viethuy

ĐÁM CƯỚI MA

1 bài viết trong chủ đề này

ĐÁM CƯỚI MA

Ở nước ta, bấy lâu nay vẫn ngấm ngầm tồn tại một tập tục mang nặng màu sắc mê tín dị đoan cần sớm dẹp bỏ, đó là tục cưới vợ gả chồng cho người đã chết. Hầu như nơi nào các ông bà đồng cốt, bóng rỗi hoạt động mạnh mẽ là nơi đó có tệ làm đám cưới cho ma.

Posted Image

*Phóng sự: Hồ Xuân Dung

CƯỚI MA TRỊ BỆNH

Chuyện xảy ra đã vài năm nhưng cho đến bây giờ người dân An Ninh Đông, huyện Đức Hòa, Long An vẫn thỉnh thoảng bàn tán về một đám cưới có một không hai diễn ra ở đây. Đám cưới diễn ra như bao nhiều đám cưới khác, cũng có gia đình hai họ, cũng có đãi tiệc bạn bè, cũng có rước dâu, chỉ có điều…đám cưới vắng mặt chú rễ, một mình cô dâu xì xụp lạy than tộc hai gia đình. Khi quan khách hỏi chú rễ, cô dâu e thẹn chỉ tay về phía bức ảnh một thanh niên đặt ngay ngắn trên bàn thờ khói nhang nghi ngút.

Trước đây, hàng xóm thường thấy cô gái tên L., 19 tuổi ấy thường cặp kè trầm quán cà phê và đi rong với T. – một thanh niên lêu lỏng, quậy phá của địa phương. Nhà nghèo nhưng T. không chí thú làm ăn mà chỉ thích tu tập bạn bè xưng danh… “giang hồ”. Một hôm, L. cùng nhóm của T. vào quán nhậu trông thấy bàn bên cạnh có một thanh niên dám ở trần “chưng” hình xăm thần chết cầm lưỡi hái trên ngực. Sau vài ly rượu đế cho “có máu”, để lấy le với cô, T. sai đàn em sang bàn bên “biểu” gã thanh niên kia qua đây “ra mắt đại ca” một ly. Không ngờ gã thanh niên kia không them trả lời mà còn dằn mạnh ly rượu xuống bàn. T. cho đó là hành vi sỹ nhục “danh dự giang hồ” của mình nên cầm dao bước sang “hỏi tội” gã kia. T. chưa kịp vung dao lên thì một mũi dao từ tay gã kia cắm phầm phập vào người. T. chết tại chỗ trước ánh mắt kinh hãi của L. và đồng bọn.

Gã thanh niên kia bị pháp luật trừng trị thích đáng, riêng L. thì thường thức giấc đi lang thang lúc nửa đêm. Ban ngày thì L. cứ ngối một mình lảm nhảm. Mẹ của L. thấy vậy, thay vì đưa con gái đi bệnh viện trị liệu về tâm lý và tâm thần, bà lại nhờ một bà cốt lên đồng. Bà cốt “trục hồn” T. về. Trong vai linh hồn của T. bà cốt bảo, vì nặng tình với L. nên hồn T. vẫn cứ đeo bám hoài. Nếu muốn hết bệnh thì làm đám cưới cho T. và L..

Hôm sau, me của L. và mẹ của T. gặp nhau bàn chuyện làm đám cưới. Hai bà mẹ còn đi nhờ thầy chọn ngày lành tháng tốt để rước dâu. Do hai gia đình làm nhanh gọn nên Chính quyền địa phương không hay biết.

Sau đám cưới, L. không lảm nhảm nữa nhưng chứng bỏ nhà đi lúc nửa đêm vẫn còn. Ai hỏi, L. bảo đi ngủ với T.. Không hiểu hàng đêm L. có ngủ với ma không, nhưng hơn 1 năm sau, L. sinh một đứa con. 1 năm sau, L. mới khai thật với mọi người là suốt thời gian trước, cô không ngủ với người chết mà ngủ với một người còn sống.

Ở Cai Lậy, Tiền Giang thì có một đám cưới ma lặng lẽ hơn nhưng không kém phần ly kỳ.

Hai cha con ông Kh. nhiễm máu mê số đề nặng. Hầu như nghe nơi nào có đám ma trinh nữ là hai cha con lặng lội đến tận mộ xin số. Đầu năm 2007, có một cô gái 16 tuổi ở xóm bên bị tai nạn giao thông chết thảm. Chờ thân nhân cô gái an tang xong, ngay đêm đó, hai cha con cùng vài người cùng hội cùng xuồng ra ngôi mộ xin số. Họ đem theo một con gà trống thiến để làm thủ tục. Sau khi van vái vong hồn cô gái xong, cả bọn chặt ngọt một phát đứt lìa đầu con gà rồi cầm cổ gà ria máu lên mộ. Khi con gà đã cạn máu, mọi người ném xác gà sang một bên, xúm xít lại soi đèn nhìn dấu máu hiện ra con số mấy. U. - con trai ông Kh. đang chổng mông dò tìm từng vệt máu chợt nghe nhột phía dưới chân. U. nhìn xuống thì thấy con gà cụt đầu đang đứng dưới chân mình… múa. U. bước tránh sang một bên, con gà bước theo. U. chạy vòng quan bên kia mộ, con gà chạy theo. Nghĩ là hồn ma cô gái nhập vào xác gà, U. hoảng vía gào thất thanh rồi bỏ chạy. Tất cả mọi người chứng kiến cũng bỏ chạy tán loạn.

Về đến nhà, U. cứ nằm trong phòng trùm mền, bỏ ăn suốt 2 ngày. Người nhà lén quan sát thì thấy U. cứ ôm cái gối hôn chùn chụt. Đến ngày thứ 3, tức ngày mở cửa mả cho cô gái, đột nhiên U. tỉnh queo bước ra khỏi phòng, ăn uống như sắp…chết đói.

Vốn có máu mê tín sẵn trong huyết quản, ông Kh. đi tìm “thầy” bùa nhờ trấm ếm tà ma. Thầy bùa vừa đến, U. nhào ra quơ tay chân uýnh thầy bùa loạn xị. Thầy bùa bó tay vì “con ma này có học phép trên núi Tà Lơn, cao tay ấn quá, thầy trị hông nổi”. Hôm sau, một thầy bùa khác, trẻ măng, trạc tuổi U. tự mò đến nhà xin “thử tay nghề”. Như buồn ngủ gặp chiếu manh, ông Kh. đồng ý. Tuy tuổi trẻ nhưng tài cao, gã thầy bùa vùa gặp U. đã quát dũng mãnh: “Con ma ở núi Tà Lơn kia, có mau sám hối”. U. riu ríu nghe lời gã thầy bùa nhóc con. Thầy bùa và con ma nữ “trú” trong người U. đàm đạo ôn hòa trước sự than phục của gia đình ông Kh.. Nội dung cuộc đàm đạo được tóm tắt như sau: Nếu muốn trúng số đề dài dài thì ông Kh. phải cưới oan hồn cô gái cho U.. Tiền và quà sính lễ gồm 1 đôi bong tai, 1 dây chuyền, cặp nhẫn cưới. Tất cả phải bằng vàng bốn số 9 thật. Quà sính lễ này phải chôn vào góc mộ cô gái 3 ngày rồi lấy lên. Ngoài ra, phải đốt cho cô gái một chiếc Toyota vàng mã để rước dâu.

Nghĩ nhà mình sắp có con dâu ma biết trước kết quả sổ xố, ông Kh. mừng khấp khởi sửa soạn sính lễ. Ngày hôm sau đặt 3 bàn tiệc ở nhà hàng và mời thân tộc, xóm giếng chiêu đãi. Không ai biết ông chiêu đãi nhân dịp gì, chỉ biết ông cười nói rôm rả, còn U. thì cứ cười mỉm chi cọp một mình. Nửa đêm, cha con ông cùng gã thầy pháp lặng lẻ, bí mật ra ngôi một cô gái nộp sính lễ và xin rước… hồn dâu về nhà.

Mọi chuyện diễn ra suôn sẽ. Gã thầy pháp nhận được vài triệu đồng tiền “công đức”, kiếu từ gia chủ rồi biến mất. U. trở nên tỉnh táo vui vẻ bình thường. Chỉ có ông Kh. trở nên trầm uất vì mấy ngày sau, số vàng chôn dưới mộ cô gái biến mất tăm. Mất của kiểu này rất đau vì không dám trình báo với Công an, ông chỉ còn biết thề ăn tươi nuốt sống gã thầy bùa nhóc con nhưng láu cá.

Mấy tháng sau, trong một dịp đi Cần Thơ ông gặp lại gã thầy bùa nhóc đang nhậu lai rai trong một quán cóc với U. – con trai ông. Lúc đó ông mới hiểu vì sao, suốt ngày đám cưới, con trai ông cứ cười mỉm chi cọp.

TẬP TỤC LẠC HẬU

Người dân tộc Khùa sống ở Cha Lo, huyện Minh Hóa, phía Tây tỉnh Quãng Bình thì xem chuyện làm đám cưới cho ma là chuyện hiếu của người sống đối với người chết.

Có thể nói người Khùa sợ… ma nhất thế giới. Họ tin rằng, con người sau khi chết vẫn tiếp tục sống ở một thế giới khác và nếu không được người sống đối xử đàng hoàng, người chết sẽ “quậy”. Người Khùa không có tôn giáo và tín ngưỡng duy nhất của họ là…ma. Họ thờ ma xó trong nhà. Khi có người chết, họ tẩn liệm vội vã, sơ sài vào hòm rồi mang vào cánh rừng chôn ngay sau một giờ đồng hồ. Đối với những người chết oan uổng, an tang gần như ngay lập tức.

Khi mang quan tài vào rừng, họ vội vã đào lỗ, đặt quan tài xuống rồi nhanh chóng lấp đất lại. Có khi do quá sợ ma, họ không kịp lấp đất. Sauk hi cẩu thả chôn cất người chết, tất cả … bỏ chạy bán sống, bán chết về bản. Vừa chạy, họ vừa la thét thất thanh và không dám ngoảnh nhìn lại.

Người Khùa sợ ma, sợ bóng đêm nhưng lại có tục “cướp vợ” vào lúc 3 - 4 giờ sáng. Sau khi cướp vợ được 3 ngày, “tướng cướp” dắt “chiến lợi phẩm” của mình trở về nhà “khổ chủ” xin làm đám cưới lần một. Theo quan niệm của người Khùa, một đời chồng vợ phải làm đám cưới đủ 3 lần. Tuy nhiên, một số cặp vợ chồng gặp cảnh nghèo chỉ làm đám cưới được lần thứ hai ở tuổi hơn 70. Nếu chết trước khi làm đám cưới lần cuối cùng, con trai sẽ đứng ra tổ chức làm đám cưới cho hồn ma. Đám cưới ma cũng hoành tráng không kém đám cưới người sống.

Ở một vùng sâu của tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) cũng có tục cưới vợ cho ma. Người sống gặp nhau bàn bạc làm đám cưới cho hai người chết. Nếu đồng thuận, họ nhà gái sẽ nhận được một khoản tiền khoảng gần 500USD theo thời giá, gọi là tiền cưới. Sau đó, họ nhà trai quật mồ ma nữ đem xác lên phủ vải đỏ. Gia đình hai họ ăn tiệc rình rang rồi quật mồ chú rể đặt xác cô dâu vào chung một quan tài. Chính quyền địa phương đã nghiêm cấm hủ tục này nhưng một số người vẫn lén lút thực hiện.

Ở vùng ĐBSCL, hiện tượng cưới vợ cho ma không phát triễn rầm rộ nhưng nơi nào cũng có. Hầu hết đều lén lút, tránh sự quan sát của Chính quyền địa phương. Những đám cưới ma này không theo bất kỳ một quan niệm tôn giáo nào mà chỉ vì lời xúi bậy của một số ông đồng, bà cốt.

Một đại đức Phật giáo ngại nêu tên nhận xét: “Đối với giáo lý Phật giáo, việc làm đám cưới cho người chết là mê tín, dị đoan”.

Bà Nguyễn Thị T.Th. – cư ngụ ở Châu Thành A, Hậu Giang đã tổ chức một đám cưới cho đứa con trai bị tai nạn giao thông chết, cho biết: “Tôi rất thương con. Hồi nó còn sống cứ đòi cưới con L. - ở cùng xóm hoài nhưng do kỵ năm tuổi với cha nó nên tôi dự định sang năm mới cưới. Sau khi nó chết, tôi cứ nằm mơ thấy nó về đòi cưới vợ nữa. Tôi đem chuyện bàn với mẹ của L. nhưng bả từ chối. Thế là tôi làm một mình”.

Nửa đêm, bà Th. lập đàn, nhờ bà thầy cốt “bắt hồn” cô L. về để “ép gả” cho con trai bà Th.. Không biết dưới cõi âm, con bà Th. có hạnh phúc không, riêng ở cõi trần, bà thầy cốt rất sung sướng với khoản tiền công hơn 5 triệu đồng gồm tiền quần áo vàng mã cho cô dâu, chú rể và chiếc xe hoa. Mới đây, bà cốt tên Mỹ này bị công an một địa phương ở Bạc Liêu tóm cổ. Bà khai đã tổ chức 5 đám cưới ma và hang chục vụ lên đồng, lên cốt ở 5 tỉnh thành khác nhau thu lợi vài chục triệu đồng.

Một số người còn bày chuyện đốt vàng mã hình nữ nhân để gởi “gái” xuống cõi âm làm tỳ thiếp cho người quá cố. Mỗi “gái cõi âm” có giá hơn 5 triệu đồng – Một khoản tiền có thể giúp được một gia đình ở cõi dương xóa được cảnh nghèo.

Theo nhận định của các tu sỹ thuộc nhiều tôn giáo khác nhau, không ai chấp nhận hình thức làm đám cưới cho ma. Bởi vì điều đó không đúng với mọi giáo lý tín ngưỡng. Người đã chết, cho dù có sống ở một thế giới khác cũng không thể chấp nhận kiểu dị đoan này.

PSVN (Theo NXB Công An Nhân Dân)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay