wildlavender

Đưa hành động tấn công ngư dân ra công luận quốc tế

4 bài viết trong chủ đề này

Đưa hành động tấn công ngư dân ra công luận quốc tế

Cập nhật lúc 16:58, Chủ Nhật, 19/07/2009 (GMT+7),

"Cần phải khởi động tinh thần yêu nước và lòng tự tôn dân tộc làm cho nó “kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn” như Bác Hồ đã từng căn dặn, tạo thành một động lực mạnh mẽ trong đời sống."

Tin bà con ngư dân ở Tư Nghĩa, Quảng Ngãi bị tàu của bọn cướp biển đâm chìm, cả 9 người bị trọng thương và rơi xuống biển khi “tàu lạ” bỏ chạy đã khiến nhiều người bất bình.

Thấm thía đạo lý “một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”, GS Tương Lai vừa gửi tới tòa soạn bài viết bày tỏ chia xớt của ông với những mất mát, tổn thất của bà con ngư dân.

Posted Image

Sáng sớm 15/7, đang đánh bắt cá ở vùng biển lãnh hải VN cách đất liền khoảng 200 hải lý, tàu của ông Đặng Nam đã bị một tàu lạ đâm chìm.

Ngày 16/7, người thân của các ngư dân bị thương ra biển để đón tàu tại bến cá Nghĩa An,

Quảng Ngãi. Ảnh: VnExpress.net

Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Câu ca dao ấy đã thấm vào máu Việt Nam. Lòng yêu nước, nghĩa đồng bào là chất xi măng kết dính mọi người Việt Nam với nhau để dựng nước và giữ nước.

Vì thế, xúc phạm lòng tự tôn dân tộc, chạm đến tình cảm thiêng liêng ấy là chạm đúng vào điểm nhạy cảm trong tâm thế người Việt. Bởi vậy, tin những bà con ngư dân ở Tư Nghĩa, Quảng Ngãi bị tàu lạ đâm chìm, cả 9 người bị trọng thương và rơi xuống biển khi “tàu lạ” bỏ chạy, đã khơi động sự phẫn nộ sục sôi trong lòng mỗi người Việt Nam.

Mà đâu phải chỉ một lần. Chỉ riêng ở huyện Tư Nghĩa, từ đầu năm đến nay đã có 13 vụ tai nạn trên biển, trong đó có ba vụ tàu cá bị “tàu lạ” đâm chìm vào ban đêm.

Và trước đó, nhiều tàu thuyền đánh cá của ngư dân ta hành nghề trên lãnh hải của ta bị bắt đòi tiền chuộc vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Bởi thế, dù “tàu lạ” hay “tàu quen” thì cũng là hành vi cướp biển không thể nào không lên án một cách quyết liệt. Phải làm vậy để đánh động dư luận quốc tế, trước hết là dư luận các nước Đông Nam Á, nơi đang cùng có những quyền lợi trên vùng Biển Đông.

Vả chăng, chuyện chống “cướp biển” là chuyện đòi hỏi hành động quốc tế. Việc chống nạn cướp biển Somali trên giao lộ đường biển quốc tế quan trọng vừa qua là một ví dụ sống động. Nhiều nước đã gửi hạm đội của mình đến vùng biển rộng lớn này để phối hợp chống cướp biển vì họ có chung lợi ích.

Đấy là trên những vùng lãnh hải quốc tế mà người ta còn quyết liệt như thế. Huống hồ các tàu thuyền của ngư dân Việt Nam lại bị “tàu lạ” tấn công theo kiểu "cắn trộm" rồi chuồn để dấu tung tích, lại diễn ra ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền của ta, thì lại càng phải biết cách khởi động dư luận quốc tế.

Xưa kia, ông cha ta chưa có điều kiện ấy như chúng ta ngày nay, nhưng do biết khơi dậy bản lĩnh quật cường của dân tộc “có cứng mới đứng được đầu gió”, biểu hiện được khí phách “sóng cả không ngả tay chèo”. Bằng việc khẳng định “Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” mà vua Quang Trung khởi động được sức mạnh của tinh thần tự tôn dân tộc để trong một thời gian ngắn đập tan mấy chục vạn quân xâm lược.

Tinh thần tự tôn dân tộc ấy là sự kế thừa khí phách đời Trần, không thể nào “trông thấy quốc sỉ mà không biết thẹn”như Trần Hưng Đạo đã khơi dậy trong “Hịch tướng sĩ”, tạo nên sức mạnh đánh tan đế quốc Nguyên Mông.

Ngày nay, trong bối cảnh mới của hòa hiếu và hội nhập quốc tế, khí phách ấy phải thể hiện trong các cuộc đối thoại có lý có tình mà sức hậu thuẫn làm nên thắng lợi vẫn là ý chí của cả dân tộc. Bởi vậy, phải khởi động tinh thần yêu nước và lòng tự tôn dân tộc làm cho nó “kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn” như Bác Hồ đã từng căn dặn, tạo thành một động lực mạnh mẽ trong đời sống.

Khi mà bà con ngư dân vẫn đang bị uy hiếp, bị đe dọa đến tính mạng, thì mỗi người Việt Nam vốn thấm thía đạo lý “một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ” không thể nào không hướng ánh mắt ra Biển Đông.

Phải mạnh mẽ lên án hành động tấn công tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam, coi đó như hành động cướp biển trên vùng biển thuộc chủ quyền nước ta , và đưa ra trước công luận quốc tế.

Tương Lai

nguồn vietnamnet.vn

Share this post


Link to post
Share on other sites

Bài học độc lập-tự chủ:

Ta phải tự quyết định số phận của mình

21/07/2009 05:56 (GMT + 7)

(TuanVietNam) - Nhìn lại Hiệp định Geneva, nhà ngoại giao lão thành Võ Văn Sung cho rằng: “Đây là trang sử bi hùng của dân tộc. Bài học lớn cho hậu thế là giữ vững độc lập - tự chủ: Chúng ta phải tự quyết định số phận của mình”.

Ngày 20/7/2009 là đúng 55 năm ký kết Hiệp định Geneva, Tuần Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Võ Văn Sung- đại sứ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà tại Pháp.

Ông cũng là người đã từng tham gia Ban Liên hiệp đình chiến Chiến trường Liên khu Năm cuối năm 1954 trong quá trình thực hiện Hiệp định Geneva, sau này ông là thành viên đoàn đàm phán bí mật Lê Đức Thọ-Kissinger trong thời kỳ Hội nghị Paris.

Nhìn lại Hiệp định Geneva, nhà ngoại giao lão thành Võ Văn Sung cho rằng: “Đây là trang sử bi hùng của dân tộc”. Bài học lớn cho hậu thế là giữ vững độc lập-tự chủ: chúng ta phải tự quyết định số phận của mình”.

“Hiệp định Geneva là thắng lợi lớn của dân tộc”

- Thưa ông Võ Văn Sung, 55 năm đã trôi qua, từ ngày Hiệp định Geneva được ký kết, nhiều người có mong muốn tim hiểu kỹ lưỡng hơn về một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc và đặt câu hỏi: Geneva có thật sự là một thắng lợi ngoại giao?

Đây là trang sử bi hùng của dân tộc! Bởi vì câu chuyện bộ đội và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc, mong ước hai năm sau có tổng tuyển cử thống nhất nước nhà, nhưng hai năm đã biến thành 20 năm chờ đợi và tranh đấu. Bi kịch đó gắn vào từng gia đình Việt Nam cả trong Nam, ngoài Bắc. Nhưng 20 năm là trang sử hào hùng nhất trong lịch sử xây dựng và giải phóng đất nước.

Có người không hiểu, cho rằng Hiệp định Geneva là văn bản được ký kết để chia cắt đất nước Việt Nam. Để hiểu đúng, trước hết không thể tách rời bản Hiệp định với những việc khác. Nếu nhìn tổng thể cả Hội nghị Geneva và bối cảnh thời đó, thì Hiệp định là một thắng lợi lớn của chúng ta về quân sự, chính trị và ngoại giao.

Cụ thể trong các văn kiện đã ký có 3 văn kiện quan trọng nhất là:

1. Hiệp định quân sự chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, ký giữa Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam và Tổng tư lệnh Quân đội Liên hiệp Pháp tại Đông Dương (*). Đó là về quân sự.

2. Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị khẳng định đây là Hiệp định mà Pháp thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của cả ba nước Đông Dương. Theo đó, năm 1955 Campuchia và Lào sẽ tổ chức tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu. Chính phủ được bầu ra là chính phủ của nước Campuchia độc lập và nước Lào độc lập.

Riêng với Việt Nam, là một nước được công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, nhưng trong lúc chờ tổng tuyển cử, tạm thời chia làm hai miền. Quy định ghi rõ ràng, tổng tuyển cử sẽ tiến hành vào 20/7/1956. Trong đó có một nội dung rất quan trọng: giới tuyến quân sự không được xem là biên giới lãnh thổ hay quốc gia, mà chỉ có ý nghĩa tạm thời. Vì vậy không phải vì giới tuyến này mà hiểu nhầm rằng Hiệp định Geneva có tính chất chia cắt đất nước. Đây là một nội dung lớn quan trọng của Tuyên bố chính trị.

3. Trao đổi thư giữa thủ tướng Pierre Mendes-France và Phạm Văn Đồng về mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam DCCH và CH Pháp. Trong đó nêu vấn đề quan hệ kinh tế, văn hóa giữa hai nước; về việc đặt cơ quan Tổng đại diện của Chính phủ CH Pháp tại Hà Nội và sau đó phía Pháp cử ông Sainteny sang làm Tổng đại diện.

Posted Image

Quang cảnh phiên đàm phán. (Ảnh: Freddy Bertrand)

Với những gì đạt được trên bàn đàm phán, Hiệp định Geneva cũng mở ra cho chúng ta thêm một khả năng thống nhất đất nước bằng biện pháp hòa bình thông qua tổng tuyển cử. Lãnh đạo ta biết khả năng này không lớn, bởi vì đứng sau lưng Pháp là Mỹ sẵn sàng nhảy vào Đông Dương thế chỗ.

Mỹ không chịu ký bản Hiệp định và ngay sau khi các bên khác ký kết, Tổng thống Mỹ Eisenhowr lúc bấy giờ tuyên bố rằng nếu tổng tuyển cử thì ít nhất có 80% nhân dân Việt Nam sẽ bầu cho Hồ Chí Minh, có nghĩa là Mỹ không muốn có tổng tuyển cử. Vì vậy đồng chí Lê Duẩn đã ở lại miền Nam để nghiên cứu đường lối giải phóng miền Nam một khi tổng tuyển cử không thành.

Hiệp định Geneva đã đánh dấu một nửa nước được hoàn toàn giải phóng, có thời cơ hoà bình xây dựng. Nhờ vậy, miền Bắc được củng cố để làm hậu phương lớn vững chắc chuẩn bị cho khả năng phải tiếp tục chiến đấu lâu dài giải phóng miền Nam, vì hậu phương là yếu tố thường xuyên quyết định thắng lợi trong chiến tranh. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tiếp theo đã khẳng định điều đó.

Với kết quả như vậy, một lần nữa tôi khẳng định Hiệp định Geneva là một thắng lợi lớn của dân tộc ta lúc bấy giờ.

- Vâng, mục tiêu của chúng ta là thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, nhưng Hiệp định Geneva chỉ giúp chúng ta dành được một nửa đất nước. Điều mà chúng tôi- những người thuộc thế hệ ngày nay, cứ thắc mắc mãi là: Với những gì đã đạt được ở Điện Biên Phủ, lẽ ra thắng lợi của chúng ta trên bàn đàm phán phải to lớn hơn rất nhiều?

Trong văn kiện quân sự, trong tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva, tất cả đều khẳng định: nước Việt Nam độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Chúng ta muốn thống nhất đất nước sau hai năm, vậy mà kéo dài tới 20 năm.

Để trả lời câu hỏi trên, nhìn lại 55 năm qua, chúng ta hãy tự hỏi lại rằng, sức ta khi đó có thể làm được đến đâu? Trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước ác liệt kéo dài, chúng ta có thể nói rằng vào thời điểm ký Hiệp định Geneva quả thật sức ta khi đó không thể làm hơn được nữa.

Tôi nhớ, trong một hội nghị, Bác Hồ đã phê phán có nhiều người chủ quan, nghĩ rằng ta đang thắng ở Điện Biên Phủ, thì ta có thể đánh tuốt luôn. Những người đó chỉ thấy thực dân Pháp, mà không thấy sau lưng Pháp là Mỹ. Nếu đánh Pháp tiếp thì ta có thể, nhưng nếu Mỹ - Pháp cùng hợp tác thì sức ta không đánh tiếp được. Pháp chịu thua Việt Minh, nhưng vẫn hy vọng giữ miền Nam. Khi đó, Mỹ cũng đã chuẩn bị điều kiện để nhảy vào cuộc.

Do vậy, ý nghĩa thắng lợi của Hiệp định Geneva không thuần tuý là ta thống nhất được bao nhiêu phần lãnh thổ. Điều quan trọng hơn là Hiệp định ký kết không dừng lại ở những gì chúng ta đạt được, mà nó tạo tiền đề cho chúng ta chuẩn bị bước tiếp lên chặng đường dẫn đến mục tiêu cuối cùng.

“Không có gì cao hơn lợi ích dân tộc”

Posted Image

Nhà ngoại giao lão thành Võ Văn Sung. Ảnh: vietnamnet

- Nếu đằng sau Pháp là Mỹ thì đằng sau chúng ta cũng có những người bạn lớn. Một trong số những người bạn của chúng ta còn thuộc nhóm Tứ-cường kia mà?

Tất nhiên, chúng ta có chính nghĩa nên xét về đạo lý thì các đồng minh của ta là Liên Xô, Trung quốc và các nước thuộc phe Xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ phải ủng hộ cuộc đấu tranh của chúng ta, coi đó là nghĩa vụ không thể thoái thác. Mà thật sự các bạn cũng đã giúp chúng ta rất nhiều. Nhưng mặt khác, cũng phải thấy rằng, mỗi nước có cái chung nhưng mỗi nước bao giờ cũng có vị trí riêng, có lợi ích riêng nên việc giúp đỡ chúng ta còn phụ thuộc vào lợi ích riêng của từng nước.

Trong giai đoạn đó, các bên đều có nhu cầu ổn định hoà bình, đều mong muốn xây dựng đất nước. Chẳng hạn, Trung Quốc muốn có hòa bình ở Đông Dương, nhưng phải là một nền hòa bình có lợi nhất đối với lợi ích quốc gia của họ, vừa tạo được một khu đệm ở Đông Dương với nhiều vùng lãnh thổ riêng biệt và tránh đối đầu trực tiếp với Mỹ, vừa ngăn chặn bất cứ nước nào có thể tạo lập ảnh hưởng ở khu vực này.

Trung Quốc muốn trở thành nước lớn thứ 5, nên muốn nhân dịp này chen vai thích cánh với Tứ-cường. Vì vậy, trong vấn đề Triều Tiên, do "kháng Mỹ, viện Triều" mà Trung Quốc có tiếng nói với Bắc Triều Tiên. Trong vấn đề Việt Nam, Trung Quốc có giúp Việt Nam, nhưng cuộc kháng chiến là do nhân dân Việt Nam tự tiến hành. Làm thế nào để tham gia và có vai trò góp phần thúc đẩy Việt Nam đi đến một giải pháp?

Liên Xô cũng muốn hoà hoãn với Mỹ và tất cả các nước phương Tây, trong đó tăng cường quan hệ với Pháp, nhằm tranh thủ Pháp trong các vấn đề ở châu Âu, vốn là một ưu tiên của nước này vào thời điểm đó.

Trong bối cảnh như vậy, Hội nghị Geneva nhóm họp do sáng kiến và yêu cầu của các nước lớn nhằm thảo luận và tìm giải pháp cho hai cuộc chiến tranh nóng là chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Đông Dương. Vì vậy sau trận Điện Biên Phủ, nếu ta tiếp tục đánh tới thì cả Liên Xô và Trung Quốc sẽ không giúp ta nữa.

Xuất phát từ những tính toán chiến lược như vậy, trong đàm phán về giải pháp cho Việt Nam và Đông Dương, Liên Xô và Trung Quốc một mặt đấu tranh bảo vệ lợi ích của ta, mặt khác có những thỏa hiệp và đồng thời thúc đẩy chúng ta nhân nhượng, nhằm đưa Hội nghị đạt đến kết quả họ mong muốn. Chắc chắn chúng ta mong đạt được nhiều hơn, nhưng ta phải biết nắm cơ hội và biết điểm dừng.

- Vậy với những gì đã diễn ra trong lịch sử, thưa ông, khi đàm phán Hiệp định Geneva, chìa khóa của vấn đề Việt Nam nằm ở đâu, ở Bắc Kinh hay Moskva?

Trong thời kỳ Hội nghị Paris, cũng có người đặt câu hỏi tương tự như trên, và tôi đã giải thích cho người ta hiểu, thực chất là chìa khóa phải nằm ở Hà Nội. Bác Hồ, rồi thông qua bài học Hiệp định Geneva và Hiệp định Paris đều dạy cho chúng ta một điều là chúng ta phải làm chủ sự nghiệp và vận mệnh của mình.

- Có vẻ như một số học giả đã đúng khi cho rằng, một số người bạn lớn đã vì lợi ích dân tộc của họ để ép Việt Nam phải nhân nhượng nhiều! Phải chăng đó là giới hạn của chủ nghĩa quốc tế vô sản lúc bấy giờ?

Không nên ảo tưởng vào cái gì cao hơn lợi ích của dân tộc, trừ lợi ích duy nhất mang tính trách nhiệm của toàn nhân loại, như là một nền hòa bình đích thực.

Trong quan hệ giữa các quốc gia, ai cũng vậy, giúp người khác cũng vì lợi ích của chính mình. Không có cái gì là cho không, biếu không.

Posted Image

Ký Hiệp định đình chiến 1954. (Ảnh: Freddy Bertrand)

Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh

- Quả là một bài học thấm thía. Một bài học lớn về bang giao!

Chúng ta thường nghe nói chính nghĩa là tất thắng. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Lịch sử nước ta và cả thế giới không thiếu những ví dụ khi chính nghĩa phải chờ đợi. Vì vậy tôi muốn nói thêm rằng chúng ta phải biết tạo điều kiện để chính nghĩa thắng lợi. Trong hoàn cảnh Việt Nam, điều kiện để chính nghĩa toàn thắng chính là phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh, trong đó có phương pháp ngoại giao. Cái mà tôi tâm đắc qua Hiệp định Geneva và Hiệp định Paris sau này là bài học về trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh.

- Ông có thể mô tả thế nào về trường phái ngoại giao của Hồ Chí Minh?

Bài học thứ nhất, vì nước ta là nước nhỏ phải đương đầu với các đế quốc hùng mạnh nhất, mà chỉ đem sức quân sự ra đấu thì không thể thắng nổi. Vì thế chúng ta phải dùng sức tổng hợp, tất cả gắn kết với nhau, quân sự - chính trị - ngoại giao.

Tôi nghiên cứu nhiều tài liệu, nhưng không thấy có nước nào vừa đánh - vừa đàm như ở nước ta. Kết hợp quân sự - ngoại giao, lấy quả đấm quân sự đi đôi với đàm phán ngoại giao, vận động chính trường quốc tế, động viên nhân dân bạn bè trên thế giới, tất sẽ dẫn đến thắng lợi. Đó là nghệ thuật ngoại giao của Bác Hồ. Thành quả lịch sử trong cuộc đấu tranh lâu dài của nhân dân ta là một trận Điện Biên Phủ trên mặt đất đưa đến Hiệp định Geneva tại bàn đàm phán và một trận Điện Biên Phủ trên không đưa đến Hiệp định Paris. Tôi gọi đó là sự trùng hợp kỳ tác lịch sử, có một không hai trên thế giới, là thể hiện chói lọi của trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh.

Thứ hai, bài học “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Bác Hồ nghĩ ra cách sáng tạo trong ngoại giao, với cách làm của người biết lượng sức mình, lượng sức người. Đi bước nào chắc bước ấy. Bước trước chuẩn bị điều kiện cho bước sau. Đi từ thắng lợi từng bước đến thắng lợi hoàn toàn.

Thứ ba, Bác Hồ luôn nhắc nhở đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, tạo sức mạnh cho dân tộc. Lấy sức mạnh đó để làm nên sự nghiệp lớn. Hơn nữa trong thời đại ngày nay để đối mặt với thực tế và giành thắng lợi trong đấu tranh và xây dựng, chúng ta phải gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại bằng phương pháp ngoại giao Hồ Chí Minh.

Thứ tư, Hội nghị Geneva dạy cho chúng ta một bài học là “bạn có lợi ích của bạn”. Ta phải hiểu điều đó để luôn chủ động. Có khi đối với hai người bạn của ta, nhưng lợi ích của bạn này với bạn kia khác nhau. Vậy thì ta có thể dùng lợi ích bạn này để thuyết phục bạn kia. Nhưng có một điều phải khẳng định, bạn có lợi ích và vị trí riêng của bạn, có thể khác nhau và khác ta. Phải hiểu điều đó một cách tỉnh táo. Đó là quy luật cuộc sống, không nên vì tình cảm nhất thời, dẫn đến chủ trương hành động thái quá, gây nên chuyện không tốt. Người hiểu biết thì đại sự biến thành trung sự, trung sự biến thành tiểu sự, tiểu sự biến thành vô sự.

Và một bài học lớn là ta phải biết độc lập-tự chủ, quyết định cuối cùng phải là của chúng ta. Chúng ta phải tự quyết định số phận của mình, không được phó thác cho bất kỳ ai khác.

- Vậy “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong Hiệp định Geneva đã được vận dụng ra sao?

Trong Hiệp định Geneva, cái “bất biến” là Việt Nam độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đến Hiệp định Paris sau này. Còn “vạn biến” là trong lúc chưa thực hiện được mục tiêu đầy đủ, có thể nghĩ ra hàng vạn cách, kể cả để một nửa nước tạm thời chưa được giải phóng, rồi từng bước, từng bước tiến tới đạt được mục tiêu bất biến. Đó là một phương pháp ngoại giao, trong trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh.

- Và trong bối cảnh khu vực đang có nhiều tranh cãi như hiện nay, theo ông "ứng vạn biến" phải nên thực hiện như thế nào để chúng ta có thể bảo vệ tốt nhất độc lập, chủ quyền lãnh thổ?

Thứ nhất, phải biết chung sống hòa bình. Còn cách làm thế nào thì tùy từng ngày, từng tháng, từng năm, tùy từng động thái. Cơ bản là chung sống hòa bình. Ta không thể bê họ đi chỗ khác, cũng không thể chạy đi chỗ khác ở. Do vậy chung sống hòa bình là thượng sách.

Thứ hai, chúng ta phải có thêm bạn, thêm người ủng hộ trên thế giới.

Thứ ba, phải áp dụng phương pháp ngoại giao Hồ Chí Minh.

- Xin trân trọng cám ơn nhà ngoại giao lão thành Võ Văn Sung đã dành thời gian trò chuyện với Tuần Việt Nam.

  • Thu Hà – Linh Thuỷ (thực hiện)
(*) Gọi tắt là Hiệp định đình chiến, ký giữa hai người thay mặt Tổng tư lệnh quân đội hai bên là Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Dân chủ cộng hoà Tạ Quang Bửu và Thiếu tướng Pháp Delteil.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Hy sinh lợi ích nước nhỏ

21/07/2009 05:25 (GMT + 7)

(TuanVietNam) - Mặc dù là những cuộc họp bàn về vấn đề Đông Dương, nhưng Hội nghị Geneva ban đầu không hề có tên các nước Đông Dương trong thành phần tham dự. Bước vào Hội nghị, nhiều cuộc đàm phán cũng được tách khỏi diễn đàn đa phương, để rồi một số quyết định được đưa ra trong các cuộc họp kín đó mà không có sự tham gia của bên có số phận liên quan.

Kỳ 1: Vai trò của nước lớn trong Hội nghị Geneva

LTS: Không có gì phải bàn cãi, Hiệp định Geneva là một thắng lợi lớn của dân tộc ta lúc bấy giờ. Mặc dù 55 năm đã trôi qua, nhiều người vẫn muốn quan tâm tìm hiểu sâu sắc hơn về giai đoạn lịch sử bi hùng này của dân tộc. Đã có rất nhiều những bài viết, hội thảo về Hiệp định Geneva.

Nhiều quan điểm trong các bài viết có thể gây tranh cãi hoặc cần được thảo luận thêm. Tuy nhiên, việc đăng tải chuyên đề này của Tuần Việt Nam không ngoài mục đích cung cấp cho bạn đọc một số chi tiết lịch sử có thể còn ít người biết, đồng thời, cũng để khẳng định rằng: Chỉ có huy động được tinh thần dân tộc và lòng yêu nước trong mỗi người Việt Nam, đoàn kết một lòng, chúng ta mới có thể tập trung được sức mạnh của cả dân tộc để tiến lên, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn của đất nước.

Căng thẳng, đàm phán và thỏa hiệp

4h chiều ngày 8/5/1954, gần một ngày sau khi tập đoàn cứ điểm của Pháp tại Điện Biên Phủ thất thủ, Hội nghị Geneva khai mạc. Phái đoàn Pháp mặc đồ đen tang tóc. Đoàn Việt Nam DCCH đến dự với tư thế người vừa thắng trận vẻ vang.

Suốt một tháng đầu, Trưởng đoàn Việt Nam DCCH, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cương quyết yêu cầu Pháp phải rút quân khỏi Việt Nam và để nhân dân Việt Nam tự giải quyết các mâu thuẫn. Phía Pháp từ chối, ông Phạm Văn Đồng không nhượng bộ. Hội nghị sa vào bế tắc.

Ngày 20/6, Thủ tướng mới của Pháp Mendès-France nhậm chức, tuyên bố sẽ giải quyết vấn đề Đông Dương trong thời hạn 1 tháng, nếu không nội các sẽ từ chức. Và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã chứng tỏ mình là một trong những nhà ngoại giao xuất sắc của thế kỷ 20 khi ngay lập tức nhận về cho Trung Quốc vai trò đàm phán đại diện cho các nước Đông dương, nhằm phá vỡ thế bế tắc ở hội nghị.

Posted Image

Toàn cảnh Hội nghị Geneva 1954. (Ảnh: Freddy Bertrand)

Chu Ân Lai và Mendès-France đã tiến hành nhiều cuộc hội đàm kín, mà những phát biểu, diễn văn chính thức tại Hội nghị sau đó đều chỉ còn mang tính chất “trình diễn”.

Ngày 23/6, Chu Ân Lai bí mật thu xếp gặp Mendès-France tại ĐSQ Pháp ở Thụy Sĩ. Chu thay bộ quân phục màu xám thường lệ để mặc Âu phục complet. Ông nói với người đồng nhiệm Pháp rằng Trung Quốc muốn trước hết là ngừng bắn ở Đông Dương, sau đó mới bàn đến giải pháp chính trị cho khu vực này. (Đây là luận điểm hoàn toàn khác với mong muốn độc lập cho toàn Việt Nam của cả Việt Nam DCCH lẫn Việt Nam Quốc gia).

Chu Ân Lai tán thành khả năng có “hai nước Việt Nam”, và nhấn mạnh mục tiêu duy nhất của Trung Quốc là hòa bình trong khu vực, Trung Quốc “không có tham vọng gì hơn và không áp đặt điều kiện nào khác”. Chia cắt Việt Nam chỉ là tạm thời trước khi có hiệp thương tổng tuyển cử để thống nhất hai miền.

Các cuộc đàm phán bắt đầu biến chuyển theo hướng thương lượng để xác định giới tuyến phân cách Việt Nam và thời điểm tiến hành tổng tuyển cử. 3h30 sáng 21/7/1954, Hội nghị Geneva kết thúc với một bản Tuyên bố cuối cùng chia cắt Việt Nam tại vùng vĩ tuyến 17, thời hạn tổng tuyển cử là hai năm kể từ ngày ký.

Tối 22/7, Chu Ân Lai tổ chức dạ tiệc chia tay các đoàn. Trong số khách mời có cả Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng lẫn Ngô Đình Luyện, em trai Thủ tướng Ngô Đình Diệm của phía Việt Nam Quốc gia.

Trong bữa tiệc, Chu làm như ngẫu nhiên, đề nghị chính quyền Sài Gòn mở cơ quan đại diện ngoại giao ở Bắc Kinh: “Tất nhiên, về mặt ý thức hệ thì Phạm Văn Đồng gần gũi chúng tôi hơn, nhưng điều đó không loại bỏ việc có đại diện từ miền Nam. Suy cho cùng, chẳng phải tất cả các đồng chí đều là người Việt Nam, và chẳng phải tất cả chúng ta đều là người châu Á hay sao?”.

Posted Image

Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Trưởng đoàn Việt Nam DCCH - tại Hội nghị Geneva. (Ảnh: Freddy Bertrand)

Đông Dương hay “chiến trường ý thức hệ”

Hội nghị Geneva 1954 được tổ chức theo quyết nghị giữa Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp tại Hội nghị tứ cường ở Berlin đầu năm 1954. Sau đó Liên Xô đã thuyết phục phương Tây để CHDCND Trung Hoa cũng được tham dự.

5 nước đã họp tại Geneva từ ngày 26/4 để bàn về các vấn đề tranh chấp trên thế giới, trong đó Đông Dương chỉ là một nội dung trong chương trình nghị sự, và các nước nhỏ có quyền lợi liên quan đều không được mời dự.

Posted Image

(Nguồn ảnh: casahistoria.net)

Mãi đến ngày 2/5, Hội nghị mới chấp thuận đề nghị của Liên Xô mời thêm các phe lâm chiến tại Đông Dương (Việt Nam DCCH, Việt Nam Quốc gia, Lào, Campuchia). Như vậy, xuất phát điểm Hội nghị Geneva đã chỉ là cuộc họp của các nước lớn.

Trước đó, cuộc kháng chiến chống Pháp, giải phóng dân tộc của Việt Nam đã bị quốc tế hóa: Từ năm 1950 (tức là ngay sau năm 1949 thành lập nước CHDCND Trung Hoa), quân đội và nhân dân Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ và viện trợ từ Trung Quốc và Liên Xô.

Trong khi đó, phía Pháp cũng được Mỹ cung cấp tài chính và vũ khí. Viện trợ từ năm 1950 là 10 triệu USD, đến năm 1954 đã tăng lên trên 2 tỷ USD, chiếm 70% chi tiêu quân sự của Pháp ở Đông Dương.

Nghĩa là chiến trường ở Việt Nam tuy không có sự giao tranh trực tiếp giữa quân Trung Quốc và quân Mỹ như ở bán đảo Triều Tiên, nhưng cuộc chiến cũng đã bị quốc tế hóa. Và hội nghị bàn về nó – Hội nghị Geneva – là nơi các nước lớn gặp nhau để mặc cả và kiếm phần lợi nhất về cho mình.

  • Mỹ đến với Hội nghị Geneva nhằm ngăn cản một giải pháp có lợi cho “phe cộng sản”. Chiến tranh Lạnh đang dâng cao: ở châu Âu, Mỹ chống Liên Xô; ở châu Á, Mỹ phải bằng mọi cách kiềm tỏa Trung Quốc và Việt Nam DCCH.
  • Liên Xô mặc dù đã thuyết phục phương Tây chấp thuận đưa Trung Quốc và các nước nhỏ ở Đông Dương vào bàn đàm phán, nhưng đằng sau tinh thần quốc tế vô sản, Liên Xô cũng mong muốn ngăn cản Mỹ và cả Trung Quốc có ảnh hưởng tại Đông Dương, nhất là không để Mỹ và Trung Quốc biến nơi đây thành căn cứ quân sự.
  • Pháp lúng túng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Phong trào phản chiến trong công luận Pháp đang dâng lên. Sau thất thủ tại Điện Biên Phủ, tướng Navarre xin thêm hai sư đoàn viện binh nhưng bị từ chối. Đối với Pháp, Hội nghị Geneva là một diễn đàn đa phương để Pháp tìm cách rút lui khỏi Việt Nam trong danh dự, tránh phải đàm phán trực tiếp với Việt Nam DCCH.
  • Anh lo duy trì quyền lợi ở Hong Kong và đại lục nên muốn duy trì quan hệ bình thường ở mức độ nào đó với CHDCND Trung Hoa. Tuy nhiên, là đồng minh của Mỹ, Anh cũng lo ngại ảnh hưởng lan rộng của “phe cộng sản” tại châu Á.
Lợi ích quốc gia là trên hết

Cuối cùng là Trung Quốc. Theo ông Trần Quang Cơ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, “việc giải quyết vấn đề Đông Dương không phải là mục tiêu duy nhất mà Chu Ân Lai theo đuổi ở Geneva. Trung Quốc còn có hai mục tiêu khác không kém quan trọng”. (**)

Đó là đi tới thiết lập quan hệ với các nước Tây Âu để có một nước CHDCND Trung Hoa được công nhận như một trong các cường quốc thế giới; trấn an và gây ảnh hưởng chính trị đối với các nước châu Á.

Từ góc độ của người Mỹ, nhà báo - sử gia Stanley Karnow cho rằng mục tiêu chính của Trung Quốc là gạt bỏ mọi cớ để Mỹ can thiệp vào Đông Dương và một lần nữa đe dọa Trung Quốc. Vì thế, Chu Ân Lai phải tìm ra một giải pháp giúp Pháp ít nhất là duy trì được một phần chỗ đứng ở Đông Dương, ngăn cản khả năng Mỹ can thiệp ồ ạt vào khu vực.

Posted Image

Những sĩ quan Pháp cuối cùng rời Hà Nội theo Hiệp định đình chiến (một trong các văn kiện của Hội nghị Geneva 1954). (Nguồn ảnh: ttvnol.com)

Để làm như thế, không thể không hy sinh mục tiêu giành độc lập hoàn toàn của Việt Nam DCCH. “Nhưng Chu đã đặt các ưu tiên của Trung Quốc lên trước” – Stanley Karnow nhận định. “Chính sách ngoại giao của Trung Quốc, qua hàng thế kỷ, luôn là chia nhỏ Đông Nam Á để có thể gây ảnh hưởng lên từng nước… Một nước Việt Nam chia cắt sẽ tốt cho Trung Quốc hơn là một quốc gia láng giềng thống nhất”.

Nhìn lại lịch sử, nhiều người có thể có thái độ trách móc khi nghĩ về một nền độc lập, thống nhất bị đổ vỡ; họ cho rằng khả năng thống nhất được hai miền Việt Nam là khả thi nếu không có sự can thiệp của những nước lớn.

Bản thân Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng – người đã chứng kiến việc Chu Ân Lai mời đại diện chính quyền Sài Gòn tới dự tiệc và gợi ý mở cơ quan ngoại giao tại Bắc Kinh – cũng đã cay đắng nói với một trợ lý về sự “hai mặt” của Chu Ân Lai.

Nhưng suy cho cùng, mỗi nước lớn đều đã đến dự Hội nghị Geneva với toan tính riêng của họ (chỉ có một điểm chung là sự cần thiết phải ngừng bắn ở Đông Dương). “Tất cả đều đã lấy những lợi ích quốc gia của họ làm phương hướng chỉ đạo hoạt động ngoại giao khi đến Hội nghị” – ông Trần Quang Cơ nhận định. “Tính chất và những giới hạn của chủ nghĩa quốc tế vô sản là một trong những điều có thể rút ra từ đó”.

Hội nghị Geneva thực chất đã là cuộc đàm phán của các nước lớn, và là nơi chứng minh một sự thật: Nước nào cũng chỉ quan tâm đến lợi ích của chính họ và luôn đặt lợi ích đó lên hàng đầu khi cần thương thảo. Như Talleyrand đã nói một câu nổi tiếng, các quốc gia không có bạn bè hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là vĩnh cửu.

Kỳ sau: Bài học từ nỗi đau chia cắt

Đoan Trang

(*) Tư liệu trong cuốn Vietnam: A History, Stanley Karnow, 1983

(**) Tư liệu trong cuốn Hiệp định Geneva - 50 năm nhìn lại, Bộ Ngoại giao và NXB Chính trị Quốc gia, 2008

Ngoài ra tác giả còn tham khảo tư liệu trong cuốn Genève Ville de Paix, 2004

Share this post


Link to post
Share on other sites

Vai trò của nước lớn trong Hội nghị Geneva

20/07/2009 15:30 (GMT + 7)

(TuanVietNam) - “Tôi chưa từng biết tới một hội nghị nào như thế. Các bên tham gia đều không liên hệ trực tiếp, và tất cả chúng tôi đều luôn luôn ở trong tình trạng có thể một bên nào đó sẽ sập cửa bỏ về” - cựu Ngoại trưởng Anh Anthony Eden, chủ tọa các phiên họp tại Hội nghị Geneva 1954, hồi tưởng về một trong những hội nghị lịch sử của thế kỷ 20.

LTS: Không có gì phải bàn cãi, Hiệp định Geneva là một thắng lợi lớn của dân tộc ta lúc bấy giờ. Mặc dù 55 năm đã trôi qua, nhiều người vẫn muốn quan tâm tìm hiểu sâu sắc hơn về giai đoạn lịch sử bi hùng này của dân tộc. Đã có rất nhiều những bài viết, hội thảo về Hiệp định Geneva.

Nhiều quan điểm trong các bài viết có thể gây tranh cãi hoặc cần được thảo luận thêm. Tuy nhiên, việc đăng tải chuyên đề này của Tuần Việt Nam không ngoài mục đích cung cấp cho bạn đọc một số chi tiết lịch sử có thể còn ít người biết, đồng thời, cũng để khẳng định rằng: Chỉ có huy động được tinh thần dân tộc và lòng yêu nước trong mỗi người Việt Nam, đoàn kết một lòng, chúng ta mới có thể tập trung được sức mạnh của cả dân tộc để tiến lên, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn của đất nước.

Ông Eden không nói quá, vì hội nghị mà ông làm Chủ tịch đó thật sự là một hội nghị “ba bè bảy mối”, diễn ra trong một bối cảnh quốc tế hết sức phức tạp: Chiến tranh Lạnh đang ở thời kỳ đầu, chiến tranh Triều Tiên - hay là cuộc đụng đầu trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc trên bán đảo này - vừa kết thúc. Thế giới đã thực sự chia thành hai phe, và bản thân mỗi phe cũng không đồng nhất.

Các nhà ngoại giao và chính trị Mỹ được lệnh phải giữ khoảng cách với Trung Quốc, đề phòng một nụ cười cũng có thể bị diễn giải thành một sự thừa nhận chính thức. Ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles thậm chí còn từ chối bắt tay với Thủ tướng Chu Ân Lai, và giễu cợt rằng họ có thể gặp nhau khi chẳng may đụng xe ngoài đường.

Nhà báo Mỹ Stanley Karnow, người từng có mặt ở miền Nam Việt Nam từ tháng 7/1959, cũng nhận xét rằng “phái đoàn của Việt Nam DCCH tránh gặp các đại diện của Bảo Đại” (tức phái đoàn Quốc gia Việt Nam - TVN), và tỏ thái độ tẩy chay Pháp.

Không khí đó khiến Hội nghị được Stanley Karnow mô tả như “một căn nhà xây bằng các lá bài”, và khiến cựu Ngoại trưởng Anh Anthony Dulles phải thốt lên rằng ông “chưa từng biết tới một hội nghị nào như thế”.

Để mô tả sự căng thẳng trong cuộc đàm phán lịch sử này, xin trích lời ông Trần Văn Tuyên - một trong những người từng tham gia Hội nghị, thành viên phái đoàn của chính quyền Bảo Đại: “16h chiều ngày 8/5, Hội nghị chính thức khai mạc. Bầu không khí nặng nề tang tóc vì Điện Biên Phủ vừa thất thủ được 24 giờ. Những phái đoàn các nước tự do lục tục tới, hỗn độn tới. Kẻ đến trước, người đến sau, không có trật tự, không có hàng ngũ, không có thể thức.

Giờ họp đã sắp tới, dãy ghế khu cộng sản vẫn trống, không thấy một bóng người nào. Đúng 4 giờ kém 2 phút, người ta thấy Ngoại trưởng Liên Xô Molotov bước vào phòng họp, sau ông là phái đoàn Nga trịnh trọng nghiêm trang… 4 giờ đúng, Chủ tịch phiên họp là Ngoại trưởng Eden tuyên bố khai mạc”.

Posted Image

Quang cảnh Hội nghị Geneva 1954. (Nguồn ảnh: n1asphost.com)

Chuyện ăn ở và ý đồ chính trị

Sự căng thẳng đã bắt đầu từ trước khi Hội nghị bắt đầu. Tại Hội nghị Geneva, mỗi nước lớn đều coi trọng từng hành vi ứng xử của mình, xem đó như thông điệp ngầm gửi tới đối phương và công luận.

Điều này thể hiện ngay trong chuyện ăn ở. Trong khi tất cả các đoàn đến dự Hội nghị Geneva đều thuê biệt thự, thì phái đoàn Mỹ lại thuê khách sạn (L’Hôtel du Rhône) và đăng ký ở chỉ một tuần. Hành động của của Ngoại trưởng Foster Dulles tất nhiên không nhằm “chơi trội”, mà nó cho thấy thái độ mà họ muốn thể hiện: không cam kết gì với Hội nghị, sẵn sàng đến và đi bất cứ lúc nào.

Ngược với tâm thế đó của Mỹ, phái đoàn Trung Quốc do Chu Ân Lai làm trưởng đoàn, kéo tới Geneva với hơn 200 người, gồm cả đầu bếp riêng. Họ ngụ tại một biệt thự lớn, cực kỳ sang trọng, Grand Mont-Fleuri, và mang theo đến đây cả đèn lồng, thảm, đồ cổ Trung Hoa để trang trí.

Điều gì nằm sau sự lựa chọn xa hoa ấy? Đó là hàm ý: Trung Quốc sẵn sàng ở lại Geneva thật lâu để theo đuổi hội nghị đến cùng. Thêm nữa, dẫu sao đây cũng là lần đầu tiên những đại diện cho chính quyền Trung Hoa của Mao Trạch Đông xuất hiện tại một hội nghị quốc tế lớn, ngang hàng với tứ cường Mỹ, Nga, Anh, Pháp. (Với tâm cảm của một nước lần đầu ra mắt thế giới, thậm chí phái đoàn Trung Quốc còn mang cả… chuột bạch theo để thử thức ăn. Chuyện này được tài liệu của chính phía Trung Quốc ghi lại).

Anthony Eden cũng xa hoa không kém khi thuê Reposoir, biệt thự thế kỷ 18, nằm trong công viên. Nga thuê một biệt thự khá lớn bên hồ là Village Blange. Trưởng đoàn Pháp Georges Bidault ngụ tại biệt thự Joli-Port, kế bên nơi ở của Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Đoàn Việt Nam DCCH thuê một villa nhỏ xinh là Le Cèdres.

Nhưng “74 ngày ở gần nhau trong cái thành phố Thụy Sĩ yên ả này không làm cho các nhà ngoại giao phá bỏ được không khí căng thẳng và nghi kỵ lẫn nhau” – Stanley Karnow viết. (*)

Ông Karnow còn chưa đề cập tới khía cạnh ngược lại, đó là sự tin cậy và phụ thuộc quá mức đối với đồng minh, trong một số trường hợp.

Đoan Trang

(*) Trích dịch từ cuốn Vietnam: A History, Stanley Karnow, 1983

Ngoài ra, tác giả có tham khảo tư liệu từ cuốn HIệp định Geneva 50 năm nhìn lại (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ).

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay