Thư gửi bộ trưởng bộ GTVT
Đầu thư xin chúc Bộ trưởng sức khỏe, vạn sự như ý để điều hành công việc thật tốt và đóng góp nhiều cho xã hội và cho đất nước.
Tôi viết thư này vì tôi là một người hay có điều kiện đi đây đi đó ở trong nước và cũng có sự trải nghiệm cá nhân nhất định nên tôi nghĩ tôi có thể đóng góp cho Bộ trưởng một góc nhìn nào đó về thực trạng giao thông hiện nay ở Việt Nam. Thứ nhất về tình trạng kẹt xe ở trong nội thành các thành phố lớn cụ thể như Hà Nội và Tp.HCM thì báo đài và các phương tiện truyền thông đã đưa tin và đưa ra rất nhiều nguyên nhân và giải pháp, nhưng tôi theo dõi thì mỗi một bài báo hay phóng sự trên ti vi chỉ đưa ra được một góc nhìn giới hạn nên phải tổng kết lại rất nhiều từ những bài báo và phóng sự đó, cụ thể là “kẹt xe = mật độ người tham gia giao thông + phương tiện tham gia giao thông + hạ tầng giao thông + ý thức người tham gia giao thông …” Trước kia đất nước ta còn là đất nước nông nghiệp nền kinh tế tự cung tự cấp, đô thị chưa tập trung nhiều dân cư nên việc trao đổi hàng hóa hay sử dụng phương tiện giao thông cũng không sôi động như hiện nay nên hạ tầng giao thông cũng không ảnh hưởng lắm trong việc phát triển kinh tế chính trị của đất nước. Nhưng hiện nay như Bộ trưởng thấy đấy, giao thông là huyết mạch của một nền kinh tế, vậy nên chỗ nào chưa có giao thông hay giao thông không thông suốt giống như có cục máu đông trong huyết mạch đó. Quan trọng là vậy nhưng giao thông Việt Nam hiện nay thực sự thảm hại vì tốc độ phát triển của các phương tiện tham gia giao thông quá nhanh vì thực tế đòi hỏi như vậy, nhưng chúng ta đã không làm gì để đáp ứng lại sự tăng trưởng của các phương tiện đó,nếu có làm cũng chỉ là qua quýt, theo tôi cái này là tầm nhìn của người quản lý và sự phối hợp của các ban nghành, vì tôi là một người ở rất thấp nên không rõ lắm cách làm việc của các cơ quan trung ương có hỗ trợ nhau trong công việc quản lý xã hội hay không, hay nghành nào lo nghành đó, mỗi một nghành là một ốc đảo riêng biệt, ăn cây nào rào cây đấy, nếu đúng thật thế thì khốn khổ cho người dân chúng tôi, vì cách quản lý như vậy thì thực sự vô cảm với cuộc sống thực tế của người dân, vì quản lý chuyên môn nghề nghiệp thì có thể có công thức hay quy trình quy phạm… còn quản lý xã hội hình như không có công thức mà phải xử lý tốt những thông tin tình hình hiện tại và phải có tầm nhìn khi xã hội phát triển trong tương lai vì xã hội không bao giờ đi thụt lùi, vậy thông tin đâu để chúng ta xử lý nếu không phối hợp chia sẻ với nhau. Tôi quan sát các hiện tượng quanh mình thì toàn thấy các nhà quản lý đi xử lý những sự việc đã rồi, những sự việc do chính các nhà quản lý gây ra, rồi nhận định do nghành này nghành kia, rồi tranh nhau cái cột điện để làm ăn…vậy thì có xứng đáng với lòng tin của nhân dân giao cho?. Thôi tôi xin quay trở về với việc của nghành mình, và là mục tiêu chính mà tôi muốn gửi tới bộ trưởng. Như công thức kẹt xe ở trên, tôi tạm xem là công thức vì chẳng có trường lớp nào dạy công thức này cả, tôi tự tổng kết ra để trình bày với Bộ trưởng cho ngắn gọn và phù hợp với tình hình kẹt xe của xã hội hiện nay chứ khoảng 100 năm sau có thể con cháu chúng ta kẹt phương tiện bay cá nhân thì sao. Tôi thấy một số việc đã được thực hiện theo tôi nghĩ là đúng hướng như thay đổi giờ làm nếu được phản biện kỹ và thông qua (giải pháp tạm thời), nâng cao và đa dạng hóa phương tiện vận tải công cộng (giải pháp lâu dài cần có thời gian), tăng diện tích hạ tầng giao thông (giải pháp lâu dài cần có thời gian)…. Còn vấn đề nâng cao ý thức người tham gia giao thông theo tôi nghĩ nếu không làm tốt những vấn đề trên trước thì ý thức người dân vẫn vậy ai hô hào thì cứ hô hào còn mình có cơ hội vi phạm mà đem lại ngay hiệu quả tức thì cho cá nhân mà cơ quan chức năng không phát hiện kịp thời thì cứ thản nhiên vi phạm vì ai cũng nghĩ đây là một lỗi nhỏ không ảnh hưởng gì ai vậy là người này bắt trước người kia rồi làm theo và đây chính là ẩn số khó nhất cho những nhà quản lý xã hội, và mấu chốt của một người quản lý thành công hay không là ở đây, và có khi nào Bộ trưởng nghĩ tại môi trường giao thông như vậy nên người dân không muốn phạm luật thì vẫn phải phạm luật, giống như cơ chế nó thế nên cán bộ không muốn tham ô tham nhũng nhưng dễ quá nên vẫn cứ tham ô tham nhũng, cho nên khi nào cán bộ hết tham ô tham nhũng thì người dân sẽ hết phạm luật. Sau đây tôi cũng xin kiến nghị lên bộ trưởng hai ý tưởng nhỏ để tham gia giải quyết cấp bách việc kẹt xe trong đô thị. 1. Tối đa hóa đường một chiều để ai có việc thực sự mới đi vào những con đường đó, vì ai cũng muốn đi con đường nhanh nhất ngắn nhất thuận lợi nhất và vì những con đường này thỏa mãn yêu cầu của quá nhiều người nên nhiều người cùng đổ dồn vào cùng một lúc nên dễ dẫn đến bị kẹt xe.
2. Một yếu tố nữa cũng không kém phần quan trọng là khi tham gia giao thông người điều khiển phương tiện không biết phía trước mình có kẹt xe hay không vậy là cứ đổ dồn vào trong khi người khác lại chạy ngược ra từ chỗ kẹt xe vậy là dẫn đến đan xen hỗn loạn, giống như tấm vải được dệt từ các phương tiện giao thông, vậy nên tôi có một ý tưởng chưa biết có hợp lý hay không vì tôi không có ai để phản biện là kêu gọi các doanh nghiệp cần quảng cáo đặt nhiều màn hình quảng cáo có loa công suất lớn tại các nút rẽ về con đường hay bị kẹt xe, để khi nào không kẹt xe thì doanh nghiệp được quảng cáo còn khi nào kẹt xe thì các màn hình này sẽ tham gia vào việc thông báo cho người dân biết phía trước đang kẹt xe để người dân biết chọn con đường khác mà đi cho dù có xa nơi cần đến hơn một chút. Tất nhiên những màn hình này cần có một tổ chức chuyên quản lý nó và loa chỉ được sử dụng những lúc cần thiết. Tôi nghĩ với hạ tầng thông tin hiện nay ý tưởng trên hoàn toàn thực hiện được.
Qua đây bộ trưởng cũng cho tôi trình bày thêm một chút về ý tưởng quy hoạch và quản lý chất lượng công trình giao thông trong tương lai và cũng là một góc nhìn dưới con mắt của một người dân. - Về kỹ thuật : tôi thấy xu hướng tất yếu của một đô thị văn minh là ngầm hóa những đường dây điện, cáp thông tin…. Nhưng hình như điều này chỉ có ở những khu dân cư cao cấp, vậy là những người nhiều tiền thì được hưởng sự ngăn nắp văn minh còn những người không nhiều tiền thì ráng chịu sự lộn xộn đã có, vậy nên chăng chúng ta bổ sung thêm yếu tố ngầm hóa trong tiêu chuẩn thiết kế đường, theo điều kiện khảo sát cụ thể. Tôi nghĩ nếu thêm hạng mục này vào thì giá thành công trình cũng không tăng thêm bao nhiêu mà nó lại đem lại vẻ mỹ quan và văn minh cho đô thị hay những nơi có tuyến đường đi qua. - Về quản lý chất lượng: Như bộ trưởng thấy đấy, những con đường mới làm qua một mùa mưa thì ổ gà ổ voi tha hồ hình thành, nếu con đường nào tốt lắm chắc cũng không qua nổi 5 mùa mưa, tuy không phải là tất cả nhưng đa số là vậy, nếu bộ trưởng thừa nhận điều này thì ta mới nâng cao quản lý chất lượng công trình lên được. Khi tôi lớn lên ở một tỉnh miền trung đoạn đường quốc lộ thảm nhựa rất đẹp được người lớn nói là do Mỹ để lại, mà đến 20 năm sau qua bao mùa mưa bão đoạn đường đó vẫn sử dụng tốt không hề xuống cấp. Tôi biết mỗi một tấc đất của đất nước Việt Nam đã phải trả giá bao nhiêu máu xương của cha ông tổ tiên ta, và tất nhiên đoạn đường đó cũng đã phải xây dựng từ máu và nước mắt của anh cha ta, nhưng có một yếu tố là tại sao cùng một điều kiện thời tiết mà đoạn đường đó rất bền vững theo thời gian còn những đoạn đường sau này do chính chúng ta làm, duy tu sửa chữa thì rất nhanh xuống cấp. vậy người Mỹ có bí quyết công nghệ gì chăng mà cho đến nay chúng ta vẫn chưa học được, hay họ có cách quản lý giám sát gì mà họ đạt được chất lượng công trình như mong muốn, tôi chắc chắn một điều thời đó chưa có người dân tham gia giám sát công trình như hiện nay vì họ đi xâm lược chúng ta thì người dân làm gì có quyền to thế. Thế mà hiện nay công trình chúng ta có thêm người dân giám sát mà chất lượng vẫn không ra sao, vậy điều này chỉ là hình thức mà không đem lại hiệu quả thiết thực vì người dân không ai tổ chức và cũng không có chuyên môn để làm việc đó vậy ta chỉ nên khuyến khích họ cố gắng tham gia mà thôi. Một công trình luôn bắt buộc có tư vấn giám sát nhưng mà TVGS nào làm căng quá sau chủ đầu tư hay nhà thầu không thích thì gói thầu sau xin mới TVGS đó ngồi chơi xơi nước vì có TVGS khác sẵn sàng nhảy vào, và hiện nay người cần việc chứ việc không cần người. vậy là chất lượng công trình tỉ lệ nghịch với chất lượng mối quan hệ. Vậy không lẽ chúng ta bế tắc trong việc quản lý chất lượng, điều này là vấn đề tương đối lớn, tôi chỉ nêu ra được mà không có câu trả lời thỏa đáng, cho phép tôi mạnh dạn đề xuất ý tưởng là nên thêm một bên giám sát độc lập nữa chẳng hạn như hiệp hội vận tải tại địa phương giám sát và đánh giá thật công tâm vì chính họ là những người sử dụng công trình đó sau này, tất nhiên là phải phản biện đầy đủ chứ không thành ra từ một ý tưởng tốt lại thành một ý tưởng vẽ rắn thêm chân, sử dụng các công nghệ hiện đại khi giám sát thi công công trình như quay phim, chụp ảnh, cơ chế đánh giá sản phẩm sau khi sử dụng một thời gian để phân loại các nhà thầu…..Chúng ta đã có kinh nghiệm, rất nhiều chính sách ban đầu rất tốt, khi thực hiện tại thời điểm đó cũng rất tốt nhưng theo thời gian từ từ lạc hậu và không cập nhật theo thời cuộc nên thành ra tự tạo ra nhiều lỗ hổng dẫn đễn hệ lụy khó lường. Đối với nhà quản lý càng cố gắng đơn giản hóa việc quản lý cho nhẹ thân mà không phân cấp phân quyền kèm theo giám sát chặt chẽ và cập nhật những phương thức quản lý phù hợp với yêu cầu thực tế thì gần như chúng ta đã vô cảm với thực tế. Nước ta có phong tục trong mỗi gia đình cuối năm thường cúng Táo quân về trời để báo cáo Ngọc hoàng những việc của trần gian, nếu Ngọc hoàng cho phép mỗi gia đình cũng tự viết báo cáo để Ngọc hoàng xem mà không qua khâu trung gian thì có lẽ ngài sẽ đem lại nhiều may mắn hơn cho hạ giới. - Về quy hoạch trong tương lai. Con đường quốc lộ 1A dài hơn 2 ngàn km nối dài từ Bắc đến Nam là huyết mạch giao thông chính của nước ta. Con đường này đã hình thành và phát triển trước khi có bộ giao thông vận tải, trong suốt lịch sử của nó đã thúc đẩy sự phát triển của các địa phương mà nó đi qua nhưng bản thân nó lại không được phát triển và quan tâm đúng mức vào thời gian sau này. Vì vậy QL1A đã không đáp ứng được nhu cầu lưu thông của thời hiện tại. Trong quá trình hình thành và phát triển nó cũng để lại một tồn tại rất lớn hiện nay là người dân tập trung sống 2 bên đường quá đông cộng với chiều rộng mặt đường quá hẹp so với lưu lượng xe thông qua. Vì vậy dẫn đến hệ quả là tai nạn nghiêm trọng liên tục xảy ra. Nếu bộ trưởng có dịp vi hành một chuyến bằng xe khách Bắc Nam trước kia thường gọi là xe tốc hành thì khi ngồi trên đó bộ trưởng sẽ thấy sự nguy hiểm như thế nào đối với những chủ thể tham gia giao thông khác, cho dù là bằng xe đạp, xe máy hay ô tô. Chúng ta hay hô hào ý thức, ý thức rồi lại ý thức nhưng thưa bộ trưởng ý thức sống của một cá nhân là cao nhất trong mọi quyết định của họ, người ta sẽ đạp ga nhanh hơn một chút để vượt xe khác để giành một khách đi đường vì cuộc sống bắt họ phải cạnh tranh như vậy, những hành động lẻ tẻ như vậy diễn ra trên 2 ngàn km đường sẽ dẫn đến 1 cái tôi tạm gọi là xác xuất xảy ra tình huống xấu. và thưa Bộ trưởng như Bộ trưởng đã biết tình huống xấu liên tục xảy ra , tiếp diễn và không ngừng gia tăng. Kính thưa Bộ trưởng chúng ta luôn xem gia đình là một tế bào của xã hội, thử tưởng tượng trên cơ thể chúng ta có một chỗ luôn bị rỉ máu thì khó chịu như thế nào, vậy mà chúng ta không có biện pháp quyết liệt nào cho vấn đề này. Chúng ta không thể kéo giảm mật độ giao thông như hiện nay nếu cứ tiếp tục để cho nhiều thành phần giao thông cùng tham gia một cách lộn xộn như thế này, vì dân cư trải dài theo tuyến nên trường học chợ búa, cơ quan hành chính….. có thể cách nhau vài cây số. và ai cũng cần phải đi lại, làm việc, học hành. Nhưng toàn bộ bề rộng ngang đường chỉ vừa hai cái xe khách tránh nhau, và tôi thấy thật tội nghiệp cho các em nhỏ khi đạp xe đi học vì lúc này nhìn các em giống như chú chim sẻ trước con đại bàng bằng sắt là các xe ôtô. chỉ cần một cơn gió nhẹ làm lệch tay lái non nớt của các em là mọi việc xấu nhất có thể xảy đến. Ở đây chúng ta không thể đổ lỗi cho các tài xế, theo tôi tài xế Việt Nam là giỏi nhất thế giới, đường xá thì đèo dốc ngoằn nghèo, nhỏ hẹp, lộn xộn nhưng đa số họ đã đi đến nơi về đến chốn vận chuyển không biết bao nhiêu lượt người và hàng hóa và tình hình giao thông hiện nay gần như luật lệ không hiện hữu thực sự vì nó không có điều kiện tốt để phát huy mà chỉ là kinh nghiệm, sự khéo léo, và tỉnh táo của các bác tài xế. Vậy đây chính là trách nhiệm của một cấp quản lý nào đó đã thiếu tầm nhìn chiến lược và để xảy ra nông nỗi như hiện nay, và đến bây giờ rất khó sửa chữa lỗi lầm này và nếu có sửa chữa thì cũng mất rất nhiều thời gian và vô cùng tốn kém. Nhưng chúng ta không thể không làm vì nếu không làm thì càng ngày càng đẩy người dân rơi vào xác xuất xảy ra tình huống xấu rất cao và tạo ra hoàn cảnh tốt để xuất hiện các xác xuất xấu này. Vì những lý do trên cho phép tôi mạnh dạn đề xuất một ý tưởng nữa là bộ GTVT nên phối hợp với địa phương và các ban nghành nên quy hoạch lại các cụm dân cư tập trung, đoạn đường nào hay xảy ra tai nạn loại này thì ưu tiên làm trước, vận động nhân dân sống tập trung về một nơi ở mới, tất nhiên không để người dân bị cảm thấy thiệt thòi, còn đoạn đường nào dân cư đã quá đông mà nếu mở một con đường mới có giá thành rẻ hơn chúng ta nên làm ngay, và tôi thấy đường tránh cũng đã làm nhiều nhưng chưa đủ. Nói chung các giải pháp đưa ra của tôi còn sơ sài và mang ý tưởng là chính vì không có đủ thông tin và là vấn đề tương đối lớn đối với một cá nhân như tôi. Nhưng tôi mong bộ trưởng sẽ có những hành động thiết thực nhất đem lại một phần tốt đẹp cho dân cho nước và góp phần đưa nghành giao thông của chúng ta lên một tầm cao mới. Thôi thư đã dài tôi xin dừng bút, cám ơn bộ trưởng đã bỏ thời gian xem thư. Một lần nữa xin kính chúc sức khỏe Bộ trưởng.
Kính thư.