• Thông báo

    • Bá Kiến®

      Nội quy Lý Học Plaza

      Nội quy này là bản mở rộng Nội Quy - Quy định của Diễn đàn. Khi tham gia mua bán, các thành viên phải tuân theo những quy định sau: Tiêu đề bài viết: Bao gồm: Chỉ dẫn địa lý, Loại hình Mua/Bán, Thông tin mua bán.
      Chỉ dẫn địa lý: Tỉnh/thành nơi mua bán. Hoặc sử dụng định nghĩa có sẵn:TQ: Toàn quốc
      HCM: TP Hồ Chí Minh
      HN: Hà Nội
      [*]Ví dụ: HCM - Bán Vòng tay Hổ Phách ​Nội dung bài viết: Mô tả chi tiết sản phẩm mua/bán
      Bắt buộc phải có thông tin liên lạc, giá Mua/Bán
      Bài mới đăng chỉ được phép up sau 03 ngày.
      Thời gian up bài cho phép: 01 ngày 01 lần.
      Các hành vi vi phạm nội quy này sẽ bị xóa bài hoặc khóa tài khoản mà không cần báo trước.

Tìm kiếm trên Diễn đàn

Hiển thị kết quả cho thẻ ''Cuộc tranh luận của những họả''.

  • Tìm theo Thẻ/Tags

    Loại thẻ phân cách bằng dấu phẩy.
  • Tìm theo Tác giả

Loại nội dung


Forums

  • Hoạt Động Của Diễn Đàn
    • Thông Báo
    • Hoạt Động Của Diễn Đàn
    • Đóng Góp Ý Kiến Phát Triển
    • Thắc Mắc - Thông Báo Lỗi
  • Trao Đổi Học Thuật
    • Lý Học Lạc Việt
    • Cổ Văn Hoá Sử
    • Dự Báo và Chứng Nghiệm
    • Minh Triết Cổ
    • Phong Thủy
    • Chuyên Đề Hội Thảo Phong Thủy
    • Tử Vi
    • Lạc Việt Độn Toán
    • Dịch Học
    • Thái Ất - Độn Giáp
    • Tử Bình - Bát Tự
    • Tướng Pháp Chỉ Tay
    • Các Môn Dự Đoán Khác
    • Đông Y
    • Luận Tuổi Lạc Việt
  • Văn hiến Việt
    • Truyền hình Văn hiến Việt
  • Trang Hội Viên
    • Thông Tin Cập Nhật
    • Cafe Lý Học
    • Mạn Đàm
    • Tiềm Năng - Tâm Linh - Con Người
    • Tâm Sự - Giao Lưu
    • Giải Trí - Chuyện Lạ
    • Thơ Ca Văn Chương Nghệ Thuật
    • Y Học Và Sức Khoẻ
    • Những Mảnh Đời Cần Cứu Giúp
    • Clb Nhiếp Ảnh
  • Tư Vấn
    • Tử Vi
    • Luận Tuổi
    • Lạc Việt Độn Toán
    • Phong Thủy
    • Danh Tính & Số Mệnh
    • Tướng Pháp
    • Bốc Dịch
    • Tử Bình Bát Tự
    • Các Môn Dự Đoán Khác
  • Principles Of Ancient Oriental Learning, History And Culture
    • THE ANCIENT ORIENTAL LEARNING
    • ANCIENT ORIENTAL CULTURE
    • THE FORETELLING OF ANCIENT ORIENTAL ASTROLOGY
  • Lý Học Plaza
    • Trung Tâm Thương Mại
    • Rao Vặt

Calendars

  • Community Calendar

Tìm thấy 1 kết quả

  1. Thủy tổ người Việt thực sự ở đâu? Hà Văn Thùy Thứ tư, 06 Tháng 8 2014 10:59 Trong bài “Kính gửi ông Tạ Đức và ông Nguyễn Dư” đăng trên Văn hóa Nghệ An, tác giả Phan Lan Hoa có viết: “Thiết nghĩ, khi mà sử sách, địa danh và di chỉ chứng tích đã trùng khớp, cớ sao lại có người còn muốn đẩy đưa thủy tổ người Việt sang bên Trung Hoa là vì cớ chi? (Đoạn này, xin được gửi cả đến ông Hà Văn Thùy, người khẳng định Kinh Dương Vương và nước Xích Quỷ ở bên Trung Hoa?).”* Từ lâu, tôi tâm niệm sẽ làm một khảo cứu nghiêm túc xác định nơi sinh thành của thủy tổ người Việt nhưng vì chưa đủ duyên nên chưa thành. Nay nhân có người “đòi”, xin được trả món nợ. Tìm ra chính xác tổ tiên người Việt là việc vô cùng khó vì thế mà suốt 2000 năm qua, dù bỏ bao công sức và tâm trí, chúng ta vẫn đi tìm trong vô vọng. Nhìn lại cuộc tìm kiếm trong quá khứ, ta thấy, cả người xưa, cả hôm nay chỉ có tư liệu từ thời điểm quá gần, khoảng 2000 năm trở lại. Với một ngưỡng thời gian như vậy, không cho phép có cái nhìn xa hơn! Sự thực là, muốn biết tổ tiên 5000 năm trước là ai, chỉ có thể đi tới tận cùng lịch sử, để biết con người đầu tiên xuất hiện trên đất Việt là ai? I. Khởi đầu từ lịch sử Rất nhiều người tin rằng nước Xích Quỷ của Kinh Dương Vương ra đời năm Nhâm Tuất 2879 TCN. Nhưng nếu hỏi: từ đâu có con số đó thì không ai trả lời được! Con số ấy tồn tại như một niềm tin, như cái mốc “quy ước” mà người Việt bám vào để tạo dựng cội nguồn. Dẫu biết rằng niềm tin không đủ làm nên lịch sử thì cũng không ai nỡ cật vấn cái niềm tin ấy! Bởi lẽ, sau cật vấn là sự sụp đổ! Rồi cả Đế Minh cháu ba đời Thần Nông nữa, lấy gì làm chắc? Mà sao người Trung Hoa cũng tự nhận là con cháu Thần Nông? Những hoài nghi ấy, nếu không hóa giải được thì mọi chuyện bàn về tổ tiên chỉ là câu chuyện phiếm! Vì vậy, muốn tìm chính xác tổ tiên, cần phải đi xa hơn cái cột mốc 2879. May mắn là sang thế kỷ này, khoa học thực sự giúp soi sáng cội nguồn. Thưa rằng, không phải chỉ từ những mẩu xương và những hòn đá – hiện vật khảo cổ - mà chính từ vết tích được lưu giữ trong máu của toàn dân châu Á, một nhóm nhà khoa học gốc Hán của nhiều đại học nước Mỹ, vào năm 1998 phát hiện rằng: 70.000 năm trước, người tiền sử từ châu Phi theo ven biển Ấn Độ đặt chân tới nước ta. Sau khi chung sống 30.000 năm trên đất Việt Nam, người Việt đã đi lên khai phá Trung Hoa. Từ Hòa Bình, tổ tiên chúng ta mang chiếc rìu, chiếc việt đá mới lên nam Dương Tử và gọi mình bằng danh xưng đầy tự hào NGƯỜI VIỆT với tư cách chủ nhân chiếc việt đá mới, công cụ ưu việt của loài người thời đó(Việt bộ Qua -戈).20.000 năm trước, tại Động Người Tiên tỉnh Giang Tây, tổ tiên chúng ta làm ra đồ gốm sớm nhất thế giới và 12400 năm cách nay trồng ra hạt lúa đầu tiên của loài người. Lúc này tổ tiên ta tự gọi mình là NGƯỜI VIỆT, chủ nhân cây lúa(Việt bộ Mễ -粤)!Rồi từ đây, người Việt mang cây lúa, cây kê, con gà, con chó làm nên văn hóa Giả Hồ 9000 năm trước, văn hóa Hà Mẫu Độ 7000 năm trước… Theo đà Bắc tiến, người Việt vượt Dương Tử lên lưu vực Hoàng Hà, xây dựng nền nông nghiệp trồng kê trên cao nguyên Hoàng Thổ. Tại đây, người Việt hòa huyết với người sống du mục trên đồng cỏ bờ Bắc, sinh ra chủng người Việt mới, sau này được khoa học gọi là chủng Mongoloid phương Nam, là chủ nhân văn hóa Ngưỡng Thiều suốt từ Thiểm Tây, Sơn Tây, Hà Nam, Hà Bắc. Một con sông dài 1500 km từ Thiểm Tây tới Hà Nam, đổ vào Dương Tử ở Vũ Hán, được đặt tên là sông Nguồn. Cùng với chi lưu của nó là Sông Đen, tạo nên đồng bằng Trong Nguồn, là trung tâm lớn của người Việt, nối với Thái Sơn. Đấy là nơi phát tích của người Việt hiện đại chủng Mongoloid phương Nam. Vào khoảng 4000 năm TCN, người Việt chiếm hơn 60% nhân số thế giới và xây dựng ở Đông Á nền văn minh nông nghiệp rực rỡ. Để có được thành quả như vậy, người Việt phải chung lưng đấu cật trị thủy hai dòng sông lớn là Hoàng Hà và Dương Tử. Từ những dấu vết mong manh trong truyền thuyết, ta nhận ra, thời gian này người Việt luôn phải đối mặt với những cuộc xâm lăng của người du mục phương Bắc. Trong điều kiện như vậy, những thị tộc phải liên minh với nhau, vừa để trị thủy vừa chống trả quân xâm lăng. Cuộc liên minh dưới sự lãnh đạo của những thị tộc lớn mạnh do những vị anh hùng bán thần dẫn dắt. Một cách tự nhiên nhà nước nguyên thủy ra đời. Đó là nhà nước phương Đông, khác với nhà nước theo định nghĩa kinh điển phương Tây, sản sinh từ chiếm hữu nô lệ và thặng dư lương thực. Điều kiện cho nhà nước nguyên thủy phương Đông ra đời càng thuận lợi hơn khi toàn bộ dân cư khu vực lúc đó cùng cội nguồn, văn hóa và tiếng nói. Kinh Dịch viết “Phục Hy thị một, Thần Nông thị xuất” chính là mô tả thời kỳ này. Truyền thuyết cho hay, vua thần Phục Hy xuất hiện khoảng 4000 năm TCN. Tiếp theo là Thần Nông khoảng 3080 năm TCN. Truyền thuyết nói Đế Minh, cháu đời thứ ba của Thần Nông, chia đất, phong vương cho con là Đế Nghi và Kinh Dương Vương, lập nước Xích Quỷ năm 2879 TCN... Trong bối cảnh như vậy, ta thấy, dù không biết xuất xứ từ đâu nhưng cái mốc thời gian ra đời nước Xích Quỷ là hợp lý. Một câu hỏi cần được nêu ra: phải chăng có điều gì đó sâu thẳm trong ký ức mà tổ tiên ta ghi nhớ được một cách tường minh? Từ nhiều tư liệu, có thể suy ra, thời kỳ này trên lục địa Đông Á có ba nhà nước: Thần Nông Bắc của Đế Lai thuộc lưu vực Hoàng Hà, Thần Nông Nam (Xích Quỷ) thuộc lưu vực Dương Tử tới Việt Nam và quốc gia Ba Thục ở phía Tây, gồm vùng Ba Thục qua Thái Lan và Miến Điện. Thời gian này, cuộc tranh chấp giữa hai bờ Hoàng Hà trở nên khốc liệt mà bằng chứng là trận Phản Tuyền. Truyền thuyết Trung Hoa nói Hoàng Đế và Viêm Đế là hai thị tộc anh em, lúc đầu Viêm Đế đứng chủ. Sau đó Hoàng Đế mạnh lên, đánh thắng Viêm Đế ở Phản Tuyền, chiếm ngôi thống soái. Viêm Đế chấp nhận vai trò phụ thuộc. Đây chỉ là uyển ngữ do người Hoa Hạ bày đặt để che lấp cuộc xâm lăng, với mục đích gắn Hoàng Đế với Viêm Đế vào cùng chủng tộc để rồi cho ra đời thuyết Hoa Hạ là Viêm Hoàng tử tôn, trong đó Hoàng Đế là chủ soái! Nhưng thực ra đó là cuộc xâm lăng của người bờ Bắc. Ta có thể hình dung, chỉ hình dung thôi vì không bao giờ tìm ra chứng cứ xác thực, rằng trước tình thế nguy cấp sau trận Phản Tuyền, Đế Lai liên minh với Lạc Long Quân cùng chống giặc. Nhưng tại trận Trác Lộc năm 2698 TCN, quân Việt thất bại. Đế Lai tử trận, (sau này vì căm hờn Đế Lai, người Hoa Hạ gọi ông là Si Vưu với nghĩa xấu), Lạc Long Quân dẫn đoàn quân dân vùng Núi Thái-Trong Nguồn dùng thuyền xuôi Hoàng Hà ra biển, đổ bộ vào Rào Rum-Ngàn Hống xứ Nghệ. Gợi cho chúng tôi ý tưởng này là đoạn chép trong Ngọc phả Hùng Vương: “Đoàn người từ biển vào. Họ rất hiền lành tốt bụng, đã giúp dân nhiều việc tốt. Dân bầu người giỏi nhất trong số họ làm vua, hiệu là Hùng Vương, lúc đầu đóng đô ở Rào Rum-Ngàn Hống, sau chuyển lên vùng Ao Việt.” (Chính cái niên đại xảy ra trận Trác Lộc 2698 TCN cũng giúp cho thời điểm năm 2879 lập nước Xích Quỷ trở nên khả tín. Nó cho thấy, một điều hợp lý là những quốc gia của người Việt được lập ra trước cuộc xâm lăng, vì chỉ như vậy mới phù hợp với lịch sử.) Về Việt Nam, người Núi Thái-Trong Nguồn hòa huyết với người Việt bản địa da đen Australoid, sinh ra người Mongoloid phương Nam Phùng Nguyên. Việc khảo cổ học phát hiện di cốt người Mongoloid phương Nam tại văn hóa Phùng Nguyên khoảng 4500 năm TCN là bằng chứng xác nhận cuộc di cư này. Nếu những điều trình bày trên chưa hài lòng quý vị thì xin dùng chứng lý theo lối quy nạp sau: Khoa học xác định mã di truyền của người Việt hôm nay thuộc chủng Mongoloid phương Nam. Vì vậy, nếu là thủy tổ của dân tộc Việt, các ngài Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân… cũng phải là người Mongoloid phương Nam. Một câu hỏi được đặt ra: người Mongoloid phương Nam có mặt trên đất Việt Nam vào thời gian nào? Khảo sát 70 sọ cổ phát hiện ở nước ta, cổ nhân chủng học cho biết: “Suốt Thời Đá Mới, chủng Australoid là dân cư duy nhất sống trên đất nước ta cũng như toàn Đông Nam Á. Sang Thời Kim khí, người Mongoloid phương Nam xuất hiện và trở thành chủ thể dân cư khu vực. Người Austrtaloid biến mất dần, không hiểu do di cư hay đồng hóa.” Khảo cổ học cũng cho thấy, người Mongoloid phương Nam có mặt trên đất nước ta vào thời Phùng Nguyên, khoảng 4500 năm trước. Một câu hỏi khác: họ từ đâu tới? Ta thấy, suốt Thời Đồ Đá, trên toàn bộ Đông Nam Á kể cả Việt Nam không có người Mongoloid. Trong khi đó, như phân tích ở trên, người Mongoloid phương Nam xuất hiện tại văn hóa Ngưỡng Thiều và Hà Mẫu Độ (cửa sông Chiết Giang) từ 7000 năm trước. Lẽ đương nhiên, họ chỉ có thể từ hai nơi này xuống Việt Nam. Nhưng do di ngôn của tổ tiên “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước Trong Nguồn chảy ra,” ta hiểu, là từ Núi Thái-Trong Nguồn các vị di cư tới Việt Nam. Như vậy, có hai giai đoạn hình thành người Việt: giai đoạn đầu, người Australoid từ Việt Nam đi lên khai phá Trung Hoa. Tại Núi Thái-Trong Nguồn, khoảng 7000 năm trước, người Việt hỗn hòa với người Mông Cổ phương Bắc, sinh ra chủng người Việt mới mang mã di truyền Mongoloid phương Nam, đó là tổ tiên của các vị Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông, Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân. Khoảng năm 2698 TCN, do thua trận Trác Lộc, người Việt của Lạc Long Quân chạy xuống Việt Nam, lai giống với người Việt tại chỗ, sinh ra người văn hóa Phùng Nguyên, tổ tiên trực tiếp của chúng ta. Vào nam Hoàng Hà, người Mông Cổ chiếm đất và dân Việt, lập vương triều Hoàng Đế. Họ cũng hòa huyết với người Việt, sinh ra người Hoa Hạ, được coi là tổ tiên người Trung Hoa. Nhận được ưu thế từ hai nền văn minh, người Hoa Hạ trở nên lớp người ưu tú của các vương triều Hoàng Đế, góp phần quan trọng làm nên thời Hoàng Kim của văn hóa phương Đông. Nhưng sau thời Chiến quốc, với sự bành trướng của nhà Tần, nhà Hán người Việt thì người Hoa Hạ bị đồng hóa, tan biến trong cộng đồng Việt đông đảo. Hoa Hạ chỉ còn là một danh xưng, bị các vương triều Trung Hoa chiếm dụng làm phương tiện thống trị các tộc người khác. Người Hoa đổi đồng bằng Trong Nguồn thành Trung Nguyên. Sông nguồn thành sông Hòn, sông Hớn rồi thành Hán Thủy. Do mất đất mất tên nên hơn 2000 năm nay, người Việt ngơ ngác không biết Trong Nguồn là đâu?! II.Quá trình hình thành di tích, tài liệu về cội nguồn tổ tiên trên đất Việt. 1.Quá trình hình thành Lớp di dân đầu tiên đổ bộ vào Rào Rum-Ngàn Hống. Theo đà xâm lăng của kẻ thù, nhiều thế hệ người Núi Thái-Trong Nguồn di cư tiếp, tiến vào những khoảng đất cao của đồng bằng sông Hồng vừa được tạo lập là Sơn Tây, Hà Đông, Bắc Ninh... Chạy giặc, bỏ quê hương tới nơi xa lạ là nỗi đau của người biệt xứ. Có thể, sau hàng vạn năm cách biệt, người Núi Thái-Trong Nguồn không thể ngờ rằng nơi dung dưỡng mình hôm nay lại là đất gốc của tổ tiên xưa. Vì vậy, mặc cảm mất nước luôn nặng nề, dai dẳng. Hướng về nguồn cội là nỗi khắc khoải khôn nguôi. Nỗi nhớ thương đã kết đọng thành câu ca Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước Trong Nguồn chảy ra. Có lẽ câu ca lúc đầu chỉ là nỗi lòng của người dân mất nước vọng cố hương nhưng rồi nó thành tấm bia ghi nguồn cội để muôn đời con cháu tìm về. Không dừng lại đó, những người tâm huyết nhất, theo tục xưa, đắp những ngôi mộ gió để từ xa bái vọng tổ tiên Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông, Kinh Dương Vương… Đó là công việc mà ngày nay người dân đảo Lý Sơn vẫn làm để không quên người không trở về sau những chuyến đi! Khi khá giả hơn, những ngôi đền thờ được dựng lên. Khi có chữ, những vị lão thành lục trong trí nhớ những gì “được nghe ông bà kể” về tổ tiên xưa, ghi thành tộc phả, ngọc phả. Sự thật được “thêm mắm dặm muối” cùng những yếu tố huyền ảo để thêm phần linh thiêng, cao cả và đáng tin. Đọc một số thần phả, ngọc phả do Đại học sĩ Nguyễn Bính chép, tôi bất giác nghĩ tới chuyện “chạy di tích” thời nay. Lâu ngày mới về quê, gặp dịp làng xã đình đám rước “Bằng công nhận di tích”. Thấy trên giấy vinh danh một vị còn văn tế ở đình tế vị thần khác, tôi hỏi ông chú họ, đầu trò câu chuyện này. Gạn hỏi mãi, ông thú thực: “Lúc đầu viết theo thần tích ông thánh trong đình. Nhưng mấy ông văn hóa tỉnh nói: “Tra mãi không thấy ông nào tên như vậy để làm giúp các bác. Chỉ có ông trạng X hơi gần với hồ sơ của các vị. Nếu đồng ý thì chúng tôi giúp.” Anh tính, mất bao nhiêu tiền rồi chả nhẽ xôi hỏng bỏng không, đành gật đầu chấp nhận cho họ làm!” Phải chăng, ngày trước, cũng nghe ông bà kể lại, rồi với thứ chữ Nho của thày đồ quê, các vị tiên chỉ trong làng mang đơn lên phủ cậy quan. Sau khi nhận đồng lớn đồng nhỏ vi thiềng, quan phủ đưa hồ sơ lên triều đình. Rồi dựa vào văn bản của địa phương, Đại học sĩ Nguyễn Bính sáng tác hàng loạt ngọc phả, như người vẽ truyền thần. Đó là cái chắc, chỉ có điều ngờ là không biết đại học sĩ có nhận tiền thù lao như hôm nay không? Hàng trăm năm qua đi, đám hậu sinh chúng ta có tất cả: những ngôi mộ cổ, những ngôi đền với những pho tượng sơn son thiếp vàng linh thiêng mà cha ông từng đời đời tế tự. Những thần phả, ngọc phả chữ Nho với giấy bản xỉn màu thời gian, gáy mòn, góc vẹt, loáng thoáng lỗ mọt… Và hơn cả là tấm lòng chúng ta hướng về tổ tiên cộng với sự ganh đua của những họ tộc tranh nhau xem họ nào xuất hiện sớm nhất? Thế rồi, với tiền của bá tánh, tiền thuế dân nhận từ dự án, những nấm mộ, những ngôi đền được phục dựng khang trang hoành tráng, cùng với những hội thảo trưng ra vô vàn “bằng chứng lịch sử”… 2. Đôi lời nhận định Người viết bài này có lúc hăm hở theo dõi những “phát hiện mới” với hy vọng tìm được dấu vết khả tín của tổ tiên. Nhưng rồi sớm thất vọng! Cổ Lôi Ngọc Phả chỉ mới ra đời vài trăm năm ghi Phục Hy, Thần Nông vùng Phong Châu làm sao có thể phản bác Kinh Dịch 2500 năm trước viết “Phục Hy thị một, thần Nông thị xuất”? Mấy ngôi đền Phục Hy, Thần Nông… trên đất Phong Châu làm sao phủ định bài vị các ngài được thờ trên lăng mộ ở Thái Sơn? Làm sao có thể tin Phục Hy họ Nguyễn, trong khi cả truyền thuyết lẫn cổ thư đều ghi rõ: Phục Hy thị, Thần Nông thị, Hồng Bàng thị… “Thị” cũng là họ, nhưng đấy là họ theo mẹ của thời mẫu hệ. Qua mẫu hệ hàng nghìn năm mới sang phụ hệ, để “tính” - cách gọi họ theo dòng cha ra đời! Thời đó, con người chỉ được đánh dấu bằng một từ duy nhất chỉ tên hoặc thêm tước “đế” phía trước như Đế Minh, Đế Nghi… Vậy thì làm sao có ông Phục Hy tên là Nguyễn Thận? Làm sao tin những bức tượng sơn son thiếp vàng lòe loẹt trong đền là Phục Hy, Kinh Dương Vương khi trang phục trên người các ngài là của quan lại triều Minh, triều Thanh?! Vì sao sống cách nhau nhiều nghìn năm mà các vị tổ lại tụ họp trong khoảnh đất hẹp vậy? Vì sao, chỉ là tổ người Việt mà truyền thuyết về các vị lan ra rộng khắp từ Quảng Đông tới Ba Thục? Chỉ là tổ của người Việt với lãnh thổ từ Bắc Bộ tới miền Trung mà sao lại có đền thờ Kinh Dương Vương trên Ngũ Lĩnh? Nhiều, nhiều lắm những câu hỏi không thể trả lời! Khi không trả lời được những thắc mắc trên, trong trí tôi nảy sinh câu hỏi: Vì sao lại có sự tình như vậy? Phải rất lâu sau, cùng với sự trưởng thành của nhận thức, tôi nhận ra, những ngôi mộ được đắp, những ngôi đền được xây chỉ là việc thu nhỏ một lịch sử từng diễn ra trên địa bàn rộng lớn. Đó chỉ là sự sa bàn hóa một thực tế lịch sử vĩ đại! Tôi bỗng hiểu và thông cảm với tiền nhân. Từ ký ức và tâm nguyện của mình, các vị đã tạo những mộ gió, những ngôi đền bái vọng. Tấm lòng thành của bao kiếp người đã tạo nên một tín ngưỡng dân gian vô cùng nhân văn nhớ về nguồn cội, thờ kính tổ tiên... Nhưng rồi đám cháu con không hiểu cha ông, u mê biến tín ngưỡng dân gian trở thành chính sử, để tự sướng và lừa thiên hạ thì đã là tai họa! Những người chủ trương việc này nghĩ rằng mình đã sáng suốt, khám phá lại lịch sử là vì dân tộc, vì kính ngưỡng tổ tiên. Không ai phủ nhận nhiệt huyết, tấm lòng của họ. Nhưng thực tế cuộc sống đã bày ra trước mắt: yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau! Trước hết, là xuyên tạc lịch sử: Do chủ quan, do ít hiểu biết, họ không hiểu rằng, giang sơn xưa của tổ tiên Việt là khoảng trời, khoảng đất mênh mông toàn cõi Đông Á. Từng hàng chục nghìn năm thống lĩnh hai con sông Đông Á (Hoàng Hà, Dương Tử) và xây dựng trên đó nền văn hóa kỳ vĩ. Việc “quy tập,” co cụm tổ tiên về dải đất hẹp Phong Châu chính là phủ định cả cội nguồn lẫn giang sơn vĩ đại của giống nòi! Đó chính là cái tội chối bỏ lịch sử, cũng đồng thời chối bỏ nguồn cội! Không chỉ vậy, khi làm việc này, họ tự tước đi của mình vũ khí mạnh mẽ chống lại những mưu toan xuyên tạc sử Việt. Họ từng biết, người Trung Hoa có cuốn sách “Thông sử thế giới vạn năm” hơn 5000 trang, phủ định toàn bộ lịch sử Việt Nam với những dòng ngạo mạn: “Khoảng 2000 năm TCN, bán đảo Đông Dương bước vào thời kỳ đồ Đá Mới… 1000 năm TCN, những bộ lạc cư trú quanh vùng sông Hồng Hà bắt đầu định cư..” Họ cũng biết, ông giáo sư người Mỹ Liam Kelley chống báng tới cùng sự hiện hữu của Kinh Dương Vương. Ông ta chỉ coi thủy tổ tộc Việt là do đám trí thức Hán hóa thời Trung đại dựa vào cổ thư Trung Hoa bịa tạc ra. Một trong những lý cứ khiến ông ta nghĩ vậy, chính là ở chỗ, truyền thuyết về Kinh Dương Vương phổ biến khắp Trung Hoa. Nếu cứ theo “sa bàn” như quý vị hoạch định hôm nay thì làm sao phản bác được vị giáo sư thông thái nọ? Nhưng nếu nắm được lịch sử trọn vẹn của tổ tiên thì ta có thể nói, chính chứng cứ ông học giả người Mỹ đưa ra đã chống lại ông ta! Đó là do, cộng đồng Việt vốn là khối thống nhất trên toàn đông Á, cùng chung máu mủ, ngôn ngữ và văn hóa. Từ thời Chiến quốc, bị tan đàn xẻ nghé, người Việt mang theo truyền thuyết nguồn đi khắp nơi… III. Kết luận Có một thời tăm tối, chúng ta được cổ thư Trung Hoa và những vị thầy Tây dạy rằng, người từ Trung Hoa xuống đồng hóa dân Annam mông muội. Dân Việt là lũ Tàu lai. Tất cả văn hóa Việt là sự bắt chước Trung Hoa chưa trọn vẹn. Người Việt không có chữ, phải mượn chữ Trung Hoa, tiếng Việt mượn 70% từ tiếng Hán… Hàng nghìn năm ta tin như thế! Trong cái thời tăm tối ấy, chúng ta tìm mọi cách “thoát Trung” bằng việc viết ra lịch sử riêng của mình. Trong đó có những ý tưởng “quy tụ” tổ tiên về đất Phong Châu để tạo ra một cội nguồn, một lịch sử hoàn toàn độc lập với phương Bắc. Ý tưởng như vậy được nuôi bởi bằng chứng là những ngôi mộ, ngôi đền, những cuốn ngọc phả… khiến không ít người tin vì có nguồn cội “thoát Trung”! Nhưng sang thế kỷ này, nhờ khám phá khoa học, ta biết rằng, lịch sử đã diễn ra theo con đường ngược lại: tổ tiên ta từ xa xưa đi lên khai phá Trung Hoa và xây dựng trên toàn bộ Đông Á một nền văn hóa vĩ đại! Không những tiếng Việt, chữ Việt là chủ thể tạo nên tiếng nói và chữ viết Trung Hoa mà nền văn hóa Trung Hoa cũng được xây dựng trên nền tảng văn hóa Việt! Chính đó là cơ sở của ý tưởng từ lâu in sâu trong tâm cảm dân Việt: Trong khi các nhánh khác bị Hán hóa thì người Lạc Việt ở Việt Nam vẫn giữ được giang sơn, đất hương hỏa cuối cùng của tổ tiên. Vì vậy, trong những “đồ án phục dựng lịch sử Việt” ra đời lâu nay thì việc sa bàn hóa, quy tập tổ tiên về đất hẹp Phong Châu là sai lầm tai hại nhất. Trong khi những phương án khác chỉ là những ý tưởng trên giấy thì “đồ án” này tác động sâu rộng không chỉ tới lịch sử, tâm linh mà tới cả cuộc sống dân tộc. Thưa ông Phan Lan Hoa, thời trẻ làm báo, tôi chỉ viết sự thực cho dù có rước lấy tai họa. Nay vào tuổi cổ lai hy, tôi chỉ viết sử theo sự thật vì biết rằng, chỉ sự thật là còn lại. Vì vậy, tôi không hề dám làm cái việc bạo thiên nghịch địa là “đẩy đưa thủy tổ người Việt sang bên Trung Hoa” như ông ghép tội. Phải đâu là chuyện cá ao ai nấy được? Tôi chỉ làm cái việc trung thực là phát hiện sự việc của quá khứ rồi đặt nó vào đúng chỗ, thưa ông! Theo thiển ý, nếu như có ngôi mộ nào sớm nhất của tổ tiên trên đất Việt thì chỉ có thể là mộ Lạc Long Quân ở Rào Rum-Ngàn Hống hay tại kinh đô Ao Việt! Đáng buồn và đáng sợ là, những người “quy tập” tổ tiên về đất hẹp Phong Châu không ngờ rằng mình đang làm cái việc nguy hại tham bát bỏ mâm. Trong khi hất đi cái mâm thật, không chỉ đầy của cải quý giá mà còn có cả văn tự ghi quyền sở hữu giang sơn vĩ đại của tổ tiên xưa thì quý vị ôm lấy cái bát ảo! Cái mâm quẳng đi rồi, một khi cái bát được chứng minh là giả, không hiểu quý vị tính sao?! Sài Gòn, Vu Lan năm Giáp Ngọ *http://vanhoanghean.com.vn/goc-nhin-van-hoa3/dien-dan38/kinh-gui-ong-ta-duc-va-ong-nguyen-du ================================ Góp vài ý kiến về nguồn gốc người Việt (Thư gửi ông Bùi Xuân Đính và ông Hà Văn Thùy) Phan Lan Hoa Thứ tư, 13 Tháng 8 2014 00:47 Kính gửi ông Bùi Xuân Đính, ông Hà Văn Thùy Đồng kính gửi các nhà nghiên cứu Văn hóa – Lịch sử - Khảo cổ học Việt Nam. Tôi chỉ là một độc giả bình thường. Chuyên môn của tôi không dính líu gì đến các lĩnh vực Văn hóa – Lịch sử - Khảo cổ, nhưng lại thường rất thích đọc những bài viết về các lĩnh vực khoa học này. Và tôi chắc chắn tôi là một độc giả trong khi đọc có phân tích. Phân tích để suy nghĩ xem có thể đặt niềm tin vào nội dung bài viết hay không? Nay thông qua những mâu thuẫn giữa các bài viết của các nhà nghiên cứu, tôi mơ hồ nhận ra rằng hình như ví một lý do nào đó, các vị đang cố né tránh một sự thực: Tổ tiên của người Việt không phải xuất phát từ Trung Quốc, đồng thời cũng không phải xuất phát từ Phú Thọ? Kính thưa ông Bùi Xuân Đính. Bài viết “Văn hoá Đông Sơn và nguồn gốc người Việt” khiến cho tôi cảm thấy vui mừng bởi có thể đặt được ít nhiều niềm tin. Chí ít, người Việt Nam có cơ sở để tin rằng đang sống trên quê cha đất tổ của mình. Nhưng niềm tin ấy với tôi chưa thực sự trọn vẹn. Sau đây là lý do vì sao tôi cho rằng niềm tin của tôi chưa trọn vẹn: Ông BXĐ viết: “Khối chuyển xuống vùng châu thổ Sông Hồng, môi trường sống thay đổi, sau đó chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán, dần dần trở thành người Việt (Kinh)…” Kết luận này dù ý nhị hơn, ẩn dấu hơn, nhưng rốt cuộc vẫn là: Người Việt có nguồn gốc từ Trung Hoa ? Tôi không tâm phục ở câu kết luận trên thưa ông! Sách Hán thư chép: "Trong vòng bảy hoặc tám nghìn dặm từ Giao Chỉ tới Cối Kê (Chiết Giang), ở đâu cũng có Bách Việt, mỗi nhóm có các thị tộc của mình…". Người Trung Nguyên gọi người Bách Việt là Nam Man. Người Man được chia làm 5 nhóm: Đông Âu: ở Cối Kê, Mân Việt: ở Phúc Kiến; Nam Việt: ở Quảng Đông, Quảng Tây; Tây Âu: ở tây Quảng Đông và nam Quảng Tây; Lạc Việt, ở Việt Nam. Sẽ phải bàn xem nhóm nào xuất hiện sớm nhất trong 5 nhóm người Bách Việt kể trên? Cương mục tiền biên của Lý Kim Tường chép rằng:“cổ sử Trung Hoa chép: ở đời Đường Nghiêu (2361-TCN), sứ giả Việt Thường Thị sang nhà Chu tiến một con rùa thần nghìn tuổi…”. Đồng thời, sử cổ Trung Hoa cũng chép:“người Việt ở Cửu Chân đã biết trồng lúa hai mùa”; lại chép tiếp ở đời Hán:“năm 123, đời Hán Anh Đế, lúa ở Cửu Chân rất tốt, 150 gốc lúa được những 768 bông.”. Các nhóm người Việt còn lại xuất hiện trong cổ sử Trung Hoa vào khoảng sau thời Xuân Thu. Như vậy Việt Thường là cái tên có sớm nhất trong 5 nhóm người Việt kể trên trong cổ sử Trung Hoa. Vậy Việt Thường thực chất ở đâu? Trong 15 bộ hình thành nhà nước Văn Lang, có một bộ tên là Việt Thường. Vùng phân khu của bộ Việt Thường ở dưới chân núi Hồng Lĩnh bao gồm phía nam tỉnh Nghệ An và bắc Hà Tĩnh ngày nay. Tức là “Vùng văn hoá Đông Sơn ở lưu vực sông Lam” theo chuyên môn của các nhà khảo cổ. Nó không hề là truyền thuyết như nhiều người nghĩ, mà trên thực tế địa danh có tên Việt Thường xuất hiện liên tục trong cổ sử Việt Nam và Trung Hoa, duy trì kéo dài hơn 3.000 năm cả trước và sau công nguyên, xuyên suốt thời kỳ tiền Đông Sơn - Đông Sơn, mãi đến thế kỷ thứ VI sau CN mới bị nhà Tiền Lê đổi thành Hoan Châu. Bấy lâu nay các nhà nghiên cứu Văn hóa – Lịch sử cứ đổ vấy cho lịch sử ghi chép không đúng. Qua bài viết của ông Bùi Xuân Đính tôi lại thấy ông nói về các di chỉ khảo cổ của vùng văn hóa người Việt ở lưu vực sông Lam sơ sài hơn các vùng khác, hình như ông thiếu cập nhật? Thưa ông, gần đây tôi có mua được hai cuốn sách: “Hà Tĩnh – đất văn vật Hồng Lam” của NVH Thái Kim Đỉnh và cuốn “Văn hóa tiền sử Việt Nam” của nhà khảo cổ học Bùi Vinh. Ngoài ra tôi cũng có đọc nhiều bài báo ngắn trên các trang điện tử khác nhau về kết quả khảo cổ ở Việt Nam. Tôi xin trích dẫn một số đoạn sau đây: Theo sách “Hà Tĩnh – đất văn vật Hồng Lam” của NVH Thái Kim Đỉnh: Tại hang Thẩm Ồm (Quỳ Châu – Nghệ An) , các nhà khảo cổ tìm thấy răng người vượn (homo erectus – người đứng thẳng) và nhiều xương thú hóa thạch. Ở làng Vạc (Nghĩa Đàn – Nghệ An), và Hương Sơn, Hương Khê, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đều tìm thấy dấu vết của người hiện đại (homo sapiens – người khôn ngoan); Theo sách “Văn hoá tiền sử Việt Nam” của Nhà khảo cổ học Bùi Vinh – Viện khảo cổ học – Viện KHXH Việt Nam: * Văn hoá Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu – Nghệ An): Ông Bùi Vinh chép: “Quỳnh Văn có thể có nhiều nguồn gốc hợp thành, nhưng trong đó kỹ nghệ Điều hiện lên như một nguồn hợp chủ yếu tạo nên văn hoá này. Như vậy, ngoài con đường Hoà Bình – Đa Bút, chúng ta lại phát hiện ra con đường đá mới hoá Điều – Quỳnh Văn và hơn nữa còn con đường phát triển nội tại trong các hang động Hoà Bình. So sánh giữa Quỳnh Văn và Đa Bút, ta thấy con đường đá mới hoá Đa Bút là quá trình “động”, cách tân từng bước và phát triển theo tuyến tính, thì Quỳnh Văn là con đường “tĩnh” bảo lưu truyền thống lâu dài, thích ứng tối đa với môi trường tự nhiên.” * Quỳnh Văn - Phái Nam (Thạch Hà – Hà Tĩnh): Bùi Vinh chép: “ Tài liệu khai quật năm 1963 – 1964, đã cho thấy Quỳnh Văn có đồ gốm đáy nhọn và mang những đặc điểm chất liệu, độ dày, màu sắc… của đồ gốm Phái Nam… đồ gốm Phái Nam giống với đồ gốm đáy nhọn đã biết ở bãi Phối Phối (Nghi Xuân), Cồn Lôi Mốt (Thạch Hà)”, Trại Ổi (Quỳnh Lưu). Đó là loại đồ đựng cò miệng thẳng đứng hoặc hơi loe, thân hình chữ U thắt vào đáy, dày, thô, có dấu hoa văn in đập ở hai mặt…” Về niên đại, Bùi Vinh chép: “Theo tác giả (Hà Văn Tấn 1969:189), văn hoá Bắc Sơn có thể cách ngày nay khoảng 10.000 – 8.000 năm. Như vậy văn hoá Quỳnh Văn ít nhất cũng đã tồn tại trước 8.000 năm cách ngày nay.” * Bãi Phôi Phối (Nghi Xuân – Hà Tĩnh): Bùi Vinh chép: “ đã có ý kiến chia địa điểm bãi Phôi Phối thành hai giai đoạn: giai đoạn sớm với số lượng ưu thế của đồ đá ghè đẽo và đồ gốm đáy nhọn; giai đoạn muộn với số lượng ưu thế đá mài và đồ gốm văn thừng. Hai giai đoạn này phát triển kế tiếp nhau…” * Hang Đồng Trương (Anh Sơn – Nghệ An): Bùi Vinh chép: “Hiện vật và di tích thu được trong hố khai quật gồm có đồ đá, đồ gốm, đất nung, đồ đồng, đồ sắt, đồ thuỷ tinh, thổ hoàng… xương răng động vật, dấu tích than tro bếp lửa và các mộ táng. Dựa vào đặc điểm loại hình và sự phân bổ của các di vật – di tích trong địa tầng có thể biết được chúng thuộc văn hoá của hai thời đại khác nhau…” Và Nhà KCH Bùi Vinh kết luận: “ Đồng Trương là một địa điểm khảo cổ học chứa di tồn văn hoá thuộc nhiều giai đoạn khác nhau, chủ yếu là hai nền văn hoá nổi tiếng nhất ở Việt Nam: Văn hoá Hoà Bình thời tiền sử và văn hoá Đông Sơn thời sơ sử. Vì vậy mà việc phát hiện ra địa điểm này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây là lần đầu tiên phát hiện được “một Hoà Bình sơ khởi” đi kèm với các mộ táng của nó có thể thuộc giai đoạn hậu kỳ đá cũ với niên đại rất cổ xưa từ 1 đến 1,2 vạn BP (năm TCN). Những tài liệu thu được từ giai đoạn văn hoá này thuộc về lịch sử văn hoá – con người lâu dài của mảnh đất Nghệ An. Việc phát hiện các di vật tiền Đông Sơn và Đông Sơn tại hang Đồng Trương mà niên đại ước đoán năm trong khoảng 2.300 – 3.000 BP, rõ ràng đã bổ sung cho nhận định: Lưu vực sông Lam là một trong ba trung tâm phát sinh và phát triển văn hoá của người Việt cổ thời các vua Hùng dựng nước.” Như vậy, kết luận trên đây của ông Bùi Vinh có vẻ mâu thuẫn với nhận định của ông Bùi Xuân Đính rằng: “Văn hóa Phùng Nguyên mang tính bản địa ở Bắc Bộ; được coi là “khúc mở đầu” cho các văn hóa Tiền Đông Sơn, tạo ra Phổ hệ Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn” ? Vậy Phùng Nguyên, hay sông Lam - sông Mã mới là khởi nguyên của văn hóa Đông Sơn? Trong bài viết của ông, nếu trước ông kết luận nhóm người Việt ở Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun chịu ảnh hưởng văn hóa Hán. Rồi ông đặt tên “người Việt (Kinh)” cho phổ hệ văn hóa Phùng Nguyên. Rồi sau thì ông lại kết luận “khúc mở đầu” của văn hóa Đông Sơn tại khu vực này. Nói như vậy chả nhẽ hóa ra văn hóa Đông Sơn là thứ văn hóa chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Hán à? Không đúng rồi thưa ông. Thư tịch cổ Trung Hoa cũng như kết quả khảo cổ của họ thể hiện người Hán xuất hiện sau người Việt, hơn ai hết ông biết rõ điều đó mà? Ông có thấy sự đặt tên đó mâu thuẫn với kết luận này: “Chủ nhân của VHĐS là người Việt Cổ - những cộng đồng đã sinh sống và khai thác ba dòng sông Hồng - Mã - Lam từ khá lâu và đến thời Đông Sơn đã lập ra nhà nước sơ khai Văn Lang - Âu Lạc (TL của Trịnh Sinh)”.? Tôi thấy, sự nối tiếp cuộc sống một cách liên tục không bị ngắt quãng ở hang Đồng Trương phải được coi là nơi xuất phát mới đúng? Vùng khởi nguyên, vùng có di chỉ tập trung và di chỉ có kỹ nghệ hoa văn là 3 khái niệm khác nhau. Ví dụ như những thứ văn hóa mà Hà Nội có hôm nay chắc gì đã xuất xứ tại Hà nội? Theo đó, nơi có kỹ nghệ hoa văn cao chắc chắn là nơi từng ở thời kỳ hoàng kim, nhưng chưa chắc lã là nơi khởi đầu? Sau khi đọc xong cuốn sách trên, nhận xét của tôi là di chỉ ở Nghệ Tĩnh có các đặc điểm nổi trội mà các vùng khác đã không có được: - Về mật độ di chỉ: Vùng khai quật rộng lớn gần như toàn tỉnh, kéo dài suốt từ Quỳnh Văn tới Phái Nam với chiều dài gần 200km. Mật độ các điểm khai quật gần nhau và trải đều khắp cả tỉnh, từ miền núi tới miền biển. - Về đặc điểm: Đủ mặt các loại hình văn hoá của các dòng văn hoá trên khắp Bắc miền Trung và miền Bắc Việt Nam như: Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Đa Bút, Cái Bèo, Đông Sơn, ngoài ra còn thêm sự góp mặt của văn hoá Sa Huỳnh. Hoa văn mang tính bảo thủ truyền thống (nhận xét này của Bùi Vinh) - Về niên đại: Gồm nhiều thời kỳ văn hoá duy trì nối tiếp liên tục, không bị gián đoạn như các vùng khác. Đa số các điểm khai quật đều nối tiếp liên tục hai dòng văn hoá Hoà Bình – Đông Sơn. Đặc biệt hang Đồng Trương thể hiện một cuộc sống lâu dài và liên tục không gián đoạn suốt từ thời kỳ hậu đá cũ, đá mới, tiền Đông sơn, Đông Sơn, hậu Đông Sơn… Ở Nghệ Tĩnh, các nhà khảo cổ còn tìm thấy cả xưởng chế tác đá, lò đúc đồng, lò luyện sắt trên vùng đất Việt Thường cũ. Đem so sánh ba trung tâm: Cái Bèo (Hạ Long), Đa Bút (Thanh Hoá – Ninh Bình) và Quỳnh Văn – Phái Nam ở Nghệ Tĩnh, thì Cái Bèo và Đa Bút đều thể hiện cuộc sống bị ngắt quãng, chỉ dừng lại ở văn hoá Hoà Bình, mà theo nhà KCH Bùi Vinh, thì do nước biển dâng. Riêng di chỉ ở Nghệ Tĩnh lại thể hiện sự duy trì một cuộc sống tập trung, lâu dài và liên tục suốt ±12.000 BP của loài người không hề gián đoạn, từ hậu kỳ đá cũ, sơ kỳ đá mới, đến sơ sử kim khí. Văn hoá Phùng Nguyên – Gò Mun – Đồng Đậu cũng không có được sự nối tiếp lâu dài này. Như vậy di chỉ đã chứng minh cho sự ghi chép đúng của cổ sử rằng “Kinh Dương Vương lập quốc đầu tiên dưới chân núi Hồng Lĩnh (2879 TCN). Độ chính xác về năm thì có thể tương đối, nhưng niên đại của di chỉ thì lại rất khớp. Như vậy cần phải kết luận: “Khúc mở đầu” là lưu vực sông Lam. Cũng như nhóm người Việt cổ ở vùng sông Lam mới là người Việt (Kinh). Tên gọi địa danh cùng di chỉ khảo cổ thể hiện rất rõ điều đó mà? Ông BXĐ viết: “Trong bốn tộc người trên, hai tộc Việt và Mường còn đậm dấu vết VHĐS nhất, thể hiện không chỉ ở tiếng nói, mà cả phong tục, tín ngưỡng, (nhất là tục và tín ngưỡng liên quan đến trống đồng), văn học dân gian.” Cần phải có một khảo cứu khác về văn hóa, xem xem những “phong tục tín ngưỡng liên quan đến trống đồng” có xuất hiện cùng thời với trống đồng tại một địa điểm hay không mới biết được? Trước mắt tôi có vài nhận xét: Về tiếng nói: thì chắc chắn giọng Bắc của cư dân vùng văn hóa Phùng Nguyên – Đồng Đậu – Gò Mun hiện nay là tiếng phổ thông mới (quốc ngữ). Trong khi tiếng Hà Tĩnh – Mường – Chứt lại có nhiều ngữ âm rất giống nhau, còn lưu giữ rất nhiều tiếng Việt cổ. Về truyền thuyết dân gian: Đa số các câu chuyện truyền thuyết của người Việt có xuất xứ từ các địa danh ở Nghệ Tĩnh, như Chử Đồng Tử tu tiên tại núi Quỳnh Viên Nam Giới; Sự tích trầu cau tại Nam Đàn, sự tích ba chàng nông dân gặp tiên trên núi Hồng Lĩnh; Cá gáy hoá rồng ở thác Vũ Môn, vv…Thậm chí, núi Thái Sơn của người Trung Hoa được cho là trung tâm Đạo giáo. Nhưng việc xuất hiện Bụt Quang tu tiên đắc đạo trên núi Quỳnh Viên Nam Giới ở Hà Tĩnh lại có lịch sử lâu đời hơn, từ thời Hùng Vương thứ III, thì cũng nên coi lại nguồn gốc dòng đạo này? Về nét văn hoá riêng: Rất tiếc là sau 1945, sự bài trừ mê tín dị đoan quá đà đã hủy diệt quá nhiều phong tục tục truyền thống ở Thanh – Nghệ - Tĩnh. Nhưng nếu xem cuốn “Làng cổ ở Hà Tĩnh”, sẽ gặp lại nhiều tập tục rất cổ xưa và rất riêng của người Việt, không hề có sự ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Ví dụ như tục thờ bình vôi; tục chạm rồng lên người và lên cửa nhà bếp; tục làm cỗ tế Thần Nông chỉ toàn các món chế tác từ gạo; tục đuổi ma đầu năm mới; Tục hát sắc bùa chúc tết; Tục để chó đá ngoài cửa đền thờ, khu lăng mộ giống người Mường, vv… Nhà KCH Bùi Vinh viết: Là một trong số di tích đa văn hoa cực hiếm hoi, lại nằm bên triền sông Lam, cạnh đường 7, nên Đồng Trương có đầy đủ những điều kiện thuận lợi để bảo tồn phục vụ cho công tác tham quan du lịch nhằm phát huy giá trị văn hóa lịch sử của địa phương và cả nước nói chung”. Theo tôi, hang Đồng Trương cần phải được đánh giá giá trị về mọi mặt để đi tới xác định là nơi cư ngự đầu tiên, đồng thời là nơi mộ phần chính thống của Việt Thủy Tổ! Quả là người Việt phúc phần lắm mới có được chứng cứ hùng hồn như thế, mà không phải dân tộc nào trên thế giới cũng có được điều đó. Cho nên, nếu Nghệ An – Hà Tĩnh mà họp bàn với nhau để nghĩ đến việc mở một tuyến du lịch với tên gọi “Tìm về Việt nguồn”, thì sẽ vô cùng đặc biệt không ở đâu bằng, gồm lăng mộ Việt Thủy Tổ, và hàng loạt điểm khai quật di chỉ khảo cổ, hàng loạt các đền thờ vua chúa, các anh hùng dân tộc, cũng như hàng loạt sự tích dân gian Việt Nam. Đi kèm với phát triển Ví Giặm, cần thiết phải sớm dựng lại hết các lễ hội truyền thống của các làng cổ. Đồng thời tôi cũng cho rằng, hai tỉnh Nghệ Tĩnh cần lập báo cáo khả thi để trình Chính phủ, đề nghị cần dành cho vùng đất Việt Thường xưa một chế độ đặc biệt về bảo tồn di tích. Bởi nơi đó mới là Nguyên Hồn Thần Tinh Bách Việt! Thưa các nhà nghiên cứu Văn hóa – Lịch sử - Khảo cổ học Việt Nam. Đã quá rõ ràng các chứng cứ để có thể nói rằng cần chấm dứt những bài viết có nội dung đại loại như “Người Việt cùng dòng máu người Hán”; hay “Người việt có nguồn gốc từ Trung Hoa” vv... Và tôi thấy cần có một sự hợp tác chặt chẽ giữa các ngành nghiên cứu Văn hóa – Lịch sử - Khảo cổ, để đi đến xây dựng một nền Văn minh văn hóa Việt Nam độc lập về bản sắc trong tương lai. Là một độc giả yêu văn hóa lịch sử Việt Nam, nhưng không có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu, tôi chỉ biết gửi gắm tâm nguyện này tới các vị. Kính mong các vị quan tâm và công tâm! *********** (Vài dòng gửi riêng ông Hà Văn Thùy tiếp theo dưới đây, quý vị có thể không cần đọc) Thưa ông Hà Văn Thùy. Tôi trộm nghĩ, đáng nhẽ ông không nên công bố bài viết “Thủy tổ người Việt thực chất ở đâu?” thì sẽ tốt hơn cho uy tín của ông. Bởi bài viết này thể hiện sự lẩm cẩm về lịch sử, sự tẩu hỏa về địa lý, sự ngộ nhận về sắc chủng, di chỉ khảo cổ và sự gán ghép tùy tiện các dữ liệu thông tin của các dòng văn hoá một cách vô căn cứ. Tôi có cảm tưởng rằng ông chỉ vì chút hiếu thắng mà viết lấy được? Đó là một hành động vô trách nhiệm với văn hoá dân tộc, thưa ông! Bài viết trước, tôi có hỏi ông căn cứ vào tư liệu nào để nói Kinh Dương Vương lập quốc tại núi Ngũ Lĩnh? Nhiều thắc mắc hơn hơn tôi trong chùm chủ đề tranh luận, ông Đỗ Kiên Cường có tới hai bài với tựa đề “Một nhận xét về thao tác trích dẫn của ông Tạ Đức” và “Bằng chứng đâu thưa ông Hà Văn Thùy?”. Tôi cũng đã nêu ý kiến rằng xin các ông đừng vội kết luận một cách thiếu căn cứ. Thiết nghĩ, trách nhiệm của người cầm bút là khi có thắc mắc thì phải có sự nhìn nhận. Ở đây tôi lại thấy ông không những không nhìn nhận lại chỗ thiếu sót được nêu, mà thậm chí còn vướng vào nặng nề hơn? Tôi không “đòi” ông, mà tôi chỉ hỏi ông về tư liệu làm căn cứ thôi. Bởi lịch sử không phải là thứ có thể hư cấu, mà “nói phải có sách” thưa ông. Nay ông viết lịch sử cứ như đúng rồi, mà rốt cuộc lại chẳng nêu được tên một tư liệu tham khảo nào cả, ngoài cuốn “Ngọc phả Hùng Vương” là cuốn đang bị nhiều nghi vấn tai tiếng? Tôi sẽ chứng minh cho ông thấy sự tào lao của ông về lịch sử và địa lý: Ông HVT viết: “Vào khoảng 4000 năm TCN, người Việt chiếm hơn 60% nhân số thế giới”. Rồi lại viết: “Rồi từ đây, người Việt mang cây lúa, cây kê, con gà, con chó làm nên văn hóa Giả Hồ 9000 năm trước, văn hóa Hà Mẫu Độ 7000 năm trước… Theo đà Bắc tiến, người Việt vượt Dương Tử lên lưu vực Hoàng Hà, xây dựng nền nông nghiệp trồng kê trên cao nguyên Hoàng Thổ” . Tư liệu nào khảo sát đưa ra con số này vậy thưa ông ? Ông định nghĩa như thế nào gọi là người Việt vậy? Ông cũng thừa nhận Kinh Dương Vương là cha đẻ của Lạc Long Quân đúng không? Ông cũng cho rằng thời điểm xuất hiện của Kinh Dương Vương năm 2879 TCN là hợp lý đúng không? Ông cũng thừa nhận Lạc Long Quân và Âu Cơ là cha mẹ của người Bách Việt đúng không? Vậy xin hỏi, nếu Kinh Dương Vương xuất hiện năm 2879 TCN, thì Lạc Long Quân và Âu Cơ tất yếu phải sinh ra sau thời kỳ này; Tất yếu trăm họ người Bách Việt cũng sinh ra sau thời kỳ này. Đúng không thưa ông? Vậy thì con số 9000, rồi 7000 năm TCN trên của ông nghĩa là làm sao nhỉ? Chẳng nhẽ lại là con sinh cha, cháu sinh ông ư? Ông HVT chép: “Khoảng năm 2698 TCN, do thua trận Trác Lộc, người Việt của Lạc Long Quân chạy xuống Việt Nam, lai giống với người Việt tại chỗ”. Lạc Long quân vốn là cha đẻ của trăm họ người Bách Việt, bỗng nhiên lại có thêm “người Việt tại chỗ”, vậy cha của “người Việt tại chỗ” là ai thưa ông? Ông HVT chép: “Vào nam Hoàng Hà, người Mông Cổ chiếm đất và dân Việt, lập vương triều Hoàng Đế. Họ cũng hòa huyết với người Việt, sinh ra người Hoa Hạ, được coi là tổ tiên người Trung Hoa. Nhận được ưu thế từ hai nền văn minh, người Hoa Hạ trở nên lớp người ưu tú của các vương triều Hoàng Đế, góp phần quan trọng làm nên thời Hoàng Kim của văn hóa phương Đông. Nhưng sau thời Chiến quốc, với sự bành trướng của nhà Tần, nhà Hán người Việt thì người Hoa Hạ bị đồng hóa, tan biến trong cộng đồng Việt đông đảo.” Ông HVT quả là người hài hước! Đế quốc Mông Cổ được thành lập năm 1206 bởi Thành Cát Tư Hãn. Cớ làm sao lại chiếm đất dân Việt được từ những “4000 năm TCN”? Ông HVT chép: “rằng trước tình thế nguy cấp sau trận Phản Tuyền, Đế Lai liên minh với Lạc Long Quân cùng chống giặc. Nhưng tại trận Trác Lộc năm 2698 TCN, quân Việt thất bại. Đế Lai tử trận, (sau này vì căm hờn Đế Lai, người Hoa Hạ gọi ông là Si Vưu với nghĩa xấu)” Ha ha ha… Trăm năm trong cõi người ta Làm cho khốc hại … có ba bảy đường! Tôi cũng ít nhiều có đọc qua về Truyền thuyết Trung Hoa, nhưng nội dung sao nó lại chẳng giống như ông nêu nhỉ? Đại loại lịch sử các nhân vật và địa danh ông nêu tên trong bài viết tôi thấy như sau: Phục Hy: xuất hiện vào khoảng năm 2852 – 2737 TCN, tại Thành Kỷ (Cam Túc). Đóng đô tại đất Trần Uyển Khâu, nay thuộc đất Hoài Dương, Hà Nam, Trung Quốc. Là vị vua xuất hiện sớm nhất trong lịch sử Trung Hoa, được cho là người phát minh ra chữ viết, nghề đánh bắt cá, và bẫy thú. Theo truyền thuyết Trung Hoa, Phục Hy là tác giả của Hà Đồ - Lạc Thư ? (Tôi đặt dấu hỏi, vì cổ sử Trung Hoa có đề cập tới sự kiện người Việt Thường cống quy lịch năm 2631 TCN ở đời Đường Nghiêu). Xét về vùng địa danh xuất thân của Phục Hy, thì có lẽ vị vua này là vị thủy tổ của người Thương – Chu? Viêm Đế: Thủ lĩnh bộ tộc người Hoa (2737 - 2698 TCN). Vùng cư trú tại khu vực Hoàng Thổ Cao Nguyên và Hành Lang Hà Tây, thuộc Tây Bắc Trung Quốc ngày nay. Viêm Đế sinh Đế Đồi, Đồi sinh Đế Thừa, Thừa sinh Đế Minh, Minh sinh Đế Trực, Trực sinh Đế Ly, Ly sinh Đế Ai, Ai sinh Đế Khắc, Khắc sinh Đế Du, với 8 đời này tổng cộng kéo dài 530 năm thì Hiên Viên thị mới nổi lên. Hiên Viên Hoàng Đế: Thủ lĩnh bộ lạc Thiển Điểu (tức người Hạ 2697-2598 TCN). Vùng cư trú tại khu vực nam Tấn Quan Trung, thuộc miền Tây Bắc Trung Quốc ngày nay. Ông HVT viết. : “Truyền thuyết Trung Hoa nói Hoàng Đế và Viêm Đế là hai thị tộc anh em, lúc đầu Viêm Đế đứng chủ Sau đó Hoàng Đế mạnh lên, đánh thắng Viêm Đế ở Phản Tuyền, chiếm ngôi thống soái …” Hoàng Đế chỉ bằng tuổi hậu duệ đời thứ 8 của Viêm Đế, thì làm sao mà có đánh nhau giữa Viêm Đế với Hoàng Đế nhỉ? Chỉ có cuộc chiến tranh giữa người Hoa và người Hạ thôi, thưa ông. Xi Vưu: Thủ lĩnh bộ tộc Cửu Lê. Vùng cư trú tại lưu vực sông Hán và nam sông Hoài, Trác Lộc, thuộc đất Sơn Tây, Trung quốc ngày nay. Cửu Lê là bộ tộc chuyên đi đánh cướp các bộ tộc khác. Xi Vưu có nghĩa là chiến tranh, nhưng đã bị bại vong bởi Hiên Viên. Hoa Hạ: Khoảng vào năm 2700 TCN, thủ lĩnh Hạ tộc là Hoàng Đế đông tiến, chiến thắng thủ lĩnh của Hoa tộc và liên minh Hoa – Hạ thành một bộ tộc chung gọi là Hoa Hạ. Sau đó, Hoàng Đế lần lượt đánh bại tộc Cửu Lê, Tạng Miến, Thổ Hỏa La, Đông Di, Thông Cổ Tư, Tây Giới, Chúc Dung Thị, chiếm cả Trung Nguyên, làm thủ lĩnh gần hết cả một vùng Bình Nguyên rộng lớn. Thừa thắng, Hoàng Đế tiếp tục đánh chiếm bộ lạc Hung Nô, Tiên Bi, là những bộ lạc bán khai thuộc đất Mông Cổ ngày nay. Nhà Chu: (1122 TCN–249 TCN). Khởi nguồn ở sông Vị, phía tây nền văn minh Thương. Tổ tiên bộ tộc Chu khởi nghiệp từ đất Thai, tây Vũ Công, thuộc đất Thiểm Tây, Trung Quốc ngày nay. Kinh đô đầu tiên của nhà Chu là Lạc Dương. Vào thời hoàng kim, hầu như toàn bộ các nước từ bờ nam sông Hoàng Hà đến bờ Bắc sông Dương Tử đều là chư hầu của nhà Chu. Riêng Việt Thường Thị (tức Lạc Việt), khi cử sứ giả (1110-TCN) sang Chu để học hỏi về kinh nghiệm trồng ngũ cốc, vua Chu đã từ chối lễ vật vì cho rằng “không phải nước chư hầu – (sách Tư Mã Thiên sử ký)”. Núi Thái Sơn: Tên cổ là Đại Sơn, đến thời Tần Thuỷ Hoàng Đế (không phải thời Hiên Viên Hoàng Đế), năm 247 TCN mới đổi gọi là Thái Sơn. Dãy núi này có đỉnh Thiên Trụ (cột chống trời) cao 1545m so với mặt nước biển. Là nơi Tần Thuỷ Hoàng chọn để làm lễ tế trời. Xét về vị trí địa lý, núi Thái Sơn thuộc tỉnh Sơn Đông, trên đất Tề khi xưa. Mà bài trước thì ông chép là Kinh Dương Vương lập quốc ở núi Ngũ Lĩnh, bài này ông lại bảo quê cha ở núi Thái Sơn? Hai núi này cách xa nhau mấy những ngàn dặm đường chim bay đấy thưa ông ? Ông hiểu như thế nào là “nước trong nguồn” nhỉ? Chữ “thái” ( 太) trong tiếng Hán, hay Nôm, đều vừa mang ý nghĩa to lớn, vừa là từ chỉ bậc chí tôn. “núi thái sơn – nước trong nguồn” trong câu ca dao Việt Nam không viết hoa, nghĩa là không phải tên địa danh, đó chỉ là lối ví von công cha cao dày như núi, nghĩa mẹ dài lâu như nước nguồn chẳng bao giờ vơi, không liên quan gì đến địa danh núi Thái Sơn của nước Tề cả. Trung Nguyên cổ đại: hay còn gọi là Bình nguyên Hoa Bắc. Là vùng đồng bằng châu thổ dọc theo hai mạn sông Hoàng Hà. Sông này chảy cắt ngang Bình Nguyên. Hai bên bờ sông Hoàng Hà, cơ bản là đất thủy tổ của các dân tộc và lãnh thổ cai trị của các dân tộc và thủ lĩnh Trung Hoa huyền thoại kể tên trên. Nước Ba Thục: Gồm hai bộ tộc Ba và Thục, bị Tần đánh bại và hợp vào thành Ba Thục chư hầu vào năm 316 TCN. Ba: là một quốc gia liên minh bộ lạc có nguồn gốc từ phía tây Hồ Bắc, về sau phát triển ra phía đông bồn địa Tứ Xuyên, phía tây Hồ Nam, đông nam Thiểm Tây; Còn Thục: là một quốc gia cổ ở vùng Tứ Xuyên, Trung Quốc. Xuất phát quyền lực của nước Thục là đồng bằng Thành Đô, với lãnh thổ chủ yếu nằm ở vùng Trung và Tây bồn địa Tứ Xuyên, cũng như vùng thượng thung lũng sông Hán Thủy. Dân tộc chủ yếu ở Thục là người Khương. Xin hỏi, chẳng hay sách nào ông Hà Văn Thuỳ đọc được nước Ba Thục “gồm vùng Ba Thục qua Thái Lan và Miến Điện.” hay vậy? Ông HVT chép: “Ta có thể hình dung, chỉ hình dung thôi vì không bao giờ tìm ra chứng cứ xác thực, rằng trước tình thế nguy cấp sau trận Phản Tuyền, Đế Lai liên minh với Lạc Long Quân cùng chống giặc. Nhưng tại trận Trác Lộc năm 2698 TCN, quân Việt thất bại. Đế Lai tử trận, (sau này vì căm hờn Đế Lai, người Hoa Hạ gọi ông là Si Vưu với nghĩa xấu), Lạc Long Quân dẫn đoàn quân dân vùng Núi Thái-Trong Nguồn dùng thuyền xuôi Hoàng Hà ra biển, đổ bộ vào Rào Rum-Ngàn Hống xứ Nghệ.” Thưa ông Hà Văn Thuỳ. Lịch sử mà ông lại bảo là “chỉ hình dung không thôi”, nhưng rồi sau đó lại kết luận cội nguồn dân tộc từ những trích quái và sự hình dung tưởng tượng là sao? Đoạn như trên đây mà ông đang tâm viết được ư ? Bàn về tư liệu duy nhất mà ông có thể nêu tên trong bài viết là “Ngọc phả Hùng Vương”. Nhân đây tôi cũng đề nghị các nhà lịch sử nên cho kiểm định lại cuốn sách này. Bởi ngoài sự phi lý về tuổi thọ của các vua Hùng, nội dung còn chứng tỏ tác giả không thuộc lịch sử, chẳng tường địa lý?! Sách này chép: “Vua Kinh Dương Vương vâng ngọc chỉ phụng mệnh trời về núi Nam Miên Sơn lập đô ở phía Hoan Châu thuộc Nghệ An xứ”. Xin thưa với tác giả (quá cố hay chưa quá cố?) và cả người dịch, vùng đất Nghệ Tĩnh ở thời Hùng Vương tên là Việt Thường Thị, có chữ “thị” đính kèm sau thì đồng nghĩa đó là một nhà nước! Tới đời tiền Lê mới đổi thành Hoan Châu, sang đời Lý Thánh Tông đổi là Nghệ An. Cho nên “Ngọc phả cổ truyền” gì mà lùi lịch sử cái tên Hoan Châu dễ đến gần 3000 năm làm vậy?! Hay như đoạn ông Hà Văn Thuỳ trích dẫn: “Đoàn người từ biển vào. Họ rất hiền lành tốt bụng, đã giúp dân nhiều việc tốt. Dân bầu người giỏi nhất trong số họ làm vua, hiệu là Hùng Vương, lúc đầu đóng đô ở Rào Rum-Ngàn Hống, sau chuyển lên vùng Ao Việt.” “Rào Rum-Ngàn Hống” là tên Nôm, chứ không phải tên cổ của sông Lam – núi Hồng. Tên cổ của sông Lam thời Hùng Vương theo sách “Nghệ An đất phát nhân tài” là Thanh Long; Tên cổ của núi Hồng Lĩnh thời Hùng Vương là Hồng Lĩnh. Nhân tiện tôi cũng xin thảo luận với ông về Thần Nông là ai? Người Việt Nam thường phao tin rằng Viêm Đế là Thần Nông? Riêng ông Hà Văn Thuỳ thì nảy nòi ra hai ông “Thần Nông Bắc”, “Thần Nông Nam”? Ông HVT đặt câu hỏi: “Chỉ là tổ của người Việt với lãnh thổ từ Bắc Bộ tới miền Trung mà sao lại có đền thờ Kinh Dương Vương trên Ngũ Lĩnh?” Thưa ông. Tôi đã tới đất Kinh Châu và đã leo lên tới đỉnh của núi Ngũ Lĩnh rồi. Xin khẳng định không có đền thờ Kinh Dương Vương nào trên mấy chỏm núi này cả, thưa ông! Ngũ Lĩnh là một chỏm núi con con có 5 đỉnh, có lẽ tương đương Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng, nằm ở trung tâm TP Quảng Châu. Ở đây, chẳng ai biết tí gì về Kinh Dương Vương và những câu chuyện trong “Lĩnh Nam trích quái” của Việt Thường Thị cả đâu, chứ đừng nói chuyện đền thờ. Trên núi có đền thờ “Ngũ cốc tiên đế“ với sự tích 5 ông tiên từ trên trời bay xuống ngụ trên 5 ngọn núi và đem 5 loại hạt ngũ cốc ban phát cho dân để trồng trọt. 5 vị tiên đó tương ứng với Ngũ đế của Trung Quốc cổ đại gồm : Viêm Đế, Hiên Viên Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Nghiêu, Đế Thuấn. Nghĩa là Trung quốc không chỉ có mỗi một Thần Nông là Viêm Đế, mà tới 5 Thần Nông, mỗi vị quản một loại hạt trong 5 thứ gọi là ngũ cốc. Nhưng khi tôi hỏi người hướng dẫn viên ngũ cốc là những loại nào? Thì được người này trả lời: “Theo ghi chép trong Kinh Lễ thì ngũ cốc gồm: ma (hạt gai dầu), thử (kê), tắc (ngô), mạch (lúa mì), thục (đậu tương)”, nghĩa là trong ngũ cốc mà người Trung Quốc thờ phụng không có hạt lúa! Chuyện người Việt là con cháu Viêm Đế, chỉ là sự xảo trá của người Hán và sự lừa bịp nhau của một số người Việt. Bọn họ bịa ra để hòng quy phục người Việt với tham vọng bành trướng. Ông Hà Văn Thuỳ nhẹ dạ thì tin, chứ tôi thì không dễ tin đâu. Người Hán và người Việt không cùng dòng máu. Và cho đến nay, khi mà đã có sự trùng khớp của di chỉ khảo cổ với ghi chép của lịch sử. Người Việt hãy tự tin rằng người Việt đang sống trên quê cha đất tổ của chính mình! Thưa ông Hà Văn Thùy. Nhà nghiên cứu chân chính, luôn luôn có ý thức bảo tồn và trân trọng hơn vàng các tư liệu văn hóa, lịch sử, di chỉ khảo cổ. Họ sẵn sàng mất mạng để bảo vệ tính chính xác của tư liệu, chứ không thể xài xể, hư cấu tuỳ tiện được. Ông thấy đấy, sau bài “Văn hóa Đông Sơn và nguồn gốc người Việt” của ông Bùi Xuân Đính, thì bài viết “Thủy tổ người Việt thực chất ở đâu?” của ông Hà Văn Thùy bị vô hiệu hóa về mặt giá trị khảo cứu. Vậy là hệ quả của sự viết thiếu căn cứ như thế nào, ông thấy ngay rồi phải không ? Ông có nghĩ là phải rút kinh nghiệm gì không? Tôi thì nghĩ, dù là nhà nghiên cứu hay chỉ là một độc giả bình thường, trên cổ cũng là một cái đầu biết đánh giá thưa ông… Kính chúc ông mạnh khoẻ và sáng suốt! Ngày, 9/8/2014 ================================ Chán nhỉ!