Posted 25 Tháng 9, 2009 TRANH LUẬN VỚI FRANÇOIS JULLIEN Hà Văn Thùy Bài “Bàn về minh triết”* ghi lại buổi nói chuyện của Giáo sư F. Jullien tại Trung tâm Minh triết Việt Nam ngày 8.9.2008 gồm 3 phần. Tôi xin có đôi lời thưa lại với Giáo sư về phần thứ 3: “Minh triết và thời đại.”1. Quan niệm về minh triết Dẫn từ “sagesse” (minh triết) của Pháp ngữ và nhiều tác giả khác, F. Jullien cho ta thấy, văn hóa phương Tây có quan niệm tiêu cực về minh triết: “Minh triết là một cái gì nguội lạnh và lẩn thẩn”. “Một khi Minh triết là như vậy thì nó thiếu lửa, thiếu sức sống, thiếu sức nóng, thiếu nhiệt, mà khi đã thiếu nhiệt thì nó chỉ che đậy cuộc sống, làm cho người ta không thấy được nó”, “Minh triết là một thứ tro nguội lạnh, xám xịt, phủ lên lò lửa là sự sống”. Một quan niệm như vậy hoàn toàn trái ngược với phương Đông. Nơi văn hóa phương Đông, minh triết ( ) thì Minh là sáng mà Triết cũng là sáng, có nghĩa hai lần sáng. Theo cach giải nghĩa khác thì Minh là sáng, còn Triết là triệt, là tận cùng, Minh triết có nghĩa cực sáng, sáng tới tận cùng! Triết còn nghĩa khác là trí tuệ. Như vậy, minh triết có nghĩa là trí tuệ sáng láng. Trong sự hiểu của tôi, Minh triết là “tinh chất bền vững của tâm hồn và trí tuệ dân tộc kết lắng trong chiều sâu nhất của văn hóa, luôn tỏa ánh sáng và sức nóng nuôi dưỡng nền văn hóa dân tộc.” GS F. Jullien cho rằng “Một khi Minh triết không có lịch sử thì nó đứng tại chỗ, nó trì trệ, do đó, nó chỉ đưa ra những kiến giải tầm thường và nó nói những ý kiến mà lương tri thông thường của con người cảm nhận được, nó chỉ dừng lại ở đấy.” Tôi cho rằng, nếu hiểu đúng theo như quan niệm phương Đông thì minh triết có lịch sử của nó. Lịch sử của minh triết phương Đông bắt đầu ít nhất khoảng 15000 năm trước, khi người Hòa Bình Việt Nam thuần hóa được cây lúa nước. Có ai đó nói rất đúng: “Không có nền văn minh nào xứng đáng với tên gọi đó cho tới khi phát hiện ra nông nghiệp trồng ngũ cốc.” Khi tự trồng ra cây lúa làm lương thực, con người không còn hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, tự thấy mình tách khỏi thiên nhiên, đứng cao hơn thú vật và bắt đầu có ý thức về bản thân mình. Con người bắt đầu biết “Trông trời trông đất trông mây…”, biết “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ, nghe thấy tiếng sấm phất cờ mà lên”, biết “Muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng Rằm tháng Tám” và biết “Thua trời một vạn không bằng thua bạn một ly”, biết “Tua rua thì mặc tua rua, mạ già ruộng ngấu không thua bạn điền”, biết “Xanh nhà hơn già đồng”. Đồng thời cũng biết: “Khôn độc không bằng ngốc đàn” và “Một người lo bằng kho người làm”. Không chỉ vậy, Minh triết còn là “Người là hoa của đất”, là “Yêu em từ thuở lên ba, mẹ bồng ra ngõ hái hoa em cầm” là “Mình nói với ta mình hãy còn son, ta đi qua ngõ thấy con mình bò”… Minh triết được hình thành bởi những nhà hiền minh cổ xưa nhưng chủ yếu được sản sinh, chọn lọc và tích tụ bởi người vô danh trong dân gian, để nạp vào bộ nhớ dân gian và tạo thành văn hóa dân tộc. Lâu dần, với bề dầy thời gian, nó trở thành yếu tố bên vững, thành phẩm chất di truyền (phenotype) truyền lại cho con cháu qua hoạt động xã hội. Điều này được thấy rõ trong thí dụ sau. Khi nhà xã hội học nổi tiếng Levi Strauss phát hiện những sắc dân thiểu số ở Mỹ và Canada có tập quán rất giống với dân vùng Nam Trung Hoa như tôn trọng phụ nữ và sống hài hòa với thiên nhiên, người ta giải thích rằng đó là do hoàn cảnh sống giống nhau, đưa tới những cách sống tương đồng. Nhưng sau này, khi phát hiện rằng, tổ tiên những dân thiểu số châu Mỹ đó đã từ Đông Dương tới thì mọi người hiểu: những nét văn hóa đó được mang theo từ Đông Nam Á. Như vậy, minh triết chẳng những không chỉ là “những kiến giải tầm thường” mà cũng không hề “dừng lại ở đấy”, nó luôn tiếp thu trong sự chọn lọc nghiệm sinh những điều minh triết mới, bổ sung trong trầm tích văn hóa. 2. Minh triết và triết học Trong những quan niệm đa chiều của phương Tây về quan hệ giữa minh triết và triết học, tôi ủng hộ ý tưởng cho rằng “minh triết ở trên triết học.“ Minh triết là mảnh đất màu mỡ của tâm hồn, trí tuệ và trên đó nảy sinh cây triết học. Nhưng khi đã thành “cây“ rồi, triết học tư biện coi khinh mảnh đất minh triết, nên mất dần sức sống, trở nên cằn cỗi và khủng hoảng. Điều này thấy rõ trong triết học Hy Lạp nói riêng và triết học phương Tây nói chung. Về lịch sử, ta thấy, 80% dân châu Âu hiện đại là con cháu những người sống bằng hái lượm, những người không có văn hóa và cố nhiên không có cả minh triết. Chỉ có 20% là dân nông nghiệp từ Trung Đông sang. Văn hóa và minh triết châu Âu có được chính là nhờ ở dân nông nghiệp này. Nhưng do số dân ít nên lớp trầm tích minh triết quá mỏng. Sự bùng phát rự rỡ của văn minh Hy Lạp không phải do nội tại mà là yếu tố ngoại lai. Thành bang Athene đã nhận văn minh của Ai Cập phương Đông từ trước thời Plato. Sau cuộc chinh phục của Alexander, Aritostele thày của vị hoàng đế này đã thu nhận toàn bộ thư viện của Ai Cập, và nhờ là “kẻ đạo văn lớn nhất mọi thời đại“, ông đã thành „người khổng lồ“. Cuộc cướp bóc này đã đưa lại sự phồn vinh về văn hóa, trong đó có cả minh triết cho Hy Lạp. Chính nhờ vậy, triết học Hy Lạp ra đời. Dựa trên lượng minh triết vay mượn của phương Đông, triết học Hy Lạp bừng nở nhưng rồi sớm mất sức sống. Khi “chất màu mỡ minh triết” cạn kiệt, triết học phương Tây trở thành thuần túy tư biện. Có thể hình dung số phận của triết học phương Tây hiện đại như thế này: một ai đó đưa ra lý thuyết mù mờ và được một số người ủng hộ. Họ kết thành trường phái, thống trị diễn đàn. Thời gian sau, người ta tỉnh ngộ và thấy thuyết đó vô bổ. Lúc này lại có một thuyết mù mờ khác phủ định cái thuyết mù mờ trước. Họ lại có những ủng hộ viên và thành trường phái mới... Tuy có nhiều lịch sử nhưng triết học dần dần đi tới sự khốn cùng. Minh triết phương Đông không bao giờ tự cho là thần thánh. Nó cũng không kết thành những trường phái mà an nhiên sống vô tư, bất diệt giữa cuộc đời, tỏa ánh sáng và sức nóng dẫn dắt xã hội. 3. Minh triết và chính trị Giáo sư F. Jullien nói: “Trong quan hệ với chính trị, minh triết Trung Quốc cổ không có một lập trường xác định” và “Do kết cấu không có lập trường nhật định, khi thế này, khi thế nọ nên những nho sĩ Trung Quốc không bao giờ là trí thức, không phải là trí thức. Trí thức phải có lập trường.” Có đúng vậy không? Theo tôi không phải vậy. Nếu coi Khổng Tử là nho sĩ đầu tiên của Trung Quốc thì rõ ràng ông có lập trường và kiên quyết giữ lập trường của mình. Chính vì chú tâm truyền bá “đạo” mà không chịu bàn đến “lợi” của các vương hầu nên cuộc du thuyết của ông thất bại. Mạnh Tử cũng vì lập trường phản đối chiến tranh mà không được dùng. Tư Mã Thiên kiên định lập trường chép sử vì sự thật. Tiêu biểu nhất lả trường hợp 4 anh em nhà Thái Sử thời Chiến Quốc: Sau khi 3 người anh là Thái Sử Bá, Thái Sử Trọng và Thái Sử Thúc bị giết vì ghi dòng „Thôi Trữ giết vua“ vào sử thì đến lượt mình, người thứ tư là Thái Sử Quý vẫn viết như vậy! Ở Việt Nam có trường hợp Chu Văn An sau khi dâng “Thất trảm sớ” không được chấp nhận thì cáo quan hồi hưu. Nguyễn Trãi cũng là người giữ lập trường cứu nước kiên định. Rồi Đào Duy Từ, Ngô Thì Nhậm cùng biết bao vị hưu quan vì “bất đắc chí”... đều là những người có lập trường chính trị kiên định. Ai đó, hình như Voltaire, trong hoàn cảnh nặng nể của phong kiến thế tập châu Âu Trung Cổ, đã từng mơ ươc về phương Đông dưới sự cai trị của đạo Khổng Tử, khi mà vua hôn ám thì được phép “đổi nó đi!” Như vậy, nói rằng trí thức phương Đông không có lập trường chính trị là không đúng sự thực. Càng sai hơn khi nói phương Đông không có trí thức! Giáo sư F. Jullien còn nói: “Minh triết phương Đông né tránh mâu thuẫn để giữ sự hài hòa; để giữ gìn hài hòa, phương Đông đi con đường vòng để tránh mâu thuẫn. Tôi cho rằng cái đó là không đúng.” Không phải vậy. Đúng là phương Đông coi trọng sự hài hòa, “Thái hòa” là mặt quan trọng của minh triết. Nhưng không phải phương Đông không biết giải quyết mâu thuẫn. Dịch lý nói: “Cùng tắc biến” và “Biến tắc thông”. Phương Đông không can thiệp “ngang xương” vào quá trình diễn biến của sự vật mà theo lẽ biến cùng, tác động một cách minh triết cho mâu thuẫn tự giải quyết một cách nhi nhiên, tự nhiên. 4. F. Jullien và đạo Phật Giáo sư F. Jullien nói: “Trong sách tôi ít nói đến Phật giáo bởi vì tôi nghiên cứu triết học Hy Lạp cổ đại, mà thời cổ đại Hy Lạp tương ứng với cổ đại Trung Hoa và lúc ấy chưa có Phật giáo. Lý do nữa là Phật giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ, Ấn Độ cũng có liên hệ với phương Tây ở gồc Ấn - Âu... Phật giáo, từ gốc của nó đã có liên hệ gì đó với phương Tây ở gốc Ấn - Âu...” Rõ ràng Giáo sư đáng kính đã lầm lẫn. Phật giáo xuất hiện đồng thời với Nho giáo và triết học Hy lạp cổ đại, khoảng thế kỷ V TCN. Sai lầm nghiêm trọng hơn khi ông cho Phật giáo “từ gốc có liên hệ với phương Tây.” Điều này thuộc về kiến thức văn hóa lịch sử phổ thông. Theo tri thức mới nhất thì, khoảng 40.000 năm trước, người Việt cổ Australoid từ Đông Dương di tản tới Tây Ấn Độ. Muộn hơn một chút, những nhóm Việt khác cũng từ Tây Nam Trung Quốc vào đất Ấn. Người Australoid lan khắp Ấn Độ, được lịch sử gọi là người Dravidian, là chủ nhân nền văn hóa lúa nước sông Indus rực rỡ. Khoảng 1500 TCN, người Arian thuộc đại chủng Europid từ Ba Tư xâm nhập Ấn Độ, thống trị dân Dravidian. Từ văn hóa Dravidian, người Arian xây dựng nên văn hóa Ấn Độ, trong đó có đạo Phật. Người châu Âu là do một nhánh khác của người Europid từ Trung Đông di cư vào châu Âu. Như vậy, tuy cùng mã di truyền và tương đồng ngôn ngữ nhưng giữa người Ấn và người Âu khác nhau về văn hóa. Văn hóa Ấn, dù là người Indoeuropian cũng hoàn toàn là văn hóa phương Đông. Khi ít nghiên cứu Phật giáo với hàm lượng minh triết cao, tri thức về minh triết không thể không thiếu hụt.5. Kết luận Có thể là triết gia lớn, nhưng trong môi trường văn hóa châu Âu với hàm lượng minh triết thấp cùng quan điểm coi thường minh triết, sự hiểu biết của Giáo sư F. Jullien về minh triết nói chung và nhất là minh triết phương Đông còn hạn chế. Lời khuyên của ông: “Minh triết hiện nay phải khắc phục hai nhược điểm có từ xưa, một là không tư duy bằng khái niệm thì bây giờ Minh triết phải có khái niệm. Thứ hai là về chính trị không rõ ràng thì bây giờ phải rõ ràng đối với chính trị. Minh triết ở giai đoạn này phải đưa tư tưởng vào công trường của mình để làm ra những khái niệm...” theo tôi là xui dại. Minh triết là... Minh triết, có nghĩa là những hạt tâm hồn, trí tuệ dân tộc tồn tại an nhiên trong cuộc sống, dười dạng vô tư, hồn nhiên, thơ trẻ... Tuy vậy nó có sức mạnh nội tại siêu việt: ủng hộ nền chính trị vương đạo, đả phá chính trị bá đạo. Khi thấy một nền chính trị đi trật đường rầy thì minh triết phản bác nó. Mác nói rất chí lý: “Giai đoạn cuối của sự vật, đó là sự khôi hài”. Nền chính trị khi trở thành khôi hài trong con mắt của cộng đồng thì đang bước tới hồi cáo chung. Chính minh triết chỉ cho cộng đồng thấy sự sai lệch chệch hướng đó. Và đó chính là sự tham gia tích cực của minh triết vào chính trị. Như vậy, minh triết đứng cao hơn và điều chỉnh nền chính trị. Chính vì vậy mà phương Đông cần minh triết và minh triết được coi trọng. Nếu như minh triết biến thành khái niệm để tư duy theo khái niệm thì nó đã là cái bóng của triết học và rồi trở nên tư biện, nghèo nàn, xơ cứng. Tôi nghĩ rằng, buổi nói chuyện của giáo sư F. Jullien rất có ích vì giúp chúng ta nhận biết hàm lượng minh triết thấp trong văn hóa phương Tây dẫn tới quan niệm tiêu cực về minh triết. Nó cũng cho thấy minh triết không phải là sở trường của học giả phương Tây. Từ đó, chúng ta thêm tự tin nghiên cứu minh triết của mình. Sài Gòn, 9.09. * http://viet-studies.info/Jullien_BanVeMinhTriet.htm Share this post Link to post Share on other sites
Posted 25 Tháng 9, 2009 Lời giới thiệu của Hoàng Ngọc Hiến: Nhận lời mời của Hoàng Ngọc Hiến, chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm nghiên cứu Minh Triết Việt, trong 3 ngày 7, 8, 9 nhà triết học François Jullien, giáo sư Đại học Tổng hợp Paris- Diderot, Viện trưởng Viện Tư tưởng đương đại, đã đến thăm và làm việc với Trung tâm.. Dưới đây là bài nói chuyện của ông về 3 chủ đề: Đấu tranh…và quản lý cái tiêu cực, Cái phổ quát, Minh triết và Thời hiện đại. Trong hơn 3 tiếng (kể cả thời gian dịch) F. Jullien trình bày rất ngắn gọn kết quả nghiên cứu cuả ông về 3 chủ đề lớn, như một sự tóm lược vậy. Tuy vậy đây là một tài liệu rất có giá trị, chừng nào thể hiện tư duy triết học sâu sắc, cởi mở và sáng tạo của F. Jullien, có ích nhất ở chỗ gợi ra cho chúng ta cái mà diễn giả gọi là “một công trường” suy tưởng tìm tòi, nghiên cứu giàu hứa hẹn về Minh triết và Minh triết Việt Nam. BÀN VỀ MINH TRIẾT (Buổi nói chuyện của Giáo sư François Jullien tại Trung tâm Minh triết Việt, ngày 8/9/2008) ____________________ Ông Nguyễn Khắc Mai (Chủ nhiệm Trung tâm Minh triết Việt): Hôm nay, được sự hỗ trợ của các nhà nghiên cứu trong Ban lãnh đạo của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Minh triết Việt tổ chức buổi giao lưu với Triết gia François Jullien, Giáo sư trường Đại học Tổng hợp Denis Diderot (Paris - VII), Viện trưởng Viện tư tưởng đương đại của Pháp. Xin mời giáo sư. GS François Jullien : Xin chào các bạn. Đây là lần thứ ba tôi đến Hà Nội, tôi có dịp được gặp lại những người bạn cũ và gặp những người bạn mới. Trong những dịp gặp gỡ như vậy có những cuộc trò chuyện rất bổ ích. Tôi rất mừng vì các bạn đã thành lập một Trung tâm nghiên cứu Minh triết Việt Nam. Nghiên cứu về tư tưởng, về Triết học luôn luôn có một quá trình lịch sử, nhưng nó không chỉ là một sự nối tiếp lịch sử, nó còn có đóng góp vào việc nghiên cứu văn hoá và có thể có những đóng góp khác nữa. Theo đề nghị của các bạn, hôm nay, tôi sẽ trình bày ba đề tài: Thứ nhất, bàn về cái Tiêu cực; Thứ hai, bàn về tính Phổ quát; Thứ ba, bàn về Minh triết và thời hiện đại. Cả ba đề tài tuy khác nhau nhưng đều được xuyên suốt bởi một chủ đề là cái Tiêu cực. I. ĐẤU TRANH... VÀ QUẢN LÝ CÁI TIÊU CỰC "Négatif" trong tiếng Pháp là một từ có hai nghĩa, thứ nhất là những phẩm chất xấu, tiêu cực, thứ hai là chức năng phủ định. Trong tiếng Việt, hai nghĩa này diễn đạt bằng hai từ khác nhau, từ "tiêu cực" và từ "phủ định". Tôi sẽ trình bày về khái niệm Négatif. Nghiên cứu về 3 chủ đề nói trên, tôi thấy chúng có chung một vấn đề mà tôi gọi là cái Tiêu cực. Hiện nay, có một luồng tư tưởng cho rằng tiến trình của thế giới là đi đến một thế giới mà trong đó, tất cả những cái Tiêu cực đều bị loại trừ một cách dễ dàng, chỉ còn lại toàn bộ những cái tích cực. Điều đó thể hiện khát vọng loại trừ hết cái Tiêu cực, chỉ còn cái Tích cực (cái tích cực ở đây là hoà bình, hữu nghị, hợp tác, là tất cả những cái tốt đẹp mà chúng ta mong muốn). Nhưng tôi cho rằng có lẽ không nên có một khát vọng như vậy. Trước khi bàn đến cái khát vọng đó, tôi sẽ trình bày sự phân biệt hai khái niệm cái Ác và cái Tiêu cực. Công việc của tôi là công việc của một nhà Triết học nên trước hết phải phân biệt rành mạch các khái niệm. Cái Ác và cái Tiêu cực trong cách dùng hiện nay vẫn có sự lẫn lộn. Chúng ta phải đối lập giữa một bên là cái Ác, một bên là cái Tiêu cực. Khái niệm cái Ác là ý niệm đạo đức, còn khái niệm cái Tiêu cực là ý niệm chức năng. Cái Ác là ý niệm đạo đức thì nó dẫn đến một khái niệm khác là "Chủ thể", còn cái Tiêu cực là ý niệm chức năng thì nó dẫn đến khái niệm "Quá trình", dẫn đến sự suy nghĩ về quá trình. Cái Ác gắn với khái niệm chủ thể thì người ta nghĩ đến việc loại trừ cái Ác, còn cái Tiêu cực gắn với khái niệm quá trình thì người ta nghĩ đến việc đưa nó gia nhập vào quá trình. Trong quá trình đó có những phương diện gắn bó với nhau. Ở đây, tôi xin trích dẫn một câu của Héraclite: "Cái đối lập luôn tham gia vào sự hợp tác". Ý niệm cái Ác gắn với truyện kể, chẳng hạn câu chuyện Adam và Eva trong Kinh thánh kể về cái Ác thông qua hình ảnh con rắn. Như vậy là cái Ác có tính kịch, còn cái Tiêu cực không được kể mà nó được miêu tả, có sự miêu tả thế giới, miêu tả cái toàn bộ. Trong cái toàn bộ ấy người ta miêu tả những phương diện khác nhau và miêu tả sự hợp tác của chúng với nhau. Hai ý niệm này dẫn đến hai hình ảnh. Ý niệm về cái Ác thì dẫn đến hình ảnh bậc Thánh, còn ý niệm về cái Tiêu cực thì dẫn đến hình ảnh bậc Hiền giả. Như vậy, cái Tiêu cực đối lập với cái Ác, còn Hiền giả đối lập với Thánh. Vị Thánh là nạn nhân của cái Ác, và tìm cách chạy trốn khỏi cái Ác. Còn bậc Hiền giả thì không phàn nàn mà ngắm nhìn thế giới, tìm cho ra tương tác giữa các phương diện, các nhân tố tạo ra quan hệ ấy. Sự đối lập giữa hình ảnh vị Thánh và hình ảnh bậc Hiền giả dẫn đến những thái độ khác nhau trong cuộc sống và trong Triết học. Làm theo hình ảnh vị Thánh thì tìm cách thoát khỏi cái Ác, còn làm theo hình ảnh bậc Hiền giả thì tìm cách để dung hoà những cái đối lập trong một toàn thể. Vậy là ở đây lại có thêm một đối lập nữa. Gắn với hành vi, cách cư xử của vị Thánh là sự cứu rỗi để thoát khỏi cái Ác, còn bậc Hiền giả thì không tìm cách cứu rỗi để thoát khỏi cái Ác mà nhìn thế giới trong cái toàn thể, tìm cách thấy được mối quan hệ giữa cái Tích cực và cái Tiêu cực. Gắn liền với hai ý niệm này, trong lịch sử Triết học phương Tây có hai tư tưởng: một là tư tưởng của những người theo Manichaeism (tiếng Anh) (Pháp: Manicheisme), đây là một quan niệm về cái Ác gắn với một giáo phái Ba tư mà giáo chủ là Mani. Giáo phái này quan niệm cái Ác bản thân nó là một nguyên lý, nguyên lý này cũng quan trọng, cũng có trọng lượng như cái Thiện. Thiện và Ác là hai nguyên lý ngang nhau và thường xuyên đấu tranh với nhau. Vì quan niệm như vậy, họ nhìn thế giới đầy rẫy tính kịch. Quan niệm này, tạm dịch sang tiếng Việt là quan niệm "Nhị nguyên Thiện-Ác". Đây là một tư tưởng xuyên văn hoá, có cả ở phương Đông và phương Tây). Ở phương Tây, đặc biệt là với những hoàng đế La Mã và ở phương Đông với những hoàng đế Trung Hoa đều có sự bài trừ tư tưởng này. Đối lập với tư tưởng "Nhị nguyên Thiện-Ác" là tư tưởng "Khắc kỷ". Nhà Triết học khắc kỷ đứng trước thế giới vừa tìm cách hiểu nó, vừa tìm cách bao gộp nó, vì thế họ vừa tìm hiểu cái Tiêu cực, vừa tìm cách đặt cái Tiêu cực gộp vớicái Tích cực. Trở lại một vấn đề liên quan đến văn học là khái niệm cái Ác thường gắn với truyện kể. Truyện kể thường thường phải nói cách người ta đấu tranh, khắc phục cái Ác như thế nào. Còn quan niệm về cái Tiêu cực dẫn đến sự miêu tả thế giới trong cái toàn thể, trong thế giới đó, cái này hợp tác, gắn bó với cái kia. Tôi xin tóm tắt lại hai chuỗi đối lập: cái Ác và cái Tiêu cực. Cái Ác là giả định một quan niệm “phải như thế nào”. “Phải như thế nào” mới định được cái này là ác hay không. “Phải như thế nào” gắn với đạo đức, mà đạo đức gắn với chủ thể, chủ thể tìm cách trốn cái Ác, người ta gọi đó là sự cứu rỗi. Trong tôn giáo, quan niệm về với cái Ác là tư tưởng "Nhị nguyên Thiện-Ác". Nói đến cái Ác thì phải kể. Đối với cái Ác, thái độ của ta là tìm cách loại trừ nó. Phương Tây đặt ra vấn đề : "Tại sao thế giới này do Thượng Đế, một đấng tối thiện tạo ra mà lại có cái Ác?". Đặt ra câu hỏi đó thì dẫn đến vấn đề tìm cách loại trừ cái Ác. Còn cái Tiêu cực gắn với một chuỗi ý niệm khác. Cái Tiêu cực là quan niệm gắn với chức năng, và như vậy nó gắn với việc tìm hiểu quá trình, thái độ tìm hiểu quá trình này là Minh triết. Nói đến cái Tiêu cực thì phải miêu tả, thái độ với nó là tìm cách tích hợp nó vào quá trình. Trong Triết học, có một trường phái tìm hiểu cái Tiêu cực và có một thái độ như vậy đối với cái Tiêu cực đó là trường phái "Khắc kỷ": cái Tiêu cực đặt ra vấn đề những cái khác nhau gắn với nhau như thế nào. Cái Ác và cái Tiêu cực có đối tượng chung là những gì con người không mong muốn, như bệnh tật, chiến tranh, tai họa... Nhưng vấn đề là người ta nhìn nhận các đối tượng ấy như thế nào. Có hai cách nhìn: nhìn nó như là cái Ác hoặc nhìn nó như là cái Tiêu cực, nhìn nó như một nhà Minh triết hoặc nhìn nó như một người có tư tưởng Nhị nguyên Thiện-Ác. Đứng trước những cái con người không mong muốn, hoặc là người ta tìm cách loại trừ nó, hoặc là sáp nhập nó vào cái toàn thể. Khi loại trừ, bao giờ người ta cũng đặt ra câu hỏi "Tại sao loại trừ nó?" thì mới đạt được ý nghĩa của việc loại trừ. Nhưng lại có một cách nhìn khác là không loại trừ nó mà tìm cách đưa nó vào một toàn thể. Khi sáp nhập nó thì bao giờ người ta cũng đặt ra câu hỏi "Sáp nhập nó như thế nào?". Nhìn nhận những cái nhân loại không muốn như là cái Ác thì người ta có câu Kinh: "Hỡi Thượng đế , hãy cứu tôi thoát khỏi cái Ác". Còn nhìn nhận nó như là cái Tiêu cực thì người ta có câu châm ngôn: "Cần phải có tất cả mới làm ra thế giới này", tức là phải có cả cái Tích cực và cái Tiêu cực, cả Thiện và Ác, cả kẻ gian với người ngay,cả chiến tranh và hoà bình... mới có thế giới này. Như vậy ở đây có thể đặt ra hai cực: một cực là Minh triết và một cực là tư tưởng Nhị nguyên Thiện - Ác. Nếu xét quan điểm của các nhà tư tưởng phương Tây, có thể đánh giá có người gần với tư tưởng Nhị nguyên hơn, có người gần với tư tưởng Minh triết hơn. Tôi lấy ví dụ trường hợp Plato. Plato cuối cùng đi đến quan niệm gần với Minh triết hơn, tức là tìm cách bao gộp sự vật vào cái toàn thể. Những quan niệm khác nhau về hai cực cái Ác và cái Tiêu cực luôn luôn tạo ra sức căng trong tư duy của nhân loại, vì hai cực đối lập này luôn tồn tại, bên cạnh những cặp đối lập khác. Sau sự kiện ngày 11/9, ở phương Tây, người ta bàn nhiều về cái Ác, người ta nghĩ đến trục của cái Ác và đưa những kẻ gây ra tai họa đó vào cái trục này. Nhưng về mặt Triết học, có những lý tính (rationalité) khác. Quan điểm của Minh triết cho rằng dù thế nào cũng phải đưa cái Tiêu cực vào quan hệ, làm thế nào nó đứng với những cái khác, trong đó có cả cái Tích cực. Là một triết gia nên tôi muốn có một sự phát triển, không dừng lại ở Minh triết. Minh triết mới dừng lại ở quan niệm cái Tiêu cực có khả năng hợp tác, còn Triết học thì nhìn cái Tiêu cực và thấy rằng cái Tiêu cực là tích cực và nó còn có những tài nguyên, có sức sinh sôi nảy nở phong phú. Tôi muốn nâng Minh triết lên một bậc cao hơn nữa, cái Tiêu cực không những có khả năng hợp tác mà bản thân nó là tích cực, bản thân nó có tài nguyên dồi dào, có sức sinh sản dồi dào. Vì thế, một vấn đề của Triết học hiện nay là sáp nhập cái Tiêu cực vào quá trình, và một nhà Triết học như vậy có nhiều việc phải làm. Trên đây, tôi đã trình bày với các bạn vấn đề cái Tiêu cực được đặt ra trong hiện thực châu Âu như thế nào, trong đó, Triết học châu Âu hiện nay có một quan niệm khác với Minh triết về cái Tiêu cực. Nó đặt ra vấn đề cái Ác khi đưa vào cái toàn thể thì tiêu tan đi, biến mất như thế nào và có những cái Tiêu cực khi đưa vào quá trình thì hợp tác như thế nào. Như vậy, cái Ác là một mặt của sự vật, là mặt trái của sự vật. Ở châu Âu có một thuyết gọi là thuyết Biện thần, đây là một thuyết biện bạch cho Thượng đế: Thượng đế toàn thiện, toàn mỹ nhưng tại sao thế giới mà Thượng đế tạo ra lại đầy rẫy tội ác? Người ta nghi ngờ lòng tốt của Thượng đế nên có cả một học thuyết biện bạch cho Thượng đế: Thế giới được tạo ra có nhiều cái mục ruỗng, nhiều cái hư hỏng nhưng Thượng đế vẫn toàn thiện, toàn mỹ. Tư tưởng này có từ thời Plato, đến Augustin,... đến thế kỷ Ánh sáng, và nó còn tiếp tục diễn biến. Tất nhiên, diễn biến của luận đề trong Triết học thì chậm hơn, trong lịch sử thì nhanh hơn. Ở châu Âu, bao giờ một triết gia mới cũng phủ định học thuyết của những triết gia đi trước. Có người định nghĩa “Triết gia là người phủ định cái trước mình”. Triết học là phủ định người đi trước mình và mở con đường cho mình. Nhưng có những quan niệm truyền thống kéo dài suốt lịch sử hai, ba nghìn năm nay như thuyết Biện thần, nó có sức sống rất lâu bền, nó vẫn tìm cách biện bạch cho thế giới này. Một cách lập luận phổ quát của thuyết Biện thần là: phải có cái Ác mới nổi bật cáiThiện,, trong tác phẩm của Thượng đế có cái Ác vì cái Ác này là cần thiết. Đến Kant thì ông có lý lẽ cụ thể hơn: Cái không hoàn thiện của tôi làm nổi bật cái hoàn thiện của thế giới này, vì có cái không hoàn thiện của tôi mới nổi lên cái hoàn thiện của người khác và người ta mới thấy cái hay, cái đẹp, cái hợp lý của tạo hoá. Cái Ác đưa vào trong quá trình thì nó có thể tiêu tán , nhưng cái đối lập thì khác, Héraclite nói: “Cái đối lập cùng thao tác (co-operer)”, tức là “hợp tác”. Như vậy chúng ta sẽ có“ngày đêm” chứ không phải "ngày và đêm", "chiến tranh hoà bình" chứ không phải "chiến tranh và hoà bình", "thiện ác" chứ không phải "thiện và ác"… Như vậy là sống và chết, tỉnh và ngủ, già yếu và trẻ trung cùng là một. Đến Hegel, ông đưa ra một quan niệm mới về cái Tiêu cực, tiếng Pháp gọi là "Négatif". Hegel gọi nó là cái Tiêu cực tích cực, cái Phủ định tích cực hoạt động, đóng góp, hợp tác. Cái Tiêu cực là cái làm ra sự tiến bộ, làm cho tiến bộ. Cái Tiêu cực là trái tim của cái Tích cực, nó không chỉ bổ sung mà còn hợp tác với cái Tích cực. Trước Hegel, Spinoza quan niệm cái Tiêu cực đến từ bên ngoài, còn bản thể tự nó là tốt, là tích cực. Như vậy, đến Hegel, quan niệm về cái Tiêu cực có sự thay đổi: cái Tiêu cực, cái Phủ định nằm ngay trong bản thể và chính nó tạo ra sự tiến bộ. Cái Tiêu cực ở ngay trong bản thể là cái làm cho nó cảm thấy thiếu, cái thiếu là âm, là tiêu cực, cái thiếu làm cho nó đau đớn, cái đau đớn làm cho nó hoạt động, và cái hoạt động làm cho nó tiến bộ. Tư tưởng sự phủ định nội tại ngay trong bản thểcòncó một ngọn nguồn nữa, một mối liên hệ nữa, đó là tư tưởng Thiên chúa giáo. Thiên chúa giáo quan niệm Đức Thánh Cha chết ở Đức Thánh Con, và trở thành Tinh thần. Đức Thánh Con là Kito, Đức Thánh Con ra đời thì Đức Thánh Cha nhập vào đấy và chết ở đấy. Với sự chết này thì Tinh thần ra đời cùng với Đức Thánh Con.. Về tư tưởng “cái phủ định ,cái tiêu cực nội tại ngay trong bản thể” của Hegel, nhiều triết gia châu Âu rất tán thành tư tưởng này. Nhưng cho rằng sự phát triển “phủ định của phủ định” có tính cứu cánh thì riêng tôi, tôi nghi ngờ. Không nhất thiết phủ định của phủ định là có tính cứu cánh: cuối cùng nó đưa đến hiểu biết tuyệt đối. Tôi nghi ngờ sự hiểu biết tuyệt đối ấy. Như vậy là Hegel đã phản bội biện chứng. Biện chứng nó phủ định, nhưng phủ định với một cứu cánh như vậy cuối cùng đi đến hiểu biết tuyệt đối và thế là cái phủ định tích cực bị tiêu tan. Ở đây tôi có một quan niệm về người trí thức hiện nay. Trí thức hiện nay không phải là người làm công việc chôn vùi cái Tiêu cực, mà phải nhìn thấy ở nó những gì có tính tích cực và để cho nó phát triển. Nhưng cũng có những cái Tiêu cực là hoàn toàn tiêu cực, buộc phải vứt bỏ, không dùng vào việc gì nữa. Như vậy nhiệm vụ của người trí thức là tìm hiểu ở cái Tiêu cực những gì có tính tích cực, làm cho nó trở nên thông minh hơn và với sự thông minh này, tài nguyên của nó được triển khai,,tiềm lực của nó được bộc lộ. Nói đến cái hoàn toàn tiêu cực thì tôi lại trở lại vấn đề cái Ác trong quan hệ với cái Tiêu cực. Cái Tiêu cực có thể có một sức sinh sôi dồi dào, phong phú nên nhiệm vụ của người trí thức là giải thích cái Tiêu cực, làm thế nào để cái Tiêu cực triển khai được tiềm lực dồi dào của nó. Vấn đề không phải vì cái Ác đã cũ rồi mà chúng ta không bàn đến nữa ‚chúng ta có thể diễn nó lại và có những ý kiến khác. Cái Ác phải được xem xét ở ba bình diện: Phán đoán nó - Vứt bỏ nó - Đau đớn khi đứng trước nó. Có những sự việc mình nói là "xấu", có trường hợp nói là "ác", có trường hợp nói là "đê tiện", "đê hèn". Khi nói là ác thì nó có liên quan đến một hệ giá trị. Từ một hệ giá trị như vậy, mình phán đoán, quy kết cái gì là ác.. Có trường hợp mình nói "xấu" (Pháp: mauvais) chứ không thể nói "ác" được. Ví dụ nói: "Trẻ con dậy muộn là xấu". Cái xấu này không liên quan đến hệ giá trị mà nó nằm ngay trong bản thân tình thế. Trường hợp nào thì chúng ta dùng "đê tiện, đê hèn" (abject)? Trường hợp nào đứng trước nó chúng ta muốn vứt nó đi, không cần phán đoán. Ví dụ như trại tập trung của phát xít Đức. Đây không cần đến hệ giá trị mà là phản ứng trực tiếp của tính người. Tất cả mọi người đều cảm thấy ghê tởm khi đứng trước nó. Tính người trước những sự kiện như vậy thì bùng nổ. Bình diện thứ ba là sự đau đớn. (Pháp: le douloureux) Tôi không tán thành những nhà hiền triết của phương Đông cũng như của phương Tây đòi hỏi nhà hiền triết phải vô cảm. Có những cái Ác đứng trước nó phải đau đớn. Phải có sự đau đớn để có sự góp phần vào việc phát huy cái Tích cực trong cái Tiêu cực. Cho nên vấn đề Triết học hiện nay là cần phải xem xét sự phân hoá của cái Tiêu cực, cái gì có thể phát triển để tác động đến nó. Nếu chỉ dùng một từ chung là cái Ác thì không chính xác, không tinh tế. Một là có cái mình cho là xấu (mauvais). Hai là vứt bỏ như cái gì đê tiện (abject). Ba là phải có tình cảm đau đớn (douloureux) trước cái Tiêu cực, để từ đó có ý muốn tác động vào cái Tiêu cực làm cho nó trở thành cái tích cực. II. CÁI PHỔ QUÁT Cái phổ quát (Pháp: l’universel)là một vấn đề lớn của Triết học. Ở phương Tây, khái niệm phổ quát không những quan trọng trong Triết học mà còn quan trọng trong cả chính trị. Tôi muốn phân biệt hai nghĩa khác nhau của từ phổ quát. Nghĩa yếu, nghĩa thông tục của từ này là một sự nhận xét nào đó và mình nói "nó là phổ quát" mà không cần suy nghĩ nhiều. Còn nghĩa mạnh thì khi nói phổ quát là muốn nói đến nó như một tất yếu. Theo nghĩa thứ nhất, nghĩa yếu, nghĩa thông dụng thì cái phổ quát được nhận định chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, người ta nói: “đấy là phổ quát”. Nhưng theo nghĩa Triết học thì sự nhận thức cái phổ quát đòi hỏi không chỉ kinh nghiệm mà còn phải nhận thức được như thể là tất yếu. Cái phổ quát là tất yếu. Ở đây có một vấn đề chúng ta phải quan tâm, đặc biệt trong khoa học, chữ phổ quát nghĩa là “nó trở nên một cái gì phải là như vậy, tất yếu phải như vậy”. Phổ quát là đòi hỏi của khoa học. Trong mọi lĩnh vực của khoa học luôn có đòi hỏi về sự phổ quát, mà đòi hỏi phổ quát này là đòi hỏi tất yếu, không thể khác được, phải có tính chất phổ quát: về quy luật, về nhận xét, về giả thiết… Vấn đề của châu Âu hiện nay là: Sự phổ quát một cách tất yếu thì trong khoa học đã hình thành rồi, trong toàn bộ kết cấu của khoa học nó là đương nhiên rồi, vậy chuyển cái tất yếu của phổ quát sang lĩnh vực đời sống, lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn như thế nào? Cái phổ quát một cách tất yếu trong khoa học có thể chuyển thành cái phổ quát một cách tất yếu trong lĩnh vực đời sống, trong lĩnh vực đạo đức, trong lĩnh vực xã hội không? Kant là người trong lĩnh vực khoa học xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực đạo đức luôn luôn đặt câu hỏi: "Ở hành động này của mình có những quy luật phổ biến không?". Nếu như trong khoa học tự nhiên, mỗi hiện tượng đều có quy luật phổ biến, thì trong đạo đức, trong hành động, trong xem xét, ứng xử hành vi, Kant cũng muốn tìm thấy những quy luật phổ biến. Sau Kant, có những phản ứng của nh ững triết gia không muốn tìm những quy luật phổ biến đằng sau những hành vi, những cách ứng xử của cá nhân. Ví dụ, Nieztsche cho rằng ông không thấy có quy luật phổ biến ở hành vi ứng xử cá nhân mà ông chỉ tìm thấy một cái gì đặc biệt, riêng biệt. Như tôi vừa trình bày, Triết học sau Kant trong việc giải thích những hành động, những ứng xử cá nhân thì họ tìm những động cơ cá nhân, những động cơ đặc biệt và một khi như vậy thì bản thân khái niệm phổ quát không có tính phổ biến, nó chỉ có giá trị trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Bản thân khái niệm phổ quát nó có tính chất đặc biệt, người ta cứ đinh ninh rằng khái niệm phổ quát là có tính phổ biến nhưng với sự phát triển của nó thì khái niệm phổ quát không phổ biến trong lĩnh vực khoa học xã hội, lĩnh vực đạo đức. Như vậy, bản thân khái niệm phổ quát là không phổ biến. Đặc biệt thế hệ chúng tôi thì tôi cảm nhận rất rõ vấn đề này. Ví dụ, người phương Tây thì cứ đinh ninh rằng văn minh phương Tây là phổ biến nhưng đến thế hệ chúng tôi thì tôi thấy rằng, bên cạnh nền văn minh phương Tây có những nền văn minh khác, những nền văn minh này cũng chính đáng như nền văn minh phương Tây. Tức là văn minh phương Tây không phải là cái phổ biến cho toàn nhân loại, bên cạnh nền văn minh phương Tây có những nền văn minh khác. Thường thường người ta nói những nền văn minh ngoài châu Âu là tuổi thơ ấu của văn minh phương Tây nhưng không phải, nó không phải tuổi thơ ấu của nền văn minh của phương Tây. Văn minh châu Phi, châu Á khác văn minh châu Âu, nó không phải là tuổi thơ ấu của phương Tây trong khi phương Tây thì già dặn. Nó cũng là một nền văn minh chính đáng như nền văn minh phương Tây và phải đối xử với nó như đối xử với nền văn minh phương Tây. Như vậy là bằng kinh nghiệm của thế hệ tôi, một cái mà người ta đinh ninh là phổ quát lại không phổ quát. Văn minh phương Tây không phải là cái phổ quát cho tất cả mọi người, cho cả nhân loại. Mới đây, Deleuze, một triết gia đương đại lớn của Pháp, cho rằng, những nền văn minh ngoài phương Tây là những nền văn minh tiền Triết học, còn văn minh phương Tây là văn minh Triết học. Vì thế, văn minh phương Tây phát triển còn các nền văn minh khác thì không. Một ví dụ khác là các triết gia phương Tây luôn cho rằng, Triết học có thể bắt đầu từ nơi này nơi khác trên trái đất nhưng nó ra đời từ Hy Lạp. Đành rằng, ở Trung Hoa từ rất sớm, trước Hy Lạp đã có những tư tưởng triết học, nhưng Triết học chỉ ra đời ở Hy Lạp.. Đây là một quan niệm khá phổ biến mà nếu những người như tôi có ý kiến khác quan điểm đó thì thường bị nghi ngờ, chỉ trích. Vấn đề đặt ra là phương Tây có một mâu thuẫn, họ đòi hỏi cái phổ quát hoặc cho rằng cái họ tạo ra là phổ quát nhưng chính bản thân họ là đặc biệt, nền văn minh của họ cũng là sản phẩm của các điều kiện lịch sử nhất định chỉ có ở họ, đó cũng là đặc biệt vậy. Đấy là một chỗ lủng củng phải giải quyết mà họ chưa giải quyết được. Như vậy, ở một số tác giả lớn của phương Tây như Heghen hay Kant, phổ quát là một khái niệm thống nhất, nhưng nếu tìm hiểu lịch sử ra đời của khái niệm phổ quát thì thấy rằng phải có nhiều phương diện đóng góp vào sự hình thành của khái niệm này, các phương diện này là hỗn hợp, thậm chí hỗn loạn. Có rất nhiều nguồn thuộc những bình diện khác nhau đóng góp vào sự hình thành khái niệm phổ quát ở phương Tây, nhưng ở đây tôi chỉ nêu ba nguồn: Thứ nhất là Logic, thứ hai là Luật pháp, thứ ba là Tôn giáo. - Logic là nguồn thứ nhất đóng góp vào sự ra đời của khái niệm phổ quát. Ở phương Tây, trước Socrates, cái toàn thể là đối tượng nghiên cứu của Triết học. Nhưng đến Socrates thì ông đặt vấn đề khác, đó là sự vật phải được nghiên cứu theo phương thức của cái toàn thể. "Cái toàn thể là đối tượng nghiên cứu của Triết học" và "Sự vật phải được nghiên cứu theo phương thức của cái toàn thể", đây là hai vấn đề khác nhau. Sự vật được nghiên cứu theo phương thức toàn thể là khái niệm, hay nói cách khác, khái niệm là kết quả của việc phương thức toàn thể được đưa vào để nghiên cứu sự vật. Ở phương Tây khi dạy Triết học cho học sinh thì người ta lý giải :Triết học là đi từ cái hiện tượng chuyển sang một thế giới khác, thế giới Triết học, đây là thế giới của những khái niệm và chúng ta nhìn sự vật như là khái niệm tức là chúng ta nhìn sự vật theo phương thức của cái toàn thể. Khái niệm cái đẹp chẳng hạn, cái đẹp được nhìn nhận theo phương thức của cái toàn thể, một cái gì nó bao trùm lên tất cả, đấy là tìm hiểu sự vật theo phương thức của cái toàn thể chứ không phải nghiên cứu bản thân sự vật. Hai việc này là khác nhau. Đấy là nguồn logic góp phần vào sự hình thành cái phổ quát. - Nguồn thứ hai là nguồn luật, ở đây có sự đóng góp của Luật Công dân của La Mã. Trước La Mã thì người ta là công dân của một địa phương, nhưng với sự hình thành của đế quốc La Mã thì người ta vừa là công dân của một địa phương, người ta vừa là công dân phổ quát của cả đế quốc La Mã. Khi luật La Mã nâng vị thế công dân địa phương lên vị thế công dân phổ quát của cả đế quốc thì nó cũng đóng góp vào sự hình thành khái niệm phổ quát.Từ công dân địa phương thành công dân phổ quát đây là sự kiện luật, sự kiện chính trị, nó cũng đóng góp vào sự hình thành khái niệm phổ quát. - Nguồn thứ ba đóng góp vào sự hình thành khái niệm phổ quát là Tôn giáo. Về nguồn này phải kể đến một tín đồ của Đạo Kitô là Thánh Paul, thậm chí Thiên Chúa giáo gắn bó với Thánh Paul nhiều hơn là với Kito, Thánh Paul đưa ra rất nhiều khái niệm quan trọng. Thánh Paul vốn là người Do Thái, và sau này thì ông chuyển Đạo, chuyển tôn giáo do sự bừng tỉnh của ông ta trước sự kiện Chúa phục sinh. Nhân chuyện Chúa phục sinh, ông ấy nghĩ đến chuyện sống, chết. Cái sống, cái chết là cái chung cho cả loài người, là phổ quát. Sự phổ quát của sống, chết là chung cho cả loài người. Sự đóng góp của Thánh Paul còn được mở rộng ra ở khía cạnh ngôn ngữ. Ngôn ngữ của Kito là ngôn ngữ arameen (Do Thái) không phải Hy Lạp, nhưng Kinh Thánh, những lời của Chúa cuối cùng được chuyển thành tiếng Hy Lạp mà tiếng Hy Lạp là ngôn ngữ Triết học. Nhưng từ những kinh nghiệm của mình, Thánh Paul đi đến chỗ xoá bỏ mọi khác biệt, không có sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà, không có sự khác biệt giữa người chủ và người nô lệ, không có sự khác biệt giữa người Do Thái và người La mã... Đây cũng là một cơ sở quan trọng cho tính phổ quát, không phân biệt đàn ông, đàn bà là một cái gì đó phổ quát, không có sự khác biệt giữa chủ và tớ, xoá bỏ sự khác biệt ấy đi thì cũng là một căn cứ để hình thành tư tưởng phổ quát. Việc Kinh Thánh và những lời dạy của Chúa được chuyển sang tiếng Hy Lạp là sự kiện rất quan trọng, tức là tôn giáo Kito và những lời dạy của Kito được tách khỏi môi trường địa phương của họ. Đây là những lời nói, những ngôn ngữ ông ấy dạy dân bằng tiếng Do Thái của ông ấy, bằng một hệ ngôn ngữ Do Thái, khi chuyển sang tiếng Hy Lạp là ngôn ngữ của Triết học thì tính khái quát, tính phổ quát của nó rất cao, đấy là một sự kiện rất đáng ghi nhớ. Lại nữa, Thiên chúa giáo được đặt ở bình diện của Thượng đế, bình diện này đã có từ trước khi mọi người sinh ra và bình diện Thượng đế này phổ quát chung cho mọi người, nó cũng là một căn cứ để từ đó hình thành một ý niệm, một phương diện nào đó về tính phổ quát, ngoài phương diện tính logic và tính luật pháp của nó. Đặc biệt trường hợp nền văn minh phương Tây, nó rất cần khái niệm phổ quát vì nó có những dân tộc khác nhau, những ngôn ngữ khác nhau, những phong tục tập quán khác nhau, bây giờ để cùng đứng lại với nhau thì phải có một cái gì đó chung, cái chung đó là cái phổ quát. Đó là thêm một lý do vì sao phương Tây lại có nhu cầu về tính phổ quát và khái niệm này lại ra đời ở phương Tây. Bây giờ tôi sẽ trình bày vấn đề tôi chấp nhận cái phổ quát nào và tôi bác bỏ cái phổ quát nào. Tôi xin nêu ví dụ về một bức tranh thờ ở Ghent (Ghent Altarpiece) tác giả là hai anh em hoạ sĩ Hà lan Van Eyck (cuối t.k.XIV - đầu t.k. XV), trong bức tranh hoành tráng là toàn thiên hạ, có tất cả, có Thượng đế toàn năng, có Adam và Eva, có Đức bà đồng trinh và cácvị Thánh, có chư vị thiên thần, phần dưới bức tranh, chính giữa là Cừu non Thần bí (tức Ki-tô) ,từ tứ phía lũ lượt kéo nhau dến quần tụ với đức thánh Con là toàn thiên hạ đủ mọi tâng lớp, mọi dân tộc khác nhau (thời bấy giờ mà trong bức tranh có một người đội mũ Trung quốc”) Cái gọi là “phổ quát” trong bức tranh này là phổ quát có “tính toàn cảnh“ (panoramique) thật là quá đầy đủ, không thiếu gì cả và tôi không chấp nhận cái phổ quát như thế này. Tôi muốn phân biệt hai khái niệm, một là Phổ quát và một tạm dịch là Toàn vũ trụ khép kín. Đặc điểm của cái phổ quát là phá vỡ cái khép kín để mở ra tiếp, còn cái toàn vũ trụ khép kín, dù nó có mênh mông bao la đến đâu thì nó vẫn là khép kín. Mà đặc điểm của cái phổ quát là nó phá vỡ, chọc thủng những cái gì khép kín, liên tục chọc thủng cái khép kín, liên tục mở và cái mở này là liên tục, vô tận. Còn toàn vũ trụ khép kín thì dù bao quát được rất nhiều nhưng vẫn là một cái gì có giới hạn, một cái gì khép kín. Tôi cho rằng, cái Phổ quát là cái tích cực, nó mở toàn vũ trụ khép kín. Ví dụ, ở Pháp có luật phổ thông đầu phiếu. Phổ thông đầu phiếu cũng là một cái gì phổ quát, chung cho mọi người, nhưng ban đầu chỉ có nam giới được đi bầu, phụ nữ thì không, và đấy là sự phổ quát khép kín. Sự tiến bộ chỉ có khi có cái gì chọc thủng cái khép kín, tức là phụ nữ được đi bầu. Vì thế, tôi cho rằng, cái phổ quát là một sự phủ định tích cực, và nếu chúng ta bằng lòng với tư tưởng toàn vũ trụ khép kín thì dễ dẫn đến một chân trời có sẵn. Nếu chúng ta bằng lòng với chân trời có sẵn đó, cái toàn cảnh khép kín đó thì dễ đi đến tâm lý tự mãn. Cho nên luôn luôn phải mở, không cố định ở một chân trời nào, mà muốn mở thì phải nói đến vai trò của cái phổ quát và cách hiểu cái phổ quát. Cái phổ quát không phải là cái gì được chấp nhận như là cố định, bao trùm, “đương nhiên chỉ có vậy” mà đó là một nhân tố để phá vỡ những gì khép kín, dù sự khép kín đó mênh mông rộng lớn đến đâu thì cũng vẫn phải mở nó ra. Tôi muốn đề cập đến một khái niệm nữa là cái "đang phổ quát hoá". Cái phổ quát khác với cái đang phổ quát hoá. Khi dùng chữ phổ quát phải cảnh giác vì chúng ta có thể nghĩ phổ quát là cái gì có sẵn rồi, là đương nhiên chỉ có thế thôi. Ngay như Newton trong một số định luật đã đưa ra một số luật gọi là luật phổ quát, nhưng Einstein lại gọi nó là cái đặc thù. Vì thế, dùng chữ khái niệm phổ quát thì phải cảnh giác với sự tự mãn, thoả mãn mà nên hiểu đó là quá trình phổ quát hoá. Con người có sự đòi hỏi về tính phổ quát, với sự đòi hỏi đó thì tất cả là quá trình, không dừng lại ở cái phổ quát có sẵn mà từ cái phổ quát có sẵn mình tiếp tục đi nữa, quá trình này gọi là quá trình phổ quát hoá (universalisant). Trên đây tôi đã trình bày một cách tóm tắt những ý kiến của mình về cái Phổ quát. Trước đó, tôi đã trình bày về cái tiêu cực, cái phủ định. Tôi đề nghị hiểu cái phổ quát như là những nhân tố phủ định, phủ định những cái toàn cục khép kín. Tôi muốn nói đến tính liên hệ giữa hai vấn đề, tôi cũng muốn nhấn mạnh cái phổ quát là một nhân tố phủ định tích cực và với nhân tố phủ định tích cực đó, chúng ta có một quá trình phổ quát hoá không bao giờ ngừng, không bao giờ khép kín. III. MINH TRIẾT VÀ THỜI HIỆN ĐẠI Ở châu Âu hiện nay, từ "sagesse" mà chúng tôi dịch là Minh triết có một nghĩa xấu, tuy vậy người ta có thể hiểu nó theo nghĩa xấu mà cũng có thể hiểu nó theo nghĩa tốt. Về nghĩa xấu thì tiêu biểu là ý kiến của triết gia Wittgenstein (triết gia Anh, gốc Áo), cho rằng "minh triết là một cái gì nguội lạnh và lẩn thẩn". Sau đây là một loại ý kiến đánh giá về Minh triết hiện nay: "Một khi Minh triết là như vậy thì nó thiếu lửa, thiếu sức sống, thiếu sức nóng, thiếu nhiệt, mà khi đã thiếu nhiệt thì nó chỉ che đậy cuộc sống, làm cho người ta không thấy được nó". Đấy là một ý kiến rất coi thường Minh triết. Như vậy, "Minh triết là một thứ tro nguội lạnh, xám xịt, phủ lên lò lửa là sự sống". Trong khi đó Triết học có cái đà của nó, có lửa nhiệt tình của nó. Minh triết khác với Triết học là ở chỗ đấy. Minh triết đi đến chỗ tiêu tan, nguội lạnh. Nhưng ngược lại, Voltaire lại cho rằng Triết học chỉ là xuyên tạc đời sống, nó chỉ là thức ăn nuôi trí tò mò của con người. Voltaire là người đơn độc, ông không có hậu thế để tiếp tục ý kiến của mình. Như vậy vấn đề hiện nay là có hai cách đánh giá về Triết học, về Minh triết: Minh triết che đậy sự sống, còn Triết học thì xuyên tạc sự sống. Cũng có hai cách đánh giá khác về Minh triết, về Triết học. Có một ý kiến cho rằng Minh triết là trên Triết học, còn có một ý kiến khác nói Minh triết là dưới Triết học. Cách đánh giá Minh triết trên Triết học có từ trước Plato, tức là người ta cho rằng Minh triết là cái gì đó cao hơn Triết học và nó là trí tuệ của thần thánh. Còn Triết học là sự hiểu biết của con người. Con người không vươn được tới Minh triết cho nên bằng lòng với việc là người bạn của Minh triết , là người yêu chuộng Minh triết.. Nhưng đến Plato, bắt đầu có một sự đảo ngược lại. Người ta nhận ra Minh triết tự cho là thần thánh, tức là nắm được tất cả, mà nắm được tất cả là mất, bởi vì nắm tất cả thì anh không còn thiếu, mà không còn thiếu gì nữa thì anh không băn khoăn, không lo lắng, không động não nữa, anh ở trạng thái thoả mãn. Còn với Triết học, đối tượng của nó là cái thiếu, vì nó cảm nhận được cái thiếu nên nó hoạt động tích cực và phát triển. Minh triết có một nhược điểm là không có lịch sử còn Triết học thì có lịch sử, nhiều lịch sử. Một bậc Hiền giả, một người Minh triết có thể có lịch sử nhưng sự phát triển của Minh triết không có lịch sử. Một khi Minh triết không có lịch sử thì nó đứng tại chỗ, nó trì trệ, do đó, nó chỉ đưa ra những kiến giải tầm thường và nó nói những ý kiến mà lương tri thông thường của con người cảm nhận được, nó chỉ dừng lại ở đấy. Như vậy, Minh triết đã không được kiến tạo một cách lịch sử cho nên người ta đặt vấn đề tìm hiểu vị trí, vị thế chính thức của nó. Nhìn lại Triết học thì thấy rằng Triết học hệ thống cũng không phát triển. Đấy cũng là một điều mà người ta chú ý khi nói đến tính lịch sử của cái này hay cái kia. Tức là Triết học hệ thống không còn nữa. Trong sự suy thoái của nó, người ta đặt vấn đề là có cái gì bị nó dồn nén từ trước đây và bây giờ nổi dậy không? Trong tình trạng Triết học suy thoái như vậy, hiện nay ở phương Tây có một xu hướng phát triển rất mạnh, đó là sự quan tâm đến vấn đề phát triển cá nhân. Có nhiều phép, nhiều thiết chế, nhiều tổ chức lo cho “sự phát triển cá nhân” (developement personel). Ngay cả Thiền ở phương Tây cũng là một cách người ta dùng để phát triển cá nhân. Nhưng Thiền ở phương Tây không giống như Thiền ở Việt Nam, nó là cái khủng hoảng. Thiền ở phương Tây được Triết học hoá để thoả mãn nhu cầu phát triển cá nhân. Trên cơ sở đó, sinh ra một cái gọi là các phép để thoả mãn nhu cầu phát triển cá nhân. Như vậy, ở châu Âu hiện nay có hai khuynh hướng, một khuynh hướng quan tâm lo lắng đến sự phát triển cá nhân, một khuynh hướng là cái Minh triết đang ở tình trạng lưng chừng như vậy, nó trung dung, và do đó nó dễ đi vào chỗ tầm thường. Trong lịch sử phát triển của Triết học phương Tây, đặc biệt là Triết học Hy Lạp, người ta cho rằng Triết học nảy sinh như một ngành, một nhánh của Minh triết, và cái ngành, cái nhánh này lớn lên thì nó tách khỏi Minh triết. Có một vấn đề người ta thường thấy trong Triết có nhiều điều nó xem như là đương nhiên, như là hiển nhiên và nó không đặt thành vấn đề, không đặt câu hỏi. Bản thân tôi cũng thấy Triết học của phương Tây có nhiều vấn đề không đặt thành câu hỏi, vì tôi cũng xem nó như là đương nhiên. Nhưng khi qua Trung Quốc, từ sự hiểu biết về tư tưởng Trung Quốc, tôi có cái nhìn khác. Với cái nhìn ấy, trở về Triết học phương Tây, tôi thấy có nhiều điều không hiển nhiên như mình tưởng. Có nhiều điều cần phải đặt câu hỏi, cần phải đặt vấn đề, đấy là trường hợp kinh nghiệm của riêng tôi. Nhà thơ Việt Phương: Có người cho rằng, sự bừng nở, sự phát triển cá nhân có một hàm lượng Minh triết và có một hàm lượng Triết học đích đáng, và do đó sự phát triển cá nhân hiện đại của phương Tây có thực chất của nó. Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến có phân biệt chủ nghĩa cá nhân đạo đức và chủ nghĩa cá nhân văn hóa,có người gọi là cá nhân luận văn hoá.. Nếu là chủ nghĩa cá nhân văn hoá thì đấy là một chủ nghĩa cá nhân có hàm lượng Minh triết và Triết học cao nhất. Xin ông bình luận ý kiến này? GS François Jullien : Có nhiều sự phát triển theo những khía cạnh khác.nhau Còn để sự phát triển cá nhân có một hàm lượng triết lý thì phải đi tìm triết lý ấy. Xung quanh vấn đề này, ở phương Tây người ta lược quy Minh triết vào tri thức. Một khi Minh triết bị lược quy vào tri thức thì còn vấn đề tri thức chứ không còn vấn đề Minh triết nữa. Mà vấn đề tri thức thì trong Triết học cổ đại Hy Lạp, người quan tâm thực sự là Aristotle. Câu mở đầu cho thuyết siêu hình học của ông ấy là: "mọi người đều có ham muốn hiểu biết". Nhưng trong hiểu biết thì có nhiều cấp độ khác nhau, có hiểu biết thuần tuý, có hiểu biết tư biện... Vấn đề hiểu biết có được đặt ra trong danh ngôn của Khổng Tử. Khổng Tử có nói đến vấn đề biết, rồi sau đó mới nói đến vấn đề yêu, sau đó có nói đến vấn đề tìm thấy niềm vui. Có một trình tự như vậy. Biết là ở dưới yêu, còn yêu thì lại dưới tìm thấy niềm vui. Tức là tư tưởng của phương Đông có thấy lấp ló những vấn đề tri thức nhưng sau đó lại rẽ sang lĩnh vực khác. Vấn đề lấp ló thấy tri thức không được đẩy tới một bước nữa tức là chỉ nói "biết" chứ không xác định đối tượng của nó. Bước một là biết nhưng không xác định đối tượng của cái biết là gì, mà chỉ khi xác định được đối tượng của cái biết thì mới có sự phát triển của tri thức. Ngược lại, ở Hy Lạp, khi nói đến vấn đề biết thì bao giờ người ta cũng xác định đối tượng của cái biết: biết cái gì, chẳng hạn khi nói đến yêu thì người ta bao giờ cũng xác định yêu cái gì. Sự phát triển tri thức ở Hy Lạp và ở phương Đông có điều này cần lưu ý, cần phân biệt, đó là cần phân biệt cái hương vị của sự vật và tri thức về sự vật. Ở phương Đông, người ta quan tâm đến hương vị của sự vật mà chưa động đến cái gọi là tri thức về sự vật. Với mức độ phát triển như thế cho nên tôi mới nói rằng phương Đông lấp ló vấn đề tri thức nhưng không đi đến cùng mà nó rẽ sang con đường khác. Phương Đông dừng lại ở hương vị của sự vật chứ chưa đi tới tri thức về sự vật. Quay trở lại về những điều trong Triết học Hy Lạp mà những nhà nghiên cứu Triết học phương Tây cho rằng đương nhiên là như vậy, nên họ không nghĩ về cái đương nhiên đó. Trong học thuật có chuyện ấy, có nhiều điều mình thấy là đương nhiên nên mình không nghĩ nữa. Tôi đã sang Trung Quốc, đọc tư tưởng và văn hoá Trung Quốc thì tôi có được một chỗ đứng từ bên ngoài và từ chỗ đứng bên ngoài này, nhìn lại phương Tây, tôi thấy có nhiều cái phương Tây tưởng là đương nhiên nhưng thực ra không phải đương nhiên. Điều đó làm tôi bắt đầu suy nghĩ về những cái mình cho là đương nhiên, hoá ra nó không nằm ở một đường rãnh không dược tư duy, không được nghĩ đến.. Có nhiều điều ở trạng thái không được nghĩ vì bình thường nó được coi là đương nhiên rồi. Nhưng thực ra nó không hề đương nhiên. Trong cuốn Siêu hình học của Aristotle, ông ấy nói rằng tri giác, cảm giác không phải là tri thức, không có tri thức trong cảm giác. Những câu ấy tôi thấy là đương nhiên, không có gì phải suy nghĩ, nhưng chưa một học giả nào ở phương Tây để ý đến câu ấy, thực ra nó là câu có vấn đề. Vòng qua Phương Đông, đọc sách của Trung Hoa cổ thì tôi thấy cái phương Tây gọi là cảm giác thì ở phương Đông nó là hương vị, rất quan trọng. Trước đây tôi không ngạc nhiên về câu của Aristotle, nhưng đến bây giờ thì thấy không hiểu tại sao ông ấy lại nói thế trong khi phương Đông đánh giá rất cao hương vị như vậy? Phương Đông rất quan tâm đến hương vị cũng như cảm giác. Khổng Tử nói: "Những người giỏi thì lại biết quá nhiều, còn người ngu thì chưa tới, rất hiếm người nắm bắt được hương vị". Đấy cũng là một ví dụ để qua đó, tôi nghiệm lại câu của Aristotle. Như vậy, chúng tôi làm được một danh sách những điểm để thấy rằng Triết học một khi đã tách khỏi Minh triết thì mất đi rất nhiều. Triết học phương Tây có những khái niệm chủ mà nó rất quan tâm như: tự do, chân lý. Nhưng Minh triết phương Đông thì không quan tâm đến khái niệm chủ này mà lại quan tâm đến những phạm trù khác như là hương vị của sự vật và tính “linh chuyển” hoạc “tính linh động” (Pháp: disponibilité) của ý thức con người. Phương Tây khi đưa ra một luận điểm nào đó thì thường khẳng định, còn phương Đông thì không khẳng định mà lại mở ra một cách nhìn của mình, một quan điểm của mình. Chỉ mở ra thôi, từ cách mở ra này thì có nhiều cách tiếp nhận, chứ không có một ý cố định nào. Ví dụ về khái niệm trung dung, phương Tây hiểu khác phương Đông. Phương Tây nói trung dung là ở tâm điểm, ở giữa, một khi đã ở giữa thì không phải cái này, không phải cái kia, không nóng, không lạnh.... Phương Đông lại hiểu trung dung là có thể thiên về cực này, mà cũng có thể thiên về cực kia. Đấy cũng là một điểm mà khi so sánh giữa phương Đông và phương Tây, tôi thấy được sự khác nhau như thế nào. Triết học phương Tây quan tâm sự nhìn, sự tri giác, từ cái nhìn này sinh ra nhiều khái niệm: viễn cảnh, hình học... Còn phương Đông quan tâm đến sự thở, thở ra, hít vào, tiết tấu này là một cơ sở để từ đó, nảy sinh ra những tư duy Minh triết.của họ... Tóm lại, về Minh triết thì tôi cho rằng nó là hạ tầng của Triết học. Nhiệm vụ xây dựng Minh triết hiện nay là phải tạo ra những khái niệm cho mình, dùng những khái niệm đó để suy nghĩ những vấn đề mà Triết học bỏ rơi hay Triết học chưa nắm bắt được. Về vấn đề thở thì Minh triết phải tìm ra những khái niệm để diễn đạt, đào sâu hoạt động thở, tìm ra kết cấu của nó và tạo ra những khái niệm. Như vậy, Minh triết phải tạo cho mình những khái niệm. Ở đây, có một vấn đề nữa là Minh triết phải xác định quan hệ của nó với chính trị. Tôi lấy ví dụ về nguồn gốc của Triết học Hy Lạp. Sự ra đời của Triết học ở Hy Lạp có liên quan mật thiết với sự ra đời của thành bang. Thành bang Hy Lạp có đời sống chính trị của nó, có nền dân chủ của nó. Đặc điểm của thành bang là hay tranh luận. Chúng ta biết thành bang Hy Lạp có quốc hội, có toà án, có quảng trường. Ở quảng trường, ở hội trường của quốc hội người ta tranh cãi nhau, người ta đối đầu nhau bằng ngôn ngữ, cái sinh hoạt ấy của thành bang phản ánh thông qua Triết học ở nếp thao tác tư duy triết học là đưa ra Đề (these)rồi Phản đề (anithese)... Nếp tư duy này mô phỏng đời sống chính trị của thành bang. Bây giờ, Minh triết cũng phải quan tâm đến mối liên hệ với chính trị, tức là tạo cho nó một cái gì đấy của nó. Còn Minh triết ở Trung Quốc trong quan hệ với chính trị thì như thế nào? Trong quan hệ với chính trị, Minh triết ở Trung Hoa cổ không có một lập trường xác định. Tuy bên trong là ngay thẳng nhưng bên ngoài đối với chính quyền thì mềm dẻo, từ mềm dẻo đi đến chỗ luồn cúi, không có lập trường. Do kết cấu không có lập trường nhất định, khi thế này, khi thế nọ nên những nho sĩ Trung Quốc không bao giờ là trí thức, không phải là trí thức. Trí thức phải có lập trường. Lập trường là thế nào? Tức là mình phải có quan điểm của mình. Vấn đề đó rất quan trọng, nhất là để hiểu những nhà Minh triết Trung Quốc cổ như thế nào và nó ảnh hưởng đến trí thức Trung Quốc hiện nay như thế nào. Minh triết hiện nay phải khắc phục hai nhược điểm có từ xưa, một là không tư duy bằng khái niệm thì bây giờ Minh triết phải có khái niệm. Thứ hai là về chính trị không rõ ràng thì bây giờ phải rõ ràng đối với chính trị. Minh triết ở giai đoạn này phải đưa tư tưởng vào công trường của mình để làm ra những khái niệm.. Đấy là đề nghị của tôi đối với công việc của Minh triết. Ông Nguyễn Khắc Mai: Có một nhà nghiên cứu của Anh nói rằng sở dĩ có một khuynh hướng phục hưng Minh triết ở phương Tây hiện nay là vì cá nhân ở đấy thất vọng vì nhiều điểm, trong đó có hai thất vọng lớn: một là nhiều hệ thống xã hội sụp đổ, những hệ thống như nhà nước phúc lợi, rồi những cuộc chiến khủng bố; hai là nó thấy nhiều khuynh hướng hay nhiều hệ thống triết lý tư tưởng cũng phá sản, ví dụ như chủ nghĩa hiện sinh cũng không giải đáp được gì, chủ nghĩa Marx cũng đang khủng hoảng, nhiều trào lưu tư tưởng khác cũng vậy. Vì thế họ có khuynh hướng đi tìm Minh triết trong lối sống, đảm bảo sự nhân ái, tiết kiệm, sống gần với thiên nhiên, hoà đồng, chăm lo lẫn nhau, tìm tới khuynh hướng hướng thượng về trí tuệ, về kiến thức và họ khẳng định sự thông thái là tầng cao nhất của năng lực trí tuệ của con người. Người ta kiếm tìm sự thông thái ở đâu? Ở trong các triết gia, ở trong các nhà tôn giáo, ở trong các nhà chính trị. Người ta còn cho rằng phải có nhiều Minh triết hơn nữa trong quản lý chứ không phải chỉ có kiến thức. Cách suy nghĩ như vậy phải chăng cho thấy sự phục hồi của Minh triết? GS François Jullien : Phương Tây hiện nay có một sự quan tâm lớn hơn về "Minh triết" và lý do là vì sự sụp đổ của một số hệ tư tưởng. Nhưng tôi nghĩ rằng sự trở lại Minh triết hiện nay không phải là với lý do chính đáng. Trở về với Minh triết có thể có những lý do đúng, chẳng hạn trở về những vấn đề mà Triết học bỏ quên hay bỏ dở, ví dụ vấn đề thở, hoặc vấn đề hương vị của sự vật và cảm giác cũng là vấn đề mà phương Tây không để ý. Nếu quan tâm đến những vấn đề mà Triết học bỏ dở hoặc tôn giáo bỏ lại thì đấy là lý do đúng. Có một lý do không chính đáng dẫn đến việc quay trở lại Minh triết ở phương Tây hiện nay, đấy là tình trạng mất lý tưởng, con người bỏ rơi lý tưởng, xa rời lý tưởng. Người ta không tin vào sự cứu rỗi, không tin vào lý tưởng chính trị có thể cứu vãn, ngay cả lý tưởng trong khoa học người ta cũng không quan tâm. Người ta quan tâm đến những vấn đề thực dụng hơn, kiếm được nhiều tiền hơn. Lý do không chính đáng thứ hai là trong tình hình mất lý tưởng như vậy, cá nhân thu lợi cho bản thân mình, quan tâm đến những vấn đề của mình, chỉ lo cho mình. Đấy cũng là một lý do không hay của việc trở về Minh triết. Lý do thứ ba là ảo tưởng về phương Đông. Thực ra, phương Tây chỉ biết phương Đông qua những cuốn sách về thương mại của phương Tây, họ có những huyễn tưởng về phương Đông. Với những huyễn tưởng phương Đông, họ tưởng tìm ra Minh triết, nhưng không phải thế. Người ta nghĩ phương Đông là mặt trái của phương Tây, bây giờ phương Tây gặp nhiều vấn đề lủng củng thì họ tìm đến mặt trái của nó để may ra tìm được cái gì hay hơn, tốt hơn. Họ tìm cái phi lý của phương Đông để đối lại với cái khủng hoảng duy lý của phương Tây hiện nay. Họ cho rằng phương Đông là phi lý, không có tính hiệu quả, nhưng tôi thấy rằng phương Đông là duy lý, theo cách của nó. Phương Tây có những vấn đề của nó, vấn đề mâu thuẫn giữa tự do và quyết định luận. Họ tưởng rằng tìm tới phương Đông là tìm những lời giải đáp cho vấn đề này, nhưng ở phương Đông không hề đặt ra vấn đề mâu thuẫn giữa tự do và quyết định luận, chưa từng đặt ra và sẽ không đặt ra. Phương Đông không quan tâm vấn đề này. Ông Nguyễn Hưng (Trung tâm Minh triết Việt): Trong thế giới phẳng hiện nay có hai vấn đề đặt ra: Thứ nhất là phải phát triển trong đa dạng nhưng có tính phổ quát, thứ hai là xác định động lực của sự phát triển là gì. Chúng tôi đọc Hegel thì thấy rằng sự mâu thuẫn, sự đấu tranh giữa các mặt đối lập là động lực cho sự phát triển. Gắn với suy nghĩ của phương Đông thì chúng ta thấy rằng thuyết tiến hoá của Darwin không chỉ có trong sinh học mà trong cả xã hội học, kinh tế học... Minh triết phương Đông cũng có quan tâm đến động lực tiến hoá. Theo ông, động lực tiến hoá hiện nay có còn là đấu tranh sinh tồn? GS François Jullien: Về vấn đề đa dạng và phổ quát. Cái phổ quát không phải là cái có sẵn, nó là công việc của trí tuệ, và bằng công việc trí tuệ dần dần tìm ra cái phổ quát. Chính cái đầu mình phải làm việc để tìm ra được cái phổ quát, đấy là cái thứ nhất. Thứ hai là trong toàn cầu hoá, khái niệm phổ quát có nguy cơ được thay thế bằng khái niệm đồng dạng đơn điệu.(Pháp:uniforme) Trong toàn cầu hoá dễ có việc lầm tưởng đồng dạng là phổ quát, nhưng không phải như vậy. Một mặt chúng ta phải lo tạo ra sự đa dạng của cuộc sống vì nó rất cần, rất quan trọng, nhưng trong lúc tạo ra sự đa dạng của cuộc sống, chúng ta phải coi chừng toàn cầu hoá mang lại sự đồng dạng hoá cuộc sống, đấy cũng là một sự đe dọa đối với sự đa dạng của đời sống. Tôi cũng cho rằng mâu thuẫn là động lực của sự phát triển, và còn là động lực của tư tưởng, nhưng cái cứu cánh cuối cùng mà sự phát triển đi đến sự hiểu biết tuyệt đối thì tôi không tán thành. Minh triết phương Đông thường coi trọng cái hài hoà, nhưng để cái hài hoà nó che lấp cái mâu thuẫn thì vẫn còn mâu thuẫn. Vấn đề là dung hoà mâu thuẫn và hài hoà, bởi vì hài hoà là giải quyết mâu thuẫn nhưng tránh mâu thuẫn để tạo ra sự hài hoà nào đó thì hài hoà giả tạo. Trở lại khái niệm mâu thuẫn của Hegel, cái mới của Hegel là nói đến mâu thuẫn nội tại và mâu thuẫn nội tại đấy là động lực của sự phát triển. Nhưng Minh triết phương Đông thường tránh né mâu thuẫn để giữ sự hài hoà.; để giữ gìn hài hoà, phương Đông đi con đường vòng để tránh mâu thuẫn. Tôi cho rằng cái đó là không đúng, bởi vì mâu thuẫn là cái gì đó tự sinh sôi nảy nở. Mâu thuẫn bên trong có một tiềm lực rất mạnh. GS Phạm Văn Các (Nguyên Viện trưởng Viện Hán nôm): Vậy ông định nghĩa Minh triết như thế nào? GS François Jullien: Minh triết không phải là tư tưởng mềm yếu, Minh triết không phải là tư tưởng né tránh mâu thuẫn, Minh triết cũng không phải là sưu tầm những ý kiến tầm thường, đành rằng trong ý kiến tầm thường có chứa đựng Minh triết. Tôi định nghĩa Minh triết là hạ tầng của tư tưởng, hạ tầng này là cái nền cho sự phát triển của Triết học, Triết học phải trở về nó, lấy tài lực của nó để tiếp tục phát triển TS Trần Văn Thành (Nhà xuất bản Tri thức): Đọc sách của ông, tôi thấy ông ít quan tâm đến Phật giáo trong khi trong tam giáo đồng nguyên, Phật giáo được đánh giá là có tính Triết học nhất. Theo ông, Phật giáo có mối quan hệ như thế nào với Minh triết? GS François Jullien: Trong sách tôi ít nói đến Phật giáo bởi vì tôi nghiên cứu Triết học Hy Lạp cổ đại, mà thời cổ đại Hy Lạp tương ứng với cổ đại Trung Hoa và lúc ấy chưa có Phật giáo. Đấy là một lý do. Lý do nữa là Phật giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ, Ấn Độ cũng có liên hệ với phương Tây ở gốc Ấn-Âu, trước hết là về ngôn ngữ. Ngôn ngữ Ấn Độ cùng dòng họ với những ngôn ngữ phương Tây, gọi là dòng họ Ấn-Âu. Phật giáo từ gốc của nó là đã có liên hệ gì đó với phương Tây ở gốc Ấn-Âu. Trong Phật giáo, tôi quan tâm đến Đại thừa và Thiền. Đại thừa và Thiền có cái đặc sắc của nó. Phần còn lại của Phật giáo vẫn còn liên quan đến Ấn-Âu, còn đến Đại thừa và Thiền nó đã có màu sắc Trung Quốc. Tôi quan tâm đến Thiền vì nó giải thoát khỏi các giáo điều, sống một cuộc sống thảnh thơi, và Thiền không chỉ ở Trung Quốc mà còn có ở nhiều nước khác ở phương Đông như Triều Tiên, Nhật và Việt Nam. Ông Nguyễn Khắc Mai: Chúng tôi dự định sẽ đi tìm định nghĩa Minh triết và đi tìm diện mạo của Minh triết Việt, xem có những điểm tương đồng với Trung Hoa, Nhật Bản, với Pháp không. Bởi vì Pháp có một thời gian gắn bó với Việt Nam rất đáng kể, sự gắn bó ấy rất quý nên cần phải khai thác. Minh triết Việt có cái gì gần gũi với tư tưởng Pháp hay không. Bây giờ chúng tôi có thể khẳng định, Việt Nam không có hệ thống Triết học chặt chẽ như Trung Hoa, như Pháp, như Đức, nhưng chắc chắn nó có những hệ thống Minh triết mà chúng tôi gọi là cái nôi của văn hoá Việt. Chúng tôi rất hoan nghênh sự cộng tác và giúp đỡ của giáo sư François Jullien! Lên trang này ngày 22-10-08 Bản của GS Hoàng Ngọc Hiến gửi Share this post Link to post Share on other sites
Posted 25 Tháng 9, 2009 Không lẽ các bậc Trí giả VN hiện đại có thể "tiêu hóa" được những Kiến thức như thế này chăng ?. Luận giải của vị giáo sư này Sai nhiều quá. Hiểu biết về minh triết lại quá sơ sài !. Có lẽ cũng phải có một vài phản biện để vị giáo sư này Thấy được vấn đề !!! Thân ái. Share this post Link to post Share on other sites
Posted 25 Tháng 9, 2009 Chúng ta hãy lần lượt xét từng vấn đề mà ngài giáo sư đề cập đến: Vấn đề cái ác và tiêu cực. Vị giáo sư đó nêu: "Négatif" trong tiếng Pháp là một từ có hai nghĩa, thứ nhất là những phẩm chất xấu, tiêu cực, thứ hai là chức năng phủ định. Trong tiếng Việt, hai nghĩa này diễn đạt bằng hai từ khác nhau, từ "tiêu cực" và từ "phủ định". Tôi sẽ trình bày về khái niệm Négatif. Nghiên cứu về 3 chủ đề nói trên, tôi thấy chúng có chung một vấn đề mà tôi gọi là cái Tiêu cực. Hiện nay, có một luồng tư tưởng cho rằng tiến trình của thế giới là đi đến một thế giới mà trong đó, tất cả những cái Tiêu cực đều bị loại trừ một cách dễ dàng, chỉ còn lại toàn bộ những cái tích cực. Điều đó thể hiện khát vọng loại trừ hết cái Tiêu cực, chỉ còn cái Tích cực (cái tích cực ở đây là hoà bình, hữu nghị, hợp tác, là tất cả những cái tốt đẹp mà chúng ta mong muốn). Nhưng tôi cho rằng có lẽ không nên có một khát vọng như vậy. Trước khi bàn đến cái khát vọng đó, tôi sẽ trình bày sự phân biệt hai khái niệm cái Ác và cái Tiêu cực. Công việc của tôi là công việc của một nhà Triết học nên trước hết phải phân biệt rành mạch các khái niệm. Cái Ác và cái Tiêu cực trong cách dùng hiện nay vẫn có sự lẫn lộn. Chúng ta phải đối lập giữa một bên là cái Ác, một bên là cái Tiêu cực. Khái niệm cái Ác là ý niệm đạo đức, còn khái niệm cái Tiêu cực là ý niệm chức năng. Cái Ác là ý niệm đạo đức thì nó dẫn đến một khái niệm khác là "Chủ thể", còn cái Tiêu cực là ý niệm chức năng thì nó dẫn đến khái niệm "Quá trình", dẫn đến sự suy nghĩ về quá trình. Cái Ác gắn với khái niệm chủ thể thì người ta nghĩ đến việc loại trừ cái Ác, còn cái Tiêu cực gắn với khái niệm quá trình thì người ta nghĩ đến việc đưa nó gia nhập vào quá trình. Trong quá trình đó có những phương diện gắn bó với nhau. Ở đây, tôi xin trích dẫn một câu của Héraclite: "Cái đối lập luôn tham gia vào sự hợp tác". Ý niệm cái Ác gắn với truyện kể, chẳng hạn câu chuyện Adam và Eva trong Kinh thánh kể về cái Ác thông qua hình ảnh con rắn. Như vậy là cái Ác có tính kịch, còn cái Tiêu cực không được kể mà nó được miêu tả, có sự miêu tả thế giới, miêu tả cái toàn bộ. Trong cái toàn bộ ấy người ta miêu tả những phương diện khác nhau và miêu tả sự hợp tác của chúng với nhau. Hai ý niệm này dẫn đến hai hình ảnh. Ý niệm về cái Ác thì dẫn đến hình ảnh bậc Thánh, còn ý niệm về cái Tiêu cực thì dẫn đến hình ảnh bậc Hiền giả. Như vậy, cái Tiêu cực đối lập với cái Ác, còn Hiền giả đối lập với Thánh. Vị Thánh là nạn nhân của cái Ác, và tìm cách chạy trốn khỏi cái Ác. Còn bậc Hiền giả thì không phàn nàn mà ngắm nhìn thế giới, tìm cho ra tương tác giữa các phương diện, các nhân tố tạo ra quan hệ ấy. Sự đối lập giữa hình ảnh vị Thánh và hình ảnh bậc Hiền giả dẫn đến những thái độ khác nhau trong cuộc sống và trong Triết học. Làm theo hình ảnh vị Thánh thì tìm cách thoát khỏi cái Ác, còn làm theo hình ảnh bậc Hiền giả thì tìm cách để dung hoà những cái đối lập trong một toàn thể. Vậy là ở đây lại có thêm một đối lập nữa. Gắn với hành vi, cách cư xử của vị Thánh là sự cứu rỗi để thoát khỏi cái Ác, còn bậc Hiền giả thì không tìm cách cứu rỗi để thoát khỏi cái Ác mà nhìn thế giới trong cái toàn thể, tìm cách thấy được mối quan hệ giữa cái Tích cực và cái Tiêu cực. Ta có thể kết luận rằng: Vị giáo sư này quan niệm rằng : Cái tiêu cực là đối lập với cái ác !. Và đó mới là vấn đề. Thưa rằng, quan điểm đó là Sai hoàn toàn !. Và nếu nó là Sai, thời các lập luận của vị đó buộc chúng ta phải đặt vấn đề. Thật vậy, khi nói đến cái Ác, ngay từ đầu vị giáo sư đã đề cập thẳng đến bản chất của cái gọi là Ác. Rõ ràng, và rất dễ hiểu, khi nói tới cái Ác, tự nhiên nhất, chúng ta phải đứng trên cái Thiện mới có thể đánh giá được Nó là cái Ác !!!. Nếu không có cái Thiện, thì cái bất Thiện là không thể phân biệt được. Cũng như cái Xấu, nếu ta không có cái Đẹp để so sánh, lập tức xấu hay đẹp ta không thể phân biệt được. Vì thế, bản chất của cái Ác, hay cái Xấu là có tính Nhị nguyên, vốn nó đã là như vậy. Mà nói tới Nhị nguyên, thì phải đề cập tới phạm trù về Cặp đối lập. Cái Ác thuộc về cặp đối lập Thiện - Ác. Làm sao có thể đối lập được với cái Tiêu cực được !. Đó là nói chuyện ngay trong nội tại của thế giới Triết Tây. Chứ liên hệ với Triết Đông thì vị giáo sư này hiểu cái Ác còn i tờ tờ i ... ti lắm. Thế giới Vốn nhị nguyên âm dương, có bản chất đối lập, nhưng tương đối. Bởi vậy, Thiện và Ác là một cặp đối lập, Tiêu cực và Tích cực là một cặp đối lập khác. Hai phạm trù này hoàn toàn khác nhau, chúng phân biệt đến nỗi đông phương học đã lưu tâm đến và tự nhiên nhất đã thiết lập nên một hệ thống triết học hoàn chỉnh. Không có chuyện cái Ác và cái Tiêu cực làm thành một cặp phạm trù đối lập được. Nói rằng Thiện là Dương thì Ác là Âm đối lập với nhau, Tích cực và Tiêu cực là đối lập, có bản chất hành vi, cũng được phân loại âm dương. Như vậy, lý học đông phương, tự thân nó đã phân biệt từ sơ khởi Thiện và Ác là khái niệm, Tích cực và Tiêu cực là hành vi. Cả hai cặp phạm trù đó muốn phân biệt là phải gắn với một Chủ Thể xác định. Như Thiện và Ác thì phải gắn với Đạo Đức, Tích cực và Tiêu cực phải gắn với sự "Phát triển" - đó là một hành vi !!! Như Ta đã biết, đã là âm dương thời phải có Tứ tượng !. Tức là âm dương phải có chuyển hóa thì thế giới mới nảy sinh, tồn tại và phát triển. Do đó, tự thân nó, cái Ác làm nền cho sự tồn tại của cái Thiện và ngược lại. Nhờ song hành mà phát triển. Thế giới muốn tốt đẹp, cái Thiện là phổ biến thì phải có cái Ác thể hiện, Đạo đức chính là động lực "dẹp" bỏ cái Ác, nhưng muốn cái Ác bị dẹp bỏ thì cái Thiện phải hiện thực. Tức là Đạo đức được Thể hiện. Như thế ta thấy sự giao hòa, chuyển hóa giữa cái Ác và cái Thiện để phát sinh ra Đạo Đức. Sự tương giao, chuyển hóa thiện ác mới cho ta có cái Đạo đức, hay nói cách khác, khi cái Thiện chế cái Ác thì đạo đức mới được thực hành. Cho nên, người ta mới thấy cái Đạo Lý của nó. Vì vậy, Đạo là ở chỗ khi ta thấy cái Lý chế hóa của thiện ác thì Đức thể hiện. Nên mới có Đạo Đức là vậy. Cho nên Ta thường thấy nói: Có hành được Đạo thì cái Thiện mới hiện thực, mà có cái Thiện thì mới thấy được cái Đức. Minh Triết của Đạo Đức là thế, trong đời sống của mọi xã hội, có xã hội nào mà không có hai chứ Đạo Đức hay không ?. Sao dám bảo không có minh triết tây phương ?. Chỉ có khác ở chỗ, minh triết đông phương thì thấu tỏ cái gốc của nó là Đạo, còn tây phương thì không, bởi cái gốc không có, nên cái nền minh triết đó nó mới cằn cỗi, và người ta phải lấy cái nền văn minh cơ học, hay thậm chí cái gọi là khoa học hiện đại ngày nay để lấp lỗ trống mà thôi. Cũng từ đây, Ta thấy nổi lên cái gọi là Phổ Quát. Rõ ràng Đạo Đức có giá trị phổ quát. Hãy hiểu Phổ quát như là một sự tổng quát một quan niệm, một khái niệm hay một hành vi, cũng như một giá trị, nào đó mang tính tất yếu. Thế tất, rất rõ ràng, Đạo Đức có một gái trị phổ quát. Bởi tính phổ biến của nó và giá trị nền tảng của nó trong mọi cơ cấu và phát triển của mọi xã hội. Ai dám nói cái Phổ quát không phải là phổ biến, mang giá trị đặc trưng ?. Thật là buồn cười khi vị giáo sư đề cập phổ quát như là : Triết học sau Kant trong việc giải thích những hành động, những ứng xử cá nhân thì họ tìm những động cơ cá nhân, những động cơ đặc biệt và một khi như vậy thì bản thân khái niệm phổ quát không có tính phổ biến, nó chỉ có giá trị trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Bản thân khái niệm phổ quát nó có tính chất đặc biệt, người ta cứ đinh ninh rằng khái niệm phổ quát là có tính phổ biến nhưng với sự phát triển của nó thì khái niệm phổ quát không phổ biến trong lĩnh vực khoa học xã hội, lĩnh vực đạo đức. Như vậy, bản thân khái niệm phổ quát là không phổ biến. Đặc biệt thế hệ chúng tôi thì tôi cảm nhận rất rõ vấn đề này. Ví dụ, người phương Tây thì cứ đinh ninh rằng văn minh phương Tây là phổ biến nhưng đến thế hệ chúng tôi thì tôi thấy rằng, bên cạnh nền văn minh phương Tây có những nền văn minh khác, những nền văn minh này cũng chính đáng như nền văn minh phương Tây. Tức là văn minh phương Tây không phải là cái phổ biến cho toàn nhân loại, bên cạnh nền văn minh phương Tây có những nền văn minh khác. Đó chẳng qua là sự nhầm lẫn khái niệm, phổ quát và đặc trưng. Bởi vì không hiểu gì về Đạo, nên mới có sự nhầm lẫn như vậy !. Sơ lược như vậy, để chúng ta hiểu cái giá trị nhân bản và sâu sắc của triết học phương đông. Chỉ có một nền triết học toàn diện như vậy, mới có thể nuôi dưỡng một Minh Triết và gắn liền với không gian, thời gian cũng như lịch sử và tiến trình văn minh của con người Việt Nam. Rất tiếc, thời đại nay, chúng ta, những con người VN, mà thể hiện cao nhất ở các vị Học Giả (hình như không Thật) lại rất u minh với chính nền triết học và minh triết của Dân tộc !. Thân ái . Share this post Link to post Share on other sites
Posted 25 Tháng 9, 2009 Không lẽ các bậc Trí giả VN hiện đại có thể "tiêu hóa" được những Kiến thức như thế này chăng ?. Luận giải của vị giáo sư này Sai nhiều quá. Hiểu biết về minh triết lại quá sơ sài !. Có lẽ cũng phải có một vài phản biện để vị giáo sư này Thấy được vấn đề !!! Thân ái. Cảm ơn anh Vuivui quan tâm.Trung Tâm Minh Triết Viết có tổ chức một cuộc hội thảo hoàng tráng lắm. BBC có đưa tin. Thực ra theo tôi nghĩ các trí ngủ Việt Nam không phải không biết những cái dở hơi của Triết Tây. Nhưng vì tính sính Tây, vọng ngoại trở thành mode. Cái gì cũng phải có hẳn "Ông Tây" mới có giá trị. Bởi vậy, họ mời hẳn một ông Tây Phulangsa về để nghe nó nói nhảm. Nước Pháp đã suy thoái về tư tưởng. Thời của những nhà triết học Pháp bắt đầu từ thế kỷ Ánh sáng, gây chú ý và ảnh hưởng đến thế giới hiện đại đã lụi tàn. Nước Pháp đã xuất hiện những thằng gàn. Tôi tuy không có nhiều thời gian để hiểu biết về những giá tri tư tưởng Pháp hiện đại. Nhưng qua tác phẩm "Thượng Đế và Khoa học" và một hành vi của chính phủ Pháp - thưởng huân chương cho Lê Thành Khôi - một ngưởi Pháp gốc Việt và một giáo sư Việt trong nước - cả hai đều có quan điểm phủ nhận truyền thống văn hiến Việt 5000 năm. Bởi vậy, chỉ cần hai điều kiện đó - "Qua hai điểm có thể xác định được một đường thẳng" , tôi có thể xác định rằng: Nước Pháp đã suy thoái về mặt tư tưởng. Cho đến nay, sự xuất hiện của một trí thức Pháp đẳng cấp, nhưng với một tư duy rõ ràng là không cân đối càng xác định rằng tôi đã đúng. Những tri thức Pháp đẳng cấp, tất nhiên họ đại diện chọ hệ tư tưởng đang gây ảnh hưởng đến xã hội hiện đại, từ thượng tầng kiến trúc xã hội Pháp. Nhưng với một cái nhìn hạn hẹp, thiếu logic của các trí thức Pháp cao cấp, đã cho thấy những giá trị của nước Pháp bị rối loạn. Qua nước Pháp - một siêu cường của thế giới hiện nay - tôi có thể nhận xét rằng: Thế giới này đã mất phương phướng. Minh triết Đông Phương xác định rằng: "Một con cá quẫy đuôi có thể động đến tam thiên địa thiên thế giới". Những nhà trí thức đẳng cấp của nước Pháp thì lại không phải là con cá. Mà cái thế giới này thì lại rất chật chội và nhỏ bé trong vũ trụ. Share this post Link to post Share on other sites
Posted 25 Tháng 9, 2009 KHÁI NIÊM MINH TRIẾT TRONG LỊCH SỬ 5000 NĂM VĂN HIẾN VIỆT "Négatif" trong tiếng Pháp là một từ có hai nghĩa, thứ nhất là những phẩm chất xấu, tiêu cực, thứ hai là chức năng phủ định. Giáo sư François Jullien Nếu từ "Néggattiif" trong tiếng Pháp chỉ có nghĩa như vậy, thì có thể nói rằng: Văn minh Tây Phương không có khái niệm minh triết. Trong tiếng Việt, khái niệm minh triết có một ý nghĩa khác hẳn. Về tính trực quan nhận thức thì con người với giác quan thông thường, chỉ nhìn thấy những vật thể lớn và gần, không thể nhìn thấy các vật thể nhỏ, bé và xa xôi. Chưa nói đến nhưng thực tại tế vi khác. Nhưng chính sự tiến hóa của tư duy con người đã muốn nó phải biết tất cả, phải nhìn thấy tất cả. Đó là nhu cấu và mục đích phải đạt đến của tư duy trừu tượng. Minh triết là một khái niệm của nền văn hiến Việt với 5000 năm lịch sử xác định điều này. Minh: Nghĩa đen là ánh sáng - nghĩa gần gũi là điều kiện của nhận thấy. Nghĩa rộng của khái niệm này là sự hiểu biết. Triết: Nghĩa đen là phân nhỏ, chia nhỏ đến cái tận cùng. Tổng hợp hai khái niệm thành một từ kép - Minh Triết - tức là sự phân tích thuộc khả năng của tư duy trừu tượng, dẫn đắt trí tuệ con người biết đến sự tế vi nhất của vạn vật trong vũ trụ. Đấy chính là khái niệm "Minh triết" trong tiếng Việt. Chỉ có tiếng Việt, một ngôn ngữ của một nền văn minh cao cấp, có thể dịch hết ý của các ngôn từ của các nền văn hóa thấp hơn. Nhưng ngược lại, ngôn ngữ của các nền văn hóa thấp sẽ không thể dịch hết ý những khái niệm của một nền văn hóa cao cấp. Bởi vậy, cho dù là Paris - thủ đô Ánh Sáng, nơi tập trung những tư duy văn hóa Tây phương hiện đại - cũng chẳng thể diễn đạt được một cách cô đọng ý nghĩa của một trí tuệ vượt trội qua hai từ ngắn của văn hiến Việt trải gần 5000 năm lịch sử. Đó là khái niệm: Minh Triết. Share this post Link to post Share on other sites
Posted 26 Tháng 9, 2009 Kính cụ Thiên Sứ Minh triết là một khái niệm của nền văn hiến Việt với 5000 năm lịch sử xác định điều này. Minh: Nghĩa đen là ánh sáng - nghĩa gần gũi là điều kiện của nhận thấy. Nghĩa rộng của khái niệm này là sự hiểu biết. Triết: Nghĩa đen là phân nhỏ, chia nhỏ đến cái tận cùng. Tổng hợp hai khái niệm thành một từ kép - Minh Triết - tức là sự phân tích thuộc khả năng của tư duy trừu tượng, dẫn đắt trí tuệ con người biết đến sự tế vi nhất của vạn vật trong vũ trụ. Đấy chính là khái niệm "Minh triết" trong tiếng Việt. Nếu "Minh" là ánh sáng "Triết" là tận cùng thì hiểu theo cách biết lõm bõm như liêm trinh vận dụng trong lý học đông phương như sau là: Minh Triết là sự hiểu biết tới tận điểm khởi nguồn -khi nhìn ngược tia sáng- của ánh sáng và là sự hiểu biết tới điểm cuối cùng - khi nhìn xuôi chiều tia sáng- của ánh sáng. Minh Triết cũng có thể là khái niệm :Triết lý do ánh sáng đưa tới. Ai có thể trạng cơ thể có thể "cảm" được trạng thái cực quang của cơ thể và để ý mỗi khi " cảm" được cực quang cơ thể đều có thể ngix ra một cái gì đó mới thì hiểu khái niệm này ngay. Khái niệm này lại liên quan đến: 'Minh" chứa gì để cho người tiếp nhận có thể "Triết" được. "Minh' từ đâu tới,Từ bức xạ tàn dư của nền văn minh đã mất, từ nền văn minh ngoài trái đất hay nền văn minh tâm linh của trái đất đưa tới. Chính nguồn gốc kỳ bí của "Minh" đã làm cho chúng ta giật mình về trí tuệ của người xưa khi khám phá được bí mật của lý học phương đông. Kính cụ Share this post Link to post Share on other sites
Posted 26 Tháng 9, 2009 MINH TRIẾT VIỆT VÀ TRIẾT HỌC GS François Jullien: Minh triết không phải là tư tưởng mềm yếu, Minh triết không phải là tư tưởng né tránh mâu thuẫn, Minh triết cũng không phải là sưu tầm những ý kiến tầm thường, đành rằng trong ý kiến tầm thường có chứa đựng Minh triết. Tôi định nghĩa Minh triết là hạ tầng của tư tưởng, hạ tầng này là cái nền cho sự phát triển của Triết học, Triết học phải trở về nó, lấy tài lực của nó để tiếp tục phát triển. Tôi không biết trong cuộc tọa đàm này, ngài giáo sư Pháp nói bằng ngôn ngữ nào. Nhưng nếu ông ta nói bằng ngôn ngữ Pháp thì với khái niệm của từ "négatif", không thể dịch là "minh triết" trong tiếng Việt. Những khái niệm "minh triết", "triết học", "triết lý"....là những khái niệm mới được hình thành trong ngôn ngữ hiện đại Việt. Nó được hình thành trong sự giao lưu văn hóa Đông Tây từ những thế kỷ trước. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng văn minh Đông phương không có tri thức được khái niệm bằng "triết học" và "minh triết". Có điều nó gọi bằng một khái niệm khác: "Lý học". Với khái niệm "Lý học" có một giá tri khái quát và tổng hợp hơn nhiều so với khái niệm "triết học" và "minh triết". Nếu nghĩa đen của "triết học" là cái học để biết về những giá trị tế vi của vật chất và tư duy; và "minh triết" là sự hiểu biết những cái tế vi của vật chất và tư duy - thì - lý học chính là cái học để biết bản chất xuyên suốt có tính quy luật của mọi sự vận động vật chất và tư duy từ những Thiên Hà khổng lồ đến các phần tử tế vi của vật chất. Hay nói theo ngôn ngữ Việt: Cái lý của vũ trụ - Từ những hạt vật chất nhỏ nhất đến mọi sự vận động của các thiên hà. Bởi vậy, khi người ta đã lãng quên cội nguồn, phủ nhận gia trị văn hiến Việt trải gần 5000 năm lịch sử. Thời Hùng Vương - nền tảng văn hóa và lịch sử Đông phương - thì - người ta không thể nhận thức được giá trị của minh triết, chưa nói đến sự vĩ đại của lý học. Đó chính là thuyết Âm Dương Ngũ hành - Lý thuyết thống nhất vũ trụ, mà cả nhân loại đang mơ ước thuộc về văn hiến Việt. Đó chính là sự vượt trôi so với tất cả những trí thức khoa học hiện đại. Khoa học hiện đại xác nhận rằng: Tính quy luật làm nên khả năng tiên tri. Nhưng chính nền Lý học Đông phương có cội nguồn từ văn hiến Việt trải gần 5000 năm lịch sử - một thời huy hoàng ở miền nam Dương Tử - đã xác định tính quy luật của vũ trụ và tạo ra những phương pháp tiên tri siêu việt. Khả năng tiên tri chính là kết quả cuối cùng của minh triết mà các nhà khoa học đang dò dẫm và loay hoay định dạng chiếc chìa khóa và cũng mới chỉ để hiểu" Minh triết là gì? Share this post Link to post Share on other sites
Posted 26 Tháng 9, 2009 3. Minh triết và chính trị Giáo sư F. Jullien nói: “Trong quan hệ với chính trị, minh triết Trung Quốc cổ không có một lập trường xác định” và “Do kết cấu không có lập trường nhật định, khi thế này, khi thế nọ nên những nho sĩ Trung Quốc không bao giờ là trí thức, không phải là trí thức. Trí thức phải có lập trường.” Có đúng vậy không? Theo tôi không phải vậy. Nếu coi Khổng Tử là nho sĩ đầu tiên của Trung Quốc thì rõ ràng ông có lập trường và kiên quyết giữ lập trường của mình. Chính vì chú tâm truyền bá “đạo” mà không chịu bàn đến “lợi” của các vương hầu nên cuộc du thuyết của ông thất bại. Mạnh Tử cũng vì lập trường phản đối chiến tranh mà không được dùng. Tư Mã Thiên kiên định lập trường chép sử vì sự thật. Tiêu biểu nhất lả trường hợp 4 anh em nhà Thái Sử thời Chiến Quốc: Sau khi 3 người anh là Thái Sử Bá, Thái Sử Trọng và Thái Sử Thúc bị giết vì ghi dòng „Thôi Trữ giết vua“ vào sử thì đến lượt mình, người thứ tư là Thái Sử Quý vẫn viết như vậy! Ở Việt Nam có trường hợp Chu Văn An sau khi dâng “Thất trảm sớ” không được chấp nhận thì cáo quan hồi hưu. Nguyễn Trãi cũng là người giữ lập trường cứu nước kiên định. Rồi Đào Duy Từ, Ngô Thì Nhậm cùng biết bao vị hưu quan vì “bất đắc chí”... đều là những người có lập trường chính trị kiên định. Ai đó, hình như Voltaire, trong hoàn cảnh nặng nể của phong kiến thế tập châu Âu Trung Cổ, đã từng mơ ươc về phương Đông dưới sự cai trị của đạo Khổng Tử, khi mà vua hôn ám thì được phép “đổi nó đi!” Như vậy, nói rằng trí thức phương Đông không có lập trường chính trị là không đúng sự thực. Càng sai hơn khi nói phương Đông không có trí thức! Giáo sư F. Jullien còn nói: “Minh triết phương Đông né tránh mâu thuẫn để giữ sự hài hòa; để giữ gìn hài hòa, phương Đông đi con đường vòng để tránh mâu thuẫn. Tôi cho rằng cái đó là không đúng.” Thật là vô cùng thất vọng về những tri thức Đông phương cổ của một giáo sư đẳng cấp của Pháp Quốc. Nước Pháp già cỗi của văn minh Châu Âu đã hiểu phương Đông một cách nông cạn. Nền minh triết Đông phương đã đạt dỉnh cao nhất trong lĩnh vực chính trị - khi lý học Đông phương với thuyết Âm Dương Ngũ hành đẽ chẻ nhỏ bản chất của sự vật và xác định tính Âm Dương có trong vạn hữu - mà khái niệm của thuật ngữ "Tính mâu thuận và thống nhất của các mặt đối lập" trong vạn vật của triết học Tây phương, chỉ là một trường hợp riêng được miêu tả ngắn gọn, xúc tích trong hai từ "Âm Dương". Chưa hết, thuyết Âm Dương Ngũ hành còn phân loại tất cả mọi hiện tượng, vạn vật với Ngũ hành và kết luận: Hành thổ chính là sự kết thúc cuối cùng của mọi sự vận động - rất minh triết - và là đỉnh cao của mọi sự phát triển - Hành Thổ chính là biểu tượng của sự bao dung, lòng nhân ái. Bởi vậy xã hội Đông phương lấy chữ Nhân làm gốc và một xã hội Nhân Đạo phục vụ quyền lợi của con người là mục tiêu tối thượng: "Vương Đạo". Đây chính là mục tiêu chính trị của minh triết Đông phương. Trong đó những giá trị "Tự Do, bình đẳng, bác ái" của Tây Phương chỉ là những trường hợp riêng của giá trị nhân đạo. Tính minh triết tràn ngập trong văn hóa truyền thống và chính trị Việt: Như nước Đại Việt ta thuở trước. Vốn xưng nền văn hiến đã lâu. Bình Ngô Đại cáo - Nguyễn Trãi Hay: Văn hiến Thiên niên quốc. Xa thư vạn lý đồ. Hồng bàng khai tịch hậu. Nam phục nhất Đường ngu. Minh Mệnh Đây chính là những tư duy Lý học Đông phương được chính trị hóa của các bậc quân vương và những nhân vật lịch sử văn hóa, chính trị , xã hội. Bức tranh Ngũ Hồ. Một biểu tượng của nền minh triết Việt Share this post Link to post Share on other sites
Posted 26 Tháng 9, 2009 Nói qua về hai chữ Minh Triết !. Tây phương không phải là không có minh triết, nhưng nếu hiểu hai chữ minh triết như vị giáo sư nọ thì đúng là họ không có thật, hay nói cách khác là họ không ý thức được là họ có minh triết. Thực chất, đông phương không có hai chữ minh triết, đó chỉ là sự du nhập ngôn ngữ vào thời cận đại mà thôi. Đúng như anh Thiên Sứ nói, người đông phương nói đến Lý chứ không nói đến Triết như một thứ triết học, mà họ nói về Lý cao sâu hơn về Triết. Xem Triết chỉ như là một Từ vựng cần thiết chứ không mang tầm tư tưởng lớn lao như từ Lý. Nên Minh Triết khi được xem như là một phạm trùy nhận thức thì tự nó đã được nâng lên tầm vóc mới, và do đó xét về nguồn gốc du nhập, nó đã không thể được xem như là ngôn ngữ Dịch - chuyển ngũ - được nữa. Cũng như người ta không thể dịch được cụm từ: âm dương ngũ hành vậy. Đông phương học, đã nói Lý thì phải có Đạo, bất Đạo thì vô Lý. Mà không có Lý, vạn vật sẽ không như là Nó nữa, sẽ không có tồn tại và phát triển. Nhưng khi nói Minh Triết, về nhận thức, Minh là tri kiến, Triết là đi đến tận cùng của sự vật. Vì thế Minh Triết có thể hiểu nôm na là tri kiến tới cái tận cùng của Lý. Bởi vậy, nó thoát ra khỏi cái bản thân là Nó mà tiếp cận tới tất cả những cái thuộc về Nó và Liên quan đến Nó. Nên không thể nói Minh Triết tách rời với Triết học được, cũng không thể nói Minh Triết là cái gì đó độc lập với mọi vận động của xã hội. Vì lẽ đó, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy sự minh triết Việt đã hòa lẫn tự nhiên trong đời sống nhân văn. Như câu: Bầu ơi thương lấy Bí cùng, Gà cùng một Mẹ chớ hoài đá nhau. Tưởng rằng đó chỉ là một câu thơ có vần có điệu, hay chỉ như là một lời khuyên nhủ của bậc tiền bối khi dạy con cháu ?. Nhưng không phải, đó là Đạo lý của Dân tộc Việt. Cái Đạo Lý âu cơ trăm trứng, Bầu Bí chỉ là cặp âm dương, giao hòa với nhau như âu cơ và lạc long quân, rồi thì 50 người con theo Mẹ 50 người con theo Cha đi mở nước, chứ đâu có phải là kẻ lên rừng người xuống biển để mà biển trời cách mặt, đâu phải là chỉ nói đến sự xa cách yêu thương, mà đó chính là sự nghiệp dân tộc, sự nghiệp mở nước Văn Lang, một quá trình dài của lịch sử mở nước đã nằm trọn vẹn trong câu ca dao đó. Như xuất phát từ đó mà thấy rằng âm dương hài hoà, tương phối thì vạn vật sinh, nhờ đó là nảy nở, phát triển, thì âu cơ Lạc long quân cũng là một Cặp, kẻ lên rừng, người xuống biển , dù đi đâu, thì tính Cặp đó vẫn còn nguyên vẹn, sự tương phối vẫn còn, nên nói lên rừng xuống biển là sự mở nước. Dẫu có xa nhau ngàn dặm thì vẫn là người trong một nước phải thương nhau cùng, đó cũng là ý nghĩa của Gà cùng một Mẹ chớ hoài đá nhau. Như dặn dò con cháu hãy nhớ cùng chung một gốc, dẫu có xa nhau thì cũng là cùng một mục đích của sự phát triển và trường tồn của Dân Tộc Việt mà thôi. Đạo Lý âm dương và sự tương phối giao hòa là quy luật phát triển muôn đời, đó là Triết học, và nó đã tự nhiên đi vào nhân gian bằng hình ảnh rất đơn sơ và mộc mạc Bầu và Bí cùng chung một Giàn, đó là huyết thống - cùng dòng, dẫu có xa nhau cũng chỉ là vì sự phát triển của nhau mà thôi. Cái lẽ sống đó, đó chính là cái đạo lý làm người của Dân Tộc Việt - mà ngay người TQ cũng không rõ tàng bằng. Đó chẳng phải là Tiền Nhân Việt với âm dương ngũ hành nằm sâu trong tâm khảm dân tộc, nó ngấm vào máu đến nỗi qua bao cuộc bể dâu cũng không thể nào mất đi được. Ngoại xâm có thống trị, thì cũng chỉ có thể thống trị bằng Luật của kẻ mạnh, chứ làm sao đào xới, tiêu hủy được cái nền tảng âm dương ngũ hành, cái nền tảng triết đông đã ngấm sâu vào hồn, vào máu dân tộc Việt này được ?. Đó là minh triết đó, muốn hiểu được nó, phải có Đạo Lý. Không hiểu được nó, thời có muốn tiêu diệt nó bằng sức mạnh, muôn đời không Diệt được !!!. Nhưng ngay bây giờ, dù có hiểu mà muốn diệt được nó, cũng không thể diệt được. Vì sao ?. Bởi vì Đạo Lý âm dương ngũ hành đã là của Tộc Việt rồi. Người xưa nói: Cha nào con nấy, hổ phụ sinh hổ tử. Cái Gốc của dân tộc Việt là đạo lý âm dương ngũ hành , từ đó mà làm nên văn hóa Việt, truyền thống Việt, thì dù có ai đó ăn cắp, vị tất đã ăn cắp nổi lòng yêu nước của Dân Tộc Việt đã được hun đúc, nuôi dưỡng từ đó !!!. Còn lâu, lâu lắm, có lẽ đến hết đời, vị giáo sư kia cũng không hiểu nổi đâu, không thể hiểu thế nào là Minh Triết . Ai đó, tự nhận là Học Giả, đi cùng với Vị giáo sư kia nhằm tìm ra một cái thứ gọi là : Định nghĩa về Minh Triết. Thì đúng là trống rỗng về đầu óc, thiển cận về tư duy và không có một tý gì về nhận thức lý học đông phương !. Và ta mới lật lại rằng: Tây phương có minh triết không ?. Thưa rằng có, nhưng nó mà đem so sánh, dù chỉ là một góc rất nhỏ, như với câu ca Bầu Bí trên kia, cũng đã thấy vênh nhau một khoảng cách quá xa. Nhưng nó vẫn là Có. Thế mà Giáo sư lại bảo rằng Không mới chết người không chứ !. Thật vậy . Nói đến tính Phổ quát. Mà lại nói về tính đặc trưng, như các nền văn minh khác nhau thì thật là thiển cận. Như đã nói về Đạo Đức. Nhưng thôi, nay không nói nữa, kẻo lại bảo, chỉ có mỗi phạm trù đạo đức thôi à ?. Thưa không đâu, này nhé: Nhân quyền chẳng hạn . Thấy ngay phạm trù nhân quyền mang tính phổ quát !. Ai dám bảo là không !. ai dám bảo là mang tính đặc trưng của từng nền văn minh !. Nhân quyền là bình đẳng - điều kiện tiên quyết để nhân quyền tồn tại. Bình đẳng kéo theo sự tự do, bất luận ở nền văn minh nào, vi phạm sự tự do là vi phạm nhân quyền. Nói nôm na, nhân quyền là quyền con người. quyền con người là quyền sống, quyền được làm một phần tử trong cõi nhân sinh. Đó là Đạo Lý. Mà đã nói tới Đạo Lý thì đó chính là Đạo đức khi được thể hiện ra bởi một nền văn minh xác định. Cho nên nói: Văn minh không phải là phổ quát, nhưng nhân quyền là phổ quát, bởi vì nó tồn tại trong mọi nền văn minh . Câu ca dao trên, đó chẳng nói tới Nhân quyền đó sao ?. Thấy không, minh triết Việt nó thấm đến tận chân tơ kẽ tóc của đời sống nhân sinh đó. Nó khuyên người ta hãy tôn trọng nhau, thương yêu nhau trong cùng một phạm trù Dân Tộc. Hãy lấy Dân Tộc làm trọng. Đó là cơ sở để mọi cá nhân Việt sinh tồn !!! Thấy chưa, hỡi vị Giáo sư !. Đã thấy minh triết Tây chưa ?. Cũng đã thấy trong sự so sánh với minh triết Việt chưa ?. Xa nhau lắm phải không ?. Minh Triết Tây thì thô thiển, Minh Triết Việt thì sâu sắc mà tinh tế, đầy tính nhân văn !!!. Thân ái . Share this post Link to post Share on other sites
Posted 26 Tháng 9, 2009 Câu ca dao: Bầu ơi thương lấy Bí cùng .... Nếu Tôi nhớ không lầm thì vế sau là: Tuy rằng khác giống nhưng chung một Giàn. Còn vế trước của câu: Gà cùng một mẹ chớ hoài Đá nhau, là gì Tôi không nhớ rõ !. Có ai viết cụ thể dùm tôi, và nhờ BQT treo dùm bài trên lại để Tôi đính chính sau đó đăng lại. Xin lỗi các Bạn quan tâm về sự sơ xuất này. Mặc dù sự minh triết, về nội dung phân tích không khác nhau bao nhiêu, nhưng tính chặt chẽ và sự logic thì cần được chấn chỉnh. Thân ái. Share this post Link to post Share on other sites
Posted 27 Tháng 9, 2009 Câu ca dao: Bầu ơi thương lấy Bí cùng .... Nếu Tôi nhớ không lầm thì vế sau là: Tuy rằng khác giống nhưng chung một Giàn. Còn vế trước của câu: Gà cùng một mẹ chớ hoài Đá nhau, là gì Tôi không nhớ rõ !. Có ai viết cụ thể dùm tôi, và nhờ BQT treo dùm bài trên lại để Tôi đính chính sau đó đăng lại. Xin lỗi các Bạn quan tâm về sự sơ xuất này. Mặc dù sự minh triết, về nội dung phân tích không khác nhau bao nhiêu, nhưng tính chặt chẽ và sự logic thì cần được chấn chỉnh. Thân ái. Dạ thưa chú VuiVui Câu trên đúng là như vậy. Còn câu dưới là như sau: Khôn ngoan đối đáp người ngoài Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau Kính chú! Share this post Link to post Share on other sites