-
Thông báo
-
Nội quy Lý Học Plaza
Nội quy này là bản mở rộng Nội Quy - Quy định của Diễn đàn. Khi tham gia mua bán, các thành viên phải tuân theo những quy định sau: Tiêu đề bài viết: Bao gồm: Chỉ dẫn địa lý, Loại hình Mua/Bán, Thông tin mua bán.
Chỉ dẫn địa lý: Tỉnh/thành nơi mua bán. Hoặc sử dụng định nghĩa có sẵn:TQ: Toàn quốc
HCM: TP Hồ Chí Minh
HN: Hà Nội
[*]Ví dụ: HCM - Bán Vòng tay Hổ Phách Nội dung bài viết: Mô tả chi tiết sản phẩm mua/bán
Bắt buộc phải có thông tin liên lạc, giá Mua/Bán
Bài mới đăng chỉ được phép up sau 03 ngày.
Thời gian up bài cho phép: 01 ngày 01 lần.
Các hành vi vi phạm nội quy này sẽ bị xóa bài hoặc khóa tài khoản mà không cần báo trước.
-
Leaderboard
Popular Content
Showing most liked content on 26/03/2010 in all areas
-
Còn đây là toàn bộ nội dung cuốn "TUYỂN TRẠCH BỔN NGUYỆN NIỆM PHẬT TẬP" của Tổ Pháp Nhiên, xin được giới thiệu từng phần đến mọi người. Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập Pháp Nhiên Thượng Nhân Thích Tịnh Nghiêm dịch Hán Việt Chương Một: Hai Môn Chương Hai: Hai Hạnh Chương Ba: Bổn Nguyện Chương Bốn: Ba Hạng Người Chương Năm: Lợi Ích Chương Sáu: Đặc Lưu Chương Bảy: Nhiếp Thủ Chương Tám: Ba Tâm Chương Chín: Tứ Tu Chương Mười: Hóa Phật Tán Thán Chương Mười Một: Tán Thán Niệm Phật Chương Mười Hai: Phó Chúc Niệm Phật Chương Mười Ba: Nhiều Thiện Căn Chương Mười Bốn: Chư Phật Chứng Thành Chương Mười Lăm: Hộ Niệm Chương Mười Sáu: Ân Cần Phó Chúc Nam mô A Di Đà Phật Niệm Phật là căn bản của sự vãng sinh Chương Một HAI MÔN Ngài Đạo Xước thiền sư thiết lập hai môn Thánh Đạo và Tịnh Độ, sau đó đã xả bỏ Thánh Đạo Môn mà quay về Tịnh Độ Môn. An Lạc Tập quyển thượng nói: “Hỏi: Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, từ xưa đến nay, ắt đã gặp nhiều Đức Phật, thế nhưng tại sao vẫn luân hồi sinh tử, chưa được ra khỏi nhà lửa? Trả lời: Y vào thánh giáo Đại thừa mà nói, lý do là vì chúng sinh không được hai pháp thù thắng để diệt trừ sinh tử, cho nên không thể ra khỏi nhà lửa. Hai pháp này là gì? Một là Thánh đạo, hai là Vãng sinh Tịnh độ. Pháp tu Thánh đạo, hiện nay rất khó chứng đắc, điều này có hai lý do, một là vì thời đại đã cách Phật rất lâu xa, hai là do nghĩa lý Đại thừa sâu xa khó hiểu. Đại Tập Nhật Tạng Kinh có nói: “Trong thời mạt pháp, có ức ức chúng sinh phát tâm tu hành, nhưng có rất ít người đắc đạo.” Đời mạt pháp hiện nay là đời ác ngũ trược, chỉ có pháp môn Tịnh Độ là con đường để vào đạo. Bởi thế, Vô Lượng Thọ Kinh nói: “Nếu có chúng sinh, dù là cả đời tạo ác, giả sử lúc lâm chung, niệm danh hiệu của ta mười lần liên tiếp, nếu như không được vãng sinh, ta thệ không giữ ngôi Chánh Giác.” Lại nữa, tất cả chúng sinh đều không tự lượng sức mình, nếu luận về chân như thực tướng, đệ nhất nghĩa không của Đại thừa, bọn họ đều chưa từng để tâm đến, còn nếu luận về sự tu tập kiến đế tu đạo, nhẫn đến chứng quả A na hàm, A la hán, đoạn trừ năm phiền não lợi sử, năm phiền não độn sử,thì tất cả người đạo, kẻ tục đều không có phần. Giả sử có được quả báo trời người, đều là do sự hành trì ngũ giới thập thiện chiêu cảm, thế nhưng ít có người trì giới đến chỗ viên mãn; còn nếu luận về sự làm ác tạo nghiệp, thì thế lực chẳng khác gì mưa to gió lớn. Bởi lý do này, chư Phật đều đại từ đại bi, khuyên nhắc chúng sinh vãng sinh Tịnh Độ. Cho dù cả đời tạo ác, chỉ cần buộc tâm chuyên cần tinh tấn, thường thường Niệm Phật, thì tất cả chướng ngại, tự nhiên sẽ được tiêu trừ, quyết định sẽ được vãng sinh. Tại sao tất cả không chịu suy ngẫm, mà phát tâm cầu vãng sinh! Lời bàn: Phép lập giáo nhiều ít, lập trường của các tông phái không giống nhau, ví như Hữu Tướng Tông thiết lập ba thời giáo là hữu tông, không tông và trung đạo tông để phán định thánh giáo của Đức Thế Tôn; Vô Tướng Tông thiết lập hai thời giáo là Bồ tát giáo và Thanh văn giáo để phán định; Hoa Nghiêm Tông thiết lập năm thời giáo: tiểu thừa giáo, đại thừa thỉ giáo, chung giáo, đốn giáo và viên giáo, để thống nhiếp tất cả Phật giáo; Pháp Hoa Tông thiết lập bốn thời giáo: tạng giáo, thông giáo, biệt giáo, viên giáo, và năm mùi vị: nhũ, lạc, sinh tô, thục tô và đề hồ, để thống nhiếp tất cả Phật giáo; lại còn có Chân Ngôn Tông cũng thiết lập hai thời giáo, hiển giáo và mật giáo, để thống nhiếp tất cả Phật giáo. Hiện nay, Tịnh Độ Tông, nếu y theo bổn ý của Đạo Xước Thiền Sư, sẽ thiết lập hai môn: Thánh Đạo Môn và Tịnh Độ Môn, để thống nhiếp tất cả. Hỏi: Việc thiết lập tên gọi của các tông phái, vốn là do tám tông, chín tông như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, v.v..., phán định, chưa từng nghe qua các nhà tu Tịnh độ thiết lập tên gọi của chính tông phái mình. Việc đặt tên gọi này có chứng cứ gì không? Trả lời: Tên gọi Tịnh Độ Tông, chứng cứ không phải ít, như ngài Nguyên Hiểu trong Du Tâm An Lạc Đạo nói: “Bổn ý của Tịnh Độ Tông là vốn vì phàm phu, kiêm vì thánh nhân”, lại như ngài Từ Ân trong Tây Phương Yếu Quyết nói: “Y vào tông này”, hơn nữa, ngài Ca Tài trong Tịnh Độ Luận cũng nói: “Tông này, theo ý của tôi, là con đường trọng yếu”. Những chứng cứ như vậy, thật không còn nghi ngờ gì nữa. Thế nhưng, ý chính ở đây, không phải là bàn luận về sự phán lập giáo nghĩa của các tông phái, mà là muốn nói sơ lược về hai môn của Tịnh Độ Tông, tức là Thánh đạo môn và Tịnh độ môn. A/ Thánh Đạo Môn: ở đây có hai phần, một là Tiểu thừa, hai là Đại thừa. Trong Đại thừa, tuy có Hiển, Mật, Quyền, Thực, khác nhau, thế nhưng bổn ý của tập sách này chỉ là muốn hiển minh hạnh nguyện của Đại thừa và Quyền Đại thừa là ở trong sinh tử dài lâu để tu tập cứu độ chúng sinh. Nếu như y vào điều này mà suy ngẫm, phải nên bảo tồn Đại thừa Mật giáo và Đại thừa Hiển giáo. Nên biết rằng tám tông phái như Chân Ngôn, Phật Tâm (Thiền), Thiên Thai, Hoa Nghiêm, Tam Luận, Pháp Tướng, Địa Luận, Nhiếp Luận đều có chung quan điểm này. Còn trong Tiểu Thừa, tất cả các kinh luật luận của họ đều nói về con đường tu tập để đoạn trừ phiền não, thấu rõ chân lý, chứng đắc thánh quả. Y cứ vào đây, giáo lý Tiểu Thừa chỉ bao hàm các tông phái như Luật Tông, Câu Xá và Thành Thực. Nói một cách khái quát, bổn ý của Thánh Đạo Môn, bất luận là Đại thừa hay Tiểu thừa, đều là ở trong thế giới Ta Bà này tu tập chứng đắc đạo quả của bốn Thừa. Bốn Thừa, nghĩa là ngoài ba Thừa, còn thêm Phật Thừa. B/ Vãng Sinh Tịnh Độ Môn, trong đây có hai: (1) hiển minh chính thức giáo nghĩa Vãng Sinh Tịnh Độ, (2) hiển minh không chính thức giáo nghĩa Vãng Sinh Tịnh Độ. 1/ Hiển minh chính thức giáo nghĩa Vãng Sinh Tịnh Độ, gồm có ba bộ kinh và một bộ luận. Ba bộ kinh là Vô Lượng Thọ Kinh, Quán Vô Lượng Thọ Kinh, và A Di Đà Kinh, còn một bộ luận là Vãng Sinh Luận của ngài Thế Thân. Có người gọi ba bộ kinh này là “Ba bộ kinh Tịnh Độ”. Hỏi: Gọi Ba bộ kinh, còn có trường hợp nào khác không? Trả lời: Gọi Ba bộ kinh, có nhiều trường hợp: (a) Ba bộ kinh Pháp Hoa, tức là Vô Lượng Nghĩa Kinh, Pháp Hoa Kinh và Phổ Hiền Quán Kinh; (2) Ba bộ kinh Đại Nhật, tức là Đại Nhật Kinh, Kim Cang Đỉnh Kinh và Tô Tất Địa Kinh; (3) Ba bộ kinh trấn thủ bảo hộ quốc gia, tức là Pháp Hoa Kinh, Nhân Vương Kinh và Kim Quang Minh Kinh; (4) Ba bộ kinh Di Lặc, tức là Di Lặc Thượng Sinh Kinh, Di Lặc Hạ Sinh Kinh và Di Lặc Đại Thành Phật Kinh. Hiện nay ba bộ kinh A Di Đà gọi là ba bộ kinh Tịnh Độ, tức là ba bộ kinh chính yếu của Tịnh Độ Tông. 2/ Hiển minh không chính thức giáo nghĩa Tịnh Độ: những bộ kinh như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Tùy Cầu (Phật Thuyết Tùy Cầu Tức Đắc Đại Tự Tại Đà La Ni Thần Chú Kinh), v.v..., đều có thuyết minh các công hạnh vãng sinh Tịnh Độ; lại còn có các bộ luận như Khởi Tín Luận, Bảo Tính Luận, Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận, Nhiếp Đại Thừa Luận, v.v..., cũng đều thuyết minh các công hạnh vãng sinh Tịnh Độ. Trong tập sách này, bổn ý của sự thiết lập hai môn Thánh Đạo và Tịnh Độ là muốn khiến cho chúng sinh xả bỏ Thánh Đạo Môn, quy hướng Tịnh Độ Môn. Điều này có hai lý do: (1) do vì cách xa đời Phật, (2) do vì giáo lý thâm sâu khó hiểu. Trong Tịnh Độ Tông, thiết lập hai môn, không những chỉ có ngài Đạo Xước, mà các ngài như Đàm Loan, Thiên Thai, Ca Tài, Từ Ân, v.v..., cũng có cùng chung quan điểm. Hơn nữa, ngài Đàm Loan Pháp Sư, trong Vãng Sinh Luận Chú có nói: “Như Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận của ngài Long Thọ nói: “Bồ tát cầu A bệ bạt trí, có hai con đường, một là Đường khó đi (Hán: nan hành đạo), hai là Đường dễ đi (Hán: dị hành đạo). Đường khó đi, nghĩa là ở trong đời ác năm trược, lúc không có Phật, cầu A bệ bạt trí là khó, sự khó khăn này có nhiều phương diện, một là pháp thiện của ngoại đạo làm loạn pháp tu của Bồ tát, hai là sự tự lợi của hàng Thanh văn làm chướng ngại tâm đại từ bi, ba là những kẻ ác vô cớ phá hoại thắng đức của người khác, bốn là quả báo thiện điên đảo, có thể phá hoại phạm hạnh, năm là chỉ có tự lực, không có tha lực hộ trì. Những việc như vậy, chỗ nào cũng có, ví như đường lộ, lội bộ ắt là khổ nhọc. Đường dễ đi, nghĩa là chỉ cần nhờ nhân duyên Niệm Phật, nguyện sinh Tịnh Độ, nhờ nguyện lực của Phật, sẽ được vãng sinh cõi Phật thanh tịnh. Nhờ Phật lực gia trì, sẽ tiến nhập vào giai bậc chính định tụ, chính định tức là A bệ bạt trí, ví như đường thủy, đi thuyền ắt là vui sướng.” Ở đây, Đường khó đi, tức là Thánh Đạo Môn, còn Đường dễ đi, tức là Tịnh Độ Môn. Khó đi Dễ đi, Thánh Đạo Tịnh Độ, tên gọi tuy khác, nhưng ý thú giống nhau. Nên biết, hai ngài Thiên Thai và Ca Tài cũng có cùng quan điểm. Lại nữa, Tây Phương Yếu Quyết nói: “Nghĩ đến Đức Thích Ca khai sáng Phật giáo, hoằng dương lợi ích chúng sinh, tùy mỗi xứ mà xiển dương giáo nghĩa, rưới nước pháp mầu, làm cho chúng sinh được độ hóa, chứng ngộ ba Thừa, đối với những người ít phước mỏng duyên, thì khuyên họ vãng sinh Tịnh Độ. Người tu Tịnh Độ phải chuyên niệm A Di Đà, tất cả những thiện căn, đều phải hồi hướng về Tịnh Độ. Bổn nguyện của Đức A Di Đà là thệ độ tất cả chúng sinh cõi Ta Bà, từ người chuyên tâm tu tập cả đời, nhẫn đến người lúc lâm chung chỉ niệm mười danh hiệu, đều được quyết định vãng sinh Tịnh Độ.” Hơn nữa, bài bạt của cùng quyển sách trên nói: “Do vì sinh vào đời tượng pháp, cách xa đời Phật, nếu tu tập hạnh của ba Thừa, khó mà khế ngộ. Hai cõi trời người xao động bất an, chỉ có những bậc Bồ tát đại trí đại từ mới có thể ở lâu trong sinh tử. Nếu như kiến giải mê ám, công hạnh nông cạn, e rằng sẽ bị đọa lạc ba đường ác, bởi thế, phải nên lìa bỏ Ta Bà, cầu sinh Tịnh Độ.” Ở đây nói ba Thừa, ý muốn chỉ Thánh Đạo Môn, còn nói Tịnh Độ, là muốn chỉ Tịnh Độ Môn. Ba Thừa Tịnh Độ, Thánh Đạo Tịnh Độ, tên gọi tuy khác, ý thú tương đồng. Các học giả Tịnh Độ, trước tiên phải nên biết ý chỉ này, giả sử trước đó tuy đã học Thánh Đạo Môn, nếu như có chí hướng cầu sinh Tịnh Độ, phải nên xả bỏ Thánh Đạo, cầu sinh Tịnh Độ; chẳng hạn, như ngài Đàm Loan Pháp Sư xả bỏ sự giảng thuyết bốn bộ luận (Trung Luận, Bách Luận, Thập Nhị Môn Luận và Đại Trí Độ Luận) mà chuyên tâm Tịnh Độ; lại như ngài Đạo Xước Thiền Sư gác bỏ việc giảng giải Kinh Niết Bàn mà chuyên tâm hoằng dương Tịnh Độ. Các bậc hiền triết khi xưa đã từng như thế, chẳng lẽ những người ngu độn thô thiển mà lại không chịu tuân hành! Hỏi: Các tông phái Thánh Đạo Môn đều có sự truyền thừa từ đời này qua đời khác, chẳng hạn, Thiên Thai Tông, truyền thừa theo thứ tự, từ ngài Huệ Văn, đến các ngài Nam Nhạc, Thiên Thai, Chương An, Trí Uy, Tuệ Uy, Huyền Lãng, Trạm Nhiên; lại như Chân Ngôn Tông, truyền thừa theo thứ tự, từ Đức Đại Nhật Như Lai đến các ngài Kim Cang Tát Đỏa, Long Thọ, Long Trí, Kim Trí, Bất Không. Các tông phái khác cũng có sự truyền thừa huyết mạch. Hiện nay Tịnh Độ Tông có sự truyền thừa như thế hay không? Trả lời: Giống như huyết mạch của các nhà Thánh Đạo Môn, Tịnh Độ Tông cũng có huyết mạch, thế nhưng đối với sự truyền thừa của Tịnh Độ Tông, các nhà học giả cũng có những quan điểm không đồng, chẳng hạn như ngài Lô Sơn Tuệ Viễn Pháp Sư, ngài Từ Mẫn Tam Tạng, ngài Đạo Xước, Thiện Đạo, v.v... Nay y theo hai ngài Đạo Xước và Thiện Đạo mà luận về sự truyền thừa huyết mạch. Điều này có hai giả thuyết: (1) Bồ Đề Lưu Chi Tam Tạng, Tuệ Long Pháp Sư, Đạo Trường Pháp Sư, Đại Hải Thiền Sư, Pháp Thượng Pháp Sư (trích từ An Lạc Tập), (2) Bồ Đề Lưu Chi Tam Tạng, Đàm Loan Pháp Sư, Đạo Xước Thiền Sư, Thiện Đạo Thiền Sư, Hoài Cảm Pháp Sư, Thiếu Khang Pháp Sư (trích từ Cao Tăng Truyện đời Đường và đời Tống). Chương Hai Hai Hạnh Thiện Đạo Hòa Thượng thiết lập hai hạnh chánh và tạp, mục đích là muốn hành giả xả bỏ tạp hạnh, quay về chánh hạnh. Quán Kinh Sớ quyển bốn nói: Từ công hạnh mà thiết lập tín tâm, thế nhưng công hạnh có hai loại, một là chánh hạnh, hai là tạp hạnh. Chánh hạnh, tức là chỉ y tựa vào các kinh Vãng sinh mà tu tập. Đây là thế nào? Một là nhất tâm chuyên tụng Quán Kinh, A Di Đà Kinh, Vô Lượng Thọ Kinh, v.v..., hai là nhất tâm chuyên chú suy ngẫm, quán sát, ức niệm sự trang nghiêm của chánh báo và y báo của cõi Cực Lạc, ba là nếu như lễ lạy, thì chỉ chuyên tâm lễ lạy Đức Phật A Di Đà, bốn là nếu như xưng danh, thì chỉ nên nhất tâm xưng tán danh hiệu của Đức Phật A Di Đà, năm là nếu như tán thán cúng dường, thì chỉ nên nhất tâm tán thán cúng dường Đức Phật A Di Đà. Đây gọi là chánh hạnh! Lại nữa, trong phần chánh hạnh, lại có hai loại, một là nhất tâm chuyên niệm danh hiệu Đức A Di Đà, đi đứng nằm ngồi, bất luận thời gian dài ngắn, niệm niệm không quên, đây gọi là nghiệp chánh định, thuận theo bổn nguyện của Đức A Di Đà. Còn nếu như lạy Phật, tụng kinh, v.v..., thì gọi là nghiệp phụ. Ngoại trừ hai hạnh chánh và phụ này ra, tất cả các hạnh lành khác đều gọi là tạp hạnh. Nếu như tu tập hai nghiệp chánh, phụ, thì tâm thường thân cận Đức A Di Đà, nghĩ nhớ không gián đoạn, đây gọi là tâm không gián đoạn. Nếu như tu tập tạp hạnh, thì tâm sẽ thường gián đoạn, khó có thể hồi hướng vãng sinh, đây gọi là hạnh tạp nhạp, xa cách. Lời bàn: Đoạn văn này có hai ý, một là thuyết minh hành tướng của sự vãng sinh, hai là phán định sự được, mất của hai hạnh chánh và phụ. (A) Thuyết minh hành tướng của sự vãng sinh: Theo ý của Hòa thượng Thiện Đạo, công hạnh vãng sinh tuy nhiều, có thể chia làm hai loại, (1) chánh hạnh, và (2) tạp hạnh. (1) Chánh hạnh. Ở đây có hai nghĩa khai và hợp. Trước tiên, khai làm năm loại, sau đó hợp thành hai loại. i/ Khai làm năm loại, tức là (a) chánh hạnh đọc tụng, ( :) chánh hạnh quán sát, © chánh hạnh lễ bái, (d) chánh hạnh xưng danh, (e) chánh hạnh tán thán cúng dường. a/ Chánh hạnh đọc tụng. Chỉ đọc tụng Quán Kinh, v.v..., tức là như văn đã nói: “Nhất tâm chuyên tụng Quán Kinh, A Di Đà Kinh, Vô Lượng Thọ Kinh, v.v...”. b/ Chánh hạnh quán sát. Chuyên tâm quán sát y báo, chánh báo của cõi Cực Lạc, tức là như văn đã nói: “Nhất tâm chuyên chú suy ngẫm, quán sát, ức niệm sự trang nghiêm của chánh báo và y báo của cõi Cực Lạc”. c/ Chánh hạnh lễ bái. Chỉ lễ lạy Đức A Di Đà, tức là như văn đã nói: “Nếu như lễ lạy, thì chỉ chuyên tâm lễ lạy Đức Phật A Di Đà”. d/ Chánh hạnh xưng danh: Chuyên niệm danh hiệu Phật A Di Đà, tức là như văn đã nói: “Nếu như xưng danh, thì chỉ nên nhất tâm xưng tán danh hiệu của Đức Phật A Di Đà”. e/ Chánh hạnh tán thán cúng dường. Chỉ tán thán, cúng dường Đức A Di Đà, tức là như văn đã nói: “Nếu tán thán, cúng dường, thì chỉ nên nhất tâm tán thán, cúng dường Đức Phật A Di Đà, đây gọi là chánh hạnh”. Nếu chia “tán thán cúng dường” ra làm hai, thì sẽ có sáu loại chánh hạnh. Hiện nay hợp làm một, thành thử chỉ có năm loại. Hợp làm hai loại, tức là (a) nghiệp chánh, ( :) nghiệp phụ. a/ Nghiệp chánh. Trong năm loại chánh hạnh trên, loại thứ tư “xưng danh” là nghiệp chánh định, như trong văn nói: “Nhất tâm chuyên niệm danh hiệu Đức A Di Đà, đi đứng nằm ngồi, bất luận thời gian dài ngắn, niệm niệm không quên, đây gọi là nghiệp chánh định, thuận theo bổn nguyện của Đức A Di Đà”. b/ Nghiệp phụ. Ngoại trừ xưng danh, các hạnh còn lại như đọc tụng, v.v..., đều là nghiệp phụ, như văn có nói: “Các hạnh như lạy Phật, tụng kinh, v.v..., đều gọi là nghiệp phụ.” Hỏi: Tại sao trong năm loại, chỉ có xưng danh niệm Phật được coi là nghiệp chánh định? Trả lời: Đây là thuận theo bổn nguyện của Đức Phật A Di Đà, ý muốn nói xưng danh chính là bổn nguyện của Đức Phật A Di Đà, cho nên người tu nương vào bổn nguyện của Đức Phật A Di Đà, ắt sẽ vãng sinh Cực Lạc. Ý nghĩa của bổn nguyện, phía dưới sẽ nói rõ. (2) Tạp hạnh. Như văn nói: “Ngoại trừ hai hạnh chính và phụ này, tất cả hạnh lành khác, đều gọi là tạp hạnh”, ý muốn nói tạp hạnh nhiều vô lượng, không thể nói hết, thế nhưng ở đây nói đến năm loại chánh hạnh là để nêu lên năm loại tạp hạnh. a/ Tạp hạnh đọc tụng. Ngoại trừ các kinh Tịnh Độ, như Quán Kinh, v.v..., nếu đọc tụng thọ trì các loại kinh Đại, Tiểu thừa, hoặc Hiển, hoặc Mật, đều gọi là tạp hạnh đọc tụng. b/ Tạp hạnh quán sát. Ngoại trừ y báo, chánh báo của cõi Cực Lạc, tất cả những quán hạnh, hoặc sự hoặc lý, hoặc Đại thừa, hoặc Tiểu thừa, hoặc Hiển, hoặc Mật, đều gọi là tạp hạnh quán sát. c/ Tạp hạnh lễ bái. Ngoại trừ lễ bái Đức A Di Đà, lễ bái cung kính chư Phật Bồ tát khác, nhẫn đến các vị trời thế gian, đều gọi là tạp hạnh lễ bái. d/ Tạp hạnh xưng danh. Ngoại trừ xưng danh Đức A Di Đà, xưng danh chư Phật Bồ tát khác, nhẫn đến danh hiệu của các vị trời thế gian, đều gọi là tạp hạnh xưng danh. e/ Tạp hạnh tán thán cúng dường. Ngoại trừ tán thán cúng dường Đức A Di Đà, tán thán cúng dường chư Phật Bồ tát khác, nhẫn đến các vị trời thế gian, đều gọi là tạp hạnh tán thán cúng dường. ( :) Phán định sự được, mất của hai hạnh: “Nếu như tu tập hai hạnh chánh và phụ, tâm thường gần gũi Đức A Di Đà, nhớ tưởng không nguôi, đây gọi là hạnh không gián đoạn. Nếu như tu tạp hạnh, tuy cũng có thể hồi hướng vãng sinh, thế nhưng tâm thường gián đoạn, đây gọi là hạnh xa lạ tạp nhạp (Hán: sơ tạp)”. Theo ý của đoạn văn vừa nói, đối với hai hạnh chánh tạp này, có năm cặp đối: (1) thân sơ, (2) gần xa, (3) gián đoạn không gián đoạn, (4) hồi hướng không hồi hướng, (5) thuần tạp. (1) Thân, sơ. Trước tiên, thân (thân thiết), nghĩa là hành giả tu tập hai hạnh chánh và phụ, sẽ rất thân thiết với Đức Phật A Di Đà, cho nên Quán Kinh Sớ nói: “Chúng sinh khởi tâm tu hành, miệng thường niệm Phật, Phật ắt nghe thấy, thân thường lạy Phật, Phật ắt nhìn thấy, tâm thường nghĩ Phật, Phật ắt biết rõ. Chúng sinh nghĩ Phật, nhớ Phật, Phật cũng nghĩ chúng sinh, nhớ chúng sinh. Ba nghiệp của đôi bên, không xa cách nhau.” Bởi thế, nên gọi là thân thiết. Kế đến, sơ (xa lạ), nghĩa là tạp hạnh. Chúng sinh không niệm Phật, Phật không nghe thấy, thân không lạy Phật, Phật không nhìn thấy, tâm không nghĩ Phật, Phật không hay biết. Chúng sinh không nghĩ Phật, nhớ Phật, Phật cũng không nghĩ chúng sinh, nhớ chúng sinh. Ba nghiệp của đôi bên, thường cách biệt nhau, bởi thế nên gọi là xa lạ. (2) Gần, xa (Hán: viễn cận). Trước tiên, gần, tức là tu tập hai hạnh chánh và phụ, thì sẽ gần gũi Đức Phật A Di Đà, Quán Kinh Sớ nói: “Chúng sinh nguyện thấy Phật, Phật liền đáp ứng, hiện ra trước mặt ”, cho nên gọi là gần. Kế đến, xa, tức là tu tập tạp hạnh. Chúng sinh không nguyện thấy Phật, Phật sẽ không đáp ứng, không hiện ra trước mặt, cho nên gọi là xa. Ý nghĩa của thân và gần, tuy có vẻ giống nhau, thế nhưng, theo ý của ngài Thiện Đạo là chia làm hai trường hợp khác nhau. Ý chỉ này được nói rõ trong Quán Kinh Sớ, bởi thế, ở đây dẫn ra để giải thích. (3) Gián đoạn, không gián đoạn. Trước tiên, không gián đoạn, nghĩa là tu tập hai hạnh chánh và phụ, thì sẽ nghĩ nhớ Đức Phật A Di Đà không gián đoạn, cho nên gọi là “tâm không gián đoạn”. Kế đến, gián đoạn, nghĩa là tu tập tạp hạnh, thì thường ít nghĩ nhớ đến Đức Phật A Di Đà, cho nên gọi là “tâm thường gián đoạn”. (4) Hồi hướng, không hồi hướng. Không hồi hướng, nghĩa là nếu tu tập hai hạnh chánh và phụï, thì không cần phải hồi hướng riêng biệt, mà tự nhiên trở thành nghiệp vãng sinh, cho nên Quán Kinh Sớ nói: Trong Quán Kinh, niệm danh hiệu Phật mười lần, tức là có đủ mười nguyện, mười hạnh. Niệm “A Di Đà Phật” tức là hạnh, do ý nghĩa này “ắt sẽ được vãng sinh”. Kế đến, hồi hướng, nghĩa là nếu tu tập tạp hạnh, cần phải hồi hướng thì mới thành nghiệp vãng sinh, nếu như không hồi hướng, thì sẽ không trở thành nhân duyên cho sự vãng sinh, cho nên nói: “Tuy có thể hồi hướng vãng sinh”. (5) Thuần, tạp. Trước tiên, thuần, nghĩa là tu tập hai hạnh chánh và phụ là hạnh đơn thuần để vãng sinh Cực Lạc, còn tu tạp hạnh, tức không phải là hạnh đơn thuần để vãng sinh Cực Lạc, mà là hạnh chung cho pháp trời người, pháp của ba Thừa, và hạnh vãng sinh các cõi Tịnh Độ ở mười phương, cho nên gọi là tạp. Bởi lý do này, các hành giả Tây phương Tịnh Độ, cần phải bỏ tạp hạnh mà tu chánh hạnh. Hỏi: Ý nghĩa “thuần tạp” này, trong các kinh điển khác, có chứng cứ hay không? Trả lời: Trong kinh luận của Đại, Tiểu thừa, thiết lập hai môn thuần, tạp, trường hợp này không phải chỉ có một. Trong tám tạng của Đại thừa, có một tạng gọi là tạp tạng, như vậy bảy tạng kia là thuần, còn tạp tạng là tạp. Trong Luật tạng, hai mươi kiền độ là để biểu minh giới hạnh, mười chín kiền độ đầu là thuần, còn kiền độ cuối là tạp. Lại như hai bộ Cao Tăng Truyện của hai đời Đường và Tống đều lập mười khoa pháp, nói rõ đức hạnh của các vị cao tăng, chín khoa đầu là thuần, còn khoa cuối là tạp. Nhẫn đến, quyển Đại Thừa Nghĩa Chương, có năm tụ pháp môn, bốn tụ đầu là thuần, còn tụ cuối là tạp. Không những chỉ có Hiển giáo, trong Mật giáo cũng có pháp thuần và tạp, chẳng hạn như Phật Pháp Huyết Mạch Phổ của Sơn Gia Phái nói: “Thứ nhất, một bức Thai Tạng Giới Mạn Đà La Huyết Mạch Phổ, thứ hai, một bức Kim Cang Giới Mạn Đà La Huyết Mạch Phổ, thứ ba, một bức Tạp Mạn Đà La Huyết Mạch Phổ, hai bức đầu là thuần, bức cuối là tạp”. Chứng cớ về thuần tạp tuy nhiều, ở đây chỉ đề cập một ít mà thôi. Nên biết ý nghĩa của thuần tạp, tùy thuộc vào pháp, không có ý nghĩa nhất định. Ở đây chúng ta dựa vào ý của Hòa thượng Thiện Đạo, trên phương diện hành trì Tịnh Độ, mà bàn luận vấn đề thuần tạp. Hơn nữa, tên gọi “thuần, tạp” này, không hạn cục trong nội điển, hoặc ngoại điển, mà có rất nhiều lệ chứng, vì sợ phiền toái, cho nên không bàn đến. Thế nhưng, bàn đến công hạnh Tịnh Độ, có thể chia làm hai hạnh, điều này không chỉ có ngài Thiện Đạo, mà cả ngài Đạo Xước cũng có cùng quan điểm, tức là công hạnh vãng sinh tuy nhiều, gom lại còn có hai: một là “niệm Phật vãng sinh”, hai là “vạn hạnh vãng sinh”, còn nếu theo ý của ngài Hoài Cảm Thiền Sư, công hạnh vãng sinh tuy nhiều, gom lại cũng chỉ có hai: một là “niệm Phật vãng sinh”, hai là “chư hạnh vãng sinh”. Như vậy, ba ngài đều lập hai hạnh để bao quát công hạnh vãng sinh, điều này chứng tỏ các ngài đã thấu rõ ý chỉ thâm diệu của sự vãng sinh, còn các nhà chú giải khác thì không hẳn như vậy. Những hành giả Tịnh Độ phải nên suy ngẫm chính chắn điều này! Vãng Sinh Lễ Tán nói: “Nếu như có thể hành trì như trên, niệm niệm tương tục, trọn hết một đời, thì chắc chắn mười người tu, mười người vãng sinh, trăm người tu, trăm người vãng sinh. Vì sao? Vì không có tạp duyên nào khác nên đắc được chánh niệm, vì tương ưng với bổn nguyện của Phật, vì không đi ngược với giáo lý, và vì tùy thuận lời dạy của Phật. Nếu như xả bỏ sự chuyên tâm mà tu tạp nghiệp, thì trăm người tu, chỉ có được một hai người vãng sinh, ngàn người tu, chỉ có năm ba người vãng sinh. Vì sao? Vì tạp duyên loạn động làm mất chánh niệm, vì không tương ưng với bổn nguyện của Phật, vì đi ngược với giáo lý, vì làm trái với lời dạy của Phật, vì hệ niệm không tương tục, vì sự tưởng nghĩ đến Phật thường gián đoạn, vì sự hồi hướng không ân cần, chân thực, vì các phiền não tham, sân thường đến làm gián đoạn chánh niệm, vì không có tâm hổ thẹn sám hối, vì không tương tục nghĩ nhớ đến việc báo ơn Phật, vì sinh khởi tâm khinh mạn, tuy cũng tu tập, nhưng lại chạy theo danh lợi, vì hay phân biệt nhân ngã, không chịu thân cận những bậc đồng tu thiện tri thức, và vì thích gần gũi những tạp duyên, làm chướng ngại chánh hạnh vãng sinh của chính mình và người khác. Gần đây, tôi tự mình nghe rằng người tăng kẻ tục ở khắp mọi nơi, kiến giải, công hạnh không đồng nhau, chuyên tu, tạp tu cũng không giống nhau, thế nhưng, những người chuyên ý tu tập, thì mười người vãng sinh cả mười, còn những người tu tạp hạnh, tâm ý không chuyên nhất, thì trong ngàn người tu, không có đến một người vãng sinh! Hai hạnh được, mất này, như phần trên vừa nói rõ, ngưỡng mong các vị tu hạnh vãng sinh, cần phải khéo léo suy ngẫm. Nếu như trong đời này, đã có thể phát nguyện vãng sinh Cực Lạc, thì trong tất cả mọi lúc, đi đứng nằm ngồi, đều nên tự khuyến tấn mình, ngày đêm không bỏ phế, trọn suốt một đời hành trì chánh hạnh. Trong cuộc đời này, dường như phải chịu chút khổ, thế nhưng, giây phút trước vừa mệnh chung, giây phút sau ắt vãng sinh Cực Lạc, từ đó thọ mệnh vô cùng, vĩnh viễn hưởng thọ sự vui sướng, nhẫn đến khi thành Phật, không còn phải chịu sự khổ sinh tử, đây không phải là điều vui thú hay sao? Lời bàn: Đã đọc được đoạn văn trên, càng phải nên “xả tạp hạnh mà chuyên tu chánh hạnh”, lẽ nào lại bỏ chánh hạnh “trăm người tu trăm người vãng sinh”, mà lại tu tạp hạnh “ngàn người tu không có được một người vãng sinh” hay sao? Hành giả phải nên suy ngẫm chính chắn điều này! (con nua)2 likes
-
Mời mọi người xem những bức tranh mà Rin86 sáng tác :(1 like
-
PHÁP MÔN MỘT ĐỜI THÀNH TỰU Mục đích rốt ráo của việc tu học Phật pháp là giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Tuy nhiên chúng ta đang ở thời Phật pháp suy vi, giả chân lẫn lộn, tà sư, tà trí, tà kiến đầy khắp thiên hạ; chúng sinh huệ cạn, phước mỏng, nghiệp chướng sâu dầy nếu không có trí tuệ lại không gặp được thiện tri thức dẫn dắt sẽ dễ nhiễm tri kiến sai lầm mà lạc vào nhà ma,vĩnh viễn đọa trong ba đường ác; nếu không thì cũng mất nhiều thời gian, tâm lực, tiền của mà việc tu học vẫn không đắc lực, chẳng được bao nhiêu lợi ích chân thực, nói gì đến giải thoát khỏi biển khổ sinh tử. Để mọi người có thêm trí tuệ phân biệt chánh tà, đặc biệt là lựa chọn được pháp môn tu học vừa khế hợp căn cơ vừa có thể một đời thành tựu vượt thoát sinh tử; Diệu Thịnh xin giới thiệu một số cuốn sách vô cùng quý giá của các vị Tổ Tịnh Độ Tông cùng một số bài giảng của Hòa thượng Tuyên Hóa và Pháp sư Tịnh không về pháp môn xưng tán Hồng Danh Đức Phật A Di Đà -Pháp môn siêu việt thù thắng nhất trong toàn bộ giáo lý Phật Pháp đến mọi người hữu duyên. Nguyện cho tất cả chúng sinh trong mười phương đều tin Phật, tinh tấn niệm Phật đồng vãng sinh Tây phương Cực Lạc. "NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT". Niệm Phật Tông Yếu Những Lời Vàng Ngọc của Tổ Pháp Nhiên LỜI MỞ ĐẦU Trong thời đại hiện nay và nhất là đối với hàng cư sĩ tại gia, Niệm Phật có thể nói là con đường tất yếu để ra khỏi sinh-tử. Đây là Pháp Môn Tha Lực duy nhất trong Phật Pháp mà điểm then chốt là tin tưởng tuyệt đối vào Bổn Nguyện của Đức Phật A Di Đà. Bổn Nguyện của Đức Phật A Di Đà là dùng Danh Hiệu của Ngài để cứu độ tất cả chúng sanh. Không hiểu rõ lý nầy, người ta thường cho rằng Xưng-Danh là để cho hạng hạ căn không đủ căn cơ để tu những pháp môn như Quán Thật Tướng, Quán Tưởng, Quán Tượng, v.v… Và khi tu Niệm Phật thì phần nhiều đều mang tâm niệm tự lực, vẫn cứ trông cậy vào sức mình để được vãng sinh. Đó là Tự Lực Niệm Phật. Bởi thế, tu rất nhọc nhằn mà cũng không chắc là mình có được vãng sinh hay không. Những ngộ nhận nầy chính dịch giả cũng mắc phải. Hơn một năm trước đây, may mắn thay, gặp được tác phẩm Pháp Nhiên Ngữ Đăng Lục. Như kẻ mù được sáng, người sắp chết đuối gặp phao. Hốt nhiên tín tâm phát khởi, nhận ra lý Tha Lực Niệm Phật. Từ đây, Niệm Phật trở thành một niềm vui không thể nghĩ bàn, vãng sinh Cực Lạc là điều chắc chắn chứ không cần đến lúc lâm chung. Do đó, xin chọn những pháp ngữ tinh yếu của Ngài để dâng tặng người hữu duyên. Xin nguyện rằng hễ ai đọc đến, đều phát khởi tín tâm, niệm Phật mà được vãng sinh Cực Lạc. TIỂU SỬ NGÀI PHÁP NHIÊN THƯỢNG NHÂN Pháp Nhiên Thượng Nhân là Khai Tổ của Tông Tịnh Độ Nhật Bản. Ngài sinh năm 1133. Thân phụ của ngài là một vị quan thời đó. Do đã quá tứ tuần mà vẫn chưa có con nối dõi, nên cha mẹ Ngài đã trai giới thanh tịnh rồi vào chùa tụng kinh 7 ngày đêm để xin Phật gia hộ. Đến đêm thứ bảy, trong lúc nửa tỉnh nửa mê, mẹ Ngài thấy một lão tăng đưa cho bà một con dao dùng để cạo đầu người xuất gia, bảo bà nuốt. Sau đó bà hoài thai. Cha Ngài đã đoán rằng sẽ sinh con trai và sau này xuất gia làm một Đại sư lỗi lạc. Từ khi mang thai Ngài, thân tâm của mẹ ngài trở nên an lạc lạ thường, bà phát tâm ăn chay trường và thâm tín Tam Bảo. Khi đản sinh Ngài, có hai luồng hào quang ở trên không chiếu xuống, tiếng chuông lảnh lót. Đầu Ngài vuông vắn có góc, mắt hai tròng, tướng mạo phi phàm. Năm Ngài lên chín, phụ thân ngài bị địch quân sát hại. Trước khi qua đời kêu Ngài đến và dạy rằng : “Nầy con! Đây là túc nghiệp của cha, tuyệt đối không nên ôm hận báo thù. Hãy nhớ rằng oán không thể diệt oán. Nếu mang cái tâm báo thù thì đời đời kiếp kiếp sẽ giết hại lẫn nhau không bao giờ dứt. Mình biết đau thì người khác cũng biết tiếc mạng sống. Con sau này thành nhân hãy cầu vãng sanh Cực Lạc, lợi lạc bình đẳng cho người và mình!”. Dặn dò xong xuôi cha ngài lớn tiếng niệm Phật mà an ổn qua đời. Năm 14 tuổi, tuân theo di ngôn của thân phụ, ngài xuất gia với Pháp sư Giác Quán ở chùa Bồ Đề tại quê nhà. Ngài huệ giải mẫn tiệp, nhất văn thiên ngộ. Pháp sư Giác Quán thấy Ngài khí lượng bất phàm, không nỡ đề Ngài bị mai một, nên đưa Ngài lên Tỷ Duệ Sơn - một tự viện nổi tiếng ở kinh đô - để tham học với Pháp sư Nguyên Quang. Đến ở Tỷ Duệ Sơn không bao lâu thì Pháp sư Nguyên Quang bảo rằng: “Đây là tuấn mã. Không thể để uống phí ở đây!” Rồi đưa ngài đến A-xà-lê Hoàng-viên, một bậc Tông sư của Tông Thiên Thai thời đó. Vừa thấy Ngài Tổ Hoàng Viên đã nói rằng: “Hồi hôm ta nằm mộng, thấy một vầng trăng tròn chiếu vào chùa. Phải chăng đây là điềm lành báo trước”. Rồi thu nhận Ngài làm đệ tử, bấy giờ Ngài mới 15 tuổi. Chưa đầy 3 năm sau, Ngài đã thấu triệt tất cả những áo diệu của giáo pháp Thiên-Thai. Tổ Hoàng-Viên đã có ý trao truyền Tổ vị cho Ngài. Nhưng Ngài không muốn bị ràng buộc bởi danh lợi nên quyết tâm ra đi. Năm 18 tuổi, Ngài ẩn tu ở núi Hắc Cốc, tham học với Hòa Thượng Duệ Không, một bậc Tông Tượng của Mật Tông thời bấy giờ. Thấy Ngài khí độ phi phàm, dù rằng tuổi còn nhỏ mà không cần phải sách lệ, nên đặt pháp hiệu cho Ngài là Pháp Nhiên (có nghĩa là “Pháp vốn như vậy”), và pháp danh là Nguyên Không (lấy chữ “Nguyên” của Đại sư Nguyên Quang và chữ “Không” của Đại sư Duệ Không). Tại đây Ngài được truyền thụ Viên Thừa Đại Giới và Du Già Bí Pháp. Không những thông tuệ, Ngài còn rất hiếu học. Tất cả Kinh, Luật, Luận đều được Ngài duyệt đọc cẩn thận. Ngài còn nghiên cứu tường tận về mọi tông phái. Không những thế, Ngài lại đọc khắp bách gia của cả Trung Hoa lẫn Nhật Bản. Ngài từng nói rằng: “Bất cứ kinh điển hay sách vở gì, hễ tôi đọc qua vài lần là tự nhiên thấu triệt, không cần phải suy nghĩ”. Bởi thế, Ngài tinh thông mọi Tông pháp mà không cần phải học với ai cả. Ngài duyệt đọc Đại Tạng cả thảy 5 lần và được đương thời tôn xưng là Trí Huệ Đệ Nhất. Về phương diện tu hành, Ngài cũng có rất nhiều chứng nghiệm. Có lần Ngài nhập thất 21 ngày tu Pháp Hoa Tam Muội, cảm đức Phổ Hiền cưỡi voi trắng đến chứng minh, Sơn Vương Thần Tướng hiện hình thủ hộ. Khi Ngài duyệt đọc kinh Hoa Nghiêm, có con rắn nhỏ màu xanh nằm khoanh trên bàn. Thị giả Tín Không thấy vậy rất sợ hãi, dùng cây đem rắn ra ngoài. Khi trở vào lại thấy nằm nguyên ở chỗ cũ. Đêm đó Tín Không nằm mộng thấy một con rồng lớn đến bảo rằng: “Tôi là Long Thần thủ hộ kinh Hoa Nghiêm, xin đừng sợ hãi”. Mỗi lần Ngài nhập thất tu Chân-ngôn Mật-quán là cảm ứng các điềm lành như liên hoa, bảo châu, yết ma và v.v… hiện ra. Rất nhiều lần Ngài đọc kinh ban đêm mà không cần đốt đèn. Ánh sánh phát ra từ trán của Ngài hoặc từ trong thất. Những điều lạ thường như trên, kể ra không xiết. Nhưng dù vậy Ngài vẫn còn băn khoăn chưa thật sự an tâm. Trong cả Đại Tạng Kinh, Ngài hâm mộ nhất là Bộ “Quán Kinh Sớ” của Tổ Thiện Đạo. Ngài đọc đi đọc lại nhiều lần và bỗng nhiên ngộ được ý chỉ DI-ĐÀ SIÊU-THẾ NGUYỆN. Ngài vô cùng hoan hỷ, chẳng khác gì trong đêm tối mà gặp được minh đăng. Ngài lập tức xả bỏ tất cả những pháp môn đã và đang tu, rồi nhập thất chuyên tu Tịnh Độ, Niệm Phật, có đêm Ngài nằm mộng thấy Đại sư Thiện Đạo đến bảo với Ngài rằng: “Tôi là sư Thiện-Đạo đời Đường. Ông có thể hoằng dương Chuyên tu Niệm Phật, nên tôi đến để chứng minh. Từ nay ông có thể hoằng pháp thịnh hóa khắp cả bốn phương”. Năm 43 tuổi, Ngài rời Hắc Cốc đến trụ tích ở Đông Cát Thủy và khai sáng Tông Tịnh Độ. Trước đó tuy có không ít người Niệm Phật, nhưng không có Tông Tịnh Độ riêng biệt. Từ đây Tông Tịnh Độ xuất hiện và liên tục truyền thừa cho đến thời hiện đại ở Nhật Bản. Đây là một điểm đặc sắc cần lưu ý, vì ở Trung Hoa không hề có Tông Tịnh Độ, và dĩ nhiên không có sự kế thừa. Các Đại sư hoằng dương Tịnh Độ ở Trung Hoa có tính cách tự phát và chỉ ở trong đời của các Ngài mà thôi. Từ khi Ngài khai xướng Tông Tịnh Độ, những cảm ứng linh dị cũng nhiều không kể xiết. Xin kể đôi điều để tăng lòng kính tín. Đương thời Tể tướng Đằng Nguyên Kiêm Thực rất ngưỡng mộ Thượng Nhân. Có lần thỉnh ngài vào điện Nguyệt Luân để tham vấn về Tịnh Tông Yếu nghĩa, giảng xong Ngài từ biệt ra về, khi đi đến cây cầu ở trước điện, tể tướng quỳ lạy dưới đất không cầm được nước mắt, giây lâu mới quay lại hỏi các người tùy tùng: “Vừa rồi các người có thấy Thượng Nhân trên đầu có hào quang, dưới chân có hoa sen đỡ rời khỏi mặt đất, hình dáng giống như Đức Đại Thế Chí hay không?”. Có người thấy, có người không. Từ đó cầu này được đặt tên là cầu Viên Quang. Có lần cử hành Niệm Phật thất 21 ngày ở Chùa Linh Sơn. Vào nửa đêm ngày thứ 5, có vài người thấy Đức Đại Thế Chí cùng với đại chúng kinh hành Niệm Phật nên vội đảnh lễ. Giây lát ngước lên thì hình Đức Đại Thế Chí biến thành hình Thượng Nhân. Do đó mới biết rằng ngài là hóa thân của Đức Đại Thế Chí. Từ khi Thượng Nhân sáng lập Tông Tịnh Độ thì cơ hóa độ thịnh hành vô cùng. Từ vua chúa công khanh cho đến hạng dân giả đều qui ngưỡng Ngài. Và hẳn nhiên cũng không thiếu kẻ ganh ghét Ngài. Do lỗi lầm của đệ tử, Ngài bị vu cáo và phải bị đi đày một thời gian ngắn. Nhưng Ngài vẫn an nhiên dạy Đạo cho bất cứ ai đến tham vấn mà không hề phân biệt. Cũng nhờ lần đi đày này mà nhiều người có dịp gặp Ngài và được vãng sanh. Ngài vãng sanh vào lúc giữa trưa ngày 25 tháng 2 năm 80 tuổi (1212). Trước đó vài ngày, ngài nói với các đệ tử: “ Tiền thân của Thầy là một vị tăng ở bên Thiên Trúc (Ấn độ cổ thời), thường tu hạnh đầu đà. Nay đến chốn này học Thiên Thai Tông, sau rốt mở Tịnh Độ Tông, hoằng dương Niệm Phật.” Đệ tử Thế Quán hỏi: Thưa Thầy! Là vị nào? Ngài đáp: Là ông Xá-Lợi-Phất. Lại có đệ tử khác hỏi: Thầy nay có vãng sanh về Thế-giới Cực-Lạc không? Ngài đáp: Thầy vốn là người của Cực Lạc thì dĩ nhiên trở về Cực Lạc. Các đệ tử thiết trí tượng Đức Phật A Di Đà và xin Ngài chiêm ngưỡng. Ngài lấy tay chỉ lên không mà nói rằng: “Phật hiện Chân thân kìa, các con có thấy không? Thầy mười mấy năm nay thường thấy Chân thân của Phật, Bồ Tát và Cực Lạc Trang Nghiêm, nhưng tuyệt đối không nói với ai. Nay sắp lâm chung, nên không ngại gì mà không nói cho các con biết”. Ngày 22 các đệ tử đều đi nghỉ hết, chỉ còn một mình Thế Quán hầu Ngài. Có một người đàn bà đi xe đến và xin được gặp riêng Thượng Nhân. Hai người đàm đạo rất lâu. Khi bà ra về, Thế Quán rất lấy làm lạ nên mới đi theo sau, nhưng chẳng bao xa thì bà đột nhiên biến mất. Thế Quán vào hỏi Thượng Nhân. Ngài đáp: “Bà đó là phu nhân Vi Đề Hy!”. Từ ngày 23 cho đến ngày 25, Ngài lớn tiếng Niệm Phật cùng với đại chúng để kết duyên lần cuối. Đến giữa trưa ngày 25, ngài đắp y Tăng già lê, đầu Bắc diện Tây (nằm nghiêng bên phải, mặt quay về phía Tây) tụng bài kệ sau rồi an nhiên thị-tịch, thế-thọ 80, tăng lạp 66. “ Quang-minh biến-chiếu, Niệm-Phật chúng-sanh Nhiếp-thu bất-xả”. (Tạm dịch: Ánh sáng chiếu khắp mười phương thế giới. Thu nhiếp chẳng rời chúng sanh Niệm Phật). Trước khi Ngài thị tịch 5 ngày (ngày 20) mây ngũ sắc giống như tranh Phật che phủ chùa, khiến cho tất cả đại chúng được thấy đều rơi lệ. Các đệ tử nói rằng: “Đã có mây lành hiện ra thì Thầy sắp vãng sinh rồi ”. Ngài bảo: “Lành thay! Những người được thấy nghe hẳn sẽ tăng trưởng tín tâm!”. Sau khi Ngài vãng sinh 16 năm, các đệ tử mở kháp đá đựng di thể của Ngài thì toàn thân vẫn như cũ, dung mạo từ hòa. Đệ tử tăng tục hơn ngàn người hộ tống di hài Ngài về Tây Giao làm lễ trà tỳ. Trong khi làm lễ, mây lành hiện ra, hương thơm phảng phất trên các cây tùng nên từ đó nơi này có tên là “Tử Vân Tùng”, hiện nay là chùa Quang Minh. Tác phẩm quan trọng nhất của ngài là TUYỂN TRẠCH BỔN - NGUYỆN NIỆM PHẬT TẬP 4 đang được chuyển dịch sang Việt ngữ. NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT CÁC HẠNH VÃNG SANH, NIỆM PHẬT ĐỆ NHẤT 1) Thánh Đạo Môn tuy thâm diệu, nhưng thời điểm và căn cơ chẳng tương ứng. Tịnh Độ Môn hình như là nông cạn, nhưng thời điểm và căn cơ đều tương ứng. Thời Mạt Pháp một vạn năm, các kinh điển khác đều tiêu diệt, chỉ còn pháp môn niệm Phật A Di Đà để cứu độ chúng sanh. 2) Tông Tịnh Độ siêu hơn các tông. Hạnh Niệm Phật siêu hơn các hạnh. Bởi vì thâu nhiếp tất cả các cơ vậy. 3) Chẳng luận có tội hay vô tội, chẳng kể là trì giới hay phá giới, nếu căn cứ vào thời điểm và căn cơ thì chỉ có pháp môn Tịnh Độ (Hạnh Niệm Phật) là yếu pháp để thoát khỏi sinh tử trong đời này. 4) Để đời này thoát khỏi sinh tử, không gì hơn vãng sinh Tịnh Độ. Để được vãng sinh Tịnh Độ, không gì hơn Niệm Phật. 5) Tu Niệm Phật để cầu vãng sinh Tịnh Độ, thì tương ứng với tâm của Đức Thích Ca, Đức A Di Đà. Tu các hạnh khác để cầu vãng sanh Tịnh Độ thì mâu thuẫn với tâm của Đức Thích Ca, Đức A Di Đà. 6) Để được vãng sinh cõi Cực Lạc, thì dù diệu hạnh gì chăng nữa cũng không hơn niệm Phật. Vì sao thế? Vì niệm Phật là hạnh tương ưng với Bổn Nguyện của Đức Phật A Di Đà vậy. 7) Ngoài niệm Phật, tất cả hạnh khác đều chẳng tương ưng với Bổn Nguyện của Đức Phật A Di Đà. Bởi vậy, tuy là diệu hạnh cũng không bằng niệm Phật. Muốn được sinh sang cõi nước đó, nên thuận theo Bổn Nguyện của Đức Phật A Di Đà. 8) Niệm Phật là hạnh tương ưng với Bổn Nguyện của Đức Phật A Di Đà, nên mười phương hằng sa chư Phật đều chứng thành. Các hạnh khác chẳng tương ưng Bổn Nguyện, nên chư Phật chẳng chứng thành. Bởi thế nên thường niệm Phật để mười phương chư Phật hộ niệm. 9) Kinh QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ chép rằng: “Quang minh soi chiếu khắp mười phương thế giới, thâu nhiếp không rời các chúng sinh niệm Phật ”. Quang minh của Đức A Di Đà chỉ soi chiếu người niệm Phật, chẳng soi chiếu người tu các hạnh khác. Bởi thế người cầu sinh sang cõi Cực Lạc phải biết Niệm Phật là trọng yếu. 10) Bổn Nguyện thâm trọng sau năm kiếp tư duy chép trong kinh PHẬT THUYẾT VÔ LƯỢNG THỌ là: “Chẳng kể thiện hay ác, chẳng quản trì giới hay phá giới, chẳng tính tại gia hay xuất gia, chẳng luận có trí hay không có trí. Chỉ pháp Đại Bi Bình Đẳng, nay đã thành Phật ”. Trụ vào cái Tâm Tha Lực ( nguyện lực của Đức A Di Đà) mà Niệm Phật thì chỉ trong khoảnh khắc, đã được dự vào sự nhiếp thọ của Đức Phật A Di Đà. 11) Niệm Phật không có hình thức. Ngoài việc xưng Danh hiệu, không có hình thức. Ngoài việc xưng Danh hiệu, không có hình thức gì cả. 12) Niệm Phật hoàn toàn không có hình thức. Chỉ cần biết rằng: “Hễ xưng Danh hiệu Đức Phật A Di Đà thì được sinh sang cõi Cực Lạc ”, do đó chí tâm niệm Phật để cầu vãng sinh. 13) Niệm Phật lấy không hình thức làm hình thức. Chỉ biết rằng thường niệm Phật thì đến lúc lâm chung nhất định Phật lai nghinh mà vãng sinh sang cõi Cực Lạc. 14) Vấn đề niệm Phật tuy có nhiều ý nghĩa, nhưng xưng Lục Tự Hồng Danh ( NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT ) thì đã bao hàm tất cả. 15) Niệm Phật chẳng phải là quán Pháp Thân Phật, chẳng phải là quán tướng hảo của Phật. Chỉ một lòng chuyên xưng danh hiệu Đức A Di Đà, đó là niệm Phật. 16) Chỉ biết rằng: “Bổn Nguyện của Đức A Di Đà chẳng hư dối, hễ xưng niệm danh hiệu của Ngài thì nhất định được vãng sinh”. Ngoài ra không cần nghĩ gì khác. 17) Tất cả căn cơ cứ tùy theo thiên tính mà niệm Phật để vãng sinh. Cái thân hiện nay do túc nghiệp đời trước mà có, nên trong đời này không thể thay đổi. Như người nữ mà muốn đổi thành người nam trong đời này thì không thể được. Cứ tùy theo thiên tính mà niệm Phật. Người trí thì lấy trí mà niệm Phật vãng sinh. Người ngu thì dùng ngu mà niệm Phật vãng sinh. Có đạo tâm cũng niệm Phật vãng sinh. Không đạo tâm cũng niệm Phật vãng sinh. Người có tà kiến cũng niệm Phật vãng sinh. Hàng phú quý, hạng bần cùng, người tham lam, kẻ tánh nóng, bậc có từ bi, hạng không có từ bi, do BỔN NGUYỆN KHÔNG THỂ NGHĨ BÀN CỦA ĐỨC A DI ĐÀ, hễ niệm Phật thì đều được vãng sinh. 18) Hỏi: Người xuất gia niệm Phật với người tại gia niệm Phật hơn kém ra sao? Đáp: Người xuất gia niệm Phật với người tại gia niệm Phật công đức bằng nhau không có hơn kém. Hỏi: Chỗ này quả thật tôi không hiểu. Vì sao người xuất gia không gần đàn bà, ăn chay trường mà niệm Phật, do đó rất đáng quý. Người tại gia thường hay nghĩ đến sắc dục, ăn thịt uống rượu mà niệm Phật, hẳn nhiên là thấp kém. Làm sao mà bằng nhau được? Đáp. Công đức bằng nhau không có hơn kém. Vì sao vậy? Người không biết BỔN NGUYỆN CỦA ĐỨC A DI ĐÀ mới có nghi vấn này! 19) Anh Cát Đằng (một đệ tử tại gia thuộc hạng hạ lưu của Ngài) cũng mong Phật cứu độ mà niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT. Pháp Nhiên nầy cũng mong Phật cứu độ mà niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT. Hai bên hoàn toàn không khác gì nhau. 20) Niệm Phật của Pháp Nhiên nầy với niệm Phật của anh Cát Đằng hoàn toàn như nhau. Nếu cho rằng không giống nhau, là hoàn toàn không biết ý nghĩa của niệm Phật vậy. Như lấy gấm vóc mà gói vàng ròng, hoặc lấy vải dơ mà gói vàng thì cũng là vàng ròng cả. 21) Hỏi: Niệm Phật khi tâm thanh tịnh với niệm Phật khi tâm động hơn kém ra sao? Đáp: Công Đức bằng nhau, không có gì sai khác! 22) Hỏi: Tôi tuy niệm Phật mà tâm cứ tán loạn không biết làm sao đây? Đáp: Chuyện đó thì Pháp Nhiên nầy cũng làm không nổi! 23) Tâm của hạng phàm phu làm sao mà không tán loạn được. Cũng chính vì thế mới gọi là Pháp Môn Dễ Tu. 24) Đã sinh làm người trong cõi dục giới tâm địa nầy thì tâm đều tán loạn cả. Nếu bảo rằng phải bỏ cái tâm tán loạn mới vãng sinh được thì thật là vô lý. Tán tâm niệm Phật mà được vãng sinh, đó là chỗ đáng quý của BỔN NGUYỆN vậy. 25) Chẳng phải thanh tịnh cái tâm của mình, trừ đi nghiệp chướng nầy rồi mới niệm Phật, mà do thường niệm Phật thì tội chướng tiêu diệt. 26) Dù trọng tội vô gián (ngũ nghịch) cũng không thể thắng công đức xưng Danh. Thanh bảo kiếm là Danh hiệu Đức A Di Đà, hễ trì niệm thì ma duyên không gần được. Thường xưng niệm Danh hiệu Ngài thì tội chướng tiêu diệt. 27) Trong khi niệm Phật mà tâm vọng động là thông bệnh của tất cả hạng phàm phu. Nhưng hễ có chí nguyện vãng sinh mà Niệm Phật thì tuyệt đối không chướng ngại. Ví như chỗ thâm tình của cha con, dù có bất hòa đôi chút, thì chỗ thâm tình đó vẫn không thay đổi, vẫn là cha con. 28) Lấy người Niệm Phật mà thí dụ cho hoa sen, vì hoa sen là nghĩa không ô nhiễm. Đối với Danh hiệu của Bổn Nguyện Thanh Tịnh (NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT) thì sự dơ bẩn của thập ác, ngũ nghịch không thể làm ô nhiễm được nên mới thí dụ như thế. 29) Không cần để ý đến vọng niệm, tán loạn… mà chỉ chuyên cần xưng Danh hiệu. Nếu thường xưng Danh hiệu thì do công đức của Phật Danh, vọng niệm tự dừng, tán loạn tự yên, tam nghiệp (thân, khẩu, ý) tự điều hòa, nguyện tâm tự phát. Bởi thế: “ Khi nguyện tâm còn yếu, cũng Nam Mô A Di Đà Phật. Khi tâm tán loạn nhiều, cũng Nam Mô A Di Đà Phật. Khi vọng niệm sinh khởi, cũng Nam Mô A Di Đà Phật. Khi thiện tâm phát sinh, cũng Nam Mô A Di Đà Phật. Khi bất tịnh, cũng Nam Mô A Di Đà Phật. Khi thanh tịnh, cũng Nam Mô A Di Đà Phật. Khi tam tâm còn thiếu kém, cũng Nam Mô A Di Đà Phật. Khi tam tâm hiện khởi, cũng Nam Mô A Di Đà Phật. Khi tam tâm thành tựu, cũng Nam Mô A Di Đà Phật ”. Đây là phương tiện để chắc chắn được vãng sinh, xin ghi khắc vào tâm can chớ quên. 30) Trong nhãn quan của Pháp Nhiên thì: “ Tam tâm cũng là NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT Ngũ niệm cũng là NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT Tứ tu cũng là NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT ”. 31) Người làm biếng Niệm Phật là người đánh mất đi vô lượng châu báu. Người siêng năng Niệm Phật là người khai mở vô biên sáng suốt. Nên dùng cái tâm cầu vãng sinh mà tương tục Niệm Phật. 32) Danh lợi là dây trói của sinh tử, là lưới sắt để vướng vào ba đường dữ. Xưng Danh là đôi cánh của vãng sinh để lên chín phẩm liên đài. 33) Chúng ta là người bị kẻ thù “tham, sân, phiền não” cột trói mà giam hãm trong lồng chậu tam giới. Hãy nghĩ đến lòng từ bi của Cha Lành A Di Đà, dùng thanh bảo kiếm Danh hiệu mà chặt đứt dây trói sinh tử, lên con thuyền Bổn Nguyện để vượt biển luân hồi, đến bờ Giác Ngộ. Nước mắt hoan hỷ rơi ướt áo, lòng mong mỏi không nguôi. 34) Đã được thân người khó được, nếu tương lai để rơi vào ba đường dữ thì đáng buồn, đáng tiếc vô cùng. Chán cõi dơ, ưa Tịnh Độ, bỏ ác tâm, phát thiện tâm thì được tam thế Chư Phật tùy hỷ. Con đường để ra khỏi sinh tử tuy chẳng giống nhau, nhưng trong thời mạt pháp thì Xưng Danh Đức Phật A Di Đà là hơn cả. Hạng tội chướng nặng nề ngu si ám độn đi nữa, nếu chịu trì Danh thì sẽ được vãng sinh, vì tương ưng Bổn Nguyện nhiếp thọ của Đức Phật A Di Đà vậy. Tội chướng nặng nề hãy đừng mặc cảm, vì ngũ nghịch; thập ác cũng được vãng sinh. Dù mười niệm hay một niệm đi nữa, hễ chí tâm thì Phật lai nghinh. 35) Hạnh Trì giới (mà không xưng Danh Hiệu A DI ĐÀ PHẬT cầu sinh Tịnh Độ) chẳng phải là hạnh mà Bổn Nguyện của Đức Phật A Di Đà nhiếp thọ, do đó cứ theo khả năng của mình mà giữ là được rồi. Điều quan trọng là chuyên cần Niệm Phật. 36) Chẳng kể là phá giới hay giữ giới, giàu hay nghèo, căn cơ cao hay thấp. Hễ xưng niệm Danh hiệu Ngài thì như gạch ngói biến thành vàng ròng. Ngài nhất định lai nghinh. Đó là thệ nguyện của Đức Phật A Di Đà. 37) Người Niệm Phật dù không có chút thiện căn gì khác đi nữa, vẫn chắc chắn được vãng sinh. Hỏi: Niệm Phật mà không phát bồ đề tâm thì làm sao được vãng sinh? Niệm Phật mà không giữ giới thì làm sao được vãng sinh? Niệm Phật mà không có trí tuệ thì làm sao được vãng sinh? Niệm Phật mà vọng niệm không ngừng thì làm sao được vãng sinh? Đáp: Hỏi như vậy là vì không biết và hiểu kinh PHẬT THUYẾT VÔ LƯỢNG THỌ. 38) Phật có đại nguyện tiếp dẫn, chúng ta có lòng muốn sinh sang đó, làm sao mà chẳng toại nguyện vãng sinh? 39) Nếu đi bằng thuyền thì người sáng mắt hay kẻ đui mù đều có thể đến bờ bên kia. Tuy có con mắt trí tuệ mà không Niệm Phật thì không phù hợp với Nguyện Lực. Tuy ngu si ám độn mà có thể Niệm Phật xin được nương vào Nguyện Lực của Phật để được vãng sinh. 40) Không để ý đến thiện ác của bản thân, chỉ một lòng cầu vãng sinh mà Niệm Phật. Đó gọi là Tha Lực Niệm Phật. Cho rằng bản thân bị tội chướng khó được vãng sinh là điều sai lầm rất lớn. 41) Chẳng cần để ý là tâm mình thiện hay ác, tội chướng nặng hay nhẹ, mà chỉ nên dùng miệng xưng NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT và phát khởi cái tâm quyết định! Nương Phật Thệ Nguyện chắc chắn vãng sinh!!! 42) Hạng vô trí, tội chướng Niệm Phật mà vãng sinh là ý chánh (mục đích chính) của Bổn Nguyện. 43) Thâm tâm tức là cái tâm tin sâu. Tin sâu điều gì? Tin rằng: Hạng phàm phu phiền não sâu dày, nghiệp chướng nặng nề, thiện căn thiếu kém, nhờ tin vào Nguyện Lực Đại Bi của Đức Phật A Di Đà, rồi chấp trì danh hiệu, hoặc 100 năm, hoặc 45 năm, 20 năm, 10 năm, cho đến một hai năm. Từ khi phát tâm cho đến lúc lâm chung không thối chuyển. Hoặc 7 ngày, hoặc 1 ngày, cho đến 10 niệm, 1 niệm. Dù nhiều hay ít, người xưng danh Niệm Phật chắc chắn được vãng sinh. Tóm lại, đối với chuyện vãng sinh mà không nghi ngờ thì gọi là “Thâm Tâm”. 44) Tuy được nghe Danh Hiệu mà không tin thì cũng như không được nghe. Tuy có tín tâm mà không xưng niệm thì cũng như không tin. Bởi thế nên một lòng Niệm Phật. 45) Bổn Nguyện của Đức Phật A Di Đà là thệ nguyện dùng Danh Hiệu của Ngài để tiếp chúng sanh tội chướng. Do đó, người Niệm Phật (xưng danh hiệu Ngài) thì sẽ được lai nghinh. Đạo lý này tuyệt đối không thể nghi ngờ. 46) Hỏi: Chỉ xưng Danh một niệm mà có thể diệt được trọng tội ngũ nghịch, thập ác ư? Đáp: Đừng nghi! 47) Khi tạo ngũ nghịch mà được nghe Danh Hiệu của Đức Phật A Di Đà thì hỏa xa (cảnh địa ngục) tự nhiên biến mất, liên đài hiện đến lai nghinh. Người tội chướng nặng nề không có phương tiện gì khác để giải thoát, do xưng Danh Hiệu được vãng sinh Cực Lạc. Đó là nhờ vào Nguyện Lực của Đức Phật A Di Đà. 48) Hỏi: Niệm Phật lúc lâm chung với Niệm Phật lúc bình thường, bên nào thù thắng hơn? Đáp: Giống nhau! 49) Phút lâm chung, nỗi khổ của cái chết bức bách, thân thể chịu vô lượng thống khổ, giống như trăm nghìn lưỡi dao đâm vào. Mắt mũi bỗng nhiên mờ mịt, muốn thấy cũng không thể thấy. Miệng lưỡi co cứng, muốn nói cũng không nói được. Đây là tứ khổ trong tám sự khổ của kiếp người, dù người tu Niệm Phật, tin Bổn Nguyện, cầu vãng sinh chăng nữa cũng khó tránh khỏi nỗi khổ nầy. Nhưng dù mờ mịt, đến khi tắt thở, do Nguyện Lực của Đức Phật A Di Đà, sẽ thành chánh niệm mà vãng sinh. Sát na lâm chung dễ như cắt sợi tơ, điều nầy người khác không biết được, chỉ có Phật và người tu Niệm Phật biết được mà thôi. 50) Người Niệm Phật mà có lòng cầu vãng sinh và không nghi A Di Đà Phật Bổn Nguyện thì khi lâm chung không bị điên đảo. Sở dĩ được như vậy là nhờ Phật lai nghinh. Phật lai nghinh là để người tu Niệm Phật lúc lâm chung được chánh niệm, chứ không phải lúc lâm chung cần phải chánh niệm thì Phật mới lai nghinh. Người không biết nghĩa nầy đều cho rằng lúc lâm chung cần phải chân chánh niệm Phật, Phật mới lai nghinh. Kiến giải như vậy là không tin vào Phật Nguyện và cũng không hiểu kinh văn nữa. 51) Vì người chết mà niệm Phật hồi hướng thì Phật A Di Đà phóng quang minh soi chiếu địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Kẻ bị chìm trong ba đường dữ mà chịu khổ thì hết khổ. Người chết sau khi lâm chung được giải thoát. 52) Tuy biết rằng: “Dù tội ngũ nghịch cũng không chướng ngại vãng sinh” nhưng phải cẩn thận ngay cả tội nhỏ cũng chớ phạm. Tuy biết rằng “một niệm cũng đủ” nhưng gắng niệm cho nhiều. Tin rằng một niệm cũng vãng sinh mà niệm suốt một đời. 53) Hỏi: Vì Bổn Nguyện không loại trừ kẻ ác, nên người ta đều muốn tạo ác nghiệp, làm sao đây? Đáp: Phật A Di Đà tuy không bỏ rơi kẻ ác, nhưng người tạo ác nghiệp thì chẳng phải là đệ tử của Phật. Tất cả Phật Pháp là để chế phục điều ác, vì hạng ngu si phàm phu không dễ gì làm được, nên khuyên Niệm Phật để diệt tội. 54) Đức Phật A Di Đà thương xót tất cả chúng sinh, dù thiện hay ác Ngài đều cứu độ. Nhưng thấy người lành thì Ngài vui, thấy kẻ ác thì Ngài thương xót. 55) Đáng thương thay! Thiện tâm tùy năm mà giảm, ác tâm theo ngày mà tăng! Người xưa nói: “Phiền não như ảnh tùy thân, muốn bỏ mà không xong. Bồ Đề như trăng trong nước, muốn lấy mà không được”. 56) Hễ có tín tâm thì tội lớn cũng diệt, không có tín tâm thì tội nhỏ vẫn còn. Nên hổ thẹn là mình không có tín tâm! 57) Người tu Tịnh Độ trước hết nên biết hai điều nầy: “Vì người có duyên dù phải bỏ thân mệnh, tài sản cũng nên vì họ mà nói pháp môn Tịnh Độ. Vì sự vãng sinh của mình, nên xa lìa mọi phiền nhiễu mà chuyên tu hạnh Niệm Phật”. Ngoài hai điều trên không tính toán gì khác. 58) Đã tu Tịnh Độ thì mọi chuyện trong đời đều y theo Niệm Phật mà quyết định. Tất cả đều là trợ duyên cho Niệm Phật, hễ làm chướng ngại thì nên từ bỏ. Sống một mình không Niệm Phật được thì ở chung mà Niệm Phật. Sống chung không Niệm Phật được thì ở một mình mà Niệm Phật. Tại gia mà không Niệm Phật được thì xuất gia mà Niệm Phật. Xuất gia mà không Niệm Phật được thì tại gia mà Niệm Phật. Sống giữa đời không Niệm Phật được thì trốn đời mà Niệm Phật. Trốn đời không Niệm Phật được thì sống giữa đời mà Niệm Phật. 59) Nguyện rằng người tu Tịnh Độ gặp bệnh hoạn nên vui! 60) Thành Phật tuy khó nhưng cầu vãng sinh thì dễ được. Nhờ sức Bổn Nguyện làm cường duyên, nên tuy là phàm phu mà được vãng sinh Báo Độ (Thực Báo Trang Nghiêm Tịnh Độ). 61) Một vị tăng ở Trấn Tây đi hành cước, khi đi ngang Cát Thủy Lư, ra mắt Pháp Nhiên Thượng Nhân, gặp lúc ngài đang Niệm Phật ở đạo trường nên thị giả tiếp khách. Vị tăng hỏi: Trong khi xưng Danh hiệu, có nên để tâm mình vào tướng hảo của Phật hay không? Thị giả đáp: Quả thật là nên. Vừa lúc ấy ngài mở cửa đạo trường và nói: “Nguyên Không nầy (một pháp danh khác của Ngài) thì chẳng vậy. Hãy nhớ rằng kinh dạy: “Khi tôi thành Phật, mười phương chúng sinh xưng Danh hiệu của tôi dù chỉ có mười lần, nếu chẳng được vãng sinh, tôi sẽ không ở ngôi Chánh Giác”. ( Kinh PHẬT THUYẾT VÔ LƯỢNG THỌ). Và Tổ Thiện Đạo dạy: “Đức Phật kia (Đức A Di Đà) nay đang tại thế thành Phật. Bởi thế nên biết rằng Bổn Nguyện Trọng Thệ chẳng hư dối. Chúng sinh xưng niệm thì tức nhiên được vãng sinh”. Theo thiển ý, dù quán tướng hảo của Phật chăng nữa cũng chẳng phải như thuyết quán. Chẳng bằng nương tựa Bổn Nguyện, miệng xưng Danh hiệu là hơn cả, vì đó là hạnh chân thực ( hạnh tương ưng với Bổn Nguyện). 62) Có người hỏi rằng: Nhật khóa xưng danh sáu vạn, mười vạn lần mà chẳng như pháp: so với xưng danh hai vạn, ba vạn lần mà như pháp. Bên nào tốt hơn? Ngài đáp: Hạng phàm phu loạn tưởng xưng danh ít lần mà như pháp tu hành, sự thật rất là khó. Chẳng bằng nhật khóa xưng danh cho nhiều. Chỗ trọng yếu của xưng danh là để tâm niệm tương tục, Niệm Phật không ngớt miệng là đủ, cần gì phải cho là như pháp hay chẳng như pháp ư! 63) Hỏi: Thường nghĩ đến chuyện “Bỏ ác tu thiện” mà Niệm Phật, so với thường nghĩ đến ý chỉ của Bổn Nguyện mà Niệm Phật. Điều nào hay hơn? Đáp: Bỏ ác tu thiện tuy là lời răn chung của chư Phật, nhưng hạng phàm phu thời mạt pháp như chúng ta thường làm ngược lại! Nếu chỉ tự mình mà chẳng nương vào Bổn Nguyện thì e rằng khó mà ra khỏi sinh tử. 64) Hỏi: Thiện Đạo Hòa Thượng cho rằng Thánh Đạo môn là giáo pháp phương tiện, xuất phát từ đâu? Đáp: Cuốn PHÁP SỰ TÁN chép: “ Như Lai xuất hiện nơi ngũ trược. Tùy nghi phương tiện dạy chúng sanh. Hoặc nói “đa văn” mà được độ. Hoặc thuyết “tiểu giải” chứng tam minh. Hoặc dạy “phước huệ” cùng trừ chướng. Hoặc giáp “thiền niệm” ngồi tư duy. Tất cả pháp môn đều giải thoát. Không hơn Niệm Phật vãng Tây Phương”. Hỏi: Đã nói rằng: “Tất cả pháp môn đều giải thoát”, sao lại lấy đoạn văn nầy làm chứng cứ? Đáp: Ở trên nói: “Tùy nghi phương tiện dạy chúng sanh”, kế đến là “Tất cả pháp môn đều giải thoát”, và cuối cùng là “Không hơn Niệm Phật vãng Tây Phương”. Rõ ràng là ngoài Niệm Phật vãng sinh ra, tất cả đều là phương tiện. 65) Thánh Đạo Môn (các tông phái khác) đều tu cái “nhân” của tam thừa, tứ thừa để được cái “quả” của tam thừa, tứ thừa. Do đó không thể so sánh với hạnh Niệm Phật. Còn trong Tịnh Độ Môn thì các hạnh (đọc tụng kinh điển, lễ bái, quán tưởng, quán tượng…) và hạnh Niệm Phật đều là “nhân” để vãng sinh nên có thể so sánh. Nhưng các hạnh đều chẳng phải tương ưng với A Di Đà Phật Bổn Nguyện, do đó quang minh của Đức A Di Đà chẳng thu nhiếp, mà Đức Thích Ca cũng chẳng phó chúc. Bởi thế Thiện Đạo Đại Sư dạy: “Tất cả các hạnh khác tuy gọi là thiện, nhưng nếu so với Niệm Phật thì hoàn toàn không thể so sánh nổi”. 66) Các Đại sư hoằng dương Pháp môn Tịnh Độ thời nào cũng có nhiều, tất cả đều khuyên người tu Tịnh Độ phát Bồ Đề Tâm và đều lấy hạnh “Quán Tưởng” làm chánh. Chỉ duy một mình Đại sư Thiện Đạo cho rằng không phát Bồ Đề Tâm cũng được vãng sinh và nhận định rằng hạnh “Quán Tưởng” chỉ là trợ nghiệp cho hạnh “Xưng Danh” mà thôi. Theo thiển ý, người tu Tịnh Độ nếu không tuân theo ý của Ngài Thiện Đạo thì e rằng khó được vãng sinh. Hãy ghi nhớ! 67) Một đệ tử hỏi: Nếu trí tuệ là điều cần yếu để vãng sinh thì con người minh mẫn theo thầy học. Còn nếu chỉ cần xưng danh là đủ thì không mong gì khác. Xin Thầy từ bi khai thị cho, con sẽ tuyệt đối vâng theo như lời Phật dạy vậy. Ngài đáp: Chánh nghiệp vãng sinh thì trọng yếu là xưng danh. Rõ ràng là chẳng phân biệt có trí tuệ hay không có trí tuệ, cần gì phải học hành cho lắm! Chi bằng cứ lo Niệm Phật, thì sẽ mau được vãng sinh Tịnh Độ, gặp mặt Thánh chúng, được nghe pháp môn. Hơn nữa cõi kia trang nghiêm, ngày đêm thuyết pháp sâu xa, do đó sẽ tự nhiên khai phát thắng giải mà chứng Vô Sinh Nhẫn. Nếu chưa biết ý nghĩa của Niệm Phật vãng sinh thì học cho biết, đơn sơ là đủ. Nếu ham học rộng, biết bao nhiêu cho cùng. Hãy siêng năng Niệm Phật là hơn cả. 68) Thọ giáo và phát tâm không hẳn là cùng lúc, vì phát tâm thì gặp duyên mà phát khởi. Trước đây có một vị sơn tăng hỏi tôi rằng: “Tôi học pháp môn Tịnh Độ đã lâu, hiểu được đôi chút nhưng chưa phát khởi được tín tâm. Phải dùng phương tiện gì để thành lập tín tâm?”. Tôi đáp: “Hãy cầu nguyện Tam Bảo gia bị”. Vị tăng kia tuân theo lời dạy. Một hôm ông ấy đến chùa Đại Đông, gặp lúc đang gác cây đòn dông ở chánh điện. Ông bèn đứng xem, bỗng nhiên tín tâm phát khởi rồi tự nhủ rằng: “Nếu không có sự tính toán khéo của người thợ thì làm sao cây đòn dông lên đó được?! Người thợ tầm thường còn vậy huống gì sức thiện xảo không thể nghĩ bàn của Như Lai! Mình có cái chí nguyện vãng sinh, Phật có lời thề tiếp dẫn. Vãng sinh Tịnh Độ hẳn nhiên là tương ứng!” Từ đó không còn tâm nghi ngờ nữa. Sau nầy ông có đến cho tôi biết. Ba năm sau thì được vãng sinh, điềm lành rất nhiều. Bởi thế nên thường cầu nguyện Tam Bảo gia bị. 69) Yếu đạo để hạng phàm phu thoát khỏi sinh tử không gì hơn Môn Tịnh Độ, hạnh Niệm Phật. Nói về căn cơ thì bao gồm thập ác, ngũ nghịch, tứ trọng, báng pháp, xiển đề, phá giới, v.v… Nói về hạnh thì mười tiếng hay một tiếng, ngay cả trẻ con cũng xưng được. Nói về tín thì một niệm hay mười niệm, kẻ ngu cũng làm được. Bổn Nguyện vốn vì “mười phương chúng sinh” mà có, không để sót bất cứ căn cơ nào, không bỏ rơi bất kỳ ai. Trong mười phương chúng sinh, thì có trí hay vô trí, có tội hay vô tội, phàm phu hay Thánh nhân, trì giới hay phá giới, người nam hay người nữ, ông già hay trẻ con… cho đến căn cơ của thời Tam Bảo đã diệt đều bao gồm cả. Hễ gặp được Bổn Nguyện, được nghe Danh Hiệu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT và tin theo mà Niệm Phật thì Đức Phật A Di Đà dùng Quang Minh Biến Chiếu thu nhiếp chẳng rời. Hạng tội nặng nghiệp dày, u minh ám chướng lại càng nên nương vào A Di Đà Phật Bổn Nguyện. Vì sao vậy? Lý do là vì A Di Đà Bổn Nguyện vốn vì phàm phu, chớ không phải vì Thánh nhân. 70) Năm điều quyết định chuyện vãng sinh: 1) Bổn Nguyện của Đức A Di Đà quyết định. 2) Lời dạy của Đức Thích Ca quyết định. 3) Sự chứng minh của Chư Phật quyết định. 4) Giáo thích của Tổ Thiện Đạo quyết định. 5) Tín tâm của chúng ta quyết định. Do năm nghĩa trên quyết định vãng sinh. 71) Niệm Phật là chuyện mình làm. Vãng sinh là chuyện Phật làm. Vãng sinh là do Phật Lực ban cho, lại cứ tính toán trong tâm mình thì đó là tự lực. Chỉ nên xưng danh (niệm Phật) để chờ Phật lai nghinh. 72) Tuy tam học “Giới, Định, Huệ” hoàn toàn đầy đủ, nhưng nếu không nương Bổn Nguyện của Đức Phật A Di Đà mà xưng Danh hiệu Ngài thì không được vãng sinh. Tuy không có “Giới, Định, Huệ”, mà một mực xưng Danh thì chắc chắn được vãng sinh. 73) Hỏi: Vấn đề tự lực và tha lực nên hiểu như thế nào? Đáp: Pháp Nhiên nầy, tuy không phải là loại căn khí, có thể ra mắt Điện Hạ (Thiên Hoàng) nhưng do Điện Hạ triệu vào. Hai lần vào ra mắt không phải là do khả năng của tôi, mà do sức của Thiên Hoàng, huống gì là sức của Đức Phật A Di Đà! Chuyện Ngài lai nghinh để tiếp dẫn người xưng Danh là Bổn Nguyện của Ngài, điều nầy thật dễ hiểu. Những người tội chướng vô trí, không nên hoài nghi vãng sinh. Nếu mà nghi ngờ là hoàn toàn không biết gì về Phật Nguyện cả. Bổn Nguyện được phát ra là để cứu những người tội chướng vậy. Bởi thế hãy nỗ lực xưng Danh chớ khá nghi ngờ. Chỉ sợ không ưa cõi Cực Lạc, không tin Niệm Phật thì sẽ chướng ngại vãng sinh. Vì vậy gọi là “Tha Lực Nguyện”, là “Siêu Thế Nguyện”. 74) A Di Đà Bổn Nguyện phát ra không phải vì hạng thiện nhân có phương tiện, có thể dùng tự lực để thoát ly sinh tử mà là vì hạng ác nhân tội chướng không có phương tiện để giải thoát. Những hàng Bồ Tát, Thánh Hiền cũng có thể nương vào đó mà cầu vãng sinh. Hạng thiện nhân phàm phu cũng hướng về lời nguyện nầy mà được vãng sinh, huống gì hạng ác nhân phàm phu lại càng nên nương vào Tha Lực nầy chớ nên hiểu sai lầm mà bám chấp vào tà kiến. Hãy nhớ A Di Đà Bổn Nguyện căn bản là vì hạng phàm phu mà gồm luôn cả Thánh Nhân nữa. Xin hiểu rõ lý nầy. 75) Tu Thánh Đạo Môn thì tột cùng trí tuệ để lìa sinh tử. Tu Tịnh Độ Môn thì trở lại ngu si để vãng sinh. Bởi thế khi hướng về Thánh Đạo Môn thì trau dồi trí tuệ, giữ cấm giới, rèn luyện tâm tánh làm tông chỉ. Còn bước vào Tịnh Độ Môn thì chẳng dựa vào trí tuệ, chẳng lo tròn đạo hạnh, chẳng cần điều hòa tâm tánh, mà chỉ tự thấy mình là người vô năng, vô trí; cần nương vào Bổn Nguyện mà Niệm Phật mà cầu vãng sinh. 1) Muốn mau lìa sinh tử: Trong hai loại thắng pháp; Bỏ qua Thánh Đạo Môn, mà vào Tịnh Độ Môn. 2) Muốn vào Tịnh Độ Môn; Trong hai hạnh Chánh, Tạp; Hãy bỏ các Tạp hạnh, mà quay về Chánh Hạnh. 3) Muốn tu nơi Chánh Hạnh; Trong hai Chánh; Trợ Nghiệp; Chớ dính nơi Trợ Nghiệp; Hãy nên chuyên Chánh Định. 4) Chuyên tu Chánh Định Nghiệp; Tức là Xưng Phật Danh; Xưng Danh tất vãng sinh; Bởi do Phật Bổn Nguyện. 77) Yếu đạo để ra khỏi sinh tử, không gì hơn vãng sinh Tịnh Độ. Hạnh tu để vãng sinh Tịnh Độ tuy nhiều, không gì hơn Xưng Danh. Vì xưng Danh là hạnh tương ưng với A Di Đà Bổn Nguyện. Bởi vậy Hòa Thượng Thiện Đạo dạy rằng: “Kinh VÔ LƯỢNG THỌ” chép: “Khi tôi thành Phật, nếu mười phương chúng sinh xưng Danh hiệu của tôi, dù chỉ mười lần mà không được vãng sinh thì tôi chẳng ở ngôi Chánh Giác. Đức Phật kia hiện tại thế thành Phật. Nên biết rằng Bổn Nguyện Trọng Thệ chẳng hư dối. Chúng sinh xưng niệm, tất nhiên được vãng sinh”. Do đó ngoài xưng Danh không cần quán tưởng gì khác. Hiểu và tin như trên, lâm chung chắc chắn Phật lai nghinh. Nếu bình thường đã xưng Danh tích lũy công đức thì dù cho lúc lâm chung không xưng được Phật Danh vẫn quyết định vãng sinh. 78) Đệ tử Nhất Hiền Chân hỏi: Thưa Thầy! Để mau chóng lìa khỏi sinh tử, thì Chân Ngôn (Mật Tông), Chỉ Quán (Thiên Thai), Hoa Nghiêm, Phật Tâm (Thiền Tông) phải thâm diệu hơn Tịnh Độ chứ? Ngài đáp: Pháp môn thì vô lượng nhưng luận về chỗ cấp yếu, thì tối thượng là Tịnh Độ. Các giáo pháp tuy nhiều nhưng xét đến chỗ cương yếu, thì Tha Lực Đốn Giáo thù thắng hơn cả. Vì dễ tu mà công cao, dễ hành mà lý thâm. Bởi thế Tổ Huệ Viễn nói rằng: “Các môn Tam Muội tuy nhiều nhưng công cao mà dễ tu thì Niệm Phật là hơn cả”. Ngài Nguyên Chiếu nói rằng: “Niệm Phật Tam Muội là pháp để hạng phàm phu ngu độn trong sát na siêu việt thành Phật. Cho thấy rằng Tịnh Độ Giáo Pháp, Niệm Phật Tam Muội là Đại Thừa, Chí Cực, Tốc Tật, Giải Thoát”. 79) Khai thị của Pháp Nhiên Thượng Nhân cho đệ tử lúc lâm chung: “Thầy mấy chục năm nay, công phu Niệm Phật tích lũy, được bái kiến Cực Lạc trang nghiêm và Chân Thân của Phật, Bồ Tát là chuyện bình thường. Nhưng nhiều năm giữ kín mà không nói ra, nay đã đến lúc tối hậu nên bày tỏ đôi chút. Thầy nếu đoan tọa (ngồi kiết già) mà vãng sinh, người đời hẳn nhiên bắt chước. Mà cái thân người bệnh, cử động khó khăn, e rằng họ sẽ mất chánh niệm. Vì vậy nay Thầy nằm thẳng mà ra đi. Bổn Sư Thích Tôn đã thị hiện đầu Bắc, diện Tây (nằm nghiêng bên phải, đầu hướng Bắc, mặt hướng Tây) mà viên tịch, đó cũng là vì chúng sinh vậy. Thầy làm sao hơn Đức Thích Tôn được!” , LỜI BẠT Theo thiển ý của dịch giả, có thể nói Pháp Nhiên Thượng Nhân là người đầu tiên chỉ rõ chân diện mục của Tông Tịnh Độ, vạch ra một đường sáng cho tất cả những ai muốn thật sự liễu thoát sinh tử trong một đời. Điều đáng buồn là những lời dạy vàng ngọc nầy chưa hề được giới thiệu với người tu Tịnh Độ ở Việt Nam, dù rằng toàn bộ tác phẩm của Ngài đã được thâu nhập vào Đại Tạng Kinh qua bao thế kỷ. Dịch giả xin nguyện rằng hễ ai được đọc pháp ngữ nầy đều phát khởi tha lực tín tâm, hoan hỷ Niệm Phật, tin sâu rằng mình đã được dự vào A Di Đà Bổn Nguyện Hải Hội và tương lai chắc chắn được sinh về cõi Cực Lạc bất thối chuyển. Nam Mô A Di Đà Phật Viên Thông Nguyễn Văn Nhàn (Dịch giả)1 like
-
Màu đỏ thì hoàn toàn không hợp. Màu xám trắng, màu kem sữa, màu sữa bạc sĩu, cafe sữa, màu vàng, nâu đồng, vàng đồng, vàng...thì hợp.1 like
-
1 like
-
LỜI TIÊN TRI 2010
hiki liked a post in a topic by Thiên Sứ
Mưa trái mùa trên diện rộng tienphong.vn Thứ Năm, 25/03/2010, 15:37 Khoảng từ 13 đến 15 giờ ngày 24-3 đã có mưa lớn ở TP Đà Lạt và một số huyện như Lạc Dương, Đức Trọng và Di Linh. Tại Đà Lạt, mưa kéo dài trên diện rộng với lượng mưa mà Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Lâm Đồng đo được là 53,6mm, còn ở các huyện mưa xảy ra cục bộ tại một số xã, thị trấn. Cơn mưa này làm sống lại nhiều diện tích rau hoa tưởng sẽ chết theo đợt nắng hạn gay gắt tháng 3 này. Tại huyện Di Linh - thủ phủ cà phê Nam Tây Nguyên, khoảng 20 ngàn hécta cà phê được tưới đẫm nước sau trận mưa hứa hẹn sẽ sai quả và giúp nông dân tiết kiệm chi phí tưới cà phê đang rất đắt đỏ: Trung bình mỗi giờ nhà vườn phải bỏ ra 120 ngàn đồng thuê tưới cà phê, nâng chi phí tưới cho 1ha lên tới 6 triệu đồng. Mặt khác, nhiều diện tích cà phê non có nguy cơ chết héo vì khô hạn kéo dài sẽ được phục hồi sau trận mưa trái mùa quý giá này. Hàng chục ngàn hécta rừng cũng giảm bớt nguy cơ cháy sau khi được đặt trong tình trạng báo động đỏ hơn một tháng qua. Nhóm PV1 like -
Chào cô / thấy cô băng khoăn về số phận người dâu tương lai ,hôm nay tôi duyệt qua lá số của cậu trai và cô dâu tương lai , thấy có 1 điều mà tôi đã nói về vợ của cậu ta ,có thể tôi sai vì chỉ nhìn nhìn phiến diện của 1 lá số mà kết luận hơi quá sớm ,nhưng cũng có thể là 1 điễm khác mà có sự thay đỗi liên quan về đường con cái của cả 2 [tử vi là thế không xẩy ra cách nầy thì cũng xẩy ra cách khác cũng có sự liên quan với nhau ] tôi xin xác nhận cô nầy sanh vào giờ MùI / đễ trả lời tuần tự những câu hỏi của cô ở trên ; công danh ,nếu cô ta đi làm nên chuyên về ngân hàng hay tài chánh ,nhưng sự nghiệp cũng không có gì sáng lắm và cũng không bền , nên kinh doanh hay thương mãi thì mới đúng cách /về tử tức ,cô nầy có nhiều con sanh con sớm và rất dễ dàng sau nầy có quí tử con cái hiển đạt ;kết hợp với cung tử của cậu trai ; có con từ 4-5 nhưng sanh nhiều nuôi cũng không đũ ,sau chỉ còn lại là 3 trai nhiều hơn gái ,nếu sanh nuôi đầy đũ hết thì trong đó có đứa bị tật nguyền hay phá gia chi tử /dự định sang năm tới cô cho 2 đứa kết hôn cũng đến lúc ,vào vận hạn cho thấy cả 2 có chuyện hỹ tín ,nhưng có 1 điều tôi cũng chưa đoán ra ,xin phân 2 đễ cô chiêm nghiệm cho năm tới ; [1] cho thấy có điều gì trỡ ngại không ổn cho việc cưới hỏi phải xẩy ra ,nếu không [2] cả 2 sẽ có con trước khi làm lễ cưới /điều thứ [2] mà lúc trước tôi chỉ xem 1 lá số của cậu trai ,cho nên hôm nay xem cả 2 lá số ,thì có sự hoán chuyển như tôi nói ở trên không chuyện nầy cũng có chuyện khác xẩy ra có liên quan về sanh nỡ ,hay thai nghén .1 like
-
Âm và Dương trong Âm nhạc truyền thống Vietsciences-Trần Văn Khê 15/09/2006 Những bài cùng tác giả Khi nói đến âm dương, chúng tôi không nghĩ đến thuyết âm dương trong Kinh dịch của Trung Hoa mà muốn đề cập về tư tưởng triết lý của dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa, thể hiện ngay trên chiếc trống đồng do tổ tiên chúng ta chế tạo vào thế kỷ thứ 6, thứ 7 trước Công nguyên. Các nhà nghiên cứu đã nhận ra trên mặt chiếc trống đồng có những hình ảnh mô tả sinh hoạt của người dân sống vào thời kỳ xa xưa ấy, đồng thời có chạm khắc hình các con thú, đặc biệt là hươu và cá. Con hươu tượng trưng cho núi, cá tượng trưng cho nước, vốn là hai yếu tố vô cùng quan trọng đối với người Việt. Chúng ta vẫn dùng hai chữ giang sơn để chỉ đất nước, điều này cho thấy núi với nước tuy hai mà một. Liên hệ đến lịch sử của dân tộc, chúng ta thấy có huyền thoại con Rồng cháu Tiên, tượng trưng cho hai yếu tố nước và núi. Hoặc truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh đề cập đến việc người xưa bảo vệ đất nước chống thiên tai, trong đó núi và nước giúp chúng ta xác định rõ tư duy và quan niệm sống của dân tộc cho rằng vũ trụ có được do sự phối hợp của hai yếu tố âm và dương, tuy khác nhau nhưng không đối lập mà bổ sung cho nhau. Lưỡng phân mà lưỡng hợp: đó chính là một trong những tư tưởng triết lý của Việt Nam - như cố giáo sư Trần Quốc Vượng thường nói. Quan điểm âm dương bàng bạc trong mọi sinh hoạt của đời sống người Việt, từ cách ăn uống hàng ngày cho đến cách chữa bịnh trong y học. Ở đây chỉ xin nêu ra một số nhận xét trong lãnh vực âm nhạc để làm sáng tỏ tư tưởng lưỡng phân, lưỡng hợp đó. Đi từ cụ thể đến trừu tượng, chúng ta thử xem trong nhạc khí, trong bài bản và trong cách biểu diễn, quan điểm âm dương được thể hiện như thế nào trong âm nhạc truyền thống Việt Nam. Aliénor Anisensel, một thiếu nữ Pháp, 23 tuổi, làm luận án cao học Ca trù, tựa đề Nhạc và Thơ trong Ca trù : một cuộc hôn nhân tuyệt hảo. Aliénor Anisensel học hát và làm luận án Tiến sĩ về ca trù (Hình Thanhniennews) Nhạc khí Đào nương Aliénor Anisensel gõ phách và hai kép (Hình Tuổi trẻ) Trước hết, hãy xem qua bộ môn Ca trù. Một nhóm Ca trù thường có ba người, người ngồi giữa là đào nương vừa hát vừa nhịp phách. Phách là một thanh tre hay một miếng gỗ được gõ bằng hai cái dùi, một dùi tròn có chuôi nhọn và một dùi chẻ làm hai, tượng trưng cho dương và âm. Tiếng chuyên môn trong giới Ca trù thường gọi hai dùi này là phách cái và phách con. Quan điểm cái với con cho thấy nữ với nam là hai giới khác nhau mà bổ sung cho nhau. Gõ phách là một nghệ thuật rất cao, âm thanh phát ra một tiếng trong một tiếng đục, một tiếng cao một tiếng thấp, một tiếng mạnh một tiếng nhẹ, cũng chính là tiếng dương và tiếng âm. Trên thế giới, chưa có loại dùi nào tuy một đôi mà lại khác biệt nhau từ hình thức cũng như trong cách gõ như thế. Một bộ môn khác là Nhạc lễ, với dàn ngũ âm (năm nhạc sĩ sử dụng năm nhạc khí khác nhau) trong đó có hai trống nhạc đóng vai trò rất quan trọng. Cặp trống này được gọi là trống đực và trống cái tức đã bao hàm ý tưởng dương và âm. Màu âm của tiếng trống trong Nhạc lễ được sử dụng vô cùng tinh vi. Chẳng hạn như tang, thờn, tùng, thùng khi đánh vào giữa mặt da dùng để đánh nhịp hay để chấm câu. Tong, táng, tỏng khi đánh vào vành da, đây là cách đánh sáng và tiếng trống đó gọi là tiếng dương. Khi đánh âm táng hay tong liên hồi diễn tả sự sôi động của tâm hồn hoặc tâm trạng giận dữ, hốt hoảng. Tịch là một dùi chặn, một dùi đánh vào giữa mặt da, khi nhân vật biểu lộ sự ngạc nhiên, suy nghĩ hay do dự, có khi nghẹn ngào, uất ức. Đây là cách đánh tối và tiếng trống này là tiếng âm. Thông thường trong biểu diễn luôn luôn có tiếng âm và dương trộn lẫn với nhau chớ không đơn thuần tiếng trống âm hay dương mà thôi. Bài bản Trong xã hội nông thôn ngày xưa, thanh niên thiếu nữ lớn lên khi bắt đầu tham gia việc nhà nông ngoài ruộng đồng thường trao đổi những câu hò khi đang lao động hay trong lúc nghỉ ngơi. Đây là sinh hoạt văn hoá đặc sắc trong dân gian hình thành một gia sản văn học vô cùng phong phú. Ngay trong cách sáng tạo câu hò đã thể hiện rõ quan điểm âm dương, thông thường luôn có một vế trống và một vế mái, có khi gọi là câu xô và câu kể. (Do đó mà khi ta nghe nói câu hò mái hai, mái ba, có nghĩa là một câu có một câu trống và hai hoặc ba câu mái - hoặc hai hay ba đoạn kể - chứ chữ mái ở đây không có nghĩa là mái chèo). Nội dung nhiều câu hò cũng chứa đựng sự gặp gỡ âm dương, chẳng hạn như: Nhớ nàng như bút nhớ nghiên Như mực nhớ giấy, như thuyền nhớ sông Hình dáng của bút và nghiên ở đây tượng trưng cho nam và nữ, như thế trong câu đó đã phảng phất dương và âm, cũng như thuyền là dương mà sông là âm. Trong các bài bản Nam xuân, Nam ai của Ca nhạc tài tử thì có những lớp gọi là lớp trống hay lớp mái cũng hàm ý nhắc đến quan điểm âm dương. Từ quan điểm âm dương nảy sanh ra những bài bản dài ngắn khác nhau như lưu thủy trường và lưu thủy đoản, những bản trước và sau mang tên ngũ đối thượng, ngũ đối hạ (thượng và hạ đồng nghĩa với trên và dưới), hoặc một bản mau, một bản chậm như phú lục và phú lục chậm. Cách biểu diễn Trong truyền thống Ca trù, người ca phải là đào nương, ả đào, người đờn phải là nam gọi là kép, rất hiếm khi có phụ nữ đờn đáy cho đào nương ca. Trong loại hát Đối ca nam nữ thì - như tên đã gọi - người hát hai bên phải là khác phái. Trong khi đối ý, nếu bài hát xướng là Lên non hay Lên rừng thì bài hát họa phải là Xuống sông hay Xuống bể và quan điểm lên, xuống cũng từ âm, dương mà ra. Trong truyền thống Quan họ, liền anh luôn luôn cầm cây dù còn liền chị thì tay cầm chiếc nón quai thao, một vật nhọn một vật tròn cũng là thể hiện quan điểm âm dương. Trong loại múa dân gian, khi cầu cho được mùa - theo chuyên gia Lâm Tô Lộc -phía nam phải cầm cây tre nhọn còn bên nữ thì cầm mo cau. Cả hai vật này đều mang hình dáng ẩn dụ tượng trưng cho nam và nữ. Trong Ca nhạc tài tử, khi hòa đờn thì luôn luôn lựa tiếng thổ (trầm và đục) để hòa với tiếng kim (cao và trong) cũng từ quan điểm âm dương mà ra. * * * Tóm lại, nếu nhìn những sự kiện trong âm nhạc với đôi mắt và tâm hồn thấm nhuần triết lý âm dương trong cuộc sống của dân tộc Việt Nam nói riêng và của châu Á nói chung, chúng ta sẽ khám phá ra nhiều điều thú vị hơn là chỉ đơn thuần nghe âm thanh bằng đôi tai và nhìn sự vật bằng đôi mắt. GSTS TRẦN VĂN KHÊ1 like
-
Số cháu thấy khó mà đi xuất ngoại đễ du học /năm nay vào những tháng cuối năm có dịp đi đâu xa ngắn hạn ,có thể thay đổi chổ ở hay công việc làm [10 âl]1 like
-
Anh Quangnx thân mến. Tôi xin nói rõ hơn cách hiểu của tôi về định nghĩa 8 này. Theo cách định nghĩa này thì tất cả những gì gọi là vô hình đều là thuộc tính của ý thức. Nhưng vấn đề sẽ đặt ra là: Như thế nào là vô hình? Và như thế nào là hữu hình? Nếu chúng ta coi những cái hữu hình là những cái chúng ta nhìn thấy bằng mắt thì rõ ràng khái niệm này sai. Nếu chúng ta coi hữu hình là những cái chúng ta có thể nhận thấy bằng phương tiện thì nó chỉ đúng và giới hạn trong điều kiện những phương tiện mà chúng ta có hiện nay. Nếu chúng ta coi hữu hình là những cái chúng ta có thể suy nghiệm thì nó giới hạn trong suy nghiệm. Hay nói một cách khác rõ hơn là: Giới hạn giữa vô hình và hữu hình hoàn toàn là không thể xác định... Thí dụ: Năng lượng có phải là một trạng thái vô hình hay không? Khi năng lượng được xác định là một đại lượng có thể tính toán được so với vật chất "m" - qua ký hiệu của công thức E= mc2 (Tôi không thể hiện được con số 2 bình phương)? Nếu chúng ta coi năng lượng là một trang thái hữu hình - có thể cân đo đong đếm và tính toán được - thì ý thức của năng lượng là cái vô hình của nó theo định nghĩa trên sẽ là gì? Và vấn đề sẽ đặt ra là: Ý thức của năng lương đó có tác động trở lại với chính năng lương không? Nếu nó có tác động trở lại với năng lượng thì công thức E = mc2 phải chăng cần bổ sung, vì E - năng lượng - còn bao hàm cả ý thức của nó và trong phạm trù tính toán được của mc2. Và như vậy thì vấn đề ý thức cũng tính toán được đó có gọi la 2cáii vô hình không? Nếu cho rằng: Ý thức không tương tác với năng lượng thì chúng ta đang đi tìm một thực trang vô nghĩa! Đó là lý do tôi đặt vấn đề nên bỏ khái niệm vô hình hay hữu hình trong định nghĩa trên. Nếu theo ý tôi thì định nghĩa trên sẽ chỉ là: Ý thức của một đối tượng bất kỳ trong vũ trụ là tập hợp tất cả các mối liên hệ "- " của nó với mọi đối tượng trong vũ trụ. Với định nghĩa 9, tác giả viết: Tôi đề nghị bỏ khái niệm hữu hình thành:Tập hợp tất cả các thành tố "-" tạo nên một đối tượng bất kỳ A và các mối liên hệ "-" của A với mọi đối tượng trong Vũ Trụ được gọi là Vật Chất của A. Với quan niệm cá nhân và chủ quan của tôi thì sẽ dễ dàng dẫn tới các suy nghiệm tiếp theo hợp lý hơn. Vài lời chân thành góp ý. Không tự cho là đúng. Tác giả có quyền bảo lưu ý kiến của mình để tiếp tục những kiến giải. Cảm ơn vì đã quan tâm.1 like
-
Hôm nay tôi lên google thì được biết trình Tử Vi Lạc Việt của chúng ta đã được ứng dụng và chứng tỏ tính hữu dụng, Xin cảm ơn Vô Tri - Hà Mạnh Hùng và Phạm Thái Hòa. Dưới đây là lời khen tặng của một bạn trên trang svdanang.com Đường link tham khảo: http://svdanang.com/...hp?t-16220.html1 like
-
Anh à, câu này anh thiếu chủ ngữ kìa,Chúng ta không thể ôm nguyên văn tiếng Việt vào tiếng Anh được. Hai kiểu văn phong là hoàn toàn khác nhau, muốn dịch Việt-Anh, trước hết chúng ta phải chuyển câu tiếng Việt sang văn phong tiếng Anh. Điều này là rất khó vì người dịch nhiều khi không hiểu hết được ý tác giả. Còn nếu chúng ta bê nguyên cả câu tiếng Việt và muốn chuyển sang tiếng anh thì rất rối rắm. VD: Văn phong của anh Hưngnguyen ở đây đã chỉnh sửa nhưng thực sự nó vẫn là văn phong tiếng Việt và cũng đang còn rối rắm, chúng ta có thể sửa thành: Kẻ từ khi xuất hiện trên cán dao bằng đồng (cho đến nay), y phục thời Hùng Vương từ trước năm 300BC đã không có nhiều thay đổi (Văn tiếng Việt gần giống Anh) Rất dễ chuyển sang tiếng Anh và đọc dễ hiểu: Since illustrated on of the bronze knife staff, the costume of Hung dynasty (Before 300 BC) has not changed much. Cháu xin nêu lên một vài ý kiến, có gì sai mong các chú bỏ quá cho.1 like
-
BaoAnh2006: Sinh năm Giáp Ngọ hoặc Ất Mùi đều tốt. Giáp Ngọ trai tốt hơn gái. Ất Mùi thì ngược lại. Rất tốt đấy. Chúc vạn sự an lành. Thiên Sứ1 like