wildlavender

Rúng động: Dị Nhân Thề đuổi được Mưa Suốt 7 Ngày Đại Lễ

329 bài viết trong chủ đề này

Tôi lấy bài viết này để kết thúc topic này. Nếu như mọi người thấy không còn gì để bàn nữa.

==================================

Nếu yêu và hiểu, vẫn thấy Hà Nội rất đẹp

Tác giả: Phan Chí Thắng

Tuanvietnam.net

Bài đã được xuất bản.: 17/10/2010 06:00 GMT+7

Những lực cản nội tại. Những ấu trĩ và nhỏ nhen trong quản lý. Tất cả những cái đó là có. Song vẫn có động lực phát triển. Vẫn có những người Hà Nội tài năng và thông minh. Những người đó biết nhìn lại một ngàn năm phía sau để biết phải làm gì cho tương lai.

Một góc độ đẹp của lễ hội

Ngày đầu tiên của năm thứ 1001 theo lịch Thăng Long- Hà Nội, mưa lắc rắc. Mưa nhẹ nhàng và dịu dàng vừa đủ để làm ướt mặt đường thay cho các xe tưới nước đã quá vất vả trong 10 ngày lễ hội. Và cũng vừa đủ để tạo ra một chút gì man mác đậm sắc mùa thu.

Hình như ông trời có ý nhắc cho người dân Hà Nội biết là 10 ngày qua trời đã chiều lòng người Hà Nội, đã không mưa, để cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội được thêm phần mỹ mãn.

Kỳ lạ, suốt 10 ngày Đại lễ, thời tiết đẹp như "đặt hàng". Không nắng, không mưa, gió thổi vừa tầm để những lá cờ bay phần phật.

Thời tiết đẹp đến nỗi có nhiều người nghi ngờ là nhà nước đã chi mấy tỷ đô-la đuổi mưa nhưng không dám công bố cho dân biết.

Đáng buồn, tâm lý nghi ngờ và phao tin đồn nhảm là một cái gì đó đã trở nên quen thuộc trong xã hội hiện nay. Đêm mồng 9, một người quen gọi điện hỏi có tin đồn một lãnh đạo cao cấp vừa mất nhưng vì Đại lễ nên chưa thông báo? Rồi mới đây, tin hoang đường hàng chục người chết vì pháo hoa, khiến các báo lại một phen phải... cải chính.

Diễu binh trong Đại lễ năm nay không có khí tài và các phương tiện chiến tranh, ngoài 10 chiếc máy bay trực thăng lướt qua Quảng trường Ba Đình. Ban tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội có ý nhấn mạnh yếu tố con người hơn là yếu tố vũ khí, qua đó bày tỏ ý chí sắt đá bảo vệ độc lập dân tộc nhưng vẫn đầy thiện chí hoà bình.

Lâu lắm người dân cả nước, người dân Hà Nội mới được xem diễu binh. Thanh niên Việt Nam ngày nay cao to hơn trước, "dày cơm" hơn nên hình thức khỏe mạnh, đẹp một cách khá hiện đại. Vì thế mà các lực lượng, binh chủng...diễu binh trông thật oai phong hơn những lần trước. Đặc biệt, khối nữ sĩ quan thông tin xinh xắn và hiện đại.

Lễ bế mạc Đại lễ được tổ chức ở sân vận động Mỹ Đình. Điều đáng nói là buổi lễ được kết thúc bởi màn bắn pháo hoa rực rỡ trong những âm thanh hoành tráng của bản hợp xướng của nhạc sỹ thiên tài Bach. Con gái tôi thắc mắc: "Sao Đại lễ lại dùng nhạc nước ngoài?". Vợ tôi bảo: "Chắc là muốn tỏ ra ta phát huy truyền thống văn hoá dân tộc nhưng sẵn sàng hội nhập quốc tế?" . Tôi thì nghĩ đơn giản, có lẽ vì ta chưa có bản hợp xướng nào phù hợp để dùng cho thời điểm cao trào kết thúc một lễ hội lớn.

Thế là 10 ngày Đại lễ đã qua. Nhiều người có ý kiến là tổ chức Đại lễ to thế làm gì cho tốn kém, để tiền lo việc khác thiết thực hơn. Bây giờ bất cứ việc gì cũng đều có nhiều ý kiến thuận nghịch khác nhau. Tôi nghĩ đó là hiện tượng đáng mừng. Điều đó chứng tỏ sinh hoạt dân chủ đã bắt đầu xuất hiện trong đời sống xã hội.

Nhà văn Trần Nhương đề nghị ông Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ngừng bắn pháo hoa để lấy tiền ủng hộ đồng bào các vùng đang bị bão lụt. Ý kiến của nhà văn đã biến thành một chủ trương đột xuất của thành phố. Được nói ra ý nguyện của mình, còn gì thích hơn?

Nếu bạn bắt gặp những người nông dân từ Lai Châu, Thái Bình, Nghệ An và nhiều nơi khác cơm đùm cơm gói, vợ chồng con cái cõng dắt nhau về Hà Nội ăn sương ngủ gió chờ xem Đại lễ thì bạn sẽ hiểu ra một điều. Người dân bình thường rất cần những giây phút bứt ra khỏi cuộc sống thường nhật nhàm chán chuyện cơm áo gạo tiền.

Họ cần có những lễ hội, để được sống những giờ phút thanh thản, quên đi cái vất vả đời thường mưu sinh, quên đi chuyện học phí, viện phí, chuyện giá thóc gạo rẻ như bèo, quên đi một ngày công lao động một nắng hai sương của họ cũng rẻ không kém. Cái vất vả của con người dường như tan biến trong cái không khí trẩy hội 1000 năm mới có một lần. Xin hãy vì những điều đó, để thấy một góc độ đẹp của lễ hội.

Tôi mừng vì mình là người Hà Nội

Nếu ai đó nói tổ chức Đại lễ để một số người nhân cơ hội đó "tiêu tiền và ăn tiền" thì thật là khó đồng ý cũng như khó phản bác. Không có số liệu đầy đủ và chính xác, rất khó kết luận một điều gì. Nhưng phải thấy một điều là chính quyền thành phố Hà Nội đã cố gắng hết sức và có trách nhiệm để tổ chức lễ hội cho chu đáo. Dù trong thực tế, thì từ khâu chuẩn bị cho tới tổ chức không tránh khỏi những bề bộn, những lúng túng và bất cập, thậm chí kém cỏi...

Cùng với Hà Nội, trên thế giới chỉ có 28 thủ đô là những thành phố có truyền thống 1000 năm tuổi trở lên, với những cái tên "lừng lẫy" như Paris (Pháp), Rome (Italia), London (Anh), Athens (Hy Lạp), Prague (CH Séc) ở châu Âu... hay Bắc Kinh (Trung Quốc), Delhi (Ấn Độ), Cairo (Ai Cập)... Có những thành phố thật sự lâu đời như Bratislava (5000 năm trước Công nguyên), Jerusalem (thiên niên kỷ thứ 4 trước CN), hay Damascus (Siria) (tới 8000 - 1000 năm trước CN).

Hà Nội của tôi dẫu sao vẫn là một thành phố có thâm niên, cổ kính và đáng yêu vì bề dày lịch sử.

Đọc những dòng tin trên khắp thế giới, tôi mừng mình là người Hà Nội - Hà Nội với những khó khăn và lúng túng trong quá trình phát triển. Thành phố thủ đô của một đất nước đang đan xen tồn tại ba nền văn minh: Văn minh lúa nước, văn minh công nghiệp và văn minh thông tin. Hình ảnh điển hình là chiếc xe Mersedes đời mới nhất đi bên cạnh mấy chiếc xe thồ và mấy bà quang gánh. Nhà cao tầng lấp lánh chen giữa đám nhà lộn xộn lố nhố phi quy hoạch.

Những lực cản nội tại. Những ấu trĩ và nhỏ nhen trong quản lý. Tất cả những cái đó là có. Song vẫn có động lực phát triển. Vẫn có những người Hà Nội tài năng và thông minh. Những người đó biết nhìn lại một ngàn năm phía sau để biết phải làm gì cho tương lai.

Hà Nội thân yêu là của tôi, là của những người "dân vạn đại" như tôi. Hà Nội không phải của một số ít nào đó đang muốn làm gì thì làm với Hà Nội. Và cũng không phải của những kẻ cố tìm mọi dịp để chê bai Hà Nội.

Tháng 7 vừa rồi, cậu em họ tốt nghiệp một khoá chuyên tu nghiệp vụ tại thủ đô một nước từng là xã hội chủ nghĩa hùng mạnh. Câu đầu tiên khi nó về nước gặp tôi là sống ở Hà Nội bây giờ sướng hơn hẳn ở bên đó anh ạ. Không phải sợ hãi cướp bóc chém giết khi ra đường buổi tối. Người nước ngoài không bị cảnh sát vô cớ chặn lại giữa đường kiểm tra giấy tờ để moi tiền. Hà Nội thanh bình, không đắt đỏ...

Tâm lý con người luôn "nhìn lên", luôn cố so sánh với những kẻ thành đạt hơn. Nhiều người so sánh Hà Nội còn lâu mới bằng Paris, New York... Đúng là còn lâu.

Đúng là còn lâu thằng cháu ngoại tôi mới sẽ thành một chàng trai cao lớn cường tráng. Song tôi yêu nó vì nó là cháu tôi, mặc dù bây giờ nó còn bé tí, đôi khi vẫn còn tè dầm.

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo mưa trên sa mạc

Thanh Niên Online

10/01/2011 17:20

Posted Image

Phác thảo hoạt động của hệ thống tạo mưa

Trong nhiều thế kỷ qua, những cư dân vùng Trung Đông từng ước mơ biến cát sa mạc thành đất thích hợp cho việc canh tác, cùng những nguồn nước sạch ở khu vực nóng bỏng này. Ngày nay, giấc mơ đã phần nào trở thành sự thật khi chính quyền thành phố Abu Dhabi (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE) đã nhờ các nhà khoa học thực hiện hàng loạt trận mưa nhân tạo bằng cách dùng công nghệ kiểm soát thời tiết. Hơn 50 trận mưa bão đã được tạo ra vào tháng 7 - 8, thời điểm khô hạn nhất trong năm, tại khu vực phía đông Al Ain. Cư dân Abu Dhabi thậm chí phải tìm cách che chắn nơi cư trú vì không chỉ mưa bình thường mà thỉnh thoảng còn có mưa đá, những cơn gió mạnh và cả sấm chớp.

Các nhà khoa học đã bí mật làm việc với Tổng thống UAE Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan để thực hiện chương trình này. Họ đã sử dụng các máy ion hóa khổng lồ hình dáng như những cái chụp đèn đặt trên cột thép cao. Thiết bị này tạo ra các hạt mang điện tích âm tung vào bầu khí quyển, từ đó hình thành các đám mây và tạo nên những trận mưa. Công ty Metro System International, Thụy Sĩ quản lý dự án này đã tiết lộ một đoạn video cho thấy sự thành công của dự án làm mưa nhân tạo.

Tháng 6 năm ngoái, Metro System đã xây dựng 6 khu vực, mỗi nơi có 20 máy tạo ion để tung hàng ngàn tỉ hạt ion tạo mây vào không khí. Hơn bốn tháng mùa hè, các máy phát xạ này đã làm tăng độ ẩm không khí lên hơn 30%, qua đó đã có 52 trận mưa.

Dự án mưa nhân tạo này được giám sát bởi Viện Khí tượng Max Planck, một trong số các trung tâm vật lý khí quyển lớn trên thế giới. Báo Daily Mail dẫn lời giáo sư Hartmut Grassl cho biết có rất nhiều ứng dụng từ kỹ thuật này mà một trong số đó là khả năng cung cấp nước cho khu vực khô hạn. Bên cạnh đó, sử dụng công nghệ Weathertec sẽ tiết kiệm rất nhiều tiền. Chi phí xây dựng ban đầu là 6 triệu bảng Anh và tốn 45 triệu bảng để vận hành trong một năm, so với hệ thống khử muối cần đến 850 triệu bảng để vận hành.

Tạ Xuân Quan

===============================

Cũng có gì là huyền bí đâu? Chỉ có điều là khi người ta hiểu được cơ chế tạo mưa thì nó là khoa học. Còn không hiểu thì mới lắm chuyện thôi!

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Artemisia post lại bài này làm tư liệu cho các anh/chị có thể sẽ quan tâm :rolleyes:

==============

Dị nhân đuổi mưa: Sẽ "tắt điện", lộ nguyên hình?

GiadinhNet - Có được số điện thoại nhà riêng của Nguyễn Vũ Tuấn Anh, phóng viên GĐ&XH đã gặp trực tiếp được ông.

Chỉ 1 ngày sau khi một tờ báo mạng đăng bài viết "Dị nhân thề đuổi mưa suốt 7 ngày Đại lễ", ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lý học Đông phương - nhân vật chính đã thực sự gây rúng động giới khoa học và độc giả với nhiều cái nhìn, quan điểm trái chiều.

GĐ&XH xin cung cấp một số thông tin để độc giả tham khảo và có một cái nhìn khách quan hơn về vấn đề này.

Posted Image

Theo ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh, ông là một nhà nghiên cứu trên cơ sở khoa học nghiêm túc chứ không phải là một "dị nhân".

Sẽ "tắt điện", lộ nguyên hình?

Những ngày qua, giới truyền thông rùm beng chuyện một “dị nhân” thề đuổi mưa, ngăn bão trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Ngay sau khi một tờ báo điện tử đăng tin ông Tuấn Anh (bút danh Thiên Sứ) tuyên bố có thể "ngăn mưa" trong dịp 7 ngày diễn ra Đại lễ, nhà nghiên cứu lập tức nhận được vô vàn ý kiến. Phần lớn trong đó là sự phản hồi rất gay gắt, cho rằng đó là sự hoang tưởng, một hình thức PR đánh bóng tên tuổi.

Theo một tờ báo điện tử, ông bị các nhà khoa học "đánh tơi tả", các chuyên gia khí tượng thủy văn "mổ" vì "phát ngôn gây sốc" quá ngạo mạn, hoang đường.

Để minh chứng rằng tuyên bố kia đầy màu sắc hoang tưởng, các nhà khoa học đã vận dụng rất nhiều lý lẽ và không tiếc lời đả phá ông. "Tôi không tin một cá nhân có thể làm được. Cùng lắm họ chỉ biết được có nắng có mưa nhưng ngay cả việc dự báo này cũng không phải lúc nào cũng làm được" - ông Nguyễn Phúc Giác Hải, Chủ nhiệm bộ môn Thông tin dự báo, Trung tâm nghiên cứu Tiềm năng con người nói.

Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Tuấn Kiệt, Công ty Cổ phần Phong thủy Việt Nam thì "xét trên hai phương diện khoa học và tâm linh thì quan điểm ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh đưa ra có phần chủ quan và ngạo mạn. Lời cam kết của ông Tuấn Anh theo tôi cần phải xem xét lại và hoàn toàn không đáng tin cậy".

GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn đặt ra sự nghi ngờ: "Nếu cho rằng ý thức con người quyết định được cơn bão, mưa hay nắng thì sao lại không "đuổi" được mấy cơn bão vừa rồi đi để cứu Việt Nam? Hay sao không "phá" trận mưa lớn tại Hà Nội ngày 13/7 vừa rồi?".

Còn TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA nói thẳng: "Chẳng cần biện pháp cao siêu gì, tôi chỉ cần sử dụng đúng chiêu đã thử nghiệm và lật mặt các nhà ngoại cảm rởm như đã nêu trong loạt bài đã đăng tải, là ông Tuấn Anh sẽ "tắt điện", lộ nguyên hình nếu ông ấy không có khả năng thực sự".

Và biện pháp mà theo ông Khanh sẽ "lật mặt" được khả năng của Thiên Sứ là một yêu cầu rất nhỏ: Đợi lúc trời mưa, ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh ra đứng dưới mưa. Ông Tuấn Anh sẽ vận công, phát lực sao đó để đuổi mưa trong diện tích 1m² - ngay chỗ ông đứng.

Theo đó, "nếu ông Tuấn Anh đuổi được mưa trong diện tích 1m² để ông không ướt, thì tôi đã thấy ông ấy quá siêu phàm, chứ chưa cần ông phải đuổi mưa trên diện tích hàng tỉ m2 cho cả Hà Nội trong 7 ngày" và ông Khanh cam đoan đến 95% là "ông ấy không dám gặp tôi để làm thử nghiệm này".

Ý kiến trái chiều

Bị các nhà khoa học "đánh tơi tả", nhiều độc giả cũng cho là hoang đường song tuyên ngôn của ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh cũng được khá nhiều người ủng hộ.

Người đầu tiên nói về vấn đề này là Giáo sư, Viện sĩ Đào Vọng Đức - nguyên Viện trưởng Viện Vật lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người. Theo ông, cá nhân con người có thể làm ảnh hưởng tới tự nhiên, việc nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh tuyên bố có thể "ngăn mưa, bão" trong vòng 7 ngày dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là có cơ sở.

"Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã từng có những dự đoán rất đúng và rất hiệu quả. Không chỉ Tuấn Anh mà tôi biết có những người khác cũng có khả năng tiên đoán này. Đây là những phương pháp mang yếu tố tâm linh mà khoa học cũng không thể lý giải. Nhưng tôi tin là có những cá nhân có thể thực hiện được việc này", ông nói.

Tiếp đó là ông Phan Thanh Hiền - Chủ nhiệm CLB Thiên văn Bách khoa - cho hay từ xưa con người đã từng lập đàn cầu mưa để bảo vệ mùa màng và ngăn ngừa hạn hán. Tuy nhiên chưa có cơ sở khoa học để khẳng định việc này có tác động đến thời tiết, song ông cũng cho rằng "Việc ngăn mưa là có thể làm được. Nhưng phải đầu tư nguồn vốn tương đối lớn và quan trọng hơn là phải có đánh giá cụ thể về tác động đến môi trường".

Một lực lượng đông đảo trong số người ủng hộ quan điểm của Thiên Sứ là các "đệ tử" của ông trên trang web lyhocdongphuong.org. vn. Trước những chê bai, búa rìu dư luận chĩa vào sư phụ của mình, đa số họ đều bày tỏ sự ủng hộ hết lòng vì theo họ nói đã từng biết về cảm ứng ngăn mưa của ông. Bên cạnh đó, họ còn phân tích và phản bác lại các luận điểm của một số nhà khoa học là vội vàng, không đúng và mâu thuẫn. "Có vội vàng quá không khi những bình luận gia đã bức xúc dùng những lời lẽ thách thức chỉ trích nặng nề đến như vậy? Kết quả của lời tiên đoán này còn ở phía trước kia mà! Thời nay đang có quá nhiều hiện tượng mà các nhà khoa học dần công nhận và tìm cách giải mã" - thành viên với nickname Wildlavender viết.

Posted Image

Ông Tuấn Anh khẳng định là không "thề ngăn mưa, đuổi mây" như một tờ báo đã nói.

Vì đại lễ của dân tộc chứ không PR

Gần 1 tuần ầm ĩ trên các trang web, báo mạng, có thông tin đưa ra là sau khi tuyên bố "ngăn mưa" và bị dư luận phản bác, "dị nhân ngăn mưa" đột nhiên biến mất. Các cuộc gọi đến di động của ông đều chỉ nghe thấy "tò te tí".

Có được số điện thoại nhà riêng của ông, phóng viên GĐ&XH đã gặp trực tiếp được ông. Ông cho biết vì bây giờ mọi người mới hay gọi cho ông nên mới biết, chứ việc ông tắt điện thoại thường xuyên từ nhiều năm nay rồi. Đó là do ông quá bận, công việc cần tập trung cao độ và có quá nhiều cuộc gọi không thể lúc nào cũng trả lời được.

Lý giải cho việc không có ý định “đánh bóng” tên tuổi cũng như tuyên bố việc "ngăn mưa" này, ông Tuấn Anh cho biết nguồn cơn được đưa lên phương tiện thông tin đại chúng gây xôn xao dư luận là rất tình cờ.

Ông nói: "Thời tiết trong lễ hội 1.000 năm Thăng Long là một vấn đề nổi cộm, được nhiều người quan tâm. Tôi đã đưa vấn đề này trên trang web của mình và đề nghị bộ môn "Lạc Việt độn toán" dự đoán xem như thế nào". Trước thông tin cần 1 tỷ USD để bắn mây chặn mưa, một thành viên trên diễn đàn đã nhận xét là quá tốn kém và cho rằng, nếu đưa 100.000 USD về Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông phương sẽ nghiên cứu để ngăn mưa được”.

Theo ông Tuấn Anh, việc đề nghị của thành viên này tất nhiên là do họ tin vào khả năng của ông - dù khả năng này đang ở tình trạng thí nghiệm đã ứng dụng nhiều lần nhưng chưa từng công bố mặc dù có những kết quả không phải là ngẫu nhiên. "Đây không phải là dịp để tôi công bố việc này, chỉ là việc nội bộ trên mạng, tôi khẳng định 100.000 USD thì rẻ quá, phải 7 tỉ. Thông tin đó được 1 phóng viên "chớp" lấy và hỏi tôi có đúng không, tôi đã trả lời là đúng. Trong cuộc trò chuyện thoải mái, cô ấy hỏi tôi có khả năng ngăn mưa không, tôi nói cái đó chúng tôi đang nghiên cứu và đã thực hiện nhiều lần rồi" - ông Tuấn Anh kể.

Ông cho hay, mình là một nhà nghiên cứu trên cơ sở khoa học nghiêm túc chứ không phải là một "dị nhân". "Tôi cũng khẳng định là tôi không "thề ngăn mưa, đuổi mây" như tờ báo đó nói.

Khi được hỏi nếu có mưa thì ông có thể ngăn mưa không, tôi đã từng nói trên diễn đàn nên tôi đã khẳng định điều mình nói là có và bằng phương pháp nghiên cứu của mình tôi có thể làm được - ngăn chặn từ lúc nó chưa xảy ra”.

Tôi không làm để tranh khôn, tranh giỏi với ai

Ông có thể cho biết về khả năng của con người có thể dùng dòng ý thức để tác động đến sự vật hiện tượng quanh mình đến đâu?

- Tôi là người nghiên cứu về văn hóa và tri thức cổ. Trong dấu ấn của nền văn hóa cổ của thế giới và của Việt Nam, từ dân tộc chưa phát triển đến những dân tộc hùng cường, đều có nghi lễ cầu mưa, cầu nắng, ngăn mưa... Có nhiều truyền thuyết huyền thoại và những nền văn minh lớn đã từng cầu mưa ngăn lũ rồi. Triều Nguyễn có đàn tế Nam Giao; tất cả nghi lễ đó tập trung ý chí của một hoặc nhiều người để thực hiện mong muốn của mình. Hình thức là nghi lễ, cầu xin trời đất, thần thánh, còn nội dung là do tập trung ý thức để làm được điều đó. Có những nghi lễ do chính nhà vua đứng ra làm.

Với cái nhìn của nhà nghiên cứu, thông qua hình thức đó, tôi tìm hiểu bản chất của vấn đề. Tôi đã nghiên cứu và từng thực nghiệm, tôi cho đó là phương pháp khoa học chứ không có gì là thần bí.

Công việc hàng ngày trên trang web lyhocdongphuong.org.vn mà tôi phụ trách chúng tôi thường dự báo bằng những nghiên cứu mới nhất theo phương pháp của mình. Chính khí tượng thủy văn đã có dự báo là cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm nay sẽ có hạn hán và mất mùa trên diện rộng cả nước. Ngày 5/8/2010, tôi đã đưa lên mạng lyhocdongphuong dự báo của mình là nhanh thì 3 ngày, chậm thì 5 ngày trên toàn quốc sẽ mưa và không có mất mùa. Thực tế đã diễn ra như vậy. Tôi đã đúng trong dự báo này.

Ông đã “thề” sẽ đuổi mưa. Sự kiện đó chưa diễn ra nên chưa thể khẳng định đúng, sai. Vậy đó có phải là một sự ngạo mạn, một tuyên ngôn nhằm đánh bóng tên tuổi?

- Tôi không có ý định chứng minh cho ai song do tôi đã viết những điều đó trên diễn đàn của mình nên vì danh dự tôi khẳng định và chấp nhận thực hiện điều mình đã nói.

Tôi không từ chối là mình dùng phương pháp ngăn mưa và cũng nói rõ đây là phương pháp đang thí nghiệm, đã ứng dụng nhưng chưa có ý định công bố. Chuyện tôi nói ở trên mạng mang tính chất nội bộ. Tôi đã từng làm và không phải lần nào cũng thành công. Tôi không thách đố, thề thốt với ai nên thông tin tôi đưa ra mọi người có thể tin hoặc không tin, ủng hộ hoặc cho rằng hoang đường nhưng tôi nghĩ không nên xúc phạm.

Tôi không làm để tranh khôn, tranh giỏi với ai. Nhưng vì đã đưa lên mạng nên khi báo chí hỏi, tôi nói tôi quyết tâm làm vấn đề này chứ không có "thề" như họ nói. Vì ý chí của tôi và vì lợi ích của đại lễ dân tộc nên có người đề nghị tôi sẽ làm luôn.

Chỉ cần 1 cái ô

Ông nghĩ sao về lời thách đố ông đuổi mưa trong diện tích 1m² - ngay chỗ ông đứng trong lúc trời mưa là đã quá siêu phàm, chưa cần ông phải đuổi mưa trên diện tích hàng tỉ m² cho cả Hà Nội trong 7 ngày?

- Nếu ai làm thì đó là điều hoang đường nhất trong thí nghiệm khoa học. Trong trường hợp này tôi không cần tốn sức mà chỉ cần 1 cái ô.

Một số dự báo của Thiên Sứ

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh, ông đã áp dụng khả năng dự báo với nhiều hiệu quả bất ngờ. Năm nào ông cũng có những dự báo và theo ông phần lớn các dự báo đều đúng với xác suất cao, với kết quả đáng ngạc nhiên cho những sự kiện nổi bật trên thế giới.

- Năm 2004, ông là người đã dự báo trước trận sóng thần ở Ấn Độ Dương sẽ gây thiệt hại to lớn cho các nước ven vùng biển này đặc biệt là Indonesia trên trang web tuvilyso.com

- Đặc biệt, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 đã được ông dự báo từ cuối 2007. Trả lời trên Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã từng nói: "Sang năm (2008) sẽ có một cú sốc khá lớn về mặt kinh tế mang tính toàn cầu. Việt Nam rất có thể bị ảnh hưởng, nhưng so với các nước khác là nhẹ nhất. Chuyện này sẽ xảy ra vào giữa năm (từ tháng 5 - tháng 8). Cụ thể là vấn đề tiền tệ và xăng dầu. Sẽ có một số hãng kinh doanh lớn trên thế giới có nguy cơ phá sản hoặc phá sản".

Ông cũng là tác giả của gần chục đầu sách về Lý học Đông phương như: "Thời Hùng Vương qua truyền thuyết và huyền thoại", "Tìm về cội nguồn Kinh Dịch", "Hà Đồ trong Văn minh Lạc Việt".... và nhiều bài viết trên các diễn đàn về Lý học Đông phương với bút danh Thiên Sứ.

Hà Thư

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay