Cháu xin mạn phép viết vài lời.
Cháu nghĩ rằng vạn vật tuy vô cùng, nhưng đều bao hàm trong Bát Quái. Ví dụ như vật có miệng là quẻ Đoài, sách vở là quẻ Khôn. Một hôm cháu tự dưng suy nghĩ linh tinh rồi thắc mắc " Con người là quẻ gì?". Con chó là quẻ Cấn, ngựa là quẻ Càn, vậy thì con người là quẻ gì?
Cháu nghĩ mãi, một hôm nghe lại câu cũ rích " Con người là tiểu vũ trụ". Vũ trụ chứa trong nó sự biến dịch của bát quái, vậy có lẽ con người cũng là 1 thực thể bao hàm cả bát quái bên trong nó.
Mỗi quẻ lại có 1 thuộc tính, bát quái có 5 thuộc tính là ngũ hành. Hỏa chủ về Lễ, Mộc chủ về Nhân, Thổ chủ về Tín, Thủy chủ về Trí, Kim chủ về Nghĩa.
Tĩnh là gì? Có lẽ chính là sự hài hòa của bát quái dựa trên sự tu dưỡng, vừa đủ của ngũ hành. Càn cương kiện, Đoài vui vẻ, Ly đẹp đẽ, Chấn thăng hoa, Tốn thuận, Khảm là cái trí ( Trong như nước, mềm mại như nước, nhu hòa như nước), an định như Cấn, điềm đạm như Khôn. Những điều ấy muốn đạt được phải dựa trên sự rèn luyện, bổ xung, giảm bớt ngũ hành. Trí quá hóa xỏa, nên Trí (Thủy) phải được dùng vào việc Nhân ( Mộc), dùng Tín ( Thổ) tự xét mình, xây dựng trên nền tảng của Nghĩa ( Kim).
Nếu không dựa trên hài hòa của ngũ hành, thì Đoài sẽ thành thị phi chứ không còn là vui vẻ, Tốn sẽ thành nghi ngờ chữ chẳng phải thuận theo, Ly sẽ là hư tâm chứ chẳng phải đẹp đẽ, Cấn là trì trệ chứ nào phải an định.
Cá tính mỗi người chịu ảnh hưởng của ngũ hành và bát quái, nhưng mỗi quẻ, mỗi hành lại mạnh yếu khác nhau? Người học Dịch trước hết phải tự mình hiểu sự bất toàn của mình, lấy lý ngũ hành bát quái mà tu dưỡng bản thân, lại mượn thêm khí của vạn vật mà theo Đạo.
Lại nói về Đạo? Đạo phải chăng có hình là quẻ Ly. Ly là lửa, là cái khởi nguồn cho văn minh nhân loại. Ly là mặt trời, là cái nuôi dưỡng vạn vật sinh sôi. Tại sao Phật dạy chữ Không? Phải chăng cũng là hình quẻ Ly. Tại sao Lão Tử nói, cái rỗng không ấy chính là đạo? Tại sao Chúa Giê su dạy về lòng bác ái, phải chăng là Ly soi sáng vạn vật?
Từ đó suy ngẫm rằng, lửa chỉ cháy được trong hư không, muốn hướng đến đạo, phải có cái gốc của lòng Nhân (mộc) và dưỡng tâm mình trong cái Không huyền diệu. Ai nói tu Đạo mà lòng Nhân không đủ, cuối cùng lửa cũng tắt. Nhưng lòng Nhân phải dựa trên Trí ( Thủy).
Cháu từng gặp 2 người cùng có quẻ biến của quẻ cuộc đời là Trung Phù, nhưng 1 người xảo trá, 1 người lại rất giỏi Mật tông, tâm rất tốt. Trung Phù là quẻ Đại Ly.Ly vừa là đạo, nhưng không cẩn thận cũng lại là hư tâm.
--------------------
Bát quái huyền diệu. Cháu lại nhớ câu chuyện của Kim Dung, có những vị cao tăng của Thiếu Lâm Tự, vì mải mê nghiên cứu võ học, quên mất cái gốc Phật Pháp mà mang họa vào thân. Liên tưởng đến Kinh Dịch, Dịch vừa có thể dự đoán, nhưng ý nghĩa trước tiên của Dịch là dùng cái lý của trời đất, mượn đó mà tu thân. Cũng như những cao tăng Thiếu Lâm, người học Dịch nếu để cái tâm quẩn vào trong khả năng dự đoán của nó, mà không dưỡng rèn Tâm, thì hỏng mất. Cháu có quen 1 anh, giỏi Dịch lắm mà bây giờ bán nước mía đá.
Cái Nghiệp mà ta thường nói về những người dùng Dịch để hành nghề xem bói, hay là chuyện tiết lộ thiên cơ tội nặng lắm. theo cháu nghĩ, một phần cũng là do không chịu dùng lý của Dịch mà tu thân, lại ham hố cái lợi, danh, không thì tự coi mình là cao, không thì nuôi tham vọng khai thông những bế tắc xưa nay trong Dịch.
Cách vật ( hiểu rõ sự vật) - Trí tri - Chính tâm - Thành ý - Tu thân - Tề gia - Trị quốc - Bình thiên hạ.
----------------------
Những dòng này chỉ là suy nghĩ của riêng cháu. Ở diễn đàn, cháu tuy mới biết nhưng rất kính trọng cụ Hà Uyên.
Cháu chúc các anh chị và cô chú trên diễn đàn mạnh khỏe. Kính mong cụ Hà Uyên có những nghiên cứu mới thật hay.
Cháu chào cả nhà.