-
Số nội dung
105 -
Tham gia
-
Lần đăng nhập cuối
Content Type
Hồ sơ
Forums
Calendar
Everything posted by Chipbee cherries
-
“Đưa tên lửa tới đảo Phú Lâm, TQ “thổi bùng căng thẳng Biển Đông” 17/02/2016 14:57 GMT+7 TTO - Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin lên án việc Trung Quốc đưa tên lửa tới đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam “sẽ thổi bùng căng thẳng trên biển Đông”. Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy tên lửa Trung Quốc trên đảo Phú Lâm - Ảnh: Fox News Ngày 17-2, đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, Mỹ, chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa biển Đông khi triển khai tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo Reuters, trong cuộc họp báo ở Tokyo (Nhật), đô đốc Harris mô tả hành vi này là sự quân sự hóa biển Đông theo cách mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng cam kết là sẽ không thực hiện. “Đây rõ ràng là hành vi quân sự hóa” - ông Harris nhấn mạnh. Sau hãng tin Mỹ Fox News, chính quyền Đài Loan cũng xác nhận đã phát hiện quân đội Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm. Fox News mô tả đây là hai hệ thống tên lửa HQ-9 có tầm bắn khoảng 200 km, đe dọa tất cả các loại máy bay quân sự và dân sự. Đại diện Đài Loan kêu gọi: "Các bên có liên quan cần hợp tác để duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông, kiềm chế không thực hiện các hành vi đơn phương có thể làm leo thang căng thẳng". Trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngang ngược tuyên bố nước này “triển khai vũ khí quốc phòng cần thiết trên lãnh thổ đất nước”. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin lên án việc đưa tên lửa tới đảo Phú Lâm “sẽ thổi bùng căng thẳng trên biển Đông”. Báo New York Times dẫn lời nhà phân tích Thomas Berger của ĐH Boston nhận định với hành động này, Trung Quốc chủ trương khiêu khích Việt Nam và Philippines. Chuyên gia Mira Rapp-Hooper thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới cho rằng đây là động thái phản ứng của Trung Quốc đối với các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải của Mỹ trên biển Đông. Báo Guardian dẫn lời một số nhà quan sát bình luận nhiều khả năng Trung Quốc cũng muốn thử phản ứng của cộng đồng quốc tế để chuẩn bị cho bước quân sự hóa các đảo nhân tạo bất hợp pháp trên biển Đông, thậm chí lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại vùng biển Đông Nam Á. Chuyên gia Euan Graham của Viện Lowy (Úc) đánh giá việc Trung Quốc đưa tên lửa tới đảo Phú Lâm cùng thời điểm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN diễn ra ở California cho thấy Bắc Kinh muốn cảnh báo các nhà lãnh đạo ASEAN không nên quá thân cận với Mỹ. Đó cũng là chiêu thử tâm lý Ngoại trưởng Úc Julie Bishop khi bà đến Bắc Kinh gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm nay. Trước đó Úc từng nhiều lần phản đối Trung Quốc xây đảo nhân tạo trên biển Đông. Hồi tháng 10-2015, bà Bishop từng tuyên bố Úc và Mỹ sẽ đòi hỏi Trung Quốc phải thực hiện cam kết của ông Tập Cận Bình là không quân sự hóa biển Đông. Dự báo cuộc công du Trung Quốc của bà Bishop sẽ rất căng thẳng. Tuy nhiên động thái của Trung Quốc sẽ khiến các quan chức Mỹ, đặc biệt trong Bộ Quốc phòng, cảm thấy cần phải cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Chuyên gia quân sự Edward Luttwak ở Maryland khẳng định chắc chắn quân đội Mỹ sẽ tiếp tục thách thức Trung Quốc bằng cách triển khai tàu chiến tới tuần tra trên biển Đông. Sơn Hà Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20160217/dua-ten-lua-toi-dao-phu-lam-tq-thoi-bung-cang-thang-bien-dong/1052824.html -------------------------- Căng thẳng rồi đây…
-
Thượng nghị sĩ Mỹ đề nghị Việt Nam cùng tuần tra đảo nhân tạo Thứ năm, 26/11/2015 | 10:14 GMT+7 Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ đã kêu gọi các nước trong khu vực như Việt Nam, Nhật Bản, Philippines... sẽ cùng Washington tuần tra các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Lời đề nghị trên được ông McCain đưa ra trong cuộc phỏng vấn với báo Nhật Asahi Shimbun tại Washington. Ông bày tỏ sự thất vọng về việc chính quyền Obama đã chưa thực hiện tốt quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. "Tôi rất thất vọng về những gì mà nước Mỹ đã làm cho đến thời điểm này. Chúng tôi đã nâng việc tuần tra này lên thành một vấn đề cấp bách và cần được ưu tiên. Nhẽ ra đó phải là một hoạt động thông thường". Ông McCain kết luận rằng việc các tàu hải quân Mỹ tiến vào tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông phải là một "vấn đề thường xuyên". Ông McCaine bày tỏ hy vọng rằng các nước khác trong khu vực như Nhật Bản, Việt Nam, Philippines, Indonesia sẽ cùng tham gia các đảo nhân tạo cùng Mỹ. Ảnh: Asahi Shimbun Ông McCaine cũng bày tỏ hy vọng rằng các nước khác trong khu vực như Nhật Bản, Việt Nam, Philippines, Indonesia sẽ cùng tham gia các đảo nhân tạo cùng Mỹ. Ông cho rằng động thái tuần tra chung kiểu này sẽ khiến Trung Quốc phải xuống nước. "Tôi nghĩ rằng khi phải đối mặt với hành động tuần tra hợp tác và thống nhất này, Trung Quốc sẽ không thể làm gì để ngăn chặn", ông McCain khẳng định. Washington hôm 27/10 đã điều tàu khu trục mang tên lửa USS Lassen vào tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông. Hành động này đã khiến Bắc Kinh vô cùng giận giữ, song phía Washington cho rằng họ chỉ đang thực thi quyền tự do hàng hải mà luật pháp quốc tế cho phép. Trong cuộc gặp với Tổng thống Obama bên lề hội nghị APEC, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng ông đang cân nhắc về việc gửi lực lượng phòng vệ trên biển tới hỗ trợ chiến dịch của Mỹ ở Biển Đông, và về việc cung cấp các tàu tuần tra lớn cho Philippines. Phản ứng động thái này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lớn tiếng nói rằng Trung Quốc sẽ cảnh giác cao độ về sự can thiệp của Nhật Bản vào vấn đề Biển Đông và nhắc Tokyo không nên quên lịch sử nước này trong Thế chiến thứ 2. Lê Huyền (Asahi Shimbun) Nguồn : Người đưa tin http://www.tinmoi.vn/thuong-nghi-si-my-de-nghi-viet-nam-cung-tuan-tra-dao-nhan-tao-011385036.html --------------------------------------------------------------------------------------------------- Đây vẫn chưa phải là đề nghị chính thức từ phía Mỹ mà chỉ là tiếng nói của cá nhân TNS John Mc Cain, Chủ tịch ủy ban quân vụ viện. Gợi ý hay đấy chứ! Nhưng liệu VN có dám???
-
Kính gửi BQTDĐ và chú Thiên Sứ, Cho phép Chipbee cherries được đăng ký tham gia vào chuyên mục Trao đổi học thuật với ah. Cảm ơn BQT, cháu xin cảm ơn chú Thiên Sứ nhiều ah.
-
Trung Quốc sẽ thua nếu giải thích rõ ràng các yêu sách về Biển Đông Thứ 3, 06:12, 24/11/2015 VOV.VN - Học giả Đan Mạch cho rằng nếu Trung Quốc giải thích rõ ràng yêu sách của mình thì họ sẽ thua cuộc mà Trung Quốc lại không muốn thua cuộc. Như tin đã đưa, Hội thảo quốc tế lần thứ 7 về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” khai mạc ngày 23/11 tại TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Hội thảo năm nay thu hút sự đông đảo sự tham gia của gần 200 đại biểu đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có 140 người là các học giải trong nước và nước ngoài. Đây là cơ hội tốt để các bên trao đổi thông tin, đánh giá về những diễn biến gần đây và những hệ lụy ở khu vực Biển Đông đồng thời thảo luận khả năng thúc đẩy hợp tác trong khu vực. Trong ngày 23/11, tại Hội thảo “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” diễn ra 3 phiên thảo luận. Phiên thứ nhất có chủ đề “Tình hình thế giới và tác động đến Biển Đông”. Phiên thứ 2 là về “Những diễn biến gần đây trên Biển Đông” và tại Phiên thứ 3, các đại biểu thảo luận về “Quan hệ nước lớn trên Biển Đông”. Các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự hội thảo Tại hội thảo, các đại biểu rất quan tâm tới những động thái của Trung Quốc tại Biển Đông thời gian gần đây. Giáo sư Liselotte Ogaard thuộc Học viện Quốc phòng Hoàng gia Đan Mạch nhận định, chính sách đối ngoại hiện nay của Trung Quốc xuất phát từ nhu cầu ngăn chặn và hợp pháp hóa. Cụ thể, trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đang cố gắng cân bằng giữa các biện pháp ngăn chặn và chứng minh cho lập luận của họ về tính lịch sử và kiểm soát hữu hiệu thông qua các cách diễn giải mang tính pháp lý về luật quốc tế ở Biển Đông nhằm thay đổi trật tự thế giới theo cách thức phù hợp với lợi ích của Trung Quốc. Và ngay cả cách Trung Quốc mập mờ về các yêu sách của họ tại Biển Đông cũng nằm trong ý đồ này. “Bởi vì Trung Quốc lo ngại khi họ giải thích rõ ràng yêu sách của mình thì họ sẽ thua cuộc mà Trung Quốc thì lại không muốn thua cuộc. Họ muốn gia tăng ảnh hưởng, muốn xây thêm nhiều công trình, xây căn cứ. Trung Quốc cũng không muốn xảy ra đụng độ quân sự tại Biển Đông song căng thẳng tại khu vực này sẽ tiếp tục giữ ở mức cao. Chúng ta cũng không thể đoán sắp tới Trung Quốc sẽ làm những gì và việc này ảnh hưởng không tốt đến sự ổn định và tạo ra những vấn đề mất an ninh đối với khu vực”, Giáo sư Liselotte Ogaard nhận định. Tại Hội thảo và các cuộc thảo luận ngoài lề, các đại biểu cũng rất quan tâm tới hoạt động xây dựng và cải tạo của Trung Quốc tại Biển Đông. Bà Rukmani Gupta, chuyên gia phân tích cao cấp về Châu Á-Thái Bình Dương của Tuần san Quốc phòng IHS Jane’s Defence Weekly, tuần san đã đăng nhiều hình ảnh về việc Trung Quốc xây dựng tại Biển Đông cho biết, hoạt động xây dựng, cải tạo đất tại Biển Đông đang cho phép các bên tăng cường sự hiện diện trong khu vực và tái khẳng định các yêu sách của mình. Bà Rukmani cũng nhắc lại rằng, điều 60 Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 khẳng định, các công trình cải tạo không được hưởng quy chế đảo và không thể tạo ra ảnh hưởng đến việc phân định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa. Cũng về vấn đề này, Giáo sư Robert Volterra, đối tác công ty luật Volterra Fietta có trụ sở tại Anh cho rằng: “Có hai vấn đề liên quan đến việc Trung Quốc cải tạo đất tại Biển Đông. Thứ nhất, những thực thể mà Trung Quốc tiến hành cải tạo là những thực thể đang có tranh chấp về chủ quyền. Vì thế, một quốc gia tiến hành cải tạo đất tại nơi đang có tranh chấp chủ quyền rõ ràng là hành động khiêu khích. Điều thứ hai, việc xây dựng, cải tạo đất không ảnh hưởng đến việc xác định tính chất pháp lý của thực thể”. Một vấn đề đáng chú ý nữa được các học giải thảo luận đó là vai trò của các nước lớn trong việc giải quyết tranh chấp tại Biển Đông. Ông Brahma Chellaney, Giáo sư nghiên cứu chiến lược thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách có trụ sở tại New Dehli của Ấn Độ đã gửi đi một thông điệp rất rõ ràng rằng: Biển Đông không chỉ là câu chuyện của những nước xung quanh vùng biển này mà nó đồng thời rất quan trọng đối với các quốc gia ngoài khu vực. Bởi nó không chỉ ảnh hưởng tới các hoạt động thương mại và lợi ích năng lượng của những nước này mà còn bởi những gì xảy ra ở đây sẽ ảnh hưởng tới cán cân quyền lực ở Châu Á và an ninh biển toàn cầu. Trên thực tế là không nơi nào đối mặt với nhiều thách thức như ở Biển Đông. Hiện nay, các cường quốc trong và ngoài khu vực đang cạnh tranh quyền tiếp cận, quyền kiểm soát, tầm ảnh hưởng và lợi thế tương đối ở khu vực. Trên thực tế, một cuộc chơi lớn đang diễn ra ở Biển Đông. Trong bối cảnh đó, theo Tiến sỹ Patrick Cronin, Cố vấn và Giám đốc cấp cao Chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương, thuộc Trung tâm an ninh Mỹ mới cho rằng, sự tham gia của Mỹ sẽ thúc đẩy các bên tham gia cuộc chơi một các công bằng. “An ninh không thể được đảm bảo khi một nước lớn, là Trung Quốc thay đổi hiện trạng bằng cách thay đổi trên thực địa, xây dựng đảo nhân tạo, sử dụng luật nội địa và lực lượng chức năng để đâm vào các tàu cá, bắt nạt các nước nhỏ hơn. Vì thế, Mỹ có vai trò đứng ra và nói rằng Trung Quốc và tất cả các quốc gia cần phải tham gia cuộc chơi một cách công bằng”. Hôm nay (24/11), Hội thảo sẽ tiếp tục diễn ra với 4 phiên thảo luận về tranh chấp tại Biển Đông trên khía cạnh pháp lý, về triển vọng hợp tác trong tương lai và về những tình huống giả định trong việc giải quyết, phân định và hợp tác tại Biển Đông./. Việt Nga/VOV1 Nguồn: http://vov.vn/bien-dao/trung-quoc-se-thua-neu-giai-thich-ro-rang-cac-yeu-sach-ve-bien-dong-453007.vov
-
PGS-TS Phạm Quốc Sử: 'Tích hợp môn lịch sử sẽ là một thảm họa khôn lường!'Đăng Bởi Một Thế Giới - 14:03 23-11-2015 PGS-TS Phạm Quốc Sử “Đừng bao giờ nghĩ bảo vệ môn lịch sử là bảo vệ “miếng cơm, manh áo” cho người dạy sử, mà đó còn là bảo vệ sợi dây kết nối tốt nhất của dân tộc hôm nay với nguồn sinh khí truyền thống và thời đại”, PGS-TS Phạm Quốc Sử - Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Thủ đô Hà Nội khẳng định. Xoay quanh việc tích hợp môn lịch sử được Bộ Giáo dục - Đào tạo nêu ra, cùng với những ý kiến đa chiều từ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu sử học, các giáo viên lịch sử, PGS-TS Phạm Quốc Sử đã có những chia sẻ, những quan điểm hết sức thẳng thắn về vấn đề này. Tìm hiểu, dạy và học lịch sử là vấn đề sống còn của dân tộc -Thưa thầy, lịch sử và môn lịch sử có vai trò như thế nào trong đời sống hiện nay? -PGS-TS Phạm Quốc Sử: Lịch sử là thầy dạy của cuộc sống. Hầu hết những gì diễn ra hôm nay đều có nguồn cội, căn nguyên từ quá khứ, hay nói cách khác đó là sự tiếp nối của quá khứ. Bởi thế, muốn hiểu hiện tại, muốn hành xử cho đúng, không lệch lạc trong tương lai thì phải soi chiếu vào lịch sử. Còn môn lịch sử, nó sẽ giúp chúng ta tìm hiểu quá khứ một cách có hệ thống. Tuy nhiên, có nhận thức đúng về quá khứ hay không còn phụ thuộc vào quan điểm và phương pháp nhận thức, quan điểm và phương pháp nghiên cứu lịch sử, dạy và học sử của mỗi người. Đất nước, cộng đồng hay cá nhân nào cũng cần đến vai trò của lịch sử. Với dân tộc Việt Nam, việc tìm hiểu lịch sử còn quan trọng hơn nhiều, bởi lẽ đất nước ta luôn bị đe dọa, xâm lăng, ngay cả lúc này. Vì vậy, việc tìm hiểu, dạy và học lịch sử là một trong những vấn đề sống còn của mỗi người trong cộng đồng dân tộc. Hơn nữa, Việt Nam đang ở trong thời kỳ hội nhập, học sử là để hiểu mình, hiểu người, giúp chúng ta biết mình đang ở tầm vóc nào, hiểu rõ bạn bè và kẻ thù của mình, từ đó sẽ hội nhập tốt hơn. -Theo thầy, việc tích hợp môn lịch sử cùng 2 môn giáo dục công dân và giáo dục quốc phòng thành môn công dân với Tổ quốc thì có hợp lý không và tại sao? -PGS-TS Phạm Quốc Sử: Bản thân tôi nhận thấy không hợp lý chút nào, thậm chí là phản khoa học, phản chính trị. Chính trị ở đây là muốn nói đến nhận thức non kém, mất cảnh giác khi việc tích hợp có thể làm nhạt nhòa, biến mất môn lịch sử, môn học mà ở bất cứ quốc gia nào cũng được giao một nhiệm vụ tối thượng là trang bị cho người học kiến thức để nuôi dưỡng tình yêu Tổ quốc và nhận diện mọi kẻ thù. PGS-TS Phạm Quốc Sử cho rằng "tích hợp môn lịch sử sẽ là một thảm họa khôn lường!" Môn lịch sử không phải chỉ của người dạy lịch sử mà là của nền giáo dục đất nước. Với vai trò quan trọng của nó, đặc biệt là môn quốc sử cùng với môn quốc văn đã được khẳng định rằng không thể nào thiếu và trộn lẫn với các môn khác. Nếu như môn quốc văn giữ cho dân tộc hồn cốt thiêng liêng để người Việt không quên tiếng Việt và văn hóa Việt thì môn quốc sử giữ cho dân tộc nguồn sinh khí và sức mạnh, giúp cho dân tộc không quỳ gối trước bất kỳ thế lực cường quyền nào. Bởi thế kẻ nào “đánh vào môn lịch sử”, thủ tiêu hay làm biến dạng và tan rã bộ môn này tức là đã chặt đứt động mạch chính kết nối quá khứ với hiện tại, kết nối nguồn sinh khí với cơ thể sống của dân tộc hôm nay. Quan trọng là lựa chọn cái gì và dạy như thế nào -Về chuyện tại sao lại có việc gộp môn lịch sử vào môn công dân với Tổ quốc, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: "Thứ nhất là theo tinh thần chủ trương tích hợp. Thứ hai, Luật Giáo dục quốc phòng an ninh được Quốc hội thông qua có quy định giảng dạy lịch sử giữ nước, lịch sử quốc phòng. Chúng tôi dự kiến đưa lịch sử vào đó để tránh trùng lặp”. Thầy có ý kiến như thế nào? - PGS-TS Phạm Quốc Sử: Theo tôi, đây là cách giải thích hoàn toàn không hợp lý. Giải trình thế là sai, bởi mấy lẽ: Thứ nhất, “tích hợp” là một chủ trương, thậm chí là một chủ trương “sáng giá” của Bộ GD-ĐT, nhưng không có nghĩa là cho phép Bộ lôi tuột tất cả các môn vào đó mà không có cân nhắc. Lịch sử là môn học có thiên chức đặc biệt, cần hết sức thận trọng nếu như định đụng đến nó. Đã trót để cho nó “nhếch nhác” rồi thì giờ là lúc giúp cho nó “phục sinh” chứ không phải làm cho nó bị “hòa tan”! Tiếc là Bộ không có chuyên gia lịch sử, hoặc đã không hỏi các chuyên gia lịch sử về vấn đề này. Thứ hai, sao lại sợ trùng lặp kiến thức lịch sử giữ nước với giáo dục an ninh quốc phòng mà bỏ cả môn lịch sử? Vậy lịch sử đất nước trên các bình diện khác (như kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa), lịch sử nhân loại không học nữa sao? Các môn khác có thể sử dụng ít nhiều kiến thức lịch sử, nhưng là để phục vụ cho nhiệm vụ của chúng, không thể thay thế cho hệ thống kiến thức toàn diện và sâu sắc của môn lịch sử được. Thứ ba, chủ trương tích hợp như vậy là quá đơn giản, thuần túy từ góc độ kỹ thuật mà thiếu nhãn quan khoa học, không có triết lý và tư tưởng trong việc giáo dục học sinh. -Thầy có cho rằng vì kiến thức lịch sử của ta quá nặng mà chưa có sự đổi mới trong cách dạy, tạo sự thích thú cho người học nên dẫn đến có dự án tích hợp này không? - PGS-TS Phạm Quốc Sử: Đã có gì mà nặng. Liệu người ta còn muốn cuốn sách giáo khoa lịch sử mỏng thế nào nữa, còn muốn kiến thức lịch sử được dạy trong nhà trường bị lược bớt, giản đơn đến mức nào nữa? Tôi đã cầm hai cuốn lịch sử phổ thông trung học nước Mỹ, mới xuất bản, nó to gần bằng khổ giấy A4 và dày gấp 3-4 lần cuốn lịch sử phổ thông trung học của ta, dày đặc chữ, tranh ảnh và tư liệu. Không thấy dư luận nước Mỹ kêu ca vì sách dày, kiến thức nặng nề. Hãy nói với học sinh bằng thứ ngôn ngữ uyên bác, có văn hóa của chốn học đường thì mới mong có được những học trò thông thái. Còn nếu cứ cố nói với các em thứ ngôn ngữ thật đơn giản, nôm na cho dễ hiểu, dễ nhớ đến mức cả các bậc phụ huynh vốn thiệt thòi do không được đi học cũng hiểu được, thì e rằng “hậu sinh” không thể “khả úy” được đâu. Kiến thức nặng đến đâu cũng không quan trọng. Quan trọng là lựa chọn cái gì và dạy thế nào. Cũng không phải không có đổi mới trong cách dạy, cách học. Nói không đổi mới thì quả là phụ công ngành giáo dục, phụ công các thầy cô giáo dạy lịch sử ở trường phổ thông. Công việc này đã thực hiện từ nhiều năm nay rồi, song hiệu quả không đáng là bao. Nhưng nghiêm túc mà nói, với nội dung sách giáo khoa được biên soạn theo hướng chính trị hóa như vậy, lại thêm chỉ đạo môn học có tính pháp lệnh về cách dạy, cách học, cách kiểm tra, thi cử như hiện nay thì có tài thánh cũng không thể đổi mới để dạy hay, học hay lịch sử được. Đã làm hỏng môn lịch sử, biến nó từ môn học đầy tính hấp dẫn và bác học, thành một môn học buồn tẻ, khiến cho học sinh chán học, giờ đây thay vì đầu tư làm cho nó hồi sinh, trở về đúng với giá trị chân chính và vinh quang của nó, thì lại nhân đó “tích hợp” để bóp chết nó, liệu có phải là việc làm có trách nhiệm với quốc gia, dân tộc không? Xóa môn lịch sử, không thảm họa thì là gì? - GS-TS Đinh Quang Báo, Ủy viên Hội đồng Giáo dục quốc gia nói: “Không nên đặt vấn đề tích hợp là xóa môn học mà chỉ là tạo ra giá trị mới cho môn học. Tôi không nghĩ, môn sử cứng nhắc đến mức chỉ khi đứng độc lập thì mới giáo dục được”. Thầy nghĩ sao về ý kiến này? - PGS-TS Phạm Quốc Sử: Phát biểu thế nào là quyền của mỗi người, song ý kiến ấy nếu đúng như vậy thì rất nông cạn và mâu thuẫn. Tích hợp rõ ràng là xóa một số môn học cũ để tạo ra môn học mới, còn biện hộ gì nữa. Đã tích hợp rồi thì làm gì còn môn lịch sử nữa, mà là môn khoa học xã hội, hay “công dân với Tổ quốc”, trong đó có kiến thức lịch sử được sử dụng một cách vụn vặt, chắp vá, trộn lẫn với kiến thức khác. Đề án đã xác định rõ thế rồi. Mà đã xóa rồi thì làm gì còn giá trị mới nữa. Đã xóa rồi thì làm gì còn có thể phát huy tính giáo dục được với tư cách môn lịch sử nữa. Môn lịch sử nếu không “cứng nhắc” đứng độc lập, mà bị hòa tan, bị thủ tiêu rồi thì làm sao còn giáo dục được. Một vài mảnh thân xác vụn rời của nó trong một cơ thể khác, nếu có phát huy được tính giáo dục, cũng là rất hạn chế, nếu không nói là chẳng đáng kể gì. -Là người làm công tác giảng dạy lịch sử lâu năm, thầy nghĩ sao nếu việc tích hợp môn lịch sử được tiến hành? - PGS-TS Phạm Quốc Sử: Nếu việc tích hợp môn lịch sử vào các môn học khác được tiến hành, tôi cho rằng đó sẽ là một hình thái hỗn loạn, sẽ tạo ra những trò cười mới, như lâu nay ta đã chứng kiến. Sách giáo khoa sẽ thay đổi, biên soạn mới, vứt sách cũ, tài liệu cũ đi; việc đào tạo giáo viên lịch sử từ các bậc cao đẳng đến đại học… sẽ phải làm lại toàn bộ, kinh phí tốn kém cho xã hội sẽ không phải là con số 70.000 tỉ đồng mà Bộ đã lộ ra rồi lấp đi như trước đây, mà là vài trăm lần như thế. Nhưng điều quan trọng là sẽ làm hỏng hẳn một nền giáo dục dân tộc. Đến đây thì sẽ là một kịch bản “vỡ nát” và khôi hài từ người dạy đến người học, từ nhà trường đến xã hội về nhận thức lịch sử mà chính những người hôm nay thiết kế và vỗ tay cho “tích hợp” môn lịch sử sẽ phải “im bặt”. Bộ Giáo dục - Đào tạo lúc đó sẽ im bặt. Ngài bộ trưởng hôm nay khi đó đã nghỉ hưu, “hạ cánh an toàn”, còn ngài mới lên sau đó có thể sẽ “nghiêm túc” xin lỗi trước Quốc hội và thanh minh “khi đó tôi chưa phụ trách chính việc này” hoặc “khi đó tôi đang công tác ở nước ngoài”. -Nếu tích hợp thì các giáo viên, các em học sinh sẽ phải dạy và học như thế nào, thưa thầy? - PGS-TS Phạm Quốc Sử: Câu hỏi này nên dành cho các tác giả đề án tích hợp môn lịch sử, là Bộ GD-ĐT, và những người bênh vực nó (đề án), bởi tôi là người phản đối thì tôi không hình dung kịch bản việc dạy và học sẽ thế nào. Theo một người bênh Bộ GD-ĐT, ông nói ý thế này: Việc tích hợp giống như chế biến một “món ăn tổng hợp”! Ông nói, ví như đáng lẽ ta ăn rời từng món: thịt bò, cần tây, tỏi tây, nước mắm…, thì giờ ta cho cả vào xào, được ăn cùng lúc tất cả, mà có khi lại ngon. Cái “khéo” của vị chuyên gia biện hộ lừng danh này là lấy ví dụ từ món xào thịt bò - cần - tỏi vốn đã thông dụng, nhiều người thích. Nhưng cái đáng tiếc là ông lại ví việc tích hợp môn lịch sử, một môn có chức năng giáo dục đặc biệt, đòi hỏi cả tính khách quan khoa học lẫn lý trí và ý thức dân tộc, với việc chế biến món ăn nghiêng về khía cạnh hưởng thụ và tiêu khiển, khoái khẩu thì “xơi”, không khoái thì nhè ra, gọi nhà hàng đến mắng. Không chỉ khôi hài, mà sẽ là thảm họa khi món lẩu tổng hợp của ông ấy có thể là thịt gà với mắm tôm và bỗng rượu, thịt chó với cá điêu hồng và đường phèn, trứng gà với dấm thanh và tỏi…, và theo ông ấy, liệu đó có thể là những món khám phá mới, hấp dẫn? Ông nói nhiều nước đã làm thế mà và Việt Nam cũng nên làm theo. Theo tôi, vị chuyên gia này sẽ là người thích hợp nhất để trả lời câu hỏi: Nên dạy và nên học môn tích hợp lịch sử như thế nào? -Thầy nghĩ sao nếu môn lịch sử bị xóa bỏ? - PGS-TS Phạm Quốc Sử: Đó sẽ là thảm họa cho dân tộc. Bên ngoài thì Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, một số đảo Trường Sa, bên trong thì xóa môn lịch sử, chặt đứt mối liên hệ giữa lớp trẻ hiện tại với truyền thống cha ông. Trong ngoài như thế không thảm họa thì là gì? Thực ra, những gì diễn ra hôm nay đối với môn lịch sử cũng đã là thảm họa rồi. Những ngày hân hoan mới giành được độc lập, hay đang vượt qua thử thách thù trong giặc ngoài 1945-1946, chắc không ai tưởng tượng sẽ có ngày học sinh tung hê tài liệu môn lịch sử vì “thoát nạn”, không phải thi môn học buồn tẻ khó nhớ này. Đấy là thảm họa, nhưng không phải chỉ cho mấy cô giáo dạy môn lịch sử trong trường phổ thông, mà cho tương lai của toàn dân tộc. Một thảm họa khôn lường. Có người nói: Người không hiểu lịch sử thì không khác gì con trâu. Con trâu thì ruộng nào cũng cày, bởi nó không tự biết mình, nguồn cội mình! Thế mà người ta lại định xóa môn lịch sử, thử hỏi có nguy không? Không xóa, nhưng phải làm lại, đổi mới căn bản môn sử -Vậy khi việc “tích hợp” bị phản đối, môn lịch sử nên được giảng dạy trên ghế nhà trường theo cách nào, để không lâm vào cảnh bi đát như những gì từng được nhắc đến trong vài năm qua, thưa thầy? - PGS-TS Phạm Quốc Sử: Đó là một câu chuyện nghiêm túc. Thứ nhất, đấu tranh cho môn lịch sử tiếp tục có vị trí độc lập trong chương trình giáo dục phổ thông không có nghĩa là duy trì thực trạng môn học đã bị chính trị hóa đến tê liệt trong nhiều chục năm qua, khiến người dạy loay hoay mãi không thể dạy hay được, người học thì chán ngán. Đã đến lúc phải thay đổi căn bản đối với môn học này, từ nội dung đến phương pháp, chứ không chỉ sửa chữa. Thứ hai, rất cần thiết phải công bố một cách ngắn ngọn, hàm súc cho xã hội hiểu và phân biệt rõ ba khai niệm: Lịch sử, sử học và dạy - học lịch sử, cũng như mối quan hệ giữa ba điều ấy. Việc này không thừa, bởi ngay trong ngành sử không phải ai cũng đã tỏ, còn trong xã hội thì số người hiểu cực ít. Khi giới lãnh đạo chính trị không hiểu thì sẽ xem nhẹ môn lịch sử và khó có thể giải thích, thuyết phục được. Thứ ba, lịch sử thì khách quan, nhưng sử học và dạy học lịch sử thì không phải như vậy. Trong sử học, nguyên tắc tối thượng là tôn trọng sự thật, nhưng điều này thường bị vi phạm. Khi sử học bị chính trị hóa thì nguyên tắc trên sẽ bị vi phạm, bởi nó buộc sử học phải quỳ gối phục vụ cho mục đích của chính trị mà có trường hợp dẫn đến xuyên tạc sự thật. Thứ tư, sử học vinh quang thật, nhưng lại rất dễ phạm phải những căn bệnh nặng, những lỗi không nhỏ. Tiếc thay, sử học nước ta đã không tránh được. Một thứ “sử học nhà nước”, “sử học quốc doanh” (phân biệt với sử học chân chính) đang ngự trị. Một nhà sử học nổi tiếng nước ta mới mất cách đây vài năm, nói: Sử học ta chẳng có tư tưởng gì. Sợ thật! Bị biến thành công cụ tuyên truyền, đến mức bị chính học sinh chối bỏ, người dân nghi ngờ, rồi lại chính cơ quan giáo dục quyền lực nhất xóa bỏ. Phải chăng, đó là số phận của một thứ sử học “phải đạo”?. Bởi thế, ngành sử cần phải làm lại từ đầu. Thứ năm, sử học thế nào thì dạy học lịch sử cũng gần như thế, bởi dạy học phải sử dụng thành tựu nghiên cứu của sử học, đồng thời cả hai cùng có chung một “bầu trời”, một thể chế. Tư tưởng chỉ đạo cho sử học, đương nhiên cũng được áp dụng cho dạy học lịch sử. Từ rất sớm, sử học và dạy học lịch sử nước ta đã được tiêm những liều “vắc xin” để ngừa những tư tưởng trái chiều. Nhưng liều tiêm khá nặng, khiến cho đối tượng bị tê cứng, hết sinh khí. Để học sinh chán học sử, để giáo viên không thể giảng hay được tức là môn sử hết sinh khí rồi. Có người bảo ngành sử các ông toàn chạy theo chính trị, chủ yếu là ca ngợi và lặp đi lặp lại, nên rất nhàm. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Đúng bởi là lẽ sách vở nhiều, tiến sĩ nhiều nhưng chất lượng sử học rất thấp. Song, thử hỏi, nếu anh bị buộc phải tiêm “vắc xin” anh có chống lại được không? Vả lại, những thành quả “nhàm chán” thì anh mới được đọc, còn những thứ “không nhàm chán” thì không dễ xuất bản, và nếu có thì anh liệu có biết đọc không? Có người nói học sinh chán sử là tại sách giáo khoa của môn này viết khô khan và một chiều. Điều này đúng. Cả giáo trình đại học nữa chứ, đâu phải chỉ sách giáo khoa đâu. Mà sách giáo khoa là “rút gọn”, là “hạ cấp” của giáo trình. Người viết sách đã quen tư duy thế rồi. Không khô khan, một chiều sao được khi bị chỉ đạo, bị cạo gọt từ chương trình chung đến từng bài học, hoặc do sợ quá mà tác giả tự cắt gọt cho an toàn. Có người nói, các thầy cô dạy sử không chịu thay đổi phương pháp nên việc dạy học nhàm chán, học sinh chán học, chất lượng môn sử rơi đến thảm hại. Điều này cũng đúng. Nhưng sự thực, đã có thay đổi bộ phận rồi, nhưng chủ yếu là chuyển từ “đọc chép” sang “nhìn chép” và một vài thứ khác. Song, tài thánh cũng không hấp dẫn được, bởi phải đi theo rãnh chỉ đạo của cấp trên, từ nội dung sách giáo khoa đến các bước lên lớp, giáo án. Có nhiều phương pháp được vận dụng, nhưng chạy đi đâu khỏi khối tài liệu từ đọc thêm đến tranh ảnh, hiện vật, bản đồ, sơ đồ, băng đĩa đều được biên soạn theo cùng một hướng, với vai trò minh họa cho sách giáo khoa. Mọi thứ đều minh họa thêm cho sách giáo khoa, còn sách giáo khoa minh họa cho đường lối chỉ đạo, vậy sáng tạo sao được. Đã có ý kiến khá hay về phương pháp dạy học thực chứng, dùng tài liệu gốc để khuyến khích học sinh khám phá, tự đưa đến nhận thức bài học lịch sử. Hay, nhưng dùng tài liệu gốc nào đây? Tư liệu gốc có giá trị nhưng “cấm kỵ”, “nhạy cảm” thì không được sử dụng, còn tư liệu không giá trị, không đáng tin cậy, vô thưởng vô phạt thì không dùng còn tốt hơn là dùng. Dẫn học sinh đi thăm bảo tàng ư? Bảo tàng, nhà truyền thống cũng được sắp đặt, được uốn nắn giống như công trình sử học, giống giáo trình, sách giáo khoa và hằng hà sa số tài liệu đọc thêm môn lịch sử. Cứ quyển nọ chép lẫn, xào xáo của cuốn kia thôi, anh chạy đằng trời! Vả lại, tôi bảo anh sáng tạo nhưng anh cứ biết vậy, sáng tạo vừa vừa thôi, anh sáng tạo quá, tôi không kiểm soát được, anh “chệch rãnh” thì sao... Nhưng xin cảnh báo, ngữ văn và triết học cũng thế. Văn, triết mà chẳng có văn có triết, chẳng có sinh lực gì. Nguyên nhân, thực trạng cũng gần cũng giống như môn lịch sử. Chỉ có điều không bị động đến. Không bị động đến, nhưng không có nghĩa là vô can! Cụ Hồ nói “dân ta phải biết sử ta” là để “cho tường gốc tích nước nhà", chứ không phải để càng học càng tối, càng biết càng hoài nghi. Cũng giống như “văn học phải đạo” với công thức dạy văn: Yêu-căm-chiến-lạc (yêu nước, căm thù giặc, chiến đấu, lạc quan tin tưởng), sử học “quốc doanh” không thể làm “cho tường gốc tích”, không làm rạng danh nước nhà được. Tóm lại, câu chuyện dạy dỗ thế nào, phương pháp này, nọ vẫn chỉ là phần ngọn của vấn đề. Nếu cứ bàn mãi về phương pháp, cứ trách thầy cô giáo dạy sử thì chỉ là né tránh, luẩn quẩn, thiếu hiểu biết và giỏi “bắt nạt người yếu”. Gốc rễ vẫn là ở tính khoa học độc lập của môn sử, ngành sử. Độc lập ở đây là không bị chính trị hóa, chứ không phải chỉ là môn lịch sử tồn tại độc lập trong chương trình giáo dục phổ thông. Có độc lập thì sẽ có khách quan, khoa học, có cống hiến thực sự cho Tổ quốc, cho dân tộc, cho lẽ sống, sẽ được đời kính trọng, nhà nước nể vì. Có độc lập thì có sáng tạo trong dạy học lịch sử, sẽ có muôn vàn phương pháp tìm hiểu, khám phá lý thú được áp dụng, và học sinh sẽ lại say mê, yêu thích môn học này. -Xin chân thành cảm ơn thầy! Thu Anh (thực hiện) Nguồn: http://motthegioi.vn/khoa-hoc-giao-duc/tin-tuc-cong-nghe/pgs-ts-pham-quoc-su-tich-hop-mon-lich-su-se-la-mot-tham-hoa-khon-luong-258976.html ----------------------------------------------------------------------------------------------------------------- Thêm một tư liệu về Tích hợp môn sử: Một góc nhìn thẳng, thực chất.
-
Bìa sách 'Truyện Thúy Kiều' bán nude: Không đáng tranh cãi! Thứ Sáu, 13/11/2015 07:07 (Thethaovanhoa.vn) - Bức tranh vẽ cảnh Thúy Kiều tắm của danh họa Lê Văn Đệ bỗng trở thành tâm điểm của dư luận khi được thiết kế thành bìa cuốn văn họa Truyện Thúy Kiều. Giới mỹ thuật đánh giá cuốn sách là “ấn bản đáng chờ đợi” còn rất nhiều ý kiến của cộng đồng mạng cho rằng cuốn sách “đi ngược thuần phong mỹ tục”. Để rộng đường dư luận, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trao đổi với các họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật và đơn vị phối hợp ấn hành cuốn văn họa Truyện Thúy Kiều. Ấn bản do hai học giả Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo được Công ty Cổ phần Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam và NXB Thế giới phối hợp xuất bản. Những ồn ào nực cười! Trao đổi với Thể thao & Văn hóa, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ của Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ: Văn họa Truyện Thúy Kiều ngoài việc in ấn bản đặc sắc do học giả Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo còn bao gồm 11 bức tranh màu in trên giấy dó của các họa sĩ thuộc “thế hệ vàng” của mỹ thuật Việt Nam như: Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Lê Văn Đệ, Lưu Văn Sìn, Nguyễn Đỗ Cung… Đây là một ấn phẩm quý, đáng mong chờ nhất trong đợt kỷ niệm 250 ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du. Những ồn ào dư luận đang đổ dồn về bìa của cuốn sách là rất nực cười và không đáng có. Bìa cuốn “Truyện Thúy Kiều” (tranh của Lê Văn Đệ) Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, bìa cuốn sách là tác phẩm bán nude duyên dáng, nghệ thuật, đúng tinh thần Truyện Kiều. Bức tranh tái hiện câu thơ của Nguyễn Du mô tả vẻ đẹp của Thúy Kiều: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”. Đơn vị xuất bản lấy bức tranh ra làm bìa cũng rất đẹp và ý nghĩa. “Còn nếu nói tranh cụ Đệ “đi ngược thuần phong mỹ tục”, “lõa lồ”, “xúc phạm Truyện Kiều” là những quan điểm rất hạn hẹp trong thẩm mỹ. Thêm nữa, những bình luận đều xuất phát từ mạng xã hội với cái nhìn hời hợt và quy chụp” - ông Lương Xuân Đoàn nói. Tranh "Tú bà ghé lại thong dong dặn dò" của Tô Ngọc Vân Chờ sự công tâm của cơ quan quản lý Theo nhà sưu tập Nguyễn Minh - người đang giữ nhiều tranh của lớp đầu trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương - trước khi đánh giá, cộng đồng cần bình tâm nhìn lại tác giả bìa sách. Cụ thể, Lê Văn Đệ, một họa sĩ nổi tiếng, từng là thủ khoa khóa I Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1930, từng là người phụ trách việc trang trí kỳ đài trong lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình. “Trong các bức tranh của “thế hệ vàng” mỹ thuật Đông Dương lấy cảm hứng từ Kiều, bức tranh trên bìa sách của cụ Đệ có phần “hiền”. Có nhiều bức khác, các danh họa vẽ Kiều táo bạo hơn rất nhiều. Tiêu biểu như bức vẽ cảnh “Tú Bà ghé lại thong dong dặn dò” của Tô Ngọc Vân. Bởi vậy, bức tranh trên bìa sách của Lê Văn Đệ không đáng phải tranh cãi” - ông Nguyễn Minh nói. Chiêm ngưỡng tranh về 'Truyện Kiều' của những họa sĩ hàng đầu Việt Nam Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đăng tải toàn bộ những bức tranh của các danh họa hàng đầu Việt Nam như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Lê Văn Đệ, Lưu Văn Sìn, Nguyễn Đỗ Cung… xuất hiện trong cuốn sách gây tranh cãi. Cuốn Truyện Thúy Kiều cho đến nay vẫn chưa lên kệ. Mọi ồn ào đều xuất phát từ việc hình bìa cuốn sách được công bố ra ngoài. Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Hoàng Giang, Phó GĐ Nhã Nam, cho hay: “Cho đến lúc này, chúng tôi vẫn chưa có ý định đổi hình bìa. Nhiều người nhiều quan điểm và quan điểm của số đông chưa hẳn đã là đúng”. Còn ông Lương Xuân Đoàn chia sẻ: “Tôi rất sợ cơ quan quản lý đưa ra một kết luận gì đó theo dư luận. Và nếu tranh của họa sư Lê Văn Đệ mà còn không được xuất bản trên bìa sẽ tạo tiền lệ rất xấu với ngành xuất bản và ngành mỹ thuật. Tôi chờ đợi sự công tâm của các cơ quan quản lý trong thời khắc thử thách bản lĩnh này”. Phạm Mỹ Thể thao & Văn hóa http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/bia-sach-truyen-thuy-kieu-ban-nude-khong-dang-tranh-cai-n20151113061605769.htm ------------------------------------------------------------------------------------------------------------ Đúng là bức tranh bìa quá đẹp và nghệ thuật, chẳng có gì là trần trụi, đi ngược thuần phong mỹ tục cả. Để đánh giá chính xác một tác phẩm thì cần có phông văn hóa nhất định và một khoảng lùi về thời gian. Đến tác phẩm Truyện Kiều ngày xưa còn bị coi là dâm thư cơ mà, 200 năm sau lại là kiệt tác của đại thi hào, mà mỗi nhà thơ đều phải học, gối đầu giường. :)
-
Điều B-52 đến biển Đông, Mỹ muốn răn đe Trung Quốc Thứ sáu, 13/11/2015 11:50 Sự hiện diện của B-52 được coi là biện pháp răn đe hiệu quả của Mỹ đối với tham vọng độc chiếm biển Đông của Trung Quốc. Một Pháo đài bay B-52 của Mỹ bay tuần tra trên biển. Ảnh: USAF. Ngày 12/11, các quan chức Mỹ xác nhận rằng 2 chiếc máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-52 đã bay qua gần các đảo nhân tạo phi pháp do Trung Quốc bồi đắp ở khu vực Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và vẫn tiếp tục hành trình sau khi nhận tín hiệu liên lạc của kiểm soát viên không lưu Trung Quốc, theo Reuters. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang lên cao sau khi Lầu Năm Góc điều tàu khu trục tên lửa USS Lassen tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh một đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp phi pháp. Hải quân Mỹ khẳng định họ sẽ tiếp tục thực hiện các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải tương tự với tần suất ít nhất 2 lần mỗi quý. Tờ The Hill dẫn lời 1 quan chức Mỹ giấu tên cho biết 2 chiếc B-52 này đã 'bay qua' trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp phi pháp và khẳng định 1 trong 2 chiếc oanh tạc cơ này đã thực hiện 'chiến dịch tự do hàng hải'. Lầu Năm Góc không xác nhận thông tin này và nhiều tờ báo lớn của Mỹ cũng nói rằng 2 chiếc B-52 chỉ bay gần chứ không đi vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo phi pháp. Những tiết lộ này khiến dư luận quốc tế nhớ đến câu chuyện xảy ra vào tháng 11/2013, khi không quân Mỹ điều 2 chiếc Pháo đài bay B-52 không có chiến đấu cơ hộ tống bay ngang qua biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc vừa tuyên bố thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ). Việc Mỹ đưa hai chiếc B-52 không có lực lượng bảo vệ này bay qua ADIZ Trung Quốc vừa thiết lập mà không báo cáo được cho là hành động thách thức mạnh mẽ của Washington đối với tham vọng áp đặt quyền kiểm soát các vùng biển quốc tế của Bắc Kinh. Theo giới phân tích, việc sử dụng B-52 để thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý mà Trung Quốc đưa ra là hành động mang tính biểu tượng của Mỹ. Bởi lẽ chiếc Pháo đài bay là lá bài chiến lược thể hiện sức mạnh răn đe và uy thế của lực lượng không quân mạnh nhất thế giới, đồng thời là sự hiện thực hóa cam kết của Mỹ nhằm trấn an các đồng minh trong khu vực. Hồi tháng 7, Mỹ cũng đã điều 2 chiếc B-52 thực hiện một sứ mệnh mang tên 'trấn an và răn đe bằng oanh tạc cơ' (BAAD) bay liên tục 44 giờ từ căn cứ không quân ở Louisiana tới Australia và thực hiện các cuộc tập trận ném bom với không quân Australia. Sức mạnh của pháo đài bay Máy bay ném bom chiến lược B-52 là 1 biểu tượng của sức mạnh và công nghệ quân sự Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Được chế tạo từ thập niên 1950, B-52 trở thành một trong những mũi nhọn răn đe hạt nhân của Mỹ, với khả năng thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân tầm xa trong thời gian ngắn trên phạm vi toàn cầu. Được trang bị tới 8 động cơ mạnh mẽ, B-52 có thể mang tới 32 tấn vũ khí, kể cả bom thông thường và bom hạt nhân, để thực hiện các nhiệm vụ tác chiến tầm xa có phạm vi lên tới 7.210km. Từ năm 1955 đến nay, B-52 được sử dụng liên tục trong không quân Mỹ để thực hiện các sứ mệnh tuần tra, răn đe tầm xa và là một công cụ quan trọng để Mỹ phô diễn sự hiện diện quân sự của mình tại các khu vực chiến lược trên thế giới. Khả năng vận hành ưu việt ở vận tốc cận âm cùng chi phí hoạt động tương đối thấp khiến B-52 tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chiến lược tác chiến của không quân Mỹ, bất chấp sự ra đời của nhiều loại máy bay ném bom chiến lược hiện đại sau này như B-1 Lancer, B-2 Spirit. Khi kỷ niệm 60 năm hoạt động vào năm ngoái, B-52 vẫn nhận được sự quan tâm, đầu tư của không quân Mỹ với các gói nâng cấp quan trọng, giúp nó có thể tiếp tục hoạt động đến những năm 2040. Theo các chuyên gia phân tích, sự hiện diện của B-52 Mỹ tại các điểm nóng như biển Đông là một trong những biện pháp răn đe và phô diễn sức mạnh hiệu quả nhất, đồng thời phát đi một thông điệp chiến lược nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ. 'Những chuyến bay như thế này là một trong nhiều cách để Mỹ thể hiện cam kết đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực Ấ - Á - Thái Bình Dương. Ngoài việc nâng cao kỹ năng và sự thông thuộc địa hình cho phi hành đoàn, nó còn giúp tăng cường khả năng ứng phó với bất cứ mối đe dọa tiềm tàng nào', Đô đốc hải quân Australia Cecil Haney phát biểu sau khi B-52 thực hiện chiến dịch BAAD ở nước này. Răn đe âm mưu lập ADIZ trên biển Đông. Oanh tạc cơ B-52 có thể mang theo tới 32 tấn vũ khí. Ảnh: Wikimedia. Chuyên gia phân tích Ankit Panda của tờ Diplomat cho rằng việc Mỹ công khai thông tin về chuyến bay B-52 gần đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa là một động thái nhằm ngăn ngừa, răn đe khả năng Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ trên biển Đông. Từ lâu, các chuyên gia và quan chức quân sự Mỹ đã cảnh báo rằng trong tương lai, Trung Quốc có thể đẩy mạnh quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông, hoàn thiện các đường băng và điều các chiến đấu cơ, vũ khí phòng không ra để thiết lập ADIZ trên vùng biển chiến lược này. Mới đây, truyền thông Trung Quốc đăng tải những hình ảnh cho thấy chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc đã diễn tập trên đường băng được cho là nằm tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Các chuyên gia phân tích quân sự nhận định việc đưa J-11 xuống Hoàng Sa là tiền đề để Trung Quốc có thể mở rộng ảnh hưởng và hiện diện quân sự xuống xa hơn về phía nam Biển Đông. Hồi tháng 10, một thẩm phán Philippines trong chuyến thăm đến Mỹ tuyên bố rằng Trung Quốc gần như đã thiết lập tình trạng 'bán ADIZ' trên biển Đông. 'Trên thực tế, giờ đây họ gần như đã thi hành ADIZ phi chính thức ở khu vực quần đảo Trường Sa', thẩm phán Antonio Carpio cho biết. Các quan chức Mỹ nói rằng khi B-52 bay tới gần đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở Trường Sa, phi công của họ có nhận được tín hiệu liên lạc từ phía đài kiểm soát mặt đất của Trung Quốc nhưng không hề nói rằng các kiểm soát viên không lưu này xua đuổi hay cảnh báo B-52, giống như những gì họ đã làm với chiếc máy bay trinh sát P-8A của Mỹ trước đây. Khi B-52 Mỹ bay qua biển Hoa Đông hồi năm 2013, họ cũng không nhận được bất cứ tín hiệu cảnh báo từ mặt đất hay hành động ngăn chặn nào của chiến đấu cơ Trung Quốc. Theo giới phân tích, có vẻ như Trung Quốc vẫn chưa thể tìm ra cách đối phó hiệu quả với những chiếc pháo đài bay của Mỹ thực hiện những chiến dịch mang tính răn đe. Ông Panda cho rằng, nếu như kiểm soát viên không lưu Trung Quốc liên lạc với phi công B-52 mà không đưa ra bất cứ lời cảnh báo hay xua đuổi nào, đây có thể chỉ là hành động liên lạc thông thường với máy bay quân sự nước ngoài để đảm bảo an toàn hàng không. Gần đây Mỹ và Trung Quốc đã ký thỏa thuận thống nhất về quy tắc ứng xử giữa tàu chiến và máy bay quân sự 2 nước khi chạm mặt. Theo những thông tin mà Lầu Năm Góc và các quan chức Mỹ đưa ra, những gì diễn ra với hai chiếc B-52 bay qua khu vực Trường Sa đều nằm trong phạm vi điều chỉnh của các quy tắc ứng xử này. 'Với những chiếc B-52 này, chúng tôi sẽ trấn an các đồng minh trong khu vực rằng chúng tôi có thể xuất hiện và tác chiến bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu và chúng tôi muốn họ tiếp tục tận hưởng quyền tự do hàng hải, hàng không mà chúng tôi ủng hộ', đại úy Jared Patterson, phụ trách vũ khí và chiến thuật của phi đội ném bom 96 Mỹ, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 7. Theo Trí Dũng/Vnexpress.net http://tinngan.vn/Dieu-B52-den-bien-Dong-My-muon-ran-de-Trung-Quoc-quan-su-150-0-1009599.html ========================= Lần trước TQ thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông , Mỹ đã điều B52 bay qua vùng chồng lấn thách thức TQ, 7 tiếng sau TQ mới biết. Giờ đây trên biển Đông, tiếp sau chuyến tuần tra 7 tiếng của Đô đốc Scott Swift trên máy bay săn ngầm P8A-Poseidon (cũng chỉ biết sau khi Mỹ công bố) là tàu chiến Lassen và nữa là 2 chiếc pháo đài bay B52 bay qua khu vực các đảo đá Trường Sa mà TQ chiếm giữ cải tạo trái phép để thị uy, thực thi quyền tự do hàng hải. Mỹ không nói suông...Đảm bảo tự do hàng hải trên không, trên biển. Có thể sau đó là tàu ngầm hạt nhân cũng lượn qua chăng??? B)
-
Cải cách toàn diện giáo dục Việt Nam 09/11/2015 08:25 GMT+7 TT - Hệ thống giáo dục của Việt Nam từ tiểu học đến đại học không thể tiếp tục tồn tại như hiện nay. Vậy sự cải cách toàn diện nền giáo dục nước nhà cần được thực hiện như thế nào? Ba tổ chức gồm Hội Khuyến học Việt Nam, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cùng Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người đã có văn bản gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kiến nghị về việc cần thiết tái cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân. Đồng thời kiến nghị về một mô hình hệ thống giáo dục quốc dân mới dựa trên những định hướng cơ bản của nghị quyết trung ương 29. Trước đó, trong phiên họp của Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực ngày 6-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ GD-ĐT cần đặc biệt lưu ý làm rõ những hạn chế của hệ thống giáo dục quốc dân hiện tại để đề xuất hệ thống giáo dục quốc dân mới. GS.TS Trần Hồng Quân - Ảnh: N.Hùng Tại sao cần phải tái cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân? Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TS Trần Hồng Quân - chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT - nhận định: “Có một thực tế là cơ cấu của hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay theo Luật giáo dục (đặc biệt sau khi đã điều chỉnh theo Luật giáo dục nghề nghiệp) về cơ bản không đáp ứng được hàng loạt các định hướng quan trọng trong nghị quyết trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo như: xây dựng một hệ thống giáo dục mở, thực hiện phân luồng triệt để học sinh sau THCS, bảo đảm liên thông giữa các cấp học, bảo đảm hội nhập quốc tế về khung trình độ, hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia...”. Không thể xây dựng chương trình phổ thông tổng thể * Việc tái cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, đề xuất cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới có tác động thế nào đến chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ GD-ĐT đang gấp rút hoàn thiện, cũng như một loạt chiến dịch đổi mới về thi cử, đánh giá, thưa ông? - Cách đây vài tháng, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tiếp tục công bố báo cáo tổng hợp và tiếp thu, giải trình ý kiến của các tổ chức, cá nhân về bản dự thảo này. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, việc bộ có kế hoạch cố sớm ban hành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong khi cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân chưa được chỉnh sửa là không phù hợp về bước đi, khó mang tính đổi mới cơ bản và toàn diện đối với giáo dục, và sẽ phải làm lại, gây nhiều lãng phí tiền bạc, thời gian. Vì vậy, Hội Khuyến học Việt Nam, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người vừa có văn bản kiến nghị đề cập cách làm bất cập của Bộ GD-ĐT, đồng thời đưa ra kiến nghị về hệ thống giáo dục quốc dân và sơ đồ phân luồng cho từ sau năm 2015. Đồng thời cũng đã có văn bản gửi bộ trưởng Bộ GD-ĐT kiến nghị chỉ ban hành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, sau khi cơ cấu mới của hệ thống giáo dục quốc dân được khẳng định. * Tại sao Việt Nam nên thực hiện phân luồng triệt để sau THCS, trong khi nhiều nước phát triển vẫn phân luồng sau THPT để có được lực lượng lao động trình độ cao? - Tại Việt Nam, hệ quả của việc không phân luồng triệt để học sinh sau THCS trong suốt bao năm qua là chúng ta chỉ có trong tay nguồn nhân lực quá thấp kém về trình độ nghề nghiệp vì không được qua đào tạo (mặc dù có bằng tốt nghiệp THPT) hoặc được đào tạo ở mức dưới chuẩn chuyên môn (như ở hệ trung cấp chuyên nghiệp), hoặc ở mức dưới chuẩn học vấn (như ở các trình độ sơ cấp và trung cấp theo Luật giáo dục nghề nghiệp), hoặc ở mức vượt trình độ công nghệ của đất nước (như ở hệ CĐ nghề) như hiện nay. Thêm một bất hợp lý dẫn đến lãng phí khi chúng ta không thực hiện được phân luồng là nhiều học sinh học hết THPT rồi lại đi học trung cấp, sơ cấp nghề - trình độ đào tạo mà đáng lẽ các em có thể rút ngắn để thực hiện ngay khi tốt nghiệp THCS từ ba năm trước. Trả trình độ CĐ về giáo dục ĐH * Vậy để thực hiện cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân một cách hiệu quả, đâu là việc cần làm ngay, đâu là việc cần được đầu tư lâu dài, có tính chiến lược, thưa ông? - Xu hướng chung của giáo dục thế giới hiện nay là giáo dục nghề đang xâm nhập ngày càng sâu vào lĩnh vực giáo dục ĐH, để cùng với giáo dục ĐH truyền thống hình thành nên nền giáo dục sau trung học hoặc giáo dục bậc ba (tertiary education), góp phần quan trọng đưa giáo dục ĐH ở nhiều nước chuyển nhanh từ giai đoạn tinh hoa qua giai đoạn đại chúng và tiếp đó là giai đoạn phổ cập, đáp ứng kịp thời nhu cầu nhân lực cho sự ra đời một nền kinh tế tri thức ở những nước đó. Trong khi đó ở Việt Nam hai hệ thống này đang ngày càng tách xa nhau và đang được hoạch định bởi hai dòng chính sách độc lập nhau. Việc tách trình độ CĐ ra khỏi giáo dục ĐH để hợp nhất với các trình độ sơ cấp và trung cấp hình thành một bậc học riêng biệt (theo Luật giáo dục nghề nghiệp) là một biểu hiện rõ ràng của khuynh hướng đó. Vì vậy, để cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân cho đồng bộ với thực trạng phát triển của chính mình và phù hợp với xu hướng quốc tế thì trước hết phải triển khai một loạt giải pháp cấp bách: trả trình độ CĐ về giáo dục ĐH; đổi tên, mục tiêu và chương trình của trường trung cấp nghề thành trường trung học nghề; chuyển đổi các trường trung cấp chuyên nghiệp hoặc thành CĐ thực hành hoặc trung học nghề; hợp nhất một bộ phận các trường THPT với các cơ sở dạy nghề ở địa phương để chuyển thành các trường trung học nghề. Ngoài ra, cần quy hoạch lại nhiệm vụ cho các trường ĐH theo hai hướng: nghiên cứu và ứng dụng - thực hành. Hướng nghiên cứu chủ yếu dành cho các trường ĐH trọng điểm. Các trường địa phương và trường của các bộ, ngành chủ yếu đi theo hướng ứng dụng - thực hành, bám sát nhu cầu nhân lực của địa phương và của ngành. Về lâu dài phải từng bước sáp nhập một số viện nghiên cứu khoa học vào các trường ĐH trọng điểm để hình thành các ĐH nghiên cứu, từng bước xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, tập trung chức năng quản trị cho hội đồng trường, trao quyền tự chủ thật sự cho cơ sở giáo dục ĐH, chuyển một bộ phận cơ sở giáo dục ĐH công lập qua cơ chế tự chủ, tự hạch toán tài chính. Ngoài ra, rất cần tiếp tục điều chỉnh cơ cấu phân luồng người học căn cứ vào sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế cả ở tầm quốc gia lẫn tầm địa phương. Phân luồng diễn ra hoàn toàn trái ngược Thực tế, cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân theo Luật giáo dục năm 2005 xác định sau giáo dục mầm non (dưới 6 tuổi) sẽ đến tiểu học (5 năm), THCS (4 năm), sau đó đến THPT (3 năm) hoặc trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, rồi CĐ, ĐH, sau ĐH. Việc phân luồng này có vẻ tương đối hợp lý, nhưng trên thực tế chỉ đạo (ở cả cấp trung ương và cấp địa phương) lại mở cửa cho số đông học sinh tràn vào luồng THPT và chặn luồng học lên đối với các hệ trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề. Rõ ràng đối với Việt Nam, định hướng phân luồng từ sau THCS của hệ thống giáo dục đã thể hiện trong nhiều chủ trương, nhưng thực tiễn giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực của nước ta trong nhiều năm qua lại diễn ra hoàn toàn theo chiều hướng trái ngược. Cụ thể, theo thống kê giáo dục năm 2010 - 2011, 81,1% học sinh sau tốt nghiệp THCS được tuyển vào THPT, 9,86% gia nhập thị trường lao động. NGỌC HÀ (dothingocha@tuoitre.com.vn) http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20151109/cai-cach-toan-dien-giao-duc-viet-nam/999673.html -------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------- Một số comment: maicom 09:06 09/11/2015 Các ý kiến đề xuất đều rất hay, có điều là: người có quyền thì không dám làm, và người biết làm thì không có quyền! THÍCH 31 nguyễn chí thanh 10:22 09/11/2015 Trước tiên phải cải tạo lại nhân sự Bộ Giáo dục. THÍCH 17 Giáo dục không chính trị 11:31 09/11/2015 Lạy các cụ. Các cụ làm ơn đừng cứ nói rồi lại cải cách sớm một chiều mãi như vậy nữa. Làm phải có khoa học nghĩa là phải có nghiên cứu sâu rộng nhiều năm, thậm chí nghiên cứu cả chục năm mới đổi mới được. Còn không tự nghiên cứu được thì hãy học các nước văn minh khác như Phần Lan, Nhật Bản hay Úc. Copy hình mẫu của họ mà tự cải biến lại. THÍCH 12 bui van tai 10:07 09/11/2015 Hãy tham khảo kinh nghiệp các nước phát triển. Tránh tình trạng vừa cải cách xong đã lạc hậu. Chỉ khổ các cháu học sinh thôi... THÍCH 8 Côn 08:30 09/11/2015 Cải với chả cách. Mấy chục năm làm mà có ra hồn gì đâu. Con cái học hành ngày một nặng nề mà toàn là học vẹt: Bài văn mẫu, lịch sử thì lơ mơ. Cải lùi thì có. THÍCH 8 Lê Thuận 11:10 09/11/2015 Thời chúng tôi còn là SV, rồi sau này theo Cao Học, lúc đó Bộ Trưởng Giáo Dục là Thầy GS TS Trần Hồng Quân - Dù những năm ấy nước ta còn khó khăn mà Thầy đã xoay chuyển được cho GD VN phát triển rất tốt. HS SV ý thức phát triển tư duy của mình. Còn hiện tại GD của chúng ta cứ tụt hậu hoài, bao giờ theo kịp các nước khác trong khu vực? THÍCH 4 Huỳnh thái Hòa 10:47 09/11/2015 Chính nền giáo dục như vậy mà làm cho người VN ta cứ thua các nước hoài. Chỉ tội cho các em, các cháu học sinh VN nghèo, như thể các con chuột bạch trong phòng thí nghiệm. Còn con cháu của họ thì toàn học ở nước ngoài nên họ đâu lo lắng làm gì cho mệt. THÍCH 4 Lưu Minh Hoàng 10:45 09/11/2015 Tôi thấy lời bình của "maicom" rất chính xác, nhưng tôi chưa thấy ý kiến của các chuyên gia nào góp ý về việc định nghĩa lại chương trình giáo dục phổ thông,vì hiện nay nó gánh trên mình nhiều nhiệm vụ nặng nề quá. Đáng lẽ nó chỉ nên làm 1 nhiệm vụ là: Cung cấp kiến thức tối thiểu cho 1 công dân khi trưởng thành bước vào đời, còn việc để học cao hơn như vào CĐ, ĐH hay làm gì khác thì sẽ có chương trình đào tạo khác, như vậy chương trình giáo dục phổ thông chỉ cần 10 năm là đủ, và không cần tổ chức thi gì cả. Như thế sẽ tiết kiệm rất nhiều tiền ngân sách của nhà nước cũng như của xã hội. !!! Cần nhiều tiếng nói hơn nữa và một chiến lược toàn diện để nền giáo dục Việt Nam đi vào thực chất. B)
-
Nghĩ về hạt thóc Nguyễn Hải Yến Khi Vua Hùng cắm giảnh mạ đầu tiên Hạt thóc đã mang hình ngọn lửa Khi Vua Hùng cúi mặt xuống đồng Hạt thóc đã mang hình con mắt Khi Vua Hùng ngẩng lên nhìn xa tắp Hạt thóc đã mang hình con thuyền Và khi Người nhận bánh chưng, bánh giầy Lang Liêu dâng lên Hạt thóc đã mang hình trời, đất Giặc giã nắng mưa mấy ngàn năm đối mặt Hạt thóc đã mang hình giọt máu trong tim Chắp cánh bao cuộc đời từ bùn đất đi lên Hạt thóc đã mang hình con dấu Chọn Lang Liêu để Vua Hùng truyền ngôi báu Hạt thóc đã mang hình vương miện tự ngàn năm Hạt thóc vàng (ảnh Internet) http://vanhocquenha.vn/vi-vn/113/default.html
-
Sự thật chuyện ông Ban Ki-Moon có gốc gác Việt Nam? Thứ Ba, 03/11/2015 06:17AM (VTC News) - Ông Ban Ki-Moon sẽ không có thời gian rảnh để đi thăm một dòng họ nếu chẳng có gì liên quan, cũng như thắp hương khấn vái và để lại bút tích? Trong buổi trao đổi với phóng viên VTC News, ông Phan Huy Thanh cho biết, chuyến thăm nhà thờ dòng họ Phan Huy ở thôn Thụy Khuê (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội) của ông Ban Ki-Moon cũng đã được một chuyên viên truyền thông làm việc tại Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) ở Việt Nam xác nhận vào chiều 31/10 vừa qua. Theo lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ông Ban Ki-Moon đã có chuyến sang thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày 22 và 23/5/2015. Trong chuyến thăm, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã hội kiến với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, chào xã giao Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông Ban Ki-Moon có cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, tham gia Lễ Khánh thành Tòa nhà Xanh Liên Hợp Quốc, nói chuyện với với các sinh viên Học viện Ngoại giao, cán bộ ngoại giao trẻ và tham dự lễ kỷ niệm 1 năm ngày thành lập Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam. Bên cạnh đó, ông Thanh được biết Tổng thư ký Liên Hợp Quốc có yêu cầu cho ông đi việc cá nhân trong vòng 1 buổi, đồng thời yêu cầu không được quay phim, chụp ảnh hay cung cấp bất cứ thông tin gì ra ngoài, cho nên, mọi việc đều được tuân thủ chặt chẽ. Phải mấy tháng sau, câu chuyện mới lộ ra ngoài. Bút tích của ông Ban Ki-Moon tại nhà thờ Phan Huy Đã có rất nhiều lời đồn thổi xung quanh sự kiện ngày 23/5 ở thôn Thụy Khuê, nhất là việc ngài Tổng thư ký Liên Hợp Quốc liệu có phải là hậu duệ của người Việt Nam? Dư luận có nhiều ý kiến cho rằng với cương vị của mình, Ông Ban Ki-Moon sẽ không có thời gian rảnh để đi thăm một dòng họ nếu chẳng có gì liên quan, cũng như thắp hương khấn vái và để lại bút tích. Hơn nữa, với những hành động được ghi nhận trong chuyến viếng thăm, nhiều người bảo đó là hình ảnh của một người con, cháu về nhận lại tổ tiên, hơn là một phong cách đi ngoại giao của một nhân vật đức cao vọng trọng như ngài Tổng Thư ký. Những ý kiến ấy không phải là suy diễn, nhất là ở một đất nước luôn đề cao chữ hiếu như Hàn Quốc. Tuy nhiên, theo ông Phan Huy Thanh, phải có căn cứ chính xác, và phải có một thời gian nghiên cứu kỹ càng, lúc đó mới có thể khẳng định. Còn hiện tại, tất cả chỉ là đồn đoán. PV: Ông có thể cho biết, trong chuyến viếng thăm đó, ngài Tổng thư ký Liên Hợp Quốc có giới thiệu gì về bản thân mình không? Hay bảo mình có nguồn gốc là người Việt Nam không? Ông Phan Huy Thanh: Ông ấy không nói, hoặc giả sử có nói thì chúng tôi cũng không được biết, vì không thông thạo ngoại ngữ lắm, cũng không thấy phiên dịch bảo lại. Chúng tôi cũng đã nhóm họp và tìm hiểu rất kỹ trong gia phả của dòng họ Phan Huy và những câu chuyện liên quan thì không hề có một dòng ghi chép về bất cứ một người nào trong dòng họ có liên quan đến Hàn Quốc cả. Cũng có thông tin bảo rằng, ông Ban Ki-Moon đã có lần thổ lộ, ông là đời sau của cụ Phan Huy Chú. Cụ Phan Huy Chú trước có đi sứ bên Trung Quốc, có giao lưu với đoàn sứ bộ của Triều Tiên, xướng họa thơ văn với các sứ thần Triều Tiên và để lại thơ văn đến tận bây giờ. Tuy nhiên, nghe thì chỉ nghe thế thôi, còn thực tế như thế nào thì chúng tôi cũng không thế trả lời được. Ông Phan Huy Thanh cho biết, hiện tại tất cả chỉ là suy diễn, không có căn cứ PV: Cũng có ý kiến cho rằng, nếu không có quan hệ họ hàng, ông Ban Ki Moon sẽ chẳng bỏ thời gian vào thăm nhà thờ họ Phan, mặt khác với vai trò là một Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, họ phải có một căn cứ nào đó chắc chắn mới có sự kiện này? Ông Phan Huy Thanh: Trong chúng tôi cũng có người có suy nghĩ như thế, nhưng đó chỉ là suy diễn cá nhân, chứ không hề có kiểm chứng. Muốn khẳng định có phải hay không, tôi nghĩ phải tìm hiểu rất kỹ về thân thế của ông Ban Ki-Moon, tức là cũng phải xem gia phả của dòng họ ông ấy. Mặt khác cũng phải tìm hiểu những câu chuyện có liên quan ở Việt Nam, kết hợp và đối chiếu tìm xem có liên hệ gì không? Nếu có thì lúc đó mới có thể nói chuyện được. Trong dòng họ của chúng tôi cũng có một chi nhánh loạn lạc, họ di tản và nhận làm con nuôi của dòng họ khác. Đến khi người ta tìm về, có bảo cụ tổ để lại mấy chữ: “Về nhà thờ làng Thụy Khuê, có đôi câu đối thì đấy là dòng họ mình”. Người ta đi tìm ở phố Thụy Khuê ở nội thành Hà Nội, sau đó đến năm 1982, kỷ niệm ngày sinh cụ Phan Huy Chú, người ta mới biết có làng Thụy Khuê ở đây, và tìm về. Sau đó, qua khảo sát nghiên cứu một thời gian, người ta mới khẳng định được sự việc có thật. Giờ, phải xem gia phả bên Hàn Quốc như thế nào, về ngồi đây, ghép 2 gia phả với nhau, thì mới biết được. Nói ngắn gọn, quá trình nhận họ cũng phải rất kỳ công, kỹ lưỡng, yêu cầu cực kỳ chính xác, không nghe đồn đoán. Cho nên đến giờ, tất cả cũng chỉ là suy diễn. Ông Ban Ki-Moon trong chuyến thăm nhà thờ dòng họ Phan Huy ngày 23/5/2015 Tổng thư ký Liên Hợp Quốc xem Thế Thứ Đồ của dòng họ Phan Huy PV: Nếu đúng ngài Tổng thư ký là hậu duệ của dòng họ mình? Ông Phan Huy Thanh: Tôi không dám nói ông ấy thuộc dòng họ của mình, bởi vì tôi chỉ biết ông ấy là một người con của dòng họ Phan, mà dòng họ Phan thì khá đông đúc. Nếu như ông ấy có bảo dòng họ Phan Huy chẳng hạn, thì giữa hai bên lại gần nhau hơn một tý, và để chắc chắn hơn thì chúng ta cần có bằng chứng. Bản thân dòng họ chúng tôi cũng là một dòng họ có tên tuổi từ xưa tới nay, cho nên tất cả đều phải cân nhắc kỹ lưỡng. PV: Là một trong những người tiếp đón hôm ấy, ông có đánh giá sơ bộ như thế nào về con người của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc? Ông Phan Huy Thanh: Qua những động tác như ông Ban Ki-Moon bắt tay ai cũng cảm ơn, ra bế 2 cháu nhỏ trong dòng họ, rồi lúc ông trên đường ra về, tình hình không còn nghiêm mật như lúc trước nữa, câu chuyện cũng rộng rãi hơn, dân tình người ta xúm đến, ông cũng bắt tay và chào hỏi mọi người, tôi cảm thấy ông ấy là một con người rất lịch sự, tử tế, luôn thân thiện và tôn trọng tất cả mọi người, tự nhiên như là không có khoảng cách giữa một nhân vật tối quan trọng với những người dân bình thường như chúng tôi. PV: Xin cảm ơn ông! Nguồn: http://vtc.vn/su-that-chuyen-ong-ban-ki-moon-co-goc-gac-viet-nam.394.578829.htm Ông Ban Ki-moon nói đến quan hệ với Phan Huy Chú 02/11/2015 06:02 Theo GS Phan Huy Lê, trong trao đổi, ông Ban Ki-moon nói là hậu duệ của họ Phan Huy, cụ thể hơn là hậu duệ của Phan Huy Chú. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon thăm nhà thờ họ Phan Huy ở Quốc Oai, Hà Nội tháng 5.2015 - Ảnh: Lê Quân chụp lại từ tư liệu gia đình Cuộc gặp cá nhân Cuộc sống vẫn bình thường với dòng họ Phan Huy kể từ khi ông Ban Ki- moon, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tới thăm và thắp hương ở nhà thờ họ tại Quốc Oai, Hà Nội vào tháng 5.2015. Đương nhiên, họ tự hào, song tất cả chỉ dừng lại ở đó. “Một người lãnh đạo Liên Hiệp Quốc về nhà thờ họ tôi thắp hương. Tôi có đủ thông tin, có Facebook mà chẳng dám đưa lên mạng đâu. Mình đưa lên thấy nó vô duyên quá”, ông Phan Huy Huân, trưởng họ, khẳng định. Chính ông Huân đã đứng ra lựa chọn những người tới dự cuộc gặp mặt hôm đó. Cũng chính ông là người đã mời một nhà khoa học lớn trong họ - GS Phan Huy Lê đến dự. Vì lý do sức khỏe, GS Lê không thể có mặt, chỉ gửi tặng sách Lịch triều hiến chương loại chí (tác phẩm của Phan Huy Chú) cho ông Ban Ki-moon. “Vì là chuyện riêng tư nên Bộ Ngoại giao không ai biết mà TP.Hà Nội cũng chẳng ai hay. Chỉ anh em tôi biết thôi”, ông Huân nói. Về việc liệu ông Ban Ki-moon có quay lại không, ông Huân cho biết: “Ai mà dám hẹn. Sao mà hẹn được”. TS Lý Xuân Chung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Hàn Quốc, Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN, cho rằng không thể đánh giá cuộc viếng thăm này như một động thái ngoại giao được. “Nếu là động thái ngoại giao thì đã có sự chủ động đưa tin, chụp ảnh. Ông ấy về đây chỉ như một người hành hương bình thường, với lòng thành kính với họ Phan”. Ông Chung cũng cho rằng không nên cố tình hiểu sự việc theo hướng ông Ban Ki-moon là hậu duệ của dòng họ Phan Huy. “Tôi nghĩ chỉ nên hiểu chắc chắn ông ấy tôn trọng và thành kính với dòng họ Phan. Mà họ Ban (viết cùng một chữ Hán với họ Phan) ở Hàn Quốc cũng là một dòng họ lớn”, ông Chung nói. Gia phả họ Phan Huy có nhiều dị bản Theo TS Nguyễn Ngọc Nhuận, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cho tới giờ phút này gia phả họ Phan Huy không hề ghi nhận bất cứ thông tin nào về việc có thể có một nhánh lưu lạc ở nước ngoài. Tuy nhiên, có tới 4 dị bản gia phả của dòng họ này. Khi nghiên cứu, ông Nhuận đã dịch bản Phan gia công phả và tham khảo cả ba bản còn lại. Phan gia công phả được ông Nhuận đánh giá là cuốn gia phả quý, được biên soạn theo một thể thức khá chuẩn mực. Tuy nhiên, cây gia phả (nếu vẽ ra) cũng có những nhánh trống. “Gia phả cũng có những bản ghi không được hết. Có thể, nếu có ai đi thì ở đoạn đó”, ông Nhuận nói. Ông Nhuận cho biết thêm: “Có thể có ông bỏ đi vì sợ nhà Nguyễn sẽ trả thù. Phan Huy Ích trước có theo nhà Tây Sơn. Nhưng họ chỉ trả thù nhân vật chính của triều Tây Sơn, chứ còn quan kiểu sĩ phu Bắc Hà dù sao cũng sử dụng. Thậm chí vua Gia Long còn gọi Phan Huy Ích ra để hỏi về quan hệ bang giao giữa nhà Nguyễn với triều Thanh vì Phan Huy Ích quen với việc bang giao rồi”. Cũng theo ông Nhuận, nếu có việc phải trốn đi để không bị trả thù thì người ghi gia phả sẽ không ghi nhánh đó để tránh chuyện không hay. “Nếu chuyện đó có thật thì có thể sẽ có tư liệu từ phía Hàn Quốc”, ông nói. Về chuyến thăm của ông Ban Ki-moon, ông Nhuận cho rằng: “Có lẽ cùng lắm chỉ nên hiểu đó là ông ấy đang đi tìm tư liệu về dòng họ Phan thôi”. Về khả năng tìm tư liệu từ phía Hàn Quốc, TS Chung cho biết nước này có một hội nghiên cứu về tộc phả hoạt động rất mạnh. Tuy nhiên, “Các dòng tộc nhỏ thì phải nghiên cứu lâu, có khi phải mất mấy năm. Trường hợp của họ Lý cũng mất nhiều năm mới có kết luận khoa học”, ông Chung nói. “K Trinh Nguyễn
-
Chủ nhân mới nên làm gì sau khi Thuận Kiều Plaza bị tháo dỡ? Phương Nhi 28/10/2015 07:44 Người dân Tp.HCM tự ví Thuận Kiều Plaza giống như 3 que nhang nên theo ý kiến của 1 chuyên gia, khi cải tạo lại, dự án này nên thay đổi số lượng tòa tháp. Thuận Kiều Plaza mới tốt nhất nên xây 2 lốc Theo một báo cáo mới đây của UBND Tp.HCM, toàn bộ dự án “trùm mền” Thuận Kiều Plaza đã được Công ty CP Đầu tư An Đông mua lại. Thành phố cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho An Đông nộp tiền sử dụng đất theo giá đất tương ứng với mục đích sử dụng quy định tại bảng giá đất do UBND Tp.HCM quy định và công bố tại thời điểm nhận chuyển nhượng. Việc một dự án đệ nhất ở Sài thành đã “chết” 20 năm nay, tạo một bộ mặt nhếch nhác cho thành phố, giờ chuẩn bị hồi sinh khiến không ít người khấp khởi chờ đợi một luồng sinh khí mới cho khu vực này. Ông Nguyễn Văn Đực, kỹ sư công chánh, Phó Giám đốc công ty TNHH Địa ốc Đất Lành cho biết, rất khó để có thể đánh giá xem việc mua lại Thuận Kiều Plaza có phải là một thương vụ khôn ngoan không. Nhưng ông khẳng định, đây là địa điểm rất có giá trị, nếu không muốn nói là có giá trị nhất ở quận 5, Tp.HCM. Để Thuận Kiều Plaza “sống lại”, là một chuyên gia bất động sản, ông Nguyễn Văn Đực cho rằng, chủ đầu tư mới cần nhìn lại những nguyên nhân khiến Thuận Kiều Plaza “chết” để từ đó có hướng khắc phục. "Tôi đang mong chờ một công nghệ đập phá nào đó nhanh gọn mà không gây ra tai nạn sự cố" - ông Nguyễn Văn Đực nói. Trước đó, 3 tòa tháp của Thuận Kiều đã trải qua các cơn sốt bất động sản nhưng vẫn không tiêu thụ được. Dưới con mắt của một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, ông Đực cho rằng, chủ nhân mới của Thuận Kiều cần xem xét lại về giá, về chất lượng thiết kế cũng như chất lượng thi công của công trình này. “Nghe nhiều người nói là tòa nhà có chất lượng kém, phòng ốc bố trí không được vuông, thẳng, có nhiều đà (dằm) cắt ngang phòng ngủ hay cắt ngang phòng khách, gây khó chịu cho cư dân. Trong khi, ở đó có nhiều người Hoa, họ kiêng kị trên đầu có đà (dầm) ngang” – ông Đực phân tích. Thêm một vấn đề nữa mà Thuận Kiều Plaza cần phải thay đổi, theo ông Đực đó là quyền sở hữu lâu dài. “Tôi được biết ở Thuận Kiều Plaza có một hạn tuổi. Theo luật đầu tư nước ngoài, đối với người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam, thời hạn sở hữu không quá 50 năm, chứ không được sở hữu vĩnh viễn. Khi bán một căn nhà có giới hạn tuổi như vậy thì không ai muốn mua. Người sở hữu phải chuyển đổi kinh doanh theo một cách khác như cho thuê,… Vì vậy, ông chủ mới phải đóng tiền sử dụng đất để làm sao có căn hộ sở hữu vĩnh viễn. Thêm vào đó, cần nhờ kiến trúc sư giỏi xem xét lại cấu trúc của từng căn hộ, xem có điều chỉnh được gì hay không, giảm các đà ngang trong căn hộ. Làm được như vậy sẽ khiến sự lo lắng của người dân giảm xuống", ông chia sẻ. Còn liên quan tới những đồn thổi ma mị cho rằng: tòa nhà này có ma, ông Đực cho rằng: “Đồn thổi thì chỉ là đồn thổi thôi. Người dân tự ví Thuận Kiều Plaza giống như 3 que nhang nhưng tôi thấy thiếu gì công trình xây 3 tòa như vậy, thậm chí 5 tòa cũng tốt mà. Những câu chuyện ma mãnh chỉ mang tính chất huyền thoại, màu mè và mê tín. Tôi nghĩ: Nếu điều chỉnh được chất lượng căn hộ thì Thuận Kiều Plaza vẫn bán chạy như thường”. Ngoài ra, để đem lại nguồn sống cho ông chủ mới, theo ông Đực, Thuận Kiều Plaza có thể đầu tư ở cả 3 lĩnh vực: Đế dưới làm trung tâm thương mại, một tòa tháp làm cao ốc văn phòng và 2 tòa tháp còn lại làm nhà ở - chung cư. “Nếu chủ đầu tư mới kiêng con số 3 gây thất hại, xua đuổi, kiêng số 4 “tử” thì nên thay đổi thành tòa nhà 2 lốc “song hỷ” hay song mã” hoặc 5 lốc. Nhưng 5 lốc “ngũ hành” phải có những khoảng lùi rất khó. Nên theo tôi, làm Thuận Kiều Plaza mới với 2 lốc là tốt nhất” – ông Đực tư vấn. Phá dỡ toàn bộ: Khả thi nhưng tốn kém, nguy hiểm Theo ý kiến của các chuyên gia, việc đập phá toàn bộ kết cấu cũ hay chỉ cải tạo còn phụ thuộc vào công năng mới của chủ đầu tư mới. Theo đó, nếu công năng mới thay đổi nhiều so với kết cấu cũ, không phù hợp thì bắt buộc phải tính tới giải pháp đồng bộ là đập bỏ. Trong khi đó, nếu đập cần tính toán không chỉ đập phần tòa tháp phía trên mà phải xem xét cả khối móng bên dưới. “Nhưng chuyện đập hết tòa nhà sẽ gây nhiều khó khăn. Vì từ trước tới nay, người ta chỉ phá dỡ vài tầng như ở Hà Nội “cắt gọt” tòa 8B Lê Trực, còn đây là cả tòa nhà lớn. Không biết họ có đập phá tầng móng không vì như thế rất tốn kém. Tôi đang mong chờ một công nghệ đập phá nào đó nhanh gọn mà không gây ra tai nạn sự cố” – ông Đực nói. Theo đó, tòa nhà có thể đánh sập bằng mìn nhưng chủ đầu tư sẽ phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tính đến phương án di dời hàng trăm hộ dân đang sinh sống xung quanh đấy. Ngoài ra, phương án này phải tính toán đến thời điểm thích hợp nhất để tiến hành, quan trọng nhất là chỉ đánh mìn một lần duy nhất để toàn bộ công trình được phá sập hoàn toàn. Thuận Kiều Plaza có "lột xác" sau 20 năm "đắp chiếu"? Bàn luận về vấn đề đập bỏ tòa nhà Thuận Kiều Plaza, chuyên gia phong thủy Long Thiện Vũ cho rằng, nếu tháo dỡ toàn bộ kết cấu cơ sở hạ tầng dự án này, đây sẽ là một quyết định khá táo bạo và ẩn chứa nhiều nguy cơ và tiềm năng phía trước. “Cá nhân tôi thấy tháo dỡ toàn bộ, tính khả thi khá cao, nhưng sẽ gặp nhiều thử thách. Còn nếu chỉ cải tạo thôi thì không mang đầy đủ ý nghĩa sức mạnh kinh tế của chủ nhân mới đối với trung tâm thương mại này. Do đó, có thể nói: Mạo hiểm đi đôi với thành tựu. Cầu phú quý trong nguy hiểm vậy!” - ông Long Thiện Vũ nói. Để Thuận Kiều Plaza khởi sinh Phải cải tạo thế nào để Thuận Kiều khởi sinh, mang thời vận tốt đến cho chủ nhân, chuyên gia phong thủy Long Thiện Vũ nhận xét, điều này phụ thuộc vào tiềm lực kinh tế của chủ đầu tư mới cũng như khả năng nắm bắt nhạy bén dòng chảy kinh tế trong khu vực. “Nếu chủ mới vẫn bước trên con đường cũ và không có tính sáng tạo cùng nắm bắt nhịp điệu kinh tế khu vực chung thì kết cục cũng không khá hơn là mấy” – ông Vũ nhấn mạnh. Tuy nhiên, vị chuyên gia phong thủy này cũng chỉ ra một số vấn đề cần lưu ý như sau: "Thứ nhất, tài chính hùng mạnh là vấn đề chú trọng bức thiết cho chủ nhân mới của Thuận Kiều Plaza. Thứ hai, khả năng nắm bắt thị hiếu của đối tượng khách hàng, đồng thời biết trước thời cơ, sáng tạo ra cơ hội để gây dựng nên uy tín, sự khởi sắc của chính mình. Thuận Kiều Plaza là nơi có tiềm năng phát huy giá trị vốn có của nó, khởi nguồn của sự giàu sang, thịnh vượng mang đến cho chủ nhân tiền bạc và quyền lực. Tuy vậy, nó đòi hỏi ở chủ nhân mới phải dùng đúng mục đích thì mới có thể phát huy giá trị vốn có đó. Vận mệnh luôn luôn kỳ diệu và cũng luôn thay đổi chứ không phải chỉ biết bất biến, nó cũng có sự thông thuận và nghịch hành. Bởi vậy, có thể nói thành công của một mảnh đất liên quan đến vận mệnh của một cá nhân, nhưng vận mệnh của một cá nhân lại do rất nhiều yếu tố kỳ diệu khác tạo thành. Cho nên, nhất tâm nhất khởi nhất bình an - Vô tâm vô khởi vô tâm phiền” – ông Thiện Long Vũ kết luận. -------------------------------------------------------------------------- Bài viết có tính chất tham khảo, không phản ánh quan điểm của TTNC LHĐP Nguồn: http://soha.vn/xa-hoi/chu-nhan-moi-nen-lam-gi-sau-khi-thuan-kieu-plaza-bi-thao-do-20151027174656524.htm
-
Nga dự báo cú sốc thứ 2 với nền kinh tế nếu giá dầu xuống mức 40 USD (VIETNAM+) LÚC : 28/10/15 08:35 Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Getty Images) Bộ Phát triển Kinh tế Nga đã dự báo một cú sốc thứ 2 với nền kinh tế nước này nếu giá dầu hạ xuống mức 40 USD/thùng và Nga phải mất 5 năm để kinh tế quay trở lại tình trạng trước khủng hoảng. Phát biểu tại Hội đồng Liên bang (Thượng viện), Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga Alexei Vedev cho rằng kinh tế nước này sẽ phải chịu một cú sốc nếu giá dầu giữ ở mức 40 USD/thùng trong ba năm tới. Ông Vedev được Interfax dẫn lời nói: "Kịch bản giả định bảo thủ cho thấy quỹ đạo giảm giá dầu xuống mức 40 USD/thùng vào năm 2016 và duy trì mức đó tới năm 2018. Chúng tôi tính rằng sự suy giảm như vậy đồng nghĩa với cú sốc thứ hai cho nền kinh tế Nga - một cú sốc bên ngoài, và sẽ mất thêm thời gian để thích ứng với điều kiện mới." Trong báo cáo dự báo kinh tế-xã hội của mình, ông Vedev lưu ý việc đưa tình hình trở lại như trước khủng hoảng sẽ không xảy ra trước năm 2020. Đáy đầu tư, theo ông Vedev phải vào quý 1/2016. Giá dầu 40 USD/thùng nằm trong kịch bản dự báo kinh tế vĩ mô bảo thủ của Bộ Phát triển Kinh tế. Theo kịch bản này, tỷ giá đồng nội tệ so với USD sẽ ở mức trên 75 ruble, năm 2018 tăng lên 78 ruble/USD. Theo kịch bản, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga năm 2016 giảm 1%, năm 2017 kinh tế sẽ tăng trưởng 1,3%, năm 2018 tăng trưởng 2,3%. Lạm phát theo kịch bản này có thể đạt 8,8% năm 2016 và 7% năm 2017. Lạm phát dưới 6% chỉ vào năm 2018. Năm 2017, thu nhập thực tế của người dân Nga tiếp tục giảm khiến kim ngạch bán lẻ giảm sút. Trong khi đó, mối lo về nguồn cung tiếp tục dư thừa nhiều hơn là nguyên nhân chính làm cho giá dầu thô tại thị trường Mỹ và thế giới trong ngày 27/10 giảm sâu xuống mức thấp nhất trong gần hai tháng qua. Trong phiên giao dịch cuối cùng trước khi đóng cửa ngày 27/10, giá dầu thô WTI của Mỹ tại sàn giao dịch New York giảm 0,78 USD, tương đương 2%, xuống còn 43,2 USD/thùng. Đây là mức giá thấp nhất của loại dầu thô này kể từ cuối tháng Tám vừa qua. Trước đó cùng ngày, giá dầu thô WTI có lúc còn giảm sâu xuống 42,58 USD/thùng. Đây là ngày thứ ba liên tiếp giá dầu thô của Mỹ trên đà sụt giảm. Như vậy, kể từ đỉnh cao ngày 9/10, giá dầu thô Mỹ đã giảm tổng cộng 16%. Các chuyên gia dự báo giá loại dầu thô này có khả năng giảm sâu xuống mức dưới 40 USD/thùng. Tại thị trường London (Anh), giá dầu Brent giao tháng 12 giảm 0,70 USD, xuống 46,84 USD/thùng, thấp nhất kể từ thời điểm giữa tháng Chín./. Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/nga-du-bao-cu-soc-thu-2-voi-nen-kinh-te-neu-gia-dau-xuong-muc-40-usd/351905.vnp
-
Mỹ “khó chịu” vì Anh - Trung thân mật AN HUY Ngay trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Mỹ vào tháng trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo chuẩn bị trừng phạt Trung Quốc về vấn đề tội phạm mạng. Hai nước đồng minh đang có sự bất đồng quan điểm trong cách ứng xử với Trung Quốc... Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt đội danh dự hoàng gia Anh trong lễ đón chính thức ở London ngày 20/10 - Ảnh: Telegraph. Theo tờ Financial Times, thông điệp cứng rắn này của ông Obama trái ngược với thái độ của London trước thềm chuyến thăm Anh vào tuần này của ông Tập. Nhiều quan chức của Anh cho rằng mối quan hệ Anh-Trung đã bước vào một “kỷ nguyên vàng”. Cả Mỹ và Anh cùng dành những nghi lễ trang trọng nhất để đón nhà lãnh đạo Trung Quốc. Lễ đón ông Tập ở Washington có 21 loạt đạn súng trường và một buổi quốc yến. Tại London, ông Tập dự quốc yến tại cung điện Buckingham và phát biểu trước Quốc hội Anh. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Mỹ và Anh, hai nước đồng minh nằm ở hai bờ Đại Tây Dương, đang có sự bất đồng quan điểm trong cách ứng xử với Trung Quốc. Theo nhận định của ông Evan Medeiros, trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại Eurasia Group đồng thời là một cựu cố vấn cấp cao về châu Á cho ông Obama, Anh có vẻ đang mắc sai lầm trong cách tiếp cận Trung Quốc. “Nếu như có một sự thật hiển nhiên trong quản lý mối quan hệ với Trung Quốc đang nổi lên, thì đó là, nếu bạn nhượng bộ trước áp lực của Trung Quốc, họ càng gây sức ép lớn hơn lên bạn”, ông Medeiros nói. Mỹ thì đang cố gắng tìm ra điểm cân bằng giữa một bên là thúc đẩy một mối quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc và một bên là cứng rắn với nước này trong những vấn đề như gián điệp mạng và biển Đông. Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron lại chủ trương thúc đẩy quan hệ thương mại với Trung Quốc và hút thêm vốn đầu tư từ nước này. “Điều đáng lo ngại là thông điệp được gửi đi cho thấy thương mại và hợp tác kinh tế là yếu tố duy nhất định hướng chính sách của Anh đối với Trung Quốc”, chuyên gia Tom Wright thuộc Viện Brookings nhận xét. Trong khi Mỹ lo ngại về việc Anh từ bỏ việc theo đuổi quyền lực - thể hiện qua việc chi tiêu ít hơn cho quốc phòng và lùi bước trong vai trò trên trường quốc tế - giới chức ở Washington đặc biệt quan ngại về lập trường của Anh đối với Trung Quốc. Hồi tháng 3 năm nay, mối quan hệ Mỹ-Anh gặp khó khi chính quyền Obama chỉ trích Anh “liên tục dàn xếp” với Trung Quốc. Cáo buộc này được đưa ra sau khi Anh gần như không thông báo gì cho Mỹ mà lặng lẽ trở thành quốc gia đầu tiên trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G-7) gia nhập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng. “Điều khiến chúng tôi bực mình là Anh làm việc đó mà gần như không tham vấn gì Mỹ. Anh không chỉ làm suy yếu Mỹ, mà cả nhóm G7”, một cựu quan chức chính quyền Obama nói. Ông Chrison Johnson, một cựu chuyên gia phân tích về Trung Quốc của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), cũng đặt câu hỏi xung quanh cách tiếp cận Trung Quốc của Anh. Nhưng ông Johnson nói rằng Anh ở thế bất lợi nếu so với Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc, vì “Barack Obama có thể đứng cạnh Tập Cận Bình và nói chuyện theo cách ông ấy muốn, nhưng các nhà lãnh đạo Anh thì không thể làm như thế”. Mặc dù vậy, vị chuyên gia cũng cảnh báo Anh nên thận trọng với những khoản đầu tư mà nước này muốn tìm kiếm từ Trung Quốc, bởi các công ty Trung Quốc có thể nhân đà này tiến sâu vào những ngành then chốt của Anh. Năm nay, tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc đã nhận được tín hiệu “đèn xanh” để đầu tư vào Anh sau khi một ủy ban của Anh kết luận Huawei không gây rủi ro an ninh - trái ngược với sự nghi ngờ mà tập đoàn này đang đối mặt ở Mỹ. Theo dự kiến, tuần này, Trung Quốc và Anh sẽ công bố việc phía Trung Quốc nắm cổ phần 1/3 trong một dự án điện hạt nhân của Anh. Ông Patrick Cronin, chuyên gia về châu Á thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới, cho rằng Anh cần duy trì sự cân bằng giữa vấn đề an ninh quốc gia và các lợi ích kinh tế, nhất là khi Trung Quốc muốn rót vốn vào những lĩnh vực như năng lượng, viễn thông và tài chính. “Washington đang lo ngại về ý định của Trung Quốc trong việc tăng cường quan hệ với Anh. Chắc chắn Trung Quốc đang lách mình vào trung tâm của mạng lưới an ninh quốc gia Anh thông qua những khoản đầu tư này”, ông Cronin phát biểu. Nguồn: http://vneconomy.vn/the-gioi/my-kho-chiu-vi-anh-trung-than-mat-2015102110513736.htm -------------------------------------------------------------------------------------------- Ông đứng đầu thế giới nói chuyện với ông thứ 2 thì phải khác giữa ông thứ 2 với ông thứ 6 thế giới rồi... :D B)
-
VỀ RĂNG NGƯỜI 80.000 NĂM TRƯỚC VỪA PHÁT HIỆN Ở HỒ NAM TRUNG QUỐC Hà Văn Thùy 20-10-2015 47 chiếc răng cổ vừa được tìm thấy ở huyện Đạo thuộc tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc). ảnh: CNN Các hãng thông tấn lớn loan báo: Nhóm nhà khoa học Đại học Luân Đôn nước Anh vừa công bố trên tạp chí Nature danh tiếng bản tin làm chấn động thế giới. “Đó là việc phát hiện 47 răng người hiện đại Homo sapiens có tuổi 80000 năm ở Động Phúc Nham, huyện Dao, tỉnh Hồ Nam Trung Quốc. Niên đại này sớm hơn 20 ngàn năm so với thời di cư “Ra khỏi Phi châu” (Out of Africa) vốn là cột mốc được thừa nhận rộng rãi. Giáo sư Chris Stringer từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London nói kết quả nghiên cứu mới là “điều làm thay đổi cuộc chơi” trong cuộc tranh luận về chuyện con người đã di cư đi các nơi như thế nào…” Về việc này, từ khảo cứu của mình, tôi xin trình bày như sau: Năm 2011, trong cuốn Tìm cội nguồn qua di truyền học (NXB Văn học) tôi viết: “Bước vào thế kỷ XXI, xuất hiện ba công trình di truyền học khám phá nguồn gốc và sự thiên di của loài người ra khỏi châu Phi: 1. Quan hệ di truyền của dân cư Trung Quốc (Genetic Relationship of Generations in China) của nhóm Y. J. Chu Đại học Texas Hoa Kỳ công bố cuối năm 1998, cho biết: – Mọi con người hiện nay có tổ tiên duy nhất ở Đông Phi, ra đời khoảng 160 – 180.000 năm trước. – Người từ châu Phi theo ven biển Ấn Độ tới Việt Nam 60-70.000 năm trước. Tại đây họ gặp gỡ, lai giống và 50.000 năm trước di cư ra các đảo Đông Nam Á, sang Ấn Độ. 40.000 năm trước, nhờ khí hậu được cải thiện, người từ Việt Nam đi lên Trung Hoa. 30.000 năm trước, người từ Đông Á qua eo Bering chiếm lĩnh châu Mỹ. 2. Cuộc hành trình của loài người – một Ođyxê gen (The Journey of Man: A Genetic Odyssey) của Spencer Wells thuộc Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ (National Geographic). Tác giả cho rằng: các luồng di dân bắt đầu giữa 60.000 và 50.000 năm trước. Các du khách sớm theo bờ biển phía Nam của châu Á, tới Úc khoảng 50.000 năm trước. Thổ dân Úc, là hậu duệ của làn sóng di cư đầu tiên ra khỏi châu Phi. – Làn sóng thứ hai rời châu Phi 45.000 năm trước, sinh sôi nhanh chóng và định cư ở Trung Đông. Khoảng 40.000 năm trước, băng hà bớt cứng rắn, nhiệt độ ấm lên, con người di chuyển vào Trung Á. Trong quá trình thảo nguyên hình thành, họ tăng nhân số một cách nhanh chóng. “Nếu châu Phi là cái nôi của loài người, thì Trung Á là vườn trẻ của nhân loại” 3. Rời khỏi địa đàng chiếm lĩnh Trái đất (Out of Eden Peopling of the World- http://www.bradshawfoundation.com) và Cuộc hành trình của con người chiếm lĩnh Trái đất (Journey of Mankind the Peopling of the World- (http://www.bradshawfoundation.com/journey/) của Stephen Oppenheimer Đại học Oxford Anh quốc, với những nét chính: – 160.000 năm trước, người hiện đại Homo sapiens đã sinh sống ở châu Phi. – Khoảng 85.000 năm trước (HVT nhấn mạnh), một nhóm băng qua mũi của Biển Đỏ – the Gates of Grief rồi men theo bờ phía Nam bán đảo Ả rập tới Ấn Độ. Tất cả những người sống ngoài châu Phi đều thuộc nhóm này. – Từ 85.000 tới 75.000 năm trước: Từ Sri Lanka họ tiếp tục men bờ Ấn Độ Dương tới phía Tây Indonesia, sau đó tiến vào châu Á. Những người còn ở lại thì đi vòng Borneo tới Nam Trung Hoa. Ba công bố trên cùng công nhận con người xuất hiện đầu tiên ở Đông Phi khoảng 160.000 – 180.000 năm trước. Nhưng trong khi công trình 1 và 3 cho rằng, cuộc di cư rời châu Phi diễn ra sớm hơn để con người tới Đông Nam Á 70.000 năm trước và làm nên đại bộ phận nhân loại sống ngoài châu Phi thì công trình 2 nói, có hai lần rời khỏi châu Phi, vào 60.000 và 45.000 năm trước. Đợt di cư thứ hai mới làm nên phần chủ thể của nhân loại. Do tài liệu tham khảo mâu thuẫn nên buộc tôi phải kiểm định lại. Nhờ khảo cổ học phát hiện sọ người Australoid 68.000 năm tuổi tại hồ Mungo châu Úc và bộ xương người Mongoloid tại Lưu Giang Quảng Tây 68.000 tuổi nên có thể khẳng định, cuộc di cư khỏi châu Phi phải diễn ra trước 60.000 năm cách nay. Mặt khác, những chứng tích khảo cổ học không ủng hộ ý tưởng “Trung Á là vườn trẻ của nhân loại” như S. Wells nói. Cuộc hội thảo về cuốn sách của S. Wells cho thấy khá nhiều ý kiến chống lại tác giả. Điều này chứng tỏ công bố của Spencer Wells không phù hợp thực tế. Tôi đã loại sách này khỏi tài liệu tham khảo. Kết hợp nghiên cứu của nhóm Y.J. Chu, Stephen Oppenheimer và nhiều nguồn tư liệu khác, tôi đề xuất: – 70.000 năm trước, hai đại chủng Australoid và Mongoloid từ châu Phi theo ven biển Nam Á tới thềm Biển Đông của Việt Nam. Tại đây họ gặp gỡ, hòa huyết sinh ra bốn chủng người Việt cổ Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid, do người đa số Lạc Việt Indonesian lãnh đạo về xã hội và ngôn ngữ. Khoảng 50.000 năm trước, người từ Việt Nam di cư ra các đảo Đông Nam Á, sang Ấn Độ, Miến Điện. Khoảng 40.000 năm trước, người Việt đi lên chiếm lĩnh Trung Quốc và 30.000 năm trước vượt eo Beringa chinh phục châu Mỹ.” (hết trích) Có thể nhận định về phát hiện ở Động Phúc Nham như sau: 1- Trong ba công bố di truyền học kể trên, tuy tài liệu của Spencer Wells không phù hợp thực tế nhưng do uy tín của National Gepgraphic nên nó vẫn được nhiều người sử dụng. Vì vậy, không ít người vẫn cho rằng, cuộc ra khỏi châu Phi bắt đầu từ 60.000 năm trước. Cố nhiên, khi phát hiện răng người ờ Hồ Nam 80.000 tuổi, không ít người “bật ngửa”! Họ quên rằng, từ thập niên 1970s đã phát hiện bộ xương Lưu Giang Quảng Tây và sọ người Mungo châu Úc 68000 tuổi và năm 2009 tìm thấy sọ người ở hang Tam Pa Ling nước Lào 63.000 năm tuổi. Vào thời điểm trên đã có mặt ở châu Úc thì cố nhiên họ phải rời châu Phi trước đó nhiều nghìn năm! Những phát hiện này từ lâu đã bác bỏ tài liệu của S. Wells và khẳng định con người rời châu Phi trước 60.000 năm trước! Trên thực tế, “khám phá Động Phúc Nham” không hề mâu thuẫn với tài liệu của Stephen Oppenheimer “85.000 tới 75.000 năm trước: Từ Sri Lanka họ tiếp tục men bờ Ấn Độ Dương tới phía Tây Indonesia, sau đó tiến vào châu Á. Những người còn ở lại thì đi vòng Borneo tới Nam Trung Hoa.” Rõ ràng, con người có mặt ở lục địa châu Á vẫn sau thời điểm xuất phát 5000 năm! Không có điều gì bất bình thường ở đây! Vì vậy, phát hiện Động Phúc Nham chỉ “chấn động” với những ai thiếu bản lĩnh khoa học mà tin vào tài liệu sai lầm của S. Wells: “Con người rời châu Phi sớm nhất là 60000 năm trước” 2- Có thể đưa ra một kịch bản về răng người ở Động Phúc Nham như sau: Khoảng 85000 năm trước, con người bắt đầu rời châu Phi. Đó là những cuộc di cư tự phát của từng nhóm nhỏ 10 tới 15 người. Đi, kiếm sống, sinh con đẻ cái rồi nằm lại dọc đường và con cháu đi tiếp… Có những nhóm riêng rẽ từ bờ biển Srilanca tới vịnh Thái Lan rồi vào thềm Biển Đông, sau đó xâm nhập Nam Trung Hoa và 80000 năm trước chiếm lĩnh Động Phúc Nham. Nhưng đúng lúc này, khí hậu trở lạnh dữ dội, khiến nhóm người tiên phong bị tuyệt diệt. Kết quả là họ không để lại di duệ mà bằng chứng là không thấy xương cốt con cháu họ trong vùng cũng như không phát hiện ADN của họ trong bộ gen người Trung Hoa hiện nay. Khoảng 70000 năm trước (chậm hơn nhóm đầu khoảng 10000 năm) đông đảo người di cư tới Đông Nam Á. Có những nhóm nhỏ đi tiếp lên bắc Đông Dương rồi do khí hậu quá lạnh phải dừng lại. Di cốt người Lưu Giang Quảng Tây 68000 tuổi thuộc nhóm di cư này. Bộ phận đông hơn, tập trung tại đồng bằng Hải Nam (Hainanland) là thềm Biển Đông hiện nay. Họ gặp gỡ, lai giống sinh ra người Việt cổ chủng Australolid để rồi 40.000 năm trước, nhờ khí hậu ấm áp, người Việt đi lên chiếm lĩnh Hoa lục và 30000 năm trước sang châu Mỹ. Người Trung Hoa và thổ dân Mỹ hiện nay là di duệ của nhóm này. Chính do vậy, các khảo sát di truyền học chỉ phát hiện ADN của lớp người từ Việt Nam lên Hoa lục 40000 năm trước. 3- Răng người Động Phúc Nham chưa được khảo sát ADN nên độ tuổi của nó chưa thật chính xác. Nếu khi xác định bằng ADN cho số tuổi chính xác (điều mà các phòng thí nghiệm châu Âu đã làm với 5000 chiếc răng hóa thạch phát hiện ở châu lục này), lớn hơn 85000 năm thì đó là chuyện gây chấn động lớn, buộc các nhà di truyền học phải xét lại nghiên cứu của mình! Kết luận: Cùng rời khỏi châu Phi 85000 năm trước, nhưng nhóm tiên phong tới Nam Trung Hoa 80000 năm trước bị diệt vong. Chỉ lớp người tới thềm Biển Đông 70.000 năm trước mới tồn tại và làm nên dân cư phương Đông hôm nay. Phát hiện răng người Động Phúc Nham Nam không phủ nhận những khám phá di truyền học cho rằng con người phương Đông hôm nay là hậu duệ của cuộc di cư tới Đông Nam Á 70000 năm trước.
-
Mỹ lần đầu thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu Thứ 4, 09:26, 21/10/2015 VOV.VN- Hải quân Mỹ lần đầu tiến hành thử nghiệm hệ thống phòng thủ của mình tại châu Âu, động thái mà Nga cho là bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang mới. Theo Sputnik News, ngày 20/10, Hải quân Mỹ đã phóng một quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn Terrier Orion từ trường bắn Hebrides tại Anh sang Mỹ. Khi quả tên lửa này đang phóng qua Đại Tây Dương, nó đã bị bắn hạ bởi hai quả tên lửa đối hạm hành trình, một trong 2 quả tên lửa này được phóng đi từ tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Ross. Tên lửa đánh chặn của Mỹ phóng từ tàu khu trục USS Ross. Ảnh Hải quân Mỹ Theo thông cáo báo chí từ Bộ Quốc phòng Mỹ: “Đây là lần đầu tiên, tên lửa đánh chặn tiêu chuẩn SM-3 Block IA được phóng đi từ một khu vực không thuộc lãnh thổ của Mỹ và cũng là lần đầu tiên Mỹ đánh chặn một tên lửa đạn đạo được phóng đi từ châu Âu”. Cũng theo Bộ Quốc phòng Mỹ, vụ thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa này là một phần trong Diễn đàn Phòng thủ Tên lửa trên biển mà Mỹ và các đồng minh như Canada, Italy, Pháp, Hà Lan, Đức, Na Uy, Tây Ban Nha và Anh là thành viên. “Cuộc thử nghiệm này cho thấy, với sự hợp tác và liên lạc chặt chẽ, các nước hoàn toàn có thể phòng thủ chống lại mọi tình huống đe dọa phức tạp”, Phó Đô đốc James Foggo, Tư lệnh Hạm đội số 6 của Mỹ cho biết. Theo Sputnik News, dù NATO không hé lộ rằng “mối đe dọa phức tạp” đến từ đâu, việc Mỹ tăng cường các hoạt động quân sự tại châu Âu là nhắm đến Nga với những cáo buộc về “sự xâm lược của Nga”. Hệ thống phòng thủ tên lửa được lắp trên các tàu chiến này được cho là sẽ bổ sung cho các hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất ở Romania và Ba Lan. Theo một thỏa thuận được các nhà lập pháp Ba Lan thông qua, một hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ được lắp đặt tại làng Redzikowo, phía Bắc nước này vào đầu năm 2018. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ cung cấp cho Đức phiên bản nâng cấp của bom nhiệt hạch B61-12, một động thái mà Nga cáo buộc là vi phạm các thỏa thuận hạt nhân toàn cầu. Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov đã bày tỏ lo ngại về sự tăng cường hiện diện quân sự của NATO dọc biên giới Nga. “Chúng tôi không nhận thấy bất kỳ lý do gì mà hệ thống phòng thủ tên lửa này tiếp tục tồn tại và được lắp đặt thêm với tốc độ rất nhanh và đều hướng về lãnh thổ Nga”, ông Ryabkov. Theo ông Ryabkov: “Chính phủ Mỹ đang vẽ ra những lý do bao biện về quyết định của mình để che đậy mục đích thực chất của họ trong việc tiếp tục duy trì hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu”. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo: “Những hành động này của NATO có thể làm thay đổi cán cân về sức mạnh tại châu Âu và chắc chắn rằng Nga sẽ phải tiến hành các biện pháp đáp trả để duy trì sự cân bằng chiến lược”./. Trần Khánh/VOV.VN http://vov.vn/quan-su-quoc-phong/vu-khi/my-lan-dau-thu-nghiem-he-thong-phong-thu-ten-lua-tai-chau-au-442769.vov
-
Lửa - Vật chất hay năng lượng? 13/10 08:54 Người Hi Lạp cổ cho rằng lửa là một trong những nguyên tố chính của vũ trụ, bên cạnh nước, đất và khí. Sức mạnh của một ngọn lửa có thể phá huỷ ngôi nhà của bạn và tất cả những gì bạn có chỉ trong khoảng 1 tiếng đồng hồ hoặc biến một khu rừng rộng lớn chỉ còn lại tro tàn. Lửa cũng là một loại vũ khí đáng sợ, với sức tàn phá gần như vô hạn, mỗi năm lửa lấy đi nhiều mạng sống hơn bất kì một sức mạnh thiên nhiên nào khác. Nhưng ngược lại, lửa lại có rất nhiều công dụng trong cuộc sống. Lửa cho chúng ta ánh sáng và hơi ấm. Lửa còn giúp nấu chín thức ăn, rèn kim loại, làm đồ gốm, nung gạch, và vận hành nhà máy nhiệt điện... Tóm lại, lửa là một thứ nguy hiểm, nhưng cũng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Nó thực sự là một trong những yếu tố quan trọng nhất của lịch sử loài người. Vậy, lửa là gì? Người Hi Lạp cổ cho rằng lửa là một trong những nguyên tố chính của vũ trụ, bên cạnh nước, đất và khí. Bạn có thể cảm nhận được lửa, giống như bạn có thể cảm nhận được đất, nước và khí vậy. Bạn cũng có thể nhìn, ngửi thấy lửa, và bạn có thể mang lửa đi bất cứ đâu. Nhưng thực tế, lửa là một cái gì đó rất khác. Đất, nước và khí được cấu tạo bởi hàng tỉ nguyên tử, và luôn giữ nguyên dạng như vậy. Lửa thì không như vậy: lửa có thể chuyển sang những dạng khác - nó là một phần của các phản ứng hoá học. Thông thường, lửa sinh ra từ một phản ứng hoá học giữa oxy trong không khí và một loại chất đốt nào đó (gỗ, dầu hoả,...). Tất nhiên, gỗ và dầu hoả để trong không khí sẽ không thể tự cháy được. Để phản ứng cháy xảy ra, chúng ta cần phải làm nóng nhiên liệu đến nhiệt độ cháy của chúng. Trước tiên, chúng ta sẽ nói qua về quá trình khi đốt cháy một chất nào đó. Ví dụ, khi đốt một khúc gỗ, quá trình xảy ra như sau: - Khúc gỗ nóng dần lên. Nguồn làm nóng có thể là bất cứ gì: que diêm, tập trung ánh sáng mặt trời, sự chà xát, một thứ gì đó đang cháy... - Khi khúc gỗ đạt đến nhiệt độ khoảng 150 độ C, nhiệt sẽ làm phân huỷ một vài thành phần cellulose của khúc gỗ đó. - Carbon trong than củi cũng sẽ phản ứng với oxy, nhưng phản ứng này diễn ra chậm hơn. Chính vì vậy, khi bạn nướng một thứ gì đó bằng than củi, bạn sẽ thấy chúng nóng tương đối lâu. Các phản ứng này khi xảy ra sẽ toả rất nhiều nhiệt. Chuỗi các phản ứng xảy ra liên tục, lượng nhiệt sinh ra đủ để duy trì ngọn lửa. Quá trình phản ứng trên đúng với khi ta đốt một khúc gỗ, nhưng với nhiều loại nhiên liệu khác thì quá trình chỉ xảy ra có một bước. Xăng là một ví dụ. Nhiệt năng sẽ hoá hơi xăng và rồi đốt cháy chúng, than không được sinh ra như khi đốt gỗ. Loài người đã học được cách điều chỉnh nhiên liệu cần dùng và điều chỉnh ngọn lửa cho phù hợp với mục đích sử dụng. Ngọn nến chính là một dạng cho thấy sự bay hơi chậm và bốc cháy của sáp. Khi được làm nóng, các nguyên tử carbon (và cũng như các nguyên tố khác) phát ra ánh sáng. Hiện tượng “nhiệt sinh ra ánh sáng” này có tên gọi sự đốt cháy, về cơ bản cũng tương tự như việc bóng đèn dây tóc có thể phát sáng vậy. Và chính hiện tượng này sẽ cho ta nhìn thấy được ngọn lửa. Màu sắc của ngọn lửa rất đa dạng, phụ thuộc vào cái gì đang cháy và nó nóng đến mức nào. Khi bạn thấy một ngọn lửa có nhiều màu sắc, ví dụ như nhìn vào ngọn lửa bếp ga, bạn sẽ thấy nó có nhiều màu sắc khác nhau, đấy chính là do sự khác nhau về nhiệt độ. Thông thường, nơi nóng nhất của ngọn lửa - ở dưới cùng – có màu xanh lam, trong khi đó, nơi có nhiệt độ thấp nhất có màu vàng và màu cam. Thêm nữa, các nguyên tử carbon có thể để lại những vệt đen xung quanh khi cháy sáng, đó chính là muội than hay bồ hóng, mà chúng ta thường thấy ở đáy các loại nồi khi nấu nướng bằng bếp than. Thứ nguy hiểm nhất ở đây là, các phản ứng hoá học mà có xảy ra sự cháy, chúng có tính tự tồn tại lâu dài. Sức nóng từ ngọn lửa có thể giữ cho nhiên liệu luôn ở nhiệt độ cháy, và chúng sẽ cháy mãi cho đến khi hết nhiên liệu hoặc hết oxy xung quanh. Ngọn lửa cháy làm nhiên liệu xung quanh bốc hơi, khi hơi ga bắt lửa chúng sẽ cháy tiếp, và ngọn lửa lan ra khắp nơi. Những hợp chất dễ cháy nhất, đó chính là hợp chất có chứa carbon và hidro, chúng dễ dàng kết hợp với oxy trong không khí để tạo CO2, nước và các chất khí khác. Trên Trái Đất, trọng lực xác định cách ngọn lửa bùng cháy. Tất cả các khí nóng trong ngọn lửa nóng hơn và loãng hơn nhiều so với không khí xung quanh, do đó, chúng sẽ di chuyển dần về phía áp suất thấp hơn. Đây là lí do tại sao lửa thường lan lên phía trên, và đó cũng là lí do tại sao ngọn lửa luôn có "đầu ngọn" khi cháy. Nếu bạn đã thắp sáng ngọn lửa trong một môi trường không trọng lực, ví dụ như bên trong tàu con thoi ngoài không gian, ngọn lửa sẽ tạo thành hình cầu Lửa cháy như thế nào ngoài vũ trụ? Để hình thành một ngọn lửa, chúng ta phải xem xét khá nhiều yếu tố: + Những chất cháy khác nhau sẽ bắt lửa và cháy ở những nhiệt độ khác nhau. Chúng cần một lượng nhiệt nhất định để có thể chuyển các chất từ dạng ban đầu thành dạng hơi, và thêm lượng nhiệt nữa để có thể bắt đầu phản ứng với oxy. Lượng nhiệt cần thiết phụ thuộc vào bản chất của phân tử tạo nên loại nhiên liệu đó. Người ta thường chia thành 2 ngưỡng nhiệt độ: một là nhiệt độ đánh lửa thử nghiệm, là mức nhiệt độ cần thiết để biến nhiên liệu thành dạng khí có khả năng cháy khi gặp tia lửa điện. Và mức thứ hai, nhiệt độ đánh lửa vượt thử nghiệm, cao hơn rất nhiều so với mức một, ở nhiệt độ này, nhiên liệu sẽ lập tức cháy mà không cần đến tia lửa điện. + Kích cỡ của chất đốt cũng ảnh hưởng nhiều đến việc chúng cháy nhanh hay không. Một thân cây to sẽ có khả năng hấp thụ nhiều nhiệt hơn, sẽ cần lượng nhiệt lớn hơn để đốt cháy chúng. Ngược lại, một mẩu gỗ cỡ que diêm sẽ cháy dễ dàng vì chúng được làm nóng lên rất nhanh. + Lượng nhiệt sinh ra khi đốt cháy các loại nhiên liệu cũng phụ thuộc nhiều vào lượng năng lượng chúng toả ra và tốc độ cháy của chúng. Cả hai yếu tố này, đều phụ thuộc nhiều vào cấu tạo của loại chất đốt. Một vài hợp chất phản ứng với oxy rất nhanh và mạnh, chúng toả ra một lượng nhiệt lớn. Với một vài loại khác, thì lại chỉ toả ra lượng nhiệt nhỏ. Tương tự, tốc độ phản ứng của chất đốt với oxy có thể nhanh hoặc chậm, như trong ví dụ về than củi ở trên. + Hình dạng của loại chất đốt cũng làm ảnh hưởng đến tốc độ cháy. Những mảnh mỏng sẽ cháy nhanh hơn những mảnh lớn do diện tích tiếp xúc của chúng với oxy lớn hơn. Ví dụ, một mảnh gỗ dẹt, hoặc một tờ giấy sẽ cháy nhanh hơn một khối gỗ có cùng khối lượng, do mảnh gỗ và tờ giấy có diện tích tiếp xúc với không khí lớn hơn. Và từ đó, bạn có thể thấy, lửa từ những loại nhiên liệu khác nhau, giống như những loài vật khác nhau vậy, chúng có những đặc điểm khác nhau. Dựa vào đó, các chuyên gia có thể xác định được ngọn lửa bắt nguồn như thế nào khi quan sát chúng và xem chúng ảnh hưởng sang môi trường xung quanh như thế nào. Ngọn lửa từ những loại nhiên liệu dễ cháy sẽ gây tác hại nhiều hơn so với loại nhiên liệu cháy chậm và toả ít nhiệt năng. Vậy, cuối cùng, chúng ta kết luận được lửa không phải dạng vật chất hay dạng năng lượng thông thường, nó là quá trình oxy hóa nhanh chóng của một vật liệu trong phản ứng hóa học tỏa nhiệt, giải phóng ra nhiệt, ánh sáng, và các sản phẩm phản ứng khác.Ngoài ra, ngọn lửa là một phần biểu hiện thấy được (phát ra ánh sáng) của sự cháy. Nó tạo ra từ các phản ứng hóa học có sự tỏa nhiệt cao (cháy, phản ứng oxy hóa tự duy trì) diễn ra trong môi trường hẹp. Ngọn lửa là một trạng thái tồn tại của vật chất và được xếp như một loại khí plasma - bị ion hóa một phần. Để tạo ra lửa, phải cần và đủ 3 yếu tố, đó là: chất cháy, ôxy và nguồn nhiệt. Thiếu một trong các yếu tố trên hoặc các yếu tố trên không đủ thì sự cháy sẽ không xảy ra. Mỗi chất khác nhau có nhiệt độ bốc cháy khác nhau. Theo Genk. Nguồn: http://www.thongtincongnghe.com/article/70460 ----------------------------------------------------------------------------- Lửa là một dạng tồn tại của hành Thổ trong âm dương ngũ hành Kim Thủy Mộc Hỏa Thổ. Vậy nó là vật chất chứ nhỉ? mà vật chất luôn có năng lượng tồn tại bên trong (e=mc^2). Đây có phải là Mộc sinh Hỏa và Hỏa sinh Thổ không nhỉ??
-
“Hạm đội ma” và lời cảnh báo về Thế chiến thứ 3 Mới đây, Peter Singer - một nhà tương lai học 40 tuổi người Mỹ - đã lên tiếng cảnh báo giới chức quân sự Washington về nguy cơ sắp xảy ra Thế chiến 3 giữa Mỹ với Trung Quốc. >> George Soros: Mỹ bên bờ vực thế chiến thứ 3 với Trung Quốc >> "Mỹ đang bên bờ Thế chiến III với Trung Quốc" Những dự báo được đưa ra trong một cuốn sách sắp được phát hành có tựa đề: “Ghost Fleet: A Novel of the Next World War” (tạm dịch: “Hạm đội ma: Tiểu thuyết về cuộc thế chiến tiếp theo”). Theo kịch bản được nêu ra, chiến đấu cơ hiện đại nhất của Mỹ có thể bị nổ tung trên trời do vi mạch của Trung Quốc sản xuất, tin tặc của Trung Quốc lần mò vào được hệ thống tình báo của quân đội Mỹ, và quân đội Trung Quốc chiếm Hawaii. Các quan chức Lầu Năm Góc hiếm khi lắng nghe dự báo từ các tác giả viết sách giả tưởng. Tuy vậy, ông Singer được đánh giá không phải là một nhà dự báo “tầm thường”. Ông đã viết những cuốn sách xác đáng về sự phụ thuộc của Mỹ và các nhà thầu quân sự tư nhân, an ninh mạng, và sự phụ thuộc ngày càng lớn của Bộ Quốc phòng nước này vào người máy, máy bay không người lái và công nghệ. Hải quân, lục quân và không quân Mỹ đã hai lần đưa một số cuốn sách của ông Singer vào danh sách những cuốn sách cần đọc của lực lượng. Trong cuộc nói chuyện tại Lầu Năm Góc, ông Singer đề nghị giới chức quân đội Mỹ xem xét khả năng người Mỹ có thể phải đối mặt với các cuộc không chiến và những xung đột trên biển hoàn toàn khác biệt với những gì Mỹ từng chứng kiến kể từ Thế chiến 2. Kịch bản Thế chiến 3 Bối cảnh cuốn sách diễn ra vào những năm 2020, miêu tả về vũ khí, việc cắt giảm chi phí và các chiến lược đang nổi lên ở thực tại, dự đoán viễn cảnh trong 5 năm tới. Một tác phẩm được bán ở quầy sách viễn tưởng, nhưng giá trị tiên liệu của nó nằm ở 400 ghi chú trong phần cuối về những công nghệ và các xu thế đang nổi lên khiến câu chuyện rất sát với thực tế. Đó là kết quả sau bốn năm tích cực điều tra của tác giả trong từng ngõ ngách ở Lầu Năm Góc, trên các chiến hạm và căn cứ không quân. Cuốn sách đặc biệt nhấn mạnh một số vũ khí có thể định hình những cuộc chiến trong tương lai, từ chiến tranh mạng đến máy bay không người lái, từ trí thông minh nhân tạo đến thực tế ảo. Kịch bản của Thế chiến 3 được miêu tả như sau: Một phi hành gia Mỹ bị trục xuất khỏi trạm không gian quốc tế bởi những người tưởng là đồng nghiệp - người Nga và Trung Quốc. Một “nhóm lãnh đạo” các nước đế quốc quyết định lật đổ chế độ Bắc Kinh, tuyên bố tổng tấn công tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Peter Singer cho rằng chỉ bằng cách thừa nhận những xu hướng có thật và rủi ro có thật thì mới có thể có những bước đi nhằm tránh được sai lầm. Trong khi đó, Hawaii bị hải quân Trung Quốc tiến công bất ngờ và chinh phục. Động cơ của các chiến hạm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ bị virus máy tính vô hiệu hóa từ xa. Phi hành gia Trung Quốc và Mỹ quyết liệt tấn công nhau trong không gian bằng những khẩu súng laser. Singer là nhà chiến lược của tổ chức New Amerian Foundation (chuyên về các vấn đề quốc gia) và tham gia viết về những vũ khí đang được phát triển của Trung Quốc cho blog “Thần công phương đông” (Eastern Arsenal) ở trang Popular Science. Ông cho rằng Hạm đội ma là sự pha trộn giữa viễn tưởng và thực tế, sử dụng viễn tưởng để khám phá công nghệ thực tại cùng những vấn đề liên quan theo chiều hướng sâu sắc và đậm tính chiến thuật. Tác giả tỏ ra có cơ sở khi tất cả các phát minh khoa học được nhắc tới đều có thực. Đó có thể là tàu ngầm Trung Quốc sục sạo dưới đáy biển tìm kiếm khí thiên nhiên, các máy bay không người lái, hay những sự cố máy tính có thể vô hiệu hóa toàn bộ Hạm đội Thái Bình Dương, cùng các cuộc chiến tranh mạng ác liệt giữa giới tin tặc Trung Quốc và các chuyên gia tin học ở thung lũng Silicon. Tác giả đặt ra một vài câu hỏi quan trọng: Điều gì sẽ xảy ra khi Trung Quốc biến nhân dân tệ thành đồng tiền có thể chuyển đổi? Điều gì xảy ra khi thị trường năng lượng thay thế phát triển và Trung Quốc kiểm soát những quặng quý hiếm? Điều gì xảy ra khi Trung Quốc tiếp tục bành trướng? Rõ ràng nhất, cuốn sách miêu tả cuộc chiến với Trung Quốc sẽ diễn ra như thế nào, cùng những chiến lược xây dựng xung quanh các loại vũ khí và một cách tiếp cận chiến tranh khiến phương Tây ít để ý nhất. “Thế chiến 3 có vẻ giống như một cái gì đó vừa là nỗi sợ hãi trong quá khứ đã có từ rất lâu, vừa là nguy cơ trong tương lai rất xa. Nhưng điều đó lại đang ở rất gần”, Peter Singer nhận định về “viễn cảnh chiến tranh đen tối” trong một cuộc họp tại Lầu Năm Góc trước các quan chức tình báo, sĩ quan không quân và chỉ huy hải quân Mỹ. Giả thiết và thực tại Hạm đội ma đã có một số dự đoán trở thành hiện thực. Cuốn sách mở đầu với cảnh tượng chiếc máy bay do thám P-8 Poseidon bị quân đội Trung Quốc giận dữ xua đuổi qua radio (được Singer viết 18 tháng trước). Tháng 3/2015, một cảnh tượng tương tự đã diễn ra khi hải quân Mỹ cử chiếc máy bay do thám P-8 Poseidon bay ngang qua đảo đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép) ở Biển Đông. Một sỹ quan quân đội Trung Quốc vô cùng giận dữ, cảnh báo chiếc máy bay phải rời đi qua radio. Một mặt Singer thấy vui vì những dự đoán trong cuốn sách là đúng, nhưng ông không muốn chứng kiến Thế chiến 3 diễn ra theo đúng xu hướng được mô tả trong tác phẩm. Nhưng đây cũng chính là lý do Singer muốn viết Hạm đội ma. Một mặt nó phục vụ cho mục đích giải trí, mặt khác nó cảnh báo những quan chức đứng đầu của Mỹ về sự phát triển quân sự của Trung Quốc được thiết kế để chiến thắng trong cuộc chiến với Mỹ. Luôn tồn tại nguy cơ về một cuộc chiến trên mạng, trong đó các bên đối đầu để giành quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu chính phủ và các bí mật của nhau. Một trong những chương trình của nhà cầm quyền Trung Quốc là “quả chùy sát thủ”, được thiết kế để chống lại kẻ thù có thế mạnh về công nghệ. Chương trình bao gồm tấn công tin học, chiến tranh ngoài không gian và những hệ thống khác có thể vô hiệu hóa khả năng chiến đấu của quân đội Mỹ. Singer cho rằng: “Chúng ta sử dụng cụm từ “cuộc chiến không cân sức” để ám chỉ những người luôn tìm kiếm điểm yếu của chúng ta. Và quả chùy sát thủ biến thế mạnh của ta thành điểm yếu để khai thác”. Một cuộc tấn công dạng này sẽ nhanh chóng dẫn đến một cuộc chiến vươn ra khỏi các biên giới, và vào bên trong lãnh thổ của quốc gia thù địch theo các cách con người chưa từng chứng kiến trước đây. Căng thẳng gia tăng trên Biển Đông đã buộc Lầu Năm Góc phải đánh giá lại thế giới quan và có cách suy nghĩ mới về nguy cơ từ các đối thủ mạnh. Trên thực tế, Bắc Kinh đang dấn mạnh nước cờ trên vùng biển nóng, bồi đắp và xây dựng trên các hòn đảo nhỏ xa xôi, vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam, cùng một số đảo mà Trung Quốc đang tranh chấp với Philippines và Nhật Bản. Trong khi đó, tin tặc Trung Quốc được cho là đã truy cập vào hệ thống máy tính của Nhà Trắng, có được các kế hoạch công nghiệp quốc phòng của Mỹ cũng như rất nhiều hồ sơ bí mật khác của chính phủ nước này. Điều này đang dẫn tới việc hình thành một cuộc chiến trên mạng, trong đó cả hai bên đối đầu để giành quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu chính phủ và các bí mật của nhau. Giới chức Mỹ nhiều lần cảnh báo về việc nước này đang đối mặt nguy cơ một “trận chiến Trân Châu Cảng trên mạng”. Các dự án về siêu máy tính cũng đang được triển khai trên thế giới nhằm thách thức quyền lực công nghệ của Mỹ. Washington cần phải lưu tâm đến các lỗ hổng công nghệ, vốn được các cường quốc nhắm đến như những vũ khí lợi hại, nơi một động thái bẻ khóa hệ thống cũng quyết định cả một cuộc chiến. Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã âm thầm có những bước đi tích cực nhằm khắc phục điểm yếu này khi biến Học viện hải quân Mỹ trở thành “trọng điểm quốc gia” nhằm phát triển bài bản một số lượng lớn các chiến binh kỹ thuật số. Bằng việc thể hiện mọi thứ đang tiếp diễn đến đâu, và những điểm tương đồng từng có trong quá khứ, Hạm đội ma có thể tạo ra một bức tranh toàn diện hơn cho những mối đe dọa thực sự mà Mỹ và thế giới phải đối mặt hiện nay. Một cuộc chiến có thể xảy ra theo nhiều cách khác nhau, bởi một hành động tình cờ như một cuộc chạm trán vô ý giữa hai tàu chiến. Hoặc, nó cũng có thể diễn ra theo một cách chậm chạp hơn, như một sự sắp xếp lại trật tự trên toàn cầu có thể sẽ diễn ra vào cuối những năm 2020, giai đoạn mà quân sự Trung Quốc đang bắt đầu dần đuổi kịp và thích ứng với quân sự Mỹ. “Nghe thì có vẻ phi chính trị, nhưng tôi tin rằng chẳng có ích gì nếu tiếp tục tránh nói về sự đối đầu giữa các cường quốc trong thế kỷ 21 và mối nguy thực sự khi các cường quốc này vượt khỏi tầm kiểm soát. Trên thực tế, chỉ bằng cách thừa nhận những xu hướng có thật và rủi ro có thật, chúng ta mới có thể có những bước đi nhằm tránh được sai lầm”, ông Singer nhấn mạnh trong phát biểu tại Lầu Năm Góc… Theo Trần Quân An ninh thế giới Nguồn: http://dantri.com.vn/the-gioi/ham-doi-ma-va-loi-canh-bao-ve-the-chien-thu-3-20151011174017481.htm ---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------- Có nhiều hình thức của cuộc chiến không - hải - lục quân và chiến tranh mạng, chiến tranh không gian. Bộ phim sắp tới chắc sẽ rất hấp dẫn...Anh Tàu lộ diện quá sớm, không thèm ẩn mình chờ thời nữa. Điều đó có nghĩa là một cuộc chiến để xác định ngôi bá chủ chắc chắn sẽ xảy ra: Canh bạc cuối cùng...
-
Chủ tịch Việt Nam đáp trả tuyên bố của ông Tập Cận Bình VOA 29-9-2015 NEW YORK—Ông Trương Tấn Sang hôm nay, 28/9, đã lần đầu tiên phản hồi bình luận của Chủ tịch Tập Cận Bình rằng Trường Sa “thuộc về Trung Quốc từ thời xa xưa”. Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội châu Á ở New York hôm 28/9. Khi được VOA Việt Ngữ hỏi về phản ứng đối với tuyên bố của nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Sang nói rằng Hoàng Sa và Trường Sa “thực sự thuộc về tổ quốc Việt Nam của chúng tôi”. Nguyên thủ Việt Nam nói tiếp: “Người Trung Quốc, trong những lần gặp gỡ Việt Nam, cũng thường nói rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc, không gì tranh cãi. Thì người Việt Nam chúng tôi cũng nói lại rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của tổ tiên Việt Nam, không gì tranh cãi. Chắc các câu này các bạn đã nghe suốt”. Ông Sang nói thêm: “Vấn đề đặt ra là chúng tôi mong muốn rằng mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng luật pháp quốc tế và con đường duy nhất dẫn đến chỗ đó thôi, chứ không thể nói mãi như thế này được. Một anh đứng ở bên đây sông thì nói là của tôi, và một anh đứng ở bên kia sông thì nói là của anh. Như tôi đã nói với các bạn vừa nãy, trong lúc quá độ, hai bên đều thống nhất 6 nguyên tắc cơ bản để chỉ đạo các vấn đề trên biển”. Tuyên bố của ông Sang được đưa ra tại Hội châu Á ở New York, ít ngày sau khi Chủ tịch Trung Quốc trả lời tờ The Wall Street Journal rằng Trường Sa, mà Trung Quốc gọi là Nam Sa, là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời xa xưa. Ông Tập nói hôm 22/9 rằng hoạt động mà Trung Quốc “thực hiện trên một số những hòn đảo và bãi cạn ở quần đảo Nam Sa không ảnh hưởng hoặc nhắm tới bất kỳ quốc gia nào khác”, và “việc này không nên bị diễn giải quá đáng”. Trong bài phát biểu tại Hội Á châu, ông Sang cũng đề cập tới 6 nguyên tắc cơ bản mà Việt Nam đồng ý với Trung Quốc để giải quyết vấn đề biển Đông trong tình thế hiện thời. Ông cho biết: “Chúng tôi hết sức chủ động bàn với Trung Quốc rằng trong khi tìm một giải pháp lâu dài, cơ bản mà hai bên có thể chấp nhận được, thì phải kiểm soát tình hình, kiểm soát hoạt động, không thể để cho xung đột xảy ra. Ý tưởng này đã dẫn tới thỏa thuận về 6 nguyên tắc cơ bản, chỉ đạo các vấn đề trên biển đã được ký cách đây mấy năm”. “Rất tiếc rằng trong quá trình diễn ra trên thực tế ở trên biển diễn ra không đúng như mong muốn của cả hai bên bằng thỏa thuận về 6 nguyên tắc cơ bản”, ông Sang nói. Chủ tịch Việt Nam không nói rõ điều đáng tiếc này là gì. ‘Trước sau như một’ Về các nguyên tắc trên, Chủ tịch Việt Nam cũng cho biết là chính quyền Manila cũng quan tâm. Ông nói thêm: “Nội dung đó, khi tôi gặp các bạn Philippines, họ cũng thắc mắc và lo lắng không biết Việt Nam thỏa thuận gì với Trung Quốc. Tôi có nói rằng vấn đề song phương thì Việt Nam và Trung Quốc bàn với nhau. Còn vấn đề đa phương, chẳng hạn như Trường Sa thì liên quan tới 5-6 bên, thì rất khoát phải có hành vi liên quan để cùng với các bạn giải quyết với Trung Quốc vấn đề tranh chấp trên biển”. Chủ tịch Việt Nam nói tiếp: “Ngài Tập Cận Bình khẳng định Nam Sa từ lâu là của Trung Quốc thì chúng tôi cũng nói lại rằng đối với chúng tôi, lập trường trước sau như một không thay đổi. Chúng tôi gọi đó là Trường Sa và Hoàng Sa, trước sau như một thuộc về Việt Nam chúng tôi. Chúng tôi có đầy đủ bằng chứng về lịch sử và thực tiễn pháp lý để xác định chủ quyền của Việt Nam”. Ông Trương Tấn Sang tới New York để tham dự các cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc từ ngày 24 – 28/9. Hôm 25/9, ông đã đưa vấn đề biển Đông vào bài phát biểu tập trung vào mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc. Hôm nay, Chủ tịch Việt Nam sẽ rời Hoa Kỳ để đi thăm chính thức quốc gia cộng sản Cuba. Trong một diễn biến mới nhất liên quan tới biển Đông, hôm nay, phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Barack Obama một lần nữa nhấn mạnh tới quyền lợi quốc gia của Mỹ đối với việc duy trì các nguyên tắc cơ bản về tự do hàng hải và dòng chảy thương mại. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng nói tới quyền lợi của Washington trong việc “giải quyết tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế, chứ không phải đe dọa vũ lực”. “Chúng tôi sẽ bảo vệ các nguyên tắc đó, trong khi khuyến khích Trung Quốc và các nước tuyên bố chủ quyền khác giải quyết các khác biệt một cách hòa bình”, ông Obama nói.
-
Tin mới nhất về trận động đất kinh hoàng ở Chile TPO - Người dân Chile đang bắt tay vào dọn dẹp đống đổ nát sau trận động đất 8,3 độ richter xảy ra tối 16/9. Trận động đất khiến 11 người chết, 1 triệu người phải sơ tán và gây ra các cơn sóng thần lớn dọc theo bờ biển Chile. Theo Reuters, trận động đất mạnh 8.3 độ Richter có tâm chấn nằm tại khu vực cách thủ đô Santiago 228km về phía bắc đã xảy ra tại Chile vào tối 16/9. Đây là cơn địa chấn lớn nhất ở Chile kể từ năm 2010 và mạnh nhất trên thế giới trong năm 2015. Sau trận động đất, một cơn dư chấn tiếp tục ập đến. Tuy nhiên, hiện tại nhiều người dân đã "thở phào nhẹ nhõm" khi cơn dư chấn đi qua mà không gây ra sự thiệt hại đáng kể nào so với các trận động đất trước đó. Theo số liệu thống kê của chính phủ, 11 người thiệt mạng, khoảng 610 người dân vẫn chưa được trở về nhà, 179 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn, 87.600 hộ gia đình không có điện và 9.000 hộ không có nước sạch sau trận động đất. Trước đó, chính phủ đã ra lệnh sơ tán khoảng 1 triệu người dân ra khỏi các khu vực ven biển sau khi các con sóng lớn đập dữ dội vào bờ, nhằm tránh lặp lại một thảm họa động đất hồi năm 2010. Khi đó, nhà chức trách đã chậm trễ trong việc cảnh báo sóng thần khiến hàng trăm người bị thiệt mạng. Lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp ở thành phố cảng phía bắc Coquimbo, nơi có những cơn sóng cao tới 4.5m, đã giúp đỡ chính quyền thành phố nhận được sự ứng cứu kịp thời và cho phép binh sĩ tuần tra các đường phố nhằm đảm bảo an ninh và ngăn chặn nạn cướp bóc của một số kẻ lợi dụng sự hoảng loạn để "hành nghề". Tuy nhiên, các cơn sóng lớn đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho các cảng biển. Trong khi đó, sau trận động đất 8,3 độ richter tại Chile, cảnh báo sóng thần đã được công bố tại một loạt các khu vực Hawaii và California của Mỹ, cho tới Nhật Bản và Polynesia của Pháp. Tuy nhiên, các đợt sóng được dự báo là không lớn. Chile đã dỡ bỏ cảnh báo sóng thần vào hôm qua (17/9). Reuters http://www.tienphong.vn/the-gioi/tin-moi-nhat-ve-tran-dong-dat-kinh-hoang-o-chile-910800.tpo Sóng thần nhỏ đổ bộ Nhật Bản sau động đất Chile Khoảng một chục cơn sóng thần nhỏ sáng nay đổ bộ vào bờ biển đông bắc Nhật Bản, một ngày sau trận động đất lớn ngoài khơi bờ biển Chile. · Một triệu người sơ tán vì cảnh báo sóng thần ở Chile / Hàng loạt tàu bị cuốn lên phố trong sóng thần Chile Khu vực màu vàng là những nơi được cảnh báo có thể có sóng thần từ 0,2 tới 1 m. Đồ họa: JapanMeteorologicalAgency Một cơn sóng thần cao 80 cm được ghi nhận ở thành phố duyên hải Kuji, đông bắc Nhật vào 9h38, cơ quan khí tượng thủy văn Nhật cho biết, trong khi các cơn sóng nhỏ hơn cũng đổ bộ vào những khu vực khác. Hình ảnh trên truyền hình địa phương cho thấy không có thiệt hại nào dễ thấy đối với các vùng duyên hải Nhật, do tác động của trận động đất 8,3 độ Richter làm ít nhất 11 người chết ở Chile. Tuy nhiên, quan chức khí tượng Yohei Hasegawa cảnh báo người dân nên "tránh làm việc hay chơi trên biển". "Ở cấp độ sóng thần này, chúng ta không phải lo đất liền sẽ ngập, nhưng dòng chảy dưới nước có thể rất mạnh và các bạn có thể bị cuốn ra xa", ông nói. Các hệ thống thông báo cho công chúng dọc bờ biển đều phát cảnh báo, trong khi xe cứu hộ tuần tra, réo còi, kêu gọi tránh xa bãi biển. Chính quyền cảnh báo sóng có thể cao tới 1 m, nhưng chưa có trường hợp nào được báo cáo, và giới chức chưa nhận được thông tin nào về thiệt hại về người và của. "Nhưng chúng tôi tiếp tục kêu gọi người dân tránh xa bãi biển", Daiki Numabukuro, quan chức thành phố Kuji nói. Nhiều vùng rộng lớn dọc bờ biển Nhật, trong đó có Kuji, bị san phẳng trong trận động đất và sóng thần năm 2011. Thảm họa cũng gây sự cố hạt nhân tại Fukushima. Trận động đất hôm 16/9 rung chuyển ngoài khơi phía bắc thủ đô Santiago, Chile, làm ít nhất 11 người chết và gây ra những đợt sóng thần tàn phá bờ biển. Động đất 8,3 độ Richter này là trận mạnh thứ 6 trong lịch sử Chile và là trận mạnh nhất trên thế giới trong năm nay, tính đến thời điểm này. Trọng Giáp (theo AFP) http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/song-than-nho-do-bo-nhat-ban-sau-dong-dat-chile-3281316.html
-
Đối thủ “vùi dập” Donald Trump trong cuộc tranh luận thứ hai Các đối thủ cùng đảng của Donald Trump đã không còn “nhẫn nhịn” vị tỷ phú này trong cuộc tranh luận diễn ra tối 16/9... Một số biểu cảm khuôn mặt của Donald Trump khi nghe các đối thủ tranh luận trong buổi tối ngày 16/9 - Ảnh: CNN. AN HUY Trước cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai của các ứng cử viên Đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016 diễn ra tối ngày 16/9 theo giờ Mỹ, nhiều người tin rằng tỷ phú Donald Trump sẽ bước vào một giai đoạn ít bốc đồng hơn và thực chất hơn để ganh đua giành ghế đại diện cho đảng này. Tuy nhiên, hãng tin CNN cho biết, dự báo này đã không còn đúng với những gì mà “ông trùm” ngành bất động sản thể hiện trong cuộc tranh luận. Giữa muôn trùng vây Trump không còn gây được ấn tượng mạnh như trong cuộc tranh luận đầu tiên, mà đã bị các đối thủ cùng đảng “vùi dập không thương tiếc”. Nửa đầu của cuộc tranh luận, Trump - người luôn tự hào về những kỹ năng giải trí của bản thân - đã không gây thất vọng. Ông đả kích Rand Paul, đấu khẩu nảy lửa với Carly Fiorina, và liên tục có những điệu bộ rất “kịch”, như đảo mắt, chu môi, và lắc lư đầu khi nghe các đối thủ phát biểu. Tuy nhiên, cuộc tranh luận kéo dài 3 giờ đồng hồ ở Ronald Reagan Presidential Library, Simi Valley, California có vẻ như đã thử thách khả năng chịu đựng và mức độ sẵn sàng của Trump trong việc tham gia thảo luận chính sách thực chất. Khi cuộc tranh luận bước sang thời điểm thực chất hơn, với các vấn đề như chính sách đối ngoại và xét xử tội phạm, “màn trình diễn” của Trump dần dà trở nên nhạt nhòa, và vị tỷ phú thậm chí chỉ còn là bức nền cho các đối thủ khác tranh luận. Trái lại, các ứng cử viên như Marco Rubio, Chris Christie, và Carly Fiorian chiếm nhiều thời lượng phát sóng hơn và làm chủ cuộc tranh luận. Trước đó, trong suốt nhiều tuần, tỷ phú Trum đã giữ vị trí trung tâm trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Những tuyên bố mạnh miệng của ông khiến các ứng cử viên khác trở nên mờ nhạt. Tuy vậy, đối thủ cùng đảng của Trump, những người chần chừ trong việc “tấn công” ông trong cuộc tranh luận đầu tiên, đã không còn “nhẫn nhịn” nữa trong cuộc tranh luận thứ hai này. Trump đã rơi vào thế phòng thủ khi bị các đối thủ yêu cầu giải thích về những lời công kích mà ông nhằm vào họ trong thời gian gần đây. Và chính những lời công kích trước đó của Trump lại trở thành “gậy ông đập lưng ông” trong buổi tối ngày 16/9. Ví dụ điển hình là khi bà Carly Fiorina nhắc lại việc Trump chế nhạo khuôn mặt bà trên tạp chí “Rolling Stone”. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí này, Trump nói người Mỹ sẽ không bỏ phiếu cho một ứng cử viên có khuôn mặt như bà Fiorina. Khi được người dẫn chương trình Jake Tapper của kênh CNN hỏi liệu bà có muốn đáp trả đánh giá đó của Trump không, Fiorina đáp: “Tôi nghĩ tất cả mọi phụ nữ ở đất nước này đều nghe rõ những gì ông Trump nói”. “Bóng hồng” duy nhất trong số 16 ứng cử viên của Đảng Cộng hòa trong cuộc đua năm 2016 ngừng lời một lúc, và khoảng lặng này có “ý nghĩa chết người”. Trump cười gượng: “Tôi nghĩ là bà ấy có một khuôn mặt đẹp, và tôi nghĩ bà ấy là một phụ nữ đẹp”. Nhưng bà Fiorina không tỏ gì là vẻ vui mừng với lời “động viên” muộn mằn này của đối thủ. Cựu Thống đốc bang Florida Jeb Bush, đối thủ chính của Trump trong cuộc đua giành ghế đại diện đảng trong cuộc bầu cử năm 2016, cũng ghi điểm trước vị “đại gia” địa ốc bằng cách đòi Trump xin lỗi về việc Trump từng cho rằng Bush yếu đuối trong vấn đề nhập cư vì vợ Bush là một người gốc Mexico. “Đưa vợ tôi vào giữa một cuộc tranh luận chính trị là không phù hợp chút nào, và tôi hy vọng ông hãy đưa ra lời xin lỗi vì điều đó, Donald”, Bush nói với Trump. Trump từ chối xin lỗi, nhưng khẳng định đã nghe “những điều tuyệt vời” về vợ của Bush, người mà ông gọi là một phụ nữ đáng mến. “Tại sao ông không xin lỗi bà ấy ngay bây giờ?”, Bush chất vấn. Nhưng một lần nữa Trump không chịu cất lời xin lỗi. “Tôi rất ấn tượng” Cả Bush và Marco Rubio cùng giành điểm từ việc Trump gần đây cho rằng các ứng cử viên Tổng thống Mỹ phải nói tiếng Anh thay vì tiếng Tây Ban Nha. Trump từng nói Bush “nên nêu gương bằng cách nói tiếng Anh trên đất Mỹ”. “Chúng ta phải có sự đồng hóa”, Trump nói trong cuộc tranh luận tối thứ Tư. “Ồ, tôi đang nói tiếng Anh ở đây trong buổi tối hôm nay, và tôi vẫn sẽ nói tiếng Anh”, Bush đáp lời. Tuy nhiên, ông nói rằng nếu một sinh viên hỏi ông một câu hỏi bằng tiếng Tây Ban Nha, “tôi sẽ thể hiện sự tôn trọng và trả lời câu hỏi đó bằng tiếng Tây Ban Nha... Cho dù họ thực sự có thể nói tiếng Anh và họ tôn trọng những giá trị Mỹ”. Ứng cử viên Rubio thì nhất trí rằng tất cả mọi người nên học nói tiếng Anh, nhưng ông cũng tranh thủ cuộc tranh cãi xung quanh tuyên bố về ngôn ngữ của Trump để mở đường vào một câu chuyện cá nhân đi vào lòng người. “Tôi muốn kể cho các bạn nghe câu chuyện về một người không nói giỏi tiếng Anh. Đó là ông của tôi”, Rubio nói. Trong câu chuyện của mình, Rubio đã kể ông nội của ông từ Cuba sang Mỹ như thế nào trong thập niên 1960. “Ông nội tôi đã khiến tôi có niềm tin rằng tôi được Chúa phù hộ để sống trong một xã hội có sự phan trộn của tất cả lịch sử nhân loại. Trong xã hội ấy, cho dù tôi chỉ là con của một người pha chế rượu ở quán bar và một nữ bồi bàn, tôi vẫn thể phấn đấu để có bất kỳ thứ gì, và đạt được bất kỳ mục tiêu nào mà tôi dám nỗ lực. Nhưng ông đã dạy tôi điều đó bằng tiếng Tây Ban Nha, bởi đó là ngôn ngữ mà ông cảm thấy thoải mái nhất khi nói”. Đến cuối buổi tranh luận, Trump có vẻ như bị mất phương hướng, và đành lên tiếng khen ngợi các đối thủ sau nhiều tuần liên tục “phủ đầu” họ. “Tôi rất ấn tượng với tất cả mọi người”, Trump nói với CNN. Nguồn: http://vneconomy.vn/the-gioi/doi-thu-vui-dap-donald-trump-trong-cuoc-tranh-luan-thu-hai-2015091807511613.htm
-
Vụ nhặt được 5 lượng vàng: Chọn lý hay tình? Việc nữ công nhân nhặt được 5 lượng vàng không đồng ý nhận 10 triệu đồng từ chủ sở hữu và đòi khởi kiện ra tòa khiến người ta nhớ đến câu: “Một trăm cái lý không bằng một tý cái tình”. Gửi chị Mai, Tôi là người theo dõi câu chuyện “nhặt vàng trong rác” của chị từ những ngày đầu. Lúc đó, lãnh đạo nhà máy yêu cầu chị sung công số vàng nhặt được nhưng chị không chấp thuận. Tôi cũng từng rất thất vọng khi nghe chị trả lời báo chí: “Tôi là người nghèo khó không hiểu luật, miễn sao cơ quan chức năng xử lý đúng quy định là tôi đồng ý. Tuy nhiên, trước đó tôi đã có đơn gửi cơ quan chức năng xin được nhận toàn bộ số tài sản nhặt được vì gia đình quá nghèo, chồng bệnh, con còn nhỏ đang đi học, bản thân tôi lại đang bị thất nghiệp”. Chiếc ví da chứa vàng thuộc về chị? Dù nó ở trên trời rơi xuống hay từ trong rác rơi ra thì ắt phải có chủ sở hữu. Hơn nữa, nó nằm trong đống rác thải của nhà máy chứ không nằm trong thùng rác nhà chị. Chị khác với chị Hồng - người phụ nữ nhận được 5 triệu yên Nhật nhờ thu mua ve chai từng gây xôn xao dư luận. Vì chị Hồng phải mua chiếc thùng loa chứa số tiền đó còn chị phát hiện ra số vàng khi đang làm việc trong nhà máy. Nghèo, chồng bệnh, con nhỏ, thất nghiệp không là và không thể trở thành những cái cớ để chị lấp liếm lòng tham. Vụ nhặt được 5 lượng vàng: Chọn lý hay tình? Ảnh minh họa: Internet >> Ly kỳ vụ phát hiện 5 lượng vàng trong... rác Chị Phạm Tuyết Mai (35 tuổi, ngụ khóm 3, phường Tân Xuyên, TP.Cà Mau, nguyên nhân viên Nhà máy xử lý rác thải Cà Mau) khiếu nại vì không được nhận 5 lượng vàng chị tìm thấy trong lúc phân loại rác Hôm qua, chị từ chối 10 triệu đồng từ chị Ngân (chủ sở hữu số vàng) tại buổi thỏa thuận. Rất nhiều người lên án hành động của chị là tham lam, “được voi đòi tiên” nhưng tôi lại nghĩ lần này chị đáng được cảm thông hơn phê phán. Hết một năm chờ đợi, chị Mai đã đinh ninh rằng mình được nhận số tiền gần 70 triệu theo điều 241 Bộ luật dân sự. Đâu ai ngờ rằng chủ sở hữu số vàng lại xuất hiện đúng vào lúc cơ quan công an chuẩn bị phương án trao tiền cho chị. Đã thế, người phụ nữ kia còn đưa ra con số 10 triệu (chẳng thấm tháp gì so với giá trị thực của 5 lượng vàng), chị đồng ý thì khác gì nhận bố thí của người ta. Mà theo luật, thời hạn thông báo công khai đã hết, chị Ngân không còn quyền nhận lại số tài sản đó nữa. Chị đã thắng về lý nên chẳng sợ đưa ra tòa xử: “Nếu cơ quan công an không giải quyết việc này đúng theo pháp luật, tôi sẽ khởi kiện ra tòa”. Tuy nhiên, các cụ đã dạy “một trăm cái lý không bằng một tý cái tình”. Người Việt mình trọng tình trọng lý song thiên về tình hơn. Giữa chị và chị Ngân không có quan hệ người thân, bè bạn, thầy trò… nhưng hẳn vẫn còn tình người chứ! Đặt mình vào hoàn cảnh của chị Ngân, chị sẽ cảm thấy thế nào nếu bị “mất của” những hai lần: lần đầu không rõ nguyên do và lần sau do quá hạn xác định quyền sở hữu? Số tiền 10 triệu kia rất có thể là món quà cảm ơn mà chị Ngân muốn gửi tặng chị. Theo lời chị Ngân, đồ nữ trang trong chiếc ví là của hồi môn của nhà chồng và cha mẹ ruột chị, không thể quy ra tiền rồi chia chác được. Tôi nói ngắn gọn vậy thôi, quyền quyết định vẫn thuộc về chị. Mong chị có sự lựa chọn thật sáng suốt, thấu tình đạt lý! Thân ái, Diên Anh Khoản 2 Điều 241. Bộ luật Dân sự năm 2005 Sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai về vật nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật có giá trị đến mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì vật đó thuộc sở hữu của người nhặt được; nếu vật có giá trị lớn hơn mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước. http://vietbao.vn/An-ninh-Phap-luat/Vu-nhat-duoc-5-luong-vang-Chon-ly-hay-tinh/165206712/218/ VietBao.vn (Theo_Người Đưa Tin ) ------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------- Khi tòa án người ta đã để cho 2 bên thỏa thuận có nghĩa là đã nghiêng về tình rồi chứ không phải về lý nữa. Chắc chị này cứ theo câu "Nhặt được của rơi, tạm thời đút túi", mà quên mất ngay từ nhỏ trẻ con đã được dạy rằng " Nhặt được của rơi, trả người đánh mất". Đã có chủ nhân số vàng thực sự rồi, của Cesar thì phải trả lại Cesar thôi. Nếu chị này đi kiện, chắc chắn nhà máy rác lại là bên có quyền và nghĩa vụ liên quan, và số tiền chị được chia chưa chắc đã bằng số tiền chủ số vàng gửi chị. Cũng tại tham mà ra cả thôi. Nhớ câu "Tham thì thâm", "Bắt được bạc thì sang, bắt được vàng thì lụi". Miệng lưỡi thế gian, chị có chịu đựng được không? Được thì ít mà mất thì chắc chắn sẽ rất nhiều...
-
Vấn đề Biển Đông: Mỹ chuẩn bị hành động Mỹ lên kế hoạch tăng số lượng các cuộc tập trận quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương nhằm đối phó sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong khuôn khổ chuyến thăm Manila, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ đã trao đổi những khía cạnh chính của dự thảo Chiến lược An ninh hàng hải châu Á – Thái Bình Dương tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Philippines là Tướng Hernando Iriberri. Quân đội Mỹ và Philippines tập trận chung năm 2014 Đại tá Restituto Padilla, người phát ngôn quân đội Philippines, nói với báo giới rằng tài liệu nói trên đã phác thảo các hành động của Mỹ ở Biển Đông và Hoa Đông; tập trung vào bảo đảm “tự do trên các vùng biển”; ngăn chặn xung đột, áp chế cũng như thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế. Một nguồn tin quân sự tham gia cuộc gặp trên cho biết, Mỹ và Philippines dự kiến sẽ tăng quy mô, tần suất và độ phức tạp của các cuộc tập trận trong khu vực. Lầu Năm Góc cho biết kể từ khi bắt đầu việc xây đảo nhân tạo trên các bãi đá ngầm chiếm giữ trái phép ở biển Đông vào tháng 12/2013, tính đến tháng 6/2015, Trung Quốc đã bồi lấn trên biển được hơn 1.170 ha. Trong khi đó, Trung Quốc nói rằng các tiền đồn xây dựng trên đảo nhân tạo trên Biển Đông phục vụ cho mục đích dân sự cũng như quân sự không xác định. >> Mỹ: Trung Quốc xây đảo nhân tạo nhanh chưa từng thấy Trung Quốc đã mở rộng gấp 400 lần diện tích các đảo mà nước này chiếm đóng tại vùng biển trên. Đánh giá về những động thái của Mỹ trước Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, trong bài viết có tựa đề “Chiến lược an ninh mới của Mỹ không đi đủ xa ở Biển Đông” được đăng trên The Wall St. Journal ngày 24/8, GS Andrew Erickson thuộc Trường Hải chiến Mỹ đã phân tích kỹ tài liệu mới của Lầu Năm Góc và cho rằng đó là một bước đi tích cực, nhưng không đủ sức ngăn chặn dã tâm của Trung Quốc. Vị giáo sư nhìn nhận, cho dù Trung Quốc đã có rất nhiều hành vi bị cho là quá đáng, nhưng Mỹ vẫn có những lời lẽ thiếu dứt khoát, gần như là đánh đồng các hành động xây đảo của Trung Quốc với hành động của nước khác chẳng hạn. Theo ông Erikson, Mỹ phải “đi xa hơn và nói rõ đường 9 đoạn của Bắc Kinh không có cơ sở theo luật pháp quốc tế”. Ngoài ra, GS Erikson cũng cho rằng chủ trương không gây căng thẳng quá mức của Washington đối với Bắc Kinh đã tạo ra cảm tưởng là Mỹ nhút nhát và khiếp sợ. Theo ông, lẽ ra chiến lược của Mỹ là phải bắn đi tín hiệu cho Trung Quốc hiểu là Mỹ sẽ sẵn sàng va chạm để đối phó với một loạt hành vi tiêu cực của Trung Quốc như đã từng có trong những năm gần đây. Mỹ cần quyết liệt hơn với Trung Quốc, có chính sách cụ thể hơn nữa để buộc Bắc Kinh phải trả giá đắt cho hành động sai trái của họ. An Nhiên (Tổng hợp) Nguồn: http://vietbao.vn/The-gioi/Van-de-Bien-Dong-My-chuan-bi-hanh-dong/158283518/159/ (Theo_Báo Đất Việt ) --------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------- Có lẽ Mỹ phải cần phải gỡ bỏ cái găng tay bọc nhung ra chăng??? B)
-
PHẬT GIÁO VỚI QUAN NIỆM PHÙ HỘ ĐỘ TRÌ – Trích trong TÌM HIỂU VỀ VĂN HÓA TÍN NGƯỠNG TRONG DÂN GIAN của Đặng Xuân Xuyến- Việt Nam là một dân tộc lấy đạo hiếu làm đầu nên tín ngưỡng thờ cúng, nhất là thờ cúng gia tiên được dân gian tín trọng. Với người Việt, cái chết chỉ chấm dứt sự tồn tại và hoạt động của thể xác con người còn linh hồn người chết sẽ luôn hiện hữu và có “mối liên hệ vô hình” với các thành viên trong gia đình, theo dõi và bảo trợ cho người thân tránh rủi, ro, bất trắc, gặp được điều may mắn. Vì quan niệm như thế nên người Việt lập bàn thờ để cúng lễ tổ tiên, làm nơi trú ngụ cho linh hồn người chết, đồng thời cũng cầu mong sự phù hộ độ trì của người đã chết cho những người còn sống; coi đấy như là thước đo về đức hiếu – nghĩa của con người. Tín ngưỡng trong văn hóa của người Việt là như vậy, còn quan điểm của Phật giáo thì sao? Phật giáo có cho rằng người đã chết sẽ phù hộ độ trì cho người còn sống gặp điều may mắn, “thoát khỏi bể khổ trần ai” như tín ngưỡng của người Việt? Chúng ta đều biết: Tư tưởng của Phật giáo là tư tưởng vô thần, phủ nhận hoàn toàn thuyết Thiên mệnh, hơn nữa, Phật giáo chủ trương: Con người và chỉ có con người mới thực sự là người ban phúc giáng họa cho chính mình. Sự cầu cạnh, van xin ở người khác hoặc nơi thần linh, nếu có được cũng chỉ là phần không đáng kể, chỉ có tâm niệm, hành động hướng thiện mới mang lại hạnh phúc cho bản thân. Ngược lại, một tâm niệm ác, một hành động xấu sẽ tự chuốc lấy kết quả đau khổ về mình. Chính với quan điểm con người làm chủ mọi quả báo của mình nên Phật giáo không chấp nhận quan điểm cho rằng linh hồn người đã chết vẫn còn tồn tại, vẫn giữ “mối liên hệ vô hình” và phù hộ độ trì cho quyến thuộc hiện tại (những người còn sống) được bình an, hưởng lạc. Phật giáo cho rằng đã là chúng sinh thì phải trải qua vòng luân – hồi – sinh – tử và cái sự “chết” kia không phải là sự “sống gửi thác về” như quan niệm dân gian của người Việt, mà là bước đầu của sự chuyển kiếp. Sau khi chết, tùy theo nhân thiện, ác lúc còn sống và nhân duyên của các kiếp trước mà người đã chết sẽ được sinh vào cõi người, cõi trời hay bị đọa vào địa ngục. Nếu bị đọa vào địa ngục thì phải chịu quả báo của nghiệp ác khi còn sống, sự quả báo (bị trừng phạt) ấy nặng hay nhẹ, nhanh hay lâu phụ thuộc vào nhân ác tạo ra lúc còn sống ở kiếp người. Do vậy, người đã chết dù thế nào cũng không thể trở về “dương gian” để phù hộ độ trì cho người đang sống. Trái với quan điểm của khá nhiều tôn giáo và đạo giáo khác (trong đó có tín ngưỡng của người Việt) là tin vào chuyện người chết sẽ có những tác động, ảnh hưởng tới cuộc sống của người trần tục, Phật giáo đưa ra quan điểm: Người đã chết không thể phù hộ độ trì cho quyến thuộc còn sống mà chính những quyến thuộc (hiện tại) còn sống, bằng nhân thiện, ác của mình đang làm sẽ ảnh hưởng tới “quả báo” của người đã khuất. Trong Kinh Địa Tạng, khi nói về Lợi ích người còn kẻ mất, có đoạn viết: “Các chúng sinh đã làm ác, lúc sắp chết cha mẹ bà con nên vì những người đó mà tu tạo Phúc Đức để giúp cho đời sau của họ. Như treo tràng phan, bảo cái và đốt đèn, hoặc tôn kính tượng đọc kinh trang, hoặc cúng dường tượng Phật, lại trì niệm danh hiệu Phật, danh hiệu Bồ Tát. (…) Sau khi người đó chết rồi, trong bảy tuần bảy ngày, lại vì người đó làm nhiều việc thiện thì có thể làm cho người ấy thoát hẳn đường ác, được sinh lên cõi trời (…) quyến thuộc hiện tại cũng được lợi ích vô cùng. (…) Trong ngày có người thân sắp chết phải hết sức thận trọng, chớ sát hại sinh vật và làm những chuyện ác như: Lễ quỷ thần, cầu cúng yêu quái. Tại sao vậy? Vì những sự sát hại và cúng tế đó không có một mảy may năng lực nào lợi ích cho ngwời sắp chết mà lại còn kết thêm tội duyên sâu nặng hơn. Giả sử người sắp chết kia, đời nay lúc này còn sống hoặc ngay đời sau có được những nhân duyên thánh thiện, đáng sinh vào cõi người hay vào cõi trời, nhưng vì trong lúc sắp chết, bị quyến thuộc làm những nhân ác nói trên, nên khiến cho người ấy vạ lây, phải biện bạch đối chứng mãi, thành chậm trễ sinh vào chỗ tốt lành. Huống chi người sắp chết kia, lúc sống chưa từng có chút thiện căn thì cứ theo nghiệp dữ đã làm mà tự chịu lấy quả khổ ở đường ác. Vậy nỡ nào mà quyến thuộc lại làm tăng thêm tội cho họ nữa.”. Có thể nói ở điểm này, Phật giáo hơn hẳn nhiều tôn giáo khác về tính nhân văn và đạo lý làm người, phù hợp với nếp sống tình cảm của người Việt. Ai trong chúng ta cũng vài lần trong đời từng được nghe những lời ca thán: “Rõ khổ, ông ấy chết rồi mà chẳng được yên” hay “người sống làm nhục vong linh người chết” khi thấy cảnh đau lòng: Người còn sống làm mất gia phong do tổ tiên để lại. Giáo lý nhà Phật không chấp nhận việc phù hộ độ trì cho những người còn sống của những người đã khuất mà đi vào đề cao việc người còn sống phải lo làm việc thiện, tạo ra những duyên thiện để trước hết tạo ra thiện căn cho chính bản thân mình, sau đó làm giảm bớt duyên ác mà người thân khi còn sống vướng phải. Phật giáo chỉ thừa nhận ở một chừng mực nào đó, Phật tử sẽ nhận được sự phù hộ độ trì của Trời, Phật, Bồ Tát… khi Phật tử là người có thiện căn. Quan điểm của Phật giáo về vấn đề này, dù có khắt khe đến mấy chúng ta cũng phải thừa nhận đây là quan điểm đầy tính nhân bản. Quan điểm đó giáo dục mọi người phải không ngừng vươn tới Chân – Thiện – Mỹ để hoàn thiện và làm đẹp thêm nhân cách của mình. Quan điểm đó nhắc nhở mọi người không chỉ sống xứng đáng với truyền thống của cha ông mà còn phải “phát tiết” những giá trị đạo đức, những tinh hoa mà cha ông đã xây dựng, gìn giữ, để người đương thời phải thừa nhận: Con hơn cha vì nhà có phúc. Nguồn: http://quanvan.net/2015/08/08/phat-giao-voi-quan-niem-phu-ho-do-tri/
-
Thuê xe 115 đi 350km... rút - nộp hồ sơ cho con vào đại học! 10:40:32 21/08/2015 Trong hành trình “vật vã” nộp – rút - nộp hồ sơ vào đại học, một phụ huynh ở TP. Hà Tĩnh đã phải thuê xe cấp cứu 115 từ Hà Tĩnh ra Hà Nội để nộp hồ sơ vào đại học cho con mình. Câu chuyện bi hài này xảy ra vào ngày chót 20/8 của đợt tuyển sinh đại học. Chị Nguyễn Thị T. (ở phường Đại Nài, TP. Hà Tĩnh) có con là Trần Cao C. đạt 25,75 điểm trong kỳ thi quốc gia vừa qua và đăng ký nguyện vọng 1 vào Học viện An ninh. Với số điểm trên, gia đình kỳ vọng con mình sẽ trúng tuyển vào ngôi trường danh giá này. Tuy nhiên, đến giờ chót, qua các phương tiện thông tin đại chúng, chị T. cảm thấy kết quả đó rất mong manh nên quyết định rút hồ sơ nộp vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Lái xe Trần Văn Đại kể lại hành trình “cấp cứu” hy hữu của mình. Tuy nhiên, quyết định này được đưa vào giờ chót (11h, ngày 20/8), nên việc ra Hà Nội rút hồ sơ và kịp nộp vào Trường ĐH Bách khoa trước 17h ngày 20/8 là tình huống nan giải! “Hội đồng quân sư” gồm anh em, bạn bè được huy động khẩn cấp giải bài toán quãng đường 350km từ Hà Tĩnh – Hà Nội cho kịp thời gian. Và, phương án khả thi nhất được mọi người nhất trí cao là thuê xe cấp cứu 115, một trong những phương tiện được ưu tiên hàng đầu khi lưu thông trên đường. 11h15’, chiếc xe 115 có mặt chở mẹ con chi T. lên đường “cấp cứu" hồ sơ đại học!. Cả khu phố Đại Nài náo loạn, ngơ ngác, không hiểu chuyện gì đang xảy ra với gia đình chị T.. Anh Trần Văn Đại – lái xe 115 Hà Tĩnh cho biết, trong đời làm nghề chưa bao giờ tôi thấy trường hợp hy hữu này. Trước tình cảnh “cứu đại học” như cứu người, tôi đạp “lút ga” tiến về Hà Nội. Đúng 15h38’, xe đưa mẹ con chị T. cập cổng Học viện An Ninh. May mắn là các cán bộ Học viện An ninh rất thông cảm, chia sẻ với hoàn cảnh và nguyện vọng chính đáng nên tạo điều kiện tối đa để phụ huynh, học sinh rút hồ sơ. Thêm cuốc xe ôm, mẹ con chị đã đến Trường ĐH Bách khoa kịp nộp hồ sơ vào lúc 16h30’. Một câu chuyện bi hài trên đây là một trong những ví dụ điển hình về sự “thất bại toàn tập” (lời của Giáo sư Văn Như Cương) cho mùa tuyển sinh đại học 2015!. Theo Báo Hà Tĩnh http://kenh14.vn/xa-hoi/thue-xe-115-di-350km-rut-nop-ho-so-cho-con-vao-dai-hoc-20150821103210829.chn