Vận hội Doanh nhân năm Canh Dần
1. Năm ngoái chúng tôi có xin giời đất cho một quẻ Dịch về vận hội doanh nhân năm Kỷ Sửu. Được quẻ Hỏa Trạch Khuê động hào 2 và hào 6, biến thành quẻ Thuần Chấn. Quẻ cho biết trong năm Kỷ Sửu, nền tài chính thế giới đang khủng hoảng, doanh nhân nước ta có đầy biến động, mỗi doanh nhân đứng trước những thử thách khác nhau, phải tìm nhiều lối khác nhau để sống còn và phát triển. Không ít cơ sở đứng trước nguy cơ phá sản. Không ít cơ sở, doanh nhân phải “lách qua những cửa hẹp” như lời hào 2 đã nói. Thực tế diễn biến đúng như thế, người ta bảo rằng “chẳng bói cũng biết”.
Quẻ Trạch Thủy Khốn
Quẻ Thuần Đoài Nhưng có điều này thú vị. Quẻ Khuê còn có hào 6 động, bảo cho biết một cách bí ẩn rằng: Thấy con heo đội bùn (bẩn) trên xe chở quỷ (xấu). Trước giương cung định bắn, hãy tháo tên, không phải giặc đâu, đó là người muốn kết hôn. Vậy cái con heo bùn trên xe mà doanh nhân ta định giương cung bắn là sự kiện gì nhỉ ? Tôi xin thử gọi tên một việc. Đó là hiện tượng suy thoái của thị trường bán lẻ, trong đó chỉ số lòng tin của người tiêu dùng theo Hiệp hội các DN bán lẻ VN cho biết, xuống đến 60,9 điểm so với 88,1 điểm vào năm 2008. (Giá thất thường, an toàn thực phẩm kém, quảng cáo một đằng, bán hàng một nẻo). Trong khi hàng loạt siêu thị đua nhau phát triển, thì có tới 62% người tiêu dùng ở các tầng lớp khác nhau vẫn mua hàng trực tiếp ở các chợ truyền thống. Và trong khi các nhà bán lẻ đua nhau tìm những địa điểm đẹp để mở cửa hàng, thì xuất hiện một phong trào ngày càng đông người mua hàng qua mạng, qua điện thoại di động... Hiện có tới 2/3 DN bán lẻ chưa biết sử dụng CNTT trong quản lý cửa hàng. Thế chẳng phải con heo đội bùn đối với thị trường bán lẻ thời khủng hoảng là gì? Ấy thế mà quẻ Khuê bảo đừng có giương cung bắn. Hãy tháo tên, không phải giặc đâu, đó là người muốn kết hôn. Đó chính là những cảnh báo cần thiết để mở đường cho thị trường bán lẻ “nóng” trở lại trong năm mới. Doanh nhân ta còn phải “tháo tên” trước những những người nào tưởng là “giặc” mà hóa người muốn “kết hôn”? Chỉ các nhà DN mới biết thật rõ. Tôi xin nhường lời cho bạn đọc của DĐDN.
2. Năm mới Canh Dần, tôi lại thắp hương xin giời đất một quẻ về vận hội doanh nhân nước ta. Tôi thấy hiện ra quẻ Trạch Thủy Khốn, động hào 1, biến thành quẻ Thuần Đoài. Nghe tên quẻ vừa buồn vừa vui. Buồn là trời chửa chiều người, vận hạn doanh nhân nước ta năm nay vẫn còn nguy khốn, tên quẻ Trạch Thủy Khốn đã bảo cho biết như thế. Khốn là Nguy (nguy nan, khốn khổ, nên kiên nhẫn). Tượng quẻ: Đầm ở trên, Nước ở dưới. Đầm mà không có Nước thì đầm rộng mênh mông bị cạn kiệt và rơi vào nguy khốn. Lời quẻ bảo rằng: Khốn, hanh thông. Chính đính như bậc đại nhân (có đức) thì tốt, không lỗi. Dù nói gì cũng không bày tỏ được lòng mình (không ai nghe).
Tại sao khốn mà lại hanh thông ? Ở vào thời Khốn, con người không còn thế, không còn lực, nên đừng nói gì cả, càng nói chỉ càng thêm vạ miệng, không biện bạch được gì đâu. Đây là lời khuyên chung, còn bậc quân tử thì lại khác. Phan Bội Châu giảng: Khốn mà hanh thông, được như thế, chắc chỉ bậc quân tử mà thôi. Thật có thế, người bình thường khốn ở hoàn cảnh, thì khốn đến cả tâm. Khốn ở Thời, thì khốn đến cả đạo lý. Chỉ duy quân tử, cảnh tuy khốn mà tâm vẫn hanh, thời tuy khốn mà đạo vẫn hanh. Kìa như: đức Khổng Tử tuyệt lương ở Trần Thái bảy ngày mà đánh đờn, đọc sách không ngớt; vua Văn vương bị tù ở Dữu Lý chín năm, mà cắm đầu làm Kinh Dịch không ngừng bút, chẳng phải là Khốn mà Hanh hay sao? Tuy nhiên, có địa vị như Văn Vương, có tài đức như Khổng Tử, mà gặp cảnh tuyệt lương, bị tù, mới gọi là Khốn, nhân vì có cảnh Khốn ấy, mới tỏ ra thánh nhân, mới gọi là Khốn mà Hanh. Nếu những hạng người địa vị, tài học, kém xa hai người ấy gấp nhiều lần, thì Khốn là sự thường, và cũng không thể nào Hanh được. Vậy nên câu “chắc chỉ bậc quân tử mà thôi”, chẳng phải dành riêng cho quân tử, mà chính là mong cho mọi người ai cũng muốn làm quân tử. Ở trong thời Khốn, chẳng ai là tuyệt đối không khốn, nhưng mà khốn hanh thì hiếm quá.
Như vậy sang năm này doanh nhân nước ta bước sang thời Khốn, sẽ chia làm hai hạng người rõ rệt. Một hạng tiểu nhân có vốn liếng, có giấy phép kinh doanh, sẽ tìm mọi cách luồn lách, dối trên lừa dưới, lựa thời cơ làm giàu trên lưng người tiêu dùng. Hạng này cũng sẽ có người phát tài, giàu có, nhưng chẳng bao lâu cái giá phải trả đối với họ sẽ đến. Trong cái xã hội đang đổi mới này, chẳng bao lâu họ sẽ rơi vào cái cảnh mà hào Một động của quẻ Khốn đã bảo: Chỗ ngồi bị khốn nơi gốc cây. Lại sụp vào nơi hang tối. Ba năm không thấy ai. (Ba năm đây có ý nghĩa là thời gian dài, không có nghĩa cụ thể ba năm). Một hạng người nữa có tài có đức, tuy không thoát khỏi hoàn cảnh khủng hoảng, lâm vào đổ vỡ không kêu ai được, kêu cũng không ai nghe, nhưng biết từ đấy tự vực mình lên, lại liên kết với cộng đồng, tìm ra con đường sống. Đó là những bậc quân tử trong kinh doanh. Trong số đó không khỏi có người gục ngã không đứng dậy được, có khi bị tù oan là khác, nhưng không thành thân thì thành nhân. Bỏ vứt mạng mình mà hoàn thành chí mình là một phương pháp rất hay cho quân tử ở thời Khốn (Phan Bội Châu). Các thế hệ sau sẽ không thể nào quên tấm gương của họ. Ngay trong năm Kỷ Sửu đã sáng lên những tài danh trong cuộc thi khởi nghiệp dành cho tuổi trẻ.
3. Doanh nhân ta có ra khỏi thời Khốn hay không ? Có đấy. Hào 1 động biến quẻ Trạch Thủy Khốn thành quẻ Thuần Đoài. Thuần Đoài là hai quẻ Đoài. Đoài là vui lòng, vừa ý. Hai quẻ Đoài là song hỷ, hai lần vui. Lời quẻ nói rằng: Vui thì hanh thông. Hợp đạo chính thì lợi. Khốn mà hanh thông, điều đó thì khó thấy. Vui thì hanh thông, rõ như ban ngày. Nhưng thánh nhân bảo thêm một câu: Hợp đạo chính thì lợi. Bởi vì vui có ba bảy đường vui. Vui trong dâm loạn, vui trong cuồng nộ phóng xe tóe khói tóe máu trên đường, cũng là vui. Nhưng vui ấy không phải của doanh nhân ta đi từ Khốn sang Đoài. Chữ Vui này đi với chữ Quên. Vui vẻ mà hợp với đạo chính thì thuận với trời, hợp với người. Vui vẻ mà đi trước dân thì dân quên khó nhọc; vui vẻ mà xông vào chốn nguy hiểm thì dân quên cái chết mà cũng xông vào; đạo vui vẻ thật lớn thay; khuyến khích dân không gì bằng. Phan Bội Châu giảng: Chữ Vui rất hay là ở hai chữ Vui Quên. Việc thuận mà vui vẻ làm, đường đời trôi chảy mà vui vẻ đi, chưa phải là cái hiệu quả của Đạo Vui. Chỉ duy việc nhọc mà dân vui làm, đường chết mà dân vui đi, có tinh thần chữ quên mới cho ta hình dung được hiệu quả của Đạo Vui. Đâu phải cưỡng bức dân mà được thế ? Vì tâm lý thánh nhân, cốt vì lợi ích của dân mà bất đắc dĩ phải nhọc đến dân, tạm thời tuy mệt nhọc mà yên lành được lâu dài, nên dân không lấy sự nhọc làm nhọc. Vì muốn gây hạnh phúc cho dân, mà bất đắc dĩ phải khiến dân xông vào chốn hiểm nguy, hiểm ở trước mặt mà hạnh phúc theo sau lưng, nên dân quên cái chết. Đạo Vui đến thế, lợi biết dường nào ?
Trên thương trường, doanh nhân là chiến binh. Năm Canh Dần này, chiến binh ta sẽ đi từ Khốn đến Vui. Cần nhớ rằng muốn đến Vui phải qua hào 1 quẻ Khốn. Ở đó có gốc cây cụt. Chớ dại mà ngồi vào. Ở đấy có hang tối. Có thể hang tối ấy là nhà tù, cũng có thể là bóng tối trong kiến thức. Một năm đầy thử thách. Nhưng ngay từ bây giờ đã có những tín hiệu vui. Ví như trong cuộc thi khởi nghiệp, giải nhất thuộc về những bạn trẻ muốn tạo dựng một hiệu cà phê mang cái âm hưởng thời bao cấp ở Hà Nội. Để cho vui, và để nhắc nhở đừng bao giờ trở lại cái thời đó. Ví như hai bạn trẻ nữ muốn đi từ những hàng mã thời xưa đến một cửa hàng búp bê bằng giấy, duyên dáng và nghịch ngợm (Báo Doanh Nhân cuối tuần số 41 – 2009). Ví như Thị trường bán lẻ đang chuẩn bị cho ra đời những siêu thị mới, hoành tráng, để cho chỉ số lòng tin của người tiêu dùng tăng lên và tranh chấp, đua tranh với các chợ truyền thống. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, bên cạnh những cửa hàng đẹp chiếm “mặt tiền” ngoài phố, sẽ xuất hiện những cửa hàng ảo trên máy tính, doanh thu không thua kém. Thị trường bán lẻ sẽ tiến mạnh về nông thôn. Đây chỉ là một vài ví dụ. Các bạn ở trong cuộc biết hơn tôi rất nhiều. Xin chúc mừng !
Nếu tin vào kẻ tiểu nhân mà tiêu mòn hết đức trung chính của mình, thì nguy. (Hào 6 âm mưu làm tiêu mòn hào 5 dương). Nguyễn Hiến Lê giảng: Hào này dương cương trung chính, địa vị chí tôn, ở vào thời Đoài mà thân cận với hào trên cùng, âm nhu tiểu nhân, làm chủ sự vui, rồi ham vui bậy bạ thì nguy; đây là lời răn kẻ trị nước. Phan Bội Châu phụ chú: Lời hào mỗi hào đều có chữ vui, duy hào 5 không có chữ vui mà lại có chữ nguy. Bởi vì, hào 5 là ở vào địa vị chí tôn, nên lấy vui, âm, là điều đáng sợ, lời hào không nói vui mà nói nguy là nói cho quân tử, mà đề phòng kẻ tiểu nhân. Các hào nếu vui lầm thì tai hại chỉ một mình, đến như 5 mà vui lầm thì tai hại đến một nước. Nên lời hào có lời răn mà lời tượng cũng có lời răn.
Nhà văn Xuân Cang