguyên, ở vùng hợp lưu của các con sông Hồng, sông Lô, sông Thao, sông Đà đã có một nhóm người sinh sống mà dấu vết để lại là văn hóa Phùng Nguyên. Phải chăng đây là văn hóa vật chất của bộ Văn Lang – bộ lạc gốc của Hùng Vương. Phạm vi phân bố của văn hóa Phùng Nguyên là địa bàn của bộ Văn Lang, bao gồm vùng Vĩnh Phú, một phần Hà Tây, Hà Nội, một phần Hà Bắc.

- Vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa là vùng phân bố chủ yếu của di chỉ và di tích văn hóa Đông Sơn phải chăng là trung tâm của nước Văn Lang . Ở thời cực thịnh, từ đây các vua Hùng khống chế một vùng rộng lớn từ Hoành Sơn cho đến một phần đất phía nam Quảng Đông, Quảng Tây, từ biển Đông đến vùng biên giới Việt – Trung, Việt – Lào (có thể co dãn chút ít). Đó là lãnh thổ Văn Lang của các vua Hùng.

- Còn cương vực rộng lớn bao gồm từ hồ Động Đình, Ba THục đến nước Hồ Tôn (hay Chiêm Thành) được ghi chép trong thư tịch và truyền thuyết, phải chăng là khu vực tụ cư của người Bách Việt nói chung dễ phân biệt với địa bàn sinh tụ của tộc Hán ở phía bắc.

Còn tiếp

Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam - Viện khảo cổ học

Nguồn: Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội, 1974

Share this post


Link to post
Share on other sites

Đề nghị tháo bài này khỏi trang chủ.

Hùng Vương dựng nước - Tập IV - 12b

Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam - Viện khảo cổ học

Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội, 1974

III. Vấn đề con người thời Hùng Vương

Posted ImageNghiên cứu con người thời Hùng Vương liên quan tới niên đại Hùng Vương. Song đến nay dù khung niên đại thời kỳ này có còn phải tranh luận thêm thì điều chắc chắn có thể nói được là một giai đoạn chủ yếu của nó đã tương ứng với thời đại đồ đồng. Căn cứ vào những tài liệu cổ nhân học được phát hiện, chúng tôi đã có dịp trình bày một số ý kiến liên quan đến vấn đề này trong những báo cáo lần trước (1). Tựu trung những ý chính nêu lên là như sau:

(1) Nguyễn Đình Khoa: Nhân học với vần đề thời đại Hùng Vương, trong Hùng Vương dựng nước, tập I. Nhà xuất bản khoa học xã hội, 1970, (tr. 156 – 161).

Nguyễn Đình Khoa: Vấn đề nguồn gốc người Việt – Khảo cổ học số 3 – 4, tháng 12 -1969.

Nguyễn Đình Khoa và Nguyễn Lân Cường: Những người cổ ở Việt Nam – Khảo cổ học số 11 – 12, tháng 12 – 1971.

1. Vấn đề con người thời Hùng Vương và vấn đề nguồn gốc người Việt là hai vấn đề gắn vào nhau. Vấn đề thứ nhất bao trùm vấn đề thứ hai vì cư dân thời Hùng Vương không chỉ là tổ tiên riêng của người Việt mà còn là tổ tiên của nhiều tộc anh em miền núi khác nữa. Cho nên giải quyết vấn đề thứ nhất (cư dân Hùng Vương) là đã giải đáp được phần cơ bản của vấn đề thứ hai (nguồn gốc người Việt), và ngược lại giải quyết vấn đề thứ hai (nguồn gốc người Việt) là góp phần quan trọng để giải đáp vấn đề thứ nhất (cư dân Hùng Vương).

2. Tài liệu cổ nhân học cho hay rằng suốt thời đá mới đã cộng cư trên lãnh thổ Việt Nam nhiều loại hình nhân chủng, trong đó chủ yếu là loại hình Ô-xtơ-ra-lô Mê-la-nê-diêng và Anh-đô-nê-diêng. Nhưng sau đó loại hình Ô-xtơ-ra-lô Mê-la-nê-diêng đã mất dần đi trên bán đảo Đông Dương, cho nên đối với vấn đề đang đặt ra – con người thời Hùng Vương và nguồn gốc người Việt – thì loại hình Anh-đô-nê-diêng có vai trò quan trọng đặc biệt.

3. Trong những người Mông-gô-lô-ít phương Nam, ngoài loại hình Anh-đô-nê-diêng còn có loại hình Nam Á. Loại hình này là thành phần chủ yếu của nhiều cư dân ở Đông Dương và Đông Nam châu Á hiện nay, bao gồm cả dân tộc Việt. Căn cứ vào tài liệu cổ nhân loại thì có khả năng cho rằng loại hình này đã xuất hiện trên đất Việt Nam (chủ yếu là miền Bắc Việt Nam) ít nhất từ thời đại đồng thau rồi tiếp tục phát triển từ đó đến nay và phân hóa thành nhiều loại hình địa phương.

4. Từ những kết luận trên mà thấy rằng địa bàn mà người Việt sống tập trung nhất hiện nay ở miền Bắc Việt Nam cũng là nơi mà tổ tiên ta đã từng sống, lao động và chiến đấu cách đây 3000 – 4000 năm lịch sử.

Vậy thì để giải quyết vấn đề đặt ra – con người thời Hùng Vương và nguồn gốc người Việt – còn vấn đề gì tồn tại? Trước hết phải nói rằng nguồn tài liệu nhân học (bao gồm cả cổ nhân học) dựa vào đó để rút ra những kết luận trên đây còn ít, do đó cần được tiếp tục bổ sung cho đầy đủ hơn.Ngoài ra còn những tồn tại khác, cũng rất cơ bản. Ví như: loại hình Nam Á, một thành phần quan trọng trong cư dân thời Hùng Vương, một nhân tố chủ yếu giải đáp vấn đề nguồn gốc người Việt, nếu xuất hiện vào thời đại đồ đồng, đúng như kết luận nêu ở trên, thì quá trình hình thành loại hình này ra sao? Chúng vốn có nguồn gốc bản địa từ những thời kỳ sớm hơn nữa trên dải đất này hay đã từ một vùng nào chuyển tới: Đối với loại hình Anh-đô-nê-diêng chúng quan hệ như thế nào?

Tài liệu nghiên cứu về các nhóm người Xá, đem đối chiếu với tài liệu người Khả ở Lào và tài liệu về các tộc người vùng núi tỉnh Quảng Bình đã đưa lại những tia sáng góp phần giải đáp các vấn đề này.

Thật vậy, sơ đồ chúng tôi phác họa ở phần trên của bài viết (phần :), có thể khái quát như sau: “loại hình Nam Á là kết quả một quá trình chuyển biến từ các loại hình Anh-đô-nê-diêng”. Sự khái quát này cũng có thể biểu diễn bằng một sơ đồ:

Posted Image

Trong sơ đồ nàỳ, khâu trung gian chính là những loại hình Anh-đô-nê-diêng (kém điển hình) hoặc những loại hình Nam Á (kém điển hình) với tất cả các dạng thể hiện chúng. Những tộc người vùng núi tỉnh Quảng Bình, các tộc Khả ở Lào hay Xá Tây Bắc đều có thể coi là hình ảnh cụ thể của các dạng này. Vậy là nhóm loại hình Nam Á ở nhiều vùng tại khu vực Bắc Đông Dương trong đó có Việt Nam đã được hình thành trên cơ sở những loại hình Anh-đô-nê-diêng bản địa. Quá trình này đã diễn ra từ thời đại đá mới và dần dần rõ nét vào thời đại đồ đồng, khi mà những nét tiêu biểu cho người Nam Á ở khu vực này đã được hình thành về cơ bản.Tài liệu cổ nhân học phát hiện ở miền Bắc Việt Nam là một bằng chứng cho những điều vừa trình bày (tài liệu đã dẫn: Những người cổ ở Việt Nam). Một khu vực thứ hai mà tại đó quá trình diễn biến của nhóm loại hình Nam Á cũng xảy ra mãnh liệt như ở Bắc Đông Dương và cả miền Nam Trung Quốc, vùng tiếp cận với những chủng tộc Mông-gô-lô-ít ở phương Bắc. Nhà học giả Liên Xô là Trê-bốc-xa-rốp khi đề cập tới địa vực của người Nam Á đã cho rằng “trung tâm hình thành của nhóm loại hình này là miền Nam Trung Quốc, rồi từ đó mới phân bố ra các vùng khác ở vùng Đông Nam Á” (1947, tr.61; 1951, tr.343) (1). Nhưng theo chúng tôi thì trung tâm đó không chỏ bó hẹp ở Nam Trung Quốc mà rộng hơn, bao gồm cả Bắc Đông Dương, trong đó Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam. Mặc khác không phải các loại hình Nam Á ở những vùng khác của khu vực Đông Nam Á đều là do kết quả một sự phát tán đơn thuần từ các trung tâm này, mà thực tế cho hay rằng quá trình diễn biến từ những loại hình Anh-đô-nê-diêng trở thành Nam Á là một hiện tượng đã và đang xảy ra phổ biến ở khắp khu vực. Đó chính là nội dung cụ thể của hiện tượng Mông-gô-lô-ít hóa ngày một đậm nét các cư dân ở Đông Nam châu Á. Nguyên nhân và động lựa của quá trình này là một vấn đề phức tạp mà trong phạm vi một bài viết chúng tôi chưa có đủ điều kiện trình bày. Vậy là sau khi hình thành, từ một trung tâm tương đối rộng lớn, loại hình Nam Á cổ - tổ tiên của những người Nam Á hiện nay đã tác động rộng rãi đến các vùng địa vực xung quanh, không những tới phương nam, tới các vùng cực Nam của Đông Nam châu Á, mà còn sang đông tới các hòn đảo như Phi-luật-tân, Hải-nam, Đài-loan hoặc xa hơn nữa và lên bắc đến tận Triều Tiên, Nhật Bản v.v… Tài liệu nghiên cứu của nhiều nhà nhân học Liên Xô đã từng xác minh sự có mặt của thành phần Nam Á tại các vùng này. Ví như khi viết về thành phần nhân chủng người Triều Tiên và Nhật Bản, Ra-ghin-xki đã khẳng định có yếu tố Nam Á trong họ bên cạnh những thành phần nhân chủng khác (2).

(1) Trê-bốc-xa-rốp N.N. Về vấn đề nguồn gốc người Trung Quốc – Dân tộc học Xô-viết, (tiếng Nga), số 1-1947, tr.30-70; Lê-nin M.G và Trê-bốc-xa-rốp: Sự phân bố cư dân ở vùng Đông Á và Đông Nam Á thời cổ đại, trong “Nguồn gốc loài người và sự phân bố cư dân thời cổ đại” – Tập Công trình của Viện Dân tộc học Liên-xô, (tiếng Nga), t.XVI, 1951, tr.325-354.

(2) Ra-ghin-xki Ia-ra và Lê-nin M.G: Cơ sở Nhân học, Phần Nhân chủng học (bản tiếng Nga), Ma-xcơ-va, 1955, tr.377-378.

Những điều vừa trình bày về quá trình hình thành loại hình Nam – Á đã làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề quan trọng trong việc tìm hiểu cư dân thời Hùng Vương.

Trước hết những người Nam Á cổ xuất hiện vào thời đại đồ đồng ở miền Bắc Việt Nam đã hình thành trên cơ sở những loại hình Anh-đô-nê-diêng bản địa. Trong quá trình này đã xảy ra sự kết hợp tất yếu giữa họ với những người Mông-gô-lô-ít điển hình hơn, có thể ngay với một loại hình Nam Á đã hình thành từ trước đó. Vì vậy điều nói được tương đối chắc chắn là: những người Nam Á trong bộ phân cư dân thời đại Hùng Vương, tổ tiên trực tiếp của những người Nam Á hiện nay ở vùng này trong đó có người Việt, người Mường, có thể cả người Xá, người Táy v.v… đã hình thành ngay trên lãnh thổ Việt Nam chứ không phải từ một vùng nào khác chuyển tới. Tính chất bản địa của họ xác định muộn nhất là từ thời đại đồng, nghĩa là còn có thể sớm hơn khởi đầu, từ một giai đoạn nào đó trong thời đại đá mới. Thời điểm này phụ thuộc vào tác động của các động lực gây nên sự chuyển biến loại hình từ người Anh-đô-nê-diêng bản địa.

Trong thành phần cư dân của các Vua Hùng, bên cạnh những người Nam Á, còn có người Anh-đô-nê-diêng. Theo cách phác họa trên thì họ có quan hệ thân tộc không xa lắm với nhau, vì đều bắt nguồn từ những loại hình Anh-đô-nê-diêng nguyên thủy hơn. Tuy nhiên quá trình hình thành các loại hình Nam Á không phải đã diễn ra cùng một lúc trên khắp một vùng địa vực rộng lớn, mà tùy nơi, tùy lúc khác nhau, với những tốc độ chuyển biến cũng không đồng đều. Vì vậy sự tương đồng hay khác biệt giữa những người Nam Á với nhau, giữa những người Anh-đô-nê-diêng với nhau cũng như sự phân hóa giữa hai nhóm loại hình Anh-đô-nê-diêng và Nam Á vừa mang tính chất thời gian (giai đoạn), vừa mang tính chất không gian (địa vực). Cho nên những loại hình Nam Á hay Anh-đô-nê-diêng ở Việt Nam có thể khác nhiều với những loại hình Nam Á hay Anh-đô-nê-diêng ở In-đô-nê-xi-a và gần hơn với những loại hình tương ứng ở Nam Trung Quốc, ở Lào. Riêng đối với các tộc Anh-đô-nê-diêng, do điều kiện sống cách biệt kéo dài, sự tiếp xúc và hỗn hợp với các tộc khác nhau không đồng đều nên tính chất về sự khác biệt giữa họ càng phứa tạp hơn giữa các vùng địa vực. Tại trung tâm địa vực hình thành người Nam Á – tức Nam Trung Quốc và Bắc Đông Dương, do quá trình Mông-gô-lô-ít hóa đã xảy ra mãnh liệt hơn các vùng khác, nên phần lớn những loại hình Anh-đô-nê-diêng thời cổ đã chuyển biến dần trở thành Nam Á. Những người Anh-đô-nê-diêng trong thành phần cư dân các vua Hùng cũng không ngoài định lệ này; quá trình hỗn hợp giữa họ với nhau và với người Nam Á trước đây dẫn tới một kết quả là ngày nay về phương diện chủng tộc họ đã tham gia như một bộ phận cấu thành của các tộc người Việt, người Mường, người Tày Thái, người Xá, v.v… Vì vậy hiện nay ở miến Bắc nước ta tuy không còn nhiều tộc người Anh-đô-nê-diêng như ở các vùng phía nam, song dòng máu của họ đã sẵn có trong những người Nam Á ở vùng này.

Nhiều nhà nghiên cứu, khi bàn về Đông Nam Á đã thấy đó là một khu vực có những đặc thù về nhiều mặt: địa lý, kinh tế, văn hóa, xã hội v.v… Qua đây thấy thêm: Đông Nam Á là một khu vực có tính cách thống nhất về mặt nhân chủng nữa. Giáp ranh Đông Nam Á thì Bắc Đông Dương và Nam Trung Quốc lại làm thành một khối, có nhiều nét điển hình, ít nhất về phương diện thành phần chủng tộc và lịch sử hình thành chủng tộc. Chính trên nhận thức ấy và trong khung cảnh ấy chúng ta đi sâu tìm hiểu thêm một bước về nguồn gốc người Việt trong gia đình các dân tộc Việt Nam.

IV. Vấn đề nguồn gốc người Việt

Như đã trình bày ở phần trên hai vấn đề “con người thời Hùng Vương” và vấn đề “nguồn gốc người Việt” liên quan với nhau và giải quyết vấn đề thứ nhất là góp phần giải quyết vấn đề thứ hai về cơ bản. Vì lẽ trong cư dân các Vua Hùng có tổ tiên sinh ra người Việt, một loại hình Nam Á cổ cũng đã được hình thành từ những người Anh-đô-nê-diêng bản địa. Điều cần thiết ở đây là có thêm những dẫn chứng làm sáng tỏ các vấn đề này với trường hợp cụ thể của người Việt đồng thời tiếp tục theo dõi sự chuyển biến của những dạng “Tiền Việt” này trong sự tác động với các tộc láng giềng để trở thành người Việt hiện nay.

Theo những tài liệu lịch sử của Trung Quốc thì khắp miền nam Trung Quốc từ bờ nam sông Dương Tử cho tới đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam vào khoảng thiên niên kỷ thứ 4 – 3 trước Công nguyên, có những tộc người không phải Hán thường được gọi bằng những tên là Man, là Di, là Việt gồm chung vào “Bách Việt”. Về sau thì xuất hiện nhiều tộc Việt khác nhau như Điền Việt, Dương Việt, Đồng Việt, Mân Việt, Nam Việt, Lạc Việt v.v… Giáp giới với Bắc Bộ Việt Nam là Điền Việt ở Vân Nam, Nam Việt ở Quảng Đông, Lạc Việt ở Quảng Tây và Bắc Bộ Việt Nam. Dựa vào đó nhiều nhà nghiên cứu đã từng cho rằng người Lạc Việt chính là tổ tiên dân tộc Việt. Nếu điều đó đúng thì Lạc Việt phải là một bộ phận quan trọng của cư dân thời Hùng Vương và ngoài ra, bên cạnh Lạc Việt có thể còn các tộc khác nữa, như Tây Âu mà có tác giả coi là tổ tiên của người Cháng, người Tày, người Nùng, v.v… Hoặc giả Lạc Việt là bộ phận chủ yếu của cư dân thời Hùng Vương và như vậy thì Lạc Việt không chỉ là tổ tiên người Việt mà còn là tổ tiên của các tộc người khác nữa ở miền Bắc Việt Nam và có thể cả ở Nam Trung Quốc hiện nay. Dù sao thì đối với nguồn gốc người Việt, người Lạc Việt đã có một vị trí quan trọng đặc biệt.

Vậy Lạc Việt là người như thế nào? Theo nội dung đã trình bày ở phần trên thì đó chính là những người Nam Á cổ, hoặc những người Anh-đô-nê-diêng đang trong quá trình chuyển biến trở thành Nam Á. Họ đã có mặt ở lãnh thổ Việt Nam ít nhất từ thời đại đồ đồng chứ không phải từ một khu vực nào ở Việt Nam và có thể cả ở Nam phần Trung Quốc mới chuyển tới từ khoảng thế kỷ 3 trước Công nguyên như một số tác giả chủ trương trước đây. Đối với các tộc Man hay Việt khác ở Nam phần Trung Quốc họ có mối quan hệ nhất định về nguồn gốc. Nói chung các tộc trong khối Bách Việt phần lớn đều là những loại hình Anh-đô-nê-diêng cổ dưới tác động của quá trình chuyển biến thành Nam Á.

Suốt thời đá mới cho tới đồ đồng và sau này tại khu vực Nam Trung Quốc và Bắc Đông Dương khối cư dân không phải luôn luôn ở yên, mà từng lúc, từng nơi có những sự di động nhất định. Ví như các tộc ngôn ngữ Tày Thái đã từng có những lần thiên cư lớn từ Bắc xuống Nam từ những kỷ nguyên trước Công nguyên và kéo dài mãi về sau này (1). Ngoài ra còn có những cuộc thiên di của tổ tiên người Hán xuống miền Nam Trung Quốc và tới đầu nguồn các con sông lớn chảy vào Đông Dương. Kết quả của các cuộc thiên di lớn là gây nên những biến động trong khối cư dân bản địa và ảnh hưởng tới thành phần nhân chủng của họ. Sự hỗn hợp này làm cho thể lực phát triển, những bệnh tật do giao phối cận huyết sinh ra trong điều kiện sống cách ly hay biệt lệp (isolat) của các bộ lạc hay các cộng đồng nhỏ giảm bớt, mật độ dân cư tăng lên. Đó là những hiện tượng sinh học có ảnh hưởng nhất định tới sự phát triển của xã hội, tới lịch sử các dân tộc.

(1) Lã Văn Lô và Đặng Nghiêm Vạn: Sơ lược giới thiệu các nhóm dân tộc Tây – Nùng – Thái ở Việt Nam, Hà Nội, 1968, tr.15.

Trong lịch sử của dân tộc Việt, kể từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên trở về sau còn có ngót 1000 năm Bắc thuộc. Đối với một số người nghiên cứu thì thời gian này đã có ý nghĩa quyết định đối với việc hình thành ra loại hình nhân chủng người Việt. Vì vậy mà một mặt cho người Việt và người Mường là cùng một nguồn gốc tổ tiên, mặt khác lại cho rằng Mường và Việt đã phân hóa về mặt thể chất do kết quả của dòng máu Bắc phương. Song tài liệu nghiên cứu người Việt, người Mường về mặt nhân chủng họa đã phủ nhận điều này. Theo chúng tôi thì “người Mường là một bộ phận Việt đã tách ra trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định nào đó và đã cấu thành bộ tộc riêng, song từ đó đến nay cả Mường lẫn Việt về cơ bản vẫn giữ được cơ cấu thể chất gốc của tổ tiên trực tiếp đã sinh ra mình trước khi phân chia” (2). Thực vậy, trong thành phần nhân chủng người Việt thì yếu tố cấu tạo chủ yếu hoàn toàn không phải là yếu tố phương Bắc mà là phương Nam (da ngăm đen); mắt rộng, ngắn; nếp mí góc giảm, mũi tương đối rộng; môi tương đối dày v.v…). Bảng dưới đây do phép so sánh, người Việt với các nhóm Anh-đô-nê-diêng và Nam Á khác:

Bảng 6

Posted Image

Chú thích: Các kích thước về cao mặt, hình thái bề cao mũi và chỉ số tương ứng đều được tác giả tính từ nasion, (giao điểm giữa đường khớp mũi – trán, chứ không phải từ sellion (gốc mũi) như đối với các nhóm khác.

Theo bảng 6, ta thấy trong những người Anh-đô-nê-diêng và Nam Á, nhóm Việt có vị trí khá đặc biệt. Trên một số đặc điểm, họ có vị trí trung gian giữa các nhóm so sánh, đồng thời trên nhiều đặc điểm khác như kích thước phần hộp sọ, phần mặt, bề cao mũi, bề dày môi thì có trị số thiên về phía cực đại. Hiện tượng này nói lên tính chất về mối quan hệ của nhóm Việt với các nhóm láng giềng, đồng thời cho thấy những nét đặc thù của nhóm Việt là người có kích thước đầu và mặt vào loại cỡ lớn nhất nhì ở khu vực Đông nam châu Á. Tài liệu về nhóm Việt (Nàm Đàn) bổ sung cho nhóm Thanh Trì càng khẳng định nhận xét này. Bảng 7 và sơ đồ kèm theo minh họa cụ thể thêm những điều đã trình bày:

Bảng 7: Hiệu số khác biệt giữa các đặc điểm mê-tric của nhóm Việt Thanh Trì với các nhóm khác.

Posted Image

Sơ đồ sự khác biệt các đặc điểm theo số lần Xích-ma б (1) (So sánh các nhóm với nhóm Việt – Thanh Trì làm gốc)

Posted Image

Trong sơ đồ này không ghi đường biểu diễn của các nhóm khuyết nhiều số liệu (Mè, Nam Trung Quốc của Ôliviê) hoặc các nhóm mà đa số đặc điểm có vị trí trung gian và gần nhóm Việt (La-ha, Thái). Trục hoành độ đánh số 1, 2, 3,… 15 theo thứ tự các đặc điểm ghi ở bảng 7.

(1) Trị số xích ma б tính cho các đặc điểm của nhóm Việt – Thanh Trì theo tài liệu đã công bố trong Nghiên cứu lịch sử số 113, tháng 8-1968.

Cuối bảng 7 là trị số chuẩn X2 với xác xuất tương ứng P (X2) biểu thị mức độ tương đầu giữa các nhóm so sánh. Những kết quả về mặt số liệu này có ý nghĩa quan trọng vì phù hợp với những nhận định cơ bản đã trình bày về nhóm Việt trong mối quan hệ chung với các tộc người cư trú tại các vùng kế cận thuộc khu vực Nam phần Trung Quốc và Bắc Đông Dương, đồng thời gợi thêm những suy nghĩ về quá trình hình thành của họ. Nổi lên hàng đầu là mấy vấn đề sau:

1. Trong phạm vi Đông nam châu Á thì Bắc Đông Dương và Nam Trung Quốc là một khu vực thống nhất về quá trình hình thành chủng tộc và các loại hình nhân chủng suốt một giai đoạn lịch sử dài từ thời đại đá mới trở về sau này.

2. Nhóm loại hình Nam Á hình thành rõ nét từ thời đại đồ đồng tiếp tục phát triển và phân hóa thành nhiều loại hình địa phương trong đó người Việt hay loại hình Việt có những sắc thái riêng làm cho bên cạnh các tộc láng giềng, họ vừa có những nét tương đồng, lại vừa có cốt cách đặc thù.

3. Những người thuộc loại hình Nam Á ở miền Bắc Việt Nam như Việt, Mường, Thái, Xá (Kháng, La-ha) v.v… Có nhiều nét tương đồng chứng tỏ rằng bên cạnh mối quan hệ nguồn gốc về mặt phân loại (cùng thuộc nhóm loại hình Nam Á), còn có mối quan hệ hỗn hợp cư dân tác động suốt trong quá trình hình thành nhưng cộng đồng người gắn bó trên cùng một địa vực cư trú, có chung một quá trình lịch sử. Vì vậy mà người Xá ở Việt Nam đã phân hóa so với các tộc Khả ở Lào, người Thái ở Tây Bắc không giống như các tộc Thái nói chung ở các vùng cư trú khác.

Người Việt tức loại hình Việt và dân tộc Việt đã được hình thành trong khung cảnh chung trình bày theo nội dung của những nhận xét trên. Tổ tiên xa của họ là những người Anh-đô-nê-diêng bản địa, Tổ tiên gần và trực tiếp là một loại hình Nam Á cổ có mặt trên địa bàn Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam, ít nhất từ thời đại đồ đồng. Suốt trong quá trình hình thành họ luôn luôn tác động và chịu sự tác động của các bộ lạc và bộ tộc láng giềng. Sự kiện này có ý nghĩa sinh học quang trọng giúp họ phát triển nhanh về số lượng dân cư. Tuy nhiên, những nét đặc trưng của họ hiện nay về mặt hình thái chứng tỏ tổ tiên họ - một loại hình Nam Á cổ, có thể có những sắc thái riêng, điều mà tài liệu cổ nhân học sau này sẽ giúp chúng ta giải đáp.

Kết luận chung

Nội dung trình bày trong bài viết này là kết quả của sự kết hợp so sánh giữa hai nguồn tài liệu –tài liệu cổ nhân học và tài liệu nhân chủng học các cư dân hiện tại. Một số điểm bổ sung về những điều đã trình bày trong các bản báo cáo trước đây về cư dân thời Hùng Vương và nguồn gốc người Việt là xuất phát bởi giả thiết và quá trình hình thành nhóm loại hình Nam Á từ những người Anh-đô-nê-diêng bản địa ở khu vực Đông nam châu Á. Người Việt bắt nguồn từ quá trình này – một quá trình diễn ra trong sự tác động hỗn hợp của các cộng đồng hàng mấy ngàn năm tại địa bàn miền Bắc Việt Nam mà khu vực trong tâm là đồng bằng Bắc Bộ và bắc Trung Bộ. Phải chăng chính những mối quan hệ lịch sử này đã phản ảnh một cách khá rõ nét về nhiều phương diện trên các tộc người đã từng cư trú lâu đời trên một phần lãnh thổ này của Tổ quốc ta. Tài liệu dân tộc học, ngôn ngữ học cũng đã đưa ra nhiều bằng chứng về mối quan hệ nói trên giữa các tộc người Việt, người Mường, người Tày – Thái. Trong ngôn ngữ Việt – Mường vừa có yếu tố Thái vừa có yếu tố Môn-khơ-me, khiến phải tách riêng thành một nhóm ngôn ngữ Việt – Mường mà vị trí của nó còn tiếp tục là vấn đề tranh luận. Gần đây theo sự phát hiện của bộ phận nghiên cứu các tộc người ngôn ngữ Nam Á ở Tây Bắc của Viện Dân tộc học thuộc Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam thì trong ngôn ngữ người Kháng, người La-ha cũng thấy có yếu tố ngôn ngữ Việt – Mường. Cuối cùng những mối quan hệ phức tạp này đã phát hiện cả trên con người về mặt cấu tạo cơ thể. Địa vực rõ ràng là một nhân tố quan trọng có ý nghĩa quyết định trong việc kế hợp các quá trình diễn biến lịch sử của nhiều hiện tượng xã hội phức tạp, trong đó có quá trình hình thành bản thân con người. Trong khối cư dân thời Hùng Vương, “người Việt cổ” nay “người Việt thời vua Hùng” đã là một bộ phận hợp thành ngày càng có tác dụng quan trọng bên cạnh các tộc anh em trong việc thúc đẩy xã hội tiến lên. Những truyền thống tốt đẹp nhất của cả dân tộc Việt Nam, mà ngày nay chúng ta có quyền tự hào phải chăng đã bắt nguồn ngay từ buổi đầu dựng nước. Đoàn kết, thống nhất vốn là sức mạnh vô địch của dân tộc ta phải chăng đã có ngay trong dòng máu của mỗi người từ thời “người Việt vua Hùng” mà qua mỗi sóng gió của lịch sử lại được nhân lên gấp bội. Đó là những vần đề to lớn không thuộc phạm vi nghiên cứu của Nhân chủng học, nhưng đi sâu vào đề tài Nguồn gốc dân tộc chúng tôi đã thấy hiện lên những khía cạnh thật rõ nét. Mong rằng đ1o sẽ là một số bằng chứng có cơ sở khoa học góp vào để các ngành khác đi sâu tìm hiểu vấn đề.

Còn tiếp

Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam - Viện khảo cổ học

Nguồn: Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội, 1974

Share this post


Link to post
Share on other sites

Đề nghị tháo bài này khỏi trang chủ.

Hùng Vương dựng nước - Tập IV - 11

Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam - Viện khảo cổ học

Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội, 1974

Đất nước, con người và văn minh Việt Nam thời cổ.

Trần Quốc Vượng

Posted ImageBắc Việt Nam, “quê hương buổi đầu của dân tộc” (1) là một trong những bao lơn của châu Á nhìn ra Thái Bình Dương. Mộ xứ nhiệt đới gió mùa ẩm ướt, có nhiều đồi núi, có đồng bằng phì nhiêu và được biển cả bao quanh.

(1) Phạm Văn Đồng: Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh hoa và khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại – Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1970, tr.36.

Một vị trí có tính chất tiếp xúc giữa nhiều hệ thống địa lý. Gắng bó với lục địa Châu Á: Địa hình Việt Nam và địa hình các nước láng giềng không đứt đoạn mà có thể “núi liền núi, sông liền sông”

Nhìn ra Thái Bình Dương: biển Đông tuy với bão tố đầy nguy hiểm vẫn đóng vai trò nối liền Việt Nam với thế giới hải đảo phương Nam, với các dân tộc Đông Nam Á, và xa hơn, với Trung Quốc, Ấn-Độ, phương Tây…

Nếu trong kho tàng truyền thuyết được gắn với thời Hùng Vương có chuyện Việt Thường Thị đem bạch trĩ sang Chu thì cũng có chuyện Mai An Tiêm từ thuyền buôn nước ngoài lên làm nô bộc cho vua Hùng và chim trĩ ngậm hạt dưa từ phương Tây bay tới.

Đấy là vài đặc điểm lớn của diện mạo quê hương dân tộc. Từ trong môi trường tự nhiên ấy, nảy sinh dân tộc Việt Nam và nền văn minh Việt Nam thời cổ. Hà Văn Tấn có lý khi gọi nền văn minh ấy – nền văn minh Việt Nam thời Hùng Vương dựng nước là nền văn minh sông Hồng (2).

(2) Hà Văn Tấn: Nghiên cứu thời đại các vua Hùng (hiện trạng và triển vọng) – Tập sang quản lí văn vật, Hà Nội, số 19, tr.64.

*

* *

Nhìn vào bản đổ quê hương buổi đầu của dân tộc, nét nổi bậc đập vào mắt mọi người là địa hình phức tạp và đa dạng, là sự đối lập nhưng đồng thời thống nhất giữa miền núi rừng và miền châu thổ.

+ Núi rừng trùng điệp 102.000 km2 (Một số sách địa lý gọi Việt Nam là “xứ núi rừng”). Tuy ở một số nơi, núi cũng khá cao và hiểm trở như dãy Hoàng Liên Sơn nhưng nhìn chung núi đồi thấp dưới 1.000m vẫn chiếm ưu thế và vẫn chỉ là núi già trẻ lại. Thưa dần. Song lại nhiều thành phần dân tộc.

+ Đồng bằng không lấy gì làm ruộng: 14.700 km2 song từ sử sách xưa (Nam Việt chí, thế kỷ thứ 5) đến các học giả ngày nay – trừ Nguyễn Đức Tâm – Ai cũng nhận rằng phì nhiêu. Bằng phẳng, hầu như không có địa hình gì đáng kể. Nét nổi bậc của địa hình châu thổ sông Hồng là đê – đê sông, đê biển – do con người xác lập từ trước Công nguyên. Một địa hình nhân tạo. Núi già, đồng trẻ; với những hiểu biết hiện nay, có thể giả thuyết đồng bằng Bắc Bộ, hình thành vào khoảng cuối thời đại đá mới, khoảng 5.000 năm trước đây là công cuộc tự cư ở đồng bằng cũng bắt đầu ngay từ khi đó. Đồng bằng Bắc Bộ chưa kịp hình thành xong thì con người đã tiến công khai phá, đắp đê chặn đứng sự hình thành tự nhiên đó lại nên hiện nay còn rất nhiều ô trũng (vùng đồng chiêm trũng).

Đông dân ngay từ thời dựng nước. Bảng thống kê số dân thời thuộc Hán là một bằng chứng. Thành phần dân tộc tương đối thuần nhất: hầu hết là người Việt (Kinh).

+ Giữa miền núi và miền châu thổ có một cái dấu nối: đó là miền trung du mà xu hướng đồng bằng hóa hiện nay ngày càng rõ rệt.

Miền trung du chính là khởi điểm địa lý của sự hình thành nhà nước sơ khai của Việt Nam. Miền (trước núi), ngó mặt xuống (“hướng về”) đồng bằng!

*

* *

Hiểu biết của chúng ta về thời kỳ nguyên thủy thật sự của Việt Nam (thời trước nông nghiệp – tức từ thời đại đá giữa trở về trước, khoảng 10.000 năm trước đây còn quá ít ỏi.

Một vài chiếc răng có khả năng là răng người vượn ở Bình Gia (Lạng Sơn). Một di tích đầu thời đá cũ – từ năm 1960 đến nay vẫn chỉ là di tích đầu thời đại đá cũ duy nhất - ở Núi Đọ (Thanh Hóa). Các giai đoạn đầu thời đại đá cũ trước và sau Núi Đọ, các giai đoạn giữa và cuối thời đại đá cũ,… cho đến nay vẫn là một ẩn số.

Qua di tích Bình Giang và di tích Núi Đọ, có thể rút ra được một điều: ngay từ đầu thời đại đá cũ – thời kỳ người Vượn – cuộc sống và lịch sử loài người đã bắt đầu ở một số nơi tại miền núi và miền gần biển bắc Việt Nam. Chưa có đồng bằng. Hoặc nếu có thì đã bị bào mòn gần hết, chỉ còn lại một ít vết tích, thấy rõ rệt ở rìa tây nam.

*

* *

Từ khoảng 10.000 năm đến khoảng 5.000 năm trước đây là thời đại đá giữa và thời đại đá mới của Việt Nam, thời kỳ nông nghiệp sơ khai (proto-agriculture) và nông nghiệp bước đầu phát triển.

Trung du có văn hóa Sơn Vi mà niên đại tương đối cũng như tuyệt đối còn khó xác định (tạm thời có thể giả thuyết là thuộc cuối thời đại đá cũ, hoặc đầu thời đại đá giữa). Có di tích Gò Con Lợn (Lâm Thao, Vĩnh Phú). Có ý kiến là rất quan trọng, tạm xếp vào cuối thời đại đá mới.

Miền núi, bao gồm miền núi bắc (thật ra là bắc – đông - bắc) và miền núi nam (thực ra là tây – bắc – đông – nam) lưu vực sông Hồng, với những dãy núi đá vôi có nhiều hang động, với nhiều lũng bằng rộng hẹp khác nhau luồng sâu vào miền núi – có văn hóa Hòa Bình, văn hóa Bắc Sơn và nhiều di tích thuộc giữa và cuối thời đại đá mới, đầu thời khí mang truyền thống kỹ thuật đá cuội. Với Hòa Bình, Bắc Sơn, đã nảy sinh nền nông nghiệp sơ khai (1). Nghề nông trồng cây ăn quả, trồng cây có cũ, trồng rau dưa bầu bí. Chẳng phải tình cờ mà quả bầu trở thành một mô típ căn bản trong thần thoại khởi nguyên của nhiều thành phần dân tộc Đông Dương. Tục lệ cổ truyền của người Mường làm nhà mới xong, đến ngày phải dọn đến nhưng vì một lí do nào đó chưa dọn được thì đem quả bầu đến buột vào cây cột cái nhà với ngụ ý: tổ tiên đã đến ở đó (2). Với thời đại đá mới, miền núi đã phát triển một nền nông nghiệp trên nương rẫy với công cụ sản xuất chủ yếu là cái rìu đá mài và có lẽ với cái gậy chọc lỗ. Nông nghiệp ruộng trũng, trồng lúa nước ra đời ở vùng núi (miền thung lũng) từ bao giờ thì còn phải tiếp tục nghiên cứu.

(1) Trần Quốc Vượng: vài ý kiến chung quanh vấn đề thời kỳ Hùng Vương – Hùng Vương dựng nước, NXB Khoa hoạc xã hội, Hà Nội, Tập II, tr.129-138).

Hà Văn Tấn: văn hóa Bắc Sơn với một truyền thống và binh tuyến – Những hiện vật tàn trữ tại Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam về văn hóa Bắc Sơn, Hà Nội, 1969, tr.189-206.

(2) Theo tài liệu điều tra điền dã của Nguyễn Từ Chi.

Khoảng thế kỷ thứ 10 trở về trước – nghĩa là khoảng trước những cuộc di cư lớn, nhỏ của các tộc Thái, Dao, Mèo, Nùng,… vào miền núi bắc Việt Nam (từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 17-18), có thể hình dung sự phân bố cư dân ở miền núi bắc Việt Nam như sau:

1. Vùng núi bắc đông bắc. Từ tả ngạn thượng lưu sông Hồng đổ về phía đông, từ sông Cà Lồ và dãy Tam Đảo đổ lên phía bắc, từ vùng sông Cầu đổ về phía đông bắc – nghĩa là chủ yếu gồm Việt Bắc ngày nay – là nơi tụ cư của người Tày cổ. Sử sách ghi cư dân ở vùng này bằng nhiều tên:

Âu Việt (trước Công nguyên), Ô Hử (ở miền ranh giới Giao Quảng), Di Lão (Phù Nghiêm Di, Lão… thời bắc thuộc), Tây Nguyên man (man Hoàng Động, Nùng Động, Chu Động… thời thuộc Đường) (1). Việt Bắc có khả năng là quê hương người Tày cổ.

2. Thượng lưu sông Hồng, từ Hưng Hóa đổ lên Tây Bắc, dọc hai bên bờ sông Hồng sử sách thời Đường ghi phía dưới là người sinh Lão (Tày cổ), từ Cam Đường (Lào Cai) trở lên là người Thoán (cư dân ngữ hệ Tạng – Miến). Thế kỷ thứ 8, với sự giúp sức của những người Thoán này, quân Nam Chiếu (mà thành phần chủ yếu là người Di (Đông Thoán Ô Man) và người Bạch (Tây Thoán Bạch Man) đã nhiều lần kéo xuống xâm lược vùng Hà Nội (2). Cư dân thuộc ngữ hệ Tạng – Miến có vai trò quan trọng trong sự hình thành văn hóa Tấn Ninh. Trống đồng Tấn Ninh có cảnh diễn tả nghi lễ đâm bò u (gayal): Đâm bò u là một tập tục của cư dân ngữ hệ Tạng – Miến, người Na-ga chẳng hạn. Giữa văn hóa Tấn Ninh và văn hóa Đông Sơn có sự giao lưu. Tượng người đàn bà trên thạp Đào Thịnh mặc kiểu váy na-ga. Một vài dao găm cán hình người tết tóc: tết tóc là phong tục người Khương (ngữ hệ Tạng-Miến) (3). Nhiều học giả Trung Quốc chủ trương tộc Di đã có mặt ở Vân Nam từ thời đại đá mới bắc Việt Nam có quan hệ giao lưu với Vân Nam từ lâu đời. Đó là con đường giao lưu trống đồng, rìu lưỡi xéo đồng… từ bắc Việt Nam lên Vân Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên dọc lưu vực sông Hồng. Con đường ấy Mã Viện cho là đường hành quân tiện lợi “mau chóng như thần” (Thủy kinh chú), đó cũng là con đường Sĩ Nhiếp ở Giao Châu giao thiệp với Ung Khải ở Ích Châu, con đường quan quân nhà Tấn với Thoán Cốc, Thoán Năng… (người Thoáng) sang đánh quan quân nhà Ngô ở Giao Châu nửa sau thế kỷ thứ 3 (4), con đường sang Ấn Độ trong hành chính mà Giả Đam chép trong Trinh Nguyên thập đạo lục, con đường xâm lược của Nam Chiếu, thế kỷ thứ 8, con đường từ đạo hạnh đi qua vùng Kin Xi Man sang Tây Thiên học đạo, con đường xâm lược của Mông Cổ từ Vân Nam tiếng đánh Đại Việt,… Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhà ngôn ngữ học thấy một số điểm gần gũi giữa nhiều từ Tiếng Việt và từ tiếng Tạng-Miến (5).

(1) Đường thư: Tây Nguyên man truyện; Đặng Nghiêm Vạn và Trần Quốc Vượng: vấn đề An Dương Vương và lịch sử người Tày cổ - thông báo khoa học của trường đại học Tổng hợp Hà Nội, phần sử học, tập 2. Nếu giải thuyết Tây Âu = Tây Vu là đúng thì khoảng trước sau thời An Dương Vương lĩnh vực của người Tày cổ có lúc vượt xuống phía nam sông Cà LỒ, và phía sông Cầu.

(2) Phàn xước: Man thư.

(3) Tư Mã Thiên: Sử ký – Tam nam Di truyện.

(4) Tam quốc chí – Sĩ Nhiếp truyện và Tấn thư – Địc lý chi, Tấn thư – Đào Hoàng truyện.

(5) Xem Sa-phe (Schafon): Tiếng Việt và tiếng Tạng – Miến (chữ Pháp) – Tập san Trường Viễn đông bác cổ, Hà Nội, 1940, tập XL.

3. Vùng núi tây bắc, đông nam, Hưng Hóa, Ba Vì đổ lên Tây Bắc, là quê hương và nơi sinh tụ của nhiều cư dân nói tiếng Môn-khơ-me (Xinh Mun, Kháng, Mảng…), một trong những ngôn ngữ được xác lập xưa nhất ở vùng Đông Nam Á và tạo nên (substratum) cho Tiếng Việt – người Mường cư trú trên dải đất liền khoảnh từ Nghĩa Lộ, Yên Bái qua Hòa Bình và Thanh Hóa, Nghệ An, hình thành khu đệm giữa người Việt và các tộc người nói tiếng Môn-khơ-me và tộc Thái (đến sau) có lẽ chỉ hình thành vào khoảng cuối thời Bắc thuộc, với cái lõi Môn-khơ-me lắp ráp thêm và nhào nặn lại những yếu tố Việt, Thái, Mã Lai, (1)…

(1) Theo sự điều tra nghiên cứu của Nguyễn Từ Chi, người Mường và ghi nhớ (trong các bài mo) nhiều địa danh bằng tiếng Mường chỉ nhiều vùng ở lưu vực sông Hồng. Điều đó có lí do. Theo lĩnh nam chích quái, thời Hùng Vương, dưới chân núi Tản có Bạch y man. Vùng Mễ Sở (Hoài Đức, Hà Tây) có đền Lý Phục Man, Tướng của Lý Bí trấn giữ người Man ở vùng đó. Thời Tiền Lê Lê Hoàng cử con làm ngự man vương ở vùng Tam Nông (Vĩnh Phúc). Thời Lý Trần, có Quảng Oai Man ở vùng Hà Tây. Man đây chắc chỉ người Mường cổ.

Tóm lại, vùng núi bao quanh đồng bằng Bắc Bộ vào thời kỳ hình thành các tộc người (thời đại đá mới và thời đại đồng thau) từng đông bắc qua tây bắc xuống tây nam có lẽ bao gồm các nhóm cư dân nói tiếng Tày, tiếng Tạng-Miến và tiếng Môn-khơ-me. Có lẽ những “sơn nhân” này về sau được phản ánh vào kho tàng thần thoại Việt trong biểu tượng để kết tinh: Sơn tinh miền ven biển vào thời đại đá mới và đầu thời đại kim khí hình thành những nền văn hóa “cồn sò điệp” với Quỳnh Văn ở ven biển Nghệ An (đầu đá mới), Bầu Tró (hay Thạch Lạc) ở ven biển Hà Tĩnh, Quảng Bình (cuối thời đại đá mới), Hạ Long ở ven biển và hải đảo Hạ Long và Bái Tử Long (cuối thời đại đá mới, đầu thời đại đồng).

Trong kho tàng thần thoại Việt cổ, biểu tượng Ngư tinh (2) rõ ràng là phản ánh của người Đản, một cư dân rất lâu đời ở vùng Vịnh Bắc Bộ và bờ biển Quảng Đông mà rất nhiều thư tịch Việt Nam ở Trung Quốc nói tới, hiện nay là người Thán Sín ở vùng biển Quảng Ninh. Đãn, Đản, Thán hay Đài (Đài Ao – tức người Lê ở Hải Nam) là một khâu trong chuỗi cư dân nói tiếng Mã Lai (malayo – polinésien hay indonésien) phân bố ở vùng ven biển và hải đảo Đông Nam Á gồm tộc Cao Sơn ở Đài Loan, người Lê ở Hải Nam, người Thán ở vịnh Bắc Bộ, người Bồ Lô ở ven biển Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, người Chàm ở Trung và Nam Trung Bộ Việt Nam, người Mã-lai ở bán đảo Mã-lai, những “người ở nước”, “long hộ”, “giao nhân” chèo thuyền giỏi, vượt biển thạo.

(2) Lĩnh nam chích quái – Chuyện Ngư tinh.

Có thể giả thuyết rằng chủ nhân những nền “văn hóa đóng sò” ở miền ven biển là những nhóm cư dân “nguyên Mã-lai” (proto-malais), sau này được phản ánh vào kho tàng thần thoại Việt trong biểu tượng đã kết tinh: Thủy Tinh.

Qua các di tích khảo cổ thời đại đá mới và thời đại đồng thau, ta thấy có sự giao lưu văn hóa giữa cư dân miền núi và miền biển (vả chăng miền ven biển Quảng Ninh còn tìm thấy cả những di tích văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn): vỏ biển trong các di tích Hòa Bình, Bắc Sơn, Ốc Tiền (Canis) ở Bình Giang, ở Tấn Ninh,… thể lưỡng hợp – đối lập và hòa hợp giữa miền núi và miền biển, giữa cư dân ở núi và cư dân ở biển được phản ánh vào thần thoại dưới nhiều biểu tượng mâu thuẫn và thống nhất giữa núi và biển, loài ở núi, ở cạn, ở trên không với loài ở nước, về sau được tích hợp vào truyện Sơn Tinh – Thủy Tinh. Trên trống đồng Ngọc Lũ, ta còn “đọc” được chủ đề thần thoại đó qua hình tượng những chiếc thuyền là hình rắn nước (Giao Long?) nằm ngửa há mồn với chim chắp cánh lao đầu vào miệng rắn. Rắn nước (sau biến thành rồng) là một mô típ chủ đạo trong thần thoại và truyền thuyết dựng nước của nhiều dân tộc Đông Nam Á (1). Thoạt đầu, với “khối nền” Anh-đô-nê-diêng, hình như ưu thế thuộc về nước.

(1) Ở Việt Nam là hình tượng đã bị đạo giáo “xuyên tạc” là “Long Quân”, “Long Vương”.

Trước nền văn minh trồng lúa là nền văn minh chài cá. Lúa là lúa nước nảy sinh ở đầm lầy. Cư dân đánh cá và bắt ốc ở gần nước biết trồng lúc trước “vùng cao”.

*

* *

Các núi đảo nằm trơ trên các miền đất châu thổ cách bờ biển độ vài chục ki lô mét thường mang nhiều dấu vết chứng minh rõ ràng hoạt động của sóng biển vỗ bờ vào chân núi. Chính hiện tượng đó và một số vết tích khác đã giúp các nhà địa lý học có cơ sở rằng đồng bằng bắc Việt Nam trước đây là vùng vịnh biển nước cạn hoặc là các vũng đọng sau này được sản phẩm do các sông mang từ trên núi xuống lấp đầy lên.

Sự hình thành các châu thổ và đồng bằng ven biển là một quá trình lâu dài trải qua nhiều giai đoạn biến hóa cảnh quan châu thổ khác nhau: vịnh biển – vùng trũng hồ lầy, rừng rậm – đồng bằng.

Cho đến nay, chưa tìm thấy những di tích thời đại đá mới ở đồng bằng Bắc Bộ (đồng bằng Thanh Hóa có công xưởng Đông Khối có lẽ thuộc hậu kỳ thời đại đá mới). Những di tích sớm nhất hiện nay đã biết ở châu thổ Bắc Bộ thuộc giai đoạn Phùng Nguyên (đầu thời đại đồng thau), tiếp đó là những di tích thuộc giai đoạn Đồng Đậu (giữa thời đại đồng thau), Gò Mun (cuối thời đại đồng thau, Đông Sơn (cuối thời đại đồng thau, cuối thời đại sắt). Những di tích thường phân bố ở ven sông trên các doi và gò đất cao (khu vực trồng màu, nương mạ hay ruộng lúa mùa, không cấy được lúa chiêm). Cư dân đánh cá, đi săn song rõ ràng đã làm nông nghiệp định canh định cư, trồng lúa, đậu, cây ăn quả,… và chăn nuôi một số gia súc. Ban đầu cấy lúa nếp, và lúa mùa ở những chân ruộng rao. Khoảng trước sau Công nguyên một chút, trên cơ sở tăng vụ, chuyển vụ, đã biết trồng lúa 2 mùa. Nếp đóng vai trò lớn trong những nghi lễ nông nghiệp, hội làng, việc họ, cùng giỗ tổ tiên của người Việt rõ ràng phản ánh tầm quan trọng rất lớn của lúa nếp trong nền nông buổi đầu của những nhóm cư dân đến sinh tụ ở đồng bằng Bắc Bộ.

Một nền văn minh nông nghiệp đã bước đầu định hình, dựa trên nền tảng nghề nông trồng lúa nước (khí hậu và thổ nhưỡng vùng Đông Nam Á quyết định ưu tiên phát triển nghề nông trồng lúa) với những công trình thủy lợi bước đầu đê điều, kênh ngòi…). Nghề nông trồng lúa nước khiến nảy sinh từ rất sớm kinh tế tiểu nông (“chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”). Những tổ chức của xã hội nguyên thủy (thị tộc, bộ lạc…) dựa theo “cương lĩnh tự nhiên” (quan hệ dòng máu) tan rã dần. Công xã nông thôn (làng) thành lập trong đó quan hệ dòng máu tồn tại như một tàn dư (“máu loãng còn hơn nước lã”, “họ chín đời còn hơn người dưng”…). Quan hệ giữa người được cấu trúc lại khi sự phân biệt giàu nghèo, sự phân hóa giai cấp đã nảy nở. Có quan hệ xóm giềng (“bán anh em xa mua láng giềng gần”), có quan hệ theo lứa tuổi (phe giáp), có quan hệ tương tự - tự nguyện (phường)… tóm lại, một cấu trúc chính trị - xã hội nhiều qui mô (dimensions). Làng và đình. Hội làng, hội mùa và những lễ nghi nông nghiệp. Sự cần thiết phải tổ chức quản lý những công trình công cộng – đặc biệt là những công trình thủy lợi, nhất là đê điều – và nhu cầu phòng vệ chung dần dần đẻ ra một tổ chức chính trị bao trùm lên trên các công xã tự trị đó: một nhà nước sơ khai nảy sinh, rất có thể là vào khoảng nửa đầu thiên niên kỷ thứ 1 trước Công nguyên (theo Đại Việt sử lược) sau một thời gian tụ cư và định cư ở đồng bằng (từ đầu thiên niên kỷ thứ 2 trước Công nguyên).

*

* *

Đồng bằng Bắc Bộ là cái nôi của tộc Việt. – Về bản chất, người Việt là dân đồng bằng (delta’ique), người “hạ bạn”, “kẻ chợ”, “kinh”. Người Việt hình như sinh ra là để thích ứng với vùng châu thổ và trước đây thật khó mà tách người Việt ra khỏi cái “không gian sinh tồn” ấy. Trong đời sống tâm thần cổ truyền của người Việt, nảy sinh tâm lý rất sợ lên vùng “rừng xanh núi đỏ”. Có nhiều làng đánh cá ven biển của người Việt. Nhưng nhìn chung người Việt cổ truyền không phải là thủy thủ của biển khơi.

Là “con Rồng, cháu Tiên”, có lẽ người Việt là sự dung hợp của nhiều cộng đồng nhân chủng từ “biển khơi” tiến vào, từ “núi đồi và thảo nguyên” tiến xuống khai phá đồng bằng, “phá rừng lập làng” như hình tượng thần thoại ông Đống cha “cắn nát núi, húi sạch rừng, bưng ngang lũ” hay những “ông đào sông” “ông trồng cây” trong câu hát cổ.

Những cư dân nói tiếng Môn-khơ-me cổ, tiếng Tày cổ, tiếng Tạng-Miến cổ từ núi xuống dung hợp với những cư dân nói tiếng Mã-Lai cổ từ biển vào (có thể là quanh một cái gốc lõi Môn-khơ-me ở vùng trung du – vùng giáp ranh, nơi sau này nảy sinh bộ lạc Văn Lang). Phải chăng người Việt cổ đã hình thành trên sự phức hợp của nhiều cộng đồng nhân chủng đó mà về sau, trong tiến trình lịch sử, còn tiếp tục ghép thêm vào những yếu tố Hán phương nam, Chàm,… mà trở thành những sắc thái địa phương của tộc Việt thống nhất hiện đại? Là sản phẩm của sự dung hợp giữa cư dân ở Núi và ở Biển, người Việt đã được đồng bằng châu thổ hun đúc một cá tính mới, tính chất của người “hạ bạn”, người dân cày trồng lúa nước. Và từ “quê hương buổi đầu của dân tộc”, tính cách ấy “xuất lộ” trong quá trình “nam tiến”. Người Việt tạo nên một dòng chảy dài (longue “coulée”, theo cách nói của P.Mus). Những ruộng nước dọc theo bờ biển Đông, ít khi “lên rừng” mà cũng hiếm khi “vượt biển”.

Nêu lên một chi tiết ấy, ta càng thấy thời kỳ “Hùng Vương dựng nước” là một giai đoạn cực kỳ trọng yếu của lịch sử Việt Nam. Chính trong bước nhảy vọt từ “dã man” sang “văn minh” ấy đã xây dựng nền tảng dân tộc Việt Nam, nền tảng văn hóa Việt Nam và truyền thống tinh thần Việt Nam.

Còn tiếp

Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam - Viện khảo cổ học

Nguồn: Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội, 1974

Share this post


Link to post
Share on other sites

Đề nghị tháo bài này khỏi trang chủ.

Hùng Vương dựng nước - Tập IV - 12a

Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam - Viện khảo cổ học

Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội, 1974

Con người thời Hùng Vương

Nguyễn Đình Khoa

Posted ImageTrong nhiều vấn đề phải nghiên cứu để làm sáng tỏ thời kỳ Hùng Vương, có vấn đề con người, tức cư dân nước Văn Lang, những chủ nhân sáng tạo ra lịch sử.

Có nhiều phương tiện nghiên cứu về con người. Về phương diện là con người lịch sủ, thì đó là lúc đã vượt xa phạm vi một xã hội thị tộc, bộ lạc, tiến tới một hình thái xã hội cao hơn, thời kỳ đầy đủ những điều kiện để một tổ chức nhà nước đầu tiên ra đời. Về phương diện là con người lao động, thì đó là lúc nông nghiệp trồng lúc đã phát triển với phương thức canh tác khá quy mô, và ngoài nghề nông lấy cây lúa là chính, còn biết chăn nuôi, đánh cá, dệt vải, nung gốm, luyện đồng…, tất cả các mặt hoạt động sản xuất ấy đều đạt tới một trình độ phát triển cao và là cơ sở để giải thích cơ cấu thượng tầng của xã hội thời đó. Nhưng những con người ấy về phương diện thể chất thì sao? Họ có hình dạng thế nào? Giải đáp vấn đề này chúng ta đã sử dụng những chứng cứ cổ nhân học, tức là những di tích xương cốt người cổ đào được cùng với việc khai quật các di chỉ khảo cổ học. Thực chất tìm hiểu con người thời Hùng Vương cũng chính là góp phần tìm hiểu và giải đáp vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt Nam nói chung và vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt nói riêng.

Trong mấy lần trao đổi và báo cáo tại các cuộc họp và các hội nghị trước, chúng tôi đã có dịp thay mặt những người làm công tác cổ nhân học phát biểu một số ý kiến, về nguồn gốc dân tộc, đặc biệt quan trọng là vấn đề nguồn gốc và quá trình hình thành loại hình Nam Á. Tới nay việc nghiên cứu tiếp tục được đẩy mạnh, chúng tôi thấy có thể khẳng định thêm những nhận xét và kết luận chính sẽ trình bày dưới đây, mặt khác do phân tích tài liệu thu thập được trong năm qua về các nhóm cư dân hiện tại, đặc biệt về đồng bào Xá ở khu Tây Bắc, có được một số ý kiến bổ sung xin cũng trình bày.

I. Tài liệu cổ nhân học

Niên đại thời Hùng Vương, cho đến hội nghị trao đổi gần đây nhất cũng hãy còn ý kiến tranh luận. Điểm cuối của khung thời gian ấn định cho thời kỳ Hùng Vương thì nhất trí là vào khoảng thế kỷ 3 trước Công nguyên, nhưng điểm xuất phát thì còn có sự bất đồng: có người cho thời điểm này là vào đầu hoặc giữ thiên niên kỷ 3 trước Công nguyên, có người thì cho là đầu thiên niên kỷ thứ 2, có người thì cho là từ thiên niên kỷ thứ 1. Sự bất đồng này do ý kiến khác nhau trong việc định niên đại cho các di chỉ xem là thuộc thời kỳ Hùng Vương, nhưng cũng cho ý kiến khác nhau trong việc quy định một nền văn hóa hoặc một giai đoạn văn hóa có thuộc thời kỳ Hùng Vương hay không, mặc dù về niên đại có thể đã ít nhiều nhất trí (thí dụ văn hóa Phùng Nguyên). Việc lựa chon những tài liệu cổ nhân học dựa vào đó để nghiên cứu con người thời Hùng Vương phụ thuộc nhiều vào trường hợp thứ hai. Song trong điều kiện cụ thể của chúng ta hiện nay thì cả trường hợp thứ nhất và thứ hai đều không ảnh hưởng gì lớn đến việc tìm hiểu con người thời Hùng Vương vì lẽ di tích xương cốt người cổ ta có được còn rất ít ỏi: những di chỉ cung cấp di cốt còn tốt để nghiên cứu được như Thiệu Dương, Vinh Quang thì đều thuộc khung niên đại Hùng Vương, trái lại những khu di chỉ còn phải tranh luận xem là thời Hùng Vương hay trước Hùng Vương như Phùng Nguyên thì lại không có di cốt. Có thể tóm tắt tình hình về cốt người cổ ít nhiếu có liên quan đến niên đại Hùng Vương như sau:

- Di chỉ Phùng Nguyên: không có di cốt.

- Di chỉ Lũng Hòa: nhiều di cốt người cổ, nhưng dập nát, chỉ còn thu được một số xương đùi, xương cổ chân.

- Di chỉ Xóm Rền: có hai bộ xương đã nát; thu lượm được ít mảnh sọ và mảnh xương hàm dưới.

- Di chỉ Tràng Kênh: một đoạn xương đùi người lẫn trong nhiều xương động vật.

- Các di chỉ Gò Bông, Đồng Đậu, Gò Mun: không có di cốt, hoặc có mộ táng song không thu được di cốt.

- Di chỉ Gò Chiền: một ít mảnh sọ và một xương hàm dưới.

- Di chỉ Thiệu Dương: một khu mộ táng, nhưng chỉ thu được 6 sọ có thể nghiên cứu được.

- Di chỉ Vinh Quang: một khu mộ táng, thu được 11 sọ hoặc mảnh sọ nghiên cứu được.

- Di chỉ Đường Cồ: một sọ trẻ em 7 – 8 tuổi.

Hang Núi Voi: một sọ phụ nữ.

Tình hình trên đây cho thấy tài liệu cổ nhân học giúp chúng ta tìm hiểu con người thời Hùng Vương tập trung chủ yếu ở các cốt sọ Thiệu Dương và Vinh Quang. Những sọ này do Nguyễn Duy trước đây đo đạc và định chủng (1). Về những sọ này, chúng tôi đã có dịp phát biểu trong một số bài viết (2). Những ý kiến định chủng có thể thâu tóm như sau:

(1) Nguyễn Duy: Nghiên cứu về những người cổ sống trong thời đại đồng thau ở Thiệu Dương, Thanh Hóa, in trong: Một số báo cáo về khảo cổ học Việt Nam, Hà Nội, 1996.

- Vài nét về người cổ ở Vinh Quang, Hà Tây – Tư liệu Viện Khảo cổ (Bản đáng máy).

(2) Nguyễn Đình Khoa: Về vấn đề nguồn gốc người Việt – Khảo cổ học số 3 – 4, tháng 12-1969.

Nguyễn Đình Khoa và Nguyễn Lân Cường: Những người cổ ở Việt Nam – Khảo cổ học số 11 – 12, tháng 12 – 1971.

Bảng 1. Những sọ cổ thời đại đồng thau và rất sớm.

Posted Image

Theo bảng 1 trên đây, còn 2 sọ, mà trong các bài viết trước đây chúng tôi chưa đề cập tới – VQ2M10. Về họp sọ thì chúng có bề dọc sọ vào cỡ trung bình, nhưng hẹp ngang nên chỉ số sọ thấp: 69 – 70. Một số kích thước hàm dưới cũng trung bình. Nhưng hầu hết phần mặt thì thiếu nên nhiều kích thước và đặc điểm mô tả quan trọng ở phần này không xác định được. Vậy là với sự thận trọng cần thiết, trong số 17 sọ Thiệu Dương và Vinh Quang, có tới 8 sọ không định chủng, còn lại 9 sọ xác định như sau:

2 sọ Ô-xtơ-ra-lô Nê-grô-ít.

4 sọ Anh-đô-nê-diêng.

3 sọ Nam Á.

Tình hình trên đây đã cho phép chúng tôi đi tới kết luận: Loại hình Anh-đô-nê-diêng hình thành rõ rệt từ thời đại đá mới, vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển sang thời đại đồ đồng và sau này, nhưng ít nhất từ thời đại đồng thau ở địa bàn Bắc Việt Nam ta thấy xuất hiện một yếu tố nhân chủng mới – loại hình Nam Á có thể coi là tổ tiên trực tiếp của những người Nam – Á hiện nay, tại vùng này, trong đó có người Việt.

Tuy nhiên có một điều kiện cần được lưu ý: cho tới cuối thời đại đồ đồng sang thời đại sắt, đại chủng Ô-xtơ-ra-lô Nê-grô-ít vẫn còn có mặt tại đây, tuy với tỷ trọng giảm bớt. Tình hình này có phản ảnh đúng hiện thực hay không, chúng ta cần tiếp tục theo dõi. Tài liệu nhân chủng học các cư dân hiện đại chúng tôi trình bày dưới đây có thể góp thêm phần suy nghĩ cho vần đề này.

II. Tài liệu nhân học về các nhóm người hiện đại.

Nhóm loại hình Anh-đô-nê-diêng và nhóm loại hình Nam Á là những cấp phân loại thuộc tiểu chủng Mông-gô-lô-ít phương nam. Trong hệ thống phân loại các chủng tộc thế giới của nhà nhân học và dân tộc học Liên Xô Trê-bốc-xa-rốp (1), nhóm loại hình là những đơn vị phân loại cơ bản. Quá trình hình thành và xuất hiện của chúng tiếp diễn từ sơ kỳ đá mới (hoặc sớm hơn) trở về đây, dưới tác động kết hợp của môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, trong đó tác động của môi trường xã hội ngày càng chiếm ưu thế. Khái niệm Anh-đô-nê-diêng và Nam Á hình thành từ thực tiễn nghiên cứu các cư dân hiện tại ở Đông Nam châu Á về mặt nhân chủng học, từ đó đã mở rộng cho những loại hình nhân chủng các thời đại cổ xưa ở địa vực này. Cho nên muốn tìm hiểu nguồn gốc các cư dân hiện tại cần sử dụng đầy đủ những tài liệu có nhân học, đồng thời phải biết kết hợp cả hai nguồn tài liệu – cổ nhân học và nhân học những cư dân hiện tại. Khoảng ngót mười năm trở lại đây ngành nhân chủng học đã thu thập được một số tài liệu quan trọng so với những tài liệu rải rác mà trước đây các tác giả nước ngoài để lại. Đối chiếu những tài liệu này với tài liệu cổ nhân học có khả năng giúp chúng ta phát hiện quá trình hình thành các loại hình nhân chủng, mối quan hệ họ hàng giữa các loại hình và nguồn gốc tổ tiên của họ. Nghiên cứu để giải đáp vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt Nam cũng phải tiến hành theo con đường đó.

(1) N.N. Trê-bốc-xa-rốp: Những nguyên lý cơ bản về phân loại chủng tộc, Tập công trình của Viện Dân tộc học Liên Xô, t. XVI, 1951, Bản tiếng Nga, tr.291-322.

Hiện nay tài liệu nhân chủng học người Việt đã có khá đầy đủ. Ngoài ra có thêm tài liệu về người Mường, người Tày, người Thái, người Xá và nhiều tộc người vùng núi tỉnh Quảng Bình như Vân Kiều, Mong Coong, Mầy, Khùa v.v… Chính nhờ các tài liệu này chúng ta xác định được nội dung cụ thể của 2 nhóm loại hình Anh-đô-nê-diêng và Nam – Á và phân biệt chúng. Sự phân hóa các đặc điểm giữa Anh-đô-nê-diêng và Nam – Á có thể thâu tóm như sau:

Bảng 2. Sự phân hóa giữa 2 nhóm loại hình Anh-đô-nê-diêng và Nam – Á.

Posted Image

Trên đây chỉ nêu lên những nét điển hình nhất. Đi vào chi tiết còn có những biến dị tế nhị mà phương hướng biến dị chỉ thể hiện khi các nhóm nghiên cứu có số lượng đủ lớn (hình sống mũi, độ vát trán, độ dô vòm mày, độ dô lồi cằm, bề rộng miệng, bề dày môi v.v…). Dưới đây chúng tôi nêu làm dẫn chứng hai bảng số liệu và sự phân hóa các đặc điểm giữa người Anh-đô-nê-diêng và Nam Á thể hiện trên người sống và trên cốt sọ. Chúng ta sẽ thấy sự phân hóa trên hai loại hình tài liệu này rất tương đồng.

Bảng 3. Sự phân hóa đặc điểm giưa người Việt (Nam Á) và người Mong Coong (Anh-đô-nê-diêng)

(Theo Nguyễn Đình Khoa 1968-1969) (1)

Posted Image

Các đặc điểm mô tả từ màu da trở xuống đều tính theo chuẩn số trung bình.

Trong hệ thống phân loại các cư dân ở Đông nam châu Á, khi chúng tôi đặc vị trí của nhóm loại hình Anh-đô-nê-diêng bên cạnh nhóm loại hình Nam Á thì tự nó đã bao hàm ý nghĩa về mối quan hệ gần gũi giữa chúng về mặt nguồn gốc (1965) (2). Song lý giải cụ thể mối quan hệ này như thế nào vẫn chưa làm được. Gần đây nhờ nghiên cứu một số nhóm đồng bào Xá ở Tây Bắc đem đối chiếu với tài liệu về các tộc người Khả ở Lào của No-en Béc-na (Noel Bernard) năm 1904 (3) và với các tộc ít người của miền núi phía Tây tỉnh Quảng Bình (sách đã dẫn, 1969) mà có những tia sáng mới về mối quan hệ này giúp cho bước đầu hình dung được quá trình hình thành nhóm loại hình Nam Á.

(1) Nguyễn Đình Khoa: Thử tìm hiểu đặc điểm hình thái nhân chủng người Việt – Nghiên cứu Lịch sử số 113, tháng 8 - 1968.

Nguyễn Đình Khoa: Thành phần nhân chủng một số nhóm dân tộc miền núi tỉnh Quảng Bình – Nghiên cứu Lịch sử, số 121, tháng 4 – 1969.

(2) Nguyễn Đình Khoa: Về yếu tố Anh-đô-nê-diêng trong thành phần nhân chủng các dân tộc ở Đông Nam châu Á – Nghiên cứu Lịch sử, số 75, tháng 6 – 1965.

(3) N. Béc-na: Những người Khả, một tộc người chậm tiến ở nước Lào – Bút ký nhân học và dân tộc học. Trích dẫn từ Tạp chí Địa lý lịch sử và họa hình, năm 1904 (Bản tiếng Pháp).

Bảng 4. Sự phân hóa đặc điểm giữa cốt sọ người Việt và người Anh-đô-nê-diêng (Việt Nam).

(Theo G. Ô-li-viê (Olivier), 1966) (1)

Posted Image

Số lượng sọ tối đa đối Việt là 67, Anh-đô-nê-diêng là 16, nhưng vì cốt sọ có khi bị vỡ từng phần, nên có nhiều đặc điểm không lấy được số liệu với đủ số lượng như trên.

(1) Gi. Ô-li-viê: Cốt sọ học những cư dân Đông Dương (Grâniometrie des indochinois) (chữ Pháp), Tạp chí “Nhân học” Pa-ri, tập 9, Xê-ri Xie, năm 1966.

Như chúng ta đều biết, nhiều nhà nghiên cứu thường cho rằng những người Xá Tây Bắc cùng với người Khả ở Lào là những chi tộc có họ hàng gần gũi với nhau và tộc danh “Xá” cũng bởi âm “Khả” mà ra. N. Béc-na tiến hành nghiên cứu 230 người Khả thuộc 11 tộc khác nhau ở Lào, đã khái quát người Khả bằng những nét đại thể như sau: “tóc thẳng và đen, màu da vàng, ngả sang màu đỏ, lông trên người ít phát triển, tầm người thấp, thay đổi từ nhóm này đến nhóm khác trong khoảng 1,52 – 1,59m, đầu sọ hẹp ngang và dài, chỉ số trung bình 76, mũi dẹt, sống mũi thường lõm, rộng trung bình với chỉ số từ 85 đến 94, gò má dô, mặt ngắn và rộng, có hình 5 cạnh hay hình trám…” và đi tới kết luận về mặt phân loại: “Đó là những nét tiêu biểu của chủng tộc Anh-đô-nê-diêng, chủng tộc của những người ở nội địa các hòn đảo lớn thuộc quần đảo Mã Lai…” (Sách đã dẫn, trang 314). Khảo sát kỹ sự phân tích các đặc điểm nhân chủng người Khả của Béc-na, chúng tôi tán đồng việc định chủng các tộc Khả ở Lào là thuộc nhóm loại hình Anh-đô-nê-diêng (dĩ nhiên với quan niệm coi đó là một nhóm loại hình của người Mông-gô-lô-ít phương nam).

Đe đối chiếu tài liệu về người Khả với các nhóm Xá Tây Bắc mà chúng tôi nghiên cứu, nếu đúng như giữa họ có quan hệ thân tộc với nhau như nhiều người thường nói thì nay thấy có sự phân bố rõ rệt, một sự phân hóa đến mức độ phải đặt các nhóm Xá vào nhóm loại hình không phải Anh-đô-nê-diêng mà là Nam – Á. Trong số các tộc Khả ở Lào mà Béc-na nghiên cứu có một tộc Khả Khmu. So sánh với nhóm Xá Khmu Tây Bắc thì trong số các tộc Khả khác ở Lào, Khả Khmu cũng gần với Xá Khmu hơn cả. Nhưng sự phân hóa giữ những người này cũng vẫn rất lớn, như đã nói trên. Nói chung các nhóm Xá đều có những đặc điểm đậm nét của người Mông-gô-lô-ít, biểu hiện rõ nhất trên những đặc điểm mô tả. Về đặc điểm mê-tơ-rích so với Khả thì Xá thường có bề dọc đầu nhỏ hơn, nhưng bề ngang đầu lại rộng hơn, nên chỉ số đầu cao hơn (đầu ngắn hay tròn hơn). Các nhóm Khả đều có hình dạng đầu biến dị từ loại dài đến trung bình, nhưng cũng thiên về phía đầu dài, trái lại các nhóm Xá thì có đầu thuộc loại trung bình thiên về phía đầu ngắn. Bề rộng mặt các nhóm Khả, so với Xá, đều hẹp hơn, với sự khác biệt từ 5 – 6mm cho tới 10 – 12mm, nghĩa là khá lớn. Kích thước bề cao mũi phần lớn trường hợp đều nhỏ hơn người Xá, nhưng bề rộng mũi lại lớn hơn, nên theo chỏ số thì đa số nhóm Khả (8 trên 11 trường hợp) đều thuộc loại người có mũi rộng, còn người Xá thì mũi thuộc loại trung bình.

Bây giờ thử tiến hành đối chiếu những nhóm Xá Tây Bắc với các tộc người vùng núi Quảng Bình (Vân Kiều, Mong Coong, Trì, Mẩy, Khùa). Khác với tình hình trên đã xảy đến với người Khả, các nhóm Xá với những tộc Quảng Bình lại rất tương đồng với nhau trên những đặc điểm mê-tơ-rích. Điều này không phải ngẫu nhiên, vì tựa như các tộc Khả ở Lào và Xá Tây Bắc, các nhóm dân tộc ít người ở Quảng Bình cũng có những chi tộc thân thuộc ở đất Lào. Trong phạm vi tỉnh Khăm-muộn cùng vĩ độ với Quảng Bình cũng có những tộc người gọi là Khả Mong-coong. Sô, Trì (1) và quanh Nhom-ma-rát, một thị trấn nhỏ cách Tha-khet 60km về phía Tây Bắc còn có những tộc người gọi là Ma-con (2) mà theo chúng tôi thì với Khả Mong-coong có thể cũng chỉ là một tộc danh. Nghĩa là người Khả, người Xá và các tộc ít người ở Quảng Bình đều là những tộc người ít nhiều có quan hệ nhất định với nhau về mặt nguồn gốc và ở một giai đoạn lịch sử nào đó trước đây họ đã từng phân bố rộng rãi ở vùng Bắc Đông Dương này.

(1), (2) Theo các tài liệu sau đây của cùng một tác giả: Ăng-đơ-rê Phre-xơ (Andre Fraisse, 1950):

- Những tộc Sek và Kka ở tỉnh Cam-mon (Lào) – Tạp chí của Hội Nghiên cứu về Đông Dương t. XXV, N.3, quí 3, Sài Gòn, 1950 (Bản tiếng Pháp).

- NHững tộc Sô ở tỉnh Cam-mon (Lào) – Tạp chí của Hội nghiên cứu về Đông Dương, t.XXV, N.2 quí 2, Sài Gòn, 1950 (Bản tiếng Pháp).

Nhưng sự khác biệt giữa người Xá và các tộc Quảng Bình xuất hiện rõ nét khi khảo sát các đặc điểm mô tả. Sự phân hóa đã diễn ra theo hai hướng khác nhau: các tộc Quảng Bình theo hướng của loại hình Anh-đô-nê-diêng, các tộc Xá ở Tây Bắc theo hướng của loại hình Nam Á. Về những vấn đề vừa kể trên, chúng tôi đã có dịp trình bày đủ và chi tiết hơn trong một bài viết với tiêu đề: “Nghiên cứu nhân chủng học các nhóm người Xá ở Tây Bắc” (tư liệu 1970). Bảng 5 dưới đây minh họa tóm tắt và sơ lược nội dung trình bày vừa rồi:

Bảng 5. Tài liệu so sánh giữa người Khả (Lào), Xá (Tây Bắc) và các nhóm cư dân miền núi Quảng Bình (nam giới).

Posted Image

Dựa trên sự so sánh và phân tích trên đây, chúng tôi đã rút ra một số kết luận quan trọng giúp cho việc đi sâu thêm về nội dung khái niệm Anh-đô-nê-diêng và Nam Á, hai nhóm loại hình nhân chủng chủ yếu ở vùng Đông Nam Á hiện nay, đồng thời gợi nêu những suy nghĩ khá cơ bản về quá trình hình thành người Xá nói riêng và quá trình hình thành nhóm loại hình Nam Á nói chung. Những kết luận đó là:

1. Hai nhóm loại hình Anh-đô-nê-diêng và Nam Á có nhiều nét tương đồng, bên cạnh những nét khác biệt. Để phân biệt chúng không thể chỉ dựa vào một loại đặc điểm mê-tơ-rích hoặc mô tả tách riêng – càng không thể dựa vào từng đặc điểm riêng biệt – mà phải kết hợp toàn bộ các đặc điểm mê-tơ-rích và mô tả, nhất là các đặc điểm mô tả.

2. Ở các nhóm người Xá Tây Bắc, bên cạnh các yếu tố Nam Á là thành phần cấu tạo chủ yếu, còn có những yếu tố Anh-đô-nê-diêng thể hiện trên các mứa độ khác nhau tùy từng trường hợp. Nếu đem so sánh người Khả với Lào và các tộc miền núi Quảng Bình đều thuộc nhóm loại hình Anh-đô-nê-diêng với người Xá Tây Bắc thuộc nhóm loại hình Nam Á thì trước mắt ta rõ ràng vẽ ra một bức tranh trong đó nội dung cấu tạo là hai yếu tố Anh-đô-nê-diêng và Nam Á đã diễn ra đậm nhạt theo hai hướng trái chiều nhau theo sơ đồ sau đây:

Posted Image

3. Sơ đồ trên nói lên một sự chuyển biến giữa các nhóm loại hình: Nam Á trở thành Anh-đô-nê-diêng, và Anh-đô-nê-diêng trở thành Nam Á. Đối với các nhóm Xá mà chúng ta nghiên cứu thì đó là sự chuyển biến thứ hai. Nghĩa là: sự hình thành các nhóm Xá Tây Bắc chính là kết quả một quá trình chuyển biến từ những loại hình Anh-đô-nê-diêng trở thành Nam Á.

Những kết luận trên phù hợp với tình hình diễn ra khi nghiên cứu các tài liệu cổ nhân học trình bày ở phần trên. Thật vậy, do tính chất chuyển biến giữa các loại hình mà sự phân biệt những loại hình Anh-đô-nê-diêng và Nam Á trên những sọ cổ tìm thấy ở Việt Nam không phải luôn luôn dễ dàng. Trong các cốt sọ đều thấy có sự kết hợp giữ 2 yếu tố Anh-đô-nê-diêng và Nam Á với những tỷ trọng khác nhau, một sự kết hợp nhuần nhuyễn đến mức độ có trường hợp khó phân tích được. Có thể rút ra những hệ quả thuộc nhiều khía cạnh từ các kết luận trên (tư liệu đã dẫn: Những người Xá ở Tây Bắc). Ở đây chúng tôi không đi xa vấn đề đã đặt ra mà muốn hướng những kết luận đó vào việc làm sáng tỏ đề tài: “Con người thời Hùng Vương” trong đó có bao hàm cả vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt.

Còn tiếp

Share this post


Link to post
Share on other sites

Kính thưa quí vị và anh chị em quan tâm đến cội nguồn cổ sử Việt.

Vì mục đích minh chứng cho nền văn hiến Việt trải gần 5000 năm văn hiến, Thiên Sứ tôi chẳng quản tài hèn, tập hợp vào topic này những bài viết có luận điểm phủ nhận những giá trị cội nguồn truyền thống Việt. Nhưng tôi chưa tìm được bài nào của học giả hay nhà nghiên cứu nước ngoài có quan điểm này. Nhân thấy ông Trần Quốc Vượng viết trong bài "Từ Hoa Lư Đến Thăng long" có câu như sau:

Ông Giáo sư Tiến sĩ Mỹ Keith Taylor đã dịch một cách tài hoa và lạnh lùng các Lạc tướng là “Lord” và vua Hùng là “Overlord”.

Bởi vậy, tôi hy vọng anh chị em và quí vị nào giỏi vi tính, tìm giùm trên mạng bài viết của nhà sử học Hoa Kỳ này bằng tiếng Việt.. Tôi hy vọng khi tập hợp tương đối những luận điểm phủ nhận văn hóa sử truyền thống Việt tiêu biểu thì sẽ phản biện từng luận điểm của từng bài, ngõ hầu chỉ ra nhưng sai lầm phi logic của họ. Từ đó góp phần làm sáng tỏ chân lý:

Lịch sử Việt trải gần 5000 văn hiến.

Xin trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ của quí vị và anh chị em.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Gốc tích tục thờ Hùng Vương

12/04/2011 23:30

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu, khảo cổ, sưu tầm thần tích, thần phả, văn hóa dân gian để “giải ảo” Hùng Vương và thời đại các vua Hùng.

Posted Image

Hàng vạn người hành hương về Lễ hội đền Hùng sáng qua (12.4) - ảnh: L.Q.P

Ngay trước ngày giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội đền Hùng năm nay, VN đã chính thức gửi hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận tín ngưỡng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây chính là dịp để mọi người VN bồi đắp cho cội rễ văn hóa của mình, và tìm thấy trong đó sức mạnh đi vào tương lai. Muốn vậy, phải nhận thức đúng giá trị của truyền thống này, cũng như tìm ra phương thức duy trì và phát huy nó trong điều kiện một quốc gia đa dân tộc đang trên con đường hội nhập toàn cầu.

Theo GS Trần Quốc Vượng, vua Hùng là trưởng bộ tộc (còn được gọi là pò khun) trên núi Hy Cương ở vùng Phong Châu (khu vực đền Hùng hiện nay). Núi Hy Cương được cho là ngọn núi thiêng vì nằm ở chóp tam giác của châu thổ sông Hồng, quy tụ núi sông. Bộ tộc đó được coi là khởi hình của nhà nước phong kiến ngày xưa. TS Nguyễn Xuân Diện (Viện Hán Nôm) cũng cho rằng, từ thời xa xưa, tín ngưỡng thờ vua Hùng là tín ngưỡng thờ các vị sơn thần (thần núi). Các bài vị cổ xưa của Hùng Vương là bột ngột cao sơn, những vị được ghi tên là các tên núi.

Sử sách trước thời Lê ít nhắc đến Hùng Vương và thời đại các vua Hùng. Theo GS Trần Quốc Vượng trong Văn hóa cổ truyền VN (lịch, tết, tử vi và phong thủy) (Từ điển Bách khoa và Viện Văn hóa, 2009): trong Việt điện u linh và Lĩnh Nam chích quái được biên soạn trong các triều đại Lý - Trần (và cả đầu Hậu Lê), tập hợp lại các câu truyện truyền thuyết dựa vào những chất liệu đền miếu, huyền thoại, huyền tích còn đọng lại trong tâm thức dân tộc và trong dân gian từ trước thời Bắc thuộc, qua thời Bắc thuộc và chống thời Bắc thuộc, có “những ký ức rất lờ mờ về Hùng Vương”. Trong Đại Việt sử lược được biên soạn vào thời Trần, “thời Hùng chỉ được nhắc đến qua quít”.

Đến năm 1435, khi biên soạn Dư địa chí, Nguyễn Trãi mới đưa Kinh Dương Vương, Lạc Long, Hùng Vương vào tòa đền chính sử VN, coi Kinh Dương Vương là Tổ Bách Việt và Hùng Vương tiếp nối ngôi vua, dựng nước, gọi là Văn Lang. Cách nhìn nhận đó được tiếp nối và phát triển bởi Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, đồng tác giả của Đại Việt sử ký toàn thư (1475) - văn phẩm lịch sử chín muồi thời Hồng Đức. GS Trần Quốc Vượng kết luận: hiện thực lịch sử thời Hùng, việc coi vua Hùng là vua Tổ dựng nước là một sự tự ý thức của triều Lê.

Đến giai đoạn hình thành quốc gia phong kiến từ thế kỷ X trở đi, đặc biệt là từ thời Lê, ông cha ta đã sáng tạo nên hình tượng, biểu tượng quốc tổ Hùng Vương (vốn mang yếu tố truyền thuyết đậm đặc). Vì sao lại đặc biệt từ thời Lê? Giải thích điều này, GS Ngô Đức Thịnh (Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia) cho rằng, đây là thời kỳ ông cha đã giành được độc lập và xây dựng nhà nước Đại Việt, nhu cầu củng cố nhà nước là rất mạnh mẽ, nhất là khi đất nước luôn đứng trước nguy cơ bị xâm lược. Quốc tổ Hùng Vương là biểu tượng quy tụ cội nguồn dân tộc, tăng cường sức mạnh đoàn kết dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng quốc tổ là sự phóng chiếu từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, gia tộc của người VN, nhà có tổ tiên, nước có quốc tổ.

GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, biểu tượng Hùng Vương là biểu tượng siêu giai cấp, mọi chế độ xã hội đều nhìn thấy ở đó mẫu hình quy tụ cội nguồn dân tộc, đây là sức mạnh đã giúp chúng ta vượt qua nhiều biến cố trong lịch sử như những lần mất nước hay chống giặc ngoại xâm. Tại đền Hùng năm 1954 (thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược), Bác Hồ đã nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được đánh giá là sự sáng tạo độc đáo của dân tộc VN. Hiếm có quốc gia nào trên thế giới xây dựng biểu tượng quốc tổ, thực sự quy tụ dân tộc như chúng ta. Thờ cúng Hùng Vương khẳng định dân ta có chung một cội nguồn, từ đó tạo thành động lực để yêu thương, gắn kết cộng đồng. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành tâm thức của người VN từ thế hệ này sang thế hệ khác.

(http://www.thanhnien...Hung-Vuong.aspx)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Hồ Chủ Tịch viết:

Kể năm hơn 4000 năm.

Tổ tiên rực rỡ anh em thuận hòa.

Hồng Bàng là tổ nước ta.

Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang.

GS Ngô Đức Thịnh cho rằng:

biểu tượng Hùng Vương là biểu tượng siêu giai cấp, mọi chế độ xã hội đều nhìn thấy ở đó mẫu hình quy tụ cội nguồn dân tộc, đây là sức mạnh đã giúp chúng ta vượt qua nhiều biến cố trong lịch sử như những lần mất nước hay chống giặc ngoại xâm. Tại đền Hùng năm 1954 (thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược), Bác Hồ đã nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

GS Ngô Đức Thịnh viết:

Đến giai đoạn hình thành quốc gia phong kiến từ thế kỷ X trở đi, đặc biệt là từ thời Lê, ông cha ta đã sáng tạo nên hình tượng, biểu tượng quốc tổ Hùng Vương (vốn mang yếu tố truyền thuyết đậm đặc).

Theo GS Trần Quốc Vượng:

Vua Hùng là trưởng bộ tộc (còn được gọi là pò khun) trên núi Hy Cương ở vùng Phong Châu (khu vực đền Hùng hiện nay). Núi Hy Cương được cho là ngọn núi thiêng vì nằm ở chóp tam giác của châu thổ sông Hồng, quy tụ núi sông. Bộ tộc đó được coi là khởi hình của nhà nước phong kiến ngày xưa. TS Nguyễn Xuân Diện (Viện Hán Nôm) cũng cho rằng, từ thời xa xưa, tín ngưỡng thờ vua Hùng là tín ngưỡng thờ các vị sơn thần (thần núi). Các bài vị cổ xưa của Hùng Vương là bột ngột cao sơn, những vị được ghi tên là các tên núi.

Những người này chắc không phải cháu ngoan Bác Hồ rồi! Sao Bác nói một đằng các cháu nói một nẻo thế?

Nếu họ nhân danh khoa học thì không có cái khoa học một chiều không hề có tranh luận công khai.

Nếu nhân danh chính trị thì Thiên Sứ rút lui.

Share this post


Link to post
Share on other sites