Li Feng

Những Cuộc đời Phía Sau ánh Hải đăng

1 bài viết trong chủ đề này

Muốn lên tới đèn Mũi Dinh (Ninh Phước, Ninh Thuận) phải đi vòng qua 15 km truông bụi, lội bộ 3 km trên sa mạc, rồi trèo thêm 1 km đường núi. Theo Trạm trưởng Phạm Văn Cơ, cũng vì xa xôi thế mà 16 năm nay, ngọn đèn biển này không tuyển thêm được người nào và cũng chưa có ai “đào ngũ”.

Posted Image

Ngọn đèn biển 100 năm tuổi.

Ngọn đèn trăm tuổi

Lục từ mớ tư liệu cũ kỹ của người Pháp, hóa ra đèn biển Mũi Dinh có tuổi đời nhiều hơn cả tên vùng đất nó đang đứng. Năm 1904, toàn quyền Đông Dương Paul Beau đã ký lệnh xây đèn biển Mũi Dinh phục vụ những chuyến hải trình khai thác thuộc địa. Kiến trúc sư Chvanat, người thiết kế đèn biển Mũi Dinh đã chọn vị trí đắc địa nhưng cũng hiểm trở nhất ở độ cao 178m để dựng đèn. Đây cũng là nơi trước khi có đèn biển, dân làng biển Sơn Hải chưa một lần chạm chân.

Dân Sơn Hải giờ không ai còn nhớ đèn biển được xây hồi nào nhưng quá khứ đau đớn gắn với ngọn đèn này thì nhiều người vẫn kể. Trạm trưởng Cơ kể rằng cùng thời ông nội mình, hàng trăm trai tráng trong làng đã bị bắt phu xây đèn. Từ con đường hơn 1 km men theo vực thẳm, đến hàng vạn khối đá xây đèn đều được những dân phu trong làng đắp bằng tay. Mấy lớp dân phu Sơn Hải vì thế bị bắt đi từ khi còn trai trẻ cho đến lúc tóc bạc mà vẫn chưa được cho về.

Đèn biển Mũi Dinh nay thanh bình, đứng thinh lặng trước trùng khơi, không ai biết đã vùi chôn bao nhiêu dân phu. Lão ngư Tư Vằm, người bãi Tràn, chỉ tay về hẻm núi dưới chân đèn, kể rằng ở đó còn một bãi xương người, nơi những dân phu xấu số bị quẳng xác khi đã kiệt sức. Dân chài mỗi khi ra khơi đều ngang qua hẻm núi này, chắp tay vái lạy, xin các cụ độ trì.

Posted Image

Lấy tấm vải mùng khỏi ụ đèn, rơ-le sẽ tự động bật đèn khi trời tối.

Nửa đời gác đèn

Con đường cát bỏng và dốc núi dựng đứng có lẽ chỉ góp một phần vào lý do 16 năm trạm đèn Mũi Dinh chưa tuyển thêm được người. Ai đã một lần căng sức leo lên ngọn đèn biển này mới biết sự cô đơn và buồn tẻ ở đây có lẽ còn nhiều hơn cả sóng biển đang ầm ào.

Một ngày của những người gác đèn bắt đầu từ 18h, khi ngọn đèn biển được thắp lên. Công việc có vẻ đơn giản, leo lên gác đèn, lấy tấm vải mùng khỏi ụ đèn, rơ-le sẽ tự động bật đèn khi trời tối. Thỉnh thoảng lại ra kiểm tra sự cố, đợi trời sáng đèn tắt lại lau chùi và chụp vải mùng lên ụ đèn.

Nhưng để có được sự đơn giản ấy, sáu nhân viên trạm đèn phải bảo trì cả một hệ thống điện mặt trời to đùng đặt trên đỉnh núi. Nắng, mưa hay bão tố cũng phải cắm chốt mà “trời càng bão tố thì đèn lại càng phải sáng”, đội trưởng Cơ nói đơn giản.

Tất cả sinh hoạt vì thế đành phải gắn với điểm cao hoang vu này, năm này qua tháng khác triền miên. “Không ai nghĩ mình có thể gắn với chốn này lâu đến vậy”, anh Nguyễn Văn Thanh, người đã 26 năm gắn bó với đèn Mũi Dinh, trầm ngâm. Quê anh Thanh tận Quảng Bình, thời trai trẻ hăng máu lang bạt vào đây, “Tưởng chỉ gác chơi chơi vài năm, rứa mà mần một lèo nửa đời người, cưới vợ, sinh con, chừ coi như làm dân chốn ni luôn...”, anh Thanh nhớ lại.

Câu chuyện của người có tuổi đời và “tuổi đèn” cao nhất trạm cũng là chuyện chung. Ngoại trừ đội trưởng Phạm Văn Cơ là dân địa phương, năm người còn lại đều vì máu phiêu bạt mà ghé lại trạm đèn này. Cũng chỉ tưởng gác chơi vài năm rồi đành “gian díu” mấy mươi năm. Người Thái Bình, kẻ Hải Phòng, Nam Định nhưng giờ ai cũng có vợ là dân vạn chài Sơn Hải, con cái đề huề... “Chưa kịp ngoảnh lại thì đã già rồi. Chắc gác đèn cho tới khi nào già gần bằng ngọn đèn này thì nghỉ”, anh Thanh tếu táo.

Posted Image

Mỗi ngày những người gác đèn biển phải thay nhau xuống núi lấy lương thực.

Nghề - nghiệp

Mấy mươi năm chuyện đời gói ghém trong vài câu chuyện đơn giản. Nhưng lên đỉnh Mũi Dinh, sống với những người gác đèn vài ngày mới thấy bên trong những câu chuyện ngắn gọn ấy có rất nhiều sự cực nhọc và nỗi niềm...

Bám trụ đỉnh núi nên mỗi ngày những người gác đèn đều phải thay phiên nhau xuống núi cõng thức ăn, gạo, muối lên cho cả trạm. Con đường có độ dốc đáng sợ đến mức xe máy không dám thả phanh. Khi chưa có điện mặt trời, các anh còn phải è lưng gánh dầu lên chạy máy phát điện. Mùa nắng, khi hai hầm nước mưa dự trữ cạn kiệt, đoạn đường qua sa mạc và dốc núi thành nỗi ám ảnh khi phải gánh từng can nước lên dùng. Ngay cả việc đến tháng nhận lương cũng chưa có nơi nào “quái chiêu” bằng khi phải đi hơn 300 km ra Quy Nhơn để lấy tiền.

“Tất cả biến cố đều phải vượt qua, bỏ vợ, con thì được chứ trạm đèn này không dám bỏ phút nào”, các anh tâm sự.

Trạm trưởng Phạm Văn Cơ thiệt tình: “Mấy anh em đã trót vô đây không lấy gái làng chài chỉ có ế thôi. Thâm sơn cùng cốc này mà!”... Nghe câu chuyện duyên số như một sự chấp nhận này không biết nên vui hay buồn. Chỉ biết giờ đã cho ra một thế hệ, đẩy lên vai những người gác đèn xa xứ nhiều trĩu nặng.

Anh Tuyển quê Thái Bình, anh Đông quê Hải Phòng đang tính chuyện gửi con về học cấp ba ở miền Bắc cho ông bà. Mấy năm rồi, hai anh phải gửi con ra tận Vũng Tàu nhờ họ hàng cho ăn học. Những anh em còn lại không có điều kiện cũng ráng gửi con ra Phan Rang theo lớp vì làng chài Sơn Hải quá heo hút. Anh Thanh cười buồn: “Để ở nhà đi rẫy, đi ghe với má nó chắc rồi cũng lên gác đèn thôi chứ làm gì được”... Vậy là phía sau sự tếu táo về nửa cuộc đời gác đèn còn có chung cả nỗi trăn trở về nghiệp dĩ đã trót mang theo.

Rời Mũi Dinh, tôi về lại đồng bằng theo lối dốc núi những người gác đèn đã mòn chân. Đèn biển ở lại phía sau như trăm năm qua đã thắp sự an bình cho những chuyến tàu ngoài khơi xa. Chỉ có những người ở gần đèn biển nhất hình như vẫn chưa một ngày thôi thấp thỏm về nỗi nhớ quê, về ngày mai của con cái.

Đèn biển Mũi Dinh là một trong những ngọn đèn cổ nhất Việt Nam, chỉ sau èn biển Kê gà (Bình Thuận) xây năm 1897 và đèn bienr Cù Lao Xanh (Quy Nhơn) xây năm 1899.

Với tâm sáng bán kính khoảng 30 hải lý, đèn biển Mũi Dinh chỉ hướng đất liền cho tàu thuyền từ Phan Tang (Ninh Thuận) cho đến Tuy Phong (Bình Thuận). Công suất bóng đèn là 1.000 W với chu kỳ của vòng xoay là 12 giây.

Ở Việt Nam hiện có trên 30 ngọn đèn biển, ngoài Mũi Dinh còn có các đèn biển tiêu biểu như Hòn Dấu (Hải Phòng), Đại Lãnh (Phú Yên), Trường Sa (Khánh Hòa), Kê Gà (Bình Thuận), Bảy Cạnh (Côn Đảo)... Hiện đại nhất là hải đăng Bạch Long Vĩ được xây dựng vào năm 1995, có tầm chiếu sáng 50 hải lý.

Theo Pháp Luật TP HCM

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay