Vì sao Nguyễn Mạnh Tường thoát tội “Giết người”?
Thứ Sáu, 17/01/2014 - 15:06
(Dân trí) - Theo lý luận của luật sư, Cơ quan Cảnh sát điều tra không khởi tố Nguyễn Mạnh Tường tội “Giết người” là phù hợp với những diễn biến khách quan của vụ án.
>> Giám đốc thẩm mỹ viện Cát Tường bị đề nghị truy tố
Như Dân trí đã đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Hà Nội đã hoàn tất bản kết luận điều tra vụ án “bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường và đồng phạm vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác; xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt; trộm cắp tài sản” xảy tại Thẩm mỹ viện Cát Tường.
Cơ quan điều tra đề nghị Viện KSND truy tố Nguyễn Mạnh Tường về tội “Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo điều 242 BLHS và tội “Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt” theo điều 246 BLHS. Đồng phạm Đào Quang Khánh bị đề nghị truy tố về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” và tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 điều 138 BLHS. Cơ quan CSĐT xác định bị can Nguyễn Mạnh Tường là người gây ra cái chết cho chị Lê Thị Thanh Huyền trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ hút mỡ bụng, bơm ngực tại Thẩm mỹ viện Cát Tường vào chiều ngày 18/10/2013.
Luật sư Tạ Quốc Cường, Giám đốc Công ty luật hợp danh Sự thật (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).
Trao đổi vấn đề này, luật sư Tạ Quốc Cường - Giám đốc Công ty luật hợp danh Sự Thật (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) - cho rằng: Cơ quan CSĐT không khởi tố tội giết người, không khởi tố nhóm tội vô ý làm chết người đối với bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường là phù hợp với những diễn biến khách quan của vụ án.
Theo luật sư Cường, để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người phải thỏa mãn bốn dấu hiệu. Trong đó, khách thể của tội giết người là quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người (đang sống). Tội giết người là tội phạm có cấu thành vật chất, hậu quả chết người là dấu hiệu bắt buộc. Cho nên, quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan của tội giết người với hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội giết người cũng là dấu hiệu bắt buộc.
Tuy nhiên, đến nay, đã hơn 3 tháng từ khi vụ án xảy ra, thi thể của nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy. Vì vậy, hậu quả chết người trong vụ án này chưa được xác minh. Nếu không tìm kiếm được thi thể nạn nhân, cơ quan điều tra không thể khởi tố bị can về tội “giết người”.
Cũng theo luật sư Cường, việc Cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị truy tố Nguyễn Mạnh Tường về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” theo điều 246 Bộ Luật Hình sự vẫn còn nhiều điểm chưa thỏa đáng.
“Xét về mặt khách quan, hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt biểu hiện ở việc đánh tráo thi thể, lấy các bộ phận của thi thể, đánh tráo hoặc chiếm đoạt hài cốt, chia, sẻ hài cốt... Căn cứ lời khai của bác sỹ Tường và bảo vệ Khánh, các đối tượng chỉ tổ chức đưa xác nạn nhân lên ô tô rồi vứt xuống sông nhằm mục đích phi tang và che giấu việc phạm tội.
Xét về mặt khách thể, đối tượng bị xâm phạm phải là xác người chết tại thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa tìm được xác nạn nhân nên chưa có căn cứ vững chắc để xác định được khách thể của tội phạm trong trường hợp này có phải là xác chị Huyền hay không.
Ngoài ra, do chưa tìm thấy xác chị Huyền nên vẫn chưa có căn cứ để xác định được việc nạn nhân chết trước hay sau khi bị ném xuống sông. Đây là những vấn đề nhất thiết phải chứng minh và là cơ sở để truy tố Nguyễn Mạnh Tường về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” - luật sư Cường nêu quan điểm.
Luật sư Cường cho rằng, nếu bị kết án về hai tội danh trên, bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường sẽ bị xử phạt tối đa 20 năm tù giam.
Còn theo luật sư Nguyễn Thế Truyền - Công ty luật hợp danh Thiên Thanh - bị can Nguyễn Mạnh Tường sẽ được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, nhân thân tốt, đặc biệt là gia đình bị can đã tự nguyện bồi thường cho gia đình nạn nhân 150 triệu đề khắc phục hậu quả.
Về phía bị can Khánh, trong khi thực hiện hành vi phạm tội, Khánh còn ở tuổi vị thành niên nên sẽ được xem xét xét xử nhẹ tội.
“Một số nhân viên trung tâm thẩm mỹ tham gia phụ giúp bị can Tường phẫu thuật thẩm mỹ gây nên cái chết của chị Huyền đã có hành vi che giấu và không tố giác tội phạm. Song do bị can Nguyễn Mạnh Tường, Đào Quang Khánh phạm tội “Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác; Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt” - tội phạm thực hiện với lỗi vô ý - nên không có căn cứ xử lý đồng phạm theo điều 20 BLHS. Hành vi của các nhân viên này không cấu thành tội Che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm. Do vậy, cơ quan điều tra không có căn cứ xử lý” - luật sư Tuyền nói.
Tiến Nguyên
===================
Xin hỏi quí vị và ông luật sư:1/ Bà Huyền theo những dữ kiện nêu trên thì được coi là đã chết hay chưa chết khi không tìm thấy xác?Từ vấn đề nêu ra, dẫn đến hai câu hỏi tiếp theo:
2/ Ông Tường có phạm tội - dù vô tình hay cố ý - làm chết người không? Và ông ta làm chết người trong giai đoạn nào của quá trình từ khi bà Huyền đến thẩm mỹ viện Cát Tường và đến khi bị ông Tường và đồng phạm quăng xác xuống sông?3/ Việc không tìm thấy thi thể nạn nhân là lỗi tại cô Huyền, gia đình nạn nhân hay tại sự tuyệt vời và cả may mắn của hành vi thủ tiêu xác chết, nên cơ quan điều tra và cả những nhà khoa học lẫn tâm linh không tìm ra?
Theo tôi. Việc xử ông Tường như thế nào, vấn đề còn là hậu quả của hành vi của ông Tường với quyết định của pháp luật với hành vi này ảnh hưởng đến xã hội ra sao.
Nếu ông Tường bị quy vào hành vi giết người thủ tiêu xác chết. Khung hình phạt nhẹ nhất là 20 năm tù. Và xử theo tội danh trên: Nặng nhất 20 năm tù.
Gia đình ông Tường có thể thở phào về việc không tìm thấy xác chết , nên thân nhân của họ không bị quy tội nặng. Nhưng những con người khác sẽ nghĩ như thế nào khi đến lượt họ bị người khác làm chết và thủ tiêu xác một cách hoàn hảo?
Chỉ một vụ chìm tàu có thể làm chết hàng trăm con người. Một vụ thảm sát như ở Na Uy chết vài chục người và hung thủy cũng chỉ bị giam. Ở đây chỉ là vụ việc làm chết một người. Nhưng vấn đề cần đặt ra và tôi hy vọng được lưu ý là: Tính chất vụ việc với tâm lý xã hội liên quan đến các mối quan hệ xã hội.
Tiếc thay! Ngày xưa lý học Đông phương đã miêu tả điều này rất kỹ. Nhưng những kiến thức đó, ngày nay chẳng còn ai suy ngẫm về nó nữa.
================
PS: Vụ việc được giới truyền thông chuyển tải nên đã phổ biến toàn xã hội và gây chú ý của dư luận. Điều rất đặc biệt của vụ việc này là không tìm xác nạn nhân. Sự cá biệt chưa có tiền lệ của việc không tìm thấy xác và tính phổ biến của vụ việc đã loại suy mọi yếu tố và đặt ra một tiền lệ cũng chưa từng có: Luật pháp sẽ thể hiện như thế nào trong cách giải quyết vụ việc này? Đây chính là ý nghĩa và tầm quan trọng của một vấn đề tưởng như chỉ giành cho một nạn nhân. Nhưng lại không đơn giản như vậy.