Ngôn ngữ Việt:
Vì sao gọi "Thời tiết", "Khí hậu" là...Thời tiết, Khí hậu?
TTNC Lý Học Đông Phương
Bài nghiên cứu của
Thiên Đồng BÙI ANH TUẤN
Có lẽ chưa ai hay ít người đặt câu hỏi thắc mắc như vậy.
Trong ngôn ngữ Việt, nếu truy nguyên từng từ sẽ thú vị khi nhận ra sự thâm sâu của từng khái niệm.
Nếu chiết tự theo kiểu "mot à mot", trực nghĩa, thì có lẽ sẽ chẳng thấy được cái lý do. Vì vậy phải quay trở về tìm trong vốn tri thức cổ xưa với học thuyết Âm dương ngũ hành thuộc nền văn hiến Việt thì mới nhận ra sự uyên áo.
Lục tiết tạng tượng luận viết: "5 nhật gọi là 1 hậu, 3 hậu là 1 khí, 6 khí là 1 thời, 4 thời là 1 tuế..."
VẬN HẬU Tháng hai. Tiết Kinh Trập (sâu nở) - Sơ hậu: Cây đào bắt đầu tươi. - Nhị hậu: Chim vàng anh bắt đầu hót. - Tam hậu: Diều hâu bay lượn giống như chim cưu.
Khái niệm về thời gian được nền tảng tri thức cổ phân chia một cách khoa học theo từng giai đoạn, nói theo ngôn ngữ thời nay là phân chia theo từng tập hợp. Một tập hợp được cấu thành bởi nhiều phần tử, và mỗi tập hợp lại là phần tử của tập hợp lớn hơn nó.
Do vậy nếu xem Nhật (ngày) là phần tử thì Hậu là tâp hợp của 5 phần tử là Nhật. Tiếp tục, tập hợp lớn hơn Hậu là Khí, 3 phần tử Hậu thì thành 1 Khí, cứ như thế sự phân chia về tập hợp thời gian lớn mãi đến khái niệm quy định kế thừa lớn nhất.
Tuy vậy, khái niệm Hậu, Khí, Thời, Tuế..không chỉ đơn giản là những khái niệm chỉ sự quy ước thời gian mà hơn nữa đây là những khái niệm cơ sở cho việc diễn tả quy luật vận hành của không gian - thời gian mang tính chu kỳ, có quy luật. Vì vậy khái niệm "Khí hậu" và "Thời tiết" rõ ràng là những danh tự của khái niệm quy ước định chỉ về từng đơn vị không thời gian với sự vận động mang tính quy luật, thuộc nền tảng tri thức cổ Đông phương.
Một Khí ( hoặc Tiết, gọi chung là Tiết Khí) gồm 3 Hậu, một Hậu là năm Nhật (ngày), như vậy một tháng (Nguyệt) có hai Khí. Để phân biệt khí trước và sau của một Nguyệt, người xưa lại quy định
Khí đầu của Nguyệt gọi là Tiết Khí:Lập xuân, Xuân Phân; Lập Hạ, Hạ chí; Lập thu, Thu Phân; Lập Đông, Đông Chí. Khí sau của Nguyệt gọi là Trung khí: Vũ Thủy, Cốc Vũ, Bạch Lộ, Hàn Lộ, Sương Giáng, Tiểu Tuyết, Đại Tuyết.
Một Thời do gồm 06 Khí, như vậy là 03 tháng, tức là 01 Quý, tức là 01 mùa theo dân gian gọi. Cho nên "Tứ thời nhất tuế", nghĩa là 4 Quý thì đủ 01 năm.
Do vậy, 1 Hậu gồm có 5 Nhật, vì sao 5 nhật? Bởi sự phân chia chu niên, chu nhật lớn nhỏ khác nhau để diễn tả sự vận động diễn biến của không gian, thời gian, vũ trụ, nên Nhật (mặt trời) vận hành 01 độ Thiên thì gọi là 01 Nhật (01 ngày); 01 Nhật lại có 12 Thời Thần (nói như ngày nay là Giờ), mà 5 Nhật tức là 60 Thời Thần, trọn một 60 hoa giáp (**). Đây là hoa giáp của Nhật, là hoa giáp đơn vị nhỏ nhất so với hoa giáp của Tuế là 60 năm.
Về mặt cấu trúc tự vị, hai danh từ "Thời tiết", "Khí hậu" cũng được cấu trúc lý Âm Dương. Theo lý Âm Dương thì "Dương trước âm sau" và "Dương to âm nhỏ", Thời và Khí là trong khái niệm dương, do Thời là tập hợp lớn chứa sáu Khí, tức sáu tiết; cũng vậy, Khí là tập hợp lớn chứa 3 phần tử Hậu, vì vậy, Khí ( Tiết) là Âm của Thời; Hậu là âm của Khí. Thời là dương nên đứng trước Tiết, Khí là dương nên đứng trước Hậu.
Mặt khác một sự thống nhất từ khái niệm đến hình thức phát âm, tức khẩu hình, thì, khi phát âm Thời thì khẩu hình có xu hướng mở rộng và bật hơi, còn Tiết có xu hướng của khẩu hình nhỏ và khí nhẹ, giữ yên khẩu hình. Cũng như vậy, Khí, khi phát âm có khẩu hình mở; và Hậu, có khẩu hình ngậm lại. Tất cả phù hợp với lý "Dương to âm nhỏ".
Như vậy, "Khí Hậu" và "Thời Tiết" là hai danh tự, hai khái niệm định chỉ sự phân chia giai đoạn thời gian và định chỉ sự vận hành của không - thời gian, vũ trụ mang tính quy luật, do vậy nó hàm chứa khả năng tiên tri.
Thiên Đồng Bùi Anh Tuấn
viết 06/5/2016
==================== (**) muốn biết như thế nào gọi là Hoa Giáp, xin tham khỏa sách "Thời Hùng Vương và bí ẩn Lục Thập Hoa Giáp" tác giả Nguyễn Vũ Tuấn Anh (Thiên Sứ).