phoenix

Hãy khom xuống đời con trẻ

2 bài viết trong chủ đề này


Nguyên Trang – Tạp chí Nhịp cầu đầu tư

Muốn nâng một đứa trẻ lên, trước hết người lớn phải khom mình xuống. Chúng ta ai cũng biết, đứa con thân yêu của mình rất cần sự quan tâm, chăm sóc của cả cha lẫn mẹ. Thế nhưng, trong cuộc mưu sinh chóng mặt hôm nay, không phải bất kỳ ông bố, bà mẹ doanh nhân nào cũng làm được điều đó. Nhiều bậc cha mẹ đã quên mất quỹ thời gian dành cho con, quên mất vai trò là người bạn của con, quên mất mình không chỉ có nghĩa vụ cung cấp điều kiện vật chất mà còn là chỗ dựa tinh thần cho chúng bất cứ lúc nào. Có rất nhiều câu chuyện thú vị về cách giáo dục con của các doanh nhân. Để vừa thành đạt trên thương trường, vừa thành công trong nuôi dạy con đâu phải là điều quá khó với họ.

Chiều con bằng sự nghiêm khắc

Rất hiểu sự ảnh hưởng của xã hội lên tâm lý con trẻ trong tuổi mới lớn, ông Chung Ju Yung, Chủ tịch tập đoàn Huyndai, luôn lắng nghe lời khuyên của mọi người để có cách giáo dục con thích hợp. Trong hồi ký của mình, ông chia sẻ: “Tôi đã thấy các gia đình giàu có con sa ngã, bị xã hội lên án, phê phán. Như mọi người cha, tôi luôn muốn bảo vệ các con mình.”

Ông đã bảo vệ các con mình không bằng sự chiều chuộng mà bằng sự nghiêm khắc. Đến mức, khi có điều muốn nói với bố, chúng không dám nói trực tiếp mà đều thông qua mẹ. Ông sợ sự dễ dãi của mình sẽ làm các con hư. Chính vì vậy, vợ ông luôn là cầu nối giữa mấy cha con.

Ông luôn dạy các con phải cần kiệm. Không được nghĩ mình là con nhà giàu rồi xa lánh người nghèo. Đều là những “cậu ấm, cô chiêu” nhưng các con ông không bao giờ đến trường bằng xe hơi, mà phải dùng những chiếc xe cũ, để hiểu được hạnh phúc khi đi bằng chiếc xe do chính mình làm ra.

Đời là trường học lớn …

Không bỏ lơi, cũng không kèm cặp, một chuyên gia ngành ngân hàng chia sẻ, ông muốn con mình lớn lên như một cây xanh trong thiên nhiên, chứ không phải là một cây được tỉa tót, uốn nắn và chăm bón trong chậu.

Khi đưa con trai lên 5 tuổi, ông nhận thấy rắng, nếu không đưa con về lại với cách sống của người Việt Nam thì nó sẽ bị Mỹ hoá. Một đêm rất lạnh trong lễ Tạ ơn, ông đã đánh thức con dậy, rồi đưa nó xuống một khu phố có rất nhiều người vô gia cư ngủ trên lề đường. Ông chỉ vào những người nằm ngủ trong thùng carton và nói: “Chỉ cần động cơ một máy bay bị trục trặc, máy bay rơi xuống, thì con cũng sẽ kiếm một chiếc thùng carton và nằm ở đây nếu con không thay đổi”. Cậu con trai suy nghĩ và từ đó biết thương người hơn.

Đến năm 16 tuổi, “cậu ấm” lấy được bằng lái xe và rất muốn lái xe. Ông chở con trai lên một đỉnh núi rất cao, chỉ còn đường đá, sương mù và những con beo, gấu. Chỉ xuống phía dưới ngọn núi ông nói: “Ở dưới kia là tương lai con sẽ lớn lên, con hãy lái xe về. Sinh mệnh của ba và con đang nằm trong tay con. Những gì trong trường dạy lái xe không dạy thì hôm nay con phải thử thách, sau này con sẽ thấy, nhà trường chỉ dạy những điều rất nhỏ, còn những điều lớn lao con phải học từ cuộc đời”. Với những bài học thiết thực từ người cha, cậu thanh niên ấy đã trưởng thành, trở về là một người Việt dù được sinh ra trên đất Mỹ.

Thời gian “bất khả xâm phạm”

Chị Nguyễn Hoàng Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Fabaco cho biết: “Cả hai anh chị đều bận rộn với kinh doanh nhưng công việc của anh tất bật hơn nên chị thay anh chăm sóc các con.” Mỗi ngày, khi cùng con học bài xong là hai mẹ con tâm sự với nhau. Chủ nhật cả gia đình cùng đi chơi. Đó là thời gian “bất khả xâm phạm” mà chị rất trân trọng, nâng niu.

Đi kèm với những câu chuyện cổ tích là câu chuyện từ chính tuổi thơ của chị. Chị muốn các con hiểu rằng, chúng được sống trong điều kiện tốt hơn mẹ hồi xưa rất nhiều, nên phải ngoan, cố gắng học giỏi nhiều hơn nữa.

Trong các chuyến công tác từ thiện, thăm trẻ em mồ côi SOS chị đều dẫn con theo. Mỗi chuyến đi là một bài học. Chị dạy con phải biết yêu thương những bạn không có điều kiện như mình và không nên vòi vĩnh. Năm bé Trân lên 4 tuổi, một lần vào công ty chơi với mẹ, nghe chuông reo hết giờ, bé nói: “Hết giờ làm việc rồi, các cô chú đi ra hết đi”. Chị hốt hoảng về câu nói của con và bỏ cả buổi giải thích cho bé hiểu rằng, đây không phải là công ty riêng của ba mẹ, mà là của mọi người, bé phải lễ phép với mọi người. Bây giờ thì bé Trân đã không vòi vĩnh mẹ mua những món đồ chơi đắt tiền, mà còn biết để dành tiền xu mẹ cho vào các hòm từ thiện.

Nhân cách không thể mua

Một doanh nhân nổi tiếng trong kinh doanh võng xếp đã giáo dục con bằng phương pháp “con nhà nghèo”. Tiền bạc có thể làm ra được nhưng nhân cách sống thì không thể mua bằng tiền. Gia tài ông để lại cho con không phải là sản nghiệp mà là kiến thức, kinh nghiệm thực tế từ cuộc đời ông. Con trai đã học lớp 12, song ông vẫn cho sở hữu mỗi chiếc xe đạp. Có khi đi học xa, đến 8 cây số “cậu ấm” vẫn lóc cóc đạp xe. Từ số 0 làm nên, nên ông muốn rèn cho con tính tự chủ, tự cường. Ông không tiếc tiền làm từ thiện nhưng với con ông rất nghiệm ngặt trong cách chi tiêu: “Khi con chưa làm gì ra được tiền thì con không có quyền đòi hỏi. Để đến khi con tự mình đổ sức lao động, con mới cảm thấy nó có giá trị và hạnh phúc biết bao nhiêu”. Có lẽ vì những bài học thấu tình đạt lý của ba, mà cậu con trai của một Tổng Giám đốc danh tiếng này rất ngoan, rất “bình dân”, không hề gắn mác “con nhà giàu”.

Xin được kết thúc câu chuyện bằng những chia sẻ của Tiến sĩ Tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Trưởng bộ môn Tâm lý học trường Đại học Sư phạm TP.HCM: “Có cơ hội tiếp xúc với trẻ em, tôi nhận thấy, các em rất có nhu cầu được quan tâm, được tâm sự với cha mẹ, nhưng đa số lại không dám nói. Tôi cứ xót xa mãi với những giọt nước mắt và câu nói hết sức bình thường của một cậu bé 15 tuổi khi được mẹ nấu cho nồi nước xông lúc bị bệnh: “Mẹ đừng đi hoài mẹ ơi, con chán lắm!”

Trẻ con sinh ra được quyền hưởng những điều mà vốn dĩ chúng phải được hưởng. Tôi muốn chia sẻ một cách thật tâm rằng, các bậc cha mẹ là doanh nhân hãy biết hy sinh thời gian cho con cái nhiều hơn.

Không phải lúc nào cũng ở bên cạnh con là có thể giáo dục con tốt. Cũng không có một cách thức giáo dục cụ thể hay phổ quát nào cho các gia đình doanh nhân. Tự mỗi người cha, người mẹ sẽ tìm được cách tốt nhất, phù hợp nhất để làm bạn với con mình.

Không cần định lượng thời gian nhiều hay ít mà hãy định tính bằng những gì ba mẹ chia sẻ với con như: những buổi ăn tối đầm ấm, những buổi họp phu huynh, những giờ phút đi chơi cùng con … tuy ngắn ngủi, nhưng thường xuyên vài lần trong tuần để nghe con cái tâm sự. Vấn đề là sự gần gũi theo đúng nghĩa trong tình cảm gia đình.

Có thể viết thư, gọi điện cho con khi có cơ hội, nhiều lần trong một ngày hay trong các chuyến công tác xa … Sợi dây tình cảm gia đình sẽ được bền chặt hơn và hiệu quả giáo dục con cái sẽ có giá trị hơn rất nhiều.

Trẻ con cần được quan tâm, ngược lại chúng cũng rất hiểu và quan tâm đến ba mẹ. Vì vậy, trên thực tế, những gia đình doanh nhân hiếm hoi thời gian ở bên cạnh con đừng ngại ngùng “thú nhận” với chúng điều đó. Không có gì dễ chịu bằng sự thông cảm và chia sẻ cùng nhau.

Sẽ không có điều gì khó và quá tầm tay, nếu chúng ta biết chọn lựa một phương cách thích hợp để thực hiện nó. Động lực để chị Lê Hoài Anh vượt qua mọi khó khăn chính là cô con gái yêu. “Mỗi lần nhìn con, tôi quên hết buồn phiền”, chị bộc bạch. Đó cũng là tâm lý chung của các bậc cha mẹ. Chính vì thế, hãy khom mình xuống đời con trẻ, để giúp chúng có những bước đi vững vàng, chín chắn trên con đường tâm lai.

Nguyên Trang

(st)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Người Mẹ là nặng gánh cuộc đời . Đâu vô cớ mà ông bà ta gọi là nhất vợ nhì trời và trong ngôn ngữ thì cái gì cũng gọi là ... Cái . Cái thì Phải mà đực thì là Trái . Thôi, nói nữa chắc bị nhiễm lun âm dương ngũ hành . Hihi :rolleyes: :rolleyes: Lactuong

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay