Nghiên Bút

Không đồng nhất Phạm Tu(476-545) với Lý Phục Man

3 bài viết trong chủ đề này

Hay là “Không đồng nhất Phạm Tu với Lý Phục Man”(BBT Thông tin Họ Phạm VN) Thời gian vừa qua, chúng tôi nhận được một số thư, điện thoại, và e.mail của bà con cô bác họ Phạm nêu ra vấn đề vì sao, cho tới nay, Thủ đô Hà Nội vẫn chưa có một đường phố mang tên Người anh hùng dân tộc Phạm Tu – Trưởng Ban Võ (tương đương Bộ trưởng Quốc phòng ngày nay) của Nhà Nước Vạn Xuân – đã có nhiều công lao to lớn góp phần tạo dựng và bảo vệ Tổ quốc Vạn Xuân, và đã anh dũng hy sinh trong chiến trận chống quân xâm lược Nhà Lương để bảo vệ Thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay) như trong chính sử đã khẳng định ?

Trả lời câu hỏi này thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng của Thủ đô Hà Nội.

Nhân dịp đầu năm mới, Bản tin nội tộc xin giới thiệu với bà con cô bác nội tộc bài viết của một sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng như nhiều vị khác, đã và đang trăn trở về vấn đề này.

Theo dòng lịch sử, vùng đất Hà Nội – Bắc Ninh đã ghi dấu hai triều Lý, mà rực rỡ là thời Lý Công Uẩn về sau. Nhà nước Vạn Xuân tuy tồn tại ngắn ngủi, nhưng đã để lại trong lòng dân tộc về cơ cấu nhà nước mới, theo chế độ tập quyền trung ương với ước nguyện của nhân dân ta về cuộc sống hoà bình. Nhà nước Vạn Xuân là một dấu ấn lịch sử, trước thời Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Sử sách đã ghi: Năm 544, Nhà nước Vạn Xuân được Lý Bí (503-548) thành lập có hai ban Văn Võ. Lão tướng Phạm Tu (476-545) bấy giờ đã 69 tuổi Tính cả tuổi mụ. đứng đầu Ban Võ. Vị tướng già này hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Lý Bí từ năm 542.

Nhà nước Vạn Xuân còn có một vị tướng trẻ là Lý Phục Man. Từ đó đã xuất hiện vấn đề có thể Phạm Tu còn có tên là Lý Phục Man ? Điều này nhiều nhà sử học xưa nay cho là một vấn đề phức tạp, chưa thể làm rõ. Đó cũng là một câu hỏi bấy lâu của chúng tôi.

Lấy căn cứ nào để làm rõ vấn đề này ? Tài liệu nào viết về hai nhân vật lịch sử này là đáng tin cậy ?

1. Từ trang web bachkhoatoanthu.gov.vn (Bản quyền thuộc Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn “Từ điển Bách Khoa Việt Nam” mà Tổngbiên tập là GS.TS. Hà Học Trạc), chúng tôi tìm hai nhân vật lịch sử nêu trên thì mới thấy có Lý Phục Man, được viết như sau:

Lý Phục Man: Danh tướng của Lý Bí, sống vào thế kỉ 6. Không rõ tên thật. Quê ở làng Cổ Sở (Hoài Đức, Hà Tây). Tương truyền là người giỏi võ nghệ, theo Lý Bí khởi nghĩa chống quân Lương (Trung Quốc), lập nhiều chiến công. Nhà Tiền Lý (544 - 555) thành lập, ông được cử trông coi vùng đất phía nam, đánh tan cuộc xâm lấn của Chămpa. Sau đó được gả công chúa Lý Nương, ban cho ông họ Lý và chức Thiếu uý, được gọi là Phục Man tướng quân. Trở về quê quản lĩnh vùng đất Đỗ Động, Đường Lâm (Hà Tây). Nhà Lương xâm lược, ông hi sinh trong chiến đấu. Dân làng thương nhớ dựng đền thờ ông”.

2. Theo cuốn “TỪ ĐIỂN NHÂN VẬT LỊCH SỬ VIỆT NAM” (do Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn biên soạn; Nxb Giáo dục in năm 2006) có viết về Lý Phục Man (xin được trích điểm khác phần dẫn ở trên) và về Lão tướng Phạm Tu:

Lý Phục Man (?-545) [TB: Một số tài liệu cho rằng Lý Phục Man mất năm 548]. … Quân Lâm Ấp quấy phá biên giới, ông cùng Phạm Tu đánh lui,…ông có công khuất phục các thủ lĩnh dân tộc ít người trong vùng [TB: Gần đây có tin vùng quê Lý Phục Man có 70 giếng cổ kiểu Chăm, có thể do tù tinh Chăm bấy giờ xây dựng. Từ thông tin này chúng tôi có suy nghĩ là Lý Phục Man đã thu phục các tù binh Chăm ở ngay tại các trại ở vùng ông cai quản, trong đó có quê ông?], nên nhân đó vua Lý ban cho hiệu là Phục Man …

Phạm Tu (476-545) Danh tướng của cuộc khởi nghĩa Lý Bí, Hào trưởng địa phương. Ông là người Thanh Đàm (Thanh Trì-Hà Nội). Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Lý Bí năm 542, ông cùng Triệu Túc, Tinh Thiều lập nhiều chiến công, đánh đổ chế độ đô hộ của nhà Lương, giải phóng đất nước. Lý Bí lên ngôi vua [TB: Lên ngôi Hoàng đế mới đúng.], phong ông chức Thái uý, cùng Triệu Túc trông coi việc binh. Khi quân Lâm Ấp quấy phá phương Nam, ông được cử đem quân vào giúp Lý Phục Man đánh bại quân Chăm. Truyền rằng bấy giờ ông đã 60 tuổi [ TB: Bước sang tuổi 68 mới đúng].. Lý Nam Đế rất quý trọng ông.

Năm 545, quân Lương do Trần Bá Tiên, Dương Phiêu chỉ huy kéo sang xâm lược. Ông lại được đem quân chặn giặc ở mạn Đông Bắc. Giặc đến, ông đem quân chống cự nhưng chẳng may bị thua. Ông hy sinh giữa trận tiền. Nhân dân đã lập đền thờ tại quê ông để mãi mãi ghi nhớ công lao người anh hùng.”

Posted Image

Ngày 20 - 7 - Đinh Hợi (2007), Ông Phạm Thế Duyệt - Chủ tịch Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với tư cách một thành viên họ Phạm Việt Nam, về Đình Thanh Liệt, Hà Nội, dự Lễ kỷ niệm lần thứ 1462 ngày hy sinh chống quân xâm lược Nhà Lương tại chiến thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay) của Thượng thuỷ tổ họ Phạm Việt Nam, Tả tướng quân, Trưởng Ban Võ của Nhà nước Vạn Xuân - Đô Hồ Đại vương Phạm Tu

3. Bài viết của Giáo sư Sử học Lê Văn Lan “Lão tướng Phạm Tu (476-545)” đăng trong cuốn sách: “Danh tướng Phạm Tu và họ Phạm trong lịch sử”, NXB Văn hoá -Thông tin, H., 1999, cũng đã viết như sau:

"Trong lịch sử nước ta, ông là vị tướng quân đầu tiên của một triều đình có tổ chức". Đó là lời nhận định về Phạm Tu trong cuốn "TỪ ĐIỂN VĂN HÓA VIỆT NAM" (NXb. Văn hóa, H, 1993) "Một triều đình có tổ chức", ở đây, là triều đình của Nhà nước Vạn Xuân thời Lý Nam Đế, cách nay đã 15 thế kỷ. Tuy nhiên hẳn vì thời gian quá xa nên sử liệu gốc về ông, để lại cho đến nay thật hết sức hiếm.

Trong bộ sử cổ nhất còn sót lại được đến nay. Sách "ĐẠI VIỆT SỬ LƯỢC", giữa những trang dòng nói về Lý Nam Đế và Nhà nước Vạn Xuân hồi thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên, không có chữ nào chép về ông. Đến bộ chính sử "ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ", thì cũng chỉ có 2 lần xuất hiện tên ông. Trong biên niên về năm Quý Hợi (543 sau Công nguyên), ta thấy lần đầu tiên, tên Phạm Tu được chép, trong văn cảnh như sau: "Mùa hạ, tháng tư, vua Lâm Ấp cướp quận Nhật Nam, vua (Lý Nam Đế) sai tướng là Phạm Tu đánh tan ở quận Cửu Đức".

Lần thứ 2, dưới cái tên mà bản dịch của Viện sử học (in năm 1967) viết là "Phan Tu", ta thấy biên niên sử năm Giáp Tý (544 sau Công nguyên), nói đến việc Phạm Tu được Lý Nam Đế cử Đứng đầu hàng Quan Võ (cùng với Triệu Túc - Thái phó và Tinh Thiều, Đứng đầu hàng Quan Văn) của Triều đình Vạn Xuân.

Sử liệu gốc về "Vị tướng quân đầu tiên của một triều đình có tổ chức" trong lịch sử rất lâu đời của nước ta, vẻn vẹn chỉ có thế. Chính vì vậy mà việc nhận diện, nhận chân về Phạm Tu trở nên vừa khó khăn, mơ hồ, vừa mâu thuẫn, phức tạp. Chẳng hạn như những dòng viết về ông sau đây trong bộ "TỪ ĐIỂN NHÂN VẬT LỊCH SỬ VIỆT NAM" (Nxb. Khoa học xã hội, H.,1991, tr.744): “Quê làng Giá, thuộc xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội (nay là Hà Tây). Ông được vua Lý phong tước Phục Man tướng quân, đổi theo họ vua là Lý, nên cũng gọi là Lý Tu hay Lý Phục Man, lại được vua gả công chúa Phương Dung cho... Mộ và đền thờ ông nay hãy còn di tích tại quê ông ở làng Giá".

Như vậy ở đây có việc đồng nhất Phạm Tu với một vị thần là Lý Phục Man, được sách cổ "VIỆT ĐIỆN U LINH" chép từ đầu thế kỷ 14, và là vấn đề sử học được nêu ra đã lâu nhưng chưa được giải quyết. Do đó, nảy sinh một vấn đề trước tiên là: Quê hương bản quán của Phạm Tu ở đâu ? Bởi vì trong khi "TỪ ĐIỂN NHÂN VẬT LỊCH SỬ VIỆT NAM" (xuất bản năm 1991) cho rằng Phạm Tu là người có quê ở làng Giá (Yên Sở, Hoài Đức, Hà Tây) thì "TỪ ĐIỂN VĂN HÓA VIỆT NAM" hoặc vừa đây, sách "THÀNH HOÀNG VIỆT NAM" (Nxb. Văn hóa thông tin, H., 1997, tập II, tr.565) đều khẳng định rằng: ông là người quê làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội, hoặc quê ở thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Lại như về niên điểm hy sinh (mất tự bao giờ) của ông thì có lẽ xuất phát từ 2 câu sau đây trong tập diễn ca thế kỷ 18 "THIÊN NAM NGỮ LỤC":

“Vua cùng Tả tướng Phạm Tu

Vào Khuất Liêu động thác hư lên trời”

Mà việc vua Lý Nam Đế mất ở động Khuất Lão (Khuất Liêu) thì được tính vào năm 548”.

Những vấn đề mà GS Lê Văn Lan nêu lên quả thật phức tạp; nhưng ngay sau khi nêu vấn đề, Giáo sư Lê Văn Lan đó lại dẫn chứng những thông tin mới phát hiện về Lão tướng quân Phạm Tu, từ đó phân tích để đi đến kết luận rằng: “Những thông tin văn hoá dân gian từ Thanh Liệt thật có tác dụng của một nguồn sử liệu bổ trợ cho chính sử. Vấn đề quê hương, bản quán của vị tướng quân đầu tiờn, thời Lý Nam Đế, nhờ vậy mà trở nên đó rừ ràng”...”Thanh Liệt xứng đáng với niềm tự hào về một quê hương văn vừ song toàn: Vừ là Phạm Tu (476-545), quê hương là thôn Vực; văn là Chu Văn An (1292-1370), quê mẹ sinh ra ông tại thôn Văn, cùng xã Thanh Liệt”.

4. Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng viết về Nhà nước Vạn Xuân có phân biệt rõ hai nhân vật:

Cơ cấu triều đình mới, hẳn còn sơ sài, nhưng ngoài Hoàng đế đứng đầu, bên dưới đã có hai ban: Văn, Võ. Tinh Thiều làm tướng văn, Phạm Tu làm tướng võ, Triệu Túc làm thái phó, Lý Phục Man được cử làm tướng quân coi giữ một miền biên cảnh, …”

***

Như vậy vấn đề quê hương bản quán của Lão tướng quân Phạm Tu đó được Giáo sư sử học Lê Văn Lan chứng minh, làm rõ. Còn vấn đề “Phạm Tu có phải là Lý Phục Man không”, thì sao ?

Bây giờ, chúng ta thử dùng phương pháp “phản chứng” để xét xem “Phạm Tu có phải là Lý Phục Man không ?”.

Nếu công nhận Phạm Tu chính là Lý Phục Man thì sẽ trả lời như thế nào về những câu hỏi sau:

+ Một vị đứng đầu Ban Võ của Nhà nước Vạn Xuân – Tả tướng Phạm Tu, lại làm tướng coi giữ một miền biên cảnh ? Có hẳn một Ban Võ, thì chắc chắn Nhà nước Vạn Xuân không thể để Lão tướng đứng đầu Ban Võ đi giữ biên cảnh phía Tây, trong khi vùng hiểm yếu phải phòng giặc vẫn là phía Bắc, Đông Bắc.

+ Lý Nam Đế gả công chúa Phương Dung (Lý Nương) cho Phạm Tu sao ? Nếu có sự kiện này chỉ có thể xảy ra từ năm 542 đến 545 ? Để làm rõ điều này chúng ta xét năm sinh của Lý Bí là 503; của Phạm Tu là 476; như vậy Phạm Tu hơn Lý Bí 27 tuổi. Nếu sớm nhất là năm 542, Lý Bí gả công chúa cho Lý Phục Man, lúc này Phạm Tu đã 67 tuổi; Lý Bí 40 tuổi và con gái của Lý Bí chắc cũng khoảng mười chín, đôi mươi. Một công chúa trẻ vậy mà hoàng đế lại gả cho lão tướng đáng tuổi cha mình, đáng tuổi ông của công chúa sao ?

Trong khi đó nhà nước Vạn Xuân tồn tại ngắn ngủi, dòng sử nào cũng chép: Phạm Tu-lão tướng còn Lý Phục Man là tướng trẻ thì không hiểu vì "cơn cớ" gì mà chúng ta có thể chấp nhận hai người này là một?

Từ những ý nêu trên, cho thấy việc đồng nhất hai nhân vật lịch sử Phạm Tu và Lý Phục Man là thiếu cơ sở. Rõ ràng là cuốn “TỪ ĐIỂN NHÂN VẬT LỊCH SỬ VIỆT NAM” in năm 2006 đã sửa chữa không coi Phạm Tu và Lý Phục Man là một người như cuốn in năm 1991.

Câu ca có lẽ cũng nên sửa:

Vua cùng Phò mã Phục Man

Vào Khuất Liêu động thác tan lên trời.

Điều chúng ta thấy rõ ràng rằng Lý Phục Man là một tướng quân tài giỏi và trẻ nên được Lý Nam Đế gả công chúa. Vùng Lý Phục Man cai quản cũng là vùng quê của Lý Bí. Có phải chính ông là người bảo vệ bên cạnh Lý Nam Đế, rồi sau về động Khuất Liêu?

Hai nhân vật lịch sử (Phạm Tu và Lý Phục Man) ấy, mới chỉ có Lý Phục Man được đặt tên đường ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Vậy không rõ vì lý do gì mà nhân vật lịch sử đầu tiên của Hà Nội, vị Khai quốc Công thần triều Tiền Lý là Đô Hồ Đại vương, Long Biên Hầu, Tả tướng PHẠM TU – Trưởng Ban Võ của Nhà nước Vạn Xuân, đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay) lại chưa được đặt tên cho một đường phố ngay chính trên thành phố quê hương, chính nơi mà Người đã ngã xuống để bảo vệ đất nước, bảo vệ thành Tống Bình xưa kia, nay là Thủ đô Hà Nội?

Tháp Bút

http://www.hopham.org/index.php?mn=newsdet...&newsid=472

Share this post


Link to post
Share on other sites

Đi tìm cơ sở đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu - mở đầu

Nhân ngày kỷ niệm 999 năm Thăng Long-Hà Nội, tròn 1 năm trước đại lễ 1000 năm Thăng Long, chúng ta nhắc đến mảnh đất địa linh nhân kiệt với núi Nùng sông Tô (NNST) có một nhân vật lịch sử rất tiêu biểu của Thăng Long-Hà Nội cách nay 15 thế kỷ. Danh nhân đó chính là “vị tướng quân đầu tiên của một triều đình có tổ chức”, lão tướng Phạm Tu-một tấm gương trong của lịch sử dân tộc.

Thế nhưng ngày nay vai trò của ông với mảnh đất núi Nùng sông Tô mới dần được làm rõ. Một việc cản trở tiến trình tất yếu đó, chính là việc đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu gây nên sự thiếu thống nhất trong giới khoa học. Điều đó làm ảnh hưởng đến việc tôn vinh vị khai quốc công thần triều Tiền Lý, người đã sinh ra, sống, dù cao tuổi vẫn đánh giặc và đã hy sinh vì mảnh đất NNST. Ngay tại hương Long Đỗ xưa, ông đã cống hiến tính mạng cho nhân dân Vạn Xuân khi ở tuổi “xưa nay hiếm”. So với các vị tướng quân nổi tiếng trong lịch sử dân tộc, ông xứng đáng là vị Thành hoàng Thăng Long-Hà Nội.

Từ lòng kính trọng một danh nhân tiêu biểu của Thủ đô, của nước Việt, chúng tôi sưu tầm tư liệu và viết chuyên đề

ĐI TÌM CƠ SỞ ĐỒNG NHẤT LÝ PHỤC MAN VỚI PHẠM TU

với tâm nguyện tìm ra đâu là cơ sở để xác định sự thật của việc đồng nhất.

Bố cục của chuyên đề như sau:

Sử dụng bài Lão tướng Phạm Tu của GS. Lê Văn Lan để đặt vấn đề: “việc đồng nhất Phạm Tu với một vị thần là Lý Phục Man, được sách cổ “Việt điện u linh” chép từ đầu thế kỷ 14, và là vấn đề sử học được nêu ra đã lâu nhưng chưa được giải quyết.”

I.Những tư liệu đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu (gồm 4 bài)

II.Tư liệu về Phạm Tu (gồm 6 bài)

III.Tư liệu về Lý Phục Man (gồm 7 bài)

IV.Đi tìm cơ sở đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu (gồm 8 bài):

Đây là nội dung chính của chuyên đề này với các bài viết giải quyết từng việc cụ thể như nguyên nhân đồng nhất, thời gian xuất hiện đồng nhất, mức độ đồng nhất, những người đã đồng nhất, …

1.Tìm cơ sở đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu qua tài liệu cổ

Để tìm ra cơ sở phải tìm ra việc đồng nhất này “nói có sách, mách có chứng” hay không? Thư tịch cổ vẫn là căn cứ quan trọng nhất. Không tìm thấy việc đồng nhất từ thư tịch cổ hiện có.

2.Xác định thời gian xuất hiện việc đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu

Căn cứ thông tin xuất hiện việc không đồng nhất và đồng nhất để xác định mốc thời gian chính thức xuất hiện sự việc.

3.Trả lời một số ý kiến của người viết blog Người làng Giá về danh tướng Phạm Tu ở Thanh Liệt

Phủ nhận lại việc Người làng Giá phủ nhận: Phạm Tu không phải là người Thanh Liệt, Phạm Tu không phải là lão tướng.

4.Sự tích về Lý Phục Man có những điều khó đứng vững trong cuộc sống và trong lịch sử dân tộc

Từ Sự tích cho thấy tướng quân Lý Phục Man phần nhiều vẫn sống trong tưởng tượng từ thời Lý Thái Tổ đến nay.

5.Những cuốn sách viết về danh tướng Phạm Tu và Lý Phục Man

Bài viết này nhằm tìm hiểu mức độ đồng nhất thể hiện chủ yếu qua các cuốn sách.

6.Tìm cơ sở đồng nhất từ văn bia Quán Giá

Đây là căn cứ chính xác định xem việc đồng nhất có đủ cơ sở khoa học không.

Trong khi các nhà khoa học còn nghi vấn: có thể Lý Phục Man không phải là nhân vật lịch sử. Thay vì việc trước tiên phải chứng minh Lý Phục Man là nhân vật lịch sử, bằng cách đồng nhất vị thần này với danh tướng Phạm Tu, có thể đã làm lạc hướng chú ý.

7.Điều rút ra từ công trình nghiên cứu về Lý Phục Man của GS. Nguyễn Văn Huyên.

Công trình này là một nghiên cứu khoa học, khách quan có thể xem là một căn cứ quyết định cho việc rút ra nhận xét: thiếu cơ sở để đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu.

8.Có đồng nhất tả tướng Phạm Tu với phò mã Lý Phục Man được không?

Bằng một số chứng minh cho thấy việc đồng nhất hiện nay là không phù hợp và thiếu cơ sở khoa học.

Thay lời kết

Cuối cùng là một số cảm xúc Nhớ về Lão tướng Phạm Tu (gồm 5 bài)

Cuối mỗi bài viết các mục I, II, III (phần sưu tầm tư liệu) có nêu một số chú thích của chúng tôi.

*

Do nguồn tư liệu hạn chế và các bài phân tích mới ở dạng tập viết của một người làm về kỹ thuật nên sẽ không tránh khỏi thiếu sót.

Mong nhận được ý kiến đóng góp của quý vị.

Chân thành cám ơn các nhà nghiên cứu đã cho chúng tôi thông tin viết chuyên đề này. Chính những ý kiến đồng nhất đã cung cấp tư liệu và giúp chúng tôi tìm hiểu sâu thêm về danh nhân Phạm Tu. Một lần nữa “phủ định của phủ định” để làm sáng rõ về thân thế sự nghiệp của Lão tướng Phạm Tu quê ở Thanh Liệt.

Cám ơn sự động viên giúp đỡ và chia sẻ của bạn đọc gần xa.

Long Biên, ngày 08/10/2009

Tháp Bút

Share this post


Link to post
Share on other sites