Trần Phương

Có Nên Cải Tiến Cồng - Chiêng ?

3 bài viết trong chủ đề này

Có nên cải tiến cồng - chiêng ?

Cải tiến cồng - chiêng là một quy luật tất yếu mà chắc chắn không thể cản trở được. Bởi muốn tồn tại, tự thân cồng- chiêng phải thay đổi để phù hợp với xã hội phát triển

Thời gian qua, thanh niên các dân tộc Gia Rai, Ba Na ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum thường chỉnh âm các dàn chiêng từ thang 5 âm thành thang 7 âm để có đủ các nốt nhạc, đánh được các bài nhạc mới. Hiện tượng này diễn ra khá phổ biến ở nhiều buôn làng và họ gọi là chiêng “cải tiến” hay chiêng “thanh niên”. Khi đánh, đồng bào treo bộ chiêng lên thành một hàng dài cho một người sử dụng, chứ không cần cả một đội nghệ nhân như cách đánh truyền thống. Họ đánh cả các bài bản cổ và nhiều nhất là các bài nhạc mới, kể cả nhạc phương Tây. Hiện tượng này khiến trong giới nghiên cứu đã có nhiều ý kiến khác nhau.

Cồng – chiêng cũng cần hội nhập

Một số người cho rằng: “Cải tiến cồng- chiêng là làm mất đi bản sắc văn hóa của cồng- chiêng, hòa âm kém và không điều khiển được tiếng chiêng khi vang, khi ngắt”...

Nhưng những ý kiến khác (trong đó có chúng tôi) thì ngược lại: Giai đoạn lịch sử nào cũng có các sản phẩm âm nhạc của nó. Cồng- chiêng Tây Nguyên trong thời kỳ giao lưu văn hóa toàn cầu không thể khư khư giữ mãi cách đánh cũ và chỉ thể hiện được các bài dân ca cổ của dân tộc.

Trong giao lưu âm nhạc với các dân tộc trên thế giới, nếu dùng cồng- chiêng Tây Nguyên của Việt Nam thể hiện được các bản nhạc đa âm của họ thì chắc chắn sẽ làm họ thích thú và quý mến chúng ta hơn là ta cứ nói: “Cồng- chiêng của chúng tôi chỉ đánh được các bản nhạc của dân tộc tôi mà thôi!”. Vì vậy, ngoài việc bảo tồn các bộ chiêng cổ, các bài bản cổ, cần đưa Cồng- chiêng hội nhập với trào lưu âm nhạc chung của nhân loại.

Posted Image

Nghệ nhân Gia Rai đang chỉnh âm cồng - chiêng. Ảnh: ĐÀO HUY QUYỀN

Ta đã biết, âm nhạc Việt Nam đầu thế kỷ 20 vẫn còn là một nền âm nhạc dân gian. Khi người Pháp đưa nhạc phương Tây vào thì ở VN mới bắt đầu có phong trào hát nhạc Tây. Dần dần chuyển sang lấy nhạc Tây đặt lời Việt. Một thời gian sau, ta mới có nhạc Việt, lời Việt và dần dần phát triển thành nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. Rõ ràng là nền âm nhạc dân gian Việt Nam đã phát triển đến hiện đại nhờ sự tác động, thúc đẩy từ bên ngoài.

Tương tự như vậy, việc cải tiến cồng- chiêng là một quy luật tất yếu mà chắc chắn không thể cản trở được. Bởi muốn tồn tại, tự thân cồng- chiêng phải thay đổi để phù hợp với xã hội phát triển, chưa kể hiện nay nó đang chịu sự tác động rất mạnh mẽ từ bên ngoài.

Do đó, việc cải tiến cồng- chiêng hiện nay vẫn không ngừng diễn ra ở các buôn làng Tây Nguyên. Theo chúng tôi, đó là sự chuyển tiếp của quá trình phát triển văn hóa. Rất có thể nó cũng đang ở thời kỳ manh nha, chuyển dần từ một nền âm nhạc cồng- chiêng dân gian sang nền âm nhạc cồng- chiêng hiện đại trong tương lai?

Nếu nhìn chiêng “cải tiến” dưới góc nhìn “động” thì rõ ràng nó đáp ứng được nhu cầu sáng tạo tại chỗ và thưởng thức âm nhạc ngày càng cao của thanh niên ở các buôn làng.

Ưu điểm vượt trội

Thanh niên các dân tộc Tây Nguyên ngày nay không thích chơi những bài chiêng cổ vì nó đơn điệu. Bài chiêng chỉ có một câu nhạc cứ đánh đi, đánh lại suốt cả ngày, gây nhàm chán. Còn chiêng “cải tiến” muốn đánh bài nào cũng được.

Mặc dù chiêng “cải tiến” có những hạn chế nhất định: bè trầm bị kém, hòa âm không dày, âm sắc của tiếng chiêng thường ngân dài, để lại bội âm quá mức, không điều khiển tiếng chiêng khi ngắt, khi vang theo sắc thái của bài nhạc.

Nhưng phải thừa nhận rằng các bộ chiêng “cải tiến” đã đạt được những thành quả đáng kể trên nhiều phương diện: Đáp ứng được nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa tại chỗ của thanh, thiếu niên trong xã hội mới ở các buôn làng Tây Nguyên; đánh được nhiều bài nhạc mới, kể cả nhạc phương Tây, nhưng vẫn đánh được tất cả các bài chiêng cổ và dân ca cổ của dân tộc; chỉ cần một, hai người sử dụng, không cần huy động cả một đội nghệ nhân mà bài chiêng vẫn đạt hiệu quả cao; phù hợp với nghi thức lễ hội của thời đại mới ở địa phương nhưng vẫn phục vụ được các nghi lễ truyền thống của dân tộc.

Đặc biệt, giai điệu chiêng “cải tiến” hay hơn, tiết tấu phong phú hơn, khắc phục cách đánh cũ là chỉ có một câu nhạc đánh quay đi, quay lại nhiều lần. Rất thuận lợi khi trình tấu riêng lẻ (độc tấu) và hòa tấu với các nhạc khí khác.

So sánh giữa chiêng cổ với chiêng “cải tiến”, chúng ta thấy chiêng “cải tiến” có nhiều ưu điểm vượt trội. Thiết nghĩ, những cái “được” của các bộ chiêng “cải tiến” sẽ lớn hơn rất nhiều những cái “mất” vừa nêu trên.

Nếu chúng ta vừa bảo tồn được các bộ chiêng cổ, các bài bản cổ, vừa phát triển các bộ chiêng “cải tiến”, chắc chắn cồng- chiêng Tây Nguyên vẫn giữ được bản sắc riêng. Đồng thời nó dễ hội nhập với nền âm nhạc của các dân tộc khác trên thế giới và vẫn xứng đáng là “Kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại”.

Thạc sĩ-nhạc sĩ Đào Huy Quyền (Phó Tổng Thư ký Hội Dân tộc học TPHCM)

====================================================

Không nên ngăn cản các địa phương cải tiến cồng- chiêng mà cần tôn trọng quy luật phát triển tự nhiên của nó. Việc đồng bào đánh bài gì; cả một tập thể đánh hay một người, hai người đánh; bộ chiêng có cấu trúc thang âm ra sao... còn phụ thuộc vào quá trình phát triển, giao lưu kinh tế, văn hóa của từng giai đoạn lịch sử, chứ hoàn toàn không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của các nhà quản lý văn hóa.

====================================================

Luôn chịu sự tác động từ bên ngoài

Cồng- chiêng không phải là thứ văn hóa “tĩnh” chỉ nằm yên một chỗ từ xưa đến nay. Khởi thủy có lẽ người Tây Nguyên chỉ sử dụng 1 chiếc chiêng (chiêng Buàr của người Xơ Đăng), dần dần họ dùng 2 chiếc (chiêng Tha của người Brâu), rồi 3 chiếc (chiêng T’rum, chiêng Vang của người Gia Rai, chiêng So của người Ba Na...) Sau này, các dân tộc đều có cách làm với nhiều bộ chiêng từ 4, 5, 6, 8, 9 đến 18 chiếc, với nhiều tên gọi khác nhau.

Ngày xưa, dàn chiêng cổ chỉ được dùng để đánh tiết tấu, với 1 âm, 2 âm rồi 3 âm. Từ những âm hạt nhân cơ bản đó, sau này do nhu cầu đồng bào đã tăng số lượng ở cả phần đệm và phần giai điệu.

Hiện nay, đa số các dàn cồng- chiêng đều đã biến đổi về số lượng, thang âm, điệu thức và thậm chí cả cách đánh nữa. Rõ ràng lịch sử phát triển của cồng - chiêng Tây Nguyên luôn luôn chịu sự tác động của xã hội

====================================================

(Theo báo Người Lao Động)

http://www.nld.com.vn/20091012115457606P0C...cong-chieng.htm

Share this post


Link to post
Share on other sites

Vấn đề là:

Tại sao các nhu cầu về thanh âm của nhạc hiện đại lại không thể hiện được những thanh âm do nhu cầu nhạc dân tộc cần ở Cồng chiêng?

“Cải tiến cồng- chiêng là làm mất đi bản sắc văn hóa của cồng- chiêng, hòa âm kém và không điều khiển được tiếng chiêng khi vang, khi ngắt”...

Hoặc:

Mặc dù chiêng “cải tiến” có những hạn chế nhất định: bè trầm bị kém, hòa âm không dày, âm sắc của tiếng chiêng thường ngân dài, để lại bội âm quá mức, không điều khiển tiếng chiêng khi ngắt, khi vang theo sắc thái của bài nhạc.

Gọi là "Âm nhạc hiện đại" là "phát triển" mà lại mất đi những yếu tố vượt trội của quá khứ thể hiện thanh âm sao? Phải chăng, chính quá khứ mới là sự phát triển đỉnh cao, nên mới có những như cầu về thanh âm phức tạp thể hiện trên nhạc cụ mà ngày nay không có? Phải chăng, sự hủy diệt của thời gian tạo nên tính thất truyền, khiến những bản nhạc trở nên nhàm chán đơn điệu. Còn quá khứ một thời huyền vĩ?

Phải chăng, chính vì chúng ta dốt nát, nên không thể giới thiệu một cách rộng rãi những cái hay, cái đẹp của chúng ta nên đành phải chạy theo họ - Cải tiến cả nhạc cụ dân tộc để phù hợp với thị hiệu của người nước ngoài.

? Tại sao chúng ta không cho người nước ngoài hiểu được cái tế vi của âm nhạc Việt mà cống chiêng Việt thể hiện ? Phải chăng vì chúng ta ngu dốt nên không thể hiện được sự tinh tế của dân tộc chúng ta để người nước ngoài khâm phục.

Nếu nghe nhạc nước ngoài bằng cồng chiêng thì tôi nghĩ: Họ và có lẽ cả chúng ta nên nghe những bản nhạc ấy bằng chính nhạc cụ hiện đại sẽ hay hơn nhiều. Còn dùng nhạc cụ dân tộc để thể hiện nhạc nước ngoài thì nó chỉ lạ mà thôi.

Chắc chẳng còn cái gì nữa từ những ý kiến dốt nát này.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Cồng chiêng Tây nguyên - tầm vóc nhân loại

Thứ bảy, 30 Tháng mười 2004, 14:34 GMT+7

TTCN - Một cuộc trình diễn cồng chiêng chưa từng có qui tụ 200 nghệ nhân của tám dân tộc Gia rai, B"râu, Churu, M’nông, Êđê, Mạ, Xêđăng và Bahnar tại khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội) ngày 12-10 vừa qua.

Posted Image

Đó cũng là “đề dẫn” cho cuộc tọa đàm “Giá trị văn hóa của các nhạc cụ gõ bằng đồng của VN và các nước trong khu vực”.

Cuộc trình diễn nhằm tôn vinh không gian văn hóa cồng chiêng năm tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, KonTum, Lâm Đồng), tiến tới lập hồ sơ trình UNESCO xét duyệt như một kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại đợt 3 - 2005.

Một nghệ thuật tự nhiên

“Một cảm giác hoành tráng, thiêng liêng sẽ trỗi dậy trong ta khi nghe dàn cồng chiêng Gia Rai và Bahnar trình diễn” (GS Tô Ngọc Thanh). Đó chính là cảm giác mà nhiều người đã trải nghiệm qua phần trình diễn của 40 nghệ nhân Bahnar với dàn cồng chiêng tái hiện lễ Đâm trâu, Mừng nhà rông, Mừng lúa mới, Mừng đám cưới, Mừng được mùa, Bỏ mả...

Cồng chiêng Tây nguyên là nơi tiết tấu và giai điệu gặp nhau. Mỗi nhạc công chơi một nốt và một mô hình tiết tấu, kết hợp lại thành bè, thành giai điệu.

“Cồng chiêng Tây nguyên bảo lưu được hình thức diễn xướng tập thể - cộng đồng, hợp tấu bằng cách nghe nhau, tức phải có tâm linh cộng đồng ứng vào - GS Tô Vũ khẳng định - Hoàn toàn xa lạ với việc cá nhân hóa, nghệ sĩ hóa người biểu diễn, văn hóa cồng chiêng chỉ còn ở Đông Nam Á, và nguyên thủy nhất là ở Tây nguyên”. TS Vũ Nhật Thăng cho rằng cồng chiêng dựa theo hàng âm của ống hơi không khoét lỗ bấm - loại nhạc cụ lâu đời hơn và phổ biến ở Tây nguyên - “cũng có nghĩa là dựa theo thang âm của Trời, vừa thiêng liêng vừa độc đáo”.

Posted Image

Mỗi con người Tây nguyên là một nghệ sĩ, nhạc sĩ thực thụ, có thể vừa hát vừa múa, sử dụng từng nhạc cụ hay tham gia vào dàn nhạc cồng chiêng một cách thành thạo. Khả năng âm nhạc của người Tây nguyên được phát triển tự nhiên và phổ biến trong cộng đồng. Ngày trước, nam nữ đến tuổi trưởng thành mà không biết chơi cồng chiêng còn khó lập gia đình!

“Cái nôi của cồng chiêng rất có thể là Trường Sơn - Tây nguyên” là giả định của GS Jose Maceda (Philippines) cách đây hơn 20 năm. Đông Sơn đã trở thành tên gọi cho cả nền văn hóa thời kỳ đồ đồng cách đây khoảng 3.500 năm trong khu vực Đông Nam Á. Hiện người Mường ở Thanh Hóa, Hòa Bình vẫn còn những dàn cồng chiêng đến 12 chiếc.

Một giả thiết đã được GS Tô Vũ xác nhận: cồng chiêng rất có thể có nguồn gốc Việt - Mường, nhưng về sau trong quá trình dài Hán hóa đã bị mai một đi; chỉ còn lại nhánh “trốn lên núi” (Mường) là lưu giữ được... Một thực tế củng cố thêm giả thiết này là đồng bào dân tộc Tây nguyên vẫn chưa tự chế tác được nhạc cụ cồng chiêng mà phải mua của người Kinh, người Lào, Campuchia.

Một nghệ thuật thiêng

Posted Image

“Cồng chiêng càng cổ bao nhiêu thì thần chiêng càng mạnh bấy nhiêu... Người chủ nhiều cồng chiêng không chỉ là người nhiều của cải mà cái chính là được sức mạnh của thần chiêng phù hộ” (Tô Ngọc Thanh). “Dòng họ, làng nào có nhiều cồng chiêng sẽ được các dòng họ, làng khác nể nang, nghe theo. Già làng ở làng ấy có thể được tôn lên làm già làng cho cả một vùng” (Phạm Cao Đạt). Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà một vài người trong vùng có thể đảm nhiệm việc “lên dây” chiêng sau mỗi kỳ sử dụng thường chính là già làng.

Ngay khi đứa trẻ vừa ra đời, người ta đã đem cồng đến đánh bên tai nó, gọi là lễ thổi tai. Chiêng cồng luôn có mặt trong các lễ cúng từ khi con người còn là thai nhi trong bụng mẹ cho tới khi vĩnh biệt cuộc đời, chưa kể trong vô số nghi lễ nông nghiệp ở Tây nguyên, kéo dài từ tháng ba đến tháng mười hai.

Trong mỗi lễ hội, cồng chiêng là phương tiện duy nhất để con người thông linh (với thần), giao hòa với trời đất và giao tiếp trong cộng đồng. Đánh cho khỉ trên cây cũng quên bám chặt vào cành đến ngã xuống đất/ Đánh cho ma quỉ mải nghe đến quên làm hại người (Trường ca Đam San). Sử thi của người Êđê, M’Nông còn kể lại những cuộc “chiến tranh” giữa các bộ tộc nhằm chiếm đoạt cồng chiêng.

Người Xêđăng kể rằng: Thuở xa xưa có lần voi dữ tràn về phá rẫy, phá buôn. Con trai Xêđăng mang theo lao, tên lá cùng hợp sức tiêu diệt thú dữ, đánh nhau suốt mấy ngày đêm, sức tàn lực kiệt mà thú dữ càng hung tợn. Họ chỉ còn biết chắp tay cầu Yàng. Bỗng họ thấy đùn lên một ụ đất, đào xuống thấy một vật bằng đồng tròn như ông mặt trời to bốn người ôm mới xuể.

Gõ vào vật ấy phát ra tiếng trầm vang động núi rừng khiến đàn thú dữ ngơ ngác. Rồi các ụ đất liên tiếp mọc lên, mang theo các vật bằng đồng hình dáng tương tự nhưng nhỏ dần, âm càng cao. Khi đã có trong tay hơn 10 chiếc chiêng, đồng thanh gõ lên thì tiếng trầm như thác đổ, tiếng cao như thác reo khiến voi dữ phải chạy vào rừng sâu...

“Các tộc người Tây nguyên quan niệm nhạc cụ như con người - càng nhiều tuổi tiếng nói càng được tôn trọng. Cồng chiêng càng lâu năm, trải qua nhiều lần nghi lễ càng thiêng” (Phạm Nam Thanh). Những bộ chiêng tiếng hay và thiêng có giá trị tính bằng 1-2 con voi hoặc 40 con trâu. Người B’Râu cho rằng chiêng tha (gồm hai chiếc chồng và vợ) chính là tổ tiên của họ. Đánh chiêng họ gọi là gọ tha pơi, nghĩa là “mời tha nói”. Thủ tục để mở một bài chiêng rất khắt khe, phải cho tha ăn, cho tha uống, khấn mời trời đất và nhiều người đến chứng kiến...

Người Xêđăng Sdrá có chiêng buàr duy nhất một chiếc - chủ nhân phải cất rất kỹ, sợ người ngoài hoặc trẻ con không biết đem ra đánh thì khổ, sẽ bị già làng phạt nặng. Các dân tộc Tây nguyên đều đặt tên chiêng trong một bộ theo vai vế như trong một gia đình và phân biệt chiêng thiêng (có Yàng trú ngụ) với chiêng thường để dùng trong các dịp lễ trọng hoặc sinh hoạt thường ngày. Có bộ chiêng chỉ được đánh khi có vật hiến sinh từ bò trở lên !

Một nghệ thuật đang bị đe dọa

Giữa những năm 1970, ước tính tỉnh Đắc Lắc có khoảng 1 vạn bộ cồng chiêng, trong đó người Êđê chiếm gần 7.000 bộ. Mỗi gia đình hầu hết đều có cồng chiêng. Nhà khá giả có tới hàng chục bộ. Sau hơn một thập kỷ “chảy máu”, đến năm 1993, toàn tỉnh còn hơn 4.675 bộ, đến 2003 còn 3.825 bộ = 27.428 chiếc chiêng.

Như vậy trong 10 năm gần đây, Đắc Lắc mất 850 bộ cồng chiêng, nhiều bộ đã qua các lò đúc của người Kinh hóa thân thành đỉnh đồng, chân hương cùng các vật dụng khác. Thời phong kiến, nguyên liệu khan hiếm, cồng chiêng từng được đúc bằng tiền. Để làm được một bộ chiêng, phải nung chảy hàng chục cân tiền! Hiện người Gia Rai vẫn lưu giữ được nhiều bộ chiêng như vậy, họ gọi chúng là chiêng Bảo Đại.

Nhà nghiên cứu Phạm Cao Đạt (Kontum) còn phát hiện ra hiện tượng “chảy máu ngược”. Từ chuyện tặng nhau cồng chiêng, rồi tặng tiền để đồng bào mua, có huyện đã ra hẳn nghị quyết trích ngân sách cho mỗi làng dân tộc một bộ cồng chiêng. Và họ cử người Kinh đi mua thứ chiêng bày la liệt dọc quốc lộ 1A qua Quảng Nam - Đà Nẵng. Trong quá trình vận chuyển lẫn lộn bộ nọ với bộ kia rồi cứ đếm đủ mỗi làng 11 chiếc là cấp phát. Cao độ sai hết, bộ chiêng chỉ có giá trị... đồng nát. Chưa đầy hai năm, họ đã mua về 31 bộ như thế và báo cáo rằng đã thực hiện nghị quyết nghiêm chỉnh: 100% làng đã có chiêng mới!

Vẫn Phạm Cao Đạt cảnh báo: “Việc tách cồng chiêng ra khỏi môi trường sinh hoạt của nó cần hết sức thận trọng. Biến nghệ nhân phải thành diễn viên, thậm chí còn dắt tay chỉ việc cho họ, sân khấu hóa tuốt tuột. Cái quí nhất là sự cộng cảm của sân khấu dân gian không còn. Sinh hoạt cồng chiêng kiểu đó thật sự vô hồn, không còn ngõ nào để nghệ nhân ngẫu hứng sáng tạo cả...”.

Sở Văn hóa - thông tin Lâm Đồng dùng một khái niệm khác để chỉ việc này: “Một khi cái thiêng bị giải, đồng nghĩa với cơ hội để chiêng cất lời không còn nguyên vẹn nữa, chiêng trở về với bản thể: thuần túy là nhạc cụ tự thân vang, hoặc có khi là thứ đồng nát rẻ tiền”. Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan lại có một góc nhìn khác: “Vì tính nghệ thuật độc lập nên ngày hôm nay cồng chiêng Tây nguyên đã không chỉ lệ thuộc vào không gian văn hóa tín ngưỡng như trước đây, mà đã đủ khả năng để bước lên không gian của nghệ thuật có bục diễn”.

Năm 1974, một dàn chiêng lạ từ huyện Măng Giang (Gia Lai) ra Hà Nội trình tấu theo thang âm bình quân như Tây. Thì ra thanh niên dân tộc đã gò lại chiêng cho có núm hết... để chơi nhạc mới. Cách đánh cũng được cải tiến, chỉ hai người chơi một dàn chiêng treo. Đây chính là loại chiêng thanh niên thịnh hành vào cuối những năm 1970 và bị các nhà nghiên cứu kịch liệt phản đối. Thời điểm ấy, các điệu xoang cũng được biến đổi cho nhanh mạnh, rạo rực hơn...

Tới đây, xin mượn ý của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: dù cồng chiêng có được công nhận là kiệt tác của nhân loại hay không, việc chúng ta cần làm vẫn là phải biết trân trọng và gìn giữ nghệ thuật chỉ có ở VN này.

NGUYỄN MẠNH HÀ

Việt Báo.vn (Theo_TuoiTre)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay