• Thông báo

    • Bá Kiến®

      Nội quy Lý Học Plaza

      Nội quy này là bản mở rộng Nội Quy - Quy định của Diễn đàn. Khi tham gia mua bán, các thành viên phải tuân theo những quy định sau: Tiêu đề bài viết: Bao gồm: Chỉ dẫn địa lý, Loại hình Mua/Bán, Thông tin mua bán.
      Chỉ dẫn địa lý: Tỉnh/thành nơi mua bán. Hoặc sử dụng định nghĩa có sẵn:TQ: Toàn quốc
      HCM: TP Hồ Chí Minh
      HN: Hà Nội
      [*]Ví dụ: HCM - Bán Vòng tay Hổ Phách ​Nội dung bài viết: Mô tả chi tiết sản phẩm mua/bán
      Bắt buộc phải có thông tin liên lạc, giá Mua/Bán
      Bài mới đăng chỉ được phép up sau 03 ngày.
      Thời gian up bài cho phép: 01 ngày 01 lần.
      Các hành vi vi phạm nội quy này sẽ bị xóa bài hoặc khóa tài khoản mà không cần báo trước.

Leaderboard


Popular Content

Showing most liked content on 21/04/2016 in all areas

  1. Quốc tế đã công nhận “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam” Thứ 5, 29/05/2014 | 11:27 GMT+7 Công hàm 1958 và vấn đề chủ quyền ở Hoàng Sa-Trường Sa Họp báo Bộ Ngoại giao: Xâm lược không thể sinh ra chủ quyền Trung Quốc “tự nhận” Hoàng Sa – Trường Sa là của mình? (Tinmoi.vn) Giá trị pháp lý về tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong Hội nghị San Francisco không những được khẳng định đối với các quốc gia tham dự mà còn đối với những quốc gia cũng như chính quyền không tham dự. Một số thông tin về Hội nghị San Francisco Từ ngày 5 – 8/9/1951 diễn ra một sự kiện quan trọng, đó là hội nghị được tổ chức tại San Francisco, California (Mỹ) giữa lực lượng Đồng minh và Nhật Bản. Hội nghị này có phái đoàn của 51 quốc gia tham dự để thảo luận về vấn đề chấm dứt chiến tranh tại châu Á - Thái Bình Dương và mở ra quan hệ với Nhật Bản thời hậu chiến. Trong hội nghị này, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân quốc không được mời tham dự do giữa Mỹ và Liên Xô không thống nhất được ai là người đại diện chính thức cho quyền lợi của Trung Hoa. Vấn đề chính được đưa ra thảo luận là dự thảo Hiệp ước Hòa bình giữa các nước trong phe Đồng minh với Nhật Bản do Anh - Mỹ đưa ra ngày 12/7/1951 nhằm chính thức kết thúc Thế chiến hai ở châu Á - Thái Bình Dương. Dưới thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân đại diện cho Việt Nam thực thi và bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa. Ngày 14/10/1950, Chính phủ Pháp chính thức chuyển giao cho Chính phủ Bảo Đại quyền quản lý quần đảo này. Thủ hiến Trung phần Việt Nam lúc bấy giờ là Phan Văn Giáo đã chủ tọa việc chuyển giao quyền hành quản lý quần đảo Hoàng Sa. Chính vì vậy, theo lời mời của Chính phủ Hoa Kỳ, với tư cách là thành viên của khối Liên hiệp Pháp, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Quốc gia Việt Nam (Chính phủ Bảo Đại) là Trần Văn Hữu đã tham dự Hội nghị San Francisco. Ông Trần Văn Hữu đã có một bài phát biểu quan trọng khẳng định chủ quyền Việt Nam tại hội nghị này. Quang cảnh hội nghị San Francisco năm 1951. Ảnh tư liệu. Ngày 8/9/1951, 48 quốc gia tham dự hội nghị đã ký một Hiệp ước Hòa bình (còn gọi là Hiệp ước San Francisco hay Hiệp ước Hòa bình San Francisco). Hiệp ước này đã chính thức chấm dứt Thế chiến hai ở Viễn Đông cũng như đánh dấu chấm hết cho sự tồn tại của chủ nghĩa quân phiệt Nhật. Các nước tham gia Hiệp ước ký tên: Cộng hòa Áchentia, Úc, Bỉ, Bôlivia, Braxin, Campuchia, Cannađa, Xâylan (nay là Srilanca), Chilê, Côlômbia, Costa Rica, Cuba, Cộng hòa Đôminica, Hy Lạp, Guatemala, Haiti, Honđurát, Inđônêxia, Iran, Irắc, Lào, Pakixtan, Panama, Paraguay, Pêru, Philíppin, Ecuađo, Ai Cập, Xanvađo, Êtiôpia, Pháp, Libăng, Libêria, Lúcxămbua, Mêhicô, Hà Lan, Nicaragoa, Na Uy, Arập Xêút, Xyri, Liên bang Nam Phi, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen, Hoa Kỳ, Urugoay, Vênêxuêla, Việt Nam (Chính phủ “Quốc gia Việt Nam” của Quốc trưởng Bảo Đại), Nhật Bản. Do những bất đồng nên Liên Xô, Tiệp Khắc, Ba Lan không tham gia ký kết Hiệp ước này. Trong Hiệp ước San Francisco, ở Điều 2, đoạn 7, ghi rõ: “Nhật Bản khước từ mọi chủ quyền và đòi hỏi đối với tất cả các lãnh thổ mà họ chiếm bằng vũ lực trong đệ nhị thế chiến, trong số đó có các đảo Trường Sa và Hoàng Sa”. Hiệp ước San Francisco bắt đầu có hiệu lực từ ngày 28/4/1952. Cộng đồng quốc tế công nhận chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa Trong khuôn khổ Hội nghị San Francisco,tham dự với tư cách là một thành viên chính thức, đoàn Việt Nam đã có những tuyên bố, phát biểu quan trọng. Theo đó, ngày 7/9/1951, tại Hội nghị San Francisco có sự tham dự đầy đủ của phái đoàn 51 quốc gia, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu của Chính phủ Bảo Đại đã long trọng tuyên bố, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam: “Chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”. “Chúng tôi cũng sẽ trình bày ngay đây những quan điểm mà chúng tôi yêu cầu Hội nghị ghi nhận (chứng nhận)... Và cũng vì cần phải thành thật lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”, ông Trần Văn Hữu phát biểu. Tuyên bố xác nhận chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của phái đoàn Việt Nam không hề gây ra một phản ứng chống đối hoặc yêu sách nào của 50 quốc gia còn lại tham dự Hội nghị. Thủ tướng Trần Văn Hữu của Chính phủ Bảo Đại đại diện cho phái đoàn Việt Nam kí Hiệp ước Hòa Bình San Francisco. Ảnh tư liệu. Tuyên bố của phái đoàn Quốc gia Việt Nam về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong Hội nghị mà không có sự phản đối nào của các nước tham gia cũng chính là sự thừa nhận của các nước Đồng Minh về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Hơn nữa, Điều 2 của Hiệp ước Hòa bình San Francisco có hiệu lực đã tái lập sự toàn vẹn lãnh thổ cho những quốc gia bị quân Nhật chiếm đóng trong Thế chiến hai. Do đó, việc Nhật Bản tuyên bố từ bỏ tất cả các quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cũng có nghĩa là Nhật Bản trả lại chủ quyền của hai quần đảo mà nước này chiếm đóng trong giai đoạn 1939 -1946 cho Việt Nam. Chủ quyền đối với hai quần đảo này do vậy, hiển nhiên thuộc về Việt Nam. Sau Hội nghị San Francisco, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn do lực lượng trú phòng của chính quyền Bảo Đại quản lý. Đến năm 1954, đất nước Việt Nam bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc, hai quần đảo này được đặt dưới sự quản lý hành chính của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Cộng đồng quốc tế bác bỏ đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc Như đã nói ở trên, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân quốc không được mời tham dự Hội nghị San Francisco. Trong phiên họp khoáng đại ngày 5/9/1951 của Hội nghị, đòi hỏi cho quyền lợi của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong Hội nghị San Francisco đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đã được phái đoàn Liên Xô nêu lên. Phát biểu trong phiên họp này, Ngoại trưởng Liên Xô Andrei A. Gromyko đã đưa ra đề nghị gồm 13 khoản tu chính để định hướng cho việc ký kết hòa ước thực sự với Nhật Bản. Trong đó có khoản tu chính liên quan đến việc: “Nhật nhìn nhận chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với đảo Hoàng Sa và những đảo xa hơn nữa dưới phía Nam”. Nhưng với 48 phiếu chống và 3 phiếu thuận, Hội nghị đã bác bỏ yêu cầu này của phái đoàn Liên Xô. Như vậy, cái gọi là danh nghĩa chủ quyền Trung Quốc đối với các quần đảo ngoài khơi Biển Đông đã bị cộng đồng quốc tế bác bỏ rõ ràng trong khuôn khổ của một hội nghị quốc tế. Về phía Trung Quốc, khi thấy bị gạt ra khỏi hội nghị, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã phản ứng bằng cách ra một số bản tuyên bố chính thức, đồng thời cho đăng các bài báo để lên án Mỹ về việc không mời Trung Quốc tham dự hội nghị để trình bày quan điểm của mình. Một trong những quan điểm này là đòi hỏi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc, nhưng Trung Quốc lại không đưa ra được một chi tiết nào để chứng minh chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này. Ngày 19/1/1974, Trung Quốc ngang nhiên cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, cũng như hiến chương Liên Hợp Quốc, Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 mà họ đã cam kết tôn trọng, và chứng thư sau cùng ngày 2/3/1973 của Hội nghị thế giới về Việt Nam mà Trung Quốc là một nước ký tên vào. Giá trị pháp lý của Hiệp ước San Francisco Theo nhiều chuyên gia luật, chuyên gia lịch sử, việc quốc gia Việt Nam dưới sự bảo trợ của Pháp, tham gia Hội nghị San Francisco và tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong chuỗi các sự kiện minh chứng cho sự xác lập chủ quyền từ sớm (về pháp lý cũng như sự chiếm hữu một cách hòa bình trên thực tế) đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được cộng đồng quốc tế công nhận. Ảnh minh họa. Giá trị pháp lý về tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa trong Hội nghị San Francisco không những được khẳng định đối với các quốc gia tham dự Hội nghị mà còn đối với những quốc gia cũng như chính quyền không tham dự Hội nghị bởi những ràng buộc của Tuyên cáo Cairo và Tuyên bố Potsdam. Việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa trong Hội nghị San Francisco là sự tái lập/tái khẳng định một tình thế đã có từ trước. Thêm nữa, Hội nghị Geneve năm 1954 bàn về việc chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương với sự tham gia của những quốc gia không có mặt tại Hội nghị San Francisco cũng đã tuyên bố cam kết tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Thạc sĩ luật Hoàng Việt – chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông – nhận định: “Hiệp ước Hòa bình San Francisco là một hiệp ước quốc tế được kí kết chính thức giữa 48/51 nước tham dự, trong đó có các cường quốc hàng đầu như Mỹ, Pháp, Anh… nên hoàn toàn có giá trị pháp lý. Hiệp ước này đã có hiệu lực từ năm 1952 nên các quốc gia trực tiếp kí kết hoặc không kí kết nhưng có ràng buộc liên quan bởi các hiệp định, tuyên bố khác phải tuân thủ”. Theo thạc sĩ Hoàng Việt, Hiệp ước San Francisco và nội dung quan trọng thể hiện sự công nhận của cộng đồng quốc tế về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được các cơ quan chức năng Việt Nam nắm rõ từ lâu. Các học giả, nhà nghiên cứu cũng đã có nhiều tìm hiểu, nghiên cứu về Hiệp ước này. “Tuyên bố của phái đoàn Quốc gia Việt Nam trong hội nghị San Francisco về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam tiếp tục đưa vấn đề tranh chấp ở hai quần đảo này ra các hội nghị, diễn đàn quốc tế. Vấn đề là thời điểm và cách thức đưa ra như thế nào cho hợp lý và đạt hiệu quả cao nhất. Đây cũng chỉ là một căn cứ trong hệ thống rất nhiều bằng chứng pháp lý, lịch sử khẳng định rõ chủ quyền lâu đời và không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, ông Việt nói. Duy Minh Nguồn : Người đưa tin
    1 like
  2. GS Lê Văn Lan: Khủng khiếp quá, may mà chưa chết ngạt Thứ ba, 19/04/2016 - 15:13 Nhà sử học, GS Lê Văn Lan tâm tư với Góc nhìn thẳng rằng, 10/3 không phải là ngày gốc giỗ Tổ Hùng Vương, không đáng để xảy ra cảnh xô đẩy nhau, khổ ải đến thế. >> Hơn triệu người về Đền Hùng hành lễ Giỗ Tổ >> Hàng ngàn người bất chấp nguy hiểm, băng rừng lên lễ Đền Hùng Biển người chen lấn, xô đẩy đến ngạt thở, khiến nhiều trẻ em và người già ngất xỉu ở lễ hội đền Hùng vừa qua đã tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề cần suy ngẫm về văn hóa lễ hội của người Việt. Chuyện mục Góc nhìn thẳng của báo điện tử VietNamNet đã có cuộc trao đổi với GS Lê Văn Lan nhìn nhận về câu chuyện này. Mời bạn đọc theo dõi cuộc trò chuyện tại clip dưới đây: Lễ hội Đền Hùng: Khủng khiếp quá, may mà chưa chết ngạt! Nhà báo Phạm Huyền: Thưa Giáo sư, ngày càng nhiều người dân Việt Nam hành hương về đền Hùng nhân ngày giỗ Tổ. Đây là nét đẹp văn hóa tâm linh đáng quý nhưng nhìn vào cảnh tượng hàng triệu người xô đẩy chen lấn nhau,người già, trẻ nhỏ ngất xỉu, lực lượng công an phải vào giải cứu, Giáo sư có suy ngẫm thế nào về những vấn đề xảy ra như vậy tại lễ hội đền Hùng? GS Lê Văn Lan:Tôi cho rằng, sở dĩ lễ hội đền Hùng năm nay đặc biệt hơn năm khác là đông quá thể, quá mức. Mấy chục năm trước, khi tôi còn là Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học về khu di tích này, cũng đã có tình trạng này rồi. Nhưng khi đó, quy mô, sự đông đúc theo công bố lúc đó chỉ từ ba chục vạn đến năm chục vạn người thôi. Bây giờ, quy mô lên tới con số hàng triệu thì khủng khiếp quá. Sự khủng khiếp này, trước tiên là do ý thức hội của những người đi hội bây giờ. Tôi nhớ đến bản sắc chỉ của vua Quang Trung ngày 16/2 năm Kỷ Dậu, vua Quang Trung đã gửi sắc chỉ này về cho chính làng Hy Cương (Xã Hy Cương, Tp Việt Trì, Phú Thọ- PV) ở dưới chân núi và dặn dò, hãy tổ chức lễ hội sao cho cẩn trọng. Đồng thời, việc tổ chức lễ hội phải nhằm đến mục đích "Giữ cho mạch nước vững bền, sông núi dài lâu". Đấy là ý nghĩa của việc làm lễ hội, đi lễ hội, hưởng thụ lễ hội ở đền Hùng. Công an phải giải cứu trẻ nhỏ thoát khỏi biển người đi lễ đền Hùng (ảnh: theo Trần Thường/VietNamNet) Tiếc rằng, chúng ta chưa làm cho mọi người đi lễ hội bây giờ thấm nhuần được ý thức hội khi đi đền Hùng là như thế. Cho nên, xen nhau, xô nhau, đẩy nhau, thậm chí có thể may quá mà chưa chết ngạt! Đường "choa", "choa" cứ đi và làm nên ý thức hội rất đáng quan ngại. Nhà báo Phạm Huyền: Rõ ràng, những khu di tích văn hóa lịch sử như đền Hùng dù có mở rộng đến đâu cũng không thể đáp ứng một lúc tới 5-7 triệu lượt người đến lễ một lúc. Số người đi lễ có thể còn tăng lên hàng triệu nữa vào những mùa lễ sau. Giáo sư có cho rằng, cứ phải đến tận nơi mới thể hiện được lòng biết ơn, sự thành kính với tổ tiên và được phù hộ độ trì, còn chiêm bái từ xa thì không thể hiện được, không linh? GS Lê Văn Lan: Chắc chắn, chúng ta sẽ phải có những biện pháp như giãn lễ hội ra. Không cứ phải đến đền Hùng mới trải lòng được với tổ tiên. Bây giờ, đã có kế hoạch do BộVăn hoá, thể thao và du lịch thực hiện là giãn cả những việc thờ cùng, đi lễ đền Hùng ra nhiều địa phương trên cả nước. Từ chỗ chỉ có một đền Hùng, bây giờ, chúng ta có hàng trăm nơi để đến ngày 10/3, mọi người giãn ra, có thể đến đó hành hương, gửi tấm lòng của mình cho tổ tiên, cho vận nước, cho quốc gia, cho dân tộc. Một điều mà khoa học đã lĩnh hội được mà chúng ta chưa làm cho mọi người biết, đó là hoàn toàn có thể giãn lễ hội đền Hùng không phải chỉ trên không gian mà cả về thời gian. Sự thực lịch sử như tấm bia ở trên đền Thượng ghi "Hùng Vương từ khảo", nói rất rõ, xưa kia, lễ hội đền Hùng mở vào mùa thu. Mùa thu mới là thời điểm, thời gian mở lễ hội gốc của văn hoá Việt. "Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3", ai cũng nói là câu này có từ ngàn xưa. Nhưng không phải vậy, chắc chắn là nó chưa có đầy 100 năm. Và ngày mùng 10 bây giờ rất linh thiêng, cả nước được nghỉ, là ngày Quốc lễ. Nhưng thực ra, nó chỉ bắt đầu có từ năm 1917 thôi. Cho nên, nếu chúng ta làm rõ được cho đồng bào chúng ta biết, ngày 10 là một thứ thời gian tình cờ táp vào đó thôi, không đáng để mà xô nhau, chịu tại nạn, khổ ải đến mức quá đông đúng như thế này. Nhà báo Phạm Huyền: Sự chia sẻ của Giáo sư rất đúng, nhưng những người dân làm sao nghe và hiểu được, bởi một bài báo không đủ, 100 bài báo cũng không đủ. Câu chuyện này có lẽ không phải chỉ nằm ở vai trò của mỗi tỉnh Phú Thọ mà còn là vai trò của các bộ. Giáo sư nghĩ sao về trách nhiệm của cá cBộ, ví dụ như Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch trong việc tổ chức một lễ hội như lễ hội đền Hùng cho văn minh, an toàn, thuận tiện cho những người hành hương? GS Lê Văn Lan: Không thể cứ để nguyên cho làng Hy Cương, thôn Cổ Tích ở đó lo liệu lễ hội nữa. Nhưng bây giờ, việc lo liệu lễ hội đó, các bộ, ban, ngành cũng đã có làm rồi, rất có ý thức, đã tận tuỵ nhưng lực bất tòng tâm. Vấn đề cơ bản là vấn đề tuyên truyền, huấn luyện. Tất cả tập trung lại, giới thiệu thành một phong trào, làm cho mọi người quán triệt càng sâu sắc, càng đúng đắn, càng tốt về ý thực hội. Một khi ý thức hội ở đây được thấm nhuần, được xác định cho rõ ràng thì người ta, từ quần áo, thái độ, cử chỉ đến việc tổ chức đám đông sẽ thành kính, thiêng liêng và trật tự. Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn sự chia sẻ bổ ích và những kiến nghị đầy tâm huyết của Giáo sư. Xin cảm ơn sự theo dõi của quý vị và hẹn gặp lại! Theo VietNamNet ======================== Quang cảnh dân chúng đi dự lễ Hội Đền Hùng năm nay lên Fb và nay là cả báo mạng chính thống. Nói chung là chê bai, cạnh khóe. Đại để nội dung như bài báo mà lão trích dẫn ở trên. Nhưng với cái nhìn của lão, lão thực sự khen ngợi lực lượng bảo vệ lễ hội đã không để xảy ra những cái chết oan khuất khi lễ Hội tiến hành. Tất nhiên, lão có lý do của lão. Chúng ta hãy nhìn ra thế giới với những lễ hội tương tự: Như lễ hội Té nước ở Thái Lan ngay gần đây, Lễ hội hành hương về thánh địa Merca ở Arap, lễ hội hành hương tắm nước sông Hằng của Ấn Độ.....Trong những lễ hội này, thường xuyên họ đè nhau bẹp ruột và sấp xỉ - ít thì vài trăm, nhiều cả nghìn người thương vong. Nay tại lễ hội đền Hùng năm nay, hàng triệu người về viếng tổ tiên, nhưng không hề xảy ra trường hợp đáng tiếc nào. Những người bảo vệ lễ hội - gồm công an,dân phòng và bảo vệ tại chỗ...đã giải quyết rất thông minh và quyết đoán , khi họ bế những cháu nhỏ tập trung vào một chỗ để phụ huynh tìm đến sau khi điều kiện thuận lợi. Sau ngày lễ Hội, không có đưa trẻ nào bị lạc, không có cái chết thương tâm nào xảy ra. Bởi vậy cần khen ngợi lực lượng bảo vệ đã làm rất tốt và xử lý thông minh các sự cố diễn biến trong lễ hội. Điều mà lão quan tâm trong lễ Hội giỗ Tổ này, chính là vẫn có những biểu tượng mô tả thời Hùng Vương, dân ta "Ở trần đóng khố" và quan trọng hơn cả là những lập luận xuyên tạc lịch sử của chính ngay giáo sư Lê Văn Lan. Chúng ta hãy xem ông ta phát biểu: Đây là sự xuyên tạc lịch sử trắng trợn, nhằm giảm giá trị và xuyên tạc văn hóa sử truyền thống của dân tộc Việt. Ông Lê Văn Lan chính là người cầm kiến nghị thay mặt "hầu hết những nhà khoa học trong nước" kiến nghị sửa đổi lời nói đầu của hiến pháp - Từ hơn 4000 năm lịch sử " xuống còn "mấy ngàn năm lịch sử". Lão thách đố "hầu hết những nhà khoa học trong nước" chứng minh công khai được rằng: Giỗ tổ Hùng Vương không phải mùng 10/ 3. Các người - "hầu hết những nhà khoa học trong nước" - đã làm được cái điều gì kể từ khi phủ nhận cội nguồn truyền thống Việt sử từ 1992 đến nay? Hay kết quả của nó là môn Sử Việt thật là thảm hại trong nhà trường và từ đó ảnh hưởng đến cả nền giáo dục Việt.
    1 like
  3. Ý NGHĨA CỦA NGÀY GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG & NỀN VĂN MINH ĐÔNG PHƯƠNG. Bài trên Fb của Thien Su Lac Viet Thưa các bạn. Ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10/ 3 là một trong những ngày lễ lớn trong tâm khảm của mỗi con người Việt Nam. Ngày giỗ Tổ Hùng Vương ăn sâu vào dòng máu Việt và như thôi thúc con người Việt hướng về ngày giỗ Tổ. Những ghi chép lịch sử đã xác định rằng: Ngay sau khi giành được chính quyền ngày 19/ 8 1945, Chủ Tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa là Ngài Hồ Chí Minh, đã cử Phó Chủ Tịch nước là Ngài Huỳnh Thúc Kháng đem một tấm bản đồ nước Việt và một bộ ấn kiếm dâng lên Chư Tổ Hùng Vương ở đền thờ vua Hùng Phú Thọ, khẳng định quyết tâm gìn giữ giang sơn do tổ tiên để lại. Sau ngày Đại Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà nội, tôi và một số người bạn đã lên Đền Hùng Phú Thọ lễ tạ. Do khí lực suy kiệt vì dồn hết thần lực trong những ngày canh mưa của thời gian Đại Lễ, sức khỏe không tốt, nên tôi chỉ lên đến Đền Hạ và nghỉ ở đó. Trời sẩm tối và mưa nhỏ. Các bạn tôi cầm ô để leo lên đền Thượng. Tôi đã nói: "Các bạn không cần phải cầm ô theo. Tôi bảo đảm tạnh mưa ngay bây giờ!". Các bạn tôi vẫn đem ô theo, để làm.... gậy chống. Vì mưa tạnh ngay sau đó, như lời tiên đoán của tôi. Khi lên đến Đền Thượng, các bạn tôi đã được vị thủ từ cho xem thanh kiếm, cái ấn và bản đồ Việt của cụ Huỳnh Thúc Kháng dâng lên chư tổ Hùng Vương. Sở dĩ tôi phải viết thêm những dòng này, trước khi mô tả về ý nghĩa của ngày Giổ Tổ Hùng Vương trong nền văn minh Đông phương, vì có vài ý kiến cho rằng: "Việc Ngài Hồ Chí Minh cử Ngài Huỳnh Thúc Kháng dâng ấn, kiếm và bản đồ Việt lên anh linh tổ tiên là không thật". Cho nên, dù không tận mắt nhìn thấy, nhưng tôi phải xác định rằng: Đây là một sự kiện lịch sử có thật. Qua sự kiện này cho thấy, ngay những ngày đầu tiên hưng quốc sau 100 năm đô hộ của Pháp, vị lãnh đạo tối cao và là khai quốc công thần số một, là Ngài Hồ Chí Minh, đã nghĩ ngay đến anh linh tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Sau ngày chiến thắng quân đội Pháp, Ngài Hồ Chí Minh cũng ngồi ngay tại Đền Hùng Phú Thọ, phát biểu một câu nổi tiếng: "Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước". Thưa các bạn. Những sự kiện lịch sử trên, đã xác định sự hướng về cội nguồn của tất cả những con người Việt từ lãnh tụ tối cao, cho đến mọi người dân Việt. Là người Việt Nam, dù mang bất cứ quốc tịch nào, theo tôn giáo, tín ngưỡng nào, quan điểm chính trị nào, nhưng nếu muốn xác định cội nguồn dân tộc của mình, đều phải hướng tới ngày giỗ Tổ Hùng Vương, như một bằng chứng của giống nòi xuất thân. Bởi vậy, ngày giỗ Tổ Hùng Vương có một ý nghĩa thiêng liêng đặc biệt. Nó vượt xa mọi tôn giáo, tín ngưỡng đối với người Việt. Nó không phải là một tín ngưỡng - như một đề xuất công nhận di sản văn hóa Việt Nam đối với Liên Hiệp Quốc - mà là bằng chứng cội nguồn của giống nòi Việt. Do đó, giáo sư linh mục Thiên Chúa giáo Lương Kim Định - một tôn giáo chỉ xác định thờ Chúa Jesu và không mặn mà lắm với việc thờ cúng tổ tiên - đã nhận thấy sai lầm của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trong việc tìm về cội nguồn Việt tộc. Và ông đã cố gắng hết sức mình chứng minh những giá trị minh triết Việt từ cội nguồn Việt trên đất nước Văn Lang. Nhưng ông đã không thành công. Những công trình nghiên cứu của ông chỉ mang tính định hướng về sự huyền vĩ của cội nguồn Việt tộc. Nhưng những luận cứ của ông chưa đủ sức thuyết phục để chứng minh điều này. Tuy nhiên, là một người miệt mài tìm về cội nguồn Việt tộc đã 18 năm nay, tôi xác định rằng: giáo sư linh mục Lương Kim Định là người đầu tiên đã đặt vấn đề về sự huyền vĩ của nền văn hiến Việt trong những giá trị của văn minh Đông phương. Nhưng tôi cũng cần phải xác định rằng: Hệ thống luận cứ của tôi chứng minh sự huyền vĩ của nền văn hiến Việt, hoàn toàn không phải bắt nguồn, hay chịu ảnh hưởng từ giáo sư Lương Kim Định. Mà nó hoàn toàn độc lập với những phương pháp chứng minh khác hẳn. Tôi là một chứng nhân khách quan của giáo sư Lương Kim Định trong học thuật, chứ không phải là người tiếp nối phát triển hệ thống luận cứ của ông. Thưa các bạn. Một trong những giá trị của nền văn minh Đông phương huyền vĩ, nằm ngay trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương của nền văn hiến Việt, mà tôi sẽ trình bày với các bạn sau đây. Thưa các bạn. Đã có nhiều ý kiến trên Fb và các trang mạng xã hội, trên web, kể cả những web nhân danh khoa học như khoahoc.tv...đã đặt nhiều vấn đề về ngày giỗ tổ 10/ 3 xuất phát từ nguyên nhân nào? Họ đặt vấn đề có 18 chư tổ thời Hùng Vương, tại sao lại chỉ có một ngày giỗ? Hoặc ngày 10/ 3 là ngày mất của vi Tổ nào trong 18 Chư Tổ Hùng Vương? Họ dẫn chứng những tư liệu lịch sử để chứng minh ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10/ 3 chỉ bắt đầu từ thời vua Khải Định, rằng trước đó ngày giỗ tổ là ngày 11, hay mùng 9..vv... Các bạn có thể xem bài viết trong đường link này, để thấy được một trong những sự thắc mắc của tha nhân với ngày giỗ tổ Hùng Vương, mùng 10/ 3. http://khoahoc.tv/co-18-doi-vua-hung-vay-103-la-gio-vi-vua-… Thưa các bạn. Ngày giỗ Tổ Hùng Vương không phải là ngày mất của bất cứ vị vua lập quốc nào của Việt tộc. Việt sử trải hơn 1000 năm Bắc thuộc, cho nên sau đó cũng chỉ được nhắc tới năm lập Quốc theo lịch Thái Ất: "Năm thứ 8 - Nhâm Tuất, vận VII, Hội Ngọ - tức năm 2879 trc CN". Thậm chí không còn tư liệu cho biết ngày tháng nào trong năm đó, là ngày vị vua Hùng đầu tiên tuyên ngôn lập quốc. Vâng! Như vậy làm sao có thể ghi nhận ngày sinh, hay ngày mất của vị vua đầu tiên, hay một vị vua nào đó trong chư tổ các thời Hùng Vương?! Bởi vậy, việc đặt vấn đề: ngày 10/ 3 là ngày giỗ (Ngày mất) của vị vua nào trong 18 chư tổ của 18 thời Hùng Vương chỉ là một nhận thức mang tính giới hạn, do bị chấp vào một nghi lễ của Việt tộc thờ và giỗ người đã khuất sau khi mất, khi các văn bản mô tả liên quan sau hàng ngàn năm thăng trầm sử Việt cũng không còn. Cũng không thể chấp vào một cái văn bản từ thời Khải Định xác định ngày giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày mùng 10/ 3 để cho rằng: Ngày giỗ Tổ bắt đầu từ Khải Định năm thứ nhất (tôi sẽ phân tích rõ hơn vấn đề này dưới đây). Cũng không thể căn cứ vào vài tục lệ - tùy theo thời gian và vùng miền - mà cho rằng có nơi lấy ngày mùng 9/ 3; có nơi lấy ngày 11/ 3 để hoài nghi ngày giỗ Tổ mùng 10 / 3. Bởi vì, trong phong tục cúng giỗ của Việt tộc với một người - có ngày mất cụ thể - thì có nơi bớt một ngày, lấy ngày trước ngày mất làm ngày giỗ; có nơi thêm một ngày, lấy ngày sau ngày mất làm ngày giỗ. Cho nên với hàng ngàn năm thăng trầm của Việt sử, ý nghĩa đích thực của ngày giỗ Tổ đã mất đi, và thế gian chấp vào ngày gọi là "giỗ" để bàn tán một cách cục bộ và sai lầm về vấn đề: đó có phải là ngày mất của vị vua nào và nó có từ bao giờ? Thực ra, ngày giỗ Tổ mùng 10/ 3 hoàn toàn không phải là ngày mất của bất cứ một vị vua nào trong lịch sử thời Hùng Vương. Mà ngược lại. Đây chính là biểu tượng của một đồ hình nổi tiếng trong Lý học Đông phương, nguyên lý căn để của thuyết Âm dương Ngũ hành, một học thuyết làm chủ đạo chi phối mọi quan hệ xã hội của nền văn hiến Việt, cội nguồn đích thực của nền văn minh Đông phương. Thưa các bạn. Như tôi đã trình bày với các bạn: Ngày mùng 10/ 3 thực chất là con số của Trung cung một đồ hình nổi tiếng của nền văn minh Đông phương, quen gọi là "Hà Đồ". Có hai đồ hình Hà Đồ. 1/ Là Hà Đồ điểm gồm 55 chấm đen trắng, trong đó có 30 chấm đen và 25 chấm trắng. Chấm trắng thuộc Dương và chấm đen thuộc Âm. 2/ Là Hà Đồ cửu cung, trong đó mô tả rõ Trung cung (ô ở giữa) màu vàng và ghi độ số 5/ 10. ĐỒ HÌNH HÀ ĐỒ ĐIỂM VÀ HÀ ĐỒ CỬU CUNG Hai đồ hình Hà Đồ này chỉ mô tả một nội dung là độ số ở các phương vị. Theo cổ thư chữ Hán thì do vua Phục Hy (khoảng 6000 năm cách ngày nay), đi tuần ở trên sông Hoàng Hà. Ngài thấy một con long mã nổi lên, trên lưng có các vòng xoáy. Từ những vòng xoáy này, Ngài nghĩ ra đồ hình Hà Đồ điểm và từ đó lập ra Tiên Thiên Bát quái trên cơ sở đồ hình Hà Đồ này. Truyền thuyết Trung Hoa thì ghi nhận như vậy, nhưng phải đến 5000 năm sau đó, tức 1000 năm cách ngày nay, đồ hình Hà Đồ mới được công bố vào cuối đời Tống. Trong tất cả các phương pháp ứng dụng liên quan đến Dịch học và thuyết Âm Dương Ngũ hành trong các bản văn chữ Hán cổ kim, đồ hình Hà Đồ không được thể hiện tính ứng dụng. Trong cuốn sách đã xuất bản: "Hà đồ trong văn minh Lạc Việt" (Nxb Tổng Hợp T/p HCM 2006), tôi đã chứng minh với bạn đọc rằng: Chính đồ hình "Hà đồ phối với Hậu Thiên Lạc Việt", mới là nguyên lý căn để của tất cả mọi hệ thống ứng dụng, chứ không phải "Lạc thư phối Hậu Thiên Văn Vương", như các bản văn cổ kim chữ Hán thể hiện. Trên cơ sở này, tôi đã hệ thống hóa, một cách nhất quán và hoàn chỉnh, toàn bộ các ngành ứng dụng của Lý học Đông phương liên quan đến thuyết Âm Dương Ngũ hành, như: Phong thủy, Tử Vi, Đông Y...Và đó cũng là cơ sở để tôi xác định bảng "Lục thập hoa giáp" của Tàu đã sai, từ đó hiệu chỉnh thành Lạc thư hoa giáp với sự đổi chỗ Thủy Hỏa, gây tranh luận nhiều năm trên các diễn đàn. Với tất cả những điều kiện đã xác định trên - tôi đã chứng minh rằng: Thuyết Âm Dương Ngũ hành là một hệ thống lý thuyết vũ trụ và nhân sinh quan, mô tả toàn bộ lịch sử hình thành vũ trụ, từ khởi nguyên đến mọi sự vận đông có quy luật, tương tác, đã tạo nên cuộc sống, xã hội và con người trên trái Đất hiện nay với khả năng tiên tri. Và đây chính là lý thuyết thống nhất vũ trụ mà nhân loại đang mơ ước. Vì là một lý thuyết, nên nó phải có một hệ thống cấu trúc hợp lý lý thuyết phù hợp với tiêu chí khoa học cho một lý thuyết khoa học được là đúng. Thuyết Âm Dương Ngũ hành với nguyên lý căn để "Hà Đồ phối Hậu thiên Lạc Việt", hoàn toàn phù hợp với tiêu chí này. Không chỉ dừng lại ở đó, nó còn hoàn toàn phù hợp với tiêu chí khoa học của một lý thuyết thống nhất vũ trụ. Tất cả những giá trị đích thực của thuyết Âm Dương Ngũ hành, đã được hiệu chỉnh và phục hồi từ những di sản văn hóa truyền thống Việt, nhân danh nền văn hiến Việt và thuộc về nền văn hiến Việt: Cội nguồn đích thực của nền văn minh Đông phương huyền vĩ. Tôi đã chứng minh điều này với sự tổng hợp từ những luận điểm được chứng tỏ từ nhiều cuốn sách xuất bản trước đó và các bài viết trên web lyhocdongphuong.org.vn. Thưa các bạn. Tất cả mọi luận cứ mang tính hệ thống, hoàn chỉnh và chặt chẽ ấy, đã xác định rằng: Việt sử trải gần 5000 năm văn hiến, một thời huyền vĩ bên bờ nam sông Dương Tử là chủ nhân đích thực của nền văn minh Đông phương. Chính nền văn hiến Việt huyền vĩ ấy, đã lấy học thuyết Âm Dương Ngũ hành làm một lý thuyết chủ đạo trong hình thái ý thức của thượng tầng kiến trúc xã hội và chi phối toàn bộ mọi quan hệ xã hội; từ sự hoạch định chính sách, chỉ đạo quốc gia, tổ chức xã hội...cho đến cả sinh hoạt đời sống xã hội và từng con người. Nó cũng chi phối đến cả sự hình thành một ngôn ngữ cao cấp nhất thế giới văn minh cho đến tận ngày hôm nay, đó là ngôn ngữ Việt. Thưa các bạn. Do đó, ngày giỗ tổ Hùng Vương mùng 10/ 3 không phải là ngày mất của bất cứ vị vua Hùng nào trong 18 thời đại các vua Hùng, kéo dài 2622 năm; mà là một con số tiêu biểu cho hệ thống tri thức huyền vĩ của nền văn hiến Việt, nhằm nhắc nhở và tôn vinh nền văn hiến Việt, một thời huyền vĩ bên bờ nam sông Dương Tử. Đó chính là độ số 5 - 10 của Trung cung Hà Đồ, nguyên lý căn để chi phối toàn bộ mọi tri thức ứng dụng của nền văn minh Đông phương huyền vĩ. Nền văn minh này đã bị hủy diệt, nên khi dùng cốt lõi căn bản trong nguyên lý của nó là con số của Trung cung Hà Đồ làm ngày giỗ Tổ, tổ tiên ta đã muốn nhắc nhở con cháu về một nền văn minh huyền vĩ, do tổ tiên tạo lập từ cội nguồn là quốc gia Văn Lang bên bờ nam sông Dương tử. Hy vọng rằng đời sau sẽ phục dựng lại những giá trị huyền vĩ của nó. Thưa các bạn. Trong một lời nguyền ghi ở Kim Tự Tháp Keof, vị Pharaon đã nhắc nhở: "Ta sẽ quay lại với các người". Nhà tiên tri vĩ đại người Ba Lan cũng phát biểu: "Một lý thuyết cổ xưa sẽ quay trở lại với nhân loại". Chỉ có thuyết Âm Dương Ngũ hành nhân danh nền văn hiến Việt, mới chính là ứng cử viên duy nhất cho lời tiên tri của bà Vanga. Ngày giỗ Tổ các vua Hùng mùng 10/ 3 chính là sự nhắc nhở đến các thế hệ Việt về cội nguồn giá trị của một nền văn Việt, một thời huyền vĩ ở bờ Nam sông Dương Tử , từ gần 5000 năm trước. Cảm ơn sự chia sẻ và quan tâm của các bạn.
    1 like