Thiên Đồng

Tư liệu về chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa và Hoàng Sa

1 bài viết trong chủ đề này

Tư liệu về chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa và Hoàng Sa

Posted Image

Hình ảnh 1 trang của cuốn An Nam đồ chí

Cuộc hội thảo tầm cỡ quốc gia vừa qua về biển Đông tại Hà Nội ngày 17.3.2009 đã mở ra một giai đoạn mới cho các nhà nghiên cứu Việt Nam về Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông.

Biển Đông có vị trí địa chiến lược, địa kinh tế cực kỳ quan trọng và là yết hầu kinh tế của toàn bộ khu vực Đông Á. Biển Đông là nơi giao nhau của nhiều tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới, nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Biển Đông rộng 6,2 triệu kilômét vuông, hàng ngày có khoảng 400 tàu lớn qua đây, khoảng 25% mậu dịch và 1/2 lượng dầu tiêu thụ của thế giới qua biển Đông. Khoảng 80% dầu thô của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản nhập khẩu từ Trung Đông, Châu Phi và các nước ASEAN đều đi qua biển Đông. Biển Đông có trữ lượng dầu mỏ, khí đốt, phốtphát và nhiều khoảng sản quý hiếm. (Nguồn: PGS-TS Lê Văn Cương)

GS-TS Nguyễn Quang Ngọc - Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển: "Thư tịch và bản đồ cổ của Trung Quốc tính cho đến cuối thế kỷ XIX và thậm chí cả những năm cuối thập kỷ đầu của thế kỷ XX, đều phản ánh một thực tế hết sức hiển nhiên là vùng lãnh thổ, lãnh hải truyền thống của Trung Quốc chưa bao giờ vượt quá đảo Hải Nam.

Phải khẳng định một cách tuyệt đối rằng lịch sử thực thi chủ quyền của VN ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với tư cách nhà nước, phát triển liên tục, rõ ràng, muộn nhất là từ đầu thế kỷ XVII (dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên) và qua các thế kỷ XVIII (dưới thời các chúa Nguyễn tiếp theo và vương triều Tây Sơn), XIX (dưới thời các vương triều Nguyễn) và cho mãi đến những năm đầu của thế kỷ XX vẫn chưa hề gặp phải sự phản đối của bất cứ quốc gia nào".

Trong vấn đề tranh chấp chủ quyền về biển Đông với Trung Quốc, bên cạnh khía cạnh pháp lý và luật pháp quốc tế thì vấn đề chứng cứ lịch sử là rất quan trọng. Điều này lại càng trở nên cực kỳ quan trọng khi phải đối thoại với Trung Quốc - là một nước có truyền thống lưu trữ và khảo cứu thư tịch cổ rất lâu đời, với trình độ rất cao. Theo đó, việc tìm kiếm các tài liệu bằng chứng trên thư tịch cổ trong các kho lưu trữ trong và ngoài nước không bao giờ đủ và không bao giờ thừa.

Bên cạnh các tài liệu do người VN biên soạn (hiện đang lưu trữ trong và ngoài nước) thì các tài liệu do người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc biên soạn lại càng quan trọng, vì ở đó nó là bằng chứng hùng hồn nhất trong vấn đề chủ quyền tại biển Đông. Một khi tìm được các bằng chứng từ phía Trung Quốc, về việc họ không xác nhận chủ quyền tại biển Đông thì việc xem xét vấn đề trên bình diện pháp lý trở nên thuận lợi.

Thiếu tướng PGS TS Lê Văn Cương - Viện Chiến lược và Khoa học Công an - đã đưa những ý kiến khách quan của bà Monique Chemillier-Gendreau [1] - Giáo sư công pháp quốc tế Pháp - viết về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

"Từ khi Việt Nam và Pháp ký Hiệp ước Patenotre năm 1884 thì Việt Nam là nước đã nắm chủ quyền không ai chối cãi được đối với các đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ hai thế kỷ rồi, một chủ quyền phù hợp với hệ thống pháp lý quốc tế của thời kỳ đó.

Đối với Hoàng Sa thì chủ quyền đã rõ ràng và hoàn toàn hợp lý không còn gì phải bàn cãi nữa. Đối với Trường Sa thì có nhiều lý lẽ và bằng chứng cho thấy nhóm đảo này vẫn thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng không biết là chủ quyền toàn bộ hay một phần, vì nhóm Trường Sa nằm rải rác trên một diện tích biển rộng 160.000 kilômét vuông.

Nhưng dẫu là toàn bộ hay một phần thì Việt Nam vẫn có chủ quyền trên những hòn đảo lớn và từ đó có thể dựa trên cơ sở "inchoate title", nghĩa là một lý do chủ quyền manh nha (chủ quyền phôi thai) để đi đến một chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn. Vấn đề hiện nay của Việt Nam chỉ còn là củng cố quyền sở hữu đó theo căn bản của sự tiến triển của công pháp quốc tế ngày nay".

Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã dẫn những tư liệu của chính Trung Quốc nói lên chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là:

1/ Hải ngoại ký sự của Thích Đại Sán (người Trung Quốc) năm 1696. Trong quyển 3 của tập ký sự này nói đến Vạn Lý Trường Sa, khẳng định chúa Nguyễn đã sai thuyền ra khai thác các sản vật từ các tàu đắm trên quần đảo Vạn Lý Trường Sa;

2/ các bản đồ cổ Trung Quốc do chính người Trung Quốc vẽ từ năm 1909 trở về trước đều minh chứng Sisha (Tây Sa - Hoàng Sa) và Nansha (Nam Sa - Trường Sa) không thuộc về Trung Quốc. Tất cả các bản đồ ấy đều xác định đảo Hải Nam là cực nam của biên giới phía nam của Trung Quốc.

Mới đây, từ các bức ảnh do PGS-TS Đinh Khắc Thuân cung cấp, PGS-TS Ngô Đức Thọ phát hiện ra rằng, đây là bằng chứng chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.

Đó là cuốn An Nam đồ chí của soạn giả Đặng Chung. Cuốn sách này được biên soạn "căn cứ theo bản sao ở Thuật Cổ Đường của họ Tiền". Thuật Cổ Đường là tên thư viện của Tiền Đại Hân - nhà khảo chứng học nổi tiếng đời Thanh. Họ tên soạn giả An Nam đồ chí được ghi cuối bài tựa: Phân thủ Quảng Đông Quỳnh Nhai Phó Tổng binh Ôn Lăng Đặng Chung (Phó Tổng binh trấn thủ châu Quỳnh Nhai, tỉnh Quảng Đông là Đặng Chung, người huyện Ôn Lăng).

An Nam đồ chí là một tập sách bản đồ có các khảo chú về toàn quốc và các địa phương của VN. Một nội dung như vậy là một tài liệu tham khảo sử địa học quan trọng, mà giới nghiên cứu VN cả trong nước và quốc tế cho đến nay chưa từng trích dẫn hoặc biết tới. Niên đại soạn sách ghi sau bài tựa càng là một giá trị quý hiếm: Vạn Lịch Mậu Thân thanh minh nhật. Vạn Lịch (1573-1620) là niên hiệu Vua Minh Thần Tông, năm Mậu Thân Vạn Lịch là năm 1608, cách nay đúng 401 năm.

An Nam đồ chí là thư tịch bản đồ đầu tiên của Trung Quốc ghi tên cửa biển Đại Trường Sa trong tờ bản đồ vẽ nước An Nam - tức VN.

PGS-TS Ngô Đức Thọ kết luận: "Bất cứ vì lý do gì, việc một viên quan binh của nhà Minh giữ chức Phó Tổng binh châu Quỳnh Nhai (tức đảo Hải Nam) ghi tên Cửa biển Đại Trường Sa của VN trên bản đồ An Nam, chứng tỏ người Trung Hoa từ trước và từ triều Minh, triều Thanh đều thừa nhận hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa là thuộc VN".

Về tài liệu nước ngoài, TS Nguyễn Nhã [2] có một phát hiện đặc biệt quan trọng, khi ông tiếp cận bản đồ An Nam đại quốc họa đồ -, do Giám mục Taberd vẽ năm 1838. Tấm bản đồ nằm trong cuốn từ điển được in ấn, nên nó không phải là độc bản mà mức độ phổ biến rộng rãi, đến được với nhiều người - đặc biệt là giới học giả (đối tượng sử dụng chủ yếu của cuốn từ điển này). Trên bản đồ, quần đảo Hoàng Sa được viết bằng chữ "Cát Vàng". Và điều đặc biệt nhất là, bản đồ có ghi tọa độ và khi đối chiếu với số liệu hôm nay thì hoàn toàn trùng khớp. Đây là bản đồ cổ duy nhất có ghi tọa độ và cũng là bản đồ cổ duy nhất có xác định tọa độ của Hoàng Sa.

Ngoài ra, trên tập san The journal of the Asiatic society of Bengal, Vol VI cũng đã đăng bài của giám mục Taberd, xác nhận Vua Gia Long đã thân chinh vượt biển đến Hoàng Sa vào năm 1816 và long trọng treo cờ, chính thức giữ chủ quyền quần đảo Paracels (Hoàng Sa, Cát Vàng)...

Hai tấm bản đồ do những người nước ngoài vẽ thực sự là một minh chứng hùng hồn về chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

C.T, TR.M ghi (LĐ)

theo dongtac.net

Share this post


Link to post
Share on other sites