Thiên Đồng

Hoàng Táng Thi Hài Vua Lê Dụ Tông

1 bài viết trong chủ đề này

Hoàn táng thi hài vua Lê Dụ Tông

17/09/2009 22:36 Posted Image

Long bào của vua Lê Dụ Tông vẫn còn nguyên vẹn - Ảnh: Ngọc Minh chụp lại từ tư liệu của họ Lê Sau 45 năm được khai quật và lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, ngày 10.10 âm lịch (ngày song thập) tới đây, thi hài vua Lê Dụ Tông sẽ được đưa về hoàn táng trên mảnh đất cố hương.

Hành trình của thi hài vua Lê Dụ Tông

Vua Lê Dụ Tông (1679-1731), húy là Lê Duy Đường, miếu hiệu là Dụ Tông Hòa Hoàng đế, là vị vua thứ 22 của triều Lê. Ông là con trưởng của Hi Tông Hoàng đế và được vua cha truyền ngôi từ năm Ất Dậu - 1705. Trong 24 năm trị vì, Lê Dụ Tông đã hai lần đổi niên hiệu là Vĩnh Thịnh (1705-1719) và Bảo Thái (1720-1729). Năm 1729, ông nhường ngôi cho con là Lê Duy Phường (Hôn Đức Công) và được tôn là Thái Thượng hoàng. Năm 1731, sau 2 năm rời ngôi, vua đã băng hà ở tuổi 52.

Theo sách Lịch triều tạp kỹ ghi nhận về việc trị nước của vua Lê Dụ Tông thì: “Bấy giờ thừa hưởng cơ nghiệp thái bình, không xảy ra binh đao, trong nước vô sự, triều đình làm được nhiều việc. Pháp độ được rất đủ đầy, kỷ cương thi hành được hết... Có thể gọi là thời cực thịnh. Nhà vua rũ tay áo, ngồi ở trên, không phải khó nhọc mà mọi việc đâu vào đấy. Khi nói đến cuộc thịnh trị ở thời bấy giờ người ta tất phải kể đến đời vua này”...

Theo Ngọc phả của họ Lê thì sau khi băng hà, vua Lê Dụ Tông được táng tại Bố Vệ, Đông Sơn (TP Thanh Hóa ngày nay). Còn theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì vua Lê Dụ Tông được táng ở lăng Cổ Đô, Đông Sơn, Thanh Hóa, sau dời đi táng ở lăng Kim Thạch, huyện Lôi Dương (đất Lôi Dương, nay thuộc huyện Thọ Xuân và Thường Xuân, Thanh Hóa).

Nhưng tháng 2.1958, một nông dân ở thôn Bái Trạch (Trang Bàn Thạch xưa), trong lúc đào vườn đã phát hiện một chiếc quách. Phá vỡ ra một mảng thì thấy bên trong có quan tài sơn son, thếp vàng. Sau khi nhận được thông tin, các cơ quan chức năng từ trung ương đã về xử lý bằng cách dùng xi măng vá kín chỗ bị vỡ, sau đó giao cho chính quyền địa phương quản lý. Từ khi phát hiện ngôi mộ, nhiều kẻ xấu thường xuyên dòm ngó, gây bất an cho chính quyền sở tại. Vì vậy, năm 1964, được phép của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bộ Văn hóa - Thông tin, Bảo tàng Lịch sử VN và Ty Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa đã tổ chức khai quật mộ và mang chiếc quan tài nguyên vẹn làm bằng gỗ Ngọc Am (Pơ mu) về Bảo tàng Lịch sử VN.

Ngày 2.4.1964, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bảo tàng Lịch sử VN đã mở nắp quan tài. Quan tài có hai đáy, giữa có một lớp gạo rang dày 10 cm, đáy trên lớp gạo rang có một tấm ván mỏng trổ 7 lỗ tròn theo hình Thất tinh.

Sau tấm chăn bông vỏ gấm, thi hài được liệm bởi nhiều lớp quần áo, vải liệm, gồm: 8 lớp đại liệm bằng gấm thêu hoa bạc 1,5m x 5m, buộc bằng 5 đai lụa; tấm tiểu liệm bằng gấm may kép 2 lần vải; áo Hoàng bào kim tuyến thêu một con rồng lớn phía trước, phía sau và tay áo thêu nhiều rồng nhỏ; 2 áo long bào thêu rồng kim tuyến; 3 bộ vóc vàng may kép đính vào nhau thành một bộ; 3 lớp lụa kép; 3 chiếc quần bằng lụa mỏng, khố bằng vải mỏng.

Tay chân của thi hài được đi tất lụa, chân có giày gấm thêu, lót một lớp da thuộc mỏng, đầu gối một chiếc gối bông, hai tai được nút bằng hai viên bông bọc lụa, mặt phủ một tấm khăn bằng vải gấm có thêu rồng cùng một chữ Thọ ở giữa và 4 chữ Vạn của nhà Phật ở 4 góc.

Đây là những y phục của một đế vương thời Lê mà lần đầu tiên Bảo tàng Lịch sử VN có được. Ngoài ra, trong quan tài còn có sách, bút lông, túi đựng móng tay, răng rụng, quạt giấy, túi đựng cau trầu, một hộp hình quả cau bên trong đựng thứ bột màu trắng...

Được biết, khi giở tấm khăn phủ mặt, các nhà khảo cổ hết sức ngỡ ngàng khi thấy da mặt của thi hài có màu xám nhạt, sau vài phút thì ngả màu xám đều như toàn thân. Thi hài có teo nhưng chưa khô, tay chân, thân thể vẫn còn mềm mại, các khớp có thể cử động được. Môi của thi hài bị teo để lộ một hàm răng đen đã rụng một vài chiếc, cằm có chòm râu đen đã điểm bạc...

Từ những cứ liệu sử học, cùng với việc xác định các đồ tùy táng, thi hài, các nhà sử học đã khẳng định đây chính là thi hài của vua Lê Dụ Tông. Thi hài sau đó đã được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử VN từ đó cho đến nay.

Posted Image

Thi hài vua Lê Dụ Tông đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử VN - Ảnh: Ngọc Minh chụp lại từ tư liệu của họ Lê

Posted Image

Khăn phủ mặt thêu rồng

Posted Image

Các loại túi gấm trong quan tài

Rước người về cố hương

Suốt từ năm 1996 đến nay, con cháu họ Lê trên đã nhiều lần làm tờ trình lên các cơ quan chức năng để xin được rước thi hài vua Lê Dụ Tông trở về cố hương hoàn táng. Nhưng vì nhiều lý do, tâm nguyện này đã chưa được thực hiện. Thậm chí còn có ý kiến cứ để thi hài của vua tại Bảo tàng Lịch sử VN, hoặc có hoàn táng thì nên hoàn táng ngay tại khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử VN (!), chứ không nên đưa về quê.

Bộ thì đề nghị tỉnh có phương án, tỉnh thì đề nghị bộ và Nhà nước giải quyết... Sự việc kéo dài đã gây rất nhiều muộn phiền cho con cháu dòng họ Lê.

Từ cuối 2008 đến nay, bằng nhiều nỗ lực, dòng họ Lê đã thuyết phục được các ngành, các cấp thuận đưa thi hài vua Lê Dụ Tông trở về hoàn táng tại quê hương. Trong báo cáo gửi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ngày 12.11.2008, Giám đốc Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử thuộc Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam khẳng định: “Trước năm 1996, chúng tôi đến Bảo tàng Lịch sử VN viếng vua Lê Dụ Tông thì thấy thi thể người được để ở một cái giá ba tầng như một hiện vật trưng bày. Sau khi chúng tôi có ý kiến, bảo tàng đã đưa thi hài vua Lê Dụ Tông vào quan tài kính, và nay được bảo quản trong phòng lạnh. Nhưng, trong thời tiết nóng ẩm của nước ta, thi thể của người cũng đã biến dạng, sớm muộn cũng sẽ bị phân hủy... việc đưa thi hài vua Lê Dụ Tông về Thanh Hóa chôn cất như tổ tiên ta vẫn làm là điều vô cùng cần thiết”.

Sáng qua 17.9, trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện Hội đồng họ Lê Việt Nam cho biết: Hiện con cháu họ Lê đang gấp rút chuẩn bị điều kiện để phối hợp với các cơ quan chức năng rước vua Lê Dụ Tông về quê. Thi hài vua Lê Dụ Tông sẽ được hoàn táng gần với lăng của vua Lê Hiển Tông (cháu đích tôn của vua Lê Dụ Tông) tại xã Xuân Quang (thuộc Trang Bàn Thạch xưa), huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) - nơi mà trước đây người đã an nghỉ...

Theo kế hoạch, ngày Trùng cửu 9.9 âm lịch (tức ngày 26.10.2009) dòng họ Lê và chính quyền địa phương sẽ khởi công xây lăng mộ và ngày Song thập 10.10 âm lịch (tức ngày 26.12.2009) sẽ đưa thi hài vua Lê Dụ Tông từ Hà Nội về Thanh Hóa. Lễ hoàn táng sẽ được tổ chức xứng tầm với lễ táng của bậc đế vương.

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ VH-TT-DL báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng lăng mộ vua Lê Dụ Tông với quy mô như lăng mộ các hoàng đế nhà Lê tại Khu Di tích lịch sử Lam Kinh; đồng thời cũng đề nghị, nghi lễ tổ chức hoàn táng vua Lê Dụ Tông được tổ chức trọng thể cấp Nhà nước.

Ngọc Minh

nguồn thanhnien.com.vn

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay