Trong việc tìm hiểu số phận con người,hầu như ai cũng đã từng một lần nghe nhắc đến Lá Số Tử Vi.
Vậy Tử Vi Là Gì? Tử Vi mang hình ảnh một loài hoa màu tím. Từ ngàn xưa Khoa Chiêm Tinh Tướng Mệnh Đông Phương thường dùng loại hoa màu tím này để chiêm bốc. Ngoài ra Tử là Tím, còn Vi là Huyền Diệu. Với khoa Tử Vi Đẩu Số trong Chiêm Tinh các bậc học sĩ ngàn xưa có thể tiên đoán được những biến cố thăng trầm nói lên sự thành bại trong đời người.
Vào đời Tống, Trần Đoàn tức Hi Di Lão Tổ đã sắp xếp thành một hệ thống gồm những yếu tố có ảnh hưởng tốt, xấu đến đời người. Và những yếu tố này được biểu tượng bằng tên những ngôi sao, khởi đầu là sao Tử Vi. Từ đó Tử Vi đã trở thành một môn khoa học huyền bí vượt xa các bộ môn khác trong việc tiên đoán việc thọ yểu, sang hèn, giàu nghèo của kiếp nhân sinh.
Lá Số Tử Vi của mỗi người được thành lập dựa vào các yếu tố Năm, Tháng, Ngày và Giờ Sinh. Lá Số gồm mười bốn Chính Tinh cùng những phụ tinh mang bản sắc riêng biệt được an định trong 12 Cung trên một Thiên Bàn. Từ đó, người ta có thể luận đoán để tìm hiểu định mệnh của một đời người. Định mệnh đó như Thi Hào Nguyễn Du đã thốt ra trong tác phẩm Truyện Kiều:
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Tuy nhiên, khoa Tử Vi cũng chấp nhận có sự thay đổi vận mạng trong nỗ lực hướng thiện của cá nhân bằng sự thi ân bồi đức theo quan niệm "gieo nhân thì gặp quả", đúng với triết lý Phương Đông:
Xưa nay Nhân định thắng Thiên cũng nhiều.
Ngày xưa, khoa Tử Vi ở Việt Nam chỉ được phổ biến trong cung đình. Mãi sau này Tử Vi mới được truyền bá ra dân gian. Qua kinh nghiệm lâu đời cùng óc sáng tạo và cải tiến của Tổ Tiên ta, khoa Tử Vi ngày nay đã mang tính cách đặc thù của người Việt để thích hợp với địa phương, phong thổ cùng bản sắc của dân tộc, khác hẳn với bộ môn Tử Vi của người Trung Hoa.
Nghiên cứu Tử Vi là để "biết mình" và "biết người". Nhờ đó, ta có thể chọn được một thế ứng xử khôn ngoan, tùy thời để hành động chẳng khác gì công dụng của chiếc la bàn cho người đi biển. Điều đó cũng nói lên quan niệm: "Thuận Thiên Giả Tồn, Nghịch Thiên Giả Vong", phù hợp với lý Biến Dịch nhiệm mầu của Vũ Trụ.
Tôi chép bài này tại vietshare.com để mọi người cùng tìm hiểu thêm về nguồn gốc của tư vi. nếu ai biết nguồn gốc xuất phát khác của tư vi thì đưa lên hộ để mọi người cùng biết.