Posted 25 Tháng 6, 2008 Kính thưa quí vị quan tâm! Chủ đề này chúng tôi đã đưa vào trang chủ của diễn đàn www.vanhienlacviet.org. và lyhocdongphuong.org.vn. Nhưng vì tính chất tham khảo của bài viết và để tiện cho việc theo dõi của các thành viên trên diễn đàn. Nên chúng tôi lại đưa chủ đề này vào diễn đàn một lần nữa. Xin chân thành cám ơn sự quan tâm của quý vị! Thiên Sứ Share this post Link to post Share on other sites
Posted 25 Tháng 6, 2008 Các đồ hình Mandala Sally Moningstar Trích Tự đoán định tương lai (How to tell the future) Các đồ hình Mandala thường có hình tròn. Trong tiếng Phạn (Một ngôn ngữ cổ của Ấn Độ), Mandala vừa có nghĩa là “vòng tròn” lại vừa có nghĩa là “trung tâm”, tức là nó tượng trưng cho cả thế giới hữu hình bên ngoài (vòng tròn), thế giới vô hình bên trong (trung tâm). Mỗi đồ hình Mandala là một bức tranh, kể về hành trình bạn có thể đi theo từ thế giới thường nhật bên ngoài để vào thế giới nội tâm trầm lặng ở bên trong con người bạn. Nó đưa bạn đến chỗ hiểu biết sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa bạn với vũ trụ.Ai đi tìm hạnh phúc và thực hiện những ước mơ của mình. Các đồ hình Mandala là công cụ có thể hướng đạo cho bạn đi thẳng vào trọng tâm của cuộc tìm kiếm ấy. Đi theo hành trình vẽ ra trên đồ hình Mandala, nghĩa là bạn đang tìm kiếm tất cả những gì ẩn giấu trong tâm hồn bạn, mà trong đó luôn có một khoảng lặng, cho dù các cơn bão lòng có thể tấn công bạn đi chăng nữa. Khi vẽ một đồ hình Mandala, bạn có thể tạo ra một hình ảnh về thế giới nội tâm của bạn, hoặc hình ảnh về một thế giới hoàn hảo và khao khát thể hiện sự hài hòa của thế giới ấy. Khi tại ra một đồ hình Mandala là khi bạn mở lòng mình trước tất cả những khả năng có ở cả bên trong lẫn bên ngoài bản thân bạn. Bạn lắng nghe các giấc mơ của trái tim, khối óc và của linh hồn, rồi tạo hình và tô màu cho chúng ở bên trong đồ hình. Một đồ hình Mandala có thể đưa bạn đi từ thế giới trần tục đến thế giới thiên đường. Khi làm việc với các đồ hình Mandala, bạn có thể bắt đầu nhận thức cái hiện thực có vẻ ngẫu nhiên bề ngoài ở xung quanh bạn theo nhiều cách khác nhau, biến những gì thường ngày và tầm thường thành chuyến đi khám phá tâm hồn bạn. Còn tiếp Share this post Link to post Share on other sites
Posted 25 Tháng 6, 2008 Các đồ hình Mandala - 1 Sally Moningstar Trích Tự đoán định tương lai (How to tell the future) Các đồ hình Mandala cổ đạiCác đồ hình Mandala (đồ hình tôn giáo tượng trưng cho vũ trụ) trong nhiều nền văn hóa khác nhau và ở nhiều thời kỳ khác nhau, thường có các hình dạng và ý nghĩa biểu trưng khác nhau. Mặc dù có thể sử dụng một “ngôn ngữ” khác biệt, nhưng các đồ hình Mandala ở mọi thời đại đều cùng miêu tả vũ trụ của chính chúng ta. Bỏ qua những khởi nguồn lịch sử và văn hóa của chúng, thì những đồ hình Mandala cổ xưa nhất vẫn có thể giúp ích cho chúng ta trên con đường đi tìm thế giới nội tâm đích thực, nếu như dò ra được ngôn ngữ của chúng. Các dạng đồ hình Mandala Tổ tiên của chúng ta đã nhìn thấy hình dạng của toàn bộ vũ trụ xung quanh họ vào các mùa trong năm, vào kỳ trăng tròn rồi khuyết, vào lúc mặt trời mọc rồi lặn. Họ đã lưu dấu các sự kiện này bằng những tảng đá dựng đứng và những hình tròn. Giờ đây, những đồ hình Mandala này hình thành nên một phần cảnh quan của thế giới. Bia tưởng niệm bằng đá cự thạch của vòng tròn đá Stonehenge ờ nước Anh báo trước ngày Hạ chí những hòn đá xếp thành hàng phức tạp này tạo thành một cuốn niên lịch. Phương cách sống của tổ tiên chúng ta vốn phụ thuộc vào những chu kỳ tự nhiên. Những vòng tròn bằng đá Stonehenge tượng trưng cho thế giới của họ. Và tổ tiên của chúng ta đã xây nên những nấm mồ bằng đá phức tạp để ca ngợi những sáng tạo tự nhiên, tạo thành các đồ hình Mandala. Dãy Newgrangeb ở Eire cũng là một ví dụ điển hình. Một khoảng không để hành lễ ở chính giữa vòng tròn đá này luôn nằm trong bóng tối cho đến ngày Hạ chí, khi đó, những tia nắng rạng đông len lỏi qua hành lang để chiếu sáng các bức tường tối đen của dãy đá. Người Ai Cập cổ đại cũng hiểu được chu kỳ vận hành của cuộc sống. Có luận thuyết cho rằng, tất cả các kim tự tháp của họ tạo nên một mô hình trên mặt đất phản chiếu một vị trí ở bầu trời, nơi mà họ tin rằng linh hồn của Pharaong sẽ được tái sinh. Ở chính giữa quần thể đồ hình Mandala này có một quan tài ở trong Nhà mồ của nhà vua. Đây là nơi chứa linh hồn của các vị vua đã chết rồi tái sinh. Tính tượng trưng trong các quần thể mộ này cho thấy rằng, phần chính giữa của vòng tròn đá Mandala là vị trí của cái chết và sự tái sinh. Chúng ta phải để quá khứ chết đi, trước khi tương lai lại mở ra trước mắt chúng ta. Các mê cung Những vòng xoắn của mê cung giống như một bản đồ đường đi của cuộc đời. Biểu tượng mê cung tái hiện ở khắp nơi trên thế giới, như một phần của cuộc tìm kiếm sự thông thái và nhận thức tự thân. Cứ mỗi một khoảnh khắc bạn lại phải lựa chọn hướng đi của mình, và cứ mỗi một quyết định sai lầm lại khiến hành trình của bạn trở nên dài hơn. Nhưng dù con đường bạn đi có ngoằn nghèo đến mấy, thì bạn cũng đừng bao giờ quên mất nơi mình muốn đến, đó là ở đáy sâu con người đích thực của bạn.Trong thần thoại Hy Lạp, câu chuyện về Theseus và Minotaur tập trung vào mê cung huyền thoại trong lâu đài của vua Minos trên đảo Crete. Theseus phải tìm đường thoát khỏi mê cung, đương đầu và giết chết quái vật Minotaur để khẳng định cho ngôi báu định mệnh của mình. Hiện nay vẫn còn nhiều mê cung bằng cỏ xén đơn giản từ thời tiền sử. Chúng tạo thành một con đường độc đạo nhỏ hẹp lượn lên lượn xuống quanh co trong chính bản thân chúng. Các thầy tu và các tính đồ đi qua mê cung này bằng cách quỳ gối trong trạng thái thiền thật sâu. Những mê cung bằng cỏ xén này biểu thị cho sự mộc mạc của cuộc sống, vì những đường hướng và những hình thái ngày càng thay đổi của nó vẫn có thể được chấp nhận một cách thoải mái và yên bình. Mê cung ba hình xoắn trôn ốc của người Celt, có nhiều đường đi đến trung tâm của nó. Mặc dù có thể đi lướt qua mê cung này, nhưng nếu làm thế thì sẽ bỏ qua mất tính huyền ảo của con đường. Chỉ cần thay đổi các cách rẽ và đừng giữ nguyên bất cứ nguyên tắc nào là bạn có thể đi qua hết cả mê cung. Điều này nhắc nhở rằng, một cuộc sống phong phú là không đau đáu tới tương lai và hãy vui thích với mỗi khúc quanh, ngã rẽ của hiện tại. Các kim tự tháp bí ẩn được xây dựng làm nơi yên nghỉ cuối cùng của các Phraong Các biểu tượng của người CeltCelt là tộc người cổ đại sinh sống trên khắp Châu Âu và tiểu Á vào thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên. Họ phổ biến di sản tinh thần về tôn giáo của mình từ thời đại đồ sắt cho đến tận thời kỳ đầu của Thiên Chúa giáo. Người Celt đã phát triển kiến thức về vũ trụ của tổ tiên, khi họ giữ mối quan hệ gắn bó với thiên nhiên, các mùa trong năm, các chu kỳ sinh tử và tái sinh. Những hòn đá của họ được trang trí bằng những hình xoắn và được chạm trổ các hình người, các biểu tượng của trái đất ở xung quanh. Những hòn đá này được tìm thấy ở khắp vùng Tây Bắc Châu Âu. Chữ thập được chạm trổ phức tạp này của ngườI Celt, hợp nhất hình tròn và phần trung tâm của một đồ hình Mandala lại với nhau Trước thời kỳ Thiên Chúa giáo, thì chữ thập của người Celt tượng trưng cho bốn mùa và bốn phương - bắc, nam, đông và tây, được đặt trên một vòng tròn trên đá, vòng tròn này tượng trưng cho trái đất. Cùng với sự ra đời của Thiên Chúa giáo, người Celt tiếp thu các yếu tố của tôn giáo này và các hình chữ thập của họ trở nên phức tạp hơn. Khi kỹ năng chạm trổ trên đá phát triển, họ đã chạm trổ trên các tượng đài dị thường những hình xoắn ốc phức tạp, những hình động vật và các vị thánh được lấy ra từ các câu chuyện thần thoại. Được khắc vào trong những hình chữ thập này của người Celt là những truyền thuyết hoàn chỉnh, những câu chuyện mang màu sắc Thiên Chúa giáo điển hình. Ví dụ, một chủ đề yêu thích nói về chuyến đi của một vị thánh từ kiếp này sang kiếp sau, nơi ông sẽ mặc khải.Những phiến đá được chạm trổ phong phú đã khởi nguồn cho những cuốn sách đầu tiên - những cuốn Kinh thánh với những minh họa phong phú bằng nghệ thuật tượng trưng qua hình ảnh các sinh vật mà người Celt biết. Rắn, chó sói, cá, công và phượng hòang được minh họa đầy các trang bản thảo kinh sách của Kells (Book of Kells), mỗi một nhà truyền giáo đều được tượng trưng bởi một con vật của chính mình, các đường viền và chữ cái trong các cuốn cẩm nang được trang trí này là một câu chuyện thông thái được dệt lại một cách rộng rãi rồi viết ra từng trang giấy. Cuốn sách này không chỉ đơn giản là một bản thảo, mà còn là một chuyến đi đầy biểu tượng, minh họa cho con đường đi tìm ý nghĩa sâu xa hơn của các từ ngữ. Một cửa sổ hoa hồng phức tạp tượng trưng cho tính tổng thể và tính tổng quát Các biểu tượng của Thiên Chúa giáoTheo truyền thống, các nhà thờ được xây quay mặt về hướng đông, dưới dạng một đồ hình Mandala hình chữ thập. Phía đông nơi mặt trời mọc, tượng trưng cho sự phục sinh của linh hồn Chúa Jesus và cuộc đời mới của ngài. Bệ thờ luôn được đặt ở cuối nhà thờ, quay về hướng đông. Các cửa sổ hoa hồng được trang trí lộng lẫy để điểm tô cho các giáo đường. các nhà thờ ở khắp nơi trên thế giới cũng là những ví dụ về các đồ hình Mandala trong Thiên Chúa giáo. Các hoa văn phức tạp trên các cửa tò vò bằng đá, hoa và những màu sắc sinh động khiến cho nhà thờ tràn ngập ánh sáng và vẻ đẹp của thiên đường. Thỉnh thoảng, ánh sáng này đổ tràn xuống mê cung hình tròn trên sàn nhà thờ, tượng trưng cho chuyến hành hương đến trung tâm tôn giáo của đạo Thiên Chúa – vùng đất thánh Jerusalem. Trong suốt thời Trung Đại, Hildegard of Bingen, triết gia, nhà ngôn ngữ học, họa sĩ, nhà tự nhiên học và soạn nhạc… người Đức (còn được gọi là thánh Hildergard) đã chiêm bao một loạt các giấc mộng mà bà tìm kiếm để giao tiếp bằng âm nhạc và hình ảnh. Từ nhỏ bà có khả năng tiên tri và nằm mộng nên bà đã vẻ ra nhiều hình ảnh miêu tả thế giới, trong đó đàn ông và đàn bà là đỉnh cao sáng tạo của Chúa, được bố trí ở vị trí trung tâm. Trong một giấc mơ của mình, bà đã thấy Chúa lên ngôi ở giữa một Mandala rộng lớn, khi từ người ngài tỏa ra một vòng hào quang vàng có một vòng tròn tâm rất lớn ở nơi trái tim, tỏa rộng ra để bao lấy vũ trụ. Hildegard còn cố gắng miêu tả sự hài hòa của vũ trụ như một cách thức để chữa trị bệnh tật. Điều này được dựa trên giấc mộng của bà về bốn loại bệnh cơ bản của con người và bốn yếu tố đất, nước, lửa và không khí. Bà mường tượng y học là một hình ảnh về sự hài hòa vũ trụ với các yếu tố ở trung tâm được bao quanh bởi gió và các vì tinh tú. Bên ngoài là bóng tối, lửa và ánh sáng mặt trời. Ở trung tâm bản thể đích thực của chúng ta không có bệnh tật gì cả. Chúng ta là một tổng thể và được chữa khỏi bệnh tật trong sự hài hòa với Chúa và vũ trụ. Còn tiếp Share this post Link to post Share on other sites
Posted 25 Tháng 6, 2008 Các đồ hình Mandala - 2 Sally Moningstar Trích Tự đoán định tương lai (How to tell the future) Các đồ hình Mandala của thổ dân MỹTheo truyền thống, thổ dân Mỹ coi tất cả mọi dạng sống là một phần không thể thiếu của tồn tại duy nhất bao quanh họ với những bài học rút ra từ nó. Mỗi một sinh vật sống, mỗi một viên đá hay một tảng đá đều là một phần của vũ trụ. Mọi vật đều có linh hồn, phần thiết yếu trong mối liên hệ của nó với thế giới. Đi theo con đường của cái chân và cái mỹ, chính là đi trong sự hài hòa với các linh hồn. Một thợ bạc người Navajo khoảng năm 1870 Bánh xe Pháp (*) (*) Bánh xe Pháp nghĩa là Pháp luân. Thuật ngữ “bánh xe” xuất phát từ chữ cakna trong tiếng Phạn. (Wikipe-dia). Bánh xe Pháp là đồ hình Mandala thường thấy trong đạo Phật. Ở đây chúng tôi gọi chung cho cả các đồ hình Mandala kiểu này ở trong các nền văn hóa khác. Một trong những biểu tượng vũ trụ quan trọng nhất của thổ dân Mỹ là đồ hình Mandala – Bánh xe Pháp. Hình đường cắt chéo nội tiết bên trong đường tròn này đại diện cho bốn mùa (xuân, hạ, thu, đông), cho bốn hướng (bắc, nam, đông, tây) và cho bốn yếu tố (lửa, nước, đất, không khí), tất cả các biểu thị này nằm trong một đường tròn bên ngoài đại diện cho thế giới. Trong loại bánh xe hai chiều, trục đường chân trời của đường cắt chéo nội tiết còn đại diện cho hai hướng, hướng lên trên tượng trưng cho Cha Trời và hướng xuống dưới tượng trưng cho Đất Mẹ. Bốn mùa tượng trưng cho thời gian, còn bốn phần vòng quanh tượng trưng cho không gian. Bên cạnh những khái niệm cơ bản này, người ta còn đưa vào trong Bánh xe Pháp các con vật cụ thể, các màu sắc và tính chất với những tầng lớp ý nghĩa phong phú và vô tận ở bên trong vòng tròn miêu tả vòng quay của cuộc sống. Theo ý nghĩa tượng trưng của Bánh xe Pháp, khi bạn sinh ra là lúc bạn bắt đầu chuyến đi của mình trên trái đất ở phía đông lúc bình minh lên, đó là phía của ánh sáng, tầm nhìn và những sự khởi đầu mới. Khi bạn lớn lên và bắt đầu nhận thức về thế giới, bạn chuyển sang phía nam và bắt đầu thời kỳ của những niềm vui và sự tự thể hiện hồn nhiên trong sáng. Khi bạn trường thành hơn nữa, bạn phát triển trực giác và trí tưởng tượng, cũng như chịu đựng nỗi đau của người trưởng thành ở phía tây. Cuối cùng, bạn chuyển sang thời kỳ của sự nghỉ ngơi ở phía bắc và trực giác của bạn lúc này trở thành trực giác thông thái. Sau khi sức mạnh được tăng cường, bạn lại sẵn sàng khởi động lại chuyến đi của mình ở phía đông, và chu kỳ này cứ thế tái diễn cho đến khi bạn thoát xác thành linh hồn thăng thiên, sau rất nhiều những vòng quay của Bánh xe Pháp. Bài học rút ra từ Bánh xe Pháp là bạn sẽ luôn chuyển động quanh vòng tròn cho đến khi bạn cư trú được ở trung tâm của nó. Ở đây, bạn trở nên hợp nhất với bánh xe cuộc sống và hòa hợp với các hình thái ngày càng thay đổi của cuộc sống. Lưỡi bắt mộng “Lưỡi bắt mộng” của thổ dân Mỹ là một đồ hình Mandala của thế giới trong mơ. Đồ hình này được hình thành từ một sợi chỉ được đan lại thành một cái lưới hình xoắn ốc và được trang trí thêm những sợi lông chim và các hạt trang trí. Nó được treo phía trên đầu của một người nào đó trong khi họ ngủ để “bắt lấy” tất cả các giấc mộng đẹp mà lời răn của chúng vẫn còn lưu lại khi bạn tỉnh dậy. Tuy nhiên, những giấc mơ xấu lại chui qua các lỗ thủng trên tấm lưới này và thoát ra ngoài vũ trụ. Ở trung tâm lưới bắt mộng là chỗ linh hồn có thể đi qua để bước vào thế giới trong mơ. Cũng theo cách tương tự, thổ dân Mỹ đã tạo ra những cái khiên để bảo vệ mình trước những linh hồn xấu xa và chúng như là tín hiệu cầu cứu những người cứu giúp linh hồn con người. Mỗi cái khiên đều khác nhau, được trang trí theo phong cách cá nhân và được làm bằng da động vật và chỉ khâu. Mỗi một cái khiên bảo vệ này đều được dệt từ tinh thần của chính người sở hữu nó và là một loại đồ hình Mandala được cá nhân hóa. Đây là mộT Bánh xe Pháp đẹp và to lớn khác thường ở Sedona, Arizona Còn tiếp Share this post Link to post Share on other sites
Posted 25 Tháng 6, 2008 Các đồ hình Mandala - 3 Sally Moningstar Trích Tự đoán định tương lai (How to tell the future) Các đồ hình Mandala của người Ấn Độ và Tây Tạng.Theo truyền thống, các đồ hình Mandala là một công cụ thiền định hữu hình, hướng đạo cho người tìm kiếm chân lý hiểu biết nhiều hơn về bản thân họ và vũ trụ. Ở khắp châu Á, cả những người theo đạo Hindu lẫn các tăng ni Phật tử đều dồn tâm để đạt được sự thông thái và kiến thức tự thân thông qua thiền định, nhằm đạt đến sự hài hòa và thoát khỏi vòng cương tỏa của cái chết cũng như những khao khát trần tục. Một đồ hình Mandala tuyệt đẹp của Phật giáp Các đồ hình Yantra của Hindu giáoNhững người mộ đạo Hindu giáo sử dụng các đồ hình Yantra trong lúc thiền và trong các nghi lễ. Mỗi một đồ hình Yantra đều có một biểu tượng hình học được vẽ chính xác quy ước một vị thần nào đó. Mỗi một vị thần lại có biểu trưng đặc biệt của riêng mình, gồm các hình tam giác dính liền với nhau, hướng lên trên hay xuống dưới lại phụ thuộc vào việc vị thần này là nam hay nữ. Xung quanh biểu tượng này còn có các vòng tròn tượng trưng cho sự bảo vệ và một vòng tròn viền hình cánh hoa biểu thị cho những người hầu của vị thần. Tất cả các biểu tượng và vòng tròn này lại nằm bên trong một vòng tròn thành phố trái đất gọi là bhu-pura. Bhu-pura lại được rào xung quanh bởi các bức tường, ở các bức tường này có những người bảo vệ cho tám hướng, ngồi canh giữ liên tục. Các Yantra có thể là một hình tròn, được vẽ và sử dụng trực tiếp trên mặt đất, hay một kim tự tháp. Có một chỗ chứa hình vòng tròn được đặt ở trung tâm. Vị thần sẽ xuất hiện ở bên trong chỗ chứa này. Các Yantra chỉ có thể được chạm trổ trên 8 chất liệu Tantra: vàng, bạc, đồng xu, tinh thể, gỗ bulô (birch), xương, da (da này bao gồm cả giấy) và một hòn đá đặc biệt được gọi là vishnu. Chỉ cần những vật liệu này, khi kết hợp với việc sử dụng đúng màu sắc trong thiết kế hình vẽ, là sẽ tạo ra được sự cân bằng và hài hòa giữa các năng lượng để thần linh tồn tại ở trung tâm Yantra này. Người ta cho rằng các đồ hình Yantra cần phải có được sự sống với sự xuất hiện của linh hồn thần linh và phải được “ban cho hơi thở” trong buổi lễ. Có những mùi thơm tỏa ra khắp Yantra, trong lúc người ta đọc đi đọc lại một câu thần chú cầu khẩn nào đó. Ở các Shri Yantra (một loại đồ hình Yantra) các chữ cái được vẽ ở bên ngoài, xung quanh vòng tròn để tượng trưng cho âm thanh của đấng sáng thế Shakti, vị thần được cúng lễ. Khi Yantra đã có được hơi thở và sự sống, thì người ta tin rằng nó sẽ đạt đến tri giác để nhận thức thế giới và một thực thể linh hồn nào đó để sống ở đấy. Đồ hình Yantra là những hình vẽ thiêng liêng, được sử dụng nhằm hướng sự chú ý tới nó khi thiền. Khi đặt mình vào giữa một Yantra, các tín đồ mộ đạo mong muốn vào được khu vực trung tâm trong tồn tại tổng thể của họ. Trong một đồ hình Yantra của Hindu giáo, mỗi một biểu tượng đều đại diện cho một vị thần cụ thể Các đồ hình Mandala của Phật giáoCác tín đồ Phật giáo mong muốn đạt đến sự giác ngộ để họ có thể đến được cõi Niết bàn trong vũ trụ ở kiếp này hoặc ở kiếp sau. Họ phải rèn luyện cả cơ thể lẫn tâm trí để biết cách đi giữa sự hài hòa, khi giải phóng mình khỏi những kiềm tỏa của bản ngã và những khát vọng trần tục. Các đồ hình Mandala được vẽ ra theo những quy luật nghiêm ngặt để tạo ra sự cân bằng và hài hòa tuyệt đối, giúp cho việc thiền định. Có nhiều con đường đạt đến sự giác ngộ, và mỗi một con đường lại có một đồ hình Mandala và một vị Phật riêng hướng đạo cho nó. Các tín đồ đạo Phật ở Tây Tạng vận dụng các đặt tính chữa bệnh và răn dạy của các đồ hình Mandala trên một tấm vải cuộn, gọi là thang-ka. Các Mandala này thường là các bức tranh hình chữ nhật miêu tả những lời răng của vị Phật đó, bánh xe cuộc đời, cây vũ trụ, các vị thần linh và những người hướng đạo tinh thần khác bằng những hình ảnh đẹp đẽ đầy màu sắc. Người Tây Tạng còn vẽ những đồ hình Mandala để phục vụ cho việc thiền, được gọi là kyilkhor. Mỗi một kyilkhor chứa trong mình rất nhiều biểu tượng và ý nghĩa. Các nhà sư có thể thiền trên đồ hình Mandala bằng cách lần lượt đánh giá từng biểu tượng, khi đi từ rìa ngoài vào bên trong đồ hình. Đầu tiên, người thiền phải vượt qua bốn rào cản bên ngoài để đạt đến giác ngộ, tương đương với tiêu trừ hỏa khí, có được sức mạnh trí tuệ, đạt đến tám trạng thái nhận thức cao nhất và trái tim trong sáng, rộng mở. Sau đó họ đến với bốn cánh cổng đi vào cung điện của Phật. Ở mỗi một cánh cổng này, đều có một linh hồn bảo vệ đứng gác nơi lối vào, và các nhà sư phải đối mặt với các linh hồn bảo vệ này trước khi vào được bên trong cung điện và trung tâm Mandala, nơi có Phật ngự tọa. Còn tiếp Share this post Link to post Share on other sites
Posted 25 Tháng 6, 2008 Các đồ hình Mandala - 4 Sally Moningstar Trích Tự đoán định tương lai (How to tell the future) Các bức tranh cát của người Tây Tạng.Các tín đồ đạo Phật người Tây Tạng nhìn thấy các đồ hình Mandala hiện diện ở khắp mọi nơi xung quanh họ. Họ coi bản thân họ là một Mandala, và vạn vật, kể cả bản thân họ, đều là một vị Phật tiềm năng. Tuyệt phẩm đỉnh cao trong các đồ hình Mandala của người Tây Tạng trong thế giới vật chất là đồ hình Mandala dưới dạng bức tranh cát có tên gọi là dul-tson-kyil-khor hoặc “Mandala làm bằng các loại bột màu”, và đồ hình Mandala phức tạp nhất trong số chúng là Bánh xe Thời gian – hay còn gọi là Kalachakra. Bánh xe Thời gian Cát màu được đổ xuống tranh qua một ống phễu kim loại thành một suối cát đẹp đẽCon đường đạt đến giác ngộ này và đồ hình Mandala của nó, miêu tả toàn bộ sự thông thái của chu kỳ trong vũ trụ và miêu tả cách chữa bệnh xuất phát từ việc sống hòa hợp với các nhịp điệu liên tục của vũ trụ. Bánh xe Thời gian miêu tả hai chiều của cung điện 5 tầng nơi Phật Kalachakra sống, được bảo vệ bởi 722 nam thần và 722 nữ thần. Mỗi cặp tượng trưng cho một khía cạnh tuần hoàn của thế giới, và toàn bộ đồ hình Mandala là một bức tranh duy nhất về tất cả các chu kỳ của vũ trụ.Bức tranh cát này chỉ được xem là bản thô của một đồ hình Mandala đích thực, một vật thể ba chiều chỉ có thể tồn tại trong con mắt của tâm trí. Các hình vẽ Mandala được tạo ra như những dụng cụ hỗ trợ cho các nhà sư xây dựng nên các Mandala tinh thần vốn cần thiết cho việc đi theo các bản văn nghi thức thiền của Phật giáo Tây Tạng. Nhà sư sẽ dùng tinh thần để đi khắp các tầng và các phòng của cung điện siêu hình và tìm cách đi qua mỗi nhận vật như một phần của việc thiền định, cho đến khi nào ông đến được chỗ Phật tọa ở trung tâm và hiểu được về vũ trụ ở xung quanh mình. Các nhà sư bắt đầu tạo ra bức tranh cát cùng với nghi lễ gọi mời Nữ thần sáng thế và thờ cúng địa điểm này. Sau đó họ vẽ đường viền cho đồ hình Mandala trên sàn nhà, dùng mực trắng và vẽ theo các nguyên tắc hình học nghiêm ngặt. Bức tranh cát được tạo từ trung tâm ra đến ngoài, tượng trưng cho vũ trụ. Cực điểm của vũ trụ là bản thể của ý thức, được hình thành từ một quả trứng. Mỗi một nhà sư vẽ một trong bốn hướng của Mandala khi cẩn thận đổ những dòng suối cát màu đẹp đẽ xuống bức tranh qua một cái phễu bằng kim loại hẹp miệng, gọi là chak-pur. Đối với một số bức tranh cát, người ta còn dùng cả hoa, thảo mộc, ngũ cốc và cả đá quý tán thàng bột, rắc vào để thay đổi những tính chất linh thiêng của đồ hình Mandala. Khi được vẽ xong, tức là Mandala thực hiện xong vai trò của mình và được xóa điCung điện ở trung tâm Bánh xe Thời gian được xây dựng dựa trên bốn yếu tố ban sơ của vũ trụ: đất, nước, lửa và gió. Tầng trệt sát đất của cung điện đại diện các chu kỳ của trái đất, thiên văn học và lịch sử loài người. Tầng tiếp theo đại diện cho hệ thống chữa bệnh thể xác, tinh thần của người Tây Tạng. Ở tầng thứ ba, tinh thần và thể xác của con người đạt được trạng thái hoàn thiện, cuối cùng, trạng thái này dẫn đến trạng thái tồn tại hoàn thiện. Từ địa điểm này, nhà sư có thể thực sự hiểu được vũ trụ giống như Phật Kalachakra nhìn nhận vũ trụ và đạt đến trạng thái tồn tại như vị Phật này.Việc tạo Bánh xe Thời gian còn có tác dụng chữa bệnh rất lớn cho môi trường xung quanh nó. Khi một đồ hình Mandala được vẽ xong, vai trò của nó được hoàn chỉnh và nghi lễ được thực hiện để giải phóng khả năng chữa bệnh đó ra ngoài thế giới. Cát trong tranh sẽ được gom lại từ ngoài vào trong, rồi được dựng vào một cái bình. Việc này được tiến hành theo nghi lễ, đến một dòng sông gần đấy, đổ cát ra khỏi bình để dòng sông mang nó ra đại dương và đi khắp thế giới mong mang lại hòa bình và sự hài hòa cho cả hành tinh. Còn tiếp Share this post Link to post Share on other sites
Posted 25 Tháng 6, 2008 Các đồ hình Mandala - 5 Sally Moningstar Trích Tự đoán định tương lai (How to tell the future) Các đồ hình Mandala vẽ người và thiên nhiên. Nhà tâm lý học Carl Gustav Jung Bạn dùng các giác quan của mình để trải nghiệm thế giới này, một thế giới mà bạn ở trung tâm của nó. Xung quanh là bầu không khí bạn hít thở và vùng đất mà bạn đi trên. Lúc nào cũng vậy, khi tỉnh dậy, bạn đều có thể cảm nhận được vẻ đẹp của cả vũ trụ xung quanh. Bạn không cần phải đi đến bất cứ nơi đâu đặc biệt để tìm kiếm vẻ đẹp đó. Nó luôn ở đó, luôn chờ bạn. Ở mỗi bước chân bạn đi, bạn đều được bao quanh bởi Mandala thế giới.Các đồ hình Mandala hiện đại Vào thế kỷ XX, nhà tâm lý học người Thụy Sỹ Cari Gustav Jung (1875 – 1961) đã phát triển việc sử dụng các đồ hình Mandala như một phương cách hỗ trợ để tìm hiểu tâm lý. Hàng ngày, ông vẽ một Mandala để thể hiện những suy nghĩ và những tình cảm sâu kín nhất của mình. Cứ mỗi lần như thế, ông lại nhận thấy rằng bên trong vòng tròn ông vẽ là một tấm ảnh chụp nhanh về trạng thái tâm hồn, cảm xúc và tinh thần của mình. Dường như chính những hình ảnh này đang phản chiếu cái tôi nội tâm của ông vậy. Ông cũng nhận thấy rằng, cách biểu hiện cảm xúc bằng vòng tròn kiểu này là phổ biến, vì trẻ em và người lớn đều vẽ chúng một cách nguệch ngoạc tự nhiên. Carl Jung bắt đầu coi Mandala là một con đường để đến với bản ngã, và ông bắt đầu vận dụng nó vào trong công trình nghiên cứu của mình với danh nghĩa là một chuyên gia tâm thần học, để giúp các bệnh nhân của ông có thể kết nối được sâu hơn với chính bản thân họ. Vòng tròn hoặc phạm vi của đồ hình Mandala đại diện cho phần tinh thần mà ở trung tâm của vòng tròn chứa đựng phần bản ngã đích thực. Ông cho rằng, phần đỉnh của Mandala chỉ ra những cảm xúc chứa đựng trong tâm trí có ý thức, trong khi phần dưới lại tượng trưng cho những lĩnh vực tình cảm và những ý nghĩ nằm sâu trong tiềm thức. Ảnh hưởng của Carl Jung ngày một vương xa, ngày nay nhiều người đã quan tâm đến việc tạo ra các đồ hình Mandala và dùng chúng như những công cụ để tự biểu hiện. Cùng với việc truyền bá các truyền thống pháp thuật cổ xưa thông qua nền văn minh châu Âu, các Mandala mới đã ra đời. Trật tự Bình Minh Vàng (The Order of the Golden Dawn) là một nhóm người đã kết nối các truyền thống phương Đông với pháp thuật phương Tây. Nhóm này đã tạo ra một bộ Mandala, được gọi là Tattva Cards, để làm công cụ hỗ trợ cho việc đạt đến cái tôi tinh thần. Các đồ hình Mandala này bao gồm những biểu tượng đơn giản như các mặt trăng và các vòng tròn. Người ta nghĩ về các biểu tượng này để phát triển tầm nhìn và trải nghiệm của bản ngã nội tâm. Có lẽ một trong số những hình dạng thú vị nhất của các đồ hình Mandala ra đời trong thời gian gần đây là nhờ nghệ thuật vi tính. Các bản đồ họa vi tính ba chiều có thể giúp thể hiện một Mandala ở chiều kỹ thuật số. Thông tin về Mandala trên máy vi tính được ký hiệu bằng các số 1 và 0. Thực chất, ký hiệu này là cách thể hiện một Mandala theo kiểu khác mà bất kỳ máy vi tính nào trên khắp thế giới đều có thể sao lại và thông tin. Ngoài ra, tất cả những từ ngữ mà chúng ta nói qua điện thoại, những bản fax hoặc các email mà chúng ta gửi đi, đều trở thành những mạch điện và ánh sáng phát ra khắp thế giới như một dòng suối không bao giờ ngừng chảy, một Mandala truyền tin vô hình, đến được với chúng ta qua truyền hình và đài phát thanh, hoặc phóng các vệ tinh vào không trung, hoặc dao động dưới biển theo những đường dây cáp quang rất lớn. Cơ thể người Sơ đồ hình học chi tiết về cơ thể người của Leonardo da Vinci.Trong cơ thể bạn, có một dòng điện chạy qua hệ thần kinh, chạy qua từng bộ phận nhỏ xíu, di chuyển và hoạt động theo nhịp điệu liên tục và hài hòa với cả cơ thể, với từng khoảnh khắc mà bạn sống. Khi bạn đứng trên mặt đất và dang hai cánh tay ra, cái bóng của bạn sẽ tạo thành hình ngôi sao 5 cánh. Nó cân xứng và hài hòa một cách lạ thường, và nó là một phần trong sự hài hòa của vũ trụ. Các sợi AND ở trung tâm của từng tế bào cơ thể bạn kết nối lại với nhau để hình thành nên một sơ đồ, một bản thiết kế chi tiết mà bạn phát triển cuộc đời mình theo nó. Bạn là sự tổng hợp của bố mẹ, ông bà và của tất cả các vị tổ tiên. Các gien trong cơ thể bạn nắm giữ lịch sử của từng người trong số các tổ tiên của bạn, chúng còn chứa đựng sự trong sáng của trái tim, đầu óc và của linh hồn bạn. Không một cảm giác tội lỗi, sợ hãi, đố kỵ và những cảm xúc rào cản khác ngáng trở bạn thể hiện bản chất đích thực của mình. Bạn chỉ có thể là bạn, chính xác như các gien miêu tả. Bạn nắm giữ chiếc chìa khóa đến được với hạnh phúc ở trung tâm của từng tế bào trong cơ thể bạn. Các đồ hình Mandala trên bầu trời Dù là đêm hay ngày, bầu trời cũng là khởi nguồn của sự kì diệu và quyến rũ. Các đám mây đan kết lại rồi quay tròn khắp bầu trời suốt trong năm, tạo nên những hình thù lý thú. Chúng tụ lại, phình to ra rồi tối đen đi khi trời mưa, sau đó lại lơ lủng trước bầu trời xanh thẳm. Những hình thù của các đám mây phản chiếu sự chuyển động của trái đất, các đại dương và gió. Cái đập cánh của một con bướm ở bên này thế giới cũng có thể gây ảnh hưởng đến thời tiết ở phía bên kia. Vạn vật trong vũ trụ đều được kết nối với nhau, và các đám mây là phản ánh của từng giọt nước khắp mọi nơi trên thế giới. Mùa đông là mùa của băng tuyết. Khi hơi ẩm thoát ra từ các đám mây, nó liền đóng băng lại và bắt ngay lấy mọi chuyển động của gió và trái đất để tạo ra một hình ảnh duy nhất, có một không hai - một bông tuyết. Mỗi thứ là một bức tranh về gió và thời tiết ở khắp nơi xung quanh ta. Vào một đêm sáng trời, bạn có thể nhìn thấy các vì sao di chuyển khi chúng từ từ chạy vòng quanh sao Bắc Cực, rồi đậu lại ở cuối chòm sao Tiểu Hùng, không di chuyển về bầu trời phương Bắc. Có một số ngôi sao phải mất hàng trăm năm mới chiếu sáng xuống trái đất, nhưng cũng có một số ngôi sao chỉ mất một vài năm. Trong mỗi khoảnh khắc bạn đều đang nhìn vào hằng hà sa số những câu chuyện. Và vòm sao trải ra thành một đồ hình Mandala rộng lớn - một hình ảnh về không gian và thời gian đang quay. Các đồ hình Mandala trên trái đất. Sự cân đối của mạng nhện điển hình cho sự hài hòa của tự nhiênMặc dù điều này nói chung chưa rõ ràng, nhưng tất cả chúng ta vẫn đang sống trên một không gian rộng lớn đang quay. Khi trái đất quay, trọng lực trái đất kết nối bạn với chính trung tâm của hành tinh, giúp chân bạn đứng vững được trên mặt đất. Bạn đang ở trung tâm Mandala của chính bạn. Các dòng sông và các đại dương bao quanh bạn. Những ngọn núi, những hàng cây, những tòa nhà cao tầng trải ra phía trên bạn. Dù là vùng đô thị hay nông thôn, tầm nhìn của bạn hàng ngày đầy những điều kỳ diệu có thể soi sáng linh hồn nếu bạn để ý đến chúng.Một hòn đá cũng được tạo ra bởi toàn bộ những áp lực và chuyển động của trái đất. Nó được hình thành qua hàng nghìn năm từ khoáng chất và kim loại, hoặc được đun sôi từ lớp vỏ cứng của trái đất rồi nguội đi qua hàng bao thế kỷ. Nước có thể bào mòn cho bề mặt của đá trở nên phẳng phiu hoặc có thể nghiền nó ra thành cát. Mỗi một hòn đá đều mang trong mình một mạng lưới hình thành phức tạp và vô tận. Các chòm sao quay quanh sao Bắc Cực thành một đồ hình Mandala rất lớnMột cái cây với những cành lá vươn lên trên bầu trời và rễ cây mọc lan đâm xuống dưới đất, cũng là một đồ hình Mandala sống động. Kích thước, hình dạng và kết cấu đều là bức tranh về lịch sử sinh trưởng của nó, bao gồm tất cả những khoảnh khắc quá khứ của nó, cả gần đây và đã qua lâu rồi. Nó cho thấy khi mặt trời chiếu vào các cành lá, thì các cành cây hướng lên trên, và mỗi khi nước mưa ngấm xuống lòng đất, các rễ cây lại mọc sâu thêm xuống dưới. Thân cây cũng giống như lịch sử, hình thành ở dạng các vòng tròn, theo năm tháng lớn dần lên quanh trung tâm - thời khắc nó sinh ra.Mô hình vũ trụ Cái chân và cái mỹ hiện diện khắp vũ trụ này. Thực phẩm bạn ăn có đầy những phần tử phức tạp. Con người bạn hôm nay được tạo nên từ những thức ăn bạn ăn hôm qua, tháng trước, thậm chí năm trước. Mỗi một phân tử là những nguyên tố được sắp xếp rất logic, tạo thành một mô hình mà cơ thể bạn có thể đọc và hiểu được. Khi bạn nhìn các nguyên tố - ví dụ như khí hyđrô và ôxi tạo thành nước, bạn thấy rằng chúng quả là một Mandala của các electoron bé nhỏ đang quay dưới dạng những làn sóng đẹp đẽ và hài hòa xung quanh hạt nhân trung tâm. Bạn có thể thấy Mandala vũ trụ cũng có mặt ở trong hạt nhân này. Các hạt proton nặng nề đang biểu diễn một điệu nhảy nghiêm trang từ tốn là mô hình mà từ đó toàn bộ năng lượng mặt trời được sinh ra, trong khi bên trong các proton này, các hạt vi lượng bay theo các quỹ đạo quanh nhau và quá trình này cứ thế tiếp diễn. Khi thoát ra khỏi tầm nhìn quy mô và hết sức chi tiết về cuộc sống này để nhìn vào bức tranh rộng lớn hơn, bạn có thể thấy trái đất đang quay quanh trục của nó, cùng với loài người sống trên bề mặt trái đất, bao quanh trung tâm, còn mặt trăng quay xung quanh trái đất. Bạn có thể nhìn ra hệ mặt trời và thấy tất cả các hành tinh đang quay xung quanh mặt trời theo một kiểu không ngừng thay đổi. Xa hơn một chút nữa, bạn có thể thấy dải ngân hà của chúng ta đang quay quanh điểm trung tâm sáng chói như một đồ hình Mandala tuyệt đẹp hình xoắn ốc. Và kể cả vượt xa hơn điều này, bạn có thể thấy vũ trụ mở rộng đang tụ lại rồi trải rộng ra vô tận. Vũ trụ không bao giờ có điểm cuối. Vạn vật đang nhảy múa theo một kiểu nhất định xung quanh bạn. Còn tiếp Share this post Link to post Share on other sites
Posted 25 Tháng 6, 2008 Các đồ hình Mandala - 6 Sally Moningstar Trích Tự đoán định tương lai (How to tell the future) Cách xem các đồ hình Mandala Các mảng rêu bé xíu này chứa đựng hàng nghìn giọt nước Khi bạn nhìn sâu vào một đồ hình Mandala, nghĩa là bạn phải nhìn thật sâu vào bản thân mình. Đôi khi bạn phải hạ quyết tâm để nghiên cứu bức tranh này, bạn có thể thấy bão tố và rối loạn, nhưng đồng thời bạn cũng thấy bình yên và cái đẹp cũng tồn tại bên trong phần trung tâm. Bằng cách nghiên cứu một đồ hình Mandala theo chiều sâu và đi vào chi tiết, bạn có thể kết nối với bản năng nội tâm và nhìn ra thế giới từ chính trái tim bạn. Cách xem và tìm hiểu các đồ hình Mandala Một Mandala có thể phức tạp, chứa đầy các biểu tượng và sống động nhờ các màu sắc, hoặc nó có thể đơn giản là thưa thớt. Dù thế nào thì nó cũng chứa đựng sự thông thái và chân lý. Để giải mã những bí mật của đồ hình Mandala, bạn phải nhìn xuyên qua ấn tượng bề ngoài và tìm hiểu từng chi tiết bên trong mỗi một mặt nhỏ xíu của hình ảnh. Nếu bạn hiểu được thông điệp của mỗi hình dạng và màu sắc, điều này sẽ giúp bạn thay đổi và đưa bạn gần chốn bình an hơn. Cách nhận biết phức tạp luôn đòi hỏi phải nhìn mọi thứ sâu hơn này mang lại cách trải nghiệm thế giới mới mẻ và độc đáo. Khi nhìn gần một cái cây, bạn sẽ thấy những mảng rêu bám trên vỏ cây. Nhìn kỹ đám rêu này, bạn sẽ thấy những giọt nước nhỏ đọng lại bên trên bề mặt gồ ghề của nó. Đây là cách nhìn giống cách nhìn các đồ hình Mandala. Luôn thấy có thêm nhiều thứ để nhìn. Bạn có thể vận dụng sự hiểu biết này để hành động và tạo ra những thay đổi trong cuộc đời. Ví dụ, nếu đang bị đau đớn, bạn có thể tìm hiểu nguyên nhân của nỗi đau. Có lẽ bạn cần phải thay đổi điều gì đó mà bạn đang làm, hoặc có thể xóa đi vài vết thương lòng đã cũ trong quá khứ. Khi nhận ra điều gì khiến mình hạnh phúc, bạn có thể thay đổi hướng đi mới của cuộc đời. Các Mandala, vượt ra ngoài sự cảm thông và ngại ngần, sẽ nói thật cho bạn biết rằng bạn đang đứng ở đâu, và bạn có thể để cho sự trung thực này thấm vào cuộc sống của mình. Ý nghĩa của các màu sắc trong đồ hình Mandala Thông qua di sản văn hóa, bạn có thể có những hiểu biết về ý nghĩa của các màu sắc may mắn trong cuộc sống của mình. Mặc dù mỗi nền văn hóa đều gán cho các màu sắc những ý nghĩa riêng, nhưng về cơ bản cũng vẫn giống nhau. Điển hình nhất là dù bạn có đang sống ở bất cứ nơi đâu trên thế giới thì bầu trời vẫn cứ màu xanh và màn đêm vẫn là màu đen. Mỗi một màu sắc đều có một ý nghĩa riêng: Màu đỏ là màu của máu và cuộc sống, màu của nỗi đau và niềm đam mê đến cùng. Màu cam biểu thị cho những khởi đầu xán lạn và quyết tâm tiến vào ánh sáng, rời xa bóng tối. Màu vàng thể hiện mong muốn vận động khi bạn đã ở trên bánh xe nhưng lại bị trượt và mắc kẹt vào trung tâm của nó. Màu xanh lá cây tượng trưng cho sự tăng trưởng, hài hòa và còn là sắc màu của sự trong sáng và vui vẻ khi có một điều gì đó mới mẻ đang bắt đầu hình thành. Màu xanh da trời là chốn yên tĩnh và sức mạnh nội tâm, nơi bạn có thể thể hiện các giấc mơ. Màu tím thể hiện sự biến đổi của dĩ vãng, niềm tin và kiến thức ở trong trung tâm nội tâm của chính bạn. Ý nghĩa của cầu vồng Cầu vồng là một biểu tượng màu sắc vô cùng đẹp đẽ. Các màu đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím được sắp xếp thành chuỗi, cùng tạo thành một quang phổ đầy màu sắc. Nó bao gồm tất cả các màu sắc dưới ánh dương quang, nguồn gốc của sự sống. Nó được tạo ra bởi các yếu tố lửa và nước, nước mưa trong không khí tạo nên hiện tượng khúc xạ của ánh sáng mặt trời. Nó là biểu tượng của sự trọn vẹn và niềm hy vọng, nó cong vắt ngang qua bầu trời, vì mang theo mình truyền thuyết về một chiếc bình đựng vàng luôn ở cuối cầu vồng, trên mặt đất. Ý nghĩa của các Chakra Ở phương Đông, các tín đồ đạo Phật và đạo Hindu tin rằng cơ thể người có bảy trung tâm năng lượng, được gọi là Chakra. Các Chakra này chi phối sức khỏe của tồn tại linh hồn, tồn tại tinh thần và thể chất. Khi khỏe mạnh, những điểm này giống như những xoáy nước năng lượng đang quay tròn, các vòng tuần hoàn của cuộc sống. Chúng được kết nối thành một đường thẳng từ xương cụt lên đến đỉnh đầu. Mỗi một Chakra chịu trách nhiệm một lĩnh vực đời sống và được liên hệ với các màu sắc khác nhau. Chakra cơ bản (màu huyết dụ) Phần trung tâm này ở xương cụt. Nó được liên hệ với cảm xúc mãnh liệt và những năng lượng cơ bản để sống sót. Chakra rốn (màu cam) Trung tâm này chi phối giá trị và niềm tin tự thân. Chakra đám rối dương (màu vàng) Trung tâm này tượng trưng cho nhận thức tự thân và bản năng độc lập. Chakra trái tim (màu xanh lá cây) Trung tâm này được liên hệ với trách nhiệm đối với chính bản thân và khả năng cho và nhận vô điều kiện trong tình yêu. Chakra họng (màu lam sáng) Trung tâm này đại diện cho sự biểu hiện tự thân trong thực nhất và cống hiến những tài năng của bạn cho thế giới. Chakra con mắt thứ ba (màu lam sẫm) Con mắt thứ ba nằm ở giữa hai con mắt, nơi ngự trị của trực giác, trí tưởng tượng và nhận thức tâm linh. Chakra đỉnh đầu (màu tím) Trung tâm này nằm ở trên đỉnh đầu, đại diện cho sự kết nối giữa bạn và vũ trụ, và đại diện cho trung tâm tồn tại tổng thể của bạn . Ý nghĩa của các hình dạng Ánh sáng và màu sắc của thiên nhiên có thể gợi ra nhiều cách nhìn mớiTất cả các hình dạng hằng ngày bạn nhìn thấy hoặc miêu tả trong một đồ hình Mandala đều có ý nghĩa và có mối liên quan nào đó nếu bạn chọn nó để nghiên cứu. Khi bạn nhìn những gì mình đã vẽ, hãy tin vào trực giác, vào giọng nói nội tâm đang lên tiếng mách bảo về những hình thù bạn vẽ ra, đừng tin vào những gì người khác nói. Những hình dạng cơ bản dưới đây đều có ý nghĩa truyền thống của chúng.Hình tròn: Là biểu tượng của sự trrọn vẹn và vĩnh hằng. Vòng tròn nằm trong đồ hình Mandala đại diện cho phần sâu thẳm nhất của bản thân bạn. Vòng tròn này tạo thành một rào cản ngăn không cho những lời nói dối xâm nhập vào, bảo vệ điều gì đó cực kỳ quý giá và dễ bị tổn thương. Đường kẻ: Một đường kẻ có thể thẳng và cứng hoặc cong và mềm mại. Nó có thể ngắn và dứt khoát hoặc dài và ngoằn nghèo. Các đường kẻ cứng thường biểu thị cho áp lực và nỗi đau. Các đường kẻ mềm có thể chỉ ra sự do dự và ít vận động. Đường cắt chéo: Hai đường chéo này tượng trưng cho hai nguồn năng lượng giao nhau bên trong bạn. Chúng có thể cân bằng lẫn nhau, nếu đường chéo là cân đối hoặc có thể đối kháng nhau nếu một đường chéo trội hơn đường chéo kia. Điểm giao của đường chéo trên Bánh xe Pháp là điểm cân bằng trong một thế giới nội tâm hài hòa. Hình xoắn ốc: Đây là biểu tượng cổ xưa của đường ruột. Đường xoắn ốc này đưa bạn từ những phạm vi rộng lớn của thề giới bên ngoài vào phần trung tâm nhỏ bé vô tận, nơi bạn không tồn tại. Vì thế, nó là biểu tượng của sự thay đổi và tái sinh thành một sự vật khác. Mặt trăng biến đổi phản ánh nhịp điệu và các chu kỳ của cuộc sống trên trái đất Hình trăng lưỡi liềm: Biểu tượng này được liên hệ với mặt trăng, có thể là trăng náu, trăng tròn dần và trăng khuyết, tượng trưng cho sự mất đi khả năng. Đó là mất đi khả năng của vô thức và trực giác.Hình tam giác: Hình ba cạnh này biểu thị cho ba mặt của bạn: tình thần, thể xác và linh hồn. Chúng cùng tương tác lẫn nhau và tạo thành tổng thể. Chúng có thể đưa bạn đến với điều gì đó mới mẻ, theo bất kỳ hướng nào mà chúng chỉ ra. Hình vuông: Hình bốn cạnh này biểu thị cho sự ổn định và an toàn, nền tảng nhân cách vững chắc và nội lực của bạn. Hình ngôi sao: Đây là những dấu hiệu lấp lánh của niềm hy vọng. Dù chúng chỉ là những hạt bé tí xíu hay các ngôi sao lớn sáng lấp lánh, thì vào những thời điểm tối tăm, chúng đểu có thể nhắc bạn nhớ đến nguồn sáng bên trong và cổ vũ bạn đừng từ bỏ nguồn sáng ấy. Ý nghĩa các con số Tất cả các con số chỉ số lượng của các sự vật, màu sắc, các phần mà bạn sử dụng để phân chia mỗi một đồ hình Mandala đều quan trọng, vì các con số này đều có ý nghĩa tượng trưng của nó. Số 1: Tượng trưng cho vũ trụ và sự vĩnh hằng. Nó tượng trưng cho sự duy nhất của mỗi cá nhân và mỗi khoảnh khắc bạn hít thở. Dù bất cứ lúc nào, bất cứ khoảnh khắc nào, bạn đều có thể thay đổi cuộc sống của mình và đến được trung tâm, chốn an bình. Số 2: Tượng trưng cho sự đối lập và cân bằng, sự ngang bằng và các quyết định. Dù ngày hay đêm, mặt trời hay mặt trăng, đều tồn tại trong sự tổng hòa với nhau. Số 2 là sợi dây liên kết giữa những hướng đi trái chiều mà từ đó bạn phải chọn ra hướng đi của mình. Số 3: Tượng trưng cho sự cân bằng bất diệt giữa sinh, tử và tái sinh. Nó đại diện cho bản thể tổng thể, cho thể chất, tinh thần và linh hồn. Số 4: Tượng trưng cho sự biến đổi và các chu kỳ. Nó được chỉ ra trên Bánh xe Pháp là bốn mùa và bốn phương theo vòng tròn. Bạn phải luôn vận động cùng vòng quay cuộc sống, để nhịp điệu cuộc sống lan tỏa khắp và dẫn dắt bạn đi. Số 5: Số 5 là trung tâm của bánh xe, là điểm thứ 5 trong vòng tròn miêu tả bốn hướng. Bạn có 5 ngón tay và 5 giác quan để tương tác với thế giới, và khi bạn đứng, hai chân tiếp đất dạng ra, cơ thể bạn tạo thành một ngôi sao 5 cánh. Sồ 5 được liên hệ với mặt đất, bầu trời và khoảnh khắc hiện tại. Số 6: Tượng trưng cho bốn hướng bắc, nam, đông, tây, cộng với hai hướng đối lập trên dưới: mặt đất và bầu trời. Số 6 thường được liên hệ với những năng lượng của phụ nữ và trí tưởng tượng, cũng như “giác quan thứ sáu”. Số 7: Tượng trưng cho các thiên cầu, bầu trời và các ngày trong tuần. Cầu vòng có 7 sắc, âm nhạc có 7 nốt, cơ thể có 7 Chakra, và có 7 hành tinh hữu hình. Trong một đồ hình Mandala số 7 là con số của sự tổng hòa vũ trụ. Số 8: Tượng trưng cho sự cân bằng hoàn hảo. Trong một đồ hình Mandala truyền thống của Phật giáo, bánh xe ý thức có 8 nam hoa tên là Dharma sẽ đem lại trạng thái nhận thức cân bằng hoàn hảo. Số 9: Tượng trưng cho sự thông thái và kiến thức uyên bác. Con số bí ẩn này tượng trưng cho sự hòa hợp giữa tinh thần, thể xác và linh hồn. Số 10: Tượng trưng cho sự hoàn chỉnh. Đây là dấu hiệu nhận thức cho phép bạn được tái sinh thành một điều gì đó mới mẻ và khác biệt. Nó thường được coi là con số của sự hoàn thiện và cân bằng. Còn tiếp Share this post Link to post Share on other sites
Posted 25 Tháng 6, 2008 Các đồ hình Mandala - 7 Sally Moningstar Trích Tự đoán định tương lai (How to tell the future) Những lời răn của đồ hình MandalaMandala răn dạy rằng ở trong mỗi con người đều có chốn nương thân của cái đẹp. Sống trong chốn đẹp đẽ này thì sẽ hạnh phúc, khỏe mạnh, tự do - một cuộc sống ước mơ. Ai cũng có mơ ước riêng cho cuộc sống của mình. Và việc bạn nhận ra những điều chưa toại nguyện tại trung tâm của mình hay việc bắt đầu tạo ra những thay đổi trong cuộc sống để tạo điều kiện cho bạn được toại nguyện và sống được ở trung tâm mơ ước, là tùy thuộc vào bạn. Con đường tìm kiếm chân lý. ánh xe luân hồi đồ hình Pháp Mandala, được giữ trên đài hoa sen và có những ngọn lửa thiêng bao quanh, đại diện cho Bát chính đạo.Các đồ hình Mandala là một trong số nhiều công cụ có thể dùng để hướng đạo bạn đến trung tâm và khám phá điều gì đang thiêu đốt trái tim bạn. Dù bạn sử dụng phương pháp nào đi chăng nữa, thì đều đòi hỏi bạn phải hết sức trung thực với mình. Nói to sự thực cho chính mình và những người xung quanh nghe. Dù không còn ai tin tưởng bạn nữa thì cũng không sao cả. Nếu trong thâm tâm bạn biết rằng bạn đang thực hiện ước mơ của mình, thì bạn có thể giữ vững chính kiến để đạt được mục tiêu. Bạn có thể có được bất cứ thứ gì mình muốn, miễn là bạn trung thực với trung tâm và bản thể nội tâm của mình. Hãy vẽ đồ hình Mandala về các giấc mơ, về mọi thứ bạn muốn có trong cuộc đời, về những điều bạn muốn đạt được trước khi chết. Hãy vẽ nó ra và giữ lại nó trong con mắt tâm trí của bạn như một bùa chú để dẹp tan những nghi ngờ của chính mình. Khi bạn tái định hướng cuộc đời mình về phía trung tâm, bạn hãy vẽ các đồ hình Mandala mới, chúng sẽ tiết lộ ngày càng nhiều về các mơ ước của bạn, và có lẽ còn cho thấy cả những khả năng mới khác để khám phá giấc mơ.Hành trình đi tìm chân lý không phải là một việc dễ dàng. Trong bất cứ một đồ hình Mandala nào đều có những vòng tròn lửa mà bạn phải đi qua, và những vết thương lòng cũ cần phải được mổ xẻ. Tuy nhiên, trung tâm lại nằm ở chính giữa mỗi đồ hình Mandala, nó thu hút và chờ bạn đến. Hãy bước những bước thật ngắn, chậm rãi dọc theo con đường nhưng phải chắc là bạn sẽ thấy mình vượt qua được chướng ngại vật và sống nốt phần đời còn lại như bạn luôn ao ước. Sống trong cõi Niết bàn. Trên con đường thực hiện mơ ước, bạn sẽ gặp những trở ngại. Các tín đồ đạo Phật đã sử dụng Bánh xe tám nan hoa Dharma để nhắc nhở họ về Bát chính đạo của Đức Phật, Bát chính đạo này hướng họ đi trên con đường đúng đắn để hoàn thành số mệnh của mình. Chính kiến: Tức là niềm tin vào chính bản thân. Bạn phải chắc chắn rằng mình đang lắng nghe tiếng nói chân thành từ bản thể nội tâm, chứ không phải nghe tiếng nói của bản năng. Chính định: Đây là mục đích bạn thực hiện giấc mơ của mình. Mục đích này có thể đạt được một cách khiêm nhường. Chính ngữ: Đây là những ngôn từ bạn sử dụng trên hành trình đến với trung tâm của mình. Nếu bạn phủ nhận sự thật, bất kính với chính bản thân mình, thì cũng có nghĩa là bạn phủ nhận trung tâm đó. Chính nghiệp: Đây là những việc bạn làm trong lúc theo đuổi giấc mơ của mình. Nếu không có những hành động cần thiết này, bạn sẽ không bao giờ có thể đạt được mục tiêu. Chính mệnh: Điều này nhắc nhở rằng tất cả các thói quen, dù tốt hay xấu, đều có thể đưa bạn đến gần hoặc xa hơn trung tâm của mình. Ăn, ngủ hợp lý và luyện tập thường xuyên đều có thể đưa bạn đến gần với mơ ước của mình hơn. Chính tinh tiến: Đây là nguồn năng lượng dùng trong cuộc sống của bạn. Nếu nguồn năng lượng bên trong này bị đóng lại, thì các hành động của bạn sẽ miễn cưỡng. Chính tư duy: Đây là những suy nghĩ thôi thúc mục đích của bạn. Nếu bạn suy nghĩ ích kỷ hoặc mang những tình cảm nhỏ nhen thì các mục đích của bạn không bao giờ có thể đưa bạn đến với trung tâm của mình. Chính niệm: Đây là giấc mơ bạn nắm giữ và là chốn bạn có thể lựa chọn. Sally Moningstar Nguồn: Trích Tự đoán định tương lai (How to tell the future) Share this post Link to post Share on other sites
Posted 27 Tháng 6, 2008 ồ! vậy ra trống đồng cũng là một đồ hình malenda? Thảo nào nó giống lịch của người Maya, Aztec.... Nhưng tại sao người Ai Cập không sử dụng đồ hình này nhỉ? :rolleyes: người xưa dùng những nét kẻ, zích zắc trên trống đồng vì họ hiểu rõ ý nghĩa của chúng, nhìn thì đơn giản nhưng ý nghĩa thật sâu xa. :rolleyes: Share this post Link to post Share on other sites
Posted 27 Tháng 6, 2008 Rin86 viết: Quote Ồ! vậy ra trống đồng cũng là một đồ hình malenda? Thảo nào nó giống lịch của người Maya, Aztec.... Nhưng tại sao người Ai Cập không sử dụng đồ hình này nhỉ? :rolleyes: người xưa dùng những nét kẻ, zích zắc trên trống đồng vì họ hiểu rõ ý nghĩa của chúng, nhìn thì đơn giản nhưng ý nghĩa thật sâu xa. :rolleyes:Thông minh quá! Tuyệt hảo. Đây không phải là hiện tượng ngẫu nhiên khi mà trống đồng cũng được tôn thờ như các đồ hình Malenda - Các trống minh khí.Cảm ơn Rin86. Thiên Sứ Share this post Link to post Share on other sites
Posted 28 Tháng 6, 2008 Trống minh khí là gì ạ? Cháu nghe nói đến tục giết trống vì trống đồng có linh hồn, linh hồn của trống có phải là minh khí? Liệu có tế con gì đó để linh hồn của nó biến thành linh hồn của trống không nhỉ? Share this post Link to post Share on other sites