Lê Bá Trung

MẪU NGƯỜI “LƯNG TRỜI GÃY CÁNH”

1 bài viết trong chủ đề này

Trong Tử Vi, người ta ít chú trọng đến sao Thiên Không, một phụ tinh nhỏ xếp vào hàng em út so với đại sát tinh Không Kiếp mà chúng đã đề cập trong chương trước, nhưng rất đáng lưu ý khi giải đoán nhất là lúc xem hạn. Ngoài những ý nghĩa căn bản và đơn giản của một ác tinh, Thiên Không còn mang nhiều sắc thái đối nghịch nhau rất lý thú mà chúng ta phải cân nhắc thận trọng khi giải đoán một lá số có Thiên Không thủ Mệnh để khỏi đi đến những kết luận sai lầm đáng tiếc.

Thiên Không thuộc hành Hỏa, đắc địa ở Dần, Thân, Tỵ, Hợi và đó cũng là nơi đắc địa của Không Kiếp, cho nên tại những vị trí này, Thiên Không sẽ có uy lực không kém gì Không Kiếp, và cũng như các đàn anh, Thiên Không chủ sự phá tán, thất bại, gãy đổ nửa chừng. Người có Thiên Không hãm địa thủ mệnh thì tính xảo quyệt, chuyên dùng sự gian dối, thủ đoạn để ăn ở với người, để mưu sự với đời, nhưng rốt cuộc cũng không làm được việc gì ngoài những trò tiểu xảo hầu thủ lợi cho cá nhân mình, nhưng chung cuộc thì cũng tự hại mình mà thôi.

http://' target="_blank">Người có Thiên Không đắc địa thủ mệnh tính tình táo bạo, thăng trầm, túc trí đa mưu, thích toan tính những chuyện lớn lao, nhưng nếu không có những sao chế giải thì từ anh hùng trở thành gian hùng dễ như trở bàn tay. Bởi vậy, như đã nói ở trên, ý nghĩa lý thú của Thiên Không là chúng ta có thể ví người Thiên Không là người “nhị trùng bản ngã”. Trong con người Thiên Không có một người thiện, một người ác, có chính, có tà…Một lá số với cách cục tốt đẹp nào đó khiến chúng ta kết luận đương số là anh hùng, nhưng cẩn thận, anh hùng có thể là gian hùng nếu có thêm Thiên Không đồng thủ mệnh.

Cái bản ngã thứ nhì của Thiên Không hiểu theo triết lý nhà Phật thì Thiên Không còn có ý nghĩa “sắc sắc không không” Cho nên, người có Thiên Không đắc địa thủ mệnh gần giống với mẫu người Tử Tham Mão Dậu, bẩm sinh từ lúc còn trẻ đã có khuynh hướng yếm thế, có những ý nghĩ và cuộc sống gần gũi với tôn giáo. Cái khổ của người Thiên Không là sự dằn vặt trong nội tâm bởi hai cánh tay của Thiên Không, một thiện một ác, một chánh một tà, một đời một đạo, lôi kéo, giằng co cả cuộc đời: Mệnh tọa Thiên Không định xuất gia, có nghĩa là người Thiên Không thủ mệnh lòng chỉ muốn xa lánh cõi đời, nhưng thực hiện được hay không đớ còn tùy thuộc vào những sao phối hợp mà chúng ta đề cập sao đây.

Với lá số Thiên Không lại càng nên thận trọng hơn đối với hai sao Đào Hồng, là biểu tượng cho sắc đẹp, nghệ thuật và nhất là nữ. Có nhiều sách cho rằng Thiên Không thủ mệnh gặp Đào Hoa, dù nam hay nữ, cũng là những người có khả năng quyến rũ người khác phái bằng những ngón nghề riêng của mình. Theo thiển ý của người viết, chúng ta phải phân biệt hai trường hợp.

1) Đối với nam, Thiên Không biểu tượng cho bản chất của đương số, và Đào Hoa là đối tượng đeo đuổi. Cho nên nam phái có Thiên Không và Đào Hoa ở mệnh là người đào hoa và biết dùng những ưu điểm trời phú cho mình như nhân dáng, lời ăn, tiếng nói ngọt ngào, địa vị, quyền thế..v.v…Nói chung là dùng mọi khả năng quyến rũ của mình dễ lợi dụng đàn bà vào một mục đích nào đó. Nếu gặp thêm những sao như Phục Binh, Quan Phù, Quan Phủ… thì mức độ lợi dụng sẽ đi đến chuyện dụ dỗ, lừa gạt, phản bội một cách trắng trợn.

2) Đối với nữ, Đào Hoa là biểu tượng chính của đương số, là cánh hoa biết nói, còn Thiên Không là lửa trên trời. Đào Hoa gặp lửa thì làm sao không khô héo? Bởi vậy, nữ phái gặp cách này là người có nhan sắc nhưng lại không có duyên. Chữ duyên ở đây bao hàm cả hai ý nghĩa: Sự duyên dáng và duyên phận. Chúng ta thường thấy những người đàn bà có sắc đẹp bên ngoài nhưng khi tiếp xúc thì không tìm thấy một nét hấp dẫn nào qua tính tình hay nội tâm. Hữu sắc vô hương, vì vậy mà Đào Hoa ngộ Thiên Không thì duyên kiếp phải bẽ bàng, chứ không hẳn có sức quyến rũ nam phái.

Và tương tự, Mệnh có Thiên Không, Hồng Loan là người có tư cách thanh cao, thích an nhàn, ẩn dật, và khuynh hướng xa lánh trần tục rất rõ ràng. Hai chữ “không hồng” với quan niện triết lý của nhà Phật, phải chăng là không vướng bụi hồng trần?

Một ý nghĩa đáng kể mà chúng ta đã nói ở trên là sự thất bại, sự đổ gãy nửa chừng của người có Thiên Không thủ mệnh. Sự gãy đổ này có thể xảy ra trên mọi lãnh vực từ công danh, sự nghiệp cho đến chuyện tình cảm gia đạo v.v…Bởi vậy, chúng ta có thể gọi người Thiên Không thủ Mệnh là mẫu người Bán Thiên Triết Sỉ (Lưng Trời Gãy Cánh).

Người có cách Tham Vũ Đồng Hành là người làm nên sự nghiệp từ thương trường. Nhưng nếu mệnh có Thiên Không thì chắc chắn thì đương số ít nhất cũng phải một lần thất bại đau thương rồi mới làm nên sự nghiệp. Tùy theo mỗi lá số, có người đổ vỡ trên đường công danh, có người gãy đổ trên đường tình ái… Và cho đến việc tu hành cũng không phải là con đường nhẹ nhàng đối với những người đã có lòng thoát tục. Cho nên cuối cùng họ đành chấp nhận cuộc sống nửa đời nửa đạo, hoặc là bỏ đạo trở lại với đời.

Chúng ta cũng thấy rất rõ đặc tính lưng trời gãy cánh khi Thiên Không nhập hạn. Một tay chọc trời khuấy nước như Hạng Võ mà hạn gặp Thiên Không cũng đành phải mất nước, biệt Ngu Cơ và tự vẫn bên dòng Ô Giang. Hạn gặp Thiên Không thì tốt nhất là khoanh tay ngồi yên, chớ mưu tính chuyện gì cho tốn công phí sức. Dù có mưu cầu toan tính tới đâu thì chung cuộc cũng chỉ là đầu voi đuôi chuột mà thôi. Nếu gặp hạn xấu thì kết quả có thể còn tệ hại hơn, kể cả chuyện tán gia bại sản hay gia đình ly tán.

Tác hại của Thiên Không sẽ nhẹ nhàng hơn đối với những người Vô Chính Diệu vì Mệnh của họ vốn đã là “không” nếu gặp thêm không nữa thì cũng không gì đáng ngại. Nhật Nguyệt thủ mệnh không sợ Thiên Không vi hai vầng nhật nguyệt lại càng sáng dưới bầu trời không gợn áng mây.

Cuối cùng, một đặc điểm oái oăm khác của mẫu người Thiên Không là cho dù hôm nay có làm nên công danh sự nghiệp, có quyền cao chức trọng, thì cũng nên hiểu rằng chung cuộc của mình rồi cũng hai bàn tay trắng mà thôi.

Nguon:quehuongyeudau.blogtiengviet.net

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites