Thiên Sứ

Nếu nộp tiền chuộc cho Trung Quốc sẽ gây hại cho chủ quyền

2 bài viết trong chủ đề này

Nếu nộp tiền chuộc cho Trung Quốc sẽ gây hại cho chủ quyền

23/07/2009 05:03 (GMT + 7)

(TuanVietNam) - "Nếu Việt Nam nộp tiền chuộc thì việc đó sẽ góp phần gây hại cho chủ quyền Việt Nam đối với lãnh thổ biển, đảo".

>> "Ngăn ngư dân VN trên biển VN là xâm phạm chủ quyền…”

>> Muốn bảo vệ chủ quyền biển, phải hiểu biển

>> Biển Đông và vấn đề chủ quyền lãnh thổ đất nước

Tin bà con ngư dân Việt Nam liên tiếp gặp nạn trên biển đã khiến dư luận bất bình.

Thấm thía đạo lý “một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”, độc giả Dương Danh Duy đã gửi tới Tuần Việt Nam bài viết bày tỏ chia xớt với những mất mát, tổn thất của bà con.

Ngày 16/6/2009 và 17/6/2009, Trung Quốc bắt giữ ba tàu cá Việt Nam gần đảo Lin Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa. Sau đó, Trung Quốc thả 25 ngư dân và một tàu cá về nước, đòi hỏi rằng phải nộp tiền “phạt” 70.000 Nhân dân Tệ, tương đương với khoảng 10.000 USD, cho mỗi tàu thì họ mới thả 12 người họ còn giam, bao gồm tất cả 3 thuyền trưởng, và hai tàu cá đã bị hư hại vì bị tàu tuần tra nghề cá của Trung Quốc kéo quá nhanh.

Posted Image

Bản đồ 1: Địa điểm các tàu cá Việt Nam bị bắt. Hình đa giác là đường cơ sở thẳng Trung Quốc tuyên bố chung quanh Hoàng Sa. Đường đỏ là trung tuyến không tính Hoàng Sa.

Posted Image

Bản đồ 2: Bản đồ chi tiết.

Ngày 18/7/2009, báo chí Việt Nam đưa tin rằng Trung Quốc giảm tiền chuộc xuống còn 50.000 NDT, tương đương với khoảng 7.500 USD, cho mỗi tàu.

Dù Trung Quốc giảm tiền chuộc như thế, và dù cho giả sử họ có giảm thêm nữa, thì Việt Nam cũng phải kiên quyết không đơn giản nộp tiền chuộc. Lý do là nếu Việt Nam nộp tiền chuộc, mà Trung Quốc cho đó là tiền phạt, thì Trung Quốc sẽ dùng việc đó để nói là Việt Nam chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa. Điều đó sẽ vô cùng thiệt hại cho cơ sở pháp lý của Việt Nam về chủ quyền đối với Hoàng Sa.

Dù rằng ứng xử kiên quết sẽ không làm giảm khó khăn cho 12 ngư dân Việt Nam hiện đang bị Trung Quốc bắt làm con tin và cho gia đình của họ, khó khăn đó là do Trung Quốc cố tình gây ra với mục đích giành chủ quyền pháp lý đối với Hoàng Sa. Nếu chúng ta làm theo điều Trung Quốc đòi hỏi thì Trung Quốc đã đạt được mục đích của họ bằng cách cố tình gây khó khăn.

Nếu một nước nào bắt giam người Việt Nam, đòi hỏi rằng nếu Việt Nam nhượng bộ chủ quyền lãnh thổ thì họ thả, thì chúng ta có nhượng bộ không? Dĩ nhiên là không thể. Trường hợp Trung Quốc đòi tiền “phạt” cũng y như vậy, vì cái mà Trung Quốc thật sự đòi không phải là tiền phạt, cũng không phải là tiền chuộc, mà là chủ quyền pháp lý đối với Hoàng Sa.

Nếu như trong vị trí của Việt Nam, có nước nào trên thế giới sẽ nộp tiền “phạt” không? Chắc chắn là không.

Trên thực tế, có nhiều trường hợp công dân các nước Âu Mỹ bị các nhóm khủng bố khác nhau bắt và đòi hỏi nhượng bộ chính trị. Các nước này không bao giờ nhượng bộ, cho dù nạn nhân có thể bị các nhóm khủng bố sát hại hay bị bắt làm con tin nhiều năm, thí dụ như 2 con tin người Anh, John MacCarthy, bị giam 5 năm ,và Terry Waite, bị giam 4 năm.

Nếu ngư dân Việt Nam bị hải tặc Somalia bắt làm con tin thì còn có thể nộp tiền chuộc. Ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt thì không thể đơn giản nộp tiền chuộc, vì nếu nộp thì cái mà chúng ta nộp có thể sẽ là chủ quyền lãnh thổ.

Nếu có dàn xếp nào mà theo đó phía Việt Nam phải trả tiền, dù chỉ là một xu, thì việc trả tiền phải đi đôi với tuyên bố ở cấp nhà nước rằng Việt Nam không công nhận là Trung Quốc có thẩm quyền hay chủ quyền đối với Hoàng Sa, rằng việc trả tiền đó là do các cá nhân làm vì sự sử dụng bạo lực và giam giữ bất hợp pháp của Trung Quốc. Dù vậy đi nữa, nộp tiền chuộc sẽ là tiền lệ góp phần cho việc Trung Quốc bắt giữ ngư dân Việt Nam sau này.

Trung Quốc không thể giam giữ 12 ngư dân Việt Nam mãi. Trung Quốc hoàn toàn chịu trách nhiệm cho tính mạng và sức khoẻ của những người mà họ đang giữ làm con tin. Trung Quốc không phải là một tổ chức khủng bố để có thể giết con tin hay để cho họ chết trong ngục tù của nước này.

Việc Việt Nam kiên quyết không nộp tiền chuộc là một động thái cụ thể để khẳng định chủ quyền. Trung Quốc càng giam giữ ngư dân Việt Nam lâu, và Việt Nam vẫn không nộp tiền chuộc, thì động thái cụ thể của Việt Nam nhằm khẳng định chủ quyền càng kéo dài, càng có lợi cho Việt Nam.

Nếu Việt Nam nộp tiền chuộc thì sẽ tự dập tắt động thái cụ thể của mình nhằm khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, và, quan trọng hơn. Quan trọng hơn, nếu Việt Nam nộp tiền chuộc thì việc đó sẽ góp phần dập tắt chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa.

Vì vậy, Việt Nam không nên nộp tiền chuộc.

Bên cạnh lý lẽ trên, chúng ta cũng phải nhìn vấn đề ở mức con người.

Trong thời gian mà 12 ngư dân và 2 tàu cá Việt Nam còn bị Trung Quốc bắt làm con tin, Chính phủ cần tài trợ để góp phần đền bù cho những thiệt hại về thu nhập mà những gia đình liên quan phải gánh chịu. vì xét trong điều kiện cụ thể này chính họ là những người lính đang bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước.

Việc tài trợ cho những gia đình liên quan sẽ giảm bớt phần nào khuynh hướng họ tự nộp tiền chuộc – nếu họ tự nộp tiền chuộc thì Trung Quốc có thể lợi dụng để củng cố cơ sở pháp lý về Hoàng Sa. Hơn nữa, tài trợ cho những gia đình liên quan cũng sẽ ít tốn kém cho đất nước hơn nộp tiền chuộc, không những trên phương diện chủ quyền lãnh thổ mà còn trên cả phương diện tài chính.

Tất nhiên, Việt Nam phải không ngừng đấu tranh ngoại giao cho 12 ngư dân này.

  • Dương Danh Huy

Share this post


Link to post
Share on other sites

RFI

20/07/09 "Tầu lạ" tấn công ngư dân Việt Nam là tầu Trung Quốc

Đức Tâm

Trong cuộc trả lời phỏng vấn RFI, ông Dương Danh Dy, chuyên gia về Trung Quốc nói thẳng rằng báo chí Việt Nam dùng từ "tầu lạ", để tránh không nói đến tầu Trung Quốc. Theo ông, cần phải vạch cho công luận thấy rõ những cái không đúng của Trung Quốc, họ đã nói mà lại nuốt lời

RFI : Xin chào ông Dương Danh Dy, với tư cách là công dân Việt Nam, ông nghĩ gì về những thông tin mà báo chí trong nước cho biết là các ngư dân Việt Nam thường xuyên bị các « tầu lạ » tấn công?

Dương Danh Dy : Tôi xin thẳng thắn nói với ông rằng chữ « tầu lạ » mà báo chí Việt Nam dùng, thực ra muốn tránh nói đến tầu Trung Quốc. Ta phải nói thẳng với nhau như vậy. Bởi vì, chúng ta biết là từ tháng ba năm nay, Trung Quốc đã thành lập một đội tuần tầu, đi tuần tra ở khu vực mà Trung Quốc gọi là biển Nam Hải của họ, còn đối với Việt Nam, thì đó là biển Đông. Trong đoàn tầu đó, có những chiếc, như tầu Ngư Chính, số bao nhiêu, tôi không nhớ. Họ nói rõ đó là một hộ vệ hạm, được cải biên thành tầu đánh cá, có trọng tải mấy nghìn tấn, với tốc độ mấy chục hải lý /giờ. Những cái tầu gọi là tuần tra đánh cá đó chỉ chạm vào các thuyền đánh cá vài trăm mã lực của Việt Nam thì các thuyền này tan vỡ ngay.

Tôi nghĩ là trong khu vực, các nước Philippines, Malaysia, Indonesia cũng có những tầu tuần tra, nhưng họ không có những đoàn tầu to lớn và họ không tuyên bố rõ ràng là đội tầu tuần tra này có quyền xua đuổi các tầu đánh cá trong khu vực mà họ cho là của họ, kiểm tra, bắt giữ v.v. Cho nên, tôi xin nói thật, xin nhắc lại, nói « tầu lạ » là muốn tránh. Chứ nói trắng ra thì đó là tầu Trung Quốc.

RFI : Ông suy nghĩ gì về hiện tượng này?

Dương Danh Dy : Nói thật là tôi suy nghĩ rất nhiều, cũng như những người Việt Nam yêu nước khác đều suy nghĩ. Trong lúc lãnh đạo hai Đảng và hai Nhà nước, Việt Nam và Trung Quốc, đã trịnh trọng nhắc đi nhắc lại trong rất nhiều tuyên bố rằng quan hệ hợp tác Việt Nam – Trung Quốc là « 16 chữ » : Láng Giềng Hữu Nghị, Hợp Tác Toàn Diện, Ổn Định Lâu Dài, Hướng Tới Tương Lai. Ngoài ra còn có « 4 Tốt » : Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt. Những điều này được nhắc tới rất nhiều lần trên báo chí Việt Nam, Trung Quốc. Đấy là một nguyên tắc mà từ sau khi bình thường hóa quan hệ đến nay, hai Đảng và hai Nhà nước, đã xây dựng nên.

Thứ hai là trong khu vực biển Đông, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã từng tuyên bố là gác tranh chấp, cùng khai thác, cùng có lợi. Đấy là những điều rõ như ban ngày, Trung Quốc đã nói như vậy.

Về biển Đông, Trung Quốc bảo là của Trung Quốc. Việt Nam bảo là của Việt Nam. Rõ ràng là hai bên đang có tranh chấp. Trong khi chưa ngã ngũ, tại sao Trung Quốc lại dùng sức mạnh của mình, đến và bắt ngư dân Việt Nam, đâm vào tầu của Việt Nam. Tinh thần đó không đúng với điều Trung Quốc nói là gác lại tranh chấp, cùng khai thác, cùng hưởng lợi. Đó là chưa nói đến tinh thần láng giềng tốt, hữu nghị, rồi bạn bè tốt, đối tác tốt, đồng chí tốt v.v. Thế mà Trung Quốc lại bắt ngư dân, những người nghèo khổ Việt Nam, phải nộp tiền chuộc.

Hiện nay, Trung Quốc có dự trữ ngoại tệ lên tới trên 2100 tỷ đô la. Trong số hơn 3 chục ngư dân, họ còn giữ 12 người làm con tin và họ đòi nộp phạt hơn 200 ngàn nhân dân tệ, tính ra chỉ hơn 2 chục ngàn đô la. Họ định lấy số tiền này để làm giàu thêm cái dự trữ khổng lồ hay là lòng tham của người Trung Quốc vô đáy.

Tôi xin nói thật là qua các việc bắt giữ ngư dân Việt Nam, đòi tiền chuộc v.v. người Trung Quốc, những ngư dân Trung Quốc – mà chắc chắn là chính quyền Trung Quốc đã biết, bởi vì bộ Ngoại giao Việt Nam đã chính thức kháng nghị về việc này rồi – đã làm trái với những cam kết long trọng mà người lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc cũng như chính quyền các cấp của họ đã từng hứa mỗi khi sang thăm Việt Nam.

RFI : Ông vừa đề cập đến việc vẫn còn 12 ngư dân và một số tầu của Việt Nam bị Trung Quốc giữ. Theo báo chí trong nước, trong những ngày gần đây, phía Trung Quốc, không rõ cơ quan nào, thường xuyên gọi điện thoại, thông qua phiên dịch, đến nhà của một số ngư dân hiện vẫn bị giam giữ tại Trung Quốc và giục phải nộp tiền phạt thì mới thả. Xin ông giải thích sự khó hiểu này? Phía Việt Nam đã đề nghị một cách chính thức qua con đường ngoại giao là phía Trung Quốc phải thả các ngư dân đó. Là chuyên gia về Trung Quốc, ông hiểu rõ cơ chế hoạt động của chính quyền Trung Quốc, vậy theo ông, vì sao có hiện tượng này?

Dương Danh Dy : Tôi nghĩ trong việc này, chúng ta phải kiên trì. Với người Trung Quốc, không kiên trì không được. Sốt ruột, nóng mắt lên cũng không được. Trước đây, ta với Trung Quốc nói rằng phải « có tình có lý ». Bây giờ, tôi xin phép đổi lại là « có lý có tình ». Cái tình của ta và Trung Quốc xuống thứ yếu rồi. Bây giờ phải có lý. Chúng ta phải đấu lý với họ.

Việc bộ Ngoại giao nói với đại sứ quán Trung Quốc ở đây, tức là cấp chính phủ với chính phủ rồi. Tôi không biết đơn vị bắt giữ 12 ngư dân Việt Nam là thuộc tỉnh nào. Chẳng nhẽ chính quyền tỉnh đó không nghe lệnh của trung ương? Người ta sẽ hỏi ngay là chính quyền Trung Quốc trong việc này có thái độ ra sao? Chẳng nhẽ những điều họ nói về láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, hướng tới tương lai, rồi đồng chí tốt, hợp tác tốt … chỉ là những lời nói suông à? Tôi nghĩ, ban lãnh đạo Trung Quốc, sớm muộn gì, phải cân nhắc việc này. Không thể vì cái chuyện nhỏ này mà làm ảnh hưởng đến cục diện lớn là tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Năm nay, Việt Nam đang chuẩn bị 60 Quốc Khánh Trung Quốc và năm tới chuẩn bị 60 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ hữu nghị ngoại giao với nhau. Tôi nghĩ, chắc chắn ban lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải cân nhắc việc này. Tôi xin nhắc lại, với Trung Quốc, chúng ta phải kiên trì, nhẫn nại và chúng ta phải đấu « lý » với họ. Còn « tình » thì tôi thấy bây giờ nó xa xôi, xa vời lắm rồi.

RFI : Qua vụ « tầu lạ » tấn công ngư dân Việt Nam, phải chăng một trong những giải pháp tốt nhất là nên đưa ra công luận quốc tế vấn đề an toàn của ngư dân Việt Nam trong ngư trường, thuộc lãnh hải Việt Nam?

Dương Danh Dy : Sau vụ ba tầu cá bị bắt, các cấp có trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng như bộ đội biên phòng địa phương đã có những biện pháp. Từ đó đến nay, không có tầu nào của Việt Nam bị bắt, chỉ có vụ ngày 15/07, một tầu cá của Việt Nam bị « tầu lạ » đâm chìm. Điều này cho thấy, nếu chúng ta có biện pháp bảo vệ thích đáng, thì những sự việc trên sẽ bị hạn chế đi rất nhiều.

Tất nhiên, trong việc này, không thể vì chuyện mấy tầu đánh cá mà để xẩy ra, để bùng nổ ra những chuyện chúng ta không muốn. Bởi vì điều này, trước hết là không có lợi gì cho chúng ta, và cho cả khu vực nữa. Nhưng tôi nghĩ, cũng cần phải có một số biện pháp cứng rắn hơn nữa. Tức là cần phải tuyên truyền, nói rộng ra cho dư luận quốc tế biết rằng, người Trung Quốc nói như vậy đấy. Tôi chưa thấy báo chí ta, dư luận Việt Nam nói đến chuyện Trung Quốc đã hứa hẹn với chúng ta « 16 chữ », rồi « 4 tốt ». Chưa thấy báo chí Việt Nam vạch ra điều này.

Theo ý kiến cá nhân, tôi cho rằng cần phải công khai tranh luận, công khai vạch rõ những cái không đúng của Trung Quốc, họ đã nói mà lại nuốt lời.

RFI : Xin cảm ơn ông Dương Danh Dy

http://www.rfi.fr/actuvi/articles/115/article_4263.asp

" ...Một khối xa thư đồ sộ,

há để ai chém rắn đuối hươu..."

(Nguyễn Trãi - Cáo bình Ngô)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay