baotran

Hội Thảo Kh "1000 Năm Vương Triều Lý & Kinh đô Thăng Long"

1 bài viết trong chủ đề này

(Nguồn: Báo Saigon Tiếp Thị)

Bài học kiểm soát giao thương miền biên viễn

SGTT - Trong 63 tham luận tại hội thảo khoa học “1.000 năm vương triều Lý và kinh đô Thăng Long” (Hà Nội, ngày 21.11), tham luận của ThS Phạm Lê Huy (đại học KHXH&NV Hà Nội) gây nhiều chú ý vì những phát hiện độc đáo về một bài học phát triển giao thương vùng biên.

Posted Image

ThS Phạm Lê Huy

Hoạt động buôn bán ngựa ở vùng miền núi Tây Bắc đã có từ đầu thế kỷ 8, mang tính liên vùng, có sự tham gia của nhiều sắc dân, nhiều tộc người đến từ những khu vực rất xa xôi như Chân Lạp, Chiêm Thành.

Theo Phàn Xước, một viên quan nhà Đường làm việc tại An Nam vào đầu thế kỷ 9, hoạt động mua bán trâu ngựa giữa người Hán và một bộ lạc miền núi là Sùng Ma Man diễn ra tại Lâm Tây Nguyên. Theo Tư trị thông giám, Lâm Tây Nguyên là vùng phía tây của Phong Châu, là một khu vực rất rộng lớn, bao gồm tỉnh Lào Cai và ít nhất một phần của tỉnh Tuyên Quang ngày nay. Nó nằm trên con đường giao thông huyết mạch nối liền vùng đồng bằng sông Hồng với Vân Nam.

Tham gia hoạt động buôn bán ngựa ở Lâm Tây Nguyên, ngoài người Hán và người Sùng Ma Man, còn có người Chân Lạp. Nhà Đường đã từng lệnh cho An Nam đô hộ và quan lại ở Phong Châu không được cho người Chân Lạp vào địa hạt mua ngựa và vũ khí. Đời Tống, ngự sử đài hạch tội An Nam đô hộ đã để người Chân Lạp đến Phong Châu mua ngựa.

Ngoài ra còn thấy người Chiêm Thành. Tống sử, phần viết về Chiêm Thành có chép: “Người Chiêm Thành hay cưỡi voi, hoặc đi kiệu bằng vải mềm, hoặc mua ngựa của Giao Châu”. Trong sách Đông Tây Dương khảo đời Minh, soạn giả Trương Tiếp, về các sản vật của Giao Chỉ có viết: “Thời Tống, Chiêm Thành hay mua ngựa từ Giao Chỉ, nên biết xứ ấy có sản vật là ngựa”

Để đến Phong Châu mua ngựa, các lái buôn phương Nam sử dụng con đường giao thông cổ qua Hoan Châu. Từ Hoan Châu họ ngược lên Cửu Chân, Ái Châu (Thanh Hoá), đi đường thuỷ qua Tạc khẩu (Yên Mô, Ninh Bình – lúc đó còn giáp ranh với biển) rồi theo sông Đáy, sông Hồng ngược lên phủ thành đô hộ. Bên cạnh con đường thuỷ đó, vào thời Đường còn một con đường bộ khác. Từ Hoan Châu, để mua ngựa ở Phong Châu, người Chân Lạp đã qua Ái Châu, rồi không theo đường thuỷ qua Tạc Khẩu vì sóng to gió lớn nhiều nguy hiểm, mà theo con đường thượng đạo cổ (qua tỉnh Hoà Bình hiện nay) trực tiếp vào Phong Châu.

Hoạt động mua bán ngựa tại khu vực Tây Bắc dần dần phục hồi và trở lại hưng thịnh vào đầu thế kỷ 11. Năm Thuận Thiên nguyên niên (1010) đời Lý Thái Tổ, “người Man sang quá cột đồng, đến bến Kim Hoa và châu Vị Long để buôn bán. Vua (Lý Công Uẩn) sai người bắt được người Man và hơn một vạn con ngựa” (Đại việt sử ký toàn thư). Cột đồng ở đây là cột đồng phân định ranh giới An Nam Đô hộ phủ với Nam Chiếu. Cột đồng này cách Giao Chỉ 48 ngày đường. Con số “một vạn con ngựa” cho thấy đã hình thành những thương đoàn có quy mô lớn buôn ngựa từ Côn Minh, Trung Quốc sang vùng Tây Bắc Việt Nam ngày nay.

Có thể thấy rằng dù có những ngăn trở, cấm đoán trong các thời kỳ khác nhau song các hoạt động buôn bán đó chưa bao giờ hoàn toàn chấm dứt. Có thể coi đó như một “ngành kinh doanh” siêu lợi nhuận – theo cách nói ngày nay.

Nhìn từ Đại Việt, sau giai đoạn Bắc thuộc, nhà Lý đã từng bước kiểm soát được miền biên viễn. Việc sớm ổn định khu vực miền núi phía Bắc, kiểm soát các hoạt động giao thương ở đây là một trong những cơ sở để nhà Lý tập trung lực lượng phát triển đất nước và đối phó với áp lực từ phương Bắc.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay