Kính thưa quý vị và các anh chị em thân mến!
Tôi cũng có đọc bài báo nói về các công trình của Tiến Sĩ Vũ văn Bằng,tôi không phủ nhận những việc ông đã làm được,song tôi cũng không đồng ý với những nhận định của ông về phong thuỷ theo như bài báo đã nói nên tôi xin được dán lên đây một bài ở THEGIÒIVOHINH.COM để quý vị và các bạn tham khảo.
Trân trọng.
ý kiến phản hồi của các nhà kh Xung quanh dư luận về máy tìm hài cốt và nguồn nước:
Máy "tia đất" và tính khoa học?
Lao Động số 16 Ngày 19/01/2007 Cập nhật: 7:17 AM, 19/01/2007
(LĐ) - Gần đây, dư luận xôn xao khi trên một số phương tiện thông tin giới thiệu máy "tia đất" tự chế có khả năng phát hiện được hài cốt, tìm được nguồn nước ngầm ở độ sâu 200 mét. Không ít nhà khoa học đã lên tiếng bày tỏ quan điểm về chiếc máy tự chế lạ lùng này.
Để rộng đường dư luận, Lao Động xin giới thiệu ý kiến của TSKH Phan Văn Quýnh và Hoàng Hữu Hiệp (Đại học Quốc gia Hà Nội) với mong muốn rằng: Khoa học đòi hỏi phải mang tính chính xác.
Chiếc máy "thần" đa năng
Theo lời quảng bá rằng, một trong những khả năng đặc biệt của ông Vũ Văn Bằng - tác giả của chiếc máy được ông gọi "tia đất" - là dùng chiếc máy này đo để tìm ra nguồn nước ngầm, nhất là ở vùng cao - nơi mà phải dùng khoan sâu hàng trăm mét, rất tốn kém với phương pháp hết sức đơn giản là sử dụng máy đo chong chóng.
Máy đặt xuống đất nếu trong lòng đất có nguồn nước ngầm thì máy quay tít. Và ông Bằng công bố đã tìm ra nguồn nước ngầm ở Hà Giang (ở Đồng Văn và Mèo Vạc) - nơi được coi là cạn kiệt nguồn nước. Ông Bằng khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng ông chỉ khoan đúng một lỗ và trúng ngay nguồn nước. Nếu phải khoan thêm lỗ nữa, ông Bằng sẽ chịu mọi tổn phí. Và đúng như lời ông nói thì khoan lỗ đầu tiên là trúng ngay.
Đâu là sự thật?
TSKH Phan Văn Quýnh và cử nhân Hoàng Hữu Hiệp khẳng định với chúng tôi rằng, với vài thao tác đơn giản khi dùng máy "tia đất", ông Vũ Văn Bằng đã tìm ra hai nguồn nước ngầm ở Đồng Văn và Mèo Vạc là không đúng sự thật.
"Thị trấn Đồng Văn không thiếu nước mặt cũng như nước ngầm" - TS Quýnh hết sức bức xúc: "Một nhóm khoan nước đã tiến hành khoan 3 lỗ tìm kiếm nước ở thị trấn Đồng Văn cạnh một giếng nước được xây bằng gạch của dân để đòi lấy 2 tỉ đồng của tỉnh Hà Giang là những việc không đáng làm và không phản ánh đúng sự thật. Cao nguyên Đồng Văn thừa nước vào mùa mưa, chỉ thiếu nước vào mùa khô".
TS Quýnh cho biết, các công trình hồ chứa nước được xây dựng gần dinh thự nhà họ Vương, một triều đại vua chúa trước đây, và hồ Tà Lũng là nhằm chứa nước mùa mưa phục vụ cho việc sử dụng nước vào mùa khô. Ở Đồng Văn còn có nước để chạy nhà máy thuỷ điện.
Thành tích đáng ghi nhận của nhóm TSKH Cao Minh, thuộc Viện Khoa học VN là đã thành công trong việc xây hồ chứa nước trên núi, của Liên đoàn Địa chất Thuỷ văn miền Bắc với một loạt giếng khoan, trong đó lưu lượng mỗi giếng không ít hơn 80m3 ngày đêm, kéo dài từ thị trấn Tam Sơn đến Việt Tiến, tuy nhiên được biết các giếng khoan nước này cho đến nay vẫn chưa được sử dụng vì tốn điện.
TS Quýnh phân tích: Dự án nghiên cứu nước Karst, cấp nước điểm của Sở KHCN Hà Giang và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội đã hoàn thành việc định vị các mạch nước, hang nước, cấp nước thí điểm nguồn nước mạch và giếng khoan, đề xuất các giải pháp giải quyết nước cho cao nguyên Đồng Văn một cách toàn diện. Trong một số trường hợp, vì mặt bằng chật hẹp, không tiến hành đo đạc địa vật lý được, chỉ dựa vào tiêu chí cấu trúc địa chất, hoặc theo kinh nghiệm cũng khoan nước thành công.
Ở hồ Tả Lũng công trình của Sở NNPTNT Hà Giang và nhóm công tác của TSKH Cao Minh, trong đó có ông Bằng, tồn tại một mạch nước đã được các cô giáo sử dụng từ lâu và chúng tôi đã xây ở đây một bể bêtông, do chủ tịch xã giám sát, để tính lưu lượng. Như vậy nguồn nước ngầm ở khu vực này là có và đã được phát hiện.
Vậy xin hỏi ông Bằng có công tia và tia gì ở đây? Trong khi chúng tôi đang rất cần tăng tính hiệu quả tìm nước bằng phương pháp địa vật lý - TS Quýnh đặt câu hỏi. Rồi ông Quýnh thông tin thêm là ông Bằng có khoe với ông là có một máy tìm nước rất thần kỳ. Và ngay tại Mèo Vạc, ông đã trao đổi thẳng với ông Bằng rằng: "Chúng ta là các nhà khoa học, ông hãy cho chúng tôi biết nguyên lý máy, tính năng, công dụng và nước sản xuất, nếu thấy khả thi chúng ta sẽ tiến hành hợp đồng?".
Ông Bằng không nói gì trước đề nghị này.
Cần phải nói rằng, nhờ sự đầu tư của Chính phủ, đời sống đồng bào vùng cao hiện đã được nâng lên rất nhiều. Chúng ta không nên "văn học hoá" những điều trái với sự thật.
Tính khoa học ở đâu?
Chúng tôi xin bàn về tính phi khoa học của phương pháp "tia đất". Trong khoa học địa vật lý từ lâu đã tồn tại các khái niệm và thuật ngữ điện trường, từ trường, trường trọng lực, trường phóng xạ...; trong đó tồn tại một hệ thống thiết bị và phương pháp nghiên cứu trên cơ sở khoa học chuẩn mực, dựa vào đặc tính vật lý của đất đá tạo nên trái đất.
Một cách tiếp cận khác để nghiên cứu tự nhiên là sử dụng đặc tính của sóng điện từ và sóng đàn hồi, hay còn gọi là sóng địa chấn. Hai loại sóng này là hoàn toàn khác nhau và phục vụ vào các mục đích kỹ thuật khác nhau. Như sử dụng vận tốc sóng địa chấn để nghiên cứu cấu trúc trái đất, nghiên cứu động đất, sóng thần, nghiên cứu phân tập địa tầng địa chấn trong tìm kiếm thăm dò dầu khí. Sóng điện từ có một nguồn cấp vô tận từ mặt trời, và sử dụng giá trị phổ phản xạ của bước sóng trông thấy, cận hồng ngoại, hồng ngoại nhiệt, người ta xây dựng một ngành khoa học-công nghệ viễn thám rất hiệu quả để đánh giá tài nguyên rừng, tài nguyên đất, tài nguyên nước... và phục vụ chiến tranh.
Sóng điện từ còn có nguồn nhân tạo, do con người tạo ra để sử dụng như sóng rada hay tia rơnghen (X). Tia X có bước sóng 0,0001 micromet, trong khi đó tia rada có bước sóng 100.000 micromet, sóng "trông thấy" từ 0,4-0,7 và sóng vô tuyến là 100.000.000 micromet, phụ thuộc vào bước sóng, chúng có tính năng rất khác nhau.
Trên chương trình "Người đương thời", ông Bằng nói: Nguyên lý máy của ông cũng như rađa. Như vậy, máy của ông phải phát ra được sóng điện từ, và nguyên tắc đo là xung, có nghĩa là phát- thu-phát-thu. Nếu thế thì máy của ông chỗ nào chả quay vì tia bức xạ phản hồi. Cũng có thể, ở đây ông Bằng không hiểu gì về nguyên lý rada.
Thiết bị rađa mặt đất sản xuất ở nước ngoài, hiện nay ít ra cũng có giá 1 tỉ đồng và kèm theo phải có bộ ăngten có màn chắn 150 triệu đồng, nếu không các tín hiệu bức xạ thu được rất nhiễu, ngay máy tính có chức năng cao cũng không xử lý nổi.
Ở đây, ông Bằng đã quảng cáo thiết bị tự chế quá giới hạn thực tế mà thiết bị có khả năng mang lại, trên cơ sở tận dụng một số khái niệm khoa học không rõ ràng. Trong cuộc sống kỹ thuật hiện nay, môi trường sống nào chẳng đầy tia bức xạ do máy móc gây ra. Bức xạ mặt trời thì có khắp nơi, không có nó thì cuộc sống đã không tồn tại.
Nếu thiết bị của ông Bằng có tính năng cao như vậy, vừa tìm được hài cốt, vừa tìm được nước đến độ sâu 200m, nên đăng ký bản quyền phát minh và Bộ Khoa học và Công nghệ nên thẩm định trước khi cho ông Bằng bán thiết bị và quảng cáo "vô tiền khoáng hậu" như hiện nay và chỉ tạo ra những suy nghĩ mê tín dị đoan.
TSKH Phan Văn Quýnh - Hoàng Hữu Hiệp
__________________
KPK