thanhdc

Ngôi đình 330 tuổi đang chết dần ở TP.HCM

2 bài viết trong chủ đề này

Cập nhật lúc 17:35, Thứ Tư, 15/07/2009 (GMT+7) Vietnamnet - Báo cáo tổng kết 7 năm thực hiện luật Di sản văn hóa của Bộ VH-TT-DL tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, TP.HCM có 18 trong số 55 di tích xếp hạng quốc gia bị xâm phạm. Thực tế, số lượng và mức độ bị xâm hại của các di tích tại TP.HCM "sống động" hơn nhiều những con số khô khan trên. Địa chỉ đầu tiên là đình Thông Tây Hội, ngôi đình cổ rộng 5.188m2 nay chỉ còn 1.500m2.

Ngôi đình cổ chết từ bên trong

Xây dựng vào năm 1679, đình Thông Tây Hội trên đường Thống Nhất (P.11, Q. Gò Vấp, TP.HCM) được xem là ngôi đình cổ nhất của vùng đất Sài Gòn - Gia Định. Dù nhìn bên ngoài, đình vẫn giữ được hình hài, nhưng sự tàn phá của thời gian lẫn con người đã làm ngôi đình này chết dần từ bên trong.

Theo tài liệu chúng tôi có được, ban đầu đình được xây dựng bằng gỗ lá. Về sau, đình được cất lại bằng gỗ lợp ngói, nhỏ và đơn giản. Sau nhiều lần trùng tu, ngôi đình hình thành với đường nét kiến trúc phù hợp với kiến trúc tôn giáo ở miền Nam thế kỷ 18 - 19.

Posted ImageCột kèo bị ruỗng mục

Đình Thông Tây Hội trước đây vốn có diện tích 5.188m2, xoay mặt về hướng đông, có chánh điện, võ ca (nơi tổ chức hát bội vào những dịp tế lễ), nhà hội sở (nơi tiếp khách) cùng một vài công trình phụ khác. Bên trong chánh điện có 8 hàng cột mỗi hàng 6 cây. Bốn cây cột cái cao nhất nằm ngay vị trí trang trọng bao trọn ban thờ thần. Tất cả các cột trong chánh điện đều được chạm trổ hoa văn. Từ ngoài sân nhìn lên nóc chánh điện, hình tượng lưỡng long tranh châu bằng đất nung tráng men xanh rất sống động.

Đình thờ hai vị thần Đông Chinh Vương và Dục Thánh Vương vốn là hai hoàng tử con vua Lý Thái Tổ, được mệnh danh là "Thủy tổ khai hoang" trong lịch sử Việt Nam.

Mưa xối vào bằng Di tích quốc gia

Khuôn viên đình Thông Tây Hội bị các hộ dân lấn chiếm xây nhà, trường học cũng được xây lên một phần ở đây nên diện tích hiện tại thu hẹp chỉ còn 1.500m2. Bản thân ngôi đình bị xuống cấp nghiêm trọng. Mái ngói âm dương sau nhiều năm không bảo quản tốt đã bị dột. Nước mưa theo cột chảy xuống làm hư mục rất nhiều rui, mè, kèo, trính.

Posted ImageKính chắn mưa vỡ tan

Do thiếu bàn tay chăm sóc, mối mọt đã xông vào và có khả năng ăn ruỗng cột, còn trên những lá kèo đã xuất hiện nhiều tổ mối. Chánh điện, võ ca được trùng tu, nâng nền lại từ năm 1998, nhưng do tận dụng những cây gỗ cũ, nên chất lượng không tốt. Riêng hội sở (nơi dành tiếp khách) chưa được nâng nền, nước mưa từ sân đình chảy xuống ngập lênh láng.

Trong chánh điện, chỉ một cơn mưa nhỏ, nước đã chảy xuống ướt sũng nền nhà. Phần kính được lắp đặt trong lần trùng tu trước để chắn mưa đã bị vỡ vụn. Nước mưa vô tư xối thẳng vào tấm bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia!

Trong khi đó, ở sân đình, gạch lát sân đã vỡ nát gần như toàn bộ. Lá khô, rác thải sinh hoạt như bịch nhựa, vỏ chai tung tóe khắp nơi. Mùi hôi của các loại chất phóng uế bừa bãi xông lên nồng nặc. Người dân còn tụ tập buôn bán tạo cho sân đình một cảnh quan vô cùng nhếch nhác.

Posted ImageMột cơn mưa nhỏ, nền chánh điện đã thế này

Sân đình cũng là bãi đáp của dân hút chích. Ống kim tiêm bỏ vương vãi nhiều nơi cạnh đình, dù trụ sở Công an P.11, Q.Gò Vấp nằm cạnh bên được xây dựng trên phần đất vốn trước đây thuộc khuôn viên đình.

Miếu thờ phải né nhà dân

Về cơ bản, nhiều di vật quí của ngôi đình vẫn còn. Những nét chạm trổ tinh xảo trên các rường cột còn khá nguyên vẹn. Nhiều bàn thờ khảm xà cừ vẫn chưa bị thời gian và bàn tay con người tàn phá. Các bộ liễn, hoành phi câu đối khắc trên thân cột vốn hiếm thấy trong các đình chùa ở miền Nam nhưng tại ngôi đình này vẫn còn rực rỡ.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tý, người canh giữ ngôi đình từ 12 năm nay cho biết phần võ ca đã được trùng tu nhưng còn thiếu hai phần cánh, chiều rộng mỗi cánh khoảng 4m. Đã có nhiều "Mạnh thường quân" ủng hộ xây dựng nhưng phần đất bên cánh phải đã bị lấn chiếm, còn không đủ 3m, nên việc xây dựng không thể thực hiện được.

Posted ImageNhà dân chiếm dụng, bao vây ngôi đình cổ

Ngoài ra, trên phần đất có nhiều miếu thờ cũng đã bị nhà dân chiếm dụng nên đành phải dời những miếu này về sát cạnh đình. Miếu bà cũng trong tình trạng tương tự. Phần đất của Miếu bà hiện nay được trưng dụng để xây dựng trường học và trụ sở công an phường nên miếu cũng phải di dời.

Ông Tý cho biết thêm, muốn nâng nền của ngôi đình thì chỉ cần dỡ ngói và đưa cột cao lên. "Nhưng chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đã kéo theo nhiều hệ lụy, cần đến một khoản kinh phí khá lớn. Trong khi đó về mặt quản lý, nhà nước chưa có sự quan tâm đúng mức".

Đình Thông Tây Hội đang đứng trước nguy cơ chết mòn. Ngôi đình cổ xưa nhất vùng Sài Gòn - Gia Định đang thiếu bàn tay chăm sóc và tiếng nói của những người có trách nhiệm. Nhưng trước hết, cần sớm "chặt" những bàn chân vô ý thức của những kẻ đang dẫm đạp lên di sản mà cha ông để lại cho hậu thế.

  • Lê Du An - Trần Đình
Bài 2: Nguy cơ tiêu vong khu nhà cổ gần 200 năm tuổi

Nguồn: vietnamnet.vn

Share this post


Link to post
Share on other sites

Nguy cơ tiêu vong khu nhà cổ gần 200 tuổi

Cập nhật lúc 10:58, Thứ Sáu, 17/07/2009 (GMT+7)

Vietnamnet - Khu nhà cổ gần 200 năm tuổi ở phường Tăng Nhơn Phú A, Q.9, TP.HCM nằm ngay phía sau đình Tăng Phú - di tích kiến trúc cấp thành phố duy nhất được phép giữ lại trong khu quy hoạch công nghệ cao, đang có nguy cơ biến mất.

TIN LIÊN QUAN

Ngôi đình 330 tuổi đang chết dần ở TP.HCM

Bùi ngùi nhà cổ

Cách đình Tăng Phú chưa đầy 100m, khu nhà cổ nằm trên con đường mòn mọc đầy cỏ, trông như bị bỏ hoang vì gia chủ đang trong tư thế chuẩn bị phải giao đất lại cho dự án khu công nghệ cao của TP.HCM.

Cách đây gần 4 tháng, khu nhà cổ còn có 6 căn, tuổi thọ đều gần 200 năm tuổi, nhưng hiện chỉ còn 4 căn và cũng không biết sẽ tồn tại được bao lâu vì đang nằm trong diện giải tỏa. Hai căn đã mất, một của bà Dương Thị Sáu bán hồi tháng 4/2009 với giá 200 triệu đồng, căn còn lại của bà Nguyễn Thị Đồng bị con cháu bán chia nhau đi tứ tán.

Posted Image

Hơn 150 năm, bằng tuổi đình Tăng Phú gần đó, nhưng ngôi nhà của ông Thời có nguy cơ bị giải tỏa

Ông Huỳnh Hữu Thời - thế hệ thứ ba trong căn nhà cổ hơn 150 năm tuổi, số 14/176 khu phố 3, phường Tăng Nhơn Phú A cho biết: "Ông nội tôi bảo, ngay sau khi đình Tăng Phú được xây xong, ông mời nhóm thợ này về dựng căn nhà. Tuổi ngôi nhà tôi giờ cũng bằng tuổi ngôi đình ngoài kia".

Trong bốn ngôi nhà cổ còn lại ở khu phố 3, nhà ông Thời được gìn giữ tốt nhất. Tuy nhiên, một phần nhà cũng đã được gia cố tạm thời bằng bê tông vì không trùng tu kịp thời theo đúng quy cách. Câu đối chạm khắc trên gỗ đã bị dỡ xuống do phải sơn lại vì bị mối mọt lâu ngày làm hư hại nặng.

Ngôi nhà của ông Nguyễn Minh Chính ở số 14/182 lớn nhất trong khu đang trong trình trạng xuống cấp một cách đáng ngại. Ngói âm dương của ngôi nhà rơi khỏi mái, chất chồng ngổn ngang. Phía nhà sau, chủ nhà cho thuê làm nơi đóng canô. Quanh nhà, vẫn còn dấu tích của một khu vườn được chăm chút kỹ lưỡng trong quá khứ nhưng giờ đây cỏ mọc ngút ngàn.

Posted Image

Nhà của ông Nguyễn Minh Chính rệu rã

Trên tường nhà, chỉ còn thấp thoáng một vài hoa văn, còn hầu hết đã phai màu, rêu bám. Mái nhà bị mối bám dày. Ông Nguyễn Minh Chính than thở: "Anh em tôi rất muốn gìn giữ ngôi nhà của tổ tiên, nhưng nó đang nằm trong diện bị giải tỏa để xây dựng khu công nghệ cao. Chúng tôi chưa biết làm thế nào cả".

Ngôi nhà số 33/2 của anh em ông Đặng Thanh Hải và Đặng Thanh Hà cũng có số phận bi đát không kém. Ông Hải cho biết: "Ngày xưa dòng họ Đặng và dòng họ Nguyễn, tức gia đình tôi và gia đình ông Minh Chính cùng nhau mời thợ từ Huế vào để xây dựng khu nhà này. Chúng tôi buộc phải di dời tới nơi định cư mới nhưng chưa biết sẽ ở đâu. Bốn đời dòng họ tôi đã sống trong căn nhà này. Nghĩ mà thấy có lỗi với tổ tiên".

Ngôi nhà nằm ngay phía sau nhà họ Đặng là của ông Lê Xuân Hảo, hiện được cho thuê và cũng đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng.

Trùng tu hay chờ giải tỏa?

Những khu vườn ở đây vẫn còn dấu ấn về một không gian của vùng đất lâu đời, nhưng không còn được chăm chút đã trở nên hoang tàn, heo hút. Con đường chính dẫn vào lầy lội. Bước vào đây, ít ai nghĩ rằng không bao lâu nữa nơi này sẽ mọc lên một khu công nghệ cao quy mô nhất nhì TP.HCM. Tuy nhiên, hiện tại, mọi thứ vẫn chưa có gì rõ ràng đối với chủ nhân những căn nhà cổ.

Posted Image

Cỏ hoang mọc um tùm bên một ngôi nhà cổ

Ông Huỳnh Hữu Thời cho biết: "Căn nhà là cái gốc của tổ tiên nên tôi rất muốn giữ lại. Khi biết nhà nằm trong diện giải tỏa, tôi làm đơn xin giữ nhưng đã gần hai năm qua vẫn chưa nhận được phản hồi. Mấy anh bên trung tâm di sản có xuống khuyến khích chúng tôi gìn giữ căn nhà, trong khi gia đình đã nhận quyết định giải tỏa nên tôi thật sự băn khoăn. Tôi chỉ mong giữ lại được ngôi nhà để con cháu còn biết mái nhà của cụ kị chúng".

Ông Nguyễn Minh Chính trầm ngâm: "Ngôi nhà của gia đình tôi đã xuống cấp, nhưng lại kẹt trong thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu trùng tu rồi mà bị giải tỏa thì hóa ra tốn công, của vô ích. Muốn giữ lại thì không có tư cách pháp nhân nào ngoài việc được công nhận di tích. Nhưng đến nay, dù nhà tôi đã được khảo sát một vài lần, vẫn chưa có công văn chính thức nào cho biết số phận của nó".

Posted Image

Ngôi nhà dòng họ Đặng của ông Hải và Hà bị bê tông hóa một phần

Hoang mang không biết nên làm gì, là tâm trạng chung của chủ nhân những căn nhà cổ nơi đây. Nhiều năm đã trôi qua từ khi vùng đất này nằm trong kế hoạch giải tỏa, nhưng ban quản lý khu công nghệ cao lẫn chính quyền địa phương vẫn chưa có câu trả lời chính thức giúp người dân... giải tỏa nỗi hoang mang.

Khu đất với đình làng Tăng Phú và những mái nhà cổ còn sót lại, vẫn còn vết tích xưa cũ, chứa đựng những giá trị văn hóa - lịch sử mà khó có một thứ lợi ích vật chất nào có thể bù đắp được.

Nếu bắt buộc phải giải tỏa, cần có kế hoạch di dời, tái tạo lại không gian văn hóa trên, để những chứng tích cuối cùng của đặc trưng kiến trúc nhà Việt xưa ở TP.HCM không bị hủy diệt cùng thời gian và tác động của hiện đại hóa.

Chưa có phương án bảo tồn

Ông Đào Văn Chương - Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích TP.HCM:

Khoảng thời gian từ 1992 đến 1993, Ban quản lý di tích trước đây có gửi thông báo đến Phòng văn hóa thông tin Q.9 đề nghị có trách nhiệm bảo vệ hai căn nhà của ông Huỳnh Hữu Thời và ông Nguyễn Minh Triết (bây giờ do ông Nguyễn Minh Chính, cháu ông Triết đang ở) trong khi chờ xếp hạng di tích.

Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa triển khai được vì nhiều yếu tố:

- Những ngôi nhà cổ này thuộc tài sản riêng của người dân. Thế nên, khi chúng ta làm chưa có quy chế cụ thể, chưa đạt được thỏa thuận về quản lý sau khi xếp hạng với chủ sở hữu những ngôi nhà cổ này. Riêng trường hợp ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Minh Chính, do nội bộ gia đình phức tạp, những đồ vật trong gia đình hầu như bị lấy đi, phân tán trong dòng họ. Nếu đạt được thỏa thuận bảo tồn thì chỉ còn có thể duy trì cấu trúc căn nhà đã là quý. Còn trường hợp nhà ông Huỳnh Hữu Thời, tôi có nghe nói đơn của ông đã được ghi nhận, nhưng đến nay vẫn chưa thấy Phòng văn hóa, thể thao và du lịch Q.9 đề cập.

- Những đơn vị lập dự án khu công nghệ cao đã thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong khi khảo sát. Theo nguyên tắc, khi đụng đến một địa điểm có dấu hiệu là di tích, chứ đừng nói là đã hiện diện, thì phải làm việc thật kỹ với địa phương. Xoay xở thế nào ra phương án tốt nhất để có thể bảo tồn không gian di tích. Công việc này ít được các đơn vị lập dự án làm đúng. Chúng tôi chưa nhận được công văn nào từ dự án khu công nghệ cao về việc bảo tồn di tích trong khu vực xây dựng dự án để có phương án bảo tồn.

•Bài, ảnh: Lê Tám

Nguồn: vietnamnet.vn

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay