Thiên Đồng

Dấu Vết Văn Hóa Việt ở Singapore

1 bài viết trong chủ đề này

Makassar kỳ lạ - Kỳ cuối: Niềm tự hào của một bộ lạc

www.thanhnienomline.com.vn 18/11/2009 22:49 Posted Image

Nhà truyền thống kongtonan ở huyện Tana Toraja - Ảnh: Phuot Người miền nam đảo Sulawesi tự hào về ngôi nhà truyền thống tongkonan, chiếc thuyền buồm Pinisi, tục chọi trâu và nhiều nếp văn hóa khác.

Ngôi nhà huyền thoại

Buổi chiều đầu tiên ở khách sạn Aryaduta, chúng tôi được mời ăn tối dạng buffet đơn giản. Trên một bàn để thức ăn, người ta trang trọng đặt một kết cấu bằng gỗ ghép có màu sắc sặc sỡ. Thấy lạ và đẹp, tôi hỏi mấy phóng viên địa phương. Anh Ammang của báo điện tử Detik.com hào hứng giới thiệu đó là phiên bản thu nhỏ của loại nhà truyền thống có tên gọi tongkonan, mà người dân xứ này rất tự hào về nó. Nói là “xứ này”, nhưng thật ra loại nhà này chỉ có ở huyện Tana Toraja (ngôn ngữ địa phương có nghĩa là miền đất của tộc người Toraja, người vùng cao), cách thủ phủ Makassar chừng 300 km về phía bắc.

Chuyện về ngôi nhà này thì thú vị lắm, từ cái hình dáng lạ đời của nó cho đến những điều huyễn hoặc xung quanh. Nhà được dựng trên các cọc gỗ như nhà sàn ở ta. Không gian chính khá hẹp, tối và kín gió vì ít cửa sổ. Phần bề thế nhất chính là mái nhà kéo dài ra hai hướng bắc-nam và cong lên trông như một chiếc thuyền. Toàn bộ ngôi nhà làm bằng gỗ và tre nứa ghép vào nhau mà không cần đến bù-lông, đinh ốc. Tất thảy mặt ngoài ngôi nhà được chạm trổ họa tiết với 4 màu trắng, đen, vàng, đỏ rất ấn tượng. Mỗi màu sắc, mỗi hình dáng hoa văn đều là ngôn từ của tộc người chỉ có tiếng nói mà không có chữ viết này.

Truyền thuyết nói rằng ngôi nhà tongkonan đầu tiên được dựng lên ở thiên giới bởi Đấng sáng tạo. Thủy tổ của người Toraja khi giáng thế đã bắt chước dựng nên ngôi nhà tương tự và tổ chức một nghi lễ long trọng. Cũng có tương truyền rằng thủy tổ người Toraja đến từ miền bắc bằng thuyền gỗ. Giữa đường gặp bão lớn, thuyền hư hỏng nặng, họ dừng chân ở vùng đất này và lấy thân con thuyền làm mái nhà trú ẩn.

Tongkonan, bắt nguồn từ chữ tongkon có nghĩa là “ngồi”. Và như tên gọi của nó, người ta dùng không gian ngôi nhà để tụ tập lễ lạt, bàn bạc công chuyện của dòng họ, và để tránh thời tiết khắc nghiệt hay thú dữ, hơn là chỗ ăn ở. Phần lớn sinh hoạt hằng ngày của người Toraja diễn ra bên ngoài ngôi nhà này. Mỗi tongkonan là tài sản thiêng liêng của một dòng họ, nên toàn bộ người trong họ đều phải tham gia việc dựng nhà, vốn nhọc công và tỉ mỉ.

Tongkonan một khi được dựng lên coi như là tồn tại vĩnh viễn, bởi ngoài ý nghĩa là ngôi nhà tổ tiên, mặt tây của ngôi nhà còn là nơi chôn cất nhau thai của người trong họ. Theo chiều thẳng đứng, tongkonan được chia làm 3 phần: ngay dưới mái nhà là nơi đựng áo mão và các bảo vật của dòng họ, rồi đến không gian sinh hoạt, và dưới sàn nhà là nơi nhốt gia súc gia cầm. Có 3 cấp tongkonan: tongkonan layuk bề thế uy nghi là nơi những người quyền uy nhất của cộng đồng quản lý và họp hành; tongkonan pekamberan là của những dòng họ thuộc hàng phú quý; còn tongkonan batu là nhà của những dòng họ bình dân. Dĩ nhiên, kích cỡ nhà và họa tiết chạm khắc bề ngoài cũng tùy vào đẳng cấp xã hội của chủ nhân mà được thiết kế tương ứng, không thể trái quy ước.

Các nhà nhân chủng học thế giới cho biết có rất nhiều họa tiết trên tường nhà tongkonan giống hệt họa tiết trên bề mặt trống đồng Đồng Sơn của Việt Nam. Tôi tìm được một thông tin nói rằng trên hòn đảo Selayar có hình dạng như một giọt nước mắt chảy dài ở cực nam tỉnh Nam Sulawesi, cạnh dinh thự một cựu hoàng tộc, có một ngôi nhà gỗ bên trong lưu giữ một trống đồng Đông Sơn mà nhiều khả năng là người ta vớt được từ một chiếc thuyền bị đắm. Tôi nghi ngờ có sự liên quan nào đó giữa chiếc trống đồng này với những họa tiết trên các ngôi nhà truyền thống tongkonan.

Bí ẩn Tojara

Hôm sắp rời Makassar, tôi ghé vào một tiệm đồ lưu niệm lớn nằm gần bờ biển Losari. Người duy nhất trong gia đình ông chủ tiệm giàu có nói được tiếng Anh là cậu con trai đang học năm thứ 3 khoa Y, ĐH Hasanuddin. Tên cậu là Titut. Tôi không có điều kiện đến huyện Tana Toraja, nhưng Titut đã giúp tôi biết được cả kho huyền thoại của miền đất đại diện cho văn hóa cụm đảo Sulawesi này. Titut giải thích cho tôi từng họa tiết người Toraja khắc trên những tongkonan, chỉ cho tôi sự khác nhau giữa hai loại thuyền gỗ pinisi mà thủy tổ 3 tộc người còn lại của xứ Nam Sulawesi là Konjo, Bugis và Makassar đã dùng từ thuở người Bồ Đào Nha, người Hà Lan chưa đến vùng đất này ở thế kỷ 15, 16. Cậu ta cũng “nhát ma” tôi bằng hình nhân khắc gỗ lão ông và lão bà làm công việc trừ tà ma cho bộ lạc...

Trên những phiến gỗ lưu niệm, người ta cũng thường khắc hình ảnh hai con trâu húc nhau. Trâu là linh vật, cũng là tài sản quý giá nhất của người Toraja. Lễ vật thách cưới là trâu. Chuộc mình khỏi thân phận nô lệ bằng trâu. Phúng điếu người chết cũng bằng trâu. Đầu trâu treo trước cửa tongkonan sẽ ngăn ma quỷ vào nhà. Hội hè đình đám, cưới hỏi lấy chọi trâu làm nghi lễ. Hạ sát nhiều con trâu ngay trước quan tài người chết là một nghi lễ long trọng. Trâu làm phương tiện đưa người chết về với Đấng tạo hóa. Hành trình về với đấng tối cao sẽ nhanh hơn nếu trâu được giết nhiều hơn. Bởi vậy, khi một người quyền quý chết, không dưới 100 con trâu bị giết trong nhiều ngày. Hàng ngàn người tham gia việc tang ma kéo dài trong nhiều tuần. Ma chay cũng là dịp người dân Toraja vốn nghèo khó được ăn thịt.

Người Toraja coi cuộc sống sau khi nhắm mắt xuôi tay còn quan trọng hơn cả cuộc sống hiện hữu, nên quan tài mang theo toàn bộ những gì người sống nghĩ rằng người chết cần ở bên kia thế giới. Quan tài đó sẽ được long trọng đặt trong một hang động, hay một tảng đá được đục rỗng ruột, hoặc huyệt mộ đục sâu vào vách núi. Trước cửa huyệt mộ, người ta đặt một hình nhân bằng gỗ gần giống người chết và mặc cả áo quần để trông coi mộ phần và đất đai dòng họ. Quan tài trẻ con thì được treo trên cành cây hoặc buộc đong đưa vào vách núi đá cho đến khi dây thừng mục nát và rơi xuống. “Nghĩa trang” của người Toraja vì thế trở thành một điều kỳ thú đối với khách du lịch.

Du khách, đặc biệt là người châu Âu, đã phát hiện và đến Tana Toraja từ vài thập niên qua. Các nhà nhân chủng học, sử gia, khảo cổ gia cũng đến đây rất nhiều. Tôi cũng hứa với Titut và những người bạn mới quen ở Makassar sẽ trở lại và đi thăm Tana Toraja một ngày nào đó.

Thục Minh (VP Singapore)

Share this post


Link to post
Share on other sites