wildlavender

Nữ Sĩ Ngân Giang: Tình Báo Viên Lặng Lẽ

13 bài viết trong chủ đề này

Nữ sĩ Ngân Giang: Tình báo viên lặng lẽ

Posted Image

Nữ sĩ Ngân Giang.

Cuộc đời nữ sĩ Ngân Giang là một cuộc đời đặc biệt, diệu kỳ nhưng dù ở hoàn cảnh nào, dù khó khăn gian khổ đến mấy vẫn vẹn nguyên tinh thần dân tộc như thơ nữ sĩ đã viết:

"Hãy gác tình riêng mưu nghiệp lớn.

Để dòng máu giặc dội biên cương".

Nữ sĩ Ngân Giang, một tài thơ sớm nổi danh từ trước cách mạng tháng Tám, được mệnh danh là nữ hoàng Đường thi Việt Nam với trên 4.000 thi phẩm. Rất nhiều điều đặc biệt xung quanh cuộc đời nữ sĩ. Trong những ngày toàn quốc kháng chiến, thân gái dặm trường, nữ sĩ Ngân Giang lặn lội đến tận Bắc Giang mua tặng Trung đoàn Thủ đô 30 tấn gạo góp phần để chiến sĩ Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Nữ sĩ Ngân Giang cũng là người được Hồ Chủ tịch gửi thơ khen tặng khi tự tay thêu bức trướng gửi tặng Bác: Mấy lời cảm tạ Ngân Giang/ Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu. Đã hơn 60 năm kể từ ngày nhận những vần thơ liên tài ấy, nữ sĩ cũng đã đi xa, nhưng "Tiếng vọng sông Ngân" vẫn đang còn vang mãi.

Dòng sông Ngân, dòng sông trời chưa bao giờ thôi chảy? Nữ sĩ Ngân Giang của 70 năm, 60 năm trước, của hôm qua và hôm nay dường như không có tuổi. Ai nào đi tính tuổi nhà thơ, hơn nữa một người được giới văn chương tiền chiến mệnh danh là nữ sĩ. Ngân Giang sinh ra ở Hàng Trống - Hà Nội năm 1916, con nhà nho học danh gia vọng tộc một thời đã sớm nở tài thi họa, đã tự viết tên mình trong làng văn đất Việt trước năm 1945. Làm thơ từ khi mới 6 tuổi, giới văn chương ngày ấy vẫn gọi nữ sĩ là bậc thần đồng. Năm 1944, tập thơ "Tiếng vọng sông Ngân" nức tiếng thi đàn. Rồi kháng chiến, rồi chiến tranh và hòa bình, bao nhiêu chìm nổi với một cuộc đời nữ sĩ - chiến sĩ cách mạng có gần 90 tuổi trời cũng là ngần ấy mùa màng của thơ ca.

Hà Nội, mùa đông 1946. Thực dân Pháp hiếu chiến và quỷ quyệt bội ước nổ súng vào đồng bào ta. Hồ Chủ tịch kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Hỡi đồng bào, chúng ta phải đứng lên! Lời Người cũng là lời hiệu triệu toàn thể con dân đất Việt vùng lên bảo vệ, giành lấy cuộc đời mình, bảo vệ non sông Tổ quốc mình.

Trong những ngày ác liệt ấy, nữ sĩ Ngân Giang, một con người tài sắc nổi tiếng lập tức tham gia chiến đấu. Khi thì uyển chuyển linh hoạt vào tận hang cọp Tàu Tưởng để cứu các bạn đồng chí, khi thì chăm sóc bộ đội, thương binh. Khi nhạc sĩ Đỗ Nhuận bị bọn Tàu Tưởng bắt giữ, Ngân Giang với sắc đẹp và bản lĩnh của mình đã trực tiếp gặp những tên tướng Tàu đề nghị trao trả tự do cho người nhạc sĩ tài hoa, đó cũng là cái bụng liên tài của nữ sĩ. Hình ảnh một Ngân Giang dịu dàng, quyết liệt mà vẫn rất mực tinh tế, nho nhã còn in sâu trong ký ức của nhiều người.

Bác Lê Duy Chữ, cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Cục phó Cục Bảo vệ chính trị, Ban Nội chính Trung ương khi trao đổi với chúng tôi có kể ra một câu chuyện khá đặc biệt về tài ứng xử của Ngân Giang khi nhiều lần vào hang cọp. Thực ra, nữ sĩ xứng đáng là những chiến sĩ tình báo đầu tiên của cách mạng Việt Nam nhưng với bản tính kẻ sĩ của mình, lúc thường thời, rất ít khi bà nhắc về những chiến công lặng lẽ ấy mà chỉ đắm đuối với thơ ca.

Ngân Giang là thế. Luôn một lòng đi theo cách mạng. Cuộc đời nữ sĩ là một cuộc đời đặc biệt, diệu kỳ nhưng dù ở hoàn cảnh nào, dù khó khăn gian khổ đến mấy vẫn vẹn nguyên tinh thần dân tộc như thơ nữ sĩ đã viết "Hãy gác tình riêng mưu nghiệp lớn/ Để dòng máu giặc dội biên cương". Các bạn văn của nữ sĩ hôm nay, thảy đều khâm phục một Ngân Giang tài sắc vẹn toàn, trước sau như một, với dân tộc, với Đảng, với Bác Hồ và sống vô cùng nhân hậu với gia đình, với bằng hữu văn chương.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải, một người chuyên viết tiểu thuyết lịch sử, khi nghe tin chúng tôi quay những thước phim về cuộc đời và thơ ca của Ngân Giang đã không quản xa xôi, đi xe ôm từ Yên Tử về với người chị tri kỷ của mình. Sinh thời, nữ sĩ Ngân Giang rất yêu mến cậu em Hoàng Quốc Hải và luôn hy vọng sẽ làm được một cái gì đấy cho văn chương, cho lịch sử. Hôm ấy Hoàng Quốc Hải ngồi im lặng rất lâu trước bức ảnh người chị tóc trắng, áo dài trắng tuyệt đẹp đã chu du cõi phật. Tôi dường như thấy được những giọt nước mắt của nhà văn dành cho người chị tri kỷ của mình.

Nhà văn bảo có những hôm trời lạnh, khi ấy nữ sĩ còn bán nước chè ở ngoài đê sông Hồng. Sông mùa đông gầy guộc thắt lại như một sợi chỉ bạc. Hai chị em rét run cầm cập nhìn dòng sông Mẹ chảy như vô định về phía chân trời. Rồi nữ sĩ khẽ ra hiệu mời cậu em vào nhà đốt một nén hương trầm rồi đọc những câu thơ viết về vùng biên ải. "Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa/ Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi…" cậu em chợt lặng người trước tâm tư ưu thời của nữ sĩ.

Thi phẩm của nữ sĩ Ngân Giang trải 80 năm sáng tác có thể nói là rất đồ sộ. Khởi từ 6 tuổi đã viết câu thơ đầu tiên, đến 9 tuổi đã có bài "Vịnh Kiều" nổi tiếng, 16 tuổi in tập thơ "Giọt lệ xuân" được văn giới và báo giới trước cách mạng hết sức ngợi khen, mặc nhiên coi nữ sĩ là bậc thần đồng. Thời ấy, nữ sĩ Ngân Giang thường xuyên xuất hiện trên các báo, tạp chí "Phụ nữ thời đàm", "Tri tân" "Tiểu thuyết thứ bảy". Và năm 1944, tập thơ nổi tiếng nhất của nữ sĩ gây xôn xao dư luận, đó chính là "Tiếng vọng sông Ngân", và tiếp đó, trong kháng chiến với những: "Xuân chiến địa", "Trưng nữ vương", "Tiễn con ra trận"… để từ ấy, nữ sĩ được giới văn chương gọi là Nữ hoàng Đường thi Việt Nam, đó là một phần thưởng vô giá đối với người cầm bút.

Khi chúng tôi đến phỏng vấn Giáo sư Vũ Khiêu về tài năng cũng như đức độ của nữ sĩ Ngân Giang, đã nhận được ở ông những lời giản dị và sâu sắc về một tài thơ truân chuyên nhưng đầy cá tính, một nhân cách theo ông là không dễ thấy ở đời. Ông cho biết trong những ngày khó khăn nhất, chị Ngân Giang vẫn luôn luôn lạc quan, tin vào thơ ca, tin vào cách mạng và đặc biệt tin tưởng vào tài đức của Cụ Hồ. Hiếm có một người nào như Ngân Giang, càng khó khăn về vật chất, càng tin tưởng vào những gì mình đã lựa chọn.

Nữ sĩ Ngân Giang có cuộc đời riêng cực kỳ truân chuyên, vất vả. Và, cũng không một ai ngờ được người con gái tài sắc nhường ấy đã tự nguyện trải đời mình theo tất cả các cuộc chiến tranh cách mạng chỉ với một mục đích duy nhất là làm thơ và đánh giặc. Cuộc đời làm thơ, cuộc đời cách mạng của nữ sĩ là một tấm gương tiêu biểu của kẻ sĩ trước họa xâm lăng. Tấm lòng của nữ sĩ Ngân Giang khó nói hết thành lời nhưng qua thơ của nữ sĩ, chúng ta đã phần nào hiểu được tấm lòng ấy.

Nữ sĩ Ngân Giang là hội viên tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957), một Ngân Giang - chiến sĩ - hội viên cứu quốc thành Hoàng Diệu (1946) và trước đó nữa, nữ sĩ Ngân Giang của giới văn chương tiền chiến, nổi danh đồng thời với Đông Hồ, Mộng Tuyết, Hằng Phương, Vũ Hoàng Chương, Vân Đài, Quách Tấn, Đoàn Phú Tứ…

Thời gian nước chảy chân cầu, dù ngược dòng ghềnh thác hay êm thuận trôi xuôi thì những gì mà Ngân Giang đã làm với thơ ca, với cách mạng và với gia đình, cũng đều thật đáng trân trọng.

Chị Tường Vân, con gái nữ sĩ Ngân Giang cho biết có những đêm, mẹ tôi lặng lẽ đốt hương trầm thầm gọi tên những người bạn thơ tài danh một thuở nhưng biết bao binh biến, đắng cay, thua thiệt giáng xuống đầu họ và mơ ước ở chốn vô cùng những tài danh ấy sẽ vẫn quần tụ bên nhau, bên thơ ca mà bộc lộ tâm can chí hướng của mình. Những năm cuối đời, nữ sĩ rất ít nói. Những gì cần nói, bà đã bộc lộ ra thơ ca cả. Bà vẫn dạy các con ở đời phải biết im lặng. Bản thân bà cũng luôn im lặng trước những biến động khôn cùng mà dâng mật cho đời.

Cuộc đời thường của nữ sĩ Ngân Giang đã từng là đề tài cho văn giới và báo giới còn có không ít những chi tiết nhuốm màu huyền thoại. Tình riêng nhiều trắc trở nhưng ở nữ sĩ tình yêu Tổ quốc và tình yêu con người hiếm có ai đạt được như vậy. Nhìn vào khối lượng thơ ca của nữ sĩ Ngân Giang. Nhìn vào cuộc đời cách mạng gian nan của người chiến sĩ tự vệ thành Ngân Giang, những người cầm bút đều thốt lên từ đáy lòng. Thật là thán phục! Tất cả, tất thảy những bài viết về nữ sĩ Ngân Giang đều xuyên suốt một tinh thần ấy.

Nữ sĩ Ngân Giang tên thật là Đỗ Thị Quế, quê gốc ở thôn Hướng Dương, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây cũ. Nơi làng mạc, cánh đồng ấy không nhiều màu mỡ nhưng dày dặn văn hóa, phong tục, chuông khánh, đình chùa. Và xa kia là sông Đà Giang ghềnh thác, cao kia là núi Tản Viên Sơn đá xanh mây trắng. Quê hương gói một tâm hồn riêng biệt Ngân Giang, biểu hiện và hiển hiện thành khí phách thơ Ngân Giang.

Hôm nay, tiết cuối thu, nhân dân nơi quê hương lặng lẽ đến với người con yêu quý của mình, theo một cách riêng của những người dân xứ Đoài mây trắng. Bên mộ nữ sĩ Ngân Giang, trời xanh như xanh hơn, đất thắm như thắm hơn và dường như hương hoa cũng thơm hơn, dắt dìu, bảng lảng. Nữ sĩ ở đây, như đang mỉm cười, như đang trò chuyện, rì rầm, từ trong lòng đất ấm với họ hàng, làng mạc, quê hương.

Bên nấm mộ mẹ, anh Nguyễn Thức, con trai nhà thơ Ngân Giang không cầm được dòng nước mắt. Mẹ đã cho anh tất thảy niềm tin và lẽ sống ở đời, đã dạy anh biết chắt chiu những gì nhỏ bé nhất để lớn lên và làm người, làm thơ và yêu cuộc sống cần lao của chính mình. Tấm lòng của mẹ đến khi những người con hiểu ra thì mẹ đã ở rất xa, đã ở một cõi khác. Các con của nữ sĩ Ngân Giang đều thừa hưởng đức tính biết yêu thương và chia sẻ, nếp gia phong truyền thống của gia đình.

Nữ sĩ Ngân Giang, từ "Tướng phủ thơ từng treo giải nhất/ Non hồng sống mãi một dòng Ngân", chiến sĩ Ngân Giang, từ "Đây cả tấm lòng dâng chiến sĩ/ Quên tình riêng nhé, nhớ giang san" đã thuỷ chung một cuộc đời, đã dâng trọn cho thơ ca và cách mạng. Và, cũng chính thơ ca và cách mạng, đã tô thắm cuộc đời nữ sĩ Ngân GiangPosted Image

Phùng Văn Khai

nguồn CAND.com.vn

Share this post


Link to post
Share on other sites

Theo lời kể của mẹ tôi:

Bà hoạt động chống Pháp từ năm 42 và đã bị bắt, nhưng sau thả ra. Cha tôi - Nguyễn Văn Thành tức Trần Quang Hy, một trong tứ trụ Y Dược Việt Nam: Tam Hy, Tứ Lợi (Đỗ Tất Lợi) và là một trong số 4 người sáng lập Viện Nghiên cứu Đông y Việt Nam theo quyết định của Hồ Chủ Tịch - tham gia chống Pháp từ năm 44. Ông là Chánh văn phòng Hanoi đầu tiên sau khi cướp chính quyền năm 45. Mẹ tôi là chủ tịch phụ nữ thành Hoàng Diệu (Tức Hanoi) từ năm đó. Việc mẹ tôi một mình vào đại bản đoanh của Lư Hán cứu Đỗ Nhuận bị phe Quốc Dân Đảng Việt Nam bắt (Cũng hoạt động nội thành hồi bấy giờ theo phe Việt Minh) là hoàn toàn có thật. Ông Đỗ Nhuận lúc còn sống xác nhận điều này.

V/v này mẹ tôi kể:

Khi mẹ tôi và Lư Hán (Tổng tư lệnh quân QDĐ Trung Hoa Dân Quốc) đến đại bản doanh của Quốc Dân Đảng Việt Nam. Bên Quốc Dân Đảng Việt Nam cho một thanh nữ rất đẹp ra tiếp Lư Hán. Mẹ tôi nói khích Lư Hán: "Những người này đã dám đem nữ sắc để lung lạc một anh hùng như Ngài". Lư Hán tức điên lên và yêu cấu thả Đỗ Nhuận cùng bốn vị nữa ngay lập tức.

Tôi hỏi mẹ tôi: Sao người đẹp như vậy mà không làm Lư Hán lung lạc. Mẹ tôi mỉm cười nói: "Tao đẹp hơn nhiều". Tôi hỏi: "Rồi sau đó Lư Hán có tìm đến mẹ không?". "Tất nhiên là sau đó tao phải trốn mất. Sao mày hỏi ngu thế?". Lúc ấy tôi chỉ khoảng 21 tuổi.

Năm 49, một nách năm con (Người nhỏ nhất hai tuổi) với bụng mang dạ chửa tôi, nên bà không thể theo kháng chiến được nữa và về Hanoi. Bài thơ "Chiều Cát Bụi" nổi tiếng của bà làm thể hiện tâm trang này. Nhưng bà tiếp tục hoạt động bí mật và là người lên kế hoạch ám sát tướng tổng tư lệnh Pháp tại Đông Dương, do điều kiện của bà được tiếp xúc với ông ta. Tất nhiên chấp nhân chết sau đó. Theo bà thì chính nguyên Chủ Tịch nước Trường Chinh đã yêu cầu hoãn kế hoạch này.

Tất cả là theo lời kể của mẹ tôi.

Dòng họ cha tôi 4 đời làm quan đại thần. Chỉ đến thế hệ chúng tôi là hết lộc, nhưng cũng đem lại cho đời những tài danh như: Kiều Chinh - nữ tài tử điện ảnh thuộc Việt Nam Công Hòa trước 75. Quách Thị Hồ - nghệ sĩ nhân dân Việt Nam (Mẹ của các vị này là chị của cha tôi. Cha tôi còn có người chị ruột lấy anh ruột ông Trịnh Đình Thảo).

Có lẽ vì vậy trong ý tưởng của tôi không có khái niệm "Tổ tiên ta "ở trần đóng khố"".

-----------------

CHIỀU CÁT BỤI

Ngân Giang Nữ sĩ

Tặng các bạn đồng điệu Hanoi.

...........................Giờ đây gió lộng sa trường

...........................Xiêm y danh tướng còn vương mảnh đời."

Xác ở đây mà hồn ở đâu ?

Cỏ cây năm cũ đã phai màu ,

Đất lầm gió loạn dồn thương nhớ

Bọn chúng ta về giữa bể dâu !

Ngừng ngập đôi chiều câu chuyện cũ

Bẽ bàng vạn thuở mảnh trăng thâu ;

Có bầy chim nhỏ rời biên cảnh

Cánh bạt kinh thành, xót lẫn nhau .

Để những đêm dài chuông Trấn Quốc

Vẫn đều dều rót điệu thê lương ,

Để những đêm vàng trăng Tháp cũ

Vẫn rầu rầu nhớ nẻo biên cương …

Tới đây, cười, khóc tôi như bạn

Cơm áo qua ngày, thẹn nắng sương ;

Bút dẫu tô ngời thành quách cũ

Tình còn giữ mãi ở muôn phương .

Cai Hạ vẫn ngờ hồn chiến bại

Giờ nào còn nhớ địch Trương Lương ?

Trắng đêm thuở ấy người danh tướng

Có trắng mái đầu của bốn phương ?

Nàng trở gót ,cười say cát bụi

Cuốc kêu ngày vắng lạnh sông hồ;

Bóng hình dẫu tạm chia hai lối

Tâm sự cũng là dệt gấm thơ !

Riêng buồn ngọc, đá xô nghiêng ngả

Danh sĩ, giai nhân lỡ sống còn ;

Máu lửa khoan reo, ngừng chút đã !

Thuở thanh bình hỡi ! Nẻo hoàng hôn…

Ở đây đất loạn người thua vật

Cuối ải đầu thành sống lắt lây .

Có chốn bên đèn mươi giọt lệ

Lại nơi lữ quán nửa chiều say

Share this post


Link to post
Share on other sites

Kính cụ Thiên Sứ

Qua các bài viết trên liêm trinh thấy mọi chuyện thật có lý!!!!!! Hóa ra hồn tổ quốc đã ngấm thật sâu vào cụ qua truyền thống của bố mẹ cụ và đặc biệt qua hồn thơ của người mẹ cụ.

Kính cụ

Share this post


Link to post
Share on other sites

Ải bắc quân thù kinh vó ngựa

Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi

Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá,

Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi...

(Nữ sĩ Ngân Giang)

Share this post


Link to post
Share on other sites

cháu tới nhà Chú TS mấy lần thì lần nào cũng say sưa ngắm ảnh Cụ vì cụ đẹp quá, da trắng hồng không một nếp nhăn, tóc trắng như cước. Nhìn hình Cụ cháu luôn cảm thấy rất quen nhưng không thể nhớ ra đã được thấy hình Cụ ở đâu thì phải. Giờ thì mới biết, cảm ơn cô Wildlavender đã đưa bài viết lên điễn đàn ạ.Để mọi người được biết đến những vầng thơ rất hào sảng và sang trọng, đầy khí phách nhưng cũng rất mềm mại chất nữ nhi.

giờ thì cháu cũng biết tại sao Chú lại biết làm thơ và sáng tác truyện :( cháu rất hy vọng có dịp được xem thêm nhiều bức hình của Cụ vì thơ Cụ hay nhưng hiện giờ cháu sẽ không nhớ, nhưng xem hình sẽ nhớ mãi :(

Share this post


Link to post
Share on other sites

Xin cảm ơn các bác và anh chị em chia sẻ.

Mẹ tôi rất nghèo.

Mười năm quét là trên sông.

Hình hài để lại cái còng trên lưng.

Hồi còn trẻ, có lần tôi hỏi mẹ tôi: "Sao mẹ cứ làm thơ để nghèo mãi vậy?". Mẹ tôi cười nói với tôi: "Tao mà muốn giàu, không cần đến trí thông minh".

Share this post


Link to post
Share on other sites

Cái nhạy cảm, đa sầu và thông minh của bà, chú Thiên Sứ mang rất nhiều. Có lẻ điều này được chú phát huy mạnh mẽ trong nghiên cứu lý học phương đông chăng !!!

Share this post


Link to post
Share on other sites

Cái nhạy cảm, đa sầu và thông minh của bà, chú Thiên Sứ mang rất nhiều. Có lẻ điều này được chú phát huy mạnh mẽ trong nghiên cứu lý học phương đông chăng !!!

Chính xác là như vậy. Cảm ơn Thiên Huy! Ngày xưa, khi mẹ tôi về Bến Tre - trên chuyến xe quay trở về Sài Gòn - có nói với tôi - "Con hãy nghiên cứu và đi sâu vào các v/d liên quan đến Triết học".

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tôi thích nhất bài Trưng Nữ vương của nữ sĩ,

Ải bắc quân thù kinh vó ngựa

Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi

Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá,

Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi

Hai Bà Trưng oai hùng trước ba quân, hùng dũng kinh khiếp quân thù, nhưng 2 câu kết sao lại thấy Hai Bà thật là phụ nữ Việt Nam, vẫn mong có một bờ vai để tựa vào. Riêng với tôi có lẽ đây là hình ảnh đẹp nhất mà tôi đã từng thấy tả về phụ nữ Việt.Thơ của Ngân Giang đọc có một cái gì đó phảng phất như Bà Huyện Thanh quan sự mộc mạc giản dị toát lên nét đẹp cao sang khuôn phép của thơ Đường.

Thi Nhân tiền chiến của Hoài Thanh không ghi chép gì về bà thật là đáng tiếc lắm sao. Hi vọng có ngày cùng ngâm thơ của nữ sỹ với anh Thiên Sứ-con trai của bà. Thật không ngờ anh lại là con trai của một nữ sỹ mà tôi rất hâm mộ-thật cảm ơn anh nhiều

Share this post


Link to post
Share on other sites

Có lẽ vì vậy trong ý tưởng của tôi không có khái niệm "Tổ tiên ta "ở trần đóng khố"".

Tôi nghĩ không cần là xuất thân danh giá cũng hiểu được tổ tiên ta 5000 năm mà ngay những người bình dân nhất như tôi cũng không dám có ý nghĩ tổ tiên ta là 15 bộ lạc. Tôi nhớ năm 1992 khi ông GS sử học PHL phát biểu rất hài lòng là trong hiến pháp nước ta đã không còn ghi câu Nước Việt Nam trải qua hơn 4000 năm lịch sử, lúc đó chẳng hiểu sao mà nước mắt tôi cứ chảy ra. Chối bỏ tổ tông mà họ thấy sung sướng vậy ư. Xin chia sẻ cùng anh Thiên Sứ.

Kính

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tôi nghĩ không cần là xuất thân danh giá cũng hiểu được tổ tiên ta 5000 năm mà ngay những người bình dân nhất như tôi cũng không dám có ý nghĩ tổ tiên ta là 15 bộ lạc. Tôi nhớ năm 1992 khi ông GS sử học PHL phát biểu rất hài lòng là trong hiến pháp nước ta đã không còn ghi câu Nước Việt Nam trải qua hơn 4000 năm lịch sử, lúc đó chẳng hiểu sao mà nước mắt tôi cứ chảy ra. Chối bỏ tổ tông mà họ thấy sung sướng vậy ư. Xin chia sẻ cùng anh Thiên Sứ.

Kính

Chân thành cảm ơn anh Mộc Công nhắc nhở. Đúng là dù có xuất thân từ tầng lớp nào, Con người vẫn trân trọng tổ tiên của mình. Bản thân tôi, dòng dõi hết lộc, nên cuộc đời hồ hải lắm lúc hơn kẻ ăn mày cũng chỉ ở chỗ chưa ngửa tay xin tiền thôi.

Nhưng những kẻ tiểu nhân đắc chí lại nhân danh khoa học để phủ nhận tổ tiên. Họ không nhân danh chính trị và các giá trị đạo đức. Tôi nói đến tổ tiên tôi, là muốn nói đến sự chủ quan của riêng cá nhân tôi thôi.

Có lần, lúc mẹ tôi còn sống có nói về một cuốn sách có nhiều bài viết của nhiều tác giả. trong đó có Trần Quốc Vương.Tôi nói với mẹ tôi: "Trần Quốc Vương là ngườii phủ nhận tổ tiên của dân tộc Việt đấy. Mẹ mà viết chung sách với họ sẽ mất uy tín". Mẹ tôi giật mình và nói: "Từ nay tao sẽ không viết chung với ông ta nữa". Ngày tổ chức hội thảo về thơ Ngân Giang ở Văn Miếu (Năm kia), tôi nói thẳng: "Tôi sẽ không tài trợ và tham gia, nếu họ để Phan Duy Kha vào là một tác giả viết tham luận". Ngay cả cuộc hội thảo Phong thủy kỳ này - Mặc dù do TTNCLHDP đứng ra tổ chức với sự bảo trợ của hội DNA - nhưng cá nhân tôi sẽ không tham gia , nếu có chỉ một người trong cái đám "hầu hết" có bài tham luận , hoặc phát biểu chính thức, mà tôi phát hiện được.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Thế như :

Thi nhân hữu chân truyền

Danh gia đa học giả

Không có lời nào hơn tỏ lòng tôn kính Cụ, và ngưỡng vọng Anh Thiên Sứ.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay