Rằm tháng Giêng Canh Dần, Thiên Luân có dịp rong ruổi cùng vài người bạn vào phố cổ Hội An và ghé tham quan Hội Quán Phúc Kiến và tình cờ thấy trong điện thờ chính của hội quán có sử dụng đồ hình Âm Dương không như của TQ bây giờ (có 2 chấm thiếu dương, thiếu âm).
Vài nét về Hội Quán Phúc Kiến
Hội Quán Phúc Kiến do nhóm người Phúc Kiến (Trung Quốc) đến Hội An sinh sống tạo dựng vào năm 1759. Đây là nơi thờ thần, Tiền hiền và hội họp đồng hương của những người Phúc Kiến. Đến tham quan, du khách sẽ chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc độc đáo, tráng lệ, được chạm trổ tinh xảo. Hội quán có kiến trúc kiểu chữ “Tam” theo các trật tự: cổng – sân – hồ nước – cây cảnh – hai dãy nhà đông và tây – chính diện – sân sau – và hậu điện. Chính điện thờ Thiên hậu Thánh Mẫu, Quan Thế Âm Bồ Tát, Thần Tài, 3 bà Chúa sanh thai và 12 bà mụ. Tương truyền, tiền thân của Hội quán là một gian miếu nhỏ thờ pho tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu (bà chúa phù hộ cho thương nhân vượt sóng gió đại dương) vớt được tại bờ biển Hội An vào năm 1697. Qua nhiều lần trùng tu, với sự đóng góp chủ yếu của Hoa kiều bang Phúc Kiến, hội quán càng trở nên rực rỡ, khang trang góp phần tô điểm diện mạo kiến trúc đô thị cổ Hội An. Thông qua cách bài trí thờ phụng các hình nhân: 6 vị tiền hiền (lục tánh), bà mụ, thần tài … hội quán thể hiện sâu sắc triết lý Á Đông về hạnh phúc con người. Hàng năm, vào các ngày Nguyên Tiêu (15 tháng Giêng âm lịch), Vía Lục Tánh (16 tháng 2 âm lịch), vía Thiên Hậu (23 tháng 3 âm lịch) … tại hội quán Phúc Kiến diễn ra nhiều hoạt động lễ hội thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham gia.
Như vậy Hội quán được xây từ thế kỉ 17 nhưng vẫn sử dụng biểu tượng âm dương Lạc Việt, chứng tỏ rằng trong dân gian vẫn còn lưu giữ những bí ẩn của văn minh Việt Cổ và khi người Phúc Kiến - nam Dương Tử sang Hội An sinh sống đã mang theo thể hiện qua hình âm dương Lạc Việt tại Hội Quán, trung tâm Văn Hóa của họ. Theo 1 số người bạn của TL là du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc, sau khi đi thăm Phúc Kiến, họ rất ngạc nhiên vì một bộ phận người Phúc Kiến ở đất TQ hiện nay có thói quen ăn nước mắm, xây nhà giống người Việt, thậm chí một số người cao tuổi ăn trầu!
Những chi tiết này có thể không mới nhưng ít ra nó cũng góp phần cho tính hợp lý và logic với công trình của Sư Phụ cũng như một số các nhà nghiên cứu tâm huyết chứng minh sự tồn tại 5000 năm Văn Hiến của nước Việt.
Một số hình ảnh về hội quán Phúc Kiến
Cổng chính
Cổng bên trong
Sảnh
Điện thờ chính, 2 vòng trong trắng là vị trí của 2 hình Âm Dương Lạc Việt