Tư Mã Đức Tháo và Gia Cát Lượng
Lão Gàn
Tư Mã Đức Tháo là một nhân vật không đóng vai trò gì trong lịch sử hình thành tam quốc. Ông ta chỉ như một nhân vật đệm xuất kiện mờ nhạt bên cạnh những nhân vật nổi tiếng trong Tam Quốc chí. Cho nên các bình luận gia của nhiều thời đại, chẳng ai nói một chữ nào về nhân vật này.
Thật tội nghiệp Tư Mã Đức Tháo. Chẳng ai buồn nhắc tới một tay dở hơi, lại có vẻ như bị tâm thần ở đất Kinh Châu này. Người ta thích bình luận những nhân vật nổi tiếng như Gia Cát Lượng, Tào Tháo, Lưu Bị, Quách Gia; tệ lắm thì cũng Chu Du, Lục Tốn, Triệu Tử Long, Quan Vân Trường.... cho nó oai. Những bình luận gia từ Mao Tôn Cương, Kim Thánh Thán....cả vài trăm năm nay, thường phán theo kiểu "Chẳng phải tay ông", khen chê đủ điều. Nhưng riêng Lão Gàn thì lại thích Tư Mã Đức Tháo còn hơn cả Gia Cát Lượng.
Tư Mã Đức Tháo xuất hiện chỉ hai lần trong toàn bộ cuốn Tam Quốc Chí. Lần thứ nhất là khi Lưu Bị vượt thoát khỏi suối Đàn Khê, lang thang tình cờ đến nhà của Tư Mã Đức Tháo. Lúc ấy ông ta đang chơi đàn. Chợt đàn nẩy lên tiếng cao, ông ta biết tất có anh hùng nghe trộm. Đấy là một trong những lý uyên thâm của Lý hoc Việt (Kinh Châu thuộc Nam Dương Tử, đất của Văn Lang xưa). Nên khi tiếp Lưu Bị, ông ta tỏ ra ân cần chu đáo và đã giới thiệu với Lưu Bị Phục Long và Phụng Sồ, chỉ cần một trong hai người là đủ định thiên hạ. Khi được hỏi Phục Long và Phương Sồ là ai thì ông ta không nói, mà chỉ cười: "Được! Được!". Thật đúng là lão dở hơi. Lưu Bị mời ông ta ra giúp. Ông từ chối. Gàn bát sách.
Lần thứ hai là khi Lưu Bị cùng Quan Vân Trường, Trương Phi đang chuẩn bị khăn gói quả mướp đến Ngọa Long Sơn thỉnh Khổng Minh làm quân sư cho mình thì Tư Mã Đức Tháo đến chơi. Khi biết Lưu Bị có ý đi thỉnh Khổng Minh, ông ta hỏi: "Sao biết Khổng Minh mà đi thỉnh?". Lưu Bị trả lời: "Từ Thứ nói!". Tư Mã Đức Tháo phàn nàn - đại ý: "Từ Thứ biến thì biến mựa nó đi, còn giới thiệu Khổng Minh làm gì cho khổ hắn ta ra". Lưu Bị phàn nàn: "Sao tiên sinh nói vậy?". Tư mã Đức Tháo không trả lời từ biệt ra về. Ra đến sảnh đường, Tư Mã Đức Thảo ngửa mặt lên trời mà than rằng: "Khổng Minh tuy gặp chủ, nhưng không gặp thời. Thật tiếc lắm thay!".
Tư Mã Đức Tháo chỉ xuất hiện có hai lần ngắn ngủi trong Tam Quốc Chi. Cũng có người "zdăng ghọc" nhắc đến ông ta thì cũng chỉ coi như là một nhân vật đệm, để giới thiệu một kỳ nhân xúc sắc là Gia Cát Lượng, quậy tưng lịch sử Tam Quốc sau đó.
Nhưng với Lão Gàn từ góc nhìn Lý học thì vấn đề không đơn giản như vậy.
Nếu xét về cấu trúc tập truyện thì đây chính là nhân vật xác định chủ đề xuyên suốt của Tam Quốc Chí. Nếu xét về Lý học thì đây chính là người được mô tả tuy chỉ vài nét đơn sơ , nhưng là bậc thầy về Lý học.
Trong các tích truyện cổ của Tàu và cả của ta, khi mở đầu câu truyên cũng có một câu mô tả tính minh triết, hoặc triết lý mở đầu. Và sau đó toàn bộ câu truyện minh họa cho chủ đề mang tính triết lý , hoặc minh triết đó. Ví dụ như trong truyện Kiều:
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau
Sau đó là toàn bộ câu truyên minh hoa cho tính triết lý của chủ đề này. Tương tự như vậy, Tam Quốc chí cũng có đoạn mở đầu như sau:
Thế lớn trong thiên hạ, tan lâu tất phải hợp, hợp lâu tất phải tan.
Toàn bộ câu chuyện Tam Quốc Chi với nhiều diễn biến phức tạp, hấp dẫn, nhưng tất cả đều minh chứng cho tính minh triết trên. Câu "Ngọa Long tuy gặp chủ, nhưng không gặp thời" của Tư Mã Đức Tháo chính là nhắc lại chủ để trên. Mọi sự kiện và con người với đủ thể loại quay cuồng trong Tam Quốc Chi đều dẫn đến một thực tế cuối cùng: "Tan lâu tất phải hợp" - thiên hạ thống nhất bởi nhà Tấn.
Cho nên câu của Tư Mã Đức Tháo đã chứng tỏ sự hiểu biết vượt trôi của ông về lý học. Và thực tế đã chứng tỏ rằng: cho dù Khổng Minh tài năng khuynh quốc, nhưng cuối cùng cũng ngậm ngùi ở gò Ngũ Trượng với sự nghiệp còn dang dở, thúc thủ trước một Tư Mã Ý tầm thường, nhưng đủ khôn ngoan để cản trở sự nghiệp của ông.
Khổng Minh tuy tài năng thật, nhưng theo Lão Gàn thì chiều sâu Lý học không bằng Tư Mã Đức Tháo là vậy.
Ấy là Lão Gàn thấy thế, nên chém gió ở đây vậy.