viethuy

Chơi cá cảnh có ảnh hưởng gì trong phong thủy?

4 bài viết trong chủ đề này

Chơi cá cảnh có ảnh hưởng gì trong phong thủy?

Posted Image

Hiện nay hầu như trong cả nước, từ thành thị đến nông thôn đều thích chơi cá cảnh, khi mà cuộc sống mỗi ngày mỗi nâng cao theo đà phát triển kinh tế chung của xã hội. Đây cũng là một thú vui tao nhã mà ai cũng thích, mỗi khi đi làm về với bao nhiêu mệt mỏi, nhưng được ngắm nhìn đàn cá nhẹ nhàng bơi lội với dáng hình đẹp mắt mà ta ưa thích, thì tất cả mệt nhọc đều tan biến, ta thấy cuộc đời thật bình lặng và hạnh phúc biết bao…

Thế nhưng việc chơi cá cảnh có rất ít người biết nó đã ảnh hưởng thế nào trong phong thủy, nhất là về tài vận, ngoại trừ việc am hiểu một số loại cá mà từ người bình thường đến các “đại gia” ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà nội…Đều cho là may mắn như: Cá la hán, cá dĩa, cá rồng, cá king kamfa, cá huyết long, cá hoàng đế, cá hoàng hậu, cá mỹ nhân, cá nàng đào, cá mặt khỉ môi son v.v…

Dầu ít, dầu nhiều, thì những loại cá đem lại “may mắn” như trên cũng đã gây ấn tượng tốt đẹp cho người chơi, nên đã thu hút khá nhiều người không ngại ngần bỏ ra tiền triệu, thậm chí hàng trăm triệu để sở hữu một hoặc nhiều con cá thuộc loại “hàng độc”, để chiêm ngưởng cho thỏa chí say mê, và sau nửa là cầu mong “phát tài, phát lộc.

Nhưng trong số đó cũng không ít người lại rơi vào hoàn cảnh “dở khóc,dở cười”, là tại vì đã đặt bể cá đúng vào phương vị xấu, đó là phương vị Huyền Vũ, do vậy tài vận mỗi ngày mỗi suy giãm, và dần dần bị tản tài, đi đến “phá sản", nhưng không hiểu vì lý do gì ? Trong khi mình đang nuôi một hoặc nhiều con cá đem lại “may mắn”…

Theo phong thủy học: Hai chử phong thủy đã nói lên được đối tượng, nội dung, công dụng của khoa học này, phong là gió, là không khí;thủy là nước.

Cũng theo phong thủy học, núi quản về con cái, nước quản về tài khí (sơn quản nhân đinh, thủy quản tài). Nói cách khác, nước(thủy) tượng trưng cho tiền tài, lúc xây dựng,thiết kế, trang trí nhà cửa, người ta rất chú trọng đến nước, vì nước là biểu tượng của tiền tài.

Trong đó người ta chú trọng đến “Minh đường tụ thũy”. Minh đường tụ thủy, có nghĩa là nước tụ trước Minh đường, là một trong những nguyên tắc phong thũy. Minh có nghĩa là sáng, phía trước nhà phải sáng sủa minh đường chỉ phần đất trước nhà; thủy là chỉ sông, ao hồ tự nhiên, hoặc ao hồ nhân tạo, dùng để thả sen, nuôi cá cảnh;tụ thủy là nước tụ lại. Tất nhiên là nguồn nước phải trong lành, tinh khiết, gia chủ mới làm ăn phát đạt, nhiều tiền của.

Do tình hình “Tấc đất,tấc vàng”, diện tích hẹp, nhiều nhà không có sân trước, không xây được hồ, người ta dùng bể nuôi cá ở trong nhà, cũng là một trong những phương pháp thực hiện nguyên tắc “Minh đường tụ thủy”. Nhưng trong nhà, phương vị nào tốt để đặt bể cá cảnh, ngỏ hầu mang lại tài vận tốt cho gia chủ mới là điều quan trọng.

Trong thuật phong thũy về nhà cửa, ta đứng giữa phòng khách nhìn ra phía trước: Bên tay trái là Thanh Long, bên tay phải là Bạch Hổ, phía sau là Huyền Vũ, phía trước là Chu Tước. Còn về thủy pháp của căn phòng chủ yếu là ảnh hưởng của bể cá cảnh, vì thủy ảnh hưởng tới tài vận, nên cách sắp xếp bể cá vô cùng quan trọng, ta không thể xem thường. Nếu cách sắp xếp phù hợp với phong thủy, thì tài vận của chủ nhà rất tốt, còn ngược lại thì tài vận của chủ nhà sẽ suy giảm.

Vì vậy khi chơi cá cảnh, ta phải đặt bể cá cảnh ở phương vị Chu Tước, tuyệt đối không đặt ở phương vị Huyền Vũ. Đặt bể cá ở phương vị Chu Tước mới có lợi cho tài vận của chủ nhà.Còn nếu đặt ở phương vị Huyền Vũ, thủy tụ lại, sẽ liên tục bị tản tài, dẫn đến phá sản. Bể cá cảnh đặt ở phương vị Chu Tước (Thủy tụ minh đường), tài lộc chảy đến, phát tài chẳng mấy chốc.

Còn đặt bể cá ở phương vị Huyền Vũ (Nghịch với thũy tụ minh đường), thủy cuốn trôi đi, tản tài mất của. Tuy nhiên cửa phòng khách mỗi nhà mỗi kiểu, vì vậy phải chú ý đến cách bố trí cửa phòng khách, mà chọn vị trí để đặt bể cá cảnh:

1.Từ trong phòng khách nhìn ra phía trước, nếu cửa mở về bên tay phải, hoặc bên tay trái, thì bể cá cảnh nên đặt ở giửa phương vị Chu Tước của phòng khách, bể cá nên đặt sát vào tường, có nghĩa là sau lưng bể cá phải có bờ tường để dựa.

2. Nếu cửa phòng khách mở ngay ở chính giửa phòng khách, thì bể cá ta đặt ở bờ tường “cánh gà’ phía bên tay trái (góc trái) của cửa chính (Thanh long), ở đây cũng là vị trí cát tường để đặt bể cá.

- Cách chọn số lượng cá theo phong thủy căn cứ vào Hà đồ như sau:

Số 1 và 6,trong Hà đồ ngũ hành thuộc Thủy. Số 2 và 7 thuộc Hỏa. Số 3 và 8 thuộc Mộc. Số 4 và 9 thuộc Kim. Số 5 và 10 thuộc Thổ. Mà thủy vi tài, nên ta nuôi 1 hoặc 6 con cá là lấy thủy trong ngũ hành, để tăng mức độ tương vượng cho nước trong bể cá, làm cho tài vận tốt hơn. Nuôi 4 hoặc 9 con cá, là lấy Kim trong ngũ hành, mà Kim sinh thủy, làm cho sức mạnh của thủy tăng lên, khiến cho việc kiếm tiền ngày càng nhiều hơn, là biểu tượng của sự phát tài.

- Về màu sắc của cá: Vẫn theo ngũ hành trong Hà đồ, ta nên chọn màu đen, màu xám thuộc hành thủy, sẽ làm cho thủy vượng. Còn màu vàng, màu trắng thuộc Kim làm cho sinh thủy, tất cả màu sắc của cá như trên, rất hợp trong phong thủy khi nuôi cá cảnh.

Theo Phong Thủy cho người Việt

Share this post


Link to post
Share on other sites

Lưu ý:

Những bài trích dẫn từ các nguồn khác, chỉ là tài liệu tham khảo. Không phải quan điểm chính thức về học thuật của Phong Thủy Lạc Việt.

Tác dụng của hồ cá trong phong thủy

Lương Hữu Thương

Theo www.diendancacanh.com

Quan niệm về sinh khí

Posted Image

Phong thuỷ là học thuật về cảnh quan môi trường sống của người xưa dựa trên quan niệm về sinh khí. Theo đó, vạn vật đều sinh ra từ khí; khí gặp gió thì tan, gặp nước thì dừng; sinh khí được bảo toàn trong môi trường “tàng phong, đắc thuỷ”. Thuật phong thuỷ coi “đắc thuỷ” quan trọng hơn “tàng phong”; khí và thuỷ có quan hệ rất mật thiết với nhau; nước đến đâu thì khí theo đến đó, nơi nào có nước thì nơi đó có khí; vì vậy mà rất nhiều khu dân cư cổ xưa đều đòi hỏi phía trước nhà phải có nước; nếu không có thì phải đào ao, hồ để trữ nước với mục đích bảo tồn “chân khí”. Hầu hết các thành phố lớn trên thế giới đều được xây dựng bên các con sông hay là cảng biển. Điều này cho thấy vị trí của nước quan trọng như thế nào trong quan niệm và đời sống của con người xưa nay.

Thời hiện đại, khi mà hầu hết dân cư phải sống chen chúc trong các không gian chật hẹp, tù túng ở đô thị thì hồ cá cảnh chính là hình ảnh thu nhỏ hay vật thay thế cho ao, hồ. Người ta thường đặt hồ cá gần lối đi, phòng khách hay ở những vị trí trang trọng trong nhà với mục đích cải thiện môi trường cảnh quan và làm tăng sinh khí cho những nơi đó. Chất lượng nước và cảnh quan bố trí trong hồ được hết sức chú trọng; nước đục hay cảnh quan trơ trọi sẽ làm giảm tác dụng phong thuỷ của hồ cá nếu không nói là có hại vì phát sinh “tà khí”.

Vị trí đặt hồ cá

Thuật phong thuỷ được nâng lên một mức độ cao hơn khi hình thành khái niệm về phương vị; nó xuất phát từ việc kết hợp ngũ hành với cửu cung bát quái. Mỗi phương vị hay cung bây giờ đều mang một ý nghĩa và được gán cho một hành cùng với hình dạng và màu sắc tương ứng. Cung thường được sử dụng để đặt hồ cá là cung Tốn, tức cung Tài Lộc, ở hướng Đông Nam; cung này thuộc hành Mộc; hồ cá thuộc hành Thuỷ; mà Thuỷ dưỡng Mộc theo nguyên lý ngũ hành tương sinh; đặt hồ cá ở đây để làm vượng cung này và nhờ đó gia chủ sẽ được phát tài! Hồ cá hay hòn non bộ đặt ngoài vườn thường nằm về bên trái của cửa chính cũng không nằm ngoài ý này. Được biết, nhà ở của cư dân thưở xưa thường được xây dựng theo hướng “toạ Bắc triều Nam”, do đó phía bên trái chính là hướng Đông Nam. Đây là hướng tốt nhất dựa trên đặc điểm khí hậu gió mùa tại các nước nằm ở Bắc bán cầu. Một số hướng tốt khác để đặt hồ cá là hướng Bắc tức cung Quan Lộc tượng trưng cho sự nghiệp. Những ai mong muốn sự nghiệp được thăng tiến, hãy đặt hồ cá ở hướng này. Hồ cá sẽ bổ sung năng lượng và giúp họ có nhiều ưu thế cạnh tranh so với đồng nghiệp. Hướng Đông tức cung Gia Đạo tượng trưng cho hạnh phúc gia đình cũng là hướng tốt.

Nhiều trường phái khác nhau ra đời cùng với sự phát triển và phổ biến của thuật phong thuỷ. Mỗi trường phái đều có quan niệm và phương pháp lý luận riêng. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu hai trường phái phổ biến hiện nay là Du Niên Bát Trạch và Huyền Không Phi Tinh cùng cách ứng dụng chúng vào việc xác định vị trí đặt hồ cá.

Du Niên Bát Trạch

Trường phái này kết hợp phương vị với tính mệnh của trạch chủ, tức chủ nhà; theo đó hướng tốt hay xấu đối với một người là tuỳ vào tính mệnh của người đó. Trước tiên phải tính toán mệnh quái hay quái số; cách tính toán quái số khá phức tạp nên không bàn ở đây; muốn biết thì chỉ cần tra bảng đã tính sẵn như ở dưới. Nếu trong nhà có nhiều người sinh sống thì quái số được tính cho người có vai trò trụ cột chẳng hạn như người chồng, người cha mà sự thành công hay thất bại trong sự nghiệp của người này sẽ ảnh hưởng đến tất cả các thành viên khác trong gia đình.

Posted Image

Quái số được chia làm hai nhóm là Đông tứ trạch gồm 1, 3, 4, 9 và Tây tứ trạch gồm 2, 6, 7 và 8. Mỗi quái số đều bao hàm các hướng “cát”, “hung”; trong đó, các hướng Sinh Khí và Diên Niên là các hướng “thượng cát”, hướng Thiên Y là hướng “trung cát” và hướng Phục Vị là hướng “tiểu cát”. Sau khi có được quái số, tiếp tục tra bảng dưới đây để xác định các hướng “cát” tương ứng với nó:

Posted Image

Hồ cá nên được đặt theo hướng “thượng cát” của trạch chủ để gia tăng sinh khí cho nó. Phương pháp này được áp dụng phổ biến trong xây dựng cho nên cửa chính cũng thường là hướng thượng cát của chủ nhà, vì vậy hình ảnh hồ cá được đặt phía trước nhà hay ở phòng khách cũng không phải là điều hiếm gặp.

Huyền Không Phi Tinh

Một cách tính phương vị khác là phương pháp của phái Huyền Không Phi Tinh; theo đó, mỗi ngôi nhà được lập quẻ dựa trên thời vận tức thời điểm toà nhà được xây dựng, cửu cung và vận động của cửu tinh. Thời vận có ảnh hưởng mạnh nhất đến khí số của con người là tiểu vận tức mỗi 20 năm; mỗi tiểu vận lại ứng với một tinh trong cửu tinh bao gồm Nhất bạch Thuỷ, Nhị hắc Thổ, Tam bích Mộc, Tứ lục Mộc, Ngũ hoàng Thổ, Lục Bạch Kim, Thất xích Kim, Bát bạch Thổ và Cửu tử Hoả; chẳng hạn, thời vận hiện tại là tiểu vận 8 (2004-2023) ứng với Bát bạch Thổ tinh. Trong vận này, Bát bạch Thổ tinh nhập vào trung tâm của cửu cung còn các tinh khác nằm ở các cung tương ứng với quy luật vận động của cửu cung; chúng tác động lên khí trường của ngôi nhà tại phương vị tương ứng của cửu cung; từ đó ảnh hưởng trực tiếp lên khí số của những người sống trong đó. Dựa trên các quẻ được lập người ta có thể chọn ra hướng tốt nhất để xây nhà, bổ cứu thiếu sót và dự đoán được phương vị cát, hung. Cách tính quẻ dựa trên các bước như sau:

Bước 1: giả sử nhà được xây dựng trong vận 7 thì số 7 được đặt vào trung tâm, các số khác được đặt vào các ô còn lại theo quy luật vận động của cửu cung như ở hình bên.

Bước 2: xác định hướng cho toà nhà; nó không nhất thiết là cửa ra vào mà có thể là phía cửa sổ nhìn ra biển, vùng trũng, ao hồ, vùng trống như bãi đậu xe hoặc xa lộ nơi xe cộ qua lại; ngược lại với hướng là sơn. Hai yếu tố này nằm ở ngay phía trên vận ở mỗi cung. Giả sử toà nhà hướng về phía Nam thì vận ở các cung hướng Nam (hướng) và hướng Bắc (sơn) sẽ di chuyển vào các vị trí hướng và sơn tương ứng ở cung trung tâm.

Posted Image

(Trái) Sơ đồ vận động của cửu cung với ý nghĩa của các cung. (Phải) Cách lập quẻ phi tinh cho nhà xây dựng vào vận 7.

Bước 3: mỗi hướng lại chia làm 3 phần Thiên, Địa và Nhân. Dùng la bàn để xác định xem hướng nằm ở phần nào theo bảng sau:

Posted Image

Kế đó, dựa trên tính chẵn lẻ của sơn và hướng ở trung tâm, tra tiếp bảng sau để biết quy luật vận động của sơn và hướng là thuận hay nghịch theo quy luật vận động của cửu cung. Trường hợp đặc biệt khi sơn hay hướng có giá trị là 5, người ta sẽ dựa vào vận để xác định tính chẵn lẻ.

Posted Image

Giả sử nhà ở hướng Nam-Địa và thì khi tra bảng sơn (số 3) sẽ vận động theo hướng thuận, còn hướng (số 2) sẽ vận động theo hướng nghịch. Kết quả được trình bày ở hình dưới.

Bước 4: đánh giá quẻ được lập dựa trên hướng chuyển động của sơn và hướng. Trường hợp tốt nhất là “nghịch sơn, nghịch hướng” tức “vượng sơn, vượng hướng”, không cần phải bổ cứu gì cả. Trường hợp thứ hai là “thuận sơn, nghịch hướng” tức “thượng sơn, hạ thuỷ” thì bên hướng nhất định phải có nước. Trường hợp thứ ba là “nghịch sơn, thuận hướng” thì bên sơn nhất định phải có núi. Trường hợp thứ tư là “thuận sơn, thuận hướng” tức “song tinh đáo hướng” thì bên hướng nhất định phải có nước, bên sơn nhất định phải có núi. Núi có thể được bổ cứu bằng cách trồng cây cao còn nước được bổ cứu bằng cách đặt hồ cá cảnh hay đào ao… Chẳng hạn, dựa theo quẻ vừa tính được, chúng ta thấy hướng tinh là loại “thuận sơn, nghịch hướng” do đó hướng Nam-Địa phải có nước, nếu không có thì phải đào ao hay đặt hồ cá cảnh để bổ cứu.

Posted Image

Thế thuận sơn nghịch hướng thì bên hướng nhất định phải có nước.

Cá trong phong thủy

Con cá chiếm một vị trí quan trọng trong phong thủy. Cá là nguồn thực phẩm được khai thác nhiều nhất ngoài tự nhiên bởi vì chúng có khả năng sinh sôi rất mạnh mẽ. Mặt khác, trong tiếng Hoa, từ “cá” mà âm Hán Việt gọi là “ngư” phát âm tương tự như từ “vượng” trong thịnh vượng. Do đó mà con cá được xem như là hình ảnh tượng trưng cho sự thịnh vượng và người ta nuôi cá để cầu mong được giàu có, sung túc.

Nếu nước sạch, nước “động” tạo ra sinh khí thì nước ô nhiễm, nước tù sẽ tạo ra tà khí. Yếu tố “động” ở đây chính là dòng chảy và để tạo ra nó, người ta thường phải đào kênh dẫn nước đi vào và đi ra khỏi hồ. Nếu không có khả năng đào kênh thì người ta có thể áp dụng phương pháp khác, đó là nuôi cá. Hoạt động bơi lội của chúng sẽ đem lại yếu tố “động” cần thiết, từ đó làm gia tăng sinh khí cho môi trường. Ngày nay, việc tạo ra dòng chảy trong hồ cá được máy bơm hay máy sục khí đảm nhiệm nhưng sự hiện diện của cá vẫn rất cần thiết vì chúng tạo ra sự cân bằng và cảm giác bình an cho con người. Chính thái độ dửng dưng và vô tư của chúng đối với “thế giới bên ngoài” sẽ có tác động tích cực đến tâm lý của chúng ta.

Màu sắc

Màu sắc của cá cũng có ý nghĩa trong phong thủy. Các màu nóng như đỏ, cam và vàng tượng trưng cho sự giàu sang, thịnh vượng còn màu xanh được cho là đem lại sự may mắn. Màu đen có tác dụng thu hút những điều xui xẻo vì vậy con cá có màu đen trong hồ là con dễ bị chết nhất. Nếu cá chết thì không nên xem đây là chuyện buồn vì người ta cho rằng nó đã nhận thay phần xui xẻo cho gia chủ và nên thay ngay con cá khác vào hồ. Đặc biệt, một hồ nuôi toàn cá đen có tác dụng trấn sát thường được đặt ở hướng hung tinh của ngôi nhà để thu hút mọi xui rủi xảy ra cho những người sống trong đó.

Màu của cá cũng mang thuộc tính của ngũ hành. Chẳng hạn, màu trắng thuộc về hành Kim, mà Kim sinh Thuỷ theo nguyên lý ngũ hành tương sinh; như vậy cá có màu này làm tăng thuộc tính Thủy của nước, nhờ đó sinh khí phát ra từ hồ càng mạnh. Ý kiến khác lại cho rằng bản thân con cá không hề có tác dụng rõ rệt về mặt hành khí; vì vậy, nếu muốn làm vượng hành Thuỷ thì chúng ta phải đặt vật thực sự bằng kim loại vào đó hoặc làm chân đế hồ bằng khung kim loại cũng là một cách để hỗ trợ hành Thuỷ.

Số lượng

Có nhiều cách lý giải khác nhau về số lượng cá trong hồ. Cách thứ nhất dựa trên ý nghĩa của cửu tinh mà theo đó nuôi cá với số lượng 1, 4, 6, 8 hay 9 là tốt vì chúng tương ứng với những cát tinh như Nhất bạch Thuỷ tinh, Tứ lục Mộc tinh, Lục Bạch Kim tinh, Bát bạch Thổ tinh hay Cửu tử Hoả tinh. Điều này không hoàn toàn chính xác vì một sao có ảnh hưởng tốt hay xấu là tuỳ thuộc vào cung mà nó đang chiếm giữ; chẳng hạn, hiện nay đang là vận 8 thì Bát bạch Kim tinh đóng ở chính cung hay vượng cung là cát tinh, Cửu tử Hoả tinh và Nhất bạch Thuỷ tinh đóng ở sinh cung cũng là cát tinh, nhưng Tứ lục Mộc tinh và Lục Bạch Kim tinh lại đang đóng ở sát cung nên là hung tinh. Vì vậy, số lượng cá nuôi trong hồ phải được tính toán dựa trên thời vận. Chẳng hạn, hiện đang là vận 8, nếu kết hợp thời vận hiện tại với ý nghĩa về ngũ hành của màu sắc thì nên nuôi 8 con cá vàng cùng với 1 con cá đen. Số 8 ứng với Bát bạch Kim tinh; Bát bạch Kim tinh hiện đóng ở vượng cung; mặt khác số 8 ứng vào cung Cấn – hành Thổ có màu vàng như con cá vàng. Số 1 ứng với Nhất bạch Thuỷ tinh hiện đóng ở sinh cung; mặt khác số 1 ứng vào cung Khảm – hành Thủy có màu đen như con cá đen. Hơn nữa, tổng số cá là 9 lại ứng với Cửu tử Hoả tinh cũng đang nằm ở sinh cung. Nuôi cá với số lượng và màu sắc như vậy là “thuận thời vận”. Quan điểm này rất phổ biến trong thế giới quan của người phương Đông theo đó vũ trụ biến đổi không ngừng và có quy luật, con người nếu tuân theo quy luật biến đổi vũ trụ thì tồn tại, bằng đi ngược lại thì sẽ bị tổn hại.

Posted Image

Số lượng 8 con cá vàng và một con cá đen như thế này rất phổ biến trong tranh phong thủy

và người ta tin rằng nếu không có điều kiện đặt hồ thì treo tranh cũng có phần nào tác dụng.

Theo một cách lý giải khác thì số 8 âm Hán Việt là “bát” phát âm tương tự như từ “phát” trong phát tài. Số 9 âm Hán Việt là “cửu” phát âm tương tự như từ “cửu” trong trường cửu. Nước tượng trưng cho thuộc tính Âm, số lượng cá là số lẻ tượng trưng cho thuộc tính Dương. Vì vậy, toàn thể hồ cá tượng trưng cho những điều may mắn tốt lành, Âm-Dương hòa hợp… Tuy nhiên, dù lý giải theo cách nào thì công thức kết hợp ở trên có lẽ là công thức được áp dụng phổ biến nhất trong thực tế.

Trong một số trường hợp, số lượng cá được nuôi lại không liên quan gì đến các lý luận ở trên; chẳng hạn, người ta nuôi một cặp cá đơn giản chỉ để tượng trưng cho sự gắn kết khăng khít và bền vững trong quan hệ hôn nhân và gia đình.

Loài

Lại bàn đến vấn đề rằng loài cá nào có ý nghĩa trong phong thủy? Theo quan niệm truyền thống thì đó là con cá chép vàng. Hình ảnh cá chép rất quen thuộc trong đời sống hàng ngày; chúng diện diện nơi hồ cảnh, tranh vẽ và trong cả truyền thuyết dân gian chẳng hạn chuyện cá chép vươt vũ môn để hoá rồng. Nếu không nhầm thì cá chép vàng là con cá cảnh duy nhất xưa kia rồi sau đó từ chúng, người ta mới lai tạo ra vô số loại cá vàng khác nhau.

Posted Image

(Trái) Giống cá vàng tròn trịa như con ranchu rất được ưa chuộng vì vẻ ngoài dễ thương của chúng. Hình dáng của nó thuộc về hành Kim hỗ trợ cho hành Thủy của nước. (Phải) cá chép hoang, tổ tiên của các giống cá vàng ngày nay.

Hiện tại, thị trường cá cảnh rất đa dạng với vô số chủng loại cá. Ngoài con cá vàng, một số loài cá khác cũng được đề cập đến như là cá “phong thủy”. Chẳng hạn, theo quan niệm của một số người thì đó chính là cá La Hán. Ngoài các màu đỏ và xanh mang ý nghĩa thịnh vượng và may mắn như đã đề cập ở trên, người ta còn lý luận rằng đầu cá nổi u lên như hình trái núi tức là tượng Sơn còn thân hình vuông vức của nó thuộc về hành Thổ. Xét trên bát quái đồ thì cung Sơn-Thổ là cung Cấn, ứng với thời vận 8 trong hiện tại. Theo chúng tôi, cách lý luận như vậy là thiếu căn cứ vì tượng hình chỉ áp dụng cho các hành chớ không áp dụng cho các cung, vì nếu vậy thì cung Tốn, tức tượng Phong (gió) sẽ có hình gì? Vì vậy, đặc điểm thuận với thời vận, nếu chúng thực sự có ý nghĩa, chính là ở thân hình vuông vức và màu vàng-cam thuộc về hành Thổ mà thôi; và như vậy thì rất nhiều loài cichlid Trung Mỹ kích thước lớn khác cũng có thể được coi là cá “phong thuỷ”.

Việc gán một con cá cảnh với thời vận như trên có lẽ khởi đầu từ con cá rồng. Người ta lý luận như sau: thân hình con cá rồng trông giống như con dao, dao được làm bằng kim loại, như vậy cá rồng thuộc hành Kim! Với những con có màu trắng như Thanh Long hay Kim Long thì hành Kim lại càng mạnh. Vận 7 (1984-2003) đóng ở cung Đoài có hành Kim cho nên giai đoạn đó mọi người đổ xô đi nuôi cá rồng vì cá rồng “hợp thời”. Nhưng mà cách gán như vậy cũng nảy sinh vấn đề bởi vì đã nói về thời vận thì phải có lên có xuống. Bây giờ bước sang vận 8 (2004-2023), con cá La Hán lên ngôi, những gì ứng với vận 7 đều rơi vào thoái cung, không xấu cũng không tốt. Nhưng bước sang đến vận 9 (2024-2043) thì những gì lên quan đến vận 7 sẽ rơi vào sát cung, rất không tốt. Vậy khi đó hỏi còn ai muốn nuôi cá rồng nữa hoặc là nếu đang nuôi thì có đem vứt đi hay không?

Trong cách tính toán truyền thống, thời vận được gán cho ngôi nhà dựa trên năm mà nó được xây dựng bởi khí trường thịnh suy của nó sẽ tác động lên những người sống bên trong. Loài cá rồng đã xuất hiện trên trái đất cả trăm triệu năm nay rồi và vẫn tiếp tục tồn tại; vận mệnh thịnh suy của chúng trong lịch sử tiến hoá, nếu có, chắc phải tính bằng đơn vị triệu năm. Do vậy việc gắn cá rồng hay bất kỳ loài nào khác với một thời vận cụ thể phải chăng là hành động quá khiên cưỡng? Cá nào cũng vậy mà thôi bởi vì con cá tự bản thân nó đã mang những ý nghĩa tốt đẹp trong phong thuỷ.

Ứng dụng Âm Dương - Ngũ hành

Như đã biết, hồ cá thuộc về hành Thuỷ có thể được sử dụng để hỗ trợ hay làm suy giảm tác dụng của một hành nào đó. Theo nguyên lý ngũ hành tương khắc, Thổ khắc Thuỷ, Thuỷ khắc Hoả; như vậy nếu đặt hồ cá trong phòng của người có mệnh Thổ thì không có vấn đề gì nhưng nếu là người mệnh Hoả thì đó có thể là nguyên nhân làm cho người đó bị đau bệnh. Như vậy, hồ cá nhìn chung không thích hợp đối với những người mệnh Hoả, nhưng nếu là người mệnh Hoả quá vượng thì lại khác, hồ cá có tác dụng hạn chế bớt hành Hoả và giúp cho người đó thăng bằng hơn. Mặt khác, theo nguyên lý ngũ hành tương sinh, Kim sinh Thuỷ, Thuỷ sinh Mộc; như vậy hồ cá rất phù hợp với người có mệnh Mộc còn với người có mệnh Kim mà không quá vượng thì phải cẩn thận. Để biết được mệnh của một người có vượng hay không, người ta lập bảng Tứ Trụ bao gồm bốn yếu tố ngày, tháng, năm và giờ sinh kết hợp với can, chi. Nếu một hành xuất hiện quá nhiều trong bảng tính thì chứng tỏ người đó vượng về hành ấy.

Tương tự, khi đặt hồ cá ở hướng Đông Nam người ta đã lưu ý đến một đặc điểm rằng hướng này thuộc về hành Mộc và nếu đặt hồ cá ở đó thì hành Thuỷ của hồ cá càng làm hành Mộc vượng hơn, từ đó chủ nhà sẽ được phát tài vì hướng này là hướng tài lộc. Một số ví dụ khác về Thuỷ khắc Hoả, chẳng hạn trường hợp có một ngọn đèn đường chiếu thẳng vào nhà, người ta có thể đặt hồ cá ở hướng đối diện để triệt bớt hành Hoả của ánh đèn, như vậy môi trường sẽ được hài hoà hơn. Rồi hồ cá cũng được khuyên là nên bố trí trong bếp để đề phòng hoả hoạn…

Theo một lý luận khác dựa trên Hà Đồ, sơ đồ thể hiện quan niệm về vũ trụ của người Trung Hoa cổ, theo đó 1 dương và 6 âm nằm ở phương Bắc thuộc hành Thuỷ, 2 âm và 7 dương nằm ở phương Nam thuộc hành Hoả, 3 dương và 8 âm nằm ở phương Đông thuộc hành Mộc, 4 âm và 9 dương nằm ở phương Tây thuộc hành Kim, 5 dương và 10 âm nằm ở Trung tâm thuộc hành Thổ. Số lượng cá được nuôi sẽ quyết định hồ thuộc hành nào chứ không phải là hồ luôn có hành Thuỷ như đã biết; chẳng hạn hồ nuôi 5 hay 10 con cá sẽ có hành Thổ. Kiểu suy luận này có vẻ không được hợp lý nên không mấy phổ biến lắm.

Cũng từ cách bố trí số theo Hà Đồ mà các số lẻ có thuộc tính Dương còn các số chẵn có thuộc tính Âm. Nước vốn có thuộc tính Âm nên số lượng cá được nuôi nên là số lẻ có thuộc tính Dương để Âm-Dương được hòa hợp, cân bằng.

Kết luận

Phong thuỷ vốn không phải là bộ môn khoa học chính xác mà là một nghệ thuật chứa đựng nhiều mâu thuẫn bởi có quá nhiều quan niệm, trường phái và phương pháp lý luận khác nhau; kể cả trong cùng một phương pháp, thì cách nhìn nhận vấn đề cũng có thể chứa đựng những yếu tố cảm quan dẫn đến các kết quả khác biệt tuỳ vào mỗi cá nhân khi áp dụng; chẳng hạn như phép xác định hướng khi lập quẻ phi tinh. Có vô số ví dụ về các ý kiến mâu thuẫn nhau chẳng hạn như cá chết là do nhiều nguyên nhân mà chủ yếu là vì môi trường không tốt chứ không phải vì chúng thu hút hết sự xui xẻo mà chết thay cho chúng ta; hoặc con cá chỉ có ý nghĩa tượng trưng mà không hề có tác dụng thực sự về lý khí; hoặc không nên đặt hồ cá trong bếp vì hành Thuỷ của nó khắc chế hành Hoả của bếp; từ đó gia chủ không làm ăn gì được... Vì vậy, tuỳ vào trường phái và cách áp dụng mà mỗi người có thể chọn ra cách bố trí hồ cá thích hợp cho mình nhưng tựu trung, có một số yếu tố chính trong việc bố trí hồ cá theo thuật phong thuỷ mà chúng ta có thể tóm gọn trong mấy từ sau đây: sinh khí-phương vị-ngũ hành.

Posted Image

Sơ đồ bát quái kết hợp với ngũ hành. Ngoài cùng là các hướng và ý nghĩa của cung. Sau đó là các hành ứng với cung cùng với tượng hình của nó. Ở giữa là các hướng cát, hung dựa theo Bát Trạch khi quẻ Khảm ở vào phương Bắc. Kế đến là các cung cùng với thuộc tính của chúng. Trong cùng là các quái số ứng với cung và vòng tròn âm, dương; khởi nguyên của bát quái đồ.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Chào các bạn,

Tôi xin tư vấn về vị trí đặt bể cá trong nhà.

Phòng khách nhà tôi có hai cửa, một cửa ra vào hướng tây bắc, một cửa sau thông sang nhà bếp hướng Đông Nam. Vậy vị trí nào là Thanh Long, vị trí nào là chu Tước trong phòng khách nhà tôi.

Xin cám ơn.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Chào các bạn,

Tôi xin tư vấn về vị trí đặt bể cá trong nhà.

Phòng khách nhà tôi có hai cửa, một cửa ra vào hướng tây bắc, một cửa sau thông sang nhà bếp hướng Đông Nam. Vậy vị trí nào là Thanh Long, vị trí nào là chu Tước trong phòng khách nhà tôi.

Xin cám ơn.

Từ phòng khách anh nhìn ra đường (cỗng chính), bên trái Thanh Long, phải Bạch Hổ, vách tường sau lưng là Huyền Vũ, Sân trước là Chu Tước!

Kính.

Share this post


Link to post
Share on other sites