Giới khoa học không tin 'dị nhân đuổi mưa'
Cập nhật lúc 16:48, Thứ Ba, 07/09/2010 (GMT+7)
,
- Sau khi "dị nhân" Nguyễn Vũ Tuấn Anh ngỏ ý muốn "ngăn mây đuổi mưa" trong dịp Đại lễ và không lấy một đồng nào, nhiều nhà khoa học đã bày tỏ... không tin.
TIN BÀI MỚI
10 trực thăng sẽ mở màn mít tinh Đại lễ 1000 năm
Phát hiện xác cụ bà 70 tuổi nổi ở hồ Bảy Mẫu
"Dị nhân" thề sẽ đuổi được mưa suốt 7 ngày Đại Lễ
Báo điện tử VTC dẫn lời GS. TSKH Nguyễn Đức Ngữ, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn cho biết, có nhiều cách để bảo vệ vùng tan mây như bắn đại bác đốt nóng khối mây để mây tan không mưa; dùng tên lửa bắn hóa chất nhằm tăng hạt nhân liên kết làm cho nước trong mây ngưng kết nhanh gây ra mưa sớm hơn.
Như vậy, có thể thấy, có 2 cách: làm bốc hơi hoặc làm mưa sớm đối với những đám mây chưa đến vùng cần bảo vệ hay ở ngoài rìa của vùng cần bảo vệ.
Giải thích như vậy, nhưng ông Ngữ cũng khẳng định, không phải mọi loại mây đều làm được như vậy, chỉ làm được đối với khối mây cục bộ thôi, còn mây trên diện rộng, có tính hệ thống trên cả vùng lớn Bắc – Nam thì không thể phá được, đối với mây bão cũng vậy, không "phá" được!
Nhưng ông Ngữ cũng chia sẻ, để làm được thì không đơn giản. Muốn “phá” mây, phải tiến hành quan trắc đám mây, nghiên cứu bằng ra-đa thời tiết, quan trắc thời điểm nào, vị trí nào có thể bắn mây, đánh giá tình trạng nhiệt độ, độ ẩm, hơi nước, tình trạng đối lưu trong mây… Trên thực tế, tỷ lệ thành công của việc “phá” mây rất thấp. Nếu không có sự quan trắc chính xác thì có khi còn… mưa rất to!
Nỗi lo trong dịp Đại lễ là mưa ngập nước. (Ảnh: Dân trí)
Trả lời trên báo điện tử KH& ĐS, GS.Lê Đình Quang, tác giả của dự án làm mưa nhân tạo năm 2002 và ý tưởng ngăn, chuyển hướng bão muốn "dị nhân" nên thử nghiệm trước.
Ông Quang cho biết, năm 1980, thời điểm diễn ra Olympic Moscow, các nhà khí tượng của Đài không trung ương Liên Xô đã thực hiện việc chống mây, ngăn mưa thành công.
Về cơ bản, việc ngăn mưa có cơ sở lý thuyết hoàn toàn giống với việc làm mưa nhân tạo. Chỉ có điều, thay vì làm mưa ở chỗ này, các nhà khoa học sẽ cố tình gây mưa ở chỗ khác để tạo điều kiện thời tiết thuận lợi cho một khu vực nào đó cần diễn ra những nghi lễ quan trọng.
Người ta có thể dùng dàn phun (giống như giàn tên lửa) để rải những hóa chất như muối bạc, cacbonic rắn lên mây để chúng tạo mưa.
Còn như ông Tuấn Anh nói về việc dùng tác động ý thức của bản thân để “ngăn mưa, bão” thì ông Quang tỏ ra băn khoăn khi chưa thấy thực tế. Nhưng ông Quang cũng nói rằng, phương pháp này không hợp với lý thuyết vật lý trên và xem ra có vẻ hơi hoang đường.
Nhắc đến việc dùng ý thức bản thân để tác động thời tiết, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người phỏng đoán, có thể ông Tuấn Anh là người có khả năng dự báo và biến dự báo đó thành hiện thực chứ không thể điều khiển mưa bão như ông tuyên bố.
Cũng trên tờ báo này, ông Hải kể lại câu chuyện Gia Cát Khổng Minh mượn gió Đông Nam để đánh thắng Chu Du. Nhưng đằng sau vẻ huyền bí như lập đàn uy nghiêm, người đời không biết rằng, Khổng Minh là rất am hiểu về khí tượng. Ông biết chắc ngày giờ đó có gió Đông Nam thổi nên mới nghĩ ra kế này. Thực chất câu chuyện này là biết trước chứ không phải điều khiển được gió.
Trên góc độ tâm linh, ông Hải nói rõ, nếu lập đàn cầu xin mưa thuận gió hòa thì người đứng ra lập và xin phải là người rất có uy tín (kiểu như vua, người đứng đầu địa phương...). Còn một cá nhân bình thường làm thì không có mấy tác dụng.
Trước đó, theo kịch bản dự kiến ban đầu, nếu thời tiết không được thuận lợi thì có thể sẽ dùng phương án “bắn mây” để Đại lễ diễn ra được suôn sẻ. Tuy nhiên, kinh phí mỗi lần "bắn mây" để ngăn mưa trong 3 ngày có thể tiêu hết hơn 1 tỷ USD, đồng thời phương án này cũng đòi hỏi những kỹ thuật rất phức tạp và không thể “bắn” trong trường hợp mưa bão.
Do đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã đồng ý với đề xuất của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo là không “bắn mây” ngăn mưa. Nếu thời tiết không thuận lợi thì Đại lễ sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Trước những trăn trở này thì mấy ngày gần đây, ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh - Nhà nghiên cứu Lý học Đông phương - hiện được báo chí đặt biệt danh "dị nhân ngăn mây, đuổi mưa" đã ngỏ ý muốn thực hiện việc “ngăn mưa, bão” trong vòng 7 ngày dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã giải thích nguyên lý trên báo điện tử VTC: "Các nhà khoa học trong thí nghiệm vật lý lượng tử đã thừa nhận rằng ý thức con người tác động được đến các hạt proton. Mà cơn bão, mưa hay nắng cũng là cấu trúc của những hạt proton nên suy luận ra ý thức con người có thể tác động đến các hiện tượng thời tiết này. Đó chính là nguyên lý lý thuyết tôi khẳng định mình có thể quyết định mưa hay không. Tất nhiên vẫn có thể xảy ra xác suất đúng hay khả năng sai. Nhưng tôi tin vào khả năng của mình qua nhiều lần dự báo thành công trước đó".
Thậm chí, mức đề nghị kinh phí ban đầu của ông Tuấn Anh 7 tỷ 150 triệu đồng đã được ông nói lại là không nhận bất cứ thù lao nào.
Cẩm Anh (tổng hợp)