thanhdc

Vết Tích "nhất Nguyên Nhị Phân" Của Cơ Cấu Di Truyền Bách Việt

2 bài viết trong chủ đề này

VẾT TÍCH “NHẤT NGUYÊN NHỊ PHÂN”

CỦA CƠ CẤU DI TRUYỀN BÁCH VIỆT

TS. Lý Huy

(Trung tâm NC Nhân loại học hiện đại, Đại học Phúc Đán – Thượng Hải)

Dịch giả: Nguyễn Ngọc Thơ

(Trường ĐHKHXH&NV Tp. HCM)

Tóm tắt: Các tài liệu nhân loại học phân tử mới nhất cho thấy ADN mang nhiễm sắc thể Y có thể giúp tiến hành phân tích tỉ mỉ hơn về hệ thống tộc người. Các kết quả phân tích di truyền ở tập đoàn Bách Việt cho thấy sự khác biệt rất lớn so với các tập đoàn dân tộc khác ở Trung Quốc, ngược lại rất gần gũi với tập đoàn Nam Đảo (chủng Mã-Lai), đặc biệt là nhóm các dân tộc bản địa tại đảo Đài Loan. Nhóm tập đoàn Bách Việt được đưa vào nghiên cứu, kết quả phân tích trên phương diện di truyền học có sự khác biệt đáng kể so với kết quả nghiên cứu ngôn ngữ học. Điều này có liên hệ đến tính chỉnh thể và sự phân hóa địa phương của cộng đồng Bách Việt. Căn cứ vào kết quả phân tích thành phần chính trong bảng số liệu, ta rút ra được ba đặc điểm trong cơ cấu di truyền tập đoàn Bách Việt. 1/ Tập đoàn Bách Việt mang vết tích di truyền học khởi nguồn đơn tuyến, theo đó tập đoàn này có thể hình thành ở dải đất nay là Quảng Đông vào khoảng 3, 4 vạn năm trước, về sau phân tán từ từ. 2/ Tập đoàn Bách Việt phân đôi hai nhánh chính, gồm nhánh Đông Việt có trung tâm tập trung là vùng đất nay là Chiết Giang, và nhánh Tây Việt có trung tâm nay là vùng Tây Song Bản Nạp (Nam Vân Nam – dịch giả). 3/ Tập đoàn Bách Việt trong quá trình phát triển đã di cư theo ba hướng chính, gồm đông bắc, tây bắc và tây nam. Một số tập đoàn dân tộc khác từng tiếp xúc với Bách Việt có hiện tượng du nhập vào loại hình di truyền ở cấp độ các nhóm nội bộ trong khối Bách Việt. Một nhánh Bách Việt đã vượt qua vùng đất nay là Giang Tây và mở rộng định cư vùng Chiết Giang có thể đã đi cư từ rất sớm; các nhóm Bách Việt ở Phúc Kiến và Chiết Giang là hậu duệ của những lần di cư khác nhau. Nhóm các cư dân bản địa tại Đài Loan cũng cho thấy có tính nhị nguyên như thế. Nhánh Bách Việt lấy Tây Song Bản Nạp làm trung tâm ở phía tây có lẽ di cư từ vùng Quảng Đông đến rất muộn về sau.

Từ khóa: Bách Việt, cơ cấu di truyền, phân tích thành phần chính, vết tích khởi nguồn đơn tuyến.



Nội dung bài viết



1. Phạm vi Bách Việt được chọn trong nghiên cứu di truyền

Ngành Dân tộc học lấy các đặc trưng độc đáo nhất để giới định phạm vi của tập đoàn (nhóm) dân tộc. Từ trước đến nay, các nghiên cứu di truyền học cũng hy vọng tìm ra đặc trưng như thế để giới định, song việc tìm ra đặc trưng điển hình trong số các ký hiệu di truyền dân tộc được phân tích từ các nhóm máu chẳng khác nào kiểu “ngàn lẻ một đêm”. Mười năm gần đây, ngành nghiên cứu các nhóm gen loài người rất phát triển, mang đến cho ngành nghiên cứu di truyền dân tộc những hy vọng mới. Trước hết là AND ty (tuyến) lạp thể đã thể hiện cơ cấu hệ thống của toàn thể loài người(1), song tính ổn định của hệ thống quần thể mà nó cấu thành tương đối kém nên tạo ra không ít sai sót. Đối với các công trình nghiên cứu dân tộc tương đối tỉ mỉ, các ký hiệu ty lạp thể hiện có càng không thể giúp giải quyết vấn đề. Về sau, trọng tâm nghiên cứu đã dịch chuyển sang AND nhiễm sắc thể Y(2). Đó là ký hiệu di truyền phụ hệ tuyệt vời, hàm chứa nhiều thông tin di truyền mang tính ổn định, độc đáo. Nó không những một lần nữa khẳng định toàn thể nhân loại phát sinh từ vùng Đông Phi(3) mà còn giúp thể hiện sự khác biệt giữa các tầng thứ, lớp lang (mối quan hệ đa chiều) giữa các dân tộc khác nhau (4).

Qua nghiên cứu điều tra nhiễm sắc thể Y của nhiều nhóm tộc người vùng châu Á – Thái Bình Dương, chúng tôi xây dựng cây sơ đồ hệ thống các dân tộc hình 1 (5):

Posted Image


Hình 1: Cây quan hệ huyết thống các dân tộc Đông Á do nhiễm sắc thể Y cấu thành.

Chủ thể của tập đoàn Bách Việt hiện đại – các dân tộc Đồng–Thái hiển nhiên rất khác biệt với các tập đoàn (khối) các dân tộc khác tại Trung Quốc. Điều thú vị là, di truyền Bách Việt có sự gần gũi (tương cận) với tập đoàn Nam Đảo, trong đó nhóm các dân tộc bản địa tại Đài Loan là gần gũi nhất. Điều này cho thấy cộng đồng Bách Việt, tập đoàn Nam Đảo và các nhóm thổ dân Đài Loan có quan hệ cùng nguồn gốc.

Dĩ nhiên, phạm vi giới định Bách Việt về mặt di truyền học không phải hoàn toàn tương đồng với phạm vi giới định trong ngôn ngữ học. Về mặt huyết thống, các cộng đồng vốn xuất phát từ Bách Việt, song văn hóa, ngôn ngữ có thể đã có sự biến đổi, vẫn phải là đối tượng nghiên cứu trong di truyền học. Các nhóm tộc Việt thuộc bộ phận Đông Việt đều là như thế. Các dân tộc bản địa Đài Loan có khả năng cũng như vậy. Mặt khác, các dân tộc không thuộc Bách Việt nhưng văn hóa, ngôn ngữ bị Bách Việt đồng hóa thì không nằm trong phạm vi nghiên cứu. Chẳng hạn, nhóm các dân tộc ở vùng tiếp giáp các tỉnh Hồ Nam – Quảng Tây – Quý Châu tuy về mặt ngôn ngữ thì nói tiếng Đồng nhưng về mặt di truyền thì thể hiện rõ tình trạng cha Hán mẹ Miêu trong khi chất dân tộc Đồng trong họ thì lại cực kỳ ít. Do vậy, chúng tôi đưa nhóm này vào đối tượng nghiên cứu. Vi thế, phạm vi nghiên cứu di truyền Bách Việt ít nhất sẽ bao gồm các dân tộc nói các ngữ tộc Choang – Thái, Đồng–Thủy, Ngật-Ương (Ngoại Kam-Tai [1]), Lê thuộc ngữ hệ Đồng-Thái, bao gồm cả các nhóm hậu duệ Bách Việt phần Đông Việt và các nhánh tộc người tại Đài Loan. Tổng cộng có khoảng 100 nhóm tộc người từ bang Assam của Ấn Độ sang đến đảo Đài Loan thuộc phạm vi giới định này.

2. Cơ cấu di truyền Bách Việt

Qua nỗ lực tập hợp tư liệu của bản thân và các cộng tác viên trong mấy năm gần đây, có thể nói chúng tôi đã nắm trong tay các tài liệu cần thiết về di truyền ở cộng đồng Bách Việt. Trên cơ sở ấy, chúng tôi đã tiến hành thực nghiệm để nắm bắt các số liệu di truyền của các nhóm tộc người(6), bao gồm người Ahom ở Ấn Độ, người Lán-na, người Thái đông bắc và người Thạch ở Thái Lan, người Tai-nua và Tai-lue ở Vân Nam, người Choang, người Mao Nam, người Ngật Lão, người Dạ Lang, người Thủy, người Đồng, người La-ca ở Quảng Tây, người Bố Y, người Thủy ở Quý Châu, người Lê và người Ngật Long ở Hải Nam, người Mã Kiều ở Thượng Hải xưa và nay, người Vu Việt ở Chiết Giang, người Atayal, Bunun, Amei, Paiwan, người Tsou (Cou), người Saisiat, người Puyuma, người Rukai, người Ita Thao, người Pazeh v.v.. ở Đài Loan.

Cơ cấu di truyền nhiễm sắc thể Y của các nhóm cộng đồng nói trên nhìn chung mang tính nhất trí, đồng thời hoàn toàn khác biệt với các tập đoàn dân tộc khác tại Trung Quốc đã qua kiểm chứng. Các nhóm cộng đồng này đều có các biến thể gen M119, M110, hoặc M95, M88 số lượng lớn, trong khi đó tỉ lệ các loại biến thể gen này ở các tập đoàn dân tộc khác là cực kỳ hiếm, ở các khối cộng đồng có tiếp xúc với Bách Việt hầu như cũng không có.

Mặt khác, quan hệ di truyền giữa các nhóm dân tộc được nghiên cứu cho thấy có sự khác biệt so với các nghiên cứu ngôn ngữ học và dân tộc học. Đặc biệt là ở hai nhánh Đồng – Thủy và Ngật – Ương (Ngoại Kam-Tai), kết quả nghiên cứu đã phá vỡ hoàn toàn ranh giới phân loại văn hóa, bắt buộc phải tổ hợp mới hoàn toàn. Ở hình 2, chúng tôi dùng đường thẳng để biểu thị quan hệ di truyền giữa các dân tộc và dùng đường khoanh để thể hiện phân loại trong văn hóa:

Posted Image


Hình 2: Quan hệ di truyền và phân loại văn hóa giữa các cộng đồng Bách Việt

Sự khác biệt giữa nguồn gốc hệ thống và loại hình văn hóa này có thể lý giải được. Cộng đồng Bách Việt thời sơ kì là một tập đoàn có nội bộ thống nhất, do vậy chi tiết ghi chép của cổ sử Trung Hoa rằng “Bách Việt phân bố từ Cối Kê đến Giao Chỉ” có thể chứng minh được rằng cổ nhân Trung Hoa coi Bách Việt là một tập đoàn mang tính chỉnh thể. Sự giao lưu văn hóa qua lại giữa các nhóm (phân chi) bên trong Bách Việt thời kì đầu diễn ra khá thuận lợi. Vì thế, giữa các nhóm Bách Việt có thể có hiện tượng đồng hóa văn hóa lẫn nhau. Kiểu đồng hóa này có khi không diễn ra hoàn toàn, cho đến nay vẫn còn lưu lại các vết tích của quá trình phát sinh đồng hóa, chẳng hạn người Dạ Lang và người La-ca có chung vốn ngữ vựng mà các nhóm Bách Việt khác không có.

3. Sự phân hóa địa lý của cộng đồng Bách Việt

Căn cứ vào số liệu nhiễm sắc thể Y hiện hữu của cộng đồng Bách Việt, chúng tôi dùng phương pháp thống kê số học của các phân tích dựa vào các thành phần chính, từ đó thu thập thông tin quan trọng, theo đó chúng tôi tìm ra ba thành phần chính như thế. Đem ba thành phần chính này đối ứng với số liệu giá trị phân tích di truyền của các nhóm cộng đồng, ta sẽ có ba bản đồ khác nhau. Ba bản đồ này thể hiện đầy đủ ba đặc trưng quan trọng của cơ cấu di truyền Bách Việt.

Thành phần thứ nhất chiếm đến 47% tổng lượng thông tin, trong hình 3 ta dễ dàng nhận thấy một trung tâm đơn nhất, cục diện phân bố kiểu lớp lang này có thể chứng minh tính chỉnh thể của cộng đồng Bách Việt – đặc trưng quan trọng nhất. Do đó, huyết thống Bách Việt chỉ phát sinh từ một nguồn duy nhất. Theo hình 3, trung tâm khởi nguồn của huyết thống Bách Việt có thể là dải đất nay là Quảng Đông Trung Quốc, do đó vùng đất này có thể là nơi khởi nguồn đầu tiên của Bách Việt, từ đó dần dần về sa phân tán sang tứ phương.

Thành phần thứ hai chiếm 35,6% tổng lượng thông tin. Hình 4 cho thấy cơ cấu di truyền Bách Việt phân hóa thành hai hướng. Thứ nhất là vùng đất nay là Chiết Giang Trung Quốc, hướng thứ hai là khu vực Tây Song Bản Nạp nay thuộc Vân Nam Trung Quốc ngày nay. Do vậy, đặc trưng quan trọng thứ hai sau tính chỉnh thể thống nhất về nguồn gốc là tính nhị phân, theo đó phân thành hai nhánh là Đông Việt và Tây Việt. Tuy nhiên, cũng cần bổ sung rằng, các nhóm tộc người Đồng, Ngật Lão mặc dù cư trú vùng Tây Việt nhưng xét về di truyền lại thuốc nhánh Đông Việt, trong khi nhóm cư dân bản địa Phúc Kiến ở phía Đông lại phải xếp vào nhánh Tây Việt. Chắc chắn đằng sau sự phân bố này còn có nhiều vấn đề lịch sử cần làm rõ.

Posted Image


Hình 3: Sự phân bố địa lý của thành phần thứ nhất trong cơ cấu di truyền Bách Việt

Posted Image


Hình 4: Sự phân bố địa lý của thành phần thứ hai trong cơ cấu di truyền Bách Việt

Posted Image

Hình 5: Sự phân bố địa lý của thành phần thứ ba trong cơ cấu di truyền Bách Việt






Thành phần thứ ba chiếm 17,4% tổng lượng thông tin. Trong hình 5 cho thấy từ vùng nay là Quảng Đông kéo dài về phía tây nam, tây bắc và đông bắc sẽ có ba kết cấu di truyền khác nhau. Nội dung thể hiện của sự phân bố này là chỉ ra ba quá trình phân tán của các nhóm cộng đồng Bách Việt theo các hướng khác nhau. Khi vùng đất nay là Quảng Đông bị các di dân người Hán lấn lướt, các nhóm Bách Việt đã bắt đầu di tản để tìm nơi ở mới.

Do vậy, đặc điểm cơ cấu di truyền Bách Việt ít nhất có thể quy về nguyên tắc “nhất nguyên nhị phân”, còn sơ đồ phân bố “tam giác” là để chỉ ba phương hướng thiên di, riêng điểm này cần được chứng minh thêm.

4. Các nhóm tộc người chịu ảnh hưởng của Bách Việt

Bách Việt từ trước đến nay được biết đến như một quần thể dân tộc chủ thể ở vùng phía nam Trung Quốc, đã từng trải qua nhiều cuộc giao lưu tiếp xúc với các tập đoàn dân tộc không cùng huyết thống khác. Điều đó có nghĩa là cộng đồng này đã từng xuất hiện hiện tượng giao lưu gen di truyền ở mức độ nhất định. Dải đất nay là Chiết Giang, Phúc Kiến vốn là những trung tâm chính trị chủ yếu của Bách Việt, do vậy cộng đồng người Hán hiện nay tại khu vực này vẫn còn bảo lưu nhiều dấu vết di truyền của Bách Việt. Lấy tỷ lệ đột biến M119 làm ví dụ(7), vùng Thượng Hải và Chiết Giang là 26% - cao nhất trong các nhóm cộng đồng người Hán phương Nam, kế đến là Quảng Đông với 20%, An Huy 18%, vùng Liêu Ninh và Hồ Bắc là 17%, Giang Tô là 16%, Giang Tây là 14%, Hồ Nam 13%, Hà Nam 11%, Sơn Đông 9%, Tứ Xuyên 7%, Vân Nam 4%. Thực tế cho thấy kiểu đột biến gen M119 lấy vùng Chiết Giang làm trung tâm và mở rộng lên bắc – xuống nam theo bờ biển Thái Bình Dương. Điều đáng nói là loại hình phụ (á loại hình) đột biến M110 trong kiểu loại hình đột biến M119 càng thể hiện tính đặc sắc vùng Đông Việt song lại không xuất hiện trong cộng đồng người Hán vùng này, trong nhóm người Mã Kiều ở Thượng Hải thì chỉ xuất hiện với tỷ lệ tương đối. Loại hình ở Phúc Kiến thì khác, có đến 8% kiểu đột biến M88 vốn của vùng Tây Việt, ở Quảng Đông, tỷ lệ này là 7%.

Hiện tượng người Hán tiếp nhận huyết thống Bách Việt phù hợp với lý luận nhóm tộc người ưu thế tiếp nhận huyết thống của nhóm tộc người yếu thế. Hiện tượng này cũng có ở trong cơ cấu di truyền của các dân tộc khác, đặc biệt là ở tập đoàn Bách Bộc (ngữ hệ Nam Á) vốn có mối quan hệ mật thiết với Bách Việt. Một số dân tộc chiếm ưu thế khá mạnh trong tập đoàn này cũng có chứa một thành phần nhất định huyết thống Bách Việt trong khi các nhóm yếu hơn thì không có. Chẳng hạn, người Kinh là dân tộc chủ thể ở Việt Nam, đương nhiên là dân tộc có ưu thế gen khá mạnh cũng mang đến 7% đột biến gen M119; người Khmer – dân tộc chủ thể ở Campuchia – chứa 4% đột biến gen M119, 4% đột biến M110 và 12% đột biến M88. Trong khi các nhóm tộc người yếu thế hơn trong ngữ hệ Nam Á như người Mường, người Bố Lãng, người Ngõa thì không mang dấu viết huyết thống Bách Việt. Có thể quá trình giao lưu gen giữa các nhóm yếu thế ấy với cộn đồng Bách Việt chỉ là một chiều.

Nhóm tộc người Miêu – Dao cho đến nay vẫn chưa biết được rằng họ có tiếp nhận nguồn gen Bách Việt hay không. Trong tập đoàn Đê – Khương cũng có một số tộc người ở một số khu vực tiếp nhận thành phần gen Bách Việt. Điển hình cao nhất là người Thổ Gia với 20% đột biến M119 và 10% đột biến M88, có thể nguồn gen này từ người Đồng, người Ngật Lão và người Bố Y đến. Ngoài ra, người Lật Túc (Lisu) cũng có đến 20% đột biến M88, người La Hô (Lahu) có 8% đột biến M88, dường như họ đã tiếp nhận từ nhóm người Thái.

Điều có ý nghĩa đặc biệt là một số dân tộc thuộc hệ thống Altai ở phía Đông cũng có chứa một ít lượng đột biến M119, hiện vẫn chưa rõ rằng lượng đốt biến ấy phát sinh tại chỗ hay do tiếp nhận từ Bách Việt mà có. Điều này cần có nhiều công trình khoa học hơn để làm rõ. Cao nhất là người Buryat với 35%, người Nivkh 6%, người Mãn 5,6%, người Mông Cổ 4,2%, người Ulchi 3,8%, người Nhật 3,4%, người Ewenki (Ngạc Ôn Khắc) vùng Yenisey là 3,2%. Xét về mặt di truyền và văn hóa, việc tập đoàn Bách Việt và nhóm các dân tộc Tungus thuộc hệ thống Altai có quan hệ nguồn gốc hay chỉ là các nhóm dân tộc có quan hệ giao lưu, ảnh hưởng lẫn nhau còn cần phải nghiên cứu làm rõ.

Quá trình giao lưu – dung hợp văn hóa giữa Bách Việt và các tập đoàn ngoại tộc diễn ra rất phức tạp, theo đó có dòng chảy gen từ Bách Việt sang ngoại tộc, và cũng có những dòng chảy gen không ngừng từ ngoại tộc dung hợp vào Bách Việt, thậm chí có thể có trường hợp một số dân tộc nhỏ lẻ ở phía tây dung nhập toàn bộ vào tập đoàn Bách Việt. Bộ phận Đông Việt do áp lực Hán hóa mạnh, các vấn đề về phân bố và cơ cấu di truyền cần phải có nhiều công trình hơn để làm sáng tỏ. Chẳng hạn, nhóm dân Mã Kiều – hậu duệ khá thuần của tập đoàn Bách Việt - ở Thượng Hải chắc chắn cũng có thể đang tồn tại ở một vài nơi nào đó ở Chiết Giang và Phúc Kiến. Việc nghiên cứu đến nơi đến chốn chắc chắn sẽ rất có ý nghĩa.

5. Mạnh dạn ước đoán về quá trình hình thành và phân hóa Bách Việt

Khoa học hiện đại có rất nhiều cách phân tích, giải thích cơ cấu gen di truyền Bách Việt, trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi đề xuất những ước đoán khoa học nhất định nhằm cung cấp tư liệu tham khảo cho các nhà sử học và di truyền học khi nghiên cứu Bách Việt.

Trước hết là vấn đề khởi nguồn của Bách Việt. Đầu tiên, thời kì loài người di chuyển từ Đông Phi sang Đông Nam Á, tập đoàn Bách Việt và nhánh ngữ hệ Nam Đảo có thể là cùng một quần thể, sau đó tập đoàn Bách Việt di chuyển lên miền đất nay là Quảng Đông, trong khi nhóm Nam Đảo di cư xuống quần đảo Mã Lai. Từ đó về sau, hai tập đoàn càng ngày càng tách biệt nhau. Nhóm các tộc người bản địa ở Đài Loan xuất phát từ Bách Việt hay Nam Đảo chắc chắn sẽ được các nhà di truyền học giải đáp nay mai, song với các dữ liệu hiện có, khả năng thiên về Bách Việt là nhiều hơn. Tại vùng đất nay là Lưỡng Quảng, có thể tập đoàn Bách Việt đã cư trú cố định trong khoảng thời gian khá dài (vài vạn năm), do đó mới xuất hiện bản chất và văn hóa thống nhất (suy đoán từ tính chỉnh thể trong cơ cấu gen – lời dịch giả). Sự phân hóa các phân nhánh Bách Việt xảy ra trước hay sau khi tập đoàn này di tản ra các khu vực khác cho đến nay vẫn chưa rõ. Có thể tập đoàn Bách Việt đã phân thành hai nhánh nam, bắc; nhánh phía nam là tổ tiên chung của các dân tộc Choang, Thái, Lê, còn nhánh phía bắc về sau hình thành các dân tộc Đồng, Thủy, Ngật-Ương (Ngoại Kam-Tai)v.v.

Do vùng phía tây Quảng Tây và vùng Vân Nam là địa vực cư trú của tập đoàn Bách Bộc, vùng phía bắc Hồ Nam là khu vực của cộng đồng Tam Miêu nên phương hướng di tản đầu tiên của Bách Việt chỉ có thể là hai hướng đông bắc, chính đông. Hai hướng khác biệt này đã dẫn đến hai vết tích di truyền khác nhau nói trên. Thời gian xảy ra sự phân tán này khá sớm, ít nhất là trước thời kì văn hóa Hà Mẫu Độ. Nhánh người Việt đi về phía đông bắc thuộc loại hình phía bắc. Trước tiên vào vùng đất nay là Giang Tây, tại đây một bộ phận hình thành Can Việt. Can Việt về sau di cư sang phía tây, có khả năng phát triển thành dân tộc Đồng (Kam) ngày nay, đúng như thuyết coi tổ tiên dân tộc Đồng bắt nguồn từ Giang Tây trong giới học thuật (8). Điều này giúp giải thích vì sao cơ cấu gen di truyền dân tộc Đồng lại được xếp vào loại hình bộ phận Đông Việt. Nhóm người Việt từ Giang Tây di cư sang Chiết Giang hình thành Dư Việt, đồng thời sáng tạo ra nền văn hóa xán lạn độc đáo của mình ở vùng Thái Hồ và bình nguyên Ninh Thiệu. Nhánh người Việt di cư sang hướng chính đông xếp vào loại hình phía nam, vào Phúc Kiến hình thành các bộ tộc Mân Việt. Nhóm Âu Việt [2] hiện vẫn chưa được khảo sát, không biết có thuộc nhánh này hay không. Nếu cho các tộc người bản địa ở Đài Loan xuất thân từ Bách Việt thì theo chúng tôi, họ có nguồn gốc từ cả hai nhánh này. Rõ ràng nhất là người Bunum rất giống người Mân Việt, người Sasiat có một bộ phận tương tự dân Phúc Kiến, các tộc người còn lại thì giống dân Dư Việt. Khả năng người Việt vượt biển ra Đài Loan là rất lớn, điều này cần nghiên cứu sâu hơn mới khẳng định được.

Nhóm các dân tộc Ngật-Ương (Ngoại Kam-Tai) phân tán ra nhiều hướng cũng là một hiện tướng khá rõ ràng, song hiện khoa học vẫn chưa biết được rằng họ di cư trực tiếp hay gián tiếp sang vùng tây bắc Quý Châu, song ít nhất thời kì nhà Chu ở Trung Quốc đã có ghi chép về nước Dạ Lang rồi. Nhóm các dân tộc Choang, Thái di cư ồ ạt chủ yếu từ đời Hán về sau, do Nam Việt bị nhà Hán tiêu diệt. Việc người Thái di chuyển xuống Vân Nam và vùng đất nay là Thái Lan có thể chỉ xảy ra vào thời kì nhà Đường ở Trung Quốc (9). Dân nước Mãnh Mão (Meng-mao, nay thuộc vùng Đức Hồng tỉnh Vân Nam Trung Quốc – lời dịch giả) ở vùng Vân Nam di cư sang Ấn Độ vào khoảng năm 1215 (10). Do vậy, lịch sử nhánh Tây Việt xuất phát từ dải đất nay là Quảng Đông là khá rõ ràng. Tuy nhiên, cục diện, phương phướng phân tán của nhánh Tây Việt rất phức tạp, việc hoàn thành công trình nghiên cứu di truyền học trong lĩnh vực này rất có ý nghĩa đối với các quốc gia Đông Nam Á.

Bài viết này trước mắt thông qua phân tích nghiên cứu cơ cấu gen di truyền Bách Việt để rút ra đặc điểm “nhất nguyên nhị phân”, đồng thời từ cơ sở gen di truyền mang đặc điểm ấy tiến đến mạnh dạn đề xuất ước đoán lịch sử với hy vọng đãi cát tìm vàng, từ đó vạch ra một con đường nghiên cứu mới trong việc nghiên cứu lịch sử Bách Việt, đồng thời kích thích, mở đường các công trình nghiên cứu sâu hơn về di truyền Bách Việt sau này.



Tài liệu tham khảo:

1. Cann RL, Stoneking M, Wilson AC. DNA và tiến hóa nhân loại. Nature, 325: 3136, 1987

2. Jorde LB, Watkins WS, Bamshad MJ, Sự phân bố gen người: nghiên cứu so sánh số liệu ty lạp thể, nhiễm sắc thể thường và nhiễm sắc thể Y, Am, J. Hum., Genet., 66 (3): 97988, 2000

3. Underhill PA. Nghiên cứu địa lý thân tộc (giống nòi) về các tiêu bản đơn nhị nguyên của nhiễm sắc thể Y và nguồn gốc con người hiện đại (The phylogeography of Y Chronsome Binary Haplotypes and the Origins of Modern Human Populations), Ann.Hum.Genet., 65: 4362, 2001

4. Su Bing, Xiao CJ, et al. Tiêu bản đơn nhiễm sắc thể Y thể hiện quá trình di cư thời tiền sử đến vùng Himalaya (Y chronosome haplotypes reveal prehistorical migrations to the Himalayas), Hum.Gent.107: 582-590, 2000

5. Lý Huy, Tống Tú Phong, Kim Lực. “Phân tích giải thích gen phả hệ loài người”, Thế kỷ 21 (HongKong), 2002, 71 (6): 95105

6. Lý Huy. “Suy nghĩ ban đầu về các phân tích cơ cấu di truyền cộng đồng Bách Việt”, Tuyển tập các bài viết hội thảo quốc tế nhân loại học hiện đại (kỷ yếu hội nghị), Thượng Hải, 2002, 4, tr.89-94

7. Su B, Xiao J, Underhill P, et al , Bằng chứng nhiễm sắc thể Y của làn sóng di cư về phía bắc của con người hiện đại vùng Đông Á cuối thời kì băng hà, (Y-chronosome evidence for a northward migration of modern humans into Eastern Asia during the last Ice Age, Am.), J, Hum, Genet., 65 (6): 17181724, 1999

8. Thạch Lâm, Nghiên cứu so sánh ngôn ngữ các dân tộc Đồng-Đài, NXB Cổ tịch Thiên Tân, 1997

9. Hà Bình, Từ Vân Nam đến Assam – suy nghĩ và xây dựng lại lịch sử các dân tộc Tai và Thái, NXB Đại học Vân Nam, Côn Minh, 2002

10. Buragohain Ye Hom. “Vua Sukapha và chuyến đi đến Assam: bằng chứng Bút ký (King Sukapha and His Journey to Assam: The Manuscript Evidence)”. Kỷ yếu Hội nghị quốc tế về Thái học (Thai Studies), Canberra, 1987, tr. 18


Nhận xét của dịch giả:



Nhận xét của dịch giả:

Công trình nghiên cứu của tác giả Lý Huy đạt được những kết quả khoa học nhất định, song vẫn tồn tại nhiều khuyết điểm mang tính quyết định.

Như tác giả đã trình bày trong phần kết luận, công trình này một lần nữa giúp khẳng định tính thống nhất của tập đoàn dân tộc Bách Việt cổ từng cư trú trên một địa bàn rộng từ lưu vực sông Dương Tử xuống đến bắc Đông Dương. Với cơ sở phân tích thực nghiệm nhiễm sắc thể Y trong gen di truyền, tác giả đã mạnh dạn đề xuất thuyết “nhất nguyên nhị phân” trong lịch sử văn hóa Bách Việt. Qua kết quả này, tác giả ước đoán rằng vùng đất nay là Quảng Đông là chiếc nôi đầu tiên của cư dân Bách Việt (và cả Nam Đảo), trước khi tập đoàn này phân làm hai nhánh Đông Việt và Tây Việt đi về hai hướng khác nhau (đông bắc, tây nam), sáng tạo nên những nền văn minh xán lạn trong lịch sử trước khi kiến tạo nền tảng hình thành các tộc người (hay nhóm dân cư) hậu duệ hôm nay. Tác giả một lần nữa khẳng định mối quan hệ cội nguồn giữa cộng đồng Bách Việt và các dân tộc Nam Đảo phương Nam. Thành quả nghiên cứu này của tác giả Lý Huy đáng để chúng ta tham khảo.

Tuy nhiên, tác giả Lý Huy vướng phải vấn đề phương pháp khi thực hiện công trình. Đầu tiên, phải nhận ra rằng di truyền học là một khoa học tự nhiên theo nhóm chuyên ngành. Khi mang hoa học này áp dụng vào một công trình nghiên cứu khoa học xã hội chắc chắn có sự khập khiễng nếu như tác giả không linh hoạt giải quyết.

Thứ nhất là đối tượng, phạm vi nghiên cứu. Tác giả Lý Huy tỏ ra rất thận trọng khi nói “Về mặt huyết thống, các cộng đồng vốn xuất phát từ Bách Việt, song văn hóa, ngôn ngữ có thể đã có sự biến đổi, vẫn phải là đối tượng nghiên cứu trong di truyền học” và “các dân tộc không thuộc Bách Việt nhưng văn hóa, ngôn ngữ bị Bách Việt đồng hóa thì không nằm trong phạm vi nghiên cứu”, song không hiểu vì lý do gì tác giả này loại dân tộc Việt (Kinh), Mường và một số dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam ra khỏi tập đoàn Bách Việt một cách vô cớ. Ngay ở phần giới định đối tượng, phạm vi nghiên cứu, tác giả dẫn ghi chép của cổ tịch Trung Hoa rằng “Bách Việt phân bố từ Cối Kê đến Giao Chỉ”, song liền sau đó tác giả không cần biết (hoặc thật sự không biết) người Trung Hoa xưa dùng danh từ Giao Chỉ để gọi vùng đất nào. Tác giả không những mâu thuẫn với chính mình ở khâu giới định đối tượng mà còn ở khâu diễn dịch kết quả nghiên cứu. Hình 1 cho thấy trung tâm phát sinh của tập đoàn Bách Việt không chỉ tập trung ở vùng đất nay là Quảng Đông mà còn kéo dài về phía tây nam đến Bắc Đông Dương. Thế nhưng, vết tích gen Bách Việt tìm thấy ở Bắc Đông Dương này bị tác giả đánh lờ một cách khó hiểu. Xuyên suốt công trình nghiên cứu của mình, tác giả Lý Huy loại bỏ qua tất cả các mối liên hệ nguồn gốc lịch sử, nguồn gốc văn hóa vốn đã được rất nhiều khoa học khác như văn hóa học, nhân loại học, ngôn ngữ học, sử học, khảo cổ học v.v. dày công xây dựng. Lấy ví dụ, Lý Huy là tác giả duy nhất xếp dân tộc Kinh (Việt) ở Việt Nam vào tập đoàn Bách Bộc, trong khi tất cả các tác giả khoa học xã hội đều thống nhất rằng Bách Bộc là tập đoàn dân tộc đa dạng định cư tại vùng cao nguyên Vân Quý kéo dài về phía tây đến vùng Đông Tạng.

Thứ hai, ngay trong phương pháp chọn mẫu gen để phân tích, tác giả không thể hiện sự rõ ràng tính đồng đại và tính lịch đại của mẫu gen nghiên cứu. Thoáng đọc qua, ai cũng có thể đoán ra rằng tác giả nghiên cứu theo tính đồng đại, song dường như không phải thế: “chúng tôi đã tiến hành thực nghiệm để nắm bắt các số liệu di truyền của các nhóm tộc người, bao gồm…. người Mã Kiều ở Thượng Hải xưanay, người Vu Việt ở Chiết Giang, …”, nghĩa là nghiên cứu cả gen di truyền nhóm người Mã Kiều trong lịch sử và cả hiện tại. Xưa là xưa đến mức nào? Tại sao chỉ ở người Mã Kiều và người Vu Việt thì nghiên cứu cả gen di truyền trong quá khứ, còn ở các tộc người khác thì không. Vả lại, Mã Kiều có thể là tên gọi ngày nay, trong lịch sử các dân tộc Bách Việt không hề có tên gọi Mã Kiều. Vậy người Mã Kiều hôm nay xuất thân từ đâu? Còn ở đối tượng người Vu Việt cũng là một vấn đề. Vu Việt hình thành từ rất sớm trong lịch sử, nổi lên vào thời gian với thời mạt kì Xuân Thu trong lịch sử Trung Hoa với sự kiện Việt Vương Câu Tiễn dấy binh diệt Ngô Vương Phù Sai (năm 473 trCN), nhập với nước Ngô hình thàn Ngô Việt. Trên thực tế, về sau Ngô Việt bị Sở diệt, cuối cùng bị Tần Thủy Hoàng thôn tính (năm 222 trCN). Dân Vu Việt bị Hán hóa hoàn từ đó. Thế thì mẫu gen người Vu Việt mà tác giả Lý Huy sử dụng trong nghiên cứu có niên đại ra sao, và làm sao để biết đó là gen của người Vu Việt. Những dẫn chứng nhỏ nhặt trên đây nhằm làm sáng tỏ một điều rằng tác giả thực hiện công trình nghiên cứu một cách tùy hứng.

Tóm lại, tác giả Lý Huy đi từ khoa học tự nhiên là di truyền học để nghiên cứu một vấn đề của xã hội một cách độc lập (đơn ngành) nên thiếu cơ sở khoa học chắc chắn. Song điều đáng nói là kết quả nghiên cứu này của tác giả Lý Huy lại được nhiều trang thông tin khoa học cũng như công cộng Trung Quốc đăng tải truyền bá, nghĩa là những phần thiếu sót hoặc sai sót của công trình mặc nhiên bị bỏ qua.

Với việc dịch và giới thiệu công trình này của tác giả Lý Huy, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, vấn đề nghiên cứu lịch sử văn hóa các dân tộc Bách Việt đòi hỏi tính liên ngành, nó đòi hỏi sự kết hợp giữa tính lịch đại và tính đồng đại trong phương pháp nghiên cứu.

[1] Chú thích của dịch giả

[2] chỉ Đông Âu Việt, khác với Tây Âu Việt trong Nhà nước Âu Lạc ở Việt Nam – lời dịch giả


Nguồn : http://www.vanhoahoc.com

Share this post


Link to post
Share on other sites

Ít ra thì với bài viết này của chính học giả Trung Quốc, đã thừa nhận một hệ thống Bách Việt ở Nam Dương Tử mà Tư Mã Thiên đã viết từ hàng ngàn năm trước: "Nam Dương Tử là nơi Bách Việt ở, cùng một chủng tính".

"Mọi con đường đều tới La Mã".

"Chân lý chỉ có một":

Dân tộc Việt có lịch sử trải gần 5000 năm văn hiến, một thời huy hoàng ở miền Nam sông Dương Tử.

Bắc bộ và Bắc trung bộ, chỉ là nơi rút lui cuối cùng của Bách Việt vào khoảng thế kỷ VI - VII BC.

Share this post


Link to post
Share on other sites