-
Thông báo
-
Nội quy Lý Học Plaza
Nội quy này là bản mở rộng Nội Quy - Quy định của Diễn đàn. Khi tham gia mua bán, các thành viên phải tuân theo những quy định sau: Tiêu đề bài viết: Bao gồm: Chỉ dẫn địa lý, Loại hình Mua/Bán, Thông tin mua bán.
Chỉ dẫn địa lý: Tỉnh/thành nơi mua bán. Hoặc sử dụng định nghĩa có sẵn:TQ: Toàn quốc
HCM: TP Hồ Chí Minh
HN: Hà Nội
[*]Ví dụ: HCM - Bán Vòng tay Hổ Phách Nội dung bài viết: Mô tả chi tiết sản phẩm mua/bán
Bắt buộc phải có thông tin liên lạc, giá Mua/Bán
Bài mới đăng chỉ được phép up sau 03 ngày.
Thời gian up bài cho phép: 01 ngày 01 lần.
Các hành vi vi phạm nội quy này sẽ bị xóa bài hoặc khóa tài khoản mà không cần báo trước.
-
Leaderboard
Popular Content
Showing most liked content on 06/03/2010 in all areas
-
LĂNG MỘ TRIỆU VĂN ĐẾ Ở QUẢNG CHÂU (Nguyễn Duy Chính) DẪN NHẬP Giới nghiên cứu đã có nhiều tranh biện Triệu Đà và con cháu ông có nên liệt kê vào một trong những triều đại trong quốc sử hay chỉ nên coi như thời điểm mở đầu cho một giai đoạn ngoại thuộc kéo dài hơn 1000 năm? Chúng ta vẫn chưa có câu trả lời chính xác và những bộ sử lớn của nước ta như Đại Việt Sử Ký triều Lê, Khâm Định Việt Sử triều Nguyễn tuy có chép đến nhưng các sử thần không coi là chính thống.1 Thế nhưng thái độ ngạo nghễ của bản thân Triệu Đà đối với nhà Hán cũng như ý chí bất khuất của tể tướng Lữ Gia lãnh đạo một cuộc chiến đấu chống xâm lăng sau này, nên không ít người trong chúng ta vẫn coi nhà Triệu phần nào đại diện cho tính khí quật cường của dân tộc. Nguyễn Trãi khi viết Bình Ngô Đại Cáo cũng liệt kê họ Triệu như một triều đại của Việt Nam: ... tự Triệu Đinh Lý Trần chi triệu tạo ngã quốc, dữ Hán Đường Tống Nguyên nhi các đế nhấr phương . ...(...自趙丁李陳之肇造我國,與漢唐� ��元而各帝一方 ) nghĩa là ... từ các triều đại Triệu, Đinh, Lý, Trần xây dựng nước ta, cùng với Hán, Đường, Tống, Nguyên (của Trung Hoa) mỗi bên một phương làm chúa tể... Tuy địa vực của thời kỳ này khác xa lãnh thổ của nước Việt hôm nay, triều đại nhà Triệu cũng như nhà Thục (An Dương Vương) vẫn được chép vào quốc sử, nên việc tìm hiểu thời kỳ đó ít nhiều cũng soi sáng những sinh hoạt xã hội trong thời kỳ mà tài liệu còn ít ỏi, mù mờ. Cho đến nay, các sử gia vẫn cho rằng việc du nhập một số định chế đời Hán chỉ được tiến hành trong thời Bắc thuộc, khi nước ta trở thành một phần lãnh thổ của họ. Những khám phá mới đây cho thấy lập luận này không đứng vững mà trong nhiều thiên niên kỷ, một nền văn minh riêng biệt đã tồn tại ở vùng Đông Nam Á mà địa giới lan rộng tới cả vùng Hoa Nam. Những khác biệt rất rõ rệt của văn minh phương Nam – ngồi xổm, đội khăn, ăn trầu, nhuộm răng, đi chân đất ... – và những tập quán bản địa đến nay cho thấy người Việt chúng ta vẫn còn rất nhiều gần gũi với phương Nam hơn là bị đồng hoá bởi phương Bắc. Trong khi văn minh Hoa Hạ mang tính khép kín của một đại lục thì những dân tộc tiếp giáp với biển cả có nhiều sinh hoạt phóng túng hơn và việc trao đổi đa phương với các nền văn hoá khác vẫn còn tiếp tục. MỘT KHÁM PHÁ BẤT NGỜ Nếu ai đọc qua Tam Quốc Chí đều biết đến cái tên Tôn Quyền ( 孫權 ), con thứ của Tôn Kiên, em của Tôn Sách, người được mệnh danh là mắt biếc, râu tía, trong thế tam phân thiên hạ kế vị anh làm chúa tể đất Giang Đông. Khi làm chủ nước Ngô (bao gồm cả miền nam Trung Hoa và miền bắc nước ta ngày nay), Tôn Quyền nghe nói trong các ngôi mộ của họ Triệu – tức Triệu Đà và con cháu – có nhiều bảo vật nên sai tướng là Lã Du ( 呂瑜 ) đem quân xuống Quảng Đông tìm kiếm, tất cả những nơi nghi là lăng mộ họ Triệu đều được đào sâu ít nhất 3 thước (Tàu). Công cuộc khai quật để lấy châu báu đó chỉ thành công một phần và quân Ngô chỉ tìm ra mộ của Anh Tề ( 嬰齊 ), cháu gọi Triệu Đà bằng ông cố 2, lấy được rất nhiều vật quí. Thế nhưng trong suốt hai ngàn năm qua, mộ của Triệu Đà và cháu là Triệu Muội ở đâu vẫn không ai tìm được. Tháng 8 năm 1980, trong khi tiến hành việc xây dựng một công trình ở phía bắc gò Tượng Cương ( 象崗 ), tỉnh Quảng Châu người ta vô tình tìm thấy một ngôi mộ cổ mà sau này mới biết rằng chính là mộ của Triệu Muội ( 趙眛 )3. Tượng Cương là tên của một ngọn núi nhỏ chỉ cao có 49.71 mét, chung quanh đã khai phá xây cao ốc từ thập niêm 1970s. Điều đáng ngạc nhiên là khi đào sâu vào đá núi đến 20 thước tây, lúc đó mới gặp ngôi mộ này, thành thử suốt hơn hai nghìn năm không ai biết đến. Việc tìm ra ngôi mọâ được sách vở tường thuật như sau: Hôm đó, một chiếc máy đào đất to lớn liên tục đào vào Tượng Cương Sơn, khoét sâu vào núi một lỗ hủng lớn. Đột nhiên mỏ máy bổ xuống một tảng đá, dội lên nên thợ phải ngừng lại xem xét, không biết là vật gì, tất cả đồng ý di chuyển máy sang đào ở bên cạnh nhưng đâu đâu cũng toàn là đá phiến, rõ ràng là phần trên của một ngôi mả đá. Đoàn công nhân phải ngừng lại và báo cáo lên huyện để chờ cấp trên cử nhân viên khảo cổ đến xem xét. Sau khi tiến hành điều tra, các nhà nghiên cứu đi đến kết luận rằng đây là một ngôi mộ được tạc vào trong núi, phía nam có một mộ đạo (đường hầm) thông xéo vào dài chừng hơn 20 mét, chèn đầy đất và đá tảng chạy dài tới cửa mộ.4 Theo Mạch Anh Hào (Mai Yinghao - 麥英豪 ), giám đốc danh dự của Viện Bảo Tàng thành phố Quảng Châu5 trong bài tường trình tại Hội Nghị Khảo Cổ Đông Nam Á từ ngày 9 đến ngày 13 tháng 3 năm 19956 tổ chức tại Hội Nghị Sảnh, đại học Hương Cảng thì vì có kinh nghiệm với nhiều lần khai quật khác không mấy thành công, thành phố Quảng Châu đã quyết định thực hiện công trình này bằng cách cố giữ ngôi mộ cho được nguyên trạng bằng cách đào ngang thay vì đào từ trên xuống theo lối thông thường và dự định sẽ xây dựng một viện bảo tàng ngay tại đây để duy trì một di tích quan trọng.7 Ngày 25 tháng 8 công tác khai quật ngôi mộ này thực sự bắt đầu. Việc mở cánh cửa đá đầu tiên cũng gặp khó khăn. Khi xây ngôi mộ này, cổ nhân thực hiện hai khung cửa đá cách nhau chừng 10 mét theo một đường hầm thoai thoải. Đằng sau khung cửa đá có một bộ phận, khi cửa đóng lại sẽ tự động tuột ra khiến cho vòm cửa sụp xuống. Cửa đằng trước cũng có một cơ quan bí mật khiến cho toán khảo cổ phải đục đá ra mới vào đường hầm được. Ngôi mộ chính có diện tích chừng 100 m2, bao gồm 7 gian phòng, trần cao 2 mét, chung quanh tường đều lát bằng đá xanh, dưới sàn lát gỗ. Sau khi vào được mộ rồi, các nhân viên khảo cổ bắt đầu công việc thu dọn cho sạch sẽ. Việc dọn dẹp đáng kể nhất là những gian phòng phía tây, là nơi tàng trữ các loại khí dụng và châu báu, rất nhiều đồ tuỳ táng (đồ chôn theo người chết). Nghiên cứu kỹ lưỡng, đội khảo cổ quyết định sẽ nằm bò ngay trên ván gỗ để phân loại tại chỗ. Sau khi xúc hết đất cát trong căn phòng chính, người ta thấy lộ ra dấu vết của một quan tài gỗ và một hình người. Mộ chủ được đặt trong một bộ quần áo bằng ngọc theo lối chôn các bậc vương hầu đời Tây Hán8, ngang lưng đeo mười thanh kiếm bằng sắt có khảm vàng, thanh dài nhất là 1.46 mét. Trong những ngôi mộ đời Hán đã khai quật, đây là thanh kiếm thép dài nhất từ trước tới nay. Trên đầu mộ chủ có móc vàng và trang sức bằng ngọc, chế tạo khéo léo, lót dưới ót là túi dệt bằng tơ, đựng ngọc trai. Chung quanh mộ chủ cũng vương vãi rất nhiều món đồ khác được điêu khắc tỉ mỉ là những món ngọc quí giá đời Hán. Trong khi mọi người còn đang suy đoán không biết người chết mặc áo ngọc này là ai vào buổi chiều ngày 22 tháng 9 một việc khá bất ngờ xảy ra. Một đội viên trong nhóm khảo cổ vô tình phát hiện một chiếc ấn vàng, núm hình rồng cuộn, sáng lấp lánh đặt ở khoảng giữa ngực và bụng của mộ chủ. Sau khi dùng bàn chải quét sạch lớp bụi đất đóng ở trên chiếc ấn, lật ngược lại thì thấy dưới đáy khắc bốn chữ “Văn Đế Hành Tỉ” ( 文帝行璽 ) theo lối tiểu triện Việc tìm ra chiếc ấn vàng này đã cho phép các nhà nghiên cứu xác định được người nằm trong ngôi mộ chính là vua thứ hai nhà Triệu nước Nam Việt, tên chính là Triệu Muội, là cháu gọi Triệu Đà bằng ông. Triệu Đà làm vua rất lâu, sống thọ9 nên khi qua đời, con ông đã chết rồi nên truyền ngôi cho cháu. Bốn chữ khắc trên ấn cũng đặt ra nhiều câu hỏi, không phải chỉ cho các sử gia Trung Hoa mà cho cả Việt Nam. Theo sử cũ, Triệu Đà xưng đế nhưng về sau thần phục nhà Hán được phong là Nam Việt Vương. Tuy nhiên nếu Triệu Muội vẫn dùng con dấu Văn Đế thì chúng ta có thể tin rằng Triệu Đà cũng là người mở đầu cho một chính sách ngoại giao kéo dài tới tận ngày nay. Đó là tuy thần phục và chấp nhận được triều đình Trung Hoa phong vương (lúc này là Nam Việt Vương, sau này là An Nam quốc vương ...) nhưng chỉ trên hình thức, trên thực tế các vua nước ta vẫn tự cho mình là hoàng đế, ngang hàng với Trung Hoa. Chính vì thế nên Triệu Muội đã sử dụng con dấu “Văn Đế hành tỉ”. BỐ CỤC CỦA NGÔI MỘ Theo các nhà chuyên môn, ngôi mộ được kiến trúc theo bố cục tiền triều hậu tẩm10 (phía trước là triều đình, phía sau là cung điện của vua ở), xây bằng tổng cộng hơn 750 phiến sa nham ( 砂巖 ) bao gồm tất cả trước sau 7 gian phòng. Việc đục núi làm lăng (phách sơn vi lăng - 劈山為陵 ) để khỏi phải đắp đất bắt đầu từ thời Tần – Hán nhưng chỉ trở thành một định chế từ đời Đường mà thôi. Từ bên ngoài vào theo một thông đạo thoai thoải đi xuống chừng 10 thước thì đến cửa vào thứ nhất. Thông đạo này kiến trúc như một ống hình vuông dài kết thúc bằng hai cánh cửa đá, trên cửa có gắn phô thủ (鋪首)) bằng đồng xanh có khắc hình đầu thú. Qua khỏi cửa đến phòng ngoài (tiền thất) ở giữa, hai bên là hai phòng ngang (đông nhĩ thất và tây nhĩ thất). Kế đó là phòng chính để mộ chủ, hai bên có hai phòng (đông trắc, tây trắc) và sau cùng là một nhà kho. Bố cục của toàn thể ngôi mộ theo hình chữ giáp (甲) được đặt theo hướng đầu về phương bắc, chân ở phương nam. Phòng trước (tiền thất) Trên tường của phòng trước vẽ nhiều hình dùng hai màu đen và đỏ các biểu tượng văn hoá mà nhiều loại người Trung Hoa hiện nay vẫn còn sử dụng. Căn phòng đó có cửa thông ra bốn bên, cửa phía nam tiếp với lối vào, cửa phía bắc vào phòng mộ chủ. Hai cửa này có cánh cửa bằng đá còn hai cửa hai bên sang phòng phía đông, tây chỉ là hai lỗ trống mà thôi. Phòng hông (nhĩ thất) Hai phòng phía đông và phía tây có chứa nhiều loại đồng khí, trong đó có các loại chuông, khánh đá, nhạc khí, binh khí và ngọc khí. Ngoài ra còn một người bị chôn theo (tuẫn táng). Phòng chính Phòng chính để mộ chủ còn gọi là địa cung vốn dĩ hình vuông tất cả lát đá nhưng lại không có các hình vẽ như tiền thất mà đều để trần. Hai bên phải trái cũng có hai phòng nhỏ, có cửa thông sang. Đằng sau phòng này có một phòng nhỏ làm kho chứa. Phòng chứa Ngay sau phòng để xác mộ chủ là một nhà kho (trữ tàng thất) để chứa thực phẩm. Đây là phòng nhỏ nhất trong bảy gian phòng, hình dáng tương đối vuông vức. Tuy nhỏ nhưng trong phòng chất hàng trăm vật dụng chồng lên thành nhiều tầng bao gồm đồ đồng và đồ sành sứ trong đó có các loại đồ nấu ăn, đồ đựng thức ăn và bồn rửa. Những nồi niêu dưới đáy còn vết tro than chứng tỏ những vật này thường được sử dụng để nấu ăn cho mộ chủ, nay đem chôn theo người chết. Để cho Triệu Văn Đếâ sinh hoạt, ngoài đồ dùng còn có rất nhiều loại thực phẩm, hầu hết chứa trong các loại đồ đồng và đồ sành sứ. Trong hơn 30 đồ đựng thấy có các loại thịt gia cầm, gia súc, hải sản được giám định như sau: thịt bò, thịt heo, thịt gà, sơn dương, cá mè, tôm, ếch, chân rùa, sò hến và cá chép tổng số gần 20 loại khác nhau. Trong ba chiếc hũ sành, người ta còn tìm thấy khoảng 200 con chim sẻ lúa11 đã chặt đầu, chặt chân. Chim sẻ là một đặc sản đất Quảng Đông, như vậy món ăn này đã có từ hơn 2000 năm trước. CÁC BẢO VẬT TRONG MỘ Theo tổng kết sơ khởi người ta liệt kê được hơn 200 món ngọc khí, điêu khắc tinh mỹ, hơn 500 món thanh đồng và nhất là một bộ áo mặc cho người chết bao gồm nhiều miếng ngọc khâu với nhau bằng tơ. Đây là ti lũ ngọc y ( 絲縷玉衣 ) sớm nhất mà người ta tìm thấy được ở Trung Hoa. Ngoài ra người ta còn kiếm được một bộ thanh đồng đồng chung ( 青銅筩鍾 )12 5 cái, một bộ nữu chung13 ( 鈕鐘 ) 14 cái, một bộ câu dược ( 勾鑃)14 8 cái trên có khắc “Văn Đế cửu niên” là những món đồ đồng mà người ta cũng từng tìm thấy trong các ngôi mộ đời Hán khác. Trong mộ có tất cả 23 chiếc ấn là số lượng nhiều nhất trong những ngôi mộ cổ trong đó chiếc ấn Văn Đế Hành Tỉ là ấn vàng lớn nhất kiếm thấy đời Hán. Trong số 36 cái đỉnh đồng có 8 cái khắc hai chữ Phiên Ngung ( 蕃禺 ), lại có những vật dụng nguồn gốc từ Tây Á và Phi Châu như đồ trang sức bằng vàng gắn hạt châu, hộp bằng bạc, ngà voi, nhũ hương ... minh chứng nước Nam Việt cách đây 2000 năm đã có buôn bán và giao dịch với nhiều nước trên thế giới bằng đường thuỷ. Hành tỉ Con dấu này vuông vức 3.1 cm, núm hình rồng cuộn, so với các ấn vàng khác cùng thời có phần lớn hơn. Theo cổ tịch, ấn đời Hán được qui định là một tấc (khoảng 2.2 cm), xem ra nước Nam Việt không tuân theo qui tắc của Hán triều mà có tiêu chuẩn riêng. Con du long trên ấn cuộn theo hình chữ S, giương vuốt nhe nanh trông rất hùng tráng, không có sừng nhưng hai tai to, thân có vảy, phần dùng để cầm trơn bóng nên các chuyên viên khẳng định rằng đây là con dấu được dùng hàng ngày khi còn sinh tiền chứ không phải được đúc để chôn theo khi đã chết. Núm ấn hình con rồng cũng là một câu hỏi lớn về vị thế của vua Văn Đế. Cứ như qui luật, một khi thần phục Trung Hoa, vua các phiên thuộc chỉ được phong vương, đúng lý ra phải là Triệu Văn Vương. Ấn của phiên thuộc đời Hán làm bằng ngọc, núm hình con li hổ ( 螭虎 ), một động vật thần thoại, đầu rồng nhưng không có sừng, có bốn chân mà ta thường gọi là con lân. Năm 1968, người ta đào được ở vùng phụ cận lăng của Hán Cao Tổ tại Thiểm Tây một chiếc ấn làm bằng bạch ngọc có khắc “Hoàng Hậu Chi Tỉ” ( 皇后之璽 ), núm hình con lân. Chiếc ấn này các chuyên gia khẳng định là của Lã hậu, vợ Lưu Bang. Việc đúc ấn núm hình rồng bằng vàng lại lấy hiệu là Văn Đế chứng tỏ tổ chức hành chánh và xã hội nước Nam Việt hoàn toàn độc lập với Trung Hoa. Ngoài ra, với những qui mô người ta tìm thấy trong mộ mà ít nhiều như một triều đình thu nhỏ, chúng ta có thể cho rằng nước Nam Việt thời đó tương tự như nhà Tần, pha trộn với một số tập tục bản địa của vùng Lĩnh Nam chứ không phải bắt chước nhà Hán như trước đây vẫn lầm tưởng. Cũng theo sử sách ghi chép, các vua nhà Hán đều không xưng đế khi còn sống. Những tên gọi như Cao Đế, Văn Đế, Vũ Đế ... đều là thuỵ hiệu ( 謚號 ), do quần thần căn cứ vào công nghiệp của tiên vương rồi truy phong nên ấn của vua Hán không hề có các loại “Cao Tổ chi tỉ”, “Vũ Đế chi tỉ” và cũng không chôn theo khi qua đời vì triều đình nhà Hán có một bảo ấn gọi là truyền quốc tỉ ( 傳國璽 ), được coi như tín vật chính thức truyền ngôi, lưu giữ đời vua này sang đời vua khác. Nếu vị vua nào khi chết có ấn chôn theo thì đó là ấn được đúc khi lâm chung theo ý của đương sự chứ không phải là ấn dùng khi còn sống. Một thắc mắc khác cũng đáng nêu lên là theo sử Trung Hoa, vua thứ hai của triều đại nhà Triệu đất Nam Việt vẫn chép là Triệu Hồ (趙胡), sao con dấu này lại có tên là Triệu Muội (趙眛), liệu có gì sai sót hay không? Đối với người Việt chúng ta có lẽ đây là một nghi vấn lớn nhưng theo các chuyên viên ngôn ngữ tại Quảng Châu thì vào thời Tây Hán, ngôn ngữ vùng Lĩnh Nam và trung nguyên hoàn toàn khác hẳn, tên của Triệu Muội chép trong sử không phải là tên chính thức ghi trên giấy tờ qua lại mà chỉ là chữ ký âm do lời khai của các sứ thần được cử đến, khi về triều tâu lại với Hán đế và thường chỉ dùng một chữ Hán tương tự. Hiện nay tại vùng nam Trung Hoa, âm “muội” vẫn còn phát âm giống như “hồ” nên việc dùng chữ nọ ghi âm chữ kia không phải là chuyện đáng ngạc nhiên.15 Ngoài con ấn Văn Đế Hành Tỉ người ta còn tìm thấy một chiếc ấn vàng có khắc hai chữ thái tử (泰子). Chiếc ấn này một chiều 2.6 cm, một chiều 2.4 cm không vuông hẳn. Thời cổ người ta dùng lẫn lộn hai chữ thái (太 và 泰) cho nên chiếc ấn có lẽ là của Triệu Muội khi ông chưa lên làm vua, chỉ mới là người được chỉ định kế nghiệp. Thế nhưng đây cũng là một nghi vấn sử học vì theo sách vở con Triệu Đà là thái tử Trọng Thuỷ chết trước khi ông qua đời, trên danh nghĩa Triệu Muội chỉ là cháu nội, không thể được truyền vị thái tử, liệu có phải là của cha ông để lại hay chăng? Ngoài chiếc ấn thái tử, người ta cũng tìm thấy 4 chiếc ấn khác chôn theo 4 người đàn bà trong đó có một chiếc ấn có khắc 4 chữ Hữu Phu Nhân Tỉ (右夫人璽). Chiếc ấn này vuông vức 2.2 cm được đúc bằng vàng ròng trong khi 3 chiếc còn lại là đồng mạ vàng không gọi là tỉ mà chỉ là ấn. Theo qui định, chỉ ấn của hoàng hậu mới được gọi là tỉ, như vậy một trong bốn người đàn bà địa vị rất cao và việc xưng hô của triều đình Nam Việt không theo cách thức nhà Hán mà theo phong tục của dân địa phương. Từ điểm này nhiều người đã xác nhận rằng nhà Triệu sau hai đời đã bị Việt hoá khá nhiều, không phải chỉ là một bản sao của triều đình phương bắc nữa. Cho đến nay, những sử gia Trung Hoa đều cố gắng dùng điển lệ của nhà Hán để giải thích các di chỉ trong mộ Triệu Muội nên nhiều điểm chưa rõ ràng, biết đâu nếu các nhà khảo cổ Việt Nam bước vào nghiên cứu rất có thể đưa ra được một vài đáp số và bí ẩn chưa tìm thấy. Hình 2: Ấn vàng Văn Đế Hành Tỉ và ngọc giác bôi Đồ bạc Hộp bạc hình tròn, chiều cao 12 cm, đường kính chỗ lớn nhất là 14.9 cm, nặng 572.6 gram tìm thấy trong phòng đặt quan tài mộ chủ, trong hộp có chứa 10 hộp nhỏ đựng thuốc viên. Theo sự giám định của các chuyên gia về nghệ thuật tạo hình, chất liệu và đường nét trên hộp thì hộp này không phải do người Trung Hoa chế tạo mà có nguồn gốc từ đế quốc cổ Ba Tư (550 TTL – 330 TTL) còn dược hoàn có lẽ là thuốc do người Ả Rập bào chế16. Tính niên kỷ và thời gian trị vì, Văn Đế Triệu Muội thân thể không được tráng kiện, việc chôn theo thuốc men để dùng ở thế giới bên kia không phải là chuyện lạ. Ngoài chiếc hộp này, người ta cũng tìm thấy một số đồ bằng bạc khác như chậu rửa (tẩy - 洗), chén uống rượu (chi -?), khoá đai (đái câu - 帶钩) ... là đồ dùng hàng ngày của Việt vương. Trong số 7 chiếc khoá đai thì có năm hình dáng khác nhau, đầu nhạn, đầu rùa, đầu rồng, đầu rắn ... điêu khắc tinh vi đẹp đẽ. Những đái câu này dài 18.4 cm, hình cong, có gắn bảo thạch tìm thấy trong phòng để quan tài của mộ chủ. Theo những nhà chuyên môn lượng giá, những món đồ này cho thấy trình độ kỹ thuật thời đó rất cao. Khoá đai dùng để đeo kiếm, đao, túi tiền hay ấn tín ... không chỉ để thắt lưng như ngày nay. Đồ đồng Tổng số các đồ đồng trong mộ Triệu Văn Đế Triệu Muội lên tới hơn 500 món, vừa đa dạng, vừa tinh mỹ mang nhiều tính chất bản địa của vùng Lĩnh Nam. Trong số này người ta nhận thấy bao gồm đồ dùng nhà bếp, đồ ăn uống, tửu khí, nhạc khí, các loại dùng trong xe cộ, thắng ngựa ... Người Trung Hoa phân biệt khá chi li về những đồ đựng bằng đồng và không phải đồ vật nào có ba chân cũng đều gọi là đỉnh17. Đồng khí dùng để đựng chia làm ba loại khác nhau, đựng đồ ăn (food vessels) bao gồm lịch (鬲), đỉnh (鼎), nghiễn (甗), Về đỉnh đồng có tất cả 36 cái, bao gồm ba kiểu khác nhau của người Hán, người Sở và người Việt trong đó 9 cái có khắc hai chữ Phiên Ngung (蕃禺) là những sản phẩm được đúc tại kinh đô Nam Việt (nay thuộc Quảng Tây, Trung Hoa). Đặc biệt hơn cả có một đỉnh lớn kiểu người Việt, cao 54.5 cm, trong đỉnh có khắc hai chữ “thái quan” (泰官) là chức quan chuyên về việc ăn uống thường ngày cho nhà vua. Bình đồng có 9 cái, một cái nạm vàng (銅提簡) cao 37 cm, cổ dài, bụng phình ra, chỗ nào cũng khảm vàng lấp lánh là một nghệ phẩm đặc biệt. Ngoài ra còn có 9 cái thạp đồng (銅提簡) là một trong những món đặc trưng của dân Việt. Trên một chiếc thạp đồng cao 40.7 cm có một vành đai khắc bốn hình thuyền quấn liền theo thân thành một hình dài liên tục, mỗi thuyền có 5 người đội mũ lông chim, đi chân đất, đầu thuyền có treo một đầu người, đầu thuyền có cắm hai lá cờ cũng bằng lông chim. Năm người trên thuyền mỗi người một kiểu, kẻ thì cầm giầm chèo thuyền, kẻ thì đánh trống, kẻ cầm binh khí, có kẻ lại đang giết địch thủ. Người ta giải thích rằng vì đất Quảng Châu giáp với biển cả nên thường phải đối phó với những kẻ thù theo đường biển tiến vào nên những hình vẽ miêu tả việc giao chiến và tiêu diệt kẻ địch. Trong thuyền cũng thấy vẽ các loài hải sản như rùa, chim, cá ... hình thái sinh động, nét vẽ sắc bén chứng tỏ đã đạt tới một trình độ mỹ thuật cao. Những hình đó tương tự như những hình chúng ta khá quen thuộc trên các loại trống đồng tìm thấy ở miền Bắc nước ta. Hình 2: Một vật bằng đồng trong mộ Triệu Muội Ngoài những món kể trên người ta còn tìm thấy 39 tấm gương đồng, chế tạo tinh xảo, đúc nổi hình rồng, mây, núi ..., cái lớn nhất đường kính 41 cm là kính lớn nhất tìm thấy tại Trung Hoa đời Tây Hán, coi như quốc bảo. Trên kính này có vẽ người, vật bằng màu, khi tìm thấy vẫn còn các màu xanh lục và trắng, chính giữa có hai người đang đấu kiếm, bên ngoài có 4 người khác đứng xem, nét vẽ sinh động như thật. Chung quanh gương và bên trong cũng có đường lượn nổi liên tục (liên hồ văn - 連弧紋) và hình mây cuốn (quyển vân văn - 卷雲紋). Cũng có những tấm gương gọi là lục sơn kính - 六山鏡 là kiểu mẫu khá độc đáo thời Chiến Quốc ít thấy trong đời Hán18. Lục sơn kính trong mộ Triệu Muội là cổ vật đầu tiên đào được mặc dù trong các viện bảo tàng vẫn có trưng bày những kính tương tự nhưng là của gia bảo do tư nhân giữ được chứ không phải chôn dưới đất.19 Cũng nên nói thêm, trong mộ Triệu Muội người ta tìm được một số tổ hợp kính (組合鏡). Như chúng ta đã biết gương là dụng cụ để soi mặt, một món đồ không thể thiếu của phụ nữ mọi thời đại. Khi chưa chế được gương bằng thuỷ tinh, người ta đúc gương bằng đồng rồi mài cho nhẵn bóng để dùng, nếu không thì soi vào nước. Chiếc gương đồng thời xưa bao gồm hai mặt, một mặt nhẵn, còn mặt kia thường được trang trí bằng những hoa văn hay hình điểu thú, có khoen để buộc vào thắt lưng. Đồng thời cổ thường pha thiếc, tuỳ theo nhiều ít mà cứng hay mềm, thô tạo hay nhẵn nhụi. Chính vì cần đáp ứng nhu cầu mềm để dễ điêu khắc và cứng để dễ đánh bóng mà soi nên người Trung Hoa nghĩ ra cách đúc gương thành hai mảnh với hai hợp chất khác nhau cho hai nhiệm vụ gọi là tổ hợp kính. Nghề đúc đồng là một tuyệt nghệ của vùng Lĩnh Nam nên việc trong mộ có nhiều tổ hợp kính tinh xảo không phải là chuyện lạ. Ngoài những tấm gương đồng (銅鏡), trong mộ cũng có những bồn lớn vừa để chứa nước rửa, vừa để soi mặt gọi là giám (鑒), khi tìm thấy bên trong còn nhiều loại thực phẩm như thịt heo, thịt dê, thịt gà, cá, rùa ... là những món ăn thông dụng thời đó. Trong mộ cũng có 11 cái lò hương, nắp có chỗ thoát hơi. Hương liệu vốn dĩ là sản phẩm độc đáo của nước ta nhất là các tỉnh miền Trung nên lò hương bằng đồng cũng là một sản phẩm có tính địa phương, nói lên kỹ thuật đúc đồng của phương nam có những nét đặc sắc mà trung nguyên chưa theo kịp. Chuông đồng Có ba loại chuông cổ khác nhau theo tên gọi: nữu chung ( 鈕鍾 ), dũng chung ( 甬鍾 ) và đồng câu điêu ( 銅句鑃 ). Chuông đồng thời này chưa giống như các loại chuông về sau này, thường nhỏ hơn, một bộ có nhiều cái để đánh ra nhiều âm thanh được dùng chủ yếu trong lễ nghi như một hình thức trung gian tiếp xúc với thần linh. Âm nhạc cũng rất thông dụng trong các cuộc vui chơi, yến tiệc. Tại phòng phía đông trong mộ có chứa nhiều loại nhạc khí, bên cạnh còn có một nhạc sư tuẫn táng. Nhạc khí chia ra nhiều loại khác nhau bằng đồng, bằng đá, bằng gốm, bằng tơ. Riêng về nhạc khí bằng đồng, người ta tìm thấy một bộ nữu chung 14 cái, dũng chung một bộ 5 cái, câu điêu một bộ 8 cái. Nữu chung là sản phẩm của Nam Việt, cái lớn nhất cao 24.2 cm, cái nhỏ nhất cao 11.4 cm. Dũng chung, cái lớn nhất cao 49 cm, cái nhỏ nhất cao 38 cm, hình ống tròn. Câu điêu lớn nhất cao 64 cm, hình hơi vuông, cán đặc, miệng hình cung. Trên thân các câu điêu có khắc lõm hàng chữ triện: Văn đế cửu niên nhạc phủ công tạo ( 文帝九年樂 府工造 )20 từ thứ nhất đến thứ tám là những món đồ có niên đại rõ rệt duy nhất vào thời này. Người ta cũng đánh thử những câu điêu này, tiếng vẫn còn tốt. Đồng qua, đồng kiếm và hổ tiết Trong mộ có rất nhiều loại binh khí. Ngoài 15 thanh kiếm thép, các món khác đều làm bằng đồng. Món đồ hiếm quí nhất là một thanh đồng qua Trương Nghi ( 張儀銅戈 ) trên có khắc hàng chữ “vương tứ niên tương bang Trương Nghi” ( 王四年相邦張儀 ) ứng vào thời Tần Huệ Vương ( 秦惠王 ), do Trương Nghi trông coi chế tạo đủ biết đây là một món binh khí từ nước Tần đem vào Nam Việt chứ không phải là sản phẩm bản xứ. Ở gian phòng phía tây người ta tìm thấy một thanh đồng kiếm, hình dáng theo kiểu nước Sở thời Chiến Quốc là thanh kiếm duy nhất làm bằng đồng tìm thấy trong ngôi mộ này. Người ta còn tìm được một hổ tiết trên đúc nổi hình con cọp, tư thái sinh động trong tư thế sắp sửa vồ mồi, đầu ngửng lên, há miệng nhe răng, lưng khum đuôi cuộn lại trên thân có dát vàng thành hình vằn là hổ tiết duy nhất mà người Trung Hoa tìm thấy từ trước đến nay. Trên hổ tiết này cũng còn một hàng chữ dát bằng vàng: “Vương Mệnh: Xa Đồ” ( 王命車徒 ). Có ba loại: hổ tiết, long tiết và nhân tiết là các loại lệnh phù dùng trong quân sự để điều binh. Chỉ những ai cầm các lệnh phù này mới có thể điều động được quân đội và chiến xa. Đồng phương, ấn hoa ( 印花 ) Phương ( 鈁 ) là một loại bình đựng rượu miệng hình vuông, bụng hơi phình, trên có khắc những đường nét phức tạp. Kỹ thuật chế tạo những bình này đã tinh vi. Một trong những hiện vật quan trọng nhất mà người ta tìm thấy trong mộ Triệu Muội là hai ấn bằng đồng một to, một nhỏ dùng để ráp vào nhau in lên vải làm mẫu thêu. Người thợ sẽ dùng hai mẫu này để in lên vải đúng vị trí của hình sau đó thêu bằng tay theo vết đã có sẵn. Hai mẫu này tương tự như mẫu người ta tìm thấy trong mộ ở Mã Vương Đôi ( 馬王堆 ), Trường Sa ( 長沙 ). Ấn thêu có hình ngọn lửa, mây và núi non này được coi như chứng cớ sớm sủa là tơ lụa có hình thêu đã được sản xuất một cách qui mô tại Nam Việt và mẫu in trên vải có thể là bước khởi đầu cho nghề in hình và chữ lên giấy, là những phát minh mà người ta cho rằng cũng phát xuất từ thời Hán. Đặc biệt hơn nữa, mẫu hình không phải chỉ gồm một bản gốc mà có thể ghép hai hay nhiều mẫu với nhau để thành những mẫu phức tạp.21 Đồ trang trí Trong số đồ trang trí nội thất có một bức bình phong bằng sơn mài có những bản lề và mảnh kết hợp bằng vàng ròng đúc theo hình rồng cuộn, chim sẻ ... Kiếm sắt, mâu sắt, giáp sắt Trong mộ Triệu Văn Đế Triệu Muội có đến hơn 700 món đồ sắt bao gồm nhiều loại vật dụng khác nhau dùng trong việc trồng trọt, công nghệ và binh khí. Giáp sắt cao 58 cm tổng cộng 709 miếng vảy hình vuông, góc tròn kết lại với nhau, thích hợp cho khí hậu nóng và ẩm của phương nam, khác hẳn kiểu áo giáp của miền bắc dùng cho khí hậu nóng và khô. Kiếm sắt tổng số 15 cái trong đó một thanh đeo phía eo trái của mộ chủ, bao kiếm bằng tre, cán bằng gỗ có quấn dây tơ. Bốn thanh kiếm có cán khảm ngọc màu xanh vàng, điêu khắc tinh tế, bên dưới có hình thú đục nổi (phù điêu) rất sinh động. Đặc biệt nhất trong số có một chiếc mâu làm bằng sắt pha đồng và khảm vàng, trên khắc văn hình mây rất đẹp mắt nên người ta cho rằng nếu k hông phải là vũ khí tuỳ thân của Triệu Muội thì cũng là một loại nghi trượng tượng trưng cho uy quyền của bậc đế vương. Ngọc Bích Có cả thảy 56 món ngọc bích trong mộ Triệu Văn Đế, riêng trong phòng để quan tài đã có đến 47 món nên người ta cho rằng mộ chủ ưa thích ngọc. Trong những ngọc khí này, những món đặc sắc nhất phải kể đến những món ngọc bích điêu khắc hình rồng, và một đại ngọc bích đo được 33.4 cm là món ngọc lớn nhất, điêu khắc tinh mỹ. Đại ngọc bích được các nhà khảo cổ ban cho mỹ danh “bích trung chi vương”22 (vua các loại ngọc bích). Vật bằng ngọc phía bên phải ở trên được các nhà khảo cổ đoán rằng đây là một khúc trong nhiều mảnh nối liền thành sợi đai để đeo kiếm. Hộp bằng ngọc Hộp ngọc tìm thấy trong căn phòng chứa quan tài mộ chủ là loại ngọc xanh, ánh màu vàng, thân hộp hình viên trụ cao 77 cm, có khắc hình hai con phượng và nhiều hình chạm nổi (phù điêu) rất đẹp, kết cấu tinh vi, nhẵn nhụi đáng được coi là một tuyệt phẩm trong ngọc khí. Ti lũ ngọc y Y phục bằng ngọc là một hình thức tẩn liệm độc đáo của thời Hán. Sau thời Đông Hán người ta không còn tìm thấy lối mai táng tương tự như vậy nữa. Ngọc y được qui định theo đẳng cấp có kim lũ, ngân lũ, đồng lũ ngọc y (các sợi dây buộc các mảnh ngọc với nhau bằng vàng, bạc hay đồng). Các chư hầu của nhà Hán thường dùng kim lũ. Riêng Triệu Văn Đế thì dùng tơ để kết nối những miếng ngọc với nhau (ti lũ ngọc y - 絲縷 玉衣 ) là bộ áo ngọc đầu tiên người ta tìm ra và duy nhất từ trước đến nay. Bộ ngọc y này dài 1.73 mét, tổng cộng là 2291 mảnh tết lại bằng tơ màu đỏ thành nhiều hình kỷ hà, sắc thái dễ coi. Ấn ngọc, ngọc bội và ngọc giác bôi Ấn ngọc Có tất cả 9 cái ấn ngọc trong đó có 3 chiếc khắc văn tự (6 chiếc kia không có chữ) đều là ấn hình vuông, tìm thấy trên thân người của mộ chủ khắc các chữ Triệu Muội ( 趙昧 ), Thái Tử ( 泰子 ) và Đế Ấn ( 帝印 ). Chính từ các con dấu này chúng ta có thể xác định rằng Triệu Vương tự xưng là đế, ngang hàng với vua nhà Hán chứ không chịu nhún mình thần phục như sử Trung Hoa vẫn thường khẳng định. Ngọc bội Hình 3: Một món đồ ngọc tinh xảo Việc đeo những đồ trang sức tạc bằng ngọc là một truyền thống đã có từ lâu ở phương Đông. Người ta tin rằng đeo ngọc trong người có thể giúp cho thân thể mạnh khoẻ, trừ được tà khí nên ngọc vẫn thường được tạc thành đồ trang sức và cũng tượng trưng cho giới quyền quí. Trong mộ của Triệu Văn Đế Triệu Muội có tất cả hơn 130 món đồ làm bằng ngọc, nhiều món rất tinh mỹ và quí giá chẳng hạn như một khối ngọc tạc hình sừng tê, một khối ngọc tạc hình hai con rồng chầu, giương nanh trừng mắt rất sinh động. Một số món ngọc của các phi tần người ta cho rằng có thể ráp lại với nhau theo nhiều cách tuỳ theo trường hợp và sáng kiến của người đeo. Ngọc giác bôi Tìm thấy ngay trong phòng để quan tài là chén của mộ chủ dùng dài 18.4 cm, miệng hình ống, đường kính chỗ nhỏ nhất 5.8 cm, chỗ lớn nhất 6.7 cm trông như một cái tù và, rất lạ mắt. Đây là món đồ mà các chuyên gia đánh giá là “độc nhất vô nhị” trong các món ngọc khí đời Hán. Cái chén ngọc này làm bằng loại ngọc trong mờ, có gân nổi từ xanh nhạt sang màu nâu tạc từ một khối đá nguyên thuỷ và phải dùng nhiều loại kỹ thuật khác nhau, khắc nông hay sâu.23 Các món đồ sứ ( 陶器 ) Trong mộ của Triệu Muội người ta tìm thấy 371 món đồ sứ bao gồm đồ để đựng, đồ để nấu và các loại dùng hàng ngày. Ngoài ra còn có các món thuộc về minh khí là đồ chế tạo riêng để chôn theo người chết được mô phỏng theo những vật dụng hàng ngày mà mộ chủ thường dùng trong đó có đỉnh, bích (món đồ của bậc vua chúa cầm theo tước vị của mình), vò, chén, bát ... Đặc biệt nhất trong một số vò và đỉnh có bốn chữ Trường Lạc Cung Khí ( 長樂宮器 ) và đã đưa ra nghi vấn cho những nhà nghiên cứu: “Có thực trong cung Triệu Việt Vương có cung Trường Lạc hay chăng?”. Trường Lạc Cung là tên của một cung điện tại Trường An, chính là cư sở của vua và hoàng hậu nhà Hán, việc một số đồ sứ hiện hữu trong mộ của Triệu Muội thực đáng lưu tâm. Vải vóc, tơ lụa Quảng Châu vốn dĩ là hải cảng quan trọng hơn cả của miền Nam và vào thời đại nước Nam Việt được coi như thương khẩu quốc tế, buôn bán trao đổi không chỉ với các dân tộc nằm trong đại lục Trung Hoa mà còn cả với nhiều quốc gia từ Nam Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương cho tới tận Phi Châu. Theo lịch sử, phương Nam đã biết trồng dâu nuôi tằm từ lâu, gần đây tại miền Bắc nước ta cũng đã tìm thấy mẫu vải trong mộ cổ từ thời Đông Sơn. Trong mộ Triệu Muội, các loại vải tìm thấy phong phú cả về số lượng lẫn chủng loại. Trong căn phòng phía tây, người ta tìm được vải vóc xếp thành tầng, trong số đó bao gồm cả lụa ( 絹 ), là (朱羅), đồ thêu (綉), và nhiều loại the mỏng ... Những loại tơ lụa này khi xuất thổ đều bị mủn nát, thành bụi cao đến 2, 30 cm, tính ra không dưới 100 xấp vải, chồng lên nhau khoảng 700 lớp. Các đồ tuỳ táng cũng có một số lớn được quấn vải, chẳng khác gì người ta dùng giấy gói những hàng hoá để chuyên chở đi nơi khác. Các loại vải tìm thấy cũng được nhuộm màu khác nhau và cho thấy ở vào thời kỳ này, vải đã khá phổ biến ở phương Nam để dùng trong giao dịch, buôn bán với các nơi khác. Ngà voi, ngọc trai Trong mộ cũng tìm thấy ngà voi còn nguyên chiếc, tổng cộng 5 cái, lớn nhất dài 1 mét 26, đặt chồng lên nhau cao 57cm. Theo các chuyên gia về sinh vật học, những ngà voi này không phải voi Á Châu mà to lớn giống như ngà voi Phi Châu nên người ta cho rằng đây không phải là sản vật bản địa mà do các thương thuyền từ nước ngoài đem đến Quảng Châu. Ngoài ngà voi còn nguyên trong mộ cũng có một số món đồ và vật dụng khắc bằng ngà. Trong túi gối đầu đặt dưới bộ ngọc y người ta tìm thấy 470 viên ngọc trai, đường kính từ 0.1 đến 0.4cm là ngọc trai còn ở dạng thiên nhiên chưa giũa gọt. Theo một số nhà khảo cổ giải đoán, ngọc trai có lẽ dùng để trừ tà ma và đây cũng là lần đầu tiên một chiếc gối như thế được tìm thấy. Ngoài ra trong một chiếc hộp sơn lớn người ta tìm được một số lớn ngọc trai khác, nặng tổng cộng 4117 grams, đường kính từ 0.3 đến 1.1 cm. Tuẫn táng (殉葬) Trong mộ Triệu Muội người ta tìm thấy cả thảy 15 người tuẫn táng. Tuẫn táng là chôn người sống theo để hầu hạ, phục dịch cho người chết ở thế giới bên kia, một tục lệ khá phổ biến ở thời kỳ phong kiến cổ đại. Mười lăm người này chia ra như sau: - Phòng trước 1 người gác cửa (cảnh hạng lệnh - 景巷令) - Phòng trước phía đông (đông nhĩ thất) 1 người có nhạc khí kèm theo chắc là nhạc công. - Phòng phía đông chôn theo 4 cung phi của Triệu Muội cùng nhiều món ngọc khí, đồng khí, đào khí. Ngoài ra còn có thêm bốn cái ấn như đã miêu tả ở trên. - Phòng phía tây có 7 người cùng với các đồ dùng nhà bếp, có lẽ đây là đầu bếp và người phục dịch. Cũng nơi đây mỗi người có chôn theo một hay hai chiếc gương đồng. - Trong mộ đạo còn có 2 người, có lẽ một người là vệ sĩ, một người là xa phu. Theo những chuyên gia giám định thì tất cả những người tuỳ táng này đều bị đánh mạnh vào ngực cho chết rồi chôn theo. Trong tất cả những ngôi mộ đời Hán đào được ở Trung Hoa, ngoài mộ của Triệu Muội, người ta không thấy có hiện tượng tuẫn táng. Tục lệ này ở Trung Hoa chỉ có từ đời Tần trở về trước.24 Kiến trúc Theo các chuyên gia về lăng mộ của Trung Hoa, ngôi mộ Triệu Văn Đế thực ra không thấm vào đâu với một của các vì vua chúa khác và kém cả nhiều mộ của vương tôn, hoàng thất. Ngôi mộ này nằm giữa một ngọn đồi thạch anh, một loại đá biến chất khá cứng, khi khai thác công nhân đã phải dùng búa đẽo từng miếng một. Vào thời kỳ ngôi mộ này được kiến tạo 21 thế kỷ trước khi kim loại còn hiếm hoi, việc đào khoét một ngọn núi nhỏ thành một hang động lớn như thế không phải là chuyện dễ dàng. Theo các tính toán thì ngôi mộ của Triệu Văn Đế sử dụng đến hơn 750 phiến đá để làm tường, lót sàn, xây cột, làm cửa ... mỗi thứ lớn nhỏ, dày mỏng một khác. Những phiến đá đó không phải cùng một loại mà bao gồm cả sa thạch, huyền võ, hoa cương trong đó sa thạch tương đối mềm nên được dùng nhiều hơn cả. Tuy nhiên khi đối chiếu các mẫu đất đá ở phụ cận, các nhà nghiên cứu không tìm thấy nơi nào có các loại đá dùng trong kiến trúc ngôi mộ này. Điều đó khiến họ đưa đết nghi vấn là các tảng đá đó được đục từ một nơi nào đó sau đó mới chuyên chở về để xây mộ. Một việc khá tình cờ đã đưa đến câu trả lời. Một nông dân vô tình đào được một cái đục bằng đồng (銅鑿) ở một nơi cách ngôi mộ này khoảng 100 dặm và các nhà khảo cổ xác định rằng tuổi của nó khoảng hơn 2000 năm và người ta cũng tìm thấy nơi ngọn núi Liên Hoa gần đó loại hoa cương cùng loại với đá dùng để xây mộ Triệu Muội và người ta đưa đến kết luận rằng nhà Triệu đã thiết lập một loại công xưởng tại đây để đục đá, sau đó dùng thuyền theo Châu Giang chở về. Chính đó là lý do tại sao ngôi mộ giữ được bí mật phải đến hơn 2000 năm sau mới vô tình tìm thấy. Tính theo kỹ thuật và phương tiện của thời đại, người ta cho rằng riêng việc đục đá cũng phải tốn hàng mấy tháng trời và dùng hàng trăm nhân công. Nghiên cứu thêm về ngôi mộ, vì mộ thất nằm sâu trong đất đến 20 thước, rộng hàng trăm thước vuông, người ta cho rằng việc kiến trúc phải khởi đầu bằng cách đào một giếng to từ trên đỉnh đồi đi xuống, lớn hơn ngôi mộ để đưa những phiến đá mà trọng lượng không dưới 3, 4000 kg, có tảng dài tới 5.5 mét. Việc sử dụng những tảng đá để xây dựng cũng là một thay đổi so với các triều đại trước thường chỉ xây cất một phần bằng gỗ và phần nào miêu tả hình thái sinh hoạt của triều đình trong một qui mô nhỏ. KẾT LUẬN Từ những di vật trong ngôi mộ của Triệu Văn Đế chúng ta thấy các bậc đế vương đời nào cũng muốn sống lâu để hưởng thụ và lại còn muốn tiếp tục nếp sống vương giả ngay cả khi đã qua đời. Trong mộ Triệu Muội người ta cũng tìm thấy một số thuốc viên có lẽ là những “linh đan” mong uống vào có thể “trường sinh bất tử” mà thời cổ các đạo sĩ thường bỏ nhiều công lao chế luyện. Những viên thuốc này khi phân chất người ta tìm thấy các loại đá quí tán thành bột, nhiều loại hoá chất trong đó có lưu huỳnh, hùng hoàng, chì và chu sa. Rất có thể Triệu Muội đã trúng độc khi dùng các loại linh đan này. Theo một số nghiên cứu, vua chúa đời Hán dùng đến 1/3 tài nguyên quốc gia vào việc xây dựng lăng tẩm.25 Nhà Thương, nhà Chu, nhà Tần đều xây những ngôi mả khổng lồ mà đến nay người ta vẫn chưa khám phá hết. Vào thời đó, tục tuỳ táng còn thông dụng nên vua chúa nào cũng chôn theo mình về thế giới bên kia một số cung tần, mỹ nữ, quan quân, gia nhân, xe ngựa ... Một ngôi mộ nước Tề tại Sơn Đông có đến 600 bộ xương ngựa. Chúng ta còn chờ đợi thêm những khai quật và nghiên cứu những học giả mới dám khẳng định về đâu là cái nôi của văn hoá quan trọng này. Tuy nhiên, những khai quật cũng cho thấy từ nhiều thế kỷ trước TL, miền Lĩnh Nam đã có một nền văn minh khá rực rỡ trong đó nhiều kỹ thuật được áp dụng rộng rãi đồng thời với các khu vực khác trên toàn cõi Trung Hoa cho thấy việc nhiều sử gia cho rằng chỉ đến sau khi bị lệ thuộc nước Tàu các dân tộc miền Nam mới học được một số “văn minh Hoa Hạ” không còn đứng vững. Chúng ta có thể tin tưởng rằng trong cùng một thời kỳ, nhiều trung tâm văn hoá tồn tại có những trao đổi, học hỏi lẫn nhau nhưng không phải chỉ một chiều từ phương Bắc đi xuống. Việc chiếc ấn vàng của Triệu Muội có khắc bốn chữ Văn Đế Hành Tỉ cũng là một chứng cớ quan trọng khác. Nước Nam Việt đã sinh hoạt một cách độc lập và không chịu phong vương của nhà Hán như người ta thường hiểu lầm. Triệu Muội đã tự xưng là Triệu Văn Đế ngay từ khi còn sống, không phải là một thuỵ hiệu sau khi chết. Chúng ta cũng có thể suy luận thêm là chính Triệu Đà lúc sinh tiền cũng tự xưng là Triệu Vũ Đế chứ không phải chỉ đến tước Vương như sử Trung Hoa đã chép. Lẽ dĩ nhiên, chiếc ấn vàng cũng là một đề tài đáng bàn rộng thêm một chút. Theo suy nghĩ thông thường, chúng ta thường cho rằng ấn là để đóng dấu son lên các văn thư của nhà vua. Thực ra cho tới thời kỳ này, khi giấy chưa được phát minh và công văn còn viết trên những thanh tre kết lại, ấn tượng trưng cho thẩm quyền (token of authority) và tư thế của sở hữu chủ hơn là một tín hiệu để in trên thư từ, văn kiện26. Phần lớn người ta sử dụng dấu để đóng lên một tác phẩm như đã tìm thấy trên những hình nhân trong mộ Tần Thuỷ Hoàng và còn lưu truyền về sau trên đồ sứ và các đồ dùng có nguồn gốc là đất sét. Chiếc dấu của Triệu Văn Đế cũng mang ý nghĩa đó nên chôn theo trong mộ như một thứ thông hành khi về thế giới bên kia. Một trong những giả thuyết mà các nhà nghiên cứu đưa ra là vùng Lĩnh Nam nói chung và miền Bắc nước ta nói riêng chỉ có cơ hội phát triển một khi Trung Nguyên có loạn. Trong thời kỳ đó, khi nước Tàu các phe phái thanh toán lẫn nhau để làm bá chủ, tình hình kinh tế bị kém sút nhiều và giới thương nhân quốc tế không đến buôn bán được nên chuyển hướng sang Giao Châu để tìm đường sang Trung Hoa theo đường bộ. Những thời kỳ nước ta mạnh lên hầu như bao giờ cũng đi nghịch chiều với phương Bắc. Vào thế kỷ thứ 10 sau Công Nguyên, khi nhà Đường tàn lụi, Trung Hoa chia ra thành nhiều nước nhỏ nên việc kiềm chế các khu vực lệ thuộc ở phương Nam cũng nới ra tạo cho một số thổ hào đứng lên phất cờ độc lập mở đầu cho một kỷ nguyên mới trên đất nước ta. Khi nhà Tống bị đe doạ bởi các giống dân du mục phương Bắc, nước ta cũng có dịp vùng lên để mở ra một thời kỳ thịnh trị mà ngày nay chúng ta gọi là văn minh Lý Trần. Thời kỳ nhà Triệu cũng tương tự như thế nên Nam Việt cũng trở thành một trung tâm thương mại quốc tế, lưu lại nhiều dấu tích qua ngôi mộ của Triệu Muội. Nếu tính về ảnh hưởng của văn minh Hán tộc thì nhà Triệu là giai đoạn đầu tiên chúng ta bị đồng hoá một cách qui mô nhưng nếu đứng ở phương diện chính trị thì giai đoạn này người Việt đã được tổ chức thành quốc gia trong khi các nước chung quanh như Chiêm Thành, Chân Lạp, Xiêm La, Ai Lao còn đang trong tình trạng bộ lạc. Về phương diện sử liệu, trước thời nhà Triệu không ai biết chắc tổ chức xã hội của người Việt đã tiến đến đâu nhưng chắc chắn rằng trước khi Triệu Đà chiếm cứ nước ta, dân cư bản địa đã có một nền văn minh rất cao mà một số di tích còn lưu lại trong ngôi mộ Triệu Muội. Trong nhiều thời kỳ, một triều đại mới đã tìm cách xoá sạch mọi dấu tích của các triều đại cũ để nhấn mạnh vào tính chính thống của mình. Trong những năm gần đây, một số di chỉ quan trọng được tìm thấy trong vùng Lĩnh Nam, Vân Quí và miền bắc nước ta đã khiến nhiều vấn đề lịch sử cần được nhìn lại dưới một lăng kính mới. Tháng 11, 2006 1 Trong tấu nghị của các sử thần nhà Nguyễn (ngày 10 tháng 6 năm Tự Đức thứ 9 tức 11-07-1856) thì từ An Dương Vương tới Ngô Quyền không được liệt vào chính thống mà chỉ tính đời Hùng Vương, sau đó tới Đinh Tiên Hoàng. ... An Dương Vương là người nước ngoài, nhân dịp người ta suy yếu, trước thì cậy sức mạnh để kiêm tính nước người, sau vì tin quỉ thần quái dị mà bị người khác lừa gạt, bỗng khởi lên, bỗng bị diệt, không được trọn đời. Triệu Vũ Đế chiếm cứ Phiên Ngung, chống nhau với nhà Hán, nhưng rồi cũng bỏ danh hiệu hoàng đế mà xưng thần ... Tóm lại, các thời đại ấy đều chưa có thời đại nào gọi là chính thống được. Đến thời đại Đinh Tiên Hoàng, trong nước mới được thống nhất. Vậy Đinh Tiên Hoàng nên liệt vào chính thống để nối tiếp với quốc thống Hùng Vương. Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (bản dịch Viện Sử Học, nxb Giáo Dục, Hà Nội, 1998) tập I, tr. 23. 2 Theo sử nước ta nhà Triệu bao gồm Triệu Đà (Vũ Đế), Triệu Hồ (Văn Vương), cháu nội Vũ Đế, con trai Trọng Thuỷ, Triệu Anh Tề (Minh Vương, con trưởng của Văn Vương), Triệu Hưng (Ai Vương, con thứ của Minh Vương), Triệu Kiến Đức (Thuật Dương Vương) tổng cộng 5 đời vua, 97 năm (207-111 TCN). Vì Triệu Vũ Đế sống rất thọ (121 tuổi), làm vua đến 71 năm nên khi chết truyền ngôi cho cháu chứ không cho con. 3 Tức vua Văn Vương Triệu Hồ ( 趙胡 ), theo sử nước ta. 4 Thượng, Lung ( 尚瓏 ), Dương Phi ( 楊飛 ). Trung Quốc Khảo Cổ Địa Đồ (中國考古地圖 ) The Map of China Archaeology (Bắc Kinh: Quang Minh Báo xb xã, 2004) tr. 181. 5 Nguyên danh là Quảng Châu thị Bác Vật Quán Danh Dự Quán Trưởng 6 Conference on Archaeology in Southeast Asia 7 Mai Yinghao: “Excavation, Preservation and Utilization – Examples of Field Archaeology in Guangzhou” (麥英豪: 發掘,保護,使用。廣州田野考古例� � ),, Archaeology in Southeast Asia, The University of Hongkong, 1995 tr. 357-59. 8 Năm 1968, ở Mãn Thành (滿城), Hồ Bắc người ta khai quật hai ngôi mộ của Trung Sơn Tĩnh Vương Lưu Thắng ( 劉勝 ) và vợ, tìm được 2800 món đồ quí. Hai người này được đặt trong một bộ quần áo bằng ngọc tương tự như của Triệu Muội nhưng dây tết các mảnh ngọc làm bằng vàng (ngọc y kim lũ), một bộ tổng cộng 2690 mảnh, một bộ 2156 mảnh. New Archaeological Finds in China, 1974, tr. 9-10. 9 theo sử Tàu ông thọ 90 tuổi còn theo sử ta thì thọ đến 121 tuổi (?) 10 前朝後寢. Theo kiến trúc cung điện đời xưa, phần trước gọi là “triều” là nơi vua họp với quần thần để bàn việc nước, phía sau gọi là “tẩm” là nơi vua và thân tộc sinh hoạt, ăn, ở. Kiến trúc này cũng được tạo dựng tông miếu và lăng mộ. 11 禾花雀 12 chuông đồng hình ống 13 chuông có núm để cầm 14 một loại nhạc khí cổ tương tự chiếc lục lạc, dùng trong tế lễ hay yến tiệc 15 Tạ Hồng Ba ( 謝洪波 ), Trung Quốc Lịch Đại Đế Vương Lăng Mộ Chi Mê (中國歷代帝王陵墓之謎- Zhong Guo Li dai Di Wang Ling Mu Zhi Mi) (Cáp Nhĩ Tân: Cáp Nhĩ Tân xb xã, 2005) tr. 60 16 Đặc điểm của chiếc hộp bạc này là có chân, một kiểu dáng mà người Trung Hoa thời đó chưa thịnh hành đủ biết nếu không phải là do người ngoại quốc mang tới thì cũng là do công nhân địa phương bắt chước theo. 17 Ngày nay khi nói đến đỉnh chúng ta thường nghĩ đến một loại vạc có ba chân. Theo truyền thuyết, vua Đại Vũ ( 禹 ) đúc 9 cái đỉnh lớn, trên có khắc sông núi cỏ cây để truyền cho hậu thế. Chỉ những ai tài đức vẹn toàn mới làm chủ được những đỉnh này và nếu như bất xứng thì đỉnh sẽ qua tay người khác. Cái đỉnh trở nên một biểu tượng của đức độ và những vì vua đời Hạ (1989-1766 B.C.), đời Thương (1766- 1122 B. C.), đời Chu (1122-221 B. C.) đều lấy việc truyền đỉnh coi như một kế thừa chính thống. Tuy nhiên, người Trung Hoa chưa tìm được đỉnh nào có từ đời Hạ và những đỉnh của đời Thương, Chu tìm được không phải là các đỉnh lớn như sử sách miêu tả. 18 Ở mặt sau của tấm gương có những chạm khắc hình chữ sơn 山 để thành hình tam giác, tứ giác, ngũ giác, lục giác. Lối trang trí hình kỷ hà này ít thấy ở các đời sau. 19 Theo Tạ Hồng Ba trong Trung Quốc Lịch Đại Đế Vương Lăng Mộ Chi Mê (Cáp Nhĩ Tân, 2005) thì loại gương đồng này là kiểu mẫu của nước Sở thời Chiến Quốc nhưng ngay trong các ngôi mộ của nước này người ta cũng chỉ tìm được các loại kính có 3 chữ sơn, 4 chữ sơn. Đây là chiếc kính có 6 chữ sơn đầu tiên tìm thấy mà lại ở một quốc gia khác. 20 thợ trong nhạc phủ chế tạo năm Văn Đế thứ 9 (129 TTL) 21 Lothar Ledderose, Ten Thousand Things tr. 158-9 22 璧中之王 23 Maurizio Scarpari, Ancient China – Chinese civilization from its Origins to the Tang Dynasty (New York: Barnes & Noble Books, 2000) tr. 181 24 Một ngôi mộ đào được ở An Dương, Hà Nam đời Thương có đến 90 người tuẫn táng bao gồm thê thiếp và đầy tớ 25 The Han dynasty rulers, for example, are said to have spent one third of the state revenue on imperial tombs. Lothar Ledderose, Ten Thousand Things, tr. 65. 26 Lothar Ledderose, tr. 159 PHỔ HỆ HỌ TRIỆU Triệu Đà ( 趙佗 ) Nam Việt Vũ Đế ( 武帝 ) Tại vị 67 năm (203 TTL – 137 TTL) | Triệu Muội ( 趙眛 ) Nam Việt Văn Đế ( 文帝 ) Tại vị 16 năm (137 TTL – 122 TTL) | Triệu Anh Tề ( 趙嬰齊 ) Nam Việt Minh Vương ( 明王 ) Tại vị 10 năm (122 TTL – 113 TTL) | Triệu Hưng ( 趙興 ) Tại vị 1 năm (113 TTL) | Triệu Kiến Đức ( 趙建德 ) Tại vị chừng 2 năm (112 TTL – 111 TTL) TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Diệp Bội Lan ( 葉佩蘭 ). Văn Vật Thu Tàng Giám Thưởng Từ Điển ( 文物收藏鑒賞辭典 ). Bắc Kinh: Đại Tượng xb xã, 2004. 2. Ebrey, Patricia Buckley. The Cambridge Illustrated History of China. London: Cambridge University Press, 1996. 3. Không tác giả. New Archaeological Finds in China: Discoveries during the Cultural Revolution. Peking: Foreign Languages Press, 1974. 4. Ledderose, Lothar. Ten Thousand Things: Module and Mass Production in Chinese Art. NJ: Princeton University Press, 2000. 5. Mạc, Kiệt ( 莫杰 ) chủ biên. Quảng Tây Phong Vật Chí ( 廣西風物志 ). Quảng Tây: Quảng Tây Nhân Dân xb xã, 1984. 6. National Palace Museum. Chinese Cultural Art Treasures. Đài Bắc: Quốc Lập Cố Cung Bác Vật Viện, 1967. 7. Nhiều tác giả. Conference papers on Archaeology in Southeast Asia. ( 東南亞考古論文集 ) Hongkong: The University Museum and Art Gallery, The University of Hong Kong, 1995. 8. Nhiều Tác Giả. Lịch Sử Văn Hoá Trung Quốc ( 中國文化史 ) 2 tập (Trần Ngọc Thuận, Đào Duy Đạt, Đào Phương Chi dịch). Hà Nội: nxb Văn Hoá – Thông Tin, 1999. 9. Đồng, Ân Chính ( 童恩正 ). Nam Phương Văn Minh ( 南方文明 ). Trùng Khánh: Trùng Khánh xb xã, 1998. 10. Scarpari, Maurizio. Ancient China: Chinese Civilization from its Origins to the Tang Dynasty. New York: Barnes & Nobles, 2000. 11. Tạ, Hồng Ba ( 謝洪波 ). Trung Quốc Lịch Đại Đế Vương Lăng Mộ Chi Mê ( 中國歷代帝王陵墓之謎 - Zhong Guo Li Dai Di Wang Ling Mu Zhi Mi). Cáp Nhĩ Tân: Cáp Nhĩ Tân xb xã, 2005. 12. Tài liệu internet www.guangzhou.gov.cn 13. Thượng, Lung ( 尚瓏 ), Dương Phi ( 楊飛 ). Trung Quốc Khảo Cổ Địa Đồ ( 中國考古地圖 ) The Map of China Archaeology. Bắc Kinh: Quang Minh Báo xb xã, 2004. 25 14. Vainker, Shelagh. Chinese Silk: A Cultural History. NJ: Rutgers University (Theo st Khanhngoc PDS) nguồn: http://covattinhhoa.com/diendan/showthread.php?t=392 Bảo tàng lăng mộ Triệu Văn Vương tại Quảng Châu Trương Thái Du Đa số bản đồ du lịch phổ thông của thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông Trung Hoa đều có giới thiệu về Bảo tàng lăng mộ kiểu Tây Hán của Nam Việt Triệu Văn Vương. Đây là một địa chỉ văn hóa cực kỳ phong phú và giá trị trong vùng Hoa Nam. Bảo tàng nằm tại số 867 đường Giải phóng bắc, hơi chếch về bên trái cổng chính công viên Việt Tú nổi tiếng. Năm 1983, khi san một quả đồi nhỏ để xây dựng các công trình dân sinh, tình cờ một ngôi mộ đá rất xưa, không hề có dấu tích bị xâm phạm, được phát lộ. Ngành khảo cổ học vào cuộc và thật bất ngờ, những di vật tìm được cho thấy đây là nơi yên nghỉ hơn hai ngàn một trăm năm qua của Nam Việt Vương Triệu Hồ. Triệu Hồ có thể là con Trọng Thủy [1], cháu nội Triệu Đà (? – 137 trước CN), ông ở ngôi được 16 năm (từ 137 đến 122 TCN) [2]. Mộ Văn Vương nằm lẹm vào triền đồi, gồm nhiều tảng đá xếp chồng lên nhau tạo thành không gian an táng bên trong. Cửa mộ là hai phiến đá được mài đẽo khá vuông vắn. Đà cửa cũng bằng đá, đã gẫy nhưng chưa sập hẳn, có lẽ do không chịu nổi sức nặng của khối đất đỏ bazan bên trên sau nhiều lần thấm đẫm nước mưa suốt hơn hai thiên niên kỷ. Tổng diện tích sàn mộ trên dưới 25 thước vuông, chia làm 6 khu gồm sảnh chính, gian quàn thi thể và 4 phòng chứa đồ tùy táng. Xác Văn Vương nằm trong quan tài gỗ 2 lớp, được tẩm liệm kín bằng những mảnh ngọc mỏng hình chữ nhật, liên kết với nhau bởi chỉ tơ. Tuy nhiên mọi chất liệu hữu cơ đã bị phân hủy hoàn toàn. Ngay đến bộ xương người nay chỉ hiện hữu vẻn vẹn hai mảnh hàm còn nguyên bộ răng khá hoàn chỉnh. Năm 1988, một viện bảo tàng đồ sộ được khánh thành trên chính ngọn đồi này. Người ta giữ nguyên hiện trạng hầm mộ, làm vòm che, đường dẫn để khách có thể bước xuống tham quan. Hơn một ngàn hiện vật còn khá nguyên vẹn lấy ra từ mộ được bảo quản và trưng bày trong các gian bảo tàng xây dựng phía sau. Nó phản ánh một cách trung thực, khách quan và rất đầy đủ chi tiết về chính trị, kinh tế và văn hóa của một triều đại nổi bật ở Hoa Nam, vốn không được tín sử Trung Hoa mô tả kỹ lưỡng cũng như xem trọng đúng mức. Các di vật chính hiện trưng bày: Khá nhiều thao ấn [3] bằng vàng và ngọc khắc chữ triện như Long kim ấn “Văn đế hành tỉ”, Quy kim ấn “Thái tử”, Ngọc ấn “Triệu muội” (Muội có khả năng là tên khác của Triệu Hồ hoặc một danh xưng khiêm tốn của Nam Việt Vương với triều đình Tây Hán); các loại đồ gốm, nồi đồng, búa sắt, rìu sắt, dao, rựa, lò nướng thịt, lưới đánh cá, tiền đồng… Khánh đá, chuông đồng, tù và bằng ngọc bích… Mực tàu, nghiên mực… Thuốc bắc, sừng tê giác, ngọc trai… Bình nước, bình rượu, ly chén đĩa bằng đồng và ngọc, khuy áo vàng bạc đồng, gương đồng, tráp bạc, phù ngọc, chân bình phong đồng, tay nắm cửa đồng, đèn đồng, chân nến ngọc, vật trang sức bằng vàng bạc đồng ngọc bích ngọc trai; tượng mỹ thuật gốm, đá, đồng và ngọc, đỉnh trầm… Áo giáp sắt, giáo, mác, thương đao bằng kim khí, mũi tên đồng, kiếm sắt chuôi nạm ngọc… Tất cả đồ vật nói chung được chế tác ở một trình độ khá tinh xảo, thẩm mỹ cao, hoa văn đẹp nhưng nhỏ bé và giản dị [4]. Xét về quy mô, mộ Nam Việt Văn Vương khá khiêm tốn so với nhiều ngôi mộ cùng thời khác từng phát lộ ở Trung Hoa. Nó cho thấy khu vực Bách Việt nói chung và Nam Việt nói riêng còn kém phát triển ở khía cạnh nào đó, trong bức tranh toàn cảnh từ thời Tây Hán trở về trước. Dù sao đi nữa, ở thì hiện tại di tích mộ Nam Việt Văn Vương chứa đựng những giá trị lịch sử vô giá cho các dân tộc Bách Việt xưa kia và người Việt Nam hiện đại. Giữa bối cảnh các vùng đất của Nam Việt cũ như Quảng Tây, Quảng Đông đã bị Hán hóa đến tận chân lông kẽ tóc, sự độc lập của Việt Nam ít nhiều sẽ giúp việc nghiên cứu quá khứ khách quan và công bằng hơn. Ví như tên đầy đủ của bảo tàng hiện nay là : Tây Hán Nam Việt Vương mộ bác vật quán; chữ “Tây Hán” được khuyên hiểu là “kỷ Tây Hán, thời Tây Hán, kiểu Tây Hán”. Song tác giả vẫn thấy chữ này như một chiếc cũi vô hình, trói buộc nhận thức, định dạng di tích mộ Nam Việt Văn Vương trong vòng cương tỏa của nền văn hóa Hán tộc, mặc dù ý chí độc lập và tự cường gần 100 năm của các triều đại Nam Việt Vương là không thể phản bác. Bằng chứng là từ thời Triệu Đà, Nam Việt đã chịu xưng vương trước nhà Hán nhưng Triệu Hồ vẫn sử dụng ấn “Nam Đế hành tỉ”, chữ Đế xem như một biểu tượng bất khuất. Tuy còn những bất đồng thuận trong việc nhận định vai trò 5 đời vua Nam Việt giữa dòng lịch sử Việt Nam, song sử gia Việt Nam vẫn nên có những nghiên cứu nghiêm túc, đầy đủ về ngôi mộ này. Chẳng hạn có gì khác nhau giữa bó tên có mũi bằng đồng còn như mới trong viện bảo tàng đã nêu và loại nỏ và tên do Cao Lỗ, tướng của An Dương Vương chế tạo ra? Nếu truyền thuyết An Dương Vương là có thực, hiển nhiên nhiều di vật trong mộ Triệu Hồ sẽ là vật chứng so sánh có một không hai với những khám phá khảo cổ Việt Nam về An Dương Vương và Loa thành trong tương lai. Quảng Châu nay chính là Phiên Ngung xưa, kinh đô Nam Việt. Nhìn những cao ốc tân kỳ thi nhau vươn lên trời cao, núi đồi bị bạt dần, lòng người không khỏi tiếc nuối. Ngung sơn, nơi có mộ Nam Việt Vương Triệu Đà chắc ở đâu đó trong lòng thành phố [5]. Mong những cọc móng các công trình xây dựng đồ sộ đừng phạm phải hài cốt Triệu Đà. Tuy nhiên chính những khối bê tông muôn hình muôn vẻ kia đang muốn vĩnh viễn che giấu tích xưa, người cũ. Thêm nhiều yếu tố tinh thần của con người và xã hội mới, vô hình chung hiện tại dường như đã đoạn tuyệt với quá khứ, bằng việc gia cố và chôn chặt những mộ phần cổ kính một cách chắc chắn hơn bao giờ hết. Quảng Châu 3.2004 Chú thích: [1] Nói “có thể” là vì: Các sách sử xưa nay ở VN đều cho rằng Trọng Thủy tự tử theo Mỵ Châu vào năm 208 trước CN, năm An Dương Vương bại trận trước Triệu Đà. Như thế ít nhất Triệu Hồ phải sinh ra cùng năm đó. Vậy đến năm 122, khi mất, Triệu Hồ đã 86 tuổi. Xem hàm răng còn nguyên vẹn trong mộ sẽ thấy bất thường. Đại Việt sử ký toàn thư (NXB KHXH – Hà Nội 1993), Ngoại kỷ, Quyển 2 (phần Văn Vương) ghi nhận Triệu Hồ mất năm 52 tuổi có vẻ hợp lý với di cốt nhưng mâu thuẫn với những niên biểu khác trong cùng kỷ ấy. [2] Các niên biểu ở đây đều lấy từ phụ chú của Viện Bảo Tàng Lăng mộ Nam Việt Vương tại Quảng Châu. Có vài khác biệt so với Việt sử. [3] Thao ấn là loại ấn nhỏ để đeo, có dây choàng vào cổ. Tiếng Hán hiện đại đùng từ “Nữu ấn” để chỉ “Thao ấn”. [5] Khâm định Việt sử thông giám cương mục (NXB GD Hà Nội 1998), Tiền biên, Quyển 1, ghi chú : Sách Thái bình hoàn vũ ký của Nhạc Sử đời Tống, mô tả Ngung Sơn chỉ cách Huyện lỵ Nam Hải (tức Phiên Ngung) 1 dặm về phía bắc. [4] Theo tôi biết trên mạng có ít nhất hai bài đã viết về lăng mộ này. Một của Trương Quang tại http://perso.wanadoo.fr/charite/office1/013quangchau.html và một của Mai Thế Phú tại http://www.sgtt.com.vn/cacsobaotruoc/439_4...mditichviet.htm Cả hai bài đều mắc những lỗi lớn giống nhau trong mô tả lăng mộ, và có khả năng bài thứ hai là bản “xào” từ bài thứ nhất. Tuy nhiên cũng nhờ thông tin từ hai bài này mà tôi đã tìm đến được Viện bảo tàng. ……………… Về bản quyền bài này: Nội dung ở đây được sửa chữa từ bản đã xuất hiện trên trang web viethoc.com, 4.2004. Về bản quyền chung: Tất cả các bài tạp văn kí tên Trương Thái Du dưới 30 ngàn chữ đều được tác giả để ở chế độ bản quyền mở. Mọi cá nhân hoặc tổ chức có thể tải về miễn phí từ vnthuquan.net. Các hình thức sử dụng đuợc chấp nhận rộng rãi: trích dẫn, in trên báo, in thành sách, tái lưu trữ ở các loại “diễn đàn” hoặc kho sách điện tử khác.v.v.. Xin miễn sửa đổi hoặc biên tập thêm. Tác giả chỉ chịu trách nhiệm bản thảo tại kho sách vnthuquan.net với các phiên bản tu chỉnh sau ngày 01.01.2006.nguồn: vnthuquan.net Cháu nội Triệu Đà tên là gì ? Trương Thái Du Tất cả các sách sử xưa nay đều thống nhất theo Sử Ký của Tư Mã Thiên, ghi tên tục của Triệu Văn đế là Triệu Hồ (cháu nội Triệu Đà, làm vua Nam Việt từ 137 đến 124 trước Công nguyên). Năm 1983 khảo cổ Quảng Đông đã khai mở ngôi mộ táng của Triệu Hồ tại một ngọn đồi trong nội thành Quảng Châu. Chiếc ấn vàng tùy táng khắc chữ triện “Văn đế hành tỉ” khiến các chuyên gia không thể nghi ngờ ngôi mộ này là của ai khác. Tuy nhiên, vấn đề tên tục của Triệu Văn đế đã gây nên tranh cãi, cũng như hé lộ nhiều khả năng về một loại ngôn ngữ dùng Hán tự ký âm có liên quan mật thiết đến chữ Nôm Việt Nam. Người ta không thể tìm được bất cứ chữ Hồ nào giữa các di vật trong mộ phần Triệu Văn đế, ngoài hai con dấu trình bày dưới thể triện ghi rõ Triệu Mạt (赵眜). Một số tài liệu Việt ngữ trên mạng đôi khi phiên âm là Triệu Muội. Thực ra Mạt và Muội trong các sách cổ từ thời Hán trở lại đây thì đồng nghĩa và hay dùng lẫn lộn. Chữ Mạt này gồm hai phần Mục (目) và Mạt (末). Rất dễ nhầm lẫn giữa Muội 眛 và Mạt 眜 vì Muội ghép bởi Mục (目) và Mùi (未). Mạt và Mùi chỉ khác nhau ở chỗ hai nét ngang dài ngắn đổi chỗ cho nhau. Chiếu theo Thuyết Văn (quyển tự điển có từ thời Đông Hán), Mạt nghĩa là mắt mờ. Nếu chỉ xét chữ Mạt ở góc độ thuần Hán thì không lý gì một vương tử và sau này là thái tử, là thiên tử suốt một vùng Lĩnh Nam, lại có cái tên xấu và vô nghĩa như vậy. Có ý kiến cho rằng âm Mạt theo phương ngữ Hoa Nam hiện nay rất gần với âm Hồ. Phải chăng cháu Triệu Đà được đặt tên theo nghĩa Nam Việt, rồi sau đó phải dùng chữ Hán có âm gần giống để ghi lại trên giấy tờ, ấn tín. Chính vì thiếu thống nhất và không gian cách trở, ở Lĩnh Nam ký âm thành Triệu Mạt, trong khi tại Trung Nguyên các sử quan viết thành Triệu Hồ. Nguyên tắc ký âm ấy, là những mầm mống quan trọng đầu tiên để hình thành hệ thống sử dụng Hán tự xây dựng chữ viết vùng Lĩnh Nam, trong đó chữ Nôm Việt Nam là một nhánh lớn đáng ghi nhận. Đặc biệt, Mạt trong chữ Nôm ngày nay, người Việt Nam vẫn đang đọc là Mắt. Tham khảo thêm chữ Nôm cổ của người Choang ở Quảng Tây, ta thấy họ đọc từ Mạt trong Triệu Mạt là [bo:t]. Rất gần với Bột trong Bột Mạt và Phù Bột Mạt. Xin lưu ý, dân tộc Choang Quảng Tây có những nhánh lưu trú lâu đời tại Việt Nam và hiện được định danh là Tày/Nùng. Quyển “Kiến Văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn đã dẫn tư liệu của sứ nhà Nguyên chép rằng thời Trần người Đại Việt gọi trời là Bột Mạt, mặt trời là Phù Bột Mạt. Như vậy có không khả năng Bột Mạt là trùng ngữ do sự cộng sinh giữa hai ngôn ngữ khác nhau? Nghĩa là Bột Mạt = Bột = Mạt = Trời. Nó tương tự như Chia Ly = Chia = Ly. Nếu nghiên cứu sâu sắc theo chiều hướng trên, có rất nhiều khả năng giải nghĩa chữ Mạt trong từ Triệu Mạt ý chỉ trời, ngôi vị thượng tôn của nước Việt cổ, mà biểu trưng rõ ràng nhất là hình ảnh ở giữa trống đồng Đông Sơn. Chúng tôi hy vọng bài báo nhỏ này sẽ khơi gợi một chủ đề lý thú cho các chuyên gia khảo cổ và ngôn ngữ chuyên nghiệp ở Việt Nam. Trong góc nhìn nghiệp dư và rất cảm tính của mình, chúng tôi thấy chữ Mạt có cơ hội trở thành chữ Nôm đầu tiên còn chứng tích của dân tộc Việt Nam hiện đại. Ngoài ra lăng mộ Triệu Mạt đã trở thành một viện bảo tàng lớn tại Hoa Nam. Nó còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lịch sử có liên quan hữu cơ đến quá trình hình thành quốc gia Việt Nam xưa kia. Chẳng hạn những bó mũi tên đồng giống y hệt loại tên đã đào được ở vùng Cổ Loa, một chiếc thạp Đông Sơn với hình thuyền đặc trưng… Ảnh . Kho đồ tùy táng lúc mới mở huyệt mộ. Nhìn rõ chiếc thạp Đông Sơn. Chiếc thạp này có lẽ từng có nắp nhưng đã bị mục nát. Ảnh chụp từ sách Nam Việt Quốc Sử, tác giả Trương Vinh Phương GS ĐH Trung Sơn, Quảng Đông nhân dân xuất bản xã, 1995. Thảo Điền 2.2009, nguồn: vannghesongcuulong.org3 likes
-
Người lái đò phá thế cờ cứu nguy cho quan huyện 02/03/2010 07:01:34 - Trong ván tỷ thí quan huyện nhận thua khi chỉ còn duy nhất một con xe, trong khi đối phương còn đủ 16 quân. Nhưng vì cuộc sống của người dân huyện lỵ, người lái đò từng bước phá vỡ thế cờ, giúp huyện lỵ tránh khỏi một cam kết sai lầm. Xuân năm ấy chúng tôi về dự hội cờ ở Vân Chung, nghe nói năm nay nhiều cao thủ các nơi về dự hội cờ, nên người đi hội đông lắm. Qua bến đò Vạn, thấy người lái đò còn trẻ, vừa chèo vừa vui vẻ kể chuyện những trận cờ hay nhất. Cách đây mấy trăm năm, vùng này tuy chưa sầm uất như bây giờ nhưng cũng là nơi trên bến dưới thuyền, đông vui tấp nập. Huyện lệnh cũ đã già, trên bèn bổ một huyện lệnh mới. Ông này trạc tứ tuần ưa hát chèo và đánh cờ nên trong dinh thự thường có khách vãng lai. Trong đám khách có một nhóm người lạ từ nơi khác tới. Họ luôn quà cáp, tâng bốc quan huyện, nhưng điều làm cho quan huyện thích nhất là trong nhóm này có một tay cờ giỏi. Năm ấy, cũng vào dịp xuân, quan huyện tham gia đánh cờ và đạt quán quân, tất thảy mọi người đều chúc mừng, nhóm người kia mừng ông một cái khánh vàng và tâng bốc huyện lệnh tận mây xanh. Trong tiệc rượu say sưa hứng khởi, huyện lệnh lên tiếng thách đố ai đánh nổi mình. Nhóm người kia đề nghị làm cam kết, nếu huyện lệnh thắng họ sẽ mất 100 lượng vàng, còn nếu huyện lệnh thua sẽ phải nhường cho họ bãi đất ven sông và cho họ được độc quyền mua bán muối. Nghĩ trăm lạng vàng là cả một gia tài, còn đất ven sông có đáng là bao, muối thì ai bán chả được nên huyện lệnh đồng ý ký cam kết. Để thực sự khách quan, không có cờ ngoài bài trong, hai người sẽ đấu ván cờ trên một chiếc thuyền ở giữa sông. Trên thuyền chỉ có hai đấu thủ và người lái đò. Bài phá thế cờ bị vây hãm tứ phía để chuyển thành hoà Chả ai lái đò thạo bằng ông Vạn chuyên chở đò ở bến sông, huyện lệnh bèn sai ông chuẩn bị chiếc thuyền thật tốt, đủ tiện nghi cho cuộc tỷ thí. Hôm sau, thuyền được chèo ra giữa sông, trên thuyền trầm hương thơm ngát, trà sen pha sẵn, chuẩn bị cuộc tỉ thí. Huyện lệnh vừa đoạt giải nên còn hưng phấn lắm, đối thủ thì chỉ tủm tỉm cười ruồi. Hai bên chơi thong thả, vừa chơi vừa thưởng thức trà và bánh. Được nửa canh giờ thì huyện lệnh chợt nhận ra đối thủ của mình lần này chơi rất sắt máu, mà lực cờ rõ ràng không tầm thường như lần trước, bèn nhanh chóng thu quân về để chống đỡ. Người lái đò giữ cho đò trôi thật êm ả, rồi cũng ghé mắt nhìn vào bàn cờ, chợt giật mình. Sang một canh giờ cán cân đã nghiêng hẳn về phía khách. Bên kia còn đủ 16 quân, bên huyện lệnh chỉ còn độc nhất một quân xe (xem hình 1). Đến đây khách cười nhã nhặn: Quan ngài thua rồi! Huyện lệnh nhìn bàn cờ một lần nữa rồi gật đầu. Chợt nghe một tiếng nói dõng dạc: Chắc gì đã thua! Cả hai nhìn lên thì đó là tiếng người lái đò. Khách cười ngạo nghễ: Ra mi cũng biết chơi cờ ư, ta thách mi giữ được đấy! Người lái đò lễ phép thưa với huyện lệnh: Thực tình con đâu dám đường đột xen vào cuộc tỉ thí của quan lớn, nhưng vì chuyện này ảnh hưởng tới đất đai, đời sống làm ăn của cả nghìn hộ trong huyện. Huyện lệnh ngạc nhiên: Ra ngươi cũng biết nhiều chuyện nhỉ, nói ta nghe nào. Người khách đã biết câu chuyện chuyển sang hướng khác, cơ mưu bị bại lộ, lập tức thay đổi ngay thái độ, y đứng phắt dậy, rút con dao dài giấu trong người ra, lao đến chỗ người lái đò. Nhận ra người khách có ý hãm hại mình, người lái đò bèn nhảy lui phắt lại một bước đạp mạnh vào mạn thuyền. Con thuyền chao mạnh, làm người khách đang đà lao tới chới với, đổ vật sang một bên, con dao trong tay văng xuống sông. Người lái đò cười ha hả: "đây là sông nước của xứ ta, người quên mất à? Ta còn lạ gì bụng dạ của ngươi, nếu ngươi còn giở trò thì ta sẽ cho ngươi xuống thăm hà bá đấy!". Huyện lệnh hét lên: Không được vô lễ! Có gì phải quấy nói ta nghe trước đã! - Bẩm huyện lệnh, bọn người này mấy năm nay tung hoành trên đất ta, khôn khéo khống chế nhiều ngành nghề của ta. Muối là vật phẩm thiết yếu, xứ ta không có, không làm ra được, triều đình đã ban chỉ dụ nhắc phải chọn người tin cẩn để quản lý mặt hàng này. Còn như đất ven sông, ai cũng biết là đang bồi rất mạnh, mỗi năm thêm được cả mấy chục mẫu, chục năm là cả trăm mẫu. Con lái đò trên sông nghe người qua kẻ lại bàn tán xôn xao, xin huyện lệnh cẩn trọng. Huyện lệnh ngớ ra, rồi chợt bảo: - Nhưng ta ký cam kết mất rồi! - Nhưng mà ngài đã thua cờ đâu! - Ta nghĩ chẳng còn cách gỡ nào cả. Người lái đò bước tới bên bàn cờ: - Xin quan ngài xem đây! Từng bước từng bước một, người lái đò phá vỡ thế vây hãm hung hãn của đối phương, rốt cuộc đưa được về thế cờ hoà. Sau sự kiện ấy, huyện lệnh về rà soát lại, biết mình bị hớ nhiều chỗ, bèn chấn chỉnh lại. Nhóm người kia thấy động bèn lần lượt đánh bài chuồn. Huyện lệnh mời người lái đò về làm tùng sự của mình. Người lái đò từ chối. 5 năm sau, trong huyện lại xảy ra việc lớn, huyện lệnh lại vấn kế người lái đò, nhờ đó mà giải quyết được. Lần này, huyện lệnh nhất quyết mời người lái đò về làm tư vấn trong dinh. Người lái đò đành phải vâng lời. Tuy chỉ là một chức quan nhỏ, nhưng ông Vạn làm được nhiều việc lớn giúp dân. Con cháu ông cũng đỗ đạt thành công cả. Đánh cờ người Năm Sửu ông mất, một giáp sau ông được dân tôn là Thành hoàng làng, lập miếu thờ. Nhưng trong họ ông, bao giờ cũng cử một người làm tiếp nghề lái đò. Bến ấy được gọi là bến Vạn cho đến tận bây giờ. Tôi đã đến đình làng, xin phép các bô lão cho chép lại thế cờ ấy (xem lời giải và hình 2). Đây là bài phá thế cờ bị vây hãm tứ phía để chuyển thành hoà, xin tặng các kỳ hữu gần xa nhân những cuộc cờ vui vẻ đầu xuân. Võ Tấn ( Liên đoàn cờ Việt Nam)2 likes
-
2 likes
-
Từ chữ "Phụ" đi tìm nguồn gốc chữ tượng hình. Nguyễn Thiếu Dũng Phụ là cha.Phụ là âm đọc theo tiếng Hán Việt. 1-Phụ là cha,như phụ mẫu : cha mẹ,phụ thân:cha ruột,dưỡng phụ :cha nuôi 2-Phụ chỉ những bậc lớn hơn cha,hoặc ngang hàng với cha như tổ phụ:ông,bá phụ :bác,thúc phụ : chú ,hoặc là tôn xưng người có danh giá:Thượng phụ chỉ Lã Vọng Khương Thái công,Ni Phụ chỉ Khổng Tử,Á phụ chỉ Phạm Tăng. 3-Phụ còn có âm là phủ,tiếng gọi tôn các người có tuổi như Ngư phủ :ông già đánh cá. Như vậy Phụ có thể đọc là phụ vừa có thể đọc là phủ. Đường vận đọc là phù vũ thiết = phủ, Tập vận hay Vận hội cũng đọc là phụng phủ thiết = phủ. Phụ có hai nghĩa, một nghĩa thân thích: cha, ông, một nghĩa tôn xưng: thượng phụ. Phụ cũng có hai âm đọc: phụ và phủ. Ta có thể tìm thấy nghĩa nguyên phát của chữ phụ trong Kim Văn tức Chung Đỉnh văn, là loại chữ được khắc trên chuông đồng hay vạc đồng ở các đời Thương Chu. Nghĩa của chữ phụ, Hán Điển giải thích: “指 事。甲骨文字形,象右手持棒之形。 意思是:手里举着棍棒教子女守规矩的人是家长,即父亲” (chỉ sự,hình tượng chữ trên Giáp Cốt văn, có tượng tay nắm cây roi,ý nghĩa: người tay nắm roi dạy con cái tuân thủ quy định về bổn phận làm người là gia trưởng tức là cha đẻ) Giảng nghĩa như vậy là mặc nhiên xác nhận chữ phụ mới được hình thành khi con người đã tiến đến thời đại văn minh lễ giáo. Lý giải này khó chấp nhận vì từ thời mông muội đến thời văn minh, con người trải qua thời gian rất dài có thể tính nhanh lắm cũng từ 3 đến 4 con số năm, không lẽ trong quảng thời gian dài đó người sinh ra con chưa được định danh! Thơ Lục Nga (Tiểu Nhã) trong Kinh Thi nói là: ”Phụ hề sinh ngã. Mẫu hề cúc ngã” (cha sinh ra ta, mẹ nuôi dưỡng ta). Người Việt ta cũng đồng một ý khi nói “cha sinh mẹ dưỡng”. Đây là cách nói theo văn hóa phồn thực,vào buổi ban đầu của nhân loại khi chuyện phối giống để sinh tồn được coi là việc trọng đại thiêng liêng, con người ngưỡng mộ và thờ phụng sinh thực khí, thì cha phải mang ý niệm là người sinh, người tạo giống, người phối giống , khi phôi đã tạo, thai đã thành thì mẹ là người nuôi nấng phôi thai đó. Vì vậy cha chính là người đã làm chuyện ấy để tạo sinh, chứ không phải ban đầu đã có ý niệm cha là người giáo huấn. Phụ Phụ Phụ Phụ (http://www.chineseetymology.org/CharacterImages/Bronze) Với hình vẽ diễn ý như thế này không thể cho đây là người đang cầm roi để giáo huấn, cái khe đen đó rõ ràng là sinh thực khí của người mẹ, cái roi không thể có hình tượng như vậy. Phần bên phải là hình ảnh người cha đang quỳ trước mẹ để thực hiện hành vi tính giao. Cha chính là người tạo sinh,người làm chuyện ấy để gieo mầm,mẹ là người hoài thai,nuôi nấng bào thai. Biến thể của chữ Phụ: (theo Hán Điển - zdic.net) Thuyết văn giải tự cho chữ mẫu là hình tượng người mẹ hoài thai. Như vậy chữ tượng hình đã diễn đạt được ý cha sinh mẹ dưỡng. Đến đây có một vấn đề cần đặt ra là tại sao ở Trung Quốc chữ Phụ chỉ có nghĩa là cha như phụ thân hay tôn xưng là ông như Ngư phủ và chỉ thừa nhận nghĩa Cha là người cầm roi dạy dỗ con cái, nghĩa là chỉ nhận nghĩa thứ phát chứ không nhận nghĩa nguyên phát, cha là người tạo sinh nghĩa là người có hành vi giao phối như hình tượng đã vẽ trên Giáp cốt hay Chung đỉnh? Kính xin các bậc cao minh chỉ giáo! Đó là phần tiếng Hoa, bây giờ ta thử quay sang tiếng Việt. Ta đã biết tiếng Hoa, Phụ là cha còn đọc là phủ. Âm phủ trong tiếng Việt có hai nghĩa: 1- che phủ: như trong các câu ca dao: - Chiều chiều mây phủ Hải Vân, Chim kêu gành đá gẩm thân thêm buồn. - Chiều chiều mây phủ Sơn Chà, Lòng ta thương bạn nước mắt và lộn cơm. - Chiều chiều mây phủ Sơn Chà, Sấm rèn non nước trời đà chuyển mưa. - Nhiểu điều phủ lấy gia gương,Người trong một nước phải thương nhau cùng. Chữ phủ này làm sáng nghĩa thứ hai của chữ phủ. 2- phủ chỉ hành vi tính giao. Ví dụ: -“ Nùng Trí Cao (Cổ tích Thái) Ngày xưa, dưới triều Lý Thái Tông (1028-1057) trong bộ tộc Thái ở vùng biên giới thượng du miền Bắc, có Nùng Tôn Phúc, tù trưởng châu Đằng Gio ở giữa Cao Bằng và Lạng Sơn, nổi lên chiếm các hạt chung quanh, tự xưng là Hoàng Đế Trường Sanh (1039), không chịu thần phục nhà Lý. Vua Lý Thái Tông phái quân đi dẹp, bắt được Nùng Tôn Phúc và con trai là Nùng Trí Tông cùng năm tùy tướng giải về kinh đô Thăng Long trị tội. Vợ Nùng Tôn Phúc cùng con trai là Nùng Trí Cao chạy thoát được, đến lẩn tránh ở một nhà người cậu của Trí Cao. Tục truyền rằng một hôm Trí Cao đang chăn ngựa trên núi, bỗng thấy một vầng mây đen chở một con rồng đến phủ lên một con ngựa cái trong bầy ngựa đang ăn cỏ. Đến khi ngựa con do rồng phủ sinh ra, Trí Cao bắt cỡi, thấy nó sức lực phi thường, vượt núi như bay. Được con thần mã, Trí Cao bèn nối chí cha, liên kết các châu thượng du lại, tự xưng là Hoàng Đế Đại Lịch. Bị quân triều đình đánh bại, không nỡ diệt tuyệt họ Nùng, tha cho Trí Cao về, và phủ dụ bổ cho làm tri châu cai quản ba châu Quảng Uyên, Thượng Lang và Hà Lang, cùng phong cho chức Thái Bảo” (http://quehuongonline.vn/VietNam/Home/Goc-...07/09/2A4290FB/) Nghĩa thứ hai của chữ phủ chỉ hành vi tính giao trong tiếng Việt lại phù hợp với ý niệm mà chữ phụ trên Chung Đỉnh văn muốn minh họa, trong khi đó tiếng Hoa lại không có nghĩa này, nói cách khác là nghĩa và hình tiếng Hoa không ăn khớp với nhau. Mặc dầu chữ Phụ đã được biến thể qua nhiều giai đoạn: Giáp cốt văn, Kim văn, Tiểu triện, Khải thư nhưng ý niệm mà nó muốn minh họa vẫn được duy trì. Hãy hình dung chữ bát trên chữ phụ ở dạng khải thư là hình ảnh đôi chân người đàn bà dang rộng ra, và hai nét chéo giao nhau ở phần dưới chữ phụ là hình ảnh hai tay, hai chân người đàn ông, người đó đã dùng hai tay banh rộng háng của người đàn bà để thực hiện hành vi tính giao, người thực hiện hành vi tính giao đó để gieo mầm sự sống cho một sinh linh mới sẽ được gọi là cha (phụ, phủ). Phụ là phủ = phụ sinh Đến đây tôi xin nhường lại kết luận cho các bậc cao minh giải đáp. Làm sao mà tiếng Việt (qua chữ phụ) lại phù hợp với chữ tượng hình trên Giáp Cốt văn, Kim Văn, Tiểu Triện, Khải thư, trong khi tiếng Hoa lại bỏ mất nghĩa ban đầu. Tiếng Việt là tiếng có đủ 6 thanh. Vậy thì tiếng nào chịu ảnh hưởng của tiếng nào? Tiếng nào là gốc?1 like
-
Tiểu Vũ trụ Người xưa, đã nhận thức rằng: "Con người là tiểu Vũ trụ". Người được hình thành do bởi khí tụ âm dương trong Trời - Đất. Vật sinh ra do khí tụ lại, vật hình thành cái lý sinh, đó được gọi là hình thể. Đạo sinh nhất - nhất tức là Khí vậy, Khí tụ lại thành hình thể - tự bản - tự căn - có thể được mà không thể nào thấy được. Cái thuận là động vậy. Cái chính là gốc của sự vật vậy. Cực mà phản, thịnh mà suy. Ngửa xem cúi xét, mà thấy được thuận chính và nghịch phản của Trời Đất. Cái Tôi - tiểu Vũ trụ là gì vậy !!!1 like
-
1 like
-
Cảm ơn vietgo đã chú giải cho thamlang. Nếu được như vậy thì quả thực là may mắn. Thamlang muốn thắc mắc một vài điều, mong được giúp đỡ: - Ngoài những điều trên thì khó khăn hay điều xấu mà thamlang có thể gặp là gì? - Thamlang đang băn khoăn giữa việc lập nghiệp tại hà nội và về nơi phụ mẫu công tác. Ở đâu thì sẽ tốt hơn ( xa quê gốc, hiện thân phụ thamlang đã mất, chỉ còn thân mẫu vẫn đang công tác.) - Về mẫu thân và em thamlang có tốt không ạ? - Có thể biết hình dáng, tính cách rõ hơn của vợ sau này ra sao không ? - Hì, hiện thamlang hơi gầy, không biết sau này có béo lên chút nào không ạ? Ban lap nghiep o dau cung tot thoi tai thoi diem nay tinh ban hoi cuong truc nen trong quan he xa hoi ko duoc uyen chuyen va hay bi noi xau, thi phi. nen chu trong den quan he va doi xu mem mai voi moi nguoi se tot hon. cau dang o thoi van dep nhung chua phat duoc do cung menh co Triet. ngoai 30 se ngon han len ngay. cau nen chu y den suc khoe, dac biet la mat va rang ,dang bi can hoac mat kem dung ko, lam viec phai nghi ngoi ko cau hay bi stress lam. cuung phu mau kem nen mat mot nguoi la dung roi. thoi tap trung lo cho me di. Cau xo mat nguoi anh chi em nao ko? neu chua thi phai xem them la so cua em hay chi cau vi cung huynh de cung xau. vo cau dep, da trang hong hao, mat dep, nguoi don hau, biet dieu va vuong phu ich tu tuy nhien hoi ly luan mot ti nen vo chong hay tranh luan cau se gay mai the, beo len ko dang ke thong cam toi viet tren dien thoai nen ko co dau1 like
-
Hòa thượng Cua Thuở trước ở miền Bắc nước ta, có một chú bé mồ côi cha sống với mẹ tại một miền quê hẻo lánh nọ. Năm chú bé được 12 tuổi, bà mẹ vẫn còn buôn bán tảo tần nuôi con. Một hôm, trước khi mang hàng ra chợ bán, bà mẹ trao cho con một giỏ cua đồng, bảo giã ra nấu canh làm cơm trưa. Chú bé y lời mẹ dặn mang giỏ cua ra làm. Bất ngờ, vừa giáng chày đập con cua đầu tiên, thấy con vật quýnh quáng, quờ quạng tay chân tìm đường sống, chú bé chợt động lòng bi mẫn, không nỡ tiếp tục, liền đem giỏ cua ra trút xuống ruộng. Tan chợ, bà mẹ mang hàng về. Nhìn mâm cơm đạm bạc, bà ngạc nhiên hỏi: - Thế, món canh cua đâu? Chú bé ấp úng: - Khi sáng con mang cua ra làm, thấy chúng nó khóc, con thương quá, nên. . . thả hết rồi mẹ ạ! Vừa đói, vừa giận, bà mẹ vơ lấy cây đũa bếp, gõ cho con một cái, chú bé hoảng sợ co giò chạy ra kỏi nhà. Chú đi, đi mãi và xa mẹ từ đó. Ba muơi năm đã qua, Bà mẹ đã già nua, vẫn bán hàng từng buổi chợ để mưu sinh. Một hôm đang buổi chợ, bà gặp một vị Tăng trung niên, ghé qua hàng hỏi thăm qua gia thế và đề nghị giúp đỡ bà bằng cách đem về chùa nuôi dưỡng. Bà cụ nhận lời và vào chùa làm công quả từ dạo đó. Ngày tháng dần qua, đã đến lúc bà cụ từ giã cõi đời. Hòa thượng trụ trì, tức vị Tăng đã đề nghị mang bà vào chùa dạo trước, có việc phải đi bố giáo phương xa. Trước khi đi, Ngài dặn các môn đệ rằng nếu bà cụ mất thì chư Tăng cứ tẩn liệm nhưng đừng mai táng mà phải đợi Ngài về. Mọi người đều y lời. Bà lão mất được một hôm thì Hòa thượng trở về. Ðứng trước quan tài mẹ Hòa thượng thắp hương khấn vái rằng: Trong kinh Phật có dạy, một người con tu hành đạt đạo, cha mẹ sẽ được sinh thiên. Nếu lời nói ấ y không ngoa thì xin cho chiếc quan tài này bay bổng lên và vỡ làm ba mảnh. Hòa thượng vừa dứt lời, chiếc quan tài đựng thân xác bà cụ từ từ bay lên, bỗng hạ xuống vỡ làm ba mảnh. Trước sự kinh ngạc của toàn thể hội chúng, Hoà thượng bèn thuật lại thân thế của mình, chẳng ai đâu xa lạ mà chính là chú bé thả cua dạo nọ. Từ đó, người ta gọi Ngài là Hòa Thượng Cua, và cũng theo lời người ta kể ba mảnh vỡ của chiếc quan tài hiện vẫn còn tồi tại ở một ngôi chùa Bắc Việt để mọi người ghi nhớ câu chuyện lạ lùng và cảm động về Hoà Thượng Cua và vị thân mẫu sinh ra Ngài. “Tu một thuở cứu thân vĩnh kiếp Ðộ mình còn cứu vớt Mẹ Cha Thuyền to một chiếc sắm ra Tất nhiên chở hết cả nhà xuống đi”. Trích: TRUYỆN CỔ PHẬT GIÁO Thích Minh Chiếu Sưu Tập Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh Ấn Hành 19941 like
-
Art ah. Tôi chỉnh lại cái hình này để đưa ra trang chủ. Hình của Thiên Luân bị mơ. Tuy nhiên, trong bài viết cần giữa lại hình của Thiên Luân. Tôi bố cục như sau: ĐỒ HÌNH ÂM DƯƠNG VIỆT Ở HỘI QUÁN PHÚC KIẾN - HỘI AN Thiên Luân Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông phương Vài nét về Hội quán Phúc KiếnHội Quán Phúc Kiến do nhóm người Phúc Kiến (Trung Quốc) đến Hội An sinh sống tạo dựng vào năm 1759. Đây là nơi thờ thần, Tiền hiền và hội họp đồng hương của những người Phúc Kiến. Đến tham quan, du khách sẽ chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc độc đáo, tráng lệ, được chạm trổ tinh xảo. Hội quán có kiến trúc kiểu chữ “Tam” theo các trật tự: cổng – sân – hồ nước – cây cảnh – hai dãy nhà đông và tây – chính diện – sân sau – và hậu điện. Chính điện thờ Thiên hậu Thánh Mẫu, Quan Thế Âm Bồ Tát, Thần Tài, 3 bà Chúa sanh thai và 12 bà mụ. Tương truyền, tiền thân của Hội quán là một gian miếu nhỏ thờ pho tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu (bà chúa phù hộ cho thương nhân vượt sóng gió đại dương) vớt được tại bờ biển Hội An vào năm 1697. Qua nhiều lần trùng tu, với sự đóng góp chủ yếu của Hoa kiều bang Phúc Kiến, hội quán càng trở nên rực rỡ, khang trang góp phần tô điểm diện mạo kiến trúc đô thị cổ Hội An. Thông qua cách bài trí thờ phụng các hình nhân: 6 vị tiền hiền (lục tánh), bà mụ, thần tài … hội quán thể hiện sâu sắc triết lý Á Đông về hạnh phúc con người. Hàng năm, vào các ngày Nguyên Tiêu (15 tháng Giêng âm lịch), Vía Lục Tánh (16 tháng 2 âm lịch), vía Thiên Hậu (23 tháng 3 âm lịch) … tại hội quán Phúc Kiến diễn ra nhiều hoạt động lễ hội thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham gia. Như vậy Hội quán được xây từ thế kỉ 17 nhưng vẫn sử dụng biểu tượng âm dương Lạc Việt, chứng tỏ rằng trong dân gian vẫn còn lưu giữ những bí ẩn của văn minh Việt Cổ và khi người Phúc Kiến - nam Dương Tử sang Hội An sinh sống đã mang theo thể hiện qua hình âm dương Lạc Việt tại Hội Quán, trung tâm Văn Hóa của họ. Theo 1 số người bạn của TL là du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc, sau khi đi thăm Phúc Kiến, họ rất ngạc nhiên vì một bộ phận người Phúc Kiến ở đất TQ hiện nay có thói quen ăn nước mắm, xây nhà giống người Việt, thậm chí một số người cao tuổi ăn trầu! Những chi tiết này có thể không mới nhưng ít ra nó cũng góp phần cho tính hợp lý và logic với công trình của Sư Phụ cũng như một số các nhà nghiên cứu tâm huyết chứng minh sự tồn tại 5000 năm Văn Hiến của nước Việt. Một số hình ảnh về hội quán Phúc Kiến Cổng chính Cổng bên trong Reduced: 95% of original size [ 670 x 426 ] - Click to view full image Sảnh Reduced: 80% of original size [ 800 x 600 ] - Click to view full image Điện thờ chính, 2 vòng trong trắng là vị trí của 2 hình Âm Dương Lạc Việt Reduced: 95% of original size [ 670 x 426 ] - Click to view full image Reduced: 80% of original size [ 800 x 600 ] - Click to view full image Reduced: 80% of original size [ 800 x 600 ] - Click to view full image --------------------------------------- Art chính lại kích cở hình cho thống nhất.1 like
-
Đổi Tên đăng Nhập
Lương Cơ liked a post in a topic by Lưu Hà
Bạn có thể vào Bảng đièu khiển để tự đổi nick của m. Lưu ý là nick mới phải active ít nhất là 1 tháng Chúc bạn vui1 like -
12 con giáp gốc Việt GiadinhNet - Xưa nay nhiều người vẫn lầm tưởng rằng 12 con giáp có xuất xứ từ Trung Hoa. Tuy nhiên, mới đây, trong một công trình nghiên cứu về ngôn ngữ Việt cổ - nhà nghiên cứu ngôn ngữ học Nguyễn Cung Thông phát hiện ra nguồn gốc 12 con giáp có xuất xứ từ Việt Nam. Ngôn ngữ là “lá bùa” tổ tiên để lại Theo văn hóa Phương Đông, lịch được xác lập theo chu kỳ thay đổi đều đặn của Mặt trăng. Do đó 12 con giáp ứng với 12 giờ trong ngày, 12 tháng trong năm, 12 năm trong một giáp – đó là những nền tảng quan trọng để tính lịch và là dấu hiệu để nhận đoán về số mệnh của từng người theo cung Hoàng Đạo. Trong lịch sử, Việt Nam và Trung Hoa có một thời kỳ giao lưu văn hoá ít nhất 2000 năm. Những đợt giao lưu văn hóa cứ tiếp biến và chồng chất lên nhau khiến cho dấu hiệu nhận biết nét riêng của từng dân tộc rất khó khăn. Thêm vào đó, các tài liệu xưa không còn nhiều, nếu còn cũng chỉ trong kho thư tịch Hán cổ khiến cho việc nghiên cứu hết sức rắc rối và phức tạp. Chính điều này đã đốc thúc nhà nghiên cứu ngôn ngữ Nguyễn Cung Thông cố công đi tìm cho bằng được những bí ẩn ngôn ngữ của tổ tiên mà theo ông đó là những “lá bùa” con cháu cần tìm lời giải. 12 con giáp Việt trong cung Hoàng Đạo Ông Thông cho biết, ông bắt đầu việc nghiên cứu tiếng Việt của mình vào những năm đầu thập niên 1970 tại nước Australia. Trong một lần nghiên cứu về nguồn gốc 12 con giáp để lần tìm cội nguồn tiếng Việt ông đã phát hiện ra một số từ Việt cổ mà người Việt đã dùng để chỉ về 12 con giáp có nguồn gốc lâu đời trước khi 12 con giáp xuất hiện ở Trung Hoa. Vào những ngày cuối năm con trâu, tại Viện Việt học ở thành phố Westminster (California, Mỹ) ông đã có một buổi thuyết trình những khám phá thú vị của mình với chủ đề “Vết tích của tiếng Việt cổ trong tiếng Hán”. “Tìm hiểu về gốc của tên mười hai con giáp là một cơ hội để ta tìm về cội nguồn tiếng Việt. Tên 12 con giáp là Tý/Tử, Sửu, Dần, Mão/Mẹo, Thìn/Thần, Tỵ, Ngọ, Mùi/Vị, Thân/Khôi, Dậu, Tuất, Hợi. Thoạt nhìn thì thập nhị chi trên có vẻ bắt nguồn từ Trung Quốc vì là những từ Hán Việt, nhưng khi phân tách các tiếng Việt, và thấy có những khác lạ, tôi đem so sánh trong hệ thống ngôn ngữ vay mượn thì sự thật không phải vậy” – ông Thông nói. Theo ông Thông thì tên 12 con giáp nếu đọc theo tiếng Bắc Kinh và bằng cách ghi theo phiên âm (pinyin): zi, chou, yín, măo, chén, sì, wè, wèi, shèn, yòu, xù, hài... hoàn toàn không liên hệ đến cách gọi tên 12 con giáp trong tiếng Trung Quốc hiện nay. Ngay cả khi phục hồi âm Trung Quốc thời Thượng Cổ thì vẫn không tương đồng với các cách gọi tên thú vật thời trước. Như vậy nếu có một dân tộc nào đó dùng tên 12 con thú tương tự như tên 12 con giáp ngày nay thì dân tộc đó phải có liên hệ rất khăng khít với nguồn gốc tên 12 con giáp này. Từ điều này, khởi đầu cho việc nghiên cứu ông đi tìm nguyên do vì sao trong 12 con giáp của Trung Quốc, con Mèo bị thay bởi Thỏ. “Người Trung Quốc dùng thỏ thay cho mèo (biểu tượng của chi Mão/Mẹo) vì trong văn hóa người Trung Quốc thỏ là một loài vật rất quan trọng và thường được ghi bằng chữ tượng hình là Thố, giọng Bắc Kinh, là từ viết bằng bộ nhân không có từ để chỉ mèo. Hầu như chỉ có dân Việt mới dùng mèo cho chi Mão: nguyên âm e hay iê là các dạng cổ hơn của a như kẻ/giả, vẽ/hoạ, xe/xa, khoe/khoa, hè/hạ, chè/trà, keo/giao, beo/báo... Vì thế mà mèo cũng là loài vật hiện diện trong đời sống dân Việt thường xuyên hơn” – ông Thông lý giải. Nhà nghiên cứu Nguyễn Cung Thông và vợ ở Viện Việt học Thời tiền Hán, tiếng Việt không có nhiều thanh điệu như bây giờ, nên sự khác biệt về thanh điệu không có gì lạ. Trong khẩu ngữ người Việt có cách dùng “chờ một tý” hay “chờ một chút”, “đưa chút tiền”, “đưa tý tiền”... vào thời tiền Hán, các câu trên đọc như giọng Huế (ít thanh điệu hơn so với giọng Hà Nội) thì thấy chút hay chụt/chuột chính là các cách đọc của Tý sau này. Vì sao Việt Nam không giữ được “thương hiệu”? Thực tế, đã từng có nhiều công trình của nhiều tác giả cố gắng chứng minh văn hóa Trung Quốc có xuất phát từ văn hóa Việt Nam như tác giả Lê Mạnh Mát qua cuốn “Lịch sử âm nhạc Việt Nam - từ thời Hùng Vương đến thời kỳ Lý Nam Ðế” hay tác giả Nguyễn Thiếu Dũng với cuốn “Nguồn gốc Kinh Dịch”... Hầu hết các cuốn sách này đều cho thấy chiều vay mượn văn hóa là từ phương Nam vào thời thượng cổ, chứ không phải là từ Bắc xuống Nam (cũng như các nước chung quanh) vào các đời Hán, Ðường lúc văn hoá Trung Quốc cực thịnh. Tuy nhiên không tác giả nào đề cập đến nguồn gốc tên 12 con giáp, và rất ít dùng cấu trúc của chữ Hán, Hán cổ cùng các biến âm trong cách lý giải. 12 con giáp cổ. Theo ông Thông, ngoài hai chi Tý/Tử/chuột, Mão/ Mẹo/mèo là dễ nhận thấy nhất thì những chi còn lại khi so sánh trong tương quan ngữ âm, ngữ nghĩa cũng đều cho ra những kết quả khá bất ngờ. Ví dụ với trường hợp của Thân là chi thứ 9 trong bản đồ Hoàng Đạo. Nếu xem cách viết chữ Thân bằng bộ điền với nét giữa dài hơn với cách viết chữ Khôn (một căn bản của Kinh Dịch có từ thời Thượng cổ) thì ta thấy bộ thổ hợp với chữ Thân hài thanh. Đây là liên hệ trực tiếp giữa Thân và Khôn, tuy nhiên tiếng Việt cổ có chữ khọn là con khỉ (người Huế hay người xứ Nghệ hiện nay một số chỗ vẫn còn những câu cửa miệng “tuồng mặt con khọn” để ám chỉ những người vô tích sự, chẳng làm chẳng nên trò trống gì). Thành ra, Thân chính là khỉ, tiếng Việt cổ dù biến âm th-kh rất hiếm gặp trong tiếng Việt ngày nay nhưng nó vẫn còn dấu tích của những từ cặp đôi như: thân- cận- gần, thận- cẩn (thận trọng, cẩn trọng). Tương tự với trường hợp của con Rồng. Xưa nay nhiều người vẫn cho rằng rồng là một con vật tiêu biểu cho vương quyền của phương Bắc và sau đó nó được chọn làm một trong 12 con vật có mặt trong 12 con giáp của cung Hoàng Đạo. Nhưng ít ai biết được rằng rồng thực sự là con vật chủ của người Việt cổ và ngày xưa người Việt đã có những từ ngữ riêng để nói đến rồng hay thìn. Thìn/Thần dấu tích còn lại trong giọng Bắc Kinh hiện nay chỉ còn chén – âm này có thể tương ứng với các âm trần, trầm, thần của Hán Việt. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Cung Thông thì nếu phục hồi âm cổ của Thìn/Thần là tlan (Tiếng Việt cổ - âm r chuyển thành l) và trăn, lươn (âm ts - mất đi), rắn, trình (loài cá giống con lươn), rồng/long (nguyên âm o thay cho a như nôm/nam, vốn/bản...) và khuynh hướng đơn âm hoá để cho ra các dạng từ ghép như tlăn - thằn lằn, tlian - thuồng luồng... cho thấy vết tích của rồng trong các ngôn ngữ phương Nam. Lý giải về nguyên nhân dẫn đến việc bị “lẫn lộn” về nguồn gốc 12 con giáp, ông Thông cho rằng “Với ảnh hưởng quan trọng của nền văn hoá Trung Quốc, từ đời Hán và sau đó là Đường, Tống... với sức ép của giai cấp thống trị từ phương Bắc tên 12 con vật tổ đã từ từ được thay thế bằng hình ảnh con người, mang nặng màu sắc văn hoá Trung Hoa hơn. Từ tính chất cụ thể của các loài vật láng giềng, 12 con giáp đã trở nên trừu tượng và còn ảnh hưởng đến vận mạng con người nữa (bói toán). Tuy nhiên, cái vỏ hào nhoáng của chữ Hán, Hán Việt không thể thay đổi được nền văn hoá bình dân (khẩu ngữ) trong đời sống người Việt” Sự phát hiện mới mẻ này đã chứng minh cho sự phát triển của người Việt xưa trong cách tính lịch và làm nên một nền văn minh lúa nước rực rỡ ở phía Nam Đông Nam Á. Hà Tùng Long - GiadinhNet1 like