Trần Phương

Trạng nguyên đầu tiên của nước ta và nỗi hàm oan

3 bài viết trong chủ đề này

Nỗi hàm oan mang tên Lê Văn Thịnh 9:30, 25/04/2008

Theo như "Đại Việt sử ký toàn thư" và "Kiến văn tiểu lục" của Lê Quý Đôn, "Lịch triều hiến chương loại chí" của Phan Huy Chú, "Việt Nam sử lược" của Trần Trọng Kim đều cho biết khoa thi đầu tiên của nước ta là vào mùa xuân, tháng 2, năm Ất Mão (1075), với vị trạng nguyên đầu tiên của nước Việt là Lê Văn Thịnh, người xã Đông Cứu, huyện Gia Định (nay là Gia Bình, Bắc Ninh).

Về vụ án Thái sư, Trạng nguyên Lê Văn Thịnh trên hồ Dâm Đàm (Hồ Tây - Hà Nội) vào năm Bính Tý (1096), khi còn trẻ, tôi đọc sử đã bị ám ảnh bởi sự kiện này, rồi một số sáng tác thuộc loại hình sân khấu thời nay lại nhấn mạnh và điển hình hoá sự kiện này hơn nữa.

Tôi có nghe nói những năm qua đã có cuộc trao đổi tranh luận về vấn đề này, ở Bắc Ninh hiện đã có một số vở kịch và tiểu thuyết nhằm minh oan đối với Trạng nguyên Lê Văn Thịnh; về phần mình, tôi muốn góp thêm một tiếng nói về một hiện tượng đã được ghi một cách đột ngột trong sử ở vào thời đại Lý Nhân Tông.

Như chúng ta đều biết, thời đại Lý Nhân Tông là thời đại hùng mạnh về kinh tế và quân sự của nước Đại Việt, qua hai lần đại thắng quân Tống tại Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc) vào năm 1075 và tại sông Cầu vào năm 1076. Lý Nhân Tông lên ngôi năm 1072 khi mới 7 tuổi, Ỷ Lan Hoàng Thái hậu buông rèm nhiếp chính từ năm 1073 cho đến cuối đời - Điều này được ghi rõ trong sử như sau: Ngày 25 tháng 7 năm Đinh Dậu (1117), Ỷ Lan Hoàng Thái hậu băng hà, thì tháng 2 năm 1117 sử vẫn ghi: "Tháng 2, định rõ lệnh cấm trộm trâu" Hoàng Thái hậu nói: "Gần đây ở kinh thành, hương ấp, có nhiều kẻ trốn tránh, lấy việc ăn trộm trâu làm nghề nghiệp, trăm họ cùng quẫn, mấy nhà cày chung một con trâu. Trước đây, ta đã từng nói đến việc ấy, nhà nước đã có lệnh cấm. Nay giết trâu lại càng nhiều hơn trước".

(ĐVSKTT - NXB KHXH - 1983 - trang 302)

Theo như sử ghi thì cách 5 tháng trước khi mất, tiếng nói của Ỷ Lan Hoàng Thái hậu vẫn đầy quyền lực trong triều đại Lý Nhân Tông. Sau đây, để tham khảo và suy ngẫm, tôi xin được chép lại một số sự kiện từ cuối thời đại Lý Thái Tông đến năm 1075, với những sự kiện có liên quan đến Ỷ Lan Hoàng Thái hậu và Thái sư, Trạng nguyên Lê Văn Thịnh (theo Đại Việt sử ký toàn thư - NXB Khoa học xã hội - 1983).

* Quý Mão (1063): Bấy giờ vua xuân thu đã nhiều, tuổi 40 mà chưa có con trai nối dõi, sai chi hậu nội nhân Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa, sau đó Ỷ Lan phu nhân có mang, sinh hoàng tử Càn Đức (tức Lý Nhân Tông). Tục truyền rằng nhà vua cúng khấn cầu tự chưa thấy hiệu nghiệm, mới đi chơi khắp các chùa quán. Xa giá đi đến đâu, con trai con gái đổ xô đến xem không ngớt, duy chỉ có một người con gái hái dâu cứ đứng tựa trong bụi cỏ lau. Vua trông thấy, gọi đưa vào cung, được vua yêu, phong làm Ỷ Lan phu nhân.

* Bính Ngọ (1066): Mùa xuân, tháng Giêng, ngày 25, giờ hợi, hoàng tử Càn Đức (sau này là Lý Nhân Tông) sinh. Ngày hôm sau lập làm hoàng thái tử, đổi niên hiệu, đại xá, phong mẹ thái tử là Ỷ Lan phu nhân làm Thần phi. (trang 285).

* Kỷ Dậu (1069): Mùa xuân, tháng 2, vua thân đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua nước ấy là Chế Củ và dân chúng 5 vạn người. Trận này vua đánh Chiêm Thành mãi không được, đem quân về đến châu Cư Liêm, nghe tin Nguyên phi giúp việc nội trị, lòng dân cảm hoá hoà hợp, trong cõi vững vàng, tôn sùng Phật giáo, dân gọi là bà Quan Âm, vua nói: "Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao!". Bèn quay lại đánh nữa, thắng được (trang 286).

* Canh Tuất (1070): Mùa thu, tháng 8, làm Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối (Nhan Uyên, Tăng Sâm, Tử Tư, Mạnh Tử), vẽ tượng Thất thập nhị hiền (72 học trò giỏi của Khổng Tử), bốn mùa cúng tế. Hoàng Thái tử tới học ở đây (trang 287).

* Nhâm Tý (1072): Mùa xuân, tháng Giêng, ngày Canh Dần, vua (Lý Thánh Tông) băng hà ở điện Hội Tiên.

Hoàng Thái tử Càn Đức (tức Lý Nhân Tông) lên ngôi ở trước linh cữu, đổi niên hiệu là Thái Ninh năm thứ 1. Bấy giờ vua mới 7 tuổi, tôn mẹ đẻ là Ỷ Lan nguyên phi làm Hoàng Thái phi, tôn mẹ đích là Thượng Dương thái hậu họ Dương là Hoàng Thái hậu, buông rèm cùng nghe chính sự, Thái sư Lý Đạo Thành giúp đỡ công việc (trang 288).

* Quý Sửu (1073): Giam Hoàng Thái hậu họ Dương, tôn Hoàng Thái phi (Ỷ Lan nguyên phi) làm Linh Nhân Hoàng Thái hậu. Linh Nhân có tính ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, mới kêu với vua rằng: "Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý người khác được hưởng, thế thì sẽ để mẹ già vào đâu?". Vua bèn sai đem giam Dương Thái hậu và 72 thị nữ vào cung Thượng Dương, rồi bức phải chết chôn theo lăng Thánh Tông.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Nhân Tông là người nhân hiếu, Linh Nhân là người sùng phật, sao lại đến nỗi giết đích Thái hậu, hãm hại người vô tội, tàn nhẫn đến thế ư? (...) Thái sư Lý Đạo Thành phải ra trấn bên ngoài, biết đâu chẳng vì can gián việc ấy?

Thái sư Lý Đạo Thành lấy chức Tả gián nghị đại phu ra coi châu Nghệ An. Đạo Thành lập viện Địa Tạng ở trong miếu Vương Thánh châu ấy ở giữa viện đặt tượng Phật và vị hiệu của Thánh Tông, sớm hôm thờ phụng (trang 289).

* Ất Mão (1075): Mùa xuân, tháng 2, xuống chiếu tuyển Minh Kinh bác học và thi nho học tam trường, Lê Văn Thịnh được trúng tuyển cho vào hầu vua học.

* Giáp Tý (1084): Mùa hạ, tháng 6, sai thị lang bộ binh Lê Văn Thịnh đến trại Vĩnh Bình cùng với người Tống bàn việc cương giới.

Định biên giới, nhà Tống trả lại cho ta 6 huyện 3 động. Người Tống có thơ rằng: "Nhân tham Giao Chỉ tượng, khước thất Quảng Nguyên kim" (Vì tham voi Giao Chỉ, bỏ mất vàng Quảng Nguyên).

* Ất Sửu (1085): Cho Lê Văn Thịnh làm Thái sư. Bấy giờ thiên hạ vô sự, hoàng hậu đi chơi khắp các núi sông, ý muốn xây dựng chùa tháp (trang 294).

* Bính Tý (1096): Mùa xuân, tháng 3, Lê Văn Thịnh mưu làm phản, tha tội chết, an trí ở Thao Giang (Tam Nông, Phú Thọ). Bấy giờ vua ra hồ Dâm Đàm, ngự trên thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mây mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo kêu rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người tái mặt, nói: "Việc nguy rồi!". Người đánh cá là Mục Thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua nghĩ Thịnh là đại thần có công giúp đỡ, không nỡ giết, đày lên trại đầu Thao Giang. Thưởng cho Mục Thận quan chức và tiền của, lại cho đất ở Tây Hồ làm thực ấp. Trước đấy Văn Thịnh có gia nô người nước Đại Lý có phép thuật kỳ lạ, cho nên mượn thuật ấy toan làm chuyện thí nghịch" (trang 297).

* Đinh Sửu (1097): Mùa thu, tháng 8, sao mọc ban ngày. Bấy giờ trong nước giàu đủ, Thái hậu làm nhiều chùa Phật (trang 297).

"Đại Việt sử ký toàn thư" có lời bình chú rằng "Tục truyền Thái hậu hối về việc Thượng Dương thái hậu và các thị nữ vô tội mà bị chết, làm nhiều chùa Phật để sám hối, rửa oan" (trang 301).

Vụ án trên hồ Dâm Đàm (Hồ Tây) xảy ra vào năm 1096 đối với Thái sư, Trạng nguyên Lê Văn Thịnh - vị Trạng nguyên đầu tiên của nước Đại Việt, tính đến nay đã 912 năm. Từ đọc trong sử sách, đến việc về tận quê hương của Trạng nguyên Lê Văn Thịnh, tiếp xúc với dân gian thấy câu chuyện về Lê Văn Thịnh khác hẳn như trong sử sách đã ghi. Trước và sau sự kiện 1096, trong sử không thấy ghi sự việc gì liên quan đến Lê Văn Thịnh với vụ án này, mà chỉ dẫn ra một sự việc khá hàm hồ là "Lê Văn Thịnh có gia nô người nước Đại Lý có phép thuật kỳ lạ, cho nên mượn thuật ấy toan làm chuyện thí nghịch".

Thời đại Lý Nhân Tông mà Trạng nguyên Lê Văn Thịnh phò tá là một thời đại hùng mạnh, giàu đủ như trong sử đã ghi rõ. Một vị Thái sư, một Trạng nguyên giỏi giang thông thái như Lê Văn Thịnh không thể mượn phép thuật để mưu phản "giết vua". Thử hỏi, một mình ông đứng ra giết vua ở vào thời đại đó, để làm gì? Trước sau trong sử không hề ghi ông có hiềm khích, thù oán, xung khắc gì với triều đình, với vua và Hoàng Thái hậu - sử không hề ghi ông có phe nhóm, bè đảng và âm mưu gì.

Vậy Trạng nguyên Lê Văn Thịnh giết vua vì mục đích gì? 912 năm trôi qua, sự việc ở hồ Dâm Đàm vẫn treo trên đầu các thời đại một câu hỏi lớn. Hiện quê hương của Trạng nguyên Lê Văn Thịnh, nhân dân trong vùng sùng kính trân trọng ông tột bậc, có 2 khu di tích lập ra để thờ ông (ở Thuận Thành và Gia Bình), khu lăng mộ của ông đã được trùng tu nhiều lần đến nay rất quy mô và bề thế.

Người dân trong vùng truyền đi những giai thoại đẹp về vị Trạng nguyên đầu tiên của nước Việt, và vụ án được ghi trong sử đã được Ỷ Lan Hoàng Thái hậu giải oan từ khi bà còn sống, được thể hiện qua pho tượng điêu khắc rồng hiện đang được thờ tại đền thờ Trạng nguyên Lê Văn Thịnh.

Đã gần 10 thế kỷ trôi qua, dấu xưa đã phôi pha chẳng còn bao vết tích. Ngay trong sử sách có nhiều điều bị thêm bớt, sửa chữa cách nay nhiều thế kỷ nên ngày nay có nhiều điều chúng ta chưa được rõ. Theo cố GS Trần Quốc Vượng trong lời đầu sách khi dịch "Việt sử lược" (thế kỷ XIV) cho biết: "Quyển sử đầu tiên của nước ta - cho đến nay được biết là sách "Đại Việt sử ký" do Lê Văn Hưu soạn, đời Trần Nhân Tông năm Nhâm Thân 1272. Sách ấy ngày nay không còn nữa.

Nó đã bị thêm bớt, sửa chữa, bao gồm vào sách "Đại Việt sử ký toàn thư" (...). Những sách sử đời Trần còn lại đến ngày nay chỉ còn thấy hai bộ: Một là sách "An Nam chí lược" của Lê Tắc soạn ở Trung Quốc vào năm 1333. Còn bộ sử thứ hai là một bộ sách nhỏ, gọi là sách "Việt sử lược". "Việt sử lược" là do một tác giả cuối đời Trần đã lược lại "Đại Việt sử ký" của Lê Văn Hưu (...). Theo Ngô Sĩ Liên, sách "Đại Việt sử ký" của Lê Văn Hưu gồm 30 quyển, mà nay phần còn lại trong "Toàn thư và Việt sử lược" không còn là bao. Điều đó chứng tỏ cả hai sách đã lược bớt Đại Việt sử ký rất nhiều".

Tôi chỉ là người yêu sử, nhân một cuộc du ngoạn viếng thăm đền thờ và quê hương Trạng nguyên đầu tiên của nước Việt, cảm khái chép lại đôi điều trong sử sách, rất mong được các bậc học giả, các nhà nghiên cứu lịch sử sớm làm sáng tỏ sự kiện năm 1096 trên hồ Dâm Đàm, trả lại những giá trị đích thực đối với vị Trạng nguyên đầu tiên của nước Việt - Thái sư, Trạng nguyên Lê Văn Thịnh

Dương Kiều Minh

Theo : Báo CÔNG AN NHÂN DÂN & AN NINH THẾ GIỚI

Share this post


Link to post
Share on other sites

N gày Nguyễn Trãi chào đời, Bảng nhãn Nguyễn Phi Khanh mời nhạc phụ và một ông thày tử vi người Tầu tới xem số Bát tự. Lập xong quẻ theo lối Thái ất, vẻ mặt quan Tư đồ nửa vui nửa lo âu. Rồi chẳng phán bảo gì ông rũ áo bỏ đi vào trong nhà. Còn thày tử vi sau ba ngày đêm đèn sách, người trong nhà thấy vẻ mặt ông ta cũng mang sự lưỡng lự vui buồn.

Mọi người lấy làm thắc mắc lắm.

Chẳng đừng được bảng nhãn Nguyễn Phi Khanh gặng hỏi.

Ông thày tử vi bảo, chỉ vẻn vẹn có sáu chữ:

- Mệnh này phúc quốc, họa nhà !

Hỏi cách hóa giải thì trả lời, giọng buồn và ghê như vượn khóc:

- Cho yểu tử !

Bà phu nhân họ Trần nghe vậy ngã vật xuống giường bất tỉnh.

Quan Tư đồ thì giọng trầm uẩn nhủ:

- Họa dù một nhà mà phúc cho bách tính. Chẳng phải đạo trời hằng lấy một dưỡng muôn, đó ư? Mệnh được vậy chẳng đáng để kẻ sĩ sống trong cõi trời đất này dốc lòng gắng gỏi sao. ý trời đặt thế, nhà ta chấp thế . Nề chi! Nề chi! Ha... Ha... Đoạn quan Tư Đồ ngửa mặt cười sang sảng.

Nghe cha con quan Tư Đồ đối đáp, ông người Tầu rùng mình toát mồ hôi, miệng lẩm bẩm:

"Chí lớn, đức dầy. Nhân ấy, địa ấy sức nào chế ngự được ?" Rồi ông tạ từ, giữ mấy cũng không ở lại.

Hồi còn ở động Thanh Hư với ông ngoại, quãng thời Nguyễn Trãi khoảng mười lăm mười sáu tuổi. Một buổi quan Tư Đồ hỏi:

- Chữ Quyền và Đức có thể chung hòa làm một không?

Đáp:

- Quyền do Thời tạo, Đức do Đời sinh. Khi chung hòa làm một là khi Đời và Thời không chỗ phân chia, không cao - thấp, trong - ngoài. ấy là thời Vương đạo!

Lại hỏi:

- Mệnh quốc gia gặp buổi chữ Thời lấn át chữ Đời, thì có nên nương theo Thời mà cầu danh phận không ?

Tới đây sách không ghi lời đáp của Nguyễn Trãi. Là do tuổi ấy Nguyễn Trãi chưa đủ trí lực, hay còn chưa muốn bộc lộ chí hướng?!

Bảng nhãn Nguyễn Phi Khanh hỏi:

- Nhạc phụ của ta theo gương dòng Thánh phả, bỏ lệ kết hôn dòng tộc, cho bà Quận chúa xe duyên cùng ông tướng họ Phạm, nhờ thế ta và mẫu thân con mới nên vợ nên chồng. Con là người cảm được lẽ huyền vi, thông điều mệnh số. Rồi mai Đời tới điểm Thái (cực), hay gặp vận Chung (kết), con có theo được gương tổ Tuệ Trung không?

(Sách tả, Nguyễn Phi Khanh nói với giọng thương cảm, vẻ mặt ai hoài lắm).

Đáp:

- Tâm con tĩnh, ý chẳng tham cầu. Chỉ e Đời lại cầm buộc Tâm con.

Hỏi:

- Con nói rõ hơn, ta nghe.

Đáp:

- Thời tổ Tuệ Trung là thời Vương đạo. Quốc có Vương đạo, nhân được Tâm an. Đạo Phật hoàng phát là ở lẽ đời ấy. Nhân Tâm, nay buổi bất an, quốc thời nguy khốn. Kẻ sĩ có thể ngoảnh mặt rũ áo, vịn vào tích trượng mà vượt dốc đời được ư?

Lại hỏi:

- Quyền - Đức kỵ nhau. Thời bĩ nuôi Đức, thời thái nuôi Quyền. Chao ôi! Lẽ đời ngàn năm chênh vênh là vậy. Con muốn thời Thái càng phải nuôi Đức dưỡng Tâm ư? Con muốn theo lẽ đời ấy chăng?

* * *

- Khi chia tay ở ải Nam Quan, cha con dặn trở về đền nợ nước, rửa thù nhà.

- Ờ. Tốt ! Và con đã làm trọn.

- Còn một ý, con đã không làm được.

- Ý gì ?

- Cha con muốn con noi gương tổ.

- Vậy có được chăng? Vậy có trọn chăng?

Lâu sau, Tuệ Trung Thượng Sỹ tiếp:

- Con thường tự xem mình không bằng được Trương Lương xứ Tầu và lại muốn noi bước ta. Thực ra, ông Trương Lương ấy đâu có bằng ta, mà ta thì đâu bằng con. Không phải thế a? Lẽ cao khoát nhất của kẻ nhập thế là dụng Tâm mà định Thế. Lấy lời hùng văn mà phá cường quyền. Lẽ này ta và Trương Lương có bằng được con không? Còn với kẻ xuất thế, Tâm cốt tận tĩnh, Thế cốt tận diệt. Mô Phật! Nếu đời đạt tới vậy rồi thì Phật đâu còn phải cầu nữa. Vả nữa, đời đã vậy thì pháp đâu cần, tăng đâu cần. Cứu lấy nhân, độ thế chẳng phải là duyên ý của Phật sao!

Điều hơn - thua, lẽ sướng - khổ, Phật không nương, hiền sỹ lương thần không dựa. Con còn bận ý nỗi gì?

Đường từ Yên Tử về Côn Sơn, Nguyễn Trãi vượt qua dãy Phượng Hoàng trong màn sương thu se lạnh... Bất giác Nguyễn Trãi choàng tỉnh giấc mộng. ấy là đêm 15 tháng Tám năm Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3. Ngày mai 16 tháng Tám, cả ba họ nhà Nguyễn Trãi ra pháp trường.

- Hồi đầu vạn sự giấc Nam Kha! Chợt Nguyễn Trãi ngửa mặt xướng lên sang sảng.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Hồi còn ở động Thanh Hư với ông ngoại, quãng thời Nguyễn Trãi khoảng mười lăm mười sáu tuổi. Một buổi quan Tư Đồ hỏi:

- Chữ Quyền và Đức có thể chung hòa làm một không?

Đáp:

- Quyền do Thời tạo, Đức do Đời sinh. Khi chung hòa làm một là khi Đời và Thời không chỗ phân chia, không cao - thấp, trong - ngoài. ấy là thời Vương đạo!

Lại hỏi:

- Mệnh quốc gia gặp buổi chữ Thời lấn át chữ Đời, thì có nên nương theo Thời mà cầu danh phận không ?

Tới đây sách không ghi lời đáp của Nguyễn Trãi. Là do tuổi ấy Nguyễn Trãi chưa đủ trí lực, hay còn chưa muốn bộc lộ chí hướng?!

Người đã trả lời được câu trên, chứng tỏ trí tuệ thâm viễn thánh trí, làm gì mà không trả lời nổi câu dưới! Chẳng qua hậu thế xem được mà bỏ đi thôi.

Sông Tương nước chảy trong veo.

Thời ta xuồng giặt cái lèo mũ ta.

Sông Thương nước đục phù sa.

Thời ta xuống đó để mà rửa chân.

Thiên Sứ

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay