Thích Việt Dịch

Từ Giải Nobel đến “nổ Súng” Vào Kinh Dịch

1 bài viết trong chủ đề này

Mình thấy cái này hay hay. Mời mọi người đọc và thảo luận. :unsure:

Từ giải Nobel đến “nổ súng” vào Kinh Dịch

Posted Image - Hàng năm cứ đến mùa công bố giải Nobel vào đầu tháng 10, dư luận Trung Quốc lại ồn ào tranh cãi những vấn đề hầu như muôn thủa: Vì sao Trung Quốc mãi chưa có giải Nobel? Lỗi tại đâu? Trung Quốc có cần giải Nobel hay không?

Tranh cãi sôi nổi thêm vì tiếp sau năm ngoái, năm nay lại có một người Hoa được tặng giải Nobel Vật lý – ông Cao Côn (Charles Kuen Kao), sinh tại Thượng Hải, từng sống ở HongKong, mang hai quốc tịch Anh và Mỹ.

Như vậy cả thảy đã có 10 người Hoa nhận giải Nobel, nhưng họ đều không mang quốc tịch Trung Quốc (để so sánh: Nhật có 16 người đoạt giải Nobel tuy số dân chỉ bằng 1/10 TQ; Hungary 10 triệu dân có 10 giải Nobel). Rõ ràng người phương Tây vẫn “thống trị” giải Nobel.

Dường như Trung Quốc quá bận tâm tới việc họ có được giải Nobel hay không, thậm chí còn nói giải Nobel là nỗi đau muôn thủa của họ. Trong khi đó người các nước khác, kể cả Việt Nam, lại không như vậy.

Có thể thông cảm với nước lớn phương Bắc rất trọng thể diện này: có nền văn minh lâu đời nhất nhì thế giới, dân chiếm 1/5 nhân loại, 60 năm qua giành được biết bao thành tựu vĩ đại, thế mà mãi vẫn chưa có giải Nobel danh giá – điều này xem ra khó coi quá, e rằng vì thế mà người ta có thể nghĩ gì xấu về Trung Quốc chăng?

Những người châu Âu đầu tiên đến Trung Quốc vào thế kỷ XV phát hiện thấy xứ này rất lạc hậu về khoa học kỹ thuật (KHKT). Từ giữa thế kỷ XIX, sau khi Trung Quốc tiếp xúc quy mô lớn với phương Tây, giới trí thức Trung Quốc cũng bàn cãi nhiều về sự lạc hậu ấy.

Phùng Hữu Lan quy kết đó là do các khiếm khuyết về phương pháp nghiên cứu, tư tưởng triết học, giá trị quan. Vương Tấn đổ lỗi cho sự chuyên chế của chính quyền phong kiến và chuyên chế về học thuật (thí dụ Kinh Dịch và nhiều kinh điển khác được coi là toàn năng, chứa đựng toàn bộ trí thức). Lương Khải Siêu cho là tại chế độ khoa cử dựa vào trình độ giỏi văn bát cổ để chọn người làm quan...

Nhiều học giả nước ngoài cũng quan tâm vấn đề trên. Năm 1953 Einstein nói đại ý Trung Quốc tụt hậu là do nước này không có hai nền tảng của sự phát triển KHKT – hệ thống logic hình thức (formal logical system) và công tác thực nghiệm khoa học nhằm phát hiện quan hệ nhân quả [1]. Bởi vậy Trung Quốc không có khoa học cận đại, chỉ có kỹ thuật nhưng đó cũng chỉ là kỹ thuật kinh nghiệm chứ không phải là KHKT.

Tiếp đó Joseph Needham (1900-1995) một nhà khoa học Anh rất ngưỡng mộ văn minh Trung Quốc chính thức nêu câu hỏi: tại sao văn minh Trung Quốc từng dẫn đầu thế giới một thời gian dài nhưng từ thế kỷ XVI lại tụt sau văn minh phương Tây? Câu hỏi này khiến người Trung Quốc tranh cãi suốt cho tới nay vẫn chưa tìm được giải đáp nhất trí, vì thế họ gọi là Nan đề Needham (Needham’s Grand Question).

Trung Quốc 60 năm qua đã hết sức cố gắng phát triển KHKT, trước hết là KHKT quân sự và thám hiểm vũ trụ, làm được bom hạt nhân, tên lửa, máy bay chiến đấu hiện đại, tàu ngầm nguyên tử ...và là một trong số ít nước thám hiểm vũ trụ, đưa vệ tinh lên tận Mặt Trăng.

Nhưng họ cũng thừa nhận là về KHKT còn kém các nước phát triển một khoảng cách. Tại sao sự lạc hậu ấy lại kéo dài cho tới nay, tuy Trung Quốc không đến nỗi thiếu tiền (nhất thế giới về dự trữ ngoại tệ, và là chủ nợ lớn nhất của Mỹ)? Chắc hẳn phải có những nguyên nhân nằm ở tầng sâu lịch sử, tức khiếm khuyết của nền văn hoá truyền thống.

Năm 2004 nhà khoa học Dương Chấn Ninh [2] trình bày tại Bắc Kinh bản báo cáo Ảnh hưởng của Kinh Dịch đối với văn hóa Trung Quốc, được truyền thông nước này đăng tải dưới tít Dương Chấn Ninh nổ súng vào Kinh Dịch và đã gây phản ứng lớn trong dư luận Trung Quốc.

Họ Dương tóm tắt nội dung những người đi trước đã bàn thảo thành 5 lý lẽ giải thích vì sao khoa học cận đại không nảy sinh ở Trung Quốc: 1) Văn hóa Trung Quốc có truyền thống nhập thế (can dự vào việc thế gian; là quan điểm của Nho giáo) chứ không xuất thế (không tham gia các hoạt động của thế gian; như quan điểm của đạo Phật); tức chỉ chú trọng thực tế mà coi nhẹ cấu trúc lý luận trừu tượng. 2) Chế độ khoa cử (dùng thi cử để tuyển chọn quan chức). 3) Không coi trọng kỹ thuật. 4) Tư duy truyền thống của Trung Quốc không có phương pháp suy diễn. 5) Văn hoá truyền thống Trung Quốc áp dụng quan niệm triết học thiên nhân hợp nhất.

Theo ông, hai lý lẽ sau cùng có liên quan chặt chẽ với Kinh Dịch.

Suy diễn và quy nạp là hai phương pháp tư duy không thể thiếu trong khoa học cận đại. Quy nạp là sự suy lý từ tiền đề cụ thể chuyển tiếp tới kết luận có tính khái quát. Nó có chức năng khái quát tình hình chung và suy đoán kết quả trong tương lai, kết luận của nó đều vượt quá phạm vi của tiền đề.

Ngược lại, suy diễn (hoặc diễn dịch) là sự suy lý từ tiền đề có tính chung chung chuyển tiếp tới kết luận cụ thể; kết luận của nó không vượt quá phạm vi của tiền đề. Quy nạp là tinh thần xuyên suốt Kinh Dịch; bởi thế văn hóa truyền thống Trung Quốc chỉ có phép quy nạp mà không có phép suy diễn, đồng thời cũng không chú ý logic và trình tự thuyết lý, mà đòi hỏi người đọc tự hiểu ra kết luận cuối cùng.

Quan niệm triết học Thiên nhân hợp nhất bắt nguồn từ Kinh Dịch: mỗi quẻ đều bao hàm đạo trời, đạo đất và đạo người; coi quy luật của trời và quy luật của người là một; trong khi đó khoa học cận đại đòi hỏi phải thừa nhận thế gian người có quy luật và các hiện tượng phức tạp riêng, khác với “Trời” (giới tự nhiên); hai chuyện ấy không thể hợp làm một như quan điểm của Kinh Dịch.

Kinh Dịch là kinh điển được Trung Quốc coi là quốc bảo, là Sách Trời, là nguồn gốc nền văn minh Trung Quốc. Nhiều người Hoa cho rằng toàn bộ các khám phá khoa học hiện có và chưa có đều đã được viết sẵn trong Kinh Dịch, chỉ đợi phát hiện; vì thế dựa vào kinh điển này, Trung Quốc sẽ bá chủ thế giới! Thế mà giờ đây Dương Chấn Ninh cho rằng vì tư tưởng và phương pháp của sách ấy hoàn toàn xa lạ với khoa học, nên khoa học cận đại không ra đời tại Trung Quốc.

Ông phát biểu: Có nhiều người Trung Quốc đi đâu cũng nói bừa, hoặc bảo trong Kinh Dịch có hạt giống của khoa học cận đại, hoặc bảo Kinh Dịch dẫn đường cho khoa học phát triển. Những thói mê tín truyền thống có vô vàn mối liên hệ với Kinh Dịch như phong thủy, bói toán, cảm ứng trời người, vu thuật ... trong khi được dựng lên từ đống tro tàn lại còn khoác cái áo khoa học; có người nói đấy là những “khoa học mới”, “khoa học tiềm ẩn”, nói Kinh Dịch là trước tác khoa học đi trước thời gian, chứa nhiều phát kiến khoa học lớn như cơ học lượng tử, thuyết tương đối, lý thuyết máy tính, mật mã di truyền... Có người muốn dùng Kinh Dịch để chỉ đạo nghiên cứu khoa học, để dự báo khí tượng, để đề xuất “mô hình nguyên tử thái cực”, suy ra “hệ mặt trời có 14 đại hành tinh” ...

Quan điểm của Dương Chấn Ninh cũng giống ý kiến của Einstein và một số nhà khoa học Trung Quốc trước đây, nhưng ông đi sâu quy kết vào ảnh hưởng của Kinh Dịch. Dương Chấn Ninh nhấn mạnh ông không hề công kích triết học truyền thống Trung Quốc; ông nói nội hàm của thiên nhân hợp nhất không chỉ có nội ngoại nhất lý (nội: sự việc của đời người; ngoại: sự việc của thiên nhiên; nhất lý: quy nạp hai cái này làm một thể) mà còn có cái quan trọng hơn, là thiên nhân hòa hài (trời người hài hòa), một yếu tố có ảnh hưởng cực kỳ lớn tới tư duy truyền thống và xã hội Trung Quốc, quan trọng hơn cả việc khoa học cận đại không xuất hiện tại Trung Quốc. Nhất là gần đây Đảng Cộng sản Trung Quốc hết sức đề cao xã hội hài hòa, coi là một yếu tố để nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng.

Các nhà Quốc học, Dịch học cho rằng Dương Chấn Ninh đã “nổ súng” vào Kinh Dịch, như vậy ông đã trở thành kẻ “ly kinh phản đạo”. Họ xúm vào phê phán ông, nhưng nhìn chung các phê phán ấy thiếu cơ sở lý luận, chủ yếu chê ông không hiểu Kinh Dịch mà làm ra vẻ hiểu, nói toàn những lời ngoại đạo. Có người moi chuyện ngày xưa ông vào quốc tịch Mỹ, chuyện ông 82 tuổi lấy vợ 28 tuổi để chê ông không yêu nước, không đứng đắn – dù trước đây khi ông về giúp Trung Quốc phát triển KHKT họ hết lời ca ngợi ông là nhà yêu nước, là Einstein của Trung Quốc.

Nhà Dịch học nổi tiếng Lưu Đại Quân nói báo cáo của Dương Chấn Ninh “có rất nhiều sai lầm thường thức” và nêu thí dụ: “Chu Dịch là bộ sách bói toán sớm nhất mà phương pháp bói toán thì dựa vào sự suy diễn, cử nhất phản tam (nêu một suy ra ba), sao có thể nói là không có phương pháp suy diễn? Ngoài ra, Chu Dịch là cuốn sách có giá trị phổ quát toàn thế giới; từ góc độ ấy có thể thấy đây cũng là một sự suy diễn nghĩa rộng.”

Nhưng theo nhà khoa học Phương Châu Tử thì phép suy diễn Dương Chấn Ninh nói là sự suy lý logic, từ một số mệnh đề chung chung đã thành lập mà suy ra các kết luận đặc biệt, thí dụ trong hình học Euclid, từ tiên đề đi tới định lý sau đó đến chứng minh; nó hoàn toàn khác với cách suy diễn của bói toán trong Chu Dịch mà ông Lưu nói. Phương Châu Tử nhận xét: cũng như Einstein, Dương Chấn Ninh coi hệ thống logic hình thức là một trong những suối nguồn của khoa học cận đại và cho rằng Trung Quốc thiếu cái nguồn gốc đó.

Thực tế văn hóa truyền thống Trung Quốc chẳng những thiếu phép suy diễn chặt chẽ hợp logic mà cũng thiếu cả phép quy nạp chặt chẽ hợp logic. Dương Chấn Ninh cho rằng trong Kinh Dịch, cái gọi là phép quy nạp của “thủ tượng bỉ loại (lấy hình so loại)”, “quan vật thủ tượng (xem vật lấy hình)” thực ra là phép loại suy không hợp logic dưới sự chỉ đạo của quan niệm thần bí “thiên nhân hợp nhất”.

Chẳng hạn: “Khô dương sinh hoa, lão phu đắc kỳ nữ thê, vô bất lợi" (cây dương khô héo nhú mầm, ông già lấy cô gái đáng tuổi con làm vợ thì không có gì bất lợi); “Khô dương sinh hoa, lão phụ đắc kỳ sĩ phu, vô cữu vô dự” (cây dương khô héo nhú mầm, bà già lấy chàng trai khỏe mạnh, chẳng có hại cũng chẳng đáng khen).

Giữa các sự việc “khô dương sinh hoa” với “lão phu đắc kỳ nữ thê” hoặc với “lão phụ đắc kỳ sĩ phu”, tức giữa đạo trời với đạo người chỉ có tính tương tự mơ hồ mà không tồn tại mối quan hệ tất nhiên hợp logic; từ đó quy nạp được kết luận “vô bất lợi”, “vô cữu vô dự” lại càng không thể đứng vững. Kiểu “suy diễn” như vậy chẳng qua là sự phản ánh quan niệm xã hội nam tôn nữ ty hoặc có chút lý lẽ về sinh lý, thế nhưng không có liên can gì tới suy lý logic.

Dương Chấn Ninh phản đối cách giới báo chí nói ông “nổ súng” vào Kinh Dịch và thanh minh: 80% nội dung bản báo cáo trên là ca ngợi mặt tích cực, 20% nói về mặt tiêu cực của Kinh Dịch, nhưng thiên hạ lại chỉ nhìn vào 20% ấy. Vì sao Trung Quốc ngày xưa từng đóng góp rất lớn về KHKT, thế mà khoa học cận đại lại không thể nảy mầm ở Trung Quốc?

“Tôi suy nghĩ và nhìn thấy một lý lẽ người khác trước đây ít để ý. Đó là Trung Quốc không có phương pháp suy diễn.” - ông nói. Kể từ Kinh Dịch trở đi, người Trung Quốc đã không còn dùng phương pháp suy diễn nữa; chưa kể phương pháp của Kinh Dịch ngược với phương pháp suy diễn, do đó nó làm cho người Trung Quốc coi quy nạp là phương pháp tư duy duy nhất. Nếu nói tôi có một quan điểm cách mạng nào, thì đó là tôi đã vạch ra vết thương chí mạng ấy.

Cho nên người ta không thích… Phương Tây có thái độ đối với học thuật khác với Trung Quốc: chúng ta quá tôn sư trọng đạo. Tiền nhân nói gì, Khổng Tử, Mạnh Tử nói gì thì không được bình luận mà phải coi là tuyệt đối đúng. Lời thầy giáo cũng thế. Thái độ ấy quá ư thâm căn cố đế.

Mọi người đều biết, phương Tây khuyến khích nghi ngờ mọi lý thuyết hiện có. Sinh viên Mỹ học nhiều học thuyết, kể cả Marx, nhưng nhà trường không dạy học thuyết nào là chân lý duy nhất đúng. Nếu đã là tìm ra chân lý thì còn cần gì sáng tạo nữa? Thiếu tính sáng tạo là căn bệnh phổ biến của phương Đông.

Việc nhà khoa học có uy tín lớn Dương Chấn Ninh phê phán Kinh Dịch đã khiến nhiều người Trung Quốc thấy cần xem xét lại quan điểm đối với các kinh điển nói riêng và với văn hóa truyền thống Trung Quốc nói chung.

Trong cuốn Tái suy ngẫm văn hóa truyền thống Trung Quốc xuất bản nhân dịp kỷ niệm 60 năm nước CHND Trung Hoa, tác giả Tiêu Kiện Sinh nhận xét: tuy đã trải qua mấy chục năm cải cách mở cửa, người Trung Quốc vẫn chưa có được nhận thức tỉnh táo về lịch sử nền văn minh của mình, chưa làm rõ đâu là tiên tiến, văn minh, đâu là lạc hậu, dã man. Đây chính là nguyên nhân sâu xa khiến Trung Quốc lúng túng trên bước đường phát triển KHKT. Tiêu Kiện Sinh tập trung phê phán tình trạng nhất nguyên hoá của nền văn minh Trung Quốc.

Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa truyền thống Trung Quốc, vì thế lẽ tự nhiên chúng ta quan tâm tới việc người Trung Quốc đánh giá, kế thừa và phát huy nền văn hóa truyền thống của họ ra sao; qua đó có thể thấy được do đâu chúng ta cũng lạc hậu mãi về KHKT. Đáng tiếc là vấn đề này dường như chưa được dư luận ta quan tâm đúng mức và hăng hái bàn thảo.

Ghi chú:

[1] Nguyên văn: Sự phát triển của khoa học phương Tây dựa trên cơ sở hai thành tựu vĩ đại là các triết gia Hy Lạp (trong hình học Euclid) phát minh ra hệ thống lô-gic hình thức, và (trong thời kỳ Văn nghệ phục hưng) phát hiện thấy qua việc làm thí nghiệm một cách hệ thống có thể tìm ra mối quan hệ nhân quả. Theo tôi, mọi người chẳng nên ngạc nhiên về việc các thánh hiền TQ không thể đạt được những tiến bộ đó. [The development of Western science has been based on two great achievements, the invention of the formal logical system (in Euclidean geometry) by the Greek philosophers, and the discovery of the possibility of finding out causal relationships by systematic experiment (at the Renaissance). In my opinion one need not be astonished that the Chinese sages did not make these steps].

[2] Dương Chấn Ninh (1922-1946) du học Mỹ. 1948 tiến sĩ ĐH Chicago, ở lại Mỹ nghiên cứu khoa học. 1957 cùng Lý Chính Đạo nhận giải Nobel vật lý. Là nhà khoa học Mỹ gốc Hoa đầu tiên về TQ từ 1971, về nhiều lần giảng dạy và chủ yếu giúp đưa người TQ sang Mỹ học tập. 1994 được Viện Khoa học TQ bầu làm viện sĩ quốc tịch nước ngoài; 1998 được ĐH Thanh Hoa tặng danh hiệu Giáo sư danh dự. Sau khi vợ chết, cuối 2003 về TQ định cư, giảng dạy tại ĐH Thanh Hoa, tặng trường này 10 triệu USD, và lấy vợ 28 tuổi.

  • Nguyễn Hải Hoành (Theo Websit Hội Nhà văn)

Share this post


Link to post
Share on other sites