WarrenBocPhet

Hội Viên Ưu Tú
  • Số nội dung

    312
  • Tham gia

  • Lần đăng nhập cuối

Everything posted by WarrenBocPhet

  1. Thị trường giảm sâu trong tháng 8 Diễn biến thị trường tháng 7 đúng là không may mắn cho các NĐT tính đến thời điểm ngày 25-7-2012, khi các chỉ số giảm lần lượt 1,3% đối với VN Index và 2,4% đối với HNX Index so với cuối tháng 6. Thị trường tăng điểm trong nửa đầu tháng 7, nhưng càng về cuối tháng các đợt giảm điểm mạnh xuất hiện đã xóa đi toàn bộ thành quả trước đó. Đáy sẽ xuất hiện vào cuối tháng 8 Trong tháng 8, không có nhiều cặp góc chiêm tinh địa tâm ảnh hưởng đáng kể đến xu hướng của VN Index. Xu hướng của thị trường tiếp tục chịu ảnh hưởng của những cặp góc hình thành trong tháng 6 và 7. Như đã nói trong các bài viết “Cẩn trọng bẫy tăng giá trong tháng 6” và “Tháng 7 không may mắn” trên ĐTTC trước đây, một số góc hành tinh theo chiêm tinh tài chính địa tâm cho thấy thị trường đang ở trong xu hướng giảm giá ít nhất đến cuối tháng 8 và sang cả tháng 9. Biểu đồ kỹ thuật theo ngày của VN Index. Cụ thể, Mặt trời hợp góc waning square (270 độ) với Thổ Tinh (Saturn) vào ngày 15-7 thường tạo nên sự giảm giá mạnh cho đến khi 2 hành tinh này chuyển sang góc waning sextile (300 độ). Thời điểm 2 hành tinh tạo góc 300 độ là ngày 17-8. Thế nhưng, vào ngày 20-6, Thủy Tinh (Mercury) tạo góc waning square (270 độ) với Thổ Tinh. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy chỉ số VN Index thường giảm điểm mạnh cho đến khi cặp hành tinh này tạo góc waning sextile (300 độ), như vào ngày 30-8. Do đó, thời điểm cuối tháng 8 mới có thể tìm thấy đáy cho đợt sụt giảm này. Theo góc nhìn nhật tâm, thời điểm quanh ngày 23-8 là khoảng thời gian quan trọng. Nhìn lại thời điểm VN Index đạt đỉnh vào ngày 10-10-2007, vị trí Thổ Tinh theo nhật tâm là 0 độ 21 phút cung Xử Nữ (Virgo), cộng 60 độ để tính chu kỳ 5 năm ta có vị trí 0 độ 21 phút cung Bọ Cạp (Scorpio), tức rơi vào ngày 23-8. Vào ngày 3-9, Kim Tinh lập góc 270 độ (waning square) với Thổ Tinh và tạo nên mẫu hình T-square với Diêm Vương Tinh, Thiên Vương Tinh và Thổ Tinh. Mẫu hình T-square thường gây ra sự đảo chiều đối với CK toàn cầu nên cần phải lưu ý. Do đó, kỳ vọng thời gian từ ngày 23-8 đến 3-9 sẽ xuất hiện một đáy cho VN Index sau giai đoạn giảm mạnh trong tháng 8. Mô hình của chúng tôi có tính bền vững (robustness) khi kết quả backtest sau 30 lần thay đổi vị trí đặt LBC cho thấy hệ số tương quan trung bình là -59.3% cho khoảng thời gian dự báo là 150 bars sau LBC. Tín hiệu phân tích kỹ thuật Chỉ số VN Index đang xuất hiện phân kỳ ẩn giảm giá giữa VN Index và chỉ số RSI. Tức là đỉnh ngày 19-7 thấp hơn khoảng 15 điểm so với đỉnh ngày 18-6, trong khi đó chỉ báo RSI của ngày 19-7 lại cao hơn. Sự phân kỳ này cho tín hiệu giảm giá với mục tiêu giá là 390 điểm (lấy đáy 405 điểm trừ 15 điểm). Mẫu hình cá mập tăng giá. Chỉ báo ADX/DMI cho tín hiệu bán khi –DMI cắt lên +DMI; chỉ báo Stochastic Oscillator cho tín hiệu bán. Ngoài ra, chỉ báo Parabolic Sar chỉ cần thêm một phiên giảm điểm sẽ cho tín hiệu bán đối với VN Index. Trên thực tế, chỉ báo này đã cho tín hiệu bán đối với HNX Index.Trong tầm nhìn xu hướng dài hạn cho đến cuối năm, khi theo dõi sự hình thành của mẫu hình cá mập tăng giá (bullish shark pattern), hiện nay mẫu hình này chưa hoàn tất nhưng diễn biến của VN Index và HNX Index từ đầu năm tới nay đang gợi ý khả năng hình thành mẫu hình này trong dài hạn. Cụ thể, đoạn AB (biểu đồ) gấp 1,618 lần đoạn XA và hiện nay đang sụt giảm. Đối với mẫu hình cá mập tăng giá, mức giảm tối thiểu phải là 88.6% đợt tăng giá OA, tức 353 điểm và tối đa 1,13 lần OA, tức 315 điểm. Điều này cũng phù hợp với tính toán về chu kỳ 4 năm 2009-2012. Đáy của chu kỳ 4 năm thường thấp hơn đáy của các chu kỳ con trước đó, tức phá đáy ngày 9-1-2012. Mọi chuyện đều có thể xảy ra khi các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế vẫn chưa được thực hiện quyết liệt. LÊ ĐẠT CHÍ - TRƯƠNG MINH HUY
  2. Nhà đầu tư nhỏ ra đi vì chứng khoán thất thường Diễn biến trên thị trường chứng khoán đang rất phức tạp, hoạt động đầu tư càng lúc càng khắc nghiệt trước sự trồi sụt lên xuống thất thường của hầu hết các mã cổ phiếu tốt, xấu trên sàn. Trồi sụt thất thường Quan sát diễn biến thị trường trong thời gian gần đây, sau đợt điều chỉnh kéo dài, thị trường đã xác lập đáy trên cả hai sàn niêm yết với VN-Index tại mốc 405,39 điểm và HNX-Index 67,87 điểm tại phiên 10/7. Theo đánh giá của các chuyên gia đà hồi phục ngắn hạn đã xuất hiện, cùng với đó sức mua trên thị trường đã được cải thiện đáng kể. Tâm lý hưng phấn theo đó cũng quay trở lại, hoạt động đầu tư gia tăng mạnh mẽ và các phiên giao dịch trong tuần từ 16/7 đến 20/7 đã có sự chuyển động lớn và mang đến sự kỳ cho giới đầu tư. Kết quả giao dịch trên thị trường trong tuần tăng trưởng tích cực thể hiện qua cả khối lượng và giá trị giao so với tuần trước. Đắc biệt, hai phiên giao dịch cuối tuần (19/7 và 20/7) đã tạo ra điểm nhấn của dòng tiền, điều mà các nhà đầu tư đang chờ đợi. Cụ thể phiên 19/7, cả hai chỉ số VN-Index, HNX-Index cùng tăng nhẹ vào đợt buổi sáng, nhưng sau đó đã có sự bứt phá vào đợt buổi chiều. VN-Index tăng tới 9,6 điểm lên 428,4 điểm với 224 mã tăng, trong số đó gần một nửa tăng giá trần. Chỉ số HNX-Index tăng 1,9 điểm và đóng cửa tại ngưỡng 72,9 điểm với số mã tăng gấp sáu lần số mã giảm, trong đó 103 mã tăng trần. Thanh khoản trên cả hai sàn niêm yết gia tăng ấn tượng, tổng khối lượng giao dịch trong phiên đạt 154,3 triệu cổ phiếu giao dịch. Thống kê từ Công ty Chứng khoán Bản Việt, đây là mức thanh khoản lần đầu vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng (kể từ ngày 24/06, đạt 1.257 tỷ đồng với 84,9 triệu cổ phiếu giao dịch) tại sàn HoSE. Trên sàn HNX, thanh khoản đạt 69,4 triệu cổ phiếu giao dịch trị giá 635,5 tỷ đồng, cũng là mức cao nhất kể từ ngày 12/06. Phiên giao dịch cuối tuần 20/7, mặc dù thị trường xuất hiện sự điều chỉnh trước áp lực chốt lời, VN-Index đóng cửa tại mức 424,47, giảm 3,91 điểm, HNX-Index sau khi kiểm tra ngưỡng 73,65 đã rơi về mức 72,19, giảm 0,74 điểm, song thanh khoản vẫn giữ ở mức cao. Giao dịch trên sàn HoSE đạt 73 triệu cổ phiếu giao dịch trị giá 1.058 tỷ đồng, tại HNX là 63,9 triệu cổ phiếu với giao dịch trị giá 606,5 tỷ đồng. Theo mô hình kỹ thuật, giới chuyên gia đánh giá thị trường vẫn trong chu kỳ tăng và sự điều chỉnh trên là cần thiết đối với thị trường, sau khi VN-Index và HNX-Index đã tăng lần lượt 7% và 9% tính từ đáy ngày 10/07. Tuy nhiên sang đến đầu tuần này, hai phiên 23/7 và 24/7 hoạt động bán tháo đã lan rộng, tâm lý tiêu cực bao trùm khắp thị trường , VN-Index trở lại ngưỡng 415,63 điểm và HNX-Index xuống mức 69,84 điểm (ngày 24/7). Niềm tin bị bào mòn Ông Nguyễn Tuấn Anh, một nhà đầu tư kỳ cựu tại Hà Nội ngao ngán cho biết, diễn biến thị trường quá thất thường và bất ngờ, khiến nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường đã không kịp trở tay. Tồn tại được trên thị trường như hiện nay quả là bài toán hóc búa. Chúng tôi cứ mua chứng khoán vào là thua lỗ, kể cả là bắt đáy hay mua đuổi bán đuổi. Hồi đầu năm 2012, thị trường có đợt tăng trưởng nóng, nhưng nếu nhà đầu tư nào tiếp tục bám sàn cho tới nay thì khó mà giữ được thành quả thậm chí không ít người tiếp tục lại bị thâm vào vốn. Không ít nhà đầu tư trong nhóm chúng tôi đã phải rời bỏ thị trường sau đợt điều chỉnh này,” ông Tuấn Anh nói. Thêm vào đó, ông Nguyễn Hải Long, một nhà đầu tư khác tại Hà Nội cũng cho hay, nếu như tuần trước thông tin kết quả doanh số tại một số mã blue-chip làm ăn có lãi như một động lực hỗ trợ tinh thần cho thị trường, thì đầu tuần này các con số lỗ khủng lại bắt đầu xuất hiện. Đơn cử, trên sàn Hà Nội, mã cổ phiếu PVX luôn dẫn đầu về thanh khoản vừa công bố con số lỗ tới 293 tỷ đồng trong sáu tháng đầu năm đã tác động đến mạnh đến tâm lý các nhà đầu tư tại đây. Ông Long cho biết, hoạt động động đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân hiện nay chủ yếu dừng lại ở dòng vốn thực và giờ đây nó cũng đang yếu đi, nên mặc dù nhiều mã cổ phiếu đã về mức giá rất rẻ song vẫn chưa đủ niềm tin để mua vào. Sự kỳ vọng từ các thông tin vĩ mô như lãi suất và chỉ số CPI giảm đã không được thẩm thấu vào thị trường mà thay vào đó sự thận trọng vẫn là hàng đầu. Diễn biến thị trường quá phức tạp, niềm tin đã bị bào mòn bởi những thử thách khắc nghiệt. Tôi có cảm giác thị trường chứng khoán giờ đây không còn dành cơ hội cho nhà đầu tư nhỏ lẻ mà chỉ phù hợp với những nhà đầu tư trường vốn và có những mục tiêu sâu xa, mới đủ bản lĩnh để tiếp tục tham gia vào thị trường,” ông Long nói. Theo ông Vũ Thanh Tú, Quyền giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty chứng khoán Bản Việt, tuần này thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh do chốt phiên Thứ Sáu tuần trước vẫn còn một lượng cung lớn. Dự báo thị trường chứng khoán khả năng tiếp tục yếu đi trong vài ngày tiếp theo. Theo Linh Chi - Vietnam+
  3. Chứng khoán toàn cầu: Tiếp tục làn sóng bán tháo do khủng hoảng eurozone (Gafin) - Hy Lạp, Tây Ban Nha trở lại tâm điểm khủng hoảng khu vực đồng euro khiến nhà đầu tư tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro, đặc biệt là chứng khoán. Phiên giao dịch ngày 23/7, chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ 2 liên tiếp cùng đà giảm của thị trường toàn cầu trước thềm cuộc họp của Ủy ban châu Âu, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tại thủ đô Athens, Hy Lạp để quyết định “số phận” nước này. Nếu Hy Lạp bị cắt cứu trợ, nước này có thể vỡ nợ vào tháng 9 tới. Chứng khoán châu Âu chốt phiên giảm hơn 2%. Chỉ số FTSE Eurofirst 300 bao gồm các cổ phiếu hàng đầu châu Âu giảm 2,4%. Chỉ số MSCI các thị trường mới nổi giảm 2,7%, trong khi chỉ số MSCI toàn cầu giảm 1,6% sau khi giảm hơn 2% trước đó. Chứng khoán châu Á mở phiên ngày 24/7 với hầu hết cổ phiếu giảm. Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương giảm 0,1% xuống thấp nhất kể từ đầu tháng. Nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu chính phủ khi kinh tế Tây Ban Nha suy thoái sâu hơn và khả năng Hy Lạp rời eurozone là rất lớn. Nhiều khu vực của Tây Ban Nha có thể sẽ đệ đơn xin cứu trợ tài chính từ chính phủ trong thời gian tới. Điều này làm dấy lên lo ngại Tây Ban Nha sẽ cần đến gói cứu trợ quốc tế mới. Euro giảm còn 1,2067 USD/EUR, thấp nhất kể từ tháng 6/2010 và phục hồi lại mức 1,2131 USD/EUR sau đó. So với yên Nhật, euro xuống thấp nhất 12 năm, giao dịch ở 94,22 yên đổi 1 euro. Trên thị trường hàng hóa, giá dầu thô giảm 4%, giảm mạnh nhất kể từ đầu năm. Trên sàn New York, dầu thô giao tháng 9 giảm 3,69 USD xuống còn 88,14 USD/thùng, giảm mạnh nhất kể từ ngày 14/12/2011. Kể từ đầu năm đến nay, giá dầu giảm tổng cộng 11%. Trên sàn London, giá dầu Brent giao tháng 9 giảm 3,57 USD xuống còn 103,26 USD/thùng. Giá vàng giao ngay giảm 6,69 USD xuống 1.576 USD/oz. Giá vàng giao tháng 8 trên sàn COMEX giảm 5,4 USD xuống 1.577,4 USD/oz. Lợi suất trái phiếu Mỹ thấp kỷ lục kể từ đầu những năm 1800 trong khi lợi suất trái phiếu các kỳ hạn 5 và 10 năm của Đức cũng tiếp tục xuống thấp kỷ lục. Nguồn Reuters/VOV ========================================================= Chứng khoán chờ thời "Chứng khoán là niềm tin. Hiện tại chưa thể biết chính xác khi nào kinh tế phục hồi, thì làm sao biết bao lâu nữa niềm tin quay trở lại. Do đó, chứng khoán đang ở giai đoạn chờ thời" - ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT SSI chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn gần đây. TBKTSG: Gần đây người ta thường xuyên bắt gặp giới nhân sự cấp cao chứng khoán trên sân golf. Không lẽ các công ty chứng khoán giờ ít việc đến thế? Hay họ bị áp lực công việc đến mức phải tìm nơi xả stress? Ông Nguyễn Duy Hưng: Đúng là chứng khoán đang rỗi việc. Chúng tôi thường trao đổi với nhau giờ hãy kiểm soát rủi ro tốt nhất, an toàn nhất và chờ thời. Lúc này những yếu tố như khách hàng, thị phần đều không ổn định. Khi nhà đầu tư không quan tâm đến chứng khoán, thì có làm gì, nỗ lực đến mấy cũng ít tác dụng. TBKTSG: Vậy những công ty có chức năng tự doanh như SSI làm gì để có lợi nhuận? Các ông "thi đua" cùng người dân gửi tiết kiệm ngân hàng lấy lãi "ăn" dần sao? - SSI là tổ chức đầu tư, tất nhiên phải chú trọng đến lợi nhuận và sự an toàn. Để có lợi nhuận ổn định, thông thường người ta đầu tư vào các ngành cơ bản, ít phụ thuộc, ít chịu tác động của khủng hoảng kinh tế, nhờ thế kiểm soát được rủi ro. Hiện nay định hướng của Nhà nước là thúc đẩy nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, hàng tiêu dùng, chế biến.... Đây là hướng đi đúng và SSI đầu tư vào những lĩnh vực này. TBKTSG: Nhưng ông cũng thấy là giá nông sản, các hàng hóa cơ bản biến động mạnh. Sự giảm giá của gạo, cà phê, cao su, thủy sản... đang là thử thách lớn với không ít doanh nghiệp xuất khẩu? Giá nông sản trên thế giới và cả ở Việt Nam đang giảm, tuy nhiên sức tiêu thụ vẫn có. Nói cách khác, người ta vẫn phải ăn cơm, thịt cá, uống cà phê, chè, uống sữa.... Đấy là những hàng hóa thiết yếu. Trước đây năm năm người ta thay một chiếc xe mới, nay có thể cùng chiếc xe đó họ xài tới 10 năm. Thậm chí thay cho xe hơi, người ta đi xe đạp, xe buýt. Nhưng ai cũng cần gạo, bánh mì, cà phê cho cuộc sống hàng ngày. TBKTSG: Nhưng ông nghĩ sao khi giá cá tra, ba sa trong nước đang rớt; chế biến, xuất khẩu thủy sản đang vướng mắc vì thị trường bên ngoài không thuận lợi, lợi nhuận doanh nghiệp bị ảnh hưởng? Đầu tư vào những ngành ấy đâu có an toàn? - Ở đâu cũng có rủi ro. Vấn đề là chọn lĩnh vực nào ít rủi ro hơn và có tương lai cả trong ngắn hạn lẫn trung hạn, dài hạn. Có thể tương lai ngắn hạn khó khăn, nhưng về cơ bản là thuận lợi. SSI đã đầu tư 50% vốn chủ sở hữu vào các doanh nghiệp thủy sản, nông nghiệp. Thời gian qua những ngành này nói chung ổn định hơn rất nhiều so với một số lĩnh vực khác. TBKTSG: Ở trên ông nói chứng khoán đang chờ thời, nhưng SSI vẫn đang giải ngân. Thưa ông, hình như có hành động ngược ở đây thì phải? - Chứng khoán vừa qua trồi sụt thất thường và tôi nghĩ nó cũng chưa thể ổn định ngay được. Cho đến khi nào người ta còn tranh luận liệu kinh tế đã hết khủng hoảng, hoặc đã đến đáy, hoặc có khủng hoảng kép, thì chưa có cơ sở để đoán định chứng khoán sẽ đi đến đâu một cách rõ ràng. TBKTSG: Nếu thế SSI nên chờ đợi một thời điểm thích hợp hơn để đầu tư chứ? - Kinh doanh phải có kế hoạch và phải tích lũy, đánh giá cả một quá trình. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, không phải mọi thứ đều tuyệt đối xấu. Trong khi tranh cãi về đường đi nước bước của kinh tế, người ta có thể tìm ra cái tốt. Tất nhiên ở đây có vai trò của ý kiến chủ quan và ý kiến đó có thể đúng, có thể sai. Mục tiêu của SSI là tìm kiếm lợi nhuận cho cổ đông và nếu phán đoán chủ quan sai thì phải chịu. TBKTSG: Cho đến nay phán đoán của các ông ra sao? - Đến giờ chưa sai. Chúng tôi vẫn đạt tiến độ lợi nhuận như kế hoạch. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế nửa đầu năm của SSI là 260 tỉ đồng, so với chỉ tiêu cả năm 480 tỉ đồng, tôi cho là khả quan. TBKTSG: Năm nay dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài biến động phức tạp. SSI có nhiều khách hàng tổ chức nước ngoài, ông có thường xuyên trao đổi với họ và ông nhìn nhận dòng vốn ngoại như thế nào? - Không có nhà đầu tư nước ngoài nào vào một quốc gia nào mà không vì mục tiêu lợi nhuận. Và họ giải ngân vào đâu, thông thường là qua nhìn nhận đánh giá của các hãng xếp hạng định mức tín nhiệm quốc tế. Trước đây giá tài sản ở Mỹ, Châu Âu quá cao, nên các nhà đầu tư có xu hướng mua tài sản mà họ cho là còn rẻ , còn có khả năng tăng giá ở các thị trường mới nổi. Nay họ nhận thấy ngay ở châu Âu, ở Mỹ có nhiều lựa chọn (khủng hoảng kinh tế làm giá tài sản xuống thấp), nên phải tính toán bỏ tiền vào đâu cho lợi nhất. Cơ hội thu hút dòng vốn ở thị trường mới nổi, vì thế đang bị san sẻ. TBKTSG: Chứng khoán Việt Nam có nằm trong xu hướng đó không, thưa ông? - Có chứ. Chứng khoán Việt Nam đã giảm sâu trong thời gian dài. Để phục hồi, thị trường cần dòng tiền mới, thì phải cạnh tranh. Các quỹ nước ngoài là người đi huy động vốn bên ngoài, phải có câu chuyện cho họ kể, nó là cơ sở để họ thuyết phục nhà đầu tư Chúng ta phải nhìn vào thực tế là độ hấp dẫn của Việt Nam có đủ sức cạnh tranh với những thị trường cùng thứ bậc không. Không phải các quỹ, mà chính các nhà đầu tư quyết định. Tôi chưa nhìn thấy dấu hiệu dòng vốn ngoại sẽ tăng lên trong sáu tháng tới. TBKTSG: Còn các quỹ nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam - Họ thuộc dòng tiền cũ. Dòng tiền này có thể pha trộn nếu các quỹ huy động được vốn mới. Tuy nhiên lâu nay chưa có quỹ nào gọi được vốn mới cả. Các quỹ cũ phải đối mặt với chuyện thanh lý hay gia hạn hợp đồng. Với những quỹ mà tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam nhỏ, họ có thể thuyết phục nhà đầu tư gia hạn. Còn những quỹ lâu năm, đã đến hạn đóng, việc gia hạn có thể khó khăn. Theo TBKTSG
  4. Rủi ro đổ vỡ trên thị trường chứng khoán toàn cầu tăng mạnh qua 2 thập kỷ (Gafin) - Nghiên cứu cho thấy nguy cơ xảy ra một vụ đổ vỡ trên thị trường chứng khoán đã tăng gấp 15 lần trong 2 thập kỷ qua. Nghiên cứu của Thijs Markwat, nhà nghiên cứu định lượng Hà Lan tại Robeco Asset Management công bố trong tháng 6 cho thấy tần suất xảy ra một vụ đổ vỡ trên thị trường chứng khoán trong năm 1992 là 0,1%/tuần trong khi đó vào năm 2010 đã tăng lên 1,5%/tuần. Điều này có nghĩa là trung bình cứ 2 năm lại xảy ra một vụ đổ vỡ trên thị trường chứng khoán toàn cầu. Nhà nghiên cứu Markwat đã định nghĩa một cuộc khủng hoảng toàn cầu giống như một tuần mà trong đó 4 thị trường chứng khoán chính bao gồm châu Âu, Mỹ, châu Á và châu Mỹ Latinh đều sụt giảm 5% trở lên - tương đương mức sụt giảm tối thiểu 5,9% của chứng khoán toàn cầu trong 1 tuần. Tất cả nhà đầu tư đều có thể nhận ra được mức độ rủi ro của việc đầu tư vào cổ phiếu cao hơn nhiều so với 20 năm trước đây. Điều này là minh chứng rõ ràng cho xu hướng dễ "bốc hơi" và mối tương quan chặt chẽ giữa các loại cổ phiếu trên thế giới, Markwat cho biết. Khi nhận ra sự biến động và mối tương quan chặt chẽ của thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư sẽ yêu cầu bảo hiểm rủi ro cao hơn hay nói cách khác, xu hướng coi chứng khoán toàn cầu là một loại tài sản để đầu tư cũng sẽ giảm. Cùng với xu thế toàn cầu hóa và xu hướng hội nhập, mức độ tương quan giữa các chỉ số trên thị trường chứng khoán cũng ngày càng chặt chẽ hơn. Mối tương quan giữa chỉ số chứng khoán của thị trường Mỹ và thị trường châu Âu đã tăng từ 0,51 vào năm 1992 lên 0,83 vào năm 2010. Tương quan giữa chỉ số chứng khoán của Mỹ và châu Á cũng tăng từ 0,41 lên 0,64 trong giai đoạn 1992-2010. Thị trường chứng khoán của bất kỳ quốc gia nào cũng đi theo chu kỳ "bùng nổ và suy thoái", với những thời kỳ tăng trưởng phi thường rồi đến những vụ đổ vỡ không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, điều đáng nói là mặt trái của xu hướng toàn cầu hóa đã khiến sự đổ vỡ trên thị trường chứng khoán xảy ra theo phản ứng dây chuyền - minh chứng rõ ràng nhất cho mối tương quan giữa các chỉ số chứng khoán ngày càng chặt chẽ. Một trong những ví dụ điển hình nhất cho chu kỳ "bùng nổ và suy thoái" là vụ sụp đổ của phố Wall năm 1929 - sự kiện mở đầu cho thời kỳ Đại suy thoái. Những năm cuối thập niên 20 của thế kỷ XIX, chứng khoán Mỹ trải qua chuỗi tăng trưởng phi thường. Tuy nhiên, bong bóng đầu cơ nổ tung vào hai phiên cuối tháng 10/1929. Diễn biến chỉ số Dow Jones từ năm 1928 - 1934 Gần 13 triệu cổ phiếu ‒ nhiều gấp ba lần số lượng giao dịch thông thường ‒ bị các nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo trên thị trường chứng khoán New York. Ngày thứ 3 đen tối (29/10/1929) đến với phố Wall khi Dow Jones sụt giảm từ mức cao kỷ lục 381 vào ngày 3/9/1929 xuống còn 230 và đạt điểm đáy ngày 8/7/1932 khi đóng cửa ở mức 41,2 - giảm gần 90% so với mức đỉnh nó từng đạt được ba năm trước.Cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chính bắt đầu ở Mỹ đã nhanh chóng lan rộng ra toàn châu Âu và các nước phát triển khác, kéo theo suy thoái kinh tế trầm trọng trên phạm vi toàn cầu. Riêng tại Mỹ, sản xuất công nghiệp giảm 45%, GDP giảm 30%, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 25% và 60% người Mỹ sống dưới ngưỡng nghèo khổ. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong giai đoạn 1929-1940 Gần 70 năm sau kể từ Đại khủng hoảng năm 1929, lịch sử lại lặp lại với Khủng hoảng tài chính châu Á bắt đầu vào tháng 7/1997 ở Thái Lan. Chỉ số thị trường chứng khoán Thái Lan đã tụt từ mức 1.280 cuối năm 1995 xuống còn 372 cuối năm 1997. Khủng hoảng tài chính năm 1997 bắt nguồn từ Thái Lan Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 bắt nguồn từ Đông Á, nhưng ảnh hưởng của nó lại lan truyền toàn cầu và gây nên sự khủng hoảng tài chính trên toàn cầu, với những tác động lớn lan rộng đến cả các nước như Nga, Brazil và Mỹ. Dưới ảnh hưởng của khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp bị phá sản, dẫn đến hàng triệu người bị đẩy xuống dưới ngưỡng nghèo trong các năm 1997-1998. Trong đó, 3 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan. Năm 2008, thị trường tài chính thế giới lại rơi vào suy thoái, sau sự sụp đổ của một loạt định chế tài chính, bắt đầu từ định chế tài chính 158 năm tuổi Lehman Brothers của Mỹ. Vào tháng 10/2008, chỉ số công nghiệp Dow Jones có mức sụt giảm mạnh nhất trong lịch sử - trong vòng 8 ngày, chỉ số này mất tới 2.400 điểm, tương ứng 22% và rơi xuống mức 8.451 điểm. Gần 2 năm, từ khi Dow Jones đạt được mức đỉnh vào tháng 10/2007 đến khi chạm đáy vào tháng 3/2009 ước tính tổng thiệt hại của thị trường chứng khoán là hơn 11 nghìn tỷ USD. khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009 Cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ cũng nhanh chóng lây lan san các nước khác và gây ra suy thoái trên toàn thế giới. Các thị trường chứng khoán lớn của thế giới ở New York, London, Paris, Frankfurt, Tokyo đều có thời điểm sụt giá lớn nhất trong lịch sử. Như vậy, có thể nhận thấy sự tương quan chặt chẽ giữa các chỉ số chứng khoán khiến các vụ đổ vỡ thị trường chứng khoán xảy ra theo phản ứng dây chuyền. Những khoản nợ dưới chuẩn chỉ vào khoảng 34 tỉ USD trên thị trường địa ốc của Mỹ cũng có thể gây chao đảo cho thị trường tài chính toàn cầu với tổng trị giá gần 60.000 tỉ USD. Xu hướng tương quan chặt chẽ trong thị trường chứng khoán ngày càng tăng rất có thể sẽ tiếp tục tạo ra sự đổ vỡ hàng loạt trên thị trường chứng khoán toàn cầu. Ngược lại, những cú sốc lớn, như cuộc khủng hoảng châu Á hay khủng hoảng khu vực đồng euro cũng có thể khiến các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu và gây tác động lớn đến mối tương quan này. Tuy nhiên, những nhà đầu tư lạc quan có thể sẽ nhận ra rằng thị trường chứng khoán toàn cầu cuối cùng sẽ vượt qua đổ vỡ và hồi phục theo chu kỳ "hưng thịnh - suy thoái". Khi đó, chứng khoán sẽ tiếp tục trở thành tài sản tuyệt vời cho các nhà đầu tư. Hệ số tương quan là đại lượng đo mức độ cùng biến động giữa hai chỉ số chứng khoán. Nó phản ánh mức độ mạnh hay yếu trong mối liên hệ giữa hai thị trường. Giá trị của hệ số này thay đổi từ 1 đến -1, thể hiện hai xu hướng là cùng chiều hay ngược chiều. Khi càng gần các giới hạn này thì sự tương quan càng mạnh. Nguồn VOV/Reuters
  5. Nouriel Roubini: Fed sẽ không thể giải cứu kinh tế Mỹ Roubini đã đưa ra các lý do tại sao xu hướng đầu cơ giá lên là một nhận định hoàn toàn sai lầm và “cơn cảm cúm” của kinh tế Mỹ sẽ khiến cả thế giới bị “viêm phổi". ”Sự hồi phục mạnh mẽ là điều không thể xảy ra đối với nước Mỹ, tăng trưởng sẽ ở mức thấp trong nhiều năm nữa. Đây là dự báo vừa được đưa ra bởi Nouriel Roubini, chuyên gia kinh tế nổi tiếng với các nhận định bi quan. Theo ông, rất nhiều người đang nhắc đi nhắc lại “câu chuyện cổ tích” về sức mạnh kỳ diệu của các yếu tố như giá dầu giảm, doanh số xe hơi bán ra tăng lên, thị trường nhà đất phục hồi và sản xuất của Mỹ tăng trưởng trở lại. Tất cả các yếu tố này sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2013. Trái ngược với những dự đoán này, Roubini tin rằng kinh tế Mỹ thậm chí sẽ suy giảm sâu hơn trong năm nay do những lo ngại về “vách đá tài khóa” khiến tiêu dùng và tăng trưởng chậm lại. Những hoài nghi về kết quả cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới cũng bao phủ thị trường. Theo Roubini, vách đá tài khóa sẽ làm mất đi 4,5% tăng trưởng trong năm 2013 của Mỹ nếu như tất cả các biện pháp cắt giảm thuế hết hạn. “Tất nhiên, kinh tế sẽ suy giảm ở mức độ nhẹ hơn khi việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu chỉ ở mức nhẹ. Dẫu vậy, kể cả khi vách đá tài khóa chỉ làm giảm đi 0,5% tăng trưởng và kinh tế thực sự tăng trưởng 1,5%, chắc chắn kinh tế vẫn chỉ tăng trưởng ở mức 1%”, Roubini nhận xét. Cũng theo ông, tiêu dùng – nhân tố đóng vai trò chủ chốt đối với kinh tế Mỹ nói riêng cũng như kinh tế toàn cầu nói chung – sẽ không thể góp phần thúc đẩy chi tiêu. Khi vách đá tài khóa xảy ra, thu nhập khả dụng sụt giảm và tăng trưởng tiêu dùng tất nhiên sẽ giảm theo. Lúc đó, nước Mỹ không chỉ phải gánh chịu những hậu quả trực tiếp về tài khóa mà còn phải chịu những hậu quả gián tiếp đối với chi tiêu của khu vực tư nhân. Chắc chắn kinh tế Mỹ sẽ phải chịu đựng những ảnh hưởng tiêu cực từ các vấn đề ở eurozone, suy giảm ở Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi, giá dầu tăng cao hơn do căng thẳng từ chương trình hạt nhân của Iran. Roubini cũng cảnh báo lần này chắc chắn Fed sẽ không thể giải cứu nổi nền kinh tế. Theo ông, Fed sẽ tiếp tục thực hiện chương trình nới lỏng định lượng (QE). Tuy nhiên, các gói QE cũng không có tác dụng: lãi suất dài hạn đã ở mức quá thấp và do đó hạ lãi suất không thể thúc đẩy chi tiêu. Minh Anh Theo TTVN/CNBC
  6. Tan tành chứng khoán! Èo uột vì thiếu sự quan tâm của tất cả các đối tượng tham gia thị trường, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang ở mức tệ hại nhất trong lịch sử. Đến nay, có 364/702 mã chứng khoán đang giao dịch với giá dưới mệnh giá (10.000 đồng) Trước đây, nói đến chứng khoán, nhiều người xem đó là kênh đầu tư sang trọng, dễ kiếm tiền. Nhưng giờ đây, chứng khoán được ví như một sòng bạc. Từ tán gia, bại sản… Nhắc đến bà Y., 68 tuổi, nhà ở quận 3 - TPHCM, nhiều người từng đến sàn chứng khoán ACB vẫn còn nhớ. Bà từng được xem là một người thức thời. Đã về hưu nhưng ngày ngày, bà Y. vẫn lên sàn chứng khoán. Từ vài trăm triệu đồng để dành cộng với cả tỉ đồng của người con định cư ở Mỹ gửi về, bà dồn hết vào cổ phiếu. Nhưng giá cổ phiếu 2-3 năm qua cứ rơi rụng dần, bán thì tiếc, bà Y. nản, không thèm để ý đến nữa. “Bây giờ bán ra chắc được chừng 200 triệu đồng là cùng” - bà Y. ngán ngẩm. Cùng làm trong ngành chứng khoán nên vợ chồng anh Đ. (ở trọ trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh - TPHCM) tự tin bỏ hết số tiền dành dụm được vào cổ phiếu. Những năm 2006-2007, ai chơi chứng khoán cũng lời, lại là dân trong nghề nên anh Đ. trúng đậm. Từ 50 triệu đồng ban đầu, có khi vốn của anh lên gần 2 tỉ đồng. “Thấy ngon ăn, vợ chồng tôi dốc hết vào chứng khoán. Đến khi thị trường xuống, bán lỗ thì xót nên tụi tôi quyết định đem căn nhà của mình ở quận Gò Vấp thế chấp vay ngân hàng để mua thêm cổ phiếu, hy vọng cổ phiếu tăng giá sẽ gỡ lại vốn. Không ngờ, thị trường trượt dài”… Bị ngân hàng xiết nhà, cổ phiếu bán ra không đủ trả nợ cho người thân, anh Đ. buồn bã vào chùa ở cho tịnh tâm, mãi một năm sau mới trở lại làm việc, kiếm tiền nuôi vợ con. Anh quên hẳn chứng khoán từ đó. Anh T., một thời được giới chứng khoán xem là người “nói ra tiền”, bởi chỉ cần một cú điện thoại tư vấn chọn mua cổ phiếu của anh là y như rằng vài tuần sau, giá trị đầu tư tăng lên vài chục phần trăm. Bản thân anh, từ một nhân viên tư vấn tài chính bình thường với số vốn chỉ vài trăm triệu đồng, vậy mà có lúc tài sản lên hơn 200 tỉ đồng. “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có tiền nhiều như thế nhưng rồi vì ham lợi, chủ quan, tôi đã vay tiền, dùng đòn bẩy tài chính và mất tất cả. Giấc mơ sẽ không bao giờ trở thành hiện thực”. Từng có nhà cửa bề thế, vàng phải đựng bằng vali mới hết, giờ anh T. đã về quê “ở ẩn”. … Đến tù tội Huỳnh Thị Huyền Như, người phụ nữ từng làm giới đầu tư chứng khoán chao đảo, là hình mẫu của cạm bẫy trên sàn chứng khoán. Dựa vào uy tín cá nhân của mình đối với không ít nhà đầu tư, Như dần chuyển sang công việc của người chuyên đảo nợ ngân hàng. Hậu quả là nhiều nhà đầu tư chứng khoán và không ít ngân hàng, doanh nghiệp bị Như lừa đảo, tổng số tiền lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Hiện Như chờ ngày ra trước vành móng ngựa. Chắc chắn bị can này không đủ khả năng khắc phục hậu quả. Chén đắng ấy các nhà đầu tư, ngân hàng và doanh nghiệp buộc phải uống! Đầu tháng 4 vừa qua, Cơ quan Điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược Viễn Đông, về hành vi “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” trong khi ông đang thi hành bản án 4 năm tù vì can tội “thao túng giá chứng khoán”. Trước đó, ông Dũng đã ra tay thao túng giá cổ phiếu DHT của Công ty CP Dược Hà Tây khiến nhiều nhà đầu tư thiệt hại vì cổ phiếu này lên, xuống thất thường. Tương tự, trước đây có lẽ chẳng bao giờ ông Hoàng Xuân Quyến, nguyên tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Liên Việt (LVS), nghĩ rằng có ngày mình sẽ bị vướng vào vòng lao lý. Vì đồng ý cho thế chấp cổ phiếu OTC vào công ty, ông Quyến đã gây thiệt hại cho LVS 40 tỉ đồng. Nếu lường được việc giá cổ phiếu sụt giảm, chắc chắn ông Quyến đã không dám liều. Về những trường hợp như vậy, tổng giám đốc một công ty chứng khoán tại TPHCM bộc bạch: “Đôi khi phóng lao phải theo lao. Làm nghề chứng khoán này đau đầu lắm, lúc nào cũng thấy cạm bẫy rình rập mình”. Ai cũng nản lòng Đến nay, tại 2 sàn chứng khoán Hà Nội và TPHCM, có 702 mã chứng khoán đang giao dịch, trong đó 364 mã có giá dưới mệnh giá (10.000 đồng). Đặc biệt, có cổ phiếu có giá chỉ 900 đồng. Tuy nhiên, sự lo lắng của nhà đầu tư giờ đây không chỉ là giá cổ phiếu có giảm nữa hay không mà còn là nên chọn công ty chứng khoán nào để mở tài khoản. Chị Thảo, một giáo viên ở quận 8 - TPHCM, có vài chục triệu đồng để dành gửi vào tài khoản của Công ty Chứng khoán SME, định tập tành chơi chứng khoán. Bẵng đi một thời gian, gần đây hỏi lại thì chị mới biết công ty này đã sập tiệm, tiền của chị coi như mất trắng. Song song đó, nhiều nhân viên môi giới chứng khoán cũng lặn không sủi tăm! Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán SJC (SJCS) Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ: “Những năm trước, nhân viên môi giới luôn tỏ ra hào hứng với thị trường, lúc nào tiền cũng rủng rỉnh vì thu nhập cao thì giờ đây, họ ỉu xìu. Nhiều người đã chuyển nghề và thề sẽ không bao giờ quay lại chứng khoán”. Không ít nhân viên môi giới đã bị kiện, “chạy mất dép” vì bị nhà đầu tư nguyền rủa do đã khiến họ thua lỗ. “Có ai muốn nhà đầu tư của mình lỗ nhưng làm sao mà biết trước được thị trường” - một nhân viên môi giới nặng nề tỏ bày. Theo một chuyên gia tài chính, thời gian vừa qua, những vụ vi phạm trên thị trường chứng khoán diễn ra thường xuyên, đặc biệt là về công bố thông tin của các doanh nghiệp niêm yết. Nổi cộm gần đây là vụ cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã mua bán làm thay đổi tỉ lệ cổ phiếu này mà không công khai, thậm chí vi phạm liên tục mà chỉ phạt vài chục triệu đồng. Hay thông tin báo cáo không trung thực, nhập nhằng lãi lỗ hoặc không sòng phẳng trong chi trả cổ tức cũng đã diễn ra khá phổ biến khiến nhà đầu tư nản lòng. Khi chính những doanh nghiệp niêm yết không tôn trọng nhà đầu tư và cổ đông của mình mà chỉ xem họ là “con mồi” để trục lợi thì làm sao thị trường chứng khoán Việt Nam có thể phát triển! Theo Phạm Đình - Người Lao động
  7. Chứng khoán Việt nam dưới góc nhìn chiêm tinh học. ========================================= Khó kỳ vọng con sóng tăng kéo dài Tín hiệu phân tích kỹ thuật Phiên tăng điểm mạnh cuối tuần qua tạo nên một số tín hiệu tích cực trên biểu đồ ngày của chỉ số VN-Index. Thứ nhất, chỉ báo stochastic Oscillator cho tín hiệu mua. Thứ hai, MACD Histogram có phân kỳ tăng giá với đường giá. Thứ ba, diễn biến giá trong 5 cây nến gần nhất tạo nên mẫu hình nến Nhật Bản gọi là “Tower Bottom Candlestick”. Đây là mẫu hình nến cho tín hiệu tăng giá. Bên cạnh đó, khả năng chỉ báo Parabolic Sar cho tín hiệu mua nếu như có thêm một phiên tăng giá vào ngày thứ hai tuần này. Hiện nay, chỉ báo Parabolic Sar đã cho tín hiệu mua đối với HNX-Index. Có vẻ như tồn tại tín hiệu kỹ thuật cho thấy đà tăng sẽ được tiếp diễn, ít nhất là trong một số phiên đầu tuần này. Tuy nhiên, sự đi lên sẽ đối diện với rất nhiều mức kháng cự. Chỉ số VN-Index đang có một “Down Trend” và có mức kháng cự gần khoảng 421 điểm. Mức kháng cự cao nhất mà VN-Index có thể hướng tới là 440 điểm cho đợt sóng tăng này. Nhưng nếu quan sát sang chỉ số HNX-Index để tìm sự xác nhận, chúng ta thấy chỉ số HNX-Index bị kháng cự mạnh bởi 72 điểm, là mức đáy bị phá vỡ vào ngày 26.6.2012. Ở mức điểm cuối tuần qua, các chỉ số dự báo chỉ còn tăng thêm gần 2% nữa là chạm mức kháng cự. Nói cách khác, trong kịch bản trung bình, tôi cho rằng mức kháng cự mạnh đối với HNX-Index là 72 điểm và VN-Index tương ứng khoảng 425 điểm. Thực sự, khi quan sát ở khung thời gian cao hơn, tức biểu đồ tuần, chưa có chỉ báo phân tích kỹ thuật nào mà tôi đề cập ở trên xuất hiện tín hiệu mua. Chỉ báo RSI cũng chưa thấy ở tình trạng bán quá mức. Như vậy, phân tích đa khung thời gian cho thấy khả năng rất cao đây là đợt tăng giá ngắn hạn. Góc nhìn chiêm tinh tài chính địa tâm Trong bài viết “Tháng 7 không may mắn” ra ngày 25.6.2012 trên báo ĐTTC, tôi nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam : “sụt giảm trong tuần cuối tháng 6 và có thể có sự hồi phục từ đầu tháng 7 (kỳ vọng ngày 5.7.2012) cho đến giữa tháng 7…”. Thực tế hiện nay cho thấy, thị trường đúng đã giảm điểm trong tuần cuối tháng 6 và đến giữa tháng 7 đang có xu hướng hồi phục. Nhưng cũng trong bài viết trên, tôi cảnh báo khả năng tạo lập đỉnh quanh ngày 16.7.2012 +/-2 ngày. Tuy nhiên, trước hết, tôi muốn nói về ảnh hưởng của các hiện tượng chiêm tinh tài chính địa tâm đối với tâm lý giao dịch của nhà đầu tư, điều mà lý thuyết tài chính hành vi thừa nhận rằng yếu tố tâm lý có tác động đến quyết định đầu tư. Trong nhiều bài viết, tôi đã đề cập đến ảnh hưởng của cặp góc 90 độ (waxing square) giữa Thiên Vương Tinh và Diêm Vương Tinh đối với tình hình kinh tế-tài chính của thế giới và Việt Nam trong vòng 5 năm tới. Tính chất của Thiên Vương Tinh là ngạc nhiên, phá vỡ và tạo nên những điều không giống như kỳ vọng. Khi Thiên Vương Tinh trở nên nổi bật, phần lớn các nhà đầu tư rất khó để dự đoán xu hướng thị trường tài chính vì nó thường diễn ra theo cách ngược lại với suy nghĩ của họ. Giá tăng mạnh hoặc giảm mạnh, thậm chí là phá vỡ các mức chống đỡ hoặc kháng cự. Những nhà đầu tư sử dụng phân tích kỹ thuật tưởng rằng giá sẽ tạo lập xu hướng mới theo chiều hướng phá vỡ nhưng sau đó giá lại đổi hướng trở lại. Tổng quát, khi Thiên Vương Tinh nổi bật, giá di chuyển nhanh (tức tăng mạnh hoặc giảm mạnh) nhưng không kéo dài lâu. Vào thứ 6 ngày 13.7.2012, Thiên Vương Tinh chuyển động nghịch hành sẽ càng nhấn mạnh thêm tính chất thay đổi đột ngột của hành tinh này. Thực tế, không chỉ riêng Việt Nam, mà nhiều thị trường tài chính như chứng khoán Mỹ, vàng có sự đột ngột tăng giá mạnh vào ngày này sau chuỗi phiên giảm điểm liên tiếp. Nhưng cần lưu ý, tính chất của Thiên Vương Tinh cho rằng những chuyển động giá mạnh đó khó kéo dài. Nói cách khác, những dao động đột ngột lớn (large price swing) sẽ thường xảy ra. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chịu tác động của tính chất này. Thiên Vương Tinh không phải là dấu hiệu duy nhất cho sự thay đổi trái kỳ vọng. Từ ngày 5.7.2012 cho đến ngày 17.7.2012, Thủy Tinh theo nhật tâm nằm ở cung Nhân Mã (Sagittarius). Theo nghiên cứu của Raymond Merriman, vị trí này của Thủy Tinh thường tạo nên những dao động giá lớn (large price swing) đối với vàng, dầu thô và tiền tệ. Nghiên cứu của tôi cũng xác nhận điều này đối với chỉ số VN-Index. Trở lại với góc nhìn địa tâm, vào ngày 15.7.2012, Thủy Tinh sẽ chuyển động nghịch hành. Chuyển động nghịch hành của Thủy Tinh rất nổi tiếng trong chiêm tinh tài chính vì nó được ví như “kẻ lừa đảo”. Tức là, giống như tính chất của Thiên Vương Tinh, nó cũng gây ra những chuyển động trái kỳ vọng. Những nhà phân tích sử dụng tín hiệu phá vỡ theo phân tích kỹ thuật cần cẩn trọng với sự chuyển động nghịch hành của thủy tinh. Nếu nhìn ngược trở lại quá khứ vào tháng 6, chúng ta có sự hợp góc 90 độ (waxing square) giữa Mộc Tinh Và Hải Vương Tinh vào ngày 25.6.2012. Sự kết hợp của hai hành tinh lớn này thường “đầy rẫy sự bất hợp lý” trong quyết định của nhà đầu tư. Với cặp góc này, các nhà đầu tư sẽ hành động dựa vào cảm tính. Họ nhìn nhận vấn đề không thực sự chuẩn xác. Sự “mơ hồ” của Hải Vương Tinh khiến họ nhìn nhận vấn đề có vẻ bề ngoài rất tốt. Nhưng nếu kiểm tra thực tế bên trong thì rất xấu. Thường thì nhà đầu tư đưa ra quyết định mua dựa trên những kỳ vọng mà những kỳ vọng này hiếm khi trở thành hiện thực trong tương lai. Mặc dù cặp góc này đã hình thành hơn nữa tháng nhưng vì đây là hai hành tinh lớn nên quỹ thời gian tác động vẫn có thể ảnh hưởng đến thời điểm hiện tại. Trên đây là những cảnh báo về mặt tính chất tự nhiên của các hành tinh. Mộc Tinh và Hải Vương Tinh cho thấy nhà đầu tư sẽ hành mua dựa trên những kỳ vọng khó có thực. Chẳng hạn như thị trường chứng khoán thế giới hay giá vàng đang tăng dựa trên kỳ vọng Fed sẽ sớm tung ra QE3 hoặc các nhà đầu tư trong nước kỳ vọng các ngân hàng thương mại sẽ sớm thực hiện chủ trương giảm lãi suất. Tuy nhiên, các kỳ vọng này có thể trở thành hiện thực hay không thì còn có rất nhiều yếu tố gây trở ngại. Trong khi đó sự chuyển dịch nghịch hàng của Thiên Vương Tinh và Thủy Tinh sẽ dự kiến mang đến những chuyển động bất ngờ. Do đó, chiến lược tốt nhất là đánh nhanh rút nhanh vì thị trường dự kiến sẽ hình thành những dao động giá lớn. Thậm chí khi có lãi cũng nên chấp nhận bán sớm để bảo đảm lợi nhuận vì thị trường có thể đảo chiều bất ngờ. Đừng kỳ vọng rằng các đợt tăng giá mạnh hoặc giảm mạnh sẽ kéo dài lâu. Bây giờ, chúng ta xác định điểm đảo chiều ngắn hạn cho VN-Index. Trong bài viết “Tháng 7 không may mắn”, tôi đã dự kiến có sự đảo chiều quanh ngày 16.7.2012 +/-2 ngày giao dịch vì một số lý do sau: Mặt trời hợp góc 270 độ (waning square) với Thổ Tinh vào ngày 15.7.2012 và Thủy Tinh chuyển động nghịch hành (retrograde) đúng ngày này (Góc giữa mặt trời và Thổ Tinh là tín hiệu của sự trì hoãn hoặc thua lỗ). Tiếp đến, ngày 16.7.2012, Hỏa Tinh (Mars) sẽ tạo góc 120 độ với vị trí của nó vào ngày 22.7.2009 (ngày xảy ra nhật thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21 gây đảo chiều cho VN-Index). Sau đó, vào ngày 17.7, Hỏa Tinh tạo góc Trine (120 độ) với Mộc Tinh. Tiếp theo, ngày 18.7 và 19.7 sẽ có hiện tượng “Sự tịnh tiến của Hỏa Tinh (Translation of Mars)” khi hợp góc đối ngược (180 độ) với Thiên Vương Tinh và 270 độ (waning square) với Diêm Vương Tinh. Cần nhắc lại rằng, quan điểm của tôi xuyên suốt các bài viết “Cẩn trọng bẩy tăng giá trong tháng 6” và “Tháng 7 không may mắn” rằng xu hướng chính của thị trường là giảm giá ít nhất cho đến tận cuối tháng 8. Theo Trương Minh Huy Blog
  8. Một nền kinh tế nợ xấu? TTCT - Xét về mặt vĩ mô, Việt Nam đã tạm thời vượt qua giai đoạn nguy cấp nhất, khi hệ thống ngân hàng có nguy cơ đổ vỡ hàng loạt. Nhưng chờ đợi phía trước con đường là những biển hiệu ảm đạm chưa có chút hứa hẹn nào cho tăng trưởng, nếu những cánh cửa mới không được mở ra. Lãi suất liên ngân hàng là một chỉ dấu quan trọng của hệ thống. Tại thời điểm cuối quý 3, đầu quý 4 năm ngoái, lãi suất liên ngân hàng lên rất cao, có thời điểm tới hơn 40%. Đó là dấu hiệu của tình trạng mất thanh khoản nghiêm trọng tới mức có thể phá sản bất kỳ lúc nào của nhiều ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ. Từ đầu năm trở lại đây, lãi suất liên ngân hàng đã giảm nhiều, hiện nay nằm ở mức một con số. Điều đó cho thấy mặc dù còn một số ngân hàng nhỏ vẫn trong vùng nguy hiểm, nhưng câu chuyện đổ vỡ hàng loạt có vẻ như đã được tạm thời loại bỏ. Từ chỗ chênh vênh bên miệng núi lửa của khủng hoảng tài chính hồi nửa cuối năm ngoái, kinh tế Việt Nam đang đi dần vào một mùa đông của suy thoái. Mùa đông của suy thoái Lạm phát đã hạ nhiệt, tốc độ tăng giá tiêu dùng trong sáu tháng qua chỉ có 2,52% so với mức tăng 13,33% của sáu tháng đầu năm 2011 và 3,37% của sáu tháng đầu năm 2010. Điều này không lạ vì giữa tăng trưởng tín dụng và lạm phát có quan hệ nhân quả rất chặt chẽ với độ trễ khoảng 6-8 tháng. Việc lạm phát thấp tại thời điểm này là kết quả của việc thắt chặt tiền tệ - tín dụng từ khoảng tháng 4 tới tháng 12 năm ngoái. Lãi suất ngân hàng nhờ các quyết định hành chính liên tục kế tiếp nhau của Ngân hàng Nhà nước đã giảm về mức thấp đáng kể so với năm ngoái. Lãi suất huy động không kỳ hạn về còn 9% trong khi lãi suất huy động có kỳ hạn nằm ở mức 12-13% và lãi suất cho vay chính thức giảm còn khoảng 15-17%. Do lãi suất tiền đồng trong suốt năm 2011 và sáu tháng đầu năm 2012 rất cao so với tốc độ trượt giá đồng tiền và việc Nhà nước siết chặt quản lý kinh doanh ngoại hối ngoài luồng, sức ép về tỉ giá lên VND trong giai đoạn vừa qua không lớn. Tiền đồng cơ bản giữ được giá trị sau đợt phá giá mạnh hồi tháng 2-2011. Sự ổn định này phần nhiều mang tính tình huống và giả tạo. Lạm phát sẽ lại bùng phát một khi tín dụng tăng trở lại giống như kịch bản hồi năm 2010: năm 2008 gặp lạm phát cao tương tự năm 2011. Năm 2009 lạm phát giảm do hiệu ứng độ trễ của chính sách thắt chặt vào cuối năm 2008, giống như những gì đang diễn ra hiện nay. Năm 2010 lạm phát vụt lên trở lại ở mức hai con số sau khi chính sách tiền tệ - tín dụng được nới lỏng một phần. Điều khá dễ thấy là lãi suất giảm trong thời gian qua phần nhiều do các biện pháp hành chính. Trên thực tế lạm phát đã giảm rất mạnh, Ngân hàng Nhà nước đã bơm khá nhiều tiền vào hệ thống ngân hàng thương mại và dư địa tín dụng được mở toang từ đầu năm nhưng hệ thống ngân hàng thương mại (mất thanh khoản mạnh và nợ xấu trên 10%) vẫn phải cạnh tranh quyết liệt để giành giật nguồn tiền gửi. Vì thế lãi suất huy động vẫn cao hơn rất nhiều so với lạm phát. Câu chuyện tranh cãi về lãi suất thực dương hay âm, sau hơn một năm, vẫn đối mặt với câu trả lời từ thực tế là lãi suất thực vẫn còn dương và dương rất nhiều. CPI tháng 5 và tháng 6 vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái lần lượt là 8,34% và 6,9% trong khi lãi suất huy động trung bình vẫn còn ở mức hai con số. Điều này dẫn tới chuyện lãi suất cho vay có giảm nhưng còn xa mới nằm trong sức chịu đựng hợp lý của hệ thống doanh nghiệp. Tương tự, áp lực về tỉ giá hiện nay ở mức thấp là do chênh lệch về lãi suất gửi VND và USD quá cao. Ngay cả khi điều chỉnh yếu tố trượt giá, thì lãi suất thực - tức là lãi suất tiền đồng trừ đi lạm phát của tiền đồng - vẫn cao hơn nhiều so với USD. Tuy nhiên vì tỉ giá được giữ cố định nên người dân chỉ quan tâm đến lãi suất danh nghĩa: tiền đồng không mất giá với USD, lãi suất tiền đồng cao hơn từ 3 lần (hiện nay) tới 5 lần (như hồi năm 2011) so với lãi suất USD, vì thế không có lý do gì phải giữ USD. Mức chênh lệch quá lớn này đủ để bảo vệ người giữ tiền đồng ngay cả khi tiền đồng bị phá giá từ 5% (năm nay) tới 15% (năm ngoái). Đó là lý do lớn để VND ổn định trong thời gian qua. Tuy nhiên, lòng tin này của người giữ tiền đồng sẽ bị phá vỡ ngay khi lãi suất tiền đồng giảm tới mức mà chênh lệch lãi suất VND và USD không còn đủ lớn để cho họ cảm giác an toàn nữa. Tăng trưởng kinh tế, theo con số chính thức của Tổng cục Thống kê, cũng giảm về mức thấp nhất trong khoảng mười năm trở lại đây. GDP của sáu tháng đầu năm nay tăng 4,38% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức thấp nhất trước đó là 4,46% vào quý 2-2009. Và điều này hợp lý bởi vì cuộc khủng hoảng năm 2008-2009 diễn ra khi sức chịu đựng của hệ thống doanh nghiệp còn tương đối tốt do có một thời gian dài tăng trưởng đều đặn và nhiều doanh nghiệp huy động được tài chính do phát hành cổ phiếu cho các nhà đầu tư để tạo thành cái đệm tiền mặt (cash cushion) cho doanh nghiệp khi tín dụng bị thắt chặt. Trong giai đoạn hiện nay, phần lớn doanh nghiệp không còn được lợi thế này nữa và vì thế sức chịu đựng của họ kém hơn rất nhiều so với hồi ba năm trước. Chưa phải đáy? Sự ổn định tạm thời trên bề mặt do lạm phát hạ nhiệt không phải là chỉ dấu của sự an toàn. Khối thuốc nổ lớn đang nằm trong hệ thống ngân hàng hiện nay là các khoản nợ xấu, và không ai biết quy mô (đi kèm với sức tàn phá) của nó đến đâu. Ngay cả số liệu chính thức từ Ngân hàng Nhà nước cũng không rõ ràng: chiều 7-6-2012, giải trình trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra con số nợ xấu tới 10%. Tuy nhiên tại hội nghị sơ kết sáu tháng của ngành ngân hàng ngày 7-7-2012 tại Hà Nội lại thông báo rằng tính đến cuối tháng 5, tổng nợ xấu của toàn hệ thống chiếm 4,47% (tương đương 100.000 tỉ đồng) tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Mức chênh lệch giữa 4,47% và 10% là vô cùng lớn, tương đương 241.000 tỉ đồng, hoặc khoảng 11,5 tỉ USD. Công bố mới nhất của thanh tra ngân hàng lại đưa ra con số nợ xấu của hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 3-2012 là hơn 202.000 tỉ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ cấp tín dụng. Mặc dù có nhiều giải pháp được bàn đến để giải quyết khối tài sản “xấu” này, nhưng chưa có bất kỳ động tác kiên quyết nào được thực hiện. Lý do cũng dễ hiểu: Việt Nam đang ở trong tình trạng có rất nhiều ràng buộc và vì thế không dễ gì giải được bài toán nợ xấu một cách nhanh chóng. Đấu tranh để tồn tại Dưới góc độ vi mô, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước một bài toán khó, có lẽ là khó nhất kể từ trong lịch sử khiêm tốn về kinh tế thị trường của Việt Nam hiện đại. Trong khi thị trường đầu ra bị thu hẹp nghiêm trọng, lãi suất các khoản vay vẫn còn rất cao và khả năng vay mượn thêm khá bi đát, câu chuyện xoay đủ vốn để cầm cự tiếp trở thành câu chuyện “tồn tại hay không tồn tại”. Có một khe cửa hẹp để giúp các doanh nghiệp này, đó là dòng vốn tìm đến mục tiêu mua bán và sáp nhập (M&As). Về triển vọng dài hạn, Việt Nam vẫn là một nền kinh tế đang phát triển còn nhiều tiềm năng để tiếp tục bứt phá. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư quốc tế đang hướng sự chú ý tới các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ những quốc gia mà khả năng phát triển hầu như đã bị bão hòa. Nhật Bản là một trong các quốc gia có sự quan tâm mạnh mẽ nhất đến việc tìm mua hoặc đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, đây chỉ là một cánh cửa hẹp. Nó không phải là một thứ thuốc an thần mà ai cũng có thể mua được ngoài chợ. Dòng vốn này chỉ tìm đến với một số doanh nghiệp tốt nhất, có nhiều tiềm năng nhất, được quản trị bài bản nhất trong các ngành có sức hấp dẫn nhất ở Việt Nam trong trung hạn. Nó cũng chỉ đến được với các doanh nghiệp biết cách săn lùng và tiếp cận với nó. Nhưng dẫu là một cánh cửa hẹp, có vẫn còn hơn không. Với mối lo khá mơ hồ và cảm tính về việc “đổ vỡ dây chuyền”, Việt Nam không muốn bất kỳ ngân hàng nào phá sản, không muốn bất kỳ người gửi tiền nào bị mất tiền, không quốc hữu hóa, và cũng không đủ nguồn lực để cứu trợ tài chính (bail-out) toàn bộ hệ thống ngân hàng cũng như các doanh nghiệp “quá lớn để đổ vỡ” (too-big-to-fail). Việt Nam rất dễ và nhiều khả năng sẽ rơi vào tình trạng hệ thống ngân hàng dày đặc các zombie banks giống như ở Nhật hồi thập niên 1990 trước đây (mặc dù lý do Nhật Bản có các zombie banks khác với Việt Nam). Đặc điểm của zombie banks là chúng tồn tại nhưng không còn khả năng cung cấp các chức năng bình thường của ngân hàng, tức là huy động rồi cho vay. Việc này dường như đã bắt đầu từ đầu năm nay khi mà dư địa tín dụng được mở toang nhưng tính đến ngày 30-6-2012, tín dụng tăng trưởng chỉ ở mức 0,76% so với cuối năm 2011. Hậu quả mà Nhật Bản phải đối phó hồi thập niên 1990 thường được nhắc đến là một thập niên bị đánh mất - tức là một thập niên hầu như không có tăng trưởng. Và một tương lai tương tự không phải là không thể xảy ra đối với Việt Nam. TS TRẦN VINH DỰ
  9. Nửa cuối 2012: Hàng loạt DN sẽ tiếp tục phá sản Tác giả: ĐỖ THIỆN (VEF.VN) - Đã có những lời nhận định lạc quan về kinh tế 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam không dễ đi lên một cách bền vững khi những nguyên nhân khó khăn nằm ở những yếu kém nội tại kéo dài chưa được khắc phục. Chưa nhìn thấy hồi phục Những vấn đề Việt Nam đang gặp phải đều mang tính xâu chuỗi, kéo dài và có quan hệ hữu cơ với nhau. Điều này đặt ra yêu cầu rất lớn trong cách thức nhằm giải quyết những nguy cơ có thể xảy ra. Năm 2012, có thể chỉ là một thời điểm bùng phát là xuất hiện những "vết rạn nứt" của nền kinh tế sau một thời kỳ tích tụ các yếu kém và sai lầm. Đầu tiên là tình trạng lạm phát vẫn còn nằm ở mức cao từ hệ lụy "vung tiền quá trán" trong chính sách tiền tệ của chính phủ từ năm 2007. Cho đến nay, vẫn còn nhiều tranh cãi giữa dự báo về con số lạm phát. Bộ phận Nghiên cứu (EIU) thuộc Tập đoàn The Economist (Anh) dự báo năm 2012 Việt Nam lạm phát 13,8%; Ngân hàng Thế giới dự báo 9%; trái lại nhiều chuyên gia trong nước lại cho rằng Việt Nam sẽ "dễ thở" hơn khi lạm phát 2012 sẽ chỉ khoảng 6,2%. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình trạng lạm phát hiện nay dù giảm trước mắt nhưng vẫn còn đáng lo. Khi chính phủ còn loay hoay giải quyết lạm phát thì "nợ xấu" tràn bờ khiến không ít doanh nghiệp (DN) lẫn ngân hàng điêu đứng. Nợ xấu bùng phát trong bối cảnh nền kinh tế lạm phát với giá cả đắt đỏ, trong đó có thị trường bất động sản (BĐS). Sự dễ giải của các ngân hàng thương mại vô tình đưa nhiều DN vốn có "lòng tham" đầu tư nóng vào thị trường nhà đất rơi vào tình trạng ôm đất, trắng tay. Mặt khác, các ngân hàng thương mại cũng "khó thoát" khi tiền cho vay "dưới chuẩn" đi không về lại. Hậu quả đáng nói là khi thị trường tài chính ngân hàng "lao đao" thì hiệu ứng Domino diễn ra với môi trường chứng khoán, tín dụng, xuất nhập khẩu và cả nền sản xuất trong nước. Kinh tế Việt Nam không dễ đi lên một cách bền vững khi những nguyên nhân khó khăn nằm ở những yếu kém nội tại kéo dài chưa được khắc phục. Thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào năm 2012 với một tông màu "nhạt" khi chỉ số VNI và HNI vẫn mãi "rề rà" dưới đáy. Mãi đến tháng 5, thị trường chứng khoán có chút khởi sắc khi VNI và HNI tăng đạt đỉnh. Nhưng chưa đầy hai tháng sau đó lại giảm đi hơn 50% giá trị tăng tính từ đầu năm 2012. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản cũng không... khá hơn khi nhà đất bị đóng bang, niềm tin người dân giảm hẳn sau pha "bể bong bóng" nhà đất gây ra tình trạng nợ xấu vừa qua. Thị trường xuất khẩu còn đáng lo hơn khi ngành xuất khẩu chủ đạo là dệt may, da giày sang Châu Âu giảm đáng kể. Tính đến nay, trung bình mỗi tháng số lượng đơn hàng từ Châu Âu giảm 20-30% so với cùng kì năm 2011. Còn theo thống kê của Tổng cục Hải quan thời điểm 5 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sang EU chỉ đạt 844 triệu USD, giảm 1,4%. Ngành cá Tra cũng khó khăn không kém khi lời cầu cứu của các doanh nghiệp cá tra Việt Nam lẫn người nuôi trồng thủy sản liên tục xuất hiện trên các diễn đàn kinh tế như một điểm nóng. Vấn đề nan giải ở đây chính là đầu ra cho cá Tra ngày một hẹp trong khi quy mô sản xuất trong nước tăng nhanh. Bất kỳ doanh nghiệp cá tra nào cũng lo sợ một ngày "chiếc thùng nhỏ không thể chứa một lượng hàng thừa quá tải". Trong khi đó, cứu cánh thường xuyên nhất của doanh nghiệp là các ngân hàng thương mại lại đang cố thắt chặt chính sách tiền tệ từ ảnh hưởng của "nợ xấu". Với tỷ lệ nợ xấu lên đến 12%-13% (theo Fitch Ratings), các ngân hàng đang ra sức thu mình về thế phòng thủ trước các làn sóng "phá sản" của các doanh nghiệp cùng ngành. Con đỉa "nợ xấu" rất khó buôn tha nền kinh tế dù "khổ chủ"đang ra sức dùng mọi biện pháp "đông - tây" để tháo gỡ. Chính vì thế, các doanh nghiệp và cá nhân trong các ngành cá tra, dệt may... càng khó khăn khi không thể chống chịu với thực tại thiếu vốn, lãi suất cao. Và tất nhiên, "nước xa không thể cứu lửa gần", dẫu chính phủ vẫn "đang bàn" về các gói cứu trợ nhằm giúp doanh nghiệp và người sản xuất chỉnh đốn, tái cấu trúc hệ thống thì sự phá sản vẫn cứ xảy ra ồ ạt. Phân hóa mạnh yếu Chung quy cho sự đan xen quan hệ giữa "nợ xấu", lạm phát, vỡ bong bóng bất động sản, chứng khoán lao dốc hay xuất khẩu suy giảm... là câu "mạnh còn, yếu mất". Như vậy, cuộc chơi giữa các chủ thể này là một "vòng đấu loại" dựa trên thực lực các DN. Một khi chính phủ không thể giải quyết hết tình trạng thiếu vốn đại trà, các ngân hàng không nhượng bộ hạ lãi suất thì chỉ có những DN có đủ "sức khỏe" để duy trì, cải tổ sản xuất. Kết quả là các DN yếu kém lần lượt từ bỏ sân chơi chung theo đúng nghĩa "cơ chế thị trường".Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 4 năm 2012, đã có 17.735 doanh nghiệp phá sản. Cơ chế theo kiểu chọn lọc tự nhiên sẽ có thể đưa nền kinh tế về trạng thái ban đầu. Tuy nhiên, nếu để mặc cho "bàn tay vô hình" tự điều chỉnh thì trước khi hồi sức, nền kinh tế sẽ rơi vào thảm họa. Chính vì thế, chính phủ lại là nhân tố chính được kỳ vọng nhất nhằm giải quyết những khó khăn hiện tại. Kinh nghiệm cho thấy một quốc gia dưới sự điều phối tốt của chính phủ sẽ nhanh chóng lấy lại vị thế, thậm chí là phát triển hơn giai đoạn trước. Mỹ là một trong những ví dụ điển hình. Cuộc khủng hoảng kinh tế 2007 tới nay đã quật ngã nhiều ngân hàng "đại thụ" của Mỹ. Tuy nhiên, bằng những chính sách kịp thời, triệt để thì Mỹ vẫn kịp thời "lách qua khung cửa hẹp" để giữ vững hệ thống. Với tình hình hiện tại, yêu cầu thứ nhất trong vai trò điều phối của chính phủ chính là nhanh chóng và quyết liệt. Bên cạnh đó, mọi hành động giải pháp phải mang tính toàn diện và đồng bộ vì các khó khăn đặt ra trước mắt đều liên quan chặt chẽ với nhau. Tạo nên sự đồng bộ chung sẽ là tiền đề giải quyết triệt để các vấn đề tồn đọng. Dẫu rất nhiều chuyên gia cho rằng kinh tế Việt Nam đang rơi vào thời điểm khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây, nhưng cần nhìn nền kinh tế theo một xu hướng lạc quan hơn. Bất kỳ nền kinh tế nào cũng sẽ có giai đoạn đi xuống, nhưng nhớ rằng đi xuống không phải là mục tiêu cuối cùng mà là "lấy đà" để phóng cao hơn thông qua sự cải tổ và tái cấu trúc hệ thống.
  10. Sai phạm hơn 1.200 tỷ, công ty mua bán nợ mất vốn Tác giả: PHẠM HUYỀN Bài đã được xuất bản.: 4 giờ trước (VEF.VN) - Kiểm toán Nhà nước cho biết, công ty TNHH MTV mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã không thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ chính là mua nợ và đầu tư dài hạn tái cấu trúc doanh nghiệp.. Ngược lại, công ty còn gửi tiền và cho vay không đúng chức năng nhiệm vụ, không hiệu quả, thanh khoản kém và có nguy cơ mất vốn. Năm 2003, công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã được thành lập với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Theo đó, thông qua các hoạt động mua bán nợ, công ty này sẽ chịu trách nhiệm trợ giúp các DN trong quá trình tái cấu trúc, làm lành mạnh tài chính của DN. Tuy nhiên, theo công bố của Kiểm toán Nhà nước sáng 18/7, tình trạng của công ty đặc biệt này cũng kém không khác gì các tập đoàn, tổng công ty, DNNN nói chung. Việc sử dụng vốn của công ty này cũng bị đánh giá là hiệu quả thấp. Khi được giao khoản vốn lớn, DATC lại dành hơn một nửa vốn Nhà nước giao vào hoạt động cho vay, gửi ngân hàng thay vì để tái cấu trúc các DN. Cụ thể, nguồn vốn, quỹ của DATC tính đến 31/12/2010 là 2.616,49 tỷ đồng, trong đó, công ty đã chỉ sử dụng 47,23% vốn, tương ứng 1.235,88 tỷ đồng để làm nhiệm vụ chính- mua nợ và đầu tư dài hạn tái cấu trúc doanh nghiệp. Còn lại, DATC gửi các ngân hàng và công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (ALCII) và cho vay khoản tiền lên tới 1.272 tỷ đồng, chiếm 48,61% vốn. Trong số này, DATC gửi tiền tại ALCII tới 110 tỷ đồng, cho vay Công ty Cà phê Ia Châm 27,39 tỷ đồng, cho vay Công ty cổ phần Xây dựng Công trình 675 là 6 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2011, các hợp đồng gửi tiền tại ALCII đã quá hạn trên 2 năm nhưng DATC chỉ thu được 12,68 tỷ đồng tiền lãi. Như vậy, nguy cơ trong vụ đầu tư này của DATC là mất vốn Nhà nước ước tính trên 70 tỷ đồng. Công ty mua bán nợ cũng đầu tư tài chính sai chức năng (ảnh minh họa: theo dvt) Kiểm toán Nhà nước khẳng định, hoạt động gửi tiền và cho vay như vậy là không đúng với chức năng nhiệm vụ của DATC.Dẫn chứng thêm cho đánh giá sử dụng vốn hiệu quả thấp, Kiểm toán Nhà nước cho hay, hệ số bảo toàn vốn năm 2010, tức tỷ lệ vốn chủ sở hữu năm 2010 so với vốn chủ sở hữu năm 2009 chỉ là 1,04%, rất thấp so với lạm phát năm 2010 là 11,75%. Cùng đó, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng vốn đầu tư của chủ sở hữu là 5,48%, thấp hơn năm trước. Trong đó, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn đầu tư vào công ty con là 5,2%, công ty liên doanh liên kết là 0,06%, đầu tư dài hạn khác là 2,8%. Từ năm 2004 đến 30/6/2012, DATC đã thực hiện 121 phương án mua bán nợ và tài sản, giá trị các khoản nợ và tài sản theo mệnh giá sổ sách kế toán là 7.994,9 tỷ đồng, giá vốn mua nợ và tài sản là 2.383,8 tỷ đồng; đã thu hồi được 2.384,9 tỷ đồng. Ngay cả với "ngành" chính là mua bán nợ, DATC cũng hoạt động không hiệu quả, còn nhiều tốn tại. Năm 2010, công ty sử dụng nợ phải thu và tài sản tồn đọng đã mua để góp vốn thành lập Công ty cổ phần Xi măng Bắc Kạn . Thế nhưng, DATC lại không thuê thẩm định giá, không xử lý tài chính đối với các khoản nợ và tài sản tồn đọng đã mua trước khi góp vốn.Thực tế DATC cùng Công ty cổ phần Xây dựng Thái Nguyên và Công ty Khoáng sản và Xây dựng Hà Nội định giá giá trị nợ và tài sản của Công ty cổ phần Xây dựng Thái Nguyên do DATC đã mua làm căn cứ để DATC góp vốn 21,8 tỷ đồng. Con số này giảm so với giá trị sổ sách 62,18 tỷ đồng. Tại thời điểm tháng 3/2011, DATC xoá nợ 26,96 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng công trình 134 nhưng lại không căn cứ vào báo cáo tài chính năm 2010. Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc làm này là không đúng quy định tại Điều 9, Thông tư số 33/TT-BTC ngày 11/3/2010 của Bộ Tài chính về việc ban hành Điều lệ tổ chức hoạt động của DATC. Ông Lê Minh Khái, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết đã kiến nghị tới Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, kiểm điểm các sai phạm ở DATC. Trước đó, trao đổi với báo chí, lãnh đạo công ty này còn bày tỏ kế hoạch nâng cấp DATC thành công ty mua bán nợ xâu quốc gia, tham gia vào đề án tái cấu trúc ngân hàng hiện nay với mục tiêu xử lý nợ xấu ngân hàng.
  11. Nợ, lỗ: Tập đoàn, tổng công ty 'sống nhờ' vốn vay Tác giả: PHẠM HUYỀN Bài đã được xuất bản.: 11 giờ trước (VEF.VN) - Hơn một nửa số tập đoàn, tổng công ty hoạt động chủ yếu dựa vào vốn chiếm dụng, vốn vay với hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu quá cao, dẫn tới nguy cơ mất an toàn vốn. DNNN vẫn lỗ, nợ, đầu tư ngành ngoài hàng nghìn tỷ, hiệu quả kém. Sáng 18/7, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) họp báo công bố báo cáo kiểm toán năm 2011 về niên độ ngân sách năm 2010. Đáng chú nhất trong báo cáo năm nay là kết quả kiểm toán chuyên đề các DNNN, tập đoàn, tổng công ty và các tổ chức ngân hàng - tài chính. Ông Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN tóm tắt báo cáo cho biết, năm 2010, các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố bất lợi như lãi vay ngân hàng, lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng ở mức cao, thị trường tiêu thụ khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có 19/21 tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán vẫn có lãi. Tuy nhiên, một số tập đoàn, tổng công ty bị lỗ, kết quả kinh doanh bị giảm so với năm 2009. Ví dụ điển hình như lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ 8.416 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng đường thủy lỗ 73,5 tỷ đồng. Công tác quản lý tài chính tại các DN này vẫn có nhiều hạn chế như tỷ lệ vốn bị chiếm dụng cao, nợ quá hạn, nợ khó đòi phát sinh rất lớn. Ví dụ như nợ phải thu trên tổng tài sản của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn là 50,88%, Tổng công ty Xây dựng đường thủy là 37,58%, Tổng công ty Cơ điện xây dựng nông nghiệp và thủy lợi 31,13%, Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải 24,37%, Tổng công ty HUD 22,73%, Tổng công ty Xây dựng phát triển hạ tầng 22,49%. Cùng đó, việc xác định kiểm kê sản phẩm dở dang, nguyên nhiên vật liệu xuất dùng và tồn kho chưa chính xác, nhất là các DN khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản, xây dựng. Tình trạng hàng tồn kho dự trữ lớn, vượt nhu cầu, tài sản cổ định đã đưa vào sử dụng nhưng lại chưa quyết toán, đặc biệt là do không nghiên cứu kỹ nhu cầu nên nhiều tập đoàn, tổng công ty sử dụng tài sản cố định sau đầu tư không hiệu quả.Điển hình như trường hợp Tổng công ty Xây dựng đường thủy, Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công thuộc Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và lắp máy TMC... Theo KTNN, mặc dù tỷ lệ đầu tư tài chính so với tổng tài sản, vốn điều lệ của các DNNN không lớn nhưng đa số, các tập đoàn, tổng công ty có hoạt động đầu tư ngành ngoài nên đã phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ kinh doanh chính và nhiệm vụ chính trị được Nhà nước giao. Dẫn chứng cho căn bệnh này, KTNN cho biết có điển hình là các trường hợp như công ty mẹ của Tổng công ty hàng hải Việt Nam đầu tư ngành ngoài 672 tỷ đồng, bằng 10,37% vốn điều lệ, công ty mẹ - Tập đoàn TKV đầu tư ngành ngoài 1.828,8 tỷ đồng, không bao gồm điện, năng lượng, bằng tới 12,09% vốn điều lệ. Công ty mẹ - Tập đoàn EVN đầu tư ngành ngoài tới 4.551,4 tỷ đồng, bằng 4,13% vốn điều lệ, công ty mẹ - Tổng công ty VICEM đầu tư ngành ngoài tới 634,9 tỷ đồng, bằng 5,27% vốn điều lệ. Một số DN do kinh nghiệm quản trị kém và do ảnh hưởng chung của khủng hoảng kinh tế thế giới nên hoạt động đầu tư hiệu quả thấp, bị thua lỗ. Ví dụ như tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư vào tài chính, chứng khoán bất động sản ở TKV là 7,94%, ở cơ khí đóng tàu của tập đoàn này cũng chỉ đạt 4,61%. Tỷ suất này tại EVN ở lĩnh vực tài chính chứng khoán bất động sản là 7,83%, riêng viễn thông lỗ 1.057,7 tỷ đồng... Đặc biệt, 11 trên tổng số 21 tập đoàn, tổng công ty hoạt động chủ yếu dựa trên vốn chiếm dụng, vốn vay. Trong đó, một số doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu và lợi ích của cổ đông thiểu số cao nên dễ gặp phải nguy cơ mất an toàn, mất cân đối tài chính.Theo KTNN, tình trạng này diễn ra ở Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, với tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu gấp tới 9,19 lần, Tổng công ty xây dựng phát triển hạ tầng 4,79 lần, Tổng công ty Cơ điện xây dựng Nông nghiệp và thủy lợi 4,39 lần, Tập đoàn HUD 4,01 lần, Tập đoàn EVN 3,83 lần...Chưa kể, còn có tình trạng các DNN huy động sử dụng vốn sai mục đích dẫn tới mất cân đối lớn về nguồn vốn. KTNN còn cho biết, các tập đoàn, tổng công ty hiện quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên với diện tích lớn nhưng nhiều diện tích đất vẫn chưa được các địa phương ký hợp đồng cho thuê hoặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Nhiều DN còn sử dụng đất sai mục đích, xây dựng không đúng quy hoạch hoặc chậm, không xây dựng các công trình công công khi thực hiện các dự án khu đô thị. Công tác bình ổn giá của các đơn vị này cũng vẫn có nhiều sai sót. Ví dụ như việc trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu ngay cả khi DN lỗ đã tạo ra quy ảo, EVN chưa tính hết các khoản giảm thu liên quan đến sản xuất kinh doanh vào cơ chế hạch toán giá thành điện, tỷ lệ tổn thất điện năng cao. Dù vậy, kiến nghị chung liên quan đến tập đoàn, tổng công ty nhà nước, cơ quan kiểm toán cho biết, số thuế và các khoản phải nộp của các đơn vị này tính đến hết năm 2010 còn 7.579 tỷ đồng, trong đó, KTNN kiến nghị tăng thêm 545 tỷ đồng. Ngoài tình hình hoạt động của các DNNN, cuộc họp báo của KTNN còn công bố khá cụ thể về tình trạng mất an toàn vốn tại các tổ chức tài chính - ngân hàng năm 2010.
  12. Tàu chiến Mỹ nổ súng vào tàu dân sự ở vùng Vịnh (Gafin) - Tình hình tại vùng Vịnh càng thêm căng thẳng khi một tàu Hải Quân Mỹ nổ súng bắn một tàu dân sự do quá áp sát tàu chở dầu của Mỹ. Theo báo cáo, vụ nổ súng khiến một người chết và ba người bị thương. Sự cố diễn ra gần cảng Jebel Ali của Dubai hôm qua 16/7 và hiện đang được Liên đoàn Ả rập điều tra. Theo các quan chức Mỹ, tàu USNS Rappahannock - có nhiệm vụ giám sát và bảo vệ các tàu chở dầu - đã phát hiện một con tàu trắng nhỏ cố tình tiếp cận bất chấp một loạt các cảnh báo được đưa ra. Phát ngôn viên hạm đội số 5 Hải quân Mỹ, Greg Raelson cho biết: "Hạm đội đã liên tục cảnh báo những người trên tàu đổi hướng và chấm dứt hoạt động tiếp cận có chủ ý. Nhưng khi nỗ lực cảnh báo thất bại, đội ngũ an ninh trên Rappahannock buộc phải nổ súng để bảo vệ sự an toàn cho tàu chở dầu." Người bị thiệt mạng và ba người bị thương khác có quốc tịch Ấn Độ và thuyền bị bắn chìm là một tàu dân sự, thường dùng để đánh cá và không có dấu hiệu mang theo vũ khí hay khí tài quân sự. Tuy nhiên, hạm đội Mỹ cho rằng việc tiếp cận quá gần tàu chở dầu là một hành động mang tính đe dọa, bởi tàu chở dầu này đang đi qua khu vực biển gần lãnh thổ Iran. Trước đó, các tàu tuần tra của Iran từng áp sát tàu chiến Mỹ và Washington xem đó như hành vi khiêu khích. Trong một diễn biến liên quan, Tehran mới đây cũng tiếp tục phát đi cảnh báo chặn eo biển Hormuz, nơi lưu thông của 1/5 lượng dầu thô của thế giới, nhằm trả đũa các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Trong khi đó, Mỹ cam kết sẽ giữ vững eo biển chiến lược này và thúc đẩy sự hiện diện của hải quân ở vùng Vịnh. Hôm 14/7,Lầu Năm Góc cho biết vừa cử thêm một tàu sân bay tới Trung Đông nhằm đảm bảo sự hiện diện liên tục của Hải Quân Mỹ tại khu vực này. Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ đã cử hai tàu sân bay tới Trung Đông, và hiện chưa có kế hoạch rút hai tàu này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cũng vừa phê duyệt triển khai nhóm tàu tác chiến USS John C. Stennis, bao gồm tàu tuần dương trang bị tên lửa Aegis USS Mobile Bay cùng nhóm thủy thủ đoàn 5.500 người. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ chối trả lời câu hỏi liệu việc triển khai mới này có liên quan đến vấn đề Iran và bạo lực ở Syria hay không. Trước đó, Lầu Năm Góc cũng cho tăng gấp đôi số lượng tàu quét mìn trong khu vực và cử nhiều tàu ngầm không người lái tới vùng Vịnh nhằm đảm bảo sự thông suốt cho eo biển Hormuz. Nguồn RT/DVT
  13. 'Sàn CK: Sòng bài cho những con bạc lớn' Tác giả: TS. ALAN PHAN Các sàn chứng khoán là sòng bài dành cho những con bạc có vốn lớn và có OPM (tức là tiền người khác). Tuy nhiên, lòng tham và sự sĩ diện "thắng cuộc" vẫn thu hút khá nhiều con thiêu thân nhỏ lẻ, dù đánh theo cơ bản hay lướt sóng. Những chiêu PR cho thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay dường như đang phản tác dụng. Tôi vẫn nghĩ rằng, các sàn chứng khoán là sòng bài dành cho những con bạc có vốn lớn và có OPM (other people's money, tức là tiền người khác). Tuy nhiên, lòng tham và sự sĩ diện "thắng cuộc" vẫn thu hút khá nhiều con thiêu thân nhỏ lẻ, dù đánh theo cơ bản hay lướt sóng. Thời đại mới, công nghệ mới, tay chơi mới, thủ thuật mới... tạo nên sự dao động biên độ và biến chuyển không ngừng cả với những cơn sóng lớn xen lẫn các đợt thoái trào sâu. Những cao thủ lướt sóng và có tin tức nội gián tốt là những kẻ sẽ thắng lớn trong các cuộc chơi này tại Việt Nam hay bất cứ nơi nào trên thế giới. Trong mọi tình huống, những thành phần thắng khác, dù nhỏ nhưng liên tục là sở hay công ty điều hành sàn giao dịch (nhà cái), các công ty tạo ra sản phẩm (công ty niêm yết), các nhà tư vấn, môi giới (thầy cò chạy ngoài với ống loa) và các công ty tạo thị trường (market makers, còn gọi là các đội lái tàu). Vì sự đam mê cờ bạc và lòng tham của tập thể và cá nhân, các sàn chứng khoán là nơi huy động tiền tốt nhất cho các công ty muốn tăng trưởng. Tuy nhiên, mọi người liên quan, từ nhà cái đến thầy cò, từ đội lái tàu đến ban quản trị các công ty niêm yết, phải biết các tay chơi cần gì và muốn gì để kế hoạch tiếp thị và hậu mãi thu hút được doanh thu cao nhất. Do không nắm vững các yếu tố này nên các nhóm tổ chức "sòng bài" thường có nhiều hoang tưởng về trò chơi và tay chơi. Thử phân tích một vài thông điệp PR của nhóm tổ chức về lý do tại sao các nhà đầu tư nước ngoài phải đổ tiền vào Việt Nam, ta có ngay bằng chứng về sự hoang tưởng, ấu trĩ này. Trên sàn CK, lòng tham và sự sĩ diện "thắng cuộc" vẫn thu hút nhiều con thiêu thân nhỏ lẻ (ảnh minh họa) Giá P/E của công ty trên sàn Việt Nam rẻ nhất Á Châu Khi chúng ta dùng "giá rẻ" để làm vũ khí cạnh tranh thì vô tình chúng ta thú nhận là hàng hóa của chúng ta không có chất lượng hay thương hiệu gì. Dù ai cũng ham lời và tiết kiệm, nhưng trong việc đầu tư và kiểm soát rủi ro, phần lớn các nhà tài chính thích những sản phẩm chất lượng và tăng trưởng bền vững. Vả lại, điều lệ của các quỹ đầu tư đòi hỏi những tiêu chí và thẩm định (rating) khá cao về sản phẩm, cho nên có lẽ khoảng 95% các công ty niêm yết ở Việt Nam không đáp ứng nổi nhu cầu này, dù được bán với giá rẻ mạt. Trong 6 tháng đầu 2012, sàn Việt tăng giá 22% Đây là một thông điệp PR coi qua thì đẹp mắt, nhưng nó không "xi-nhê" gì đối với các quyết định đầu tư. Yếu tố quan trọng nhất là thanh khoản. Rất nhiều chuyên gia đầu tư đã rơi vào tình trạng kiếm được mức lời tới 100% trong phi vụ của mình, nhưng không sao thoái vốn được vì thị trường mất thanh khoản. Cho đến khi rút được thì đã phải bán tháo, bán lỗ. Nhìn số tiền giao dịch hàng ngày của hai sàn HOSE và HNX, tôi tính ra là một khoản đầu tư khoảng 10 triệu đô la vào 3 cổ phiếu lớn sẽ mất khoảng 60 ngày để thoái vốn. Trên Nasdaq, việc làm này có thể chỉ mất khoảng 5 giây đồng hồ (vào những ngày chậm). Việt Nam là một thị trường tiềm năng trong 20 năm tới Theo một thống kê, 72% giao dịch trên sàn chứng khoán New York (NYSE) được giữ không quá 11 giây. Tôi chưa gặp một chuyên viên đầu tư nào có cái nhìn xa hơn 3 năm khi thẩm định cơ hội kiếm tiền, kể cả những nhà đầu tư cơ bản và dài hạn như Warren Buffett (ông có thể giữ cả 20 năm nếu đầu tư đó tăng trưởng tốt trong 2 năm đầu). Bỏ tiền để PR cho các nhà đầu tư tài chính về tiềm năng 20 năm sau hoàn toàn là một sự lãng phí tiền bạc.[/color] Chính phủ đang làm mọi cách để nâng đỡ thị trường chứng khoán Phần lớn mọi người theo kinh tế thị trường đều quan niệm rằng, khi Chính phủ phải can thiệp để hỗ trợ một thành phần kinh tế nào thì đây là giải pháp cuối cùng cho khủng hoảng. Chiêu PR này càng được quảng bá thì càng có tác dụng ngược lại. Nó gợi nên hình ảnh của một con người trong tình thế tuyệt vọng, đang cầu xin ân huệ. Với các nhà đầu tư, kinh doanh kiếm lời là một hoạt động nghiêm túc và ích kỷ. Thị trường chứng khoán mọi nơi trên thế giới, dù có chỗ cho việc cầu nguyện, không bao giờ có chỗ để làm từ thiện. Để hiểu thêm về động lực của các nhà đầu tư trên các thị trường chứng khoán, tôi và một vài sinh viên của trường đại học Southern Cross (Úc) đã hoàn tất một khảo sát vào năm 2004 với 575 nhà quản lý quỹ đầu tư khắp thế giới. Ngoài thanh khoản, công ty chất lượng (có kỷ cương và thương hiệu) và mức độ tăng trưởng, những yếu tố quan trọng khác là hệ thống hành chính và pháp lý, việc chuyển đổi bản tệ ra ngoại tệ và thông tin tự do, minh bạch. Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện thiếu sót và tụt hậu rất xa so với các đối thủ xa gần trên tất cả các lĩnh vực nêu trên. Và đó là lý do chính tại sao các doanh nghiệp niêm yết rất khó thu hút hay huy động dòng vốn ngoại. Bí quyết để thu hút khách hàng, xây dựng thương hiệu và niềm tin luôn luôn là một công thức dựa trên sự thỏa mãn của "thượng đế" qua sản phẩm, dịch vụ và chương trình hậu mãi. Các nhà tổ chức liên quan đến thị trường chứng khoán Việt Nam dường như vẫn chưa nắm vững công thức này. (Theo DĐDN)
  14. “Nền kinh tế rơi vào suy giảm kép” NGUYÊN MẪN 05/07/2012 09:48 (GMT+7) TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. “Tăng trưởng kinh tế thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước, lạm phát giảm quá thấp ngoài mong muốn, tinh thần doanh nhân Việt đang xuống dốc. Nền kinh tế rơi vào suy giảm kép”. Đó là nhận định của TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Những nghịch lý hiện nay đang tồn tại trong nền kinh tế của chúng ta theo ông là những gì? Tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam đang xuất hiện nhiều khó khăn và thử thách. Nền kinh tế của chúng ta đang rơi vào giai đoạn suy giảm kép, khi GDP 6 tháng đầu năm chỉ tăng khoảng 4,38%, trong đó, tuy quý II có tăng hơn quý I, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Nếu không có giải pháp kịp thời thì tăng trưởng còn tiếp tục gặp khó. Cùng với đó, số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngừng hoạt động, phá sản, giải thể ngày càng nhiều, kéo theo tình trạng thất nghiệp gia tăng, thu ngân sách nhà nước cũng suy giảm. Điều mà tôi thấy nghịch lý trong bối cảnh hiện nay là nền kinh tế khó khăn như vậy, nhưng khoản chi ngân sách vẫn theo xu hướng đang tăng lên. Trong 6 tháng đầu năm 2012, tổng thu ngân sách chỉ ước đạt khoảng hơn 346 nghìn tỷ đồng nhưng chi ngân sách vẫn gần 414 nghìn tỷ đồng. Rồi đâu đó vẫn là những đề xuất xây trụ sở này, trụ sở kia từ trung ương đến các tỉnh, thành phố hàng trăm nghìn tỷ đồng. Rồi vấn đề xử lý nợ xấu ngân hàng, cần phải làm nhanh là làm rốt ráo, nếu không nó sẽ đe dọa đến sự an toàn của cả hệ thống ngân hàng Việt Nam, nhưng không hiểu sao vấn đề này vẫn còn chần chừ... Vấn đề nợ xấu xem ra có vẻ là câu chuyện rất “khó xử” giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính vì dường như đang có sự cạnh tranh “ngầm” xem Bộ nào có đủ “sức nặng” hơn để đứng ra gánh vác việc này? Theo tôi, Chính phủ cần lập ngay một ủy ban liên bộ để tập trung xử lý nợ xấu đang lớn nhanh và biến tướng gây tác động xấu đến tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay, lãi suất vừa qua tăng cũng vì khâu này, một số ngân hàng yếu kém cũng vì nguyên nhân đó. Nếu chần chừ, như tôi đã nói, thì tình hình sẽ càng xấu hơn đối với hệ thống ngân hàng. Chính phủ mặc dù luôn tuyên bố nhất quán ưu tiên kiềm chế lạm phát nhưng có vẻ lại muốn dốc sức để thúc đẩy cho tăng trưởng hơn? Tôi đồng tình với Chính phủ về mục tiêu kinh tế - xã hội hiện nay là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, để có thể đảm bảo thực hiện nhất quán mục tiêu này, tôi cho rằng Chính phủ cần chia thành 2 nhóm giải pháp. Nhóm giải pháp ngắn hạn để giải quyết những khó khăn trước mắt và nhóm giải pháp dài hạn có tính ổn định lâu dài để khuyến khích đầu tư, sử dụng vốn hiệu quả, sử dụng các nguồn lực xã hội, góp phần tăng trưởng bền vững. Về gói giải pháp ngắn hạn thì Chính phủ cũng đã có khá đầy đủ rồi, như các giải pháp miễn giảm giãn thuế, đẩy nhanh tiêu thụ hàng tồn kho, hạ nhanh lãi suất, hỗ trợ xúc tiến thương mại cả trong nước và ngoài nước... Nhưng trong các giải pháp ngắn hạn, vẫn phải tính đến một tầm nhìn dài hạn. Chẳng hạn, như với vấn đề lãi suất, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải hạ nhanh lãi suất cho vay nhưng cũng cần phải đồng thời cam kết lãi suất sẽ không quay đầu tăng cao trở lại hoặc biến động thất thường trong những năm trước khi, lúc tăng, lúc giảm, khi thì còn 10%, 6% nhưng lúc lên 16%, 18%, 20%. Có làm được như vậy, doanh nghiệp và nhà đầu tư mới dám vay và yên tâm vay. Chính phủ cũng cần điều hành lãi suất theo lạm phát mục tiêu hoặc theo lạm phát cơ bản ngay để hạn chế bớt những cú sốc từ bên ngoài. Mặt khác, tuy giảm nhanh lãi suất nhưng không thể giảm các điều kiện cho vay, giảm chất lượng tín dụng vì nếu không, vòng luẩn quẩn nợ xấu sẽ tăng trở lại. 6 tháng cuối năm được xác định là thời kỳ cấp tập giải ngân đầu tư công. Ông nhìn nhận về tinh thần này thế nào? Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công là định hướng rất đúng và việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn, giải ngân các dự án đầu tư công theo đúng tiến độ và kế hoạch được duyệt, thể hiện quyết tâm rất cao của Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng chỉ đẩy mạnh việc giải ngân thôi hoặc cố giải ngân bằng mọi giá là rất nguy hiểm, cũng giống như việc giảm lãi suất đồng thời giảm cả điều kiện cho vay, để đạt tiến độ. Vì vậy, đi liền với giải ngân phải là việc hoàn thiện thể chế giám sát đầu tư công theo hướng công khai, minh bạch và hiệu quả, nhất là nâng cao vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư dự án và người cấp phép dự án. Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện được tinh thần này rất rõ nhưng để Chỉ thị này được thực thi nghiêm túc, thì các cơ quan chức năng phải rất sát sao.
  15. “Việt Nam muốn cứu tăng trưởng, không dễ!” AN HUY 04/07/2012 09:21 (GMT+7) Trong một bài viết vừa đăng trên báo Financial Times, chuyên gia kinh tế Jonathan Pincus cho rằng, cải thiện tốc độ tăng trưởng đã bị suy giảm sẽ là một nhiệm vụ không dễ dàng đối với Việt Nam. Cách nhìn của vị chuyên gia làm việc cho chương trình Việt Nam của trường Harvard Kennedy School và hiện phụ trách chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại Tp.HCM có phần thận trọng hơn so với những nhận định mà các nhà quan sát quốc tế khác về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay. VnEconomy xin giới thiệu nội dung bản lược dịch bài viết mang tựa đề “Hard grind for Vietnam” (tạm dịch: “Công việc khó cho Việt Nam”) này. Đợt nới lỏng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thời gian gần đây, được thực hiện trong bối cảnh lạm phát giảm mạnh, đã làm dấy lên những hy vọng rằng một thời kỳ tốt đẹp mới của nền kinh tế không còn quá xa. Tuy nhiên, tái khởi động tăng trưởng sẽ không diễn ra dễ dàng như thế. "Giá như hoạt động vay nợ bất cẩn chỉ nằm trong khu vực quốc doanh, thì tình hình dù tệ cũng có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, ngay cả các công ty ngoài quốc doanh ở Việt Nam cũng đang ngập trong nợ nần" - Ảnh: Getty. Mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam trong tháng 5 đã giảm xuống dưới mức 7% so với cùng kỳ năm trước, từ mức đỉnh 23% vào tháng 8 năm ngoái. Phản ứng trước sự đi xuống của lạm phát, Ngân hàng Nhà nước tuần trước cắt giảm lãi suất lần thứ 5 kể từ đầu năm, với lãi suất tái cấp vốn hạ về mức 10%. Trước đó, trong tháng 6, Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm trần lãi suất huy động từ 12% về 9%. Chính phủ Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát thông qua sự phối hợp giữa thắt chặt mục tiêu tín dụng và tài khóa. Lãi suất của các khoản vay thương mại đã đạt đỉnh trên 20%, các dự án đầu tư công đã bị hoãn lại, những biện pháp xử phạt mạnh tay đã được áp dụng cho hoạt động giao dịch ngoại tệ “chợ đen”. Những biện pháp này đã giúp bình ổn giá cả và tỷ giá, nhưng cũng khiến tăng trưởng kinh tế suy giảm từ 6,8% trong năm 2010 xuống còn 4,4% trong 6 tháng đầu năm nay. Các doanh nghiệp trong nước hy vọng, sự nới lỏng tín dụng sẽ cho phép họ đảo các khoản vay cũ và sẽ tiếp sinh lực cho thị trường bất động sản vốn đang là một “nạn nhân” lớn của sự thắt chặt tín dụng. Tuy nhiên, quan điểm lạc quan này đã bỏ qua những khoản nợ khổng lồ mà các doanh nghiệp đã tích tụ trong khoảng thời gian 5 năm qua. Các công ty Việt Nam giờ nặng nợ đến nỗi việc giảm nợ sẽ mất thời gian hơn 1 năm, thậm chí là 2 năm. Tỷ lệ của tín dụng ngân hàng so với GDP của Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi trong thời gian từ năm 2005-2010, từ mức 62% lên 136%. Đợt vay nợ ồ ạt đầu tiên chủ yếu là kết quả không được trù tính từ trước của những dòng vốn chảy mạnh vào Việt Nam trong các năm 2007 và 2008. Ngân hàng Nhà nước đã rơi vào thế bị động và không đủ mạnh tay trong việc hút tiền về, dẫn tới sự gia tăng của các khoản vay bằng đồng nội tệ. Đợt tăng trưởng tín dụng thứ hai là có chủ đích. Đó là một phần trong một gói kích cầu của Chính phủ Việt Nam khi bóng đen khủng hoảng tài chính che phủ kinh tế toàn cầu vào năm 2009. Đến năm 2010, một gói kích thích quy mô nhỏ khác được tung ra nhằm tạo sự hưng phấn trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc vào tháng 1/2011. Việc thắt chặt tín dụng diễn ra sau đó cho thấy các công ty Việt Nam đã trở nên phụ thuộc tới mức nào vào dòng vốn tín dụng dễ dãi. Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett có một câu nói đùa nổi tiếng rằng, thủy triều hạ là lúc mọi người biết ai đi bơi mà không mặc đồ bơi. Ở Việt Nam, có lẽ doanh nghiệp nào cũng trong tình trạng “đi bơi mà không mặc đồ bơi”. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, 12 công ty nhà nước của Việt Nam đang gánh tổng số nợ 219 nghìn tỷ đồng, tương đương 10,5 tỷ USD. Trong đó, có 10 công ty có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu vượt quá 10 lần. Vụ gây sửng sốt nhất là vào tháng 6 vừa qua, Chính phủ công bố thông tin về việc tập đoàn Vinalines đang nợ 2,1 tỷ USD, bên cạnh nắm giữ một đội tàu thuyền mất giá và buông lỏng quản lý tài chính tại các dự án phát triển cảng biển. Hai quan chức cao cấp của Vinalines đã bị bắt giữ, trong khi cựu chủ tịch của tập đoàn này còn đang bỏ trốn. Giá như hoạt động vay nợ bất cẩn chỉ nằm trong khu vực quốc doanh, thì tình hình dù tệ cũng có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, ngay cả các công ty ngoài quốc doanh ở Việt Nam cũng đang ngập trong nợ nần. Những con nợ lớn nhất là các công ty bất động sản, nhưng ở những ngành khác đã xảy ra những vụ vỡ nợ “ngoạn mục”, trong đó đáng kể nhất là vụ vỡ nợ của công ty xuất khẩu thủy sản Bianfishco. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, một nửa thành viên của hiệp hội đang đối mặt nguy cơ phá sản và kêu gọi Chính phủ can thiệp, thiết lập mức giá tối thiểu, đồng thời tung cho một gói hỗ trợ 200 triệu USD. Báo chí Việt Nam cũng liên tục đăng tải những lời kêu gọi giúp đỡ tương tự từ các ngành khác. Sau một thời gian cho vay thoải mái trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng mạnh, các ngân hàng giờ đây lâm cảnh thiếu vốn và bị nợ xấu đè nặng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình mới đây phát biểu trước Quốc hội rằng, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng hiện tương đương 10% GDP. Phần lớn các nhà quan sát quốc tế đều cho rằng, con số 10% này, tuy đã là đáng báo động, vẫn chưa phản ánh đầy đủ thực tế nợ xấu trong các ngân hàng của Việt Nam. Hiện các ngân hàng không còn đủ sức để tạo ra một cuộc bùng nổ tín dụng mới cho dù Chính phủ có nới lỏng mục tiêu tín dụng. Những ngân hàng cổ phần gặp khó khăn đang tìm mọi cách để thu hẹp quy mô của bảng cân đối kế toán và thấy ngày càng khó tìm nguồn vốn mới khi trần lãi suất huy động bị hạ xuống. Những ngân hàng mạnh hơn thì có tiền, nhưng lại đối mặt với một thị trường mà ở đó không có mấy khách hàng muốn vay tiền mà lại chưa đầm đìa nợ. Nhiều ngân hàng sẽ bằng lòng với việc tìm kiếm lợi nhuận từ trái phiếu chính phủ trong quá trình giảm dần nợ xấu. Chính phủ Việt Nam hiện đang chuẩn bị vốn cho việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Tốc độ của quá trình giảm nợ sẽ phụ thuộc nhiều vào việc kế hoạch tái cấu trúc này sẽ được thực hiện ra sao và được cấp vốn như thế nào. Nhưng cho dù việc tái cấu trúc sẽ được thực hiện làm sao, thì đó cũng là một quá trình mất thời gian. Trong thời gian đó, sẽ còn có thêm những vụ vỡ nợ lớn, sẽ còn có thêm những nỗi đau. Mặc dù Việt Nam vẫn thường có sự điều chỉnh linh hoạt trước những thay đổi, những nỗ lực để đẩy nhanh tăng trưởng trong điều kiện hiện tại sẽ chỉ đồng nghĩa với sự trở lại của lạm phát và mất ổn định tỷ giá đồng tiền. Thực hiện phá sản có trật tự sẽ giúp ích nhiều hơn là Chính phủ chìa tay cứu giúp. Sự can thiệp yếu ớt về pháp lý và chính trị có thể sẽ làm giảm tốc độ của quá trình giảm nợ. Theo báo cáo về môi trường kinh doanh mới nhất của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam xếp thứ 142/183 quốc gia ở tiêu chí về khắc phục khả năng thanh toán nợ. Nếu Chính phủ Việt Nam muốn giúp các doanh nghiệp, thì đây chính là một vị trí tốt để bắt đầu.
  16. Mỹ sẵn sàng để 9 ngân hàng lớn nhất thế giới phá sản (Gafin) - Để tránh lặp lại gánh nặng cứu trợ tài chính, Mỹ đưa ra kế hoạch đóng cửa 9 ngân hàng thuộc nhóm lớn nhất thế giới trong trường hợp khẩn cấp. Cơ quan bảo hiểm tiền gửi (FDIC) và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm qua 3/7 đã công bố tài liệu được coi là “di chúc sống” cho các ngân hàng lớn theo yêu cầu của đạo luật Dodd-Frank 2010. Tài liệu bao gồm các đề xuất của từng định chế nêu cụ thể về phương cách mà các nhà điều tiết có thể đóng cửa một định chế tài chính nếu định chế đó kinh doanh thất bại. Các ngân hàng thuộc diện phải có “di chúc sống” gồm có JPMorgan Chase, Bank of America, Citigroup, Goldman Sachs, Morgan Stanley, Barclays, Deutsche Bank, Credit Suisse và UBS. Đến tháng 7 và tháng 12/2013, tổng cộng có 125 ngân hàng sẽ phải đệ trình "di chúc sống" này. Mục đích của các di chúc sống này là cho giới điều tiết biết kế hoạch trong trường hợp phải đóng cửa các định chế tài chính lớn thay vì sử dụng các gói cứu trợ như năm 2008 khi Lehman Brothers sụp đổ. Các ngân hàng với tài sản phi ngân hàng đạt trên 250 tỷ USD thậm chí phải đưa ra các kế hoạch thanh lý. Morgan Stanley và Goldman Sachs là 2 trong só các định chế có nguy cơ phải bán lại tài sản nếu kinh doanh thất bại. Tuy nhiên, một số ngân hàng có thể giữ lại một số ngành nghề kinh doanh chính, tránh thanh lý toàn diện. Nguồn Bloomberg/DVT
  17. Tiếp tục…bình cũ rượu cũ? JUNE 29, 2012 BY ALAN PHAN Một nhà báo vừa đặt cho tôi một câu hỏi khá hiểm hóc. Xin chia sẻ lại với các bạn: Câu Hỏi: Theo như phân tích của T.S, chính phủ nên để thị trường bất động sản tự vỡ thì liệu cú shock đó sẽ gây tác hại như thế nào đối với nền kinh tế, đặc biệt là các ngành kinh tế có liên quan đến bất động sản như: xi măng, thép, gạch…vì điều đó ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của rất nhiều người dân lao động? Liệu với cơ chế hiện tại của nền kinh tế, khi luật pháp và các thể chế kinh tế thị trường chưa rõ ràng, Việt Nam có cơ hội phục hồi nếu để thị trường bất động sản tự vỡ giống như Mỹ và Thái Lan? Trả lời của Alan Phan: Thực ra đây là một lựa chọn khó khăn: giải phẫu để diệt trừ căn bệnh hay uống thuốc giảm đau để đợi một phép lạ? Với sự năng động của nền kinh tế tư nhân, dòng tiền nhàn rỗi trong dân, lượng kiều hối khá dồi dào và nếu chánh phủ cam kết “đứng ngoài” thị trường sau giải phẫu, kinh tế sẽ hồi phục trong 5 năm và có đà để đột phá mạnh. Một yếu tố tích cực khác là khi giá đất và bất động sản quay về “giá trị thực” thì cơ hội người dân mua được căn nhà theo thu nhập sẽ cao hơn và sẽ tạo ra một phát triển bền vững hơn cho kinh tế. Sự trừng phạt của thị trường qua cú shock với các nhà đầu cơ và các doanh nhân liều lĩnh sẽ là một bài học về “rủi ro đạo đức” (moral hazard) lâu dài. Thay đổi tư duy về “kinh doanh qua quan hệ” thành “kinh doanh qua thị trường” sẽ gia tăng hiệu năng cho mọi phân khúc. Ngược lại, nếu uống thuốc giảm đau và dựa vào sự can thiệp liên tục của chánh phủ, kinh tế sẽ suy thoái như tình trạng hiện nay ít ra là thêm 10 năm nữa. Không có hủy diệt thì không có sáng tạo. Không dám thay đổi thì cứ phải loay hoay với…bình cũ rượu cũ. Một hiền triết nào có phán “ nếu chúng ta cứ tiếp tục làm những gì đang làm thì chúng ta sẽ tiếp tục gặt hái những gì đang gặt hái..” Tôi nghĩ Ơn Trên cũng bắt đầu ngán ngẫm với sự thụ động của chúng ta. Alan
  18. Xu thế vốn đầu tư "chảy ngược” Cú sốc trong ngành ngân hàng châu Âu và những hệ lụy của nó đang hút luồng vốn đầu tư và tài chính chảy về cựu lục địa, gây ra tác động tiêu cực đối với tăng trưởng của thế giới, toàn cầu hóa và cả các nền kinh tế đang phát triển trong nhiều năm tới. Hiện các nhà kinh tế vẫn loay hoay với câu hỏi rằng liệu xu hướng vốn đầu tư "chảy ngược về nguồn" chỉ là một đợt thủy triều xuống nhất thời, hay là sự sụt giảm dài hạn trên thị trường tài chính quốc tế mà có thể khiến tiến trình toàn cầu hóa bị đóng băng. Từ trước tới nay, giới hoạch định chính sách vẫn lý giải rằng tốc độ tăng đột biến của kinh tế thế giới và xu hướng toàn cầu hóa được thúc đẩy mạnh mẽ hồi thập niên 1990 và 2000 một phần là nhờ các ngân hàng và nhà đầu tư hướng tầm nhìn ra bên ngoài quốc gia quê hương mình. Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) Alan Greenspan còn viện dẫn sự sụt giảm vốn đầu tư trong nước để bào chữa cho tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai triền miên của Hoa Kỳ mà khi đó khiến nhiều nhà kinh tế không khỏi lo lắng về nguy cơ khủng hoảng tín dụng. Việc kiểm soát lỏng lẻo đối với nguồn vốn chuyển dịch qua biên giới cũng là "chất xúc tác" kích thích xu hướng đầu tư ra bên ngoài. Cùng với đó là những sự kiện như đồng tiền chung châu Âu euro ra đời và tốc độ phát triển chóng mặt của internet... Chỉ tính riêng năm 2011, số lượng các khoản cho vay của khu vực ngân hàng châu Âu ở những thị trường mới nổi đã gấp 10 lần so với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, gió bắt đầu đổi chiều khi cuộc khủng hoảng đồng euro ngày càng tồi tệ và nhiều quy định mới nhằm ngăn chặn nguy cơ phải có thêm các gói cứu trợ được áp dụng. Theo Giám đốc chiến lược quốc gia tại Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) Piroska Nagy, xu hướng rút vốn về nước đang diễn ra ồ ạt, không chỉ ở khu vực Trung và Đông Âu mà còn nhiều nơi khác. Bà khẳng định: "Đó là một nguy cơ hiện hữu và ngày càng rõ ràng". Theo số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) được công bố đầu tháng này, các khoản cho vay từ ngân hàng trong quý IV/2011 đã giảm kỷ lục 799 tỷ USD (2,5%) trên phạm vi toàn cầu. Đây là mức sụt giảm lớn nhất kể từ khi Ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ sụp đổ 3 năm trước đó. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 4 dự báo các ngân hàng châu Âu có thể sẽ tiếp tục giảm nguồn tiền cho vay để cân đối vốn. Đến cuối năm 2013, con số này có thể lên đến 2.600 tỷ USD. Giáo sư Philip Lane ở Dublin, Ireland, cho rằng cuộc tranh luận liệu xu hướng vốn "chảy ngược về nguồn" có gây ra khủng hoảng tín dụng hay không cũng giống như phải phân biệt thế nào là lượng cholesterol phù hợp và nồng độ cholesterol tăng đột biến. Đó là tách hẳn hiệu quả của những dòng vốn chuyển dịch qua biên giới với nguy cơ nảy sinh khi cho ngân hàng nước ngoài vay tiền. Theo ông, điều quan trọng là chính phủ các nước cần có biện pháp giải quyết nguồn vốn đổ về thị trường trong nước, hoặc đưa ra những sáng kiến như thiết lập liên minh ngân hàng châu Âu. Các thể chế tài chính như IMF thừa nhận rằng, không giống như cuộc khủng hoảng 2008 - 2009, xu hướng rút vốn về nước hiện nay phần nhiều là để tái cấu trúc theo những quy định mới và có thể sẽ gây tác động lâu dài. Giám đốc Tập đoàn Vốn quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) Lars Thunell cho rằng việc các ngân hàng châu Âu rút vốn vẫn là mối quan ngại đáng kể, và những quy định mới như Quy tắc Basel III (nhằm tăng cường khả năng ứng phó với khủng hoảng của khu vực ngân hàng) là vấn đề then chốt. Phát biểu tại hội nghị thường niên của diễn đàn các ngân hàng trung ương diễn ra cuối tuần qua, Cố vấn kinh tế của BIS Steve Cecchetti cho rằng xu hướng toàn cầu hóa về tài chính được nhiều người hiểu là hoạt động trao đổi hàng hóa và dịch vụ qua biên giới. Vì thế, nó mang lại lợi ích rất lớn cho tất cả các nước. Tuy nhiên, vấn đề lại nằm ở những khâu trung gian cung cấp vốn, và cuộc khủng hoảng hiện nay đã cho thấy điều này. (TTXVN)
  19. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN: Tháng 7 không may mắn Lịch sử của TTCK Việt Nam cho thấy tháng 7 thường chứng kiến những đợt sụt giảm mạnh. Chúng tôi cho rằng lịch sử có thể lặp lại xu hướng này trong năm 2012. Nhìn từ chiêm tinh tài chính địa tâm Theo thống kê, 9/12 tháng 7 của chỉ số VN Index giảm điểm, tương ứng với xác suất 75%. Điều này khiến tỷ suất sinh lợi trung bình của tháng 7 là -4% trong gần 12 năm qua. Do đó, một nhà phân tích gọi đây là tháng 7 không may mắn. Mặc dù ý nghĩa của thống kê trên chưa cao nhưng đây cũng là yếu tố cần lưu ý. Các hiện tượng chiêm tinh tài chính địa tâm ủng hộ cho điều này. Trong năm 2012, vào ngày 20-6, Thủy Tinh (Mercury) sẽ tạo góc waning square (270 độ) với Thổ Tinh (Saturn). Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy chỉ số VN Index thường giảm điểm mạnh cho đến khi cặp hành tinh này tạo góc waning sextile (300 độ). Thời điểm 2 hành tinh này đạt tới cặp góc waning sextile là vào ngày 30-8. Nguyên nhân khiến cho cặp góc này mất thời gian khá lâu để tạo góc 300 độ là do sự chuyển động nghịch hành của Thủy Tinh trong tháng 7. Đây là một trong những lý do chúng tôi cảnh báo nên cẩn trọng với sự tăng giá trong tháng 6. Thực tế đã chứng minh dự báo của chúng tôi là đúng khi các chỉ số chứng khoán Việt Nam đảo chiều vào ngày 5-6.Cụ thể, trong bài viết “TTCK: Cẩn trọng bẫy tăng giá trong tháng 6” trên báo ĐTTC ngày 4-6-2012, chúng tôi đã dự báo: “…khả năng đảo chiều ±1 ngày giao dịch quanh ngày nguyệt thực, tức từ ngày 1-6 đến 5-6 do ngày 2 và 3-6 rơi vào thứ bảy và chủ nhật”. Chúng tôi cũng đưa ra một số lý do khác cho thấy xu hướng trung hạn của chỉ số VN Index là giảm giá: “Khi Kim Tinh nằm ở cung Bạch Dương và cung Kim Ngưu (là cung mà Kim Tinh chi phối) và Thổ Tinh nằm ở các cung thuộc nhóm khí, chỉ số VN Index thường có xu hướng tạo lập đỉnh. Quá trình giảm giá còn tồn tại cho đến khi Venus ở cung Leo, tức vào tháng 9. Điều này có nghĩa xu hướng của TTCK Việt Nam là xấu trong trung hạn”. Vào giữa tháng 7-2012, có một số hiện tượng chiêm tinh đáng chú ý. Mặt trời hợp góc waning square (270 độ) với Thổ Tinh vào ngày 15-7 và Thủy Tinh chuyển động nghịch hành (retrograde) đúng ngày này. Ngày 16-7, Hỏa Tinh (Mars) sẽ tạo góc 120 độ với vị trí của nó vào ngày 22-7-2009 (ngày xảy ra nhật thực toàn phần gây đảo chiều cho VN Index). Sau đó, vào ngày 17-7, Hỏa Tinh tạo góc trine (120 độ) với Mộc Tinh. Tiếp theo, ngày 18 và 19-7 sẽ có hiện tượng “Translation of Mars” khi hợp góc đối ngược với Thiên Vương Tinh và waning square (270 độ) với Diêm Vương Tinh. Do đó, chúng tôi kỳ vọng ngày 16-7 (±2 ngày giao dịch) là điểm đảo chiều cho VN Index. Chúng tôi thiên về kịch bản tạo đỉnh đối với VN Index. Thứ nhất, ngày 19-7, chúng ta có một trăng non vuông góc với Thổ Tinh và đây là kết hợp giảm giá đối với VN Index. Thứ hai, vì cặp góc giữa Mặt trời và Thổ Tinh; cũng như góc giữa Hỏa Tinh với Mộc Tinh thường tương quan với đỉnh. Quan sát của chúng tôi cho thấy Mặt trời hợp góc waning square (270 độ) với Thổ Tinh vào ngày 15-7 thường tạo nên sự giảm giá mạnh cho đến khi 2 hành tinh này chuyển sang góc waning sextile (300 độ). Do đó, nếu như có bất cứ sự hồi phục ngắn hạn nào trước đó, khả năng thị trường sẽ tạo lập đỉnh quanh ngày 15-7. Như vậy, có thể thấy rằng, vai trò của Hỏa Tinh sẽ trở nên nổi bật trong tháng 7. Theo chiêm tinh tài chính, khối lượng thường có khuynh hướng gia tăng trong những ngày Hỏa Tinh trở nên nổi bật. Độ biến động thị trường cũng trở nên rất mạnh. Quan sát biểu đồ tử vi của VN Index Vào ngày 25-6-2012, Thổ Tinh sẽ chuyển động nghịch hành. Quan sát biểu đồ tử vi, chuyển dịch của Thổ Tinh sẽ hợp góc với nhiều hành tinh tử vi (natal) trong thời gian từ sau ngày 25-6 đến cuối tháng 8. Thổ Tinh dịch chuyển sẽ hợp góc với các hành tinh tử vi nằm ở nhà 11.Cụ thể, tạo góc trine với Mc và Mặt trăng tử vi; tạo góc square với Node tử vi và Hỏa Tinh tử vi. Đồng thời, tạo góc trine với Thiên Vương Tinh tử vi (nằm ở nhà 6) và hợp góc semi-square (45 độ) với Diêm Vương Tinh tử vi (nằm ở nhà 3). Khi chuyển dịch của Thổ Tinh trở nên nổi bật sẽ là yếu tố tác động xấu đến TTCK vì tính chất của Thổ Tinh là giảm giá. Nói cách khác, góc nhìn tử vi ủng hộ xu hướng chính của VN Index là giảm cho đến cuối tháng 8-2012. Tuy nhiên, trong tháng 7 (vào ngày 5-7), chúng ta có một yếu tố tích cực khác là Mộc Tinh sẽ trở lại đúng vị trí của nó vào ngày giao dịch đầu tiên của chỉ số VN Index. Đây là yếu tố tích cực, giúp duy trì sự tăng giá. Do đó, trong nửa đầu tháng 7, có vẻ như sẽ có một đợt phục hồi ngắn hạn đối với VN Index. Nếu kết hợp với phân tích ban đầu, chúng ta có thể dự đoán đợt hồi phục này kết thúc vào ngày 15-7 (±2 ngày giao dịch). Chúng ta còn thấy Thiên Vương Tinh dịch chuyển tạo góc trine với Diêm Vương Tinh tử vi hàm ý tạo nên những biến động mạnh trong giá. Thiên Vương Tinh chuyển động thuận hành vào ngày 13-7 nên khi tạo góc với Diêm Vương Tinh tử vi sẽ có hiệu ứng mạnh. Cảnh báo từ phân tích kỹ thuật Kết thúc phiên giao dịch ngày 22-6, nhiều chỉ báo đang cho tín hiệu xấu. Cụ thể, chỉ báo Stochastic Oscillator đã cho tín hiệu bán. +DMI không cắt lên –DMI để hình thành tín hiệu mua. RSI từ đầu tháng 6 có xu hướng đi lên nhưng các đỉnh giá trong thời gian gần đây đang thấp dần. Theo quan sát, nếu thị trường tiếp tục giảm trong phiên đầu tuần tới, chỉ báo Parabolic Sar sẽ cho tín hiệu bán. Phiên cuối tuần thị trường giảm mạnh với thanh khoản tăng cho thấy tâm lý xấu. Vì vậy, chỉ số VN Index được dự báo tiếp tục giảm điểm trong tuần cuối cùng của tháng 6. Tóm lại, chúng tôi dự báo sự sụt giảm của thị trường vào cuối tháng 6. Thị trường có thể hồi phục nhẹ từ đầu tháng 7 cho đến giữa tháng 7. Sau đó, thị trường tạo đỉnh và giảm mạnh cho đến tháng 8. Xu hướng chính của thị trường là giảm giá. LÊ ĐẠT CHÍ - TRƯƠNG MINH HUY
  20. Thị trường tài chính châu Á bắt đầu làn sóng tái cấu trúc Thứ tư, 27/06/2012 10:30 Nhiều ngân hàng đầu tư, công ty môi giới chứng khoán trên thế giới đẩy mạnh việc cắt giảm nhân viên tại chi nhánh ở châu Á. Theo Reuters, Deutsche Bank (Đức), Goldman Sachs (Mỹ), UBS (Thụy Sĩ)… cũng nằm trong danh sách các ngân hàng thực hiện cắt giảm. David Anzar, Giám đốc Quản lý Công ty Tài chính Pemberton Stewart tại Hong Kong, cho biết lượng nhân viên bị các ngân hàng cắt giảm 5%-7%. Hiện tượng cắt giảm hiện nay là bất bình thường bởi động thái này thường diễn ra vào tháng 11 và 12 hàng năm. "Trong vài tháng tới, làn sóng này sẽ còn lan rộng" - ông Anzar nói. Thực tế, việc cắt giảm nhân viên tại các ngân hàng ở châu Á diễn ra từ cuối năm ngoái. Vài năm trước, các ngân hàng tuyển người ồ ạt nhằm đón đầu các nhu cầu về tài chính từ sự phát triển mạnh mẽ của các nền kinh tế châu Á. Tuy nhiên, nửa đầu năm 2012, xu hướng cắt giảm việc làm tại các ngân hàng tăng mạnh khi kinh tế Trung Quốc bắt đầu tăng trưởng chậm lại, báo hiệu thời kỳ không mấy khả quan tại khu vực được xem là đòn bẩy cho nền kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, bóng ma nợ công tại châu Âu cũng luôn ám ảnh các ông chủ nhà băng. Nếu trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các ngân hàng chỉ cắt giảm số lượng nhân viên phổ thông thì hiện tại, các nhân viên cấp cao cũng không nằm ngoài chính sách cắt giảm vì các chủ doanh nghiệp không còn cách nào khác để cân bằng ngân sách. Theo các chuyên gia kinh tế, việc cắt giảm nhân viên đang diễn ra tại các ngân hàng tại châu Á phản ánh sự yếu kém của thị trường chứng khoán châu Á trong năm 2012. Theo một số thống kê gần đây, giao dịch thị trường chứng khoán của Nhật Bản giảm 47,5% trong nửa đầu 2012. Tại Hong Kong, việc phát hành IPO được xem là ì ạch nhất trong 4 năm qua với khối lượng giao dịch giảm 85% trong 5 tháng đầu năm 2012. Cuộc khủng hoảng nợ lan rộng tại châu Âu sẽ khiến hệ thống tài chính toàn cầu phải đối mặt với sự thay đổi về cấu trúc. Chính vì vậy, nhiều chủ ngân hàng đã giảm bớt sự hứng thú với thị trường châu Á. Dù vậy, bà Lister, cựu Giám đốc Ngân hàng Societe Generale, vẫn tin rằng châu Á là địa chỉ tốt nhất cho các hoạt động tài chính. Theo bà Lister, việc tìm kiếm cơ hội việc làm ở các công ty tài chính lớn có thể gian nan, nhưng các công ty tài chính nhỏ vẫn luôn mở rộng cửa chào đón người tìm việc. Chris Leahy, đồng sáng lập Công ty Tư vấn kinh tế chiến lược Blackpeak, cho biết 3 tháng qua họ vẫn tiếp tục lùng sục các ứng viên cho vị trí giám đốc quản lý. Nhiều chuyên gia về kinh tế vẫn tiếp tục gửi trọn niềm tin vào châu Á. Tại diễn đàn kinh tế St Peterburg, cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Aleksei Kudrin cho rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 20 năm nữa sẽ dẫn đầu nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ông Kudrin cũng chỉ ra mặt trái của nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương, là các ngân hàng châu Á đã phát hành lượng lớn các khoản tín dụng cho các đối tác châu Âu và bây giờ chính các chủ nợ lại bị phụ thuộc trực tiếp vào tình hình ở lục địa già. Nguồn Sài Gòn Giải Phóng
  21. Châu Á đối diện nguy cơ suy thoái mới Thứ ba, 26/06/2012 16:27 Các nhà phân tích kinh tế Liên hợp quốc và quốc tế cảnh báo các nền kinh tế châu Á hiện đang đứng trước nguy cơ suy giảm mới trong bối cảnh châu lục này không còn ở vị thế thuận lợi như trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 để có thể phục hồi mạnh mẽ các hoạt động kinh tế. Các nhà kinh tế Liên hợp quốc và quốc tế nêu rõ rằng nguy cơ suy giảm mới của các nền kinh tế châu Á lần này xuất phát từ hai nhân tố từng được coi là tích cực giúp các nền kinh tế châu Á phục hồi nhanh sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 và trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu phục hồi, bất chấp sự trì trệ của các nền kinh tế phát triển. Đó là chi tiêu của người tiêu dùng trong nước tăng nhanh và dòng vốn nước ngoài lớn đổ vào các nền kinh tế châu Á.Các nền kinh tế châu Á đã vượt qua thách thức mới do tác động của cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone, nhưng trong thách thức suy giảm mới, các nhân tố tích cực trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đang có nguy cơ làm các nền kinh tế này dễ tổn thương hơn trước các biến động bất ngờ. Trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế châu Á của Ngân hàng Anh HSBC, Frederic Neuman, cho rằng châu Á đang bước vào thời kỳ suy giảm kinh tế do tác động của các nhân tố dễ bị tổn thương trong nước lớn hơn cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Năm 2012, các nền kinh tế châu Á không chỉ bị tác động của các nhân tố tiêu cực từ các nền kinh tế khác mà còn bị tác động lớn hơn từ "gót chân Asin" mới của châu lục này là sự phụ thuộc ngày càng lớn vào nhu cầu trong nước. Tăng trưởng tín dụng mạnh và giá tài sản cao hơn đã làm tăng nhanh nhu cầu trong nước. Sự phụ thuộc này đang có nguy cơ gia tăng do nợ ngân hàng, nhu cầu bán ô tô và các bất động sản khác. Vì khoản chi này là tùy tiện và rất không ổn định nên dễ gây tổn thương nghiêm trọng cho nền kinh tế hơn nhu cầu chi tiêu cho các hàng hóa thiết yếu nếu giá nhà và các bất động sản khác giảm. Các chi tiêu của người tiêu dùng đã giảm ở Hàn Quốc, Trung Quốc và Hong Kong. Lãi suất thấp và nguồn vốn nước ngoài đổ vào châu Á đã tăng cường các nền kinh tế châu Á trong những năm gần đây nhưng nay đang là ẩn họa tiềm tàng. Hơn 750 tỷ USD mà giới đầu tư từng đổ vào các nền kinh tế châu Á mới nổi từ năm 2009 nay đã bắt đầu "rời khỏi" các nền kinh tế này. Nếu các nhà đầu tư hoảng loạn rút đầu tư khỏi châu Á, các hoạt động kinh tế có thể bị tê liệt. Indonesia đã "mất" 5% tổng dự trữ ngoại tệ tương đương với 5 tỷ USD chỉ trong tháng Năm khi nước này bảo vệ đồng nội tệ rupiah trước sức ép của các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi nước này. Các nhà kinh tế Liên hợp quốc và châu Á cũng cho rằng từ năm 2008, các ngân hàng châu Á luôn duy trì mức lãi suất thấp bất chấp thị trường lao động bùng nổ và lạm phát tăng. Vì vậy, hiện nay,các ngân hàng này không còn nhiều lợi thế kích thích tăng trưởng các nền kinh tế châu Á thông qua giảm lãi suất như trước khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Nền kinh tế Ấn Độ vốn là nền kinh tế có sức bật mạnh nhất trong vòng bốn năm qua, nhưng nay đã đứng trước thách thức suy thoái với tăng trưởng kinh tế chậm lại, lạm phát cao, thâm hụt ngân sách lớn, nên khó có thể đủ tiềm lực để tăng các gói tài chính kích thích nền kinh tế. Các nền kinh tế châu Á phản ứng rất khác nhau trước nguy cơ suy giảm mới. Trong khi Trung Quốc giảm lãi suất và cho phép các ngân hàng tăng cường cho vay thì nhiều nước khác, đặc biệt là Hàn Quốc, hầu như không có phản ứng nào đáng kể vì lo ngại làm bùng nổ sức ép lạm phát. (TTXVN)
  22. Cổ phiếu 'xác chết' đầy rẫy trên sàn Tác giả: BÙI NHƠN Bài đã được xuất bản.: 25/06/2012 10:27 GMT+7 Các cổ phiếu này thường được các “đội lái” thao túng đẩy giá bất thường khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường chứng khoán. Cổ phiếu "xác chết" là cách các nhà đầu tư gọi cổ phiếu của những doanh nghiệp (DN) có hoạt động kinh doanh liên tục thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, không minh bạch công bố thông tin... đang niêm yết hoặc vừa bị hủy niêm yết trên sàn Hà Nội, TP.HCM và sàn UPcom. Khai tử Ngày 18-6, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội thông tin từ ngày 17-7 sẽ hủy niêm yết 8,3 triệu cổ phiếu AGC (Công ty CP Cà phê An Giang) vì AGC đã lỗ hai năm liên tiếp. nguồn vốn chủ sở hữu tính đến hết quý I-2012 đã âm hơn 63 tỉ đồng. Kết thúc năm tài chính 2011, kiểm toán nghi ngờ hoạt động của AGC khó kéo dài vì lỗ phát sinh đã hơn 144 tỉ đồng, trong khi vốn sở hữu chỉ hơn 53 tỉ đồng. Trước khi bị loại khỏi sàn, cổ phiếu AGC đã liên tục vi phạm về công bố thông tin, không công bố báo cáo tài chính... Một cổ phiếu khác cũng khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ là cổ phiếu HBB (Ngân hàng Phát triển Nhà Hà Nội) vừa sáp nhập vào Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội. Nếu không có đề án sáp nhập buộc công bố thì nhà đầu tư còn lâu mới biết vì sao HBB phải bán mình. Một trong những lý do chính khiến ngân hàng này phải sáp nhập, mất thương hiệu là vì cho Vinashin vay nợ khó đòi gần 5.000 tỉ đồng. Các nhà đầu tư đang chờ cơ quan quản lý loại bỏ khỏi sàn những cổ phiếu kém chất lượng và hy vọng trong tương lai gần sẽ có thêm nhiều mã hàng hóa chất lượng cao niêm yết. Đồng cảnh ngộ, cổ phiếu TRI (Công ty CP Nước giải khát Tribeco) cũng là cổ phiếu chỉ còn có "vỏ". Ngày 19-4, cổ phiếu này đã xin tự hủy niêm yết. Để được cơ quan quản lý cho hủy niêm yết, TRI đã có tờ trình phương án giải quyết quyền lợi cho cổ đông nhỏ và hứa sẽ niêm yết ở sàn UPcom. Nhiều cổ phiếu khác cũng bị liệt vào loại "xác chết" ở kênh chứng khoán như cổ phiếu CAD (Công ty CP Chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex), VTA (Công ty CP Vitaly), VKP (Công ty CP Nhựa Tân Hóa)... Cổ phiếu VTA dù đã chuyển sang niêm yết sàn UPcom nhưng liên tục thua lỗ và đang có dự tính nhờ các công ty mua bán nợ tìm phương án tái cấu trúc. Thảm hơn, cổ phiếu Công ty Cavico sau khi hủy niêm yết thì website của công ty này cũng "đứng hình" khiến nhà đầu tư không biết tìm kiếm thông tin công ty ở đâu. Chờ chuẩn niêm yết mới Mới đây, khi góp ý tái cấu trúc thị trường chứng khoán, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) từng đề xuất giải pháp loại bỏ các DN không đủ chuẩn niêm yết ra khỏi sàn. Trong văn bản gửi phó thủ tướng, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký VAFI, cho biết hiện có một số DN kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm, nợ nhiều không trả được hoặc chỉ thanh toán ở mức tượng trưng, không trích lập dự phòng đầy đủ về giảm giá chứng khoán... Những DN này không đủ vốn pháp định niêm yết (sàn Hà Nội 10 tỉ đồng, sàn TP.HCM 80 tỉ đồng) hoặc thậm chí mất hết vốn điều lệ nếu hạch toán đúng theo các chuẩn mực kiểm toán. Từ đó, VAFI đề nghị để xây dựng một sàn giao dịch chứng khoán theo tiêu chuẩn quốc tế, cần phải đưa ra nhiều tiêu chuẩn cao cho các bên tham gia thị trường. Cụ thể, DN niêm yết phải có vốn điều lệ trên 200 tỉ đồng, tuổi đời của DN trên 10 năm và phải luôn duy trì tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ bình quân trong năm năm là 30%... Trao đổi với phóng viên mới đây, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường thuộc Ủy ban Chứng khoán, cho biết trong đề án tái cấu trúc kênh chứng khoán có đề cập việc nâng chuẩn niêm yết hàng hóa trên sàn. Đề án đã có, giờ chỉ còn cách làm và thời gian thực hiện. Tuy nhiên, sau khi đề án tái cấu trúc các công ty chứng khoán (CTCK) được thông qua, đến nay việc nâng chất cổ phiếu trên sàn vẫn chưa được khởi động. Tổng giám đốc một CTCK có trụ sở ở TP.HCM cho biết cơ quan quản lý chưa phổ biến gì về lộ trình và cách thực hiện việc nâng chất cổ phiếu niêm yết. "Với thị trường chứng khoán đang xấu thế này, giá trị giao dịch mỗi phiên chỉ còn 500-800 tỉ đồng so với mức trung bình 2.000 tỉ đồng lúc trước thì việc tái cơ cấu hàng hóa trên sàn chắc sẽ chậm lại" - ông này bình luận. Nhiều cổ phiếu bị cảnh báo, cảnh cáo Trên hai sở giao dịch Hà Nội và TP.HCM hiện đang có nhiều cổ phiếu bị cảnh báo và cảnh cáo toàn thị trường. Đó là các cổ phiếu như ASP (Công ty CP Tập đoàn Dầu khí An Pha), STT (Công ty CP Vận chuyển SaiGon Tourist), TV1 (Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1), VNA (Công ty CP Vận tải biển Vinaship), DDM (Công ty Cổ phần Hàng hải Đông Đô)... Các công ty này có lợi nhuận sau thuế âm, vi phạm nhiều lần về công bố thông tin, kiểm toán có ý kiến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục... (Theo PL TP.HCM)
  23. VIỆT NAM 2012 Phân tích dưới góc nhìn của Lý học Thị trường tăng mạnh sau thông tin nền kinh tế sẽ được bơm tiền Thứ sáu, 15/06/2012 11:49 (Gafin) - Theo Phó Thủ tướng, nền kinh tế sẽ có 21.000 tỷ đồng/tháng từ nay đến cuối năm. VN-Index tăng hơn 7 điểm. Đóng cửa phiên giao dịch sáng 15/6, VN-Index tăng 1,7% lên 432,6 điểm. Giá trị giao dịch 642 tỷ đồng, tương ứng với 39 triệu cổ phiếu. HNX-Index tăng hơn 1% lên 75 điểm. Có 35 triệu cổ phiếu được giao dịch, giá trị 373 tỷ đồng. Thị trường tăng mạnh trong bối cảnh Phó Thủ tướng cho biết, từ nay đến cuối năm, ngân sách Nhà nước sẽ bơm vào nền kinh tế 21.000 tỷ đồng/tháng. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán thế giới cũng có phiên tăng mạnh. Chứng khoán châu Á có tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 2 trước những dự báo về tăng trưởng kinh tế. Phiên đêm hôm qua, chứng khoán Mỹ cũng tăng khi các ngân hàng trung ương có thể đưa ra các chính sách bình ổn thị trường. VN30 chỉ có 2 cổ phiếu giảm giá. Trong số 24 mã tăng có 7 mã tăng trần. 2 mã có vốn hóa lớn nhất thị trường là PV .GAS và Vietcombank VCB đều tăng trên 2%. Cổ phiếu Sacombank STB tăng 3,5% sau khi giảm mạnh vào 2 phiên trước. Khối lượng khớp lệnh của STB 5,6 triệu đơn vị, lớn nhất thị trường. Cổ phiếu dầu khí tăng mạnh trong đó PVX tiếp tục khớp lệnh lớn nhất sàn Hà Nội với 5,1 triệu đơn vị được chuyển nhượng. Một số cổ phiếu có dư mua giá trần khối lượng lớn sau các thông tin hỗ trợ như S99, KSD,DNY. Cổ phiếu SHN dư mua 1 triệu đơn vị giá trần. Cổ phiếu Thái Hòa THV khớp lệnh gần 2 triệu đơn vị, biến động từ giá sàn lên giá trần. Nguồn DVT =================================================================Tiền mà bơm vào CK thế này thì chắc là sẽ tăng mạnh lắm ... Anh Thiên Sứ lại ... phán sai rồi
  24. Tây Ban Nha chữa lửa bằng dầu Tác giả: SƠN HÀ Bài đã được xuất bản.: 13/06/2012 Tại Tây Ban Nha và châu Âu, sự hân hoan sau gói giải cứu 100 tỉ euro (125 tỉ USD) đã lụi tàn trong chưa đầy 24 giờ. Sau Tây Ban Nha, nay đến lượt Ý run rẩy trước nguy cơ khủng hoảng tràn sang. Theo báo Wall Street Journal, trong phiên giao dịch ngày 12-6 giá đồng euro giảm từ 1 euro ăn 1,26 USD của ngày hôm trước xuống chỉ còn 1,24 USD. Lãi suất trái phiếu Chính phủ Tây Ban Nha kỳ hạn 10 năm tăng vọt trở lại trên 6,5%. Một số chuyên gia dự báo lãi suất vay mà Tây Ban Nha phải trả sẽ nhanh chóng chạm ngưỡng "bất ổn" 7% so với 1,47%, mức lãi suất Đức phải trả cho trái phiếu kỳ hạn 10 năm của nước mình. Giới truyền thông châu Âu cũng tỏ ra rất bi quan. Báo Guardian khẳng định gói giải cứu ngân hàng Tây Ban Nha "chỉ là thêm câu hỏi thay vì câu trả lời". Tạp chí Mỹ Forbes cho rằng gói giải cứu này "có thể sẽ thất bại". Giới quan sát dự báo Tây Ban Nha phải sớm ngửa tay xin cứu trợ thêm nhiều tỉ euro nữa, bởi chính quyền Madrid đang chữa cháy bằng cách đổ thêm dầu vào lửa. Nợ chồng nợ Giới đầu tư quốc tế đã mất sự lạc quan sau khi các quan chức Liên minh châu Âu (EU) tiết lộ sẽ lấy 100 tỉ euro từ quỹ giải cứu mới là Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) thay vì từ quỹ hiện tại là Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) để cứu các ngân hàng Tây Ban Nha. Hai quỹ này có sự khác biệt lớn. Nợ vay từ EFSF được đánh giá tương đương nợ vay từ các nguồn khác. Ngược lại, quốc gia vay từ ESM sẽ phải trả món nợ này trước các món nợ khác. Có nghĩa là Tây Ban Nha phải ưu tiên trả nợ 100 tỉ euro cho ESM. Khoản nợ 780 tỉ euro (974 tỉ USD) của Tây Ban Nha với các chủ nợ khác sẽ phải trả sau. Do vậy, các thị trường quốc tế sẽ ngần ngại khi cho chính quyền Madrid vay. Và Tây Ban Nha phải tăng cao lãi suất khi phát hành trái phiếu thì mới có thể huy động các chủ nợ khác cho vay. Trên thực tế, thời gian qua chính quyền Tây Ban Nha phải vay nhiều tỉ euro từ chính các ngân hàng trong nước do không thể vay từ thị trường quốc tế. Ngược lại, các ngân hàng Tây Ban Nha đang khốn đốn vì bong bóng bất động sản cũng phải vay lại tiền từ chính phủ. Chính quyền Madrid không có đủ tiền và không thể in tiền. Trong khối đồng euro, chỉ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được phép in tiền. Hệ thống tài chính Tây Ban Nha đang rơi vào vòng luẩn quẩn, bế tắc. Người Tây Ban Nha đổ ra đường phố thủ đô Madrid để phản đối gói cứu trợ 100 tỉ euro - Ảnh: Reuters Giới chuyên gia tài chính đặt câu hỏi liệu Tây Ban Nha nói riêng và châu Âu nói chung có thể giải quyết vấn đề nợ nần bằng cách vay thêm nợ mới? Theo Wall Street Journal, tỉ lệ nợ trên GDP của Tây Ban Nha có thể tăng từ 68,5% vào thời điểm cuối năm 2011 lên trên 90% vào cuối năm 2012. Nếu tỉ lệ này tăng lên 120% như Hi Lạp và lãi suất Tây Ban Nha phải trả được giữ ở mức trên 7%, Madrid sẽ phải ngửa tay xin cứu trợ lần nữa.Hơn nữa, như chính quyền Tây Ban Nha ước tính, GDP năm 2012 của nước này sẽ sụt giảm 1,7%, tăng trưởng tiếp tục yếu ớt trong những năm tới do chính sách cắt giảm chi tiêu và thắt lưng buộc bụng. Không có tăng trưởng, Tây Ban Nha chẳng lấy đâu ra tiền để trả nợ, ngoài việc tiếp tục vay nợ từ nước ngoài với lãi suất cắt cổ và càng chìm sâu vào hố nợ. Thậm chí như giới quan sát dự báo, nếu Hi Lạp rời khỏi khối đồng euro thì Tây Ban Nha có thể không tiếp cận được nữa với thị trường vốn quốc tế và sẽ vỡ nợ. Ý lo sốt vó Giới đầu tư quốc tế giờ lại lo ngại khủng hoảng Tây Ban Nha sẽ nhanh chóng lan sang Ý. Theo báo New York Times, các nhà đầu tư đang ồ ạt bán tống bán tháo trái phiếu của Chính phủ Ý. Lãi suất của trái phiếu này đang tăng lên trên 6%. "Mối nguy cơ khủng hoảng lây lan sang Ý đã đến rất gần" - Thủ tướng Ý Mario Monti thừa nhận ngay từ cuối tuần trước. Ý đang nợ hơn 2.000 tỉ euro (2.500 tỉ USD), tương đương 120% GDP và nợ sẽ tiếp tục tăng lên khi chính quyền Rome phải đi vay với lãi suất cao. Tỉ lệ thất nghiệp của Ý hiện trên 10%. Các ngân hàng Ý hạn chế cho vay, đẩy hàng chục ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ vào bước phá sản. Giống như Tây Ban Nha, tăng trưởng của Ý cũng rất yếu ớt với GDP dự kiến sụt giảm 1,5% trong năm 2012 và chỉ tăng 0,5% trong năm 2013. Điều này có nghĩa là Ý không tăng trưởng đủ nhanh để có tiền trả nợ. "Chắc chắn là khủng hoảng sẽ lan sang Ý" - chuyên gia Daniele Sottile thuộc Hãng tư vấn tài chính Vitale & Associati ở Milan dự báo. Giám đốc Sergio Marchionne của Hãng ôtô Fiat và Chrysler cho rằng đã đến lúc doanh nghiệp phải tự cứu lấy mình trước khi quá muộn khi nhấn mạnh: "Phải làm điều gì đó trước khi chúng ta bước đến bờ vực và không thể quay trở lại". Thật ra, tình hình kinh tế của Ý chưa đến mức tồi tệ như của Tây Ban Nha. Thâm hụt của Ý vào khoảng 3,9% GDP, thấp hơn nhiều so với mức 8,5% của Tây Ban Nha. Ý cũng không mắc kẹt trong bong bóng bất động sản như Tây Ban Nha. Nhưng vấn đề là niềm tin của thị trường đã quá thấp. "Thị trường cho rằng Tây Ban Nha đi đến đâu thì Ý sẽ theo đến đó" - chuyên gia nợ công Ý Nicholas Spiro chỉ rõ. Xem ra châu Âu vẫn chưa nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm! (Theo Tuổi trẻ)
  25. Hôm qua nó ... lại xuống rồi ...