Vietnamnet.vn
Núi lửa Iceland có thể gây họa cho cả thế giới
Khi một ngọn núi lửa tại Iceland hoạt động vào năm 1783, nhiều người tại Anh đã chết vì khí độc, mùa màng tại châu Âu thất bát khiến nạn đói lan rộng và nhiệt độ tại Mỹ xuống tới mức thấp kỷ lục.
Những cột dung nham và tro bụi vọt lên từ núi lửa Eyjafjallajokull ở phía nam Iceland hôm 22/3 sau khi mặt đất rung chuyển bởi nhiều cơn địa chấn nhẹ. Thực tế đó khiến nhiều người lo ngại núi lửa Katla gần đó cũng sẽ bị đánh thức.
Theo AP, núi lửa Eyjafjallajokull đã ngủ yên gần 200 năm rồi đột ngột tỉnh giấc vào ngày 20/3 khiến ít nhất 500 người phải sơ tán. Đa số họ đã trở về nhà, song giới chức đang chờ đợi các đánh giá khoa học để xem họ có nên tiếp tục sơ tán dân hay không. Người dân ở 14 nông trại gần núi lửa nhất được cảnh báo không nên về nhà.
Giới khoa học cho biết, lịch sử từng chứng minh khi núi lửa Eyjafjallajokull phun trào, núi lửa Katla gần đó cũng sẽ hoạt động. Do nằm gần khối băng khổng lồ Myrdalsjokull, núi lửa Katla có thể gây nên lũ lụt diện rộng và những tiếng nổ long trời khi nó hoạt động.
Iceland nằm trên vành đai núi lửa Đại Tây Dương. Trong lịch sử người dân Iceland từng chứng kiến nhiều trận núi lửa dữ dội. Núi lửa thường phun trào bởi hoạt động địa chất khi các mảng địa kiến tạo di chuyển và đá nóng chảy từ dưới lòng đất trào lên bề mặt.
Giống như động đất, dự đoán chính xác thời gian núi lửa phun trào là việc bất khả thi. Tuy nhiên, nếu núi lửa Katla phun trào thì nó sẽ gây nên nhiều hậu quả khó lường đối với Iceland và nhiều quốc gia khác.
AP cho biết, núi lửa Latki từng phun trào vào năm 1783. Lượng khí khổng lồ mà nó phun ra biến thành sương. Lớp sương này theo các khối khí lên tầng bình lưu và làm thay đổi thời tiết. Nhiều người đã thiệt mạng vì ngộ độc khí tại Anh. Sản lượng lương thực giảm mạnh ở Tây Âu khiến nạn đói lan rộng. Một số học giả còn cho rằng nạn đói sau sự phun trào của núi lửa Latki là một trong những nguyên nhân dẫn tới cách mạng Pháp vào năm 1787.
Mùa đông năm 1784 cũng là một trong những mùa đông dài và lạnh nhất trong lịch sử Bắc Mỹ. Nhiều tài liệu ghi nhận nhiệt độ ở vùng New England, Mỹ xuống dưới mức âm, trong khi bang New Jersey, Mỹ có lớp tuyết dày kỷ lục. Sông Mississippi cũng đóng băng trong địa phận thành phố New Orleans.
Colin Macpherson, một nhà địa chất của Đại học Durham tại Anh, khẳng định những sự kiện trên giống như nhiều bộ phim Hollywood song hoàng toàn có thể xảy ra nếu núi lửa Latki hoạt động.
Có ba nơi mà núi lửa thường xuất hiện: dọc theo những đường đứt gãy địa chất, dọc theo những khu vực mà các mảng kiến tạo trượt qua nhau và tại những nơi mà hai mảng kiến tạo dịch chuyển xa nhau. Iceland nằm trên vị trí thuộc loại thứ ba.
Khi những ngọn núi lửa thuộc Vành đai địa chấn Thái Bình Dương phun trào, dung nham bên dưới tràn lên từ từ nên các nhà khoa học có thể dự đoán trước thời gian núi lửa phun trào. Nhưng các núi lửa tại Iceland hoạt động khác hẳn, bởi đá nóng chảy dưới lòng đất vọt lên từ băng nên núi lửa phun trào rất nhanh và các nhà khoa học không thể dự báo.
Magnus Tumi Gudmundsson, một nhà địa chất của Đại học Iceland, nói những lần phun trào trước đây của núi lửa Katla từng gây nên những trận lũ có quy mô tương đương diện tích của rừng Amazon. Nó cũng đẩy những hòn đá to bằng ngôi nhà xuống các thung lũng và đường xá. Lần phun trào gần nhất của núi lửa Katla xảy ra vào năm 1918. Chỉ khoảng một giờ sau các cơn lũ xuất hiện.
Những đợt phun trào của Katla là hiểm họa đối với người dân sống gần đó. May mắn thay, đa số dân Iceland – khoảng 320.000 người – sống ở thủ đô Reykjavik và khu vực phía tây.
Vùng phía nam Iceland có mật độ dân cư thấp nhưng lại có cả các sông băng và những núi lửa không ổn định. Đây là một sự kết hợp đáng sợ.
Lần cuối cùng một núi lửa cách sông băng Eyjafjallajokull phun trào xảy ra vào năm 1821. Núi lửa đó đã hoạt động liên tục trong suốt hai năm.