Người ta thường nói truyền thống thiền ở Trung Quốc là truyền thống không đứt đoạn, từ tổ thứ nhất là Ca Diếp, sang tổ thứ hai là A Nan, cho đến hết 28 vị tổ ở Tây Vứt, rồi mới tới các vị tổ ở Đông Độ như Huệ Khả, Tăng Xán, Đạo Tín, Hoằng Nhẫn, Huệ Năng v.v...Nhưng chỉ có những người không học thì mới tin vào chuyện đó mà thôi. Những người có một ít kiến thức về sử học thì biết rằng danh sách 28 vị tổ ở Ấn Độ là hoàn toàn do những người trong thiền phái Huệ Năng bịa đặt ra. Những tên đó là những tên có thật, nhưng người ta đã chắp nối vị này với vị khác, và họ cũng đã sáng tạo ra những bài kệ truyền thừa của các tổ để gây thêm niềm tin cho học giả.Sự ăn gian đó là một sự ăn gian rất thành kính, rất có thiện chí. Ăn gian như vậy là để gây đức tin cho người ta. Tuy thiện chí có đó, tuy sự thành kính có đó, nhưng người xưa đâu có biết rằng ngày nay các nhà khoa học đã dùng những phương pháp Khảo cổ học, Văn bản học, Bác ngữ học mà khám phá ra được sự thật. Họ biết rằng những tác phẩm nào, những kinh điển nào xuất hiện tại địa phương nào và trong thời đại nào. Vì vậy cho nên nói rằng thiền đã được truyền lại từ Ca Diếp cho đến bây giờ không đứt đoạn, đứng về phương diện nội dung thì ta có thể chấp nhận được, nhưng đứng về phương diện hình thức như họ đã trao truyền, như họ đã trình bày, thì chúng ta không thể nào chấp nhận được, vì điều đó trái chống với khoa học.Ngay cả sự có mặt của tổ thứ ba là Tăng Xán cũng rất là mơ hồ. Trong Cao Tăng Truyện không có tiểu sử của Đệ Tam Tổ Tăng Xán, và trong Truyền Đăng Lục chỉ nói rằng sau Huệ Khả là tới Tăng Xán mà thôi. Chúng ta cũng không tìm được bài kệ truyền thừa của Tăng Xán trao cho Đạo Tín, tức là tổ thứ Tư. Nhân cách cũng như sự thật về tổ Tăng Xán cũng không được rõ ràng. Do đó mà có người đã nghĩ rằng có sự góp nhặt, có sự chế tác có tính cách nhân tạo trong sự thiết lập lại truyền thống thiền Trung Quốc. "Công trình" đó là của Nam tông, là của thầy Thần Hội và các đệ tử đã chế tác ra.Trong lịch sử thiền Việt Nam chúng ta thấy có những tông phái như Vô Ngôn Thông hay Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi, có ghi chép tên các thiền sư từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sự ghi chép đó tới khoảng thế kỷ thứ 12, 13 thì đứt đoạn. Nhưng như vậy không có nghĩa là trên thực tế sự truyền thừa của các tông phái đó đứt đoạn.Mỗi người Phật tử Việt Nam đều có trong dòng máu của mình chất liệu của các thiền phái đó. Chúng ta không thuộc về một thiền phái, chúng ta thuộc về rất nhiều thiền phái, và thiền phái đầu tiên có mặt trong máu huyết ta là thiền phái Tăng Hội. Dòng máu của Tăng Hội đã được tôi trao truyền cho quý vị. Đó là việc tôi sử dụng những thiền kinh căn bản của Phật giáo Nguyên thủy và thực tập các kinh đó bằng con mắt cởi mở, rộng rãi của Đại thừa. Đó là gia tài của Tăng Hội.Thiền phái thứ hai do tổ sư Đạt Ma Đề Bà thiết lập ở Việt Nam vào thế kỷ thứ 5, cũng vậy. Đó là thiền phái sử dụng kinh điển Đại thừa. Nhưng nó cũng có mặt trong ta, và thầy Huệ Thắng, đệ tử của thầy Đạt Ma Đề Bà cũng đã qua Trung Hoa để giảng dạy thiền học. Chúng ta nên biết rằng thiền Việt Nam đã đóng góp rất nhiều cho thiền Trung Quốc trong thời đại đầu của thiền học, ngay trước khi có sự xuất hiện của tổ Bồ-Đề Đạt-Ma.Ngày nay, thực tập giáo lý của ngài Tăng Hội, chúng ta thực tập theo phương pháp của ngài Tăng Hội và chúng ta giới thiệu cho thế giới biết về nhân cách, về con người, và phương pháp thực tập của thiền phái Tăng Hội.Trong khi thầy Bồ-Đề Đạt-Ma, từ nhân cách, tiểu sử cho đến giáo lý, phần lớn đều thuộc truyền thuyết, tức do người khác kể lại, thì con người, tiểu sử và giáo lý của thầy Tăng Hội hoàn toàn là những sự thật, được ghi chép lại trong các sử liệu. Những phương pháp của thầy Tăng Hội dạy, những giáo lý thầy Tăng Hội giảng, vẫn còn được truyền lại cho đến ngày nay, trên giấy trắng mực đen.
TS Thích Nhất Hạnh
http://www.thuvien-thichnhathanh.org/index.php/kinh-gi-ng/38-truyn-thng-sinh-ng-ca-thin-tp-ii/195-tts-quyn-02-chng-02-2-2-cac-mon-phai-va-giao-in-sinh-ng?showall=&start=2