Những sản phẩm làm giả độc hại chỉ có ở Trung Quốc
Thùy Nguyễn
soha.vn
18/03/2015 09:59
Dùng nhựa tổng hợp làm thành gạo, trộn hóa chất vào thịt, chất tẩy rửa với đậu phụ, phoóc môn với tiết lợn... là những chiêu làm giả hàng hóa có một không hai ở Trung Quốc.
Gạo giả:
Theo Listverse, gạo giả Trung Quốc còn được gọi là gạo nhựa, làm từ khoai tây, khoai lang và nhựa tổng hợp.
Sau khi nấu, gạo vẫn cứng, rất khó tiêu hóa và độc hại. Ăn 3 bát gạo này tương đương với việc hấp thụ một túi nilon.
Ngoài việc làm giả, những người bán hàng còn thêm hương liệu vào gạo thường, để biến chúng thành gạo Wuchang - loại có giá cao trên thị trường. Mỗi năm có hơn 9 tấn gạo Wuchang giả được bán ra.
Thịt giả:
Người bán hàng Trung Quốc trộn hóa chất vào thịt chuột, chồn, cáo để làm giả thịt cừu.
Chỉ trong 3 tháng, cảnh sát đã bắt hơn 900 người và thu khoảng 20.000 tấn thịt làm giả.
Trong số này có một người đàn ông tên Wei thu hơn 1 triệu bảng Anh từ việc buôn thịt giả.
Cảnh sát Trung Quốc còn cho đăng tải một video hướng dẫn người dân phân biệt thịt cừu thật và giả trên trang web Sina Weibo.
Đậu phụ trộn hóa chất:
Chính quyền Trung Quốc mới đây đã đóng cửa 2 nhà máy ở Vũ Hán, Hồ Bắc vì tội trộn hóa chất làm đậu phụ giả.
Một công nhân thú nhận rằng, họ trộn đạm đậu nành với bột mì, bột ngọt, bột màu và nước đá để làm đậu phụ giả, rồi đóng gói và bán với nhãn mác của một công ty sản xuất đậu thật.
Một kiểu làm đậu phụ giả nguy hiểm hơn là trộn với chất tẩy rongalite, loại hóa chất gây đau đầu, nôn mửa và dẫn tới ung thư, vốn bị cấm trong chế biến thực phẩm.
Tiết vịt giả:
Tiết vịt được chế biến bằng cách lấy tiết trâu hoặc tiết lợn trộn phoóc môn. Giới chức Trung Quốc từng phá một đường dây làm tiết vịt giả ở tỉnh Giang Tô, thu 1 tấn tiết giả.
Chúng trộn tiết gà với phẩm màu và hóa chất dùng trong in ấn để làm tiết vịt.
Mật ong giả:
Có 2 loại mật ong giả, một là loại lẫn tạp chất như xi rô đường, xi rô củ cải đỏ, xi rô gạo. Hai là loại được làm từ nước, đường, phèn và chất tạo màu.
Một kg mật ong giả được làm với giá 1,6 USD và có thể bán ra với giá 9,5 USD. Khoảng 70% mật ong bán ở tỉnh Tế Nam là giả.
Nước đóng chai nhiễm bẩn:
Cảnh sát mới phát hiện một kiểu làm giả nước đóng chai. Nước máy được xử lý sơ qua rồi dán nhãn mác chất lượng của các công ty nước đóng chai thật.
Các chai nước giả này có chứa E coli và nhiều loại nấm độc. Hơn 100 triệu chai nước giả được bán mỗi năm, lợi nhuận khoảng 120 triệu USD.
Mì thối:
Mì giả của Trung Quốc được làm từ các loại hạt thối, mốc, sử dụng làm thức ăn gia súc. Các loại hạt này được trộn với các chất phụ gia gây ung thư như sulfur dioxide để chế biến mì.
Ngoài ra, người ta còn dùng gạo hỏng tẩy trắng và trộn hóa chất để làm tăng trọng lượng mì lên 3 lần. Lợn được cho ăn mì giả này thường bị yếu chân và mắc một số bệnh khác.
Thịt có chất tạo nạc:
Clenbuterol, hay còn gọi là chất tạo nạc, là chất phụ gia trong thức ăn gia súc. Chất tạo nạc bị cấm năm 2002, vì nguy hiểm cho sức khỏe.
Tuy nhiên, một số công ty sản xuất, kinh doanh thịt gia súc vẫn cho lợn ăn, trong đó có công ty đầu tư phát triển Henan Shuanghui, một trong những nhà cung cấp thịt lớn nhất Trung Quốc.
2.000 tấn thịt lợn của công ty này bị thu hồi, 24 nhân viên bị sa thải.
Từ năm 1998-2007, Trung Quốc chứng kiến 18 vụ sử dụng chất tạo nạc, trong đó 1 người chết và 1.700 người mắc bệnh.
Cua giả:
Cua lông bắt ở hồ Yangcheng là loại đắt nhất ở Trung Quốc. Hải sản này được làm giả bằng cách lấy cua thường, đổ nước hồ Yangcheng trong vài giờ và sử dụng hóa chất để làm chúng trông giống như thật.
Cứ 300 con cua Yangcheng trên thị trường thì mới có 1 con thật.