PHONG THỦY LẠC VIỆT VÀ VỊ TRÍ NGỒI NƠI LÀM VIỆC Thiên Đồng - Bùi Anh TuấnThành viên nghiên cứu Phong thủy Lạc Việt
Trung tâm Nghiên cứu Lý học Đông Phương.
Vị trí ngồi ngoài ý nghĩa tiện ích, tiện lợi cho công việc trong một không gian nhất định, còn thể hiện vị thế, năng lực và uy quyền của người ngồi, của cấp quản lý, của người chủ doanh nghiệp, của cấp lãnh đạo. Nhất là trong các cơ quan làm việc, công sở, doanh nghiệp, hội nghị…vị trí ngồi thể hiện tầm quan trọng của người ngồi. Tuy vậy ,một vị trí gọi là tốt theo quan niệm Phong thủy Lạc Việt không những giúp cho ngồi nơi ấy làm việc có hiệu quả tốt đẹp mà còn mang lại những thuận lợi, những phát triển trong vị thế công việc.
Như Thế Nào Là Vị Trí Tốt?
Vị trí tốt theo quan niệm của Phong thủy Lạc Việt, trước tiên là cần tránh những vị trí sau đây:
1.Ngồi đối diện cửa ra vào:
Người quản lý đối diện của ra vào thường sẽ chịu những áp lực trong công việc, bị động và chịu nhiều khó khăn trong công việc, hiệu quả kém.
2. Lưng hướng ra cửa phòng, cửa bên hông:
Kém hiệu quả và năng lực trong công việc, cấp dưới lấn lướt và thường chủ quan trong quyết định.
3. Cửa ra vào đâm hông:
Công việc nhiều rắc rối, chịu áp lực vô cớ, quyết định bộp chộp, hiệu quả công việc kém hay thời vụ.
4. Ngồi đối diện cửa toillette:
Người quản lý ngồi đối diện cửa toa lét thường có những quyết định sai lầm trong công việc và dễ thất bại trước đối tác.
5. Ngồi đối diện cửa thoát hiểm:
Sẽ không có những ý tưởng mới, quyết định sai lầm hay trì trệ trong hành động.
6. Sau lưng ngồi là cửa toillette:
Thường gặp thất bại về tài chính, công nợ không giải quyết được và vị thế trong công việc có nguy cơ lung lay.
7.Sau lưng ngồi là cửa thoát hiểm:
Dễ có ý tưởng biển thủ, hiệu quả công việc kém, không được lòng cấp dưới và vị thế thăng tiến gặp nhiều nguy cơ.
8.Sau lưng ngồi là cửa sổ.
Thường gặp những quyết định sai lầm, chịu nhiều áp lực hay kẻ tiểu nhân cản trở, dễ thất thế trong ngoại giao, thất bại với đối tác hay cạnh tranh.
9.Cửa toillette đâm hông:
Tài chính kém, người xấu dễ làm hại, cơ hội trong ngoại giao hay công việc dễ vuột mất, vị trí thăng tiến kém.
10.Cửa thoát hiểm đâm hông:
Cấp dưới dễ chống đối, công việc chịu nhiều áp lực và cơ hội thăng tiến kém.
11.Hai cửa hai bên tường sau:
Có thể gọi là "nhị quỷ trương khẩu" (hai quỷ há miệng). Hoàn toàn thất thế, sẽ là cấp quản lý hay lãnh đạo bù nhìn, thường quyết định sai lầm, năng lực kém và không tồn tại lâu trong vị thế đảm nhiệm, thuộc cấp coi khinh hay tiếm quyền.
12. Cửa phòng thông cửa hậu:
Hiệu quả công việc kém, không phát huy được năng lực cá nhân, nhân sự luôn bất ổn, biến động, luôn trong tình trạng đối phó với công việc, vị trí công việc dễ gặp nguy cơ.
13. Phòng làm việc có trần thấp:
Dầu cho vị trí ngồi tốt, nhưng trần nhà thấp cũng sẽ tạo ảnh hưởng xấu đối với người ngồi. Với vị trí ngồi như thế thì người ngồi không có sáng kiến năng động hay táo bạo, kém quyết đoán và thường ở "dưới cơ" đối với thuộc cấp hay đối tác trong công việc.
Vị Trí Lý Tưởng Theo Phong Thủy Lạc Việt
Vị trí lý tưởng cho cấp quản lý, người chủ hay cấp lãnh đạo ngoài việc tránh những sai phạm nêu trên thì phải là vị trí cát vượng, phía sau có tường dựa và nền sàn nơi ngồi hay phòng riêng phải cao hơn nền sàn chung ít nhất 3cm. Có thể nâng nền sàn cao hơn hoặc chỉ cần trải một thảm dầy và quan trọng hơn nữa là trần nhà phải cao thoáng hài hòa với không gian làm việc.
Vị trí góc chéo với cửa luôn là vị trí vượng cát, vị trí lý tưởng tạo mọi sự tốt lành theo quan niệm Phong thủy Lạc Việt.
Tóm lại:
Theo quan niệm Phong thủy Lạc Việt có nguồn gốc là Văn hiến Việt 5000 năm huyền vĩ, phong thủy cho vị trí ngồi là thể hiện quy luật tương tác mang hiệu quả tốt xấu với không gian và môi trường nhất định, tận dụng quy luật tương tác tốt phục vụ cho mục đích của con người là một cách hòa hợp với quy luật tự nhiên khách quan đầy uyển chuyển.
ngày 24 tháng 10 năm 2011
Thiên Đồng
Tham khảo:
- Phong thủy Lạc Việt, tg Nguyễn Vũ Tuấn Anh, lưu hành nội bộ.
- Hà Đồ trong văn minh Lạc Việt, tg Nguyễn Vũ Tuấn Anh, NXB Tổng Hợp TpHCM 2007
- Thời Hùng Vương qua truyền thuyết và huyền thoại, tg Nguyễn Vũ Tuấn Anh, NXB Tổng Hợp TpHCM 2003
- Tính minh triết trong tranh dân gian Việt Nam.