Thiên Sứ

Cần xem lại cách thẩm định của Viện Sử học

1 bài viết trong chủ đề này

Vụ Nhà thờ họ thành di tích lịch sử quốc gia:

Cần xem lại cách thẩm định của Viện Sử học

20/08/2009 2:28

Posted Image

Nhà thờ họ Trần thành di tích lịch sử quốc gia đang gây nhiều tranh cãi và khiếu kiện của chính con cháu họ Trần

Đề xuất hướng giải quyết việc khiếu kiện quanh vụ Nhà thờ họ thành di tích lịch sử quốc gia, Sở VH-TT-DL tỉnh Nghệ An vừa có văn bản đề nghị Bộ VH-TT-DL sửa lại tên di tích này. Nhưng theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, vụ việc chưa thể ngã ngũ.

Bài viết trên Thanh Niên ngày 3.6 đã thông tin về việc sau gần 10 năm “được” mượn chỗ để treo bằng công nhận di tích mộ và đền thờ Trần Quý Khoáng, nhà thờ họ tộc Trần ở xóm Đức Thịnh, xã Hưng Lộc, TP Vinh, tỉnh Nghệ An đã bị “biến” thành di tích đền thờ Trần Quý Khoáng, và đất của họ Trần đang có nguy cơ bị thu hồi vì “chồng lấn di tích”.

Sở VH-TT-DL tỉnh Nghệ An vẫn khẳng định vua Trần Quý Khoáng được chôn cất tại làng Biện Thịnh (nay là xóm Đức Thịnh, xã Hưng Lộc, TP Vinh) theo thẩm định của Viện Sử học tại công văn số 88/VSH ngày 19.11.1998. Và trên địa bàn cả nước chỉ ở xã Hưng Lộc, TP Vinh có hai công trình văn hóa tâm linh phụng thờ ngài là Đền Trung (đã bị phá bỏ năm 1962) và nhà thờ họ Trần. Cuối cùng, Sở VH-TT-DL tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ VH-TT-DL sửa tên di tích từ "đền thờ Trần Quý Khoáng" thành "nhà thờ Trần Quý Khoáng".

Ông Nguyễn Thiện Chí (ngụ P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM - con rể họ Trần tại Hưng Lộc), một trong những người nhiều lần khiếu nại quyết định công nhận Di tích lịch sử quốc gia - mộ và đền thờ Trần Quý Khoáng của Bộ VH-TT, cho rằng Sở VH-TT-DL Nghệ An khẳng định như vậy là thiếu cơ sở. Bởi lẽ, trong các sách chính sử từ Đại Việt sử ký toàn thư đến các sách lịch sử sau này đều không có tài liệu nào nói đến việc Trần Quý Khoáng được chôn cất tại xã Hưng Lộc mà chỉ nói trên đường bị giặc Minh dẫn về Trung Quốc, ông đã nhảy xuống biển tuẫn tiết. Còn việc thờ phụng, từ lâu Trần Quý Khoáng đã được nhân dân thờ tại làng Tức Mặc (Mỹ Lộc, Nam Định), quê hương ông cùng với 13 vị vua Trần khác. Ngoài ra, ông còn được nhân dân lập đền thờ thờ tại thôn La Phù (Yên Mô, Ninh Bình) cùng với vua Trần Giản Định.

Posted Image

Bằng công nhận di tích “Mộ và đền thờ Trần Quý Khoáng” đang được treo tại nhà thờ họ Trần - Ảnh: K.H

Mặt khác, trên bài vị và các sắc phong hiện còn lưu giữ cũng không thể hiện đó là vua Trần Quý Khoáng vì trên đó chỉ ghi "Trần triều thượng tướng quân..."

Thẩm định thiếu trách nhiệm

Ngày 19.11.1998, Viện Sử học có công văn 88/VSH do PGS.PTS Nguyễn Đức Cường ký gửi Cục Bảo tồn-bảo tàng (Bộ VH-TT) và Sở VH-TT tỉnh Nghệ An về việc thẩm định bằng văn bản để hợp thức hóa hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT công nhận "mộ và đền thờ Trần Quý Khoáng" là di tích lịch sử quốc gia. Tại công văn này, Viện Sử học cho rằng: "...Trên chiến thuyền giải đi, dọc đường Trần Quý Khoáng nhảy xuống sông tự tử. Nhân dân địa phương thương xót, đem thi hài của ông về táng tại làng Biện Thịnh - nay là làng Đức Thịnh, xã Hưng Lộc, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Hiện nay tại đây vẫn còn mộ phần và nhà thờ Trần Quý Khoáng". Thế nhưng, ngày 12.5.2009, phúc đáp công văn của Văn phòng luật sư Hồng Lam (Nghệ An) đề nghị được làm rõ khẳng định này của Viện, PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, Viện trưởng Viện Sử học đã ký công văn trả lời rằng: đoạn viết trên là "căn cứ vào hồ sơ do Sở VH-TT tỉnh Nghệ An cung cấp kèm theo công văn 653CV-VH ngày 14.11.1998".

Theo luật sư Đoàn Công Tuệ, Trưởng văn phòng luật sư Hồng Lam, đây là đoạn viết ý kiến thẩm định rất quan trọng để đề nghị Bộ VH-TT xem xét hồ sơ có phải là một di tích lịch sử hay không. Nhưng Viện Sử học lúc bấy giờ không xem xét các căn cứ để thẩm định một cách độc lập, mà dẫn lại y nguyên lời văn của hồ sơ đề nghị. Như vậy, vô hình trung, Viện Sử học đã khẳng định đúng là có di tích mộ và nhà thờ Trần Quý Khoáng tại đây!

Thực tế, việc này không có cơ sở vì nhà thờ họ Trần trước năm 1962 chỉ thờ tổ tiên họ Trần (thủy tổ của chi này là ông Trần Lộc Hành) chứ không phải thờ Trần Quý Khoáng. Mặt khác, sử sách cũng không hề nói đến việc ông được chôn cất tại đây.

Chưa hết khiếu kiện

Không thừa nhận đây là di tích lịch sử liên quan đến vua Trần Quý Khoáng, mà chỉ là ngôi từ đường của họ Trần, bà Trần Thị Thu Hương, con cháu họ Trần cho biết, qua nhiều lần hòa giải, bà đòi được xem cứ liệu như gia phả gốc và những tư liệu lịch sử khẳng định vua Trần Quý Khoáng được chôn cất tại Hưng Lộc, nhưng không ai chịu trưng ra. "Nếu người ta đưa ra được gia phả gốc bằng chữ Hán để khẳng định Trần Quý Khoáng là thủy tổ của họ Trần ở Hưng Lộc và thi hài của ông được chôn cất tại Hưng Lộc thì chúng tôi sẵn sàng rút đơn và thừa nhận đây là di tích. Nhưng cách làm của họ rất khuất tất, không minh bạch. Tại sao phải giấu giếm như vậy?", bà Hương nói.

Còn bà Trần Thị Du, một trong những người thừa kế mảnh đất nơi nhà thờ họ Trần tọa lạc hiện nay, khẳng định việc lập hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT công nhận di tích là chưa đúng quy trình vì chưa được Sở TN-MT thẩm định và cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo bà Du, ngày 2.4.2009 Sở TN-MT đã thẩm tra và kết luận: thửa đất này hồ sơ địa chính lập năm 1993 và năm 2001 đều mang tên người sử dụng là ông Trần Trung Phước (em bà Du), còn đền thờ Trần Quý Khoáng không thể hiện trên sơ đồ địa chính. Do vậy việc lấy 648m2 đất đã được cấp sổ đỏ để khoanh vùng bảo vệ di tích là xâm hại đến lợi ích về quyền thừa kế của 5 chị em bà chứ không thể quy kết ngược họ đã "xâm hại di tích"!

Cao Ngọ - Khánh Hoan

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay