Thiên Đồng

Giới Trẻ Việt Trong Mắt Một Thanh Niên Mỹ

7 bài viết trong chủ đề này

Giới trẻ Việt Nam trong mắt một người Mỹ

Kỳ I - Thế hệ công tử bột

TP - Trên thế giới, 9x đang là mối quan tâm đại lớn bởi họ là thế hệ tiêu biểu cho kỹ thuật, chưa biết gì nhiều về giao lưu và giao tiếp trực tiếp.

Posted Image

Conor Lauesen

Nói chung thế hệ này ở Việt Nam trò chuyện qua máy tính nhiều hơn, nhắn tin với nhau bằng điện thoại còn nhiều hơn gặp gỡ trực tiếp để thảo luận và làm quen với mọi người. Tình trạng này ở Việt Nam chẳng khác gì với những lo âu, những sự quan tâm cấp bách đang diễn ra ở khắp thế giới. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ Việt Nam là một nước đang phát triển, nên đáng lo ngại hơn.

Với tôi, công tử bột được xem như người sinh ra trong gia đình giàu có, không cần lo về tiền bạc, không cần học giỏi và cuối cùng họ cũng không cần nghĩ nhiều về việc làm ăn mưu sinh để có cuộc sống tốt.

Ở Việt Nam, một số người thường nói: “Con thích gì, mẹ chiều nấy” hoặc “em thích gì anh chiều nấy”. Lối suy nghĩ này không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn là vấn đề phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Bên Anh, bên Mỹ đâu đâu cũng thế.

Bây giờ ở đây (Việt Nam) có bao nhiêu người mặc quần áo, có phong cách và giọng nói giống nhau như đúc. Giờ tôi nghĩ là những chân dài, play dân (dân chơi) bắt đầu những khuynh hướng mới mẻ mà thực sự những suy nghĩ cá nhân, độc lập, tự do lại rất thiếu, rất còi lùn. Hình như vấn đề này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và thường xuất hiện trong những gia đình giàu có. Tôi rất hiểu và thông cảm với những bậc cha mẹ và gia đình muốn mang đến thuận lợi cho con mà những thế hệ trước đây chưa có.

Tôi hay quan sát nhiều gia đình trẻ như các bậc cha mẹ dưới 50, 40 tuổi và cách họ bù đắp cho con cái mình những thứ họ không có thời còn trẻ. Họ nghĩ rằng mua sắm, đáp ứng cho con là giúp con và giúp chính họ hòa nhập vào cuộc sống văn minh, hiện đại.

Tuy vậy, những bậc cha mẹ này không thể lường trước nguy cơ mà các công tử bột, các cậu ấm cô chiêu gây ra cho xã hội vì đầu óc công tử bột không có nhiều chỗ cho sự cố gắng, tự lập, tự chủ; họ có thể ăn sẵn nên không hiểu hết được giá trị của lao động và niềm vui lao động.

Thời ngày xưa cũng như thời hiện tại, cả Ta và Tây chỉ cần làm việc chăm chỉ, có tính kiên trì và lòng kiên nhẫn, tiếp đó kiên định với mục tiêu đã đặt ra chắc chắn sẽ có kết quả, và chắc chắn sẽ thành công.

Tự do và trách nhiệm

Từ thuở bé (khi sống ở Mỹ) tôi đã từng nghe nói nhiều lần rằng nếu muốn có tự do thì cần có nhiều trách nhiệm và tự kỷ luật bản thân. Ngược lại, ở Việt Nam, đặc biệt ở Hà Nội, bạn trẻ có nhiều tự do mà nhiều người không biết một chút gì hết về trách nhiệm. Đối với vị trí của họ (công tử bột) trong xã hội, lẽ ra họ phải dốc hết sức mình cho công việc và cho xã hội. Thời gian nhàn rỗi cực nguy hiểm… Nói chung nó là thời gian nguy hiểm nhất cho con người, cộng đồng và cũng là cho đất nước.

Hình ảnh những công tử bột ngày càng phản ánh tình trạng xã hội nói chung. Bên nước tôi người ta có một thành ngữ “You’re only as strong as your weakest link”, mà nhiều người nói bằng tiếng Việt là: “Điểm mạnh nhất cũng có thể là điểm yếu nhất”.

Theo tôi, nếu xã hội trở thành đồng minh, “cùng hội cùng thuyền” với họ thì chẳng mấy chốc sự lai căng sẽ xâm chiếm vào mọi lĩnh vực của xã hội.

Những điều trên không có nghĩa là 9X không giỏi về tri thức, giáo dục và phần không tích cực chỉ là một phần nhỏ xíu của họ.

Conor Lauesen, 25 tuổi, nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam từ cách đây 5 năm theo chương trình Fulbright. Dù học bổng đã hết cách đây một năm, Conor vẫn cố bám trụ lại Việt Nam để tiếp tục nghiên cứu. Anh được ví là ma xó của Hà Nội vì thông thạo mọi thứ ở vùng đất này hơn cả nhiều người bản địa.

Lòng đam mê Tôi hay suy nghĩ về lòng đam mê, hăng say làm việc của Ta và Tây ở bất kỳ nước nào trên thế giới. Thực ra tôi nghĩ làm việc vất vả và vắt kiệt sức để cố gắng hoàn thành tốt, chính xác, đẹp đẽ được coi như là một giá trị cao. Tại sao là giá trị cao? Vì một cách tự nhiên, vốn dĩ sự hăng say lao động đã bao gồm đạo đức và công lý. Do đó niềm vui lao động là nguồn gốc của mọi thành công, của cả giá trị vật chất và đời sống phi vật chất.

Giá trị vốn dĩ của con người chính là ý chí và sự khát khao, mong muốn đạt được những nguyện vọng, mục tiêu mà họ đặt ra. Theo tôi, nó là tất cả, nó vô cùng đơn giản. Điều này dễ gây hiểu lầm bởi theo tôi một khi con người làm việc mà không có sự đam mê, lòng nhiệt huyết thì những ý tưởng và sự cần cù sẽ không bao giờ gặt hái được thành công.

Conor Lauesen

Giới trẻ Việt Nam trong mắt một thanh niên Mỹ: Kỳ II

9x biến Hà Nội thành "phía Tây hoang dã"?

TP - Kể từ năm 2005 đến bây giờ thì tôi luôn gọi Hà Nội là “phía tây hoang dã” như thể nước Mỹ mấy trăm năm trước. Khi mà những người trẻ nói chung, đặc biệt 9x nói riêng, không tuân theo quy định pháp luật. Tôi đang nói về thái độ và ý chí của nhiều người trẻ...

Posted Image

Có bao nhiêu người trẻ thích xe đạp độ sành điệu? Ảnh: Internet Những ai đã đến Việt Nam đều có nhiều nhận xét tốt và ấn tượng với người trẻ, thế hệ sinh ra sau ngày 30/4/1975. Theo tôi, giai đoạn này xuất hiện nhiều cơ hội rất tốt cho người trẻ để họ giúp đỡ cho sự tiến bộ của con người lẫn đất nước Việt Nam.

Trẻ - cơ hội

Mọi người ở Hà Nội còn nhớ cách đây khoảng vài năm khi xuất hiện những thanh niên đạp xe đạp đuôi. Nó không chỉ phản ánh phong cách của thế hệ 9x ở Việt Nam mà còn thể hiện sự đam mê của họ. Điều đó nâng cao hy vọng về sự sáng tạo, suy nghĩ độc lập của một thế hệ được coi là nguồn lực của quốc gia.

Hình như họ “chơi không sợ mưa rơi” thật, và họ có thái độ tự do hơn, có thể sáng tạo một hoàn cảnh mới thú vị nào đó. Họ sẵn sàng bỏ ra hơn triệu đồng để mua chiếc xe đạp này, kèm theo là những chi phí cao ngất ngưởng đối với lứa tuổi học sinh: nào loa, nào ắc quy, nào điều khiển MP3... rồi thậm chí thay cả “áo” cho những con “ngựa sắt” của mình sao cho thật độc đáo, khác người...

Họ có thể gắn thêm vào xe những bộ đèn lead nhấp nháy chói mắt, hay lông vũ sặc sỡ hoặc vô số những thứ cầu kỳ, hoa lá, màu mè khác kèm theo những âm thanh, bài hát sôi động, gây náo loạn đường phố. Rồi lại cả “biển số xe” nữa chứ! Nào là “PC 14 cơ động”, hay “Thân phận con nhà nghèo”, hoặc “Cún xinh kiêu”...

Bên cạnh đó, chúng ta có thể thấy có một lực lượng lớn người trẻ tham gia các trung tâm tiếng Anh. Học tập giỏi đương nhiên là tốt mà quan trọng nhất là sự hòa nhập với toàn cầu, chủ yếu qua ngôn ngữ tiếng Anh.

Trẻ - thái độ, xu hướng

Kể từ năm 2005 đến bây giờ thì tôi luôn gọi Hà Nội là “phía tây hoang dã” như thể nước Mỹ mấy trăm năm trước. Khi mà những người trẻ nói chung, đặc biệt 9x nói riêng, không tuân theo quy định pháp luật.

Tôi đang nói về thái độ và ý chí của nhiều người trẻ. Báo chí ca ngợi thế hệ trẻ biết tự lập sớm. Nhưng trong số đó lại có những anh hùng xa lộ, không mũ bảo hiểm, cân năm cân ba. Mọi người nhìn họ với thái độ lo âu vì sau đó dẫn đến việc họ sẽ chơi bời lang thang rồi làm những điều không tốt, không văn hóa.

Những hiện trạng này liên quan đến những xu hướng sành điệu, khiến họ không còn biết nhiều và thiếu sự tôn trọng những bản sắc văn hóa truyền thống. Nói chung, kiểu sống và phong cách của những người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội hoặc những người đến từ tỉnh khác đều đang bị ảnh hưởng bởi phương Tây.

Có thể thấy rõ những xu hướng mới mẻ nổi lên nhanh như chớp. Chẳng hạn mùa hè năm 2009, xuất hiện một mốt mới và lan tràn nhanh như việc “đốt tiền âm phủ”.

Nó là quần soóc màu trắng hở hang, khêu gợi lắm. Thật ra họ nghĩ họ mặc như vậy là giống Tây, đúng là ở Tây cũng có những người mặc như thế. Hay như mùa xuân năm ngoái có nhiều cô bé cũng theo một mốt mới là mặc quần mầu tím. Nó có vẻ bình thường mà thật ra rất buồn cười! Vì tất cả đều là sự bắt chước!

Trẻ - lịch sử dân tộc

Vấn đề lớn nhất đối với người trẻ khiến cho tôi lo lắng là những nhận thức về lịch sử của các bạn. Nhìn chung suy nghĩ của giới trẻ về đất nước Việt Nam hạn chế hơn so với thế hệ trước.

Văn hóa nước ngoài, sự sính ngoại và những khuynh hướng từ các nước khác đã và đang dần bao phủ khắp môi trường sống ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng. Họ có thể dễ dàng ghi nhớ hàng chục tên các ca sĩ nổi tiếng trên thế giới nhưng lại chỉ dành ra một tí trí nhớ để ghi nhớ tên các anh hùng và sự kiện lịch sử.

Lỗ thủng được rót đầy thế nào?

Khả năng sáng tạo ra một xã hội hiện đại là vô cùng khó vì một khi người dân ít biết về lịch sử thì đương nhiên sự nối tiếp giữa hai khoảng thời gian quá khứ - hiện tại sẽ tạo ra một khoảng trống (lỗ thủng). Khi đề cập tới văn hóa truyền thống của Việt Nam, nhiều bạn trẻ thờ ơ, không hứng thú; ngược lại có rất nhiều người nước ngoài lại quan tâm tìm hiểu.

Buồn thay, giới trẻ ngày nay, đặc biệt ở Hà Nội, đang đi theo những xu hướng mới như chơi nhạc rock, hip-hop hay thậm chí những loại nhạc nhạt nhẽo, ca từ nhảm nhí mà không biết nhiều đến âm nhạc đích thực như những bài hát dân gian, quan họ hay nhạc cổ điển...

Người Việt Nam đang được tiếp xúc và làm quen với những xu hướng mới, cách sống mới của các đất nước khác. Điều này ít nhiều cũng đang tạo ra lỗ thủng trong nhận thức của thế hệ trẻ người Việt. Chẳng hạn phim Hàn Quốc mang đến những câu chuyện tình cảm, lãng mạn một cách không có thực. Hay như những bộ phim phương Tây thể hiện cách giao tiếp bình đẳng giữa các thế hệ...

Và những người trẻ của Việt Nam cũng học tập theo mà không có sự chọn lọc, đánh giá. Liệu những ý nghĩa giáo dục ẩn sâu trong các chương trình truyền hình ấy họ có nhìn ra không hay chỉ nhìn thấy những hình ảnh phù phiếm thuộc bề nổi rồi copy, sao chép lại. “

Lỗ thủng được rót đầy thế nào” vẫn là câu hỏi lớn chưa có lời đáp rõ ràng. Câu trả lời cần có sự tác động và thái độ của toàn xã hội và quan trọng nhất là thái độ và nhận thức của thế hệ trẻ các bạn.

Conor Lauesen

Lời Tòa soạn:

Trong số ra hôm qua, Tiền Phong đã giới thiệu cùng bạn đọc bài Thế hệ công tử bột của Conor Lauesen, viết về một bộ phận giới trẻ có lối sống thiếu tích cực.

Kỳ này, tác giả gây sốc hơn với những nhận định mà có thể bạn sẽ cho là cực đoan và phiến diện. Dù bạn có không hài lòng đến thế nào thì thực tế về một cách nhìn vẫn đã diễn ra. Vậy thì cách tốt nhất để giải tỏa vấn đề là chúng ta thử thêm một lần nữa nhận thức lại bản thân.

Sau nữa, có thể bạn nên tranh luận để làm sáng tỏ những vấn đề bạn cho là sự nhìn nhận thiếu khách quan, nếu có.

Bài vở tham gia tranh luận gửi về báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội, hoặc qua email: thegioitre@tienphong.vn

nguồn: www.tienphong.vn

Share this post


Link to post
Share on other sites

Phản hồi bài:

Giới trẻ Việt Nam trong mắt một thanh niên Mỹ:

Conor vơ đũa cả nắm?

TP - Độc giả trẻ phản ứng trái chiều xung quanh hai bài viết của nhà nghiên cứu trẻ người Mỹ. Nhiều người cho rằng, Conor vơ đũa cả nắm...

Posted Image

Chưa thực sự trưởng thành

Khi đọc hai bài Giới trẻ Việt Nam qua mắt một thanh niên Mỹ của Conor Lauesen trên Tiền Phong mà chủ yếu nói về thế hệ 9X, tôi không thể ngồi yên.

Conor có sự nhìn nhận khá sắc sảo về chúng tôi. Nhưng thưa anh, thật ra không thể nhìn một người hay một nhóm người mà đánh giá cả thế hệ 9X được. Tại vì 9X chúng tôi vẫn chưa thực sự trưởng thành về mọi mặt.

Meocon...@gmail.com

Lỗi không của riêng ai

Tớ không đồng ý cách viết so sánh nhạc rock, hip-hop với bài hát dân gian, quan họ hay nhạc cổ điển. Mỗi một loại nhạc đều có khán giả riêng của nó.

Nói nhạc cổ truyền dân tộc Việt Nam không thu hút được giới trẻ 9X thì phải xem lại nhạc cổ truyền có thực sự chuyển mình để hoà cùng với nhịp điệu của cuộc sống hay không.

Tớ nghĩ bất kỳ xã hội nào cũng có một giai đoạn mà trong đó thế hệ non nớt ấy không biết mình là ai, mình muốn gì. Đến một lúc nào đó, người ta sẽ quay về tìm lại những giá trị từ quá khứ.

Mylove69@...

Trách nhiệm với gia đình, xã hội

Anh luôn dùng từ “họ” để túm tất cả chúng tôi thành một kiểu giống nhau là sao? Nhiều 9X biết sống toàn diện. Có những bạn học cực tanh mà cũng vô cùng năng nổ trong mọi hoạt động ngoại khóa của trường lớp. 9X luôn khám phá và không mù mờ với những thiết bị thông tin hiện đại. 9X khẳng định mình qua rất nhiều phương diện. Hiếm có bạn nào được coi là thông minh mà lại nhốt mình trong phòng học như một con mọt sách xưa kia...

Hoài Anh (Hà Nội)

Ai biến Hà Nội thành miền Tây hoang dã?

“Theo tôi, không chỉ 9X hay nhiều bạn trẻ nói chung mà cả người lớn cũng góp phần biến Hà Nội thành miền Tây hoang dã như cách nói của Conor”.

Hoàng Hải, Haihh...@yahoo.com.vn

Nhiều nổi trội

Là một 8X, tôi thấy 9X có nhiều điều nổi trội. Có nhiều đứa học hành suốt ngày nhưng cũng biết lên mạng nói chuyện với bạn để giảm stress, thỉnh thoảng lại vào các web trực tuyến để làm, giải đề. Kiểu học này 8X rất ít.

Nhiều 9X ngoài học các môn thi đại học ra còn rất chăm chú đến ngoại ngữ khiến nhiều anh chị chỉ chăm chú học các môn chuyên bây giờ nhìn lại cứ thấy tiếc...

Chúng tôi cũng biết chia sẻ với những khó khăn của đồng bào bão lũ, biết gắng sức vươn lên qua bao kỳ thi để khẳng định mình...

Huuthanh...@yahoo.com.vn

Cái xấu dễ ngấm hơn

Xã hội càng ngày càng mở rộng, 9X cũng càng ngày càng bị ảnh hưởng bởi rất nhiều luồng thông tin. Mà không hiểu sao những cái xấu thì lại tiếp cận 9x dễ dàng hơn khiến họ dễ bắt chước hơn nhiều so với những cái tốt.

Kalen..@yahoo.com

Trả giá để trưởng thành?

9X ngày nay bộc lộ cá tính mạnh hơn, có xu hướng thể hiện mình khác những người xung quanh. 9X cũng sáng tạo hơn, trí tưởng tượng rất phong phú.9X thích thể hiện cá tính, nhưng nhiều khi xốc nổi.

Một vài 9X đã ngả theo phần tiêu cực, kiểu như trở thành dân anh chị để thể hiện phẩm chất anh hùng, dũng cảm hoặc đi theo lối sống kiểu tự do, tươi mới, quan hệ tình dục sớm... chỉ để chứng tỏ chất hiện đại trong tư duy! 9X chúng tôi đang trong hành trình khám phá và trả giá để trưởng thành.

Luongthanh...@gmail.com

Conor cần biết mình là ai

Dẫn đầu 9X mới 18 tuổi, đủ lớn để biết mình phải làm gì và biết mình có thể làm gì. Ai cũng cố đăng kí thi vào một trường đại học, ai cũng chăm chỉ cày để tiếp tục học cho tương lai hay sao?

Chưa một công dân 9X nào được cầm tấm bằng đại học trên tay, chưa một ai có một công việc với một vị trí để phấn đấu. Bao nhiêu người trong số đó Conor đã từng gặp, từng nói chuyện?

Xã hội càng phát triển thì tệ nạn càng nhiều. Nếu anh là một 9X và có điều kiện hư hỏng, có chắc anh sẽ không hư hỏng?

Vẫn có nhiều 9X không nổi tiếng nhưng họ là những người lịch sự, tử tế, tốt bụng. Muốn đánh giá một người khác đã là một chuyện khó. Muốn đánh giá cả một thế hệ, phải xem anh là ai?

Hoa Hồng (Hà Nội)

Chủ Nhật, 29/11/2009, 10:48

Phản hồi bài: Giới trẻ Việt trong mắt một thanh niên Mỹ

Conor, có thể anh đã sai lầm!

TP - Conor thân mến! Đọc hai bài viết của bạn trên báo Tiền Phong mới đây, tôi đã có được những xúc cảm thú vị. Thú vị hơn nữa khi biết rằng bạn được ví là ma xó của Hà Nội, không những nói sõi mà còn có thể viết báo bằng tiếng Việt.

Posted Image

Conor, người có bài viết gây nhiều tranh cãi

Đặc biệt, tôi rất thích đoạn bạn suy nghĩ về lòng đam mê. Những điều bạn phản ánh và những ý kiến, nhận định của bạn có nhiều nội dung sát thực, đặt ra vấn đề đáng quan tâm. Tuy nhiên, Conor thân mến, tôi vẫn muốn trao đổi cùng bạn về câu chuyện này.

Bạn đã phản ánh khá chi tiết những trào lưu của giới trẻ như đi xe đạp độ, ăn mặc, trang điểm hay đi xe máy kẹp ba kẹp bốn ngông nghênh không đội mũ bảo hiểm, chơi không sợ mưa rơi... Rồi đến những công tử bột “không biết một chút gì về trách nhiệm” chỉ biết tiêu tiền mà không biết giá trị của đồng tiền, giá trị của lao động.

Họ thuộc tên ca sỹ nổi tiếng nhưng lại ít ghi nhớ tên các anh hùng và sự kiện lịch sử, họ “chơi nhạc rock, hiphop thậm chí những loại nhạc nhạt nhẽo, ca từ nhảm nhí mà không biết đến âm nhạc đích thực...” “Điều này ít nhiều cũng đang tạo ra lỗ thủng trong nhận thức của thế hệ trẻ người Việt”. Những ý kiến, nhận định ấy của bạn quả thực đã đúng nhưng chỉ với một số người, một nhóm người trong giới trẻ Việt. Vì thế, tôi không đồng ý với bạn cách nhìn đánh đồng hiện tượng là bản chất, coi đó là thế hệ công tử bột hay lỗ thủng thế hệ...

“Những suy nghĩ cá nhân độc lập lại rất thiếu, rất còi lùn” chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, chứ không thể đại diện cho một thế hệ hay giới trẻ Việt. Bạn được coi là ma xó của Hà Nội, bạn đã đến các ký túc xá, đến xóm trọ của những học sinh nghèo, đã nghe chuyện SV đi làm thêm để nuôi mình và nuôi em? Bạn đã tham gia các đợt tình nguyện hoặc hiến máu nhân đạo? Trong một lớp học, bạn thấy có mấy người ăn chơi không sợ mưa rơi, mấy người thích âm nhạc có ca từ nhạt nhẽo, nhảm nhí? Trong một lớp học, theo bạn có bao nhiêu phần trăm SV quên tên anh hùng và sự kiện lịch sử?

Bạn đã thử điều tra xem khi hát karaoke hay bất cứ một chương trình ca nhạc nào thì giới trẻ hát loại nhạc gì, ca khúc nào được chọn nhiều nhất? Tôi khẳng định với bạn rằng, chọn nhiều nhất vẫn là dòng nhạc chính thống, những ca khúc cách mạng hay còn gọi là nhạc đỏ. Mà nếu có thích nhạc rock hay hiphop thì có sao đâu nhỉ?

Conor thân mến!

Trở lại với những cậu ấm, cô chiêu mà bạn gọi là công tử bột, chân dài đua đòi ăn chơi, hay vi phạm pháp luật, ở đất nước bạn có những người ấy không? Ở Anh, Pháp có những người như thế không? Tôi chắc rằng có.

Bạn có ý phê bình lối chơi không sáng tạo, ăn mặc không sáng tạo và kết luận “những người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội và những người đến từ tỉnh khác đều đang bị ảnh hưởng bởi phương Tây”. Nhận định ấy có quá vội vàng chăng?

Tôi nghĩ rằng vấn đề văn hóa hay chuyện phong cách là cả một quá trình. Đất nước của chúng tôi dẫu sao vẫn thuộc nhóm các nước đang phát triển. Vì thế nền kinh tế cũng như những vấn đề xã hội ở Việt Nam còn có nhiều khó khăn, hạn chế. Còn lý do của những chuyện đó, tôi chắc rằng không nói thì bạn cũng đã hiểu.

Những điều đã nói chưa phải là tất cả. Nếu có thể, tôi rất mong giới thiệu với bạn tác phẩm văn học Đôi mắt của nhà văn Nam Cao. Trong truyện ngắn ấy có đoạn: “Vô số những anh răng đen mắt toét, gọi lựu đạn là nựu đạn, hát tiến quân ca như người buồn ngủ cầu kinh nhưng khi ra trận thì xung phong can đảm lắm!”.

Nếu thấy mấy anh chàng công tử bột chơi ngông, mấy em chân dài ăn mặc hở hang mà bạn đã kết luận những điều to tát cho giới trẻ Hà Nội và giới trẻ Việt là thế hệ công tử bột hay lỗ hổng thế hệ gì đó có thể đã là sai lầm.

Việt Hà

Quần áo thì có thể thay được

Rất cám ơn Conor vì những lo lắng dành cho lớp trẻ Việt Nam hiện nay. Hẳn phải yêu Hà Nội và Việt Nam lắm Conor mới chịu khó quan sát và có nhận xét như vậy.

Tôi muốn nói với Conor rằng: Đừng lo, đó chỉ là biểu hiện bề ngoài, đó là Việt Nam và Việt Nam sẽ mãi mãi là Việt Nam với tất cả bản sắc của mình.

Tại sao tôi lại lạc quan vậy? Có lẽ Conor chưa biết, Việt Nam trải qua 1.000 năm Bắc thuộc, người phương Bắc cố gắng đồng hóa Việt Nam nhưng rốt cuộc người Việt vẫn là người Việt. Sau đó là sự ảnh hưởng văn hóa của Pháp. Người Việt lúc đó, nhất là giới văn nghệ sĩ yêu nước vô cùng bức xúc trước những kẻ trưởng giả học làm sang, học đòi văn minh kiểu Pháp. Hồi đó có những người khi nói một câu tiếng Việt phải thêm vào một nửa số từ là tiếng Pháp. Người ta lo người Việt mất tiếng Việt đến nơi rồi. Nhưng cuối cùng có sao đâu! Người Việt vẫn nói tiếng Việt, người Việt vẫn là người Việt.

Và ví dụ hùng hồn nhất đó chính là chữ quốc ngữ (Conor sang Việt Nam nghiên cứu chữ quốc ngữ mà), thứ chữ có tiền thân là chữ Khoa Đẩu, người Việt tuy dùng chữ phương Tây nhưng lại để thể hiện văn hóa, tri thức, tâm hồn người Việt. Hẳn lúc bỏ chữ Nôm và chữ Khoa Đẩu đi để dùng chữ quốc ngữ, những nhà Nho phải lo lắng lắm. Nhưng có sao đâu!

Bản sắc Việt là đây: Luôn tiếp thu cái mới, cái hay của những nền văn hóa khác. Những bạn trẻ mà Conor gặp không nằm ngoài những đặc tính đó, dù đúng hay sai, họ vẫn luôn học hỏi. Có thể họ ham chơi, không để ý lắm đến lịch sử dân tộc, có thể sự học hỏi đó của họ đi sai hướng dẫn đến kệch cỡm, buồn cười, nhưng họ sinh ra ở Việt Nam và cái lõi của họ là người Việt Nam. Cái lõi đó sẽ không bao giờ mất đi.

Tất cả những biểu hiện của 9X mà bạn nêu ra chỉ là một lớp vỏ, một thứ quấn áo thời thượng mà người ta thích mặc trong thời đại toàn cầu hóa này. Mà quần áo có thể thay được chứ con người thì làm sao mà thay được.

Thùy Linh (Rin86) (23 tuổi, họa sĩ, Kim Giang, Hà Nội)

Lỗ thủng thế hệ - Một khái niệm hay !?

Conor viết: “Từ năm 2005 đến giờ, tôi luôn gọi Hà Nội là phía Tây hoang dã. Tác giả lý giải là vì có nhiều anh hùng xa lộ, nhiều dạng người trẻ tuổi mà mọi người nhìn họ thì thấy bất an. Những người chuyên học theo các trào lưu lỗi thời của phương Tây nhưng tự cho như thế mới là Tây. Nhiều chương trình truyền hình cho giới trẻ, phim ảnh nước ngoài… không chọn lọc làm giới trẻ cũng tiếp thu không chọn lọc.

Conor Lauesen gọi đây là lỗ thủng thế hệ. Một khái niệm hay!?

Trích từ blog thinh babel.

* Hồi xưa mình cũng nghĩ thế này, và rồi lo vu vơ liệu rằng hồn Việt có còn khi mà chúng mình cứ toàn nghe, xem, mặc kiểu Tây, Tàu, Hàn. Nhưng giờ mình không hoàn toàn nghĩ thế, và nói chung vẫn muốn đặt niềm tin vào thế hệ mình, thế hệ 9X hay các thế hệ sau này. Văn hóa là cái áo của hồn dân tộc, áo thay không có nghĩa hồn không còn nữa.

Gwen...worldpress.com

T.Đ (Tổng hợp)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Anh chàng Mỹ này, có thể so sánh anh ta với một tay nghệ sỹ Việt sành điệu với những nét cổ điển trường tồn. Đứng ở mục Cổ điển Trường tồn thì người ta có thể nói về cái rẻ tiền nhất thời.

Những công việc mà thế hệ trẻ ngày nay đang làm với sức lực và mô hôi của chính mình, tuy thế thành quả lao động vẫn bị xếp vào hạng rẻ tiền, vì tuy có vẻ đẹp nhưng thiếu văn hóa và nghệ thuật. Và đứng ở góc độ phản biện đối với Cổ điển Trường tồn thì mọi phản biện là "rác", không ăn thua, mặc dù phản biện có vẻ có lịch sự.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Quần áo thì có thể thay được

Rất cám ơn Conor vì những lo lắng dành cho lớp trẻ Việt Nam hiện nay. Hẳn phải yêu Hà Nội và Việt Nam lắm Conor mới chịu khó quan sát và có nhận xét như vậy.

Tôi muốn nói với Conor rằng: Đừng lo, đó chỉ là biểu hiện bề ngoài, đó là Việt Nam và Việt Nam sẽ mãi mãi là Việt Nam với tất cả bản sắc của mình.

Tại sao tôi lại lạc quan vậy? Có lẽ Conor chưa biết, Việt Nam trải qua 1.000 năm Bắc thuộc, người phương Bắc cố gắng đồng hóa Việt Nam nhưng rốt cuộc người Việt vẫn là người Việt. Sau đó là sự ảnh hưởng văn hóa của Pháp. Người Việt lúc đó, nhất là giới văn nghệ sĩ yêu nước vô cùng bức xúc trước những kẻ trưởng giả học làm sang, học đòi văn minh kiểu Pháp. Hồi đó có những người khi nói một câu tiếng Việt phải thêm vào một nửa số từ là tiếng Pháp. Người ta lo người Việt mất tiếng Việt đến nơi rồi. Nhưng cuối cùng có sao đâu! Người Việt vẫn nói tiếng Việt, người Việt vẫn là người Việt.

Và ví dụ hùng hồn nhất đó chính là chữ quốc ngữ (Conor sang Việt Nam nghiên cứu chữ quốc ngữ mà), thứ chữ có tiền thân là chữ Khoa Đẩu, người Việt tuy dùng chữ phương Tây nhưng lại để thể hiện văn hóa, tri thức, tâm hồn người Việt. Hẳn lúc bỏ chữ Nôm và chữ Khoa Đẩu đi để dùng chữ quốc ngữ, những nhà Nho phải lo lắng lắm. Nhưng có sao đâu!

Bản sắc Việt là đây: Luôn tiếp thu cái mới, cái hay của những nền văn hóa khác. Những bạn trẻ mà Conor gặp không nằm ngoài những đặc tính đó, dù đúng hay sai, họ vẫn luôn học hỏi. Có thể họ ham chơi, không để ý lắm đến lịch sử dân tộc, có thể sự học hỏi đó của họ đi sai hướng dẫn đến kệch cỡm, buồn cười, nhưng họ sinh ra ở Việt Nam và cái lõi của họ là người Việt Nam. Cái lõi đó sẽ không bao giờ mất đi.

Tất cả những biểu hiện của 9X mà bạn nêu ra chỉ là một lớp vỏ, một thứ quấn áo thời thượng mà người ta thích mặc trong thời đại toàn cầu hóa này. Mà quần áo có thể thay được chứ con người thì làm sao mà thay được.

Thùy Linh (Rin86) (23 tuổi, họa sĩ, Kim Giang, Hà Nội)

Hi.., hôm nay mới được biết tên người đẹp, bạn viết hay lắm.

Thế hệ 9x bây giờ giỏi lắm, khen thật tình chứ chẳng phải "nói phong long lấy lòng lớp trẻ", chẳng hạn (nói chung thôi) : biết giao tiếp bằng ngoại ngữ, biết kiếm tiền sớm, biết lái xe hơi, ... Còn chuyện này nữa, theo tôi được biết thì hiện có rất nhiều bạn trẻ 9x (ở miền tây nam bộ, tôi chỉ lấy ví dụ vùng miền này vì là nơi tôi làm việc và cư trú nhiều) rất thích học hát cải lương và đờn ca tài tử, trong khi có thể ở thế hệ 8x từ lâu vốn xem là "sến" và "cổ hủ", nếu quý vị nào không tin và cho là chuyện lạ thì tôi cam đoan sẽ dẫn tận nơi - xem tận mắt, thật đấy. :lol:

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Phản hồi bài Giới trẻ Việt trong mắt một thanh niên Mỹ:

Bạn đọc phản hồi, Conor… viết tiếp!

TP - Lời Tòa soạn: Bài viết của nhà nghiên cứu trẻ người Mỹ Conor Lauesen về giới trẻ Việt Nam gây nhiều tranh cãi với hàng loạt ý kiến trái chiều. Để cuộc tranh luận cởi mở hơn, Tiền Phong đăng bài phản hồi của Conor.

Đã đến lúc giới trẻ nên tự hỏi về phong cách sống của bản thân, ưu tiên hàng đầu của mình là gì, mình mong muốn gì.

Gần gũi, gắn kết

Tôi cho rằng nền kinh tế với nhiều khó khăn, hạn chế còn tồn đọng là vấn đề khá lớn đối với Việt Nam. Vả lại Việt Nam đang phát triển, chẳng lẽ người dân phải xác định nước mình qua các khía cạnh văn hóa của các nước khác? Bởi có thể thấy rõ các nước phát triển đang tạo ra nhiều ảnh hưởng đến nhận thức và lối sống của người Việt Nam, đặc biệt là 8x và 9x- thế hệ mà nhiều nước châu Âu gọi là “thế hệ Y” (sinh ra giữa những năm 1979-99).

Tất nhiên, khi nhìn một người hay một nhóm người mà đánh giá cả một thế hệ (ở đây tôi đang đề cập đến “thế hệ Y”), sẽ bị coi như sai lầm. Bởi vì ở đâu cũng có người tốt, người xấu. Chẳng hạn, bên cạnh những thành phần thanh niên bất hảo, tôi cũng biết những người gặp nhiều khó khăn, nhưng gánh vác trọng trách nuôi dưỡng, bảo vệ gia đình. Vì thế khi tôi đề cập vấn đề gì đó mà không xét một cách toàn diện cũng bị coi như “Conor vơ đũa cả nắm”…

Để đánh giá một thế hệ, bất kỳ nhà nghiên cứu nào cũng nên có đôi mắt cùng khả năng quan sát, và phải có nhiều kinh nghiệm lắm với thứ họ đang đánh giá. Trong những năm qua, tôi dành nhiều thời gian bên thế hệ Y. Thật ra tôi cũng là một bộ phận của thế hệ Y. Vì thế tôi thấy gần gũi và gắn kết với những thử thách liên quan đến họ. Những nhóm thanh niên không tốt nói chung nên bị phê bình.

Bạn tôi - xe ôm, bán hàng rong...

Cách đây mấy năm tôi là một sinh viên bình thường của chương trình giao lưu văn hóa - giáo dục (CIEE). Lúc đó tôi sống ở ký túc xá A2 tại Bách Khoa (Hà Nội) được một năm. Cách đó không xa là quận Thanh Xuân, cũng coi như là nhà thứ hai của tôi. Tất cả bạn bè của tôi có sinh viên, xe ôm, người bán hàng rong… Chính họ uốn nắn tính nết của tôi. Tại Việt Nam, tôi vẫn thường đi chơi với nhiều người 8x và 9x.

Thêm vào đó, từ những ngày đầu tôi sống ở Hà Nội cho đến hiện giờ, tôi có bao nhiêu là bạn. Họ là những người rất bình thường và có một số bạn phải làm thêm để nuôi mình và nuôi em. Thậm chí nhà anh Dũng, chị Hồng - là hai người bạn thân nhất của tôi - họ cũng phải nuôi người thân trong gia đình như bố mẹ già hay các em còn nhỏ.

Trên báo có nhiều độc giả hỏi: “Conor đã từng gặp nhiều người trẻ?”… Thực ra khi nghe câu hỏi này tôi bất ngờ mắt chữ A, mồm chữ O ngay!!! Tôi chợt thấy giật cả mình, thật!

Tôi thường xuyên có mặt ở bất kỳ nơi nào mà xuất hiện nhiều người trẻ. Cho nên chắc chắn tôi hay gặp nhiều thanh niên. Ngay từ những ngày đầu mới tới Hà Nội, tôi đã nói chuyện với tất cả những người thuộc nhóm này mà tôi gặp. Đây là cách giúp tôi bắt đầu hiểu rõ Hà Nội, đặc biệt về thanh niên.

Hy vọng

Thực ra, tôi có nhiều hy vọng với thế hệ Y. Mặc dù ít người có cơ hội du học, nhưng nhiều người mà tôi quen có ý chí và nguyện vọng khá cao, sâu sắc lắm. Với những cá nhân này, tôi đồng ý và vui vẻ nhận lời rằng đúng là 9X cũng sáng tạo hơn, trí tưởng tượng rất phong phú. 9X thích thể hiện cá tính và họ có nhiều phương tiện hơn để khám phá, bộc lộ mình. Tất cả những điều này rất tốt.

Tôi cũng biết rằng “chưa một công dân 9X nào được cầm tấm bằng đại học trên tay, đa số chưa có được công việc với một vị trí để phấn đấu”. Những điều này đương nhiên chẳng có một chút xíu gì không tích cực.

Có điều, bên cạnh những mặt tích cực trên, dạo này có những mốt mới gây ra một số quan tâm, lo lắng. Ví dụ, những thanh niên này tạo ra các thứ liên quan đến “xu hướng phá cách”, hình ảnh sành điệu trên một số tạp chí và tồi tệ nhất là một bộ phận có hành động hư hỏng, thiếu trách nhiệm; bên cạnh đó còn là văn hóa sính ngoại.

Trong khi đó, cũng có nhiều bạn trẻ ngoan, học giỏi và quan tâm đến những thứ liên quan tới giá trị gia đình, văn hóa truyền thống, văn hóa phi vật thể… Nhưng những mặt tích cực này dường như chưa có nhiều vị trí trên truyền thông so với những xu hướng mới (?). Nó ít xuất hiện trong các quảng cáo, chương trình giải trí và giáo dục. Những gì liên quan đến giới trẻ xuất hiện nhiều trên truyền thông thường gắn với khẩu hiệu hay có quan hệ với cool (từ lóng được giới trẻ sử dụng mang ý nghĩa “easy” – dễ dàng - PV) và sành điệu.

Nhạy cảm, dễ thay đổi

Tất nhiên, trong xã hội vẫn có những khẩu hiệu như “Quyết tâm phấn đấu xây dựng(...) trở thành tổ chức vững mạnh”... Tuy nhiên, nó không liên quan gì nhiều đâu, chả có tác động gì mạnh mẽ đâu, đặc biệt là với giới trẻ Việt Nam.

Chẳng phải vô cớ mà những xe máy mới, các quảng cáo… lại góp phần đẩy mạnh, khuyến khích toàn xã hội tham gia vào các quá trình hiện đại hóa. Những điều này không chỉ xuất hiện trong “thế hệ Y” mà còn lan rộng trong toàn dân, kể cả tầng lớp bình dân tại Việt Nam.

Tuy vậy, không chỉ ở Việt Nam mà trong bất cứ xã hội nào thì người trẻ luôn là đối tượng có nguy cơ cao, bị ảnh hưởng nhanh chóng, nặng nề nhất. Vì họ, nói chung rất nhạy cảm và dễ thay đổi những quan điểm của mình.

Conor Lauesen

(Chicago, ngày 3 - 12 - 2009)

Conor đã về Mỹ nên thẩm nào Rin86 không liên lạc được, khi nào Conor về Việt Nam Rin86 sẽ lôi kéo Conor về trung tâm Lý học đông phuơng.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Rin86 đã gửi rất nhiều emails cho tên Conor này nhưng hắn vẫn im lặng. Lần cuối cùng Rin86 gặp hắn cũng cách đây hơn 1 năm rồi. THật là kỳ quặc!!! Hắn đang nghĩ gì vậy? Liệ sư phụ Thiên Sứ, sư huynh Thiên Đồng có thể ra một quẻ LVDT để đoán ý nghĩ của hắn không ạ? Rin86 sẽ vẫn tiếp tục liên lạc với hắn nhưng tên này không phải tay vừa! Liệu hắn có chịu làm quen với chúng ta không ạ? Rin86 vừa mới gửi email cho hắn xong, liệu lần này hắn có hồi âm???

Share this post


Link to post
Share on other sites

Rin86 có bấm quẻ về vụ này và được quẻ Khai Tiểu Cát quả nhiên sáng nay nhận được email trả lời của tên Conor này. Hắn chẳng nghĩ gì cả, một người cực kỳ đơn giản, lý do hắn không hồi âm những email trước của Rin86 là vì hắn không check mail!!!!! Hơn một năm trời không check mail!!!!! Đúng là một kẻ thông minh nhưng lập dị. Hiện giờ hắn đang ở Mỹ, khi nào về Việt Nam Rin86 sẽ lôi kéo hắn vào con đường 5000 năm văn hiến Việt, giỏi tiếng Việt như hắn sẽ rất hữu dụng cho chúng ta, vả lại hắn lại cực đam mê văn hóa Việt và chữ quốc ngữ nữa!!!!

2 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay